Tin khắp nơi – 03/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 03/10/2018

TT Trump: ‘Thời điểm đáng sợ

cho nam thanh niên’ ở Mỹ

Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên hiện đang là thời điểm “khó khăn” và “đáng sợ” cho nam thanh niên ở Mỹ.

Lời phát biểu của ông Trump được đưa ra khi ông tái khẳng định sự ủng hộ cho ứng viên Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh, người hiện đang bị vài phụ nữ cáo buộc có hành vi tấn công tình dục.

Cuộc biểu quyết chuẩn thuận ông Kavanaugh bị trì hoãn trong khi Cơ quan Điều tra Liên bang FBI đang tiến thành điều tra các cáo buộc, điều mà ông phủ nhận.

Kavanaugh: Nhà Trắng ‘không giới hạn’ điều tra FBI

Mỹ: Ứng viên Tối cao Pháp viện bị tố ‘tấn công tình dục’

Brett Kavanaugh điều trần trước Thượng Viện

Ông Trump nói ông tin rằng vị thẩm phán sẽ được chuẩn thuận.

Nếu ông Kavanaugh được chuẩn thuận, đó sẽ là một thắng lợi lớn cho chính quyền ông Trump vì nó sẽ khiến tòa án cao nhất của Mỹ nghiêng về ủng hộ phe bảo thủ trong những năm tới.

Nói với báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump cho rằng vị thẩm phán đang “rất ổn hiện nay”.

“Đây là thời điểm rất đáng sợ cho những nam thanh niên ở Mỹ khi bạn có thể bị buộc tội về những điều mà bạn không có tội,” ông Trump nói với các phóng viên. “Đây là thời điểm rất khó khăn.”

“Bạn có thể là một người hoàn hảo cả cuộc đời bạn và ai đó có thể tố cáo bạn điều gì đó – không nhất thiết phải là một phụ nữ – nhưng ai đó có thể tố cáo bạn điều gì đó và bạn tự khắc có tội.”

Trả lời cho các câu hỏi về ứng viên chức tòa án tối cao mà ông Trump chọn, vị tổng thống nhắc lại nhiều lần rằng ông đang chờ xem cuộc điều tra của FBI mang lại điều gì và không muốn “làm ảnh hưởng” bất cứ điều gì.

Ông Trump cũng chỉ trích Giáo sư Christine Blasey Ford, người ra làm chứng trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện tuần trước, dẫn đến cuộc điều tra của FBI.

“Thật là một điều khó khăn nếu bạn là một người gương mẫu trong 35 năm và một ai đó xuất hiện và nói, ‘anh làm điều này hay điều kia’, và họ đưa ra ba nhân chứng và ba nhân chứng này không chứng thực cho những điều bà ấy nói.”

Ông Trump nói đó là một “tình huống rất đáng sợ” khi bị coi là “có tội cho đến khi được chứng minh là vô tội”.

“Cả đời tôi tôi nghe câu ‘anh vô tội cho tới khi được chứng minh là có tội’, nhưng giờ đây anh có tội cho đến khi được chứng minh là vô tội. Đó là một tiêu chuẩn rất, rất khó khăn.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45726907

 

‘Quân đội Mỹ quá phụ thuộc vào Trung Quốc’

Lầu Năm Góc từ lâu đã lo ngại TQ sẽ cắt nguồn cung cấp các vật liệu quan trọng cho quân đội Mỹ, hoặc cài các thiết bị phá hoại hoặc gián điệp.

Lầu Năm Góc sắp công bố một bản đánh giá về sự phụ thuộc của quân đội Mỹ vào Trung Quốc và các nhà cung cấp nước ngoài, theo The South China Morning Post.

Đánh giá của Lầu Năm Góc đã chỉ ra hàng trăm trường hợp trong đó quan đội Mỹ phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, cho các vật liệu quan trọng.

Nghiên cứu này, do Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu, dự kiến sẽ được công bố trong những tuần tới.

Mục đích của đánh giá này là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của quân đội Mỹ vào các quốc gia khác và tăng cường ngành công nghiệp Mỹ.

Tàu TQ suýt va chạm tàu chiến Mỹ trên Biển Đông

Máy bay ném bom B-52 Mỹ vẫn bay qua Biển Đông

TQ ‘đang luyện tập để tấn công’ các mục tiêu Mỹ

Một trong số các kết luận sẽ được đưa ra là Mỹ đã quá phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài cho một loạt các mặt hàng bao gồm linh kiện điện tử nhỏ – các linh kiện li ti như mạch tích điện và bóng bán dẫn.

Những loại linh kiện thiết yếu này được nhúng vào các thiết bị điện tử tiên tiến được sử dụng trong mọi thứ từ vệ tinh và tên lửa hành trình đến drone và điện thoại di động.

Việc đánh giá của Lầu Năm Góc tập trung sự chú ý vào nhà cung cấp Trung Quốc phản ánh nỗ lực của ông Trump nhằm đối phó với các rủi ro cho an ninh của Hoa Kỳ trước ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh, bài viết trên The South China Morning Post cho hay.

Các quan chức Lầu Năm Góc muốn chắc chắn rằng Trung Quốc không thể gây trở ngại cho quân đội Mỹ bằng cách cắt nguồn cung cấp vật liệu hoặc bằng cách cung cấp các công nghệ phá hoại.

Lầu Năm Góc từ lâu đã lo ngại rằng “thiết bị chuyển mạch phá hoại” có thể được nhúng vào trong các linh kiện bán dẫn, có thể các tắt hệ thống rất nhạy cảm của Mỹ trong một cuộc xung đột.

Giới chức tình báo Mỹ cũng cảnh báo về khả năng Trung Quốc có thể sử dụng điện thoại di động và thiết bị mạng do Trung Quốc sản xuất để làm gián điệp ở Mỹ.

Trung Quốc, cũng là nhà cung cấp chính nhiều khoáng sản đất hiếm cho Hoa Kỳ. Điều này sẽ được nhấn mạnh đặc biệt trong báo cáo, các quan chức giấu tên nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45728931

 

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo sắp gặp

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ công du châu Á vào thứ Bảy 6/10 và sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào Chủ nhật 7/10 để sắp xếp cho hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên.

Ông Evan Rees, nhà phân tích Châu Á – Thái Bình Dương của Viện Stratfor nhận định rằng một năm sau khi Triều Tiên tiếp cận với thế giới, ngày càng có nhiều quốc gia kêu gọi giảm bớt các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng để đáp lại thái độ tích cực đó.

Ông Rees nói: “Mặt trận gây áp lực tối đa của Mỹ lên Bình Nhưỡng đã thực sự đạt đến mức ngày càng khó duy trì, đặc biệt khi phải đối mặt với áp lực từ Trung Quốc và Nga.”

Bắc Kinh và Moscow kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ đánh giá lại các lệnh trừng phạt hồi tháng trước. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng các mối quan hệ đang ấm lên và “những chuyển biến tích cực” giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như các mối quan hệ đang được cải thiện với Hoa Kỳ, có thể hướng đến các việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, Washington không đồng ý đề xuất của Bắc Kinh, và nói rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên sẽ vẫn được duy trì.

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Ngoại trưởng Pompeo tháng trước nói rằng “việc thực thi các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an phải được tiếp tục một cách mạnh mẽ và không được phép thất bại cho đến khi chúng ta kiểm chứng được việc giải trừ hạt nhân,” và ông cũng kêu gọi các thành viên của Hội đồng “thiết lập các chuẩn mực về nỗ lực đó và tất cả các bên đều phải chịu trách nhiệm với nhau.”

Các nhà phân tích cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo này chắc chắn sẽ mang lại một cái gì đó có ý nghĩa lớn hơn cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore vào ngày 12/6.

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-pompeo-sap-gap-lanh-tu-trieu-tien-kim-jong-un/4597880.html

 

Đệ nhất Phu nhân Melania

thăm nơi cầm giữ nô lệ ở Ghana

Tiếp tục chuyến công du 4 ngày tới thăm Châu Phi, hôm thứ Tư 3/10, Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump đã đến thăm một cơ sở từng là nơi cầm giữ người nô lệ ở Ghana.

Được tháp tùng bởi một người hướng dẫn, Phu nhân Trump lưu lại nhiều phút trong một căn hầm nơi nhiều người nô lệ Phi Châu bị cầm giữ trước khi bị bắt lên tàu đưa sang Châu Mỹ trong những năm 1700.

Nói chuyện với các nhà báo sau đó, phu nhân Melania nói bà sẽ không bao giờ quên được những câu chuyện mà hướng dẫn viên đã kể lại, và bà mô tả trải nghiệm này là “gây xúc động”.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và phu nhân Michelle cũng đã từng tới thăm cơ sở này, Lâu đài Cape Coast, trong chuyến công du Ghana của hai vợ chồng vào năm 2009.

Ghana là chặng dừng chân thứ nhất trong chuyến công du châu Phi cũng sẽ đưa bà Melania, tới Malawi, Kenya và Ai Cập.

Nhân chuyến đi này, Đệ nhất Phu nhân Mỹ muốn nhân rộng và cổ vũ cho sáng kiến “Be Best” của bà, tập trung vào nỗ lực cải thiện an sinh cho trẻ em.

Chuyến công du bày tỏ thiện chí của bà được thực hiện nhiều tháng sau khi Tổng thống Donald Trump gây bão khi dùng những lời lẽ đầy miệt thị để mô tả châu lục này, khơi lên những lời chỉ trích tố cáo ông Trump là người kỳ thị sắc tộc.

Ông John Campbell, nhà nghiên cứu cao cấp về Phi Châu học tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định với VOA:

“Chuyến đi của Đệ nhất Phu nhân, theo tôi, cho thấy là người Mỹ, chính sách của Mỹ, và chính phủ Mỹ có nhiều mặt đa dạng, và mang nhiều ý nghĩa hơn, so với vài ba dòng tin nhắn tải lên trang Twitter.”

Trong các đề nghị về ngân sách mới đây, chính phủ của Tổng thống Trump kêu gọi cắt giảm đáng kể các chương trình viện trợ nhân đạo cho châu Phi, tuy nhiên những biện pháp đó bị chặn lại tại Quốc hội.

https://www.voatiengviet.com/a/dnpn-melania-tham-noi-cam-giu-no-le-o-ghana/4597832.html

 

Bạn Của Kavanaugh Kẻ Bênh Người Chống,

FBI Còn Điều Tra; Nghị Sĩ Collins:

FBI Nên Thẩm Vấn Người Thứ 3 Swetnick

WASHINGTON   –   NS Susan Collins nghĩ rằng FBI nên coi là nghiêm trang tố giác tấn công tình dục của bà Julie Swetnick chống lại ứng viên TCPV của Trump – bà Swetnick là người thứ 3 lên tiếng về hành động bất xứng của ông Kavanaugh.

Phe bênh Kavanaugh nhắc nhở: FBI đã điều tra ông ta 6 lần.

1 số nhà lập pháp CH nói: bà Swetnick can dự ít nhất 6 vụ kiện trong 25 năm qua, là khó tin cậy.

Bà Collins là 1 trong 3 nghị sĩ cùng đảng CH còn lưỡng lự với quyết định bỏ phiếu thuận khi Thượng Viện tổ chức biểu quyết về ông Kavanaigh tại hội nghị khoáng đại (được mong đợi sau cuộc điều tra bổ túc của FBI) – phát ngôn viên của bà giải thích “NS Collins tin rằng cuộc điều tra của FBI sẽ giúp lượng giá các đối chứng tại ủy ban pháp chế hôm Thứ Năm tuần qua”.

Luật sư Michael Avenatti, là đại diện của bà Swetnick, tuyên bố hôm Thứ Hai: thân chủ sẵn sàng thử thách bởi máy khám phá nói dối.

NBC News cho biết: bà Swetnick ít lưu tâm đến chính trị, và là người nhút nhát, nhưng thấy cần lên tiếng trước công chúng về ứng viên Kavanaugh. Trong 1 cuộc phỏng vấn của NBC, bà nói từng thấy lối cư xử không thích hợp với phụ nữ của ông Kavanaugh trong các tiệc họp bạn đầu thập niên 1980… Bà với phóng viên tên 4 người cùng đi dự – 1 người đã quá vãng, 2 người không trả lời. người thứ 4, là nam giới, trả lời là “không nhớ”.

NS Flake tuyên bố “sẽ bỏ phiếu NO nếu cuộc điều tra của FBI cho thấy Kavanaugh nói dối tại ủy ban pháp chế hôm Thứ Năm tuần qua”.

