Tin Biển Đông – 03/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 03/10/2018

Trung Quốc lên án chiến dịch tự do hàng hải

 của Mỹ trên Biển Đông

Trung Quốc ngày 02/10 bày tỏ phẫn nộ sau khi một khu trục hạm của Hải quân Mỹ tiến gần các hòn đảo mà Bắc Kinh nhận chủ quyền ở Biển Đông. Bắc Kinh nói họ kiên quyết phản đối hành động mà họ gọi là một mối đe dọa đối với chủ quyền Trung Quốc.

Bắc Kinh và Washington hiện đang vướng vào một cuộc chiến thương mại, trong đó cả hai bên liên tiếp gia tăng các biện pháp thuế quan nặng nề lên hàng xuất khẩu của đối phương.

Một quan chức Hoa Kỳ giấu tên cho biết tàu khu trục USS Decatur của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa hôm Chủ nhật (30/10).

Chiến dịch này là nỗ lực mới nhất của Washington chống lại điều mà Hoa Kỳ cho là những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế tự do hàng hải trên các vùng biển chiến lược, nơi mà hải quân của Trung Quốc, Nhật Bản, và hải quân một số nước Đông Nam Á khác hoạt động. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã điều tàu hải quân ra để cảnh cáo, yêu cầu tàu Mỹ rời đi.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố nước này có chủ quyền không thể bàn cãi đối với các đảo và vùng biển xung quanh các đảo trên Biển Đông, và rằng tình hình trong khu vực đang có những tiến triển tốt đẹp nhờ vào nỗ lực của Trung Quốc và các quốc gia láng giềng Đông Nam Á.

“Phía Hoa Kỳ liên tục điều tàu quân sự đi vào vùng biển gần các đảo trên Biển Đông mà không xin phép, đe doạ nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng quan hệ quân sự Mỹ-Trung, và gây phương hại nặng hề tới hoà bình và ổn định khu vực,” Bộ Quốc phòng Trung Quốc tố cáo.

“Quân đội Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động này.”

Bộ này còn cho biết thêm lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các bước cần thiết nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

Trong một thông cáo riêng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mạnh mẽ thúc giục Hoa Kỳ chấm dứt các hành động “gây hấn”, đồng thời “ngay lập tức sửa chữa những sai lầm.”

Chiến dịch tự do hàng hải của Hoa Kỳ diễn ra vào thời điểm xuất hiện những rạn nứt trong quan hệ quốc phòng hai nước khi Trung Quốc bất bình với lệnh trừng phạt mà Washington nhắm vào quân đội nước này do mua vũ khí của Nga cũng như việc Hoa Kỳ hỗ trợ hòn đảo tự trị Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh luôn coi là của mình.

Hôm 30/9, hãng Reuters đưa tin Trung Quốc hủy một cuộc họp an ninh với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, vốn dự kiến diễn ra vào tháng 10.

Hồi tuần trước, Bộ quốc phòng Trung Quốc cũng đánh tiếng cho biết chuyến thăm dự kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tới Mỹ cuối năm nay có thể sẽ không diễn ra.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-len-an-chien-dich-tu-do-hang-hai-cua-my-tren-bien-dong/4597016.html

 

TQ gia tăng gây hấn tàu Mỹ tuần tra ở biển Đông

Sau tàu Anh, đến lượt tàu chiến Mỹ đụng độ với tàu chiến Trung Quốc trên biển Đông. Các chuyên gia nói thực tế này cho thấy Mỹ sẽ không đứng ngoài cuộc, tuy nhiên, sự căng thẳng có thể bị đẩy lên cao, gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực.

Một tàu chiến Mỹ đã đối đầu với một tàu chiến Trung Quốc hôm chủ nhật vừa rồi khi tàu Mỹ tới gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo lời các quan chức Mỹ, tàu chiến nước này đã phải cơ động để “tránh một vụ va chạm”, CNN tường thuật.

“Một tàu khu trục (của Trung Quốc) lớp Lữ Dương đã tiến tới tàu chiến USS Decatur của hải quân Mỹ một cách không chuyên nghiệp và không an toàn ở vùng nước gần đá Ga Ven ở biển Đông”, văn bản của đại úy Charles Brown, phát ngôn nhân của Hạm đội Thái Bình Dương gửi CNN viết.

