Tin khắp nơi – 26/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 26/09/2018

TT Donald Trump:

‘Các nước cần chống lại CNXH’

Hôm thứ Ba 25/9, Tổng thống Donald Trump vừa có bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA).

Ông Trump nhắc đến những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được “chỉ trong chưa đầy hai năm”, sự cần thiết phải thay đổi hệ thống thương mại thế giới và tình hình khủng hoảng ở Venezuela mà theo ông là do chủ nghĩa xã hội gây ra.

“Nói một cách khác, nước Mỹ giờ đây là một quốc gia mạnh hơn, an toàn hơn và giàu có hơn khi tôi nhậm chức cách đây chưa đầy hai năm,” ông Trump tự khen khi phát biểu tại phiên họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Việt Nam sẵn sàng ‘nhận ghế’ Hội đồng Bảo an LHQ

Cuba muốn bỏ Chủ nghĩa Cộng sản

Cố Chủ tịch Trần Đại Quang – Hậu sự và nhân sự thay thế

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang qua đời và di sản

Hậu Cộng sản – cuộc chuyển đổi ‘chưa có điểm kết’

Vì sao giới trẻ Mỹ nay thích Chủ nghĩa Xã hội?

‘Tất cả các quốc gia nên chống lại CNXH’

Tổng thống Mỹ nói khá nhiều về tình hình cuộc khủng hoảng ở Venezuela, mà theo ông chủ yếu là do chủ nghĩa xã hội gây ra.

Ông Trump thông báo chính quyền Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt mới lên những người thân cận và các cố vấn của Tổng thống Venezuela Nicola Maduro.

“Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một thảm họa loài người, như một ví dụ. ở Venezuela. Hơn 2 triệu người đã bỏ chạy nỗi kinh hoàng mà chế độ xã hội chủ nghĩa Maduro và nước bảo trợ họ là Cuba đã mang lại”, Tổng thống Trump phát biểu.

Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp.Donald Trump ngày 25/9

“Cách đây không lâu, Venezuela là một trong những nước giàu nhất trên trái đất. Ngày nay, chủ nghĩa xã hội đã làm phá sản một quốc gia giàu dầu mỏ và đẩy người dân nước này vào cảnh nghèo đói cơ cực.

“Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người.

“Trên tinh thần đó, chúng tôi đề nghị các quốc gia có mặt ở đây cùng chúng tôi kêu gọi khôi phục dân chủ ở Venezuela. Hôm nay, chúng tôi công bố thêm các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ đàn áp, nhắm vào giới thân cận và các cố vấn gần gũi của Maduro.”

Chính quyền Hoa Kỳ cũng vừa công bố ra các lệnh trừng phạt nhắm vào Đệ nhất phu nhân Venezuela, Cilia Flores, Phó tổng thống Delcy Rodriguez, Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez và Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino.

Không chỉ thế, hôm 25/09 Hoa Kỳ còn ra lệnh giữ một phi cơ riêng trị giá 20 triệu USD mà chính quyền Mỹ cho là thuộc về một nhân vật có liên quan với lãnh đạo Đảng Xã hội Chủ nghĩa Venezuela, Diosdado Cabello.

Phát biểu bên lề Đại hội đồng LHQ, ông Trump từ chối nói Hoa Kỳ có ủng hộ việc lật đổ chế độ của ông Maduro hay không.

Tuy nhiên, ông Trump buông ra bình luận rằng “chế độ ở Venezuela thật ra rất dễ bị lật đổ bởi quân đội, nếu quân đội nước đó muốn làm”.

Đáp trả, ông Nicolas Maduro đã nói ông Trump “đừng động vào Cilia của tôi”.

Bà Cilia Flores là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong chính quyền Maduro và là dân biểu Quốc hội.

Một năm trước, chính quyền Mỹ đã đóng băng tài sản của ông Maduro.

Venezuela sắp giống ‘khủng hoảng Địa Trung Hải’

Venezuela ‘tê liệt’ vì lưu hành tiền mới

Chiến tranh thương mại và chuyện hai nước TQ

Jack Ma rút lời hứa tạo 1 triệu việc làm ở Mỹ

Về WTO và thương chiến với Trung Quốc

Cũng hôm 25/9, Tổng thống Donald Trump nói:

“Nhiều quốc gia trong hội trường này sẽ nhất trí rằng hệ thống thương mại thế giới hiện nay đang rất cần thay đổi.”

“Chẳng hạn, các nước gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO vi phạm tất cả các nguyên tắc làm cơ cở xây dựng tổ chức này. Trong khi Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác tuân thủ luật lệ, những nước này lại dùng kế hoạch hóa công nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ điều hành để gian lận hệ thống theo lợi ích của họ. Họ liên tục phá giá hàng hóa, cưỡng ép các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cao và đánh cắp sở hữu trí tuệ.

“Mỹ đã mất hơn ba triệu việc làm trong ngành chế tạo, gần một phần tư việc làm trong ngành thép và 60.000 nhà máy sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Và chúng tôi đã có thâm hụt thương mại 13 ngàn tỷ [với Trung Quốc] trong hai thập kỷ qua.

“Nhưng thời kỳ này đã chấm dứt. Chúng tôi không còn chấp nhận sự lạm dụng đó nữa. Chúng tôi sẽ không cho phép công nhân của chúng tôi thành nạn nhân, công ty của chúng tôi bị lừa dối và tài sản của chúng tôi bị tước đoạt và chuyển giao. Mỹ sẽ không bao giờ xin lỗi vì đã bảo vệ công dân của chúng tôi.

“Mỹ vừa tuyên bố áp dụng mức thuế mới lên 200 tỷ đô la lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, thành tổng số 250 tỷ USD [đã áp dụng] cho đến lúc này. Tôi rất tôn trọng và yêu mến với bạn tôi, Chủ tịch Tập, nhưng tôi cũng nói rõ mất cân bằng thương mại là không thể chấp nhận được. Việc Trung Quốc làm biến dạng thị trường và cách làm ăn của họ không thể được dung thứ. “

“Như chính quyền của tôi đã chứng tỏ, Mỹ luôn luôn hành động vì lợi ích quốc gia của chúng tôi,” Tổng thống Trump phát biểu.

Xã luận của báo Trung Quốc, trang Global Times ngày 26/9 phản ứng rằng diễn văn của ông Trump ở LHQ đã tạo ra “phản ứng tiêu cực trên thế giới”.

Tờ báo nói: “Washington mở tấn công chống Trung Quốc nhưng đã không có kết quả mong muốn.”

“Thế giới phương Tây nói chung giữ thái độ trung lập, và Mỹ chưa tìm ra vị thế có lợi.”

Hiện có bình luận rằng cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump không chỉ có mục tiêu thuần tuý kinh tế mà còn nhằm phá tan mô hình tư bản nhà nước ở Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45652940

 

TT Trump cáo buộc

TQ tìm cách can thiệp vào bầu cử QH Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/9 cáo buộc Trung Quốc tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 6/11 tới. Ông Trump nói rằng vì lập trường của ông về vấn đề thương mại nên Bắc Kinh không muốn Đảng Cộng hòa của ông đạt kết quả tốt.

“Trung Quốc đã và đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử 2018 sắp tới của chúng tôi, sẽ diễn ra vào tháng 11. Họ chống chính quyền của tôi”, ông Trump phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Phiên họp xoay quanh các chủ đề là không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và Iran.

Ông Trump không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho cáo buộc này. Trung Quốc đã không phản ứng ngay lập tức về những phát biểu của ông Trump, người giữ vai trò chủ tọa cuộc họp của Hội đồng.

“Họ không muốn tôi hoặc chúng tôi giành chiến thắng vì tôi là tổng thống đầu tiên đứng ra thách thức Trung Quốc về thương mại và chúng tôi đang chiến thắng về thương mại, chúng tôi đang chiến thắng ở mọi cấp độ. Chúng tôi không muốn họ can thiệp hoặc nhúng tay vào cuộc bầu cử sắp tới của chúng tôi”, ông Trump nói.

Phải đến năm 2020, chính ông Trump mới tái tranh cử, nhưng cuộc bầu cử vào tháng 11 sẽ quyết định liệu đảng Cộng hòa của ông có thể kiểm soát Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ hay không.

Các kết luận của tình báo Mỹ cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 đã ám ảnh nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Vào tháng 7, tại một hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, ông Trump đã chấp nhận lời phủ nhận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và tổng thống Mỹ mô tả các cuộc điều tra như một cuộc truy sát chính trị.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-cao-buoc-tq-tim-cach-can-thiep-vao-bau-cu-qh-my/4588105.html

 

TT Trump: Sẽ sớm công bố chi tiết

về cuộc gặp lãnh tụ Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/9 nói Hoa Kỳ và Triều Tiên có “mối quan hệ tuyệt vời đang diễn ra” và ông sẽ công bố thời gian và địa điểm của cuộc gặp tiếp theo giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong “tương lai rất gần”.

Cùng lúc ông Trump đi vào Liên Hiệp Quốc, ông nói với các phóng viên rằng: “Tôi sẽ gặp Chủ tịch Kim trong tương lai rất gần. Việc đó sẽ được công bố. Chúng tôi sẽ có họp báo hôm nay. Chúng tôi sẽ bắt đầu nói về việc đó. Chúng tôi sẽ công bố địa điểm và thời gian trong tương lai rất gần”.

Khi được hỏi Triều Tiên phải làm trước cuộc gặp tiếp theo giữa ông với ông Kim, ông Trump nói hai bên đã đạt “rất nhiều tiến bộ” kể từ năm ngoái. “Người ta đang phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Chúng ta có mối quan hệ tuyệt vời giữa nước ta và nước họ”, ông nói.

Cũng hôm 26/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các quan chức đang xây dựng chương trình cho cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng một cuộc gặp như vậy có thể phải diễn ra sau tháng 10.

“Chúng tôi đang làm việc tích cực để đảm bảo rằng chúng tôi có được các điều kiện phù hợp để chúng tôi có thể đạt được càng nhiều điều càng tốt trong cuộc gặp. Nhưng chúng tôi hy vọng nó sẽ sớm diễn ra”, ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “CBS This Morning”.

“Việc đó có thể diễn ra trong tháng 10 nhưng nhiều khả năng là sau đó”.

Cam kết và hành động của ông Kim còn xa mới đáp ứng yêu cầu của Washington về việc kiểm kê đầy đủ các chương trình vũ khí của Triều Tiên cũng như về các bước không thể đảo ngược nhằm từ bỏ kho vũ khí hạt nhân có khả năng đe dọa Hoa Kỳ.

Khi được hỏi liệu ông Kim đã đồng ý cho phép các thanh sát viên quốc tế đến các địa điểm hạt nhân hay không, ông Pompeo nói “Có”.

Ông Pompeo nói ông sẽ đến Bình Nhưỡng sớm nhưng không cho biết ngày cụ thể.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-se-som-cong-bo-chi-tiet-ve-cuoc-gap-lanh-tu-trieu-tien/4588076.html

 

Trump chỉ trích Iran là ‘chế độ độc tài hủ bại’

trong diễn văn trước LHQ

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba đả kích Iran là “chế độ độc tài hủ bại” đang cướp bóc người dân của mình để chi trả cho hành vi gây hấn của họ ở nước ngoài, sử dụng bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để đe dọa áp đặt thêm chế tài nữa đối với Tehran.

“Các nhà lãnh đạo Iran gieo rắc hỗn loạn, chết chóc và hủy diệt,” ông Trump phát biểu trước hội nghị hàng năm của các nhà lãnh đạo thế giới. “Họ không tôn trọng các nước láng giềng hoặc biên giới hoặc các quyền chủ quyền của các quốc gia.”

Bài diễn văn của ông Trump trong hội trường Liên Hiệp Quốc nhắm thẳng mục tiêu vào Iran, nước mà Mỹ cáo buộc nuôi dưỡng tham vọng hạt nhân và gây bất ổn ở Trung Đông thông qua sự hỗ trợ của họ dành cho các nhóm dân quân ở Syria, Lebanon và Yemen.

Nhưng phần lớn bài diễn văn 35 phút của ông là lời biện hộ cho các chính sách “Nước Mỹ Trước Tiên” của ông khi đặt lợi ích của Mỹ lên trước bất kì sự dịch chuyển nào về hướng chủ nghĩa toàn cầu, một thông điệp được đón nhận bằng sự im lặng trong hội trường.

Ngoài việc công khai chỉ trích Iran, ông Trump cũng chỉ trích Trung Quốc về các tập tục thương mại của nước này nhưng không đề cập đến sự can thiệp của Nga ở Syria hay sự can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ.

Ông Trump, vốn hay mở đầu các cuộc tập hợp chính trị của ông bằng cách khoe khoang thành tích kinh tế đạt được trong chưa đầy hai năm, sử dụng những lời lẽ như vậy trước các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà ngoại giao, nói với họ rằng ông đã đạt nhiều thành tựu hơn hầu hết các tổng thống Mỹ tiền nhiệm.

Phát biểu của ông khơi ra những tiếng thì thầm và tiếng cười trong đám đông, khiến tổng thống hơi ngạc nhiên.

“Tôi không mong đợi phản ứng đó, nhưng không sao,” ông nói.

Ông Trump viết trên Twitter vào sáng thứ Ba rằng ông đã từ bỏ hi vọng cho một cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong khi cả hai đều có mặt ở thành phố New York. Ông nói ông sẽ gia tăng áp lực kinh tế lên Tehran.

Vào tháng 5, ông rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận quốc tế đạt được vào năm 2015 để áp đặt những hạn chế lên chương trình hạt nhân của Iran nhằm đổi lấy việc nới lỏng các chế tài. Là kẻ thù của nhau từ hàng chục năm qua, Washington và Tehran ngày càng đối đầu gay gắt kể từ tháng 5. Thỏa thuận đạt được với Iran, một nước thành viên của OPEC, đã được đàm phán dưới thời Tổng thống Mỹ Đảng Dân chủ Barack Obama.

“Các chế tài bổ sung sẽ có hiệu lực trở lại vào ngày 5 tháng 11 và sẽ có thêm chế tài tiếp nối và chúng tôi đang làm việc với các nước nhập khẩu dầu thô của Iran để cắt giảm đáng kể các thương vụ của họ,” ông Trump nói.

Ông nói rằng Mỹ sẽ giúp tạo ra một liên minh chiến lược trong khu vực giữa các quốc gia vùng Vịnh và Jordan và Ai Cập, một kế hoạch mà Mỹ coi là thành trì chống lại Iran.

Ông Trump so sánh mối quan hệ của Mỹ và Iran với điều mà ông gọi là mối quan hệ được cải thiện với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, người mà ông Trump đã gặp ở Singapore vào tháng 6 như một phần trong một nỗ lực vẫn chưa thành tựu là buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình.

