“Nhìn Lại Cuộc Chiến Việt Nam” 1954-1975

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Nhìn Lại Cuộc Chiến Việt Nam” 1954-1975
Đỗ Hiếu/ ĐHT
Hội nghị chuyên đề “Nhìn Lại Cuộc Chiến Việt Nam” do Họp Mặt Dân Chủ Việt Nam và Văn Khố Hoa Kỳ tổ chức ngày thứ sáu 14 tháng 9 năm 2018 tại William McGowan Theatre, trong thủ đô Washington DC với sự hiện diện của trên 250 trăm quan khách Việt Mỹ.
Đồng Trưởng Ban Tổ Chức là bà Jackie Bông Wright và ông David Ferriero.
Chương trình bắt đầu lúc 9 giờ 30 sáng và kéo dài suốt ngày, gồm ba phần hội thảo với các chủ đề: “Sự Can Dự vào Chiến Tranh”, “Tình Trạng Việt Nam sau Chiến Tranh” và “Quan Điểm của Giới Trẻ thời Hậu Chiến”.
Thành phần chủ tọa đoàn và thuyết trình viên là các chuyên gia, học giả, khoa bảng, viên chức cao cấp người Mỹ, người Việt được biết đến nhiều trong các lãnh vực chính trị, giáo dục, ngoại giao, quốc phòng, văn hóa, xã hội và cộng đồng.
Nói về giai đoạn “ Tham Chiến”: Các đề tài thuyết trình và thảo luận đưa ra quan điểm về cuộc chiến tranh do Miền Bắc Việt Nam chủ trương, lập trường chống cộng của Miền Nam Việt Nam và chính sách can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Trong số các truyết trình viên có Bác Sĩ Võ Đình Hữu, Chủ Tịch Hội Đồng Đại Biểu Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ; Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, khoa Bang Giao Quốc Tế, Viện Đại Học George Mason; Giáo Sư Pierre Asselin, Giáo Sư Sử Học, Viện Đại Học San Diego; Giáo Sư Tường Vũ, khoa Chính Trị Học, Viện Đại Học Oregon và ông Rufus Phillips, nhân viên cao cấp CIA, phục vụ tại Việt Nam vào thập niên 1950 và bà Lý Kim Hà, nguyên Hội Trưởng Hội cựu Nữ Sinh, trung học Gia Long, Saigon.
Nhìn lại “ Hậu quả của Chiến tranh”: Có các vấn đề then chốt như sự triệt thoái toàn diện của Hoa Kỳ đưa đến thảm họa tháng 4 năm 1975. Hà Nội đã ngay lập tức giở thủ đoạn tước đoạt quyền sống, giam giữ lâu dài hàng trăm ngàn quân nhân, công chức Miền Nam, khiến hàng triệu người không còn cách nào hơn là phải ra đi tìm tự do bằng đủ mọi cách, và chương trình nhân đạo cứu giúp thuyền nhân định cư tại Hoa Kỳ. Thuyết trình đoàn có Tiến Sĩ Robert Turner, Giáo Sư Đại Học Luật Virginia; Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ Tịch kiêm Tổng Giám Đốc Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển BPSOS; Tiến Sĩ Tạ Văn Tài, cựu Giảng Sư Đại Học Luật Khoa Harvard; Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Tổng Giám Đốc Cơ Quan Định Cư Hoa Kỳ; Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, Chủ Tịch Viện Nghiên Cứu Quốc Tế về Việt Nam; ông Frank Snepp, chuyên gia tình báo chiến lược CIA, tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Saigon và
ông Bobby Lý, tân Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam vùng Washington DC. Maryland và Virginia.
Về “ Quan điểm của Giới trẻ sau chiến tranh”: Các diễn giả nói đến tác động của cuộc chiến đối với người Mỹ gốc Việt, sự phát triển dất nước và hỗ trợ xây dựng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, cuộc chiến đấu chống bạo quyền Hà Nội của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
Thuyết trình viên là Tiến Sĩ Kiều Linh Valverde; ông Daniel Tùng Nguyễn; ông Trí Tạ, Thị Trưởng Westminster, California; ông Neil Nay; bà Nancy Nguyễn; Tiến Sĩ Sarah Bùi và bà Hoàng Dung Nguyễn.
Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam từ nhiều phía, nhiều khuynh hướng, khía cạnh, quan điểm, lập luận khác nhau thì:
* Đối với Miền Bắc Việt Nam với chủ trương hiếu chiến, đây là “chiến tranh giải phóng dân tộc, chống đế quốc Mỹ xâm lược”
* Với chánh quyền Saigon, chính thể Việt Nam Cộng Hòa thì đó là cuộc chiến tự vệ “ngăn chống cộng sản xâm lược, bảo vệ Miền Nam Tự Do”.
Miền Bắc được Nga Tàu tận tình chi viện, Miền Nam có đồng minh Hoa Kỳ tiếp sức dồi dào lúc đầu.
Sau tháng tư năm 1975, Hà Nội và khối Xã Hội Chủ Nghĩa tin rằng nước Mỹ giàu mạnh rốt cuộc lại bị một nước nhỏ “đánh bại”. Tuy nhiên, theo các ý kiến đóng góp thì đây, là một ván cờ quốc tế, một sự cân bằng quyền lực giữa các siêu cường trên thế giới khiến Miền Nam Việt Nam bị cộng sản nuốt trọn.
Sau 43 năm im tiếng súng giữa Washington và Hà Nội, người ta đặt câu hỏi : “Ai Thắng Ai?” bảo là hòa bình vãn hồi, tại sao lại có hàng triệu người Việt phải bỏ xứ ra đi, hàng trăm ngàn con người chìm đắm ngoài
biển khơi hay trong rừng núi, hàng trăm ngàn khác bị đày đọa trong các trại tù lao động khổ sai khắp các miền đất nước!
Tình trạng chà đạp nhân quyền, bức hại tôn giáo, giam cầm bất đồng chính kiến, đàn áp biểu tình ôn hòa mà Hà Nội thi hành từ sau năm 1975 bị dư luận lên án kịch liệt.
Nhiều hội thảo viên nói rằng, muốn hiểu rõ cộng sản tàn ác, dã man ra sao, cách hay nhất là hãy chung sống với họ chứ xin đừng phát biểu căn cứ vào những nghiên cứu qua sách vở tài liệu hay dựa vào luận điệu, hình ảnh tuyên truyền, bóp méo sự thật của chủ nghĩa cộng sản.
Hội nghị kết thúc lúc 6 giờ chiều sau lời cảm tạ của bà Alice Kamps, đại diện Ban Tổ Chức.
Tiệc họp mặt thân mật buổi tối tại nhà hàng Harvest Moon, thành phố Falls Church, có các tiết mục trình diễn văn hóa, nghệ thuật, võ thuật Việt Nam, với sự hiện diện của gần 300 quan khách và hội thảo viên.