Tin Biển Đông – 05/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 05/10/2018

Tin nói Hải quân Mỹ

muốn phô diễn sức mạnh cảnh cáo Trung Quốc

Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ soạn văn kiện mật đề nghị tiến hành một cuộc phô diễn lực lượng trên toàn cầu nhằm cảnh cáo Trung Quốc và chứng tỏ Washington sẵn sàng chặn đứng và đáp trả bất kỳ hành động quân sự nào của Bắc Kinh, CNN đưa tin dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ.

Dự thảo đề nghị từ Hải quân khuyến nghị Hạm đội Thái Bình Dương tiến hành một loạt các hoạt động kéo dài một tuần lễ trong tháng 11 tới. Mục tiêu nhằm thực hiện những cuộc tập trận tập trung cao độ có sự tham gia của tàu chiến, máy bay và binh sĩ tác chiến để chứng tỏ rằng Mỹ có thể lập tức phản công kẻ thù trên nhiều mặt trận.

Theo kế hoạch đề nghị, tàu chiến và máy bay chiến đấu sẽ được triển khai thực hiện chiến dịch tự do hàng hải gần vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng như tại eo biển Đài Loan để chứng tỏ quyền tự do lưu thông trên các vùng biển quốc tế. Đề nghị này cũng đồng nghĩa với việc cho tàu và máy bay Mỹ hoạt động ‘áp sát’ lực lượngTrung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng được CNN dẫn lời nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không có ý định giao chiến với Trung Quốc, và kế hoạch này mới chỉ ở dạng “ý tưởng”.

Tin về kế hoạch đề nghị này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ngũ Giác Đài tố cáo một tàu chiến Trung Quốc có hành vi “không an toàn” khi tiếp cận tàu khu trục USS Decatur của Hoa Kỳ tại khu vực quần đảo Trường Sa. Theo cựu sĩ quan hải quân Carl Schuster, hai con tàu nặng 8.000 tấn thiếu chút nữa đã va chạm khi chỉ cách nhau có 41 mét.

Dù thời gian đề nghị diễn ra cuộc tập trận do quân đội khởi xướng, nhưng tiến hành vào tháng 11 khi diễn ra kì bầu cử giữa kì tại Mỹ có thể có những tác động chính trị đối với chính quyền của Tổng thống Trump nếu như Trung Quốc quyết định thách thức sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Các quan chức Bộ Quốc phòng tiết lộ với CNN rằng Bộ trưởng Jim Mattis cùng với tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, sẽ cân nhắc những tác động ngoại giao của mỗi chiến dịch, đồng thời tính toán những rủi ro có thể gặp phải do việc thay đổi đột ngột kế hoạch triển khai quân, và liệu nó có làm suy yếu sự hiện diện quân sự của Mỹ tại một vài khu vực khác, ví dụ như Trung Đông hay không.

Lầu Năm Góc cũng như phía Hải quân Hoa Kỳ vẫn chưa ra bất kì bình luận gì về kế hoạch đề nghị này. VOA chưa thể xác minh tính xác thực của bản dự thảo mà CNN đưa tin.

https://www.voatiengviet.com/a/tin-noi-hai-quan-my-muon-pho-dien-suc-manh-canh-cao-trung-quoc/4600337.html

 

GS. Carl Thayer chỉ rõ hành động nguy hiểm chưa từng có

của TQ với tàu chiến Mỹ ở Biển Đông

Động thái của Trung Quốc rõ ràng có ý thể hiện nước này sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ các yêu sách chủ quyền ngang ngược và phi lý của họ ở Biển Đông.

Tàu chiến Trung Quốc chỉ cách tàu khu trục Mỹ khoảng cách 40m. Ảnh: CNN.

Khi điều một tàu khu trục đối đầu với tàu chiến Mỹ ở Biển Đông hôm Chủ nhật, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố rõ ràng và có tính toán rằng, Bắc Kinh sẽ không nhún nhường trước những thách thức từ phía Washington.

Sự việc xảy ra khi tài khu trục lớp Luyang của Trung Quốc chỉ cách tàu khu trục Mỹ USS Decatur khoảng 41m khi tàu này đang tiến hành tuần tra ở gần đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Washington đã mô tả hành động của phía tàu Trung Quốc và “thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp”.

