Tin Việt Nam – 29/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 29/09/2018

Nhà ngoại giao CSVN ngủ gật

tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc

Một tấm ảnh của hãng thông tấn AFP đang lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một thành viên của phái đoàn CSVN đang ngủ ngồi gật trong phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 25 tháng 9.

Nhật báo Người Việt ở California dẫn hai nguồn tin thân cận với tòa đại sứ CSVN tại Hoa Kỳ xác nhận, người đàn ông ngủ là ông Nguyễn Nam Dương. Theo trang mạng của tòa đại sứ CSVN tại Hoa Kỳ, ông Dương nằm trong danh sách 13 cán bộ ngoại giao thuộc phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và thường trú tại New York. Trưởng phái đoàn là ông Đặng Đình Quý, Đại sứ CSVN tại Liên Hiệp Quốc.

Theo BBC, tấm ảnh đã được đăng trên nhiều báo quốc tế ở Pháp, Đức, Hoa Kỳ và vùng Trung Đông. Một số ý kiến bênh vực người đàn ông ngủ gật, với lý do là người này mới bay từ Việt Nam qua, trái múi giờ nên còn mệt và đành chợp mắt trong lúc họp. Hầu hết ý kiến trên mạng xã hội đều chỉ trích đại diện ngoại giao Việt Nam ngủ gật.

Từ Sài Gòn, luật sư Lê Công Định bình luận trên Facebook rằng, đây là trường hợp quan chức CSVN “mang nhục đến cho quốc gia và công dân của mình bằng lối làm việc vô trách nhiệm và thô lậu như vậy, kể cả trước cộng đồng quốc tế”.

Luật sư Ngô Ngọc Trai thì bình luận rằng, “Vị thế Việt Nam thế nào trên trường quốc tế, tự mọi người biết. Nếu là những người có ý thức trách nhiệm và năng lực thì người ta phải tranh thủ mọi cơ hội, từng giây từng phút để làm bổn phận trách nhiệm sứ mệnh ngoại giao của mình…”

Theo tờ Người Việt, cũng có ý kiến nửa đùa nửa thật rằng ngủ gật là phương thức ngoại giao “biểu đạt được tốt nhất tình hình của Việt Nam hiện tại”. Được biết tại kỳ họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York lần thứ 73, Việt Nam đang vận động cho ghế ủy viên không thường trực ở Hội Đồng Bảo An.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/nha-ngoai-giao-csvn-ngu-gat-tai-dai-hoi-dong-lien-hiep-quoc/

 

Cựu đại sứ VN tại Mozambique bị cáo buộc

tiếp tay buôn lậu ngà voi

Cựu đại sứ Việt Nam tại Mozambique Nguyễn Văn Trung được nêu tên là người giúp móc nối những kẻ buôn lậu ngà voi người Việt với các quan chức cao cấp trong lực lượng cảnh sát và hải quan của quốc gia Châu Phi này, cũng như báo động cho họ khi họ bị nhà chức trách nhắm mục tiêu, theo một báo cáo được công bố hồi gần đây.

Bản báo cáo của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), một tổ chức phi chính phủ ở Anh chuyên điều tra và vận động chống lại tội phạm và lạm dụng về môi trường, phơi bày hoạt động của những đường dây vận chuyển và buôn bán ngà voi bất hợp pháp từ Châu Phi và tiết lộ danh tính của những cá nhân người Việt tham gia trong hoạt động này. Các nhà điều tra của EIA đã giả dạng làm người mua tiềm năng để tiếp cận các đối tượng và lén quay lại các cuộc trao đổi với họ, bắt đầu từ tháng 4 năm 2016.

EIA xác định người cầm đầu đường dây này là Phan Chí, được nói là lãnh đạo một băng nhóm tội phạm có tổ chức gồm ít nhất 10 “lính,” vốn là những người buôn lậu trong những giai đoạn khác nhau của chuỗi buôn bán, để thực hiện các công việc cần thiết từ thu mua, đóng gói, vận chuyển và bán ngà voi và sừng tê giác.

Ông Chí khoe với các nhà điều tra EIA rằng ông có mối quan hệ thân thiết với ông Nguyễn Văn Trung, người giữ chức đại sứ Việt Nam tại Mozambique tới ít nhất là đầu năm 2018, và rằng ông Trung đã giới thiệu với ông các quan chức cao cấp trong giới cảnh sát và hải quan của chính phủ Mozambique, theo một chú thích dưới hình ảnh chụp ông Chí đang nói chuyện với các nhà điều tra EIA trong bản báo cáo.

Một người buôn lậu khác ở Mozambique, được xác định danh tính là Nguyễn Thành Trung, nói với các nhà điều tra EIA rằng ông ta cũng quen biết Đại sứ Trung và rằng ông ta đã được Đại sứ Trung cảnh báo nên thận trọng hơn vì ông ta đang bị tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) theo dõi.

