Tin khắp nơi – 04/10/2018
Tòa Bạch Ốc, Thượng viện nhận báo cáo của FBI
điều tra ông Kavanaugh
Tòa Bạch Ốc đã nhận báo cáo của Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) về cáo buộc tấn công tình dục nhắm vào ứng viên Tòa án tối cao Brett Kavanaugh, và đã chuyển báo cáo này cho Thượng viện, theo bản tin của Reuters.
Báo Wall St. Journal dẫn hai nguồn tin quen thuộc với vụ việc nói rằng Tòa Bạch Ốc không thấy có thông tin mới nào trong báo cáo khả dĩ có thể củng cố những cáo buộc chống ông Kavanaugh.
Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp Thượng viện viết trên Twitter rằng ông và thành viên cao cấp nhất bên Đảng Dân chủ đã đồng ý “để các nghị sĩ thay phiên nhau nghiên cứu nội dung của bản báo cáo của FBI.”
Một nguồn tin nói với Reuters rằng các nhân viên của Ủy ban Tư pháp sẽ báo cáo với các thành viên Đảng Cộng hoà vào lúc 10g sáng giờ miền Đông Hoa Kỳ. Nguồn tin cho biết thêm là báo cáo của FBI không chứa đựng những thông tin thuộc loại ‘bom tấn’ nào.
Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI gửi báo cáo cho Toà Bạch Ốc và Thượng viện vài giờ sau khi Thủ lãnh khối đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đề ra những bước vào đêm thứ Tư 3/10 để xúc tiến thủ tục biểu quyết để chuẩn thuận ứng viên, 1giờ sau khi Thượng Viện triệu tập vào ngày thứ Sáu 5/10.
Ông McConnell đã đệ trình kiến nghị cho một cuộc biểu quyết đặc biệt theo quy định XXII của Thượng viện Mỹ.
Nếu kiến nghị của ông được chấp thuận, cuộc tranh luận sẽ được giới hạn trong vòng 30 giờ trước cuộc biểu quyết để chuẩn thuận ứng viên Kavanaugh.
Sau khi đệ trình kiến nghị, các nhà lập pháp phải chờ 1 ngày lập pháp trước khi tiến hành biểu quyết, theo các quy định của Thượng viện. Và như vậy, cuộc biểu quyết sớm nhất sẽ diễn ra vào sáng thứ Sáu 5/10.
Báo cáo của FBI là tài liệu riêng tư và chỉ có các thượng nghị sĩ mới được phép tiếp cận báo cáo này. Họ phải đọc tài liệu đó trong một căn phòng đặc biệt được bảo vệ an ninh ở Điện Capitol.
Hiện chưa rõ liệu báo cáo này có sẽ được công bố cho công chúng xem hay không.
Báo cáo FBI: không đủ cở sở để kết luận
ông Kavanaugh có hành động sai trái với bà Ford
Washington, DC – Reuters cho biết vào tối Thứ Tư (ngày 3 tháng 10), báo cáo của FBI về những cáo buộc xâm hại tình dục lúc còn trẻ của thẩm phán Brett Kavanaugh đã gần như hoàn tất.
Theo dự kiến, vào Thứ Sáu (ngày 5 tháng 10), trong một phiên họp toàn Thượng Viện, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ sẽ biểu quyết về việc bổ nhiệm thẩm phán Brett Kavanaugh vào chức vụ thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Thượng viện cũng sẽ nhận được báo cáo vào sáng ngày Thứ Năm 4 tháng 10, và các thượng nghị sĩ sẽ được xem xét các báo cáo trong buổi sáng. Theo tin Washington Times trong sáng 4 tháng 10, FBI cho rằng không có đủ căn cứ để kết luật ông Kavanaugh có hành vi sai trái với bà Ford.
Trước khi các báo cáo của FBI được tiết lộ, tổng thống Trump và các lãnh đạo đảng Cộng Hòa đã mở chiến dịch vận động để tìm đủ số phiếu cho ông Kavanaugh.
Trong khi các lãnh đạo Đảng Cộng Hòa chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu cuối cùng để quyết định phê chuẩn ông Kavanaugh, thì vào ngày 2 tháng 10, Tổng Thống Trump đã bị chỉ trích vì những phát biểu công kích bà Christine Blasey Ford trong một cuộc tập họp chính trị. Bà Ford, người đã làm chứng chống lại ông Kavanaugh tại phiên điều trần của Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện tuần trước, cho biết bà không thể nhớ ngày hoặc địa điểm chính xác của cuộc tấn công, nhưng bà Ford đã khẳng định ông Kavanaugh đã tấn công tình dục bà. Tại cuộc tập họp chính trị, Tổng Thống Trump đã nhại lại lời khai của bà Ford, cho rằng vì những lời khai vô căn cứ của bà mà cuộc sống của ông Kavanaugh đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Những người đã lên tiếng chỉ trích Tổng Thống chính là ba thành viên Đảng Cộng Hòa mấu chốt trong việc quyết định liệu ông Kavanaugh có được phê chuẩn hay không – đó là ba Thượng nghị sĩ Jeff Flake, Susan Collins và Lisa Murkowski.
Ông Kavanaugh đã phủ nhận mọi cáo buộc của bà Ford, cũng như hai cáo buộc tấn công tình dục khác. Ông Kavanaugh cho rằng các cáo buộc trên là do Đảng Dân Chủ đã dàn dựng nhằm chống lại ông. (Mộc Miên)
Cộng hoà, Dân chủ vẫn đối đầu kịch liệt
về ứng viên Tòa Tối cao Kavanaugh
Giữa lúc các nghị sĩ Mỹ đang chờ kết quả điều tra của Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI và chuẩn bị cho cuộc biểu quyết chung cuộc về số phận của ứng viên được Tổng thống Trump đề cử vào Tòa án Tối cao, Brett Kavanaugh, thì Tổng thống Trump nhân một cuộc tập hợp chính trị, đã lên tiếng châm chọc người phụ nữ đã tố ông Kavanaugh tấn công tình dục bà.
Cuộc điều tra của FBI khởi sự hôm thứ Sáu, một ngày sau khi Tiến sĩ Christine Blasey Ford khai trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ rằng bà đã bị ông Kavanaugh tấn công tại một party thời còn là học sinh trung học. Vài giờ sau đó, tha Kavanaugh giận dữ bác bỏ mọi cáo buộc và tấn công các thành viên Đảng Dân chủ là “dàn dựng một vụ tấn công chính trị” chống lại ông.
Trước một đám đông ủng hộ viên vào đêm thứ Ba ở Mississipi, ông Trump nhại lại lời khai của Tiến sĩ Ford, và châm chọc điều mà ông mô tả là những“lỗ hổng” trong lời khai của bà.
Tổng thống Trump:
“Bà về nhà bằng cách nào? Tôi không nhớ”. Bà đến đó bằng cách nào? Tôi không nhớ”.
