Tin khắp nơi – 01/10/2018
Kavanaugh: Nhà Trắng
‘không giới hạn’ điều tra của FBI
Chính quyền Trump phủ nhận tin giới hạn cuộc điều tra của FBI về việc ứng cử viên Tối cao Pháp viện Brett Kavanaugh bị tố cáo tấn công tình dục.
Đảng Dân chủ đang rất quan tâm trước các tường trình của truyền thông Mỹ là Nhà Trắng tìm cách giới hạn những ai FBI có thể phỏng vấn trong tiến trình điều tra.
Tổng thống Trump đã yêu cầu FBI mở cuộc điều tra hôm thứ Sáu theo yêu cầu của ủy ban Thượng viện.
Ông Kavanaugh phủ nhận những cáo buộc về mình.Cuộc điều tra mới này trì hoãn một cuộc bỏ phiếu cuối cùng về Thẩm phán Kavanaugh, người nếu được xác nhận sẽ có khả năng đưa cán cân của Tối cao Pháp viện của Mỹ nghiêng về quan điểm của những người bảo thủ.
Brett Kavanaugh: Trump yêu cầu FBI điều tra
Điều trần Kavanaugh – thời khắc quan trọng cho phụ nữ Mỹ
Một vài cơ quan truyền thông Mỹ cuối tuần qua cho biết phạm vi điều tra đã bị Nhà Trắng hạn chế, tường trình rằng một trong những người tố cáo ông Kavanaugh, bà Julie Swetnick, sẽ không được FBI phỏng vấn.
Ông Trump phủ nhận là đã áp đặt bất kỳ hạn chế nào, nói rằng ông muốn FBI “phỏng vấn bất cứ ai mà họ cho là phù hợp” trong việc điều tra ứng cử viên Tối cao Pháp viện Brett Kavanaugh.
Một số quan chức hàng đầu của ông Trump cũng phản bác tin này. Phát ngôn viên của ông, bà Sarah Sanders nói rằng Nhà Trắng không “cầm tay chỉ việc” cuộc điều tra.
“Đó là một tiến trình của Thượng viện. Từ đầu tiến trình này đã là như thế, và chúng tôi cho phép Thượng viện tiếp tục điều khiển tiến trình này.” Bà Sanders nói.Mặc dù vậy, đài NBC trích lời một quan chức Nhà Trắng nói rằng các giới hạn vẫn được duy trì, thêm rằng FBI đang có cuộc điều tra về quá khứ ông Kavanaugh, chứ không phải là một cuộc điều tra hình sự, và Nhà Trắng quyết định khuôn khổ của cuộc điều tra.
Thành viên đảng Dân Chủ cao cấp nhất trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện, bà Dianne Feinstein, đã gửi một bức thư kêu gọi Nhà Trắng công bố chỉ thị bằng văn bản được gửi bởi Tổng thống Trump cho FBI về việc khởi động cuộc điều tra.
FBI sẽ điều tra những gì?
Mặc dù Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm thứ Sáu đã phê chuẩn việc Thẩm phán Kavanaugh được đề cử, nhưng điều đó được đặt trên điều kiện là phải có một cuộc điều tra mới vào những gì Ủy ban gọi là “những cáo buộc đáng tin cậy” về ông Kavanaugh.
Tổng thống Trump sau đó đã ra lệnh cuộc “điều tra bổ sung”, sẽ phải được hoàn thành trong một tuần.
Mỹ: Ứng viên Tối cao Pháp viện bị tố ‘tấn công tình dục’
Brett Kavanaugh điều trần trước Thượng Viện
Cuộc điều tra liên quan đến việc FBI mở lại cuộc điều tra về quá khứ của Thẩm phán Kavanaugh đã hoàn thành trước đó. Điều này có thể có nghĩa là FBI sẽ nói chuyện các nhân chứng cũ – hoặc với những nhân chứng mới.
Vì cuộc đây không phải là điều tra tội phạm, FBI sẽ không kết luận họ có tin rằng những cáo buộc ông Kavanaugh tấn công tình dục là đúng hay không.
Ai là những người tố cáo Kavanaugh?
Người phụ nữ đầu tiên đưa ra lời cáo buộc ông Kavanaugh tấn công tình dục bà là giáo sư tâm lý Christine Blasey Ford.
Bà Ford làm chứng tại một buổi điều trần tuần trước rằng ông Kavanaugh đã cố gắng cởi bỏ quần áo của bà, ghim bà vào một chiếc giường và bịt miệng của bà khi bà lên tiếng kêu cứu tại một bữa tiệc ở nhà vào năm 1982, khi bà 15 tuổi và ông Kavanaugh 17 tuổi.
Đáp lại lời khai của bà, ông Kavanaugh nói ông chưa bao giờ tấn công bà hay bất cứ ai khác. Ông cáo buộc đảng Dân Chủ đã chính trị hóa quá trình và làm hại gia đình ông và thanh danh của ông.
Hai người phụ nữ khác cũng ra mặt và lên tiếng: Bà Deborah Ramirez, người đã theo học ở đại học Yale cùng lúc với ông Kavanaugh, nói rằng ông đã phơi bày bộ phận sinh dục của ông cho bà thấy trong một một trò chơi uống rượu.
Bà Julia Swetnick thì đã từng tham dự những bữa tiệc tại gia mà ông Kavanaugh cũng tham dự vào đầu thập niên 1980, nơi bà nói rằng ông và bạn bè của ông đã cố gắng “tăng đột biến” vào thức uống của các cô gái. Ông Kavanaugh phủ nhận cả hai cáo buộc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45702799
FBI liên lạc với phụ nữ thứ hai
cáo buộc Brett Kavanaugh sai trái tình dục
Washington, DC – Vào hôm Thứ Bảy (29 tháng 9), ông John Clune – luật sư của bà Deborah Ramirez cho biết các nhân viên điều tra của FBI đã liên lạc với thân chủ của ông, nhằm điều tra về cáo buộc đối với ứng cử viên thẩm phán Tối cao Pháp viện Brett Kavanaugh.
Bà Ramirez là người phụ nữ thứ hai cáo buộc ông Kavanaugh có hành vi sai trái tình dục. Theo lời kể của bà Ramirez, ông Kavanaugh đã có hành vi không đứng đắn đối với bà, trong một bữa tiệc ở ký túc xá đại học Yale khi họ còn là sinh viên năm thứ nhất. Trong một dòng tin nhắn đăng trên Twitter, luật sư Clune xác nhận FBI đã liên lạc để phỏng vấn bà Ramirez và thân chủ của ông đồng ý hợp tác vào quá trình điều tra.
Theo đánh giá của Reuters, tuyên bố của luật sư John Clune cho thấy phía FBI có thể sẽ điều tra tất cả các cáo buộc nhằm vào ông Kavanaugh, không chỉ riêng cáo buộc của tiến sĩ Christine Blasey Ford.
Sau phiên điều trần giữa tiến sĩ Ford và thẩm phán Kavanaugh hôm Thứ Năm (ngày 27 tháng 9), trước áp lực của thành viên ôn hòa của đảng Cộng Hòa, Tổng thống Trump buộc phải ra lệnh cho FBI điều tra ông Kavanaugh. Hôm Thứ Bảy (ngày 29 tháng 9), NBC News đưa tin rằng Tòa Bạch Ốc đã giới hạn phạm vi điều tra của FBI. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng ông muốn FBI phỏng vấn bất cứ ai mà cơ quan này thấy phù hợp. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Raj Shah cho biết Thượng viện đã đặt ra “giới hạn và thời hạn” cho cuộc điều tra của FBI, theo đó, kết quả điều tra phải được công bố sau một tuần. Ông Shah cho hay Tòa Bạch Ốc sẽ để FBI điều tra theo đúng trách nhiệm của họ.
Trong một diễn biến liên quan, luật sư đại diện cho bà Julie Swetnick, người phụ nữ thứ ba cáo buộc ông Kavanaugh, xác nhận với Reuters rằng bà Swetnick vẫn chưa nhận được yêu cầu hợp tác điều tra của FBI. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/fbi-lien-lac-voi-phu-nu-thu-hai-cao-buoc-brett-kavanaugh-sai-trai-tinh-duc/
TT Trump ca ngợi ‘giao dịch lịch sử’
với Canada và Mexico
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 1/10 ca ngợi việc Canada tham gia vào Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã được sửa đổi cùng với Hoa Kỳ và Mexico, sau khi hai nước đưa ra thỏa thuận đạt được ở phút cuối, cứu vãn hiệp định thương mại ba bên, mang lại chiến thắng quan trọng cho tổng thống Mỹ, theo Reuters.
Thỏa thuận được công bố hôm 1/10 đã giúp duy trì khu vực thương mại tự do đã có gần một phần tư thế kỷ và trị giá 1,2 nghìn tỷ đôla giữa ba nước láng giềng Bắc Mỹ mà ông Trump lâu nay tìm cách xóa bỏ trong cam kết cải tổ thương mại toàn cầu.
Hiệp định mới giữa Hoa Kỳ – Mexico – Canada (USMCA) nhằm mục đích mang thêm việc làm vào Hoa Kỳ, một cam kết hàng đầu trong chiến dịch vận động của ông Trump.
Tuy hiệp định giúp tránh được thuế quan, nhưng nó lại làm cho các nhà sản xuất ôtô toàn cầu gặp khó khăn hơn trong việc chế tạo ôtô với giá rẻ ở Mexico và Canada.
