Tin khắp nơi – 22/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 22/09/2018

Mỹ đang sắp xếp thượng đỉnh Trump-Kim lần 2

Hoa Kỳ đang tiến hành những công việc để sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng vẫn còn những công việc cần phải làm ‘để đảm bảo rằng các điều kiện chín muồi,’ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm 21/9.

“Chúng tôi đang làm việc về vấn đề này, nhưng vẫn còn một chút công việc cần làm để đảm bảo rằng các điều kiện chín muồi và hai nhà lãnh đạo ở trong tình trạng có thể đạt được tiến bộ lớn,” ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News.

Trong một cuộc phỏng vấn khác với NBC News ông nói rằng ông hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ sớm diễn ra.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-%C4%91ang-s%E1%BA%AFp-x%E1%BA%BFp-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-trump-kim-l%E1%BA%A7n-2/4582299.html

 

Ông Trump đả kích người tố cáo Kavanaugh

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/8 tỏ thái độ nghi ngờ người phụ nữ tố cáo bị tấn công tình dục nhiều chục năm trước bởi ông Brett Kavanaugh, nhân vật được ông Trump đề cử vào Tòa án Tối cao.

Ông Trump nói rằng nếu thật sự xảy ra hành động tấn công như vậy, thì lẽ ra nạn nhân phải đi báo cảnh sát từ lâu.

Nhiều ngày sau những phát biểu mang tính kiềm chế về cáo buộc của Giáo sư Christine Blasey Ford ở California, ông Trump đã lên Twitter để đặt nghi vấn về lời kể của bà về những gì đã xảy ra giữa bà và ông Kavanaugh tại một bữa tiệc hồi năm 1982 khi cả hai đang học trung học.

Trong lúc này, Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đang vất vả với quá trình phê chuẩn ông Kavanaugh. Các thượng nghị sĩ Dân chủ đã yêu cầu có thêm thời gian để xem xét kỹ hơn trong khi phe Cộng hòa muốn nhanh chóng bỏ phiếu phê chuẩn do tình hình chính trị đang có nhiều bất định trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã trì hoãn phiên bỏ phiếu chuẩn thuận ông Kavanaugh sau khi xuất hiện cáo buộc của bà Ford hồi tuần trước trong khi các luật sư của bà và các thành viên ủy ban đang thảo luận khi nào và phương cách bà sẽ ra khai chứng. Đảng cộng hòa đã cho các luật sư của bà Ford cho đến cuối ngày 21/9 phải giải quyết xong vấn đề này, tờ Politico dẫn lời một Thượng nghị sỹ Cộng hòa giấu tên cho biết.

Tổng thống Trump và Nhà Trắng đã cẩn trọng không phỉ báng bà Ford sau khi xuất hiện cáo buộc của bà. Tuy nhiên, ông Trump cuối cùng cũng không thể kiềm chế.

“Tôi không nghi ngờ gì nếu vụ tấn công vào Tiến sỹ Ford là tồi tệ như những gì bà ta nói thì hoặc là bà ta hoặc là bố mẹ bà ta phải đi tố cáo ngay lập tức với giới chức thực thi pháp luật,” ông Trump viết trên Twitter. “Tôi yêu cầu bà ấy phải trình ra những tố cáo đó để chúng ta có thể biết được ngày, giờ và địa điểm.”

“Thẩm phán Brett Kavanaugh là một người đàn ông đứng đắn với danh tiếng không tì vết và hiện đang bị các chính trị gia cực tả tấn công. Những người không muốn biết câu trả lời, họ chỉ muốn phá hoại và trì hoãn,” ông Trump viết.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Susan Collins của tiểu bang Maine, nhiều khả năng sẽ nắm lá phiếu quyết định trong việc bổ nhiệm ông Kavanaugh, phát biểu trong một sự kiện ở Portland rằng bà ‘bàng hoàng’ với dòng tweet của ông Trump.

“Chúng ta đều biết rằng cáo buộc tấn công tình dục là một trong những tội phạm ít được trình báo nhất,” bà được tờ Portland Press Herald dẫn lời nói. “Do đó tôi cho rằng dòng tweet của tổng thống hoàn toàn không phù hợp và sai trái.”

Thượng nghị sỹ Dân chủ Kirsten Gillibrand lên án phát biểu của ông Trump là ‘đả kích đê hèn’.

“Người đàn ông quyền lực nhất thế giới lại sử dụng địa vị và vị trí của mình để chửi rủa một nạn nhân bị tấn công tình dục,” bà nói trên Twitter. “Đó cũng chính là người đã bị cáo buộc một cách đáng tin cậy trong hơn một chục vụ tấn công hay quấy rối tình dục.”

Phát biểu mới nhất này của ông Trump tương phản với những bình luận trước đó của ông rằng bà Ford nên được lắng nghe ngay cả khi điều đó có nghĩa là quá trình phê chuẩn ông Kavanaugh sẽ bị trì hoãn. Tại một cuộc tập hợp tranh cử ở Las Vegas hôm 20/9 ông đã nói với người ủng hộ: “Chúng ta cứ để mọi việc diễn tiến, và tôi nghĩ rằng mọi chuyện cũng sẽ tốt thôi.”

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, phát biểu trước cuộc tập hợp của các cử tri phái Phúc âm ở Washington, đã đảm bảo rằng ông Kavanaugh sẽ được chuẩn y.

“Quý vị đã chứng kiến những tranh đấu, quý vị đã chứng kiến những chiến thuật, nhưng đây là điều tôi muốn nói với quý vị – trong tương lai rất gần, thẩm phán Kavanaugh sẽ ngồi vào Tối cao Pháp viện liên bang,” ông McConnell nói.

Mục tiêu của ông McConnell là phê chuẩn ông Kavanaugh trước ngày 1/10 – ngày Tối cao Pháp viện bắt đầu hoạt động trở lại.

https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-trump-%C4%91%E1%BA%A3-k%C3%ADch-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-t%E1%BB%91-c%C3%A1o-kavanaugh/4582307.html

 

Kavanaugh, Vợ và GS Ford: Bị Đe Dọa Đến Tính Mạng;

Biden: Nên Công Bằng Với Bà Ford;

Trump: Sao Hồi Đó Không Báo FBI

WASHINGTON    –    Trường hợp của giáo sư Ford nên được Thượng Viện cư xử công bằng hơn người tố cáo ứng viên TCPV tấn công tình dục 36 năm trước, là bà Anita Hill, là ý kiến của cựu PTT Joe Biden.

Qua chương trình “Today” của NBC sáng Thứ Sáu, ông Biden nói “Bà Hill bị hạ nhục bởi nhiều đồng viện của tôi – tôi mong có thể làm hơn để tránh những câu hỏi và cách mà họ chất vấn”. Ông tỏ ý hy vọng các nghị sĩ học kinh nghiệm ấy, mong đợi mọi người hiểu sự can đảm khiến ai đó lên tiếng, kể lại chuyện đã xẩy ra với mình.

Ông đánh giá giáo sư Ford là can đảm – theo ông, nam giới không hiểu làm việc như thế là khó đến mức nào. Ông đặt vấn đề “xem phim Deliverance (năm 1972) chưa?” về tình trạng của nhân vật bị ràng buộc vào cây.

Cựu PTT nhấn mạnh “Giáo sư Ford nên được cư xử với sự tôn trọng, để không lại bị “lạm dụng bởi hệ thống”.

Liên quan đến giáo sư Ford, một bản tin khác cho biết rằng TT Trump đặt vấn đề với người tố cáo ứng viên TCPV Kavanaugh tấn công tình tục 36 năm trước “Sao không gọi cảnh sát? Sao ai đó không gọi FBI?”. Ông tiếp lời “Đây là 1 tình thế rất buồn – ông ấy là 1 người xuất chúng”.

Bản thân ông Trump từng bị 15 phụ nữ tố cáo này nọ – ông chối hết.

Về phần mình, nạn nhân của ông Kavanaugh là giáo sư Christine Blasey Ford nói với báo The Washington Post: không nói chuyện này với ai hồi ấy, rất sợ bị trừng phạt nếu cha mẹ nhận biết con gái dự 1 buổi tiệc mà vị thành niên uống rượu. Bà nghĩ là chưa có gì, chưa bị hiếp dâm – theo lời bà, sau mới biết ảnh hưởng lâu dài là chấn thương tinh thần.

