Tin khắp nơi – 16/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 16/09/2018

Ông Trump sắp đánh thuế 200 tỷ đôla

hàng hóa Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ thông báo việc áp thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá khoảng 200 tỷ đôla, sớm nhất là ngày 17/9.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Trump cho biết như vậy hôm 15/9.
Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng bước đi mới này có thể chỉ khoảng 10%, tức là thấp hơn so với tỷ lệ 25% mà chính quyền Mỹ đã cân nhắc cho lần đánh thuế này.”

Reuters cho biết rằng Nhà Trắng không phản hồi ngay trước yêu cầu bình luận của hãng này.

Danh sách các sản phẩm trị giá 200 tỷ đôla sẽ bị đánh thuế gồm có các sản phẩm công nghệ, các sản phẩm điện tử, hàng hải sản cũng như ghế ngồi trên xe ôtô dành cho trẻ em.

Hiện chưa rõ chính phủ Mỹ có bỏ bất kỳ hàng hóa nào trong danh sách được công bố hồi tháng Bảy hay không.
Hôm 14/9, phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters nói rằng ông Trump “đã nói rõ rằng ông và chính quyền của mình sẽ tiếp tục có các hành động nhằm xử lý các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc”.

Theo Reuters, ông Trump đã chỉ đạo cho các trợ lý xúc tiến việc áp thuế, dù Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán về thương mại với Bắc Kinh.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-sap-danh-thue-len-200-ty-dola-hang-hoa-cua-trung-quoc/4573700.html

 

Mỹ gửi tin nhắn cảnh báo thuê bao di động

trên toàn quốc

Chính quyền của ông Trump ngày 20/9 sẽ gửi một tin nhắn tới tất cả các thuê bao di động ở Hoa Kỳ để thử nghiệm một hệ thống cảnh báo trên toàn quốc chưa từng được sử dụng.

Theo Reuters, Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) cho biết rằng tin nhắn sẽ được gửi đi vào lúc 2 giờ 18 phút chiều, giờ miền Đông Hoa Kỳ, ngày 20/9, với tiêu đề “Cảnh báo Tổng thống”.

Tin này có nội dung: “Đây là cuộc thử nghiệm Hệ thống Cảnh báo Khẩn cấp Di động Quốc gia. Quý vị không cần phải hành động”.

Hãng tin Reuters đưa tin rằng cuộc thử nghiệm nhằm bảo đảm rằng hệ thống hoạt động tốt trong tình thế xảy ra tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Ngoài ra, các thuê bao di động của Hoa Kỳ sẽ không thể chọn không tham gia.

Cựu Tổng thống Barack Obama ký một đạo luật năm 2016, yêu cầu FEMA thiết lập một hệ thống cho phép tổng tống gửi tin nhắn cảnh báo qua điện thoại di động liên quan đến tình trạng khẩn cấp về an toàn công cộng.
FEMA cho biết rằng các cảnh báo sẽ chỉ được gửi đi nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Cơ quan này cũng cho biết rằng tổng thống là người duy nhất chịu trách nhiệm xác định xem khi nào thì tin nhắn như vậy được gửi đi.

Theo FEMA, trong trường hợp xảy ra tình hình thời tiết nghiêm trọng hoặc một sự kiện lớn khác hôm 20/9, việc thử nghiệm sẽ chuyển sang ngày 3/10.

https://www.voatiengviet.com/a/my-gui-tin-nhan-canh-bao-thue-bao-di-dong-tren-toan-quoc/4573787.html

 

NYT: Trump cân nhắc

thay thế bộ trưởng quốc phòng sau bầu cử giữa kì

Tổng thống Donald Trump đã cân nhắc thay thế Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sau cuộc bầu cử giữa kì vào tháng 11, báo The New York Times đưa tin.

Các phụ tá Nhà Trắng nói với tờ Times cho một bài báo đăng hôm thứ Bảy rằng ông Trump đã nghiền ngẫm về chuyện chọn một lãnh đạo Lầu Năm Góc mới giống Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo ở chỗ là người ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của ông.

Tin cho hay ông Trump và ông Mattis đã đối đầu về một số vấn đề chính sách, chẳng hạn như cấm người chuyển đổi giới tính phục vụ trong quân đội, các cuộc diễn tập quân sự với Hàn Quốc và thái độ của Mỹ đối với NATO.

Tờ Times, dẫn lời nhiều quan chức hiện nhiệm và tiền nhiệm, cho biết ông Trump tỏ ra bực bội về những so sánh nói ông Mattis, một cựu tướng Thủy quân lục chiến, là “người lớn” ở trong phòng.

Các phụ tá cũng nói với tờ Times rằng ông Mattis đã trở nên mệt mỏi với việc kháng cự những yêu cầu từ ông Trump mà ông không đồng ý trong khi phải cắn răng tỏ ra trung thành với tổng thống trong những phát biểu công khai.

“Bộ trưởng Mattis có lẽ là một trong những người có năng lực nhất nắm giữ chức vụ đó,” Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jack Reed, thành viên cao cấp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói với tờ Times.

Ông Reed nói việc ông Mattis rời khỏi Lầu Năm Góc “trước và trên hết sẽ gây nên sự gián đoạn trong một lĩnh vực mà tới giờ đã cho thấy năng lực và tính liên tục.”

Tuy nhiên, ông Trump được nói là đã tức tối về một mẩu chuyện trong cuốn sách của nhà báo kì cựu Bob Woodward, trong đó ông Mattis so sánh trí tuệ của tổng thống với “một học sinh lớp năm hoặc lớp sáu.” Ông Mattis đã gọi tường trình của ông Woodward về ông là “giả tưởng.”

Nhưng mẩu chuyện đó, cộng với những chuyện khác trong cuốn sách và bài bình luận của một quan chức cao cấp ẩn danh đăng trên tờ Times, đã khiến tổng thống băn khoăn liệu vòng vây có đang siết chặt ông hay không và liệu ông có cần thêm một người trung thành nữa trong Lầu Năm Góc hay không, tờ báo đưa tin.

Các cộng sự của ông Mattis nói với tờ Times rằng khó có chuyện bộ trưởng Quốc phòng sẽ từ bỏ quan điểm phi chính trị của mình trong việc lãnh đạo bộ này.

https://www.voatiengviet.com/a/new-york-times-trump-can-nhac-thay-the-bo-truong-quoc-phong-sau-bau-cu-giua-ki/4573208.html

 

Thẩm phán Brett Kavanaugh phủ nhận cáo buộc

quấy rối tình dục một phụ nữ thời trung học

Washington, DC — Ứng cử viên thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Brett Kavanaugh đã một mực phủ nhận cáo buộc quấy rối tình dục mà hai ký giả Ronan Farrow và Jane Mayer đưa tin trên tờ The New Yorker.

Theo bài viết trên The New Yorker, một phụ nữ đã gửi thư đến dân biểu Cộng Hòa Anna Eshoo và Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein, cáo buộc ông Kavanaugh quấy rối tình dục bất thành trong một bữa tiệc từ thời trung học. Bài báo của The New Yorker tập trung vào nội dung lá thư, nhưng không tiết lộ cách thức hai ký giả Farrow và Mayer có được thông tin này.

