Tin Việt Nam – 18/09/2018
Phúc thẩm Nguyễn Văn Túc:
‘Bản lĩnh, không xin xỏ’
Phiên tòa phúc thẩm tại Hà Nội hôm 14/9 tuyên y án sơ thẩm 13 năm tù giam, 5 năm quản chế cho bị cáo Nguyễn Văn Túc, vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79, của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Một số tổ chức nước ngoài như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) gọi ông Túc là nhà hoạt động nhân quyền, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông.
13 năm tù cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc
Y án sơ thẩm thành viên Hội Anh Em Dân Chủ
Quảng Bình xử ông Nguyễn Trung Trực 12 năm tù
Theo luật sư bào chữa Ngô Anh Tuấn, trong phần nói lời cuối cùng tại phiên toà phúc thẩm vụ án xét xử mình, ông Nguyễn Văn Túc ngẫu hứng biến tấu bài thơ của Hồ Xuân Hương “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường”:
“Cán cân công lý rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn thắt chặt rồi”
Ông Túc là một người “rất bản lĩnh,” luật sư Ngô Anh Tuấn nói. “Đây là bản án thái độ, tức thái độ của bị cáo sẽ đồng hành với bản án của họ.”
Có một số tình tiết như thân nhân, bệnh tật cũng như việc ông Túc từng đi bộ đội có thể giúp làm giảm nhẹ bản án nhưng ông Túc đã dặn luật sư “không xin xỏ hay nhắc đến gia cảnh”.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết, phiên tòa phúc thẩm diễn ra nhưng hạn chế phần tự bào chữa của bị cáo và tranh luận, đối đáp giữa bên viện kiểm sát và luật sư đã bị tòa cắt ngang.
Điều này khiến ông Túc và vợ và con gái có mặt tại phiên tòa rất tức giận, bật miệng chửi thề trước tòa.
Vợ ông Nguyễn Văn Túc nói về phiên tòa phúc thẩm hôm 14/9
Trong lời nói cuối cùng tại phiên tòa, ông Túc nói: “Tôi đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội, tôi mong muốn xã hội vận động theo hướng tích cực. Tôi không muốn lặp lại những sai lầm mà Đảng Cộng sản đã mắc phải để gây nên hận thù dân tộc kéo dài và nhiều mâu thuẫn không giải quyết được.”
“Tôi đấu tranh và tôi chấp nhận hậu quả để mong rằng lớp con cháu sau này nhận ra sai lầm của Đảng Cộng sản để thay đổi. Tôi không vô cảm.”
Ông Nguyễn Văn Túc là ai?
Ông Túc từng ngồi tù bốn năm, từ 2008-2012, và ba năm quản chết vì tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước”. Ông bị xử cùng ông Phạm Văn Trội.
Sau khi ra tù, ông Túc vẫn tiếp tục các hoạt động khiếu kiện đất đai, đòi hỏi quyền lợi cho người dân.
Theo lời kể của bà Rề, ông từng đi bộ đội bốn năm ở Campuchia và “được tặng bằng khen”.
Ông Túc bắt đầu thực sự “dấn thân” vào con đường đấu tranh khiếu kiện khi ruộng vườn 4 sào của ông bị đòi bán với giá rẻ mạt, gia đình bị xã hội đen uy hiếp hồi 2007.
Bà Rề kể ông Túc bị bắt giữ hồi 1/9/2017 sau khi lên Ủy ban nhân dân huyện để làm việc về một khiếu kiện bồi thường đất đai cho người dân. Khi đang trở về nhà thì ông đột ngột bị bắt giữ, “quăng lên xe”.
Bà Rề cho biết ông Túc hiện đang bị bệnh tật rất nặng, như bệnh trĩ và tim mạch mãn tính, viêm giác mạc mãn tính, vai ông vẫn còn đau nhức từ lần bị bắt giữ vào năm ngoái.
“Bình thường ở nhà ông ấy [tiết kiệm] lắm. Ông ấy nói ông ấy ăn uống khổ nó quen rồi. Tôi chỉ thương ông ấy bệnh tật chứ tinh thần ông ấy minh mẫn lắm, việc nào ông ấy cũng nhớ, tại tòa ông ấy đọc vanh vách.”