“Theo các quy định thông thường nhằm đảm bảo an toàn hàng hải, không bao giờ các tàu lại áp sát nhau ở một khoảng cách gần như vậy”, Collin Koh, nhà nghiên cứu Singapore nhận định.

“Hành động này của tàu chiến thuộc lực lượng Hải quân Trung Quốc là một hành động có tính toán và có chủ đích”, nhà nghiên cứu Singapore khẳng định. Cũng theo ông Koh, Trung Quốc đã xây dựng năng lực hải quân vững vàng và sẵn sàng phô trương sức mạnh trong khu vực.

Việc tàu chiến Mỹ và Trung Quốc suýt va nhau ở gần đá Gaven diễn ra mặc dù hai nước đã ký kết một bộ quy tắc ứng xử phòng ngừa những va chạm bất ngờ trên biển năm 2014.

Vụ va chạm chỉ được ngăn chặn khi tàu khu trục Mỹ USS Decatur chuyển hướng ra xa khỏi tàu Trung Quốc.

GS Carl Thayer, Đại học New South Wales, Australia cho biết, động thái của Trung Quốc rõ ràng có ý thể hiện nước này sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ các yêu sách chủ quyền ngang ngược và phi lý của họ ở Biển Đông.

“Mọi cuộc tuần tra hoạt động tự do hàng hải đều bị các tàu và máy bay Trung Quốc yêu cầu rời khỏi khu vực nhưng chưa bao giờ áp sát gần hay có động thái nguy hiểm như vậy”, ông Thayer nói.

Trung Quốc đang đưa ra tín hiệu rằng, “chúng tôi có chủ quyền” mặc dù không ai chấp nhận điều đó, GS Thayer cho hay.

Zhang Jie, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc phản ứng một cách hiếu chiến hơn bình thường có thể vì áp lực ngày càng tăng ở Biển Đông, không chỉ từ Mỹ mà còn từ Anh và Nhật Bản, các quốc gia cũng vừa có cuộc tập trận ở khu vực.

Trong bối cảnh căng thẳng có thể tiếp tục leo thang, CNN hôm 4/10 đã dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã lập kế hoạch biểu dương lực lượng lớn, nằm trong hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Kế hoạch dự thảo của Hải quân Mỹ đề xuất Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tiến hành một loạt hoạt động trong vòng 1 tuần lễ vào tháng 11.

Mục tiêu là tổ chức một loạt tập trận tập trung với các tàu chiến, máy bay chiến đấu và binh lính để thể hiện rằng Mỹ có thể đối phó với các đối thủ tiềm tàng một cách nhanh chóng trên vài mặt trận.

http://biendong.net/diem-tin/24003-gs-carl-thayer-chi-ro-hanh-dong-nguy-hiem-chua-tung-co-cua-tq-voi-tau-chien-my-o-bien-dong.html

 

Giải mã kế hoạch mới của Mỹ

ngăn TQ xây đảo ở Biển Đông

Theo đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) của Mỹ, phân bổ chi tiêu quốc phòng trong năm tài khóa 2019 sẽ giúp Mỹ có thể phản ứng mạnh hơn trước hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông.

Được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 1/8 và được Tổng thống Donald Trump ký ngày 13/8, NDAA gồm nhiều biện pháp, trong đó có việc cho phép Lầu Năm Góc công khai hơn về các hoạt động áp đặt của Trung Quốc.

Theo tác giả Zachary Haver trong một bài viết trên tạp chí National Interest, mục 1262 của NDAA yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng “ngay lập tức” gửi báo cáo tới Quốc hội và người dân tiếp sau “Trung Quốc có bất kỳ hành động cải tạo [đất đai], khẳng định yêu sách lãnh thổ quá đáng hay hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông”.

Chuyên gia Ely Ratner cho rằng, “việc thiếu thông tin minh bạch về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã cản trở sự phối hợp của khu vực và tiếp sức cho Trung Quốc thực hiện những bước đi củng cố quyền kiểm soát”.