Bạn cùng trường thời cao đẳng bênh Kavanaugh từng đánh người bằng ly bia tại quán bar gần trường – anh này đi nhà thương. Dudley là 1 cầu thủ bóng rổ của NBA đã nghỉ hưu năm 2003, xác nhận Kavanaugh không uống say xỉn đến mức “hết biết” trong khi các bạn cùng trường Yale nói Kavanaugh uống nhiều cho đến khi say khướt, theo 1 bản tin của BuzzFeed.

Báo New York Times đưa tin: Chris Dudley khẳng định “Chưa từng thấy Kavanaugh mất tỉnh táo – đó không là Kavanaugh, không là đặc tính của hắn”.

Yahoo News dẫn nguồn New York Times cho hay: người bị thương ở tai phải và đi nhà thương là Dom Cozzilino. Biên bản cảnh sát ghi: Kavanaugh ném nước đá Cozzolino tại bar Demery vào Tháng 9-1985. Chad Ludington là 1 bạn khác cùng trường cho hay: Kavanaugh không làm giảm căng thẳng mà còn ném ly bia vào mặt người kia, anh này có cử chỉ phản ứng thì bị Dudley đập ly bia vào mặt, bị thương. Khi cảnh sát hỏi, Dudley chối – Kavanaugh không nhận đã ném ly bia hay không.

Trước khi New York Times phổ biến tố giác của nhân chứng thứ 3 là Deborah Ramirez chống lại Kavanaugh, đã có tiếp xúc giữa phe Kavanaugh và 1 số bạn cùng trường của Kavanaugh trong vận động hậu trường để phản bác Ramirez.

NBC tiết lộ: Kerry Berchem, là bạn của cả Kavanaugh và Ramirez, cho biết Ramirez muốn tiếp xúc với FBI để cung cấp những thông tin ấy, nhưng chưa được FBI hỏi tới. Tin nhắn qua lại bằng text giữa Berchem và Karen Yarasavage ám chỉ Kavanaugh đã nói chuyện riêng với các bạn cũ về chuyện kể của Ramirez trước khi New York Times đưa lên mặt báo. Trong 1 text, Kavanaugh yêu cầu Yarasavage bênh vực. 2 text khác là liên lạc giữa Kavanaugh và 2 bạn cũ. Các text cho hiểu rằng quan hệ giữa Kavanaugh và Ramirez là rộng hơn người ta tưởng – Ramirez cảm thấy kém thoải mái khi gặp mặt tại 1 đám cưới 10 năm sau ngày tốt nghiệp trường Yale. Nỗ lực của Berchem ám chỉ 1 số nhân chứng không thể giao thông tin cho FBI.

NBC tìm cách tiếp xúc Berchem để yêu cầu bình luận sau khi có được biên bản của bà về các tin nhắn text. Trong 1 tuyên bố gửi cho NBC, bà Berchem (nay là thành viên của tổ hợp luật sư Akin Gump) viết: không biết trực tiếp hay gián tiếp các tố giác, nhưng có ghi chép các text từ bạn chung với Ramirez và Kavanaugh với 1 số nghi vấn, mà bà không kết luận, nhưng nghĩ là có ích cho cuộc điều tra. Bà Berchem là cư dân Connecticut 51 tuổi đã tìm cách tiếp xúc NS Richard Blumenthal (DC) trong tuần qua – phát ngôn viên của NS Blumenthal xác nhận đã được bà Berchem cung cấp 1 bản tóm tắt.

Tại ủy ban pháp chế Thượng Viện, thành viên DC cao cấp nhấn là NS Diane Feinstein nói “Biểu quyết về Kavanaugh ngày Thứ Sáu tuần này là quá sớm” – Reuters đưa tin: bà nói “Hôm nay đã là Thứ Ba, chúng ta cần có thì giờ để đúc kết mọi dữ kiện”. Theo lời bà Feinstein, biểu quyết vào ngày Thứ Sáu là không đủ thời gian để các nhà lập pháp thẩm định kết quả điều tra của FBI.

Người đàn ông chứng kiến vụ “chạm trán” giữa bà Ford và ứng viên Kavanaugh đầu thập niên 1980 đã được FBI phỏng vấn, theo xác nhận của luật sư.

Tuyên bố từ luật sư Barbara Van Gelder cho hay thân chủ đã trả lời FBI, nhưng cuộc phỏng vấn chưa hoàn tất. Kavanaugh không nhận đã tấn công tình dục, và Judge không công nhận.

Hôm Chủ nhật có 2 nguồn tin CH tỏ ý hy vọng điều tra viên có thể hỏi nhân chứng Judge về tố giác của bà Swetnick – bà này tố cáo Judge và Kavanaugh cùng có mặt tại buổi họp bạn mà bà bị tấn công tình dục.

Bà Swetnick không chỉ danh Judge hay Kavanaugh là 2 người tấn công, nhưng xác nhận Kavanaugh thường dự các tiệc rượu, uống quá độ và có những hành vi không thích hợp với phụ nữ.

https://vietbao.com/a286068/ban-cua-kavanaugh-ke-benh-nguoi-chong-fbi-con-dieu-tra-nghi-si-collins-fbi-nen-tham-van-nguoi-thu-3-swetnick

 

Lần đầu ra mắt toa chở khách

 của tàu siêu tốc Hyperloop

Hãng Công nghệ Vận tải Hyperloop mới đây cho ra mắt lần đầu toa tàu chở hành khách có kích thước thật, để thế giới được thấy hình thức của việc đi lại trong tương lai.

Toa tàu dài 32 mét và nặng gần 5 tấn, được trưng bày ở Tây Ban Nha và sẽ được chuyển đến Toulouse, Pháp, để lắp ráp thêm trước khi nó được sử dụng trên một trong những tuyến đường thương mại đầu tiên, theo một tuyên bố của hãng khởi nghiệp, có tên gọi tắt là HyperloopTT và có trụ sở đặt tại California. Với tên gọi là Quintero One, toa tàu được làm hoàn toàn bằng vật liệu composite.

Hyperloop là công nghệ đã trở nên nổi tiếng sau khi tỷ phú Elon Musk giới thiệu hồi năm 2013, khiến nhiều công ty tham gia cuộc đua để xây dựng một hệ thống vận tải tốc độ cao. Viễn cảnh về hệ thống này là nó di chuyển hành khách bằng các toa với tốc độ hơn 1.200 km/h trong các đường ống áp suất thấp, để giảm ma sát. Công nghệ này sẽ có thể giúp các đoàn tàu chạy nhanh hơn các phương pháp hiện có như Maglev, sử dụng công nghệ đệm từ để nâng những đoàn tàu lên trên đường ray để loại bỏ lực cản bề mặt.

Khu vực Los Angeles đang nổi lên như một trung tâm về hyperloop, nơi có các đối thủ cạnh tranh như Arrivo và Virgin Hyperloop One. Hãng Boring của ông Musk cũng có cơ sở ở đó.

Ông Musk, người cũng điều hành các hãng Tesla và Space Exploration Technologies (Công nghệ Thăm dò Vũ trụ), lần đầu tiên công bố ý tưởng của ông về hyperloop – một hệ thống dựa vào đường ống để di chuyển người từ Los Angeles đến San Francisco trong nửa tiếng – qua một tài liệu dày 57 trang vào năm 2013 vì ông thất vọng với kế hoạch của California về hệ thống đường sắt cao tốc.

Vào tháng 7, HyperloopTT đã thành lập một liên doanh để xây dựng một hệ thống thử nghiệm ở một tỉnh miền núi tây nam Trung Quốc.

Tỷ phú Richard Branson của Virgin Hyperloop One đã tổ chức các cuộc bàn thảo ở Ấn Độ, nhằm mang lại cho hành khách công nghệ đi lại của tương lai với giá vé rẻ hơn các hãng hàng không địa phương. Hồi tháng 2, ông Branson đã ký một thỏa thuận sơ bộ ở Mumbai về một khuôn khổ chung về hyperloop và giới thiệu một hệ thống giữa Mumbai và Pune sẽ rút ngắn thời gian đi lại còn 25 phút và bớt đi khoảng ba tiếng.

(Bloomberg, CNN)

https://www.voatiengviet.com/a/lan-dau-ra-mat-toa-cho-khach-cua-tau-sieu-toc-hyperloop/4597784.html

 

Mỹ cam kết giúp NATO đối phó với Nga trên mạng

Hoa Kỳ được trông đợi sẽ thông báo trong những ngày tới rằng họ sẽ sử dụng năng lực tấn công và phòng thủ trên mạng thay mặt cho NATO, nếu họ được đề nghị, một quan chức cấp cao của Ngũ Giác Đài cho biết, trong bối cảnh có những lo ngại về việc Nga sử dụng năng lực mạng của nước này ngày càng quyết đoán.

Khối đồng minh NATO gồm 29 quốc gia hồi năm 2014 đã công nhận không gian mạng là một dạng chiến trường, tương tự như trên bộ, trên không và trên biển, nhưng họ chưa nêu ra chi tiết về những gì liên quan.

“Chúng tôi sẽ chính thức thông báo rằng Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp cho NATO năng lực không gian mạng của Mỹ nếu được đề nghị”, bà Katie Wheelbarger, phó trợ lý thứ nhất của bộ trưởng quốc phòng Mỹ, chuyên trách an ninh quốc tế, nói với các phóng viên trong chuyến thăm châu Âu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.

Bà Wheelbarger cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục quản lý nhân lực và năng lực của Mỹ nhưng sẽ sử dụng những nguồn lực đó để trợ giúp NATO nếu được đề nghị. Bà nói thêm rằng đó là một phần trong nỗ lực do Anh đứng đầu nhằm tăng năng lực trên không gian mạng của NATO.

Trong một hội nghị thượng đỉnh gần đây, các quốc gia thành viên cho biết NATO sẽ thành lập một trung tâm điều hành không gian mạng để điều phối các hoạt động trên mạng của NATO. NATO cũng đã nói về việc tích hợp năng lực không gian mạng của các quốc gia riêng lẻ vào các hoạt động của khối đồng minh.

Ở châu Âu, việc tung ra phần mềm xấu độc là vấn đề nhạy cảm vì các chính phủ dân chủ không muốn bị xem là cũng sử dụng cùng một loại chiến thuật như một chế độ độc tài.

Các quan chức an ninh cấp cao của các nước Baltic và Anh cho biết họ có thông tin tình báo cho thấy liên tục có các cuộc tấn công trên không gian mạng của Nga nhằm cố gắng làm sập các mạng viễn thông và năng lượng của châu Âu, cùng với các chiến dịch tung thông tin xấu trên Internet.

Các quan chức tình báo Mỹ đã phát hiện rằng trong các hoạt động tranh cử trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tin tặc Nga đã xâm nhập Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ và làm rõ rỉ thông tin mật.

“Động thái hiện nay gửi ra một thông điệp chủ yếu nhằm tới Nga”, bà Wheelbarger nói.

Bà nói thêm rằng động thái này sẽ thể hiện rõ một điều rằng NATO có năng lực chống lại các nỗ lực không gian mạng của Nga và sẽ giúp tạo nên một chính sách mạng thống nhất hơn trong khối đồng minh.

https://www.voatiengviet.com/a/my-cam-ket-giup-nato-doi-pho-voi-nga-tren-mang/4597700.html

 

Mỹ cảnh cáo phi đạn mới của Nga

Đặc sứ Mỹ tại NATO ngày 2/10 khuyến cáo Nga nên dừng phát triển các phi đạn mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể “tiêu diệt” các hệ thống này nếu chúng đi vào hoạt động.

NATO lo ngại rằng hệ thống tên lửa 9M729 của Nga vi phạm Hiệp ước về Vũ khí hạt nhân Tầm trung 1987, hay còn gọi là INF. Hiệp ước ra đời trong thời kì Chiến tranh lạnh này cấm phát triển một dòng tên lửa hành trình phóng đi từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, và NATO cho rằng hệ thống tên lửa 9M729 của Nga thuộc danh mục cấm.

“Đã đến lúc phía Nga ngồi vào bàn đàm phán và chấm dứt hành vi vi phạm hiệp ước,” Đại sứ Hoa Kỳ Kay Bailey Hutchison nói với các phóng viên tại Brussels, trước thềm cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và những người đồng cấp phía NATO.

Bà Hutchison cho biết thêm rằng nếu hệ thống của Nga “có thể được triển khai”, thì Hoa Kỳ “sẽ xét tới khả năng tiêu diệt những tên lửa có thể vươn tới các quốc gia Châu Âu, cũng như Hoa Kỳ.”