Bà Ford, một Giáo sư đại học, khẳng định trước Ủy ban Tư Pháp rằng bà “chắc chắn 100%” người đã đè bà xuống giường, sờ soạng và tìm cách cởi quần áo bà là Kavanaugh, lúc đó đang say rượu. Bà nói Kavanaugh đã bịt miệng bà khi bà kêu cứu. ông Kavanaugh nhất mực nói ông không hề tấn công bất cứ một ai.
Luật sư của bà Ford, ông Michael Bromwich, miêu tả hành động của ông Trump vào đêm thứ Ba châm chọc thân chủ của ông là hành vi “có ác ý, xấu xa và vô tâm.”
Luật sư Bromwich viết trên Twitter:
“Chả trách bà thực sự sợ hãi khi lộ diện, và những người sống sót sau các cuộc tấn công tình dục cũng thế. Bà Ford là một gương mặt điển hình cho lòng can đảm. Ông ta là gương mặt điển hình cho sự hèn hạ.”
Những phát biểu của ông Trump về Tiến sĩ Ford đã khơi lên phản ứng mạnh từ nhiều Thượng nghị sĩ, một số chưa quyết định được nên biểu quyết thuận hay chống việc đề cử ông Kavanaugh vào tòa án cao nhất nước Mỹ.
Thượng nghị sĩ Jeff Flake hôm thứ Tư lên tiếng về bình luận của Tổng thống Trump trêong chương trình Today của đài NBC. Ông nói:
“Đây không phải là lúc, là nơi để đưa ra những lời phát biểu như thế. Mang một vấn đề nhạy cảm như thế này ra thảo luận tại một cuộc tập hợp chính trị là điều không đúng. Tôi ước gì ông Trump không làm như vậy. Thật là tệ hại!.”
châm chọc một người đã trải qua một cuộc tấn công tình dục, một nhân chứng đáng tin cậy, mạnh mẽ và hoạt bát như vậy, là dấu hiệu của thái độ thiếu tôn trọng và không quan tâm, không những chỉ đối với Tiến sĩ Blasey Ford, mà đối với cả cộng đồng.”
Thượng nghị sĩ Susan Collins, DCH, chỉ trích lời chế nhạo của TT Trump về Giáo sư Ford
Thượng nghị sĩ Susan Collins- thuộc Đảng Cộng hoà, cũng lên án những lời bình luận của ông Trump. Bà nói trên đìa CNN:
“Vụ tấn công xấu xa, châm chọc một người đã trải qua một cuộc tấn công tình dục, một nhân chứng đáng tin cậy, mạnh mẽ và hoạt bát như vậy, là dấu hiệu của thái độ thiếu tôn trọng và không quan tâm, không những đối với Tiến sĩ Blasey Ford không thôi, mà đối với cả cộng đồng.”
Thượng nghị sĩ độc lập Angus King nói trên chương trình “New Day” của CNN rằng phát biểu của Tổng thống Trump khiến ông “cảm thấy như buồn nôn.”
Sáng ngày 2/10, các nghị sĩ Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ đã đối đầu với nhau về cuộc điều tra của FBI, dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày thứ Sáu.
Thủ lãnh khối đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nói cuộc biểu quyết để chuẩn thuận ông Kavanaugh sẽ diễn ra một khi các nghị sĩ của cả hai đảng duyệt qua kết quả điều tra của FBI.
Ông nhấn mạnh với các nhà báo:
“Điều mà tôi có thể nói chắc chắn là: chúng ta sẽ nhận báo cáo của FBI trong tuần này, và cuộc biểu quyết sẽ diễn ra trong tuần này. ”
Trong khi đó, các thành viên Đảng Dân chủ đòi Toà Bạch Ốc phải công khai những chỉ thị đã gửi cho FBI khi Toà Bạch Ốc ra lệnh tiến hành điều tra.
Thủ lãnh khối thiểu số tại Thượng Viện, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer thuộc Đảng Dân chủ, nói:
“FBI, người dẫn đầu cuộc điều tra, phải báo cáo với chúng ta. Không nên trói Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ, và kết quả điều tra phải công khai.”
Từ khi cuộc điều tra của FBI khởi sự, một người từng là bạn học của ông Kavanaugh tại đại học Yale đã công bố một văn bản, nói rằng thời còn là một sinh viên, ông Kavanaugh là “một người hay nhậu nhẹt, uống rất nhiều, và thường có những hành vi gây sự và hung hăng khi quá chén.”
Hôm thứ Hai, Tổng thống Trump nói với các nhà báo rằng FBI có quyền thẩm vấn bất cứ ai họ muốn, đả phá lời chỉ trích của các Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ rằng Toà Bạch Ốc đang tìm cách giới hạn phạm vi điều tra.
Tại điện Capitol, Thượng nghị sĩ Schumer nói cần nới rộng phạm vi điều tra để đặt những câu hỏi về liệu ông Kavanaugh có khai đúng sự thực hay không, và liệu tính khí của ông có phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ thẩm phán tòa án cao nhất nước không.
Thượng nghị sĩ Schumer:
“Thật khó tin là Thẩm phán Kavanaugh đã thề sẽ khai sự thực. Rõ ràng ông không thể hiện cách ứng xử của một vị thẩm phán tại một cuộc điều trần.”
Phe Cộng hoà tố cáo phe Dân chủ là tìm cách phá hoại uy tín của ứng viên được đề cử vì mục đích chính trị.
Phe Dân chủ phản bác rằng hoãn cuộc biểu quyết trong thời gian ngắn ngủi chẳng thấm vào đâu so với hành động của phe Cộng hòa, nhất quyết không xem xét thẩm phán Merrick Garland,ứng viên được Tổng Thống Barack Obama đề cử vào Tòa án Tối Cao trong suốt cả năm 2016.
Hiện Đảng Cộng hoà chiếm đa số 51/49 tại Thượng viện Hoa Kỳ trước các cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ quyết định đảng nào chiếm quyền kiểm soát cả hai viện quốc hội.
Cho tới giờ, chưa có bất cứ thành viên Đảng Dân chủ nào loan báo ủng hộ ông Kavanaugh, và mặt khác, cũng không có một thành viên Cộng hòa nào tuyên bố chống việc đề cử ông Kavanaugh.
NAFTA mới: Đòn cô lập của Trump nhằm vào TQ
Theo điều khoản trong thỏa thuận về NAFTA mới, nếu một trong 3 thành viên Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ tham gia vào một thỏa thuận tự do thương mại với một nước “phi thị trường, như Trung Quốc, những nước còn lại có thể tự rút khỏi thỏa thuận trong 6 tháng và hình thành hiệp ước song phương riêng của họ.
Mỹ và Trung Quốc đang lún sâu vào một cuộc chiến thương mại khi hai bên liên tiếp tung ra các mức thuế ngày càng tăng nhằm vào hàng hóa của đối phương.
Theo Reuters, điều khoản này, vốn gây tranh cãi ở Canada, nhưng lại phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế cũng như ngăn chặn các công ty của Trung Quốc sử dụng Canada và Mexico làm “cửa sau” để nhập hàng miễn thuế vào Mỹ.
Theo như điều khoản này, các thành viên của NAFTA mới, hay còn có tên là thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), nếu thành viên nào tham gia đàm phán với phía Trung Quốc thì phải thông báo cho các thành viên còn lại trước ít nhất 3 tháng.
