Tin khắp nơi – 21/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 21/09/2018

Người tố cáo ông Kavanaugh

sẽ khai chứng có điều kiện

Luật sư của giáo sư Christine Blasey Ford, người đưa ra cáo buộc quấy rối tình dục nhắm vào thẩm phán Brett Kavanaugh, nhân vật được Tổng thống Donald Trump đề cử vào Tối cao Pháp viện Mỹ, ngày 20/9 nói với một uỷ ban Thượng viện là bà Ford sẽ khai chứng vào tuần tới nếu những điều kiện công bằng và an toàn của bà được đảm bảo, báo New York Times ngày 20/9 loan tin.

Tuy nhiên trong một email gởi Ủy ban Tư pháp Thượng viện, luật sư Debra Katz nói bà Ford không thể nào ra khai chứng vào ngày thứ Hai 23/9 tới, như Ủy ban kỳ vọng, theo New York Times. Báo này cho biết thêm luật sư Katz sẽ gọi điện thoại và cuối ngày 20/9 để thảo luận về những điều kiện khai chứng.

https://www.voatiengviet.com/a/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-t%E1%BB%91-c%C3%A1o-%C3%B4ng-kavanaugh-s%E1%BA%BD-khai-ch%E1%BB%A9ng-c%C3%B3-%C4%91i%E1%BB%81u-ki%E1%BB%87n/4581039.html

 

Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ :

Thêm một cựu thân cận của Trump cộng tác với tư pháp

Thanh Hà

Luật sư của ông Michael Cohen ngày 20/09/2018 cho biết, người từng là cánh tay mặt của Donald Trump bắt đầu “cung cấp những thông tin quan trọng” cho công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Lanny Davis, luật sư của ông Cohen, trên mạng Twitter cho biết, Michael Cohen đã “nhiều lần bị các cộng tác viên của ông Robert Mueller thẩm vấn” và đã chấp nhận “hợp tác“. Ông Cohen từng là luật sư của Donald Trump, là một nhân vật thân tín với chủ nhân Nhà Trắng.

Tháng 8/2018 Michael Cohen nhận tội gian lận thuế. Năm nay 52 tuổi, luật sư Cohen từng khẳng định trước tòa, là thể theo yêu cầu của ứng cử viên tổng thống Donald Trump, năm 2016, ông đã chi ra 130.000 đô la để mua sự im lặng của Stormy Daniels, một nữ diễn viên phim khiêu dâm, tránh để cô tiết lộ về quan hệ với ông Trump hồi năm 2006.

Tổng thống Trump đã cực lực bác bỏ lời khai của ông Michael Cohen và gọi ông là một “kẻ dối trá” cho dù trong 10 năm liền Michael Cohen là luật sư của nhà tỷ phú địa ốc, nắm giữ tất cả những hồ sơ “nhậy cảm nhất”.

Nhiều nhân vật thân tín với ông Trump bị liên lụy trong nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Cựu giám đốc điều hành chiến dịch tranh cử của Donald Trump, ông Paul Manafort, bị kết án gian lận thuế, đã chấp nhận hợp tác với tư pháp. Còn cựu cố vấn ngoại giao của ứng cử viên tổng thống Donald Trump, George Papadopoulos thì vừa bị kết án tù vì đã nói dối FBI.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180921-nga-can-thiep-bau-cu-my-trump-tu-phap

 

Mỹ: Một phụ nữ nổ súng ở Maryland, 4 người chết

Một phụ nữ nổ súng tại trung tâm phân phối của chuỗi cửa hàng thuốc tây Rite Aid ở bang Maryland sáng 20/9, giết chết 3 người, làm bị thương 3 người khác trước khi tự sát, theo cảnh sát quận hạt Harford.

Vụ nổ xảy ra không lâu sau khi nghi can, một nhân viên tạm thời tại cơ sở này, bắt đầu ca làm việc lúc 9 giờ sáng tại kho phân phối hàng ở Perryman, bang Maryland.

Cảnh sát cho biết nghi can là một phụ nữ 26 tuổi, cư ngụ tại quận hạt Baltimore.

Chưa rõ động cơ vụ tấn công nhưng một nguồn tin của Reuters cho biết có liên hệ tới bất mãn công việc.

Thoạt đầu, nghi can nổ súng bên ngoài, sau đó tiến vào trong nhà kho. Tổng cộng 7 người bị trúng đạn. Bốn người thiệt mạng kể cả nghi can. Cảnh sát cho hay nghi can bắn vào đầu tự sát.

Vụ tấn công xảy ra gần 3 tháng sau khi một người đàn ông nổ súng vào văn phòng một tòa soạn tại Annapolis, Maryland, giết chết 5 nhân viên tòa báo.

Bà Susan Henderson, phát ngôn viên của chuỗi nhà thuốc tây Rite Aid nói vụ nổ súng xảy ra trong khuôn viên trung tâm phân phối của công ty tại Aberdeen. Bà mô tả đây là một cơ sở hỗ trợ liền kề một tòa nhà lớn hơn.

https://www.voatiengviet.com/a/my-no-sung-o-maryland-it-nhat-3-nguoi-chet-/4580203.html

 

Mỹ phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc

mua vũ khí của Nga

Thanh Hà

Viện lý do Bắc Kinh mua chiến đấu cơ và tên lửa địa đối không của Nga, Washington ngày 20/09/2018 thông báo trừng phạt Cục Phát Triển Thiết Bị của Trung Quốc và lãnh đạo cơ quan quân sự này “vi phạm luật của Mỹ trừng phạt nước Nga” đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2016. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc coi đây là một quyết định gây ra “những hậu quả nghiêm trọng”.

Trung Quốc năm 2017 mua 10 chiến đấu cơ Sukhoi-35 và gần đây hơn, mua nhiều trang thiết bị liên quan đến tên lửa địa đối không S-400 của Nga. Quyết định trừng phạt một đơn vị quân sự Trung Quốc càng khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh thêm căng thẳng.

Thông tín viên đài RFI, Anne Corpet, từ Washington cho biết đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ nhắm vào một cơ quan ngoại quốc trong khuôn khổ đạo luật trừng phạt Nga.

Đơn vị thuộc quân đội Trung Quốc và lãnh đạo cơ quan này bị trừng phạt do đã mua 10 chiến đấu cơ và trang thiết bị có liên quan tới loại tên lửa địa đối không. Họ sẽ không thể tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ nữa cũng như không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Các biện pháp nói trên được đưa ra trong khuôn khổ đạo luật của Mỹ quy định trừng phạt bất kỳ một ai mua bán vũ khí với Matxcơva. Đạo luật này đã được thông qua hồi năm 2017 với đa số áp đảo nhưng chưa bao giờ được áp dụng.

Đạo luật trừng phạt nhắm vào Nga cho đến lúc này chủ yếu mang tính răn đe. Sau khi có thông báo các trừng phạt, một quan chức Hoa Kỳ coi đó là một “bước tiến quan trọng”.

Trong thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh việc trừng phạt nói trên, xin trích, ‘không nhằm phá hoại khả năng quân sự của một quốc gia”. Mục tiêu đề ra là ‘bắt Matxcơva phải trả giá cho việc đã can thiệp vào bầu cử Mỹ và đã can thiệp vào một số các hoạt động có ác ý khác, đặc biệt là tại Ukraina’.

Ngoài ra, Hoa Kỳ còn thông báo đã đưa thêm vào danh sách đen 33 cá nhân, bị cấm mọi giao dịch trong lĩnh vực quân sự. Như vậy danh sách này giờ đây bao gồm tổng cộng 72 thực thể và cá nhân, trong đó có hai tập đoàn cung cấp vũ khí quan trọng của Nga“.

Bắc Kinh phản ứng gay gắt

Trong cuộc họp báo sáng ngày 21/09/2018, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố : “Cử chỉ của Mỹ vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế và làm phương hại mạnh mẽ đến bang giao song phương, đến quân đội của hai nước“.

Bắc Kinh kêu gọi Washington “điều chỉnh sai lầm này, bằng không Mỹ sẽ phải trả giá cho những hậu quả” từ quyết định nói trên. Ông Cảnh Sảng nhắc lại, Nga là một đối tác chiến lược của Trung Quốc.

Matxcơva cũng đã lên tiếng. Thứ trưởng Ngoại Giao Nga, Sergueï Riabkov, trong một thông cáo, lên án Hoa Kỳ “đùa với lửa” đe dọa “ổn định thế giới“.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180921-my-quan-su-trung-quoc-vu-khi-nga

 

Mỹ gây sức ép buộc các tập đoàn Đức

ngưng làm ăn tại Iran

Thùy Dương

Đại sứ quán Mỹ tại Berlin thường xuyên gây sức ép buộc các tập đoàn Đức ngưng làm ăn tại Iran. Hôm qua 20/09/2018, cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Đức cho hãng tin AFP biết như trên.

Cũng trong ngày hôm qua, chỉ vài giờ sau khi đại sứ Mỹ Richard Grenell thông báo hãng xe hơi Đức Volkswagen rút lui khỏi thị trường Iran, tập đoàn này đã từ chối khẳng định ngưng làm ăn với Teheran.

Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibaut cho biết chi tiết :

« Tân đại sứ Mỹ tại Đức không phải một nhà ngoại giao kín đáo. Ông Richard Grenell, một nhân vật thân cận với tổng thống Mỹ Donald Trump, không chỉ giới hạn hoạt động của mình trong các cuộc gặp gỡ và các mối quan hệ ngoại giao. Ngay sau khi nhậm chức tại Đức hồi tháng Năm, đại sứ Mỹ Richard Grenell đã khẳng định trên mạng xã hội Twitter rằng tất cả các doanh nghiệp của Đức phải ʺchấm dứt hoạt động ngay lập tức tại Iranʺ.

Phát ngôn viên của đại sứ quán Mỹ tại Berlin khẳng định với AFP là ông đại sứ thường xuyên thảo luận với các doanh nghiệp Đức để yêu cầu họ tôn trọng các lệnh trừng phạt của Wahsington nhắm vào Teheran. Đại sứ Mỹ Richard Grenell đã thông báo trên Twitter rằng tập đoàn sản xuất xe hơi Volkswagen và tập đoàn hóa chất BASF sẽ rút khỏi thị trường Iran. Nhưng hãng Volkswagen khẳng định họ mới chỉ đang xem xét hệ quả của các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ. Còn hôm qua, tập đoàn BASF khẳng định muốn tiếp tục làm ăn tại Iran ʺmà vẫn tôn trọng mọi quy địnhʺ.

