Tin khắp nơi – 05/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 05/10/2018

Tối Cao Pháp Viện Mỹ :

Kavanaugh được FBI « minh oan »

Tú Anh

Thượng Viện Mỹ chuẩn bị giai đoạn cuối trong thủ tục bầu Brett Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện sau khi tham khảo báo cáo của FBI ngày 04/10/2018. Theo các Thượng nghị sĩ Cộng Hoà, kết quả điều tra đã « minh oan » cho vị thẩm phán bị cáo buộc là một kẻ rượu chè và thiếu tư cách đối với nữ giới lúc còn đi học.

Từ San Francisco, thông tín viên Eric De Salve tường thuật :

“Bản báo cáo của FBI về những cáo buộc thẩm phán Brett Kavanaugh sách nhiễu tình dục, đúng như quy định, đã không được công bố. Nhà Trắng đọc trước báo cáo này hôm Thứ Tư, ngày hôm sau đến lượt Thượng Viện.

Để tránh mọi rò rỉ, FBI chỉ nộp một bản duy nhất để tham khảo trong một văn phòng cửa đóng kín. Sau khi tham khảo xong, phe Cộng Hoà cảm thấy vững tin hơn trong khi các đồng nhiệm Dân Chủ thất vọng.

Theo tuyên bố của thượng nghị sĩ Chuck Grassley, chủ tịch Ủy ban tư pháp, cuộc điều tra không tìm thấy một bằng chứng nào cho phép nghi ngờ thẩm phám Kavanaugh có tác phong sai trái.

Thượng nghị sĩ Jeff Flake, người đã tỏ ra dè dặt và đề nghị dời ngày biểu quyết chờ FBI điều tra, nay cũng thẩm định bản báo cáo đầy đủ và tỉ mỉ. Trái lại, phe Dân Chủ chỉ trích cuộc điều tra thiếu sót, chỉ có vài hôm và không thẩm vấn các nhân chứng quan trọng. Nữ thượng nghị sĩ Dianne Feinstein bình luận : điều đáng chú ý trong bản phúc trình không phải là những việc được ghi ra mà là những thông tin không được nói đến. Nghị sĩ bang California tố cáo Nhà Trắng ngăn chận, không cho phổ biến một số tài liệu.

Tuy chỉ có đa số ít ỏi tại Thượng Viện, Nhà Trắng tuyên bố rất tin tưởng vào kết quả bỏ phiếu, dự trù bầu sơ bộ trong ngày Thứ Sáu và biểu quyết chung cuộc vào ngày Thứ Bảy 06/10/2018.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181005-toi-cao-phap-vien-my-kavanaugh-duoc-fbi-%C2%AB-minh-oan-%C2%BB

 

Thượng Viện chuẩn thuận ông Brett Kavanaugh

với tỉ lệ 51/49, hàng ngàn người biểu tình phản đối

Washington, DC – Tin mới nhận được, vào sáng Thứ Sáu 5 tháng 10, Thượng Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chuẩn thuận ứng cử viên Brett Kavanaugh vào vị trí Thẩm phán tại Tối cao Pháp viện, với tỉ lệ 51/49. Kỳ bỏ phiếu  xác nhận sau cùng dự kiến sẽ diễn ra vào Thứ Bảy.

Tuy nhiên, ngày bỏ phiếu sau cùng có thể bị gián đoạn, do văn phòng Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Steve Daines thông báo ông Daines sẽ dự đám cưới của con gái ở Montana vào thứ Bảy, nên không thể tham gia bỏ phiếu. Hiện nay, Đảng Cộng Hòa chỉ chiếm đa số với tỷ lệ 51-49 ở Thượng viện. Do đó, nếu ông Daines vắng mặt, và tất cả thành viên đảng Dân Chủ đều bỏ phiếu chống, thì tất cả các thượng nghị sĩ Cộng Hòa còn lại phải đồng ý phê chuẩn ông Kavanaugh. Tính đến thời điểm hiện tại, không có thượng nghị sĩ Cộng Hòa lên tiếng bỏ phiếu chống ông Kavanaugh. Nhưng có đến bốn thượng nghị sĩ Cộng Hòa là Jeff Flake, Susan Collins, Lisa Murkowski và Cory Gardner có vẻ không ủng hộ ông Kavanaugh.

Vào Thứ Năm, Tòa Bạch Ốc đã gửi bản báo cáo của FBI cho Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Sau khi đọc báo cáo, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Susan Collins cho rằng FBI đã điều tra kỹ lưỡng. Trong khi đó, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Jeff Flake cho biết dù chưa đọc hết, nhưng ông không phát hiện thông tin chống lại ông Kavanaugh. Phía đảng Dân Chủ cho rằng bản báo cáo chỉ là sự thanh minh với phạm vi điều tra hạn hẹp và thiếu các nhân chứng quan trọng.

Trong một diễn biến khác, hàng ngàn người phản đối ông Kavanaugh đã tập trung trước Tối cao Pháp viện và bên trong tòa nhà Thượng viện, mang theo các khẩu hiệu như Believe Survivors và Kava-Nope. Hàng trăm người biểu tình, trong đó có nữ tài tử Amy Schumer đã bị bắt giữ. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/thuong-vien-chuan-thuan-ong-brett-kavanaugh-voi-ti-le-51-49-hang-ngan-nguoi-bieu-tinh-phan-doi/

 

Mỹ: Hồi giáo cực đoan là đe dọa khủng bố hàng đầu

Các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan là mối đe dọa biên giới hàng đầu đối với Hoa Kỳ và các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Bolton tuyên bố ngày 4/10 trong lúc trình bày sách lược chống khủng bố của Mỹ vốn cũng chú trọng tới Iran.

Trong bài phát biểu, ông Bolton còn nhấn mạnh rằng Mỹ cũng đối mặt với các đe dọa từ Iran và cho biết mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump là buộc tất cả các nước nhập khẩu dầu thô của Iran ngưng đặt hàng từ nước này.

Hoa Kỳ có kế hoạch áp đặt chế tài mới lên lĩnh vực dầu của Iran ngày 4/10 nhằm chặn đứng sự can dự của Tehran vào các cuộc xung đột tại Iraq và Syria, đưa Iran tới bạn thương thuyết về chương trình phi đạn đạn đạo.

Ông Bolton, người cổ súy quyết định của Tổng thống Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran và tạo áp lực tối đa lên Tehran, cho rằng việc Mỹ tái áp đặt chế tài đang tạo áp lực lớn cho giới lãnh đạo Iran.

https://www.voatiengviet.com/a/my-hoi-giao-cuc-doan-la-de-doa-khung-bo-hang-dau/4600746.html

 

Mỹ truy tố 7 tình báo Nga

Hoa Kỳ ngày 4/10 truy tố 7 nhân viên tình báo Nga về tội âm mưu tấn công tin tặc và đánh cắp dữ liệu, kể cả âm mưu xâm nhập mạng lưới máy tính của công ty năng lượng hạt nhân Westinghouse.

Công ty Westinghouse cung cấp nhiên liệu, dịch vụ và thiết kế cơ xưởng cho khách hàng kể cả Ukraine.