Derek Scissors, một học giả về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, cho biết các điều khoản này đã cho phép chính quyền Trump thực hiện quyền phủ quyết hiệu quả đối với bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc của Mexico và Canada.
Nếu như tiếp tục được áp dụng trong các cuộc đàm phán với Eu và Nhật Bản, nó sẽ thêm một bước nữa giúp cô lập Trung Quốc trên hệ thống thương mại toàn cầu.
“Đối với cả Mexico và Canada, chúng ta có lý do để nghĩ rằng một thỏa thuận thương mại tự do với phía Trung Quốc là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là một cách rất thanh lịch để ngăn cản khả năng đó xảy ra. Không có một thỏa thuận nào với Trung Quốc đáng để các quốc gia kia đánh đổi với một thỏa thuận USMCA đã được phê chuẩn,” Scissors cho biết.
Sau nhiều tháng trời liên tục chỉ trích các đồng minh châu Âu, hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng “chiêu mộ” những nước này vào cuộc chiến của Mỹ nhằm tạo áp lực lên Trung Quốc để thay đổi những chính sách thương mại, bảo hộ và cả sở hữu trí tuệ.
Bắc Kinh từng yêu cầu WTO công nhận nước này là một “nền kinh tế thị trường” do thỏa thuận gia nhập WTO của nước này đã hết hạn từ tháng 12-2016, một động thái mà sẽ làm yếu đi nghiêm trọng sự “phòng vệ thương mại” của các nước phương Tây với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/23966-nafta-moi-don-co-lap-cua-trump-nham-vao-tq.html
NASA lên tiếng vụ lỗ hổng bí ẩn trên tàu không gian
Hôm 3/10, NASA đã tìm cách trấn an về những đồn đoán rằng lỗ nhỏ phát hiện một bên tàu vũ trụ của Nga trên Trạm Không gian quốc tế (ISS) là do bị phá hoại.
Một tuyên bố ngắn phát đi từ trụ sở chính của NASA ở thủ đô Washington nói rằng ông Dimitri Rogozin, Tổng giám đốc của Cơ quan Không gian Nga Roscosmos hồi trong tuần đã công khai bác bỏ nguyên nhân của lỗ hổng là do lỗi trong tiến trình chế tạo.
NASA nói thêm: “Kết luận này không nhất thiết có nghĩa là lỗ hổng được tạo ra một cách cố ý hoặc với ý định xấu.”
Tuyên bố của NASA nói tiếp: “Chương trình ISS đang dự kiến lập kế hoạch cho một cuộc đi bộ vào không gian vào tháng 11 để thu thập thêm thông tin.”
Theo trang mạng Space.com, Roscosmos và NASA đã mở cuộc điều tra riêng về lỗ hổng rộng 2 mm được phát hiện vào cuối tháng 8 bên ngoài thân tàu Soyuz của Nga đang cập cảng Trạm Không gian Quốc tế.
Vụ rò rỉ không khí được phát hiện vào ngày 29/8 sau khi áp lực giảm nhẹ trên trạm, sau đó một lỗ rộng 0,08 inch (2 mm) được phát hiện trên tàu Soyuz. Tàu Soyuz đã neo đậu tại ISS từ tháng 6 và sẽ ở đó cho đến tháng 10.
Lỗ hỏng giờ đã được vá thành công, và bởi vì lỗi này không nằm trong một mô đuyn sẽ được đưa về Trái Đất, nên sẽ không ảnh hưởng đến chuyến trở về Trái đất của các phi hành gia vào tháng 12 năm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/nsa-len-tieng-vu-l%E1%BB%97-h%E1%BB%8Fng/4599472.html
Hoa Kỳ đe doạ ‘xử lý’ tên lửa của Nga
Jonathan MarcusPhóng viên BBC chuyên về quốc phòng và ngoại giao
Lời đe dọa từ một quan chức ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ về việc sẽ “xử lý” một loại tên lửa Nga, thứ vũ khí mà Mỹ tin là vi phạm hiệp định kiểm soát vũ khí quan trọng có từ thời Chiến tranh Lạnh, đang khiến cho mối quan hệ giữa Washington và Moscow càng trở nên căng thẳng.
Tuyên bố của quan chức Hoa Kỳ được đưa ra ngay trước thềm hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở thủ đô Brussels, Bỉ, khai mạc vào thứ Tư (3/10).
TQ giận dữ trước lệnh trừng phạt của Mỹ
Hợp tác Việt-Nga: Vũ khí, dầu khí và tiền tệ
Việc VN mua vũ khí Mỹ ‘mang tính chất phòng thủ’
Đại sứ Mỹ tại NATO, bà Kay Bailey Hutchison, phát biểu trước thềm hội nghị và đưa ra một lần nữa lời cáo buộc của Washington về vi phạm của Nga đối với Hiệp định Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF) ký năm 1987.
Hiệp định này cấm triển khai và thử toàn bộ các loại tên lửa tầm trung phóng từ trên mặt đất, với tầm bắn từ 500 đến 5.500km.
Bất chấp sự phủ nhận của Nga, Mỹ tin rằng Moscow đang có tên lửa tầm trung trong kho vũ khí – mang tên Novator 9M729 – được Nato biết đến với tên gọi SSC-8.
Loại vũ khí này cho phép Nga có thể tấn công hạt nhân vào các nước Nato nhanh chóng ngay sau khi ra thông báo.
Đại sứ Hutchison nói Washington muốn tìm giải pháp ngoại giao.
Tuy nhiên, bà cho rằng Mỹ có thể xem xét tấn công quân sự nếu như Nga tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa này.
Mua vũ khí: Việt Nam là khách hàng lớn của ai?
Trump trừng phạt Nga: Quốc phòng VN có ảnh hưởng?
Nga coi Nato là mối đe dọa an ninh
“Khi đó, chúng tôi sẽ tính đến việc xử lý tên lửa Nga nếu nó có khả năng tấn công bất kỳ quốc gia thành viên nào của khối,” bà nói.
“Họ đã được cảnh báo”
Nhìn thoáng qua, đây có vẻ là một lời cảnh cáo thẳng thừng từ phía Đại sứ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nội dung chính xác điều mà bà đang nói tới thì chưa rõ ràng.
Liệu có phải bà đang đe dọa sẽ bất ngờ tấn công phủ đầu? Hẳn là không.
Liệu có phải bà đang cảnh báo rằng nếu Nga tiếp tục tiến hành phát triển những vũ khí này, Mỹ sẽ tìm cách tấn công các hệ thống đó khi xảy ra khủng hoảng?
Thực ra thì một số chuyên gia Mỹ đã có lúc nói rằng nhiều khả năng Mỹ phản ứng bằng cách tự mình xóa bỏ hiệp định INF và triển khai một loại vũ khí tương tự.
Điều đó, nếu xảy ra, sẽ là một tin xấu cho việc kiểm soát vũ khí.
Trong thời Chiến Tranh Lạnh, Mỹ từng bị báo động về việc Liên Xô triển khai hệ thống SS-20.
