Tin Việt Nam – 19/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 19/09/2018

Cựu giáo viên Đào Quang Thực bị án 14 năm

Cựu giáo viên Đào Quang Thực bị Tòa sơ thẩm tỉnh Hòa Bình hôm 19 tháng 9, tuyên 14 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Luật sư Lê Văn Luân, người bào chữa cho ông Đào Quang Thực tại phiên sơ thẩm, vào chiều tối ngày 19 tháng 9 cho Đài Á Châu Tự Do biết một số thông tin liên quan phiên tòa:

“Phiên tòa hôm nay diễn ra cũng khá bình thường, mọi thứ tôi tạm gọi là suôn sẻ. Tuy nhiên trong cái suôn sẻ đó thì thiếu khá nhiều nhân chứng, nhân chứng gồm 15 người nhưng chỉ có hai người là vợ và con trai của ông Thực có mặt tại tòa. Trong diễn biến phiên tòa, theo những hồ sơ chứng cứ đã có, thì ông Thực không tham gia lật đổ chính quyền mà tham gia vào để tìm những người có ý chống đối. Tôi có đưa ra ba chứng cứ, nhưng bên công tố và hội đồng xét xử chưa xem xét thấu đáo. Và cũng chưa áp dụng nguyên tắc tuyên án vô tội tố tụng hình sự khi chưa đủ chứng cứ. Tôi vẫn giữ quan điểm là việc xử án như vậy, tuyên án như vậy, không xem xét tình tiết gỡ tội mà tôi đưa ra, thì chưa thuyết phục, và bản án như vậy là khá nặng.”

Theo AFP, cựu giáo viên tiểu học Đào Quang Thực, 58 tuổi, cư ngụ tại xã Toàn Sơn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, đã bị bắt giam sau khi phát biểu trên Facebook về các vấn đề môi trường và tranh chấp lãnh thổ của Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trả lời AFP sau phiên xử, cô Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang, con gái ông Thực nói rằng ông không được xét xử công bằng và cô khẳng định cha cô vô tội. Cô cho rằng phiên tòa xử cha cô không minh bạch, không có nhiều người được phép tham dự và những người có mặt tại tòa án không khách quan.

Cô nói thêm rằng cha cô, người không có sức khỏe tốt, đã bị đánh đập sau khi bị bắt vào tháng 10 năm 2017; cụ thể ông không được cung cấp thức ăn đầy đủ, bị đánh bằng giày và ông này phải được điều trị tại bệnh viện trong một tuần.

Ông Đào Quang Thực sinh năm 1960. Ông từng là giáo viên tiểu học suốt 30 năm và hiện đã nghỉ hưu. Vào ngày 5 tháng 10 năm 2017, cơ quan an ninh điều tra thuộc công an tỉnh Hòa Bình đã ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Đào Quang Thực với cáo buộc là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo điều 79 bộ luật hình sự Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-jails-retired-teacher-for-14-years-for-attempted-subversion-09192018083305.html

 

Thêm 2 người bị kết án,

9 người bị bắt vì tham gia biểu tình

Tòa án Nhân dân Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa ngày 19 tháng 9 đưa ra xét xử hai người tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu và an ninh mạng hôm 10/6 vừa qua.

Hai người bị ra tòa là Nguyễn Văn Ý, 32 tuổi và Tạ Thành Duy, 47 tuổi; mỗi người bị tuyên phạt 15 tháng tù với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’.

Cáo trạng nói rằng hai bị cáo đã biết đến cuộc biểu tình qua mạng xã hội và tham gia theo lời kêu gọi của một số người lạ. Tòa cho rằng các hành động của họ đã gây rối an ninh trật tự, kích động hoang mang trong quần chúng vì vậy cần phải xử lý theo pháp luật. Hai bị cáo được nói là đã nhận tội.

Cũng tin liên quan, Công an tỉnh Bình Thuận ngày 19 tháng 9 đã khởi tố bị can, bắt giam thêm 9 người cũng với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản’ xảy ra tại trụ sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Phan Rí, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận vào hôm 10 và 11 tháng 6 vừa qua. Ngoài ra, Bình Thuận còn cho truy nã ông Dương Văn Ngoan, 41 tuổi, cư trú tại huyện Tuy Phong cũng vì hành vi tương tự. Ông Ngoan hiện đã bỏ trốn.

Như vậy cho đến nay Bình Thuận đã khởi tố và bắt giam 25 người tham gia cuộc biểu tình đó.

Vào ngày 10 và 11 tháng 6, trên cả nước đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối dự luật đặc khu cho nước ngoài thuê đất 99 năm và dự luật an ninh mạng bị cho là nhằm bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người dân. Tại tỉnh Bình Thuận, cuộc biểu tình có xảy ra bạo động, một số người dân đã phóng hỏa đốt một số cơ quan chính quyền trong đó có 10 ô tô công vụ ở UBND tỉnh và trụ sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Phan Rí.