Washington đã chia sẻ các bằng chứng tình báo với 28 đồng minh trong khối NATO rằng Nga đang phát triển một loại tên lửa hành trình bắn từ mặt đất và rằng hệ thống đó có thể giúp Nga có khả năng mở cuộc tấn công hạt nhân vào Châu Âu mà gần như không thể bị phát hiện.

Nga trước đó tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã vi phạm hiệp ước INF. Trong quá khứ, chính quyền của Tổng thống Obama đã cố gắng thuyết phục Moscow tôn trọng hiệp ước INF, tuy nhiên có vẻ như không thành công.

Bộ trưởng Mattis nói hôm 2/10 rằng ông dự kiến sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận với các nước NATO. Ông cho biết sau bốn năm nỗ lực ngoại giao, Hoa Kỳ vẫn đang tuân thủ hiệp ước trong khi Nga thì không. Ông nói thêm rằng đã xuất hiện nhiều lo ngại từ cả Bộ Ngoại Giao và Quốc hội Hoa Kỳ.

“Tôi sẽ trình bày tình hình với họ, tôi muốn lắng nghe lời khuyên từ phía họ ngay khi trở về Washington D.C,” ông Mattis phát biểu trong một cuộc họp báo tại Paris.

Bà Hutchison cho biết Hoa Kỳ không muốn vi phạm hiệp ước, tuy nhiên phía Nga có thể buộc Washington phải ra tay.

“Sẽ tới một thời điểm Hoa Kỳ quyết định rằng chúng tôi sẽ phải tiến tới một giai đoạn phát triển mà hiệp ước hiện nay không cho phép,” bà nói.

Washington muốn các đồng minh NATO của mình gia tăng áp lực ngoại giao lên phía Moscow, trong khi Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg cho biết tất cả các quốc gia đồng minh đều bày tỏ quan ngại về kế hoạch phát triển tên lửa của Nga.

“Phía Nga hiện chưa đưa ra bất kì câu trả lời khả tín nào về phi đạn mới này,” ông Stoltenberg cho hay, đồng thời nói thêm rằng hiệp ước INF là một “yếu tố quan trọng” của an ninh xuyên Đại Tây Dương, vốn “đang bị đe dọa bởi những động thái từ Nga.”

https://www.voatiengviet.com/a/my-canh-cao-phi-dan-moi-cua-nga/4597030.html

 

Bộ Quốc phòng Mỹ phát giác

bưu phẩm nghi chứa độc chất

Lầu Năm Góc ngày 2/10 loan báo nhận được bưu kiện nghi chứa chất độc chết người ricin, trong đó có một phong thư mà, theo lời một quan chức, đề tên người nhận là Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis.

Giới chức hoa Kỳ cho hay xét nghiệm cho thấy các phong thư có chất ricin sau khi bị phát hiện bởi cảnh sát Ngũ Giác Đài hôm thứ hai tại một cơ sở phân loại thư tín.

Cơ sở này nằm trong khuôn viên của Lầu Năm góc nhưng không thuộc tòa nhà trung tâm.

Chất độc ricin có thể được tìm thấy trong hạt cây thầu dầu, tuy nhiên cần phải qua một quá trình phân tách thì mới có thể biến nó thành vũ khí hóa học. Chất độc ricin, chỉ với một lượng nhỏ như đầu kim, có thể gây chết người chỉ trong vòng từ 36 đến 72 tiếng kể từ khi tiếp xúc. Hiện vẫn chưa có thuốc chống lại loại độc tố này.

Các tòa nhà chính phủ Hoa Kỳ đã nhiều lần nhận được những bưu kiện nghi có chứa chất ricin, cụ thể là vào năm 2013, khi người ta phát hiện ra những bức thư có chứa ricin được gửi đến một Thượng nghị sĩ Mỹ, Tòa Bạch Ốc và một giới chức tư pháp ở Missisippi. Không lâu sau vụ khủng bố 11/09/2001, những bức thư chứa chất anthrax (gây bệnh than) cũng được gửi đến văn phòng của hai Thượng nghị sĩ tại thủ đô Washington, cũng như một số hãng tin tại New York và Florida.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-quoc-phong-my-phat-giac-buu-pham-nghi-chua-doc-chat/4597022.html

 

Mỹ xem xét chế tài Trung Quốc vì nhân quyền

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét lại cách hạn chế xuất khẩu các công nghệ mà nhà nước Trung Quốc có thể dùng để theo dõi và đàn áp người thiểu số Hồi giáo giữa các báo cáo về các trại tập trung khổng lồ giam nhốt người sắc tộc Uighur ở Tân Cương.

Trong thư gửi tới lãnh đạo một ủy ban ở Quốc hội, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói Bộ này tham vấn cùng Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác có thể loan báo những thay đổi về chính sách xuất khẩu trong vài tuần tới.

Việc xem xét này, theo lời ông Ross, bao gồm đánh giá xem liệu có nên bổ sung thêm tên của các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách các thực thể bắt buộc phải có giấy phép đặc biệt mới mua được công nghệ Mỹ, hiệu đính lại chính sách cấp phép, và cập nhật các công nghệ kiểm soát để bảo vệ nhân quyền.

Nếu có bất kỳ một quyết định chế tài nào thì đó sẽ là một động thái hiếm thấy của chính quyền Trump trừng phạt Trung Quốc trên cơ sở nhân quyền.

Bộ Ngoại giao Mỹ tháng rồi bày tỏ quan ngại sâu sắc về chiến dịch đàn áp tệ hại của Trung Quốc tại Tân Cương giữa lúc các giới chức cân nhắc chế tài chống lại các công ty và quan chức Trung Quốc có liên hệ tới những cáo buộc vi phạm nhân quyền.

https://www.voatiengviet.com/a/my-xem-xet-che-tai-trung-quoc-vi-nhan-quyen/4596998.html

 

Mỹ: Thuế vụ New York điều tra

về cáo buộc TT Trump trốn thuế

Trọng Nghĩa

Ngay sau tiết lộ của nhật báo Mỹ The New York Times, vào hôm qua, 02/10/2018, cơ quan thuế vụ bang New York cho biết đã mở một cuộc điều tra về các thông tin cáo buộc là tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận từ bố mẹ hơn 400 triệu đô la, mà một phần đã có được nhờ « trốn thuế ».

Theo ông James Gazzale, phát ngôn viên cơ quan thuế vụ New York, cơ quan này xác nhận việc mở điều tra về những cáo buộc trong bài phóng sự điều tra của báo New York Times và kiên quyết xem xét mọi đầu mối.

Theo ghi nhận của thông tín viên Eric de Salve từ San Francisco, tai tiếng mới này có nguy cơ làm sứt mẻ hình ảnh về mình, mà nhà tỷ phú Donald Trump thường nêu lên, theo đó ông là người tay trắng làm nên sự nghiệp.

Donald Trump thích tự phô trương mình là hiện thân của huyền thoại về người Mỹ tự lập, không hề, hay gần như không hề dựa vào tài sản cha mình để lại. Thông tin của tờ New York Times là một cú đánh mạnh vào câu chuyện có mục tiêu chính trị đó.

Theo tờ báo, ngay từ khi mới 3 tuổi, cậu bé Donald Trump đã kiếm được 200.000 đô la một năm. Đến khi 8 tuổi, cậu đã là một triệu phú. Ở tuổi 40, ông nhận được 5 triệu đô la mỗi năm từ cha mình là Fred Trump, cũng là một ông trùm đầu tư bất động sản ở New York.

Trên truyền hình, trong các quyển sách của mình và nhân các cuộc mít tinh, tổng thống Mỹ luôn nhắc đi nhắc lại rằng ông đã xây dựng đế chế của riêng mình với một khoản tiền một triệu đô la vay của cha mình và sau đó đã trả lại. Thực tế, theo tờ New York Times, thì vào những năm 1970, ông Trump đã khởi nghiệp với 140 triệu đô la của người cha, một món tiền ông chưa từng hoàn trả. Tổng cộng Donald Trump nhận được 413 triệu đô la từ tài sản của gia đình.

Thế nhưng chính nguồn gốc đáng ngờ của khối tài sản khổng lồ đó mới đặt ra nhiều câu hỏi nhiều nhất. Theo tờ báo, tiền đến từ một công ty bình phong, được lập ra để hưởng lợi từ các khoản khấu trừ thuế lớn, nhờ gian lận. Thủ thuật tài chánh bất hợp pháp đó cho phép ông Trump cùng các anh chị em của ông chỉ phải trả 52 triệu đô la tiền thuế, thay vì hơn 550 triệu.

Nhà Trắng đã phản ứng bằng tuyên bố rằng câu chuyện là một « Cuộc tấn công dữ dội từ một tờ New York Times suy tàn ».

Cuộc điều tra của báo New York Times kéo dài 18 tháng, dựa trên 100.000 trang tài liệu nội bộ, và trích dẫn 200 tờ khai thuế.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181003-my-co-quan-thue-new-york-mo-dieu-tra-ve-cao-buoc-tt-trump-tron-thue

 

Hiệp Định USMCA ngăn cản Canada và Mexico

ký thỏa thuận thương mại với Trung Cộng

Hôm Thứ Ba (ngày 2 tháng 10), các chuyên gia thương mại cho biết, những hy vọng của Trung Cộng về một hiệp định thương mại tự do với Canada hoặc Mexico hoàn toàn bị dập tắt. Bởi vì thỏa thuận giữa Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) không cho phép các nước thành viên ký hiệp định với các quốc gia “phi thị trường”.

Thỏa thuận giữa Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) là tên mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ NAFTA. Một điều khoản trong thỏa thuận USMCA quy định rằng, nếu bất kỳ nước thành viên nào của Hiệp định NAFTA tham gia thỏa thuận thương mại tự do với một quốc gia “phi thị trường”, như Trung Cộng, hai nước còn lại có thể từ bỏ USMCA trong vòng sáu tháng, và tự thành lập thỏa thuận thương mại song phương.

Điều khoản này gây ra nhiều tranh cãi ở Canada. Quy định này là một phần nỗ lực của tổng thống Trump, để cô lập Trung Cộng về mặt kinh tế, và ngăn chặn các công ty Trung Cộng lợi dụng Canada hoặc Mexico làm “cửa sau” để được miễn thuế nhập cảng hàng hóa vào Hoa Kỳ. Mối quan hệ của Hoa Kỳ và Trung Cộng đang rất căng thẳng, vì cuộc chiến thương mại xoắn ốc giữa 2 bên.

Một học giả Trung Cộng tại Viện Doanh Nghiệp Hoa Kỳ ở Washington cho rằng, có khả năng điều khoản tương tự sẽ được lặp lại trong các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ với Liên minh châu Âu EU, và với Nhật Bản, nhằm cô lập Bắc Kinh trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Kể từ khi Bắc Kinh yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận Trung Cộng là một “nền kinh tế thị trường”, các nước phương Tây mất dần khả năng khống chế hàng giá rẻ Trung Cộng ngày càng ồ ạt vào thị trường phương Tây. Do đó, Hoa Kỳ và liên minh EU có lẽ sẽ hợp tác để cùng cô lập Bắc Kinh. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hiep-dinh-usmca-ngan-can-canada-va-mexico-ky-thoa-thuan-thuong-mai-voi-trung-cong/

 

Tòa ICJ: Mỹ phải đảm bảo lệnh trừng phạt Iran

không ảnh hưởng đến viện trợ nhân đạo

Hôm 3/10, Tòa án Thế giới đã ra lệnh cho Hoa Kỳ phải đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt Iran không ảnh hưởng đến việc trợ giúp nhân đạo hoặc an toàn hàng không dân dụng.

Reuters đưa tin rằng các thẩm phán tại Tòa án Tư pháp Quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết có lợi cho Tehran. Iran nói rằng các lệnh trừng phạt do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng từ tháng 5 đã vi phạm các điều khoản của Hiệp ước Thân thiện ký năm 1955 giữa hai nước.

ICJ là tòa án cao nhất của LHQ giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia. Các phán quyết của tòa ICJ có tính ràng buộc, nhưng không có quyền lực để thực thi. Cả Hoa Kỳ lẫn Iran trước đây đã từng phớt lờ các quyết định của tòa này trong các vụ kiện giữa hai nước.

Tòa án ICJ tuyên bố rằng các bảo đảm của Washington đưa ra vào tháng 8 trong đó Hoa Kỳ sẽ làm hết sức mình để đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến các điều kiện nhân đạo “là chưa đủ đối với những lo ngại được Iran nêu lên về lãnh vực nhân đạo và an toàn.”