Đối với các hãng xuất khẩu lớn của Đức, thị trường Mỹ quan trọng hơn nhiều so với thị trường Iran. Nguy cơ bị Mỹ trừng phạt có thể khiến họ phải suy nghĩ lại. Tổng giám đốc-chủ tịch tập đoàn Siemens đã giải thích sự lựa chọn của hãng bằng các con số biết nói : Siemens sử dụng 60.000 nhân công tại Mỹ và đạt doanh thu 24 tỉ đô la tại Hoa Kỳ so với doanh số 600 triệu đô la tại Iran. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180921-my-suc-ep-tap-doan-duc-ngung-lam-an-iran

 

California thông qua luật ‘có lợi’

cho người làm nail, tóc

Thống đốc bang California, Jerry Brown, hôm 21/9 ký một đạo luật yêu cầu các nhà sản xuất mỹ phẩm phải nghi trên nhãn sản phẩm những thành phần sử dụng bên trong. Kênh tin tức NBC dẫn lời những người ủng hộ nói đạo luật này “có lợi cho thợ làm móng tay và nhân viên thẩm mỹ viện”.

Luật mới của California yêu cầu các loại mỹ phẩm chuyên nghiệp được bán từ ngày 1/7/2020 trở đi tại tiểu bang này phải tiết lộ rõ các thành phần sử dụng bên trong. Theo luật liên bang, chỉ có các nhà sản xuất mỹ phẩm bán lẻ mới phải tuân thủ yêu cầu này, trong khi các sản phẩm được tiếp thị và sử dụng bởi các chuyên gia thẩm mỹ viện lại được miễn trừ.

Những người ủng hộ hoan nghênh đạo luật được xem là tiên phong trên toàn nước Mỹ.

“Đây là một chiến thắng lớn cho các chuyên gia thẩm mỹ viện, thợ và chủ sở hữu, là những người xứng đáng có nhiều thông tin nhất có thể về các sản phẩm họ sử dụng hàng ngày và sử dụng cho khách hàng”, NBC dẫn lời bà Catherine Porter, Giám đốc chính sách của Liên hiệp Mỹ Viện Móng tay lành mạnh ở California, một tổ chức phục vụ và hỗ trợ pháp lý cho lực lượng lao động phần lớn là phụ nữ nhập cư châu Á, trong đó đa phần là người Việt.

Dự luật được Thượng nghị sĩ Dân chủ bang California Ash Kalra giới thiệu vào đầu năm nay. Quận hạt của Thượng nghị sĩ Ash Kalra bao gồm một phần thành phố San Jose, nơi có hơn 100.000 người Mỹ gốc Việt sinh sống, theo ước tính của Cục thống kê Hoa Kỳ. Theo phân tích dữ liệu của cơ quan này, có khoảng 67% thợ làm móng ở California là người gốc Việt.

Trước đây, nhiều nghiên cứu cho thấy thợ làm móng và làm tóc có nguy cơ tăng lên về rối loạn sinh sản so với mặt bằng chung. Thợ làm móng tiếp xúc kéo dài với hóa chất có thể bị đau đầu, hen suyễn và tổn thương gan, thận, theo Cơ quan An toàn Sức khỏe Nghề nghiệp.

Đạo luật này cũng được xem là một chiến thắng đối với cộng đồng người da đen, NBC dẫn lời Marissa Chan, chuyên gia nghiên cứu môi trường và quản lý chính sách củ tổ chức Black Women for Wellness cho biết.

Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nhiều sản phẩm tóc mà phụ nữ da đen thường sử dụng bao gồm các hóa chất có thể làm gián đoạn hormone hoặc gây hen suyễn.

https://www.voatiengviet.com/a/california-thong-qua-luat-co-loi-cho-nguoi-lam-nail-toc/4581642.html

 

Lợi tức các hộ gia đình Mỹ tăng

Lợi tức các hộ gia đình Mỹ tăng gần 2,2 ngàn tỉ đô la từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết ngày 20/9.

Phúc trình cho thấy tổng cộng lợi tức các hộ gia đình Mỹ là 106,9 ngàn tỉ đô la trong quý hai năm nay.

Con số này phản ánh sự lớn mạnh của một nền kinh tế trong đó tỉ lệ thất nghiệp đã giảm còn 3,9% và giá trị chứng khoán của Hoa Kỳ đã tăng đến mức kỷ lục.

Tỉ lệ vay mượn của các hộ gia đình ở mức 2,9% hàng năm trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, theo phúc trình của Ngân hàng Trung ương, giảm so với tỉ lệ tăng trưởng 3,2% trong quý 1 năm nay.

Giá trị cổ phần các công ty do các hộ gia đình nắm giữ tăng 800 ngàn tỉ đô la trong quý 2, trong khi giá trị của bất động sản tăng 600 ngàn tỉ đô la, ngân hàng trung ương cho biết.

Ngân hàng Trung ương dự trù tăng lãi suất vay vào thứ Tư tuần tới sau khi chính sách của ngân hàng đạt được mục tiêu ở giữa 2% và 2,25%. Đây là lần thứ ba điểm phần trăm của một quý gia tăng trong năm nay.

https://www.voatiengviet.com/a/l%E1%BB%A3i-t%E1%BB%A9c-c%C3%A1c-h%E1%BB%99-gia-%C4%91%C3%ACnh-m%E1%BB%B9-t%C4%83ng/4581054.html

 

Di dân : Trump “xúi” Tây Ban Nha

xây tường biên giới cắt ngang sa mạc Sahara

Tổng thống Trump gợi ý Madrid nên xây một bức tường biên giới xuyên ngang toàn bộ sa mạc Sahara để giải quyết cuộc khủng hoảng di dân tại châu Âu. Thế nhưng ngoại trưởng Josep Borrell, nguyên là chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, đã không đồng ý với chiến lược của nguyên thủ Hoa Kỳ.

Tổng thống Donald Trump đã đưa ra lời khuyên này trong chuyến công du Mỹ của ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell, hồi cuối tháng Sáu vừa qua.

Xây tường trên đường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô là một trong những cam kết của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống.

Bộ Ngoại Giao Tây Ban Nha thừa nhận với BBC rằng ngoại trưởng Borrell, trong bữa ăn trưa trong tuần này, đã kể lại cuộc nói chuyện của ông với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha nhắc lại nguyên văn lời tổng thống Trump: « Biên giới với Sahara không thể dài hơn biên giới của chúng tôi với Mêhicô ».

Trên thực tế, biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô dài 1,954 dặm (3145 km). Còn sa mạc Sahara rộng 3000 dặm.

Tây Ban Nha không thể xây đường biên giới trên sa mạc Sahara vì không có chủ quyền (không phải lãnh thổ của nước này). Tuy nhiên, ở đó, Tây Ban Nha có hai ốc đảo nhỏ nằm ở bờ bắc châu Phi, là Ceuta và Mililla. Cả hai ốc đảo này là đối tượng tranh chấp lãnh thổ giữa Tây Ban Nha và Maroc.

Ceuta và Mililla là nơi thu hút di dân châu Phi đi tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu và của những người tị nạn trốn tránh đàn áp và xung đột.

Từ tháng Giêng năm nay, 35 ngàn di dân đã tới Tây Ban Nha, nước tiếp nhận nhiều di dân nhất trong Liên Hiệp Châu Âu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180921-di-dan-trump-xui-tay-ban-nha-xay-tuong-bien-gioi-cat-ngang-sa-mac-sahara

 

Chủ tịch Cuba

tiếp Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ Bob Corker

Thùy Dương

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel ngày 20/09/2018 đã tiếp thượng nghị sĩ Bob Corker tại thủ đô La Habana. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng Viện Hoa Kỳ tới Cuba để thảo luận về quan hệ song phương hiện vẫn đang căng thẳng và về « các lợi ích chung khác ».

Ông Bob Corker là thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa nhưng cũng là nhân vật thường xuyên chỉ trích tổng thống Mỹ Donald Trump. Thượng nghị sĩ Bob Corker là quan chức Mỹ cấp cao nhất ông Miguel Diaz-Canel từng gặp kể từ khi lên nhậm chức chủ tịch nước Cuba thay ông Raul Castro hồi tháng 04/2018.

Theo báo Granma của đảng Cộng Sản Cuba, lãnh đạo ngoại giao Mỹ tại Cuba, Mara Tekach, ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez và ông Carlos Fernandez de Cossio, viên chức cấp cao đặc trách Hoa Kỳ ở bộ Ngoại Giao Cuba cũng tham gia buổi gặp nói trên.

Tuần tới, chủ tịch Cuba Diaz-Canel tới New York, Hoa Kỳ, dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Phát biểu trên truyền hình hôm Chủ Nhật 16/09, ông Diaz-Canel cho biết sẽ không đối thoại với tổng thống Donald Trump chừng nào chính quyền Donald Trump còn giữ thái độ « bất bình thường » với Cuba.

Quan hệ giữa Cuba và Mỹ đã xuống cấp nghiêm trọng kể từ khi Donald Trump lên nắm quyền. Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan điểm thù địch với Cuba. Chính quyền La Havana đã bị Washington chỉ trích mạnh mẽ sau khi các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba bị tấn công thính giác. La Habana bác bỏ mọi trách nhiệm và cho rằng không hề có vụ tấn công thính giác nào mà đó chỉ là cái cớ do Washington tạo ra để gây mâu thuẫn với La Habana.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180921-chu-tich-cuba-uy-ban-doi-ngoai-thuong-vien-hoa-ky-bob-corker

 

Brexit : Châu Âu cứng giọng với Anh

Thanh Hà

Kết thúc thượng đỉnh Salzbourg tại Áo, Liên Hiệp Châu Âu gia tăng sức ép với Luân Đôn về thủ tục Brexit. Thủ tướng Theresa May vẫn không san được bất đồng với 27 thành viên còn lại trong Liên Hiệp và phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong nước.

Quy chế của Bắc Ai Len (thuộc Anh) vẫn là cái gai trong đối thoại giữa Luân Đôn với phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu về thủ tục Brexit. Một bất đồng quan trọng thứ nhì liên quan tới quan hệ kinh tế giữa vương quốc Anh với châu Âu là kể từ cuối tháng 3/2019, một khi Luân Đôn chính thức ra khỏi Liên Hiệp vào cuối tháng 3/2019.

Bruxelles mạnh mẽ chỉ trích lộ trình Brexit đã được thủ tướng May công bố vào tháng 7/2018. Trong kế hoạch đó, Luân Đôn không nhắc tới một trong bốn quyền tự do cơ bản của Liên Hiệp, đó là quyền tự do đi lại của các cá nhân.