Sau cuộc biểu tình, vài chục người trên khắp các tỉnh thành đã bị bắt và kết án với cáo buộc gây rối trật tự công cộng từ Thái Bình, Thanh Hóa ở miền bắc đến Khánh Hòa,Ninh Thuận, Bình Thuận ở miền Trung, TP.HCM, Đồng Nai, Long An ở miền nam.

Quốc Hội Việt Nam vẫn cho thông qua Luật An Ninh Mạng vào ngày 12 tháng 6 tại kỳ họp thứ 5, Quốc Hội Khóa 14. Còn dự luật các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc phải lùi lại và trong kỳ họp thứ 6 sắp diễn ra cũng sẽ chưa được mang ra bàn tiếp.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-jails-2-more-and-arrests-9-more-people-in-sez-protest-aftermath-09192018091720.html

 

RSF kêu gọi VN trả tự do

cho blogger Ngô Văn Dũng

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức blogger, nhà hoạt động Ngô Văn Dũng sau khi ông đột ngột bị bắt giữ cách đây hai tuần.

Theo RSF, một số người đã chứng kiến lúc công an bắt giữ ông Dũng vào sáng 4/9 và thông báo cho gia đình.

Sau đó, gia đình ông Dũng đã tìm cách liên lạc với ông qua điện thoại thì nhận được một tin nhắn rằng ông đã bị cảnh sát bắt tại quận Bến Nghé, TP Hồ Chí Minh, vẫn theo RSF.

Hoa Kỳ ‘thất vọng’ với VN vụ tuyên án ba nhà hoạt động

Phúc thẩm Nguyễn Văn Túc: ‘Bản lĩnh, không xin xỏ’

Quảng Bình xử ông Nguyễn Trung Trực 12 năm tù

Bà Kim Nga, vợ ông Dũng nói với BBC qua điện thoại hôm 19/9 rằng cả gia đình đã bỏ hết công việc, từ Đắk Lắk lên Sài Gòn tìm ông đã ba lần mà không thấy.

“Đã 16 ngày rồi chúng tôi không có tin tức gì của ông ấy. Lần duy nhất là hôm 4/9, sau nhiều lần liên tiếp gọi vào máy của chồng không được thì tôi nhận được tin nhắn từ số điện thoại của ông ấy rằng “Anh bị bắt rồi”. Và nhắn là ở công an phường Bến Nghé. Nhưng từ đó đến nay thì không còn tin tức gì nữa.”

Bà Nga nói bà và các con đã đi tìm khắp các nơi, từ công an phường Bến Nghé đến Bến Thành, lội qua công an Quận 1, qua mặt trận tổ quốc. Nơi nọ chỉ qua nơi kia.

Gia đình bà cũng đã làm đơn kêu cứu lên công an Đắk Lắk và gửi thủ tướng chính phủ, nhưng chưa nhận được hồi âm từ bất kỳ nơi nào.

Bà Nga nói gia đình rất lo vì ‘cứ vô đồn công an là bị chết nhiều lắm. Mới đây cũng vừa có vụ công an đánh một người dân chết’.

“Ông ấy có tội gì, vì sao bị bắt thì cũng phải báo cho gia đình một câu chứ. Giờ chúng tôi không biết phải làm sao, phải đi đâu nữa,” bà Nga nói với BBC từ Sài Gòn.

Ông Ngô Văn Dũng là ai?

Ông Dũng là một thành viên của phong trào Chấn hưng Nước Việt, một phong trào ủng hộ dân chủ đấu tranh cho “tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin”, theo như RSF.

Ông Dũng cũng chia sẻ nhiều video clip quay lại các cuộc biểu tình chống dự luật đặc khu hồi tháng Sáu, và đăng tải một đoạn video phân tích bản án 9 năm tù của blogger Trần Thị Nga về cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước vào tháng 7/2017.

Lần cuối ông Dũng đăng trên Facebook cũng là vào tầm 10 giờ sáng ngày 4/9 khi đi trên phố. Facebook của ông trước đó cũng thường xuyên cập nhật về những người bất đồng chính kiến khác bị bắt giữ.

“Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam làm sáng tỏ tình hình của ông Ngô Văn Dũng,” Daniel Bastard, người đứng đầu văn phòng châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói.

“Việc giam giữ một công dân một cách tùy ý và trái với mọi thủ tục pháp lý, chính phủ lại một lần nữa cho thấy sự coi thường đối với bất kỳ khái niệm nào về pháp quyền.”

“Các đối tác thương mại của Việt Nam cần phải đưa ra những kết luận. Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi các thành viên của nghị viện châu Âu trì hoãn việc phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Việt Nam dự kiến sẽ được bỏ phiếu trước cuối năm nay.”