Thẩm phán chủ tọa Abdulqawi Yusuf đọc phán quyết tóm tắt của hội đồng gồm 15 thẩm phán thành viên: “Tòa án cho rằng Hoa Kỳ, theo nghĩa vụ nêu trong Hiệp ước năm 1955, phải loại bỏ bất kỳ trở ngại nào phát sinh từ các biện pháp trừng phạt được công bố ngày 8/5/2018.”

Thẩm phán chủ tọa nói các biện pháp trừng phạt của Mỹ không được làm tổn hại “việc xuất khẩu vào lãnh thổ Iran các hàng hóa cần thiết cho nhu cầu nhân đạo như thuốc men, thiết bị y tế, thực phẩm và hàng hóa nông nghiệp cũng như hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho sự an toàn của hàng không dân dụng.”

Vào tháng trước, Washington lập luận rằng yêu cầu của Iran là mưu đồ lợi dụng tòa án ICJ và Hiệp ước năm 1955 quy định rõ việc không sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp.

https://www.voatiengviet.com/a/toa-icj-my-phai-dam-bo-lenh-trung-phat-iran-khong-anh-huong-den-vien-tro-nhan-dao/4597762.html

 

Nga hoàn tất chuyển giao

hệ thống phòng không S-300 cho Syria

Nga ngày 2/10 loan báo vừa hoàn tất việc chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không S-300 cho Syria bất chấp các quan ngại của Mỹ và Israel rằng hệ thống này sẽ khiến Iran táo bạo hơn và làm leo thang cuộc chiến Syria.

Trong một cuộc họp được phát sóng trên kênh truyền hình Rossyia 24 TV, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với Tổng thống Vladimir Putin rằng “Việc chuyển giao đã hoàn tất một ngày trước,”, đồng thời nói thêm rằng hệ thống này sẽ tăng cường an ninh cho binh lính Nga đang đồn trú tại Syria.

Nga quyết định cung cấp hệ thống S-300 cho Damacus sau khi Moscow cáo buộc Israel gián tiếp khiến một máy bay quân sự của Nga bị bắn rơi gần lãnh thổ Syria hồi tháng 9 vừa qua.

Israel bày tỏ tiếc nuối về cái chết của 15 thành viên tổ bay của Nga, nhưng đổ lỗi cho phía Syria, đồng thời cho biết Israel sẽ tiếp tục có hành động chống lại việc mà họ nghi là triển khai các lực lượng do Iran hậu thuẫn xuyên suốt biên giới phía Bắc.

“Chúng tôi vẫn giữ nguyên chiến lược đối phó với Iran,” Bộ trưởng Giáo dục Israel Naftali Bennett, một thành viên trong nội các an ninh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cho biết hôm thứ Ba (02/10).

“Chúng tôi sẽ không cho phép Iran mở một mặt trận thứ ba chống lại Israel. Chúng tôi sẽ hành động khi cần thiết.”, ông Naftali Bennett trả lời phỏng vấn của đài Israel Radio.

Trước đó, Toà Bạch Ốc bày tỏ hi vọng Điện Kremlin sẽ cân nhắc kỹ bước đi vốn bị Cố vấn an ninh quốc gia Hoa kỳ John Bolton chỉ trích là một “sự leo thang nghiêm trọng” cuộc chiến Syria.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-hoan-tat-chuyen-giao-he-thong-phong-khong-s300-cho-syria/4597009.html

 

Armenia : Người dân biểu tình

ủng hộ bầu cử sớm

Thu Hằng

Hàng nghìn người dân Armenia đã biểu tình ngày 02/10/2018 trước Nghị Viện ở Erevan theo lời kêu gọi của thủ tướng Nikol Pachinian ủng hộ cải cách. Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh các dân biểu Armenia, do phe đối lập là đảng Cộng Hòa của cựu tổng thống Sarkissian chiếm đa số, chuẩn bị bỏ phiếu về một đạo luật có thể gây khó khăn cho việc tổ chức bầu cử sớm.

Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Erevan :

« Một đám đông nhiệt thành hô vang tên của thủ tướng Armenia trước trụ sở Nghị Viện. Để buộc Nghị Viện chấp nhận tiến hành bầu cử sớm, thủ tướng Nikol Pachinian đã đăng lời kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội. Ngay lập tức, vài nghìn người đã đổ dồn về Nghị Viện và chặn mọi lối vào.

Đọc thêm : Nguyên nhân khủng hoảng chính trị ở Armenia, quốc gia vệ tinh của Nga

Nuné, một phụ nữ tham gia biểu tình, cho biết : « Ngày nay, chỉ cần một lời kêu gọi trên Facebook để huy động chúng tôi, trong vòng 20 phút, mọi người đã có mặt ở đây. Chúng tôi sẵn sàng vào mọi lúc. Khi thủ tướng yêu cầu là chúng tôi có mặt ».

Bị cáo buộc muốn ngăn cản cuộc bầu cử sớm, các nghị sĩ bị người ủng hộ thủ tướng Nikol Pachinian la ó phản đối.

Hesmik, một phụ nữ khác có mặt trong đoàn người biểu tình, nói : « Chúng tôi đã làm cuộc cách mạng và chúng tôi sẽ cố hết sức để bảo vệ quyền lợi của mình và ủng hộ người mà chúng tôi đã chọn ra để điều hành đất nước này. Đó là lý do duy nhất giải thích sự có mặt của chúng tôi ở đây ! »

Còn theo Nuné, « Những người có mặt ở đây rất phẫn nộ. Họ sẵn sàng đi đến cùng để đạt được mục đích tổ chức bầu cử sớm. Chúng tôi không thể lùi bước ! »

Với hình ảnh biểu dương lực lượng này, thủ tướng Armenia muốn đẩy nhanh lịch trình bầu cử bằng cách gây áp lực tối đa đối với các nghị sĩ đối lập. Ông Nikol Pachinian hy vọng sẽ tổ chức được bầu cử trước cuối năm nay ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181003-armenia-nguoi-dan-bieu-tinh-ung-ho-bau-cu-som

 

Pháp tố Iran chủ mưu

một vụ đánh bom hụt gần Paris

Trọng Nghĩa

Chính quyền Pháp vào hôm qua 02/10/2018 đã quyết định phong tỏa tài sản của hai công dân Iran thuộc bộ Tình Báo Iran. Theo bộ Ngoại Giao Pháp, chính cơ quan tình báo Iran tung người tiến hành một vụ khủng bố bằng chất nổ hôm 30/06 vừa qua tại thị xã Villepinte, tỉnh Seine-Saint-Denis vùng phụ cận Paris.

Âm mưu này được ngăn chặn kịp thời, nhưng Pháp đánh giá rằng đây là « một hành động cực kỳ nghiêm trọng ». Chính quyền Iran đã lập tức phủ nhận mọi liên can và kêu gọi Pháp xóa bỏ một « sự hiểu lầm ».

Mưu toan đánh bom đã bị phanh phui sau khi một cặp nam nữ người Iran bị bắt giữ tại Bỉ hôm 30/06/2018, trên xe có 500 gram thuốc nổ loại TATP và một thiết bị kích nổ.

Theo kết quả điều tra, đôi nam nữ này đang trên đường đến thị xã Villepinte, gần Paris, để thực hiện một vụ đánh bom nhắm vào cuộc tập hợp hàng năm của phong trào Nhân Dân Moudjahidine, một lễ hội tập hợp khoảng 25.000 đối thủ của chế độ Iran.

Phong trào Nhân Dân Moudjahidine đã bị chế độ Iran liệt vào diện kẻ thù số một vì là đảng chính trị duy nhất ở ngoài nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran đòi hỏi thay đổi chế độ.

Sau 3 tháng điều tra tư pháp, Paris đã quyết định chính thức tố cáo âm mưu của Teheran, đồng thời ra lệnh phong tỏa tài sản tại Pháp của Tổng Cục An Ninh Nội Địa thuộc bộ Tình Báo Iran và của hai công dân Iran, bị tình nghi đứng sau âm mưu đánh bom tại Villepinte : nhà ngoại giao Iran Assadollah Assadi, đã bị bắt giữ ở Bỉ, và Saeid Hashemi Moghadam, thứ trưởng bộ Tình Báo Iran đặc trách các diệp vụ.

Chính quyền Iran dĩ nhiên đã phủ nhận mọi liên can của mình trong âm mưu khủng bố.

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi phân tích :

Bộ Ngoại Giao Iran đã bác bỏ cáo buộc của Pháp. Phát ngôn viên của bộ khẳng định rằng vụ Villepinte là một « âm mưu phù hợp với các mục tiêu » của Mỹ và Israel nhằm ngăn chặn sự cải thiện quan hệ Iran-Pháp nói riêng và Iran-Châu Âu nói chung.

Ông Bahram Ghassemi, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran, còn kêu gọi « chính quyền Pháp có cái nhìn thực tế » trong cách tiếp cận Iran.

Trước đây, Teheran đã từng phủ nhận những cáo buộc về sự can dự của họ vào âm mưu đánh bom tại Pháp hồi tháng Sáu.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran hôm qua cũng kêu gọi trả tự do cho nhà ngoại giao Assadollah Assadi của họ, bị bắt trong vụ đó.

Cẳng thẳng với Paris nẩy sinh vào thời điểm tồi tệ nhất choTeheran. Thật vậy, Iran đang dựa vào sự giúp đỡ của Pháp và các nước châu Âu khác để chống lại các lệnh cấm vận của Mỹ. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành với các nước châu Âu, và cả với Nga và Trung Quốc để thiết lập một kênh tài chính đặc biệt nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ.

Iran thắng kiện Mỹ trước tòa án quốc tế

Tòa Án Công Lý Quốc tế (ICJ) trụ sở tại La Haye, vào hôm nay, 03/10/2018 đã hôm thứ Tư đã ra lệnh cho Hoa Kỳ là phải chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các tài sản của Iran « phục vụ cho mục đích nhân đạo ».

Tòa Án đã phán quyết như trên sau khi xét đơn của Teheran đòi Washington đình chỉ các biện pháp trừng phạt do tổng thống Mỹ Donald Trump tái lập sau khi xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Đối với nước Cộng Hòa Hồi Giáo, trừng phạt Mỹ đã có hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Iran.

Các thẩm phán thuộc định chế tư pháp tối cao này của Liên Hiệp Quốc còn cho rằng lệnh trừng phạt áp đặt trên một số tài sản của Iran đã vi phạm một hiệp ước hữu nghị ký kết năm 1955 giữa Iran và Hoa Kỳ.

Các quyết định của Tòa Án mang tính ràng buộc và bất khả kháng cáo, nhưng tòa án không có phương tiện để thực thi. Vả lại cả Tehran lẫn Washington đều từng bỏ qua quan điểm của Tòa trong quá khứ.

Lần này thì Hoa Kỳ đã kiên quyết phủ nhận quyền tài phán của tòa.

http://vi.rfi.fr/phap/20181003-phap-to-iran-chu-muu-mot-vu-danh-bom-hut-gan-paris-hoi-thang-sau

 

Pháp tịch thu tài sản

để trả đũa âm mưu đánh bom của Iran

Pháp tịch thu tài sản của các cơ quan tình báo Iran và bắt giữ hai công dân nước này để đáp trả âm mưu hồi tháng Sáu nhằm tấn công một cuộc biểu tình của nhóm đối lập lưu vong Iran ở ngoại ô Paris, chính phủ Pháp cho biết hôm 2/10.

Một quan chức cấp cao của Pháp nói Paris tin chắc là có các nhân tố nhà nước Iran đứng đằng sau âm mưu đánh bom, và có phần chắc âm mưu này đã được hoạch định bởi những thành phần cực đoan với mục đích phương hại tới uy tín của Tổng thống Hassan Rouhani.

Sự xấu đi trong quan hệ giữa Paris và Tehran có thể có hậu quả lớn đối với Iran vào thời điểm khi mà chính phủ của Tổng thống Rouhani đang hướng về các thủ đô của châu Âu để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015, sau khi Hoa Kỳ rút lui.

Một âm mưu tấn công vào Villepinte đã bị phá vỡ hôm 30/6. Một vụ phá hoại lớn như vậy trên lãnh thổ quốc gia của chúng ta, không thể không bị trừng phạt.

Tuyên bố của chính phủ Pháp

Một tuyên bố chung của Bộ ngoại giao, Bộ nội vụ và Bộ kinh tế Pháp nói: “Một âm mưu tấn công vào Villepinte đã bị phá vỡ hôm 30/6. Một vụ phá hoại lớn như vậy trên lãnh thổ quốc gia của chúng ta, không thể không bị trừng phạt.”