Cơ may giáo sư Ford quyết định nhận điều trần có vẻ gia tăng  sau khi tổ luật sư thương lượng với ủy ban pháp chế Thượng Viện khả năng điều trần trong tuần tới – yêu cầu của các luật sư đại diện bà Ford cho hiểu rằng bà cảm thấy quan ngại về an toàn cá nhân, vì điều trần là gây bàn cãi cao độ, và cả thế giới theo dõi.

Cũng có thể thấy rõ bà và tổ luật sư quan ngại về thế mất cân bằng trước thế đa số của đảng CH , cũng như về cơ cấu và tính chân thực của điều trần có thể là không thân thiện theo nhiều cách.

Tin cùng ngày Thứ Năm xác nhận giáo sư Ford muốn được bảo đảm an toàn trước khi đồng ý điều trần, và bà không xuất hiện tại cùng 1 phòng với ông Kavanaugh – bà chỉ chấp nhận chất vấn của các nghị sĩ, không bởi luật sư bên ngoài.

Tổ luật sư đề nghị: Kavanaugh điều trần trước, sau đó mời bạn học của ông là Mark Judge, nhân chứng chính. Ông này nói “Điều bà Ford tố cáo không xẩy ra”.

Ngoài ra, bản tin của Fox News hôm Thứ Sáu cho biết rằng bản thân ứng cử viên Tối Cao Pháp Viện Kavanaugh, vợ ông ấy và giáo sư Ford, người tố cáo ông Kavanaugh lạm dụng tình dục bà, đều nhận lời đe dọa bạo hành và tính mạng.

Các luật sư của bà Ford nói với báo New York Times rằng ngoài các đe dọa, email của bà còn bị tấn công và bà bị buộc phải rời khỏi nhà.

https://vietbao.com/p122a285710/kavanaugh-vo-va-gs-ford-bi-de-doa-den-tinh-mang-biden-nen-cong-bang-voi-ba-ford-trump-sao-hoi-do-khong-bao-fbi

 

Trump Làm Tập Hộc Máu?

Vi Anh

Lịch sử rất ít khi lập lại, nhưng cũng có khi tương tự khi đối chiếu, so sánh. Như Trời thương dân chúng ở Á châu Thái bình dương và Ấn độ dương mới sanh ra một Tổng Thống Trump [TT Trump] như Gia cát Lượng mưu cao, kế giỏi, vận dụng giỏi chiến tranh tâm lý, chiến tranh chánh trị mới hạ được Châu Do, một dũng tướng phải thua kế của Khổng Minh Gia Cát Lượng nên Châu Do tức hộc máu, than rằng: “Thiên sanh Do, hà Thiên sanh Lượng” (“Trời sinh ra Do hà cớ gì Trời còn sinh ra Lượng”).

Nhiều dấu chỉ cho thấy Chủ Tịch Tập cận Bình [CT Bình] muốn đánh dấu thời đại của mình như một thời đại phục hoạt “đại dân tộc Trung Hoa” như Hitler đã làm sau khi nước Đức bị nhục, đất nước bị xâu xé sau khi thua đại chiến thế giới lần thứ nhứt. Nhưng nhiều khi lực bất tòng tâm, Trời không chiều lòng người qua tham vọng, “duy ý chí” như CS, nên muốn là một chuyện, làm được hay không là chuyện khác. Chính vì cái mộng trở thành Hitler của Á châu Thái bình dương mà CT Bình bị TT Trump chống đối tơi bời hoa lá, mút mùa lệ thuỷ.

TT Trump với chiến lược an ninh quốc gia mới coi CT Bình của TC hiện CS và Tổng Thống Putin của Nga hậu CS là ‘đối thủ’ đáng gờm của Mỹ. Thế nước và lòng dân Mỹ đã đưa TT Trump lên làm tổng thống Mỹ qua hai cuộc thăm dò lâu đời và khả tín nhứt của Mỹ. Viện Gallup, một tổ chức độc lập có uy tín lâu đời ở Mỹ cho biết đa số dân chúng Mỹ coi TC là kẻ thù số 1 của Mỹ. Pew Research Center chuyên nghiên cứu dư luận trên toàn cầu, năm 2017 có tổ chức một cuộc thăm dò, kết quả cho thấy đại đa số cho TC là một siêu cường, nhưng bị ghét nhứt thế giới. Và 84% người dân Việt ủng hộ Mỹ dù đang sống trong chế độ CSVN và CSVN hầu như lệ thuộc TC.

TT Trump của Mỹ mở cuộc chiến tranh thương mại đánh  thẳng vào TC và có thể lan ra thành chiến tranh quân sự ở Á châu Thái bình dương. Vì từ khi lên ngôi, CT Tập khích động tối đa tinh thần quốc gia cực đoan  Hán tộc, coi TC như Thiên Triều với khẩu hiệu “phục hưng đại dân tộc Trung Hoa”,  biến Trung Quốc thời Cộng sản thành bá chủ khu vực, bá chủ hoàn cầu như thời cổ sử Trung Hoa.

Vừa mới được Đảng CS Trung Quốc cử làm Chủ Tịch Đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung Ương, chưa nhận được bàn giao quyền hành “nhà nước”, ông Tập Cận Bình vội mặc vào bộ quân phục, đi thăm một đại đơn vị của Quân đội Giải phóng Nhân dân của TC ở Quảng Châu. Trước ba quân tướng sĩ, Ông mạnh dạn và tự hào nói Ông sẽ tăng cường quân lực, đó là yếu tố then chốt  để thực hiện «giấc mơ Trung Hoa» của ông. Ông  nói «Giấc mơ này có thể được xem như là giấc mơ của đại dân tộc, và đối với quân đội, đó chính là giấc mơ của một đội quân hùng mạnh».

Trong thời làm Phó Chủ Tịch Nước, Ông Tập là người làm ra chính sách và chỉ đạo các vấn đề Biển Đông của TC. Bây giờ cờ đã vào tay, Ông bắt đầu thời đại của Ông bằng việc chỉ đạo nhiều chiến dịch khích động tinh thần thượng tôn dân tộc Trung Hoa trong quần chúng nhân dân TQ.

Đối với Việt Nam, Ô. Bình chỉ đạo nhà cầm quyền tỉnh đảo Hải Nam ra lịnh cho lực lượng tuần duyên lên tàu, lục soát, và trục xuất các tàu thuyền qua lại trong vùng lãnh hải rộng lớn mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Và đầu tháng 12 này, tàu TC cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 2, thuộc tập đoàn quốc doanh Petro Vietnam.

Còn đối với Nhựt, CT Tập khích động một làn sóng biểu tình bài xích Nhựt nổi lên ở Trung Quốc. Nhà cầm quyền ở các thành phố kinh tế, kỹ nghệ lớn của TQ kích động tinh thần bài Nhật trong “quần chúng nhân dân”, mặc thị xúi dục dân chúng vụ biểu tình chống Nhựt, đập phá cơ sở của người Nhật, tẩy chay sản phẩm Nhật, kể cả liệng đá vào tòa Đại sứ Nhựt. Số xe hơi của Toyota, Honda sản xuất và bán ra tại TC giảm nhiều.

 

Theo ghi nhận của báo Pháp Le Monde, Ô. Tập Cận Bình rất  thiết tha  với niềm tin và quyết chí «Đại phục hưng dân tộc Trung Hoa». Bài diễn văn đầu tiên Ông đọc trước báo chí và công chúng sau khi lên làm Chủ Tịch Đảng và Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương của Ông, ngày 15/11, Ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần giấc mơ «Đại phục hưng dân tộc Trung Hoa».

Một dàn cảnh tạo ép phê sân khấu ngoạn mục dưới ánh sáng đèn màu của tinh thần thượng tôn dân tộc cố hữu và cực đoan của vua quan Trung Hoa coi quốc gia dân tộc mình là “trung tâm”, ở giữa cái hoa, là bá chủ còn các nước xung quanh vốn là man di, mọi rợ, chư hầu mà Trung Hoa ra ơn khai hoá.

Tinh thần bá chủ cố hữu của vua quan đó bây giờ được Đảng Nhà Nước TC hồi sinh với giai cấp thống trị là Đảng CS nắm toàn quyền độc tài đảng trị trên xã hội Trung Quốc. Độc tài vua chúa chỉ là độc tài cá nhân, độc tài gia đình; còn độc tài CS là độc tài đảng trị toàn diện, mạnh bạo, khắc nghiệt, triệt để hơn nhiều.

