Chân dung người khai sinh ra khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0
Chân dung người khai sinh ra khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0
11-09-2018 – 07:42 AM | Kinh tế vĩ mô – Đầu tư
Trong cuốn sách của mình mang tên “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” Giáo sư Klaus Schwab – nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), mô tả cuộc cách mạng này đặc trưng bởi những tiến bộ trong công nghệ. Sáng nay, ông có bài phát biểu về cơ hội của khởi nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên 4.0 ở sự kiện mở đầu WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội.
- 10-09-2018 Nỗi ám ảnh về cách mạng 4.0: Chỉ số ít thắng cuộc lấy đi tất cả!
- 10-09-2018 Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính…
- 10-09-2018 Cách mạng công nghiệp 4.0: Người lao động sẽ bị bỏ rơi nếu “chiến đấu đơn lẻ”
Giáo sư Klaus Schwab sinh ra ở Ravensburg (Đức) năm 1938. Ở tuổi 27, Klaus Schwab có năm bằng kỹ sư cơ khí và kinh tế. Ở tuổi 31, ông trở thành giáo sư trẻ nhất ở Thụy Sĩ. Ở tuổi 33, ông thành lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới – WEF (năm 1971), vì lo lắng về tương lai của kinh tế châu Âu. WEF được lập ra với mục tiêu: dạy người châu Âu các phương pháp quản lý của Mỹ.
Năm 1998, cùng với vợ ông – bà Hilde, ông thành lập Quỹ Schwab cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tìm cách xác định, công nhận và phổ biến các sáng kiến trong kinh doanh. Quỹ này đã cải thiện đáng kể cuộc sống của nhiều người và có tiềm năng được nhân rộng trên quy mô toàn cầu. Quỹ hỗ trợ một mạng lưới hơn 350 doanh nghiệp trên khắp thế giới.
Năm 2004, ông nhận được giải thưởng Dan David trong lĩnh vực “Lãnh đạo – Thay đổi thế giới”, vì đã sáng lập và phát triển Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thành tổ chức quốc tế. Ông trích một phần của giải thưởng này để thành lập một tổ chức mới: Diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu (dành cho các nhà lãnh đạo dưới 40 tuổi).
Giải thưởng Dan David trao ba giải mỗi năm – mỗi giải trị giá 1 triệu USD cho thành tích xuất sắc ở các lĩnh vực, cống hiến cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Giải thưởng Dan David được trao cho nghiên cứu sáng tạo liên ngành.
Năm 2005, WEF bắt đầu phát triển một cuộc đối thoại đa ngành và nhấn mạnh tiềm năng hợp tác công-tư để giải quyết những thách thức cấp bách về môi trường, như biến đổi khí hậu, thiếu hụt nước sạch. Trước đó, các bên liên quan có ảnh hưởng tới những vấn đề này đã cho thấy sự thiếu hợp tác rõ rệt.
Hiện nay, dù vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng một thập kỷ cam kết công-tư với quy mô lớn bao gồm tất cả các bên liên quan đã giúp tạo ra một kế hoạch tác chiến mới, mang tính hợp tác hơn. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạch định chính sách nói, suy nghĩ và hành động rất khác so với thời điểm cách đây 10 năm khi đề cập đến vấn đề bảo vệ tầng sinh quyển của Trái đất.
Năm 2009, ông đứng thứ 66 trong danh sách “Những người quyền lực nhất thế giới” theo bảng xếp hạng của Forbes
Năm 2011, ông sáng lập Cộng đồng Lãnh đạo toàn cầu (dành cho các nhà lãnh đạo tiềm năng trong độ tuổi từ 20 đến 30). Mục đích của tổ chức này là kết nối những người trẻ tuổi, để họ tạo ra những tuyên ngôn mạnh mẽ cho tương lai về các quá trình ra quyết định toàn cầu, khuyến khích họ tham gia vào các dự án xã hội thiết thực.
“Cách mạng 4.0 giống như sóng thần”
Schwab khuyến khích việc thành lập các tổ chức chuyên môn cung cấp kiến thức toàn cầu để hỗ trợ hoạt động của các nhà lãnh đạo. Trong số đó có Mạng lưới các Hội đồng Tương lai Toàn cầu, mạng kiến thức đa ngành quan trọng nhất thế giới dành riêng cho việc thúc đẩy tư duy sáng tạo để định hình một tương lai bền vững và toàn diện cho tất cả mọi người. Diễn đàn kết nạp hơn 700 thành viên, với trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ và các văn phòng ở New York, San Francisco, Bắc Kinh và Tokyo.
Trong suốt quá trình làm việc trên khắp thế giới, Schwab đã nhận được rất nhiều giải thưởng và vinh danh. Ông nắm giữ 17 vị trí tiến sĩ danh dự và huy chương danh dự quốc gia. Khi đã 70 tuổi, Schwab vẫn leo núi và tham gia vào cuộc chạy đua trượt tuyết xuyên quốc gia. Ông cũng được biết đến với khả năng nhảy rất cừ, điều mà ông đã chứng minh – và được ca ngợi hết lời – tại các bữa tiệc sự kiện hàng đêm. Ông cũng để gia đình hỗ trợ công việc của mình. Con gái của ông – Nicole – là Giám đốc sáng lập cộng đồng Lãnh đạo trẻ toàn cầu của WEF.
Ông là tác giả cuốn sách Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (2016), một trong những cuốn sách bán chạy nhất trên toàn thế giới được dịch sang 30 thứ tiếng.
Chia sẻ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông cho biết: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Nó sẽ không chỉ thay đổi cách chúng ta giao tiếp, cách chúng ta sản xuất, cách chúng ta tiêu dùng. Nó sẽ thay đổi chính chúng ta, cung cấp một cuộc sống hiện đại và phát triển như giao thông thông minh, chính phủ thông minh, thành phố thông minh. Mọi thứ sẽ được tích hợp vào một hệ sinh thái được vận hành bởi Big data và bởi sự hợp tác của chính phủ với: xã hội và doanh nghiệp.
Cuộc cách mạng này sẽ diễn ra rất nhanh chóng – giống như sóng thần. Trên thực tế, nó không chỉ là một cuộc cách mạng kỹ thuật số, mà còn là công nghệ nano và công nghệ sinh học. Những gì Diễn đàn kinh tế thế giới đang làm là thúc đẩy sự hợp tác công – tư để dẫn dắt cuộc cách mạng này”.”Chúng ta cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Tôi thấy rằng châu Á đang sở hữu một cơ cấu dân số tương đối trẻ – là lợi thế để có thể dễ dàng đương đầu với cuộc cách mạng hơn so với các khu vực khác”, Klaus Schwab nói.
Theo ông, để chuẩn bị cho cuộc cách mạng, điều đặc biệt quan trọng là hệ thống giáo dục, phải thay đổi hệ thống giáo dục hiện tại. Hệ thống giáo dục mới không những phải hướng tới việc phát triển khả năng kỹ thuật số mà còn nên bổ sung các tiêu chuẩn đạo đức và dựa trên một hệ thống giáo dục dài hạn.
Dự kiến vào tháng 10 năm nay, ông sẽ cho xuất bản cuốn sách thứ hai về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Định hình cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Shaping the Fourth Industrial Revolution).
Nguyễn Thái Quỳnh Trang
Theo Trí thức trẻ