Theo tác giả Zachary Haver, xem xét đồng thời hành vi của Trung Quốc và cuộc đối thoại của Mỹ về Biển Đông, các báo cáo được NDAA ủy nhiệm sẽ là những yếu tố làm thay đổi cuộc chơi nếu được thực hiện một cách hiệu quả. Việc nắm quyền kiểm soát sẽ giúp Washington tái thu hút sự quan tâm của công chúng vào các cuộc tranh chấp, đoàn kết các đối tác khu vực và gây sức ép lên Trung Quốc.

Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bắt đầu vào giữa thế kỷ 20, nóng lên vào những năm 1970 và 1980. Sau một thời gian tương đối bình ổn đầu thập niên 2000, căng thẳng gia tăng đột biến từ năm 2009 trở lại đây. Kể từ 2014, Trung Quốc lắp đặt các cơ sở radar, đường băng, các công trình để chứa tên lửa, và thiết bị gây nhiễu quân sự trên các đảo nhân tạo.

Mới đây nhất, vào ngày 2/5/2018, một bản tin của CNBC cho biết Trung Quốc đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất-đối-không HQ-9B trên Bãi đá Chữ thập, Đá Subi… thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đáp trả những diễn tiến kể trên, Mỹ đã hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả quyết định này là “phản ứng bước đầu”. Và giờ đây, với NDAA năm tài khóa 2019 được thông qua, dư luận sẽ chứng kiến nhiều hành động tiếp theo của Mỹ.

Gần đây, tình trạng gia tăng bất ổn đã khiến Mỹ can thiệp trực tiếp hơn vào Biển Đông. Tại một cuộc họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hồi tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ sẵn sàng đóng một vai trò trung gian trực tiếp trong các tranh chấp – một sự chuyển hướng chính sách quan trọng. Những năm sau đó, Mỹ thực hiện nhiều bước tiến, trong đó có nâng cấp quan hệ đối tác quốc phòng với Philippines, bỏ lệnh cấm mua vũ khí sát thương đối với Việt Nam, và tăng cường quan hệ với ASEAN.

Từ tháng 10/2015, Hải quân Mỹ đã tiến hành một số Chiến dịch Tự do Hàng Hải (FONOP) ở Biển Đông để thách thức các dự án cải tạo đảo của Trung Quốc. Tuy nhiên, như đã thấy trong vài năm qua, FONOP không thể ngăn được Trung Quốc tăng cường quân sự với tốc độ nhanh, như mục đích đã đặt ra.

Phản ứng của Mỹ đối với thực trạng ở Biển Đông nhận được sự chú ý lớn. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng cũng khiến người dân nước này quan tâm hơn. Mức độ bao phủ tin tức về Biển Đông trên các tờ báo Mỹ tăng từ 239 bài dạng “thời sự ” năm 2009 lên tới 4.061 bài năm 2016.

Cũng như truyền thông, các chính trị gia Mỹ chú ý hơn tới những tranh chấp ở Biển Đông. Các ứng viên tranh cử của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tranh luận về Biển Đông lần đầu tiên trong vòng bầu cử tổng thống 2016.

Tuy nhiên, mức độ quan tâm có vẻ giảm đi sau đó. Chỉ 2.245 bài báo nhắc đến Biển Đông trong năm 2017. Xu hướng này dường như tiếp tục trong năm 2018.

Mục 1262 của NDAA sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảo chiều xu hướng đáng lo ngại này. Washington cần có sự ủng hộ của người dân Mỹ. Nếu bằng chứng về sự áp đặt của Trung Quốc được giấu kín thì người Mỹ sẽ có rất ít lý do để ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn và có thể là rủi ro hơn.

Washington cũng cần sự hỗ trợ của các đối tác trong khu vực và người dân ở những nước đó.

Ngoài ra, NDAA còn trao cho Washington một cơ hội đối phó với những hành động viện cớ của Trung Quốc. Chẳng hạn, Bắc Kinh thường phản ứng trước những chỉ trích bằng cách cáo buộc Mỹ quân sự hóa và viện cớ các bên tranh chấp cũng có những hành xử tương tự..

http://biendong.net/bi-n-nong/24002-giai-ma-ke-hoach-moi-cua-my-ngan-tq-xay-dao-o-bien-dong.html

 

Đòn nắn gân Mỹ của TQ

sau cú cắt mặt tàu chiến ở Trường Sa

Tàu chiến Trung Quốc hành động quyết liệt bất ngờ, dường như để phát tín hiệu mạnh tới Mỹ sau một loạt căng thẳng song phương.

Tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ hôm 30/9 tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) được Mỹ thường xuyên thực hiện trong nhiều năm qua theo quy định của luật pháp quốc tế, đồng thời nhằm phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, trong chuyến tuần tra này, tàu chiến Mỹ đã gặp phải phản ứng bất ngờ từ phía Trung Quốc, khi tàu khu trục Lan Châu lớp Type-052C được triển khai, áp sát tàu chiến Mỹ đến mức suýt va chạm. Giới phân tích cho rằng phản ứng bất thường này phát đi thông điệp mạnh của Trung Quốc tới Mỹ, không chỉ trong vấn đề Biển Đông, theo USNI.

“Không hạm trưởng nào của tàu chiến Trung Quốc có thể tự ý cho tàu áp sát khu trục hạm Decatur ở khoảng cách 41 mét mà không có lệnh từ cấp trên”, Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói. “Khó có khả năng sự kiện này xảy ra mà không có sự phê chuẩn từ cấp cao nhất, đó là Chủ tịch Tập Cận Bình”.

Bà Glaser ban đầu tỏ ra bất ngờ trước phản ứng mạnh như vậy của tàu chiến Trung Quốc. Trong những lần Mỹ thực hiện chiến dịch FONOP trước đây, hải quân Trung Quốc thường chỉ điều tàu bám theo từ khoảng cách xa và phát tín hiệu xua đuổi.

Theo bà, đá Ga Ven chỉ là một bãi cạn nửa nổi nửa chìm nhỏ, đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại đây cũng có quy mô nhỏ và không có nhiều giá trị chiến lược. Bởi vậy, việc Bắc Kinh có “phản ứng mạnh nhất từ trước tới nay” đối với hoạt động FONOP của tàu chiến Mỹ cho thấy đã có sự thay đổi trong tính toán của nước này.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm 2/10 ra tuyên bố cho rằng việc Mỹ nhiều lần đưa tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã “hủy hoại nghiêm trọng quan hệ giữa quân đội hai nước và làm xói mòn hòa bình, ổn định khu vực”. Ngô Khiêm tuyên bố quân đội Trung Quốc “phản đối quyết liệt những hành động như vậy”.

Hải quân Mỹ hôm 1/10 công bố loạt ảnh chụp, cho thấy tàu Lan Châu thực hiện một loạt động tác cơ động áp sát rồi vượt lên theo kiểu “cắt mặt”, buộc tàu chiến Mỹ phải chuyển hướng để tránh va chạm sau hành động “nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp” của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Ngô Khiêm lại mô tả sự kiện này là tàu khu trục Trung Quốc chỉ tiến hành “thủ tục nhận dạng và xác thực theo luật, rồi cảnh báo tàu Mỹ rời đi”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc không đả động gì tới thông tin hai tàu có lúc chỉ cách nhau 41 mét.

“Các quy tắc tiếp cận và giao chiến (ROE) của Trung Quốc thường do Quân ủy Trung ương quyết định, nên Chủ tịch Tập Cận Bình rõ ràng có vai trò trong việc phê chuẩn những quy tắc này”, Glaser nói. Bà khẳng định cuộc chạm trán trên Biển Đông hôm 30/9 cho thấy Trung Quốc đã có thay đổi trong quy tắc ROE của mình.

“Theo quy tắc trước đây, tàu Trung Quốc chỉ bám theo tàu Mỹ, không tiến tới ở khoảng cách quá gần. Phía Trung Quốc chỉ phản hồi khi đối phương chủ động liên lạc”, Glaser cho biết. “Nhưng giờ đây, có vẻ như những quy tắc ROE đó đã bị vứt qua cửa sổ”.

Nhưng tại sao Trung Quốc lại thay đổi quy tắc ROE của mình vào đúng thời điểm này, khi tàu Decatur băng qua phạm vi 12 hải lý của một thực thể không quá quan trọng về mặt chiến lược? Glaser cho rằng cách hành xử quyết liệt bất ngờ của tàu chiến Trung Quốc có liên quan rất lớn tới nỗi bất bình gần đây của Bắc Kinh với Washington, liên quan đến căng thẳng trong vấn đề thương mại, thỏa thuận mua bán vũ khí và quan hệ với Đài Loan.

