Tin Biển Đông – 12/09/2018
ASEAN làm gì nếu có xung đột ở Biển Đông?
Nguyễn HoàngBBC Tiếng Việt, Hà Nội
Các nước Đông Nam Á gia tăng mua vũ khí nhưng khối ASEAN khó có tiếng nói chung trước Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông.
Đó là bình luận được đưa ra tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi rằng ASEAN có chuẩn bị gì trong kịch bản có xung đột hải quân giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Biển Đông, hay giữa Trung Quốc và Philippines, ông Tim Huxley, Giám đốc Điều hành, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) mô tả điều ông gọi là ‘ASEAN chẳng chuẩn bị gì cả’.
‘ASEAN phân hoá nhưng còn hi vọng’
Thương chiến Trung Mỹ: ‘ASEAN chắc chắn bị ảnh hưởng’.
VN: Các hội đoàn vẫn ngốn 1,3 tỷ đô ngân sách?
TQ tức giận khi tàu chiến Anh vào sát Hoàng Sa
“ASEAN là một khối liên kết lỏng về chính trị và an ninh. Có thể lấy dẫn chứng về việc khối này không đưa ra được tuyên bố mạnh mẽ nào về Biển Đông liên quan tới các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực này.
“Có thể thấy một ví dụ khác gần đây về cuộc khủng hoảng người Rohinya ở Myanmar với cả trăm ngàn người phải bỏ sang biên giới Bangladesh, ASEAN không hề có phản ứng nào có hiệu quả.
“Các thành viên ASEAN có thể gặp nhau trong khuôn khổ song phương để bàn thảo các chủ đề này nhưng để thành tiếng nói của một khối thì khó,” ông Huxley nói.
Giám đốc Điều hành viện IISS dẫn chiếu tới việc nhiều nước tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đang chi nhiều cho quốc phòng trong bối cảnh GDP các nước này tăng.
Tuy nhiên ông cho rằng năng lực quân sự cần nhiều thời gian để gây dựng chứ không chỉ đơn thuần là việc mua sắm khí tài.
“Năng lực quân sự bao gồm nhiều yếu tố từ lãnh đạo, đào tạo, hậu cần, và kinh nghiệm chiến đấu,” ông Huxley nói.
Phiên thảo luận cũng đề cập tới ảnh hưởng về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tới các nước Asean.
“Trung Quốc đã và đang dùng sức mạnh kinh tế một cách có hiệu quả để gây ảnh hưởng và một số nước tại Đông Nam Á khó có thể cưỡng lại được.
“Điều này gây ảnh hưởng tới ASEAN và ASEAN bị suy yếu và không thể có tiếng nói chung trong chủ đề Biển Đông,” ông Huxley nói. “Không có chỉ dấu nào cho thấy Trung Quốc ngưng bồi đắp đảo nhân tạo và triển khai thêm vũ khí tại các cấu trúc này”.
Phản hồi lại câu hỏi về việc Bắc Kinh cáo buộc Hoa Kỳ là quốc gia quân sự hóa khu vực Biển Đông chứ không phải Trung Quốc, ông Huxley nói rằng Trung Quốc là nước tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) và rằng mặc dù Hoa Kỳ không tham gia UNCLOS nhưng Washington đã và đang tuân thủ những điều khoản của UNCLOS “nhiều và tốt hơn Bắc Kinh”.
“Người ta có nói về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) vốn được bàn thảo nhiều năm về câu từ. Cá nhân tôi cho rằng nó không có ý nghĩa lắm ngoại trừ có tác dụng phòng ngừa xung đột vũ trang lớn. Tức là COC không có tác dụng ngăn Trung Quốc triển khai về chiến lược những gì họ đã và đang thực hiện tại Biển Đông,” Giám đốc Điều hành, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) bình luận.
Trong khi đó một diễn giả khác là ông Robert Girrier, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình dương (Hoa Kỳ), nói rằng việc một số nước trong đó có Hoa Kỳ đang thực hiện cái gọi là quyền tự do đi lại (FONOP) tại Biển Đông có nghĩa rằng cuộc chơi “chưa ngã ngũ”.
“Trung Quốc phải biết rằng có những nguyên tắc chung xét về bình diện quốc tế mà họ không thể không tuân thủ.
“Chúng ta thấy rằng Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ việc Hải quân Anh đưa tàu đổ bộ HMS tới khu vực Hoàng Sa trên đường tới thăm Việt Nam vào tháng này”.
Ông Girrier cũng dẫn chiếu tới việc Bắc Kinh không đếm xỉa gì tới phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague đưa ra trong vụ Philipppines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền để nói rằng cần phải có các cơ chế hợp tác đa phương để đối trọng với lập trường về chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.