Bản tin Biển Đông ngày 14/9/2018
BTV Tiếng Dân
Ngoài thực địa
Phóng viên ABC News đã ghi lại toàn cảnh các đảo nhân tạo và công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trong chuyến bay tuần tra cùng hải quân Mỹ. Trung Quốc tiếp tục lặp lại, yêu cầu máy bay của hải quân Hoa Kỳ rời khỏi nhưng không đe doạ gì thêm.
Quan hệ Việt – Trung
Chiều 12/9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Hồ Xuân Hoa, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, nhân dịp ông ta sang Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN).
Theo Báo Thanh Niên, ông Trọng đề nghị “hai bên cần tiếp tục tăng cường tiếp xúc cấp cao; phát huy tốt các cơ chế hiện có, thực hiện tốt những nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình”.
Còn ông Hồ Xuân Hoa nhắc đến “nhận thức chung giữa hai Đảng, hai nước“, bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác kinh tế, nhập khẩu nhiều hơn hàng hoá Việt Nam, và nhấn mạnh hai bên cần tăng cường giao lưu thế hệ trẻ.
Bài viết có đoạn: “Ông Hồ Xuân Hoa khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với VN, sẵn sàng cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân VN không ngừng củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện VN – Trung Quốc; thực hiện tốt nhận thức chung giữa hai Đảng, hai nước; bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác kinh tế, nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa của VN.
Ông Hoa đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao, giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy kết nối chiến lược, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương, nhằm thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới.”
Theo Thông báo từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, Uỷ viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ sang Việt Nam từ ngày 15-16/9/2018 theo lời mời của ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam. Hai ông sẽ chủ trì Phiên họp lần thứ 11 Uỷ ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.
Đọc thêm: TBT Trọng kêu gọi Trung Quốc hợp tác “giải quyết vấn đề” Biển Đông (VOA).
Tuyên bố chung Việt Nam – Indonesia
Như tin đã đưa, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 – 12/9/2018, trong bối cảnh hai bên vẫn chưa kết thúc đàm phán phân định biển, nhưng cùng chia sẻ mối lo chung về diễn biến Biển Đông. Trong chuyến thăm lần này, ông Joko Widodo đã hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Kết thúc chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo đã đưa ra tuyên bố chung. Liên quan đến vấn đề trên biển, hai bên “ghi nhận những tiến bộ đạt được trong đàm phán phân định Vùng Đặc quyền Kinh tế giữa hai nước và nhất trí giao Cuộc họp Nhóm Kỹ thuật đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm sớm đạt được thỏa thuận dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) 1982”.
Không có quan điểm gì mới hơn đối với vấn đề Biển Đông, hai bên chỉ nhắc lại “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tuân thủ luật pháp, trong đó có an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không tại khu vực, bao gồm cả Biển Đông.” Hai bên tái khẳng định “cam kết ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý”.
Như những tuyên bố chung của các nước ASEAN trước đây, hai bên nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc không quân sự hóa, tự kiềm chế hoạt động có thể gây căng thẳng hoặc làm leo thang căng thẳng, tuân thủ hơn nữa các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và quy chuẩn đã được công nhận rộng rãi”.
Hai bên tái khẳng định “ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. Hai nhà lãnh đạo cũng cho rằng, đã có những tiến triển trong hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như trong việc đàm phán COC “hiệu quả và thực chất”, và bày tỏ hoan nghênh và vui mừng đối với những tiến triển này.
Về cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bản tuyên bố cho biết: “Hai nhà Lãnh đạo trao đổi quan điểm về một khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể đưa ASEAN trở thành động lực chính trong một cấu trúc khu vực rộng lớn hơn. Indonesia bày tỏ đánh giá cao Việt Nam ủng hộ sáng kiến về xây dựng một khái niệm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên cơ sở các nguyên tắc chính như lấy ASEAN làm trung tâm, mở, minh bạch, bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời giúp tăng cường lòng tin, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”.
Đọc thêm: Việt Nam-Indonesia thúc đẩy hợp tác biển, nghề cá (TP). – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo (SGGP).
Biển Đông trong Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018
Tại phiên thảo luận về triển vọng địa – chính trị châu Á trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) ở Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định lại quan điểm của Việt Nam về các sáng kiến cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở của Mỹ, sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc, các chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhật Bản, Ấn Độ, và Indonesia.
“Chúng tôi hoan nghênh tất cả, nếu các sáng kiến góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Các sáng kiến cần mở, minh bạch và bao trùm. Nếu các sáng kiến tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền tự quyết quốc gia thì chúng tôi đều hoan nghênh”, Zing dẫn lời Bộ trưởng Phạm Bình Minh.
Theo Báo Người Lao Động, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha nhận định, sáng kiến ‘một vành đai, một con đường’ của Trung Quốc có phần mâu thuẫn, đối đầu với chính sách tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN. “ASEAN đưa ra những chính sách như minh bạch, phát triển dành cho tất cả mọi người. Đó là những xu hướng mà chúng tôi rất mong muốn được thực hiện“, Ngoại trưởng Hàn Quốc nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Tara Kono thì bày tỏ lo ngại trước bất cứ nỗ lực đơn phương nào để thay đổi hiện trạng ở châu Á.
“Tôi nghĩ chúng ta cần thiết lập một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Bất cứ một sự thách thức, thay đổi nào một cách đơn phương với trật tự này thì cộng đồng quốc tế cần có tiếng nói phản đối”, báo Thanh Niên dẫn lời ông Tara Kono.
Báo Pháp luật Việt Nam còn cho biết thêm, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nhấn mạnh tự do hàng hải là một vấn đề chủ chốt với kinh tế toàn cầu. Nhật Bản đang nỗ lực để tăng cường kết nối giữa khu vực bờ đông châu Phi với nền kinh tế ASEAN thông qua Thái Bình Dương và bờ phía tây của châu Mỹ.
“Nhật Bản nỗ lực hỗ trợ xây dựng trật tự trên biển dựa trên quy tắc, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng có chất lượng cao: dự án cởi mở, công khai, có ý nghĩa kinh tế, lành mạnh về mặt tài chính của quốc gia được hỗ trợ. Bên cạnh đó là chống lại những nguy cơ như cướp biển, khủng bố và tăng cường năng lực các quốc gia trong đảm bảo an ninh trên biển. Định hướng chiến lược dành cho một khu vực Ấn Độ Dương với mong muốn đó là một khu vực mở và tự do. Cần có sự nỗ lực, chung tay của tất cả mọi người trong những vấn đề bảo đảm an ninh biển”, ông nói.
Đọc thêm: ‘Vành đai và Con đường lấy tài nguyên của nước đối tác’ (BBC). – Chủ tịch nước Trần Ðại Quang tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản (ND) – Đông Nam Á ‘dễ tổn thương’ trong cán cân quyền lực khu vực — Đảo quốc nhỏ bé ở Thái Bình Dương chống lại người khổng lồ Trung Quốc (VNE).
https://www.blogger.com/blogger.g?blogID=410327026487339013#allposts