Sau đó, ông Kavanaugh ra thông báo chối bỏ cáo buộc ẩn danh đăng trên tờ báo. Phía đảng Cộng Hòa tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện cũng đã công khai tài liệu có chữ ký của 65 phụ nữ quen biết ông Kavanaugh từ thời trung học.  Nội dung tài liệu này viết rằng suốt 35 năm quen biết, ông Brett luôn là người thân thiện, chính trực và tôn trọng phụ nữ. Những phụ nữ này khẳng định các phẩm chất đó ở ông Kavanaugh đến nay vẫn không thay đổi.

FBI xác nhận với CBS News rằng cơ quan này nhận được thông tin về lời cáo buộc vào chiều tối Thứ Tư 12 tháng 9, và đã bổ sung sự việc này vào hồ sơ cá nhân của ông Kavanaugh đúng theo quy định. Phát ngôn viên của thượng nghị sĩ Feinstein cho biết bà Feinstein hay tin về lời cáo buộc từ bên thứ ba và muốn công khai cáo buộc này, nhưng người phụ nữ gửi lá thư lại không muốn như vậy. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Feinstein cho rằng đây là cáo buộc rất nghiêm trọng và cần được công khai, và bà cũng đã từ chối cung cấp danh tánh người phụ nữ theo đúng yêu cầu của người này.

Phía đảng Dân Chủ đã trì hoãn ngày bỏ phiếu cho ứng viên Kavanaugh suốt một tuần. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Orrin Hatch tuyên bố ông sẽ không cho phép một cáo buộc ẩn danh và vô căn cứ trì hoãn tiến trình bỏ phiếu cho ông Kavanaugh. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/tham-phan-brett-kavanaugh-phu-nhan-cao-buoc-quay-roi-tinh-duc-mot-phu-nu-thoi-trung-hoc/

 

Nga bị Hoa Kỳ cáo buộc cố tình làm suy yếu

các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn

Washington D.C – Trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào hôm Thứ Sáu (14/9), ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cáo buộc Nga đang cố gắng làm suy yếu các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bắc Hàn.

Ông phát biểu rằng, Nga cố tình làm suy yếu các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng như ảnh hưởng đến việc đánh giá xem Bắc Hàn có tuân thủ lệnh trừng phạt hay không. Bên cạnh đó, ngoại trưởng Pompeo cũng khẳng định việc thực thi các bước là cần thiết để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí nguyên tử.

Trước đó, hôm Thứ Năm (13/9), bà Nikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, cáo buộc Moscow tìm cách che giấu việc người Nga vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn, bằng cách thay đổi nội dung một báo cáo độc lập liên quan đến sự việc.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông hy vọng ủy ban trừng phạt của Liên Hiệp Quốc sẽ cho phép “công bố báo cáo gốc”, cho thấy những hoạt động rõ ràng “liên quan đến vi phạm lệnh trừng phạt”. Phía Hoa Kỳ phản đối việc phát hành bản báo cáo đã được sửa đổi. Ông Pompeo cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cam kết duy trì các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Những nghị quyết này là trọng tâm trong nỗ lực của Tổng thống Trump, nhằm thuyết phục chủ tịch Kim rằng, phi nguyên tử hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên là điều cần thiết.

Ông Pompeo cho biết Hoa Kỳ đang tiếp tục thực hiện nhiều cuộc hội đàm với Bắc Hàn về vấn đề khử nguyên tử. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ họp vào hôm Thứ Hai tuần tới, nhằm thảo luận về việc thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn theo yêu cầu của Washington. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/nga-bi-hoa-ky-cao-buoc-co-tinh-lam-suy-yeu-cac-bien-phap-trung-phat-bac-han/

 

Hôn phối của người xử dụng visa H1-B ở Mỹ

có thể không được đi làm

San Jose, California.— Chương trình visa H-1B cho phép các công ty Hoa Kỳ thuê mướn cho những người lao động có tay nghề cao ở nước ngoài đến Hoa Kỳ để làm việc.

Trong nhiệm kỳ của Cựu Tổng Thống Barrack Obama, ông đã thay đổi luật, và cho phép hôn phối của những người đang sử dụng visa H-1B được quyền đi làm trong thời gian tại Mỹ.

Theo một bản tin của tờ San Jose Mercury News, hiện nay hàng ngàn người ở Hoa Kỳ với visa H-4 đặc biệt dành cho người hôn phối của người xử dụng visa H1-B, đang sắp phải đối mặt với một sự lựa chọn vô cùng khó khăn: hoặc từ bỏ sự nghiệp hoặc rời khỏi Hoa Kỳ. Hiện tại Hoa Kỳ có khoảng 100,000 cư dân ngoại quốc xử dụng visa đặc biệt H-4, và họ được quyền đi làm, miễn là vợ hoặc chồng của họ vẫn đang trong quá trình xử dụng visa H1-B.

Từ khi trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Trump đã nhiều lần cam kết rằng Bộ Nội An sẽ rút lại đặc quyền của visa H-4 và cấm những người ngoại quốc nói trên đi làm. Hiện tại, vẫn chưa rõ khi nào Bộ Nội An sẽ thi hành lệnh, và liệu người có visa H-4 có thể tiếp tục làm việc đến khi visa hết hạn hay phải ngừng làm việc ngay lập tức.

Hiện tại, lệnh rút lại quyền đi làm của những người có visa H-4 đang gây ra nhiều ý kiến trái ngược. Giáo sư Norm Matoff, một nhà nghiên cứu về visa H-1B cho biết visa H-4 là một phần của một vấn đề lớn hơn. Theo ông, visa H-4 được tạo ra nhằm giải quyết tình trạng thiếu người lao động trước đây. Tuy nhiên, hiện nay do số lượng quá đông, những người được cấp visa H-4 đang lấy đi việc làm của người dân Hoa Kỳ.

Ông John Miano, người đại diện của các công nhân Hoa Kỳ trong một vụ kiện chống lại visa H-1B, cho biết việc loại bỏ giấy phép làm việc H-4 là rất quan trọng để bảo vệ lực lượng lao động trong nước. Ông khẳng định visa H-4 đang khiến người dân Hoa Kỳ khó tìm được việc làm hơn. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hon-phoi-cua-nguoi-xu-dung-visa-h1-b-o-my-co-the-khong-duoc-di-lam/

 

Tin nói cựu luật sư Nhà Trắng của Obama

bị nhắm mục tiêu điều tra

Các công tố viên liên bang ở New York đang xem xét cáo buộc hình sự chống lại Greg Craig, một cựu luật sư Nhà Trắng thời Tổng thống Barack Obama, như một phần trong cuộc điều tra ông này có đăng kí làm đại diện nước ngoài hay không, các nguồn tin nói với CNN hôm thứ Sáu.

Các cáo buộc có liên hệ tới một cuộc điều tra nhắm vào Paul Manafort, cựu chủ tịch ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump, CNN đưa tin, dẫn lời những người nắm rõ sự việc.

Ông Manafort hôm thứ Sáu đã tuyên có tội đối với hai cáo buộc liên bang trong một thỏa thuận nhận tội mà trong đó ông sẽ hợp tác với cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller.

Một luật sư của ông Craig nói với CNN rằng thân chủ của ông “không bắt buộc phải đăng kí theo Đạo luật Đăng kí Đại diện Nước ngoài.”

Văn phòng Công tố viên Liên bang cho Khu Nam thành phố New York cũng đang xem xét hành động nhắm vào công ty luật Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom LLP, nơi ông Craig là một đối tác trong khoảng thời gian được điều tra, CNN đưa tin.

Các cuộc điều tra nhắm vào ông Craig và công ty luật này đã được ông Mueller chuyển đến các công tố viên liên bang ở New York.