Bà Rề hy vọng ông Túc được giam giữ trại giam gần nhà để dễ dàng thăm nuôi, đưa thuốc cho ông.
Báo chí Việt Nam viết gì về ông Túc?
Theo Thông tấn xã Việt Nam, ông Túc bắt đầu tham gia khiếu kiện từ 1997, với hoạt động “tính cố chấp, kéo dài nên đã bị các đối tượng phản động trong, ngoài nước lôi kéo, kích động, mua chuộc. Túc chuyển sang bất mãn chế độ.”
Từ 2006, ông Túc “bị các đối tượng phản động vận động tham gia” các tổ chức như Đảng Dân chủ 21, Hội dân oan, Khối 8406….
Báo chí trong nước cho rằng ông Túc đã được “hỗ trợ vật chất, khích lệ tinh thần để tập hợp những đối tượng khiếu kiện cố chấp, có tư tưởng bất mãn, chán ghét chế độ, tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.”
Sau khi mãn hạn tù hồi 2012, ông Túc “tiếp tục hoạt động chống đối”.
Ông Túc đã “công khai thái độ chống đối, coi thường pháp luật, núp danh nghĩa tuyên bố sẽ đấu tranh vì ‘dân chủ, nhân quyền’ để chống Đảng, chế độ”.
Ông “thường xuyên sử dụng mạng internet, liên lạc, hội luận, đăng tải các tài liệu có nội dung xấu, nhiều lần vi phạm án phạt quản chế tự đi khỏi địa phương, gặp gỡ các đối tượng chống đối chính trị và tham gia biểu tình ở Hà Nội”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Thông tấn xã ghi, ông Túc “vẫn tỏ thái độ chống đối và kháng cáo toàn bộ bản án”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45556505
Phóng viên Không Biên giới lên tiếng
về trường hợp blogger Ngô Văn Dũng mất tích
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), vào ngày 18 tháng 9 ra thông cáo kêu gọi Việt Nam phải phóng thích ngay lập tức ông Ngô Văn Dũng, một blogger và nhà báo công dân Việt Nam bị mất tích kể từ khi bị bắt trên đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh cách đây hai tuần.
Theo thông cáo được đưa ra, nhờ thông báo của những người chứng kiến vụ bắt giữ xảy ra vào sáng ngày 4 tháng 9, gia đình của ông Ngô Văn Dũng đã cố gắng liên lạc với ông qua số điện thoại di động nhưng chỉ nhận được tin nhắn rằng ông bị giam giữ tại Công an Phường Bến Nghé, Thành phố Hồ Chí Minh.
Vợ của ông Dũng từ Đắk Lắk vào TP Hồ Chí Minh, tìm đến nơi ông Dũng bị bắt giữ nhưng sau đó được thông báo rằng ông Dũng đã bị chuyển về công an địa phương nơi bà cư ngụ. Tuy nhiên, công an Đắk Lắk phủ nhận điều này.
Ông Daniel Bastard, người đứng đầu RSF của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho biết RSF kêu gọi nhà chức trách Việt Nam phải làm sáng tỏ vấn đề của ông Ngô Văn Dũng. Theo ông Daniel, việc tuỳ tiện bắt giữ 1 công dân không theo đúng trình tự pháp lý đã 1 lần nữa là bằng chứng cho thấy chính phủ Việt Nam xem thường sự thượng tôn luật pháp.
Ông này kêu gọi những đối tác thương mại của Việt Nam cần phải rút ra kết luận cần thiết. RSF đặc biệt thúc giục các thành viên Nghị Viện Châu Âu hoãn phê chuẩn thỏa thuận mậu dịch tự do với Việt Nam; mà theo kế hoạch hoạt động này sẽ được tiến hành trước cuối năm nay.
Ông Ngô Văn Dũng là một thành viên của phong trào Chấn Hưng Nước Việt, một phong trào cổ xúy dân chủ gồm đòi hỏi các quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, như được ghi trong điều 25 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việt Nam bị xếp hạng gần cuối bảng về chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của RSF trong nhiều năm và hiện đang xếp thứ 175 trong số 180 quốc gia.