Hiệp định cũng bảo tồn cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại mà Canada mong muốn để bảo vệ các ngành công nghiệp của mình khỏi thuế chống bán phá giá của Mỹ, ngay cả khi Ottawa đồng ý mở cửa thị trường sữa cho nông dân Mỹ.
Hoa Kỳ và Mexico đã khép lại thỏa thuận song phương vào tháng 8. Các giới chức Mỹ dự định sẽ ký thỏa thuận ba bên mới vào cuối tháng 11.Sau đó, nó sẽ được đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ để phê chuẩn, Reuters dẫn lời một giới chức cấp cao Mỹ cho biết.
Ngày 1/10, ông Trump coi thỏa thuận của Mỹ với nước láng giềng phía bắc là “tuyệt vời” và là “một giao dịch lịch sử”.
“Đó là một thỏa thuận lớn đối với cả ba nước, giải quyết được nhiều thiếu sót và sai lầm trong NAFTA, mở rộng thị trường cho nông dân và các nhà sản xuất của chúng ta, giảm rào cản thương mại sang Mỹ và mang cả ba quốc gia đến gần nhau hơn trong cuộc cạnh tranh với các nước trên thế giới”, Reuters dẫn lời ông Trump viết trên Twitter.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-ca-ngoi-giao-dich-lich-su-voi-canada-va-mexico/4594466.html
Mỹ mở “mặt trận” mới nhằm vào TQ
Cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Trung Quốc can thiệp bầu cử giữa kỳ sắp tới là 1 nấc thang mới trong căng thẳng giữa 2 nước.
Các quan chức cấp cao Mỹ ngày 27/9 cho biết, cáo buộc của Tổng thống Donald Trump về việc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ tháng 11 tới đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến dịch gia tăng áp lực với Bắc Kinh mà Washington đang theo đuổi trên nhiều mặt trận.
“Chiến tranh tổng hợp”
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người lâu này được coi là có cách nhìn nhận khắt khe với Trung Quốc, đang đóng vai trò chủ chốt trong việc thuyết phục ông Trump có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Reuters dẫn lời 2 quan chức cấp cao Mỹ cho biết, cách tiếp cận này vượt ra ngoài cuộc chiến thương mại không khoan nhượng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và sẽ bao gồm những tranh cãi khác như các hoạt động trên không gian mạng, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và Biển Đông.
Chiến lược trên mới đang ở giai đoạn hình thành nhưng Mỹ được cho là sẽ có các hành động chính sách nhằm vào Trung Quốc trong những tuần tới dù chưa biết cụ thể đó là gì.
Nhà Trắng hiện không trả lời câu hỏi Reuters yêu cầu làm rõ những quan điểm trên.
Trước đó, ông Trump đã nói trước Liên Hợp Quốc hôm 26/9 rằng Trung Quốc đang tìm cách xoay chuyển cục diện cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ ngày 6/11 tới nhằm chống lại đảng Cộng hòa để “trừng phạt” ông vì cuộc chiến thương mại.
Cáo buộc được đưa ra trong thời điểm cực kỳ căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, người đứng đầu nước Mỹ không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Điều này đặt ra câu hỏi, liệu ông Trump có đang tìm cách phân tán sự chú ý của dư luận khỏi cuộc điều tra xem đội ngũ tranh cử của ông năm 2016 có cấu kết với Nga hay không, đồng thời gài sẵn một cái “bẫy” với Trung Quốc trong trường hợp đảng Cộng hòa thực sự đạt kết quả kém trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Cuộc bầu cử tháng 11 tới sẽ quyết định đảng Cộng hòa liệu còn có thể kiểm soát cả 2 viện Quốc hội Mỹ nữa không.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao Mỹ khẳng định rằng trong Nhà Trắng ngày càng có nhiều dự cảm rằng ông Trump cần phải đưa ra một lời cảnh báo ở cấp cao rằng Trung Quốc là một đối thủ mạnh khác, bên cạnh Nga, đang phát động “chiến tranh tổng hợp” (hybrid warfare bao gồm nhiều cuộc chiến trên các mặt trận chính trị, không gian mạng…) nhằm vào các lợi ích của Mỹ.
Trong các diễn biến xung đột gần đây có việc Washington trừng phạt một cơ quan quân sự của Trung Quốc và giám đốc cơ quan này vì mua chiến cơ và hệ thống tên lửa từ Nga, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga. Bắc Kinh sau đó đã triệu Đại sứ Mỹ tại đây đến để chỉ trích và hoãn đối thoại quân sự giữa 2 nước.
Gia tăng áp lực trên mọi phương diện
Chính quyền của Tổng thống Trump đang tìm cách công kích Trung Quốc mạnh mẽ hơn trên nhiều mặt trận, trong đó có cái gọi là “các chiến dịch tạo ảnh hưởng chính trị”, một vấn đề mà gần đây ông Trump đã được thông tin rất nhiều từ đội ngũ tình báo của Mỹ.
“Chúng tôi đang ở thời điểm có thể bắt đầu hành động với các biện pháp gia tăng áp lực trên mọi phương diện, đặc biệt là vì vấn đề thương mại” – quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ chia sẻ với Reuters.
Washington từ lâu đã xác định Trung Quốc là thủ phạm chính trong các vụ tấn công mạng nhằm vào dữ liệu của chính phủ và các công ty của Mỹ.
Nhưng quan chức Mỹ và các nhà phân tích cho biết, họ vẫn chưa phát hiện được một kiểu chiến dịch chính trị có hệ thống, trong đó có các hoạt động thao túng trên mạng xã hội, như Nga bị cho là đã làm suốt thời gian bầu cử Mỹ năm 2016.
Trung Quốc cũng kịch liệt bác bỏ cáo buộc “vô căn cứ” rằng nước này tìm cách can thiệp bầu cử Mỹ.
Hành động cụ thể duy nhất từ phía Trung Quốc mà ông Trump viện dẫn trong cáo buộc ngày 26/9 là việc Bắc Kinh “sắp đặt các quảng cáo tuyên truyền” trên báo Mỹ, ý nói việc truyền thông nhà nước Trung Quốc quảng bá về lợi ích chung của thương mại Mỹ – Trung trải rộng trên 4 trang của Sunday Des Moines Register, một tờ nhật báo ở Des Moines, bang Iowa.
Iowa là bang đã bầu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 nhưng nông dân ở đây lại đang phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng vì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc các chính phủ nước ngoài mua “đất” quảng cáo trên các trang báo Mỹ để quảng bá thương mại là khá phổ biến và hoàn toàn khác chiến dịch bí mật của một cơ quan tình báo.
“Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng mọi cách thức để khiến chúng ta đảo ngược chính sách” – một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trả lời khi được yêu cầu bình luận về vấn đề trên.
“Họ đang nhằm vào thuế quan và trả đũa nhằm vào nông dân, công nhân ở những bang và những quân từng bầu cho ông Trump. Họ sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế, thương mại, quân sự và truyền thông khác để có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Chính quyền của ông Trump dường như rất quyết tâm gây sức ép sâu và rộng hơn nữa với Trung Quốc, kể cả khi có nguy cơ bị Bắc Kinh đáp trả khốc liệt.
Chẳng hạn như quan chức Mỹ cho biết, Washington đang xem xét các biện pháp cứng rắn hơn đối với những kẻ do thám và trộm cắp qua mạng của Trung Quốc, tuy nhiên quan chức này không nêu thêm chi tiết.
Hồi đầu tuần này, quân đội Mỹ cũng đã thể hiện rằng Washington sẵn sàng tiếp tục thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông khi điều máy bay ném bom B-52 bay qua đây.
Cũng trong tuần qua, Bắc Kinh lại bị chọc giận khi Mỹ thông qua việc bán phụ tùng thay thế của các chiến cơ F-16 và những máy bay quân sự khác trị giá tới 330 triệu USD cho Đài Loan (Trung Quốc).
Cùng với đó, các quan chức ở Washington cũng ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc có thể không còn tuân thủ đầy đủ một số lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên, do đó họ cho rằng Mỹ cần phải tiếp tục gia tăng áp lực trong vấn đề này.
Thế nhưng một số nhà phân tích hoài nghi rằng sự khôn ngoan đó có lẽ đã đi quá xa.
“Các va chạm và đòn bẩy có thể là những công cụ hữu hiệu trong các mối quan hệ quốc tế nếu chúng được sử dụng một cách sáng suốt, cụ thể là nhằm đáp trả những hành vi có vấn đề như của Trung Quốc” – ông Daniel Russel, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương, nay là chuyên gia Viện nghiên cứu Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI) nhận định.
“Tuy nhiên, một cuộc tấn công hung hãn và trực diện trên mọi lĩnh vực nhiều khả năng không thành công, nhất là lại nhằm vào một nước lớn và mạnh như Trung Quốc”.
http://biendong.net/bi-n-nong/23898-my-mo-mat-tran-moi-nham-vao-tq.html
Khoa học gia Nhật và Mỹ
nhận giải Nobel Y học 2018
Hai nhà khoa học James P. Allison, người Mỹ và Tasuku Honjo, người Nhật, ngày 1/10 được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm thông báo đoạt giải Nobel Y học năm 2018, nhờ phương pháp tiếp cận mới trong điều trị ung thư, theo Reuters.
Các công trình của hai nhà khoa học trong những năm 1990 đã tìm ra “liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch”, giúp điều trị các bệnh ung thư ác tính và ung thư phổi, vốn từ trước đến nay đã rất khó điều trị.
Thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhấn mạnh rằng, công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học, được trao giải thưởng 1 triệu đôla, có thể tạo nên bước ngoặt trong cuộc chiến chống ung thư.