Chúng bắt nguồn từ những cáo buộc nói rằng ông Manafort đã “mời mọc” một công ty luật vào năm 2012 thay mặt tổng thống khi đó của Ukraine, Viktor Yanukovych, và bộ tư pháp của Ukraine.

CNN cho biết công ty đó là Skadden, dẫn lời những người nắm rõ vụ việc. Skadden được thuê để viết một báo cáo về phiên tòa xét xử bà Yulia Tymoshenko, người từng là thủ tướng của Ukraine và là một đối thủ của ông Yanukovych.

Một phát ngôn viên của Skadden không trả lời yêu cầu bình luận của CNN.

https://www.voatiengviet.com/a/tin-noi-cuu-luat-su-nha-tranh-cua-obama-bi-nham-muc-tieu-dieu-tra/4573186.html

 

Bờ Đông Hoa Kỳ hứng chịu mưa lũ nặng

do bão Florence, ít nhất 7 người thiệt mạng

Wilmington, North Carolina – Vào sáng Thứ Sáu (ngày 14 tháng 9), với sức gió 90 dặm/ giờ, cơn bão cấp 1 Florence đã đổ bộ đến phía đông bờ biển Wrightsville Beach, tiểu bang North Carolina.

Dù đã suy yếu thành bão nhiệt đới, nhưng bão Florence vẫn đang di chuyển với tốc độ rất chậm, do vậy đã gây ra mưa lớn kéo dài. Kể từ khi đổ bộ, cơn bão đã gây mưa lớn, kéo theo lũ lụt và gió giật mạnh ở Bờ Đông. Sức gió lên đến 100 dặm/giờ đã thổi bay nóc nhà, gây hư hại nặng cho nhiều tòa nhà, và quật ngã nhiều cây cối.

Đến Thứ Bảy (ngày 15 tháng 9), đã có ít nhất 7 người thiệt mạng. Tại thành phố Wilmington, North Carolina, một người mẹ và một trẻ sơ sinh đã tử vong do cây ngã vào nhà, và cha của đứa bé hiện đang được điều trị tại bệnh viện. Tại quận Pender, một phụ nữ đã qua đời vì suy tim khi lực lượng cấp cứu vật lộn với các mảnh vỡ để cứu bà. Hai người khác ở Quận Lenoir cũng đã thiệt mạng vì bị điện giật và bị gió giật cuốn đi. C

Theo ước tính, cơn bão Florence đã ảnh hưởng đến 10 triệu người, khiến 1 triệu người phải di tản, 700,000 người sống trong cảnh mất điện, hơn 22,600 người đang phải sống trong các khu trú ẩn khắp tiểu bang Carolina. Mưa bão kèm theo gió lớn cũng khiến thành phố Wilmington mất điện trên một địa bàn rộng lớn.

Tại thành phố Morehead, một tòa nhà đã đổ sập trong khi ở Belhaven, mực nước sông Pungo River dâng cao đã nhấn chìm tầng một của một căn nhà. Đài CBS News đưa tin từ Beaufort tối Thứ Sáu là tình hình mưa bão vẫn diễn biến xấu suốt 12 giờ qua, và có thể duy trì trong 12 đến 24 giờ tới.

Trong khi đó, mưa bão đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại thành phố New Bern. Lực lượng cấp cứu đã giải cứu 360 người chưa kịp di tản, nhưng các viên chức cho biết họ phải hoãn công tác cấp cứu do cơn bão chuyển biến xấu, trong khi vẫn còn 140 người khác bị mắc kẹt.

Dù cơn bão đang di chuyển lên phía Bắc Myrtle Beach nhưng nước sông chảy từ North Carolina dồn về South Carolina sẽ gây lũ lụt, kéo theo thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, đường xá, trang trại và khu dân cư. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/bo-dong-hoa-ky-hung-chiu-mua-lu-nang-do-bao-florence-di-chuyen-cham/

 

Hoa Kỳ : Bão Florence

 nhận chìm Bắc Carolina trong biển nước

Thụy My

Trận bão Florence đã làm ít nhất 13 người thiệt mạng tại vùng duyên hải phía đông Hoa Kỳ, hôm nay 16/09/2018 tuy đã bớt hung dữ nhưng vẫn đầy đe dọa, trút một lượng nước khổng lồ xuống tiểu bang Bắc Carolina. Những con đường biến mất, điện bị cúp, hàng trăm người bị kẹt trong biển nước được đội ngũ cứu hộ dùng tàu nhỏ đưa đến các địa điểm tạm trú. Thống đốc tiểu bang ra thêm lệnh sơ tán mới.

Từ Bắc Carolina, thông tín viên Anne Corpet tường thuật tình hình tại chỗ :

Từ hơn 48 giờ qua, mưa không ngừng trút xuống những mảnh đất đã ngập đầy nước. Chính quyền hôm qua đưa ra một lệnh sơ tán mới, đối với những địa điểm nằm dọc theo hai bên bờ con sông chính của tiểu bang.

Khắp nơi trên các vùng quê, những con đường biến mất dưới biển nước bao la, và những bao cát chồng chất trước những căn nhà không đủ sức ngăn chận nạn lụt. Một người lái xe buộc lòng phải quay đầu lại, than thở : « Tôi muốn về nhà mình, nhưng chẳng biết phải làm thế nào ».

Những đường dây điện bị những cơn cuồng phong làm rơi xuống, bay là là sát  làn nước mênh mông một cách nguy hiểm. Một triệu gia đình ở Bắc Carolina bị cúp điện, và phải nhiều ngày nữa mới có điện trở lại.

Thống đốc tiểu bang, Roy Cooper, vẫn giữ thái độ cảnh giác cao. Ông tuyên bố : « Mưa gió còn kéo dài thêm nhiều ngày nữa. Chúng ta không phải đang tham gia một cuộc chạy đua tốc độ, mà là một cuộc đua đường trường ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180916-hoa-ky-bao-florence-nhan-chim-bac-carolina-trong-bien-nuoc

 

Loạt phim “The Vietnam War” của Ken Burns

không giành giải Emmy nào

Đạo diễn Ken Burn, mệnh danh là “người kể chuyện của nước Mỹ”, đã không nhận được giải thưởng nào tại buổi lễ trao giải Emmy hồi tuần qua.

Tác phẩm mới nhất của ông Burns, loạt phim “The Vietnam War”, hay “Chiến tranh Việt Nam” chiếu trên đài PBS, được đề cử giải Emmy trong bốn thể loại. Nhưng lần lượt qua suốt buổi lễ, các giải thưởng được trao cho những ứng viên khác.

Giới phê bình xem đây là một kết cuộc thảm hại đáng ngạc nhiên cho nỗ lực của ông Burns, nhằm tìm kiếm sự nhìn nhận và thậm chí một cơ hội đăng quang cho bộ phim được thông báo là có phí tổn lên tới 30 triệu Mỹ kim, trình chiếu trong 10 kỳ trên đài PBS, với tổng cộng 18 giờ phát sóng.

Loạt phim “Chiến tranh Việt Nam” của ông Burns được đồng sản xuất và đồng đạo diễn bởi bà Lynn Novick. Loạt phim được khởi chiếu trong tháng 9 năm 2017. Trong khi đa số giới phê bình Mỹ khen ngợi loạt phim, thì một số tổ chức cựu chiến binh và nhiều người trong các cộng đồng Việt trên khắp nước Mỹ lên tiếng chống đối. Nhiều tạp chí mạng chuyên về lịch sử đã đăng tải những bài viết chất vấn sự xác thực lịch sử của những sự kiện được loạt phim của ông Burns trình bày.