Một số đồng minh của Washington đã đồng tình với việc đáp trả bằng cách triển khai tên lửa US Pershing và Cruise. Động thái này đã làm dấy lên sự phản đối và gia tăng căng thẳng chính trị.
Việc ký kết Hiệp định INF sau đó đã xóa đi toàn bộ loại vũ khí này và giảm đi đáng kể mức căng thẳng.
Nay, một lần nữa, Hiệp định INF lại trở thành chủ đề được nhắc đến.
Nga hầu như không nói gì về tên lửa mới, ngoài việc bác bỏ cáo buộc Moscow vi phạm hiệp định.
Moscow chưa trả lời bất kỳ quan ngại nào của các nước Nato.
Nga phóng tên lửa từ Biển Caspi vào các mục tiêu ở Syria hồi 2015
Trong một cuộc họp báo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng “sự đánh giá hợp lý nhất vào lúc này là Nga đang vi phạm nghiêm trọng hiệp định”.
“Vì vậy việc cấp bách,” ông nói, “là Nga phải đề cập, giải đáp các mối quan ngại này một cách nghiêm túc và minh bạch.”
Ông nói thêm rằng theo tin tình báo Hoa Kỳ thì Nga đã bắt đầu triển khai tên lửa mới.
Hiện không rõ chính xác là Mỹ đã biết được những gì.
Các chuyên gia thậm chí còn chưa chắc chắn loại tên lửa đặc biệt nào đang được bàn luận tới. Liệu đây có phải phiên bản mới, có tầm bắn xa hơn của Iskander-M, một vũ khí đã có của Nga?
Hay nó là bản cải tiến của tên lửa hành trình hạm đối đất Kalibr mà Nga đã sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Syria?
Bất kể đó là gì thì Hoa Kỳ vẫn cho rằng Nga đang vi phạm Hiệp ước chống vũ khi INF. Vấn đề nằm ở chỗ đó.
Đại sứ Hutchison có thể đã phát biểu một cách không chặt chẽ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: “Dường như những người đưa ra các tuyên bố như vậy không nhận thức được mức độ trách nhiệm của họ và mức độ nguy hiểm của những phát biểu mang tính công kích như vậy.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45740561
Đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên:
Seoul đề xuất phương án tháo gỡ bế tắc
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha vào ngày 03/10/2018 đã đề xuất một thỏa thuận « trao đổi » hai bên cùng có lợi nhằm phá vỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán đang bị đình trệ giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Trả lời nhật báo Mỹ The Washington Post, nữ ngoại trưởng Hàn Quốc đề nghị Mỹ ra tuyên bố hòa bình, kết thúc chiến tranh, để đánh đổi lấy việc Bắc Triều Tiên dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân.
Ngoại trưởng Kang Kyung Wha giải thích : « Điều mà Bắc Triều Tiên đã nói rõ là họ sẽ dỡ bỏ vĩnh viễn các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon, tức là một phần rất lớn trong chương trình hạt nhân của họ ».
Trên cơ sở đó, ngoại trưởng Hàn Quốc cho rằng « Nếu Bắc Triều Tiên thực hiện điều đó để đánh đổi lấy các biện pháp tương ứng từ phía Mỹ, như một tuyên bố kết thúc chiến tranh, tôi nghĩ đó sẽ là một bước tiến rất lớn trong tiến trình phi hạt nhân hóa ».
Đề nghị của bà Kang Kyung Wha cụ thể hơn một chút so với tuyên bố của lãnh đạo Bình Nhưỡng trong cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tháng 09/2018. Ông Kim Jong Un đã cho biết sẵn sàng đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon nếu như Mỹ đưa ra « các biện pháp tương ứng ».
Trong bối cảnh đồng nhiệm Mỹ là ông Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng vào ngày 07/10, nơi ông sẽ gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ngoại trưởng Hàn Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải linh hoạt trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bắc Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ ngày 03/10 đã tỏ ý lạc quan về kết quả chuyên thăm Bắc Triều Tiên lần này, đặc biệt trong bối cảnh khả năng mở thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên thứ hai ngày càng chắc chắn, đặc biệt nhờ thái độ rất mềm mỏng của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mỹ-Trung : Gián điệp mạng của Bắc Kinh
hoạt động mạnh
Một nhóm tin tặc có tên là « Cloud hopper », mà giới chuyên gia an ninh mạng Tây phương cho là có « quan hệ với chính quyền Trung Quốc », đã tấn công nhiều công ty dịch vụ công nghệ để đánh cắp dữ liệu của khách hàng. Trên đây là báo động của Bộ An Ninh Nội Địa của Mỹ ngày 03/10/2018.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, chính phủ Mỹ, thông qua Bộ An Ninh Nội Địa, cảnh báo giới doanh nghiệp coi chừng tin tặc có liên hệ với chính quyền Trung Quốc tấn công.
Đầu tuần này, chuyên gia của hai công ty về an ninh mạng của Mỹ báo động các hoạt động tin tặc của nhóm « Cloud hopper » gia tăng mạnh. Chuyên gia Dmitri Alperovitch của công ty an ninh mạng CrowdStrike thông báo trong một cuộc hội thảo : « Tôi có thể nói rằng người Trung Quốc đã tái xuất ». Công ty FireEye cũng cùng nhận định : Các nhóm tin tặc mà FireEye theo dõi thường xuyên cũng đã tỏ ra năng nỗ hơn trong 18 tháng qua.
Theo Reuters, thông báo của Bộ An Ninh Nội Địa nhằm trợ giúp các công ty Mỹ đối đầu một cách hiệu quả hơn, ngăn chận thủ đoạn đánh cắp dữ kiện về điện toán, năng lượng, y tế, viễn thông và chế tạo của « Cloud hopper », còn được biết với hai tên khác là RedLeaves và APT10.
Ba năm trước, vào năm 2015, từ khi tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận chống nạn đánh cắp dữ liệu kinh tế, hoạt động tin tặc Trung Quốc giảm xuống cho đến khi Donald Trump lên nắm quyền.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181004-my-trung-gian-diep-mang-cua-bac-kinh-hoat-dong-manh
Hoa Kỳ rút khỏi nhiều hiệp ước quốc tế
vì Tòa Án Quốc Tế bị lợi dụng
Washington, DC – Vào Thứ Tư (ngày 3 tháng 10), cố vấn an ninh Hoa Kỳ John Bolton đã tuyên bố rút khỏi 2 hiệp ước quốc tế, sau khi Iran và Palestine than phiền về các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với Tòa Án Quốc Tế (ICJ).
Tuyên bố của ông Bolton được đưa ra sau khi Tòa Án Quốc Tế đưa ra một phán quyết có lợi cho Tehran, ra lệnh cho Hoa Kỳ rằng những chính sách trừng phạt lên Iran dự kiến được áp dụng vào tháng sau không được ảnh hưởng tới các hoạt động cứu trợ nhân đạo và an ninh hàng không.
Trước đó, Tehran đã lập luận rằng quyết định trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ đã vi phạm Hiệp ước được ký vào năm 1955. Sau đó, Washington đã phản ứng lại bằng cách rút khỏi hiệp ước này.