Phong trào Chấn hưng Nước Việt

Sinh hoạt của phong trào Chấn hưng Nước Việt, tập trung vào việc đưa những tin tức bị cho là có tính cách ‘nhậy cảm, và các thành viên của phong trào, từ lâu đã bị chính quyền Hà Nội theo dõi.

Trước đó, trong phiên tòa phúc thẩm xử ba thành viên của phong trào Chấn hưng Nước Việt là Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc hôm 10/7/2018 tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, tòa tuyên y án sơ thẩm với ba bị cáo, với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước.

Cụ thể Vũ Quang Thuận 8 năm tù, 5 năm quản chế. Nguyễn Văn Điển 6,5 năm tù, 4 năm quản chế. Trần Hoàng Phúc 6 năm tù, 4 năm quản chế.

Lý do y án là vì Hội Đồng Xét Xử cho rằng cả 3 người đã ‘tàng trữ tài liệu, làm, đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet’.

Trong thông báo cáo phát đi ngay sau đó, hôm 11/7, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội bày tỏ “thất vọng sâu sắc” “trước việc một tòa án phúc thẩm đã giữ nguyên bản án đối với Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45570951

 

Việc tống xuất Tổng Thư ký FIDH, bà Debbie Stothard

bị phản đối trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Phóng viên Ỷ Lan

Hôm thứ ba, 18.9, phát biểu tại điểm 4 khoá họp lần thứ 39 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Điện Quốc Liên ở Genève, ông Võ Văn Ái Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) tố cáo Nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm các tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình và tự do tôn giáo, đàn áp Gia Đình Phật tử Việt Nam tại Huế, cũng như Dự thảo Phúc trình UPR đã dối gạt LHQ về tình hình khủng bố nhân quyền tại Việt Nam. Đặc biệt những bạo hành mà Nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp các nhà hoạt động bảo vệ Nhân quyền người Việt cũng như ngoại quốc nhập cảnh Việt Nam.

Điều 21 : “xâm phạm an ninh quốc gia”

Để rõ hơn sự vụ tống xuất Tổng Thư ký FIDH, chúng tôi phỏng vấn bà Debbie Stothart, xin mời quý thính giả theo dõi.

Vì vậy, mặc dù tôi rất tán thưởng sự quan tâm của những ai dành cho tôi qua cuộc câu lưu ngắn ngủi ở Hà Nội. Nhưng tôi thực sự nhận ra bỗng chốc mình được cư xử như một yếu nhân so với người Việt Nam bình thường đang phải bị nhà cầm quyền tra tấn, sách nhiễu và đàn áp hung bạo một cách bất nhân đạo.
-Debbie Stothard

Ỷ Lan : Chào chị Debbie Stothard, là Tổng Thư ký Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH, hôm nay trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Võ Văn Ái lên tiếng phản đối việc Hà Nội câu lưu chị rồi tống xuất khỏi Việt Nam tuần trước. Xin chị cho thính giả RFA biết sơ lược trải nghiệm vừa qua tại phi trường Nội Bài ở Hà Nội ?

Debbie Stothard : Thực tế là tôi đã nhiều lần đến Hà Nội tham dự các hội nghị, nên tôi chẳng lo ngại vấn đề gì cả. Nhất là khi tôi được mời phát biểu tại Diễn Đàn Kinh tế Thế giới nổi tiếng của ASEAN. Nhưng khi tôi đến quầy hải quan, tôi liền bị dẫn độ đến gian phòng nằm sau cơ quan lo việc chiếu khán và được biết rằng tôi không được nập cảnh Việt Nam. Tôi hỏi vì sao ? Họ liền chìa tấm giấy ghi rằng tôi xâm phạm Điều 21. Sau đó mới biết Điều 21 khước từ nhập cảnh Việt Nam vì lý do « an ninh quốc gia » và vài lý do khác.

Lúc tôi mở máy điện thoại cầm tay để đổi chuyến bay về lại nước tôi, hai sĩ quan đứng gần cấm tôi sử dụng điện thoại. Tôi liền hỏi, tôi bị các ông bắt phải không ? Họ bảo không ! Bà không bị bắt. Nên tôi trả lời « Nếu tôi không bị bắt thì tôi có quyền sử dụng điện thoại ». Họ bắt tôi cung cấp số điện thoại tôi gọi và mở lớn âm thanh trao đổi để họ theo dõi tôi nói gì. Cuối cùng tôi biết chuyến bay sớm nhất trở về Kuala Lumpur vào lúc 9 giờ 30 sáng hôm sau (tôi đến Hà Nội vào lúc 3 giờ chiều). Thế là tôi phải qua đêm trong căn phòng nhập cảnh tại phi trường. Tôi là người độc nhất ở đấy. Tôi có thể đóng cửa phòng, nhưng có một cửa sổ lớn không màn che, qua đó lính canh có thể nhìn vào quan sát tôi bất cứ lúc nào. Ở đây không có phòng vệ sinh, muốn đi tôi phải xin phép để được đưa tới nơi khác cạnh đấy. Họ chẳng cho tôi ăn, chỉ cho chút nước uống. May mắn cho tôi là Bộ Ngoại giao Mã Lai liên lạc với Đại sứ quán Mã Lai ở Hà Nội báo động tình trạng của tôi. Ông Đại sứ đã mang lại cho tôi mấy món ăn Mã Lai. Tôi ngủ qua đêm trong căn phòng này, sáng hôm sau họ đưa tôi lên máy bay về lại Kuala Lumpur.