Trong bài diễn văn của ông vào năm ngoái, ông Trump đã sỉ nhục ông Kim là “ông hỏa tiễn” rắp tâm gây nên hủy diệt hạt nhân. Hôm thứ Ba, ông Trump ca ngợi ông Kim là đã đình chỉ các vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn, phóng thích những người Mỹ bị giam cầm và trả lại hài cốt một số binh lính Mỹ tử trận trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên trong những năm 1950.

Hai nhà lãnh đạo đang cố gắng thu xếp một hội nghị thượng đỉnh thứ hai và đang trao đổi thư tín riêng tư. Ông Trump đã nói rằng chế tài đối với Triều Tiên sẽ vẫn giữ nguyên vào thời điểm này.

https://www.voatiengviet.com/z/1812

 

Trump: Tình hình Venezuela

không thể chấp nhận được

Tổng thống Donald Trump hôm 25/9 gọi chính phủ của Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, là một chế độ tàn bạo và nói tình hình tại quốc gia Nam Mỹ này là không thể chấp nhận được.

Ông Trump mô tả Venezuela là một trong “những nơi thật sự tồi tệ” trên thế giới, vài giờ sau khi Hoa Kỳ áp đặt chế tài mới lên vợ ông Maduro và những thành viên quan trọng trong chính phủ trong đó có Phó Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng, cáo buộc những người này là đánh cắp tài sản quốc gia và giúp ông Maduro nắm chặt quyền hành.

Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez và Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino nằm trong số 6 người bị nhắm đến, theo tuyên bố ngày 25/9 của Bộ Tài chánh Mỹ.

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể và bắt buộc chống lại những người dính líu đến sự phá hủy nền dân chủ của Venezuela cũng như những người làm giàu trên sự đói khổ của nhân dân Venezuela,” Bộ Tài chánh Mỹ viết trong một thông cáo.

Chính quyền ông Trump đã áp đặt một vài vòng chế tài đối với chính phủ Maduro kể từ năm 2017 vì ông này bị cáo buộc đàn áp phe đối lập, gây ra tham nhũng sâu rộng và hủy hoại kinh tế Venezuela một thời thịnh vượng.

Siêu lạm phát lên đến 200 ngàn phần trăm. Nạn khan hiếm lương thực căn bản và thuốc men dẫn đến cuộc khủng hoảng di dân.

Ông Maduro nói chính quyền ông là nạn nhân của một cuộc “chiến tranh kinh tế” do các đối thủ chính trị của ông phát động với sự trợ giúp của Washington và cáo buộc các nước láng giềng phóng đại cuộc khủng hoảng di cư.

Bộ trưởng Thông tin Venezuela không trả lời yêu cầu bình luận.

Các chế tài cá nhân như đã được công bố ngày 25/9 cấm các công dân và các công ty Mỹ giao dịch với những cá nhân bị liệt kê vào danh sách và ngăn không cho họ được có tài khoản tại ngân hàng Mỹ hay ký các hợp đồng với các công ty Mỹ.

Ông Maduro vẫn nắm giữ được quyền lực dù tình hình khó khăn tại Venezuela, một phần vì được các thành viên lực lượng võ trang tiếp tục ủng hộ, trong đó có ông Padrino, 55 tuổi, người được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2014.

Đệ nhất Phu nhân Cilia Flores là một luật sư và là cựu Bộ trưởng Tư pháp cũng điều hành luôn cả nhánh lập pháp. Bà thường xuất hiện trước công chúng cùng với ông Maduro và được xem như là một nhân vật quan trọng đằng sau hậu trường chính trị.

Bà ‘nổi tiếng’ trên trường quốc tế sau khi hai cháu trai của bà bị bắt vì âm mưu chuyển lậu ma túy vào Mỹ mà bà mô tả là một vụ “bắt cóc.”

Phó Tổng thống Delcy Rodriguez, luật sư 49 tuổi, là một trong những đồng minh tín cẩn nhất của Maduro. Bà đã giữ các chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thông tin và hiện giờ là Phó Tổng thống.

Em bà, Jorge Rodriguez, là một đồng minh lâu năm của nhà lãnh đạo quá cố theo chủ nghĩa xã hội, Hugo Chavez, và hiện là Bộ trưởng Thông tin.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-venezuela-kh%C3%B4ng-th%E1%BB%83-ch%E1%BA%A5p-nh%E1%BA%ADn-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-/4587086.html

 

Mỹ không định can thiệp quân sự vào Venezuela

Người được Tổng thống Donald Trump đề cử lãnh đạo các hoạt động quân sự của Mỹ tại Châu Mỹ La Tinh ngày 25/9 tuyên bố không có kế hoạch nào đang được tiến hành về một giải pháp quân sự giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại Venezuela.

Tại buổi điều trần ở Thượng viện để chuẩn nhận Phó Đô đốc Craig Faller trở thành lãnh đạo Bộ Chỉ huy miền Nam của Hoa Kỳ, ông Faller được hỏi liệu Tổng thống Trump hay các giới chức hàng đầu khác của Mỹ có chuẩn bị các hành động quân sự hay các biện pháp quyết liệt khác đối với Venezuela hay không. Ông trả lời: “Chúng tôi không làm gì khác hơn là có kế hoạch cẩn thận bình thường mà một Bộ Chỉ huy chiến đấu phải làm để chuẩn bị một loạt các tình huống bất ngờ.”

Trong tháng này, Venezuela tố cáo Hoa Kỳ tìm cách can thiệp và hỗ trợ các âm mưu quân sự sau khi New York Times loan tin rằng chính quyền Trump đã họp mật với các sĩ quan phản loạn tại Venezuela trong năm qua để thảo luận về kế hoạch lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Ông Faller trong cuộc điều trần cũng đề cập đến kế hoạch quân sự để hỗ trợ cho các nước láng giềng của Venezuela bao gồm Colombia, Ecuador và Peru, những nước hiện phải đối phó với làn sóng người tị nạn trốn khỏi Venezuela vì cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Trong nỗ lực hỗ trợ đáp ứng cuộc khủng hoảng người tị nạn, Wasington có kế hoạch điều động một tàu bệnh viện của hải quân Mỹ đến vùng này, chiếc Comfort.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-kh%C3%B4ng-%C4%91%E1%BB%8Bnh-can-thi%E1%BB%87p-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-v%C3%A0o-venezuela-/4587064.html

 

Tướng Mỹ: Ngưng tập trận với Hàn Quốc

 làm giảm tính sẵn sàng của quân đội

Người được Ngũ Giác Đài đề cử chỉ huy các lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc ngày 25/9 tuyên bố quyết định ngưng một số cuộc tập trận giữa Hàn Quốc với Hoa Kỳ là “một rủi ro có tính toán” và rằng đã khiến tính sẵn sàng của quân đội bị hạ giảm đôi chút.

Tổng thống Donald Trump làm cho nhiều giới chức Mỹ bất ngờ khi ông loan báo sau cuộc họp thượng đỉnh chưa từng có với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rằng Hoa Kỳ ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

“Tôi có thể nói việc ngưng các cuộc tập trận tháng 8 và tháng 9 vừa qua là một rủi ro có tính toán nếu chúng ta muốn nỗ lực thay đổi quan hệ với Triều Tiên,” Đại tướng Lục quân Robert Abrams nói.

“Tôi nghĩ chắc chắn có việc giảm bớt tính sẵn sàng của quân đội,” ông Abrams nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện trong cuộc điều trần để chuẩn thuận ông. Ông nói thêm rằng ông tin là có sẵn kế hoạch để duy trì tính sẵn sàng tác chiến kể cả bằng cách thực hiện những cuộc tập trận nhỏ.

Việc ngưng các cuộc tập trận bị chỉ trích tại Mỹ như là nhượng bộ Triều Tiên quá sớm. Triều Tiên đã cưỡng lại các nỗ lực của Mỹ thuyết phục nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ông Trump nhắc đi nhắc rằng quyết định của ông ngưng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn đã giúp tiết kiệm phí tổn.

Một trong các cuộc tập trận quan trọng bị ông Trump đình chỉ là Cuộc tập trận Bảo vệ Tự do, mà quân đội Mỹ nói có thể tốn khoảng 14 triệu đô la.

Gần đây, ông Trump tuyên bố không có lý do gì để tái tục các cuộc tập trận với Hàn Quốc.

Tướng Abrams nói kế hoạch tập trận cho mùa xuân năm 2019 vẫn tiếp tục và quyết định tiến hành tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo. Ông nói thêm là không rõ có bao nhiêu cuộc tập trận chính được hủy bỏ mà không làm giảm bớt đáng kể tính sẵn sàng của quân đội Mỹ.

Tướng Abrams cũng cho rằng Triều Tiên vẫn còn có khả năng đáng kể và Hoa Kỳ nên cảnh giác về “mối đe dọa không đối xứng và xuyên lục địa của Triều Tiên.”

Hoa Kỳ có khoảng 28.500 binh sĩ trú đóng tại Hàn Quốc mà từ lâu Triều Tiên yêu cầu phải rút đi.

Tướng Abrams nói việc điều động quân đội Mỹ ra khỏi Bán đảo Triều Tiên sẽ tạo ra một rủi ro chiến thuật nghiêm trọng.

https://www.voatiengviet.com/a/t%C6%B0%E1%BB%9Bng-m%E1%BB%B9-ng%C6%B0ng-t%E1%BA%ADp-tr%E1%BA%ADn-v%E1%BB%9Bi-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-l%C3%A0m-gi%E1%BA%A3m-t%C3%ADnh-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-c%E1%BB%A7a-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i/4587125.html

 

Kinh tế Mỹ trên đà tăng tiến

Lòng tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 9 này đạt mức cao nhất trong vòng 18 năm nay giữa lúc các hộ gia đình lạc quan hơn về thị trường lao động, cho thấy nền kinh tế tăng trưởng bền vững dù chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn.

Dù những dữ liệu khác ngày 25/9 cho thấy giá nhà tăng không tăng gì mấy trong tháng 7, nhưng những dấu cộng về lòng tin người tiêu dùng và thị trường lao động có lẽ đủ để thúc đẩy sự thịnh vượng của các hộ gia đình, tiếp tục khuyến khích tiêu dùng, cũng như làm cho giá nhà ‘rơi vào tầm với’ đối với những ai mới mua nhà lần đầu.

“Người tiêu dùng luôn luôn là người lèo lái trong việc củng cố năng lượng để cổ máy kinh tế tăng trưởng, nhưng có một câu hỏi đáng giá hàng triệu đô la là việc gì sẽ xảy ra khi thuế quan bắt đầu áp dụng?” ông Chris Rupkey, kinh tế gia trưởng của Tập đoàn Tài chánh MUFG tại New York đặt vấn đề.

Đánh giá của người tiêu dùng về các điều kiện của thị trường lao động cải thiện đáng kể cho dù chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang leo thang. Các nhà kinh tế cảnh báo thương chiến Mỹ-Trung có thể dẫn tới mất công ăn việc làm và giá cả cao hơn.

Ngày 24/9 Washington áp thuế lên 200 tỉ đô la hàng hóa của Trung Quốc và Bắc Kinh trả đũa bằng cách đánh thuế nhập khẩu lên 60 tỉ đô la sản phẩm của Mỹ. Hoa Kỳ và Trung Quốc đã áp thuế lên 50 tỉ đô la giá trị hàng hóa của mỗi bên.

Hiện nay, người tiêu dùng dường như còn ‘để ngoài tai’ những căng thẳng về cuộc chiến thương mại. Các hộ gia đình trong tháng này lạc quan về các điều kiện kinh doanh trong 6 tháng tới, với nhiều hộ có kế hoạch mua nhiều máy móc dùng trong nhà, xe cơ giới và nhà cửa.

Một số nhà kinh tế tin rằng một thị trường lao động chặt chẽ khởi sự thúc đẩy tăng lương cùng với các khoản tiết kiệm tăng trong dân chúng có thể ‘chống lưng’ cho các hộ gia đình trước giá hàng nhập khẩu cao hơn từ Trung Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/kinh-t%E1%BA%BF-m%E1%BB%B9-tr%C3%AAn-%C4%91%C3%A0-t%C4%83ng-ti%E1%BA%BFn/4587104.html

 

Ứng viên Dân chủ dẫn trước tại Vành đai công nghiệp

nơi Trump thắng thế năm 2016

Một thượng nghị sĩ Mỹ đại diện cho bang Indiana được coi là một trong những thành viên Đảng dân chủ dễ thất cử nhất đang dẫn trước đối thủ của ông bên Đảng Cộng hòa với tỷ lệ sít sao, trong khi 4 đồng nghiệp cùng đảng Dân chủ của ông tại các tiểu bang Trung Đông Bắc, tức là vùng vành đai công nghiệp (Rust Belt) dẫn trước với tỷ lệ vững vàng tại các bang nơi mà Tổng thống Donald Trump từng thắng thế trong các cuộc bầu cử năm 2016.

Một cuộc thăm dò công luận do hãng tin Reuters, Công ty nghiên cứu Ipsos và Trung tâm Nghiên cứu Chính trị của Đại học Virginia cùng thực hiện mà kết quả được công bố hôm 26/9 cho thấy đa số cử tri ở các bang Pennsylvania, Wisconsin, Ohio, Michigan và Indiana không tán thành Tổng thống của Đảng Cộng hoà Donald Trump, và hơn 1/3 khẳng định là “có động lực” ủng hộ bất cứ ai có lập trường chống các chính sách của ông Trump.

Vẫn theo kết quả cuộc thăm dò thì Thượng nghị sĩ Joe Donnelly của bang Indiana dẫn trước doanh nhân Mike Braun, đối thủ của ông bên Đảng Cộng hoà. Ông Braun, một cựu dân biểu tiểu bang, tự cho mình là một ứng cử viên theo phong cách Trump, như một kẻ ngoại cuộc sẽ mang những quan điểm của người ngoài cuộc vào nền chính trị tại bang nhà của Phó Tổng thống Mike Pence.

Đảng Dân chủ đang ra sức giành thêm hai ghế tại Thượng viện trong các cuộc bầu cử quốc hội ngày 6 tháng 11, để chiếm thế đa số tại Thượng viện Liên bang, cho phép Đảng Dân chủ kiểm soát chương trình nghị sự của TT Trump. Họ không thể để mất bất kỳ ghế nào trong năm chiếc ghế được thăm dò.