Về phía Luân Đôn, Theresa May một mặt bảo vệ kế hoạch bà đã đưa ra cách nay hai tháng, mặt khác bà hứa sẽ “đưa ra thêm một số những đề xuất mới” tránh để xảy ra kịch bản Brexit mà không đạt được một thỏa thuận nào với Bruxelles, nhằm bảo đảm một số quyền lợi của Anh với các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu.

Từ Salzbourg trở về Luân Đôn, thủ tướng May bị báo chí Anh công kích kịch liệt. Hai tờ báo uy tín là The Guardian và Times cùng chạy tựa, Theresa May bị các đối tác châu Âu “sỉ nhục” tại Salzbourg khi buộc bà phải xét lại kế hoạch Brexit.

Liên Hiệp Châu Âu bất đồng sâu rộng về nhập cư

Tuy nhiên Brexit chỉ là một trong hai hồ sơ chính của thượng đỉnh Salzbourg vừa qua. Trọng tâm thứ nhì là chính sách nhập cư. Trên điểm này, các thành viên Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ hơn bao giờ hết.

Thông tín viên đài RFI Isaure Hiace có mặt tại chỗ tường trình :

“Kết thúc thượng đỉnh, các lãnh đạo châu Âu khẳng định có tiến triển trên hồ sơ nhập cư. Nhưng thật ra, tại Salzbourg, bất đồng giữa các bên vẫn tồn tại. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron phải nhìn nhận vẫn còn nhiều điểm “căng thẳng”.

Theo ông, khủng hoảng bắt nguồn từ việc nhiều thành viên không tôn trọng luật biển quốc tế và từ những quốc gia chỉ chọn lựa chấp nhận những gì phù hợp với quyền lợi của mình. Nguyên thủ Pháp gián tiếp chỉ trích Ý và Hungary.

Đành rằng các thành viên Liên Hiệp Châu Âu giờ đây đồng ý về tính cấp thiết để đưa ra một giải pháp chung cho hồ sơ nhập cư, nhưng khi đi sâu vào chi tiết, những đề xuất này không mấy thu hút được đồng thuận của tất cả các bên. Ngay cả ý tưởng củng cố cơ quan châu Âu giám sát biên giới FRONTEX cũng không được tất cả các thành viên chấp nhận. Hungary đã phản đối kế hoạch này.

Nói tóm lại tại Salzbourg, các bên không đạt được nhiều tiến bộ, và đã tranh cãi gay gắt, kể cả trên hồ sơ Brexit. Những đề xuất của Luân Đôn không mấy hấp dẫn. Tổng thống Macron bình luận : đây là một kế hoạch không thể chấp nhận được trong hiện trạng.

Các bên vẫn còn bất đồng trên hai điểm: Thứ nhất là quan hệ kinh tế trong tương lai giữa Luân Đôn với phần còn lại của Liên Âu, và thứ hai là vấn đề biên giới với Ai Len. Cả hai hồ sơ này sẽ được các lãnh đạo thảo luận ráo riết tại cuộc họp sắp tới của Hội Đồng Châu Âu trong hai ngày 18 và 19 tháng 10 sắp tới tại Bruxelles”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180921-brexit-chau-au-cung-giong-voi-anh

 

Paris chống lãng phí thực phẩm

thời công nghệ số

Thùy Dương

Nếu nạn lãng phí thực phẩm ở Paris vẫn cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của cả nước Pháp, thì có một điều không thể phủ nhận là người Paris ngày càng có ý thức chống lãng phí thức ăn, nhất là trong vòng hơn hai năm qua, kể từ khi Quốc Hội Pháp thông qua luật chống lãng phí thực phẩm hồi tháng 02/2016. Từ việc nhiều siêu thị chấp nhận bán các loại rau củ « xấu mã », cho tới hàng loạt ứng dụng cho phép người dùng điện thoại smartphone mua được các suất ăn giá rẻ vào cuối ngày khi các nhà hàng, cửa hiệu đóng cửa …, nhiều sáng kiến đã giúp lượng thực phẩm bị vứt vào thùng rác ở Paris giảm nhiều.

Bà Antoinette Guhl, trợ lý của thị trưởng Paris Anne Hidalgo, chuyên trách mảng kinh tế xã hội và đoàn kết, sáng kiến xã hội và kinh tế tuần hoàn, cho đài France 24 biết : « Tại Paris, mỗi năm, 59.000 tấn thực phẩm nguyên hộp và vẫn còn dùng được bị ném vào thùng rác. Với tỉ lệ lãng phí 26kg thực phẩm/người, lượng thức ăn mà người dân Paris vứt đi nhiều gấp 3 lần so với người dân sống tại các vùng khác tại Pháp ».

Zero Waste – Không Lãng Phí là một tổ chức chống lãng phí thực phẩm ra đời từ những năm 1980 tại California, Hoa Kỳ. Để người dân Paris chú ý hơn trong tiêu dùng thực phẩm, trong ba ngày 28-30/06/2018, tổ chức « Không Lãng Phí » chi nhánh Pháp đã tổ chức lễ hội « Không Lãng Phí » lần thứ hai tại Paris.

Theo bà Flore Berlingen, giám đốc tổ chức « Không Lãng Phí » chi nhánh Pháp, lễ hội « cho phép cả các nhà kinh doanh ăn uống và người dân khám phá phương pháp « không rác thải, không lãng phí », tự tay thực hành, đưa ra các sáng kiến hay cung cấp phương tiện để biến ý tưởng đó thành hiện thực ». Giám đốc Berlingen cũng cho biết thêm ngày càng có nhiều người quan tâm đến cuộc chiến chống lãng phí thức ăn : « Cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm thu hút mọi người vì tất cả chúng ta đều có thể hành động, tất cả mọi người đều có thể làm một điều gì đó tùy theo khả năng của mình và điều này có tác dụng khuyến khích nhiều người ».

Lễ hội « Không Lãng Phí » chỉ là một trong không ít sáng kiến được triển khai tại Paris trong hai năm qua góp phần đưa Paris từ một thành phố lãng phí thức ăn ở mức vô địch tại Pháp trở thành « nữ hoàng chống lãng phí thức ăn ».

Hồi tháng 06/2017, một chiếc « tủ lạnh đoàn kết » được đặt trên vỉa hè gần ở số nhà 46, phố Ramey, quận 18, Paris. Chiếc tủ lạnh « tự phục vụ » này là nơi các chủ nhà hàng, cửa hiệu cho các món ăn còn dư, những loại thực phẩm (sữa, các loại nước uống, trái cây, rau, đồ hộp …) họ không bán hết vào, để bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể lấy về dùng, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Ý tưởng lắp « tủ lạnh đoàn kết » là của cô Dounia Metboul, chủ nhà hàng La Cantine, quận 18. Trả lời phỏng vấn của FranceInfo, cô chia sẻ : « Tôi đã có dịp nhìn thấy chiếc tủ lạnh đoàn kết đầu tiên tại Brixton, Luân Đôn. Và khi tìm hiểu thông tin thì tôi thấy rằng ở Pháp chưa hề có chiếc tủ lạnh nào như vậy. Tôi đã nói chuyện với mẹ tôi, người cùng tôi quản lý nhà hàng. Và chúng tôi quyết định lắp chiếc tủ lạnh đoàn kết đầu tiên hồi tháng 06 năm ngoái ». Ý tưởng của Dounia Metboul được hai diễn viên Baptiste Lorber và Natoo ủng hộ. Họ đã tung lên Youtube một đoạn vidéo ca ngợi « Tủ lạnh đoàn kết ». Vidéo đã được hơn 2 triệu lượt người xem và được chia sẻ rất nhiều trên các mạng xã hội.

Cho đến nay, Paris và nước Pháp đã có thêm nhiều « tủ lạnh đoàn kết » và người ta vẫn đang tiếp tục quyên góp để lắp những chiếc tủ lạnh mới. Hiệp hội « Tủ lạnh đoàn kết » cũng được thành lập. Cô Camille Laurent thuộc hiệp hội « Tủ lạnh đoàn kết » cho biết : « Rất nhiều người có hoàn cảnh khác nhau được hưởng lợi : những người vô gia cư không có tiền để mua thức ăn, những gia đình đông con không còn đủ tiền chi tiêu những ngày cuối tháng, và cả người đã về hưu. »

Cầu nối công nghệ số giữa người tiêu dùng và nhà kinh doanh ăn uống

Trong thời công nghệ số, với sự bùng nổ của điện thoại smarphone, nhiều ứng dụng đã ra đời giúp người tiêu dùng và các siêu thị, cửa hàng ăn uống kết nối với nhau dễ dàng, vừa giúp cho người kinh doanh không phải vứt bỏ đồ ăn thừa, vừa giúp người có thu nhập hạn chế mua được thực phẩm với giá rẻ.

Một nguồn gây lãng phí lớn ở Paris là các siêu thị, nhà hàng. Và đây cũng là đối tượng được nhiều ứng dụng nhắm tới. Được nhắc tới nhiều trong thời gian qua là ứng dụng « 2good2go »– tạm dịch là « Rất ngon nên đừng vứt bỏ ». Cô Lucie Bath, một phụ nữ Paris 25 tuổi, người đã sáng lập ra trang « 2good2go » cách nay 2 năm phấn khởi chia sẻ : « Chỉ trong hai năm qua, chúng tôi đã giúp hơn 1 triệu suất ăn khỏi bị quẳng vào thùng rác, chỉ với những người chịu khó đi lại một chút vào buổi tối. Cứ nghĩ đến những chiếc xe rác chất đầy, thì chúng tôi thấy sẽ thật là tuyệt vời nếu tất cả mọi người chung sức để có thể tác động mạnh mẽ đến những vấn đề như lãng phí thực phẩm ».

Thông qua ứng dụng « 2good2go », trung bình mỗi ngày,9.000 suất ăn được các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, thậm chí là các chuỗi khách sạn Ibis, Mercure, Novotel bán rẻ vào cuối ngày thay vì vứt đi. Giá các suất ăn này thông thường chỉ rẻ bằng 1/3-1/4 giá một suất ăn mua trong ngày. Một suất ăn thường chỉ có giá 2-5 euro thay vì 10-20 euro. Nhà hàng Comtesse du Barry – Vaugirad quận 15, Paris, chuyên về món gan béo, cá hồi xông khói và trứng cá muối đề nghị bán cho khách suất ăn 15 euro thay vì 60 euro.