Cựu đại sứ Trung hiện là phó tổng biên tập của báo Thế giới & Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, EIA cho biết. Báo này không hồi đáp email của VOA yêu cầu xác nhận mối quan hệ giữa ông Trung và ông Chí. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không trả lời những câu hỏi của VOA gửi qua email về những cáo buộc nhắm vào ông Trung.

Ông Trung là một trong những người thuộc phái đoàn Việt Nam tới thảo luận với những người đồng cấp ở Mozambique để hướng tới một thỏa thuận nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắn trộm, buôn bán, vận chuyển trái phép các mẫu vật động vật hoang dã, theo một bản tin đăng trên website của Đại sứ quán Việt Nam ở Mozambique vào năm 2015.

“[Ông Trung] đã nhấn mạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc tăng cường kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã, đồng thời nhấn mạnh các nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời, mở rộng sự hợp tác này ra quy mô tiểu vùng và khu vực,” bản tin viết.

Không rõ nhà chức trách Việt Nam có biết về những mối quan hệ bị cáo buộc giữa ông Trung và những người buôn lậu bị nêu tên hay không, và cũng không rõ việc thay đổi công tác của ông Trung có liên quan tới vấn đề này hay không.

Đại sứ Việt Nam tại Mozambique hiện là ông Lê Huy Hoàng, người chính thức nhận nhiệm sở vào tháng 5.

Trong một email gửi cho VOA, một đại diện của EIA cho biết họ đã chia sẻ một “tập hồ sơ thông tin mật toàn diện” với cơ quan chấp pháp hữu trách trước đó trong năm nay. “Bản báo cáo công khai chỉ bao gồm một số thông tin từ tập hồ sơ mật lớn hơn và chúng tôi chưa trình bày chi tiết về tất cả các đối tượng trong bản báo cáo công khai,” Shruti Suresh, chuyên gia Vận động Dã sinh Cao cấp của EIA, nói với VOA.

EIA cho biết họ đã chia sẻ bản báo cáo công khai của mình tới giới hữu trách Việt Nam cũng như Mozambique và các nước khác nằm trong tuyến đường vận chuyển trái phép.

“Chúng tôi đang liên lạc với nhà chức trách Việt Nam, tuy nhiên không rõ có hành động thích hợp nào đang được thực hiện hay không dựa trên bản báo cáo của chúng tôi,” bà Suresh nói. Bà cho VOA biết thêm rằng tới giờ những cá nhân bị nêu tên trong bản báo cáo chưa có ai lên tiếng.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời câu hỏi của VOA về việc cải thiện hoạt động chấp pháp trong lĩnh vực buôn lậu ngà voi.

Báo cáo nói mặc dù là đối tượng của nhiều cuộc điều tra và những vụ phanh phui về vai trò trong hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã quốc tế, Việt Nam vẫn tiếp tục là tâm điểm của hoạt động buôn lậu ngà voi.

Nghiên cứu và phân tích của cơ quan này cho thấy từ năm 2009, 56 tấn ngà voi đã bị thu giữ tại Việt Nam và 20 tấn ngà voi có liên quan tới Việt Nam bị thu giữ tại các quốc gia khác, “tương đương với lượng ngà voi bắt nguồn từ khoảng 11.414 con voi,” theo bản báo cáo.

Vai trò của Việt Nam trong buôn bán ngà voi bất hợp pháp toàn cầu đã tăng nhanh trong thập niên qua, theo EIA. Được nói là một tuyến trung chuyển chính cho các lô ngà voi lớn sang Trung Quốc, Việt Nam cũng sở hữu ngành công nghiệp chạm khắc ngà voi đang phát triển và là một trong những thị trường buôn bán ngà voi lớn nhất thế giới.

Báo cáo của EIA khuyến nghị Việt Nam điều tra và khởi tố các đối tượng có liên quan đến hành vi tham nhũng cho phép hoạt động buôn lậu động vật hoang dã diễn ra ở Việt Nam, đảm bảo sự hợp tác hữu hiệu giữa các cơ quan và hoạt động chấp pháp, cũng như cải thiện hợp tác quốc tế với các quốc gia nguồn, trung chuyển và tiêu thụ.

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-dai-su-viet-nam-tai-mozambique-bi-cao-buoc-tiep-tay-buon-lau-nga-voi/4592091.html

 

Liệu có phải công nhân biểu tình

là do ‘thế lực thù địch’ kích động?

Bị xúi giục biểu tình

Phát biểu tại Đại Hội Công Đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra ở Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình ở Hà Nội vào ngày 25 tháng 9, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, đưa ra cảnh báo được trích dẫn nguyên văn “tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.”