Ông Brown nói, tàu chiến Trung Quốc “thực hiện một loạt hành động gây hấn với cấp độ gia tăng đồng thời lên tiếng cảnh cáo, đòi tàu Decatur rời đi”. Ông cho biết thêm, tàu khu trục Trung Quốc “chỉ cách 40m” trước mũi tàu Mỹ và tàu Decatur phải cơ động để tránh. “Lực lượng của chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, ông Brown nói.

Theo lời Carl Schuster, cựu thuyền trưởng hải quân Mỹ với 12 năm đi biển thì tình huống đối đầu ở cự li gần như thế chỉ cho thuyền trưởng các tàu vài giây để đưa ra quyết định xử lý chuyển hướng.

“Điều này rất nguy hiểm. Các thuyền trưởng đều rất căng thẳng khi tàu gần nhau dưới 1.000m”, ông Schuster cho biết. Khi đó, các chỉ huy buộc phải nhanh chóng chuyển hướng tàu, điều chỉnh tốc độ và chỉ cần sai sót nhỏ cũng đủ dẫn đến va chạm.

Vụ việc diễn ra trong lúc Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trong một loạt vấn đề, từ thương mại đến quốc phòng, ngoại giao.

Theo CNN, hôm chủ nhật vừa qua, tàu USS Decatur đã tiến gần đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép và cho xây đảo nhân tạo trên thực thể địa lý này.

Ông Schuster nói Trung Quốc dường như đang thực thi một chính sách “gây hấn hơn” đối với các tàu Mỹ sau các vụ đụng độ giữa tàu thương mại với các tàu khu trục Mỹ hồi năm ngoái ở châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Reuters, hôm qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói “tình hình biển Đông đang có tiến triển nhờ nỗ lực của Trung Quốc và các nước ở khu vực Đông Nam Á”, yêu cầu Mỹ ngừng các hành động “gây hấn” và “sửa chữa sai lầm ngay lập tức”.

Tân Hoa Xã hôm qua thông tin, “Trung Quốc rất không hài lòng” và kịch liệt phản đối hành động của phía Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn ngang ngược sử dụng giọng điệu cũ, là “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi với quần đảo Nam Sa” (cách phía Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam-PV).

Tăng cường hiện diện

Trong thời gian gần đây, tình hình biển Đông nóng lên khi một loạt cường quốc gửi tàu chiến và máy bay tới thách thức những tuyên bố chủ quyền quá đáng, đòi “nuốt trọn” biển Đông của Trung Quốc, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh. Trung Quốc ngoài xua đuổi tàu Mỹ, gần đây đã cử trực thăng và tàu chiến ra xua đuổi một tàu chiến Anh.

Trung Quốc thường xuyên kêu gọi các quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông không tham gia các tranh cãi về lãnh thổ ở đây.

Có chuyên gia nói cuộc đụng độ mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ trên biển Đông là dấu hiệu cho thấy chiến tranh thương mại đã lan tỏa sức nóng sang cả vấn đề an ninh và những diễn tiến gần đây ở biển Đông cho thấy các đồng minh của Mỹ có chiều hướng sẵn sàng can dự vào đây.

“Không chỉ Mỹ mà các cường quốc khác cũng đã tăng cường hiện diện tại biển Đông”, Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải của đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) nói với SCMP.

Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện của họ tại biển Đông bằng việc xây đảo nhân tạo, thường xuyên cử tàu chiến và máy bay tới khu vực này. SCMP nói trong cuộc tập trận gần nhất tại biển Đông, Bắc Kinh sử dụng hàng chục máy bay, bao gồm cả máy bay ném bom và ít nhất là hai tiêm kích J-11B.

Cuộc tập trận có cả khoa mục bắn tên lửa, theo tường thuật của CCTV mới đây. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc không nói rõ thời gian và địa điểm cuộc tập trận.

Adam Ni, chuyên gia về chính sách an ninh và ngoại giao Trung Quốc thuộc đại học Tổng hợp Australia nói, cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ở châu Á có thể đặt các nước trong khu vực vào tình thế buộc phải chọn đứng về một phía.

“Đối với các nước châu Á, một nước Mỹ năng động ở châu Á nhằm đối trọng lại với tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc là điều tích cực”, ông nói với SCMP. “Tuy nhiên, có nguy cơ cạnh tranh chiến lược sẽ làm nóng tình hình và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực”.