Chỉ cần tải ứng dụng miễn phí về điện thoại, người dùng sẽ nhận được thông tin về các cửa hàng gần nơi họ có mặt, số suất ăn mà cửa hàng còn vào giờ đóng cửa, giờ khách có thể đến lấy thức ăn mang về, giá của suất ăn, địa chỉ cửa hàng. Với vài thao tác giản đơn, khách hàng có thể đặt món với nhà hàng, thanh toán qua mạng và chỉ đợi đến giờ là tới mang suất ăn về. Để bảo vệ môi trường, khách hàng thường được yêu cầu tự cầm theo hộp và túi để đựng thức ăn mang về. « 2good2go » gọi đó là các « suất ăn bất ngờ » vì gồm những món nhà hàng làm nhiều nhưng không bán hết, khách hàng không biết trước sẽ mua được món gì, và không phải ngày nào cũng có cùng một món.

Anh Arnaud Galibot là chủ một nhà hàng có tham gia ứng dụng « 2good2go ». Anh chỉ cho phóng viên France 24 một suất ăn tối mà anh vừa chuẩn bị cho khách dùng ứng dụng này : « Đây, nó như thế này này ! Trông nó không thật đẹp mắt nhưng ăn thì rất, rất ngon. Tôi nghĩ rằng đối với một chủ nhà hàng, về mặt đạo đức, điều tồi tệ nhất là phải vứt bỏ các món ăn mà chúng tôi đã chế biến. Hơn nữa, tôi lại có một trang trại, chúng tôi tự trồng rau. Vì thế bằng mọi giá chúng tôi tránh việc phải vứt bỏ thức ăn. Và giải pháp tốt nhất là bán với giá chỉ bằng giá chúng tôi mua đầu vào thôi. »

Thành công của của « 2good2go » ở Paris đã nhanh chóng mở đường cho công ty start-up củaLucie Bath, với 9 nhân viên, triển khai ứng dụng ở khoảng 40 thành phố trên toàn nước Pháp, từ Rennes, Lyon, Nantes, cho tới Bordeaux, Toulouse … Ứng dụng cũng được sử dụng cả ở Đức, Thụy Sĩ, Anh Quốc, Đan Mạch và Na Uy, những quốc gia mà người dân có thói quen thanh toán trên mạng.

Với mỗi suất ăn bán được, công ty quản lý « 2good2go » hưởng 1 euro. Doanh thu năm 2017 của doanh nghiệp start-up này đạt khoảng 300.000 euro. Chỉ tính riêng tháng 11/2017, đã có thêm 15.000 người ở Paris sử dụng ứng dụng này. Khách hàng của « 2good2go » rất đa dạng, từ sinh viên, người làm công ăn lương cho tới các hộ gia đình, người đã nghỉ hưu … Người này truyền tai người kia và thông qua báo giới, trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 50 nhà kinh doanh trở thành đối tác của « 2good2go ».

Ngoài « 2good2go », có thể nhắc tới ứng dụng « Optimiam », ra đời từ năm 2014. « OptiMiam »có 900 đối tác là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và các chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh như Subway, Franprix, Carrefour City và đã cho phép tiết kiệm 100 tấn thức ăn. Không hướng tới các « suất ăn bất ngờ » như « 2good2go », các siêu thị, cửa hàng đối tác trên ứng dụng « OptiMiam » ghi rõ loại thực phẩm còn dư mà họ bán rẻ. Trong khi đó, ứng dụng « Zero-gachis » lại liệt kê các mặt hàng sắp tới ngày hết hạn sử dụng và được bán rẻ tại hơn 100 siêu thị.

Giúp đỡ người khác cũng là một cách chống lãng phí

Cuối năm 2017, ông Arash Derambarsh, cố vấn hội đồng thành phố Colombes ở ngoại ô Paris và ông Marc Simoncini, người sáng lập trang web hẹn hò Meetic nổi tiếng cho ra mắt ứng dụng « The Food Life » – « Cuộc sống của thực phẩm ». Ứng dụng này hướng tới phục vụ các hiệp hội từ thiện. Trên ứng dụng, có tên, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của các siêu thị đối tác. Hàng ngày, các siêu thị thông báo lượng thực phẩm tươi sống không bán hết mà họ muốn phân phát cho các hiệp hội từ thiện, cũng như giờ giấc phân phát.

Mới đây nhất, vào ngày 12/07/2018, hiệp hội HopHopFood tung ra ứng dụng cùng tên. Nhưng khác với các ứng dụng khác làm nhịp cầu kết nối nhà kinh doanh ăn uống và người tiêu dùng hay các hiệp hội từ thiện, ứng dụng « HopHopFood » lại là nhịp cầu để các cá nhân, thường là những người sống trong cùng khu phố, trao đổi với nhau các món ăn hoặc thực phẩm mà họ không dùng hết : sữa chua, rau quả, nhưng các loại thực phẩm dễ hỏng như thịt, cá … không được phép trao đổi. Người dùng ứng dụng có thể đăng ký là người cho hoặc nhận thức ăn, hoặc cả hai.

Mục tiêu chính của « HopHopFood » là chống lãng phí, nhưng quan trọng hơn cả là giúp đỡ những người trong hoàn cảnh khó khăn có thêm thức ăn. Được triển khai trên toàn nước Pháp, nhưng trước đó ứng dụng « HopHopFood » đã được thử nghiệm trong nhiều tháng ở thành phố Sceaux, ngoại ô Paris, nơi tập trung tới trên 10.000 sinh viên và cả ở Palais de la Femme ở quận 11, Paris – một trung tâm lưu trú tạm thời của 600 phụ nữ trong hoàn cảnh bấp bênh.

Chưa dừng ở đó, các nhà sáng lập « HopHopFood » đang có kế hoạch lắp đặt những chiếc tủ mà họ gọi là « tủ đoàn kết ». Những người có thực phẩm còn hạn sử dụng mà họ không dùng đến có thể mang tới cho vào « tủ đoàn kết » để những ai có nhu cầu thì đến đó lấy. Những chiếc « tủ đoàn kết » đầu tiên sẽ được lắp đặt ở quận 11 Paris – trong các cửa hàng thực phẩm sạch Bio c’Bon và cả ở thành phố ngoại ô Sceaux.

Đối với người dân Paris, chống lãng phí thực phẩm không đơn giản chỉ là giảm lượng thức ăn thừa, mà còn đồng nghĩa với việc giúp đỡ những người khó khăn có thêm một chút thức ăn, thức uống !

http://vi.rfi.fr/phap/20180905-paris-mot-dien-hinh-ve-sang-kien-chong-lang-phi-thuc-pham-thoi-cong-nghe-so-chua-co-so

 

Hòa bình Syria : Matxcơva « lực bất tòng tâm »

Tú Anh

Chiếm thượng phong từ quân sự đến thời cơ, tổng thống Nga đã giúp đồng minh Bachar al Assad củng cố được chế độ, đè bẹp các lực lượng nổi dậy, tái chiếm hai phần ba lãnh thổ và chuẩn bị đánh chiếm tỉnh Idlib cuối cùng.

Tuy nhiên, giờ đây khi muốn vãn hồi hòa bình tại Syria, thụ hưởng thành quả nỗ lực chiến tranh, chiến lược can thiệp của Vladimir Putin gặp nhiều cản lực.

Chốt thứ nhất : Idlib

Dưới sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ, ý định của Nga, Iran và Syria tấn công dứt điểm Idlib, cứ địa cuối cùng của phe nổi dậy ở miền bắc Syria phải tạm gác qua một bên. Idlib chính là một trong bốn cản lực trên đường « bình định » Syria, theo mưu tính của điện Kremlin.Theo phân tích của Anthony Samrani, giáo sư chính trị đại học Lyon, Pháp trên trang mạng báo L’Orient Le Jour 21/09/2018, sở dĩ Nga phải đình chỉ chiến dịch Idlib vào giờ chót vì sợ mất điểm tựa ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong nỗ lực ngăn cản phương Tây tham gia định đoạt số phận Syria, tổng thống Putin tổ chức hội nghị Astana với ba nước trụ cột gồm một bên là Nga và Iran, ủng hộ Damas còn bên kia là Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ cho phe nổi dậy. Ankara bằng mọi giá phải giữ Idlib vì đó là lá chủ bài trong canh bạc Syria và cũng để tránh bị làn sóng tị nạn tràn ngập nếu căn cứ địa cuối cùng của phe nổi dậy thất thủ.

 Yếu tố Israel

Khó khăn thứ hai của Nga là làm sao quản lý được xung khắc giữa đồng minh Iran và đối tác Israel ? Matxcơva để yên cho không quân Israel oanh kích vị trí quân sự, tên lửa, kho đạn của lực lượng Iran và Hezbollah. Nhà nước Do Thái thẳng thắn xác quyết là sẽ không để cho Iran bám rễ tại nước láng giềng Syria.

Hôm thứ Hai 17/09, bốn chiếc F-16 của Israel tấn công thẳng vào vùng được xem là « bản doanh » của Nga tại Syria, tỉnh Lattaquié. Điều trớ trêu, tên lửa phòng không S-200 do Nga cung cấp cho Syria thay vì phóng vào máy bay địch, đã bắn hạ một chiếc máy bay trinh sát Nga hoạt động trong vùng, làm 15 quân nhân Nga thiệt mạng.

Vụ việc này cho thấy Nga vừa không đủ sức giới hạn các hoạt động của Israel tại Syria vừa tỏ ra không có ý hoặc không đủ sức đẩy Iran ra khỏi Syria.

Cản lực Mỹ

Đó là cản thứ ba đối với Nga. Trái với những lời đánh tiếng « rút quân » của tổng thống Donald Trump, quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện tại miền bắc và đông Syria. Thế mà vùng đất này lại rất cần thiết cho nhu cầu sống còn của chính quyền Damas bởi vì đất đai phì nhiêu và có nhiều mỏ dầu hỏa.

Cũng như Ankara, chính quyền Washington không bỏ lá chủ bài quân sự để gây sức ép với Damas và nhất là để ngăn chận Teheran theo đuổi một chính sách mở rộng ảnh hưởng từ Iran cho đến Địa Trung Hải.

Với quyết tâm cản trở của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hy vọng của Damas tái chiếm các khu năng lượng và nông nghiệp trở thành xa vời. Người Kurdistan-Syria do Mỹ yểm trợ, đang kiểm soát đến 30% lãnh thổ Syria, khó có thể chấp nhận sống chung hòa bình với Damas. Washington đã nói rõ « không có chuyện phục hồi chế độ Bachar al Assad ».