Ba trong số bảy nghi can bị truy tố hôm nay còn dính líu tới vụ tấn công tin tặc gây ảnh hưởng bầu cử Mỹ 2016 và bị văn phòng Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller truy tố trong vụ án đó.

Các tin tặc này cũng tìm cách phá các tổ chức quốc tế chống doping, theo cáo trạng.

Các cáo trạng này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi nhà chức trách Hà Lan loan báo phá vỡ âm mưu của các đặc vụ tình báo Nga muốn tấn công tin tặc Tổ chức Cấm Võ khí Hóa học có trụ sở tại Hague hồi tháng tư.

Anh và Hà Lan từng tố cáo rằng Nga vận hành một chiến dịch tấn công mạng toàn cầu để gây phương hại các nền dân chủ trên thế giới.

Cáo trạng hôm nay không giải thích lý do tại sao công ty điện hạt nhân Westinghouse bị nhắm mục tiêu và cũng không cho biết các tin tặc có thành công trong âm mưu phá hoại đó hay không.

Bộ Tư pháp từ chối bình luận gì thêm ngoài nội dung đã nêu trong cáo trạng.

https://www.voatiengviet.com/a/my-truy-to-bay-tinh-bao-nga/4600750.html

 

Phó Tổng thống Mỹ: TQ tìm cách ‘phá’ Trump

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 04/10 leo thang chiến dịch gây áp lực Bắc Kinh khi tố cáo Trung Quốc hành động quân sự liều lĩnh ở Biển Đông và có những nỗ lực “nham hiểm” gây phương hại cho Tổng thống Trump trước cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng tới.

Trong bài diễn văn về chính sách, ông Pence tìm cách nhấn mạnh thêm phát biểu của ông Trump hồi tuần trước tại Liên hiệp quốc mà qua đó ôngTrump cáo buộc Trung Quốc tìm cách can thiệp vào bầu cử giữa kì ngày 6 tháng 11 tới đây. Cả nhân vật số một và số hai của nước Mỹ đều không đưa bất kì bằng chứng nào cho cáo buộc này.

Bài phát biểu của ông Pence tại Viện nghiên cứu Hudson đánh dấu đường lối tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, vượt trên cả cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và bao gồm những bất đồng trong vấn đề an ninh mạng, vấn đề Đài Loan, và quyền tự do hàng hải.

Ông Pence cho rằng Trung Quốc đang triển khai một chiến dịch gây ảnh hưởng tinh vi nhằm thay đổi cục diện cuộc bầu cử giữa kì theo hướng bất lợi cho đảng Cộng Hoà của Tổng thống Trump, để trả đũa những chính sách thương mại thù địch với Bắc Kinh.

“Trung Quốc đang can thiệp vào nền dân chủ của Hoa Kỳ,” Phó Tổng thống Pence nói, và gọi đây là “một chiến dịch toàn diện có phối hợp hầu làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Tổng thống, cho nghị trình của chúng ta, và cho những lý tưởng mà nước Mỹ trân quý nhất.”

Ông Pence còn cho rằng Bắc Kinh đã “huy động những nhân tố giấu mặt, các tổ chức bình phong, và các cơ quan tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của Mỹ về các chính sách của Trung Quốc”. Vẫn theo lời Phó Tổng thống Pence, các mức thuế của Bắc Kinh đánh lên hàng hóa Mỹ nhắm mục tiêu gây tổn hại cho các bangủng hộ Tổng thống Trump.

Những cáo buộc này gây lên thắc mắc liệu Tổng thống Trump và cộng sự có đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận khỏi cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 hay không. Đồng thời các cáo buộc vừa kể cũng mang Trung Quốc ra để đổ lỗi nếu đảng Cộng hòa của ông Trump mất quyền kiểm soát Quốc hội trong kỳ bầu cử sắp tới.

https://www.voatiengviet.com/a/pho-tong-thong-my-trung-quoc-tim-cach-pha-trump/4600325.html

 

Thẩm phán liên bang

cấm chính phủ Mỹ ngừng bảo vệ người nhập cư

Một thẩm phán liên bang ở California hôm 4/10 cấm chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiến hành một kế hoạch nhằm chấm dứt chương trình bảo vệ tạm thời hơn 300.000 người nhập cư vào Mỹ đến từ El Salvador, Haiti, Nicaragua và Sudan.

Thẩm phán Quận Edward M Chen ban hành lệnh cấm sơ bộ trong một vụ kiện của một số người nhập cư có tình trạng được bảo vệ tạm thời, gọi tắt là TPS.

TPS bảo vệ những người nhập cư đã ở trong nước Mỹ khỏi bị trục xuất, kể cả những người nhập cảnh bất hợp pháp từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xung đột dân sự và các vấn đề khác.

Thẩm phán Chen viết trong lệnh cấm: “Chính phủ không chứng minh được là người di dân “gây hại” trong trường hợp “hiện trạng (đã tồn tại trong suốt hai thập kỷ qua) vẫn được duy trì trong thời gian dẫn tới vụ kiện này”.

Thẩm phán Chen viết tiếp: “Ngược lại, các nguyên đơn và thân hữu đã chứng minh được một cách không thể chối cãi, rằng nền kinh tế địa phương và kinh tế quốc gia sẽ bị tổn hại nếu hàng trăm ngàn người thụ hưởng TPS bị trục xuất.”

Hiện có hơn 195.000 (theo Bộ Di Trú Mỹ) người thụ hưởng TPS đến từ El Salvador, 58.000 người từ Haiti, 5.000 người từ Nicaragua và 1.000 người từ Sudan, theo các tài liệu của tòa án.

Chính quyền Trump tỏ thái độ hoài nghi về chương trình bảo vệ tạm thời và đã hành động để hủy bỏ quy chế đặc biệt dành cho hàng ngàn người nhập cư đến từ một số quốc gia, gồm bốn nước có tên trong vụ kiện.

Những người nhập cư Salvador đang thụ hưởng TPS sẽ mất quy chế được bảo vệ vào tháng 9/2019, những người từ Haiti vào tháng 7/2019, những người từ Nicaragua vào tháng 1/2019 và những người từ Sudan vào tháng 11/2019.

https://www.voatiengviet.com/a/tham-phan-lien-bang-cam-chinh-phu-my-ngung-bao-ve-nguoi-nhap-cu/4599984.html

 

Lầu Năm Góc :

Bắc Kinh là mối nguy lớn cho an ninh Mỹ

Tú Anh

Quan hệ Mỹ-Trung đã khá căng thẳng với hàng loạt xung khắc từ chiến tranh thương mại, gián điệp mạng, quyền tự quyết của Đài Loan, tự do lưu thông ở Biển Đông, nay có thêm lý do để leo thang. Cùng lúc với tuyên bố của phó tổng thống Mike Pence tố cáo Bắc Kinh đánh phá nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, Lầu Năm góc cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc có khả năng phá hoại an ninh Mỹ bằng « con ngựa thành Troie điện tử ».

Trong bản phúc trình dài 150 trang, công bố ngày 05/10/2018, bộ Quốc phòng Mỹ xem Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng nguy hiểm cho công nghệ vũ khí của Hoa Kỳ và đề xuất một loạt biện pháp khắc phục 300 nhược điểm.

