Hội thảo làm thế nào để “Thoát Trung”?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hội thảo làm thế nào để “Thoát Trung”?

Buổi hội thảo “Thoát Trung” hôm thứ năm ngày 5 tháng 6 vừa qua do Quĩ  Văn Hóa Phan Chu Trinh và Nhà Xuất Bản Trí Thức tổ chức, đã qui tụ một  số đông học giả, trí thức và đặc biệt nhiều người trẻ đến với vấn đề làm thế nào để thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, đất nước đang  gây khó khăn cho Việt Nam về nhiều mặt mà nhất là vụ hạ đặt giàn khoan  HD 981 từ tháng trước.

Thanh Trúc – Theo RFA – 08-06-2014
Nhiều người hưởng ứng
Buổi hội thảo ngày 5 tháng 6 diễn ra tại 53 đường Nguyễn Du thành phố  Hà Nội, được coi là diễn đàn của giáo sư Chu Hảo và Quĩ Văn Hóa Phan  Chu Trinh.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hòa Lan, nguyên  trưởng nhóm Tư Vấn Lãnh Đạo Bộ Ngoại Giao, nói rằng buổi hội thảo “Thoát Trung” này là một sự kiện đặc biệt:
“Sở dĩ nó đặc biệt vì ngày cả cái đề tài đã gây tranh luận, chưa  bao giờ có chuyện là có người đứng cả dưới sân, chúng tôi đã phải chuyển từ tầng ba lên tầng bốn. Người đến rất đa dạng, những vị trí thức hàng  đầu, đặc biệt lần này rất đông đảo các sinh viên học sinh. Sự hưởng ứng  của mọi người nói lên cái bức xúc, cái khát vọng của mọi người Việt Nam  muốn được có thông tin, muốn được biết thông tin trong những ngày nước  sôi lửa bỏng này.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương là diễn giả chính, giáo sư Trần Ngọc Vương, tiến sĩ Minh và tôi là người phản biện.”
Thoát Trung, theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, là một đề tài rộng lớn, sâu sắc, liên quan đến nhiều lãnh vực từ kinh tế, chính trị, xã hội, triết  học, tư tưởng… mà nếu chỉ bàn có một buổi thì không thể nói hết được.
Nhìn vấn đề từ góc độ là thoát những ảnh hưởng tiêu cực từ Trung  Quốc, diễn giả Giáp Văn Dương cho rằng thoát Trung ở đây không phải là  bài Trung, càng không phải là chống Trung. Ông nói một đất nước như Việt Nam với lịch sử với tiền nhân như đã biết thì Việt Nam đã quá gắn bó  với văn minh Trung Hoa, quá gắn bó với tư tưởng Trung Hoa mà trên thức  tế nền văn minh đó có rất nhiều điều hay đẹp cần nghiên cứu cần học hỏi.
Còn cái mà Việt Nam cần thoát ra ở đây, cần bài ở đây, tiến sĩ Giáp  Văn Dương khẳng định, chính là bài cái tư tưởng bành trướng, bá quyền,  nước lớn của ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc. Nói một cách khác,  buổi hội thảo không bàn đến tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, không bàn đến những giá trị tư tưởng hay giá trị văn minh của nền học thuật  Trung Hoa.
Về quan điểm của diễn giả Giáp Văn Dương, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nhận xét:
“Tiến sĩ Giáp Văn Dương là một PhD candidate còn rất trẻ, tôi cho  rằng Giáp Văn Dương có một bước rất trưởng thành, bởi vì cách đây năm  2011 thì lúc bấy giờ anh đã nhấn mạnh những vấn đề cấp bách của nhu cầu  phải thoát Trung. Từ 2011 đến giờ, nghĩa là sau 4 năm, với 3 tiên đề và 7 trụ cột mà anh nêu lên như là bảy biện pháp để thoát Trung thì tiến sĩ  Giáp Văn Dương đã xây dựng được một luận án để thoát Trung. Tóm lại, kết luận của diễn giả chính là nêu lên được một luận án để thoát Trung.”
Ảnh bên:TS Phạm Gia Minh (trái) và Tiến sĩ Giáp Văn Dương tại Buổi hội thảo  “Thoát Trung” hôm thứ năm ngày 5 tháng 6 ở Hà Nội. Courtesy Nguyễn Xuân  Diện Blog.
Trong tư cách người phản biện, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng khẳng định  khát vọng thoát Trung và quyết tâm thoát Trung đặt ra lúc này là đúng  lúc:
“Nhưng với bối cảnh hiện nay thì nó vẫn là một nhiệm vụ phải nói  là đội đá vá trời. Tôi cho rằng những người đang thúc đẩy chuyện này  chính là người đang đội đá vá trời. Bảy cái trụ cột mà tiến sĩ Giáp Văn  Dương nêu ra thì hôm nay cũng đã có nhiều người nêu lên trong hội thảo,  là chỉ cần một trong hai hay ba trụ cột trong đấy: kinh tế thị trường,  nhà nước pháp quyền, xã hội công dân… chưa chắc đã được nhà nước hoan  nghênh. Ba cái trụ cột đấy nếu mà làm được thì Việt Nam có thể bước lên  trên con đường phát triển, và ý của tiến sĩ Giáp Văn Dương là muốn thoát Trung thì phải phát triển, muốn thoát Trung là Việt Nam phải tiếp cận  đến ngưỡng của các nước phát triển. Còn nếu chúng ta lạc hậu nghèo nàn  nghèo đói thì mãi mãi thoát Trung chỉ là một giấc mơ.”