Tài xế phản đối trạm thu phí BOT Quốc lộ 5
Một số tài xế vào sáng 18/9 đã tập trung dừng xe tại làn thu phí của trạm thu phí Quốc lộ 5, tỉnh Hưng Yên, để phản đối việc không sử dụng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nhưng vẫn phải đóng phí.
Truyền thông trong nước đưa tin trên, trích xác nhận của Chủ đầu tư BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam.
Các nguồn tin cho biết, trước đó, vào hôm 17/9, một xe ôtô con qua trạm thu phí này đã không trả phí mà còn đâm gãy barier. Lực lượng bảo vệ được nói đã lập biên bản nhưng lái xe không chịu mà còn kêu gọi các tài xế khác cùng phản đối và đưa lên mạng xã hội.
Sáng 18/9, lái xe trên được nói đã quay trở lại trạm cùng các tài xế khác đỗ tại các làn thu phí của trạm BOT Quốc lộ 5 gây ùn tắc giao thông.
Đại diện Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam nói sau đó trạm thu phí đã có giải thích với các tài xế trên nhưng có 2 trường hợp lái xe vẫn không di chuyển nên lực lượng chức năng phải cẩu 2 xe đó đi.
Công an huyện Văn Lâm và tỉnh Hưng Yên được nói cũng đã có mặt tại hiện trường, và đến khoảng 9 giờ 30 sáng cùng ngày, sự việc trên đã được xử lý.
Tình trạng các tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm BOT Quốc lộ 5 gây ùn tắc giao thông đã từng xảy ra vào tháng 9/2017.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải, lúc đó đã lên tiếng giải thích rằng nhà nước dùng quyền thu phí trên Quốc lộ 5 để góp vốn với chủ đầu tư làm cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Không chỉ tại trạm thu phí BOT Quốc Lộ 5 như vừa nêu mà ở nhiều trạm phu phí BOT đặt tại các tỉnh thành khác trên cả nước cũng vấp phải tình trạng tương tự khi giới tài xế và cả người dân phản đối những sai phạm như vị trí đặt trạm cũng như mức thu không phù hợp.
Cả chính phủ Hà Nội và cơ quan chức năng từng đề ra một số biện pháp giải quyết, nhưng trong thực tế vẫn chưa giải quyết rốt ráo, dứt điểm được.
Đại sứ Úc gặp gia đình
tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức
Đại sứ Úc tại Việt Nam Craig Chittick hôm 18 tháng 9 đã có thư trả lời cho ba dân biểu Liên Bang Úc về trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án tù 16 năm với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” tại trại giam số 6, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Bức thư do Đại sứ quán Úc tại Việt Nam công bố được gửi cho ba dân biểu Liên Bang Úc là dân biểu Chris Hayes cùng hai dân biểu Julian Hill và Clare O’Neill.
Vị Đại sứ đã cám ơn về bức thư Ba dân biểu Liên Bang Úc vào ngày 13 tháng 9 đã gửi thư cho Đại sứ Úc tại Việt Nam, yêu cầu quan tâm đến trường hợp Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, người đang phải tuyệt thực trong nhà tù để phản đối cách hành xử của nhà tù đối với ông và yêu cầu chính quyền phải thượng tôn pháp luật.
Trong thư trả lời, Đại sứ Úc cho biết chính phủ Úc rất quan ngại đến trường hợp Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức và cho biết đã lên tiếng cho trường hợp của ông này trong đối thoại nhân quyền Việt – Úc 2018 diễn ra vào ngày 28/8 vừa qua.
Đại sứ Úc tại Việt Nam Craig Chittick cũng cho biết đã gặp gia đình của Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức hôm 17/9 tại Hà Nội, và được gia đình cho biết đã thăm ông Thức trước đó một ngày, và hiện ông Thức đã ngưng tuyệt thực.
Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết ông đã trực tiếp gặp các giới chức đại sứ quán Úc tại Hà Nội và nêu ra những quan ngại của gia đình về tình trạng của ông Thức trong tù cũng như đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho ông Thức ngay lập tức.