Thông báo viết: “Nghiên cứu của ông Allison và ông Honjo cho thấy các cách khác nhau có tác dụng gây ức chế trên hệ thống miễn dịch để điều bệnh ung thư.”
Nghiên cứu riêng biệt của ông Allison và của ông Honjo đều là phát hiện ra các protein có chức năng giống như những chiếc phanh trên hệ thống miễn dịch – ngăn chặn một cách có hiệu quả việc cơ thể và các tế bào miễn dịch chính, được gọi là tế bào T, tấn công vào các tế bào khối u.
Ông Allison, giáo sư tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas, Mỹ, đã nghiên cứu một loại protein có tên là CTLA-4 và phát hiện ra rằng nếu protein này bị chặn, thì một chiếc phanh sẽ được giải phóng, giúp giải phóng tế bào miễn dịch để tấn công các khối u.
Ông Honjo, giáo sư tại Đại học Kyoto từ năm 1984, đã phát hiện ra một loại protein thứ hai gọi là PD-1 và phát hiện ra rằng các protein này cũng hoạt động như một hệ thống ức chế miễn dịch, nhưng với một cơ chế khác.
Cũng liên quan đến giải Nobel, hôm 1/10, một tòa án Thụy Điển đã kết án người đàn ông tên Jean-Claude Arnault làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển hai năm tù về tội hiếp dâm.
Việc kết án này đã gây ra khủng hoảng tại viện hàn lâm này, khi một số thành viên đã nghỉ việc và buộc hủy bỏ giải Nobel Văn học năm nay, giải dự kiến được công bố vào tháng này.
Đây là vụ bê bối lớn nhất ở Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển kể từ khi được thành lập từ hơn 200 năm trước.
https://www.voatiengviet.com/a/khoa-hoc-gia-nhat-va-my-nhan-giai-nobel-y-hoc-2018/4594444.html
Phải chăng tổng thống Mỹ
đang làm kinh tế thế giới suy yếu?
Khẩu hiệu « Nước Mỹ trước đã » của tổng thống Mỹ không có gì đặc biệt và cũng hợp lẽ. Liệu có nguyên thủ nào sẽ không nói với người dân của mình đất nước là trên hết ? Nhưng với khẩu hiệu này, tổng thống Mỹ đang gây hỗn loạn trong nền kinh tế thế giới hiện nay. Giới chuyên gia e ngại các quyết định gây căng thẳng thương mại của Donald Trump có nguy cơ phá hỏng các chuẩn mực truyền thống về kinh tế thị trường.
Kể từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng, các chính sách kinh tế của Mỹ đã làm chao đảo các đối tác. Châu Âu bị cản trở làm ăn với Iran vì các lệnh cấm vận. Các nước mới trỗi dậy điêu đứng do lệ thuộc vào nguồn xuất khẩu nguyên nhiên liệu cho Trung Quốc, vốn dĩ cũng đang vật vã vì cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Riêng chỉ có nước Mỹ của Donald Trump là vẫn « bình an vô sự ».
Với khẩu hiệu « Nước Mỹ trước đã », Hoa Kỳ của ông Donald Trump lao vào một trận đấu chưa từng có : Một mình chống lại cả thế giới.
Chỉ có điều, nước Mỹ đã quên vai trò trách nhiệm đặc biệt của họ khi thực thi các quyền về kinh tế và chính trị. Hơn bao giờ hết Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên hành tinh có rất nhiều « đặc quyền », trong số này có ít nhất là ba mà Le Figaro trong một bài phân tích đăng ngày 29/09/2018 đánh giá là « thái quá ».
Thứ nhất, đó là thế bá quyền của đồng đô la. Ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, tờ giấy bạc xanh của Mỹ là đồng tiền duy nhất trên thế giới có khả năng quy đổi ra vàng theo khuôn khổ của Thỏa thuận Bretton Woods năm 1944. Cũng chính Mỹ năm 1971 quyết định thả nổi đồng đô la, không gắn đồng tiền với vàng nữa vì những khoản thâm thủng ngân sách mà cuộc chiến Việt Nam đã gây ra. Và cũng từ lúc đó, nhiều nền kinh tế trên thế giới trở nên phụ thuộc vào đô la Mỹ, gần như coi đồng tiền Mỹ là bản vị thay cho vàng. Cùng với thị trường chứng khoán Wall Street và hệ thống ngân hàng, đồng đô la của Mỹ tiếp tục chiếm thế thượng phong, đè bẹp các đối thủ khác.
Thế nhưng, bộ Tài Chính và Ngân hàng Trung ương Mỹ FED chưa bao giờ muốn nhìn nhận trách nhiệm cố hữu gắn với vai trò lãnh đạo. Lời phát biểu nổi tiếng « Đồng đô la là đồng tiền của chúng tôi, nhưng đó chính là vấn đề của quý vị » của ông John Connall, bộ trưởng Tài Chính Mỹ năm 1970 đến giờ vẫn còn mang tính thời sự.
Mà ví dụ điển hình hiện nay là ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Achentina, Brazil đang ngã sóng xoài, liệu FED có quan tâm xem xét đến những nước mới trỗi dậy đó hay không, vốn dĩ đang gánh những khoản nợ khổng lồ bằng đô la ? Giới quan sát nghi ngờ khả năng sắp tới Hoa Kỳ còn tăng lãi suất chỉ đạo.
Thứ hai là vai trò thống lĩnh mà các tập đoàn đa quốc gia Mỹ nắm giữ trong trao đổi mậu dịch thế giới. Những tập đoàn này có vai trò trụ cột và kiêu căng. Nhưng cuộc chiến thương mại cho thấy họ cũng lo ngại, kể cả đối với Trung Quốc, nước bị coi khinh là chỉ là kẻ thừa hành, nhưng vẫn phải có cách đối xử. Vô ích, chủ nhân Nhà Trắng quyết định áp thuế 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu « Made in China ». Nguyên thủ Mỹ tin rằng các công nhân Trung Quốc chịu tác động nhiều hơn là người tiêu thụ Mỹ.
Sau cùng là việc áp dụng « nguyên tắc ngoài lãnh thổ » mà mới đây nhất là lệnh trừng phạt nhắm vào Iran, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp châu Âu đã mở cơ sở làm ăn tại nước Cộng Hòa Hồi Giáo sau khi ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Tóm lại, trong lĩnh vực kinh tế, tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ không phải đang áp dụng nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Trái lại, các quyết định của ông mang tính chất « cuộc chơi có tổng bằng không ». Do vậy, để thực hiện khẩu hiệu « Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại » mà ông tôn sùng, thì cần phải hạ gục các nước khác. Và phương châm này đồng nghĩa với việc phá hủy chuẩn mực vốn có của nền kinh tế thị trường thế giới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181001-phai-chang-tong-thong-my-dang-lam-suy-yeu-nen-kinh-te-the-gioi
Canada và Mỹ
đạt thỏa thuận thương mại tự do mới
Tiếp theo Mêhicô, đến lượt Canada đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Hoa Kỳ. Mỹ và Canada ra thông báo chung vào đêm hôm qua, 30/09/2018, đúng nửa tiếng đồng hồ trước khi tối hậu thư của tổng thống Mỹ hết hạn. Thông cáo chung Mỹ-Canada khẳng định, cùng với Mêhicô, Hoa Kỳ và Canada đã đạt được một « thỏa thuận thương mại chất lượng cao ».
Thỏa thuận AEUMC/USMCA sẽ cho phép « làm mạnh thêm tầng lớp trung lưu, tạo ra nhiều công ăn việc làm được trả lương tốt hơn, cũng như nhiều cơ hội mới cho gần 500 triệu cư dân Bắc Mỹ ».
Trong thỏa thuận mậu dịch tự do mới, có một chương riêng dành cho vấn đề môi trường. Đây là lần đầu tiên vấn đề này được đưa vào một thỏa thuận mậu dịch giữa Mỹ và Canada, kể từ năm 1994.
Về phía Canada, theo thỏa thuận này, Ottawa phải chấp nhận một số nhân nhượng, tuy nhiên cơ chế xử lý tranh chấp song phương – một điều khoản mà tổng thống Mỹ từng hy vọng xóa bỏ – vẫn được bảo tồn. Bên cạnh đó, 2,6 triệu xe hơi được lắp ráp tại Canada sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ.
Thông tín viên Pascal Guériscola từ Québec cho biết thêm chi tiết:
« Canada đã chấp nhận mạo hiểm, mạo hiểm rất lớn trong vụ này, bởi gần ba phần tư hàng hóa sản xuất tại Canada được xuất khẩu sang Mỹ. Điều quan trọng, đối với Canada, là bảo vệ được cơ chế giải quyết các tranh chấp. Tranh chấp này cho phép một đối tác phản đối lại sắc thuế mà quốc gia khác đơn phương áp đặt. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã mong muốn xoá bỏ hoàn toàn biện pháp này, vốn cho phép phía Canada giành được nhiều chiến thắng trước Mỹ.
Cuối cùng điều 19 liên quan đến cơ chế xử lý tranh chấp nói trên đã có mặt trong thỏa thuận mới. Ngược lại, các nhà sản xuất sữa của Canada phải trả giá cho sự nhân nhượng. Kể từ giờ, các nhà nông Mỹ có quyền bán sang thị trường Canada hàng nghìn lít sữa, mà không phải trả thuế 300% như hiện nay.