Một nữ công nhân may Công ty Pouchen ở Đồng Nai có ý kiến về phát biểu vừa nêu của ông Nguyễn Phú Trọng:

Công nhân giờ họ có trình độ, hiểu biết nhiều, tự công nhân họ thấy quyền lợi họ bị xâm phạm thành ra họ tự đình công, biểu tình chứ đâu ai xúi giục đâu.- Công nhân

“Ổng phát biểu vậy là nói sai rồi, hông có ai xúi giục đâu. Công nhân giờ họ có trình độ, hiểu biết nhiều, tự công nhân họ thấy quyền lợi họ bị xâm phạm thành ra họ tự đình công, biểu tình chứ đâu ai xúi giục đâu.”

Đồng quan điểm với nữ công nhân trên, anh Đoàn Huy Chương, người từng bị tuyên án 7 năm tù giam trong vụ đình công của hơn chục ngàn công nhân nhà máy Mỹ Phong ở Trà Vinh vào đầu năm 2010 giải thích:

“Không ai xúi công nhân cả, mỗi công dân thì phải biết quyền lợi mình ở đâu và quyền lợi đó là chính đáng. Trong Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định trong điều 25 là người dân có quyền biểu đạt ý kiến, quyền nêu chính kiến của mình, và có quyền hội họp, tự do biểu tình. Khi một người Tổng Bí thư mà không hiểu về luật pháp như vậy, có khi họ hiểu về luật pháp và ngồi xổm trên Hiến pháp thì dân không tôn trọng, vừa qua dân phản ứng rất nhiều.”

Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu phát động cuộc cách mạng luôn đề cao vai trò của giai cấp công nhân là tiên phong chống lại những thế lực bị những người cộng sản kết án ‘lạc hậu, bóc lột’.

Sau bao nhiêu năm, giai cấp công nhân Việt Nam cũng không khá hơn lên là bao. Nhiều người cho rằng thành quả của cuộc cách mạng vô sản mà đảng cộng sản Việt Nam hô hào họ không hề được thụ hưởng.

Quyền lợi người công nhân không được bảo đảm khiến cuộc sống của họ chẳng khá gì hơn. Từ đó, lâu nay công nhân phải tiến hành đình công thường xuyên để yêu cầu Nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam phải có chính sách đúng đắn.

Chị nữ công nhân Pouchen từng tham gia biểu tình nhắc lại khi tiến hành biểu tình tất cả công nhân đều đồng lòng chứ không phải do bị thúc ép, kích động. Họ phải lên tiếng vì những quyền lợi của họ:

“Thứ nhất là chế độ không đảm bảo. Thứ hai là mức lương, quyền lợi của công nhân bị xâm phạm. Rồi bóc lột sức lao động nữa. Không được đền bù thỏa đáng thì công nhân bức xúc, tự đình công.”

Ngoài biểu tình đòi hỏi quyền lợi, nhiều công nhân còn tham gia biểu tình để nói lên chính kiến của họ như trong đợt biểu tình vào giữa năm 2014 phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hay gần đây nhất là hai cuộc biểu tình chống dự luật Đặc khu và An ninh mạng diễn ra trong hai ngày 9-10/6 với sự tham gia của rất nhiều công nhân ở nhiều tỉnh thành như Sài Gòn, Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

Anh Đoàn Huy Chương nhận định rằng việc đổ cho ‘thế lực thù địch’ là cách để chính quyền Việt Nam trấn áp hoạt động này của công nhân:

“Đảng Cộng sản họ gọi thế lực thù địch nhắm đến những người biểu tình. Không riêng gì một người kêu gọi hay một nhóm nào, mà họ nhắm trực diện đến người biểu tình họ cho là thế lực thù địch chứ không riêng gì một ai hết. Vừa qua họ thấy những người đi đầu thì họ bắt bỏ tù. Từ ngày 10/6 đến nay họ bắt gần cả trăm người và cho là thù địch.”

Công đoàn

Cũng tại Đại Hội Công Đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra ngày 25 tháng 9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến vai trò của công đoàn, phải tham gia xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ đảng, coi đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của công nhân.

Đảng Cộng sản họ gọi thế lực thù địch nhắm đến những người biểu tình, không riêng gì một người kêu gọi hay một nhóm nào.- Đoàn Huy Chương

Trong thực tế, lâu nay đảng và chính quyền Việt Nam dựng lên công đoàn cơ sở ở các nhà máy, xí nghiệp cũng không ngoài mục tiêu để dễ bề kiểm soát giới công nhân. Đại diện công đoàn cơ sở không do chính công nhân bầu ra.

Điều này được nữ công nhân công ty Pouchen xác nhận:

“Công đoàn của công ty không bao giờ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho công nhân hết, công nhân không có cơ quan nào bảo vệ, thành ra họ mới đình công tự phát.”