Ông Trump từng thắng thế tại năm tiểu bang vừa nêu khi ông thuyết phục cử tri rằng ông là một người thực dụng, có kinh nghiệm trên doanh trường, và là người có thể cải thiện cuộc sống của những người lao động Mỹ. Hai năm sau, hơn phân nửa số cử tri ở những bang này nghĩ rằng đất nước đang “đi lầm đường”, theo kết quả thăm dò.

Kyle Kondik, một nhà phân tích chính trị tại Trung tâm nghiên cứu chính trị Đại học Virginia nói cơ hội kinh tế đã bị bóp nghẹt ở rất nhiều nơi trong vùng vành đai công nghiệp (Rust Belt) .

Ông Kondik nói cử tri vùng này thường xuyên thay đổi lập trường, lúc ủng hộ Đảng Cộng hoà, lúc thì ủng hộ Đảng Dân chủ, nhất là trong thành phần cử tri thất vọng với tình trạng thiếu tiến bộ kinh tế, quyết tâm dùng lá phiếu để thể hiện quan điểm không tán thành đối với đảng đương quyền.

Năm nay, đảng Dân chủ có thêm lợi thế là vừa nhắm vào một tổng thống không được lòng dân, vừa nhắm vào kế hoạch thuế của đảng Cộng hòa đã tăng vọt mức thâm hụt ngân sách, và nỗ lực thất bại của phe Cộng hòa trong việc hủy bỏ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Obamacare.

Các cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 12/9 đến 21/9.

https://www.voatiengviet.com/a/ung-vien-dan-chu-dan-truoc-tai-vanh-dai-cong-nghiep/4588141.html

 

65 Phụ Nữ Viết Thư Ngỏ Bênh Kavanaugh

Tôn Trọng Phụ Nữ; Phụ Nữ Thứ 3 Tố Cáo Kavanaugh

Sắp Xuất Hiện Là Viên Chức Chính Phủ

WASHINGTON   –     64 phụ nữ ký tên trong 1 thư ngỏ gửi ủy ban pháp chế Thượng Viện, xác nhận ứng viên TCPV của TT Trump là người hành xử danh dự và biết tôn trọng phụ nữ – trong số này, bà Renate Schroeder Dolphin phát biểu “Tôi cầu nguyện để con gái họ không bị cư xử như thế”, và không tố cáo Kavanaugh có hành vi bất xứng.

Bà tự nhận biết là đối tượng pha trò được nêu tên 14 lần theo ghi nhận của ông Kavanaugh trong kỷ yếu của trường năm 1983. Bà theo học 1 trường gần trường Georgetown Prep thập niên 1980. Phụ đề bên dưới 1 tấm ảnh bà Dolphin chụp chung với đội football của Kavanaugh ghi tên “Dolphin Alumni”.

Kavanaugh và các bạn dùng tên của Dolphin là Renate như là “mật hiệu”mô tả điều mà 2 bạn của Kavanaugh nói là “chuyện đùa cợt nội bộ” liên quan với những phát biểu về “đối đầu tình dục với Dolphin”.

Trong cuộc phỏng vấn tối Thứ Hai của Fox News, khi bình luận về những năm học bậc trung học, Kavanaugh nói “Người ta có thể uống quá nhiều bia vào 1 dịp nào đó. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta có thể đã làm những việc mà khi hồi tưởng lại có thể hối tiếc hay run sợ”…

Trong khi đó, liên quan đến ứng cử viên TCPV Kavanaugh, một bản tin khác cho biết rằng bạn cùng trường Yale dùng twitter mô tả Kavanaugh là sinh viên uống “nặng” và trở nên “hung hăng” khi say.

Ông James Roche, là bạn chung phòng học kỳ Thu 1983, cho hay 2 người không trò chuyện nhiều, nhưng tán gẫu ban đêm khi Kavanaugh trở về phòng sau khi vui chơi bên ngoài với các bạn khác.

Ông Roche mô tả bà Deborah Ramirez là “trung thực khác thường và thẳng thắn” – trong chương trình ABC News kênh số 7 tại California, ông nói “Không thể tưởng tựơng bà ta dựng chuyện. Tôi tin rằng Kavanaugh và nhóm bạn xã giao có khả năng về những hành động mà Debbie mô tả”. Ngoài ra, ông Roche xác quyết: chưa bao giờ say đến mức quên các hành động của Kavanaugh.

Tính vào chiều Thứ Hai, đã có 3 phụ nữ tố cáo ứng viên TCPV của TT Trump tấn công tình dục hơn 3 thập niên trước – nạn nhân thứ 3 chưa xuất hiện, nhưng được 1 luật sư chuyển thông điệp về ý định tố cáo ông Kavanaugh trong nay mai.

Về phần mình, ông Kavanaugh khẳng định không rút lại vai trò ứng viên TCPV – ngoài ra, ông xác quyết “còn là trai tân vào thời điểm của tố cáo tấn công tình dục” trong chương trình phỏng vấn 2 vợ chồng của Fox News.

2 người tố cáo trước là giáo sư Christine Blasey Ford và bà Deborah Ramirez (cùng học trường luật Yale) không mô tả hành vi xâm phạm của Kavanaugh là giao hợp. Riêng bà Ramirez xác nhận đã có thể đẩy Kavanaugh ra sau khi đương sự đưa dương vật tới sát mặt bà – trong trường hợp bà Ford, Kavanaugh bị tố cáo tìm cách lột hết xiêm y của đối tượng.

TT Trump đang dẫn đầu 1 chiến dịch toàn lực của đảng CH bênh vực Kavanaugh trong khi ủy ban pháp chế Thượng Viện đã định cho 2 nhân vật chính điều trần vào ngày Thứ Năm. Thủ lãnh DC Thượng Viện Chuck Schumer thách thức “Nếu các tố giác là bịa đặt, sao không yêu cầu FBI điều tra”. Ông Trump đã minh định không ra lệnh cho FBI điều tra.

Phóng viên nhận thấy chưa có dấu hiệu sự xuất hiện người tố cáo thứ nhì gây thương tích đoạt mạng với ông Kavanaugh.

Ông này đang là chánh án tòa phúc thẩm tại quản hạt Washongtin D.C. cả quyết chưa từng tấn công tình dục ai trong đời, và không hoạt động tình dục nhiều năm sau ngày tốt nghiệp bậc trung học.

Chưa thấy phản ứng từ 3 nghị sĩ CH có lập trường ôn hòa, gồm Susan Collins (tiểu bang Maine), Lisa Murkowski (tiểu bang Alaska) và Jeff Flake (Arizona).

Nghị sĩ Mitch McConnel, thủ lãnh đa số CH tại Thượng Viện,  tố cáo phe DC mở chiến dịch đáng hổ thẹn bôi nhọ ứng viên Kavanaugh để phá tiến trình chuẩn thuận chánh án tòa phúc thẩm được TT Trump đề cử vào TCPV. Ông McConnell nói rõ “Các nhà lập pháp DC tìm cách hủy diệt danh dự và sự nghiệp của 1 cá nhân bằng các tố giác sự việc của nhiều thập niên trước” – phát biểu của ông tại hội trường dùng chữ “smear – bôi bẩn” 6 lần.

Ngoài ra, báo Sentinel xuất bản tại Montgomery county (Maryland) đưa tin nhà chức trách địa phương đang điều tra tố cáo hành vi bất xứng của Kavanaugh của 1 phụ nữ chưa rõ danh tính.

Vừa tới New York sáng Thứ Hai để dự các buổi họp của đại hội đồng LHQ, TT Trump tuyên bố tin cậy và hậu thuẫn ông Kavanaugh.

Chưa rõ bà này có phải là nhân vật mà luật sư Avenatti nói đến tối Thứ Hai.

Tại Capitol Hill, trên 120 người biểu tình phản đối Kavanaugh bị bắt trong lúc phong trào lên cao khi các nhân vật nổi tiếng lên tiếng qua mạng xã hội –  1 số người chia sẻ kinh nghiệm bị cưỡng hiếp và hô hào các nhà lập pháp đứng về phía nạn nhân bị lạm dụng. Thứ Năm tuần qua, cảnh sát bảo vệ trụ sở QH bắt khoảng 60 người phản đối ứng viên TCPV của TT Trump, theo tin ABC. Ban tổ chức biểu tình gồm thành viên của Women’s March, Planning Parenthood và NARAL. Trường Yale chứng kiến gần 300 sinh viên bãi khóa để phản đối Kavanaugh, là cựu sinh viên trường này. Thông điệp chung là: hãy tin vào các tố giác của 2 phụ nữ, và ngưng tiến trình phê duyệt ứng viên Kavanaugh.

Nghị sĩ Ted Cruz (Texas) là 1 thành viên của ủy ban pháp chế Thượng Viện sẽ biểu quyết chấp thuận hay không ứng viên TCPV Kavanaugh – tối Thứ Hai, ông bị người biểu tình chống Kavanaugh đối đầu tại 1 nhà hàng ở khu vực thủ đô Washington, theo tin HuffPost.

Ông và vợ bị hò hét, xua đuổi trong tiếng hô “Chúng tôi tin các nạn nhân bị tấn công tình dục”.

Mạng xã hội ghi nhận sự kiện này với tựa đề “smashracismDC”.

Ông Cruz được biết là bạn của Kavanaugh từ 20 năm – 1 phụ nữ tự xưng là nạn nhân, đến đối đầu ông Cruz và hỏi “Ông có tin các nạn nhân – tôi có quyền được biết lập trường của ông về Kavanaugh”.

Ông đáp lại “Xin thượng đế phù hộ bà”.

1 số nạn nhân bị tấn công tình dục tập họp bên ngoài văn phòng của nghị sĩ Crus ở Austin (Texas) để bày tỏ sự hậu thuẫn 2 người đã công khai tố cáo ứng viên Kavanaugh tấn công tình dục thời đi học.

1 bà xưng tên Carol Abbassi nói với phóng viên NBC “Chúng tôi muốn tiếng nói của chúng tôi được nghe thấy – chúng tôi muốn công bằng cho mọi người”.

Trong khi đó, một bản tin của báo The Hill hôm Thứ Ba cho biết rằng Ủy Ban Pháp Chế Thượng Viện đã lên lịch trình bỏ phiếu cho ứng viên Tối Cao Pháp Viện Brett Kavanaugh vào sáng  Thứ Sáu, theo thông báo của ủy ban này cho biết.

Ngoài ra, Luật sư Michael Avenatti, là đại diện của cô đào đóng phim X là Stormy Daniels, lên tiếng cảnh cáo mưu đồ hạ uy tín của người tố cáo tấn công tình dục thứ 3 chống lại ứng viên Kavanaugh.

Trong chương trình Chris Cuomo của CNN tối Thứ Hai, ông cho hay bà này vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân, sẽ lên tiếng trong 48 giờ, là trước buổi điều trần của ủy ban pháp chế Thượng Viện đã định vào ngày Thứ Năm 27-9.

 

Ông nói: các ông Trump, Kavanaugh và số nghị sĩ hậu thuẫn Kavanaugh nên cẩn trọng, vì âm mưu chống lại sau cùng sẽ bị chứng minh là gian dối.

Trong cuộc trò chuyện với Chris Cuomo, ông Avenatti cũng thách thức khẳng định của ông Kavanaugh là không hề xâm phạm phụ nữ, là trai tân và chưa biết quan hệ tình dục nhiều năm sau khi hoàn tất bậc trung học.

Theo tin CBS, luật sư Avenatti cho biết người tố cáo thứ 3 biết Kavanaugh chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để cưỡng hiếp nữ sinh – ông nói “Khi mọi người nghe trình bày của bà này, sẽ thấy là tin”.

Vài chi tiết ông tiết lộ là bà này từng làm việc với kho bạc liên bang, Bộ tư pháp và Bộ ngoại giao.

https://vietbao.com/p114a285838/65-phu-nu-viet-thu-ngo-benh-kavanaugh-ton-trong-phu-nu-phu-nu-thu-3-to-cao-kavanaugh-sap-xuat-hien-la-vien-chuc-chinh-phu

 

Hai đồng sáng lập Instagram từ chức

sau mâu thuẫn với Mark Zuckerberg

Ngày 25/9, hai nhà đồng sáng lập Instagram, ứng dụng chia sẻ hình ảnh thuộc sở hữu của Facebook, là Kevin Systrom và Mike Krieger, đã từ chức Giám đốc điều hành và Giám đốc kỹ thuật mà không giải thích rõ ràng lý do họ đi tới quyết định này.

Bản tin của Reuters nói sự ra đi của hai nhà điều hành công ty có doanh thu tăng trưởng nhanh nhất trong tập đoàn Facebook diễn ra chỉ vài tháng sau khi ông Jan Koum, nhà đồng sáng lập ứng dụng WhatsApp của Facebook, rời mạng xã hội này. Instagram và WhatsApp là hai dịch vụ lớn nhất của Facebook hiện nay.

Sự ra đi của các cấp lãnh đạo Facebook diễn ra vào thời điểm nền tảng cốt lõi của mạng xã hội Facebook bị chỉ trích nặng nề về cách thức bảo vệ dữ liệu của khách hàng, trong lúc FB phải chống lại các âm mưu có ý đồ chính trị nhằm truyền bá những thông tin sai lệch, và giữa lúc giới trẻ càng ngày càng chọn những cách thay thế khác để duy trì liên lạc với gia đình và bạn bè.

Viết trên trang blog hôm thứ Hai, ông Systrom nói ông và ông Krieger dự tính nghỉ ngơi một thời gian để tìm hiểu và khám phá “tính hiếu kỳ và óc sáng tạo của chúng tôi một lần nữa”.

Thông báo của hai nhà đồng sáng lập Instagram được công bố sau khi xảy ra những vụ va chạm ngày càng thường xuyên với Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg về cách điều hành Instagram, Bloomberg đưa tin.

Trong một thông báo, Mark Zuckerberg miêu tả Kevin Systrom và Mike Krieger là những “lãnh đạo có biệt tài tung ra những sản phẩm phi thường”.

“Tôi đã học được rất nhiều khi làm việc với hai ông trong suốt sáu năm qua và tôi thực sự rất thích thú. Tôi chúc họ tất cả những điều tốt đẹp nhất và nóng lòng trông chờ xem họ sẽ tạo ra những gì trong thời gian sắp tới”, ông Zuckerberg nói.

Ông Jan Koum ra đi vào tháng 5 sau khi nhà đồng sáng lập WhatsApp Brian Acton rời Facebook, dẫn đến những thay đổi nhân sự trong các cấp điều hành tập đoàn Facebook, tăng ảnh hưởng của Mark Zuckerberg, và khả năng của ông can thiệp vào các hoạt động hàng ngày của Facebook. Zuckerberg cùng với Chris Cox, người đứng đầu việc phát triển sản phẩm cho ứng dụng chính của Facebook, đang nắm luôn trong tay nhiệm vụ giám sát WhatsApp và Instagram, trước đây đã được điều hành một cách độc lập khi Facebook mua lại hai công ty này.