“Chúng tôi cũng nói về tình hình của anh Thức trong trại giam và anh đang tuyệt thực như vậy. Gia đình cũng nêu vấn đề pháp lý mà Việt Nam phải tôn trọng và căn cứ vào đó thì anh Thức phải được trả tự do rồi. Đúng ra anh Thức phải trả tự do theo quy định pháp lý đó và gia đình cũng nêu vấn đề đó để đại sứ hiểu là Việt Nam chưa làm tròn trách nhiệm về luật pháp và trả tự do cho anh Thức“.
Ông Tân cho biết phía đại sứ quán Úc rất quan tâm đến trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức. “Họ rất quan tâm và có hành động hỗ trợ cho nó cụ thể hơn“, ông Tân cho biết.
“Bên đại sứ nói là trường hợp của anh Thức luôn luôn được quan tâm và được đưa ra để thảo luận với phía Việt Nam. Họ luôn có sự ưu tiên cho anh Thức“, ông Tân nói với Đài Á Châu Tự Do.
Trước đó vào ngày 13/9, ba dân biểu Liên Bang Úc đã gửi thư cho Đại sứ Úc tại Việt Nam, ông Craig Chittick, yêu cầu quan tâm đến trường hợp Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, người đang phải tuyệt thực trong nhà tù.
Trong thư, dân biểu Chris Hayes cho biết đã cùng hai dân biểu Julian Hill và Clare O’Neill gặp phái đoàn người Việt của Đài Việt Nam – Sydney ngay trước Trụ sở Quốc Hội Úc. Phái đoàn Việt Nam tiến hành tuyệt thực 12 tiếng để phản đối cách đối xử của nhà cầm quyền Việt Nam với ông Thức, người hiện đang bị giam tại nhà tù số 6, tỉnh Nghệ An.
Dân biểu Chris Hayes cũng nhắc đến những bài viết về vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế Việt Nam của ông Trần Huỳnh Duy Thức nhằm đóng góp xây dựng một đất nước dân chủ. Đồng thời khẳng định rằng bản án 16 năm tù mà ông Thức phải chịu là một trong những bản án dài nhất từ trước đến giờ cho một người bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Sau cuộc gặp với Đại sứ quán Úc tại Hà Nội, ông Tân cho biết gia đình đánh giá cao sự quan tâm của các giới chức ngoại giao nước ngoài đối với trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Ông nói: “Tôi luôn biết rằng các cơ quan ngoại giao luôn quan tâm đến trường hợp của anh Thức. Tôi cũng mong muốn tiếp tục có sự quan tâm đó và tác động đến chính quyền Việt Nam để họ phải thượng tôn pháp luật và trả tự do cho anh Thức“.
Vụ án Vũ Nhôm: Khởi tố cựu quan chức TP HCM
Ông Nguyễn Hữu Tín, sinh năm 1957, nguyên Phó chủ tịch UBND TP HCM, thuộc số cựu quan chức bị khởi tố ngày 18/9 vì liên quan cuộc điều tra mở rộng vụ án Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ Nhôm).
Chính trị VN ra sao nếu ông Anh Vũ bị bắt về?
9 năm tù cho ông Phan Văn Anh Vũ
Ba quan chức khác của TP HCM cũng bị khởi tố ngày 18/9 gồm:
Ông Đào Anh Kiệt, sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM
Ông Lê Văn Thanh, sinh năm 1962, Phó chánh Văn phòng UBND TP HCM
Ông Nguyễn Thanh Chương, sinh năm 1974, Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM
Bốn nhân vật này bị khởi tố bị can vì vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Khởi tố, bắt giữ ở Đà Nẵng
Một loạt quan chức của thành phố Đà Nẵng cũng bị Bộ Công an công bố các biện pháp tố tụng cùng ngày 18/9, cũng vì liên quan sai phạm tại các dự án liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ.