Báo Le Monde xác nhận “chính Đảng cộng sản đã tái sinh ra một Trung Quốc CS sau những sự kiện «nhục nhã» trong thế kỷ XIX… Sự tôn vinh tinh thần dân tộc được nâng lên đến mức tối đa. Tư tưởng này được biểu hiện qua việc sao chụp lại một tấm hình lớn mô tả quang cảnh vào thời xa xưa, sứ thần từ các nước lân cận đến dâng cống nạp lên hoàng đế Trung Hoa.”

Chính Ô. Tập cận Bình còn nhân cách hoá mình với giấc mơ “đại dân tộc Trung Hoa”. Nhơn một cơ hội long trọng trình bày về lịch sử Đảng CS, Ông Tập Cận Bình “thật thà khai báo”: «Ai cũng nói về giấc mơ Trung Hoa. Tôi tin rằng sự phục hưng tinh thần dân tộc Trung Quốc là giấc mơ lớn nhất của đất nước trong thời buổi hiện đại».

Thái độ, hành động phục hưng đại dân tộc Trung Hoa làm bá chủ thiên hạ mà Ô Tập cận Bình đã tích cực thực hiện làm cho người ta liên tưởng đến Hitler khích động người dân Đức, con sư tử ở Âu Châu cảm thấy tủi nhục sau khi thua Thế Chiến 1 bị các siêu cường đối xử tệ bạc, chia cắt một phần đất nước TQ. Khích động của Hitler đưa nước Đức trở thành độc tài quốc xã và gây Thế chiến  thứ 2, số người chết và thiệt hại nhiều lần hơn Thế Giới Đại Chiến 1.

Với Trung Cộng một chế độ độc tài đảng trị toàn diện, Tập cận Bình  bây giờ  trên phương diện đối nội, dễ làm hơn Hitler vì độc tài CS đã có sẵn rồi và tinh thần thượng tôn dân tộc cực đoan của Trung Quốc là cố hữu.

Đối ngoại hành động ngoại giao rụt rè của Mỹ trong thời TT Obama trong vấn đề Biển Đông, Mỹ cứ tuyên bố Mỹ không đứng về phía bên nào trong các cuộc tranh chấp Biển Đông của các nước. Đó là từ ngữ chạy tội cho TQ cướp biển đảo của các nước, một hành động thi thiềng cho TC ỷ mạnh hiếp yếu, phi pháp, vô đạo đức của TC. Tương tự như thời Thủ Tướng Chamberain của Anh xách dù qua lại, to nhỏ, chiều chuộng Đức. Đức thấy phản ứng Âu châu yếu xìu, nên tấn công thăm dò một nước thấy êm ru, thế là Đức Quốc xã tiến chiếm hầu hết các nước Âu châu, tạo thành Thế Chiến thứ hai. Một thế chiến Mỹ phải tham dự, quân lính Mỹ chết nhiều nhứt và tốn hao tài sản Mỹ nhiều nhứt.

Bây giờ thì khác, TT Trump tấn công phủ đầu Tập cận Bình, bằng chiến tranh thương mại. Nếu TC uất ức chống trả bằng chiến tranh quân sự, hay Mỹ thấy chiến tranh thương mại chưa đủ làm TC hộc máu, thì TT Trump có nhiều lý do chuyển qua chiến tranh quân sự. Chiến tranh quân sự Mỹ chống TC có thể xảy ra ở Á châu Thái bình dương là diện và Biển Đông là điểm. Tương quan lực lượng Mỹ-Trung cho thấy TT Trump của Mỹ là Khổng Minh còn Tập cận Bình là Châu Do thua trí, thua kế, có thể thất trận, tức hộc máu, kêu Trời, than: “Thiên sanh Do, hà Thiên sanh Lượng”./.(VA)

https://vietbao.com/p122a285715/trump-lam-tap-hoc-mau-

 

Tổng thống Trump lên tiếng cảnh báo

sau đòn trả đũa mới của TQ

Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng sẽ ra quyết định đánh thuế với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ngay sau khi Bắc Kinh tuyên bố gói thuế trả đũa với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Trung Quốc ngày 18/9 tuyên bố sẽ đánh thuế bổ sung lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa việc Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Động thái “ăn miếng, trả miếng” này đánh dấu một bước leo thang mới trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Danh sách hàng hóa của Mỹ bị Trung Quốc lên kế hoạch đánh thuế lần này gồm 5.207 mặt hàng, với mức thuế bổ sung là 5% và 10% tùy từng sản phẩm, thay vì các mức thuế 10%, 20% và 25% như đề xuất từ trước.

Quyết định của Bắc Kinh được đưa ra bất chấp cảnh báo của Tổng thống Trump đưa ra ngày 17/9 rằng ông sẽ theo đuổi đợt đánh thuế thứ 3 trị giá khoảng 267 tỷ USD nếu Trung Quốc trả đũa gói thuế mới của Mỹ.

“Chúng tôi không muốn thế, nhưng có lẽ chúng tôi không có lựa chọn”, ông Trump nhắc lại lời cảnh báo của mình vào tối ngày 18/9 tại Phòng Oval, sau khi Trung Quốc thông báo quyết định trả đũa.

Vào sáng ngày 18/9, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng Trung Quốc sẽ phải hứng chịu sự đáp trả “nặng nề và nhanh chóng về kinh tế” từ phía Washington nếu tiếp tục có hành động chống lại những người nông dân hoặc công nhân các ngành công nghiệp của Mỹ.

“Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng họ đang ra sức tác động và thay đổi cuộc bầu cử của chúng ta bằng cách tấn công vào những người nông dân, các chủ trang trại, các công nhân nhà máy của Mỹ vì sự trung thành của họ đối với tôi. Điêu Trung Quốc không hiểu là những người này là những người rất yêu nước và hoàn toàn hiểu rõ điều đó,” ông Trump viết.

“Trung Quốc đang lợi dụng Mỹ về thương mại nhiều năm qua. Họ cũng biết rằng tôi là người duy nhất biết cách ngăn chặn điều đó,” ông viết thêm.

tong thong trump len tieng canh bao sau don tra dua moi cua trung quocTổng thống Trump cảnh báo Trung Quốc trên Twitter

Biện pháp đánh thuế mới nhất của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc diễn ra sau khi nhiều cuộc đàm phán về thương mại giữa hai nước đều không đạt được hiệu quả.

Trang tin SCMP dẫn một nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc tiết lộ rằng Bắc Kinh đang xem lại kế hoạch cử một phái đoàn sang Washington để đàm phán với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết “vấn đề có đàm phán tiếp hay không chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc”. Tuyên bố này được ông Ross đưa ra trước khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế 60 tỷ USD hàng Mỹ.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/23706-tong-thong-trump-len-tieng-canh-bao-sau-don-tra-dua-moi-cua-tq.html

 

Tổng thống Mỹ – Hàn Quốc sẽ gặp nhau tại New York

Thùy Dương

Chỉ ba ngày sau thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngày mai 22/09/2018 lên đường sang New York, Hoa Kỳ, tham dự khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Trong dịp này, nguyên thủ Hàn Quốc sẽ gặp tổng thống Mỹ Donald Trump để thảo luận về hồ sơ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích dẫn ông Nam Gwan Pyo, một quan chức cấp cao thuộc phủ tổng thống hôm qua cho biết hai nguyên thủ sẽ trao đổi về kết quả thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba và thảo luận kỹ nhằm đạt được bước tiến đột phá trong các cuộc thương lượng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Hai vị tổng thống cũng sẽ ký văn bản sửa đổi thỏa thuận tự do mậu dịch song phương.

Theo báo trên mạng New Zealand Herald, chỉ vài giờ sau khi từ Bình Nhưỡng trở về sau cuộc thượng đỉnh Liên Triều 3, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã nói với các nhà báo là nhân cuộc gặp với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại New York, ông sẽ chuyển tới nguyên thủ Mỹ một thông điệp riêng của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cũng là dịp để tổng thống Moon Jae In tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế về việc tái lập hòa bình với Bắc Triều Tiên. Theo dự kiến, nguyên thủ Hàn Quốc sẽ có buổi trao đổi với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua phát biểu là ông hy vọng thượng đỉnh lần thứ hai giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un có thể sẽ được tổ chức « vào một thời điểm không quá xa ». Tuy nhiên, phát biểu trên kênh Fox News, ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng « vẫn còn một vài việc phải làm » trước khi tổ chức thượng đỉnh lần hai để hai bên đạt được bước tiến mới.