Ông Bolton cho rằng Iran đã “lạm dụng Tòa án quốc tế”, và cho biết Hoa Kỳ cũng sẽ rút khỏi “nghị định không bắt buộc” thuộc Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961. Quyết định rút khỏi “nghị định không bắt buộc” được đưa ra sau khi Palestine đâm đơn khiếu nại rằng Hoa Kỳ chuyển tòa đại sứ từ Tel Aviv sang Jerusalem hồi tháng 9.
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết nước này lẽ ra phải rút khỏi hiệp ước với Iran từ nhiều thập kỷ trước. Ông cho biết ICJ không có thẩm quyền xử phạt những chính sách trừng phạt của Hoa Kỳ.
Hiện nay, các quyết định của Hoa Kỳ đang khiến các nước đồng minh lo lắng về cam kết đa phương của chính quyền Tổng thống Trump. Trong hai năm kể từ khi nhậm chức, tổng thống Trump đã rút ra khỏi thỏa thuận nguyên tử giữa sáu cường quốc và Iran, thỏa thuận khí hậu toàn cầu, rút khỏi Cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO, và đe dọa các đồng minh NATO rằng Hoa Kỳ cũng sẽ rút khỏi tổ chức này nếu các nước đồng minh không tăng ngân sách quốc phòng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-rut-khoi-nhieu-hiep-uoc-quoc-te-vi-toa-an-quoc-te-bi-loi-dung/
Cựu TT Peru Fujimori lại bị tống giam
sau khi lệnh ân xá bị hủy
Dù đã 80 tuổi, cựu tổng thống Peru vào ngày 03/10/2018 đã phải trở lại nhà tù sau khi Tòa Án Tối Cao nước này ra phán quyết bãi bỏ lệnh ân xá mà ông được hưởng từ lễ Giáng Sinh năm 2017. Bất chấp sự phản đối của gia đình cựu tổng thống, Tòa Án đã ra lệnh bắt giữ và tống giam ông Fujimori ngay lập tức.
Từ Quito, thông tín viên Eric Samson phụ trách khu vực, tường trình:
« Nước mắt ràn rụa, cựu ứng cử viên tổng thống Keiko Fujimori, con gái ông Alberto Fujimori,khẳng định rằng hôm qua là một trong những ngày buồn nhất trong cuộc đời gia đình bà.
Là lãnh đạo đảng Sức Mạnh Dân Tộc, bà Keiko Fujimori cho rằng cha của bà là nạn nhân của một sự trả thù chính trị. Đánh giá phán quyết vừa được ban hành là “bất công và vô nhân đạo”, bà loan báo rằng gia đình sẽ kháng cáo.
Anh trai bà Keiko là Kenji, tác nhân chủ chốt đã giúp cho người cha được thả trước đây, cũng khẳng định rằng ông sẽ đấu tranh chống phán quyết của Tòa Án Tối Cao tại tất cả các cơ quan pháp lý và chính trị.
Ngay trong đêm, ông Alberto Fujimori đã được chuyển đến giam tại một dưỡng đường ở Lima, nơi cảnh sát tư pháp đã đến ngay lập tức sau khi thẩm phán Hugo Nuñez Julca của Tòa Án ban hành lệnh bắt giữ cựu tổng thống.
Quyết định hủy bỏ lệnh ân xá, do cựu tổng thống Pedro Pablo Kuczynski ban hành, đã được đưa ra sau khi Tòa Án Tối Cao xét đơn khiếu nại của ba thành viên trong gia đình của các nạn nhân hai cuộc thảm sát ở Barrios Altos và La Cantuta, mà ông Fujimori bị cho là người chủ trương.
Lập luận của bên khiếu nại đã được Tòa Án Nhân Quyền Liên Mỹ ủng hộ, theo đó bệnh tình ông Alberto Fujimori không đến nỗi nguy kịch để được hưởng ân xá vì lý do nhân đạo ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181004-peru-cuu-tt-fujimori-lai-bi-tong-giam-sau-khi-lenh-an-xa-bi-huy
EU tính chuyện chế tài Myanmar
về vấn đề Rohingya
Liên minh Châu Âu đang cân nhắc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Myanmar về cuộc khủng hoảng Rohingya, có thể là tước quyền tiếp cận phi thuế quan với khối mậu dịch lớn nhất thế giới này, ba viên chức EU cho hay.
Các biện pháp trừng phạt, hiện đang được Ủy ban Châu Âu xem xét, có thể bao gồm ngành công nghiệp may mặc vốn mang đến nhiều lợi nhuận của Myanmar khiến hàng ngàn lao động mất việc. Dù lệnh trừng phạt có thể không hiệu lực ngay lập tức, nhưng là đòn bẩy giúp chặn đứng điều mà phương Tây gọi là hành động thanh trừng sắc tộc đối với người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar.
Thậm chí ngay cả khi áp dụng tiến trình xem xét kéo dài 6 tháng về việc nên hay không áp đặt chế tài mậu dịch (tiến trình này có thể bị đảo ngược nếu Myanmar đáp ứng các mục tiêu nhân đạo và dân chủ), động thái này của EU có thể đánh dấu một thay đổi quan trọng trong chính sách.
Hành động này khởi phát từ báo cáo của Liên hiệp quốc hồi tháng 8 trong đó tố cáo quân đội Myanmar tàn sát người Rohingya với ý đồ “diệt chủng”. Báo cáo này cùng với bước đi hiếm thấy của Hoa Kỳ đặt lệnh trừng phạt lên hai đơn vị quân đội của Myanmar thôi thúc EU phải hành động, các viên chức EU cho hay.
“Chúng tôi quan ngại về những tác động của lệnh trừng phạt lên người dân Myanmar, tuy nhiên chúng tôi không thể làm ngơ báo cáo của LHQ miêu tả chiến dịch quân sự của nước này là một sự diệt chủng,” một quan chức EU cho biết. Quan chức này có tham gia cuộc tranh luận trong Ủy ban Châu Âu về việc nên hay không nên chế tài Myanmar.
Cho tới thời điểm này, EU đã áp đặt lệnh cấm du hành, cũng như đóng băng tài sản của một vài quan chức quân đội Myanmar. Tuy nhiên khối này chưa trừng phạt trực tiếp Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, người mà Liên Hiệp Quốc cho rằng nên bị xét xử vì tội diệt chủng và phạm tội ác chống lại loài người.
Myanmar trước đó đã lên tiếng chỉ trích cáo buộc của LHQ là “một chiều”. Nước này cho rằng những hành động quân sự nhằm trả đũa các vụ tấn công của phiến quân nhắm vào quân đội Myanmar hồi tháng Tám năm ngoái, là chính đáng.
Các viên chức EU tin rằng đe dọa tước bỏ cơ chế miễn thuế xuất khẩu vào thị trường EU có thể nhanh chóng tác động đến đầu tư nước ngoài đổ vào ngành may mặc của Myanmar, nơi giá nhân công thấp thu hút các nhà sản xuất EU.