Bộ Công an Việt Nam quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm:
(1) Đào Tấn Bằng, sinh năm 1975, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, nay là Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp TP Đà Nẵng, hiện trú tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng;
(2) Nguyễn Viết Vĩnh, sinh năm 1978, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị, Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, nay là Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, hiện trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Bộ Công an khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét chỗ ở đối với các bị can về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm:
(1) Nguyễn Văn Cán, sinh năm 1954, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, hiện trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng;
(2) Phan Xuân Ít, sinh năm 1954, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, hiện trú tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có các quyết định phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên.
Ông Phan Văn Anh Vũ ban đầu bị khởi tố về “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” và “trốn thuế” xảy ra ở Đà Nẵng.
Sau đó ông bỏ trốn sang Singapore, nhưng bị trục xuất.
Đến ngày 7/2/2018, ông Anh Vũ bị khởi tố thêm tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hôm 30/7, ông Phan Văn Anh Vũ bị tòa ở Hà Nội xử 9 năm tù trong vụ “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45562881
Thương chiến Mỹ Trung ‘có ảnh hưởng tới VN’
Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng thách thức hiện nay là gì?
Trả lời phỏng vấn với Nguyễn Hoàng của BBC tại Hà Nội, Luật sư Federick Burke từ Công ty luật Baker McKenzie bình luận về vị thế của Việt Nam trong thương chiến Mỹ Trung và các thỏa thuận mậu dịch đa phương mà Việt Nam tham gia.
“Có một số hậu quả từ căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Khi Hoa Kỳ áp thuế đối với thép từ Trung Quốc, nếu Việt Nam sản xuất ra sản phẩm dùng thép của Trung Quốc thì họ có thể phải chịu thuế quan này. Có thể lấy ví dụ mặt hàng tủ bếp sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu nhưng lại dùng nhiều thép Trung Quốc chẳng hạn,” ông Burke nói.
“Tuy nhiên cũng có những lợi ích khi một số nhà sản xuất chuyển cơ sở của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ nếu họ đáp ứng các yêu cầu của Hoa Kỳ về qui định xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam”.
Luật sư Burke cho rằng Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi tham gia vào các các thỏa thuận mậu dịch.
“Ngày nay chúng ta thấy hàng trăm triệu đô la đầu tư vào Việt Nam để chế tạo và lắp ráp mọi thứ từ điện thoại đến máy tính cao cấp so với thời chỉ xuất khẩu áo thun và giày dép”.
Bình luận về cơ hội kinh doanh và thương mại trong thời gian tới, ông Burke dẫn chiếu tới hai thỏa thuận mậu dịch qui mô là CPTPP và Thỏa thuận Mậu dịch Tự do EU Việt Nam.
“CPTPP có vẻ như thực sự đang đi đúng hướng và cần được tối thiểu là 6 nước chuẩn thuận và sẽ có hiệu lực sau 60 ngày trong năm mới. Và Phòng Thương mại Hoa Kỳ vào lúc này đang lo là các công ty Mỹ sẽ ở vào thế bất lợi”.
Ông Burke cũng cho biết Bộ Thương mại Quốc tế của Anh đã kêu gọi các ngành tại Anh góp ý cho tới ngày 26/10/2018 về việc họ có nên tham gia CPTPP hay không và điều đó rất thú vị khi thấy Anh có phương án B cho Brexit.
“Điều đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam xuất hàng may mặc, giày dép và đồ nội thất, các sản phẩm công nghiệp nhẹ sang Anh vốn đang nhập từ châu Âu. Việt Nam sẽ bỗng nhiên có lợi về thuế quan vì thuế quan của họ sẽ có thể thấp hơn thuế đánh vào khu vực các nước Đông Âu”.
Luật sư Điều hành hãng luật Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng Hà Nội và EU đang tiến gần tới Thỏa thuận Mậu dịch Tự do EU-Việt Nam.
“Tất cả các thành viên của EU phải phê chuẩn FTA và theo dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới”.
Một thế hệ trẻ tạo lạc quan
Bình luận về vị thế của Việt Nam trước những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), ông Burke tỏ ra lạc quan.