Theo Reuters, Mỹ cần phải tăng cường hiệu năng của công nghiệp vũ khí, gia tăng đầu tư trực tiếp vào các lãnh vực chủ chốt theo một kế hoạch cụ thể chưa được tiết lộ. Trái lại, nguy cơ đe dọa của Trung Quốc được phân tích chi ly.

Thứ nhất, Trung Quốc gần như thống lĩnh nguồn cung chất khoáng chất hiếm, thành tố cốt yếu trong vũ khí. Trung Quốc cũng chiếm thị phần quan trọng trong việc cung cấp linh kiện điện tử và hóa chất được sử dụng chế tạo bom đạn trong quân đội Hoa Kỳ. Với thế « cầm dao đằng cán », không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc là mối hiểm nguy đe dọa an ninh quốc gia, theo nhận định của Lầu Năm góc.

Con ngựa điện tử thành Troie

Thứ hai, trong lĩnh vực điện tử, 90% mạch in trên thế giới được sản xuất tại châu Á, mà hơn phân nửa là từ Hoa lục. Trong xu thế này, đến một lúc, quân đội Mỹ không biết mình đang sử dụng linh kiện của ai và chứa gì trong đó. Từ lâu lắm rồi, Lầu Năm góc nghi ngờ Trung Quốc cài bộ phận « vô hiệu hóa » vận hành trong các linh kiện này. Trong trường hợp xung đột quân sự với Bắc Kinh, chuyện gì sẽ xảy ra với « con ngựa điện tử thành Troie » cài trong hệ thống quốc phòng Mỹ ?

Nguy cơ thứ ba, bản báo cáo quy trách nhiệm cho ngành đào tạo khoa học tại Mỹ, phát triển chậm, không tiên liệu đúng và đáp ứng đúng nhu cầu của quân đội.

Tiếp xúc với báo chí với tư cách « ẩn danh », một viên chức cao cấp phác họa nhiều biện pháp không để cho Trung Quốc áp dụng chiến thuật « nội gián điện tử » và « công lương » kiểu mới . Biện pháp đó là tích trữ khoáng sản hiếm và nâng cao khả năng chế tạo tại Mỹ những bình điện bằng Lithium hoạt động trong nước biển, thành tố không thể thiếu trong vũ khí chống tàu ngầm.

Mối đe dọa của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Trong năm nay, các cơ quan tình báo Mỹ cũng nhiều lần cảnh giác về khả năng Trung Quốc sử dụng điện thoại di động và linh kiện điện tử chế tạo tại Hoa lục để nghe lén, theo dõi người Mỹ.

Một điều trớ trêu được nêu lên trong bản báo cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ là trong khi Trung Quốc dùng biện pháp cạnh tranh bất chính như là bán hàng giá rẻ, đánh cắp sở hữu trí tuệ để đánh phá công nghiệp Mỹ thì doanh nhân Mỹ lại nhập hàng từ quốc gia gây khó khăn cho chính mình, thậm chí đuổi công ty của mình ra khỏi Trung Quốc.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, báo cáo của Bộ Quốc Phòng củng cố thêm chính sách « ưu tiên mua sản phẩm Mỹ » nhằm tạo ra công ăn việc làm và lợi nhuận hàng tỷ đôla cho kỹ nghệ vũ khí, theo chủ trương của tổng thống Donald Trump, có thể sẽ làm cho quan hệ Mỹ-Trung lên cơn sốt, theo bình luận của Reuters.

Mọi chỉ số đều đi theo hướng tăng nhiệt : từ tuyên bố của tổng thống Donald Trump hồi tháng 9 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án Bắc Kinh can thiệp vào bầu cử tháng 11, cho đến diễn văn của phó tổng thống Mike Pence ngày 04/10/2018, cáo buộc Bắc Kinh xem Donald Trump là đối thủ cần phải « thanh tóan ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181005-lau-nam-goc-bac-kinh-la-moi-nguy-lon-cho-an-ninh-my

 

Cựu binh Mỹ thừa nhận gửi thư đầu độc TT Trump

Một cựu lính hải quân ở bang Utah thừa nhận gửi bốn bì thư có chứa độc chất ricin tới Tổng thống Donald Trump và các thành viên trong chính quyền Mỹ, giới hữu trách cho hay.

Ông William Clyde Allen III, 39 tuổi, thú nhận hành vi của mình với các nhà điều tra sau khi bị bắt tại nhà riêng ở Logan, phía Bắc Salt Lake City, theo tài liệu gửi đến một tòa án ở Utah tối 3/10. Nghi phạm khai đã mua hạt thầu dầu và gửi chúng kèm theo các phong thư.

Vẫn chưa rõ động cơ của Allen là gì. Nghi phạm đang bị tạm giữ. Số tiền bảo lãnh tại ngoại được quy định lên tới 25.000 đô la tiền mặt.

Các nhân viên điều tra của bangUtah làm việc với FBI cho hay những bì thư chứa hạt thầu dầu được gửi đi hồi tuần trước, đề tên người nhận lần lượt là Tổng thống, Giám đốc FBI Christopher Wray, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, và Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ Đô đốc John Richardson.

Các giới chức cho biết những bì thư này đã bị chặn lại, và không ai bị thương trong vụ việc. Theo trung tâm Phòng chống và Ngăn ngừa Dịch bệnh, hạt thầu dầu có thể gây tổn thương nếu nuốt phải.

Theo thông tin từ Hải quân, nghi phạm Allen từng phục vụ trong lực lượng này từ năm 1998 đến năm 2002. Người này có một tiền án về tội lạm dụng trẻ em và cố ý tấn công có vũ khí.

Cảnh sát thành phố Logan, Tyson Budge, cho biết, hồi năm ngoái, Allen từng gửi một bức thư đe doạ nặc danh đến lực lượng Không quân, tuy nhiên các viên chức quân đội không tin Allen có khả năng thực hiện điều đó.

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-binh-my-thua-nhan-gui-thu-dau-doc-trump/4600331.html

 

Mỹ cung cấp nguồn lực cho NATO

để chống tin tặc Nga

Trọng Nghĩa

Trước việc nhiều nước NATO bị tin tặc Nga tấn công, Hoa Kỳ ngày 04/10/2018 cho biết đã quyết định cung cấp cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương các nguồn lực mà Mỹ đang dùng để chống phòng thủ mạng.

Phát biểu trước báo chí tại Bruxelles, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, James Mattis giải thích Washington đang theo gương các thành viên khác đã cam kết cung cấp « nguồn lực tin học » cho NATO. Ông trích dẫn các nước như Anh, Đan Mạch, Hà Lan và Estonia.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã loan báo quyết định trên trong khuôn khổ cuộc họp các bộ trưởng Quốc Phòng NATO.

Quyết định của Mỹ được loan báo đúng vào hôm Nga bị NATO và Liên Hiệp Châu Âu cực lực lên án là đã tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, cũng như « các chiến dịch thông tin thất thiệt trên quy mô lớn».

Cơ quan tình báo quân đội GRU đặc biệt bị Mỹ, Anh và Hà Lan đồng loạt vạch mặt chỉ tên, điều mà Matxcơva đã kiên quyết phủ nhận.

Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :

« Bất chấp các hình ảnh do Hà Lan công bố, Nga vẫn kiên quyết phủ nhận việc đã cho nhân viên cơ quan tình báo quân đội GRU tìm cách thâm nhập vào hệ thống máy tính của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học.

Nga cũng phủ nhận cáo buộc của Anh Quốc về việc tấn công vào máy chủ của đảng Dân Chủ Mỹ hoặc của Cơ Quan Chống Doping Thế Giới.

Bộ Ngoại Giao Nga đã tố cáo một « chiến dịch bắt nguồn từ bệnh nhìn đâu cũng thấy gián điệp Nga », và tỏ vẻ ngạc nhiên trước việc các tiết lộ được tung ra vài ngày trước một cuộc họp của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học vốn sẽ thông qua việc tăng thêm quyền hạn cho tổ chức này.

Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga đã mỉa mai về trí tưởng tượng phong phú của người Anh, trong lúc Alexander Yakovenko, đại sứ Nga tại Anh Quốc, thì không quên nhấn mạnh đến tính chất có phối hợp của những lời tố cáo đến từ Hà Lan, Anh Quốc và Mỹ.

Theo đại sứ Nga thì đó là một hành động có tổ chức để làm mất uy tín Nga vào lúc diễn ra một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Bruxelles.

Vấn đề hiện nay là trung tâm quốc gia về an ninh mạng của nước Anh vẫn không thể chắc chắn một cách hoàn toàn. Cơ quan này vẫn cho rằng « có một khả năng rất cao » theo đó tình báo quân đội Nga GRU « gần như chắc chắn là thủ phạm » vụ tấn công vào các máy chủ của Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ năm 2016 ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181005-my-quyet-dinh-cung-cap-nguon-luc-chong-tin-tac-cho-nato-de-chong-nga

 

Thủ tướng Slovakia bác bỏ yêu cầu bãi chức

Bộ trưởng Nội vụ liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh

Thủ tướng Slovakia, ông Peter Pellegrini, bác bỏ yêu cầu bãi nhiệm chức vụ đối với Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova.

Hãng thông tấn Slovakia TASR vào hôm 4/10 loan tin như vừa nêu, dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Slovakia.

Theo đó, Thủ tướng Peter Pellegrini đã bác bỏ yêu cầu của đảng đối lập đòi hỏi sa thải Bộ trưởng Nội vụ Sakova, sau khi bà bị cáo buộc dính líu đến vụ một công dân Việt Nam bị bắt cóc từ Đức. Đó là vụ cựu quan chức dầu khí Việt Nam- Trịnh Xuân Thanh. Ông này bị phía Việt Nam bắt cóc ở Đức, đưa qua Séc rồi đến Bratislava. Tại đây phái đoàn của ông Bộ trưởng Công an Tô Lâm mượn máy bay công vụ của Slovakia và chuyển ông Thanh đến Matx cơ va để đưa về Việt Nam.

Thủ tướng Peter Pelligrini cho rằng vụ việc vẫn đang được điều tra và chính phủ Slovakia hứa sẽ điều tra tới cùng vụ việc này. Do đó, cách duy nhất là chờ kết quả điều tra cho nên ông không thấy lý do gì để bãi nhiệm chức Bộ trưởng Nội vụ đối với bà Denisa Sakova.

Vào cuối tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, bà Denisa Sakova đã có buổi hội đàm với ông Horst Seehofer, Bộ trưởng Nội vụ Đức tại Berlin. Hai vị bộ trưởng đã thảo luận về vụ việc Trịnh Xuân Thanh có thể đã được đưa ra khỏi khu vực Schengen bằng máy bay của chính phủ Slovakia.

Bên lề kỳ họp 73 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vừa qua, ngoại trưởng Slovakia cũng gặp người tương nhiệm Việt Nam là ông Phạm Bình Minh để đưa ra vấn đề và yêu cầu phía Hà Nội phải chứng minh vụ việc một cách thuyết phục. Phía Slovakia còn cảnh báo nếu yêu cầu không được đáp ứng thì Việt Nam phải chịu hậu quả.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/slovak-prime-minister-rejects-opposition-request-for-dismissal-of-interior-minister-10052018085156.html

 

Tấn công tin học :

Mức độ lợi hại của tình báo quân đội Nga

Thanh Hà

Từ Canada đến Úc, từ NATO đến Liên Hiệp Châu Âu trong tuần đều quy trách nhiệm cho cơ quan tình báo quân đội Nga GRU đứng đằng sau các vụ tấn công quy mô nhắm vào nhiều cơ quan quốc tế, “đe dọa các nền dân chủ phương Tây”.

Mỹ khởi tố 7 nhân viên tình báo Nga với tội danh “âm mưu tấn công tin học”. Hà Lan trục xuất 4 nhân viên tình báo Nga bị bắt quả tang tại La Haye đang đột nhập vào hệ thống tin học của Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học.

Phương Tây căn cứ vào những bằng chứng nào để cáo buộc cơ quan tình báo quân đội Nga, được coi là cánh tay nối dài của điện Kremlin ? Tại sao tất cả những thông tin nhậy cảm nói trên được tung ra ở thời điểm này?

GRU là một cơ quan như thế nào, quyền hạn đến đâu ?

Về câu hỏi thứ nhất, tư pháp Mỹ ngày 04/10/2018 thông báo khởi tố 7 nhân viên tình báo Nga, tất cả đều trực thuộc GRU và hiện đang sống tại Nga. Những người này bị cáo buộc âm mưu tấn công hệ thống tin học, đánh cắp dữ liệu của Cơ Quan Phòng Chống Doping Thế Giới (WADA), trụ sở đặt tại thành phố Montréal, Canada. Mục tiêu đề ra nhằm làm phương hại đến cơ quan đã tố cáo Nhà nước Nga khuyến khích các vận động viên sử dụng thuốc kích thích tăng cường thể lực, nâng cao thành tích.

Bộ Ngoại Giao Canada trong thông cáo ngày 04/10/2018 ghi nhận “có nhiều khả năng GRU có liên quan” đến đợt tấn công nhắm vào WADA và trung tâm đặc trách chống doping của Canada, CCES.

Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ nói rõ : trong thời gian từ tháng 12/2014 đến tháng 5/2018, tức là cho tới rất gần đây, máy tính của WADA đã nhiều lần bị thâm nhập. Chính quyền Ottawa nhắc lại : năm 2016, Cơ Quan Phòng Chống Doping Thế Giới, một tổ chức quốc tế độc lập, tiết lộ bị một nhóm tin tặc mang tên Fancy Bear/APT28 đột nhập, đánh cắp và phát tán “nhiều thông tin mật liên quan đến các vận động viên”. Những thông tin này bị đánh cắp từ trang mạng của WADA.