Mong mỏi của người công nhân là công đoàn phải quan tâm đến quyền lợi của họ, như chia sẻ của nam công nhân sau:

“Hy vọng công đoàn sẽ đi sâu đi sát vào đời sống vật chất tinh thần người lao động. Công đoàn phải hiểu và chia sẻ thì mới tạo niềm tin sâu rộng đối với người lao động.”

Công nhân cũng như người nông dân và các thành phần khác trong xã hội là những lực lượng lao động đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính quyền có trách nhiệm bảo đảm mọi quyền lợi và giúp họ phát huy hết mọi năng lực để cuộc sống cá nhân, gia đình được bảo đảm và góp phần phát triển đất nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/whether-or-not-the-workers-are-provoked-to-protest-09282018121745.html

 

Thêm một cái quốc tang

Viết từ Sài Gòn

Chiều thứ Năm ngày 26 tháng 9 năm 2018, ông Đại Tướng Trần Đại Quang đã về với đất mẹ ở Ninh Bình, nơi ông sinh ra và lớn lên, kết thúc hai ngày Quốc tang ở Việt Nam dành cho chủ tịch nước. Vậy nhưng có một quốc tang khác đang treo cờ rũ hàng ngày trước mỗi gia đình Việt Nam lúc này; quốc tang cho tính người, cho tình làng nghĩa xóm, cho sự gắn kết trong gia đình của mỗi thành viên.

Những vụ việc như hiếp dâm chị dâu không được, một thanh niên ở Cao Bằng đã dùng dao chém chết ông nội mình, người đứng ra can ngăn và cháu mình, sau đó treo cổ tự tử… đến mâu thuẫn trên bàn nhậu, một người đàn ông dùng dao đâm chết hai người hoặc xin ngủ lại qua đêm, một người đàn ông đâm chết ân nhân của mình để cướp tiền hay mâu thuẫn trong việc ly hôn, chồng cầm dao đâm vợ ngay trước sân tòa, cha cắt cổ con gái vì nài nỉ đi tập múa trung thu… Và gần đây là mâu thuẫn trong gia đình, một người đàn ông ở Thái Nguyên nửa đêm cầm dao sang nhà anh em, hàng xóm đâm chết 3 người và làm bị thương 4 người khác….không ít chuyện lên báo và làm nhiều người suy nghĩ miên man suốt ngày khi đọc tin vào sáng sớm, cũng không ít sự việc người ta chỉ truyền tai nhau ở quán cà phê vì là chuyện trong nhà, ngoài ngõ… nhưng đa phần người ta thường truyền cái tin xấu, cái sự việc xấu đi xa, cơ bản do đâu?

Với những người tỉnh thức, người ta buồn trước một xã hội dần mất hết tính người và cảm thấy đau đầu cho tương lai đất nước. 

Với những người tỉnh thức, người ta buồn trước một xã hội dần mất hết tính người và cảm thấy đau đầu cho tương lai đất nước. Nhưng ở đây tôi chỉ xin bàn đến đại đa số bộ phận dân chúng hiện tại, những người muốn đem cái xấu đi bêu riếu, đàm tiếu, phê phán… cơ bản là để che bớt cái xấu của mình.

Với gần 100 triệu dân, cứ trung bình một gia đình có khoảng 4 người thì hiện tại Việt Nam có khoảng 25 triệu gia đình, tức 25 triệu tế bào của xã hội. Trên một cơ thể hình chữ S được ví như người trẻ mắc phải chứng bệnh già cỗi khi tài nguyên, nguyên khí quốc gia hầu như không còn, thì những tế bào (gia đình) gốc rễ của đất nước là cứu cánh mà xã hội đang cần, thế nhưng không? Gia đình ở Việt Nam hiện tại có thể nói không ngoa là không mấy gia đình hạnh phúc và cũng là những tế bào đang dần hoại thư.

Người ta rời bóng tối kinh tế tập thể, đi vào thời kỳ kinh tế thị trường từ những hũ vàng nhặt được lúc người khác chạy, cướp được của người khác khi anh ở ban này ngành nọ, từ những hũ vàng tổ tiên để lại, cất giấu được hay từ những mối quan hệ, những chuyến lao động nước ngoài… chung quy lại anh có cái vốn, và khi anh không có vốn luân chuyển được thì anh tìm mọi cách tạo ra vốn liếng riêng của mình, từ việc vay mượn, bán trôn nuôi miệng, bán sức lao động… rốt cuộc là để có cuộc sống tốt hơn, tiện nghi hơn.