Vị trí các bãi đá bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đồ họa: Thư viện Quốc hội Mỹ.

Vị trí các bãi đá bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đồ họa: Thư viện Quốc hội Mỹ.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được coi là nồng ấm khi Tổng thống Donald Trump mới lên nắm quyền và lãnh đạo hai nước có các chuyến thăm cấp cao trong năm 2017. Tuy nhiên, mối quan hệ đó bắt đầu trở nên căng thẳng khi Mỹ thông qua Đạo luật thăm Đài Loan và vấp phải phản ứng quyết liệt từ Trung Quốc.

Đến giữa năm nay, hai nước bước vào cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt với các đòn áp thuế kiểu “ăn miếng trả miếng”, khi chính quyền Trump quyết tâm giáng đòn nặng nề về kinh tế để buộc Trung Quốc thay đổi hoạt động thương mại của mình. Bắc Kinh quyết không chịu nhượng bộ và tuyên bố sẽ không bị “tống tiền” trong lĩnh vực thương mại.

Khi căng thẳng thương mại lên đến cao trào, Mỹ bồi thêm một đòn nữa với Trung Quốc, khi quyết định trừng phạt một đơn vị quân đội nước này vì hợp đồng mua tên lửa S-400 và tiêm kích Su-35 của Nga. Bắc Kinh cảnh báo Washington sẽ “gánh chịu hậu quả” nếu không rút lại lệnh trừng phạt này.

“Cách hiểu duy nhất cho sự thay đổi này là phía Trung Quốc quyết định tận dụng cơ hội đó để phát tín hiệu tới chính quyền Trump, và tôi coi đây là bằng chứng cho thấy căng thẳng song phương đang giống như vệt dầu loang từ lĩnh vực này tới lĩnh vực khác”, bà nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như cũng đã tính toán rất kỹ để thông điệp phát đi đủ mạnh nhưng không làm bùng phát phản ứng quyết liệt từ phía Mỹ. Tàu Lan Châu nhiều khả năng đã kiên nhẫn đợi khu trục hạm Decatur sắp kết thúc hành trình tuần tra FONOP của mình rồi mới ra mặt can thiệp và cản trở. Sau khi bị áp sát ở khoảng cách nguy hiểm, tàu Decatur đã chuyển hướng khỏi khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp và kết thúc hành trình tuần tra của mình.

Tàu khu trục Lan Châu (phải) diễn tập cùng một chiến hạm khác của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 15/5/2017. Ảnh: PLA Daily.

Tàu khu trục Lan Châu (phải) diễn tập cùng một chiến hạm khác của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 15/5/2017. Ảnh: PLA Daily.

Theo Glaser, nếu tàu Lan Châu ra mặt cản trở chiến hạm Mỹ ngay từ đầu chiến dịch FONOP, sự việc có thể đã diễn tiến hoàn toàn khác. Khi đó, hạm trưởng tàu Decatur sẽ phải đối mặt với quyết định tiếp tục di chuyển và chấp nhận nguy cơ va chạm với tàu Trung Quốc, hoặc buộc phải ra lệnh hủy bỏ chiến dịch FONOP, động thái sẽ bị coi là sự nhượng bộ của Washington trước Bắc Kinh.

“Tập Cận Bình không muốn bị coi là yếu đuối, ông ấy muốn được nhìn nhận như một lãnh đạo bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, đó là thông điệp họ muốn truyền đi khi cản trở hoạt động FONOP của Mỹ”, chuyên gia này nói. “Nhưng nguy cơ va chạm từ những hành động đó là rất lớn. Đó là một trò chơi rất nguy hiểm”.