Adam Mosseri, người giám sát tin tức trên Facebook đã từng làm việc chặt chẽ với Zuckerberg trong suốt 1 thập niên qua, trở thành người đứng đầu sản phẩm của Instagram.

Instagram và Facebook trước đây hoạt động một cách độc lập và hai dịch vụ này hầu như không hề đề cập đến nhau. Nhưng trong bối cảnh các nhà giám sát tăng áp lực đòi Facebook phải cải thiện các biện pháp bảo vệ thông tin và quyền riêng tư cá nhân, chống nạn nghiện mạng xã hội, ngăn chặn thông tin sai lạc hoặc tin giả, Mark Zuckerberg và các nhà lãnh đạo khác phải chịu nhiều áp lực phải giám sát các đơn vị bên ngoài mạng xã hội chính.

Facebook mua lại Instagram vào năm 2012 với giá 1 tỷ USD. Ứng dụng chia sẻ hình ảnh này hiện có hơn 1 tỷ người sử dụng hàng tháng và đang phát triển bằng cách thêm các tính năng như nhắn tin và video ngắn.

Doanh thu toàn cầu của Instagram trong năm nay có thể vượt 8 tỷ USD, theo dữ liệu hãng tư vấn quảng cáo EMarketer.

https://www.voatiengviet.com/a/hai-dong-sang-lap-instagram-tu-chuc-sau-mau-thuan-voi-mark-zuckerberg/4586818.html

 

Facebook sẽ gỡ tài khoản của Đảng HKNP

 ủng hộ độc lập tại Hong Kong?

Facebook chưa có phản hồi nào trước yêu cầu của Cảnh sát Hong Kong phải đóng tài khoản trang fanpage của Đảng Quốc gia Hong Kong (HKNP), một đảng ủng hộ Hong Kong độc lập vừa bị chính quyền cấm hoạt động vào hôm thứ Hai, ngày 24 tháng 9.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng loan tin vừa nêu vào ngày 25 tháng 9, cho biết trong cùng ngày Chính quyền Hong Kong ra quyết định cấm Đảng HKNP hoạt động, Cảnh sát Hong Kong yêu cầu Facebook đóng tài khoản của Đảng HKNP trên cơ sở an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, cũng như bảo vệ các quyền và tự do của công chúng.

Bộ trưởng An Ninh Hong Kong John Lee Ka-chiu, vào ngày 24 tháng 9, lên tiếng cảnh cáo bất kỳ ai hợp tác với Đảng KHNP bằng các hình thức như tham gia, ủng hộ tài chính, phục vụ, hỗ trợ sẽ phải chịu trách nhiệm về án phạt hoặc án tù từ hai đến ba năm.

Dư luận cho rằng theo như lời cảnh báo của Bộ trưởng An Ninh Hong Kong thì Tập đoàn Facebook có khả năng đối diện với trách nhiệm hình sự khi Đảng HKNP đăng tải thông tin của đảng này trên mạng xã hội Facebook.

Đảng KHNP là đảng đầu tiên bị Chính quyền Hong Kong cấm hoạt động kể từ khi đảo quốc này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc hồi năm 1997, theo hình thức “một quốc gia, hai thể chể”.

Trong thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, phổ biến vào ngày 24 tháng 9, bà Sophie Richardson- Giám đốc đặc trách về Trung Quốc tuyên bố rằng nhân quyền ở Hong Kong bị kìm hãm trong những năm gần đây, nhưng lệnh vừa ban hành của Chính quyền Hong Kong đối với Đảng HKNP cho thấy là một cú đấm thẳng vào quyền tự do thể hiện quan điểm của dân chúng Hong Kong.

Đại diện của Human Rights Watch kêu gọi Chính quyền Hong Kong nên ngay lập tức rút lại quyết định cấm Đảng HKNP hoạt động vì một quyết định hẹp hòi nhưng lại gây tác hại sâu xa.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/will-facebook-take-down-page-of-banned-hong-kong-ational-party-09252018131713.html

 

Bill Cosby nhận án tù tới 10 năm

vì tội tấn công tình dục

Ông Bill Cosby bị đưa ra khỏi tòa với tay bị còng hôm 25/9 sau khi thẩm phán gọi ông là “kẻ rình rập hãm hại” và kết án ông từ 3 đến 10 năm tù vì tội tấn công tình dục, đánh dấu sự sụp đổ của diễn viên hài từng được yêu mến và được gọi là “người cha của nước Mỹ”.

Ông Cosby, 81 tuổi, đã bị xác định là có tội hồi tháng Tư đối với 3 tội danh về đánh thuốc mê và tấn công tình dục một người bạn của ông là bà Andrea Constand, một cựu cán bộ quản lý tại trường ĐHTH Temple. Vụ việc xảy ra tại nhà của ông ở Philadelphia vào năm 2004.

Ông là người nổi tiếng đầu tiên bị kết tội xâm hại tình dục kể từ khi bắt đầu phong trào #MeToo, là làn sóng trên toàn nước Mỹ tố cáo các hành vi sai trái, dẫn đến việc hạ bệ hàng chục người đàn ông có thế lực trong lĩnh vực giải trí, chính trị và các lĩnh vực khác.

Ông Cosby phải thụ án ít nhất 3 năm trong một nhà tù Pennsylvania trước khi ông đạt đủ điều kiện để được thả song vẫn bị giám sát. Tuy nhiên, ông cũng có thể phải ngồi tù đủ 10 năm.

Thẩm phán Steven O’Neill thuộc Tòa án Thỉnh cầu Phổ thông Quận hạt Montgomery đã ra lệnh bỏ tù ông Cosby ngay lập tức.

Vài phút trước đó, bà Constand rời khỏi tòa án với hai tay khoanh trước ngực, và cười rạng rỡ khi những phụ nữ khác cũng có cáo buộc đối với ông Cosby tiến đến ôm lấy bà.

Thẩm phán O’Neill cũng phạt ông Cosby 25.000 đô la và ra lệnh ông trả các chi phí của việc truy tố. Người nghệ sĩ bị ô nhục này không thể hiện phản ứng rõ rệt nào khi ông ta nghe phán quyết về số phận của mình.

Ông Cosby đã ghi dấu ấn sâu đậm trong khán giả với hình ảnh một con người của gia đình qua vai diễn là tiến sĩ Cliff Huxtable trong bộ phim hài truyền hình The Cosby Show thời thập niên 1980.

Ông Cosby đã phủ nhận về bất kỳ hành vi sai trái nào. Khi được hỏi liệu ông có muốn phát biểu tại tòa trước khi tòa tuyên án không, ông Cosby đã từ chối thông qua luật sư của mình.

https://www.voatiengviet.com/a/bill-cosby-nhan-an-tu-toi-10-nam-vi-toi-tan-cong-tinh-duc/4587966.html

 

Đại Hội Đồng LHQ bàn vấn đề Iran,

vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt

Hội nghị thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tiếp diễn hôm thứ Tư 26/9 với những bài diễn văn của các nhà lãnh đạo đến từ Iraq, Yemen, Afghanistan, Cuba và Anh, trong khi Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp bên lề hội nghị để thảo luận về những vấn đề khác, trong đó có ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông và các vấn đề xung quanh thỏa thuận cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cuộc họp này sẽ do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chủ trì. Trong bài diễn văn của ông trước Đại Hội Đồng ngày hôm trước, ông Trump kêu gọi các lãnh đạo thế giới hãy “cô lập chế độ cầm quyền ở Iran chừng nào mà thái độ hung hăng của họ vẫn tiếp tục.”

Tổng thống Trump nói:

“Họ không tôn trọng các nước láng giềng và biên giới của các nước này, hoặc chủ quyền của các quốc gia. Thay vào đó, họ phung phí tài nguyên quốc gia để làm giàu cho chính mình, và gieo rắc hỗn loạn trên khắp Trung Đông và xa hơn nữa.”

Ông Trump vẫn duy trì lập trường cho rằng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, mà ông đã rút ra sau khi lên nắm quyền, là một “thỏa thuận béo bở cho giới lãnh đạo Iran” đã giúp tăng ngân sách quân sự nước này lên gần 40% để “tài trợ cho khủng bố và cung cấp tiền bạc cho các hoạt động gây rối và giết chóc tại Syria và Yemen.”

Tổng thống Mỹ cho biết hồi tháng trước chính quyền của ông đã bắt đầu “tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hạt nhân nghiêm ngặt đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận đạt được trước đây”. Ông Trump còn cho biết là từ ngày 5 tháng 11 trở đi, sẽ còn nhiều biện pháp trừng phạt khác nữa được áp dụng.

Trong bài phát biểu của ông trước Đại Hội Đồng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói không thể dùng vũ lực để buộc một quốc gia phải ngồi vào bàn đàm phán. Ông Rouhani đặt câu hỏi làm thế nào Iran có thể tham gia một thỏa thuận với Hoa Kỳ, mà theo lời ông, “vi phạm các chính sách của Tổng thống tiền nhiệm của ông Trump, Barack Obama. Thêm vào đó, ông Rouhani tố cáo chính quyền Trump là tìm cách vô hiệu hóa tất cả các định chế toàn cầu.

Trong một năm qua từ khi ông xuất hiện lần đầu tiên trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ông Trump đã cắt tài trợ cho tổ chức thế giới này, rút ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời rút khỏi các cơ quan Liên Hiệp Quốc, kể cả Hội đồng Nhân quyền. Ông cũng đã có những chuyến giao lưu đầy khó khăn tại các cuộc họp với các nhà lãnh đạo của nhóm G-7 và NATO.

https://www.voatiengviet.com/a/4587840.html

 

LHCA đề ra chiến lược cạnh tranh

với Con Đường Tơ Lụa Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Vào lúc thái độ nghi ngờ đối với đề án Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Quốc ngày càng tăng, Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị đưa ra một dự án thay thế cho vùng Châu Á, được quảng bá là không khiến cho các nước tham gia bị ngập đầu trong những khoản nợ mà họ không thể trả. Theo tiết lộ của hãng tin Pháp AFP ngày 26/09/2018, kế hoạch này sẽ được các nước châu Âu ký trong những ngày sắp tới cho kịp hội nghị thượng đỉnh Á – Âu mở ra vào tháng 10 tới đây.

Mang tên « Chiến lược kết nối châu Á – Asia Connectivity Strategy », dự án này nhằm mục tiêu cải thiện màng lưới năng lượng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc bằng kỹ thuật số, đồng thời cổ vũ cho việc bảo vệ môi trường và tôn trọng chuẩn mực lao động.

Bruxelles nhấn mạnh là mô hình châu Âu không nhằm đáp trả bất kỳ một ai, nhưng giới quan sát đều gắn liền việc đề xuất chiến lược này với việc Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, với hạ tầng cơ sở, đường xá, cảng biển, tuyến xe lửa được xây khắp thế giới, sử dụng hàng tỷ đô la tiền vay Trung Quốc, đang mất dần hào quang.

Lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini, cho biết là các cuộc thảo luận đã mất hàng tháng trời với một số quốc gia Châu Á « chú ý đến cách làm của Châu Âu ». Trả lời báo chí, bà Mogherini xác định rằng mục đích của châu Âu là tạo công việc làm, tăng trưởng, sao cho có lợi cho các cộng đồng tại chỗ. Bà nói thêm: « Tôi không muốn nói là điều đó có khác với đề nghị của ai khác hay không, nhưng đó là đề nghị của chúng tôi. »

Theo ghi nhận của AFP, chiến lược châu Á mới này được đưa ra sau khi chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu có một chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn, đẩy mạnh kinh tế của khối, đối mặt không chỉ với chủ trương « Nước Mỹ Trên Hết » của tổng thống Donald Trump, mà cả với sự can dự của Trung Quốc ở Châu Phi cũng như Châu Á.

Maaike Okano-Heijmans, một chuyên gia về quan hệ Á-Âu thuộc viện Clingendael Institute (Hà Lan), đánh giá đây là bước đi « rất quan trọng » sau khi Châu Âu bị chỉ trích là quá chậm chạp trong việc đối phó với quyền lực mềm của Trung Quốc, thời gian qua.

Trả lời AFP, chuyên gia này cho rằng: « Chúng ta không thể tố cáo Liên Hiệp Châu Âu là không có tầm nhìn nữa. Thách thức bây giờ là làm thế nào là biến nó thành một cái gì có thực chất mà một số quốc gia có thể chọn lựa. Bởi vì một kế hoạch như vậy đòi hỏi rất nhiều tiền, mà không ai có thể cạnh tranh với tiền của Trung Quốc »

Vào thượng tuần tháng 9, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói là thương mại của Trung Quốc với các nước tham gia Con Đường Tơ Lụa mới đã vượt mức 5 ngàn tỷ đô la, trong đó có hơn 60 tỷ đầu tư trực tiếp.

Thế nhưng, một số nước đã bắt đầu tự hỏi là những ràng buộc gắn với các món tiền phải chăng đang biến tiền vay thành gánh nặng hơn là thuận lợi ?

Chiến lược đề nghị nhấn mạnh trên những « chuẩn mực cao về môi trường và lao động », và tính chất vừa phải về mặt tài chính của các dự án hạ tầng cơ sở.

Theo AFP, lời nhấn mạnh đó rõ ràng là nhắm vào Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc, đang bị cho là đã tạo ra bẫy nợ đối với những nước tin vào sự hào phóng của Trung Quốc.

Nỗi lo ngại này có vẻ có cơ sở khi vào năm ngoái, 2017, Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê trong 99 năm cảng chiến lược của mình vì không trả nổi khoản nợ 1,4 tỷ đô la cho dự án. Tháng 8 vừa qua, đến lượt Malaysia tuyên bố ngưng 3 dự án mà Bắc Kinh tài trợ, trong đó có đề án đường xe lửa trị giá 20 tỷ đô la. Còn Pakistan, cho đến gần đây còn rất hứng thú đón nhận tiền Trung Quốc, nay đã cam kết minh bạch hơn nữa trước dư luận lo ngại khả năng không trả được nợ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180926-lhca-de-ra-chien-luoc-canh-tranh-voi-con-duong-to-lua-trung-quoc-ok

 

EU thành lập hệ thống thanh toán

 với Iran để duy trì thương mại

Richard Green

Năm bên còn lại trong hiệp ước hạt nhân với Iran nhất trí thành lập một hệ thống thanh toán đặc biệt để cho phép các công ty tiếp tục kinh doanh với chính quyền Iran và tránh được những biện pháp chế tài mà Mỹ mới áp đặt.