Nhiều chi tiết như trong truyện trinh thám

Hoa Kỳ gắn liền vụ tấn công nhắm vào Cơ Quan Phòng Chống Doping Thế Giới với vụ Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học (OPCW), trụ sở tại La Haye, Hà Lan đã bị tin tặc tấn công hồi tháng 4/2018. Amsterdam vừa quyết định trục xuất bốn nghi can đã bị bắt quả tang trong một chiếc xe, đậu gần trụ sở của OPCW. Trong xe có trang bị máy móc để nghe lén và đột nhập vào hệ thống tin học của Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học. Tháng 4/2018 là thời điểm tổ chức OPCW điều tra hai hồ sơ quan trọng, một liên quan tới vụ cựu điệp viên Nga, Sergueï Skripal và con gái bị đầu độc tại Salisbury, miền tây nam Anh Quốc, và một liên hệ tới nghi ngờ về trách nhiệm của chính quyền Matxcơva trong một vụ tấn công hóa học tại Douma, Syria.

Họp báo tại Amsterdam hôm 04/10/2018 bộ trưởng Quốc Phòng Hà Lan, bà Ank Bijleved cho biết thêm trong hoàn cảnh nào đã lột mặt nạ được nhân viên tình báo Nga, nhưng dường như không kết nối giữa hai vụ tấn công nhắm vào Cơ Quan Phòng Chống Doping ở Montréal với vụ nhắm vào Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học ở La Haye.

Bộ trưởng Quốc Phòng Hà Lan lưu ý về mức độ nghiêm trọng và đáng lo ngại của vụ việc, vì thông thường, chính quyền không mấy khi thông báo ầm ĩ với báo giới về các hoạt động phản gián. Nhưng lần này, các nhà điều tra Hà Lan hợp tác với các đối tác Anh, đã phát hiện nhiều chi tiết như trong một bộ phim trinh thám.

Người ta đã tìm thấy trong chiếc xe có nhiệm vụ thâm nhập tổ chức OPCW một máy tính cá nhân, nhiều điện thoại di động, một hóa đơn thanh toán tiền taxi mà điểm xuất phát là từ trụ sở của cơ quan tình báo quân đội Nga, gần phi trường Matxcơva. Các nhân viên tình báo Nga, mang hộ chiếu ngoại giao, đã đáp máy bay tới phi trường Schiphol – Amsterdam ngày 10/04/2018. Ngày hôm sau, bốn người này đã thuê một chiếc xe Citroën C3 và họ đã đến quan sát tình hình gần trụ sở Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học ở thành phố La Haye. Đến ngày 13/04/2018 họ đỗ xe tại một khách sạn sát cạnh trụ sở của OPCW và đã chụp nhiều ảnh. Trong hộp xe có nhiều trang thiết bị điện tử và máy móc cho phép thâm nhập vào mạng wifi của Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học. Thậm chí nhóm này có luôn cả mật mã để truy cập vào wifi của OPCW.

Khám xét máy tính được phát hiện, các nhà điều tra tìm thấy là máy được kết nối với nhiều đường dây ở Brazil, Thụy Sĩ và Malaysia. Bốn người bị phát hiện trong chiếc xe gần trụ sở OPCW dự trù sau La Haye sẽ tiếp tục sang Thụy Sĩ, đến viện bào chế tại Spiez, nơi OPCW phân tích mẫu các vũ khí hóa học.

Còn đối với Malaysia thì các tài liệu trong máy tính bị tịch thu cho thấy, có nhiều cuộc trao đổi dính líu trực tiếp đến chuyến bay MH17 bị bắn rơi tại miền đông Ukraina ngày 17/07/2014. 298 hành khách và phi hành đoàn tử vong. Nhiều nạn nhân mang quốc tịch Hà Lan. Chiếc MH17 nối liền Amsterdam với Kuala Lumpur. Điều tra về tai họa này cho thấy chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số MH17 bị trúng tên lửa của Nga.

Thực hư về GRU

Vậy phải chăng đây là lần đầu tiên tình báo quân đội Nga, mà đứng đằng sau là điện Kremlin, bị bắt quả tang như vậy ? Ở đây đặt ra thêm một nghi vấn bởi vì GRU nổi tiếng là làm việc có hiệu quả, hoạt động trong vòng bí mật và không bao giờ để lại dấu vết khi ra tay.

Ngay sau vụ hai cha con cựu điệp viên người Nga, Sergueï và Ioulia Skripal bị mưu sát bằng độc tố novitchok trên lãnh thổ Anh hôm 04/03/2018, Luân Đôn đã lập tức quy trách nhiệm cho Matxcơva. Căn cứ vào giải thích của Amsterdam, chính từ vụ ám sát hụt này, mẫu độc tố novitchok được chuyển tới Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học. Từ đó, lộ ra vụ trụ sở OPCW bị theo dõi vào tháng 4/2018.

Cần nhắc lại GRU là một cơ quan tình báo của bên quân đội. Được thành lập từ năm 1918, dưới chế độ Liên Xô, cơ quan này luôn được coi là một đối thủ của mật vụ KGB, một thời được đặt trong tay Vladimir Putin. Lãnh đạo GRU từ năm 2016 là tướng Igor Korobov. Nhân vật này nằm trong danh sách những cá nhân bị Hoa Kỳ trừng phạt.

GRU nổi tiếng là có một mạng lưới nhân viên tình báo ở hải ngoại rất rộng rãi và có cả nhiều đơn vị lính tinh nhuệ. Kể từ khi KGB bị “giải tán”, có một sự cạnh tranh giữa các cơ quan mật vụ Nga và từ đó GRU mới được nhắc tới nhiều hơn.

Hiện tại GRU đang bị cáo buộc ít nhất trong gần một chục vụ gồm : âm mưu sát hại hai cha con cựu điệp viên Skripal ( Sergueï Skripal từng phục vụ GRU ); vụ tấn công tin học Cơ Quan Phòng Chống Doping Thế Giới, trụ sở OPCW và các đợt tấn công nhắm vào phi trường Odessa, Ukraina hay vụ tấn công nhắm vào đảng Dân Chủ Mỹ trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2016… . Hồi tháng 6/2017 khi hàng trăm ngàn máy vi tính của các tập đoàn lớn trên thế giới bị tê liệt vì một vụ cyberattack, phương Tây cũng nghi ngờ có bàn tay của tình báo quân sự Nga.

Tại Syria, nhiều nhà quan sát đã phát hiện một số các “cố vấn” quân đội Nga bên cạnh các lực lượng của Damas. Cũng tình báo quân đội Nga được cho là đã đóng một vai trò “trọng yếu” trong vụ Matxcơva thôn tính Crimée hồi tháng 3/2014.

Lùi xa hơn về quá khứ, thì từ các cuộc xung đột ở Tchetchenia 1994/1996 và 1999/2009, đến Gruzia (2008) hay Afghanistan (1979/1989) đều có bóng dáng của GRU.

Cuối cùng, tại sao tình báo quân đội Nga lại bị tố cáo vào thời điểm này ? Nhiều tiếng nói cho rằng, đây là một hình thức để phương Tây cảnh cáo Nga của Vladimir Putin vài tuần trước bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Có điều như chính Vladimir Putin từng ghi nhận, có hai nghề xưa như trái đất : một là nghề bán trôn nuôi miệng, hai là tình báo.