Khi được hỏi về phản ứng của Teheran, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Iran ở Paris tránh né trả lời. Ông này chỉ nói: “Xin chào. Cảm ơn bạn.” Tehran không có phản ứng lập tức về động thái mới nhất của Pháp.

Mục tiêu của âm mưu tấn công là một buổi họp của Hội đồng Kháng chiến Quốc gia Iran (NCRI) ở ngoại ô thủ đô nước Pháp. Luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Rudy Giuliani, và một số cựu bộ trưởng châu Âu và Ả Rập tham dự cuộc biểu tình.

Âm mưu tan vỡ sau khi một nhà ngoại giao Iran hoạt động ở Áo bị bắt ở Đức và hai cá nhân khác sở hữu chất nổ bị bắt giữ tại Bỉ.

Hôm 1/10, một tòa án ở miền nam nước Đức ra phán quyết rằng nhà ngoại giao này có thể bị dẫn độ sang Bỉ.

Đóng băng tài sản

Lệnh phong tỏa tài sản nhắm vào hai cá nhân mà danh tính được xác định là Assadollah Asadi và Saeid Hashemi Moghadam, tuyên bố của chính phủ Pháp cho biết. Một nhóm trong cơ quan mật vụ của Iran cũng là mục tiêu bị đóng băng tài sản.

Chính phủ Pháp không cho biết chi tiết về các tài sản liên quan, nhưng mô tả các biện pháp trừng phạt là “có mục tiêu và tương xứng”. Pháp nói họ đã hành động chống lại “những kẻ khởi xướng, tác giả và đồng lõa” lập kế hoạch để thực hiện cuộc tấn công bất thành.

Pháp cảnh báo Tehran hãy chờ phản ứng mạnh từ Paris trước vụ đánh bom bất thành, trong khi các quan hệ ngoại giao trở nên căng thẳng.

Pháp cảnh báo Tehran hãy chờ phản ứng mạnh từ Paris trước vụ đánh bom bất thành, trong khi các quan hệ ngoại giao trở nên căng thẳng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian đã tiếp xúc với các vị tương nhiệm Iran về vấn đề này tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sau khi đòi Iran phải trả lời về vai trò của Iran trong âm mưu tấn công.

Một thông tư nội bộ của Bộ Ngoại giao Pháp hồi tháng 8 được Reuters tiết lộ, khuyến cáo các nhà ngoại giao nước này không nên du hành tới Iran, vì âm mưu đánh bom ở Villepinte và lập trường của Iran đối với phương Tây, đang trở nên cứng rắn hơn.

Paris còn đình chỉ việc đề cử một đại sứ mới tới Iran và không đáp ứng các đề cử của Tehran cho các vị trí ngoại giao tại Pháp.

Các quan hệ xấu đi với Pháp có thể có những hệ quả rộng lớn đối với Iran.

Trong thời gian qua, Pháp là một trong những nước hậu thuẫn mạnh mẽ nhất nỗ lực cứu vãn hiệp định hạt nhân năm 2015, theo đó Tehran đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào nền kinh tế Iran.

https://www.voatiengviet.com/a/phap-tich-thu-tai-san-de-tra-dua-am-muu-danh-bom-cua-iran/4596574.html

 

Triển lãm Xe hơi Paris 2018 :

Thách thức nào với xe chạy điện châu Âu ?

Trọng Thành

Triển lãm Xe hơi Paris lần thứ 120 khai mạc hôm qua, 02/10/2018. Điểm đáng chú ý của Triển lãm lần này là có rất nhiều mô hình xe hơi chạy điện hay kết hợp điện xăng được giới thiệu. Cuộc đua từ bỏ xe chạy xăng, dầu, đến chuyển sang loại năng lượng được coi là ít tổn hại cho môi trường dường như đang có dấu hiệu tăng tốc. Tuy nhiên đây là một cuộc đua đầy bất trắc. Hai thách thức hàng đầu là khả năng dự báo tương lai và quyết tâm từ phía chính quyền.

Tại triển lãm lần này, công chúng ở Pháp sẽ có dịp chứng kiến một làn sóng chưa từng có các mô hình xe điện, trong bối cảnh áp lực chống ô nhiễm, khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến các nhà sản xuất xe hơi truyền thống ngày càng mất khách.Hãng Renault đã mở màn tối thứ Hai với trương mục « Cuộc cách mạng điện ». PSA giới thiệu mô hình DS3 Crossback e-Tense 100% điện và concept-car Peugeot e-Legend, cũng toàn chạy điện. Mercedes tung ra mô hình xe chạy điện mới EQC, chiếc xe không dùng năng lượng xăng dầu đầu tiên của hãng ô tô Đức. Về phần mình, Citroen giới thiệu DS7 Crossback e-Tense rất được trông đợi. Nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc GAC Motor, lần đầu tiên xuất hiện tại Paris, cũng cho biết nóng lòng nhìn thấy các xe hơi Trung Quốc chạy trên đường phố châu Âu.

Tương lai khó dự báo

Sự lên ngôi của xe chạy điện là điều rõ ràng, thế nhưng vấn đề trước hết với các nhà sản xuất là rất khó dự đoán một cách chính xác về tương lai của xe chạy điện hay động cơ lưỡng hợp điện xăng trong những năm tới. Đối với ông Guillaume Crunelle (1), một phụ trách của hãng Deloitte, thì làn sóng xe điện sẽ là điều « không thể tránh khỏi ». Vị chuyên gia này cho biết, sẽ có gần một nửa số xe mới, được bán ra thị trường thế giới, vào năm 2030, sẽ là xe chạy điện, trong đó hai phần ba là 100% điện, còn một phần ba là điện- xăng hỗn hợp. Tốc độ phát triển mạnh mẽ này sẽ để lại một hệ quả lớn. Đó là giá thành sản xuất sẽ nhanh chóng hạ thấp, đến mức rẻ hơn so với xe hơi xăng dầu, chỉ trong vòng năm năm tới.

Tuy nhiên nhiều người khác, như ông Flavien Neuvy, giám đốc của Observatoire Cetelem de l’automobile, thì tỏ ra dè dặt hơn nhiều. Theo chuyên gia này, trong thời điểm hiện nay, thật khó mà dự đoán trước được chính xác sự biến đổi của thị trường trong vòng 5 hay 10 năm tới. Tương lai ngành xe hơi đầy bất trắc. Nếu căn cứ vào xu thế hiện nay, vị chuyên gia nói trên dự đoán xe chạy điện và động cơ hỗn hợp chỉ đạt 3% thị trường tại Pháp và châu Âu vào năm 2020.

Trả lời AFP, ông Didier Leroy, phó chủ tịch Toyota (ông Leroy là công dân châu Âu duy nhất có mặt trong ban điều hành tập đoàn xe hơi Nhật), tỏ ra tin tưởng trong vòng vài năm trước mắt, mô hình xe hỗn hiệp điện-xăng sẽ phát triển rất nhanh, và nhìn chung sẽ có nhiều tiến bộ về công nghệ, cho phép sử dụng xe chạy điện thuận lợi hơn, như trọng lượng ắc quy giảm, điện dự trữ dùng được lâu hơn, hay thời gian nạp điện giảm xuống. Chính vì vậy, xe chạy điện sẽ ngày càng hấp dẫn với người sử dụng ở đô thị.

Trong khi đó, theo ông Yves Bonnefont, lãnh đạo công ty DS automobile, thị trường xe hơi điện « tăng mạnh hay chững lại » phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp hỗ trợ của chính quyền. Mà đây chính là một ẩn số rất lớn.

Trung Quốc, kẻ dẫn đầu

Dù lưỡng lự thế nào trước tương lai của xe chạy điện, các nhà sản xuất xe hơi Pháp và châu Âu nói chung đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ phía Trung Quốc, nhưng mặt khác thị trường Trung Quốc cũng là một cơ hội lớn cho ngành xe điện.

Trước Triển lãm Xe hơi Paris khai mạc ít hôm, một nghiên cứu của France Stratégie, một cơ sở nghiên cứu về chiến lược trực thuộc thủ tướng Pháp (2), cho thấy tương lai của ngành xe hơi điện thế giới phụ thuộc rất nhiều vào sự trỗi dậy của thị trường xe hơi điện tại Trung Quốc.

Hiện tại Trung Quốc đang dẫn đầu về sản lượng xe điện thế giới, với gần 800.000 chiếc bán ra năm 2017. Lượng xe hơi điện của Trung Quốc chiếm đến 60% xe loại này bán ra trên thị trường thế giới, nhưng hiện tại vẫn chủ yếu chỉ là để phục vụ các khách hàng trong nước. Về mặt số lượng, Trung Quốc cũng có 7 nhà sản xuất hàng đầu thế giới về xe điện trong số 10 công ty hàng đầu thế giới, 7 nhà sản xuất này đều chỉ nổi tiếng với thị trường trong nước (hãng Renault của Pháp là công ty xe hơi lâu đời duy nhất có mặt trong tốp 10 này).

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc có chính sách riết ráo để phát triển xe hơi điện, với hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất cho phép ra đời nhiều công ty mạnh, để chiếm lĩnh trước hết thị trường quốc gia, nhờ nhiều hậu thuẫn về tài chính. Hiện tại, Bắc Kinh đang chuyển qua giai đoạn hai, được coi là « bước ngoặt chiến lược hiện nay », với mục tiêu thúc đẩy các công ty trong nước vươn ra ra thị trường thế giới. Các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc buộc phải cung cấp các loại xe chạy điện, với giá cả thấp hơn xe chạy xăng dầu. Nhà nước cũng rút dần trợ cấp, để chuyển vốn đầu tư sang cho các cơ sở hạ tầng phục vụ xe chạy điện, đặc biệt là các trạm nạp điện.

Kể từ năm tới, các nhà sản xuất xe hơi tại Trung Quốc sẽ buộc phải tuân thủ hai định mức. Thứ nhất là phải bảo đảm số xe điện bằng 10% so với xe chạy xăng. Tỉ lệ này sẽ được nâng dần, với 12% vào năm 2020. Định mức thứ hai là lượng khí thải CO2. Công ty vi phạm sẽ bị phạt tiền, hoặc ngừng sản xuất các loại xe gây ô nhiễm nhất. Hãng Volvo Thụy Điển, thuộc sở hữu của công ty Geely Trung Quốc, mới đưa ra tuyên bố sẽ ngừng sản xuất hoàn toàn xe chạy xăng, diesel, kể từ năm 2019.

Nghị Viện Châu Âu, nơi quyết định tốc độ cuộc đua

Chính sách chuyển mạnh sang xe hơi điện của Trung Quốc, vừa là một áp lực, nhưng cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất châu Âu. Hiện tại, Bắc Kinh đang gỡ bỏ dần một số rào cản cho đầu tư nước ngoài. Tập đoàn Mỹ Tesla vừa ký một thỏa thuận sản xuất 500.000 xe hơi, gần Thượng Hải. Tập đoàn Đức Volkswagen chuẩn bị đầu tư 15 tỉ đô la, và hướng đến mục tiêu sản xuất 1,5 triệu xe điện tại Trung Quốc. Một số công ty Pháp, như PSA hay Valeo, đang nỗ lực cho ra các sản phẩm với giá tương đối thấp, để chinh phục giới trung lưu Trung Quốc.

Về phía châu Âu, theo nhiều nhà quan sát, triển vọng của ngành xe hơi điện có lẽ được quyết định nhiều hơn tại một nơi ít được chú ý của công luận. Tại Nghị Viện Châu Âu hôm nay, 03/10/2018, đúng vào lúc Triển lãm Xe hơi Paris vừa mở ra, các nghị sĩ châu Âu sẽ phải đưa ra các quy định mới về khí thải xe hơi. Châu Âu dự kiến sẽ đưa ra nhiều quy định mới khắt khe hơn, ví dụ như các hãng xe buộc phải sản xuất 20% xe không phải khí thải hoặc rất ít, ngay từ năm 2025. Có nghĩa là không để chậm chân so với Trung Quốc.

Ghi chú

La Croix, 2/10/2018.

Mạng Actu-environnement.com, ngày 01/10/2018.

http://vi.rfi.fr/phap/20181003-trien-lam-xe-hoi-paris-2018-thach-thuc-nao-voi-xe-chay-dien-chau-au

 

Pháp : Bộ trưởng Nội Vụ kiên quyết từ chức,

thủ tướng tạm kiêm nhiệm

Trọng Nghĩa

Trước quyết tâm của ông Gérard Collomb đòi từ chức bộ trưởng Nội Vụ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron rốt cuộc đã phải đồng ý sau khi đã bác bỏ lần đầu.