Gian dối

Ỷ Lan : Nhà cầm quyền Việt Nam bảo rằng chị không được nhập cảnh vì lý do « an ninh quốc gia ». Trong khi đó Việt Nam giải thích với LHQ qua nửa kỳ Kiểm điểm UPR, rằng các điều luật « an ninh quốc gia » tuân thủ theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Chị nghĩ sao về điều này ?

Debbie Stothard : Chao ơi, điều quá rõ đối với tôi là nhà cầm quyền Việt Nam gian dối với việc họ làm. Thật quá dễ dàng giải thích một điều tại LHQ, nhưng làm ngược lại tại Hà Nội hay bất cứ đâu trên lãnh thổ họ.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam khước từ tôi và ông Mina Pimple của Ân Xá Quốc tế, vì rằng cả hai tổ chức Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ân Xá Quốc tế đều ám chỉ Việt Nam đang ở trong thời kỳ tồi tệ nhất của sự bức hiếp và đàn áp, không riêng cho giới bloggers và những nhà bảo vệ nhân quyền, mà tổng quan cho bất cứ ai muốn đặt lên nghi vấn về chế độ. Rõ ràng là nhà cầm quyền Việt Nam rất dễ bực bội và bất an khi thấy những nhà hoạt động thuộc các tổ chức nhân quyền quốc tế léo hánh tới Việt Nam. Nhà cầm quyền lo sợ chúng tôi sẽ bật mí tình trạng nhân quyền trước Diễn Đàn Kinh tế Thế giới của ASEAN, là nơi mà họ tìm cách lôi cuốn các nhà đầu tư đến Việt Nam. Họ lo sợ cho những điều chúng tôi thấy ra khi nhìn qua cửa sổ khách sạn. Cho nên tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền Việt Nam cảm thấy bất an với những ai có thể mang chuyện nhân quyền Việt Nam tới các diễn đàn quốc tế.

Ỷ Lan : Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) thu thập từ đâu những tin tức vi phạm nhân quyền tại Việt Nam ?

Debbie Stothard : Là Tổng Thư ký của FIDH, tôi đã từng làm việc lâu năm với Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, cũng là thành viên quốc gia của tổ chức chúng tôi. Điều quan trọng là những tin tức FIDH thu lượm được, căn bản là những dữ liệu và chứng cớ hiển nhiên do Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thu tập, hay những nhà hoạt động bí mật khác do áp lực lớn rộng bủa vây họ. Vì vậy, mặc dù tôi rất tán thưởng sự quan tâm của những ai dành cho tôi qua cuộc câu lưu ngắn ngủi ở Hà Nội. Nhưng tôi thực sự nhận ra bỗng chốc mình được cư xử như một yếu nhân so với người Việt Nam bình thường đang phải bị nhà cầm quyền tra tấn, sách nhiễu và đàn áp hung bạo một cách bất nhân đạo.

Ỷ Lan : Xin cám ơn chị Debbie Stothard.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-expelling-of-fidh-secretary-general-debbie-stothard-protested-by-the-un-human-rights-council-09192018102102.html

 

Dân biểu Úc sẽ tiếp tục

quan tâm nhân quyền ở Việt Nam

Dân biểu Úc Chris Hayes hôm 19/9 đã có thư gửi Quốc hội nước này nhằm cảm ơn Quốc hội Úc đã tổ chức một buổi thảo luận về nhân quyền dành cho cộng đồng người Việt tại đây cũng trong cùng ngày.

Trong thư, ông Chris Hayes đặc biệt cảm ơn ông Paul Nguyễn, Chủ tịch của hội Cộng đồng người Việt tự do Úc Châu vì trách nhiệm của ông này đối với các cam kết lâu dài về tự do, dân chủ và tôn trọng nhân phẩm.

Dân biểu Úc Chris Hayes nhấn mạnh rằng ông đặc biệt quan tâm về những khó khăn trong việc công nhận nhân quyền ở Việt Nam. Ông nói ở Việt Nam hiện nay, chính quyền đang duy trì quyền lực chính trị độc tôn, được hỗ trợ bởi một hệ thống pháp luật thất bại trong việc áp dụng các điều luật một cách nhất quán.