Đây chính là biện pháp có thể gây tác động tiêu cực tại Québec, nơi tập trung một bộ phận lớn ngành sản xuất sữa. Nhân nhượng này là một tin xấu đối với thủ hiến tỉnh bang Québec mãn nhiệm. Ông sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bầu lại nghị viện Québec đúng vào hôm nay ».
Thương lượng lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA/ALENA), tồn tại từ 1994, là đòi hỏi của tổng thống Mỹ ngay từ khi lên nắm quyền. Donald Trump cho rằng hiệp ước cũ làm cho Hoa Kỳ mất hàng triệu chỗ làm, đặc biệt với ngành xe hơi. Thỏa thuận mậu dịch AEUMC/USMCA sẽ còn phải được Quốc Hội ba nước phê chuẩn trước khi được thực thi.
Thỏa thuận Canada – Mỹ được các thị trường châu Á hồ hởi đón nhận. Chỉ số Nikkei, Tokyo, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/1991, còn tỉ giá đồng đô la Canada tăng lên mức cao nhất kể từ năm tháng nay.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181001-canada-va-my-dat-thoa-thuan-thuong-mai-tu-do-moi
Moscow cảnh báo nguy cơ chiến tranh
nếu Washington áp đặt lệnh phong toả hàng hải
Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại thuộc Hạ viện Nga khẳng định nỗ lực sử dụng hải quân phong tỏa đường biển nhằm ngăn cản Nga vận chuyển năng lượng vào Trung Đông của Washington sẽ dẫn tới một tuyên bố chiến tranh.
“Việc phong tỏa tương đương với một tuyên bố chiến tranh theo luật pháp quốc tế”, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại thuộc Hạ viện Nga Aleksey Pushkov nhấn mạnh.
Tuyên bố này được ông Pushkov đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke cho biết Washington đang xem xét phong tỏa đường biển nhằm ngăn cản Nga vận chuyển năng lượng vào Trung Đông, gây áp lực kinh tế lên nước này.
“Dựa vào lực lượng hải quân hùng hậu, Mỹ hoàn toàn có thể chắc chắn rằng, các tuyến đường biển vẫn sẽ tiếp tục mở cửa, tuy nhiên trong trường hợp bắt buộc, chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động phong tỏa để ngăn chặn Nga gia tăng ảnh hưởng chính sách năng lượng của nước này vào khu vực Trung Đông”, ông Zinke cho hay.
Ông Zinke lưu ý rằng, nền kinh tế Nga hoàn toàn phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng, đồng thời bày tỏ tin tưởng, lý do Nga tăng cường hiện diện ở Trung Đông có liên quan mật thiết tới các dự án năng lượng.
“Tôi nghĩ lý do cho sự hiện diện của Nga ở Trung Đông là họ muốn trở thành một người chơi có ảnh hưởng lớn trong thị trường năng lượng của khu vực này, như họ đang làm ở Đông Âu”, Bộ trưởng Mỹ nhận định.
Tuy nhiên, ông Pushkov khẳng định, việc Washington cáo buộc Nga mở rộng thương mại là nguyên nhân dẫn tới sự hiện diện của Matxcơva tại Damascus là vô nghĩa.
“Ý tưởng cho rằng Nga cung cấp năng lượng cho Trung Đông hoàn toàn xa rời thực tế. Nga không cung cấp năng lượng cho khu vực này và cũng chưa bao giờ công bố kế hoạch nào như vậy”, ông Pushkov nhấn mạnh.
Trả lời phỏng vấn RT ngày 30/9 thượng nghị sỹ Sergey Tsekov nói về phát biểu của ông Zinke:
“Tôi nghĩ rằng đây là một tuyên bố ngông cuồng và thiếu tầm nhìn. Cần phải hiểu rằng đây không chỉ đơn thuần là áp đặt lệnh trừng phạt. Việc phong tỏa chỉ có thể được thực hiện bằng các biện pháp vũ lực. Nói cách khác, ông Zinke thực sự tuyên bố rằng Mỹ có thể tiến hành hoạt động quân sự chống lại Nga”, thượng nghị sỹ nhấn mạnh.
“Mỹ sẽ đánh mất vị thế của mình ở Trung Đông. Số lượng các quốc gia quay lưng lại với họ đang ngày càng gia tăng. Và nếu họ hợp tác với Mỹ, đó chỉ là vì Mỹ đang gây áp lực lớn lên họ.
Trong khi việc hợp tác với chúng tôi (Nga) trên tinh thần quan hệ đối tác thân thiện. Chúng tôi tin rằng, những động thái như vậy của Mỹ sẽ càng củng cố vị trí của chúng tôi ở Trung Đông. Tuy nhiên, điều này không liên quan gì tới việc cung cấp năng lượng – đây tuyệt đối là cáo buộc nhảm nhí!”, thượng nghị sỹ Tsekov nói.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Hạ viện Nga Franz Klintsevich khẳng định bất cứ nỗ lực gây áp lực nào lên nga sẽ không dẫn tới một kết quả tốt đẹp, đồng thời cảnh báo Washington nên hiểu rõ điều đó.
Một số nghị sỹ Nga khác cho rằng tuyên bố của ông Zinke “đáng lo ngại”.
“Một điều đáng lo ngại là đối tác của chúng phải đối mặt với các mối đe dọa, biện pháp trừng phạt và hành động không thân thiện thay vì thảo luận các vấn đề quốc tế cấp bách”, Hạ nghị sỹ Nga Anton Morozov cho hay và kêu gọi Matxcơva cần có động thái đáp trả những hành động sẽ dẫn tới căng thẳng như vậy.
Theo RT, Mỹ thường xuyên tỏ ra không hài lòng với các dự án thương mại quốc tế của Nga. Chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách thay thế Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt của châu Âu bằng cách thúc đẩy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng.
Các quan chức Mỹ cũng nhiều lần kêu gọi Đức rút khỏi “Dòng chảy phương Bắc 2′, dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất 55 tỷ mét khối/năm từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức. Trong khi Matxcơva nhiều lần khẳng định đây là một dự án thuần kinh tế, Tổng thống Trump cho rằng nó sẽ khiến Đức bị phụ thuộc vào Nga.
Macedonia đổi tên: Hai phe bênh và chống
đều tuyên bố chiến thắng
Theo kết quả kiểm phiếu gần như đầy đủ được công bố hôm nay, 01/10/2018 sau cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua về việc đổi tên nước thành Cộng Hòa Bắc Macedonia, số phiếu thuận lên tới 91%. Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu lại thấp. Việc đổi tên nước, nếu diễn ra, sẽ cho phép nước cộng hòa vùng Balkan này bình thường hóa quan hệ với Hy Lạp và đây là điều kiện tiên quyết mở đường cho Skopje gia nhập các định chế của Liên Hiệp Châu Âu và NATO.
Phe phản đối đổi tên nước cho rằng đã chiến thắng vì có tới gần 2/3 cử tri, trong tổng số 1,8 triệu cử tri không đi bỏ phiếu.
Thông tín viên Laurent Rouy tường trình từ Belgrad :
« Thủ tướng Zoran Zaev – thuộc đảng Xã Hội Dân Chủ, một trong những người chủ trương thỏa thuận với Hy Lạp về việc bình thường hóa quan hệ song phương, đánh đổi lấy việc Macedonia đổi tên – đã yêu cầu đối lập tôn trọng ý nquyện của cử tri.
Theo ông, việc có tới 90% số phiếu ủng hộ giải pháp đổi tên là đủ để phê chuẩn lựa chọn này. Theo thủ tướng Zoran Zaev, cử tri đã cho thấy mong muốn nước mình có tên mới là Bắc Macedonia, và tham gia vào các định chế của châu Âu và NATO.
Ngược lại, phe đối cho rằng cuộc trưng cầu dân ý đã thất bại. Trên thực tế, một cuộc trưng cầu dân ý chỉ có giá trị, nếu có ít nhất 50% cử tri tham gia, và rõ ràng là kết quả vừa qua đã ở dưới mức này. Phe chống đổi tên nước xuống đường tuần hành tối hôm qua để ăn mừng chiến thắng.
Cho dù kết quả ra sao, cuộc trưng cầu dân ý này cũng chỉ có giá trị tham khảo, và việc đổi tên nước sẽ chỉ được tiến hành sau một cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội, với ít nhất 2/3 dân biểu ủng hộ. Thủ tướng Zoran Zaev đe dọa tổ chức bầu cử trước thời hạnn nếu đối lập – vốn đang trong tình trạng lép vế – không bỏ phiếu ủng hộ đổi tên nước. Trong những tuần tới, tình hình chính trị tại Macedonia hứa hẹn sẽ căng thẳng ».
Mạnh vì tiền nhưng TQ chưa chắc thắng
trong cuộc tranh giành đồng minh với Đài Loan
Trung Quốc và Đài Loan đang ở trong cuộc cạnh tranh giành đồng minh ở quần đảo Thái Bình Dương bằng viện trợ và quyền lực mềm.
Trung Quốc và Đài Loan đang trong cuộc cạnh tranh giành đồng minh ở Thái Bình Dương. Ảnh: Asia Times.
Vòng tròn ngoại giao của Đài Loan bị thu hẹp
Cuộc cạnh tranh giành đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng với Đài Loan.
1/3 đồng minh của Đài Loan nằm ở khu vực này, vì vậy việc duy trì các liên kết này đã trở thành ưu tiên cho chính quyền bà Thái Anh Văn. Mùa hè năm nay, vòng tròn ngoại giao của Đài Loan đã bị thu hẹp đáng kể, khi nhiều quốc gia khác cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chuyển hướng sang Trung Quốc.