“Xóa bỏ cơ chế miễn thuế quan là biện pháp cuối cùng, nhưng chúng tôi buộc phải cân nhắc tới trong trường hợp các biện pháp khác không có tác dụng,” một quan chức EU cho hay.
Các nhóm hoạt động nhân quyền cho rằng các lệnh trừng phạt nhắm mục tiêu của EU cho tới thời điểm này chưa thể buộc nhà lãnh đạo quân sự hay dân sự Myanmar bảo vệ dân thường, tái định cư dân tị nạn, hay chấm dứt tấn công tự do báo chí điển hình là vụ phạt tù hai phóng viên Reuters với cáo buộc tiết lộ bí mật quốc gia.
https://www.voatiengviet.com/a/eu-tinh-chuyen-che-tai-myanmar-ve-van-de-rohingya/4598705.html
Tin tặc : Anh và Úc tố tình báo Nga tấn công mạng
GRU, cơ quan An ninh Quân đội Nga, là thủ phạm các vụ tấn công không gian mạng, phối hợp với nhiều nhóm tin tặc quốc tế, xâm nhập đánh cắp tài liệu của các định chế chính trị, thể thao, doanh nghiệp và báo chí trên thế giới, kể cả tại Nga. Trên đây là lời tố cáo của Luân Đôn và Canberra và theo đó, những vụ tấn công này có sự chỉ đạo của điện Kremlin.
Trước hết, tại Luân đôn, trong một bản thông báo công bố ngày 04/10/2018, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho rằng có đủ bằng chứng tố cáo cơ quan An ninh Quân đội Nga GRU đã hành động bất chấp luật quốc tế, bất chấp hậu quả và không sợ bị trừng phạt. Anh Quốc và các đồng minh quyết định tiết lộ các vụ việc và đáp trả các mưu toan của GRU.
Không phải chỉ có kinh tế Anh bị thiệt hại hàng triệu bảng Anh, mà công dân nhiều nước trên thế giới, kể cả người Nga, bị thiệt hại do thủ đoạn tin tặc của An ninh Quân đội Nga. Trong số các vụ tấn công bị Trung Tâm Chống Chiến Tranh Mạng NCSC của Anh phát hiện, có hệ thống máy điện toán của đảng Dân Chủ Hoa Kỳ, Cơ Quan Thế Giới Chống Doping hay phi trường quốc tế Odessa ở Ukraina. Tình báo Nga phối hợp với nhiều nhóm tin tặc có tiếng thân cận với chính quyền Nga như « Fancy Bear, Sandworm, Strontium, APT 28, CyberCaliphate, Sofacy, BlackEnergy Actors ».
Cùng ngày, chính phủ Úc tố cáo « quân đội Nga và cánh tay tình báo GRU » là thủ phạm các hoạt động phá hoại. Theo thủ tướng Úc Scott Morrison, chính quyền Nga « đã chứng tỏ họ khinh thường các hiệp định mà chính họ đã đàm phán ».
Được AFP đặt câu hỏi, giám đốc trung tâm tham vấn chiến lược Royal United Services Institut, Malcolm Chalmers, cho rằng các hoạt động gây rối loạn của An ninh Quân đội Nga đã « vượt lên trên những điệp vụ truyền thống của thời bình, xóa bỏ ranh giới giữa thời bình và thời chiến ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181004-tin-tac-anh-va-uc-to-co-quan-tinh-bao-gru-cua-nga-tan-cong-mang
Khủng hoảng chính trị Armenia
trước thượng đỉnh Khối Pháp Ngữ
Sáu bộ trưởng Armenia đã bị cách chức ngày 03/10/2018 vì chống kế hoạch của thủ tướng Nikol Pachinian đòi bầu lại Quốc Hội trước thời hạn. Ông Pachinian được chỉ định đứng đầu nội các từ tháng 05/2018, nhưng đảng Cộng Hòa của cựu tổng thống Serge Sarkissian vẫn chiếm đa số tại ở Quốc Hội, làm tệ liệt các hoạt động chính trị tại Erevan.
Khủng hoảng chính trị Armenia diễn ra trong bối cảnh quốc gia này chuẩn bị đón tiếp thượng đỉnh Khối Pháp Ngữ trong hai ngày 11 và 12/10/2018.
Đặc phái viên RFI Daniel Vallot từ Erevan tường trình :
“Khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Armenia sẽ không ảnh hưởng đến thượng đỉnh Khối Pháp Ngữ. Đây là điều được giới chức tại Erevan lập đi lập lại kể từ khi thủ tướng Nikol Pachinian đương đầu với Quốc Hội. Ông đã tuyên bố sẵn sàng từ chức trong những ngày tới để tổ chức bầu cử trước thời hạn.
Ngoại trưởng Zohrab Mnatsakanyan cố gắng trấn an công luận là hội nghị Khối Pháp Ngữ sẽ diễn ra như dự kiến. Ông nói : Việc thủ tướng từ chức sẽ không đe dọa hội nghị Erevan, bởi vì Armenia sẽ có một chính phủ lâm thời tiếp tục điều hành đất nước để mọi việc được diễn ra một cách bình thường. Tất cả đã sẵn sàng cho hội nghị Khối Pháp Ngữ và không có gì mâu thuẫn giữa việc tổ chức thượng đỉnh tại Erevan với những diễn biến trong nội bộ của Armenia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181004-khung-hoang-chinh-tri-armenia-truoc-thuong-dinh-khoi-phap-ngu
Hà Lan chặn đứng âm mưu tấn công mạng của Nga
Các giới chức Hà Lan đã phá vỡ một âm mưu của các cơ quan tình báo Nga hồi tháng Tư, định thực hiện một cuộc tấn công mạng nhắm vào Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, Ank Bijleveld, cho biết.
Tại một cuộc họp báo ở La Haye, Bộ trưởng Bijleveld kêu gọi Nga hãy chấm dứt các hành động trên mạng nhằm mục đích “phá hoại” các nền dân chủ phương Tây.
Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Hà Lan cho biết 4 người Nga đã tới Hà Lan vào ngày 10/4 và bị bắt với nhiều thiết bị theo dõi tình báo tại một khách sạn ngay bên cạnh trụ sở của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW).
Vào thời điểm đó, OPCW đang tìm cách xác minh chất hóa học được dùng trong vụ tấn công hồi tháng 3 ở Salisbury, nước Anh. Nạn nhân là Sergei Skripal, một cựu điệp viên Nga và cô con gái của ông tên Yulia. OPCW lúc đó cũng đang tìm cách xác minh một chất hóa học được dùng trong một cuộc tấn công ở Douma, bên Syria.
Bốn người Nga ở Hà Lan bị bắt giữ ngày 13/4 và bị trục xuất về Nga, theo Thiếu tướng Onno Eichlsheim của Hà Lan. Họ đã lên kế hoạch để tới một phòng thí nghiệm ở Spiez, Thụy Sĩ, được OPCW dùng để phân tích các mẫu vũ khí hóa học.
Tướng Eichlsheim còn cho biết tình báo quân đội Nga hoạt động mạnh ở Hà Lan, vì đó ”là nơi mà nhiều cơ quan quốc tế đặt trụ sở.”