Tuy nhiên, ông Chris bày tỏ sự hài lòng khi nhà cầm quyền Việt Nam đã thả luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà. Ông cũng nói là cảm thấy vui khi tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã ngưng tuyệt thực nhằm phản đối những đối xử trong trại giam đối với mình.

Dân biểu Úc này cũng thể hiện sự quan ngại đối với bốn thành viên Hội Anh em Dân chủ và blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Qùỳnh hiện vẫn còn đang phải đối mặt với các án tù nhiều năm, mà theo ông được phán xử bởi những điều luật an ninh quốc gia mơ hồ.

Cuối thư, Dân biểu Chris Hayes nói ông sẽ vẫn tiếp tục quan tâm, đồng thời sẽ làm việc với cộng đồng người Việt và chính phủ Úc nhằm làm cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/australia-representative-will-continue-to-take-an-active-interest-in-human-rights-in-vietnam-09192018100041.html

 

Tôi biết ơn nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa

Nguyễn Ngọc Già

Văn hóa là cội rễ. Giáo dục là dưỡng chất. Quốc gia nào cũng cần hai yếu tố tối quan trọng này để phát triển. Việt Nam không là ngoại lệ.

Nền giáo dục của Việt Nam hiện nay đang bị chỉ trích mạnh mẽ và lên án dữ dội chưa từng thấy.

Trước 1975, bậc tiểu học và cả trung học hầu như chỉ có bộ sách giáo khoa cũ. Nó được “truyền lại” cho đàn em. Đặc biệt, những gia đình nghèo càng coi trọng “của gia truyền” này, bởi lý do đơn giản: Tiết kiệm. Đứa học trò nhà nào nghèo quá, có quyền mượn ở thư viện trường. Nhưng làm dơ, rách thì phải đền.

Đồng phục? Nhà trường chỉ bán “phù hiệu”, mua mấy cái cũng được, về tự may vào áo, phía bên trái ngực trên. Quần áo thì phụ huynh tự lo cho con em mình, với duy nhất yêu cầu (hầu hết là) “áo trắng, quần xanh đen”. Đứa học trò nào nghèo quá, được quyền “thừa hưởng” quần áo cũ của “tiền bối” với duy nhất một yêu cầu: thay phù hiệu. Nếu học đúng trường mà anh chị từng học, khỏi thay, cứ y như vậy, bận đi học.

Thế hệ chúng tôi không được dạy những cái gọi là “cải cách”. Không biết cách đánh vần “cờ lờ mờ vờ” hay “vờ tờ vờ” v.v… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đọc thông viết thạo

Thế hệ chúng tôi không được dạy những cái gọi là “cải cách”. Không biết cách đánh vần “cờ lờ mờ vờ” hay “vờ tờ vờ” v.v… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đọc thông viết thạo. Môn Văn Chương, “điểm tám” trở thành tuyệt đối. Hy hữu lắm mới có đứa đạt “điểm chín”, lúc đó phải nói, bài văn vô cùng độc đáo.

Chúng tôi cũng không phải “học thêm, học bớt”. Hồi xưa chỉ có “học phụ đạo” – lớp học cho những đứa học trò nào vì bận phụ giúp gia đình hay học yếu quá, theo không kịp bạn bè. Thầy – Cô thấy thương, tự mở lớp giúp tụi nó. Không tốn tiền bạc gì hết.

Tiếng Việt vốn “đơn âm”, nên chúng tôi không được dạy “tách tiếng” với những “tròn tròn vuông vuông tam giác”. Tiếng Anh vì là “đa âm”, nên Thầy – Cô nào cũng dạy “phải ráng nối âm (linking sound) nha em”. Ví dụ “the voice of freedom” phải nối âm “c” vào âm “of” hoặc giả, không được phép đọc “bờ-ra-xin” để chỉ nước Ba Tây. Thầy – Cô dạy tiếng Anh (hay tiếng Pháp) không bao giờ mắng học trò bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh  là “con vật này hay con thú kia”. Thầy – Cô dạy các môn khác cũng như vậy.

Thời đó, tú tài đôi là “ngon” lắm rồi!

Chúng tôi được dạy mọi điều theo cách giản dị, dễ hiểu mà nhớ lâu. Ví dụ, hai chữ “trách nhiệm”, thầy cô nào cũng giảng nghĩa thật đơn giản mà thấm thía đến kỳ lạ thông qua “hình tròn”. Cô giáo vẽ lên bảng một hình tròn và nói nếu chỉ “khuyết một tí xíu” cũng là “không tròn trách nhiệm”. Chúng tôi không được dạy “thiếu trách nhiệm”. Biết thế nào là “thiếu với đủ”?! Trách nhiệm mà!