Các hoạt động dọ thám không là độc quyền của bất kỳ một chế độ nào. Báo chí thường phơi bày ra ánh sáng những vụ tấn công tin học khi thì được cho là do Nga giật dây, lúc thì hướng về phía Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên … Nhưng trong quá khứ, đã nhiều lần quan hệ giữa các đồng minh thân thiết nhất bị sứt mẻ vì các vụ nghe trộm điện thoại, như là Hoa Kỳ từng nghe lén điện thoại của thủ tướng Đức. Bên cạnh việc phát hiện tác giả các đợt tấn công mạng, có lẽ là tăng cường khả năng phòng thủ là thượng sách.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181005-tan-cong-tin-hoc-muc-do-loi-hai-cua-tinh-bao-quan-doi-nga

 

Pháp điều tra về vụ lãnh đạo Interpol mất tích

Thanh Phương

Một nguồn tin từ một người nắm rõ hồ sơ hôm nay, 05/10/2018, xác nhận thông tin của đài phát thanh Europe 1 là một cuộc điều tra đã được mở ra tại Pháp về vụ mất tích của chủ tịch cảnh sát quốc tế Interpol, Mạnh Hoàng Vĩ (Meng Hongwei). Cuộc điều tra được tiến hành tại Lyon, nơi đặt trụ sở của Interpol.

Kể từ khi lãnh đạo Interpol đi Trung Quốc vào cuối tháng 9, gia đình không có tin tức gì của ông. Chính vợ của Mạnh Hoàng Vĩ, hiện sống tại Lyon, vì quá lo lắng, đã báo động nhà chức trách Pháp về vụ mất tích của chồng bà.

Ông Mạnh Hoàng Vĩ, nguyên thứ trưởng bộ Công An, là người Trung Quốc đầu tiên được bầu làm chủ tịch Interpol vào cuối năm 2016. Việc một quan chức của Bắc Kinh được giao lãnh đạo cảnh sát quốc tế đã bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích. Nhưng Interpol đã bác bỏ những chỉ trích đó, nhấn mạnh rằng chủ tịch Interpol không có quyền can thiệp vào công việc thường ngày, vì đây là trách nhiệm của tổng thư ký, chức vụ hiện do ông Jurgen Stock, người Đức, nắm giữ.

Trên nguyên tắc, nhiệm kỳ chủ tịch Interpol của ông Mạnh Hoàng Vĩ sẽ chấm dứt vào năm 2020.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181005-phap-dieu-tra-ve-vu-mat-tich-cua-lanh-dao-interpol

 

Pháp long trọng tưởng niệm nhạc sĩ Aznavour

Thanh Phương

Hôm nay, 05/10/2018, tại sân điện Invalides, Paris, đã diễn ra một buổi lễ long trọng, với sự tham dự của khoảng hơn 2000 người, để tưởng niệm ca nhạc sĩ Charles Aznavour, vừa qua đời ngày 01/10/2018, thọ 94 tuổi.

Theo giải thích của điện Elysée, gia đình của Aznavour chỉ muốn có một buổi lễ tưởng niệm chính thức, theo tinh thần Cộng Hòa, với sự hiện diện của tổng thống Pháp và các lãnh đạo Armenia, chứ không muốn có một buổi lễ mang tính quần chúng giống như của Johnny Hallyday, với đông đảo người dân đứng dọc theo bên đường để tiễn đưa.

Buổi lễ tưởng niệm diễn ra với những nghi thức rất long trọng và chặt chẽ, nhưng công chúng cũng được vào dự. Linh cữu Charles Azanouur, được phủ quốc kỳ Pháp, được đặt giữa sân, trước linh cữu là một tràng hoa mang màu cờ Armenia.

Ngoài vợ và các con của ca nhạc sĩ gốc Armenia, cùng với tổng thống Emmanuel Macron, tổng thống và thủ tướng của Armenia, và nhiều nhân vật tên tuổi trong giới văn nghệ sĩ, giới chính trị Pháp, nhiều người hâm mộ đã vào dự lễ.

Do sức chứa của sân điện Invalides có hạn, ban tổ chức đã đặt các màn ảnh lớn bên ngoài để nhiều người có thể theo dõi lễ tưởng niệm một tượng đài của ca nhạc Pháp, với 70 năm đứng trên sân khấu, ghi dấu ấn nhiều thế hệ. Buổi lễ cũng đã được truyền trực tiếp trên 5 kênh truyền hình.

PUBLICITÉ

inRead invented by Teads

Ngày mai, Aznavour sẽ được mai táng tại Montfort-l’Amaury, ngoại ô Paris. Ông sẽ yên giấc nghìn thu trong hầm mộ gia đình, bên cạnh bố mẹ và con trai Patrick, qua đời năm 25 tuổi. Hôm nay, Armenia, quê hương của Aznavour, cũng dành một ngày quốc tang cho người được dân Mỹ mệnh danh là « Sinatra Pháp ». Tại trung tâm thủ đô Erevan, xe cộ bị cấm lưu thông trên các trục lộ chính dẫn đến quảng trường Charles Aznavour. Một màn ảnh lớn được dựng lên tại quảng trường này để truyền trực tiếp lễ tưởng niệm tại Paris. Các đài truyền hình Armenia hôm nay cũng thay đổi toàn bộ các chương trình để dành thời gian nói về Aznavour.

http://vi.rfi.fr/phap/20181005-nuoc-phap-long-trong-tuong-niem-aznavour

 

Giám đốc Interpol người Trung Quốc ‘mất tích’

Pháp đang mở cuộc điều tra về sự biến mất của Mạnh Hoành Vỹ, Giám đốc cơ quan an ninh quốc tế Interpol.

Gia đình ông Mạnh Hoàng Vỹ không có tin tức về ông từ khi ông rời trụ sở Cảnh sát Quốc tế Interpol ở Lyon, nước Pháp để về Trung Quốc một tuần trước, nguồn tin của cảnh sát cho hay.

Phạm Băng Băng nộp phạt và thuế 130 triệu đôla

Vatican công nhận giám mục do Bắc Kinh chỉ định

Trịnh Xuân Thanh trốn bằng cách nào?

‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?

“Ông ấy không biến mất tại Pháp”, một nguồn tin thân cận cơ quan điều tra nói với hãng thông tấn Pháp AFP.

Ông Mạnh cũng là quan chức cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cuộc điều tra được bắt đầu sau khi vợ ông Mạnh tới cảnh sát để báo về sự biến mất của chồng cô.

Năm nay 64 tuổi, trước khi nhận chức Giám đốc Interpol, ông Mạnh Hoàng Vỹ là thứ trưởng công an Trung Quốc.

Theo báo Anh, ông Mạnh từng phụ trách của Hải giám của Trung Quốc và là người Trung Quốc đầu tiên lãnh đạo Interpol, cư quan làm nhiệm vụ điều phối cảnh sát ở 192 nước thành viên.

Ông lên thay bà Mireille Ballestrazzi, người Pháp vào tháng 11/2016 và sẽ giữ chức này tới 2020.

Các tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế khi đó đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ dùng việc phong chức cho ông Mạnh nắm Interpol, để truy bắt các “kẻ thù chế độ” bên ngoài biên giới của họ, theo tờ The Guardian.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45762118

 

Vụ chip TQ siêu nhỏ

làm cổ phiếu Lenovo và ZTE sụt ngay

Bloomberg mô tả dữ liệu được truyền về Trung Quốc từ các con chip siêu nhỏ, được cấy vào bo mạch chủ của các sản phẩm. Bo mạch này được một công ty tên Super Micro Computer sản xuất.