Trong một thông báo công bố tối hôm qua, 02/10/2018, điện Elysée cho biết là tổng thống Pháp đã chấp nhận đơn từ chức của ông Collomb, và đề nghị thủ tướng Edouard Philippe tạm thời kiêm nhiệm chức bộ trưởng Nội Vụ trong khi chờ đợi tìm được người thay thế.

Điều khiến giới quan sát ngạc nhiên là sự kiện ông Collomb nhất quyết rời bỏ một chức vụ quan trọng như vậy để trở về làm thị trưởng thành phố Lyon ở miền nam nước Pháp.

Thái độ kiên quyết này được thấy rõ khi vào hôm qua, trong một bài báo gửi đăng trên nhật báo Le Figaro, ông đã tái khẳng định quyết tâm từ chức, sau khi lá đơn từ nhiệm của ông gởi lên tổng thống Pháp đã bị ông Macron từ chối ngay tức khắc.

Quyết định từ chức của ông Collomb đã lập tức được các đảng đối lập khai thác, cho rằng vụ việc này phản ánh một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong chính phủ, cho thấy là tổng thống Macron đã bị mất uy tín.

http://vi.rfi.fr/phap/20181003-bo-truong-noi-vu-phap-kien-quyet-tu-chuc-thu-tuong-tam-kiem-nhiem

 

Khổng Lâm Lâm ‘tát người và la hét’

 ở hội nghị Đảng Bảo thủ Anh

Nữ phóng viên nhà nước Trung Quốc làm náo loạn sự kiện ủng hộ Hong Kong ngay tại Anh Quốc, gây bão trên mạng xã hội.

Nữ phóng viên đài CCTV Khổng Lâm Lâm đã la hét, quát tháo và tấn công một người tình nguyện viên ở một sự kiện bên lề hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ hôm Chủ Nhật 30/9 ở Birmingham.

Từ chỗ ngồi của mình, nữ phóng viên họ Khổng quát tháo và cáo buộc các thành viên trong ban tổ chức “đang tìm cách chia rẽ Trung Quốc”, nói rằng họ là “con rối” và “bọn phản bội”.

Khổng Lâm Lâm sau đó bị bắt giữ và đưa ra khỏi hội nghị.

Hong Kong: Joshua Wong bị phạt tù lần hai

Hong Kong và kỷ niệm của một thuyền nhân

Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam, đài truyền hình CCTV cho biết “Sau khi đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đã có động thái phản đối, và áp lực của dư luận, cảnh sát Anh đã trả tự do cho Khổng Lâm Lâm không lâu sau đó.”

Phát thanh viên trích dẫn một luật sư giấu tên nói cô Khổng đã được trả tự do và cô chỉ đơn thuần làm công việc của mình và các nhà tổ chức cuộc hội nghị đã hành động “không phù hợp”.

Cảnh sát West Midlands nói rằng Khổng Lâm Lâm “chưa bị buộc tội”, nhưng cuộc điều tra sẽ tiếp tục.

Khổng Lâm Lâm đã bị bắt vào lúc 2 giờ 30 sau khi cô tát Enoch Lieu, một tình nguyện viên tại hội nghị, hai lần.

Sự kiện này do Ủy ban nhân quyền của Đảng Bảo thủ Anh, tổ chức phi chính phủ mang tên Hong Kong Watch đóng ở London đồng tổ chức.

Các nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng ở Hồng Kông, Martin Lee Chu-ming, người sáng lập Đảng Dân chủ Hồng Kông, học giả Benny Tai Yiu-ting và đồng sáng lập phong trào Occupy, và lãnh đạo sinh viên Nathan Law Kwun-chung đã phát biểu tại sự kiện này.

Đoạn video bằng tiếng Anh đã tải trên trang BBC Tiếng Trung về thời điểm Khổng Lâm Lâm bị bảo vệ lôi đi

Hôm thứ Hai, một phát ngôn viên đại sứ quán bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc và sự bất mãn nghiêm trọng” về cuộc hội nghị, mà ông lên án là “thúc đẩy lực lượng chống Trung Quốc và ly khai” và “can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

“Anh Quốc luôn phô trương quyền tự do ngôn luận của họ, nhưng khi một phóng viên Trung Quốc đặt câu hỏi và bày tỏ ý kiến tại một hội nghị, cô ấy đã bị cản trở và thậm chí bị tấn công,” người phát ngôn nói. “Điều này là không thể chấp nhận được.”

ĐSQ Trung Quốc và CCTV ‘mới phải xin lỗi’

Hôm thứ Ba, Benedict Rogers, phó chủ tịch ủy ban nhân quyền, và người sáng lập của Hong Kong Watch, cho biết chính Đại sứ quán Trung Quốc và CCTV mới phải xin lỗi.

Rogers nói rằng phóng viên không hỏi bất cứ câu hỏi gì. “Cô ta đơn giản là chỉ la hét, quát tháo tôi và những người khác, và sau đó tấn công một trong những tình nguyện viên của chúng tôi ít nhất hai lần,” ông nói.

Ông Rogers cũng nói Đại sứ quán Trung Quốc và CCTV đã “không có lý do gì để khiếu nại”.

“Thật vậy, họ nên xin lỗi vì đã làm gián đoạn một sự kiện và vì cô ta đã tấn công người khác,” ông Rogers nói.

“Chính quyền Trung Quốc không nên được phép hành xử như vậy trong các hội nghị đảng ở Anh Quốc như thể họ đang ở nhà.”

Anh Quốc cho phép các đài báo Trung Quốc hoạt động bình thường tại Anh nhưng Trung Quốc không có báo chí Anh vào đưa tin tự do ở nước họ.

Enoch Lieu, một nhà hoạt động và tình nguyện viên sinh viên viết trên mạng xã hội rằng sự kiện này tập trung vào chủ đề “Trung Quốc tiếp tục đàn áp nhân quyền ở Hong Kong” và nêu ra những điều họ cho là vi phạm Tuyên bố chung Anh – Trung từ phía Bắc Kinh.

TQ đưa Chiến Lang 2 đi tranh giải Oscar

Sẽ cấm ‘xuyên tạc’ quốc ca TQ tại Hong Kong?

Sự việc đã gây ra tranh cãi và thảo luận nóng giữa các cư dân mạng ở Trung Quốc và Hong Kong và có lúc đã đứng đầu trong danh sách các đề tài tìm kiếm.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, mặc dù phóng viên Khổng Lâm Lâm được một số người ca ngợi, cũng có những người bình luận gọi hành động của cô là “không biết xấu hổ”.

Các vấn đề liên quan đến Hong Kong thường khuấy động tình cảm yêu nước ủng hộ Trung Quốc và phê phán xu hướng ly khai.

Cùng lúc, quyền tự trị của Hong Kong là chủ đề thường tạo ra cảm xúc chống lại Trung Quốc đại lục.

Gần đây nhất, chính quyền Hong Kong cấm một đảng đòi độc lập ở đặc khu hành chính này.

Hôm 23/09, Đảng Quốc gia Hong Kong (HKNP- Hong Kong National Party) bị cấm vì lý do “an ninh quốc gia”.

Tuần này, Đảng Bảo thủ đang cầm quyền ở Anh có hội nghị thường niên ở Birmingham, còn Đảng Lao Động đối lập cũng có kỳ họp nhưng ở Liverpool.

Dù các nghị trình chính của cả hai đảng đều về kinh tế và Brexit nhưng các sự kiện bên lề cũng được dư luận chú ý.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45722370

 

Cạnh tranh với TQ, Nhật Bản

điều tàu chiến lớn nhất tới Sri Lanka

Tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản, tàu sân bay trực thăng Kaga, đã cập cảng Colombo của Sri Lanka vào cuối tuần qua.

Đây là sự kiện đánh dấu động thái mới nhất của Tokyo nhằm cạnh tranh ảnh hưởng trên mặt trận ngoại giao với Trung Quốc, nhắm vào vị trí dọc các tuyến đường biển thương mại quan trọng trong khu vực, theo Reuters.

Nhật Bản từ lâu đã cung cấp các khoản vay lãi suất thấp và viện trợ cho Sri Lanka, hỗ trợ chuyển đổi cảng Colombo thành một cổng chuyển tải, tập trung khai thác những tuyến giao thương trọng yếu của thế giới.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chen chân vào mối quan hệ này và trở thành một đối thủ ngáng đường trong khu vực Nam Á, thậm chí tham vọng vươn xa hơn thế với Sáng kiến Vành Đai Con Đường.

Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang phô diễn sức mạnh quân sự của mình.

Hải quân Trung Quốc đang ngày càng mạo hiểm vượt qua Tây Thái Bình Dương và xâm nhập vào Ấn Độ Dương, tham vọng xây dựng một hạm đội hải quân xứng tầm thế giới vào năm 2050. Cùng lúc, ngoại giao quân sự của Nhật Bản cũng đang hưng thịnh dưới thời thủ tướng Shinzo Abe.

“Chính phủ Nhật Bản đang xúc tiến một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, và châu Á Thái Bình Dương là một phần của chiến lược đó”, Chuẩn Đô đốc Tatsuya Fukuda, chỉ huy tàu Kaga và tàu khu trục hộ tống của Nhật Bản cho biết.

“An ninh và ổn định hàng hải giữ vai trò tối quan trọng” đối với một quốc đảo như Nhật Bản, ông Tatsuya Fukuda cho biết thêm.

Trên đường tới Sri Lanka, tàu chiến Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận quân sự ở Philippines, Indonesia và Anh trước khi cập cảng Colombo vào ngày 30/9 với 500 thủy thủ và 4 trực thăng săn tàu ngầm.

Chiến hạm Anh HMS Argyll (trước), tàu khu trục Inazuma (giữa) và tàu sân bay trực thăng Kaga tập trận hải quân ở Ấn Độ Dương ngày 26/9. (Ảnh: Reuters)

Chuyến thăm được thực hiện trên tinh thần hữu nghị, quân đoàn Kaga cũng mang theo các gói giấy origami đầy màu sắc cùng hoa giấy để tặng cho trẻ em địa phương đến xem tàu cập cảng.

Thông điệp gửi tới Trung Quốc

Mục đích của chuyến thăm lần này là để đảm bảo với Sri Lanka về sự sẵn sàng và khả năng triển khai lực lượng quân sự mạnh nhất của Nhật Bản đến Sri Lanka, một khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng, tờ Reuters nhận định.

“Sri Lanka, với vị trí trung tâm ở Ấn Độ Dương, cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, hoan nghênh tàu hải quân từ tất cả các quốc gia đối tác đến giao lưu với Hải quân Sri Lanka”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Sri Lanka, Mahishini Colonne nói.

“Một số tàu hải quân từ các nước đối tác đã đến thăm Sri Lanka trong năm nay, và tàu Nhật Bản, một đối tác song phương gần gũi, cũng được chào đón trên tinh thần đó”, người này bổ sung.

Để giảm bớt gánh nặng nợ đã tích lũy với Bắc Kinh, Sri Lanka gần đây đã buộc phải đồng ý nhượng quyền kiểm soát cảng Hambantota trị giá 1,5 tỷ USD trên bờ biển phía nam của mình cho công ty Trung Quốc China Merchants Port Holdings

Hồi tháng Một, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật, ông Taro Kono đã trở thành quan chức ngoại giao hàng đầu đầu tiên của Nhật Bản đến thăm Sri Lanka trong 16 năm qua. Vào tháng Tám, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Itsunori Onodera cũng đã đến Sri Lanka và thăm cảng Hambantota.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono (trái) và Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena (phải) (Ảnh: Dailynews)

“Sri Lanka là một quốc gia chủ chốt trong khu vực và một phần cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Nhật Bản. Việc độc chiếm của bất kỳ nước nào tại cảng biển của Sri Lanka sẽ đi ngược điều đó”,  ông Onodera phát biểu, từ chối không nêu chi tiết về quốc gia mà ông đề cập tới.

Vào tháng Ba, Tổng thống Sri Lanka, ông Maithripala Sirisena đã đến thăm Tokyo để thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Động thái này đã khiến Trung Quốc lo lắng, đây có thể sẽ là một vấn đề được đưa lên bàn đàm phán trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh sắp tới của ông Abe.