Nhưng cũng chính vì cái tốt hơn, tiện nghi hơn (nhưng lại không có căn bản văn hóa, nhân tính và được phô diễn trên một nền giáo dục tệ hại) này mà nhiều người dần mất đi tính người, người ta chỉ miễn sao thu vào càng nhiều tiền càng tốt, càng có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều xe càng tốt, người ta ăn trên ngồi trốc khi có cơ hội và khi đã ngồi trên được họ thi nhau vơ vét, quan thì thi nhau vơ vét theo đường quan, lợi dụng chức quyền và tìm mọi cách để tiền tự tìm đến túi của mình, dân thì vơ theo kiểu dân, ép sức lao động của người khác rồi lại đến người khác hét công lao động cao lên khi công trình thì nhiều mà lao động trong ngành nghề ít, cũng do từ đầu người ta vốn không có tính người với nhau.

Trường hợp những người Bắc miền Trung băng đèo Hải Vân, vào Đà nẵng, Quảng Nam để xin ăn vào thập niên 1990 không phải là ít, thời đó, khi cái ăn cái mặc cái ở vẫn còn là nỗi lo canh cánh, nhưng người ta vẫn sẵn sàng chia cho nhau lon gạo, củ khoai, cái áo… Nhưng thời này lại khác, vẫn có những người do hoàn cảnh đẩy đưa đi xin, nhưng có không ít người nằm trong một đường dây đi xin chuyên nghiệp, một tập đoàn sáng xin chiều xế xịn, người ta không còn tự trọng khi chọn cách sống, cách hành xử… Đừng hỏi vì sao nhiều người thờ ơ trong nhiều trường hợp người khác cần mình, bởi họ đã bị quá nhiều cú lừa, quá nhiều cái tính người của họ phải đánh đổi bằng lương thực, tiền bạc và đôi khi là cả mạng sống một cách phi lý, vô nghĩa.

Tình làng nghĩa xóm cũng dần mất hẳn, người ta thi nhau treo băng rôn khẩu hiệu này nọ khi Tết đến xuân về, hội hè đình đám hát nhậu say sưa nhưng khi một nhà có việc, một ai đó kêu cứu, không ai dám sang, cơ bản là vì người ta thờ ơ, thôi thì việc của nhà họ, nhưng trên hết là người ta sợ, bởi cái tính người của họ không còn đủ mạnh để thôi thúc họ can thiệp vào chuyện người khác và họ cũng hiểu rằng hàng xóm cũng chưa hẳn có tính người mạnh hơn mình, dính chuyện người ta, nhiều khi mất mạng như chơi.

Ông bà ta bảo: “Bán anh em xa mua láng giềng gần.” Nhưng thời nay gần như chẳng mấy ai dám tin vào điều đó, anh em xa cũng không giúp được gì bởi gần chắc hẳn đã giúp được nhau?! Xóm làng thì từ nông thôn đến thành thị, ngoại trừ vùng cao sâu hẻo lảnh, thôi thì phần ai nấy biết, nhà ai nấy rào.

Anh em trong gia đình cũng không ngoại lệ, khi đất đai lên giá, từ cái miếng đất cha mẹ, ông bà khai hoang hoặc xin không mấy chục năm trước, người ta thi nhau phân lô, lên ủy quyền, tranh thừa kế thừa tự, đùn đẩy trách nhiệm, bổn phận với cha mẹ và tranh nhau xâu xé miếng đất lúc cần. Họ hàng trở nên xa cách, chẳng còn ai muốn nhận bà con bởi trong một lúc nào đó, cái sự tranh giành, cái thờ ơ, cái lắm chuyện đã dần đẩy họ ra xa.

Một xã hội nhố nhăng với đủ màu xanh đỏ nhà cửa, xe cộ, áo quần và đen thùi lùi những trái tim đang di chuyển trên đường, ngồi trong nhà, buôn chuyện ngoài xóm. Một xã hội với tính người mất dần từ bên trong và không ít gia đình đang dần dà tan vỡ vì cái cốt lõi gắn kết không còn, với tình làng nghĩa xóm không hơn một lá cờ rũ… Thử hỏi đó có phải một quốc tang?! Một quốc tang dai dẵng lịch sử!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/another-national-funeral-09282018215720.html

 

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười

nằm bệnh viện đã gần 6 tháng

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nằm bệnh viện 108 điều trị bệnh phổi và thận gần 6 tháng nay. Ông Phan Trọng Kính – Trợ lý của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười – khẳng định với VietNamNet sáng 28/9/2018.

Theo ông Kính thì nguyên Tổng bí thư bị khó thở nên bệnh viện phải mở khí quản, do đó ông Đỗ Mười không nói được nhưng vẫn nghe được.

Tin cho biết, vào chiều 28/4/2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trong chuyến thăm đó có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ông Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917. Ông nguyên Tổng bí thư, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương. Ông nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng vào ngày 12/4/2018.

Vào tháng 9 năm 1990, ông Đỗ Mười lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị Thành Đô tại Trung Quốc.