Sau khi trình bày ý nghĩa tiêu cực trong phần phản biện của mình, ông  Đinh Hoàng Thắng chuyển sang mặt tích cực liên quan thời điểm mà Trung  Quốc đặt giàn khoan HD 981:
“Ngay như chiều qua là Trung Quốc đe dọa sẽ đặt HD 982 hiện nay  đang ở cảng Đại Liên mà sắp tới đây sẽ đặt tiếp. Thế thì tôi nói rằng  động cơ nào đằng sau việc Trung Quốc đặt giàn khoan và tôi gợi một ý để  có thể suy nghĩ tích cực về vấn đề thoát Trung. Đó là hãy xem trả lời  phỏng vấn ở trên báo Tuổi Trẻ của Phùng đại tướng nói về cảng Cam Ranh,  hãy xem những tin cũng trên báo chí lề phải khi nói về dự án Phú Quốc.  Đây là những sự kiện riêng lẻ nhưng mà đối lại đây chính là hướng thoát  Trung rất tích cực, rất thực tiễn.”
Có thể thay đổi?
Lên tiếng tại buổi hội thảo, giáo sư Trần Ngọc Vương, Đại Học Quốc  Gia Hà Nội, nhấn mạnh rằng sự lệ thuộc, sự ràng buộc vào Trung Quốc  không phải là định mệnh của dân tộc của cộng đồng Việt:
“Nghĩa là điều đó có thể thay đổi được, bằng chứng là trong các  nước gọi là đồng văn truyền thống như Nhật Bản như Hàn Quốc thì người ta  đã thoát khỏi cái sự ràng buộc ấy một cách ngoạn mục để trở thành những nước công nghiệp phát triển hoặc là những nước có trình độ kỹ thuật  cũng như văn hóa rất cao. Cho nên chuyện bị lệ thuộc vào Trung Quốc  quyết không phải là đinh mệnh của Việt Nam. 
Đấy là ý thứ nhất. Ý thứ hai, thoát Trung là thoát cái gì? Văn  minh Trung Quốc là một nền văn minh có sức sống dẻo dai nhất trong lịch  sử nhân loại cùng với nền văn minh Ấn Độ, có những thành tựu rất là kỳ  vĩ. Chúng ta cũng không đặt vấn đề thoát khỏi cái đó, không quay lưng  lại với nó. Đây không phải là bài Trung nhưng cái cần thoát ra thì đầu  tiên tôi khẳng định thoát ra khỏi cái dã tâm của giới cầm quyền Trung  Quốc trong toàn bộ lịch sử. Cái xứ sở ngày nay là Việt Nam, cho đến tận  ngày nay chưa bao giờ giới cầm quyền trên đất Trung Hoa, kể cả giới cầm  quyền cộng sản, muốn có bên cạnh mình một quốc gia phát triển bình đẳng  ngang tầm chứ chưa nói là vượt trội với Trung Quốc. 
Tôi cho rằng cái thoát đầu tiên là thoát khỏi cái dã tâm của giới  cầm quyền Trung Hoa chứ không phải tình hữu nghị hoặc là quan hệ giữa  hai cộng đồng láng giềng, hai chuyện đó khác nhau.”
Mỗi một người Việt Nam, giáo sư Trần Ngọc Vương cả quyết, phải chống chọi lại âm mưu đồng hóa của giới cầm quyền Trung Quốc.
“Cho nên ý thứ ba mà tôi nói đến thoát Trung là thoát khỏi cái  chất Trung Hoa ở trong mỗi người Việt Nam, thí dụ cái tâm lý “Nam Nhân  Bắc Hướng”, ở phương Nam nhưng bị tuyên truyền rằng cội nguồn của anh  giá trị của anh ở phương Bắc.”
Với câu hỏi liệu điều ông đang trình bày có dễ thay đổi không, giáo  sư Trần Ngọc Vương phân tích rằng tất cả nằm trong ý chí khẳng định cái  nguồn gốc thực sự của mình:
“Những thiết kế tư tưởng, những thiết kế quyền lực trong đó có  những cái hướng theo Trung Hoa nhiều quá thì đánh mất bản tính và điều  kiện kiến tạo nhân dạng hay căn cước của mình. 
Tham dự buổi hội thảo thoát Trung do Quĩ Văn Hoa Phân Chu Trinh và  Nhà Xuất Bản Trí Thức tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Quang A thuộc nhóm chủ  trương Diễn Đàn Các Xã Hội Dân Sự, phát biểu ông tâm đắc với việc làm  của hai tổ chức xã hội dân sự này:
“Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng điểm mấu chốt có cùng với nhau là không một cách nào khác để thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc từ xa xưa cho đến bây giờ bằng cách phải tự thoát được khỏi sự suy nghĩ  của chính mình.”
Điều quan trọng nhất rút ra được từ buổi hội thảo này, tiến sĩ Nguyển Quang A kết luận, một chính thể dân chủ và đa nguyên thì mới mong thoát  được tầm ảnh hưởng xấu của Trung Quốc.