Ngoài xe cộ “chạy đầy đường”, trước 1975, Sài Gòn vô cùng hiếm thấy các loại “giáo sư – tiến sĩ”.

Mặc dù thời xưa ở miền Nam Việt Nam, ai cũng biết là đa đảng, nhưng nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa không đào tạo “giáo sư – tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng”.

Ba Thức nói rằng ông cũng không dạy anh yêu nước. Ông chỉ hướng cho con mình sống có nhân cách và có ích, đừng vì mình mà làm tổn thương người khác

Chính khách thời bấy giờ cạnh tranh gay gắt không thua gì các nước dân chủ bây giờ. Nền chính trị lúc đó, quả xác đáng gọi là “chính trường” như người miền Nam cũng thường gọi: thương trường, vận động trường, kịch trường, phim trường v.v… – nơi phải diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt của những tài năng trên các lãnh vực – biểu hiện của tự do đích thực.

Thế hệ những “thằng con nít” như chúng tôi được dạy như ông Trần Văn Huỳnh dạy con trai mình:

“…Có một lần, Thức bỏ nhà đi bụi suốt mấy tháng hè hồi lớp tám. Chính nhờ lời cha dạy, phải học để làm người có ích đã kéo Thức ra khỏi những tháng ngày hư hỏng, trở lại mái trường với một quyết tâm học cho giỏi để gia đình không phải lo lắng vì mình. Ba Thức nói rằng ông cũng không dạy anh yêu nước. Ông chỉ hướng cho con mình sống có nhân cách và có ích, đừng vì mình mà làm tổn thương người khác, thì tự nhiên trẻ con lớn lên sẽ sống có trách nhiệm với mình và đất nước…”.

Trần Huỳnh Duy Thức đã ngưng tuyệt thực – một tin vui mà tôi chưa bao giờ thấy dư luận mừng như vậy. Có nên gọi bằng hai chữ “hiện tượng”?

Tôi mãi mãi biết ơn nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/i-am-grateful-for-republic-vn-education-09182018112428.html

 

Vấn nạn sử dụng thuốc kích thích của giới trẻ Việt

Sự kiện 7 thanh niên tử vong, 5 người phải nhập viện cấp cứu vì sốc ma túy trong lễ hội âm nhạc ‘Du hành tới mặt trăng’ diễn ra tại Hà Nội tối 16/9 dấy lên hồi chuông về tình trạng sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay.

Các chủng loại ma túy đa dạng

Một nhân viên y tế giấu tên hiện làm việc trong một bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết về dạng ma túy đang được ‘thịnh hành’ trong giới trẻ Việt Nam hiện nay.

Hiện giờ ở Việt Nam mình lưu hành nhiều nhất là các viên ma tuý tổng hợp được mang từ Trung Quốc chở xuống. Những viên ma tuý này không được kiểm nghiệm gì hết mà chỉ sản xuất theo trào lưu của thế giới. Ví dụ như trung bình nửa năm hoặc một năm thì sẽ có những loại ma tuý mới gây ảo giác mạnh hơn, giá tiền rẻ hơn. Những thanh thiếu niên trẻ sẽ dễ dàng mua hơn.

Anh Nguyễn Thành Trung, một quản lý của cơ sở cai nghiện Hội Thánh Tin Lành tại Bắc Ninh, xác nhận ma túy đá và heroin là dạng phổ biến tại địa phương của anh.

Kể cả khu vực em có rất nhiều trường hợp thanh thiếu niên sử dụng ma túy đá. Họ bị ngáo đá và có những hành xử rất mất kiểm soát. Heroin này cũng thế, nếu sử dụng nhiều quá sẽ sinh ra sốc thuốc và chết. Vấn nạn này em thấy ở Việt Nam đang rất nhiều. Chính khu vực em cũng có rất nhiều thanh niên chết vì sốc ma túy.

Hiện nay thanh thiếu niên Việt Nam rất được buông lỏng cho nên tình trạng sử dụng thuốc kích thích như vậy rất nhiều vì thuốc rất đa dạng.

-Nhân viên Y tế

Người nhân viên y tế bày tỏ sự e ngại trước tình trạng sử dụng ma túy, thuốc kích thích tràn lan trong giới thanh thiếu niên hiện nay.

Hiện nay thanh thiếu niên Việt Nam rất được buông lỏng cho nên tình trạng sử dụng thuốc kích thích như vậy rất rất nhiều vì thuốc rất đa dạng. Hồi xưa chỉ có những người nào có điều kiện  thì mới mua được, còn bây giờ thì thâm nhập trong đồ ăn đồ uống, được pha trong đó luôn. Những trẻ nào đang đi đến trường cũng có khả năng bị (nghiện) và hiện giờ mình chưa kiểm soát được. Ví dụ như kẹo, (ma tuý) được tẩm vào những kẹo que cho trẻ em, học sinh cấp 2, cấp 3 có thể mua; rồi bóng hơi gây cười cũng là một dạng kích thích.