Apple và Amazon chỉ là hai trong số các công ty của Mỹ bị gián điệp Trung Quốc ăn cắp dữ liệu.

Các máy chủ của Apple và Amazon đã bị xâm nhập ngay từ trong quá trình xản xuất, và con chip siêu nhỏ này sẽ được kích hoạt khi các thiết bị được lắp ráp hoàn chỉnh và đi vào hoạt động.

Cả Apple, Amazon và Super Micro đều phủ nhận thông tin từ Bloomberg, nói rằng nó “không đúng sự thật”.

Cụ thể, Apple phát đi một thông báo mạnh mẽ, cho biết “không có bằng chứng” để củng cố các cáo buộc của Bloomberg.

Tin này ngay lập tức cổ phiếu của hãng Trung Quốc Lenovo sụt 15%, còn ZTE giảm 10%.

Dữ liệu iCloud của TQ đã về tay Bắc Kinh

Trung Quốc: Lệnh cấm của Mỹ ‘đe dọa’ ZTE

Còn trong tuyên bố dài của mình, Amazon nói: “Chúng tôi đã không tìm thấy bằng chứng của những con chip độc hại hay việc các thiết bị phần cứng bị can thiệp.”

Bloomberg cho biết cuộc điều tra của họ đã kéo dài trong suốt một năm, và một trong số các bằng chứng tìm thấy là về một cuộc tấn công gián điệp trên nhiều mặt được chuẩn bị, khi chính quyền Bắc Kinh tiếp cận 30 công ty lớn và nhiều cơ quan liên bang.

Các thông tin về chiến dịch tấn công gián điệp từ Trung Quốc bắt đầu xuất hiện từ sự kiện Amazon tiến hành kiểm tra an ninh năm 2015, trước khi chuyển hẳn sang sử dụng các phần cứng, máy chủ… được cung cấp bởi công ty Elemental, nhưng do Super Micro Computer sản xuất từ Trung Quốc.

Vụ việc đã làm khởi động một cuộc điều tra kéo dài từ các cơ quan tình báo Mỹ.

Bloomberg nhận xét Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ khi tiến hành chiến dịch, bởi vì 90% máy tính trên thế giới được sản xuất từ đây.

“Nghiên cứu và hiểu tường tận cách thiết kế các sản phẩm, can thiệp vào từng bộ phận và tìm cách đảm bảo các thiết bị này vượt qua quá trình kiểm tra khi xuất khẩu và đến được địa điểm họ mong muốn.”

Nhiều công ty sử dụng các thiết bị phần cứng từ Super Micro Computer đã tiến hành loại bỏ các máy chủ hoặc bo mạch được sản xuất ở Trung Quốc.

Apple phủ nhận và nói rằng Bloomberg đã “liên lạc nhiều lần và đưa ra các tuyên bố mơ hồ, phức tạp về một sự cố an ninh họ nghi ngờ là đang xảy ra.”

“Chúng tôi có những cuộc kiểm tra an ninh nội bộ nghiêm ngặt dựa trên yêu cầu của Bloomberg, và hoàn toàn không tìm thấy bằng chứng nào.”

“Sau đó, chúng tôi liên hệ lại với Bloomberg và đưa ra các hồ sơ, bằng chứng thực tế, bác bỏ mọi khía cạnh trong điều tra của họ.”

Super Micro Computer nói họ hoàn toàn không biết có cuộc điều tra của chính phủ Mỹ về vấn đề này, và không có khách hàng nào ngưng sử dụng sản phẩm được cung cấp bởi công ty vì sợ tin tặc hay hoạt động gián điệp từ Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi câu chuyện trên là “cáo buộc vô cớ” và nói rằng sự an toàn của các hoạt động sản xuất – xuất khẩu sản phẩm là “vấn đề quan tâm chung.”

Bloomberg cho biết phủ nhận từ các công ty trái ngược với những nguồn tin, nhân chứng mà họ có từ “sáu quan chức trong các cơ quan an ninh quốc gia” và những nguồn tin giấu mặt trong nội bộ Apple và Amazon.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45756215

 

Hồng Kông gây sốc

khi không cấp visa cho phóng viên FT

Hồng Kông đã từ chối gia hạn visa làm việc cho biên tập viên tin tức châu Á của tờ Financial Times, người cũng là quan chức của Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài (FCC) ở thành phố. Quyết định này đã gây sốc với nhiều người trong cộng đồng quốc tế ở trung tâm tài chính này.

Tin tức này được loan đi sau hai tháng kể từ khi các quan chức chính phủ ở Trung Quốc và Hồng Kông lên án FCC, một trong những câu lạc bộ báo chí hàng đầu châu Á, về việc họ đứng ra tổ chức một cuộc diễn thuyết cho một nhà hoạt động về quyền độc lập. Diễn biến này lại làm nổ ra những tranh luận về các quyền tự do được hứa hẹn của thành phố liệu có được duy trì hay không.

“Nhà chức trách Hồng Kông đã từ chối đơn xin gia hạn visa làm việc của Victor Mallet, biên tập viên tin tức châu Á tại Financial Times”, tờ báo này cho biết trong một tuyên bố.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp phải tình huống này ở Hồng Kông. Chúng tôi đã không được cho biết về lý do họ từ chối”, tuyên bố nói.

Vào tháng 8, ông Mallet, quyền chủ tịch của FCC vào thời điểm đó, đã tổ chức một buổi diễn thuyết cho Andy Chan, nhà hoạt động ủng hộ quyền độc lập. Hoạt động này bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án mạnh mẽ.

Reuters đã nhận được nhiều email và tin nhắn qua truyền thông xã hội từ các chuyên viên người nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng và pháp lý, bày tỏ rằng họ bị sốc về quyết định này.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới kêu gọi chính quyền Hồng Kông hãy đảo ngược quyết định của họ.

“Đây rõ ràng là một hình thức trả đũa cho việc ông ấy [Mallet] liên quan đến cuộc thảo luận công khai được FCCHK tổ chức hồi tháng 8, khi họ mời nhân vật chính là một nhà hoạt động cổ súy cho Hồng Kông độc lập, khiến Bắc Kinh tức giận”, tổ chức này nói trong một tuyên bố.

“Hành động như vậy là một bằng chứng nữa cho thấy chính quyền Trung Quốc đang gia tăng chính sách hăm dọa các nhà báo nước ngoài đến vùng lãnh thổ Hồng Kông”, theo tuyên bố.

Trong một tuyên bố khác, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại New York cho rằng việc từ chối visa, cùng với lệnh cấm chưa từng có tiền lệ đối với Đảng Dân tộc Hồng Kông, đã cho thấy một vòng xoáy suy giảm về nhân quyền ở Hồng Kông.

Họ nói thêm: “Điều này thật sự gây sốc và chưa từng có tiền lệ. Việc từ chối gia hạn visa của chính quyền Hồng Kông – mà không có lời giải thích – đối với một nhà báo, người đã không làm gì khác ngoài là công việc của mình, cho thấy cách Bắc Kinh trừng trị những người lên tiếng chỉ trích”.

