‘Người Việt nhưng không phải Người Việt’
Huy Phương
Người Việt Online
18/09/2018
Tuổi trẻ Việt trên đại lộ Bolsa, Little Saigon, miền Nam California. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Câu nói này có khó hiểu hay không? Vì sao người Việt nhưng không phải là người Việt?
Đây là nhan đề một bài báo của Bác Sĩ Trần Văn Tích, một nhân sĩ ở Đức Quốc đã lên tiếng kêu gọi chính quyền và quần chúng địa phương xác định rõ ràng rằng cộng đồng tỵ nạn ra đi từ miền Nam Việt Nam không dính dáng gì đến những tội hình và tội hộ do người Việt gốc gác ở miền Bắc gây ra trên đất Đức.
Câu chuyện khởi đi từ một việc xảy ra cách đây vài năm tại một thành phố nhỏ, Andernach, nước Đức. Đó là câu chuyện về con mèo Mungo. Một người Việt tên Trần Quý, gốc gác từ miền Bắc Việt Nam, đã bắt một con mèo của một người cao niên hàng xóm, đốt nó bằng một ngọn đèn xì hiệu benson, để nhậu nó với nước mắm, nước cốt chanh, rau thơm và tỏi, vì “nhớ hương vị quê hương!”
Tin tức tai tiếng này được loan tải trên nhiều tờ báo cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức ở Âu Châu. Đặc biệt trong trường hợp Trần Quý được ghi đầy đủ tên họ, không phải như những trường hợp khác tên của can phạm được viết tắt. Cả cộng đồng dân cư Andernach náo động. Hai bà hàng xóm của Trần Quý, Christina Sarwatka và Stephanie Jung kêu cứu với cảnh sát. Tất cả những con mèo ở Andernach đều bị “cấm trại” 100%. Ba mươi con mèo đã bị mất tích, người ta đồ chừng, chúng đã đi qua lò nướng của Trần Quý.
Một vết dơ vấy lên mặt thủ phạm hay lây lan qua chúng ta, và người Đức sẽ nhìn tất cả người Việt ở đây như thế nào?
Nhân danh Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức, Bác Sĩ Trần Văn Tích đã viết thư cho Sở Cảnh Sát Andernach, trấn an giới chức công quyền địa phương là người tỵ nạn Việt Nam không có thói quen ăn thịt mèo và xin hai bà hàng xóm của gia đình thủ phạm giết con mèo Mungo nhận cho lời chia buồn và niềm tiếc nuối.
Trước năm 1975, nhiều sinh viên kỹ thuật miền Nam đi du học ở Tây Đức, là những thành phần chống Cộng nổi tiếng. Sau 1975, một số thuyền nhân vượt biên được vào tỵ nạn tại Đức Quốc, đương nhiên là những người không chấp nhận chế độ Cộng Sản.
Bắc Việt, thường chọn Đông Âu và Nga Xô để xuất ngoại. Sau khi Liên Xô sụp đổ, rất đông những người Việt của miền Bắc từ Nga đã di cư sang Đông Âu. Khi nước Đức thống nhất, người Việt gốc gác từ Miền Bắc đều xin định cư ở lại nước Đức.
Hiện nay, các quốc gia có nhiều người Việt định cư trên thế giới, như nước Đức, nửa quốc gia nửa Cộng Sản. Phần nửa Cộng Sản làm xấu mặt phần nửa quốc gia vì các nạn trộm cắp, băng đảng, trồng cần sa, buôn lậu…
Nhiều băng Bắc Việt đã trồng cần sa tại trại Atzendorf, tiểu bang Sachsen-Anhalt, thuộc lĩnh vực Đông Đức cũ, rửa tiền bất hợp pháp. Ngay cả Đại Sứ Việt cộng tại Thổ Nhĩ Kỳ, mang vào Đức gần hai chục ngàn Euro mà không khai báo.
Nhân viên Đại sứ quán Việt cộng nhập viện điều trị, phí tổn lên đến từ 10 đến 15,000 Euro, nhưng không chịu thanh toán.