Phục hồi chế độ Damas chính là cản lực thứ tư trong kế hoạch hòa bình của chủ nhân điện Kremlin.

và Bachar al Assad

Cho dù nhiều nước chịu « thích nghi » với nhà độc tài Bachar al Assad, nhưng các thủ đô phương Tây và các vương quốc vùng Vịnh đặt nhiều điều kiện để tài trợ tái thiết Syria. Điều kiện của Ả Rập Xê Út là Syria phải bỏ Iran.

Liên Hiệp Châu Âu, cũng trong chiều hướng ngăn chặn ảnh hưởng Iran, đòi phải có bầu cử dân chủ và tự do thật sự. Trong khi đó, chế độ Damas từ chối nhìn nhận và đàm phán với đối lập mà họ gọi là « khủng bố » phải tiêu diệt.

Cho đến lúc này, Bachar al Assad và Vladimir Putin chọn con đường vũ lực. Chủ nhân điện Kremlin chắc sẽ thấy quản lý một cuộc nội chiến có lẽ đơn giản hơn là vãn hồi hoà bình với những đồng minh chủ chiến như Bachar al Assad và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180921-hoa-binh-syria-matxcova-luc-bat-tong-tam

 

Máy bay Nga bị bắn rơi tại Syria :

Vì sao Putin phản ứng nhẹ nhàng ?

Minh Anh

Tối thứ Hai 17/09/2018, một chiếc Illiouchine-20 của Nga đã bị hệ thống phòng không Syria bắn nhầm. Mục đích ban đầu là nhằm ngăn chận tên lửa Israel. Thế nhưng, sự nhầm lẫn đó đã làm thiệt mạng toàn bộ 15 thành viên phi hành đoàn. Syria và Israel đổ lỗi cho nhau. Tổng thống Nga có phản ứng dè chừng khó hiểu.

AFP điểm lại vụ việc, nhắc lại giải thích của các bên liên quan và nhận định về phản ứng kỳ lạ của nguyên thủ Nga trong vụ việc này.

Chuyện gì đã xảy ra ?

Giờ đây, mọi người đều biết, qua các thông tin báo chí, rằng ngày 17/09/2018, vào lúc 23 giờ, một chiếc máy bay trinh sát quân sự Nga, loại Il 20 đã bất ngờ bị biến khỏi màn hình radar trong lúc chiếc phi cơ này đang trên đường trở về căn cứ Khmeimim tại Syria.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Nga, vào đúng giờ đó, bốn chiếc tiêm kích F-16 của Israel đang phóng tên lửa không đối địa, như họ vẫn có thói quen làm như vậy, xuống các mục tiêu quân sự của Syria tại Lattaquia. Bộ trưởng Nga không cáo buộc các tiêm kích F-16 của Israel đã cố tình tấn công chiếc Il-20.

Ông chỉ nói rằng các tiêm kích F-16 đã bám sát chiếc máy bay Nga, nấp sau làn sóng radar rất mạnh mà máy bay Nga phát xuống các trạm radar của Syria. Các tiêm kích Israel chỉ muốn oanh kích một căn cứ phòng không bắn chặn tên lửa của Syria, nơi đặt các tên lửa S-200 mà Syria trước đó đã mua của Nga. Tên lửa Syria đã bắn nhầm chiếc Il-20 trên đó có 15 nhân viên quân sự Nga. Tất cả đều thiệt mạng.

Israel đã có những phản ứng như thế nào ?

Israel đã giữ im lặng nhiều giờ liền, chắc chắn là do tính chất cực kỳ nhậy cảm của sự việc xảy ra vào thời điểm bắt đầu mùa lễ Yom Kippour, mùa lễ Do Thái giáo long trọng nhất, khi mà cả nước đều ngưng hoạt động.

Cuối cùng, việc hiếm thấy, quân đội Israel cũng thừa nhận rằng các chiến đấu cơ của họ đã tiến hành oanh kích một cơ sở của quân đội Syria. Trong một thông cáo, quân đội Israel giải thích, Syria thay mặt cho Iran đang trong quá trình chuyển giao nhiều thiết bị để sản xuất các loại vũ khí có độ chính xác cao cho phe Hezbollah Liban nhằm chuẩn bị tấn công Israel. Một mối đe dọa « không thể dung thứ ».

Thông cáo của Israel nhắc lại : Năm 2015, một « cơ chế tránh xung đột » đã được thiết lập nhằm tránh mọi cuộc đối đầu trên bộ và trên không vào thời điểm Nga quyết định can thiệp quân sự vào Syria hỗ trợ chế độ Bachar al-Assad. Theo Israel, cơ chế này đã được kích hoạt, thế nhưng quân đội Nga lại nói rằng họ chỉ được thông báo chưa đầy một phút, trước khi không quân Israel tiến hành tấn công.

Theo lý giải của quân đội Israel, máy bay của Nga không hiện diện trong khu vực bị tấn công vào thời điểm chiến đấu cơ Israel oanh kích. Máy bay Nga đã bị trúng tên lửa khi các chiếc máy bay Israel đã trở về vùng không phận nước này.

Dàn tên lửa phòng không Syria đã bắn mà « không phân biệt mục tiêu ». Theo những thông tin mà AFP có được, các đơn vị phòng không đó không bận tâm xem có chiếc máy bay nào của Nga hiện diện trong khu vực này hay không.

Xung đột Israel và Iran là mấu chốt của vấn đề ?

Các sự cố xảy ra tối thứ Hai là bất cập nghiêm trọng nhất trong hoạt động điều phối giữa Nga và Israel, được hình thành từ năm 2015. Hai bên đều có những hoạt động quân sự trên chiến trường Syria với những động cơ khác nhau.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, về lâu dài, những sự cố này sẽ không ảnh hưởng tới quyền tự do hành động mà Israel muốn có tại Syria, chủ yếu để chống lại Iran và phe Hezbollah Liban.

Luôn luôn cảnh giác để không bị hút vào cuộc chiến ở bên kia lằn ranh, Israel đã gia tăng các cuộc oanh kích nhắm vào các vị trí của Syria, các đoàn xe chở vũ khí mà theo Israel là nhằm cung cấp cho phe Hezbollah, với cường độ dồn dập hơn trong những tháng gần đây, nhắm vào các mục tiêu của Iran.

AFP nhắc lại, Nga cùng với Iran và Hezbollah, hai kẻ thù chính của Israel, là chỗ dựa chủ chốt của chế độ Damas. Về mặt kỹ thuật, Israel vẫn trong tình trạng chiến tranh với Syria.

Ngày 04/09/2018, Israel đã huênh hoang cho biết là chỉ trong vòng có 18 tháng gần đây, quân đội nước này đã tiến hành hơn 200 vụ oanh kích tại Syria, chủ yếu nhắm vào các mục tiêu của Iran. Bộ trưởng Quốc Phòng Israel, Avigdor Lieberman, tuyên bố nước này « hoàn toàn tự do hành động » tại Syria.

Trong vụ việc này, vì sao tổng thống Nga không phản ứng mạnh ?

Đây chính là câu hỏi báo mạng độc lập Mediapart tìm cách trả lời. Tờ báo nhắc lại, ít lâu sau vụ việc, Matxcơva đã cáo buộc các máy bay Israel là nguyên nhân gây ra sự cố, nhưng không cáo buộc các máy bay Israel chủ ý bắn hạ chiếc Il-20.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong một cuộc họp báo, được tổ chức nhân chuyến công du của thủ tướng Hungary Victor Orban, đã không cáo buộc trực tiếp các máy bay Israel.

Ông chỉ chia buồn với gia đình các nạn nhân. Ông hứa hẹn rằng Nga sẽ tiến hành mọi cuộc điều tra cần thiết về trường hợp này, đồng thời cũng nói rõ là các tiêm kích Israel không tấn công máy bay Nga, nhưng việc chiếc máy bay trinh sát Nga bị rơi là hệ quả của những tình huống đáng buồn.

Vẫn theo ông Putin, do vậy, nước Nga sẽ đưa ra tất cả những biện pháp cần thiết để tăng cường an ninh cho các căn cứ quân sự Nga tại Syria.

Trong vụ này, thái độ cực kỳ thận trọng của ông Putin đã làm dấy lên sự công phẫn của phe đối lập dân tộc chủ nghĩa đang ngày càng tỏ ra quyết tâm. Phe này nói đến sự thoái lui của tổng thống khi đối đầu với phương Tây, thậm chí tố cáo đó là một sự phản bội. Thế nhưng, phe này không nói rõ là họ muốn chờ đợi gì ở tổng thống Nga.

Nên chăng tổng thống Nga phải cho không quân tấn công một căn cứ không quân Israel, thậm chí ra lệnh bắn hạ một trong những chiếc máy bay của Israel. Do có sự đồng lõa giữa Israel và Mỹ, chính quyền Washington có thể coi hành động trả đũa nói trên là một sự tấn công của Nga, làm cớ cho một cuộc trả đũa quân sự của Hoa Kỳ. Và như vậy có thể dẫn đến một chuỗi các hành động thảm họa.

Trong một số nhóm quân nhân Nga, người ta cũng nói rằng Putin đã nhượng bộ trước áp lực của giới vận động hành lang Do Thái, vốn hiện diện đông đảo tại Nga thông qua những công dân Nga có quan hệ tốt đẹp với Israel, nơi mà họ đến định cư. Nếu đúng vậy, điều này sẽ làm suy yếu điện Kremlin và tổng thống Putin trước phe đối lập có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa thuần túy Nga.

Trong bối cảnh đó, người ta có thể lo ngại là thủ tướng Israel Netanyaou, vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Hoa Kỳ, quyết định ra lệnh cho không quân trực tiếp tấn công hai căn cứ quân sự Nga tại Syria, chấp nhận gây thêm tổn thất về nhân mạng cho Nga.

Hoặc là ông Putin sẽ tiếp tục xử lý vấn đề này một cách thận trọng và nếu như vậy, thì chắc chắn ông sẽ bị suy yếu về chính trị, hoặc là ông sẽ ra lệnh oanh kích trực tiếp các mục tiêu quân sự của Israel, chấp nhận bị thế giới coi là người không ngần ngại làm dấy lên đệ tam thế chiến.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180921-may-bay-nga-syria-tong-thong-nga-phan-ung

 

Iran bác bỏ đề nghị tái đàm phán hạt nhân của Mỹ

Ngày 20/9 Iran bác bỏ một đề nghị thương thuyết của Mỹ vì cho rằng Washington đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà các bên đã đồng ý trước đây.