FCC, với các thành viên bao gồm các luật sư kỳ cựu và các quan chức chính phủ bên cạnh các nhà báo, từ lâu đã tự gọi họ là một nhóm củng cố và bảo vệ tự do ngôn luận.

https://www.voatiengviet.com/a/hong-kong-gay-soc-khi-khong-cap-visa-cho-phong-vien-ft/4601098.html

 

Nhật không tham gia duyệt binh hải quân

vì Hàn Quốc phản đối cờ ‘mặt trời mọc’

Nhật Bản quyết định không tham gia cuộc duyệt binh hải quân quốc tế tại Hàn Quốc vào tuần tới sau khi Seoul yêu cầu Tokyo không treo cờ “mặt trời mọc” trên tàu chiến, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết hôm 5/10. Đây là tranh cãi mới nhất giữa hai nước.

Quan hệ của Nhật Bản với cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên vốn đã căng thẳng từ lâu bởi nỗi oán hận kéo dài về thời kỳ Nhật biến bán đảo Triều Tiên thành thuộc địa trong các năm 1910-45, cũng như về tranh chấp trên biển và vấn đề trẻ em gái và phụ nữ Triều Tiên bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ thời chiến của Nhật Bản.

Quyết định của Nhật Bản được đưa ra sau khi Hàn Quốc trong tuần này yêu cầu các nước tham gia không treo cờ ở mũi hoặc ở đuôi tàu, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya nói với các phóng viên.

“Về quân kỳ của Lực lượng Tự vệ Biển, các luật lệ trong nước quy định rằng cờ phải được treo ở đuôi tàu”, ông Iwaya nói. “Thật đáng tiếc, chúng tôi đã đi đến quyết định rằng chúng tôi phải hủy việc tham gia”, ông nói thêm.

Nhiều người ở cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều coi lá cờ màu đỏ và trắng như một biểu tượng về sự xâm lược quân sự và thực dân trong quá khứ của Nhật Bản.

“Lá cờ ‘mặt trời mọc’ là lá cờ tội ác chiến tranh mà lũ đế quốc Nhật thế kỷ 20 đã sử dụng khi thực hiện các cuộc xâm lược dã man vào quốc gia của chúng ta và các quốc gia châu Á khác”, trang web Uriminjokkiri do nhà nước kiểm soát của Triều Tiên viết.

“Dự định đi vào [Hàn Quốc] với cờ ‘mặt trời mọc’ được treo là một sự xúc phạm không thể chấp nhận và cũng là sự chế nhạo đối với người dân chúng ta”.

Ở Hàn Quốc, các bài báo về cuộc tranh cãi này nằm trong số những bài được đọc nhiều nhất trên truyền thông xã hội. Cùng lúc, văn phòng của tổng thống nhận được 250 kiến nghị cấm tàu của Nhật Bản.

Hôm 5/10, Hải quân Hàn Quốc cho biết các tàu hải quân Nhật Bản đã treo quân kỳ khi họ tham gia cuộc duyệt binh hải quân vào năm 1998 và 2008, nhưng Hàn Quốc năm nay đề nghị tất cả các tàu của các nước chỉ treo các quốc kỳ của họ và của Hàn Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-khong-tham-gia-duyet-binh-hai-quan-vi-han-quoc-phan-doi-co-mat-troi-moc/4601168.html

 

Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak

lãnh án 15 năm tù

Thanh Phương

Ngày 05/10/2018, cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đã bị kết án 15 năm tù vì tội tham nhũng. Cầm quyền từ năm 2008 đến 2013, ông Lee Myung Bak, 76 tuổi, bị một tòa án ở Seoul buộc nhiều tội danh, trong đó có tội tham nhũng và biển thủ. Ngoài án tù 15 năm, cựu tổng thống Hàn Quốc còn bị phạt tiền 13 tỷ won (10 triệu euro).

Cụ thể, ông bị cáo buộc đã nhận tiền hối lộ của Samsung để ân xá cho chủ tịch tập đoàn này là ông Lee Kun Hee, trước đó bị kết án về tội trốn thuế. Cựu tổng thống Hàn Quốc còn bị cáo buộc là chủ nhân thật sự của DAS, một công ty phụ tùng xe hơi, mà ông vẫn khẳng định là công ty của người em. Thông qua công ty này ông dường như đã biển thủ 24 tỷ won.

Viện lý do sức khỏe, bị cáo đã không đến tòa hôm nay để nghe tuyên án. Ông Lee Myung Bak là cựu nguyên thủ quốc gia thứ hai của nước này bị kết án vì tham nhũng trong năm nay. Tháng 8/2018, một cựu tổng thống khác là Park Geun Hye đã bị tuyên án 25 năm tù, do một vụ tai tiếng năm 2017. Trước bà Park Geun Hye, hai cựu tổng thống khác của Hàn Quốc cũng đã từng bị kết án tù là Chun Doo Hwan và Roh Tea Woo vào thập niên 1990.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181005-cuu-tong-thong-han-quoc-lee-myung-bak-lanh-an-15-nam-tu

 

Ấn Độ lặng lẽ mua tên lửa Nga

bất chấp cảnh báo của Mỹ

Ấn Độ hôm 5/10 đồng ý về một thỏa thuận với Nga để mua các hệ thống tên lửa địa đối không S-400, điện Kremlin cho biết. Như vậy, New Delhi đã bỏ qua lời cảnh báo của Mỹ rằng việc mua bán đó có thể kích hoạt các lệnh cấm vận theo luật của Hoa Kỳ.

Mặc dù không có lễ ký kết công khai, thỏa thuận này đã được chốt lại trong chuyến thăm đang diễn ra của Tổng thống Vladimir Putin tới New Delhi để dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm.

“Thỏa thuận đã được ký kết bên lề hội nghị thượng đỉnh”, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói với Reuters. Hợp đồng được ước tính có trị giá hơn 5 tỷ đô la, và các vũ khí mới sẽ giúp quân đội Ấn Độ có khả năng bắn hạ máy bay và tên lửa ở tầm xa chưa từng thấy.

Nhưng Hoa Kỳ đã nói rằng các nước buôn bán với Nga trong các lĩnh vực quốc phòng và tình báo sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mặc nhiên, theo một đạo luật có tầm ảnh hưởng sâu rộng mang tên “Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt” (CAATSA).

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong tuần này rằng các hành động trừng phạt sẽ được tiến hành tập trung vào các quốc gia mua các vũ khí như các khẩu đội tên lửa S-400.

Tháng trước, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Trung Quốc do họ mua các máy bay chiến đấu cũng như hệ thống tên lửa S-400 của Nga trong năm nay.

Ấn Độ đang hy vọng rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ miễn trừng phạt về hệ thống vũ khí mà New Delhi coi là một hình thức răn đe quân đội lớn mạnh hơn của Trung Quốc.

Sau cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa hai ông Putin và Modi, hai nước đã ký kết 8 thỏa thuận về vũ trụ, năng lượng hạt nhân và đường sắt tại một cuộc họp báo được tường thuật qua truyền hình.

https://www.voatiengviet.com/a/an-do-lang-le-mua-ten-lua-nga-bat-chap-canh-bao-cua-my/4601035.html