Trở lại thượng đỉnh Liên Triều 3 cách nay vài ngày, hãng tin Yonhap trích dẫn phát ngôn viên của tổng thống Hàn Quốc theo đó, Bình Nhưỡng đã mời tổng thống Moon Jae In lưu lại thêm một ngày ở Bắc Triều Tiên. Trước khi đề xuất, Bình Nhưỡng đã chuẩn bị khả năng ông Moon nhận lời mời và đã ra lệnh đưa toàn bộ khách rời một nhà khách gần núi Paekdu, để dành nơi này cho phái đoàn 200 người của Hàn Quốc. Tuy nhiên, xét đến hoàn cảnh, ông Moon đành từ chối đề nghị trên để trở về nước theo đúng lịch trình.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180922-tong-thong-my-han-quoc-se-gap-nhau-tai-new-york

 

Thứ trưởng Tư Pháp Mỹ bác bỏ tin

ông từng muốn phế truất TT Trump

Thùy Dương

Báo Mỹ New York Times, ngày hôm qua, 21/09/2018, tiết lộ, năm 2017, ông Rod Rosenstein, lãnh đạo số hai của bộ Tư Pháp và cũng là người giám sát cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016, đã nói tới khả năng truất phế tổng thống Donald Trump.

Thông tin nói trên dựa theo các biên bản của nhiều quan chức FBI trong đó có ông Andrew McCabe, từng là quyền giám đốc FBI.

Theo ghi chép hồi tháng 05/2017 của ông McCabe, thứ trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein, khi đó rất lo ngại việc giám đốc FBI James Comey bị tổng thống Donald Trump cách chức, đã gợi ý với nhiều người là phải lén ghi âm tổng thống Trump, để cho thấy mọi chuyện trong Nhà Trắng đang diễn ra rất lộn xộn, nhằm có thể sử dụng Tu chính án 25 truất phế tổng thống không đủ năng lực lãnh đạo đất nước.

Để kích hoạt tu chính án 25, cần phải có sự chấp thuận của phó tổng thống, đa số các thành viên văn phòng tổng thống và đa số nghị sĩ tại Quốc Hội lưỡng viện.

Ngay trong ngày hôm qua, thứ trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein đã khẳng định là ông không nói tổng thống không đủ khả năng lãnh đạo, đồng thời ông nhấn mạnh là không có sơ cở để sử dụng Tu chính án số 25. Theo ông Rosenstein, thông tin của báo New York Times là “sai lệch và không chính xác”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180922-thu-truong-tu-phap-my-bac-bo-tin-ong-tung-muon-phe-truat-tt-trump

 

Một sinh viên định cướp phi cơ ở Florida

nhưng bất thành

Florida – Hôm Thứ Năm (ngày 20 tháng 9), sinh viên Nishal Sankat (22 tuổi) đã bị buộc tội “cố tình đánh cắp một phi cơ” tại Phi trường Quốc Tế Orlando Melbourne, tiểu bang Florida.

Nishal Sankat, đến từ quốc gia Republic of Trinidad and Tobago, là sinh viên Học viện Kỹ Thuật Florida ngành quản trị hàng không. Phóng viên Tony Dokoupil của CBS News đưa tin cảnh sát Florida vẫn chưa rõ Sankat sẽ làm gì sau khi đánh cắp chiếc phi cơ thương mại. Theo Cơ quan Quản trị Hàng không Liên bang, Sankat đã có bằng lái phi công thương mại, nhưng chưa đạt tiêu chuẩn để lái chiếc phi cơ mà anh định đánh cắp.

Nhà chức trách cho biết, vào khoảng 2 giờ sáng, anh Sankat đã lái xe hơi, và bỏ xe ở bên ngoài phi trường, và sau đó nhảy qua hàng rào an ninh rồi đột nhập vào một chiếc phi cơ của hãng American Airlines đang được bảo trì. Cảnh sát thành phố Melbourne cho biết Sankat bị một nhân viên trên máy bay phát hiện và được nhân viên này đưa ra khỏi phi cơ. Tuy nhiên, sau khi vừa được đưa ra khỏi phi cơ, hắn đã vùng thoát và chạy đến chỗ phi cơ một lần nữa và bị cảnh sát tạm giữ không lâu sau đó.

Cho đến nay, động cơ cướp phi cơ của Sankat vẫn là một bí ẩn. Theo đài CBS, mặc dù Sankat không trang bị vũ trang nhưng phía cảnh sát đã lục soát xe của hắn để dò tìm chất nổ. Bên cạnh đó, nhà của nghi can cũng đã được lục soát nhưng chính quyền địa phương cho biết họ không tìm thấy dấu hiệu liên quan đến khủng bố.

Đây là lần thứ hai xảy ra lỗ hổng an ninh trên phi cơ thương mại trong thời gian gần đây. Chỉ mới tháng thước, một nhân viên kiểm tra hành lý đã cướp một chiếc phi cơ tại Phi trường Quốc tế Seattle-Tacoma. Người này đã thực hiện các pha nhào lộn mạo hiểm và tử vong khi chiếc phi cơ đâm xuống đất. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/mot-sinh-vien-dinh-cuop-phi-co-o-florida-nhung-bat-thanh/

 

Hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ :

Mỹ mở mặt trận mới chống Trung Quốc

Thùy Dương

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua 21/09/2018 chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Bắc Kinh về cách đối xử với sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc.

Sau khi Washington ngày 20/09 thông báo trừng phạt một cơ quan quân sự của Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga, lời chỉ trích của ngoại trưởng Mỹ có thể khiến mối quan hệ song phương, vốn đã xấu, lại càng tồi tệ hơn.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet giải thích:

« Donald Trump thường xuyên nhắc tới tình bạn của ông với chủ tịch Trung Quốc và luôn luôn ca ngợi Tập Cận Bình. Tuy nhiên, quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ đang trong giai đoạn tồi tệ: Washington liên tục tăng thuế đáp trả đối thủ trong xung đột thương mại; chỉ tríchBắc Kinh hờ hững trong việc giải quyết khủng hoảng Bắc Triều Tiên, trừng phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc… Hoa Kỳ rất cứng giọng. Và loạt chỉ trích của ngoại trưởng Mỹ hôm thứ Sáu 21/09, trong bài diễn văn về tự do tôn giáo, lại đổ thêm dầu vào lửa. Ông nói: Hàng trăm ngàn và rất có thể là hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng chế, giam vào những nơi được gọi là trại cải tạo, ở đó họ nhồi sọ chính trị và bị lạm dụng khủng khiếp. Tín ngưỡng tôn giáo của họ bị hủy hoại. Và chúng tôi cũng rất lo ngại về việc chính quyền Bắc Kinh liên tục trấn áp các tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Trung Quốc, qua các hành vi thù hằn như đóng cửa nhà thờ, tiêu hủy kinh thánh và buộc các tín đồ ký giấy xác nhận từ bỏ tín ngưỡng của họ ».

Trước đó một hôm, ngoại trưởng Mỹ đã chỉ trích là cách đối xử của Trung Quốc với các cộng đồng người thiểu số rất kinh khủng. Tại Quốc Hội, nhiều dân biểu đảng Dân Chủ và Cộng Hòa kêu gọi chính quyền ban hành lệnh trừng phạt Bắc Kinh vì vi phạm quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, cho đến nay, các dân biểu vẫn chưa nhận được câu trả lời ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180922-ho-so-nguoi-duy-ngo-nhi-my-mo-mat-tran-moi-chong-trung-quoc

 

Mỹ chuẩn bị « các hành động »

chống chính quyền Venezuela

Thùy Dương

Trả lời phỏng vấn trên kênh Fox News, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua 21/09/2018 cho biết, Washington đang chuẩn bị tiến hành « một loạt hành động » trong những ngày tới đây nhằm tăng cường sức ép đối với chính quyền Venezuela.

Theo ngoại trưởng Mỹ, chính quyền Caracas đang đi ngược lại lợi ích của người dân.

Trong những tháng qua, Washington đã siết chặt các biện pháp trừng phạt chính quyền của tổng thống Nicolas Maduro, yêu cầu ông Maduro ngưng trấn áp phe đối lập và cải thiện điều kiện sống cho người dân. Trước đây, tổng thống Mỹ Donald Trump không loại trừ khả năng can thiệp quân sự để tái lập dân chủ ở Venezuela.