Tại Los Angeles, tổ chức Các Cộng Đồng Liên Tôn Cho Công Lý Và Hòa Bình ICUJP phản đối những điều gọi là “một nửa sự thật, sự xuyên tạc và những điều bỏ qua” mà họ thấy trong loạt phim “Chiến tranh Việt Nam”. Chính tổ chức này đã kết luận rằng cách tốt nhất để lôi kéo sự chú ý tới những khuyết điểm của loạt phim, là thách thức chiến dịch vận động của ông Burns và đài PBS giành giải Emmy cho loạt phim. ICUJP quyết định gây quỹ để đăng quảng cáo trên phiên bản in của tạp chí Variety chuyên về kỹ nghệ giải trí. Quảng cáo chiếm trọn một trang báo được tung ra hồi tháng 7, ít lâu sau khi các đề cử cho giải Emmy được loan báo. Giới quan sát cho rằng những nỗ lực như thế này đã khiến loạt phim của ông Burns bị đánh bại trong tất cả bốn đề cử Emmy kỳ này.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/loat-phim-the-vietnam-war-cua-ken-burns-khong-gianh-giai-emmy-nao/

 

Tình hình di dân Venezuela hiện nay

giống với Việt Nam 40 năm trước

Lima, Peru – Vào hôm Thứ Sáu (14 tháng 9) viên chức di trú hàng đầu Peru cảnh báo Venezuela  phải đẩy mạnh mọi nỗ lực để đưa công dân Venezuela trở về nhà theo đúng “kế hoạch hồi hương” mới.

Hồi tháng trước, chính quyền Venezuela đã đưa ra kế hoạch này, sau khi hàng trăm ngàn người Venezuela di dân khắp nơi, để trốn chạy tình trạng thiếu lương thực và nạn lạm phát tăng cao ở nước nhà. Tòa đại sứ Venezuela tại Lima cho biết, tính đến nay, Venezuela đã đưa 2,866 người dân Venezuela cư ngụ tại các quốc gia Nam Mỹ trở về nước. Trong đó có 190 người đã được trở về Venezuela trên hai chuyến bay từ Peru.

Tuy nhiên, Giám Đốc Cơ Quan Di Trú Peru  – ông Eduardo Sevilla cho biết chương trình này không có tác động đáng kể nào đối với tình hình di dân Venezuela ở Peru, hiện đã tăng lên khoảng 437,000 người, tăng trung bình 1,300 lượt người mới mỗi ngày. Ông Sevilla cho biết trong một ngày, lượng người Venezuela di dân đến Peru nhiều hơn gấp sáu lần so với số người đã được hồi hương. Cần thêm ít nhất 45 chuyến bay mỗi tuần từ Lima đến Caracas để cân bằng lượng người di dân và lượng người hồi hương.

Cơ quan di trú của Liên Hiệp Quốc ước tính, có hơn 1.6 triệu người Venezuela đã rời khỏi đất nước của họ kể từ năm 2015. Cơ quan này cũng vừa khuyến cáo rằng cuộc di dân của người Venezuela đang đến gần “thời điểm khủng hoảng”, được so sánh với những người tỵ nạn ở Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, chính phủ Maduro vẫn phủ nhận về tình trạng di dân hàng loạt, và nói nguyên nhân của sự di dân không phải do khủng hoảng kinh tế. Chính phủ  Maduro cho rằng những người Venezuela bị cám dỗ đi thử vận may ở nước ngoài, và đại đa số cuối cùng đã cảm thấy hối hận về điều đó.

Hoàn cảnh của quốc gia xã hội chủ nghĩa Venezuela hiện nay khá giống với ở Việt Nam 40 năm trước. Sau khi chế độ độc tài cộng sản cai trị toàn đất nước, hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi. Chính phủ CSVN thời đó cũng phủ nhận lỗi là do mình, mà cho là người dân bỏ nước ra đi “vì bị xúi dục, dụ dỗ”.

Tình hình Venezuela cũng giống với nhiều quốc gia độc tài khác: Cuba, Việt Nam, Syria… Chính quyền độc tài điều hành đất nước yếu kém làm khủng hoảng kinh tế- chính trị, đẩy hàng triệu người dân của mình ra nước ngoài. Di dân trở thành gánh nặng của thế giới, buộc các nước giàu, văn minh, dân chủ phải gánh vác. Chính những quốc gia độc tài này đã góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng di dân trên toàn thế giới hiện nay, khiến ở nhiều quốc gia Âu Mỹ xuất hiện khuynh hướng cực hữu bài di dân, trong đó có Hoa Kỳ. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/tinh-hinh-di-dan-venezuela-hien-nay-giong-voi-viet-nam-40-nam-truoc/

 

Nhóm Lima phản đối

mọi can thiệp quân sự vào Venezuela

Thùy Dương

Nhiều nước trong nhóm Lima hôm qua 15/09/2018 đã bác bỏ mọi khả năng « can thiệp quân sự » hoặc « sử dụng vũ lực ở Venezuela », một ngày sau khi ông Luis Almagro, tổng thư ký tổ chức các nước châu Mỹ tuyên bố không loại trừ khả năng can thiệp quân sự để lật đổ chính phủ của tổng thống Nicolas Maduro. Ông tố cáo là chính phủ Maduro đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại Venezuela, dẫn đến khủng hoảng nhân đạo và di dân.

Theo một thông cáo của bộ Ngoại Giao Brazil, ngoại trừ Canada, Colombia và Guyana, 11 nước thành viên còn lại của nhóm Lima, trong đó có Achentina, Brazil, Chilê, Costa Rica, Guatemala, Mêhicô, Peru … tỏ ra lo ngại và phản đối mọi biện pháp can thiệp quân sự, sử dụng bạo lực, đe dọa hay dùng binh lực ở Venezuela. Mười một nước này tái khẳng định cam kết « khôi phục nền dân chủ ở Venezuela và vượt qua cuộc khủng hoảng trầm trọng (…) bằng một giải pháp hòa bình và đàm phán ».

Bên cạnh đó, AFP cho biết 11 nước này cũng thúc giục chính phủ của tổng thống Nicolas Maduro “chấm dứt vi phạm nhân quyền, trả tự do cho tù nhân chính trị, tôn trọng quyền tự chủ của các cơ quan quyền lực”.

Trong khi đó, cũng trong ngày hôm qua, phó tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez thông báo chính quyền Caracas sẽ tố cáo tổng thư ký tổ chức các nước châu Mỹ ra trước Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác về việc ông Luis Almagro kích động can thiệp quân sự vào Venezuela, gây mất ổn định và hòa bình ở châu Mỹ La tinh và vùng Caribê.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180916-nhom-lima-phan-doi-moi-can-thiep-quan-su-vao-venezuela

 

Thụy Sĩ điều tra nghi án Nga tấn công mạng

vào cơ quan chống doping

Trọng Nghĩa

Các công tố viên Thụy Sĩ đang điều tra về khả năng điệp viên Nga đã tìm cách tấn công tin học vào Cơ Quan Chống Doping Thế Giới WADA, dặt trụ sở tại thành phố Lausanne. Văn phòng Tổng Chưởng Lý Thụy Sĩ hôm qua 15/09/2018 đã xác nhận tin trên.