“Khả năng ngày càng tăng về một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc là viễn cảnh không mong muốn đối với một khu vực vốn phụ thuộc rất lớn vào khả năng kết nối và lưu thông hàng hóa”, ông Ni nói.

http://biendong.net/bi-n-nong/23946-tq-gia-tang-gay-han-tau-my-tuan-tra-o-bien-dong.html

 

Tàu chiến Mỹ – Trung chạm trán

 “không an toàn” trên Biển Đông

Vụ việc xảy ra khi tàu Hải quân Mỹ tiến vào vùng 12 hải lý quanh các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý.

Hai tàu chiến của Hải quân Mỹ và Trung Quốc đã “chạm mặt không an toàn” trên Biển Đông. Thông báo từ giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sự việc xảy ra sáng 30/9 khi tàu Hải quân Mỹ đang tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông [thuộc chủ quyền của Việt Nam-ND].

CNN dẫn lời người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Charles Brown cho biết: “Một tàu khu trục Luyang của Trung Quốc đã tiếp cận tàu USS Decatur một cách không an toàn và không chuyên nghiệp ở gần Đá Ga Ven trên Biển Đông”.

Theo ông Charles Brown, tàu của Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt động thái “gây hấn” để buộc USS Decatur rời khỏi khu vực này. “Tàu khu trục của Trung Quốc đã tiếp cận trong phạm vị 40m trước mũi tàu Mỹ buộc tàu Decatur phải chuyển hướng để tránh va chạm”, người phát ngôn Charles Brown nói thêm. Ông đồng thời khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục “đưa máy bay và tàu hải quân tới bất cứ đâu được luật pháp quốc tế cho phép”.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, trong trường hợp 2 tàu đối đầu ở cự ly gần như vậy, thuyền trưởng sẽ chỉ có vài giây để phản ứng và đưa ra quyết định.

“Đây là tình huống vô cùng nguy hiểm. Mọi thuyền trưởng sẽ đều thấy lo sợ khi một tàu khác tiến tới gần trong cự ly chưa tới 1.000m. Từ bánh lái đến tốc độ tàu phải được tính toán chính xác, vì chỉ cẩn một sai sót nhỏ cũng sẽ dẫn đến một vụ va chạm”, Giáo sư Schuste tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, một cựu thuyền trưởng trên tàu Hải quân Mỹ với 12 năm kinh nghiệm trên biển nhận định.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang chưa từng thấy trong hàng loạt vấn đề từ kinh tế đến quân sự.

CNN ngày 30/9 cũng đã đưa tin tàu Decatur đã đi vào vùng 12 hải lý quanh Đá Ga Ven và Đá Gạc Mạc thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Hải quân Mỹ gọi hoạt động này là một phần chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế. Mỹ gia tăng hiện diện quân sự tại Biển Đông thời gian qua, trong khi Trung Quốc tiến hành quân sự hóa  hàng loạt thực thể trển Biển Đông, khiến căng thẳng khu vực và quan ngại quốc tế gia tăng.

Hiện Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về vụ “chạm trán nguy hiểm” này với tàu Mỹ trên Biển Đông. Song trước đó, Bắc Kinh đã không bỏ qua vụ việc Mỹ liên tiếp đưa B-52 bay qua Biển Đông, gọi đây là hành động “khiêu khích”.

Giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ -Trung gia tăng có thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã hủy chuyến thăm Bắc Kinh dự kiến diễn ra trong tháng 10 này. Theo kế hoạch ban đầu, ông Mattis tới Bắc Kinh và thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc các vấn đề về an ninh. Bộ Quốc phòng Mỹ hiện chưa lên tiếng xác nhận thông tin Bộ trưởng Mattis hủy chuyến thăm Bắc Kinh.