Teddy Ng, bình luận viên của SCMP, cũng cho rằng những động thái như vậy của tàu chiến Trung Quốc, dù được chỉ đạo ở cấp độ nào, cũng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tính toán sai lầm, nhất là khi hoạt động trên vùng biển phức tạp. Tính toán sai lầm từ thủy thủ Trung Quốc hoặc Mỹ trong những lần chạm trán như vậy có thể gây ra va chạm, thương vong, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng vượt tầm kiểm soát, thậm chí là một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

http://biendong.net/bi-n-nong/23983-don-nan-gan-my-cua-tq-sau-cu-cat-mat-tau-chien-o-truong-sa.html

 

Biển Đông Dàn Trận Để Thị Uy

BIỂN ĐÔNG — Vậy là sóng gió… Bản tin Zing ghi nhận rằng nhà nước Việt Nam chính thức lên tiếng về cuộc tập trận của 5 nước ở Biển Đông.

Bản tin ghi rằng tại cuộc họp báo ngày 4/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi về việc quân đội 5 nước tập trận chung tại Biển Đông.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc quân đội 5 nước Australia, Malaysia, New Zealand, Singapore và Anh tập trận chung tại Biển Đông từ ngày 2/10, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Chúng tôi luôn theo dõi sát sao các diễn biến trên Biển Đông. Một lần nữa xin nhắc lại việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích vừa là trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Quan điểm của Việt Nam là mọi hoạt động của các nước ở Biển Đông phải đóng góp tích cực vào mục tiêu trên với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về luật biển 1982.”

Trong khi đó, bản tin RFI nhận xét tình hình Biển Đông: Hải Quân Mỹ lên kế hoạch thị uy để cảnh cáo Trung Quốc.

Sau những hoạt động riêng lẻ nhằm thách thức Trung Quốc trên Biển Đông, phải chăng Mỹ sắp tung ra cả một chiến dịch thị uy rầm rộ? Theo đài truyền hình Mỹ CNN ngày 03/10/2018, Hải Quân Hoa Kỳ đã lên kế hoạch tổ chức một tuần thao diễn quân sự tại Biển Đông và eo biển Đài Loan, ngay vào tháng 11, huy động đồng thời cả chiến hạm lẫn chiến đấu cơ.

Mục tiêu của cuộc thao diễn là phô trương lực lượng để cảnh cáo Trung Quốc và chứng tỏ rằng Mỹ luôn ở trong tư thế sẵn sàng ngăn chặn và đáp trả các hành động quân sự của Bắc Kinh.

Theo một số quan chức quốc phòng Mỹ được CNN trích dẫn, dự thảo kế hoạch yêu cầu Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ điều động chiến hạm, phi cơ và binh lính thực hiện một loạt các cuộc tập trận để chứng tỏ năng lực của Hoa Kỳ trong việc đối phó với bất kỳ một đối thủ tiềm tàng nào một cách nhanh chóng và trên nhiều mặt trận.

Theo kế hoạch này, tầu chiến và phi cơ Mỹ sẽ di chuyển gần các vùng mà Trung Quốc nhận là lãnh hải của họ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, trong những chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và hàng không nhằm

khẳng định quyền tự do đi lại trên các vùng biển quốc tế. Theo CNN, có nghĩa là tàu thuyền và máy bay Mỹ sẽ hoạt động gần như là sát cạnh lực lượng Trung Quốc.

Điều được CNN đặc biệt chú ý là các hoạt động nêu trên đều đã được lực lượng Mỹ thực hiện thường xuyên, lần này, kế hoạch đề xuất lại yêu cầu dồn một loạt hoạt động trong một thời gian ngắn.

CNN cũng nói rõ là một quan chức cho rằng kế hoạch chỉ mới ở dạng «ý tưởng», trong lúc một số khác thì xác nhận là kế hoạch đã được đặt tên hẳn hoi, và đang được lưu hành trong nội bộ Quân Đội Mỹ để xem xét và cần thêm ý kiến từ giới tình báo về các phản ứng có thể từ phía Bắc Kinh và các nước khác.

RFI ghi rằng Bộ Quốc Phòng Mỹ từ chối xác nhận hay phủ nhận kế hoạch này, nhắc lại rằng bộ Quốc Phòng Mỹ không bình luận về bất kỳ chiến dịch nào trong tương lai. Hạm Đội Thái Bình Dương cũng từ chối bình luận.