Theo hãng Reuters, trong một thông báo, đại diện Tư Pháp Thụy Sĩ cho biết là thủ tục tố tụng hình sự đã được khởi sự vào tháng 3 năm 2017 nhắm vào một số hoạt động bị nghi ngờ là làm gián điệp chính trị.

Tư pháp đã phối hợp với cơ quan tình báo liên bang và nhận diện được hai cá nhân có liên can đến những vụ tấn công tin học vào Cơ Quan Thế Giới Chống Doping.

Văn phòng Tổng Chưởng Lý Thụy Sĩ xác nhận là hai cá nhân bị nhận diện chính là hai điệp viên Nga bị bắt tại Hà Lan, trong vụ mưu toan đánh cắp dữ liệu của phòng thí nghiệm được trao nhiệm vụ phân tích mẫu xét nghiệm trong vụ Skripal.

Các phương tiện truyền thông Thụy Sĩ hôm qua khẳng định rằng cả hai định chế Ủy Ban Olympic Quốc Tế và Cơ Quan Thế giới Chống doping đều đã là mục tiêu của tin tặc trong thời gian qua. Cả hai tổ chức này, trong những năm gần đây, đã và đang điều tra vụ sử dụng doping rộng rãi nơi các vận động viên Nga.

Nhật báo Thụy Sĩ Tages-Anzeiger tiết lộ rằng điệp viên Nga đã trà trộn vào một cuộc họp của Ủy Ban Olympic Quốc Tế, trong lúc cơ quan tình báo quân sự Nga bị tình nghi thực hiện cuộc tấn công vào WADA.

Đại sứ quán Nga tại Bern hôm thứ bảy đã mô tả các báo cáo về cuộc tấn công vào WADA như là những câu chuyện hoang đường, nhằm chống lại việc khôi phục lại cơ quan chống doping của Nga.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180916-thuy-si-dieu-tra-nghi-an-nga-tan-cong-mang-vao-co-quan-chong-doping

 

Syria: Israel phóng hỏa tiễn

tới sân bay quốc tế Damas

Thùy Dương

Hôm qua 15/09/2018, không quân Israel đã phóng hỏa tiễn nhắm vào sân bay quốc tế Damas, nhằm phá hủy một chuyến hàng vũ khí mới được cho là của Iran hoặc của phe Hezbollah ở Liban chuyểnđến Syria.

Từ Beyrouth, thông tín viên RFI Paul Khalifeh cho biết chi tiết:

“Các vụ nổ ở sân bay quốc tế Damas do hỏa tiễn phóng từ các phi cơ được nghe thấy ở khắp nơi tại thủ đô. Lực lượng phòng không Syria đã đối phó và theo một thông cáo của quân đội Syria, nhiều tên lửa đã bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ. Hiện chưa có thống kê, nhưng theo Al-Masdar News, một trang web thạo tin, một số hỏa tiễn đã nhắm trúng mục tiêu.

Đài quan sát nhân quyền Syria (OSDH), có trụ sở tại Anh Quốc, cho biết các vụ tấn công nhắm vào một chuyến hàng vũ khí mới được chuyển đến Damas. Số vũ khí này là của các lực lượng Iran hoặc của Hezbollah Liban.

Đây được cho là đợt không kích thứ hai của không quân Israel nhắm vào các mục tiêu ở Syria từ đầu tháng tới nay. Theo Đài quan sát nhân quyền Syria, ngày 04/09, nhiều phi cơ đã phóng hỏa tiễn nhắm vào các “vị trí quân sự của Iran” ở miền tây Syria.

Tối hôm qua, một phát ngôn viên quân đội Israel đã từ chối bình luận về các thông tin liên quan đến đợt không kích nhắm vào sân bay Damas. Đây là đợt không kích thứ hai nhắm vào sân bay này trong năm nay. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một lãnh đạo Israel với truyền thông hồi đầu tháng Chín, không quân Israel đã tiến hành 200 vụ không kích trong vòng 18 tháng qua.

Hồi tháng Hai, lực lượng phòng không Syria đã bắn hạ được một chiếc F-16 của Israel khi phi cơ này oanh tạc các mục tiêu ở Palmyra. Chiếc F-16 nổ tung gần Haïfa, hai phi công bị thương.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180916-syria-israel-phong-hoa-tien-toi-san-bay-quoc-te-damas

 

Triều Tiên: Chuyên gia Mỹ đề nghị

tách hòa bình ra khỏi hồ sơ hạt nhân

Trọng Nghĩa

Vào lúc Washington chủ trương gắn liền việc ký kết hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên với việc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn, trong bài phỏng vấn dành cho hãng tin Pháp AFP hôm nay, 16/09/2018, một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Bắc Triều Tiên cho rằng tổng thống Mỹ Donald Trump nên tách biệt hai vấn đề này trong các cuộc đàm phán.

Theo ông Victor Cha, người từng được tổng thống Mỹ chọn làm đại sứ mới tại Seoul vào năm ngoái trước khi Nhà Trắng thay đổi ý kiến, ông Trump nên hòa nhịp với các nỗ lực của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên – đang tìm cách chính thức kết thúc 68 năm tình trạng chiến tranh giữa hai nước nhân cuộc gặp thượng đỉnh vào tuần tới tại Bình Nhưỡng.

Theo chuyên gia này, việc chính thức ký kết hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một khả năng được Trung Quốc, một tác nhân trong cuộc chiến trước đây ủng hộ, và điều đó có thể đặt ông Trump « vào một vị trí rất khó xử » vì lẽ nếu không đồng ý, ông sẽ biến Mỹ thành tác nhân duy nhất trong bốn bên liên can tới cuộc chiến tranh Triều Tiên trước đây còn đứng bên ngoài.

Tuy nhiên, ông Victor Cha cũng công nhận rằng đối với ông Trump, việc ủng hộ hiệp định hòa bình lại đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ từ bỏ yêu cầu được nhắc đi nhắc lại là Bình Nhưỡng phải là bên đầu tiên thực hiện các bước cụ thể để từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Giải pháp cho vấn đề này là tách hẳn hai hồ sơ, và như vậy là tổng thống Mỹ hoàn toàn có thể đòi hỏi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un một nhượng bộ đáng kể để có được hiệp định hòa bình, chẳng hạn như việc Bắc Triều Tiên đồng ý triệt thoái hoàn toàn các loại vũ khí nặng ra khỏi vùng sát biên giới hai miền, ra khỏi tầm bắn vào Seoul.

Đối với với ông Cha, nếu ông Trump ủng hộ một hiệp định hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, ông có thể tự nhận vai trò tác nhân hòa bình xứng đáng với một giải Nobel.

Phái đoàn Hàn Quốc sẽ được Bắc Triều Tiên đón tiếp linh đình

Còn về hội nghị thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba, mở ra vào tuần tới tại Bình Nhưỡng, công việc chuẩn bị đang tiếp tục khẩn trương.

Theo văn phòng của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào hôm nay, trong phái đoàn đến Bình Nhưỡng, sẽ có mặt một loạt lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, mà quan trọng hơn cả là ông Lee Jae Yong, lãnh đạo trong thực tế của tập đoàn Samsung, bên cạnh chủ nhân các đại công ty khác như SK và LG.