Đài Loan hiện có quan hệ chính thức với 17 quốc gia. Trong khi Trung Quốc tuyên bố chính sách “Một Trung Quốc”, theo đó, Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này. Vì vậy, các quốc gia muốn đặt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh phải cắt đứt các liên kết ngoại giao với Đài Bắc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chi 1,26 tỷ USD viện trợ cho các đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương kể từ năm 2011, theo Viện nghiên cứu Lowy, của Australia. Còn Đài Loan chi 224 triệu USD cho các đối tác.
6/14 quốc gia Thái Bình Dương, bao gồm Kiribati, Marshall, Nauru, Palau, Solomon và Tuvalu – có quan hệ với Đài Loan.
Nhưng khi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trong khu vực, cùng với sức hấp dẫn từ sự hào phóng, câu hỏi đặt ra là quốc gia nào sẽ rời vòng tròn này đầu tiên.
Cạnh tranh ở Thái Bình Dương
Kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016, có 5 quốc gia đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chuyển hướng sang Trung Quốc, gần đây nhất là El Salvador, Burkina Faso và Cộng hòa Dominica. Bà Thái Anh Văn đã cáo buộc Bắc Kinh đang “săn” đồng minh.
Dấu chân của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã được mở rộng trong những năm gần đây với sự gia tăng thương mại, các khoản hỗ trợ phát triển, chi tiêu cơ sở hạ tầng và một dòng khách du lịch Trung Quốc đổ xô đến các đảo nghỉ mát sang trọng trong khu vực.
Mặc dù các quần đảo ở Thái Bình Dương nhận được ít sự quan tâm và nguồn lực của Trung Quốc hơn so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng khu vực này vẫn nằm trong chính sách phát triển kinh tế và ngoại giao quan trọng của Trung Quốc là sáng kiến Vành đai và Con đường, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ – Trung Quốc, thuộc quốc hội Mỹ cho biết.
Cũng theo báo cáo này, “hạn chế không gian quốc tế của Đài Loan” là một yếu tố chính thúc đẩy hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Các phương tiện truyền thông hồi đầu năm đưa tin, Bắc Kinh đang xem xét đặt căn cứ quân sự ở Vanuatu, dù cả 2 nước đều bác bỏ.
Khoản hỗ trợ từ Đài Loan ở Thái Bình Dương có thể không so sánh được so với Bắc Kinh, nhưng các dự án của Đài Loan, nhắm vào các lĩnh vực như nông nghiệp và y tế, tạo ra các mối quan hệ dựa trên thiện chí, Viện Lowy bình luận.
Trong khi đó, các dự án của Trung Quốc gây ra nhiều tiếng xấu về các bẫy nợ mà sáng kiến kinh tế Vành đai – Con đường gây ra.
Trung Quốc hủy đàm phán an ninh với Mỹ
Trung Quốc hủy một cuộc họp an ninh với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã được lên kế hoạch vào tháng 10/2018, Reuters dẫn nguồn giới chức Mỹ cho biết.
Theo Reuters, tin này được đưa ra vài ngày sau khi một quan chức hàng đầu Trung Quốc cho biết không có lý do gì để hoảng hốt về căng thẳng giữa hai quốc gia.
Quan chức này, người có liên quan đến chính sách của Trung Quốc và nói về điều kiện ẩn danh rằng không rõ liệu cuộc họp này có được dời lại hay hủy luôn.
Hoa Kỳ sẽ áp thêm thuế lên hàng TQ ngày 23/8
Mỹ áp thuế quan mới, TQ bị tổn hại tới đâu?
Có nên quan ngại về thương chiến Mỹ – Trung?
TQ áp thuế hàng Mỹ trị giá 3 tỷ USD để trả đũa
Tờ New York Times là nơi đầu tiên đưa tin về vụ này.
Viên chức nêu trên cho biết không rõ liệu việc hủy họp có phải là do tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington về các vấn đề như bán vũ khí và hoạt động quân sự ở Biển Đông nay đã mở rộng ra.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với việc áp thuế quan ngày càng tăng đối với hàng nhập khẩu của nhau.
“Tình trạng căng thẳng đang leo thang, và điều đó nguy hiểm cho cả hai bên”, quan chức cho biết.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối bình luận. Các quan chức tại Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ không phản hồi về yêu cầu bình luận.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không bình luận.
Tuần trước, các nguồn tin tại Bắc Kinh đã hé lộ rằng cuộc họp an ninh có thể không diễn ra vì những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.
‘Giết người tập thể’
Hồi tháng 8/2018, Chính sách thuế quan của Mỹ được xem như chiến lược chung chống lại gián điệp công nghiệp của Trung Quốc.
Dan McGahn nói đó là một trường hợp cố ý giết người.
Nạn nhân là công ty của ông American Superconductor (AMSC), và thủ phạm là một công ty Trung Quốc, Sinovel Windpower.
Hai công ty là đối tác, nhưng Sinovel hối lộ một người trong công ty để ăp cắp công nghệ tua bin gió quan trọng của AMSC.
Kết quả là AMSC có trụ sở ở Massachusetts đã nhìn thấy sự sụt giảm doanh thu, giá trị thị trường của công ty giảm mạnh 1 tỷ đôla, và phải sa thải hàng trăm nhân viên.
“Đó là hành động giết người tập thể có toan tính”, ông McGahn nói.
Hành động gián điệp công nghiệp này bị phanh phui năm 2011, và sau cuộc chiến pháp lý kéo dài bảy năm, một thẩm phán Mỹ tháng trước đã phạt Sinonel 1,5 triệu đôla, mức tối đa có thể hiện tại.
Trong khi Sinovel cũng đang tiếp tục trả AMSC một khoản thỏa thuận là 57,5 triệu đôla, công ty Mỹ này đang lấy lại một phần thua lỗ mà họ đã phải chịu.
Trường hợp AMSC có lẽ chính xác là điều Tổng thống Trump đã ghi nhớ khi ông giận dữ chống lại gián điệp công nghiệp Trung Quốc.
Đầu tháng trước, chính quyền Mỹ áp thuế quan trị giá 34 tỷ đôla lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, nói rằng đó là kết quả của “việc thực thi thương mại không công bằng” của Trung Quốc, bao gồm cả việc ăn cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.
Vài ngày sau, Nhà Trắng cảnh báo rằng mức thuế có thể tăng lên 200 tỷ đôla với hàng hóa Trung Quốc. Sau đó cách đây ba tuần, Trump dọa sẽ áp thuế quan trị giá tất cả 500 tỷ đôla đối với hàng hóa xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc vào Mỹ.
Liệu chiến lược chung như vậy có buộc các công ty Trung Quốc ngừng thực hiện các hành động gián điệp công nghiệp, hay Mỹ nên chuyển sang cách tiếp cận có mục tiêu hơn?
Trump dọa đánh thuế lên thêm 200 tỷ đô la hàng TQ
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và kinh tế VN
TQ cảnh báo về chế tài trừng phạt của Mỹ
Trường hợp của AMSC không phải là hiếm, và các công ty Mỹ trong các lĩnh vực từ kim loại đến vi mạch, viễn thông và vận tải đều phàn nàn về việc các đối thủ Trung Quốc ăn cắp công nghệ của họ. Ngay cả công ty bánh quy Mỹ Oreo cũng phải đối mặt với nạn ăn cắp công nghệ của Trung Quốc.Tình hình được cho là tồi tệ đến mức Ủy ban về Ăn cắp Sở hữu Trí tuệ của Mỹ, một cơ quan độc lập của Mỹ bao gồm các đại diện từ khu vực công và tư, ước tính rằng 600 tỷ đôla tài sản trí tuệ của Mỹ hàng năm bị Trung Quốc ăn cắp.
Ông McGahn chỉ ra rằng các quy tắc về đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc – như cần phải hợp tác với một công ty Trung Quốc – khiến cho các công ty nước ngoài dù cẩn thận nhất cũng gặp khó khăn trong việc bảo vệ bí mật thương mại của họ. Ông cho biết toàn bộ hệ thống đầu tư vào Trung Quốc được thiết lập để các công ty địa phương giành chiến thắng.
Chỉ vài tháng sau nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, các chuyên gia đã họp tại Nhà Trắng – chuyên gia kỹ thuật, nhà hoạch định chính sách, thành viên nội các và giới học giả – để thảo luận cách giải quyết vấn đề.
Sau cuộc điều tra kéo dài bảy tháng, báo cáo của Nhà Trắng cáo buộc Bắc Kinh “nhà nước chỉ đạo, làm gián đoạn thị trường để buộc chuyển giao công nghệ”.
Chính phủ Trung Quốc luôn nói rằng họ đang cố gắng hết sức để ngăn chặn hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, và vào năm 2015 nước này cam kết sẽ xóa bỏ những công ty không thuân thủ luật lệ.
Nhưng Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, nói rằng Trung Quốc từ lâu đã là kẻ “hút máu công nghệ”.
Theo quan điểm của ông, Bắc Kinh trực tiếp đứng đằng sau các công ty Trung Quốc thực hiện các vụ ăn cắp.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45702849
Nhà máy năng lượng than TQ gây lo ngại
Hàng trăm nhà máy điện chạy bằng than vẫn tiếp tục được xây dựng tại Trung Quốc, đe dọa phá hoại các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Đài BBC dẫn lời các nhà vận động thuộc tổ chức CoalSwarm (Mỹ) cho biết các nhà máy nói trên sẽ cung cấp tổng công suất lên đến 259 GW, tương đương toàn bộ năng lượng điện sản xuất từ than trên toàn nước Mỹ.