Một sự kiện nữa liên quan đến ông Đỗ Mười là chủ trương đánh tư sản (còn gọi là cải tạo công thương nghiệp hay cải tạo công thương nghiệp tư doanh hay cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh) được thực hiện tại miền bắc sau 1954 và tại miền Nam sau 1975.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/do_muoi-have-been-in-the-hospital-almost-6-months-09282018124252.html

 

Mỹ muốn xuất khẩu lòng heo sang Việt Nam

Hiệp hội chăn nuôi heo của Mỹ cho biết họ muốn Việt Nam cho phép xuất khẩu nội tạng trắng, trong đó có lòng heo, vào thị trường tiêu thụ lớn thứ 4 thế giới này.

Theo VNExpress, Hiệp hội chăn nuôi heo Mỹ (NPB) vừa thực hiện chuyến khảo sát và tìm hiểu Việt Nam, nơi được đánh giá là thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt heo quan trọng và là điểm đến mới nổi đầy triển vọng ở châu Á.

NPB nhận định rằng với số người ở tầng lớp trung lưu tăng lên và một nền kinh tế đang bùng nổ, nhu cầu về protein động vật của Việt Nam đang tăng mạnh.

“Sức tiêu thụ thịt heo Mỹ tại Việt Nam đang tăng lên. Chuyến đi này mang đến cơ hội cho các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp thịt heo Mỹ cơ hội tham gia vào thị trường Việt Nam, cũng như xây dựng nhận thức về thịt heo Mỹ và thịt heo chế biến với các nhà làm luật lại đây”, Craig Morris, phó chủ tịch về tiếp thị quốc tế của NPB nói với truyền thông trong nước tại một buổi họp báo ở TP Hồ Chí Minh hôm 24/9.

Nội tạng heo là sản phẩm được người Việt Nam ưa chuộng và có mặt trong nhiều món ăn ở quốc gia Đông Nam Á này. Trong khi đó nó không được ưa chuộng ở Mỹ.

Theo Hiệp hội chăn nuôi heo Mỹ, phần nội tạng đỏ như tim, gan, cật… đã xuất được qua Việt Nam với giá trị khoảng một triệu USD nhưng nội tạng trắng như lòng, bao tử… chưa được cấp phép. Vì thế, ông Craig Morris cho biết, phía Mỹ đang tiếp tục đàm phán và tìm kiếm cơ hội xuất nội tạng trắng sang Việt Nam. Mặt hàng này đã xuất qua các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hay Malaysia.

Thống kê của OEC cho thấy, Mỹ, Đức, Australia là những quốc gia phương Tây hàng đầu trong xuất khẩu nội tạng động vật, chủ yếu sang thị trường châu Á. Việt Nam đang là quốc gia nhập khẩu nội tạng đứng thứ 4 với 4,9% lượng nội tạng của toàn thế giới, gần gấp đôi Hàn Quốc. Trung Quốc dẫn đầu với 29%, tức gần 1/3 lượng nhập khẩu nội tạng toàn cầu.

Theo VNExpress, giá nội tạng nhập khẩu rẻ hơn gấp 2-3 lần so với hàng Việt Nam. Các sản phẩm từ châu Âu và Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam theo nhiều ngả do sức tiêu thụ trong nước tăng cao.

Năm 2017, Mỹ xuất khẩu thịt giăm bông tươi, đông lạnh và thịt vai với giá trị hơn 11 triệu USD vào Việt Nam, theo NPB. Với mức nhập khẩu này, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm thịt heo lớn thứ hai của Mỹ chỉ sau Trung Quốc/Hong Kong.

https://www.voatiengviet.com/a/my-muon-xuat-khau-long-heo-sang-viet-nam/4591557.html

 

Vì sao nhiều Facebook của giới phản biện bị xóa?

Tối 29/8, như mọi khi, doanh nhân Lê Hoài Anh lại đăng một livestream về bữa tiệc gia đình bà lên tài khoản Facebook của bà với hơn 300.000 người theo dõi.

Nhưng sang ngày hôm sau, tất cả mọi thứ biến mất, tất cả những bài viết, hình ảnh và hàng ngàn bạn bè bà tích lũy trong suốt 6-7 năm qua trên ngôi nhà ảo của mình đã hoàn toàn bốc hơi.

“Facebook báo là ‘Bạn đã bị vô hiệu hóa vì vi phạm quy định cộng đồng’. Tôi thật sự rất buồn và rất giận vì nó như một tài sản tinh thần của tôi,” bà Hoài Anh nói.

Facebook ‘đồng ý hợp tác với VN’

Facebook có ‘gỡ tài khoản theo yêu cầu VN’?