Trong đoàn còn có Kim Yong Hwan, phó chủ tịch của tập đoàn Hyundai Motor, mà nhà sáng lập lại là một người tị nạn từ miền Bắc; hay là Hyun Jeong Eun, chủ tịch của đại tập đoàn Hyundai Group, vốn đi tiên phong trong nhiều dự án kinh tế liên Triều trong thời gian qua.

Nhìn chung, phái đoàn Hàn Quốc sẽ gồm khoảng 200 người, bao gồm cả lãnh đạo cao nhất của cơ quan tình báo, bộ Ngoại Giao và bộ Quốc Phòng.

Chi tiết hội nghị thượng đỉnh ba bên này, bắt đầu từ thứ Ba 18/09, chưa được công bố, nhưng giới quan sát cho rằng phái đoàn Hàn Quốc sẽ được chính quyền Bắc Triều Tiên đón tiếp rất trọng thể. Chẳng hạn như với hàng chục ngàn người được huy động ra đứng hai bên đường để chào mừng phái đoàn miền Nam.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180916-trieu-tien-chuyen-gia-my-de-nghi-tach-hoa-binh-ra-khoi-ho-so-hat-nhan

 

TC Lạnh Mình Vì Mỹ

Vi Anh

TC lạnh mình vì Chiến Tranh Thương Mại với Mỹ.

Thực vậy, nhựt báo kinh tế của Pháp Les Echos có bài phân tích của thông tín viên thường trú tại Bắc Kinh, được Đài quốc tế của Pháp RFI điểm cho rằng, «Đối phó với Trump, Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh lạnh». Sự kiện và thời sự trong Chiến tranh Thương mại giữa Mỹ và TC cho thấy thực tiễn tình hình cuộc chiến này càng ngày càng nóng lên không những về kinh tế, thương mại mà đang trên đà tràn lan qua chiến tranh quân sự ở Biển Đông, với vũ khí tối tân nhứt như siêu pháo đài bay B52, hai hàng không mẫu hạm 3 và 7 của Mỹ và vũ khí nguyên tử mà TC đưa vào Biển Đông. Trong khi TC cô đơn thì liên minh của Mỹ, Úc, Nhựt những nước trong vùng Á châu Thái bình dương, còn có Anh, Pháp từ Tây  Âu gởi chiến hạm, chiến đấu cơ tân tiến, hiện đại Rafale qua trinh sát mặt trận Biển Đông này. TC lạnh mình nên co cụm lại, không dương oai diệu võ nữa, chuyển sang hình thái  Chiến Tranh Lạnh như thời Liên sô chiến tranh Lạnh với Mỹ, rốt cuộc Liên xô đột quị.

Sự kiện và thời sự cho thấy câu ngạn ngữ Trung Hoa “phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí,” đang là hoàn cảnh, định mạng dành cho Chủ Tịch Tập cận Bình  trong giai đoạn thậm chí nguy này. Ông vừa mới lên như diều, chưa hưởng phước được bao lâu thì hai đại hoạ kéo đến cho Ông. Ông mới thành công trong thao túng quyền lực ở TQ, được bộ hạ đưa tư tưởng Tập cận Bình vào Hiến Pháp TC như Mao Trạch Đông. Ông hơn Mao qua việc Ông một mình nắm được  ngũ trụ triều đình, Ông làm chủ tịch Nước kiêm Chủ Tịch Đảng, kiêm Chủ Tịch Quân Uỷ Trung ương, kiêm Tổng Chỉ Huy Quân đội và lực lượng bán quân sự như cảnh sát công an. Ông còn ngon hơn bất cứ lãnh đạo CS nào, Ông được giữ những chức ấy suốt đời vì Quốc Hội TC đảng cử dân bầu miễn cho Ông giới hạn chỉ 2 nhiệm kỳ thôi. Tức là Ông có thể trị bá quan, văn võ, quân gia, thiên hạ dưới chỉ một Ông Trời và Ông là Thiên Tử con Trời trên 1 tỷ 400 triệu người, Thiên Tử của Trung Hoa cổ đại.

Nhưng ông ngồi trên ngôi cửu ngũ chưa nóng đít thì hai cái hoạ đến. Mỹ bất ngờ mở trước, khai chiến cuộc Chiến Tranh Thương mại chống TC. Giặc ngoài ngày càng leo thang, với Ông Già Gân Trump đòi công lý cho Mỹ. Chủ Tịch Bình còn đang loay hoay chưa tìm ra cách đối phó Ô. Trump người được báo chí đanh giá là vì tổng thống Mỹ không ai có thể đoán biết Ông sẽ làm gì và nói gì.

Thì trong nội bộ Đảng Nhà Nước TC từng tiền cừu hậu hận với Ô. Tập nổi lên như thù trong chống đối Ông Tập. Ông Tập không những lạnh người mà lạnh cẳng luôn, thân thể nổi da gà như gà nuốt dây thun, trước tình hình suy thoái kinh tế của TC và cái kiểu đánh xa luân chiến, hồi mã thương và đà đao của TQ nhưng Mỹ biến cải theo mô thức vô chiêu của Mỹ.

Les Echos  nhận thấy Ô. Tập Cận Bình vốn là người  thích thường xuyên xuất hiện trên ‘báo đài’, bỗng biến mất trong suốt hai tuần lễ trong mùa hè rồi. Tìm hiểu được biết Ông bị kẹt phải dự hội nghị Bắc Đới Hà. Ngày 04/08/2018, 62 chuyên gia, trí thức đến Bắc Đới Hà, kể cả hai cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cùng cựu thủ tướng Chu Dung Cơ tỏ ra không tin tưởng vào Ban lãnh đạo hiện hành. Tin xì ra Hội nghị Bắc Đới Hà bất thần lên án chính sách độc tài chuyên quyền của họ Tập, TCB có dấu hiệu lung lay.

Trước lâm nguy cho thế cầm quyền của Chủ Tịch Bình vì thất bại kinh tế, thương mại và sự lung lay trong quyền thế cá nhân, Chủ Tịch Bình khẩn cấp gởi Vương Thụ Văn qua Mỹ đàm phán với Phụ tá Bộ Trưởng bộ Tài Chánh Mỹ Malpass trong cố gắng làm dịu sự căng thẳng, nhưng không đạt được tiến bộ nào.

Tình hình kinh tế, sản xuất thậm chí nguy, có thể làm mất thế cầm quyền của Đảng CS sau khi chủ nghĩa CS đã thất bại đi vào cõi chết với Liên xô và các nước Đông Âu.

Cái kiểu TC khoa trương dọa sẽ ăn miếng trả miếng đối với Mỹ thất bại, thua nặng. Báo Les Echos đưa ra một số thất bại tiêu biểu của TC. Vẫn rất lệ thuộc vào xuất cảng, TC thiệt thòi nhiều trong trò chơi đánh thuế qua lại hàng hóa của nhau. Lượng hàng nhập từ Mỹ chỉ bằng một phần tư so với số 506 tỉ đô la hàng Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ hàng năm, và ông Donald Trump không loại trừ khả năng đánh thuế toàn bộ.

Đảng Nhà Nước và báo chí của TC và thân TC lâu nay vẫn đắc chí xỏ xiên sự bất nhất, tự làm hại mình của tổng thống Mỹ; nay coi sự tấn công của Washington không chỉ có mục đích làm giảm thâm hụt thương mại, mà nằm trong một chiến lược tổng thể nhằm ngăn chận đà tiến của Trung Quốc trên trường quốc tế. Cơ quan tư vấn Trivium ở Bắc Kinh nhận xét: «Các lãnh đạo không còn coi đây là cuộc đấu đá thương mại, mà là sự tấn công vào mô hình kinh tế chính trị Trung Quốc».