“Việt Nam là một đất nước có thế hệ trẻ nắm công nghệ rất nhanh. Khá là thú vị khi chứng kiến công nghệ đang tạo ra những thay đổi nhanh trong toàn bộ nền kinh tế và nhanh hơn dự kiến. Điều duy nhất chính phủ cần phải để tâm và quyết tâm là đảm bảo hệ thống giáo dục được cập nhật để trang bị cho mọi người kỹ năng mà họ cần để cạnh tranh trong nền kinh tế dựa nhiều vào công nghệ.
“Có khá nhiều Việt kiều trở lại Việt Nam tham gia vào lĩnh vực công nghệ. Một số người sáng lập các công ty phần mềm ở Sài Gòn có lẽ cách đây 10-15 năm. Bây giờ họ đang mướn hàng trăm hoặc cả ngàn kỹ sư phần mềm cho mảng dịch vụ phần mềm toàn cầu.
Đây là một phần quan trọng trong sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong ngành công nghiệp phần mềm”.
Bình luận về vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong kinh doanh, ông Burke nói tốc độ thông quan cho hàng hóa hiện vẫn đang là trở ngại.
“Thực tế là nếu phải mất 15 ngày để có được một cái gì đó đi qua được hải quan thì chi phí đó sẽ dồn vào người tiêu dùng. Thủ tướng đã yêu cầu thu ngắn lại thời gian thông quan và Việt Nam đang cố gắng loại bỏ vấn đề quan liêu và các thủ tục lặt vặt vốn làm trì hoãn việc đưa hàng hóa tới người tiêu dùng.
“Nhưng điều đó vẫn còn là việc không dễ và rất mất thời gian mỗi ngày,” Luật sư Federick Burke từ Công ty luật Baker McKenzie nói với BBC.
Luật sư Fred Burke có 27 năm kinh nghiệm tư vấn đầu tư và kinh doanh cho khách hàng tại Việt Nam. Ông hiện là đại diện của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) trong Hội đồng Cố vấn cho Thủ tướng Việt Nam về Cải cách Hành chính.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-45557985
Tình trạng Việt Nam vi phạm nhân quyền
gây rủi ro cho thỏa thuận thương mại với EU
Các nỗ lực của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm đúc kết thỏa thuận mậu dịch tự do với Việt Nam có thể bị ảnh hưởng vì các vi phạm nhân quyền từ phía chính phủ Việt Nam.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vào ngày 17 tháng 9 cho biết như vừa nêu, dẫn một lá thư do các thành viên Nghị viện Châu Âu đồng ký tên được gửi tới Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström và Đại diện Cấp cao Federica Mogherini vào tuần này. Theo nội dung thư, 32 thành viên của Nghị viện Châu Âu (MEP) nêu một loạt quan ngại về thành tích nhân quyền của chính phủ Hà Nội, bao gồm việc giam giữ những người bất đồng chính kiến, ngăn cản tự do ngôn luận và lập hội, thắt chặt tự do báo chí và truyền thông, kiểm duyệt mạng Internet.
Trong thư, các Nghị viên Châu Âu cảnh báo rằng nếu tình hình không được cải thiện thì họ sẽ khó mà phê duyệt thỏa thuận mậu dịch tự do với Việt Nam. Đây là bước cần thiết để thỏa thuận có hiệu lực, đồng thời kêu gọi EU đưa ra một loạt các mốc đánh giá về nhân quyền mà Việt Nam cần đạt được trước khi các thỏa thuận được trình lên để Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, cụ thể là trong các lĩnh vực tự do ngôn luận và lập hội, tự do tôn giáo và quyền của người lao động.
Hồi tháng 6 vừa qua, sau một cuộc gặp với đối tác Việt Nam, Cao ủy Malmström đã phát biểu về Việt Nam như một “ví dụ điển hình về một quốc gia đang phát triển đã nắm bắt được các cơ hội thương mại toàn cầu rộng mở, song song với các cam kết rõ rệt về tôn trọng nhân quyền”.
Nhưng chỉ vài tuần sau đó, chính EU nhận xét rằng các cam kết này vẫn chưa được thực hiện, khi thêm một nhà hoạt động nữa bị xử án tù.
Việt Nam đang mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại này nên EU có lợi thế trong việc đàm phán, và các Nghị viên đang vận dụng lợi thế đó để yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền một cách cụ thể.