Tranh cãi việc blogger Việt bỏ Facebook chọn Minds

‘Dân oan Facebook’

Doanh nhân Lê Hoài Anh là một trong khoảng hàng chục hot Facebooker bị xóa hoặc khóa tài khoản – những người có từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn người theo dõi và chuyên viết những bài viết về chính trị, xã hội gồm những tên như:

Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Ngọc Chu, Trương Châu Hữu Danh, Hoàng Dũng, Mạnh Kim, Trần Quốc Quân, Nguyễn Anh Tuấn, Đỗ Trung Quân…

Nhà văn Trần Quốc Quân ở Warsaw, CH Ba Lan xác nhận với BBC ông bị xoá tài khoản Facebook đã bảy lần.

“Mấy lần trước BBC đã có bài về vấn đề này, hai hôm sau Facebook vào hộp thư thanh minh và hướng dẫn. Lần này khóa nick luôn. Tôi đã đăng nguyên thư trả lời của Facebook trong status mới.”

Cũng thường xuyên tương tác với các Facebooker này, bà Hoài Anh nói bà nhận thấy hầu hết đây là những người thường xuyên viết bài về vấn đề Luật An ninh mạng, Luật Đặc Khu và các cuộc biểu tình xảy ra hồi tháng Sáu.

“Tôi có liên hệ với Help Center (Trung tâm trợ giúp) của Facebook nhưng họ không bao giờ trả lời. Tôi đã tìm hiểu tiêu chuẩn cộng đồng của họ và tôi thấy tôi không vi phạm điều nào cả. Tôi chỉ muốn biết tôi đã vi phạm ở bài viết nào, nhưng Facebook không trả lời.”

Nhà hoạt động Hoàng Dũng thì cho BBC biết anh đã sống chung với tình trạng bị khóa Facebook liên tục hơn một năm qua.

“Lần cuối tôi bị khóa Facebook là cách đây 2, 3 ngày, sau khi tôi đăng hình ảnh Phó chủ tịch UBND Hà Nội đi thăm mấy anh chàng nghiện ma túy và có đăng số điện thoại trên hình.” ông Dũng nói với BBC hôm 28/9. “Tôi bị report là đăng thông tin cá nhân.”

Thủ thuật tố cáo tinh vi, phức tạp

Hoàng Dũng nói ông hay bị report vì “đã đăng tải thông tin cá nhân”.

“Khi viết một bài viết liên quan đến vấn đề xã hội thì phải có những thông tin đó [email, số điện thoại] nhưng Facebook không xem xét cẩn thận mà dựa trên số lượng report. Nên có người đã lợi dụng cái này để tấn công tôi,” anh Dũng nói.

Còn trong trường hợp của bà Lê Hoài Anh, bà phát hiện bà đã bị ba tài khoản bà không hề kết bạn, đưa bà vào làm quản trị viên của một trang Facebook đăng những hình ảnh ấu dâm mà bà không hề hay biết.

“Sau đó họ báo rằng trang đó vi phạm và Facebook đã khóa trang đó và khóa luôn tài khoản của tôi. Đây là một lỗ hổng của Facebook, khiến một người không phải bạn của tôi cũng có thể cho tôi vào làm thành viên một nhóm nào đó mà tôi không hay biết,” bà Hoài Anh nói.

Trường hợp của anh Nguyễn Anh Tuấn còn tinh vi, phức tạp hơn. Anh nói có người đã hack vào tài khoản của một ca sĩ giống tên, sử dụng hình ảnh của anh và tố cáo anh giả mạo ca sĩ này; hoặc nói rằng tấm ảnh do chính anh chụp đăng trên Facebook vi phạm bản quyền.

Âm mưu nào đằng sau?

Bà Hoài Anh và ông Hoàng Dũng đều nghi ngờ rằng có khả năng Facebook đã thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc khống chế, ‘bịt miệng’ giới bất đồng chính kiến.

Bà Hoài Anh nói các bài viết về chính trị đặc biệt bị nhắm đến, thường xuyên bị ẩn đi hoặc xóa vì “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook”, còn những bài đăng bình thường thì không gặp bất cứ vấn đề gì.

Những người theo dõi bà Hoài Anh cũng nói họ không thấy bài viết bà xuất hiện nhiều trên News Feed của họ như trước.

Ông Dũng cho biết có người thừa nhận đã được thuê với giá 500.000 đồng để report (báo cáo) tài khoản của ông.

Đồng thời, cả hai cũng không loại trừ khả năng có những doanh nghiệp sử dụng các công ty truyền thông mạng xã hội để tấn công các tài khoản chỉ trích một doanh nghiệp nào đó.

Bà Hoài Anh nói tài khoản của bà bị khóa 30 ngày sau khi viết bài bênh vực công ty Con Cưng hôm 10/8.

Facebook nói gì?

Phóng viên BBC đã liên lạc với đại diện của Facebook tại Việt Nam trong nhiều ngày qua về tình trạng nhiều tài khoản của những nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội Việt Nam bị khóa.