Chỉ trong vòng ba năm trước ngày Phạm Thị Hoài lên tiếng về “nghề ăn cắp của người Việt tại Đức” (Tháng Bảy, 2015) mỗi năm cộng đồng 84,000 người Việt tại Đức, đã có 5,000 mang tội hình sự, trong đó đã có 1,000 vụ ăn cắp, còn tệ hơn người Tàu (11,000 người với 200 vụ ăn cắp mỗi năm.) Tại Đức băng đảng người Việt lộng hành, trong cuộc chiến giành thị trường thuốc lá lậu, đồng chí giết đồng chí, băng Ngọc Thiện “xử tử” sáu đối thủ trong một căn chung cư thì băng Quảng Bình đáp lễ bằng ba xác người vứt ngoài đường tàu. Thành phần chính của băng đảng là những “bộ đội anh hùng” súng ngắn giắt cạp quần.
Về chuyện người Việt ở Đức, bài báo “Người Việt ăn cắp ở Đức” của Phạm Thị Hoài đã gây chấn động. Ai cũng biết rằng người Việt được nói trong bài là người Việt mới, người Việt tiến bộ, người Việt XHCNVN. Phạm Thị Hoài kể rõ lai lịch của họ: họ gốc gác Nghệ an, Quảng bình; họ tụ tập sinh hoạt tại chợ Đồng Xuân Berlin.”
Ông Trần Văn Tích cho rằng: “Một số người Đức cũng hiểu như thế. Dẫu vậy, vấn đề thanh minh cho công luận Đức am tường sự thực vẫn thường cứ phải đặt ra.”
Trong thư gửi cho cộng đồng người Đức, Bác Sĩ Trần Văn Tích cũng xác định là Liên Hội Người Việt Tị Nạn tại Đức, không dính dáng gì đến Hội Liên Hiệp của người Bắc Việt tại Đức, trái lại vì biết rất rõ rằng đây là một tổ chức thống thuộc Đại sứ quán Việt cộng ở Berlin “nên chúng tôi, vì lý do an ninh bản thân, luôn luôn tìm cách xa lánh nó.”
Phải chăng vì luật pháp nước Đức quá nhẹ tay theo cách nói của Phạm Thị Hoài: “Xã hội càng yên, luật pháp càng hiền!” Luật pháp càng hiền thì người Việt “xã hội mới” ở Đức càng lộng! Trong khi người Việt ở Đức giàu có nhờ nghề thuốc lá lậu, thì bây giờ ở Anh, người Việt đua nhau trồng cần sa để mau làm giàu. Người Việt muốn làm giàu nhưng không thích cần cù làm việc, chỉ muốn đi đường tắt, hầu hết là con đường phi pháp.
Thanh niên mới đến Đức hai tuần, chưa làm đơn xin tị nạn đã hành nghề ăn cắp. Bọn này ăn mặc rất sang chảnh nên, thay vì gọi tên theo căn cước của chúng, Phạm Thị Hoài đã gọi chúng là bằng tên những thương hiệu nổi tiếng là Nike, Dolce Gabbana…
Nói chung, di dân từ Bắc Việt vẫn xem nước Đức là chỗ béo bở để kiếm ăn, mặc dầu ăn nhờ ở đậu nơi này, lãnh trợ cấp, chúng vẫn gọi Đức là “Phát-Xít,” “bọn Đức lợn…”
Và gần đây vụ Bắc Việt dùng lối hành xử côn đồ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong một khách sạn ở Berlin, hồi tháng Tháng Bảy, 2017 đã là một giọt nước tràn ly. Ở xứ này, còn ai muốn làm người Việt Nam nữa!
Xin hãy nghe lời kết đau đớn của một người Việt Nam tử tế ở Đức tên Trần Văn Tích: “Một người Việt Nam chỉ không muốn làm người Việt Nam nữa mà cũng thật vất vả quá chừng!”
(Huy Phương)