Liên qua tới cuộc khủng hoảng di dân Venezuela, tổng thống Nicolas Maduro hôm thứ Năm 20/09 nói rằng ông sẽ đề nghị đại diện mới của Liên Hiệp Quốc tại Venezuela về di dân và người tị nạn trợ cấp 500 triệu đô la để hồi hương những người đã rời bỏ Venezuela và nay muốn trở về nước. Theo AFP, tổng thống Maduro giải thích là số tiền đó sẽ được dùng để thuê máy bay chở họ về Venezuela. Ông giễu cợt : « Tôi không thể bắt họ đi bộ về nước ».

Chính quyền Caracas đã triển khai kế hoạch « Trở về tổ quốc », đưa người tị nạn Venezuela từ nước ngoài hồi hương bằng máy bay hoặc xe chở khách.

Theo số liệu của chính phủ Venezuela, khoảng 3.000 người đã hồi hương bằng cách trên. Liên Hiệp Quốc cho biết, từ năm 2015, 1,6 triệu người Venezuela đã phải rời bỏ đất nước vì siêu lạm phát, nạn khan hiếm thương thực và thuốc men chữa bệnh.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180922-my-chuan-bi-%C2%AB-cac-hanh-dong-%C2%BB-chong-chinh-quyen-venezuela

 

Brexit bế tắc: Anh-EU khẩu chiến

Thủ tướng Anh Theresa May hôm 21/9 cáo buộc Liên minh châu Âu gây ‘bế tắc’ trong các cuộc đàm phán Brexit (Anh rời khỏi EU) qua việc EU bác bỏ thẳng thừng bản kế hoạch Brexit khiến chỉ tệ Anh bị rớt giá mạnh do lo ngại càng tăng rằng nước Anh sẽ ra khỏi EU trong hỗn loan.

Bản ‘Kế hoạch Chequers’ của bà May – được đặt tên theo dinh thự Chequers tức căn nhà nghỉ mát ở nông thôn của Thủ tướng Anh, nơi kế hoạch này được phác thảo hồi tháng Bảy – có mục tiêu là giữ nước Anh lại trong thị trường chung EU đối với hàng hóa nhưng loại trừ dịch vụ để đảm bảo duy trì thương mại tự do trong khối và không thiết lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland vốn là thành viên EU.

Các quan chức EU ngay từ đầu đã tỏ thái độ lạnh lùng với ‘Kế hoạch Chequers’ và nói rằng Anh quốc không thể nào chỉ chọn những điều có lợi cho mình trong khi rũ bỏ những cái giá và trách nhiệm đi kèm.

Trong một thông cáo hôm 21/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng phía Anh ‘đã biết toàn bộ các chi tiết về lập trường của khối trong nhiều tuần’. Ông nói các nhà lãnh đạo EU đã sững sờ trước lập trường ‘không nhượng bộ’ của bà May tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Salzburg, Áo.

Ông nói rằng một hội nghị thượng đỉnh EU khác vào ngày 18-19/10 sẽ là ‘khoảnh khắc sự thật’ khi thỏa thuận về các điều khoản tách ly và đề cương về giao thương giữa hai bên hoặc là sẽ được chốt lại hoặc là sẽ không có thỏa thuận nào hết.

Mắc mứu lớn nhất hiện nay khi Anh tách ra khỏi EU là Bắc Ireland – vốn là lãnh thổ thuộc Anh – sẽ không bị cắt đứt hoàn toàn với Ireland vốn thuộc EU và do đó sẽ có quy chế khác biệt với phần còn lại của nước Anh hay là phải theo chân Anh ra khỏi EU hoàn toàn.

Cả Anh và EU đều mong muốn duy trì đường biên giới mở giữa Ireland và Bắc Ireland. Nếu một đường biên giới cứng được dựng lên thì cuộc sống và hoạt động làm ăn của người dân ở hai phía sẽ bị gián đoạn và phá hoại nền hòa bình ở Bắc Ireland mà khó khăn lắm mới tạo dựng được.

Anh và EU đồng lý là cần phải có điều khoản ràng buộc về pháp lý để đảm bảo rằng sẽ không có việc dựng lại các trạm kiểm soát hải quan hay các cửa khẩu biên giới. Nhưng London bác bỏ đề xuất của EU giữ Bắc Ireland ở lại trong liên minh hải quan của khối còn phần còn lại của nước Anh phải ra đi.

Bà May nói rằng EU ‘đang phạm phải sai lầm cơ bản’ nếu cho rằng bà sẽ đồng ý với ‘bất kỳ hình thức biên giới hải quan nào giữa Bắc Ireland và phần còn lại của nước Anh’.

Bà nói bà muốn khẳng định với người dân ở Bắc Ireland rằng ‘trong trường hợp không đạt được thỏa thuận nào, chúng tôi sẽ làm hết sức trong khả năng để không để quay lại tình trạng biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Ireland’.

Trong bài phát biểu được trực tiếp trên truyền hình ở số 10 Phố Downing sau khi trở về từ Salzburg, bà May nói: “Tôi sẽ không đảo ngược kết quả của cuộc trưng cầu dân ý (mà người dân Anh đòi Brexit) cũng như tôi sẽ không làm tan rã đất nước của mình.”

Bà cũng nhấn mạnh rằng bà chuẩn bị đưa Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào ‘nếu như EU không đối xử tôn trọng hơn với Anh.’

Trước đó, báo chính Anh đã tuyên bố rằng bà May bị các lãnh đạo EU ‘hạ nhục’.

“Trong toàn bộ quá trình, tôi đã đối xử với EU hoàn toàn với sự tôn trọng,” bà nói. “Nước Anh cũng đòi hỏi điều tương tự từ EU. Cuối cùng quan hệ giữa hai bên có tốt hay không tùy thuộc vào việc này.”

Bà May cũng nói rằng ‘chúng ta đang bế tắc’. Bà nói EU phải đưa ra ‘đâu là vấn đề thật sự và giải pháp thay thế của họ là gì’.

Đồng bảng Anh đã giảm 1,5% xuống còn 1,3066 đô la Mỹ sau bài phát biểu của bà May do thị trường Anh lo ngại về viễn cảnh gián đoạn kinh tế nếu nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.

Hội nghị Salzburg, vốn được trông chờ sẽ tạo ra bước đột phá về thỏa thuận Brexit, đã diễn ra trong rối loạn khi mà nước Anh chỉ còn 6 tháng nữa là sẽ chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3 năm sau.

Tại hội nghị, ông Donald Tusk thẳng thừng nói rằng bản kế hoạch của bà May là ‘không thể làm được’ trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi các chính trị gia ủng hộ Brexit của Anh là ‘bọn dối trá’ khiến dư luận nước Anh hiểu sai về cái giá của việc rời khỏi EU.

Tờ báo lá cải The Sun vốn có lập trường ủng hộ Brexit đã gọi các nhà lãnh đạo EU là ‘lũ chuột bẩn thỉu’ vào cáo buộc ‘những kẻ côn đồ châu Âu’ là Tusk và Macron đã ‘phục kích’ bà May.

Về phía hơn 3 triệu công dân EU đang sống và làm việc ở Anh, bà May đã trấn an rằng họ vẫn được giữ nguyên quyền của mình ngay cả khi không đạt được thỏa thuận về Brexit.

“Quý vị là bạn bè, hàng xóm và là đồng nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi muốn quý vị ở lại,” bà May nói.

Lời lẽ cứng rắn của bà May thể hiện vị thế yếu ớt của bà: hiện bà đang lãnh đạo chính phủ mà không nắm đa số ở Hạ viện, trong khi Đảng Bảo thủ của bà bị chia rẽ giữa phe bài EU và phe ủng hộ EU. Phe chủ trương Brexit đã đe dọa sẽ lật đổ bà nếu bà nhượng bộ EU quá nhiều.

Những lời lẽ nặng nề của bà May rõ ràng là nhằm để xoa dịu phe chống EU trong đảng của bà trước khi diễn ra hội nghị hàng năm của Đảng Bảo thủ vào cuối tháng này vốn được dự đoán sẽ khốc liệt.

https://www.voatiengviet.com/a/brexit-b%E1%BA%BF-t%E1%BA%AFc-anh-eu-kh%E1%BA%A9u-chi%E1%BA%BFn/4582313.html

 

Brexit : Châu Âu lại « đấu dịu »

với thủ tướng Anh

Minh Anh

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Donald Tusk, ngày 21/09/2018 đã có tuyên bố « mềm mỏng », tin vào khả năng có được một thỏa thuận « tốt cho tất cả các bên » trong hồ sơ Brexit.