Ở TQ đã nổi lên dư luận cho rằng sự huênh hoang về sức mạnh kinh tế và địa chính trị của TQ chỉ làm Hoa Kỳ thêm nghi ngại. Báo chí Hoa lục đã được chỉ thị không nhắc đến kế hoạch Made in China 2025 – một động thái mà theo Les Echos là chưa đủ để làm dịu bớt căng thẳng với Mỹ.

Trong khi đó càng ngày tình hình chiến tranh thương mại làm tình hình kinh tế TQ càng lạnh lẽo, âm u hơn. Tình hình suy thoái kinh tế của TQ thêm trầm trọng. Các nhà máy và công trường Trung Quốc đang mất đơn đặt hàng xuất cảng,  ngưng gói thầu, nên sa thải công nhân. Một số lớn công ty ngoại quốc lẫn TQ đang và chuẩn bị bỏ TQ, di tản chiến thuật và chiến lược ra nước khác. CNN dẫn kết quả một cuộc khảo sát hằng năm từ hàng trăm công ty được công bố hôm 3/9 cho biết, tăng trưởng sản lượng từ các khu vực sản xuất lớn của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 8 xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Số lượng đơn hàng xuất cảng của các nhà máy Trung Quốc giảm mạnh trong tháng thứ 5 liên tiếp. Một chuyên gia phân tích cao cấp tại công ty nghiên cứu CEBM Group, nhận xét, “Nền kinh tế Trung Quốc hiện phải đối mặt với áp lực sa sút tương đối rõ ràng”. Juian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp của công ty nghiên cứu Capital Economics, viết trong một lưu ý gửi cho khách hàng hôm 3/9, rằng “Xu hướng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc có lẽ vẫn sẽ theo quỹ đạo đi xuống trong năm tới.”

Ngoài thuế quan, chính phủ Trung Quốc hiện vẫn còn nhiều thách thức kinh tế khác phải giải quyết. Lĩnh vực sản xuất của nước này đang phải đối mặt với tình trạng đầu tư chậm chạp, trong khi cơ sở hạ tầng và tăng trưởng tín dụng suy giảm. Bắc Kinh đã cố gắng kiểm soát những khoản cho vay rủi ro sau khi có nhiều cảnh báo lặp đi lặp lại về mức nợ cao bất thường của các công ty trong nước.

Thị trường chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc cũng không tránh khỏi thái độ lo ngại từ phía các nhà đầu tư. Quan chức nước này đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc cắt giảm thuế, chi tiêu cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo các nhà phân tích, những động thái đó có thể giúp ngăn chặn suy thoái, nhưng khả năng tạo ra sự thay đổi lớn dường như khó xảy ra.

Trong khi đó, TT Trump bồi thêm một hàn phong chưởng nữa. Tin RFI ngày 07/09/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẵn sàng đánh thuế nhập cảng thêm 267 tỷ hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ./.(VA)

https://vietbao.com/p122a285513/tc-lanh-minh-vi-my

 

TQ có thể mất hàng triệu việc làm

vì chiến tranh thương mại

Cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể khiến Trung Quốc mất 700.000 việc làm hoặc thậm chí nhiều hơn khi căng thẳng leo thang.  

Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo ngày 11/9 của các chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase cho biết, nếu Mỹ áp thuế bổ sung 25% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh đáp trả bằng cách phá giá đồng Nhân dân tệ thêm 5% cộng thêm áp thuế bổ sung vào hàng hóa Mỹ, nước này sẽ mất đi khoảng 700.000 việc làm.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không trả đũa Mỹ, số lao động Trung Quốc bị mất việc có thể lên tới con số 3 triệu người.

Bản báo cáo còn nhấn mạnh những ảnh hưởng lớn hơn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải hứng chịu từ cuộc chiến thuế quan với Mỹ, đặc biệt khi nước này đang rơi vào tình cảnh gánh một “núi” nợ

Đối mặt với áp lực chi phí do biện pháp đánh thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc, các nhà sản xuất đang bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các thị trường có chi phí rẻ hơn như Việt Nam và Bangladesh.

“Mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn. Nếu Mỹ áp thuế bổ sung 25% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc cũng đáp trả bằng mức thuế như đã công bố, nước này sẽ mất đi 5,5 triệu việc làm và tăng trưởng GDP sẽ bị hụt 1,3%”, báo cáo của JPMorgan Chase viết.

Tác động của cuộc chiến thuế quan đối với thị trường việc làm của Trung Quốc nói chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng có thể trở thành mối mối lo chính sách của Bắc Kinh.

Nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, điều đó sẽ làm thay đổi chức năng phản ứng chính sách và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ dịch chuyển về phía nới lỏng chính sách.

“Nếu Mỹ tiếp tục leo thang cuộc chiến thuế quan, ảnh hưởng đối với Trung Quốc sẽ càng lớn”, báo cáo của JPMorgan Chase viết.

Đồng Nhân dân tệ giảm giá sẽ giúp Trung Quốc vượt qua được những cú sốc trên. Trong trường hợp xấu nhất, với 5 triệu người mất việc, biện pháp lựa chọn phá giá đồng Nhân dân tệ 12% trong năm 2019 so với mức cuối năm 2018 sẽ bù đắp lại những tác động đối với GDP và thu hẹp con số mất việc xuống còn 900.000 người, báo cáo nhận định.

Tuy nhiên, bước đi này sẽ lại dẫn tới việc 332 tỷ USD tiền vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc, tiêu tốn hơn 1/10 kho dự trữ ngoại hối của nước này.

Đây có thể là một tình huống mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc muốn né tránh sau bài học vào năm 2015 khi đồng Nhân dân tệ cũng bị phá giá khiến hàng trăm tỷ USD chảy ra khỏi nước này.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/23576-tq-co-the-mat-hang-trieu-viec-lam-vi-chien-tranh-thuong-mai.html

 

Bão Mangkhut: Hồng Kông

nâng cảnh báo lên mức cao nhất

Thùy Dương

Sau khi càn quét Philippines khiến ít nhất 49 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người phải sơ tán, siêu bão Mangkhut hôm nay 16/09/2018 hướng về miền nam Trung Quốc. Tại Macao, lo sợ bão quét, chính quyền hôm qua ra lệnh tạm đóng cửa các sòng bạc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tất cả 42 sòng bạc tại Macao phải tạm ngưng hoạt động. Còn tại Hồng Kông, nhà chức trách đã nâng cảnh báo bão lên mức cao nhất.

Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI Florence de Changy tường trình:

“Từ 9h40, giờ địa phương, Hồng Kông đã nâng cảnh báo lên mức 10, mức cảnh báo bão cao nhất tại đây. Cơ quan khí tượng ghi nhận sức gió 189km/h, với những con gió giật lên đến 256km/h.

Mọi người đều được yêu cầu ở yên tại nơi trú ẩn, và đương nhiên là không ra sát bờ biển. Công tác chuẩn bị đối phó với bão bắt đầu từ hôm thứ Sáu. Để đề phòng bão, mọi người dân sống ở hai hòn đảo thấp đều được sơ tán. Khắp nơi trong thành phố, nhiều cửa sổ được dán chéo bằng những dải băng dính cỡ lớn.