VN quan ngại về đập thủy điện Pak Lay của Lào
Việt Nam nêu lên quan ngại sâu sắc về dự án đập thủy điện Pak Lay của Lào trên sông Mekong.
Quan ngại từ phía Việt Nam được đưa ra tại Hội thảo tham vấn giữa Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ Hà Nội tổ chức vào ngày 18/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc hội thảo qui tụ đại diện các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, các nhà khoa học, đại diện các bộ ngành của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự đồng ý rằng vùng hạ nguồn Sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam vốn đã bị ảnh hưởng bởi các con đập Don Sahong, Pacbeng của Lào cũng như các đập tại Trung Quốc, nay thêm đập Pak Lay thì ảnh hưởng sẽ trầm trọng thêm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Ủy ban Sông Mekong Việt Nam sẽ gửi ý kiến của Việt Nam về việc này trong diễn đàn của Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Đập Pak Lay là đập thứ tư trên dòng chính của sông Mekong được Lào xây dựng, và con đập này được thực hiện bởi nguồn vốn của các công ty Trung Quốc. Theo kế hoạch Lào sẽ cho khởi công dự án Đập Pak Lay vào năm 2022 và đi vào hoạt động năm 2029.
Vào ngày 17 tháng 9, Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam cùng các thành viên của tổ chức này ra thông cáo tẩy chay tham vấn dự án thủy điện Pak Lay tại Lào. Theo dự kiến hoạt động này sẽ được tiến hành vào ngày 20 và 21 tháng 9 tới đây.
Vừa qua Liên Minh Cứu Sông Mekong cũng ra thông cáo tẩy chay hội nghị tham vấn dự án thủy điện Pak Lay tại Lào.
Công bố sai phạm cổ phần hóa cảng Quy Nhơn
Thanh tra Chính phủ ngày 17 tháng 9 đã công bố kết luận thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Quy Nhơn.
Kết luận Thanh tra cho biết việc cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn không được thực hiện đúng theo Đề án tái cơ cấu Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012-2015 đã được Chính phủ thông qua. Việc Bộ Giao thông Vận tải cho phép Vinalines chuyển nhượng hơn 75% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước theo phương thức thỏa thuận trực tiếp là trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra còn có một loạt các quá trình được các cơ quan không đúng chức năng thực hiện, như việc UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ, sau đó tiếp tục đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn và việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Định có Văn bản đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ bán toàn bộ 49% cổ phần của Nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn. Theo Đề án được Chính phủ lúc đó phê duyệt thì Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm xử lý những cá nhân vi phạm trong vụ việc này, bao gồm các cơ quan thuộc Bộ này, và cả các cá nhân tập thể thuộc Vinalines.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xử lý các cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ có liên quan đên vụ này, và kiến nghị ông Phúc cho thu hồi hơn 75% cổ phần của Nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Cộng đồng người Việt
cứu trợ nạn nhân bão Florence
Vào chiều ngày 17/9, bão Florence đã chuyển thành áp thấp nhưng những trận mưa lớn đã làm ngập các thành phố tại hai bang North Carolina và South Carolina, gây thiệt hại nghiêm trọng. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại đây đang ra sức vận động để hỗ trợ cho những đồng hương nạn nhân bão lụt.
Mấy ngày qua, thành phố Wilmington, bang North Carolina, nằm trong tâm bão Florence, đã bị cô lập vì nước lụt. Anh Duy Mai, một cư dân thành phố đã tạm lánh sang bang khác, nay đang định trở về nhà với nhiều lo lắng.
“Hôm thứ Sáu 14/9 bão vô thì bị mất điện, cho tới bây giờ chưa có điện trở lại. Địa hình của Wilmington thì hơi phức tạp: một bên là biển và một bên là sông. Phía ven biển thì bị bão ập vào. Người bị thiệt mạng thì chưa có người Việt, nhưng thiệt hại về tài sản là chắc chắn. Nhà cửa và cơ sở làm ăn ở ngoài biển, chủ yếu là nhà sàn, phía tầng dưới làm kho và bị lụt. Bão vô, triều cường lên thì bị ngập hết.”