Trước đó, thủ tướng Anh Theresa May đã mạnh mẽ lên án thái độ cứng rắn của Liên Hiệp Châu Âu tại thượng đỉnh bán chính thức Salzbourg ở Áo.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet giải thích:

Vẫn có thể đạt được một thỏa thuận về việc Vương quốc Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk khẳng định như vậy. Trước đó, chính ông đã thẳng thừng bác bỏ các đề xuất của nước Anh tại thượng đỉnh Salzbourg. Ông cho rằng những đề nghị này không tương thích với thị trường chung châu Âu. Quan điểm này đã bị bà Theresa May lên án mạnh mẽ trong bài diễn văn tối thứ Sáu.

Thay vì tức giận, Donald Tusk lại áp dụng chính sách chìa bàn tay thân thiện, với những lời lẽ hòa dịu hơn so với lúc tại thượng đỉnh Salzbourg. Liên Hiệp Châu Âu dường như bực bội về thái độ của chính phủ Anh vì Luân Đôn đưa ra các đề xuất được xem như là không thể thương thuyết nữa, vào lúc các cuộc đàm phán lẽ ra phải kết thúc.

Dù vậy, các thành viên Liên Hiệp Châu Âu có vẻ như quyết định để cho bà Theresa May thoát ra khỏi thời điểm đặc biệt này trong danh dự. Đại hội của đảng Bảo Thủ Anh khai mạc vào ngày 30/09 tại Birmingham. Lo ngại xẩy ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh và không còn có đối tác để thương thảo, Liên Hiệp Châu Âu tìm cách ứng xử để cho thủ tướng Anh có thể lên giọng ngẩng cao đầu trong hồ sơ này, cho dù từ nhiều tuần qua, các nước châu Âu liên tục nhắc lại rằng kế hoạch Chequers (nơi có dinh thự của thủ tướng Anh) là không thể chấp nhận được.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180922-brexit-chau-au-lai-%C2%AB-dau-diu-%C2%BB-voi-thu-tuong-anh

 

Không quân Anh chặn oanh tạc cơ Nga ở Biển Bắc

Hai máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga đã xuất hiện gần bờ biển của Anh dọc theo Biển Bắc hôm 20/9, cùng lúc đã lờ đi các cuộc gọi liên tục qua vô tuyến điện, theo bộ quốc phòng của Vương quốc Liên hiệp Anh.

Các máy bay chiến đấu Typhoon đang trực chiến của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã cất cánh từ một căn cứ ở Scotland để chặn các máy bay ném bom đó.

“Các máy bay Blackjack của Nga đã không nói chuyện với bên kiểm soát không lưu, trở thành một mối nguy hiểm đối với tất cả các máy bay khác”, một tuyên bố của quân đội Anh cho hay.

“Các máy bay ném bom của Nga do thám không phận của Anh là một lời nhắc nhở về thách thức quân sự nghiêm trọng mà Nga tạo ra cho chúng ta ngày hôm nay”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson nói.

“Chúng tôi sẽ không ngần ngại gì và liên tục bảo vệ bầu trời của mình trước những hành động gây hấn. Một lần nữa, những phản ứng nhanh chóng của RAF của chúng ta đã chứng minh tầm quan trọng của lực lượng vũ trang của chúng ta trong việc bảo vệ nước Anh”, ông nói thêm.

Các máy bay ném bom tầm xa siêu âm Tu-160 của Nga đã không bay vào không phận của Anh. Không quân Hoàng gia đã cho các máy bay chiến đấu cất cánh vì máy bay của Nga đã lờ đi những người điều khiển không lưu, tuyên bố cho hay.

Các máy bay ném bom đó đã tiếp cận Vương quốc Anh ở ngoài khơi bờ biển Newcastle và bay trong không phận quốc tế, theo một hình ảnh radar từ trang airlive.net. Trang này cũng cho biết một máy bay phản lực của Pháp và máy bay chở dầu hỗ trợ đã tham gia cùng các đồng minh NATO trong cuộc ngăn chặn.

Đây ít nhất là lần thứ ba trong tháng này, máy bay của NATO đã được điều động để ngăn chặn biên đội máy bay ném bom tầm xa của Nga. Hai vụ khác đã diễn ra ngoài khơi Hoa Kỳ vào ngày 1/9 và 11/9.

(Fox News, Newsweek)

https://www.voatiengviet.com/a/khong-quan-anh-chan-oanh-tac-co-nga-o-bien-bac/4581687.html

 

Kinh tế : Yếu tố giúp hâm nóng

quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Đức

Minh Anh

Bộ trưởng Tài Chính Thổ Nhĩ Kỳ, Berat Albayrak ngày 21/09/2018 đến thăm Berlin, gặp đồng nhiệm Đức, Olaf Scholz và bộ trưởng Kinh Tế, ông Peter Altmaier.

Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Berlin còn nhằm chuẩn bị cho chuyến công du cấp Nhà nước đáng chú ý nhưng cũng gây nhiều tranh cãi của tổng thống Erdogan trong một tuần nữa.

Theo nhận định của thông tín viên Pascal Thibaut, hợp tác kinh tế có thể sẽ là chiếc cầu nối để hai bên hâm nóng lại mối quan hệ căng thẳng do nhiều bất đồng. Việc chính quyền Ankara hôm qua trả tự do cho một trong số nhiều người Đức bị cầm tù ở Thổ Nhĩ Kỳ được xem như là một thiện ý của chính quyền Ankara.

«Trong cuộc hội đàm hôm nay cũng như trong chuyến công du của tổng thống Erdogan vào tuần tới, chúng tôi có thể khẳng định là Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định yêu cầu Đức trợ giúp kinh tế. Phó thủ tướng, kiêm bộ trưởng Tài Chính Đức Olaf Scholz đã xác nhận những gì mọi người biết trước đó.

Trước hết, Berlin không hề có các phương tiện cần thiết để tiến hành trợ giúp trực tiếp. Cho dù điều đó có thể đi chăng nữa, một giải pháp như vậy sẽ làm dấy lên nhiều lời chỉ trích vốn dĩ đã quá nhiều tại Đức phản đối chuyến viếng thăm của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong một tuần nữa.

Nhưng rõ ràng đang có một sự hâm nóng quan hệ song phương. Đức không có lợi gì khi tình hình kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ xuống cấp. Và Ankara là một đối tác quan trọng trên trường quốc tế.

Nếu như hỗ trợ trực tiếp chưa phải là vấn đề thời sự, thì ngược lại, Berlin có thể trấn an các nhà đầu tư – 7000 doanh nghiệp Đức hiện đang hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí tạo thuận lợi cho nhiều hoạt động mới. Bộ trưởng Kinh Tế cùng với một phái đoàn chủ doanh nghiệp sẽ sang Thổ Nhĩ Kỳ trong một tháng nữa.

Một ủy ban kinh tế song phương sẽ được thiết lập. Các hoạt động đầu tư có thể sẽ phát triển trong nhiều lĩnh vực, như năng lượng, thương mại và tài chính. Một tổ hợp do Siemens dẫn đầu có thể giành được một hợp đồng lớn nhằm hiện đại hóa mạng lưới đường sắt của Thổ Nhĩ Kỳ ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180922-kinh-te-yeu-to-giup-ham-nong-quan-he-tho-nhi-ky-va-duc

 

‘Hất cẳng’ Đài Loan,

Trung Quốc mở sứ quán ở Dominica

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị hôm 21/9 khánh thành tòa đại sứ Trung Quốc ở Cộng hòa Dominica sau khi quốc gia vùng Caribbe này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan trong một động thái khiến Washington lo ngại.

“Chúng ta đang chứng kiến một bước đột phá lịch sử,” ông Vương, quan chức ngoại giao cao nhất của Trung Quốc, nói trong một bài diễn văn được phát sóng trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc.

Cùng với quyết định của Cộng hòa Dominica hồi tháng 5, các nước Panama và El Salvador cũng chấm dứt công nhận Đài Loan trong vòng hai năm qua.

Trước làn sóng chuyển đổi quan hệ ngoại giao này, Hoa Kỳ đã triệu hồi đại sứ của họ ở những quốc gia Trung Mỹ vừa kể và tố cáo Bắc Kinh dùng phần thưởng kinh tế trong nỗ lực chi phối khu vực.