Bất chấp biện pháp bảo vệ này, nhiều cửa sổ ở mặt tiền các tòa nhà bị giật tung. Nhiều video cho thấy những cành cây bị gió giật phăng và cuốn bay như những cọng rơm. Nhiều bức tường và giàn giáo đổ sập trong các khu phố bình dân Causeway Bay và Kowloon.

Ở các cảng Hồng Kông, tình hình rất lộn xộn. Một số con tàu bị lật, một số khác bị cuốn trôi. Tại cảng Thâm Quyến, Trung Quốc, hàng trăm container hàng rơi xuống nước. Theo ghi nhận từ các bệnh viện, hiện mới chỉ có hai người bị thương vì bão.

Mắt bão đang tiến về gần Hồng Kông. Nhưng cơn bão Mangkhut diễn ra trên diện rộng, bao trùm một diện tích lớn bằng cả nước Pháp. “Đặc khu hành chính” sẽ bị bão càn quét trong ngày hôm nay cho tới tận đêm khuya. Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá thiệt hại do bão gây ra”.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180916-bao-mangkhut-hong-kong-nang-canh-bao-len-muc-cao-nhat

 

Bão Măng Cụt: Philippines đang thống kê thiệt hại

Philippines đang thống kê thiệt hại kinh tế và thương vong do cơn bão Măng Cụt gây ra.

Giới chức nói rằng ít nhất 14 người thiệt mạng trong lúc nhiều con đường bị chặn và giao thông bị gián đoạn. Điều đó có nghĩa là vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại thực sự tại các khu vực nông thôn.

Tỉnh nông nghiệp Cagayan gánh chịu nhiều thiệt hại về mùa màng.

Siêu bão Măng Cụt đã ập đến Philippines

Mỹ lo sợ bão Florence gây lũ quét chết người

Cơn bão khởi đầu cho ngành khí tượng thế giới

Cơn bão với diện mưa lên tới 900 km và gió mạnh hiện đang hướng về phía nam Trung Quốc.

Nó đổ bộ vào Baggao, đông bắc của đảo Luzon, vào khoảng 01:40 giờ địa phương hôm 15/9 và rời đất liền khoảng 20 giờ sau đó.

Được dự báo là siêu bão mạnh nhất năm 2018 nhưng Măng Cụt đã giảm sức mạnh khi đổ bộ.

5 triệu người nằm trong khu vực bão quét qua và hơn 100.000 người trú ẩn trong các khu trại tạm.

Hầu hết các tòa nhà ở Tuguegarao, thủ phủ của tỉnh Cagayan, bị thiệt hại, một quan chức cho biết.

Francis Tolentino, cố vấn chính trị của Tổng thống Rodrigo Duterte, nói với BBC rằng chỉ 1/5 sản phẩm nông nghiệp được thu hoạch trước cơn bão và những người trồng gạo và bắp bị thiệt hại nhiều.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Philippines, Richard Gordon, nói với BBC hôm 15/9 rằng nước này vẫn chưa ngoài vòng nguy hiểm.

“Vấn đề tiếp theo mà chúng tôi phải đối mặt là lũ lụt,” ông nói.

Phóng viên BBC Jonathan Head đang ở đảo Luzon, chứng kiến 200 người tạm trú tại một trường học tiếp tục được sơ tán do nước sông dâng cao.

Biến đổi khí hậu ‘tác động nhiều đến phụ nữ’

Dù lượng CO2 giảm, ‘Trái đất nóng lên’ vẫn đe dọa

Mỹ sơ tán dân trước nguy cơ vỡ đập

Cơn bão lớn nhất từng được ghi nhận ở Philippines là siêu bão Hải Yến 2013, đã giết chết hơn 7.000 người và ảnh hưởng tới hàng triệu người khác.

Bão được dự báo sẽ tiếp tục đi về phía Tây, đi qua Hong Kong vào chiều Chủ Nhật.

Chính quyền Hong Kong đã cảnh báo kêu gọi người dân ở trong nhà khi cơn bão đến gần, và các chuyên gia thời tiết cho rằng đây có thể là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất để tấn công lãnh thổ này trong nhiều thập kỷ.

Các cơn bão dự kiến sẽ suy yếu thành một áp thấp nhiệt đới vào thứ Ba.

Philippines đã ban hành cảnh báo ở hàng chục tỉnh, và hoạt động du lịch biển và hàng không đã bị hạn chế. Các chuyến bay đã bị hủy bỏ, các trường đóng cửa và lực lượng quân đội đang chờ đợi trong tư thế sẵn sàng.

Các nhà chức trách cũng cảnh báo rằng mưa lớn có thể gây ra lở đất và lũ quét.

Có phải do nóng lên toàn cầu?

Mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và bão nhiệt đới là một mối quan hệ phức tạp.

Bão được hình thành khi không khí được làm nóng bởi nước biển ấm. Vì vậy, khi nhiệt độ của nước biển tăng lên, dự báo cường độ của các cơn bão sẽ tăng lên trong tương lai.

Một bầu không khí nóng hơn cũng có thể chứa nhiều nước hơn, vì vậy điều này sẽ khiến các cơn bão đổ kéo thêm nước vào các khu vực bị ảnh hưởng.

Nhưng có rất nhiều yếu tố tác động đến các hiện tượng này, rất khó để có thể đưa ra một khẳng định rõ ràng từ dữ liệu.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45538659

 

Tân thủ Tướng Úc xem xét việc đẩy di dân

ra khỏi Sydney, Melbourne

Canberra, Úc – Tân thủ tướng của Úc, ông Scott Morrison, đang xem xét về việc cải cách chính sách di dân, qua đó sẽ hạn chế dòng người di cư, và có thể là sẽ bao gồm cả sinh viên ngoại quốc, đến các thành phố đang bị nạn nhân mãn của Úc.

Thủ tướng Morrison, người lên cầm quyền thay ông Malcolm Turnbull hồi tháng trước, đang đưa ra kế hoạch yêu cầu một số người di dân phải sống bên ngoài 2 thành phố Sydney, Melbourne trong vòng 5 năm. Ông đưa ra đề nghị, tùy thành phố và khu vực khác nhau trên toàn quốc mà có thể có thể áp dụng các quy tắc khác nhau, để khuyến khích người di dân chuyển đến các vùng đang có nhu cầu cao về kỹ năng hoặc nhân lực.

Hồi năm ngoái 2017, khoảng 87% người di dân có tay nghề cao đều đã định cư tại Sydney hoặc Melbourne khi đến Úc. Đây là hai thành phố có dân số ở khoảng 5 triệu người. Những người mới đến đã làm tăng dân số Sydney và Melbourne lên 100,000 và 125.000 người. Ngược lại, dân số Adelaide chỉ tăng 9,600 người, và hiện  chỉ ở mức 1.3 triệu người.

Những thay đổi về chính sách di dân này xuất hiện trong bối cảnh người dân đang kêu gọi giới hạn tăng trưởng dân số ở các thành phố như Sydney và Melbourne để giải quyết tình trạng nhân mãn, cũng như các vấn đề về giao thông và khả năng chi trả nhà ở. Bộ Trưởng Bộ Dân Số mới được bổ nhiệm, ông Alan Tudge, cho biết vấn đề không phải là lượng dân số Úc ngày càng tăng, mà là cách phân phối lượng tăng trưởng này.

Mới đây, dân số Úc đã chạm mức 25 triệu người. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/tan-thu-tuong-uc-xem-xet-viec-day-di-dan-ra-khoi-sydney-melbourne/