Mua ma túy dễ dàng

Vấn đề tiêu thụ các chất kích thích tại Việt Nam hiện nay được đánh giá là khá sôi động. Mới hôm 18/9, Đài truyền hình Quốc gia Việt Nam VTV đưa tin chỉ trong vòng 1 tuần, tỉnh Quảng Trị đã có 2 vụ án lớn liên quan đến ma túy và thu giữ 300.000 viên ma túy tổng hợp. Trước đó một ngày 17/9, VTV cũng đưa tin cho biết lực lượng chức năng tỉnh An Giang phát hiện 19 người dùng ma túy đá trong một quán karaoke ở thành phố Long Xuyên.

Anh Trung thuật lại lời của những người hiện đang cai nghiện trong trung tâm của anh rằng việc mua ma túy rất dễ dàng.

Có những anh em mới lên chỗ trung tâm để chúng em giúp đỡ được khoảng 2 tuần và họ là những người sử dụng ma túy đá. Họ nói là họ vào những vũ trường, những quán hát để mua ma túy rất dễ. Thậm chí họ chỉ cần hỏi là chủ quán đã mang ra ngay rồi. Ma túy hiện nay mua rất dễ.

Người nhân viên y tế giấu tên cho biết các con nghiện thường sẽ truyền miệng nhau địa điểm để mua ma túy, thậm chí có những nơi ma túy được bán trên đường.

Những người có nhu cầu thì sẽ truyền miệng nhau. Còn bày bán thì dọc đường có thể nói rất là nhiều nhưng khi các cơ quan đến kiểm tra thì lại ‘biến mất.’

Thực tế kết quả phòng chống ma túy

Trong Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14/9/2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào trong nước; triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy.

Số liệu được báo cáo cho biết trong năm 2018, lực lượng chức năng đã khởi tố hơn 16 ngàn vụ án và gần 20 ngàn bị can liên quan đến ma túy; đồng thời thu giữ 1,3 tấn heroin (tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2017), 900kg và hơn 1,4 triệu viên ma túy tổng hợp, khoảng 650 kg thuốc phiện.

Nhiều anh em mới trong trại cai nghiện ra thừa nhận ngay chính ở trong tại cũng có heroin để sử dụng. Nếu người nào có tiền thì vẫn có thuốc để sử dụng.

-Nguyễn Thành Trung

Tuy vậy, anh Nguyễn Thành Trung lại cho rằng tình trạng ma túy ngoài xã hội vẫn còn nhiều, và thậm chí có nơi lực lượng chức năng còn là đồng phạm.

Họ làm thì cũng có hiệu quả nhưng thực ra không đạt kết quả cao nhất. Ví như như là họ ngăn chặn mua bán ma túy nhưng thật ra vẫn còn nhiều. Ngăn chặn chỗ này thì chỗ khác lại mọc lại. Có những nơi chẳng hạn như khu vực Bắc Ninh thì họ còn đồng phạm với những vấn đề ấy nữa. Nhiều anh em mới trong trại cai nghiện ra thừa nhận ngay chính ở trong tại cũng có heroin để sử dụng. Nếu người nào có tiền thì vẫn có thuốc để sử dụng.

Người nhân viên y tế giấu tên cũng khẳng định những kết quả chính quyền công bố chỉ là bề nổi.

Thật ra thì tuyên truyền thì vẫn tuyên truyền nhưng mỗi đợt ra quân tuy mang lại kết quả nhưng những cái ‘ngầm’ thì thực sự chưa tác động được nhiều.

Cả anh Trung và người nhân viên y tế đều có chung quan điểm là chính quyền cần phải quản lý chặt hơn và có biện pháp tuyên truyền hiệu quả hơn cho người dân. Anh Trung nói.

Thứ nhất là về mặt chính quyền cần phải quản lý chặt hơn. Thứ hai theo tôi nghĩ là mình cần phải tuyên truyền và sàng lọc hơn nữa, nhất là ma túy đá. Ngày xưa thì chính quyền họ không can thiệp về ma túy đá vì họ nghĩ cái đấy không phải là nghiện. Nhưng bây giờ thì có nhiều người lạm dụng ma túy đá để nảy sinh ra giết người, đứng trên cột điện, đứng trên nhà gác nên giờ chính quyền mới vào cuộc.