Căng thẳng giữa các nước trong khu vực và Hoa Kỳ đã bùng phát xung quanh những chính sách cứng rắn của Tổng thống Donald Trump về di trú.

Vùng lãnh thổ tự trị Đài Loan hiện giờ chỉ có quan hệ chính thức với 17 quốc gia, đa số là những nước nhỏ và kém phát triển ở Trung Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương.

Đại sứ Mỹ ở Dominica, bà Robin Bernstein, trong lần xuất hiện đầu tiên kể từ khi trở lại quốc gia này hôm 20/9, cho biết bà bị chất vấn về vai trò của Trung Quốc trong khu vực khi bà quay về Washington và rằng bà hy vọng các nước cần xem xét ‘mục tiêu dài hạn’.

Trong một thông cáo hôm 20/9, Sứ quán Mỹ ở El Salvador than phiền rằng các nước trong khu vực đang tăng cường quan hệ với ‘các đối tác xa lạ’ và tham gia vào những vụ giao dịch ‘thiếu minh bạch’.

Ông Vương Nghị nói Cộng hòa Dominica là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở khu vực Caribbe và đó là nền tảng cho quan hệ ngoại giao.

“Nền kinh tế đang phát triển và thị trường mở rộng của Trung Quốc đã đem đến lợi ích cho Cộng hòa Dominica,” ông nói.

Ông Vương cũng sẽ đến thăm Guyana và Suriname trước khi có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/h%E1%BA%A5t-c%E1%BA%B3ng-%C4%91%C3%A0i-loan-trung-qu%E1%BB%91c-m%E1%BB%9F-s%E1%BB%A9-qu%C3%A1n-%E1%BB%9F-dominica/4582301.html

 

Jack Ma rút lời hứa tạo 1 triệu việc làm ở Mỹ

Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba từng tự hào công ty của ông có thể tạo hơn một triệu việc làm tại Mỹ, đang dự định rút lại kế hoạch đó.

Đề cập đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, ông nói “không có cách nào để hoàn thành lời hứa”, theo Tân Hoa Xã.

‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?

Jack Ma dự định nghỉ hưu để làm từ thiện

Jack Ma tụt hạng trong danh sách người giàu TQ

Tuyên bố này được đưa ra sau phát biểu của Jack Ma tại sự kiện về đầu tư (Alibaba’s investor day), rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiếp tục trong nhiều thập kỷ.

Jack Ma từng ấp ủ ý tưởng mở rộng kinh doanh tại Mỹ.

Vào tháng 1/2017, ông Jack Ma đã gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump, đưa ra một kế hoạch tăng sự hiện diện của Aibaba tại Mỹ và giúp tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.

Alibaba cho rằng thông qua trang thương mại điện tử của mình, các doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp cận khách hàng Trung Quốc – qua đó sẽ tạo ra hơn triệu việc làm cho người Mỹ trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, hôm 19/09, ông Ma nói lời hứa được đưa ra dựa trên cơ sở mối quan tốt đẹp giữa Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên hiện tại mối quan hệ đang rất xấu.

Ông nói:

“Không có cách nào để hoàn thành lời hứa, tuy nhiên chúng tôi không dừng nỗ lực để tăng cường sự phát triển thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.”

Ông nói thêm “thương mại trên thế giới cần được hoàn thiện hơn, nhưng thương mại không phải là trái bom, thương mại không nên sử dụng cho chiến tranh, nó nên được sử dụng như một miếng ghép kiến tạo hoà bình”.

Kế hoạch tạo việc làm của Alibaba tiếp sau khoản đầu tư của doanh nghiệp này vào các doanh nghiệp Mỹ như Snapchat và Jet.com cũng như nỗ lực triển khai một trang thương mại điện tử bán hàng Mỹ.

Sau buổi gặp mặt năm 2017, ông Trump nói với các nhà báo “Jack và tôi đang lên kế hoạch làm những thứ tuyệt vời”.

Một vài tuần sau, công ty thanh toán điện tử Ant Financial, thuộc Alibaba, tuyên bố kế mua lại Moneygram, một dịch vụ chuyển tiền ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, thoả thuận này không mấy tiến triển khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi.

Năm điều nên biết về Jack Ma của Alibaba

‘Siêu giàu châu Á’ và khoảng cách giàu nghèo

WeChat nói không ‘lưu nội dung’ trao đổi

Vào tháng 8/2017, Tổng thống Donald Trump yêu cầu điều tra về các vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Ông cáo buộc Trung Quốc đối xử không công bằng đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Vào tháng 1, chính quyền của Donald Trump ngăn cản thương vụ mua lại của Ant Financial, vì lo ngại an ninh quốc gia.

Mỹ tuyên tuyên bố đánh thuế lên tới 25% vào các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc giá trị lên tới $250 tỷ.

Trung Quốc lập tức trả đũa tăng thuế đối với những sản phẩm từ Mỹ.

Các nhà phân tích cảnh báo doanh nghiệp Mỹ khi bán hàng tại Trung Quốc có thể đối mặt với những người theo chủ nghĩa dân tộc chống lại sản phẩm của họ.

Tụt hạng ‘giàu nhất’ và rút lui luôn

Hồi cuối năm 2017, ông Jack Ma tụt một vị trí trong danh sách những người Trung Quốc giàu nhất thế giới, mặc dù giá trị ròng của ông tăng hơn một phần ba, lên tới mức 38,6 tỷ USD.

Tỷ phú công nghệ giàu nhất của châu Á, ông Pony Ma chủ hãng Tencent, lên vị trí thứ hai sau khi tài sản của ông tăng gần 60%, lên mức 39 tỷ USD.

Công ty Trung Quốc ‘dính líu bê bối ở Malaysia’

Tập đoàn công nghệ nào dám thách thức Trung Quốc?

Trung Quốc vượt Mỹ về số tỷ phú

Người giàu nhất Trung Quốc tính đến tháng 11/2017 là nhà tài phiệt bất động sản Hui Ka Yan.

Sang tháng 9/2018, Jack Ma nói với tờ New York Times rằng ông dự định nghỉ hưu để dành tiền và thời gian làm từ thiện.

Tỷ phú công nghệ được gọi là “Steve Jobs của Trung Quốc” nêu dự định rời công ty vào sinh nhật tới, lần sinh nhật thứ 55 của ông.

Thương chiến Mỹ – Trung đang tiếp tục gia tăng căng thẳng với kinh tế Mỹ không hề yếu đi, mà cả chỉ số tăng trưởng và chứng khoán tháng 9/2018 đều khả quan.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-45604700

 

Mỹ Trừng Phạt TC Về Vụ Mua Chiến Đấu Cơ Phi Đạn Nga;

TC Đòi Mỹ Phải Rút Lại Trừng Phạt Nếu Không Sẽ Có Hậu Quả

WASHINGTON   –    Chính quyền Trump quyết định trừng phạt Trung Cộng về vụ đặt mua chiến đấu cơ, phi đạn phòng không từ Nga, là xâm phạm lệnh trừng phạt Moscow về quấy rối chu kỳ bầu cử 2016 tại Hoa Kỳ – Ngũ Giác Đài loan báo: trừng phạt được thực hành tức khắc với Cục quân cụ, và cục trưởng là Li Shangfu về các thương lượng và trao đổi với Rosoboroexport, là nhà xuất cảng chiến cụ chính của Nga.

Thẩm quyền quốc phòng Hoa Kỳ cho hay: đợt trừng phạt này liên quan với thương vụ mua 10 chiến đấu cơ Su-35 năm 2017 và khí cụ liên quan với phi đạn phòng không S-400 đặt mua năm nay.

Trừng phạt của chính phủ Hoa Kỳ gồm: cấm Cục quân cụ và cục trưởng Li xin giấy phép xuất cảnh và tiếp cận hệ thống tài chính Hoa Kỳ – các đối tượng trừng phạt cũng được đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ ngân khố Hoa Kỳ.

Viên chức ẩn danh nói với nhà báo: mục tiêu sau cùng là Nga.

Viên chức khác nói: biện pháp này có ý nghĩa của thông điệp nhắc nhở các nước nghĩ lại khi tiếp cận, trao đổi với các ngành quốc phòng và tình báo Nga.

Ngoài ra, phản ứng giận dữ của Beijing phát sinh vài giờ sau.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Geng Shuang tuyên bố: Washington vi phạm nghiêm trọng các thông lệ căn bản của quan hệ quốc tế, gây tổn thương quan hệ Hoa-Mỹ.

