Quyền của người lao động và sự ổn định xã hội – Nguỵ Kinh Sinh (Lê Minh Nguyên dịch)
Nhiều người cho rằng như vậy là sai, vì phong trào xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ phong trào của người lao động. Đúng vậy, nhưng do những hiểu biết khác nhau ở Tây Âu và Nga, nó dẫn đến những kết quả khác nhau.
Chủ nghĩa xã hội châu Âu tin rằng người lao động có quyền thành lập các nhóm để đấu tranh cho lợi ích của họ. Nhìn từ vị trí nhân quyền, đây là cách để các nhóm yếu thế tiến hành thương lượng tập thể với giai cấp có quyền lực và tiền bạc. Nhìn từ vị trí xã hội, đây là phương tiện để thăng bằng sự phân phối (tài sản) xã hội và bổ sung cho những gì nền kinh tế thị trường thiếu vắng. Vì vậy, nó được gọi là chủ nghĩa xã hội. Tên dịch này (qua tiếng Trung Quốc) khá chính xác.
Những người Bolsheviks Liên Sô chỉ coi phong trào của người lao động là công cụ để làm suy yếu sự ổn định xã hội (tư bản). Dĩ nhiên, đây là điều tiên quyết trong suy nghĩ của Marx và Engels. Do bởi những người Bolsheviks Liên Sô đã thành công trong việc nắm giữ quyền lực chính trị ở Nga, nên những người Bolsheviks thế giới coi đó là Thánh Kinh xã hội chủ nghĩa và là tiêu chuẩn để noi theo. Bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành công trong việc nắm quyền lực chính trị, nên người TQ cũng tin rằng phong trào của người lao động là một lực lượng phá hoại. Lực lượng này được sử dụng khi Đảng Cộng sản còn là kẻ yếu, nhưng lại bị đàn áp nặng nề khi Đảng CS đã chiếm đoạt được quyền lực chính trị ở TQ.
Tôi không biết mọi người có nhận thấy rằng sau Thế chiến II, các nước phát triển đều rộng mở với phong trào của người lao động. Khi các công đoàn bùng nổ, thì xã hội và nền kinh tế của các nuớc ấy cũng phát triển nhanh chóng, trong khi xã hội vẫn được ổn định. Nhưng nó không phải như vậy trong cái gọi là các nước xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế của họ lạc hậu và tình trạng bất ổn xã hội vẫn tiếp diễn. Tại sao như vậy?
Bên cạnh việc liên tục phát triển nền kinh tế thị trường trong hàng trăm năm, lý do quan trọng nhất nhưng bị bỏ qua của nền dân chủ phương Tây là việc thực hiện các chương trình chăm lo xã hội. Hậu quả là ngoài việc đảm bảo sự phát triển kinh tế nhanh chóng của nền kinh tế thị trường, nó còn hạn chế (không giải quyết) những thiếu sót của sự phân bố (tài sản) không đồng đều do nền kinh tế thị trường gây ra. Sự hạn chế này là mặt trái của sự thành công trong các nước phát triển. Nếu chỉ có một mặt của nền kinh tế thị trường, kết quả là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo sẽ mở rộng, và xã hội ngày càng trở nên bất ổn định, thậm chí có thể gây ra chiến tranh thế giới. Đây là bài học của chủ nghĩa tư bản sơ khai.
Có một lần, một vị dân cử cấp cao của Hoa Kỳ nói với tôi: Đừng đi châu Âu, nơi có chủ nghĩa xã hội, có những Đảng Cộng sản. Tôi nói rằng tôi cảm thấy Hoa Kỳ có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn Đảng Cộng sản. Hoa Kỳ giống châu Âu hơn, nhưng không giống chế độ Cộng sản ở Trung Quốc. Ông ta nói yes, bởi vì cả hai, châu Âu và Mỹ, đều theo dân chủ. Tôi nói rằng nuớc ông cũng có một tầng lớp trung lưu vô cùng lớn. Ông nói yes, bởi vì chúng tôi có các công đoàn, các ông chủ hãng phải chia sẻ lợi nhuận với công nhân.
Tôi nói, ngoài việc chia sẻ lợi nhuận, nó đã tạo ra một tầng lớp trung lưu khổng lồ và tạo ra một thị trường tiêu dùng khổng lồ. Đây là động lực chính yếu cho sự phát triển kinh tế của nuớc ông. Ông ta nói, đây là cái mà các quốc gia tân tiến khác với chủ nghĩa tư bản (sơ khai). Nó là sai lầm khi nói rằng chúng tôi là những nước tư bản (sơ khai). Chính phủ của chúng tôi không phải là để kiếm tiền cho các nhà tư bản, nhưng là để phục vụ cho toàn thể xã hội.
Tôi nghĩ rằng công luận gần đây chỉ trích Hoa Kỳ và phương Tây đang suy thoái, hàm ý rằng phần lớn là do sự mở rộng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, trong khi tầng lớp trung lưu đang bị co cụm lại; trong khi tiếng nói của các nhóm (công ty) đa quốc đang gia tăng, điều này làm xói mòn dân chủ. Do đó có thể thấy rằng sự giàu có của một thiểu số người không phải là phước lành cho đất nước. Chủ nghĩa bình đẳng của Mao Trạch Đông và Stalin cũng không phải là phước lành cho đất nước. Như Khổng Tử đã nói, đi quá xa cũng tệ như không đi đủ xa.
Trong bao nhiêu năm qua, chế độ Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng sự chà đạp nhân quyền như một lợi thế để phát triển nhanh nền kinh tế. Nhưng, nhiều người không thấy rằng điều này cũng làm xói mòn thị trường Mỹ và xuất khẩu một tiêu chuẩn nhân quyền thấp sang Hoa Kỳ. Không có phong trào của người lao động ở Trung Quốc là một lý do quan trọng. Đây là nguyên nhân gốc rễ của cuộc chiến thương mại không thể tránh khỏi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc không phát triển thị trường (tiêu thụ) riêng cho mình, thì phát triển kinh tế không thể duy trì. Nếu không có quyền của người lao động ở Trung Quốc, thì không thể tạo ra được một tầng lớp trung lưu lớn, cũng như một nền kinh tế thị trường hiện đại ở TQ. Một quốc gia chỉ có nô lệ và người giàu thì có được gọi là một quốc gia hiện đại hay không?