Nghiên cứu của CoalSwarm chỉ ra rằng nỗ lực hủy bỏ nhiều dự án sản xuất điện từ than của Bắc Kinh tỏ ra không hiệu quả. Giai đoạn 2014-2016 chứng kiến sự tăng vọt của số lượng dự án mới sau khi chính phủ giao quyền cấp phép cho chính quyền tỉnh. Hiện tại, công suất điện từ than tại Trung Quốc là 993 GW và các nhà máy mới sẽ đẩy con số này tăng thêm 25%.
Bắc Kinh đã tìm cách kiềm chế sự bùng nổ này bằng cách ra lệnh hoãn xây hơn 100 nhà máy mới. Dù vậy, dựa trên hình ảnh vệ tinh thu được, CoalSwarm cho biết hoạt động xây dựng vẫn diễn ra tại nhiều nhà máy bị đình chỉ xây dựng.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (CNEA) yêu cầu giảm tiến độ xây dựng một nhóm nhà máy có tổng công suất 57 GW, đồng thời cấm những cơ sở này kết nối vào mạng lưới điện trong năm 2017. Tuy nhiên, một nửa số nhà máy đó vẫn giữ nguyên tiến độ xây dựng.
Giám đốc điều hành Ted Nace của CoalSwarm cảnh báo trái đất sẽ không thể chịu đựng thêm trong trường hợp số nhà máy mới nói trên ở Trung Quốc được hoàn thành và đi vào hoạt động. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng để nhiệt độ toàn cầu nóng thêm không quá 1,75 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, Bắc Kinh phải đóng cửa tất cả nhà máy điện không có cơ sở thu gom và lưu trữ carbon trong vòng 30 năm tới.
Còn theo tác giả bản nghiên cứu Christine Shearer, muốn khí hậu không biến đổi theo chiều hướng nguy hiểm, cần loại bỏ dần các nhà máy điện chạy bằng than trên toàn cầu từ giờ cho đến năm 2045. Nhóm này đã kêu gọi Trung Quốc có hành động nhanh chóng để hủy bỏ các dự án.
http://biendong.net/doc-bao-viet/23887-nha-may-nang-luong-than-tq-gay-lo-ngai.html
Bắc Kinh vẫn không thả các linh mục bị tù
sau ký kết thỏa thuận với Vatican
Vatican – Theo các nguồn tin từ Giáo Hội Công Giáo, mặc dù Vatican và Trung Cộng đã đạt được một thỏa thuận giúp thúc đầy mối quan hệ giữa 2 bên, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa có hành động gì để giải quyết mối lo lắng của Giáo hội về các linh mục đang bị giam giữ.
Thỏa thuận được ký kết vào hôm Thứ Bảy (22/9) mang đến cho Vatican tiếng nói trong việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Cộng. Tuy nhiên, 3 nguồn tin từ Giáo Hội Công Giáo cho biết, hoàn cảnh của hàng chục linh mục và giám mục trong trại giam vẫn chưa được giải quyết. Bắc Kinh cung cấp rất ít thông tin rõ ràng về số phận của những người bị giam giữ, mặc dù yêu cầu của Vatican liên tục được lặp đi lặp lại trong những năm gần đây.
Một viên chức cao cấp ở Vatican cho hay, không có con số chính xác về số lượng các linh mục bị Trung Cộng cầm tù. Có những lo sợ rằng các linh mục và giám mục cao tuổi sẽ qua đời trong trại giam. Thậm chí có vị giám mục đã 86 tuổi hiện vẫn đang bị Trung Cộng giam giữ. Vị này bị bỏ tù kể từ năm 1997 cho đến nay. Hồi tháng Sáu năm nay, Ủy Ban Công Lý Và Hòa Bình Của Giáo Phận Công Giáo Hồng Kông, kêu gọi Bắc kinh phóng thích tất cả các giáo sĩ bị bỏ tù mà không có tội danh chính đáng.
Ngoài ra, đối với thỏa thuận vừa được ký kết, các nhà phê bình chỉ trích rằng hiệp ước là một sự phản bội của Vatican đối với những người trung thành với giáo hội ở Trung Cộng, và thỏa thuận có thể dẫn đến sự hủy hoại Giáo hội hầm trú. Trong khi đó, Vatican khẳng định thỏa thuận sẽ giúp ngăn chặn sự ly giáo giữa người Công Giáo Trung Cộng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bac-kinh-van-khong-tha-cac-linh-muc-bi-tu-sau-ky-ket-thoa-thuan-voi-vatican/
Giám mục TQ lần đầu tham dự cuộc họp
kéo dài một tháng ở Vatican
Vatican cho biết các giám mục Công giáo Trung Quốc sẽ lần đầu tiên đi tham dự một cuộc họp lớn ở Vatican, bắt đầu từ tuần này, sau một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Tòa thánh và Bắc Kinh, theo Reuters.
“Sẽ có hai giám mục đến từ Hoa lục. Họ đã được Đức Giáo Hoàng mời”, Reuters dẫn lời Hồng Y Lorenzo Baldisseri cho biết trong một cuộc họp báo. “Tôi nghĩ là họ đang trên đường tới Rome”.
Các giám mục sẽ tham dự một cuộc họp kéo dài một tháng, được gọi là Thượng hội đồng Giám mục, bắt đầu ngày 3/10 để thảo luận về vai trò của giới trẻ trong Giáo hội có 1,2 tỷ tín đồ.
“Trước đây, Tòa Thánh đã mời các giám mục đến từ Hoa lục nhưng họ không bao giờ được đi tham dự”, Hồng y Baldisseri cho biết.
Theo lời Hồng y Baldisseri, đây là lần đầu tiên chính phủ Bắc Kinh cho phép các giám mục rời khỏi đất nước để đi tham dự Thượng hội đồng Giám mục ở Vatican. Các cuộc họp này diễn ra vài năm một lần với các chủ đề khác nhau.
Ông nói đây là kết quả của mối quan hệ được cải thiện giữa Vatican và Bắc Kinh sau khi hai bên ký kết thỏa thuận vào ngày 22/9.
Thỏa thuận được bàn thảo trong hơn 10 năm đã giúp Vatican thỏa ước nguyện lâu nay trong việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc, mặc dù những người chỉ trích nói thỏa thuận cột mốc này bán đứng Giáo hội tại Hoa lục cho chính phủ Cộng sản.
Trung Quốc có khoảng 12 triệu người Công giáo bị chia rẽ giữa một bên là Giáo hội ngầm cam kết trung thành với Vatican và một bên là Hiệp hội Yêu nước Công giáo do nhà nước giám sát.
Vatican nói rằng nếu không có một thỏa thuận có thể sẽ dẫn đến sự chia rẽ “khó hàn gắn” giữa những người Công giáo Trung Hoa.
Tuy nhiên, quan ngại vẫn tồn tại về số phận của khoảng 12 linh mục và giám mục bị cho là đang bị giam giữ ở Trung Quốc.
Tàu chiến Nhật đến Sri Lanka
giữa lúc TQ tăng ảnh hưởng
Tàu chiến lớn nhất Nhật Bản, tàu chở trực thăng Kaga, đã tiến vào cảng Colombo của Sri Lanka vào cuối tuần này, theo Reuters.
Chuẩn Đô đốc Tatsuya Fukuda, chỉ huy tàu Kaga và tàu khu trục hộ tống, cho biết khi đoàn tàu đi xuyên qua Ấn Độ Dương, tiến vào cảng Colombo: “Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và việc tuần tra ở châu Á – Thái Bình Dương là một phần của chiến lược này.”
Ông nói thêm: “An ninh hàng hải và sự ổn định là rất quan trọng” đối với một quốc đảo như Nhật Bản.
Reuters cho biết rằng chuyến thăm này nhằm trấn an Sri Lanka về sự sẵn sàng và khả năng của Nhật Bản để cử các lực lượng quân sự mạnh nhất của Tokyo đến một khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Sri Lanka Mahishini Colonne nói: “Sri Lanka, một tâm điểm ở khu vực Ấn Độ Dương, cùng với cam kết về một Ấn Độ Dương tự do và rộng mở, chào đón các tàu hải quân từ tất cả các quốc gia đối tác của chúng tôi, để tương tác với Hải quân Sri Lanka.”
Ông Colonne nói thêm: “Trong năm nay một số tàu hải quân từ các nước đối tác của chúng tôi đã đến thăm Sri Lanka, và cũng trên tinh thần đó, tàu sân bay từ Nhật Bản, một đối tác song phương thân cận, được chào đón.”
Gần đây, Sri Lanka đã đồng ý nhượng quyền kiểm soát cảng Hambantota trị giá 1,5 tỷ đôla trên bờ biển phía nam của nước này cho Công ty Trung Quốc là China Merchants Port Holdings nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần với Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận việc cho vay không bền vững hoặc không mong muốn này, và cho biết dự án cảng Hambantota sẽ giúp Sri Lanka trở thành một trung tâm hậu cần của Ấn Độ Dương.
https://www.voatiengviet.com/a/tau-chien-nhat-den-sri-lanka-giua-luc-tq-tang-anh-huong/4594598.html
Liên Triều: Seoul loan báo gỡ mìn ở biên giới
Hai nước Nam Bắc Hàn « bắt đầu » chiến dịch gỡ mìn ở một khu biên giới chung, thực thi một thỏa thuận hồi tháng 09 nhân thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba. Đây là thêm một dấu hiệu cụ thể phản ảnh không khí hoà dịu giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Theo bộ quốc phòng Hàn Quốc, hai miền nam bắc cùng tiến hành chiến dịch tháo gỡ mìn bẫy chung quanh ngôi làng Bàn Môn Điếm còn được gọi là « Vùng An Ninh Chung », trong vòng 20 ngày bắt đầu từ thứ hai 01 tháng 10. Tuy nhiên, theo AFP, Bắc Triều Tiên không xác nhận tin này.