Facebook đề nghị BBC cho biết thông tin danh sách các tài khoản bị khóa để Facebook “kiểm tra lại”.

Ban biên tập BBC giải thích rõ thêm câu hỏi là về cơ chế khóa và xóa tài khoản của Facebook đối với những cá nhân tại Việt Nam, và liệu Facebook có biết về các nhóm được nhà nước bảo hộ như Lực lượng 47 hay dư luận viên hay không.

Hiện BBC vẫn chưa nhận được phản hồi của Facebook.

Giải pháp?

Bà Hoài Anh cho biết tài khoản cũ của bà đã được mở lại vào chiều hôm qua, tuy nhiên bà không nhận được bất cứ lời giải thích hay thông báo gì của Facebook.

“Rất nhiều người bạn của tôi đột nhiên nhắn cho tôi rằng ‘Ô chị ơi, em thấy Facebook chị rồi’,” bà Hoài Anh nói.

Tuy vậy bà vẫn không “hài lòng với cách làm việc của Facebook”.

Bà cho biết trước đó bà đã nhờ nhiều người bạn bên Mỹ, soạn lá thư gửi cho Thượng nghị sĩ Marco Rubio, trước phiên điều trần trước Thượng viện của Giám đốc hoạt động (COO) của Facebook Sheryl Sandberg hôm 5/9.

Và cách đây năm ngày bà cũng viết một lá thư khác gửi đến văn phòng thượng nghị sĩ.

Bà Hoài Anh nói bà cũng dùng thêm tài khoản mạng xã hội Minds song song với Facebook để lưu giữ các bài viết.

Tuy nhiên Minds vẫn chưa có một cộng đồng lớn như Facebook.

“Facebook rất có thể đã thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam, vì nó kiếm rất nhiều tiền từ người dùng Việt, nhất là những người ăn chơi nhảy múa, mua hàng quảng cáo trên các fanpage. Còn những người viết về chính trị thì không được chú ý nên việc bị tấn công cũng dễ hiểu,” ông Hoàng Dũng nói.

“Mình buộc phải sống chung, nhưng những tài khoản có tiếng nói thì vẫn nên lên tiếng và thay vì chỉ share thì những người khác nên copy và đăng toàn bộ tại trên tường của mình. Đây là cách mình thách thức trước sự tấn công của Facebook,” nhà hoạt động bình luận.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45662303

 

Hội nghị Đa Sắc tộc-Đa Tôn giáo Việt Nam

lần đầu tiên được tổ chức tại Quốc Hội Mỹ

Hội nghị Đa Sắc tộc-Đa Tôn giáo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Quốc Hội Hoa Kỳ nhằm để vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.

Hội nghị vừa nêu diễn ra trong ngày 28 tháng 9 năm 2018 với sự tham dự của đại diện cộng đồng người Việt hải ngoại, với khoảng hơn 200 người đến từ các tiểu bang của nước Mỹ, Canada, Pháp và Úc Châu. Họ đại diện cho 32 sắc tộc và 5 tôn giáo ở Việt Nam.

Mục sư Nguyễn Công Chính, một cựu tù nhân lương tâm bị Chính quyền Hà Nội tống xuất khỏi Việt Nam, nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc hội nghị rằng những người Việt tham dự hội nghị có chương trình gặp gỡ với các vị Dân biểu Mỹ, để trình bày tình trạng các sắc tộc ở Việt Nam, chủ yếu là những sắc tộc thiểu số từ vùng Tây Bắc, Tây Nguyên cho đến Tây Nam Nam Bộ bị đàn áp, nhiều buôn làng bị xóa sổ, đất đai bản địa bị trưng thu…và kêu gọi các chính giới Hoa Kỳ hỗ trợ cho hòa bình, công lý và tự do tại Việt Nam.

Đại diện của các tôn giáo, bao gồm Công Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài và Tin Lành cũng trình bày với Quốc hội Mỹ về tình trạng không có tự do tôn giáo ở Việt Nam, cũng như kêu gọi Hoa Kỳ đặt Việt Nam trở lại danh sách CPC, là quốc gia cần theo dõi đặc biệt do đàn áp tôn giáo.

Đại sứ Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bà Pricess Maria Amor chia sẻ với những người Việt tham dự Hội nghị Đa Sắc tộc-Đa Tôn giáo rằng mọi người đều có quyền lựa chọn tôn giáo cho mình và thực hành các quyền của con người. Bà Amor nhắc nhở rằng tự do tôn giáo sẽ xác nhận sự tự do của con người.

Bên cạnh chương trình tại Quốc Hội Hoa Kỳ, phái đoàn người Việt tham dự Hội nghị còn thực hiện cuộc diễu hành đến Nhà Trắng với khẩu hiệu “Vì hòa bình, tự do, công lý cho Việt Nam”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/conference-of-vietnam-peoples-and-religions-09282018121606.html