Tại Leland, một thành phố nằm ở vùng đất thấp ở phía bắc Wilmington, nhà cửa và văn phòng bị nhấn chìm khi mực nước dâng cao tới 10 feet (3 mét) trên Quốc lộ 17, trong trận lũ lụt mà người dân địa phương nói là “chưa từng có.”
Chiều ngày 17/9, ở hầu hết các khu vực tại bang North Carolina mưa đã dứt, nước rút dần, và nhiều người đang trở về nhà mình.
Tính cho tới sáng ngày 18/9, bão Florence đã giết chết ít nhất 32 người, trong số đó có 25 người ở bang North Carolina, 6 người ở bang South Carolina, và 1 người ở bang Virginia, theo đài truyền hình CBS.
Tại thành phố Raleigh, North Carolina, ông Đỗ Trọng Khải chia sẻ với VOA hôm 17/9:
“Cơn bão đã chuyển hướng và đã giảm dần. Đa số các đồng hương tại thành phố Raleigh và vùng phụ cận không bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên một số gia đình ở đây bị cúp điện, một số người không đi làm được vì xe bị ngập nước. Khi tôi hỏi thăm các đồng hương ở vùng duyên hải như ở Wilmington, Morehead City, và New Bern thì bị thiệt hại khá nặng.”
Bà Trâm Lương, một người làm đại lý ngành địa ốc tại hai bang North và South Carolina, cho biết:
“Ở khu vực quanh thành phố Charlotte nơi tôi đang ở thì không có thiệt hại nghiêm trọng, dù ngày hôm qua bị mất điện. Tôi được biết thì ở khu vực này cũng không có gia đình nào phải tạm lánh, tuy một số khu vực dân cư bị ngập. Chính quyền thành phố Charlotte đã ra cảnh báo kịp thời và hỗ trợ tận tình cho người dân. Ngày hôm qua tôi có đi thăm các người thân trong gia đình và khi tới thì đã gặp các nhân viên thành phố tới hỗ trợ họ.”
Cũng từ thành phố Charlotte, bà Nguyễn Thu Hương, Chủ tịch Cộng Đồng người Việt Quốc Gia thành phố Charlotte, cho biết một số gia đình người Việt sống tại vùng duyên hải đã phải sơ tán theo lệnh của chính quyền địa phương.
“Trong số những người di tản có một vài gia đình người Việt Nam, cho đến giờ này tôi vẫn chưa liên lạc được với họ có thể là vì điện thoại của họ hết pin mà mất điện nên không sạt được. Những người di tản có thể giờ này đang trở về nhà, thu xếp dọn dẹp nhà cửa sau cơn bão.”
Bà Hương chia sẻ chương trình hỗ trợ cho các gia đình gốc Việt và cả người Mỹ bị thiệt hại trong bão:
“Chúng tôi đã có một chương trình để giúp người Việt ở cả Nam Carolina và Bắc Carolina. Ở Nam Carolina thì tôi cũng liên lạc với một vài gia đình và có thể chúng tôi sẽ đến thăm họ vào cuối tuần này. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đóng góp cho chương trình của Walmart, mình bỏ vào 1 ngàn đôla thì Walmart bỏ vào 2 ngàn đôla (donations two-to-one match donation), để giúp cứu trợ cho người dân địa phương, bao gồm cả người Mỹ và người Việt.”
Vào ngày 17/9, bão Florence đã di chuyển qua khu vực phía tây bang North Carolina và hướng về phía bang Virginia và New England, sau khi gây mưa lớn làm dâng nước sông, ngập đường cao tốc, nhà cửa, đe dọa nhiều mạng sống, gây bệnh tật tại hai bang Carolina.
Từ ngày 13/9, cơn bão gây mưa lớn tới 40 inch (100 cm) ở bang North Carolina và phía đông bang South Carolina.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đã điều động 13 ngàn quân, gồm 5.400 binh sĩ, 7.857 thành viên thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia để tham gia các hoạt động hỗ trợ nhằm khắc phục hậu quả sau khi siêu bão Florence tàn phá bờ Đông Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/cong-dong-nguoi-viet-cuu-tro-nan-nhan-bao-florence/4576503.html