Tuy nhiên, giới quan sát đều gắn liền đề xuất của Hải Quân Mỹ với tình hình rõ ràng là đang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh kể cả trong địa hạt quân sự, đặc biệt là sự cố 30/09 khi một chiến hạm Trung Quốc bị tố cáo là đã gây nguy hiểm cho khu trục hạm Mỹ USS Decatur ở gần Đá Ga Ven, vùng Trường Sa.

Hành vi nguy hiểm nói trên của Trung Quốc được chính phó tổng thống Mỹ Mike Pence lên án ngày 03/10/2018 trong bài phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Hudson (Washington) khi ông khẳng định rằng Mỹ sẽ không để bị Trung Quốc đe dọa tại Biển Đông.

Theo hãng tin Anh Reuters, trong phát biểu của mình ông Pence tái khẳng định quan điểm của Washington, theo đó «Hải Quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục di chuyển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, phù hợp với lợi ích quốc gia».

Ngoài việc hồ sơ Biển Đông, phó tổng thống Mỹ còn chỉ trích Trung Quốc trên một loạt hồ sơ khác, từ o ép Đài Loan, cho đến giăng bẫy nợ đối với với các nước khác.

Tương tự, chính phủ Úc đã lên án «chiến thuật hung hăng» của Trung Quốc ở Biển Đông: bộ trưởng Úc cho rằng phía Trung Quốc đã dùng chiến thuật nguy hiểm trong sự cố Ga Ven. Đối với ông, «Mọi hành động đe dọa và các chiến thuật hung hăng đều là hành vi gây bất ổn và nguy hiểm».

Sau khi nhắc lại rằng Canberra luôn quan ngại về các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, bộ trưởng Quốc Phòng Úc kêu gọi «tất cả những bên tranh chấp tự kềm chế, không có các hành vi đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực».

https://vietbao.com/p124a286128/bien-dong-dan-tran-de-thi-uy

 

Phó tổng thống Mike Pence:

Hoa Kỳ sẽ không để bị Trung Cộng đe dọa tại Biển Đông

Washington DC – Vào Thứ Năm (ngày 4 tháng 10), tại Viện Nghiên Cứu Hudson ở Washington, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence đã đưa ra một lời khuyến cáo cho Trung Cộng là  Hoa Kỳ sẽ không để bị đe dọa trước những hành động hiếu chiến của Trung  Cộng tại Biển Đông.

Theo Reuters nhận định, ông Pence đề cập đến sự kiện tàu khu trục USS Decatur của Hoa Kỳ đã bị chiến hạm của Trung Cộng chặn đầu một cách nguy hiểm khi đến gần khu vực quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông, buộc tàu của Hoa Kỳ phải chuyển hướng để tránh va chạm.

Ông Pence cho biết hành động quấy rối một cách liều lĩnh của Trung Cộng sẽ không thể ngăn chận Hải Quân Hoa Kỳ hoạt động ở những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép và phù hợp với nhu cầu của Hoa Kỳ. Ông Pence nhấn mạnh “Hoa Kỳ sẽ không lùi bước.”

Việc tàu Decatur di chuyển khu vực Biển Đông là hành động mới nhất của Hoa Kỳ nhằm đáp trả những nỗ lực hạn chế quyền tự do hàng hải tại khu vực này của Trung Cộng.

Bên cạnh đó, ông Pence  cáo buộc Trung Cộng đã thuyết phục ba nước châu Mỹ Latin cắt đứt quan hệ với Đài Loan và công nhận Trung Cộng. Ông Pence cũng chỉ trích việc Trung Cộng sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để mở rộng tầm ảnh hưởng. Chính vì 5 tỷ mỹ kim tài trợ của Trung Cộng, mà chế độ tham nhũng của ông Maduro tại Venezuela kéo dài.

Trong bài phát biểu, ông Pence còn đề cập đến việc Trung Cộng đang tận dụng những mâu thuẫn giữa chính quyền liên bang và địa phương để gia tăng ảnh hưởng chính trị của Trung Cộng tại Hoa Kỳ. Ông Pence cũng đưa ra lập luận rằng các viên chức Trung Cộng đang cố gắng gây ảnh hưởng đến các thương gia, khiến họ từ bỏ việc làm ăn với Hoa Kỳ. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/pho-tong-thong-mike-pence-hoa-ky-se-khong-de-bi-trung-cong-de-doa-tai-bien-dong/