Geng hô hào tức khắc điều chỉnh sai lầm, rút lại các biện pháp gọi là trừng phạt nếu không sẽ thấy hậu quả nghiêm trọng (mà Geng không mô tả cụ thể là gì).

Với nhà báo: đây là chuyện miếng-trả-miếng ở bề mặt, nhưng thực tế là phức tạp hơn.

Viên chức Bạch Ốc minh định mục tiêu thật là Nga – viên chức ẩn danh nói rõ: trừng phạt không nhắm phe thứ 3 như Trung Cộng.

https://vietbao.com/p122a285712/my-trung-phat-tc-ve-vu-mua-chien-dau-co-phi-dan-nga-tc-doi-my-phai-rut-lai-trung-phat-neu-khong-se-co-hau-qua

 

Bắc Kinh hủy vòng đàm phán thương mại

với Washington

Minh Anh

Trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, đàm phán song phương rơi vào bế tắc. Trung Quốc đã quyết định hủy vòng đàm phán mới với Hoa Kỳ.

Nhật báo Mỹ Wall Street Journal, ngày 21/06/2018, trích dẫn nhiều nguồn tin không chính thức khẳng định, một phái đoàn Trung Quốc đi tiền trạm chuẩn bị cho chuyến công du Mỹ của phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào tuần tới đã bị hủy.

Trước đó, Bắc Kinh thông báo kể từ thứ Hai 17/09, áp thuế 60 tỉ đô la đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, để trả đũa các quyết định của Donald Trump đánh thuế thêm 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Reuters, thông báo hủy vòng đàm phán cũng như là chuyến công du Hoa Kỳ của ông Lưu Hạc được đưa ra vài giờ, sau khi một quan chức Nhà Trắng tỏ ra lạc quan, cho rằng có nhiều hy vọng chấm dứt các tranh chấp thương mại với Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180922-bac-kinh-huy-vong-dam-phan-thuong-mai-voi-washington

 

Canh bạc nguy hiểm trong chiến lược ngoại giao

của tổng thống Nam Hàn

Seoul, Nam Hàn – Theo giới phân tích, Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in đang bắt tay vào một canh bạc nguy hiểm, sau khi ông chỉ đạt được những nhượng bộ tối thiểu từ Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un để tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Ông Moon đã đến Bình Nhưỡng trong tuần này để tham dự cuộc họp lần thứ 3 với ông Kim, nhằm cố gắng nhen nhóm lại các cuộc đàm phán hạt nhân vốn đang bị đình trệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn. Tuy nhiên, ông Moon trở về vào Thứ Năm 20 tháng 9, với một thỏa thuận còn thiếu hụt rất nhiều so với yêu cầu của Hoa Kỳ về việc Bắc Hàn phải giải trừ hạt nhân hoàn toàn và có thể kiểm chứng.

Theo ông Shin Beom-cheol, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chính sách Asan, có vẻ như lãnh đạo Nam Hàn đang ưu tiên việc tạo lòng tin với Bắc Hàn hơn là thuyết phục nước này giải trừ hạt nhân. Theo ông Shin, đây là một canh bạc nguy hiểm, vì sự mềm mỏng của Seoul có thể sẽ tạo điều kiện cho Bắc Hàn tiếp tục duy trì vũ khí nguyên tử. Ông Shin thêm rằng, Nam Hàn sẽ bị đổ lỗi nếu Bình Nhưỡng không giải trừ hạt nhân. Ngoài ra, việc này cũng khiến Seoul mất uy tín và gây rạn nứt trong quan hệ đồng minh với Washington.

Sau cuộc họp với Tổng Thống Moon trong tuần này, ông Kim đã đồng ý đóng cửa vĩnh viễn bãi thử động cơ hỏa tiễn Tongchang-ri và khu vực bệ phóng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, lời hứa này là không đáng kể. Vì cơ sở Tongchang-ri đã quá lỗi thời, không còn cần thiết, và các hỏa tiễn hiện tại của Bắc Hàn đều được sản xuất ở nơi khác. Theo các chuyên gia, điều thiết thực hơn cần làm là nên yêu cầu Bình Nhưỡng cung cấp danh sách đầy đủ các vũ khí nguyên tử mà nước này sở hữu. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/canh-bac-nguy-hiem-trong-chien-luoc-ngoai-giao-cua-tong-thong-nam-han/

 

Ấn Độ: Giám mục bị bắt vì cáo buộc cưỡng hiếp

Một giám mục Công giáo ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ, bị bắt giữ hôm 21/8 với cáo buộc cưỡng hiếp một nữ tu, cảnh sát loan báo chỉ một ngày sau khi Tòa thánh Vatican chấp nhận thỉnh cầu của vị giám mục này tạm thời đình chỉ các nhiệm vụ.

Giám mục Franco Mulakkal đã bác bỏ các cáo buộc này trong các cuộc phỏng vấn trước đây.

Ông Mulakkal, người đứng đầu giáo phận Jalandhar, hôm 16/9 đã viết thư cho Vatican đề xuất được tạm thời rời chức trong lúc ngày càng có nhiều phản đối và yêu cầu ông từ chức. Vatican hôm 20/9 đã chấp nhận thỉnh cầu này của ông.

“Ông ấy bị cáo buộc hiếp dâm,” ông Vijay Sakhare, chánh thanh tra thành phố Kochi, cho biết.

Phát ngôn nhân của Vatican nói hiện giờ ông chưa thể bình luận về vụ việc.

Giám mục Mulakkal, 54 tuổi, được thụ phong linh mục vào năm 1990 ở bang Punjab, miền bắc Ấn Độ, và đã được thăng lên làm giám mục Giáo phận Jalandhar 5 năm trước.

Vụ bắt giữ diễn ra trong lúc cộng đồng Công giáo ở bang Kerala đang chao đảo sau một loạt những vụ việc – trong đó vụ bắt giữ năm linh mục hồi tháng trước với cáo buộc tấn công tình dục. Nhà thờ nơi các linh mục này phụng sự nói rằng họ tin các linh mục vô tội.

Không chỉ ở Ấn Độ, Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã đang đối mặt với các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục ở Mỹ, Chile, Úc, Đức và nhiều nước khác.

Trong lúc này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã triệu tập người đứng đầu các hội giám mục quốc gia trên toàn thế giới đến Vatican để bàn luận cách thức bảo vệ trẻ vị thành niên trong một phiên họp bất thường từ 21-24 tháng 2 năm sau.

https://www.voatiengviet.com/a/%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-gi%C3%A1m-m%E1%BB%A5c-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFt-v%C3%AC-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-c%C6%B0%E1%BB%A1ng-hi%E1%BA%BFp/4582310.html

 

Ấn Độ hủy cuộc gặp cấp ngoại trưởng với Pakistan

Minh Anh

Chính quyền New Dehli, ngày 21/09/2018, thông báo hủy cuộc gặp hiếm hoi giữa hai ngoại trưởng Ấn Độ và Pakistan, dự kiến diễn ra trong tuần tới, bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.

Quyết định hủy cuộc gặp được đưa ra sau vụ ám sát ba cảnh sát Ấn Độ tại vùng Kashmir, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan.

Từ New Dehli, thông tín viên Sébastien Farcis, cho biết thêm thông tin:

«Cuộc gặp này rất được trông đợi. Quả thật, từ ba năm nay, ngoại trưởng hai nước đã không gặp nhau. Chính tân thủ tướng Pakistan, Imran Khan đã mời đồng nhiệm Ấn Độ, Narendra Modi, nối lại đối thoại, vốn bị đình chỉ từ sau vụ những kẻ khủng bố đến từ Pakistan tấn công một căn cứ quân sự Ấn Độ vào tháng Giêng năm 2016. Thế nhưng, cuộc gặp cấp bộ trưởng vừa được thông báo, nay lại bị hủy: chính phủ Ấn Độ muốn tỏ thái độ phản đối việc các chiến binh nhóm Hizbul Mujahideen đã ám sát ba cảnh sát tại vùng Kashmir Ấn Độ. Nhóm vũ trang này đòi độc lập cho vùng lãnh thổ đang có tranh chấp và dường như được Islamabad ủng hộ.

New Dehli còn nổi giận trước quyết định của Pakistan cho in tem có hình Burhan Wani, cựu lãnh đạo của nhóm đòi độc lập này và đã bị quân đội Ấn Độ hạ sát cách nay hai năm ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180922-an-do-huy-cuoc-gap-cap-ngoai-truong-voi-pakistan