Tổng thống Donald Trump vào tháng 5 năm nay đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ngưng các hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc gỡ bỏ các chế tài vì cho rằng thỏa thuận này không đủ mạnh.

Đặc sứ Mỹ về Iran Brian Hook ngày 19/9 nói Washington hiện muốn đàm phán về một hiệp ước bao gồm chương trình phi đạn đạn đạo và cách hành xử của Tehran trong khu vực.

Ông Hook nói thỏa thuận mới Washington hy vọng ký với Iran sẽ không phải là “thỏa thuận riêng tư giữa hai chính phủ như thỏa thuận trước đây, chúng ta muốn có một hiệp ước.”

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter bác bỏ việc xem thỏa thuận trước đây là một “thỏa thuận riêng tư” mà là “một hiệp ước quốc tế được Liên hiệp quốc công nhận.”

“Hoa Kỳ đã vi phạm những nghĩa vụ đối với hiệp ước. Rõ ràng nước Mỹ xem hòa bình như một trò đùa,” ông nói thêm trong một thông điệp liên kết với một video của một người chống đối đứng lên bục sau bài diễn văn của ông Hook, la lên là các chế tài làm tổn hại người dân Iran.

Năm cường quốc khác đã ký thỏa thuận 2015 với Iran là Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc và Nga đã cố gắng cứu vãn thỏa thuận vì cho rằng thỏa thuận là một cơ may tốt nhất để chặn đứng việc Iran chế tạo bom hạt nhân. Tehran nói các hoạt động hạt nhân của nước này chỉ dùng để tạo ra điện năng và nhằm những mục đích hòa bình khác.

https://www.voatiengviet.com/a/iran-b%C3%A1c-b%E1%BB%8F-%C4%91%E1%BB%81-ngh%E1%BB%8B-t%C3%A1i-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9/4580595.html

 

TQ âm thầm “thôn tính”

cảng biển trên đảo Đài Loan?

Các nhà lập pháp Đài Loan lo ngại, quy định hiện hành đang tạo ra lỗ hổng cho các công ty Trung Quốc Đại lục thâm nhập vào các doanh nghiệp Đài Loan.

Bị phong tỏa ở Mỹ bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump, Cosco đang giành được kiểm soát gián tiếp ở cảng Kaohsiung.

Khi công ty vận tải biển nhà nước Trung Quốc Cosco shipping holdings tiết lộ thỏa thuận 6,3 tỷ USD mua lại đối thủ nhỏ hơn Orient Overseas (OOCL) năm ngoái, việc công ty này sở hữu các cảng của Orient Overseas ở Mỹ và Đài Loan dường như là một trở ngại.

Việc công ty nhà nước Trung Quốc sở hữu cảng trở thành một chủ đề ngày càng nhạy cảm khi sáng kiến Vành đai và Con đường gây lo ngại rằng liệu sự kiểm soát của Trung Quốc có nhằm tác động vào mục đích an ninh.

Vì những va chạm ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh với cả Washington và Đài Loan về một loạt các vấn đề, có vẻ đáng ngờ rằng Cosco sẽ được cho phép kiểm soát tài sản ở Cao Hùng, Đài Loan và Long Beach, California, Mỹ thuộc OOCL.

Vào ngày 27/7, Cosco tuyên bố hoàn thành việc tiếp quản cảng Long Beach, không đề cập đến Cao Hùng.

Theo Nikkei, trong khi không có tuyên bố công khai, rõ ràng là OOCL vẫn giữ quyền kiểm soát nhà ga tại Cao Hùng, cảng đông đúc nhất của Đài Loan. Tên của OOCL vẫn còn trên bảng chỉ dẫn ở đó và một nhân viên tại cảng này cho biết không có gì thay đổi.

Một phát ngôn viên tại trụ sở chính của OOCL tại Hồng Kông khẳng định không bán quyền lợi tại cảng Cao Hùng.

Lãnh đạo Cosco cho biết họ sẽ vẫn giữ nhận diện của OOCL và niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.

“Cả 2 công ty sẽ duy trì hoạt động độc lập”, Chủ tịch Cosco cho hay.

Việc chính quyền bà Thái Anh Văn sẽ cho phép OOCL, dưới sự sở hữu của Cosco, được tiếp tục điều hành cảng là bất ngờ khi chính quyền của bà có quan điểm cứng rắn với các khoản đầu tư từ Trung Quốc hơn người tiền nhiệm là ông Mã Anh Cửu.

Tháng trước, Cosco đã giảm lượng cổ phiếu sở hữu ở OOCL từ 88,5% xuống 75% để đáp ứng yêu cầu giữ nguyên niêm yết trên thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, việc này không giảm sự kiểm soát của Bắc Kinh với OOCL khi 18,4% cổ phiếu còn lại được nắm giữ bởi 3 công ty nhà nước Trung Quốc.

Vào ngày 3/8, Cosco đã thay đổi ban giám đốc của OOCL, giữ lại 3 trong số 9 giám đốc và bổ nhiệm 11 giám đốc mới. Tân chủ tịch Xu Lirong cũng là chủ tịch công ty mẹ của Cosco.

Emile Chang, thư ký điều hành của ủy ban thương mại Đài Loan cho biết, OOCL Đài Loan đã được bán vào tháng 7 cho một công ty đăng ký độc lập dưới tên Bermuda.

“Hoạt động của OOCL Đài Loan sẽ được điều hành bởi công ty Đài Loan này và sẽ không liên quan đến việc quản lý hoặc vốn của Cosco. Đây là một phần của các điều kiện để chúng tôi chấp thuận thỏa thuận này”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, hồ sơ của cơ quan Thương mại Đài Loan cho thấy các thành viên hội đồng quản trị của OOCL Đài Loan đã được thay thế vào cuối tháng 7.

Chủ tịch mới là Hsu Ting-hsin, người đã là chủ tịch của Cosco Shipping Co., Ltd. Trung Quốc. Một trong những giám đốc mới tại OOCL Đài Loan cũng là thành viên của Cosco Đài Loan.

Các giám đốc của OOCL Đài Loan đều được liệt kê là đại diện của một công ty có tên Trung Quốc là Bermuda Orient Overseas.

Nhà lập pháp Huang Kuo-chang, lãnh đạo đảng Sức mạnh Thời đại (New Power Party) Đài Loan lo ngại, chính quyền đã không đánh giá kỹ càng với thỏa thuận giữa Cosco – OOCL.

“Làm thế nào để chúng ta biết được liệu vốn của công ty Bermuda có phải là từ một công ty Trung Quốc không?”, ông nói. “Các quy định hiện hành tạo ra lỗ hổng cho các công ty Trung Quốc thâm nhập vào các doanh nghiệp Đài Loan.”

“Đài Loan nên thận trọng hơn về vấn đề này”, nhà lập pháp Gao Jyh-peng cảnh báo.

http://biendong.net/doc-bao-viet/23713-tq-am-tham-thon-tinh-cang-bien-tren-dao-dai-loan.html

 

Trung Quốc tăng cường kiểm duyệt tin tức

Trung Quốc đang tìm cách thắt chặt các qui định về nội dung các chương trình do nước ngoài sản xuất, đặc biệt ngăn chặn các chương trình thời sự và không cho phát hình tại nước này.

Các nhà ban hành qui định Trung Quốc sẽ hạn chế các phim ảnh, các loạt phim truyền hình và hoạt họa được chiếu trên các kênh truyền hình địa phương hay các video trên mạng, một dự thảo hướng dẫn của cơ quan Quản trị Truyền thanh và Truyền hình quốc gia được thấy ngày 20/9.

Các nội dung quan hệ đến bình luận thời sự bị đặc biệt nhắm tới và chính quyền cho biết những nội dung này sẽ không được phép đưa vào trong nước.

Động thái này diễn ra giữa lúc có sự đàn áp rộng rãi nhằm vào các nội dung trên mạng bao gồm tường thuật tại chỗ và các trang blog cho đến trò chơi di động.

Vào tháng 7 vừa qua, chương trình châm biếm “Sunday Night Live” bằng tiếng Trung Quốc của hãng NBCUniversal trên một trang video địa phương bị tạm thời chặn lại.

Các nhà ban hành qui định cũng lập lại quyết tâm gỡ bỏ bất cứ những gì được xem là “đi ngược lại những giá trị căn bản của xã hội chủ nghĩa.”

Trong dự thảo hướng dẫn, các tổ chức theo dõi truyền thông Trung Quốc liệt kê tám nội dung không được phép nhập vào Trung Quốc, như là chủ nghĩa khủng bố bạo động, kích động phạm tội, làm nguy hại đến ổn định xã hội và tổn thương tình cảm quốc gia.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-ki%E1%BB%83m-duy%E1%BB%87t-tin-t%E1%BB%A9c/4580613.html

 

Trung Cộng nói đang “cải tạo giáo dục”

chứ không “ngược đãi” người Ngô Duy Nhĩ

Bắc Kinh, Trung Cộng – Theo phương tiện truyền thông nhà nước Trung Cộng đưa tin vào Thứ Sáu (21 tháng 9), Bộ trưởng an ninh quốc gia của Trung Cộng đã kêu gọi việc tăng cường “cải tạo bằng giáo dục” cho các tù nhân ở khu vực Tân Cương, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang lên án hành động thắt chặt an ninh tại đây.

Hiện nay, Bắc Kinh đang phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ các nhà hoạt động, các học giả, cũng như các chính phủ ngoại quốc và các chuyên gia về nhân quyền, do bắt giữ hàng loạt và giám sát chặt chẽ đối với nhóm người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo, và các nhóm Hồi Giáo khác đang cư trú tại Tân Cương. Trung Cộng cho rằng Tân Cương đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các chiến binh Hồi giáo và những người ly khai, và đã chối bỏ mọi cáo buộc về các hành vi ngược đãi đối với người dân Tân Cương.

Trong những năm gần đây, hàng trăm người đã bị giết ở Tân Cương do tình trạng bất ổn giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán. Các viên chức Trung Cộng cho biết rằng họ đang đào tạo một số người trong các khóa học theo kiểu “dạy nghề” để ngăn chặn phong trào dân quân lan rộng. Theo tờ Nhân Dân Nhật Báo, sau ba ngày điều tra, Bộ trưởng Bộ Công an Quách Thanh Côn cho biết Trung Cộng đã rất khó khăn mới có thể ổn định được xã hội ở Tân Cương, và sự ổn định này “phải được tôn trọng và liên tục củng cố”. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/trung-cong-noi-dang-cai-tao-giao-duc-chu-khong-nguoc-dai-nguoi-ngo-duy-nhi/

 

Khánh thành tuyến hỏa xa

nối Trung Cộng với Hong Kong

Hong Kong – Vào ngày 23/09, tàu hỏa xa đầu tiên của Hong Kong sẽ rời khỏi sân ga để đến Đại Lục. Điều này tạo ra một kỷ nguyên hội nhập mới, nhưng đồng thời cũng gây ra một số lo ngại về quyền tự do của Hong Kong.