Theo thông tín viên Frédéric Ojardias từ Seoul, ngoài lý do tạo điều kiện tin cậy lẫn nhau, chiến dịch gỡ mìn còn cho phép Hàn Quốc tìm kiếm hài cốt của khỏang 300 binh sĩ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên. Đây cũng là một trong những biện pháp giảm vũ trang ở vùng giới tuyến. Các biện pháp cụ thể sẽ được thảo luận trong nay mai giữa bộ tham mưu ba quân đội Mỹ- Hàn-Triều.
Một dấu hiệu hoà hoãn khác được ghi nhận tại Seoul là trước Toà đô chính có treo một bức ảnh lớn của lãnh đạo hai nước Moon Jae In và Kim Jong Un.
Trong khi đó, nhân kỷ niệm 70 năm ngày quân lực Hàn Quốc, có lẽ để trấn an công luận, tổng thống Moon Jae In tuyên bố là cần « duy trì một quân đội hùng mạnh và một liên minh vững chắc với Mỹ » mà ông gọi là « nền tảng của hoà bình và thịnh vượng ».
Theo tổng thống Hàn Quốc, Seoul đã « chọn con đường đi đến hoà bình nhưng đầy bất trắc. Con đường chưa ai đi nên không thể tiên liệu được những khó khăn », do vậy, cần một quân đội hùng mạnh « đủ khả năng chống lại bất cứ đe dọa nào, hiện tại và tương lai ».
Trong quan hệ với đồng minh, theo Yonhap, Seoul và Washington vẫn còn bất đồng trên đề nghị của Mỹ muốn Hàn Quốc « chia sẻ gánh nặng chi phí hành quân ». Cụ thể là Hàn Quốc phải chi trả những tốn kém khi Hoa Kỳ triển khai vũ khí chiến lược như hàng không mẫu hạm, pháo đài bay và tàu ngầm hạt nhân. Một viên chức bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho biết hai nước vẫn còn thương lượng trên thời hiệu, số tiền và tỷ lệ tăng giá mỗi năm…
Đối với Nhật Bản, nhân buổi lễ kỷ niệm 20 năm bản tuyên bố hoà giải lịch sử Nhật-Hàn giữa tổng thống Kim Dae Jung và thủ tướng Keizo Obuchi, ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha kêu gọi hai nước cùng nỗ lực xây dựng quan hệ nhìn về tương lai đặt trên nền tảng tôn trọng lịch sử chung.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181001-lien-trieu-seoul-loan-bao-go-min-o-bien-gioi
Nỗ lực tìm cứu nạn nhân
động đất, sóng thần Indonesia
Bức tranh toàn cảnh về những thiệt hại to lớn đang dần hiện lên cả ở trong và ngoài thành phố Palu của Indonesia sau trận động đất và sóng thần hôm thứ Sáu.
Đã có ít nhất 844 người được xác nhận thiệt mạng, nhưng con số được trông đợi là sẽ tăng cao khi có tin tức gửi về từ các vùng hẻo lánh xa xôi.
Số người chết tăng cao sau động đất Indonesia
Hàng trăm người chết vì động đất và sóng thần ở Indonesia
Trận sóng thần nhấn chìm cả một hòn đảo
Giới chức nói họ sẽ bắt đầu chôn cất nạn nhân trong các hố chôn tập thể, và lo lắng là bệnh dịch có thể bắt đầu lan rộng.
Hàng chục người được cho là vẫn còn sống và mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Tại Palu, các nhân viên cứu hộ đang chờ được cung cấp máy móc hạng nặng để tìm kiếm trong các đống đổ nát ở một khách sạn và một trung tâm mua sắm, bởi các cơn dư chấn khiến việc vào tìm kiếm lúc này là không đảm bảo an toàn.
“Việc thông tin liên lạc rất hạn chế, máy móc hạng nặng thì có hạn… không đủ để phục vụ tại các tòa nhà bị sập,” Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của Cơ quan Cứu hộ Thảm họa Quốc gia, nói.
Cảnh báo sóng thần đã được đưa ra sau khi có trận động đất 7.5 độ hôm thứ Sáu, nhưng không rõ nội dung cảnh báo này có còn đang được duy trì vào lúc các trận sóng ập xuống hay không.
Các đoạn video ghi được cảnh mọi người la hét khi những cột sóng cao tới 6 mét tấn công bãi biển, nơi đang chuẩn bị tổ chức một lễ hội, và cuốn trôi mọi thứ trên đường sóng đi.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới thị sát khu vực và thúc giục hãy nỗ lực “đêm ngày” để cứu các nạn nhân.
Ông Widodo cũng đã đồng ý nhận hỗ trợ quốc tế, Thomas Lembong, người đứng đầu cơ quan đầu tư Indonesia viết trên Twitter hôm thứ Hai.
Bộ Nội vụ Indonesia nói có 1.200 phạm nhân đã trốn thoát khỏi ba trung tâm giam giữ khác nhau ở vùng Sulawesi sau trận động đất và sóng thần.
Công tác cứu hộ khó khăn
Các đường phố bị chặn, sân bay bị hư hỏng và hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn, khiến việc tới vùng bị ảnh hưởng là rất khó khăn; thậm chí là không thể đối với các vùng xa xôi.
“Chúng tôi không rõ những tác động là thế nào,” ông Nugroho nói.
Tường thuật địa phương nói rằng đã phát hiện thấy có tín hiệu điện thoại di động ở dưới đống đổ nát của khu mua sắm tại Palu, và người ta nghe thấy những tiếng hét bên dưới đống đổ nát của Khách sạn Roa Roa.
Một tình nguyện viên, Thalib Bawano, nói với hãng tin AFP rằng đã có ba người được cứu ra từ khách sạn này, nơi có hơn 50 người khác có thể vẫn đang bị kẹt bên dưới.
“Chúng tôi cũng nghe thấy những tiếng nói từ một số điểm khác nhau, cả tiếng trẻ em nữa,” ông nói.
“Họ kêu gào xin giúp, họ vẫn đang ở đó. Chúng tôi tiếp thêm tinh thần… để họ có thể vững tâm, bởi họ đang bị kẹt giữa sự sống và cái chết.”
“Chúng tôi chuyển cho họ nước uống, đồ ăn, nhưng họ không cần những thứ đó, Họ muốn được thoát ra. ‘Chúng tôi muốn được ra, ra, ra. Hãy giúp đỡ! Hãy giúp đỡ!’ Họ cứ kêu gào. Đó là những gì chúng tôi nghe thấy. Một số người thì chỉ gõ gõ.”
Tại Palu, người dân đã phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, không dám trở về nhà thậm chí khi nhà của họ vẫn nguyên vẹn.
Các bệnh viện bị hư hại, người bị thương phải nằm ngoài trời chờ chữa trị. Có ít nhất một bệnh viện dã chiến đã được dựng lên.
Quân đội đã kiểm soát sân bay để đưa hàng cứu trợ tới, và đưa người bị thương cùng những người cần sơ tán ra.
Do hàng hóa chỉ có hạn nên người dân đã cướp phá các cửa hàng bị hư hại để lấy thực phẩm, nước uống và thuốc men.
“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác, chúng tôi phải lấy thực phẩm,” một người đàn ông nói với AFP.
Các mồ chôn tập thể đang được đào, mỗi hố sẽ đem chôn tới 300 thi thể.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45701640
Sóng thần tại đảo Sulawesi:
Indonesia chấp nhận trợ giúp quốc tế
Bốn ngày sau trận động đất 7,7 độ richter gây sóng thần, ập vào bờ phía tây đảo Sulawesi, khiến ít nhất 844 người chết, hôm nay 01/10/2018, tổng thống Indonesia tuyên bố chấp nhận trợ giúp quốc tế khẩn cấp.
Theo Reuters, tổng thống Indonesia Joko Widodo , trả lời báo giới tại Jakarta, cho biết việc giải cứu và sơ tán người khỏi các vùng bị cô lập hiện là ưu tiên số một. Công việc này gặp trở ngại đặc biệt do thiếu phương tiện cứu nạn. Việc giải cứu người bị kẹt trong các đống đổ nát cần nhiều máy móc hạng nặng, thế nhưng giao thông hết sức khó khăn, do cầu đường bị tổn hại nặng nề sau trận động đất, sóng thần.
Hiện tại hàng chục người có thể vẫn còn bị kẹt dưới nhiều khách sạn bị đổ và một trung tâm thương mại riêng tại Palu, thành phố ven biển, với 380 ngàn dân, cách thủ đô Jakara 1.500 km về phía bắc. Jakarta thông báo tình trạng khẩn cấp 14 ngày tại vùng gặp nạn. Chính quyền đặc biệt lo ngại cho huyện Donggala, với khoảng 300 ngàn cư dân, nằm ở phía bắc Palu, gần sát tâm chấn động đất. Kể từ thứ Sáu đến nay, gần như không có thông tin gì về Donggala cùng hai huyện khác, với tổng dân số khoảng 1 triệu người.