Đại diện các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran đã ra một tuyên bố chung vào cuối ngày 24/9 tại Liên Hiệp Quốc, loan báo việc thành lập một cơ chế mới gọi là “Phương tiện Mục tiêu Đặc biệt” (SPV) trong Liên minh châu Âu. Các bên tham gia cho biết cơ chế mới được lập ra để tạo điều kiện dễ dàng cho việc thanh toán các khoản tiền trả liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu từ Iran, kể cả dầu hỏa.

Người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU, bà Federica Mogherini, nói với các phóng viên sau khi hiệp định được công bố rằng SPV trao cho các nước thành viên EU “một thực thể pháp lý để hỗ trợ các giao dịch tài chính hợp pháp với Iran, đồng thời cho phép các công ty của châu Âu tiếp tục kinh doanh với Iran theo luật pháp của Liên minh châu Âu, đồng thời để ngỏ khả năng hợp tác với các đối tác khác trên thế giới.”

Bà Mogherini nói thỏa thuận tài chính đó đồng thời nhắm tới việc bảo toàn hiệp định hạt nhân đạt được với Iran hồi năm 2015, để giảm dần quy mô của chương trình hạt nhân Iran để đánh đổi việc dỡ bỏ các biện pháp chế tài khắc nghiệt về kinh tế. Hiệp định đó đã được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, là ông Barack Obama, ký kết, thế nhưng người kế nhiệm ông là Tổng thống Donald Trump, đã rút ra khỏi hiệp định vào tháng 5 năm nay vì cho rằng nó không ngăn chặn được chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, hay ảnh hưởng của Iran đối với khu vực Trung Đông.

Cũng liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, ông Trump hôm 25/9 tuyên bố sẽ không gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani giữa lúc các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, theo Reuters. Tuy nhiên Tổng thống Trump ra dấu hiệu rằng ông mở ngỏ khả năng gặp gỡ với lãnh đạo Iran trong tương lai bất chấp những căng thẳng vẫn âm ỉ giữa hai bên liên quan tới về hiệp định hạt nhân Iran.

Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran đều có mặt tại New York để tham dự hội nghị thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Vào sáng ngày 25/9, ông Trump có bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tham dự cuộc họp.

Washington và Tehran đã đối đầu nhau trong nhiều thập kỷ, và từ tháng 5 vừa qua tình trạng đối đầu lại càng leo thang khi tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa rút ra khỏi hiệp định hạt nhân quốc tế với Iran và tuyên bố các biện pháp chế tài chống lại nước thành viên OPEC.

Mùa hè vừa rồi, ông Trump nói ông sẽ gặp ông Rouhani mà không cần điều kiện tiên quyết để thương thuyết một hiệp ước. Hôm 23/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại lời mời này, giờ được mở rộng tới lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Khamenei.

Ông Rouhani hôm 25/9 nói rằng Tehran sẽ không thương thuyết với ông Trump cho tới khi nào Hoa Kỳ trở lại với hiệp ước đã ký kết năm 2015.

Hãng tin IRNA của nhà nước Iran dẫn lời Cố vấn cao cấp nhất của ông Khamenei, Ali Akbar Velayati, hôm 25/9 khước từ lời mời của phía Mỹ. Ông nói “giấc mơ của ông Trump và ông Pompeo sẽ không bao trở giờ sự thật”.

https://www.voatiengviet.com/a/eu-thanh-lap-he-thong-thanh-toan-voi-iran-de-duy-tri-thuong-mai/4586741.html

 

Aquarius sẽ cập bến Malta. Bốn nước châu Âu

chia nhau đón thuyền nhân

Thanh Phương

Theo một thỏa thuận đạt được hôm qua, 25/09/2018, chiếc tàu nhân đạo Aquarius sẽ được phép cập bến Malta, để 58 thuyền nhân được lên bờ và sau đó sẽ được bốn nước châu Âu Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Đức chia nhau đón nhận.

Cụ thể, theo một nguồn tin chính phủ Pháp nói với hãng tin AFP, trong số 58 thuyền nhân được tàu Aquarius vớt trên Địa Trung Hải, Pháp sẽ nhận 18 người, Đức và Tây Ban Nha mỗi nước 15 người và Bồ Đào Nha 10 người.

Trong một thông cáo, thủ tướng Pháp Edouard Philippe tỏ vẻ hài lòng là châu Âu đã tìm ra một giải pháp « nhân đạo và hiệu quả », và « nước Pháp đã một lần nữa làm tròn trách nhiệm của mình ». Trong những ngày qua, chính phủ Pháp đã bị chỉ trích, nhất là từ cánh tả, vì đã không cho phép chiếc tàu Aquarius cập cảng Marseille, miền nam nước Pháp.

Tuy nhiên, giải pháp cho 58 thuyền nhân của tàu Aquarius càng làm nổi rõ sự mập mờ trong chính sách của châu Âu về đón nhận di dân.

Từ Bruxelles, nơi đặt trụ sở Ủy Ban Châu Âu, thông tín viên Pierre Benazet nhận định :

PUBLICITÉ

inRead invented by Teads

« Khi chấp nhận đón tiếp trên lãnh thổ của họ các di dân trên tàu Aquarius, bốn quốc gia đạt thỏa thuận với Malta cho phép chiếc tàu của tổ chức SOS Méditerranée cập một cảng an toàn, theo đúng luật hàng hải quốc tế. Không có một quy định nào của châu Âu được áp dụng trong trường hợp này và các nước Liên Hiệp Châu Âu thì không mấy hào hứng với việc tuân thủ luật hàng hải.

Khi thông báo về thỏa thuận nói trên, bộ trưởng Nội Vụ Bồ Đào Nha đã yêu cầu phải có một « giải pháp châu Âu đồng bộ, ổn định và lâu dài » để đối phó với khủng hoảng di dân.

Cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu vào tuần trước tại Salzbourg đã không sửa đổi những gì đã được quyết định tại cuộc họp thượng đỉnh thu nhỏ vào cuối tháng 6 ở Bruxelles. Được triệu tập sau vụ đầu tiên của tàu Aquarius, cuộc họp thượng đỉnh Bruxelles chỉ đi đến quyết định là sẽ đạt các thỏa thuận theo từng trường hợp.

Nhờ vậy mà trong những ngày sau đó, các nước châu Âu đã tìm ra một giải pháp nhanh chóng cho chiếc tàu Lifeline. Nhưng cách vận hành này có vẻ như trái với tinh thần hợp tác của châu Âu, vốn dựa trên sự liên đới và trên phương thức hành động chung của toàn bộ các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180926-aquarius-se-cap-ben-malta-bon-nuoc-chau-au-chia-nhau-don-thuyen-nhan

 

Bộ trưởng Nội vụ Slovakia gặp Bộ trưởng Nội vụ Đức

 về vụ Trịnh Xuân Thanh

Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, bà Denisa Sakova hồi đầu tuần này đã có buổi hội đàm với ông Horst Seehofer, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức tại Berlin.

Mạng Thoibao.de trích thông tin tổng hợp từ truyền thông Đức cho biết trong chương trình làm việc, hai vị bộ trưởng đã thảo luận về vụ việc Trịnh Xuân Thanh có thể đã được đưa ra khỏi khu vực Schengen bằng máy bay của chính phủ Slovakia.

Theo Thoibao.de, Bộ Nội vụ Liên bang Đức cho biết cuộc hội đàm này là do phía Slovakia yêu cầu. Trong cuộc hội đàm, Bộ Nội vụ Liên bang Đức đã lưu ý rằng các cáo buộc về việc cơ quan nhà nước Slovakia có thể dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, là nghiêm trọng, và chờ đợi vụ việc này sẽ được làm sáng tỏ một cách nhanh chóng và không giới hạn.

Trước đó, vào cuối tháng 8, theo tin được Bộ Ngoại giao Slovakia xác nhận với báo chí, vào ngày 25/07/2017 đơn xin yêu cầu cho phép chuyên cơ của chính phủ Slovakia chở phái đoàn của ông Bộ trưởng Công an Việt Nam, Tô Lâm, bay ngang qua không phận Ba Lan đã bị Ba Lan từ chối. Vì vậy, vào ngày bay 26/07/2017, phía Slovakia đã sửa đổi đơn ghi rõ rằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia chở Bộ trưởng Nội vụ Slovakia lúc đó là ông Robert Kalinak đi công tác ở Nga, mặc dù ông này không hề có mặt trên chuyến bay.

Trong khi các nhà điều tra Đức khẳng định rằng hầu như không còn hoài nghi nào về việc Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia; thì cảnh sát trưởng Slovakia, ông Milan Lucianski, lại muốn thảo luận với Đức xem liệu Trịnh Xuân Thanh có thể được đưa ra khỏi khu vực Schengen bằng một cách thức nào khác, bằng một con đường nào khác hay không?

Kết thúc buổi hội đàm, bà Bộ trưởng Sakova hứa sẽ làm hết sức mình trong khuôn khổ hỗ trợ pháp lý cho phía Đức và đảm bảo tiến độ của cuộc điều tra tại Slovakia. Về phía Đức, ông Soren Schmidt cũng cảm ơn Slovakia về sự hợp tác chặt chẽ và tốt đẹp.

Slovakia đã mở cuộc điều tra về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ ngày 3/8/2018. Trả lời báo chí Slovakia sau cuộc hội đàm tại Berlin, bà Bộ trưởng Sakova tuyên bố, nếu một khi xác định được rằng Slovakia không cố tình tham gia vụ bắt cóc, tức là bị phía Việt Nam đánh lừa, thì Slovakia sẽ có những biện pháp, hành xử trên bình diện ngoại giao.

Ông Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức dầu khí của Việt Nam, bị cáo buộc tham nhũng và chạy sang Đức xin quy chế tị nạn nhưng được nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin. Sau đó ông Thanh bị đưa về thành phố Brno của Séc, rồi tiếp tục được đưa đến Bratislava, thủ đô của Slovakia trên một chiếc xe do mật vụ Việt Nam thuê. Sau đó các nguồn tin nói rằng Việt Nam tiếp tục mượn máy bay của Slovakia để chở ông Thanh sang Moscow, trước khi đưa về Hà Nội.

Vụ Trịnh Xuân Thanh gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội. Đức cho ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như ngưng miễn visa cho quan chức mang hộ chiếu ngoại giao của Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/interior-minister-slovakia-talks-to-german-interior-minister-about-kidnapping-trinh-xuan-thanh-09262018084546.html

 

Tổng thống Pháp : Chỉ cơ chế đa phương

mới giúp giải quyết khủng hoảng

Trọng Thành

Hôm qua, 25/09/2018, tại diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu khẳng định chỉ có cơ chế đa phương, thúc đổi đối thoại, tăng cường hợp tác, mới có thể giúp nhân loại giải quyết được các khủng hoảng hiện nay. Đối tượng bị nguyên thủ Pháp gián tiếp chỉ trích là tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt với việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, đơn phương trừng phạt và « cô lập chế độ Iran ».

Đối với tổng thống Pháp, cội nguồn chủ yếu của « cuộc khủng hoảng sâu sắc » của « trật tự quốc tế » hiện nay, là « các bất bình đẳng nghiêm trọng » kéo dài hàng chục năm qua, với gần một tỉ người trên thế giới phải sống dưới mức nghèo đói, 250 triệu trẻ em không được đi học, 200 triệu phụ nữ không có phương tiện tránh thai… Các bất bình đẳng gia tăng là đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan các loại trỗi dậy ở khắp nơi trên thế giới. Với tư cách chủ tịch năm tới của khối các cường quốc kinh tế hàng đầu, tổng thống Macron hứa sẽ đưa cuộc chiến chống bất bình đẳng trở thành ưu tiên của G7.

Thông tín viên Valerie Gas tường trình từ New York :

« Emmanuel Macron tin tưởng là việc giải quyết các khủng hoảng phải thông qua cơ chế đa phương. Trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp giải thích về điều này, thông qua các ví dụ cụ thể trong hiện tại, như cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.

Ông nói : ‘‘Thay vì khiến cho khủng hoảng trở nên gay gắt hơn, chúng ta cần phải đưa ra được một lịch trình hành động rộng lớn hơn, để giải quyết tất cả mọi lo ngại, từ hạt nhân, hỏa tiễn đạn đạo, cho đến các vấn đề khu vực, do chính sách của chính quyền Iran gây ra’’.

Đây là một thông điệp gửi đến tổng thống Mỹ Donald Trump, người vừa mới một lần nữa biện minh cho chính sách chống lại Iran. Đối với nguyên thủ Pháp, ‘‘quan điểm lẽ phải thuộc về kẻ mạnh không thể bảo vệ được bất cứ ai, trước mọi mối đe doa’’.

Về Iran, khủng hoảng Israel – Palestine, các hiệp ước thương mại, di dân, hay biến đổi khí hậu, tổng thống Pháp muốn đóng vai trò môi giới cho việc tìm ra các giải pháp chung. Ông nói : ‘‘Tôi hết sức tin tưởng quyền tự quyết của người dân, và việc gia tăng hợp tác’’.

Bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc cho phép tổng thống Pháp bày tỏ khát vọng của ông. Khát vọng ấy sẽ là nguồn cảm hứng đối với Emmanuel Macron, đặc biệt trong vai trò chủ tịch luân phiên khối G7 vào năm tới. Tổng thống Pháp muốn thay đổi G7, để tổ chức này không còn là một câu lạc bộ của các nước giàu. Mục tiêu hàng đầu mà nguyên thủ Pháp đề ra là chống lại nạn bất bình đẳng ».

Tổ chức phi chính phủ Oxfam, nổi tiếng với các hoạt động chống bất công, nghèo đói, đãhoan nghênh tuyên bố mạnh mẽ của Emmanuel Macron, đồng thời kêu gọi nguyên thủ Pháp có thêm các hành động cụ thể.

http://vi.rfi.fr/phap/20180926-tong-thong-phap-chi-co-che-da-phuong-moi-giup-giai-quyet-khung-hoang

 

Tại sao quan hệ Trung Quốc-Thụy Điển

xấu đi quá nhanh?

Xung đột ngoại giao giữa Trung Quốc và Thụy Điển là điều không ai có thể lường trước được. Nhưng mọi chuyện đang có vẻ xuống dốc không phanh chỉ trong vài tuần trở lại đây.

Mọi chuyện bắt đầu từ đâu?

Tất cả bắt đầu với một video gây sốt vào đầu tháng Chín, cho thấy cảnh một số khách du lịch Trung Quốc đã bị cảnh sát Thụy Điển đuổi ra khỏi một khách sạn ở Stockholm.

Một người đàn ông Trung Quốc và bố mẹ ông bị cáo buộc đến khách sạn lúc nửa đêm, nhiều tiếng trước giờ lấy phòng.