Không giống như các tuyến đường xuyên biên giới khác, dự án tàu trị giá 11 tỷ Mỹ Kim gây nhiều tranh cãi, khi lần đầu tiên, Hong Kong phải nhường một phần thẩm quyền của họ cho Trung Cộng. Hành khách bước vào ga ở Hong Kong đều phải đưa giấy tờ cho nhân viên di trú Trung Cộng đóng dấu, và phải tuân thủ luật pháp Trung Cộng trong chuyến đi từ Hong Kong đến Đại Lục.

Các viên chức Hong Kong và Bắc Kinh biện minh rằng, tình huống bất thường này chỉ xảy ra một lần duy nhất, trong khi họ không ngừng ca ngợi các lợi ích kinh tế của dự án.

Các nhà phê phán cho rằng tuyến hỏa xa Hong kong – Trung Cộng là biểu tượng của chiến lược đồng hóa mà Bắc Kinh luôn cố gắng thực hiện đối với người dân Hồng Kông. Kể từ năm 1997, sau khi Anh Quốc trao trả Hong Kong lại cho Trung Cộng, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng quyền tự chủ và tự do của Hong Kong không được chấp thuận tại Đại Lục. Người dân Hong Kong lo lắng về nguy cơ Hong Kong sẽ không còn là một trung tâm tài chính với hệ thống pháp lý độc lập, khi  Bắc Kinh không ngừng thúc đẩy việc hoàn toàn sáp nhập Hong Kong vào lãnh thổ Trung Cộng.

Bên cạnh đó, một số dự án cơ sở hạ tầng khác sẽ được tiến hành trong năm nay, bao gồm cây cầu biển đến Macau và Zhuhai, trị giá 20 tỷ Mỹ Kim. Tuyến hỏa xa và cây cầu sẽ giúp người dân Hong Kong và Trung Cộng dễ dàng qua lại giữa 2 bên. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/khanh-thanh-tuyen-hoa-xa-noi-trung-cong-voi-hong-kong/

 

Hồng y hàng đầu châu Á kêu gọi

Bộ trưởng ngoại giao Vatican từ chức

Một Hồng Y Hong Kong đi đầu trong việc phản đối Vatican xích lại gần hơn với Trung Quốc ngày 20/9 kêu gọi Bộ trưởng ngoại giao của Đức Giáo Hoàng từ chức, cho rằng bất cứ thỏa thuận nào với Bắc Kinh sẽ là một sự phản bội đức tin Công Giáo.

Trong năm nay, Vatican và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thảo luận nhằm đạt được một đột phá lịch sử và tái lập các quan hệ ngoại giao sau 70 năm, trong đó Bộ trưởng Ngoại giao Pietro Parolin là trưởng đoàn đàm phán.

Vatican có thể sẽ gởi một phái đoàn đến Trung Quốc trước tháng này. Nếu cuộc gặp diễn ra tốt đẹp, hai bên có thể đạt được một thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục, một tờ báo do nhà nước điều hành loan tin trước đây trong tuần.

Hồng Y Joseph Zen, cao cấp nhất trong số các tu sĩ Công Giáo tại Trung Quốc, nói ông tin là hai bên đã có “mật ước”, dù ông công nhận là ông không liên hệ với Vatican và “hoàn toàn không biết gì cả”.

Ông nói “Họ đưa đàn cừu vào miệng chó sói. Đây là sự phản bội không thể tin được.”

Hồng Y Zen nói với Reuters “Ông Parolin nên từ chức. Tôi không nghĩ ông ấy có đức tin. Ông là một nhà ngoại giao giỏi theo nghĩa rất thế tục.”

Vatican không trả lời yêu cầu bình luận về nhận xét của Hồng Y Zen.

Mười hai triệu tín đồ Công Giáo Trung Quốc chia thành hai, một bên là Giáo hội chui trung thành với Vatican và bên kia thuộc Hội Công giáo Yêu nước do nhà nước kiểm soát.

Thỏa thuận có thể đạt được đã chia rẽ các cộng đồng Công giáo tại Trung Quốc. Một số người lo ngại là Trung Quốc sẽ đàn áp mạnh mẽ hơn nếu Vatican nhượng quyền kiểm soát lớn hơn cho Bắc Kinh, nhưng những người khác muốn hai bên xích lại gần nhau.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bác bỏ những chỉ trích cho rằng Vatican bán Công giáo cho chính phủ cộng sản Bắc Kinh.

Ông Zen nói ông tin là bất cứ thỏa thuận nào với Trung Quốc vô thần cũng giáng một đòn chí tử vào sự khả tín của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

https://www.voatiengviet.com/a/h%E1%BB%93ng-y-h%C3%A0ng-%C4%91%E1%BA%A7u-ch%C3%A2u-%C3%A1-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-ngo%E1%BA%A1i-giao-vatican-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%A9c/4580606.html

 

Quan ngại vẫn còn

sau Thượng đỉnh Moon-Kim lần 3

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, với vẻ mặt rạng ngời và vừa về nước hôm thứ Năm ngày 20/9 sau hội nghị thượng đỉnh như vũ bão kéo dài ba ngày với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã nói rằng ông Kim muốn mời Ngoại trưởng Mỹ mau chóng đến Bình Nhưỡng để đàm phán về hạt nhân và cũng hy vọng cho một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo cuộc gặp Trump-Kim hồi tháng Sáu ở Singapore.

Chỉ vài giờ sau khi đứng cùng với ông Kim trên đỉnh ngọn thiêng vốn nằm ở trung tâm hoạt động tuyên truyền của triều đại nhà Kim, ông Moon nói với các phóng viên ở Seoul rằng ông sẽ mang một thông điệp cá nhân của Kim đến cho Tổng thống Mỹ Donald Trump về sự bế tắc trong vấn đề hạt nhân khi ông gặp gỡ ông Trump ở New York vào tuần tới bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Cả ông Trump và ông Kim đều đã bày tỏ mong muốn sẽ có hội nghị tiếp theo cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore. Bản thân ông Trump đã liên tục khoe về mối quan hệ tốt đẹp của ông với ông Kim. Tuy nhiên các nhà quan sát vẫn nghi ngại liệu ông Kim có thật lòng muốn giải trừ vũ khí hạt nhân như lời ông tuyên bố hay không.

“Có những điều mà Mỹ muốn chúng tôi truyền đạt đến Triều Tiên và mặt khác cũng có những điều mà Triều Tiên muốn chúng tôi truyền đạt đến Mỹ,” ông Moon phát biểu tại một trung tâm báo chí ở Seoul. “Tôi sẽ hết lòng đóng vai trò đó khi tôi gặp Tổng thống Trump để thúc đẩy đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ.”

Ông Moon, người giúp dàn xếp cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore và háo hức muốn có một hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim nữa, cũng đã nói với các phóng viên rằng ông sẽ chuyển đến ông Trump mong muốn của ông và của ông Kim là sẽ có có tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên trước cuối năm nay.

Tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ là bước đi đầu tiên hướng đến hiệp ước hòa bình chính thức chung cuộc. Tuy nhiên, phía Mỹ thận trọng trong việc ký kết một văn bản mà sẽ khiến ông Kim thúc đẩy Mỹ rút quân đội đồn trú khỏi Hàn Quốc.

Vào sáng hôm 20/9, trong ngày cuối cùng của cuộc gặp thượng đỉnh, hai ông Kim và Moon đã cùng có chuyến đi lên đỉnh núi Paektu vốn được miền Bắc xem là đỉnh núi thiêng. Hai ông đã siết tay và giơ lên để thể hiện sự chiến thắng. Chuyến đi của hai nhà lãnh đạo đến đỉnh núi ở biên giới Triều Tiên-Trung Quốc sẽ còn vang vọng ở hai miền Triều Tiên sau tuyên bố về một loạt thỏa thuận hôm 19/9 mà họ ca ngợi là một bước tiến lớn tiến đến hòa bình.

Tuy nhiên, thỏa thuận của họ trên vấn đề khiến thế giới lo ngại nhất – việc miền bắc theo đuổi vũ khí hạt nhân – có đi kèm theo một điều kiện lớn: ông Kim nói rằng ông sẽ cho tháo dỡ vĩnh viễn cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên chỉ khi nào Mỹ có những bước đi tương ứng nhưng không nói rõ bước đi tương ứng đó là gì.

“Chủ tịch Kim Jong Un đã hết lần này đến lần khác đã khẳng định cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân,” ông Moon nói sau khi trở về Seoul. “Ông ấy bày tỏ mong muốn hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn càng sớm càng tốt và tập trung vào phát triển kinh tế.”

Tổng thống Moon nói rằng việc Triều Tiên đồng ý cho phép các chuyên gia quốc tế giám sát quá trình tháo dỡ ‘vĩnh viễn’ một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa và bãi phóng tên lửa cũng không khác gì cam kết phá hủy những cơ sở này ‘một cách có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược’.

Ông cũng nói rằng những bước đi này, cùng với việc Bình Dưỡng đơn phương tháo dỡ một bãi thử vũ khí hạt nhân hồi đầu năm nhưng chưa được kiểm chứng, có thể ngăn chặn Triều Tiên phát triển thêm kho vũ khí bằng cách tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và hỏa tiễn. Các chuyên gia nói rằng các bước đi này của Bình Nhưỡng không là bước đi thực chất trong quá trình phi hạt nhân hóa. Hồi năm ngoái, nước này tuyên bố đã hoàn tất xây dựng được năng lực hạt nhân và đã sản xuất được hỏa tiễn có sức mạnh lớn nhất.

Ông Moon cũng cho biết ông Kim hy vọng sẽ sớm đến thăm Seoul.

“Tôi hy vọng rằng đồng bào của tôi có thể có cơ hội tận mắt nhìn thấy Chủ tịch Kim Jong Un và nghe chính miệng ông nói về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hòa bình và thịnh vượng,” Tổng thống Hàn Quốc nói.

Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã cười tươi khi họ đứng chụp hình trên đỉnh núi Paektu, với các vị phu nhân của họ đứng kế bên trước bối cảnh là nền trời trong xanh và một hồ nước sâu vốn là miệng núi lửa. Họ cũng dạo bước bờ hồ, sau đó Tổng thống Moon và phu nhân cũng đã lấy đầy nước hồ vào những chiếc chai và một ca sỹ nhạc pop của Hàn Quốc trình diễn một phiên bản của một bài hát dân gian rất được yêu mến của dân tộc Triều Tiên, bài ‘Arirang’, vốn được người dân hai miền Triều Tiên xem là một bài ca không chính thức về hòa bình.

Ngọn núi này có ý nghĩa thiêng liêng với gia tộc nhà Kim – các thành viên gia tộc được cho là có có ‘dòng máu Paektu’ và ngọn núi này cũng được in hình trên biểu tượng quốc gia của Triều Tiên và được đặt tên cho tên lửa.

Rất nhiều người dân miền Nam cũng có tình cảm đặc biệt với đỉnh núi này. Theo truyền thuyết của dân tộc Triều Tiên, đây là nơi sinh của Dangun, người sáng lập vương quốc Triều Tiên cổ đầu tiên. Ngọn núi này từ lâu cũng được xem là một trong những thắng cảnh đẹp nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng về cuộc gặp thượng đỉnh này. Khoảng 100 người chống Triều Tiên đã tập hợp ở trung tâm Seoul để bày tỏ sự phẫn nộ về cuộc gặp và giương những khẩu hiệu như: “Nói không với thượng đỉnh Nam-Bắc Triều mà làm lợi cho Kim Jong Un.”

Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết làm việc cùng nhau để đăng cai Thế vận hội mùa hè vào năm 2032.

Tuy nhiên mặc nhiều chứa đựng một số đề xuất rất hấp dẫn, thông cáo chung của hai nhà lãnh đạo không có những bước đi lớn mà Washington đang tìm kiếm – chẳng hạn như cam kết của ông Kim cung cấp danh sách các cơ sở hạt nhân của nước ông, một lịch trình chắn chắn từng bước một để đóng cửa chúng, hay một thỏa thuận cho phép thanh sát viên quốc tế đánh giá các tiến triển và phát hiện các vi phạm.

Hiện chưa rõ ‘bước đi tương ứng’ mà Bắc Triều Tiên muốn Mỹ thực hiện để đổi lấy việc họ tháo dỡ hạt nhân.

Câu hỏi hiện nay là liệu những diễn biến này có đủ cho ông Trump đi tiếp ở điểm mà ông Moon để lại. Ông Trump đã nói là kết quả của cuộc gặp này là ‘tin tức rất tốt lành’ và rằng ‘chúng ta đang có tiến bộ to lớn’ với Triều Tiên.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-ng%E1%BA%A1i-v%E1%BA%ABn-c%C3%B2n-sau-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-moon-kim-l%E1%BA%A7n-3-/4580615.html

 

Hàn Quốc gây sức ép

để Samsung đầu tư vào Bắc Triều Tiên

Thùy Dương

Hàn Quốc đang nóng lòng muốn thiết lập lại các dự án hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên. Seoul muốn nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ giữa hai miền và khởi động lại quan hệ hợp tác thương mại song phương.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là tập đoàn Samsung, không muốn liều lĩnh đầu tư vào Bắc Triều Tiên vì sợ bị quốc tế trừng phạt. Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias giải thích :

« Chính phủ Hàn Quốc đang gây sức ép để ông Lee Jae Yong, người thừa kế tập đoàn Samsung, triển khai một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng vào Bắc Triều Tiên. Các nguồn tin thân cận với tập đoàn Samsung khẳng định như trên với báo Nikkei Asian Review.

Điều đó giải thích tại sao ông Lee Jae Yong được mời tháp tùng tổng thống Hàn Quốc trong chuyến thăm Bình Nhưỡng, một trong những nguồn tin trên cho biết. Nhưng dường như hãng Samsung vẫn đang ngập ngừng, vì đầu tư vào Bắc Triều Tiên ẩn chứa nhiều rủi ro và các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm cấm mọi giao thương với chế độ Kim Jong Un.

Ông Lee Jae Yong đang lâm vào tình thế khó xử. Người thừa kế tập đoàn Samsung đã bị giam tù nhiều tháng vì liên quan tới một vụ án tham nhũng, và hiện đang trong giai đoạn chờ phán quyết của Tòa Án Tối Cao.

Thế nhưng, nhiều tập đoàn khác của Hàn Quốc, chẳng hạn LG, không giấu diếm sự quan tâm đối với nguồn nhân công Bắc Triều Tiên được đào tạo, giá rẻ và nói cùng tiếng Triều Tiên, cũng như là thị trường Bắc Triều Tiên có nhiều cơ hội phát triển. Những doanh nghiệp Hàn Quốc này đã thành lập các nhóm làm việc để chuẩn bị cho các dự án đầu tư trong tương lai. Nhưng họ sẽ không thể làm được gì chừng nào các lệnh trừng phạt vẫn còn được duy trì. »

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích thông cáo của bộ Quốc Phòng nước này cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Song Young Moo và đồng nhiệm Mỹ James Mattis hôm nay đã điện đàm để trao đổi về các kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Moon-Kim vừa qua tại Bình Nhưỡng.

Hai bộ trưởng đồng ý sẽ nỗ lực trong lĩnh vực quân sự để bảo đảm thực thi các biện pháp phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và có thể kiểm chứng được. Các bộ trưởng cũng thống nhất duy trì hợp tác quốc phòng và an ninh.

Vẫn theo Yonhap, một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã tăng sau thượng đỉnh lần thứ ba với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. 72% số người được hỏi hài lòng về kết quả thượng đỉnh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180921-han-quoc-samsung-dau-tu-bac-trieu-tien

 

Campuchia ân xá

nhà làm phim Úc bị bỏ tù vì làm gián điệp

Một tòa án ở thủ đô Phnom Penh cho biết hôm 21/9 rằng Campuchia ân xá cho một nhà làm phim người Úc bị bỏ tù hồi tháng 8 về tội gián điệp với mức án 6 năm.

Tuyên bố của tòa án thành phố nói họ đã ra lệnh thả ông James Ricketson vì ông đã được hoàng gia ân xá.

Ông Ricketson, 69 tuổi, đã bị bắt vào tháng 6/2017 sau khi người ta chụp ảnh ông điều khiển một thiết bị bay bên trên một cuộc biểu tình do Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập (CNRP) tổ chức trước cuộc bầu cử cấp xã. Đảng này về sau bị giải tán.

Nhà làm phim, người đã nhiều lần đến thăm Campuchia trong hơn 20 năm, và làm phim tài liệu về đất nước và con người Campuchia, bị kết tội gián điệp nhưng vẫn chưa rõ ông do thám phục vụ ai.

Hiện không rõ liệu ông Ricketson đã được tha tù hôm 21/8 hay chưa. Reuters không thể tiếp xúc ngay lập tức với gia đình của ông ở Úc để hỏi ý kiến của họ.

https://www.voatiengviet.com/a/campuchia-an-xa-nha-lam-phim-uc-b%E1%BB%8B-bo-tu-vi-lam-gian-diep/4581619.html

 

Úc sẽ xây căn cứ quân sự chung với PNG

để chặn ảnh hưởng của Trung Quốc

Úc đang làm việc với Papua New Guinea để xây một căn cứ hải quân hỗn hợp trên đảo Manus trong một nỗ lực nhằm kiềm hãm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Mục đích của Canberra là hoàn tất một thỏa thuận để thành lập một cơ sở chung sẽ được xây trên đảo Manus trong thòi gian dẫn tới hội nghị thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC).

Căn cứ mới này sẽ có khả năng đón nhận các tàu chiến Úc và Mỹ, và có mục đích gạt sang bên các lợi ích của Trung Quốc tại cảng biển chiến lược này.

Báo The Autralian tường thuật rằng cựu Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull và Thủ Tướng Papua New Guinea Peter O’Neill đã bàn luận về quan hệ đối tác quốc phòng tại cuộc gặp ngày 11/7 ở thành phố Brisbane.

Chính thái độ sốt sắng của Thủ Tướng Papua New Guinea sẵn lòng hợp tác với Úc để tái thiết căn cứ hải quân Lombrum là động lực hối thúc các giới chức quốc phòng Úc tiến hành dự án này.

Đương kim Thủ Tướng Úc Scott Morrison hôm 19/9 nói:

“Thái Bình Dương là một khu vực ưu tiên cao có tầm quan trọng chiến lược đối với các lợi ích của Australia”.

Ông Morrison không bác bỏ tin này, nhưng ông giải thích:

“Tôi sẽ không bình luận về những đồ đoán liên quan tới các vấn đề an ninh quốc gia. Làm như thế là không thích hợp.”

Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ đôla ra cho các quốc đảo tí hon trên khắp vùng Thái Bình Dương vay để xây cơ sở hạ tầng, vì khu vực này được coi là một cửa ngõ vào Châu Á có tầm quan trọng chiến lược.

Trong tư cách là một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, có lịch sử hợp tác quân sự lâu dài với Mỹ, chính phủ Úc đã lên tiếng cảnh báo về sự cần thiết phải đối trọng lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Trước đó, Úc đã bày tỏ quan tâm về dự tính của Trung Quốc tân trang 4 cảng của Papua New Guinea tại Wewak, Kikori, Vanimo và đảo Manus, và bày tỏ lo ngại rằng anh khổng lồ Châu Á đang mưu tìm một chỗ đứng vững chắc về quân sự trong khu vực.

Các quan chức Úc đặc biệt chỉ trích chính sách “ngoại giao mềm” của Bắc Kinh tại Thái Bình Dương, và năm nay Canberra loan báo sẽ thương thuyết một hiệp định an ninh với Vanuatu và dự án xây một tuyến cáp quang internet dưới biển cho quần đảo Solomon và Papua New Guinea.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne từ chối bình luận về dự án xây căn cứ hải quân chung với Papua New Guinea nhưng cho biết Australia thường xuyên tiếp xúc với các giới chức Papua New Guinea về các ưu tiên phát triển của nước này.

Căn cứ hải quân Lombrum từ lâu là địa điểm hợp tác giũa Úc và lực lượng quốc phòng Papua New Guinea. Nước Úc điều hành căn cứ này từ năm 1950 cho tới khi cơ sở này được trao lại cho Papua New Guinea khi nước này dành được độc lập vào năm 1975.

https://www.voatiengviet.com/a/uc-se-xay-can-cu-quan-su-chung-voi-png-de-chan-anh-huong-cua-tq/4580322.html