Theo nguyên thủ Indonesia, nhiều máy bay vận tải quân sự C-130, với nhu yếu phẩm, được cử đi ngay trong hôm nay tới vùng bị nạn, nơi cư dân đang thiếu thốn mọi thứ, từ thức ăn, nước sạch, xăng dầu cũng như thuốc men. Hàng chục tổ chức nhân đạo, phi chính phủ cho biết sẵn sàng cứu trợ.
Đại diện của tổ chức quốc tế chống nghèo đói Oxfam, có trụ sở tại Anh Quốc, thông báo kế hoạch trợ giúp cho 100 nghìn người, về đồ ăn, phương tiện lọc nước sạch, cũng như lều bạt. Hiện tại, các nước láng giềng như Úc, Thái Lan, Trung Quốc, cũng như Liên Hiệp Châu Âu đã tuyên bố đóng góp.
Pháp gởi nhóm chuyên gia cứu hộ đến hỗ trợ Indonesia
Một nhóm gồm 5 lính cứu hộ chuyên nghiệp thuộc hiệp hội PUI (Pompiers de l’Urgence Internationale – Lính cứu hộ khẩn cấp quốc tế) đã xuất phát ngày 01/10/2018 từ Limoges để đến đảo Sulawesi của Indonesia.
Nhóm chuyên gia được trang bị các thiết bị định vị nạn nhân (máy rà soát truy tầm, camera, thiết bị đo dư chấn) cùng với một bộ lọc nước.
Hiệp hội PUI được một lính cứu hỏa, đại úy Philippe Besson thành lập vào năm 2004, quy tụ khoảng 135 người. Trong số này, gần 90% thành viên là lính cứu hỏa, số còn lại là y tá, bác sĩ và những người chuyên trách hậu cần.
Hội PUI của Pháp đã từng tham gia cứu hộ tại Haiti, Madagascar, Philippines, Ecuador, Saint Martin, trong các đợt thảm họa thiên tai gần đây. PUI đã được INSARAG cấp bằng chứng nhận, nghĩa là được Liên Hiệp Quốc công nhận để có thể can thiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181001-song-than-tai-dao-sulawesi-indonesie-chap-nhan-tro-giup-quoc-te
Vượt ngục hàng loạt ở Indonesia
sau động đất và sóng thần
Hôm 1/10, chính phủ Indonesia cho biết có khoảng 1.200 tù nhân đã trốn thoát khỏi ba nhà tù tại khu vực Sulawesi sau khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần, theo Channel News Asia.
Vụ vượt ngục hàng loạt này xảy ra sau cơn động đất mạnh làm nước dâng lên tàn phá thành phố Palu hôm 28/9.
Bà Sri Puguh Utami, viên chức Bộ Tư pháp, cho biết rằng các tù nhân đã trốn khỏi hai trại giam ở thành phố Palu và một trại giam khác ở Donggala, một khu vực cũng bị ảnh hưởng bởi thảm họa đông đất.
Bà Sri Puguh Utami nói thêm: “Lúc ban đầu thì không sao… nhưng ngay sau trận động đất thì nước từ sân nhà tù bỗng trào lên, nên các tù nhân hoảng quá mà chạy ra ngoài đường thoát thân.” Bà cho biết đó không phải là nước do sóng thần.
Bà nói: “Tôi chắc chắn rằng họ đã bỏ trốn vì họ sợ rằng họ sẽ bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Đây chắc chắn là vấn đề vì mạng sống của họ.”
Các tù nhân ở trại giam thành phố Palu đã phá cửa chính của trại và chạy trốn.
Bà Utami nói rằng trại tù Donggala đã bị phóng hỏa và tất cả 343 tù nhân đang chạy trốn.
Đến lượt Pakistan do dự
các dự án với Trung Cộng vì lo sợ bẫy nợ
Islamabad, Pakistan – Sau một thời gian dài trì trệ, cuộc cải tiến tuyến hỏa xa từ biển Arab đến chân dãy núi Hindu Kush đã trở thành một bài kiểm tra khả năng của Pakistan trong việc cân nhắc lại các dự án “con đường tơ lụa” của Trung Cộng, do lo sợ về nợ nần.
Đây là tuyến hỏa xa đã có từ thời thuộc địa, có trị giá 8.2 tỷ mỹ kim. Dự án hỏa xa nối liền đô thị ven biển Karachi với thành phố Peshawar ở phía tây bắc là dự án lớn nhất trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Cộng tại Pakistan. Nhưng Islamabad hiện đã tỏ ra do dự về mặt chi phí và các điều khoản tài chính.
Các thỏa thuận này ngày càng vấp phải nhiều sự phản đối dưới quyền chính phủ mới của nhà lãnh đạo dân túy Imran Khan, người đã lên tiếng cảnh báo về việc tăng mức nợ và tuyên bố rằng đất nước này phải ngưng việc vay mượn nước ngoài. Gần đây, ông Khusro Bakhtyar, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch, Phát triển và Cải cách, trả lời với các phóng viên rằng Pakistan đang xem xét cách phát triển mô hình mới, để chính phủ Pakistan không phải gánh chịu tất cả rủi ro.
Chính phủ mới của Pakistan đã tỏ ý muốn xem xét lại tất cả các hợp đồng trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Các viên chức nước này lo sợ rằng các thỏa thuận trên đã bị đàm phán sai lầm, tức quá đắt tiền hoặc quá có lợi cho Trung Cộng.
Theo hãng tin Reuters, rằng khi đối diện với sự bất bình từ phía Islamabad, Bắc Kinh vẫn sẵn sàng xem xét lại những dự án chưa bắt đầu.
Việc Pakistan tỏ ra do dự với các khoản đầu tư của Trung Cộng thể hiện khuynh hướng của hàng loạt chính phủ mới ở Sri Lanka, Malaysia và Maldives. Hiện nay, chính quyền mới ở các quốc gia này đều đang cảnh giác về các thỏa thuận được chính quyền tiền nhiệm ký kết với Trung Cộng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/den-luot-pakistan-do-du-cac-du-an-voi-trung-cong-vi-lo-so-bay-no/
Úc lo ngại TQ thâu tóm
công ty năng lượng 9 tỉ USD
Giữa lúc người dân Úc nhận ra các tài sản điện lực và khí đốt nước này rơi vào tay các công ty liên quan đến Trung Quốc nhiều tới mức nào, đã xuất hiện không ít lo lắng về thương vụ thâu tóm một công ty năng lượng Úc có giá trị lên đến hơn 9 tỉ USD.
Các tài sản truyền dẫn và phân phối điện, khí đốt do công ty Trung Quốc và Hồng Kông sở hữu ở Úc sẽ gây nguy cơ đáng ngại Ảnh: NEWS.COM.AU
Thương vụ mới nhất này đang được tiến hành giữa công ty có trụ sở ở Hồng Kông Cheung Kong Infrastructure (CKI) và Công ty APA của Úc.
Giới chuyên gia cảnh báo để APA bị thâu tóm là một sai lầm toàn diện đối với cả an ninh quốc gia cũng như giá khí đốt của Úc. Nếu CKI thuận buồm xuôi gió trong vụ này, họ sẽ kiểm soát hơn 60% đường ống dẫn khí đốt của Úc.
Không khó hiểu khi APA lọt vào tầm ngắm của làn sóng thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài của nền kinh tế số 2 thế giới. Công ty này sở hữu các tài sản năng lượng trị giá gần 15 tỉ USD, trong đó có mạng lưới dẫn khí đốt dài 15.000 km, phân phối một nửa lượng khí đốt tự nhiên của cả nước.
Nhà phân tích Bruce Robertson thuộc Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (Mỹ) nhận định: “Đó rõ ràng là một công ty lãi khủng”. Trên thực tế, nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu của APA khi nó niêm yết lần đầu tiên năm 2000, tới nay họ có thể lời gấp 18 lần.
Tuy vậy, lợi nhuận ấn tượng mới chỉ là một nguyên nhân gây lo ngại, liên quan tới nguy cơ độc quyền giá cả năng lượng.
Theo trang News.com.au (Úc), bức tranh thậm chí còn đáng ngại hơn nhiều nếu nhìn vào toàn cảnh những tài sản khác tại Úc về cơ bản đang bị các công ty Trung Quốc kiểm soát, trong đó cái tên đáng chú ý là Công ty State Grid thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.
Theo Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) Peter Jennings, nếu APA bị CKI thâu tóm, 100% lượng điện truyền dẫn và phân phối ở 3 bang và các lãnh thổ khác của Úc sẽ chịu sự kiểm soát của các công ty Trung Quốc và Hồng Kông.
Về khí đốt, các công ty Trung Quốc và Hồng Kông nắm 99% mạng lưới truyền dẫn và phân phối ở bang Victoria, 100% ở bang New South Wales và vùng lãnh thổ thủ đô Úc, cũng như 86% ở bang Nam Úc…
“Nguy cơ thực sự lớn khi lượng lớn tài sản điện lực và khí đốt của chúng ta do 2 thực thể nước ngoài là State Grid và CKI sở hữu.
Cân nhắc điều đó và nhìn vào những rủi ro liên quan tới tấn công mạng, chính phủ (Úc) cần được tham vấn để ngăn vụ thâu tóm này” – ông Jennings phân tích, đồng thời kỳ vọng Hội đồng Thẩm định đầu tư nước ngoài Úc sẽ “tuýt còi” kịp thời.
http://biendong.net/bi-n-nong/23894-uc-lo-ngai-tq-thau-tom-cong-ty-nang-luong-9-ti-usd.html