Họ yêu cầu ở lại tiền sảnh khách sạn nhưng bị từ chối, và cuối cùng bị cảnh sát buộc phải rời đi.

Du khách ‘bị đưa ra nghĩa địa’, Trung Quốc đòi Thụy Điển xin lỗi

Thủ tướng Thụy Điển bị Quốc hội truất ghế

Trung Quốc kiểm duyệt video ‘châm biếm’

Trong video, người đàn ông Trung Quốc la hét bằng tiếng Anh: “Đây là giết [người]. Đây là giết [người]” trong khi bà mẹ than khóc bằng tiếng Trung Quốc, nói “hãy cứu giúp,” trong khi các nhân viên cảnh sát đứng nhìn xung quanh.

Video này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, và có tới hàng triệu lượt xem và hàng ngàn các bình luận khác nhau.

Một số người chỉ trích cảnh sát Thụy Điển đã hành xử quá khắc nghiệt, trong khi những người khác cho rằng gia đình này đã “kịch tính hóa” sự việc một cách không cần thiết.

Và khi video đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, đại sứ quán Trung Quốc ở Thụy Điển đã yêu cầu chính phủ nước sở tại xin lỗi, nói rằng các hành động của cảnh sát “vi phạm nhân quyền cơ bản của công dân Trung Quốc”.

Tuy nhiên, một người quản lý khách sạn nói với tờ báo Thụy Điển Aftonbladet rằng gia đình này đã đặt phòng khách sạn sai ngày, và khi được thông báo điều này thì cả ba người “từ chối rời đi”.

Chuyện chỉ có thể thôi sao?

Không, mọi thứ sau đó trở nên tồi tệ hơn.

Hôm 21/9, Svenska Nyheter, một chương trình truyền hình trào phúng được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT, đã có một phần chương trình mỉa mai, châm chọc về khách du lịch Trung Quốc.

Chương trình chiếu lại video khoảnh khắc các ba du khách Trung Quốc kia bị khiêng ra khỏi khách sạn và kèm theo một đoạn hài kịch được lồng tiếng Quan Thoại về những điều khách du lịch Trung Quốc “Nên và Không nên làm”.

Trong đoạn hài kịch, người dẫn chương trình nói khách du lịch không nên vừa ăn uống vừa “ỉa đái bên ngoài các địa danh tham quan lịch sử”.

“Nếu bạn thấy một người đi dạo trên phố với chú chó của họ, điều này không có nghĩa họ mang theo bữa trưa của họ đâu,” đoạn hài kịch nhắn nhủ.

Video cũng cho rằng người Trung Quốc phân biệt chủng tộc, nhưng Thụy Điển thì chào đón người da đen, người Ả Rập, người Do Thái và “thậm chí cả người đồng tính luyến ái”.

“Bởi vì ở Thụy Điển, chúng tôi tin vào các nguyên tắc của giá trị nhân quyền. Mặc dù những nguyên tắc này không áp dụng cho người Trung Quốc,” người dẫn chương trình nói.

Video kết thúc với người dẫn chương trình nói rằng Thụy Điển sẵn lòng chào đón du khách Trung Quốc, nhưng họ sẽ “ăn một trận đòn” nếu cư xử không phù hợp.

Video này lan truyền rộng rãi trên Youku, một trang video trực truyến giống như Youtube ở Trung Quốc.

Trung Quốc phản ứng như thế nào?

Rất nhiều người Trung Quốc đã phản ứng giận dữ trên Sina Weibo.

Những dòng hashtag #SwedishTVShowInsultsChinesePeople (Chương trình Thụy Điển lăng mạ người Trung Quốc) có tới hơn 34 triệu theo dõi.

“Điều này không thể tha thứ. Tôi thừa nhận khách du lịch Trung Quốc cư xử xấu hổ, nhưng họ không nên sỉ nhục toàn bộ Trung Quốc như thế này. Họ nên xin lỗi,” một người bình luận viết.

“Họ cố tình phụ đề đoạn hài kịch bằng tiếng Trung Quốc … rõ ràng là họ muốn chúng ta biết họ đang sỉ nhục chúng ta,” một người khác viết.

“Một cách để phản đối Thụy Điển là hãy tẩy chay họ đi. Không đi du lịch ở đó, tẩy chay IKEA, H&M và Volvo,” một người dùng khác bình luận và quan điểm này cũng được nhiều người chia sẻ.

Chính phủ Trung Quốc cũng tức giận không kém.

“[Chương trình này] cho một sự sỉ nhục và sự tấn công ác ý vào Trung Quốc và người dân Trung Quốc,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói. “Chúng tôi mạnh mẽ lên án [nó].”

Ông nói thêm rằng Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển đã có những động thái “phản đối mạnh mẽ” với Stockholm.

Giám đốc giải trí đài SVT Thomas Hall nói với BBC rằng mục đích của chương trình là “bình luận về các vấn đề hiện tại bằng cách sử dụng sự châm biếm và hài hước”.

Ông Hall nêu rõ quan điểm này trong một tuyên bố rằng đoạn hài kịch đăng trên Youku là để “thu thập phản ứng của Trung Quốc”, và nói thêm rằng “đây là một sai lầm, vì toàn bộ thông điệp và mục đích của chúng tôi bị [hiểu lầm] … chúng tôi nhận ra rằng đây có thể là một sự xúc phạm, chúng tôi thật sự xin lỗi.”

Vậy chẳng lẽ mối quan hệ của Trung Quốc và Thụy Điển lại có thể rạn nứt chỉ vì vài khách du lịch và một show hài hước hay sao?

Không hẳn. Đây là chỉ là dấu hiệu cho thấy rõ hơn nền tảng mối quan hệ đã có nhiều vấn đề từ trước, tiềm tàng bấy lâu nay.

Đức Đạt Lai Lạt Ma – nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng mà Bắc Kinh coi là mối đe dọa ly khai – đã đến Thụy Điển hồi đầu tháng này.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng căng thẳng hiện tại không liên quan đến Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Nhưng còn Quế Mẫn Hải, một công dân và nhà xuất bản sách người Thụy Điển có trụ sở tại Hồng Kông, bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ hồi tháng Một khi ông đang trên đường đến Bắc Kinh từ tỉnh Ningbo, miền đông Trung Quốc.

Khi đó ông đang đi cùng hai nhà ngoại giao Thụy Điển và được cho là đang trên đường đến gặp một bác sĩ chuyên khoa Thụy Điển.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc Thụy Điển đã tìm cách bí mật đưa ông ta ra khỏi Trung Quốc.

Theo Viking Bohman, một nhà phân tích tại Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển, “lời giải thích hợp lý nhất” cho sự cố trong mối quan hệ Trung Quốc-Thụy Điển là Quế Mẫn Hải.

“Tôi nghĩ là chừng nào Quế Mẫn Hải vẫn bị giam cầm ở Trung Quốc, thì đây sẽ là vấn đề căng thẳng lớn. Nếu các lời kêu gọi trả tự do cho Quế Mẫn Hải ngày càng gia tăng ở Thụy Điển, và nếu Trung Quốc không mảy may nhún nhường thì mối quan hệ rất có thể trở nên tệ hơn.”

Theo bài viết của Yvette Tan, phóng viên BBC.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45635497

 

Ngoại trưởng TQ nói Trung, Mỹ

phải tránh tâm lý Chiến tranh Lạnh

Ngoại trưởng Trung Quốc mới đây nói rằng nước này và Hoa Kỳ có thể cạnh tranh nhưng không nên nhìn vào nhau với não trạng Chiến tranh Lạnh, và cũng nên tránh nghĩ rằng đó là một cuộc đấu “được ăn cả, ngã về không”.

Bắc Kinh và Washington đang chìm trong một cuộc chiến thương mại ngày càng khốc liệt không thể dứt ra. Hai bên cũng đang ngày càng mâu thuẫn hơn về các vấn đề khác, chẳng hạn như việc Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan tự trị trong khi Trung Quốc coi đó là một phần lãnh thổ của họ, hay các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quân đội Trung Quốc vì mua vũ khí Nga.

Tại một cuộc gặp với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hôm 25/9 ở New York bên lề một hội nghị của Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng hai nước sẽ đều thua nếu họ đối đầu với nhau.

“Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể có cạnh tranh, nhưng không nên sử dụng não trạng Chiến tranh Lạnh để nhìn vào nhau, và hai nước cũng cần tránh rơi vào cái bẫy là một cuộc đấu ‘được ăn cả, ngã về không’”, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao hôm 26/9 trích lời ông Vương cho hay.

“Gần đây, một số thế lực trong nước của Mỹ liên tục bôi nhọ tên tuổi Trung Quốc, tạo ra cảm giác đối kháng, gây tổn hại nghiêm trọng đến bầu không khí của quan hệ Trung-Mỹ”, ông Vương nói thêm, nhưng không đi vào chi tiết cụ thể.

Nếu điều đó tiếp tục, nó sẽ đưa mối quan hệ đi chệch hướng, không phục vụ lợi ích của cả hai quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế, ông nói.

Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ cư xử hợp lý để hai nước có “nhận thức chính xác” về nhau, và ngăn không cho đà di chuyển tiêu cực này lan rộng, để đảm bảo mối quan hệ không chệch hướng, ông Vương nói thêm.

Quan chức thương mại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/9 nói rằng “sẽ không hề dễ” thay đổi các chính sách kinh tế của Trung Quốc để họ trở nên có định hướng thị trường hơn, ngay cả với các mức thuế hiện tại đánh vào hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ đô la.

Kỳ vọng về đàm phán thương mại mới giữa Washington và Bắc Kinh đã sụp đổ tuần trước và các nhà phân tích tin rằng cả hai bên đều không có tâm trạng để sớm đi đến thỏa hiệp.

“Chúng tôi tin rằng bế tắc có thể sẽ vẫn còn đó cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020”, các nhà phân tích tại ANZ cho biết trong một thư gửi khách hàng hôm 26/9.

(Reuters)

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-tq-noi-trung-my-phai-tranh-tam-ly-chien-tranh-lanh/4587868.html

 

Cùng đường trong trận chiến thuế quan,

TQ chơi đòn “dưới thắt lưng” với ông Trump?

Sau tuyên bố áp thuế lên 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ hôm 18/9, Trung Quốc đã gần như cạn vốn trong trận chiến thuế quan với chính quyền tổng thống Donald Trump.

Trung Quốc hết vốn trong cuộc chiến thuế quan

Thuế quan mới của Trung Quốc nhằm vào hàng nhập khẩu Mỹ ở hai mức 5% và 10%, có hiệu lực từ ngày hôm qua, 24/9.

Đây là phản ứng trả đũa nhằm vào hành động của Mỹ hôm 17/9, khi ông Trump tuyên bố áp 10% thuế lên 200 tỉ USD giá trị hàng Trung Quốc nhập khẩu từ ngày 24, và tăng lên 25% từ ngày 1/1/2019 nếu Bắc Kinh tiếp tục leo thang đối đầu thương mại.

Thêm vào thuế quan đã có hiệu lực mà Mỹ-Trung áp lên 50 tỉ USD giá trị hàng hóa của nhau, hiện đã có 110 tỉ USD hàng Mỹ trong số 150 tỉ USD kim ngạch nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc bị ảnh hưởng. Nếu áp thuế lên 40 tỉ USD hàng Mỹ còn lại – gồm những mặt hàng hết sức quan trọng như các chất bán dẫn – thì chính các nhà sản xuất ở Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại.

Trong khi đó, ngay cả khi đã áp thuế lên 250 tỉ USD hàng Trung Quốc, ông Trump vẫn còn “dư địa” để trừng phạt thêm tới 267 tỉ USD giá trị hàng hóa khác, căn cứ vào thặng dư thương mại mà Trung Quốc có được so với Mỹ.

Tranh luận về khả năng Trung Quốc cầm cự trong chiến tranh thương mại với Mỹ đã dấy lên nhanh chóng khi Bắc Kinh rơi vào thế “cạn vốn” và không thể trả đũa ngang ngửa với đòn thuế quan mới của ông Trump.

Chiến thuật mới của Bắc Kinh là gì?

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), giới chức Trung Quốc đang nhận thức rõ hơn bao giờ hết rằng cơ hội kết thúc chóng vánh chiến tranh thương mại thông qua đàm phán đã trở nên hết sức mong manh, và buộc nước này phải tìm ra những cách thức trả đũa mới.

Arthur Kroeber, đồng sáng lập công ty dịch vụ tài chính Gavekal, nhận xét chiến thuật trước đây của ban lãnh đạo Trung Quốc như trải thảm đỏ đón ông Trump ở Bắc Kinh, hay nỗ lực thỏa thuận với Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin, đều đã thất bại.

“Trung Quốc sẽ đáp trả bằng những hàng rào riêng của họ, mở đầu bằng ‘siết’ doanh nghiệp Mỹ ở những khu vực có thể, và tiến tới một cuộc chiến tiêu hao,” Kroeber nói.

Đề cập đến phương thức mới để làm Mỹ ngấm đòn, các quan chức chính phủ cùng truyền thông nhà nước Trung Quốc đề xuất cấm vận xuất khẩu một số linh, phụ kiện quan trọng sang Mỹ, và đánh thuế “bất đối xứng” lên hàng Mỹ bằng cách áp thuế suất khác nhau đối với sản phẩm khác nhau.

 

Một xã luận xuất bản trên tài khoản mạng xã hội của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo hôm 19/9, lập luận rằng Trung Quốc phải mạnh tay hơn chiến thuật “đô la đánh đô la” hiện nay, bởi nước này không còn là đối thủ của Mỹ trong trò chơi “ăn miếng trả miếng”.

Theo đó, Trung Quốc không thể “tìm cách trả đũa” về số lượng mà cần “chọn cuộc chiến của riêng mình” và hành động theo cách riêng.

Bài viết nêu ý tưởng Trung quốc có thể áp thuế quan tương đối thấp lên các nguyên liệu “khó tìm nguồn thay thế” từ Mỹ, và áp thuế cao hơn với các sản phẩm như “nguyên liệu thô dễ tìm phương án thay thế, xa xỉ phẩm và các mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với nhà sản xuất Trung Quốc”.

Ông Trump nổi giận vì người ủng hộ thành mục tiêu của Trung Quốc

Ông Lâu Kế Vĩ, cựu Bộ trưởng tài chính Trung Quốc, nay là chủ tịch Quỹ an sinh xã hội quốc gia Trung Quốc, phát biểu hôm 16/9 rằng nước này có thể tiến xa hơn phương án thuế quan và áp cấm vận xuất khẩu một số nguyên liệu, linh phụ kiện cho Mỹ.