“Thông điệp gửi tới Trung Quốc là Nhật Bản cùng với Ấn Độ và Hoa Kỳ, và dĩ nhiên cả Sri Lanka có đủ khả năng trên mặt trận quân sự”, ông Nozomu Yoshitomi, giáo sư Đại học Nihon, Tokyo, và là một cựu thiếu tướng Lực lượng Phòng vệ mặt đất, cố vấn cho Nội các Nhật Bản tuyên bố.

http://biendong.net/bi-n-nong/23942-canh-tranh-voi-tq-nhat-ban-dieu-tau-chien-lon-nhat-toi-sri-lanka.html

 

Chưa buông tha, Hoàn cầu mắng nhiếc

Đài Loan “ôm chân Mỹ”: Vừa đáng thương, vừa nực cười

Trước hành động “hỗ trợ” Mỹ trong cuộc chiến thương mại, Đài Loan bị Hoàn cầu đăng đàn dằn mặt.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ leo thang căng thẳng, Đài Loan đã cử một phái đoàn nông nghiệp tới Mỹ và quyết định mua lượng lớn đậu tương của nước này.

Đậu tương là một trong số những mặt hàng chủ lực của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc và hiện nay đang nằm trong nhóm danh sách bị Bắc Kinh đánh thuế cao.

Theo báo cáo, Đài Loan đã tăng số lượng thu mua từ 600.000 tấn lên 1 triệu tấn đậu tương. Thương vụ này khiến tổng sản lượng đậu tương dự kiến Mỹ bán cho Đài Loan trong vòng 2 năm đạt 3,9 triệu tấn.

Đại diện Mỹ và Đài Loan đều cho rằng, hành động của Đài Bắc mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện tình hữu nghị dài lâu giữa hai bên trong bối cảnh Nhà Trắng đang gặp khó khăn về vấn đề xuất khẩu đậu tương.

Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) lại cho rằng, hành động của Đài Loan vừa đáng thương lại vừa nực cười.

“Rõ ràng Đài Loan muốn chủ động giao nộp phí bảo hộ để lấy lòng Washington, chính quyền Đài Loan hành động như vậy là biểu hiện ngả về một bên trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, hiện nay chưa có quốc gia hoặc vùng kinh tế thứ hai nói với Mỹ hoặc Trung Quốc – bất cứ bên nào – rằng họ không mua đồ của anh thì để tôi mua.

Chính quyền Đài Loan hành động như vậy không phải vì tinh thần trượng nghĩa mà là muốn ra điều kiện cũng như thiếu địa vị trong quan hệ với Mỹ, nên chỉ thông qua “tiến cống” nhiều với các hình thức mới để tranh thủ thiện cảm và sự coi trọng của Washington, qua đó nhằm đổi lấy cam kết bảo đảm của đối phương, giúp bản thân yên tâm”, Hoàn cầu chỉ trích.

Báo Trung Quốc cho rằng, tất cả những biểu hiện này cái giá quá mức cho hành động phá hoại quan hệ hai bờ eo biển của bà Thái Anh Văn.

“Nếu như quan hệ hai bờ có thể duy trì trạng thái bình thường dưới thời ông Mã Anh Cửu, trong mối quan hệ với Mỹ, Đài Loan có thể giành được sự bình đẳng nhất định… thì hiện nay, chính quyền đảng Dân tiến chỉ có thể quỳ trước mặt Nhà Trắng, thậm chí ôm chân Nhà Trắng”, Hoàn cầu giận dữ.

Tờ này cho hay, hành động thu mua đậu tương Mỹ của Đài Loan còn là sự nực cười, bởi tổng số lượng mua chỉ bằng 1/20 số với con số dự kiến của Trung Quốc, đồng thời gây gánh nặng tiêu thụ lên người dân Đài Loan khi dân số cả đảo này chỉ bằng tổng số nhân khẩu của Bắc Kinh.

Ngoài ra, theo Hoàn cầu, việc Đài Loan mua đậu tương Mỹ tương tự mua vũ khí, đều là gửi tiền cho Mỹ nhưng nhưng lại không đảm bảo được việc tăng cường cho sự an toàn cho Đài Loan.

“Sự an toàn của Đài Loan chỉ có thể thực hiện bằng phương thức chính trị chứ không thể đạt được bằng hình thức quân sự; việc dựa vào lực lượng bên ngoài, dựa vào việc chủ động biến bản thân trở thành quân cờ cho thế lực bên ngoài đối phó Đại lục sẽ làm mất đi hoàn toàn tính chủ động khi nắm bắt sự an toàn cho bản thân, từ đó bị xô đẩy lênh đênh trong cuộc chơi của các cường quốc như Trung-Mỹ”, Hoàn cầu cảnh cáo.

“Nếu Đài Loan giúp đỡ thế lực bên ngoài gây áp lực kinh tế lên Đại lục thì đảo này có khả năng trở thành đối tượng do Đại lục quản chế”, Hoàn cầu nhấn mạnh.

Cuối cùng, báo Trung Quốc cảnh báo: “Đài Loan quá nhỏ, không đủ sức mạnh để tham gia vào cuộc đối đầu chính trị lớn, không trụ vững được trước sự xói mòn của dòng chảy địa chính trị. Tương lai và số phận của Đài Loan gắn liền với Đại lục…”.

http://biendong.net/diem-tin/23889-chua-buong-tha-hoan-cau-mang-nhiec-dai-loan-om-chan-my-vua-dang-thuong-vua-nuc-cuoi.html

 

Indonesia từ chối tiếp nhận

tàu bệnh viện Mỹ cứu trợ động đất

Các quan chức Indonesia đã gặp đại sứ Mỹ tại Jakarta hôm thứ Tư 3/10 để thảo luận về trợ giúp cho các nạn nhân trận động đất và sóng thần.

Bộ trưởng điều phối hàng hải Luhut Binsar nói với VOA rằng Đại sứ Joseph R. Donovan đã liên lạc với ông hôm thứ Ba 2/10 để hỏi về nhu cầu hỗ trợ của Indonesia.

Hôm 10/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết tại một cuộc họp báo rằng Hoa Kỳ đã “đã phái nhiều nhân viên của cơ quan cứu nạn khẩn cấp, quân đội và các cơ quan khác” đến giúp Indonesia ứng phó sau thảm họa.

Ông Hussain Abdullah, Phát ngôn viên của Phó Tổng thống Jusuf Kalla, hôm 3/10 lặp lại tuyên bố của ông Kalla “là trọng tâm về hỗ trợ nước ngoài để giúp phục hồi và tái thiết trong dài hạn, chứ không cần các nhân viên quân sự.”

Tuy nhiên, trước đó ông Kalla nhấn mạnh rằng Indonesia không quan tâm đến chuyến thăm của một tàu bệnh viện Mỹ, và ông lưu ý rằng một chiếc tàu bệnh viện đến tiếp cứu sau trận động đất Aceh lần trước đã không thực sự hữu dụng.

Bộ trưởng điều phối hàng hải Luhut Binsar nói với VOA rằng ông đã giải thích với Đại sứ Donovan tại sao Indonesia không cần tàu bệnh viện: “Những gì chúng tôi cần là thiết bị lọc nước, và những hỗ trợ để xây dựng nhà cửa chống động đất, đó là những gì chúng tôi cần.”

Ông Luhut nói thêm rằng các hình thức hỗ trợ khác của Mỹ, bao gồm vận chuyển hàng không, thì “không phải là vấn đề.

https://www.voatiengviet.com/a/4597977.html

 

Sóng thần Indonesia : Gần 200.000 người

cần cứu trợ khẩn cấp

Thu Hằng

Năm ngày sau khi xảy ra động đất gây sóng thần, công tác cứu hộ được tăng cường, đặc biệt tại thành phố Palu, nơi việc tìm kiếm nạn nhân vẫn chưa kết thúc. Thống kê mới nhất ngày 03/10/2018 về số người chết tại Indonesia đã lên đến hơn 1.400 người.

Gần 200.000 người cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. Tại một số khu vực bị nạn, mùi hôi thối bắt đầu nặng hơn do xác người chết.

Thông tín viên RFI Joel Bronner tường thuật từ Palu :

« Ở Palu, cuối cùng các quan chức cũng bắt đầu xuất hiện thay vì mỗi vài quân nhân có mặt ở đây, như tại một trung tâm phân phát thực phẩm. Hiện giờ họ có mặt ở ngoài phố. Người ta cũng thấy vài chục xe tải đã tới.

Tương tự đối với lực lượng cứu hộ, người ta thấy ngày càng nhiều nhân viên mặc áo chuyên dụng và nghe thấy nhiều hơn tiếng máy bay trực thăng trên trời. Nói tóm lại, năm ngày sau thảm họa, hoạt động cứu hộ có vẻ đã được triển khai với mạnh hơn, phù hợp hơn với tình hình và quy mô của trận thiên tai xảy ra ở Palu.

Và đã đến lúc phải tiến hành những biện pháp này vì trong thành phố, có rất nhiều nơi bắt đầu bốc mùi phân hủy xác người chết. Thực vậy, trên bãi biển vẫn còn rất nhiều thi thể người chết bị kẹt dưới những ngôi nhà đổ nát hay những xác người được đặt tạm sau các bệnh viện.

Hôm qua, tôi đã đến một nhà xác, nơi người dân Palu đến tìm người thân, những người mất tích mà họ không có tin tức gì. Họ lục từng túi đựng xác được đặt ngay dưới đất để tìm người thân. Thành phố Palu sống theo nhịp độ tìm kiếm xác chết. Nếu nhịp độ này còn tăng thì có thể làm thay đổi diện mạo thành phố Palu, hiện như đang biến thành một nghĩa địa ngoài trời ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181003-indonesia-hon-1400-nguoi-chet-vi-dong-dat-gay-song-than

 

Núi lửa phun ở Indonesia

ít ngày sau động đất, sóng thần

Một ngọn núi lửa phun trào hôm 3/10 ngay trên hòn đảo của Indonesia mà hồi tuần trước đã xảy ra động đất và sóng thần làm chết ít nhất 1.407 người.

Ngay khi núi lửa Soputan phun trào trên đảo Sulawesi ở miền trung Indonesia, chính quyền đã đưa ra cảnh báo về các dòng dung nham và các đám tro bụi có thể ảnh hưởng đến các chuyến bay. Những người sống trong bán kính vài kilomet quanh núi lửa đã được lệnh phải sơ tán. Vụ phun trào đã phóng tro bụi lên cao tới hơn 5.900 mét.

Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được liệu vụ phun trào có phải do trận động đất ở miền trung Sulawesi hôm 28/9 kích thích trực tiếp hay không. Tuy nhiên, trang tin Indonesia Tempo dẫn lời một chuyên gia núi lửa của chính phủ nói rằng có thể có sự liên quan. Indonesia có nhiều núi lửa còn hoạt động.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo hôm thứ 2/10 để ngỏ ý sẵn sàng trợ giúp cho cả giai đoạn cứu nạn khẩn cấp lẫn công tác tái thiết sau trận động đất và sóng thần tàn phá Sulawesi.

Ngoài số người chết đang gia tăng, có hàng trăm người bị thương nặng trong thảm họa hôm 28/9. Trong hoàn cảnh nhiều con đường không đi qua được, và các đường dây liên lạc chủ chốt cũng như cơ sở hạ tầng bị phá hủy, thực phẩm, nước, nhiên liệu và thuốc men đang gặp nhiều khó khăn lớn để đến được những khu vực bị thiệt hại nhiều nhất ở ngoại ô của Palu, thành phố lớn nhất bị hư hại nặng nề. Theo Cơ quan Khắc phục Thảm họa Thiên tai Quốc gia, hơn 60.000 người đã mất nhà cửa.

Những người sống sót sau thảm họa động đất và sóng thần ở Indonesia hiện đang đói khát. Họ cho biết hôm 3/10 rằng họ đang sục tìm đồ ăn trong các trang trại.

Các quan chức lo rằng số người chết còn thể có thể tăng lên, vì hầu hết những người chết đã được xác nhận là ở Palu, một thành phố nhỏ cách Jakarta 1.500 km về phía đông bắc, còn thiệt hại ở những vùng sâu vùng xa vẫn chưa thống kê hết do thông tin liên lạc bị cắt đứt, cầu đường bị chặn cho sạt lở đất.

Năm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương vẫn có các hoạt động địa chấn, Indonesia là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vì động đất và sóng thần. Một trận động đất năm 2004 đã gây ra sóng thần trên Ấn Độ Dương làm chết 226.000 người ở 13 quốc gia, trong đó có hơn 120.000 người ở Indonesia.