Anh cũng đưa ra lời cáo buộc tương tự đối với tình báo Nga.
Hôm 4/10, chính phủ Anh nói tình báo quân sự Nga đã tiến hành một loạt cuộc tấn công mạng nhằm gây hại cho nền dân chủ phương Tây bằng cách gieo rắc hoang mang khắp nơi, từ các cuộc bầu cử năm 2016 tại Hoa Kỳ, cho tới cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu.
Trong một tài liệu đánh giá mối nguy này dựa trên điều tra của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh, tình báo quân đội Nga (GRU) được coi là một kẻ tấn công mạng độc hại, sử dụng một mạng lưới tin tặc để gieo rắc bất hòa trên toàn thế giới.
Các nhà điều tra Anh nói hầu như chắc chắn 100% là GRU đứng đằng sau các cuộc tấn công vào BadRabbit và Cơ quan chống Doping Thế giới vào năm 2017, cuộc tấn công mạng vào Ủy ban Dân chủ Toàn quốc của Mỹ năm 2016, và đánh cắp các email từ một đài truyền hình có trụ sở ở Anh vào năm 2015.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên rằng các cáo buộc của Anh là sản phẩm của người có “trí tưởng tượng phong phú.”
Dù không khét tiếng như cơ quan tình báo KGB một thời hùng mạnh của Liên bang Xô-viết, GRU đóng vai trò chính trong một số sự kiện lớn nhất trong thế kỷ qua, từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cho tới việc thôn tính Crimea.
https://www.voatiengviet.com/a/ha-lan-chan-dung-am-muu-tan-cong-mang-cua-nga/4599621.html
Nhật Bản mong muốn tăng cường ảnh hưởng
ở khu vực sông Mekong
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh Mekong – Nhật Bản vào ngày 9/10 tới với mục đích tăng cường hợp tác của Nhật Bản với các nước trong khu vực, thực hiện mục tiêu xây dựng môt khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở.
Thông tấn xã Việt Nam trích lời ông Yoshihide Suga, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản, cho biết như vậy tại buổi họp báo hôm 4/10.
Thượng đỉnh sẽ có sự tham gia của các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.
Hãng tin Kyodo dẫn lời các giới chức Nhật Bản cho biết việc tăng cường hợp tác và thúc đẩy hội nhập của khu vực sông Mekong là một ưu tiên đối với Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các ảnh hưởng của mình tại khu vực.
Từ năm 2015 Trung Quốc đã thành lập diễn đàn Hợp tác Mekong – Lan Thương với mục tiêu là “cổ vũ cho việc phát triển bền vững dòng sông, và cải thiện đời sống của hàng triệu người sinh sống trong khu vực”.
Trong hai năm kể từ khi diễn đàn được thành lập, Trung Quốc đã chi hàng tỷ đô la hỗ trợ cho các dự án hạ tầng ở các nước trong khu vực. Từ khi thành lập diễn đàn đến nay, Trung Quốc và các nước thuộc khu vực sông Mekong đã có 2 lần hội nghị thượng đỉnh.
Dòng sông Mekong dài hơn 4.600 km có vùng đầu nguồn từ Trung Quốc, nơi nó được gọi là Lan Thương.
Hàng triệu người dân trong khu vực hiện đang sống nhờ vào những nguồn lợi từ dòng sông này. Đây cũng là một nguồn tiềm tàng gây căng thẳng trong khu vực do việc xây đập thủy điện đầu nguồn tại Trung Quốc được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dòng sông.
FireEye: Tin tặc Bắc Triều Tiên
trộm hàng trăm triệu đô
Bắc Triều Tiên có thể đã ngừng thử nghiệm tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân, nhưng các hoạt động tin tặc nhằm thu thập thông tin tình báo và các nguồn lợi tài chính phục vụ cho chính thể độc tài này vẫn rất sôi động.
Công ty an ninh mạng của Mỹ, FireEye, hôm thứ Tư (03/10) cảnh báo về việc một nhóm tin tặc Bắc Triều Tiên mà họ tố cáo đã trộm hàng trăm triệu đô la bằng cách đột nhập vào hệ thống máy tính của hàng loạt ngân hàng trên thế giới kể từ năm 2014, thông qua những cuộc tấn công tin tặc cực kì tinh vi và có tính phá hoại cao, nhắm vào ít nhất nhất là 11 quốc gia.
FireEye cho biết nhóm tin tặc này vẫn đang hoạt động và là một “mối đe dọa toàn cầu”. Đây là một phần của một mạng lưới các chiến dịch tấn công tin tặc do chính phủ Bình Nhưỡng chống lưng từng khiến chính quyền Mỹ liệt kê Bắc Triều Tiên cùng với Iran, Nga và Trung Quốc vào danh sách những mối đe dọa trên Internet đối với Hoa Kỳ.
Hồi tháng trước, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ truy tố một tin tặc Bắc Triều Tiên bị tố cáo tham gia vào một loạt các cuộc tấn công tin tặc gây hậu quả nghiêm trọng, bao gồm việc lấy trộm 81 triệu đô la của ngân hàng trung ương Bangladesh và phát tát virus WannaCry khiến Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe Quốc qua của Anh tê liệt một phần.
Hôm thứ Ba (03/10), Bộ Nội an Hoa Kỳ ra khuyến cáo về việc sử dụng mã độc do Hidden Cobra thực hiện, đánh lừa các máy rút tiền ATM của nhiều ngân hàng trên khắp Châu Á và Châu Phi. Hidden Cobra là tên gọi mà chính phủ Mỹ ám chỉ các tin tặc Bắc Triều Tiên.
Tin nói Hidden Cobra đứng đằng sau các vụ trộm hàng chục triệu đô la từ các máy rút tiền trong suốt hai năm qua. Trong một sự việc trong năm nay, tiền mặt đã bị rút đồng thời từ các máy ATM trên 23 quốc gia khác nhau.
Bắc Triều Tiên, quốc gia vốn ngăn chặn hầu hết mọi người dân kết nối với Internet, trước đây đã từng lên tiếng phủ nhận có liên quan đến các vụ tấn công tin tặc và hiếm khi sự quy kết trách nhiệm các cuộc tấn công như thế được đưa ra với sự đoan chắc tuyệt đối.