Ông cho biết không khó để xác định những sản phẩm nào của Trung Quốc có giá trị nhất với Mỹ.

“Chúng tôi có thể chọn ra một số sản phẩm không nằm trong danh sách [mới bị áp thuế] hoặc những mặt hàng được loại ra do giới doanh nghiệp Mỹ phản đối,” ông Lâu nói.

Nhờ quá trình vận động hành lang của các công ty Mỹ, gần 300 sản phẩm Trung Quốc đã được dỡ bỏ toàn bộ hoặc một phần khỏi danh sách thuế quan ban đầu của chính quyền Trump. Một trong những mặt hàng này là đất hiếm – khoáng sản quan trọng trong các ngành sản xuất công nghệ cao, mà Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất toàn cầu.

Đồng hồ thông minh và thiết bị Bluetooth cũng “thoát nạn” nhờ sự vận động của hãng Apple, bên cạnh các sản phẩm sức khỏe và an toàn như mũ bảo hiểm xe đạp hay ghế cho trẻ em.

Ông Lâu khẳng định “không có kẻ thắng trong chiến tranh thương mại”, nhưng tổn thất của Mỹ sẽ lớn hơn so với Trung Quốc khi nhắm vào những chủng loại sản phẩm then chốt cho nền kinh tế.

Nhân dân Nhật báo chỉ ra rằng Trung Quốc có thể tranh thủ chiến tranh thương mại để thay thế sản phẩm nhập khẩu bằng mặt hàng tự sản xuất.

Phần lớn thuế quan trả đũa được Bắc Kinh đánh vào hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, và rất nhiều trong số đó được sản xuất tại các bang đã ủng hộ mạnh mẽ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Tổng thống Trump hôm 17/9 đã nổi giận chỉ trích chiến thuật này của Trung Quốc trên Twitter.

Ông viết, “Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng họ đang tích cực tác động và làm thay đổi cuộc bầu cử của chúng ta bằng cách tấn công vào người nông dân, chủ trang trại và công nhân của chúng ta bởi lòng trung thành của họ với tôi.

Nhưng điều Trung Quốc không hiểu được là những con người đó là những nhà yêu nước vĩ đại và hoàn toàn biết rằng Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ trong lĩnh vực thương mại đã nhiều năm nay. Họ cũng hiểu rằng tôi là người biết cách để chấm dứt điều đó.”

Ông Trump còn cảnh báo sẽ có “đòn trả đũa kinh tế nhanh và mạnh” nhằm vào Trung Quốc nếu Bắc Kinh cố ý nhắm vào tầng lớp nông dân, công nhân của Mỹ.

http://biendong.net/doc-bao-viet/23812-cung-duong-trong-tran-chien-thue-quan-tq-choi-don-duoi-that-lung-voi-ong-trump.html

 

“Tiền dân sự, hậu quân sự” –

Chính sách đầu tư cảng biển nước ngoài của TQ

Lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng các cảng biển nước ngoài mà nước này đã đầu tư cho mục đích quân sự đang ngày càng tăng.

Công ty Trung Quốc đặt “dấu chân” khắp châu Âu

Các hoạt động thương mại ở nước ngoài của Trung Quốc dấy lên câu hỏi liệu việc đầu tư vào cảng biển có liên quan đến mục tiêu quân sự và đem đến hiểm nguy an ninh tại quốc gia sở tại hay không.

Với sáng kiến Vành đai – Con đường, công bố vào năm 2013 nhằm thúc đẩy thương mại và kết nối ở châu Á, châu Phi, châu Âu, Trung Quốc đã tăng mạnh đầu tư toàn cầu, đặc biệt là ở hạ tầng biển.

Các công ty Trung Quốc như Cosco Shipping Ports và China Merchants Port Holdings đang ồ ạt mua cổ phần hoặc ký các thỏa thuận xây dựng nhà ga tại các cảng biển nước ngoài.

Cosco bắt đầu điều hành cảng ở thành phố Piraeus, Hy Lạp vào năm 2008, khi chính phủ nước này sắp vỡ nợ. Từ đó, Bắc Kinh trở thành một nhân tố quan trọng trong ngành cảng biển ở châu Âu.

Trung Quốc bắt đầu in dấu chân ở 3 cảng biển lớn nhất ở châu Âu: Euromax ở Rotterdam, Hà Lan (Trung Quốc sở hữu 35%); Antwerp tại Bỉ (sở hữu 20%) và Hamburg, Đức (Trung Quốc chuẩn bị xây dựng một nhà ga mới).

Các khoản đầu tư ồ ạt giúp hồi sinh một số cảng này. Tại Piraeus, đầu tư của Trung Quốc đã giúp tăng các giao dịch thương mại, và lợi nhuận trước thuế ghi nhận tăng 92%.

“Tiền dân sự, hậu quân sự”

Không phải lúc nào mọi việc cũng “xuôi chèo mát mái” khi Bắc Kinh vươn tới các cảng nước ngoài với túi tiền rủng rỉnh.

Ở Israel, Trung Quốc đang xây dựng 2 cảng mới ở Haifa và Ashdod. Các học giả trong nước đang thúc giục chính phủ Israel đánh giá mức độ Trung Quốc sẽ can dự vào nền kinh tế nước này.

Ông Shaul Chorev, cựu Tư lệnh hải quân Israel cho rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc ngày càng muốn tăng cường quyền lực kinh tế, ngoại giao và quân sự để mở rộng ảnh hưởng quốc tế.

Sáng kiến Vành đai – Con đường là nhằm mục đích phát triển quan hệ kinh tế mạnh mẽ với các quốc gia khác, gắn lợi ích của họ với Trung Quốc và giảm thiểu sự ngăn cản hoặc chỉ trích đối với Trung Quốc trong một số vấn đề nhạy cảm.

Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng lo lắng rằng Trung Quốc có thể dùng sự ảnh hưởng về mặt kinh tế ở các cảng biển để tạo ra các ảnh hưởng chính trị lên các quốc gia thành viên, Frans-Paul van der Putten, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Quan hệ quốc tế của Hà Lan nói.

Đây là lý do vì sao một bộ khung quy định kiểm soát các hoạt động đầu tư nước ngoài trên toàn EU đang được thảo luận.

Ông Chorev cũng cho biết, Trung Quốc đang nhắm đến việc tận dụng các công nghệ và nguồn lực dân sự cho mục đích quân sự để thúc đẩy việc hiện đại hóa quân đội bao gồm công nghệ máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo và hệ thống định vị Bắc Đẩu (đối trọng với hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ).

Sự kết hợp quân sự – dân sự là một trong những mục tiêu được nêu ra trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc trong giai đoạn 2016-2020.

Zhang Jie, nhà nghiên cứu tại Học viện khoa học xã hội nhân văn Trung Quốc, viết trong một bài báo vào năm 2015 rằng, ý tưởng “tiền dân sự, hậu quân sự”, trong đó các cảng thương mại có thể xây dựng với mục tiêu dần dần phát triển thành các “điểm hỗ trợ chiến lược” có thể hỗ trợ Bắc Kinh trong việc kiểm soát các tuyến đường thủy quan trọng.

Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cao cấp tại Washington, Mỹ, việc đầu tư vào các cảng biển có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hải quân tầm xa của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Neil Davidson, một nhà phân tích cao cấp tại công ty tư vấn và nghiên cứu hàng hải Drewry ở London, không cho rằng các nước châu Âu cảm thấy bị đe dọa, vì quyền sở hữu các cảng biển vẫn còn trong tay các công ty địa phương.

http://biendong.net/doc-bao-viet/23814-tien-dan-su-hau-quan-su-chinh-sach-dau-tu-cang-bien-nuoc-ngoai-cua-tq.html

 

Thủ tướng Nhật sẵn sàng gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên

Trọng Thành

Ngày 21/09/2018, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẵn sàng cho « một sự khởi đầu mới » trong quan hệ song phương Tokyo-Bình Nhưỡng, và trực tiếp gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Một trở ngại lớn trong quan hệ Tokyo – Bình Nhưỡng lâu nay là việc hàng chục công dân Nhật bị phía Bắc Triều Tiên bắt cóc, một vấn đề được coi là đặc biệt nhạy cảm trong công luận Nhật Bản. Theo AFP, trong bài diễn văn tại diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, thủ tướng Nhật khẳng định, « để có thể giải quyết vấn đề bắt cóc », ông « sẵn sàng cho việc chấm dứt các ngờ vực qua lại với Bắc Triều Tiên, mở ra một khởi đầu mới và trực tiếp gặp chủ tịch Kim Jong Un ».

Trước đây, cựu thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi từng hai lần đến Bắc Triều Tiên để gặp lãnh đạo tiền nhiệm Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong Un, để bàn về vấn đề này. Năm 2002, Bình Nhưỡng thừa nhận đã bắt cóc 13 người Nhật, năm người trong số họ đã được phép trở về Nhật. Nhật Bản tố cáo Bình Nhưỡng bắt cóc hàng chục công dân nước này, để cưỡng bức họ dạy văn hóa Nhật và tiếng Nhật cho gián điệp Bắc Triều Tiên.

Đối với Hàn Quốc, việc Tokyo bình thường hóa với Bắc Triều Tiên là rất quan trọng đối với tiến trình xây dựng hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Trên đây là trao đổi của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In với thủ tướng Nhật bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm qua, được Yonhap dẫn lại. Còn theo theo Fox New, tổng thống Hàn Quốc tối hôm qua cho biết tổng thống Mỹ có thể sẽ gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên trước cuối năm nay, và chính phủ Hàn Quốc, về phần mình, đang nỗ lực cho một tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong năm nay.

Trump ca ngợi « lòng dũng cảm » của Kim Jong Un

Trong bài diễn văn hôm qua tại Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ đã ca ngợi sự “dũng cảm” của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, trong một số nỗ lực ban đầu, nhằm hướng đến hủy bỏ hệ thống vũ khí hạt nhân, như chấm dứt thử hỏa tiễn đạn đạo, bom hạt nhân, hay phá hủy một số cơ sở liên quan đến chương trình nguyên tử. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh là trừng phạt quốc tế với Bắc Triều Tiên vẫn cần được duy trì.

Phát biểu của tổng thống Mỹ về Bắc Triều Tiên năm nay hoàn toàn tương phản với bài diễn văn năm ngoái, khi Donald Trump gọi Kim Jong Un là « nhóc tì tên lửa », và đe dọa hủy diệt hoàn toàn quốc gia này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180926-thu-tuong-nhat-san-sang-gap-lanh-dao-bac-trieu-tien

 

“Mahathir thứ 2” xuất hiện,

Vành đai – Con đường của TQ gặp vận đen

Lãnh đạo mới của Maldives muốn xem xét lại các dự án lớn mà chính quyền sắp mãn nhiệm ký kết với Trung Quốc.

Liên minh các đảng đối lập đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Maldives hôm 24/9 với tỷ lệ 58,3%.

Tổng thống Abdulla Yameen, người góp phần xây dựng quan hệ với Bắc Kinh và Ả Rập Saudi, đã thừa nhận thất bại sau khi Ủy ban bầu cử tuyên bố, lãnh đạo liên minh đảng đối lập Ibrahim Mohamed Solih giành thắng lợi.

Trước cuộc bầu cử, đảng đối lập từng tuyên bố sẽ xem xét lại các khoản đầu tư của Trung Quốc, chủ yếu là do các quan ngại về điều khoản, khi các chuyên gia cảnh báo, Maldives có nguy cơ rơi vào bẫy nợ.

Vừa qua, hồi tháng 8, Thủ tướng Malasia Mahathir Mahamad cũng tuyên bố, nước này sẽ hoãn dự án đường sắt kết nối bờ biển phía đông (ECRL) và dự án đường ống dẫn khí tự nhiên ở Sabah do Trung Quốc tài trợ trị giá 20 tỷ USD.

Nhiều nhà quan sát đã ví von, ông Solih chiến thắng trong cuộc bầu cử như là sự xuất hiện của một “Mahathir thứ 2”, sẽ gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện sáng kiến Vành đai – Con đường của Bắc Kinh.

Ấn Độ và Mỹ đã chúc mừng chiến thắng của ông Solih. Cả New Delhi và Washington đều quan ngại bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Maldives.

Trung Quốc đã giúp mở rộng sân bay quốc tế ở Maldives và một cây cầu nối sân bay với thủ đô Male.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Maldives được nhiều chuyên gia xem là một phần của chiến lược “Chuỗi ngọc trai”, phát triển một mạng lưới các cảng biển ở khu vực từ Sri Lanka đến Pakistan.

Ấn Độ và các quốc gia phương Tây lo ngại, chiến lược này có thể nhằm mục đích giúp quân đội Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động.

http://biendong.net/doc-bao-viet/23815-mahathir-thu-2-xuat-hien-vanh-dai-con-duong-cua-tq-gap-van-den.html

 

Vụ 1MDB :

Đến lượt vợ cựu thủ tướng Malaysia bị thẩm vấn

Trọng Thành

Theo Reuters, vợ của cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak, phải trả lời cơ quan điều tra hôm nay, 26/09/2018, trong nghi án tham nhũng tại quỹ đầu tư quốc gia 1MDB.

Đây là lần thứ hai, bà Rosmah Mansor, 66 tuổi, phải ra trình diện tại Ủy Ban Chống Tham Nhũng Malaysia (MAAC), cùng với các luật sư. Lần thẩm vấn đầu tiên, hồi tháng 6/2018, kéo dài ba giờ.

Bà Rosmah từ lâu được công luận Malaysia biết đến như một người không tiếc tiền mua nhiều đồ trang sức, túi sách hạng sang, với các nhãn mác nổi tiếng thế giới. Vợ của cựu thủ tướng Najib bị nghi ngờ đã dùng tiền tham nhũng của chồng để tiêu xài. Nhà riêng và các tài sản liên quan đến họ đã bị cảnh sát khám xét, trong khuôn khổ vụ điều tra 1MDB. Cảnh sát đã phát hiện 567 túi xách tay, 12.000 đồ trang sức, trong đó có 1.400 chuỗi hạt, 2.200 chiếc vòng, 2.800 bông tai … với tổng giá trị 275 triệu đô la.

Cựu thủ tướng Najib khai báo là phần lớn tài sản nói trên là các món quà mà vợ và con gái của ông nhận được, không liên quan gì đến vụ 1MDB. Ông Najib bị bắt giam hồi tuần trước, trong khuôn khổ điều tra về việc biển thủ hơn 700 triệu đô la tại 1MDB.

Cuộc thẩm vấn lần thứ hai với vợ cựu thủ tướng xảy ra đúng vào lúc có nhiều thông tin về khả năng các nhà điều tra sẽ tiếp tục làm sáng tỏ thêm việc hàng tỉ đô la mất dấu trong nghi án này. Theo bộ Tư Pháp Mỹ, tổng cộng có đến 4,5 tỉ đô la bị biển thủ trong vụ này.