Vấn nạn ma túy không chỉ riêng tại Việt Nam. Cả khu vực và trên khắp thế giới đều có những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, vận chuyển, buôn lậu các loại chất kích thích. Tuy nhiên để đạt được kết quả mong muốn, chính phủ cùng toàn xã hội từ gia đình, nhà trường, các tổ chức dân sự cần chung tay trong cuộc chiến đầy cam go này.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-problem-of-vietnamese-youth-using-stimulants-09192018110301.html

 

Việt-Pháp ký tuyên bố về quan hệ quốc phòng

Việt Nam và Pháp vào ngày 18 tháng 9 ký Tuyên bố Tầm Nhìn Chung Về Hợp tác Quốc Phòng giai đoạn 2018-2028 nhân dịp hai phía gặp nhau tại Vòng Đối Thoại Chiến Lược An Ninh- Quốc Phòng diễn ra ở thủ đô Paris, Pháp.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, Tuyên bố vừa nêu được ký bởi ông Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam và người tương nhiệm Pháp, Bà Florence Parly.

Phía Pháp khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Paris cũng nhận rõ tầm quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ song phương với Hà Nội.

Đây là Đối Thoại Chiến Lược An Ninh- Quốc Phòng Việt- Pháp đầu tiên được tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngoài vấn đề hợp tác quốc phòng, tin cho biết mậu dịch song phương giữa Việt Nam và Pháp cũng là một trụ cột quan trọng. Kim ngạch mậu dịch giữa đôi bên vào năm ngoái đạt 4 tỷ 600 triệu đô la Mỹ.

Việt Nam từng là thuộc địa của Pháp và nhiều dấu ấn ảnh hưởng của nền văn minh Pháp còn lưu lại ở các thành phố lớn khắp cả nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-france-sign-statement-on-defence-ties-09192018111727.html

 

Chiến hạm Canada sẽ đến Đà Nẵng

Tàu Hải Quân Hoàng Gia Canada Calgary sẽ đến Đà Nẵng từ ngày 26 đến 30 tháng 9 tiến hành chuyến thăm hữu nghị Việt Nam.

Đại sứ quán Canada thông báo như vừa nêu vào sáng ngày 19 tháng 9. Tàu khu trục Calgary chở theo khoảng 230 sĩ quan và thủy thủ trong thời gian lưu lại tại Đà Nẵng sẽ có cuộc trao đổi chuyên môn trên biển với Hải Quân Việt Nam.

Bên cạnh đó là hoạt động giao lưu thể thao với Hải quân Vùng 3, giao lưu với trẻ em khuyết tật và trẻ nhiễm chất da cam; giao lưu với học sinh Trung học Phổ Thông Phan Châu Trinh. Ngoài ra một số đối tác thương mại Việt Nam được mời lên tàu để phía Canada giới thiệu công nghệ của nước này.

Tàu Hải Quân Hoàng Gia Canada Calgary đến thăm hữu nghị Việt Nam trong khuôn khổ Chương Trình Thăm Cảng tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của chiến hạm này.

Tám cảng mà tàu đến thăm gồm Cảng Tiên Sa của Việt Nam, Cảng Darwin của Úc, Cảng Yokosuka và Yokohama của Nhật, hai Cảng Jeju và Busan của Hàn Quốc, hai Cảng Guam và Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ.

Tàu khu trục Calgary thuộc lớp Halifax được trang bị nhiều vũ khí được cho là hiện đại như ngư lôi chống ngầm, tên lửa phòng không, trực thăng, súng máy…

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/canada-warship-to-visit-da-nang-09192018111115.html

 

Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam họp

Bộ Chính Trị Việt Nam có cuộc họp trong hai ngày 18 và 19 tháng 9 do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Cuộc họp được Thông Tấn Xã Việt Nam nói là cho ý kiến về các đề án chuẩn bị trình cho Hội Nghị Trung Ương 8, Khóa 12.

Các đề án được nêu rõ là Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị Quyết Trung ương Khóa 10 về Chiến Lược Biển Việt Nam đến năm 2020; tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019; quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên mà trước hết là Ủy Viên Bộ Chính Trị, Ủy Viên Ban Bí Thư, Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung ương Đảng và một số vấn đề được nói là quan trọng khác.

Một Ủy viên Bộ Chính Trị vừa qua bị kỷ luật mà nhiều người biết đến là ông Đinh La Thăng, nguyên bí thư Thành Phố Hồ Chí Minh, liên quan đến những sai phạm nghiên trọng từ thời ông này còn làm lãnh đạo ở Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam. Một trường hợp khác là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyễn Xuân Anh, nguyên bí thư thành phố Đà Nẵng, liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ, thường được gọi là Vũ ‘Nhôm’.

Công cuộc chống tham nhũng được ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động và xúc tiến từ sau đại hội đảng năm 2016 bị cho là một cuộc đấu đá nội bộ vì có những quan chức cao cấp bị nói có những sai phạm rõ ràng nhưng vẫn chưa bị xử lý.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-polibureau-meets-to-prepare-submitted-projects-to-the-central-committee-09192018110427.html