Tuy nhiên các chuyên gia an ninh mạng cho hãng tin AP biết rằng họ cũng thấy những dấu hiệu liên tiếp cho thấy chính quyền toàn trị Bắc Triều Tiên đang thực hiện những hoạt động phạm pháp trên mạng. Những hoạt động này bao gồm việc tấn công các định chế tài chính và các tổ chức có liên quan tới tiền ảo, cũng như do thám các đối thủ, bất chấp căng thẳng đang lắng dịu giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Những hoạt động tin tặc của Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh chính quyền độc tài của ông Kim Jong Un đã có những bước chuyển lớn trong chính sách ngoại giao, mở cửa ra với thế giới. Ông Kim đã tham gia các cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump, người đang hi vọng có thể thuyết phục ông Kim giải giáp kho vũ khí hạt nhân vốn có thể gây ra mối đe doạ với lục địa Mỹ. Cẳng thẳng đã dịu bớt trên bán đảo Triều Tiên, và nguy cơ chiến tranh với Hoa Kỳ đã xuống thang. Cuối tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ có chuyến thăm lần thứ 4 tới Bình Nhưỡng để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, phía Bình Nhưỡng vẫn chưa có những bước đi cụ thể trong việc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, vậy nên các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Bình Nhưỡng vẫn chưa được dỡ bỏ, khiến cho nước này không tiếp cận được với nguồn tiền mặt cũng như hệ thống ngân hàng thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/tin-tac-bac-trieu-tien-trom-hang-tram-trieu-do/4598719.html
Dân Hàn Quốc “ngại” Trung Quốc
hơn Bắc Triều Tiên
Một cuộc thăm dò dư luận mới đây được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất thuộc trường Đại học Quốc gia Seoul (IPUS) cho thấy người dân Hàn Quốc xếp Trung Quốc đứng trên Bắc Triều Tiên trong danh sách các mối đe dọa hòa bình.
Kết quả của cuộc thăm dò cho thấy 46,4% người được hỏi tin rằng Trung Quốc là mối đe doạ lớn nhất cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, trong khi chỉ có khoảng 32,8% lo ngại Bắc Hàn.
Kể từ năm 2007 tới nay, đây là lần đầu tiên Trung Quốc soán ngôi đầu bảng.
Cuộc thăm dò dư luận năm nay cho thấy người dân Hàn Quốc bớt xem Bình Nhưỡng là một mối đe dọa an ninh. Theo tờ Chosun Ilbo, năm 2017 có tới hơn 63,7% người được hỏi nói Bắc Triều Tiên là mối đe dọa chính cho khu vực.
Trong khi đó, khi được hỏi quốc gia nào có mối quan hệ gần gũi nhất với Hàn Quốc, 19,1% người được hỏi cho rằng đó là Bắc Triều Tiên, trong khi chưa tới 3,7% trả lời là Trung Quốc.
Cũng theo kết quả cuộc thăm dò dư luận này, 59,8% người dân Hàn Quốc cảm thấy cần “thống nhất” bán đảo Triều Tiên, tăng 5,7% so với năm ngoái.
https://www.voatiengviet.com/a/dan-han-quoc-ngai-trung-quoc-hon-bac-trieu-tien/4598723.html
Ấn Độ mua vũ khí của Nga, Mỹ khó xử
Tổng thống Putin bắt đầu công du Ấn Độ trong hai ngày 4 và 5/10/2018. Thủ tướng Modi dự trù ký kết nhiều hợp đồng mua vũ khí của Nga, một quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt. New Delhi và Matxcơva là hai đối tác chiến lược lâu đời, quan hệ cá nhân giữa Narendra Modi với Vladimir Putin luôn tốt đẹp. Liệu đấy có phải là những yếu tố thách thức chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ?
Vế quân sự và các hợp đồng mua bán vũ khí với New Delhi là “trọng tâm” chuyến công du Ấn Độ của tổng thống Nga. Hai ngày trước khi ông Putin viếng thăm Ấn Độ, điện Kremlin đã thông báo khá chi tiết về những hợp đồng mà nguyên thủ hai nước sẽ chứng kiến lễ ký kết vào ngày 05/10. Trong số này có hợp đồng trang bị cho Ấn Độ hệ thống phòng không S-400 của Nga trị giá 5 tỷ đô la. Theo nhiều nguồn tin thông thạo, cũng tại New Delhi lần này, lãnh đạo hai nước còn thảo luận về dự án Nga cung cấp bốn hộ tống hạm lớp Krivak, trị giá 2 tỷ đô la và kế hoạch Ấn Độ trang bị 200 chiếc trực thăng hạng nhẹ Ka-226, trị giá khoảng 1 tỷ đô la.
Vấn đề là với việc mua vũ khí Nga, Ấn Độ vi phạm một lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Matxcơva. Đạo luật này mang tên CAATSA, được tổng thống Trump ban hành từ tháng 8/2017, quy định rằng mọi quốc gia giao dịch với Nga trong lĩnh vực quốc phòng hay tình báo đều có thể bị Washington trừng phạt. Trong đó bao gồm cả vế mua bán vũ khí và trang thiết bị quân sự.
Cũng nhân danh đạo luật này, hôm 20/09/2018, Hoa Kỳ đã phạt Cục Phát Triển Thiết Bị của Trung Quốc mua 10 chiến đấu cơ Sukhoi-35 hồi năm 2017. Trong năm 2018, Bắc Kinh đã mua nhiều trang thiết bị liên quan đến tên lửa địa đối không S-400 của Nga.
Câu hỏi kế tiếp là Washington có thể phạt chính quyền của thủ tướng Modi như đã xử phạt một cơ quan quân sự của Trung Quốc hay không ?
Theo các nhà phân tích, câu trả lời có lẽ là không, vì nhiều lý do.
Thứ nhất là yếu tố Trung Quốc. Washington cần New Delhi để kềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh cả về mặt kinh tế lẫn quân sự trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Tháng 09/2018, Mỹ và Ấn Độ thông báo đẩy mạnh hợp tác trao đổi thông tin quân sự mang tính nhạy cảm cao. Đôi bên cũng đã đồng ý tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô vào năm 2019. Với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, Mỹ khó mà mạnh tay với New Delhi.
Cái khó thứ nhì đặt ra với chính quyền Trump là việc Ấn Độ tăng cường khả năng phòng thủ cũng chính là nhằm để đối phó với đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc và đấy là điều buộc Washington phải quan tâm. Vào năm 2017 đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa quân đội hai nước trong khu vực biên giới Ấn – Trung. Chưa kể là theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng với Pakistan, mà trong quá khứ, Ấn Độ và Pakistan đã ba lần tuyên chiến với nhau.
Điểm kẹt thứ ba của Mỹ là Ấn Độ hiện đang là một trong những quốc gia mua vũ khí hàng đầu thế giới, đang có nhu cầu hiện đại hóa khả năng phòng thủ rất lớn. Đây là một thị trường mà các nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ không muốn bỏ qua. Còn Nga thì từ lâu nay vẫn là đối tác ưu tiên của New Delhi, cho dù là khi lên cầm quyền, thủ tướng Narendra Modi đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Hoa Kỳ khó có thể thay đổi được thực tế đó.
Đấy là chưa kể trên bàn cờ ngoại giao, Nga đang ủng hộ Ấn Độ giành được một chiếc ghế thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cũng nhờ Matxcơva đỡ đầu, New Delhi đã gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.
Nhưng có lẽ không chỉ có Hoa Kỳ theo dõi sát lễ ký kết các hợp đồng quân sự Ấn – Nga, mà cả Trung Quốc cũng đang khó chịu vì những hợp đồng giúp cho New Delhi nâng cao khả năng phòng thủ.
Biết đâu đây lại là điểm cho phép Washington và Bắc Kinh thông cảm với nhau hơn trong bối cảnh căng thẳng Mỹ- Trung đang dâng cao ?
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181004-an-do-mua-vu-khi-cua-nga-my-kho-xu