Biển Đông: Thêm một cường quốc quân sự thách thức TQ
- Ngày đăng 15-09-2018
- BDN
Với chính sách gây bất bình ở Biển Đông, Trung Quốc liên tiếp vấp phải sự phản đối và thách thức của nhiều nước, trong đó có siêu cường số 1 thế giới – Mỹ. Trong một diễn biến mới nhất, vừa có thêm một cường quốc quân sự công khai đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.
Mặc dù đang phải “ve vãn” Trung Quốc ký một thỏa thuận thương mại tự do thời hậu Brexit và từng dùng từ “thời kỳ vàng” để miêu tả về mối quan hệ Anh-Trung Quốc hiện tại, London vẫn thiết lập một mặt trận chung với Mỹ trong việc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.
Bắc Kinh vừa gửi văn bản phản đối chính thức đến London sau khi một chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Anh hồi tháng trước đã đi vào sát khu vực gần quần đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý và trái phép ở Biển Đông. Trung Quốc kêu gọi Anh ngừng ngay “những hành động khiêu khích” như vậy đồng thời cảnh báo những hành động gần đây của Anh có thể làm phương hại đến mối quan hệ song phương.
Hôm 31/8, tàu tấn công đổ bộ có trọng tải 22.000 tấn HMS Albion mang theo một đội Thủy quân lục chiến của Hoàng gia Anh đã tiến vào gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Động thái này khiến Trung Quốc nổi giận phản ứng, bởi Bắc Kinh đang tham lam đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Chính phủ Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng phản ứng, miêu tả hành động của Anh là “khiêu khích” và đã gửi văn bản phản đối đến giới chức Anh. Bắc Kinh còn phái một tàu khu trục và hai trực thăng đi đối đầu với Anh. Tuy nhiên, cả hai đã giữ được sự kiềm chế. Anh lập tức có câu trả lời. London khẳng định chiến hạm của họ đang thực thi “quyền tự do hàng hải” khi đi qua quần đảo Hoàng Sa để đến thành phố Hồ Chí Minh trước khi được triển khai đến Nhật Bản.
Động thái của Anh chứng tỏ một điều nước Anh không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền tham lam và thái quá của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa – một quần đảo vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Ngay sau khi đưa tàu chiến vào Biển Đông, Anh đã thông qua sáng kiến của Trung Quốc về việc xem xét khả năng khởi động tiến trình đàm phán một khu vực thương mại tự do sau khi Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Giới phân tích tin rằng, vụ việc liên quan đến chiến hạm Albion có thể giáng một đòn mạnh vào kế hoạch nói trên, tờ nhật bảo China Daily cảnh báo.
Thực tế trên cho thấy, dù Anh và Trung Quốc cần nhau trong các vấn đề kinh tế, thương mại nhưng Anh cũng không chấp nhận việc Bắc Kinh có ý định độc chiếm Biển Đông – một khu vực biển chiến lược quan trọng hàng đầu thế giới.
Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc những tháng gần đây đã cho triển khai các tên lửa đất đối không, đất đối hạm và hệ thống làm nhiễu điện tử đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc làm gia tăng sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với nước này.
Sự tham gia của Anh vào mặt trận thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy sự lo ngại gia tăng của cộng đồng quốc tế đối với các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông và các nước bắt đầu lần lượt lên tiếng.