Mỹ với quan ngại Trung Quốc quân sự hóa và tuyên bố chủ quyền phi lý nhiều thực thể trển Biển Đông- tuyến hàng hải huyết mạch, đã gia tăng hiện diện quân sự với lý do đảm bảo “tự do hàng hải”. Đến nay, các đồng minh Mỹ là Pháp, Anh cũng đưa tàu chiến tới Biển Đông với cùng lý do này. Động thái của các nước khiến căng thẳng với Trung Quốc không ngừng leo thang.

http://biendong.net/bi-n-nong/23935-tau-chien-my-trung-cham-tran-khong-an-toan-tren-bien-dong.html

 

Căng thẳng quân sự Mỹ-Trung gia tăng

Thanh Phương

Giữa lúc chiến tranh thương mại ngày càng ác liệt, căng thẳng quân sự Mỹ- Trung cũng đang gia tăng một cách nguy hiểm, thể hiện qua sự cố vừa xảy ra gần đây giữa chiến hạm của hai nước ở vùng Biển Đông.

Trong một thao tác mà hải quân Hoa Kỳ xem là “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”, một chiến hạm của Trung Quốc ngày Chủ nhật 30/09 vừa qua đã tiến sát khu trục hạm Mỹ USS Decatur ở khoảng cách chưa tới 41 mét, khi chiến hạm này đi gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Hành động nguy hiểm của chiến hạm Trung Quốc khiến chiếc USS Decatour phải chuyển hướng để tránh va chạm.

Trả lời hãng tin AFP, nhà phân tích Timothy Heath, thuộc Viện tư vấn quốc phòng RAND Corporation của Mỹ, cho biết chưa bao giờ một chiến hạm Trung Quốc áp sát một chiến hạm Hoa Kỳ gần như thế. Theo nhà phân tích này, sự cố nói trên có thể phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Washington với Bắc Kinh, nhưng cũng có thể là do Trung Quốc muốn “nắn gân” Mỹ ở Biển Đông.

Sau sự cố ở vùng biển này, Bắc Kinh đã phản ứng rất giận dữ, khẳng định rằng các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ đang đe dọa đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đồng thời gây tổn hại quan hệ quân sự giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Vào năm 2014, quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử để tránh các vụ va chạm trên biển giữa hải quân hai nước. Theo hãng tin AFP, hiện chưa rõ là hành động của chiến hạm Trung Quốc hôm Chủ nhật vừa qua là theo lệnh của Bắc Kinh hay chỉ là quyết định của thuyền trưởng, nhưng rõ ràng là có những chủ đích chính trị đằng sau sự cố này.

Theo nhân định của nhà phân tích Timothy Heath, RAND Corporation, với căng thẳng đang gia tăng, Trung Quốc “có vẻ như muốn hù dọa Mỹ bằng một hành động liều lĩnh có thể gây ra va chạm giữa chiến hạm hai nước”. Ở đây có nguy cơ thật sự là tính toán sai lầm sẽ dẫn đến đụng độ.

Thật ra thì trong quá khứ, quan hệ quân sự Mỹ – Trung cũng đã từng trải qua giai đoạn căng thẳng. Vào năm 2001, trên vùng biển ngoài khơi miền nam Trung Quốc, một máy bay do thám của Hoa Kỳ, chiếc US EP-3 đã đụng một chiến đấu cơ Trung Quốc. Phi công của chiến đấu cơ Trung Quốc đã thiệt mạng, còn phi cơ của Mỹ đã phải đáp khẩn cấp xuống đảo Hải Nam và phi hành đoàn thì bị phía Trung Quốc bắt giữ, đến 11 ngày sau mới được thả ra. Sau vụ này, mọi trao đổi quân sự giữa hai nước, kể cả các chuyến ghé thăm cảng, đều đã bị đình chỉ.

Kịch bản này đang tái diễn với việc Trung Quốc không cấp phép cho một chiến hạm Mỹ ghé thăm cảng Hồng Kông, hủy cuộc họp giữa tư lệnh hải quân hai nước, cũng như cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe).

Theo dự báo của chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), Mỹ, căng thẳng quân sự hiện nay rất có thể sẽ kéo dài, vì nó theo đúng mục tiêu chính trị của tổng thống Donald Trump, tức là gây áp lực càng mạnh càng tốt lên Trung Quốc. Bà Glaser ghi nhận rằng, hành động của chiến hạm Trung Quốc hôm Chủ nhật vừa qua đã vi phạm những quy định hiện hành và qua sự cố này, Bắc Kinh đã dấn thêm một bước trong việc can thiệp vào các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải của Hoa Kỳ ở Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181003-cang-thang-quan-su-my-trung-gia-tang