Hiện tại, vợ cựu thủ tướng Najib bị cấm rời khỏi Malaysia.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180926-vu-1mdb-den-luot-vo-cuu-thu-tuong-malaysia-bi-tham-van

 

Thương chiến giữa dân chủ và độc tài

Nguyễn Xuân Nghĩa

Trận chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục leo thang và mỗi đợt trả đũa lại dẫn tới biện pháp cứng rắn hơn. Chúng ta đang chứng kiến một trận thương chiến giữa hệ thống chính trị dân chủ và một chế độ độc tài. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về lợi thế tương đối của hai hệ thống chính trị đối nghịch này.

Mâu thuẫn tay đôi

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chiều Thứ Hai 17 Chính quyền Hoa Kỳ đưa ra quyết định áp thuế đợt thứ ba, lần này tăng 10% trên một lượng hàng hóa của Trung Quốc có trị giá tương đương với 200 tỷ đô la, bắt đầu từ ngày 24 và qua đầu năm tới thì còn tăng từ 10% lên 25%. Phía Bắc Kinh đã trả đũa chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ và sau khi từ chối đàm phán đã ra bạch thư kết án thái độ đàn áp của Hoa Kỳ. Trong mâu thuẫn gay gắt giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất địa cầu, ông nghĩ rằng chúng ta nên chú ý tới những gì nữa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta có nhiều cách phân tích mâu thuẫn tay đôi này.

– Đầu tiên là nhìn vào cơ bản của lẽ thắng bại về ngoại thương giữa các nước, như tôi có dịp trình bày vào đầu Tháng Ba khi trận chiến khai mào. Đó là xứ nào lệ thuộc nhiều hơn vào ngoại thương? Nếu dùng tỷ lệ bách phân của xuất khẩu trong Tổng sản lượng GDP thì xuất khẩu của Trung Quốc chiếm gần 20% GDP, của Hoa Kỳ thì chỉ có 12%, tức là nếu xuất khẩu bị sụt vì thương chiến thì Trung Quốc bị hại hơn Hoa Kỳ. Thứ hai là nhập khẩu. Hoa Kỳ có thị trường nhập khẩu lớn nhất các nước và bị nhập siêu với các nước lớn mà nặng nhất là với Tầu. Điều ấy có nghĩa là trong thương chiến, xuất siêu của Trung Quốc mới là nhược điểm. Vì sao lại có nghịch lý như vậy? Vì Tổng sản lượng của Trung Quốc có 3% là nhờ bán hàng qua Mỹ còn Hoa Kỳ chỉ có phân nửa 1% là nhờ bán hàng qua Tầu. Nếu lượng hàng đó giảm thì kinh tế của Tầu bị ảnh hưởng mạnh hơn của Mỹ.

Chế độ dân chủ có thể gây ra ấn tượng hỗn loạn như tại Hoa Kỳ nhưng vẫn cho phép mọi người thích ứng với hoàn cảnh đổi thay dồn dập và thay đổi luôn cả giới dân cử sẽ lãnh đạo. Chứ một chế độ độc tài như tại Bắc Kinh thì khó linh động thích ứng với sự vận hành của một môi trường đa nguyên và phức tạp.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

– Nói vắn tắt, Hoa Kỳ có sức sản xuất cao nhất mà xuất khẩu chỉ chiếm 12% GDP, còn 88% là sản xuất nội địa. Con số trừu tượng ấy có nghĩa là nếu thương chiến bùng nổ và các nước phản đòn bằng cách bớt mua hàng của Mỹ thì cũng chỉ thu hẹp trong phần xuất khẩu là 12% của Tổng sản lượng thôi. Bên kia chiến tuyến, các nước cần xuất khẩu nhiều mới dễ bị thua. Ngược lại, vẫn nói về tương quan lực lượng trong trận chiến mậu dịch ai cũng muốn tránh, thì kinh tế Mỹ  có sức tiêu thụ cao nhất, như có hậu phương sâu rộng nhất khả dĩ chống trả các đối thủ. Đâm ra, nạn nhập siêu là nhập nhiều hơn xuất, của nước Mỹ lại là một lợi thế trong trận chiến mậu dịch này.

Nguyên Lam: Ông nói rằng chúng ta có nhiều cách phân tích chuyện này và cách đầu tiên là nhìn vào tương quan lực lượng của đôi bên về mặt ngoại thương, xem nước nào lệ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu. Sau đó thì người ta còn có những cách phân tích gì khác nữa, thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Cách thứ hai là nhìn vào lịch sử. Hơn 40 năm trước, Hoa Kỳ bị sa sút nhiều mặt khi kinh tế suy trầm, lạm phát gia tăng và vì phí tổn của cuộc chiến tại Việt Nam lẫn đòn phong tỏa dầu khí của khối Á Rập Hồi giáo. Khi đó, ông Ronald Reagan tranh cử Tổng thống với tôn chỉ “Làm Cho Hoa Kỳ Vĩ Đại Trở Lại”, tức là khi ấy, Hoa Kỳ hết còn vĩ đại và cố chinh phục ưu thế cũ mà ưu thế đó không chỉ có kinh tế. Ông Donald Trump ra tranh cử với khẩu hiệu tương tự và khi thắng cử, ông kết hợp an ninh với kinh tế mà đòi xét lại những cam kết của nước Mỹ với các nước khác. Trong các nước, Trung Quốc đã vươn lên thành một đối thủ có khả năng thách đố quyền lực và quyền lợi của Hoa Kỳ.

– Quyền lợi của Hoa Kỳ không chỉ có ngoại thương mà bao gồm nhiều yếu tố khác, như sức mạnh của khu vực chế biến, quyền sở hữu trí tuệ hay ưu thế trong các ngành sản xuất dịch vụ. Quyền lợi của Hoa Kỳ cũng thế, nó trải rộng toàn cầu và đi cùng quyền lợi kinh tế. Vì Trung Quốc là một thách đố mới, trận thương chiến giữa hai nước chỉ là một phần của vấn đề và Hoa Kỳ có thể nhắm vào mục tiêu rộng lớn là làm thay đổi cơ chế kinh tế và chính trị của Bắc Kinh.

Thương chiến kéo dài

Nguyên Lam: Nếu giả thuyết này đúng, thưa ông, trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể kéo dài nhiều năm, chứ sẽ không kết thúc trong vài tháng, có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa đúng vậy vì Chính quyền Donald Trump kết hợp yếu tố an ninh vào quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với các nước. Ngày 19 Tháng Tư năm ngoái, ông Trump chỉ thị Bộ Thương Mại cấp tốc nghiên cứu việc nhập khẩu thép có đe dọa an ninh của Hoa Kỳ không. Hôm 27 Tháng Tư sau đó ông cho điều tra thêm ngành nhôm hay aluminum. Bộ Thương Mại hoàn tất việc nghiên cứu và hôm Thứ Sáu 16 tháng Hai, mùng một Tết Mậu Tuất, Bộ còn đề nghị Tổng thống dùng quyền hạn của mình để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ. Khi ấy Nội các Trump viện dẫn khoản 232 của Đạo Luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962 để Hành pháp có thể quyết định về mậu dịch, như thuế nhập nội hay hạn ngạch nhập khẩu, hầu bảo vệ an ninh và lách khỏi sự hạn chế của Quốc Hội. Sau đó, Chính quyền Trump còn viện dẫn khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 để cho các doanh nghiệp Mỹ quyền khiếu nại nếu bị thiệt hại trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc. Và trong suốt năm qua, Hoa Kỳ không hề nhượng bộ Bắc Kinh mà còn tìm thế liên minh cùng các nước để chặn đà bành trướng của Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ mâu thuẫn giữa hai nước không dễ giải quyết và chẳng thu hẹp vào lĩnh vực thương mại.

Nguyên Lam: Nhiều nhà bình luận cho rằng phía Bắc Kinh khó nhượng bộ và có biện pháp tinh vi là chọn đối tượng trả đũa hầu gây thiệt hại cho các địa phương với mục tiêu chính là tác động vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay và cả cuộc tổng tuyển cử vào năm 2020. Ông nghĩ sao về những biện pháp đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta có hai phần trong câu trả lời. Liên quan tới các biện pháp chống trả, phần đầu ta tìm hiểu về khả năng hay toan tính của Bắc Kinh. Phần hai mới rắc rối hơn. Phần đầu, nói về “lượng” thì vì Bắc Kinh đạt xuất siêu gần 400 tỷ với Mỹ và chỉ nhập khẩu chừng 185 tỷ hàng hóa của Hoa Kỳ nên các biện pháp trả đũa trên hàng Mỹ không thể bằng việc Mỹ áp thuế trên hơn 500 tỷ hàng hóa của Tầu. Do đó, Bắc Kinh phải nghĩ tới “phẩm” là gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn làm ăn buôn bán với thị trường Trung Quốc,  như kéo dài thủ tục duyệt xét thuế quan hay thể thức đầu tư. Và phía Hoa Kỳ đã chuẩn bị trước những kịch bản đó và các nước khác, như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan, cũng đang tính toán về chuỗi cung ứng của mình trong loại sản phẩm có công nghệ cao mà rút khỏi thị trường Trung Quốc để khỏi bị thiệt thòi. Nôm na là họ sản xuất lấy linh kiện điện tử ở nhà hoặc đưa đầu tư từ Trung Quốc qua các nước khác, thí dụ như Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam. Chúng ta sẽ còn phải theo dõi chuyện này.

Nguyên Lam: Ông vừa nói đến hai phần trong câu trả lời. Thưa ông, thính giả của chúng ta muốn biết phần thứ hai là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi thiển nghĩ rằng vì Hoa Kỳ muốn làm thay đổi cơ chế kinh tế và chính trị của Bắc Kinh, chúng ta nên tìm hiểu và phân tích trận thương chiến giữa hai hệ thống chính trị trái ngược, giữa hệ thống dân chủ pháp quyền và có phân quyền của Hoa Kỳ với hệ thống độc tài và tập quyền của Trung Quốc.

– Hoa Kỳ là một nước dân chủ đa nguyên với hệ thống phân quyền về chính trị, và cứ hai năm lại có bầu cử. Vì đa nguyên nên trước mọi vấn đề người ta có nhiều cách nhận định và phản ứng chứ không thể có sự đồng dạng hay hiện tượng độc quyền chân lý. Hệ thống phân quyền khiến Hành pháp cấp Liên bang phải chia sẻ thẩm quyền với Lập pháp, Tối cao Pháp viện và quyền lực của các tiểu bang, lẫn hệ thống Ngân hàng Trung ương. Vì vậy, trong trận thương chiến đang bùng nổ với Bắc Kinh, quan điểm của doanh nghiệp kiếm lời nhờ làm ăn với Trung Quốc vẫn được truyền thông báo chí trình bày và phân tích để tác động vào dư luận và cử tri sẽ đi bỏ phiếu. Bắc Kinh nhắm kỹ vào thành phần đó với tấm lịch bầu cử.

Trung Quốc có lợi thế?

Nguyên Lam: Nếu vậy thì lãnh đạo Trung Quốc lại có nhiều lợi thế tương đối so với lãnh đạo của Hoa Kỳ, thưa ông có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa là về lý thuyết thì như vậy, thực tế lại rắc rối hơn.

– Quả thật, lãnh đạo Bắc Kinh tập trung quyền lực tới độ cao nhất, chẳng phải lo bầu cử và mọi thành phần chỉ có một quan điểm từ lời phán của Tổng Bí Thư Tập Cận Bình trên ngai Hoàng đế. Trong khi đó, chính trường và cả doanh trường Hoa Kỳ lại đầy tiếng nói ồn ào lẫn nhiễu âm thường trực về kinh tế lẫn chính trị, thậm chí về thẩm quyền của Tổng thống. Hậu quả của hai hiện tượng đó là gì?

Nguyên Lam: Thưa ông đúng như vậy, hậu quả của hai hiện tượng trái ngược đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Hậu quả đơn giản là ta biết lãnh đạo Bắc Kinh muốn gì mà chẳng biết rằng lãnh đạo Hoa Kỳ muốn gì, khi nào thì nói thật và sẽ làm thật!

– Trong khi đó, và đây mới là chuyện lý thú, cả hai nền kinh tế vẫn bị thị trường chi phối qua quyết định của hàng tỷ tác nhân kinh tế chạy theo ánh mặt trời. Đó là giới tiêu thụ, đầu tư và giới trung gian, từ người mua hàng đến doanh nghiệp hoạt động toàn cầu cho tới người giao dịch trái phiếu hay cổ phiếu trên thị trường tài chính thường xuyên hoạt động 24 tiếng một ngày. Lực lượng đông đảo mà vô danh ấy tác động vào thị trường chứng khoán, ngoại hối, vào phân lời trái phiếu lẫn khối nợ mà các chính phủ cần xử lý!

– Khi tổng hợp lại thì chúng ta thấy gì? Tại Hoa Kỳ, niềm tin của giới tiêu thụ và đầu tư đang nâng đà tăng trưởng tới mức cao nhất và mức thất nghiệp xuống thấp nhất kể từ 17 năm nay. Tại Trung Quốc đà tăng trưởng của 30 năm sau cải cách chỉ còn là vang bóng và núi nợ quá lớn gia tăng quá nhanh đang là một vấn đề cho lãnh đạo. Khi trận thương chiến gia tăng cường độ thì chế độ tập quyền tại Bắc Kinh vẫn phải ứng phó với thị trường và càng muốn duy trì một đà tăng trưởng an toàn về chính trị thì càng phải bơm thêm tín dụng chứ không dễ gì phá  giá đồng bạc để bù vào sự tổn thất vì xuất khẩu sút giảm. Các bài toán kinh tế ấy mới thách đố quyền lực tuyệt đối của chế độ độc tài.

– Vì vậy, chế độ dân chủ có thể gây ra ấn tượng hỗn loạn như tại Hoa Kỳ nhưng vẫn cho phép mọi người thích ứng với hoàn cảnh đổi thay dồn dập và thay đổi luôn cả giới dân cử sẽ lãnh đạo. Chứ một chế độ độc tài như tại Bắc Kinh thì khó linh động thích ứng với sự vận hành của một môi trường đa nguyên và phức tạp vì vậy cho đến nay họ chưa giải quyết nổi những thất quân bình nội tại đã thấy từ thời 2002-2007 và nay còn lâm vào một trận thương chiến tai hại!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích quả là có đầy nghịch lý vào tuần này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/trade-war-between-two-political-systems-09262018073050.html