(USA Today, Reuters)

https://www.voatiengviet.com/a/nui-lua-phun-trao-o-indonesia-it-ngay-sau-dong-dat-song-than/4597752.html

 

Giới siêu giàu TQ ‘đổ bộ’ Australia:

Doanh nghiệp hân hoan

nhưng người dân đầy bất mãn

Việc giới siêu giàu Trung Quốc “đổ xô” tới Australia khiến khá nhiều người nghi ngại, thậm chí còn bất mãn trước làn sóng ấy.

Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của nước này – gần đây đã trải qua vài ‘biến cố’.

Hai nước này đã có một số xung đột kể từ tháng 12/2017, khi cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull thông qua đạo luật chống sự can thiệp của nước ngoài, sau khi ông này cáo buộc Trung Quốc cố tình “ảnh hưởng tiến trình chính trị” của Australia.

Lời cáo buộc trên đã khiến Bắc Kinh tức giận và lập tức triệu tập Đại sứ Australia tại Trung Quốc để phản đối quyết định của chính quyền ông Turnbull. Vào thời điểm đó, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước đã bị đẩy xuống mức báo động, mà cho tới nay vẫn chưa thể phục hồi dù Australia đã có Thủ tướng mới.

Tháng trước, Bộ Thương mại Trung Quốc vừa đưa ra cáo buộc rằng Canberra can thiệp “những hoạt động kinh doanh bình thường”, sau khi Australia cấm “ông lớn” công nghệ của Trung Quốc – tập đoàn Huawei – tham gia cung cấp mạng viễn thông 5G tại nước này do một số lo ngại về an ninh.

Ngay sau đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã lập tức gióng hồi chuông cảnh báo về sự hiện diện và áp đảo của “phe diều hâu” phản đối Trung Quốc trong nội các của tân Thủ tướng Australia Scott Morrison – người kế nhiệm cựu Thủ tướng Turnbull.

Tuy vậy, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông), mặc dù mối quan hệ ngoại giao giữa Canberra và Bắc Kinh có xung đột, nhưng thị trường Australia vẫn là “chốn mê hoặc” đối với giới siêu giàu Trung Quốc.

“Chốn mê hoặc” giới siêu giàu Trung Quốc

Australia là địa điểm định cư số 1 trên thế giới của giới triệu phú trong năm 2017, theo số liệu của Ngân hàng AfrAsia. Hơn 10.000 cá nhân giàu có đã nhập cư Australia trong năm ngoái, trong đó chủ yếu là người Trung Quốc, Ấn Độ và Anh.

Bên cạnh đó, khoảng 90% thị thực mà chính phủ Australia cấp cho các nhà đầu tư giàu có trong năm 2017 – những đối tượng đầu tư hơn 5 triệu AUD (3,6 triệu USD) vào Australia – là những công dân Trung Quốc.

Năm nay, Dinh thự Stonington – nơi từng là tòa nhà của chính quyền Australia tại thành phố Melbourne – vừa được bán với giá 52,5 triệu AUD (khoảng 38 triệu USD). Báo chí Australia đánh giá đó là thương vụ mua bán bất động sản đắt đỏ nhất trong thành phố này.

Kỷ lục trước đó là con số 40 triệu AUD dành cho khu đất rộng 5.000 m2 ở vùng ngoại ô Toorak của Melbourne.

Bên cạnh mức giá cao ngút trời, thì cả hai thương vụ này còn có một điểm chung khác: đó là những người mua đều mang quốc tịch Trung Quốc.

Đó là chuyện thường thấy trong những khu vực giàu có của Australia. Hầu hết những người mua lại các khu bất động sản đắt tiền đều là những người Trung Quốc giàu có.

Đối với rất nhiều người trong giới siêu giàu Trung Quốc, Australia đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư, giải trí, nghỉ dưỡng, và trong rất nhiều trường hợp là cơ hội sở hữu thêm một ngôi nhà thứ hai ở nước ngoài.

Ông David Morrell, giám đốc một công ty tại Australia cho biết những người Trung Quốc giàu có thường lựa chọn các địa điểm đắt đỏ tại Australia.

Còn bà Monika Tu, Giám đốc Tập đoàn môi giới các loại bất động sản cao cấp tại Sydney, thì cho biết công ty của bà thường tiếp khoảng vài chục khách hàng Trung Quốc mỗi tuần, và họ đem đến khoảng 80% tổng lợi nhuận của doanh nghiệp này.

“Đối với chúng tôi, bất động sản thuộc loại ‘cao cấp’ có giá khoảng từ 5 triệu đến 50 triệu AUD”, bà Tu cho biết gần đây một số khách hàng [Trung Quốc] còn yêu cầu công ty bà tìm kiếm những nơi có giá lên đến 60 triệu AUD. “Đó là loại bất động sản mà họ nhắm tới”.

Đối với những người Trung Quốc muốn tìm “cửa” đầu tư và làm ăn, thì Australia được cho là một địa điểm khá an toàn và ổn định.

Australia đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng Chỉ số Niềm tin Đầu tư Trực Tiếp Nước ngoài năm 2018 của tập đoàn A.T. Kearney, và đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB) về các quốc gia có môi trường thuận lợi cho việc kinh doanh.

Theo ông John Li, một đối tác của Oceania China Business Group thuộc tập đoàn Ernst & Young, cho biết điều hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tại Australia chính là hệ thống luật pháp, hệ thống tài chính ổn định và các tổ chức năng động của nước này.

Thị trường bất động sản của Australia đã bùng nổ trong vài thập niên gần đây, và được coi là một lĩnh vực đầu tư đặc biệt hấp dẫn tại nước này. Chỉ tính trong năm 2017, những người mang quốc tịch Trung Quốc đã đầu tư hơn 15 tỉ AUD vào thị trường bất động sản của Australia, nhiều hơn gấp đôi so với công dân nước khác.

Trong hai năm 2016-2017, trước khi chính quyền Bắc Kinh ra lệnh kiểm soát chặt chẽ dòng chảy vốn ra nước ngoài, thì các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót đến 32 tỉ AUD vào thị trường bất động sản của Australia.

Những số liệu trên chỉ bao gồm người có quốc tịch Trung Quốc, chứ chưa tính đến số lượng lớn những người đã nhập tịch Australia hoặc thuộc diện định cư lâu dài.

Tại nhiều khu vực thuộc các thành phố lớn như Sydney và Melbourne, giá nhà đất trung bình đã tăng lên hơn 2 lần trong thập kỷ vừa qua. Với mức giá trung bình là 1,1 triệu AUD, Sydney hiện là địa điểm có giá bất động sản cao thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Hồng Kông.

Tuy vậy, nhiều người Trung Quốc giàu có vẫn cho rằng việc đầu tư vào bất động sản tại Australia “hời” hơn so với những lựa chọn ít ỏi tại các thành phố đông đúc như Thượng Hải, Bắc Kinh và Hồng Kông.

Không chỉ vấn đề giá cả, mà xét về quy mô hay yếu tố môi trường, thì lựa chọn mua bất động sản Australia vẫn hợp lý hơn, theo bà Monika Tu.

Quả thực, giới giàu có của Trung Quốc không chỉ tìm đến Australia để kinh doanh. Họ còn muốn được tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn trong một môi trường tự nhiên vẫn còn nguyên sơ.

Còn đối với các bậc phụ huynh có tư duy toàn cầu, thì lí do họ tìm đến Australia để định cư lại là nền giáo dục chất lượng cao, và môi trường người bản ngữ sẽ giúp con họ tiến bộ nhanh chóng.

Theo số liệu của chính phủ Australia, thì hiện nay hơn 170.000 học sinh, sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các cơ sở giáo dục của Australia. Các em chính là những người có đóng góp nhiều nhất cho con số 28 tỉ AUD của lĩnh vực giáo dục quốc tế của Australia.

Tuy Mỹ và Canada cũng là hai lựa chọn triển vọng đối với giới nhà giàu Trung Quốc, nhưng Australia lại có lợi thế hơn do có vị trí địa lý rất gần, thậm chí còn ở trong cùng múi giờ với Trung Quốc.

Bên cạnh thị trường bất động sản, thì giới nhà giàu Trung Quốc còn mạnh tay rót tiền vào một số mặt hàng và dịch vụ xa xỉ khác.

Ông Russell Zimmerman, Giám đốc điều hành Hiệp hội Bán lẻ Australia, cho biết khách hàng Trung Quốc hứng thú với rất nhiều mặt hàng, từ túi xách cao cấp, trang sức hàng hiệu, tới các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Australia hay đồ ăn và các sản phẩm dành cho trẻ em. Các hãng bán lẻ Australia hiện đang cung cấp các mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, các nhà phân phối sản phẩm cao cấp còn tận dụng tất cả mọi cơ hội có thể, như các kênh bán hàng online (Alibaba), hay mở kênh thanh toán bằng thẻ nội địa để thu hút các khách hàng Trung Quốc, ông Zimmerman cho hay.

Nhiều thương hiệu thậm chí còn thuê nhân viên nói tiếng Trung về làm việc tại các cửa hàng bán lẻ đồ cao cấp của họ.

Một số lĩnh vực khác của Australia trước đây từng khá xa lạ với người Trung Quốc, như các hãng kinh doanh du thuyền, hiện nay cũng được hưởng lợi từ giới nhà giàu Trung Quốc. Và cũng như xu hướng sử dụng quần áo hay túi xách hàng hiệu, các khách hàng Trung Quốc giàu có luôn lựa chọn các mặt hàng đắt tiền cho mình.

Sự nghi ngại và bất mãn của Australia

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế đối với các doanh nghiệp địa phương, thì việc giới nhà giàu Trung Quốc “đổ xô” tới Australia sinh sống, làm việc, học tập và tận hưởng cũng khiến khá nhiều người nghi ngại, và thậm chí bất mãn trước làn sóng ấy.

Một trong số những điều khiến người dân Australia cảm thấy bất mãn nhất là các nhà đầu tư Trung Quốc đã đẩy họ ra khỏi thị trường bất động sản trong nước.

Ví dụ, tại các thành phố lớn như Sydney, giá nhà đất trung bình đã tăng gấp gần 13 lần thu nhập trung bình của các hộ gia đình địa phương.

Theo ông Morrell, những “chú cá voi Trung Quốc” (ám chỉ giới siêu giàu) thậm chí còn gây ra tình trạng đội giá tại những khu vực đắt đỏ, khi sẵn sàng trả giá cao cho những khu đất hay căn nhà mà họ không có ý định sinh sống.

Nhiều ý kiến cho rằng những khoản tiền lớn của giới siêu giàu Trung Quốc có liên quan tới các hoạt động “mờ ám”.

Bên cạnh đó, giới nhà giàu Trung Quốc có mối liên kết chính trị tại Australia cũng thuộc diện bị soi xét chặt chẽ trước những cáo buộc của chính quyền cựu Thủ tướng Turnbull về việc Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động chính trị của nước này.

Trong giai đoạn năm 200-2016, các đảng phái của Australia đã nhận được hơn 12,6 triệu AUD từ các công dân và tổ chức của Trung Quốc. Số tiền này chiếm hơn 80% tổng số tiền quyên góp từ nước ngoài, theo số liệu của Trường Luật Melbourne.

Một số tỉ phú bất động sản nổi tiếng như Huang Xiangmo và Chau Chak Wing cũng bị nghi nằm trong số giới siêu giàu Trung Quốc có ảnh hưởng tới hai đảng lớn của Australia là Công đảng và đảng Tự do.

Tháng 6 vừa qua, chính quyền cựu Thủ tướng Turnbull đã thông qua đạo luật chống can thiệp, trong đó bao gồm lệnh cấm hoàn toàn các khoản quyên góp chính trị từ nước ngoài. Động thái này đã khiến quan hệ giữa hai nước sứt mẻ không ít, tuy nhiên nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh và Canberra vẫn sẽ tiếp tục duy trì quan hệ trong tương lai.

Ông John Li, đối tác của tập đoàn Ernest & Young, cho biết: “Australia vẫn coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Rất đông người Australia gốc Trung sinh sống tại đất nước này, và điều đó đã tăng cường liên kết văn hóa giữa hai nước trong nhiều năm nay. Chắc chắn nhu cầu định cư tại Australia của giới nhà giàu Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng mạnh”.

Còn theo tác giả Barry Li, thì tương lai của Trung Quốc và Australia sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách của chính phủ hai nước. Ông cho rằng người dân Trung Quốc sẽ tiếp tục lựa chọn Australia, nếu Canberra tiếp tục mở rộng cửa chào đón họ.

http://biendong.net/diem-tin/23886-gioi-sieu-giau-tq-do-bo-australia-doanh-nghiep-han-hoan-nhung-nguoi-dan-day-bat-man.html