Tin Việt Nam – 11/09/2018
Xử 5 công an đánh chết người tạm giữ
ở Ninh Thuận
Năm công an Thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận bị nghi đánh chết một công dân tại nhà tạm giữ vào tháng 9 năm ngoái sẽ bị đưa ra xét xử trong ngày 13 tháng 9 tới đây.
Luật sư Võ An Đôn, người được gia đình của nạn nhân ủy quyền tham gia phiên xử, xác nhận thông tin với Đài Á Châu Tự Do cũng như cho biết một nội dung hồ sơ vụ án mà ông đọc được:
“Nội dung hồ sơ mà tôi được đọc là vào khoảng 14 giờ ngày 8 tháng 9 năm 2017 bị can Võ Tấn Minh bị giữ tại Công an tỉnh Ninh Thuận được chuyển đến Nhà Tạm Giữ Công An thành phố Phan Rang, Tháp Chàm. Khi vào phòng thì bị can Võ Tấn Minh bị 3 người cùng phòng đánh. Lúc đó Trưởng Nhà Tạm giữ phát hiện và chỉ đạo cán bộ mời những người trong phòng lên làm việc. Khi anh Võ Tấn Minh làm việc tại Phòng Hỏi Cung đã bị cán bộ Phòng Hỏi Cung đánh. Có người dùng tay tát vào mặt, có người mang giày đá vào vùng bụng, vùng ngực, toàn thân; ngoài ra họ còn dùng một cây gỗ có bọc ống nhựa bên ngoài đánh khắp người anh Võ Tấn Minh. Sau đó họ còng hai tay anh ta treo lên song cửa sổ sắt, hai chân còng vào bàn hỏi cung. Một lát sau gỡ bị hại xuống thì chết rồi. Hồ sơ thể hiện như thế.”
Luật sư Võ An Đôn là người từng tham gia bào chữa cho nhiều nhà hoạt động bất đồng chính kiến cũng như vụ nạn nhân Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên cũng bị công an đánh chết tại nhà tạm giam. Do những hoạt động này ông bị Liên Đoàn Luật sư tước thẻ hành nghề.
Sau khi xảy ra vụ việc nạn nhân Võ Tấn Minh như vừa nêu, truyền thông trong nước loan tin dẫn phát biểu của ông Phạm Huyền Ngọc- Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận vào chiều ngày 19 tháng 9 năm ngoái rằng đã tạm đình chỉ công tác 5 ‘cán bộ, chiến sĩ bảo vệ tư pháp’ thuộc Công an Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm để điều tra nghi vấn đánh chết anh Võ Tấn Minh, 35 tuổi, tại Nhà Tạm Giữ.
Tin cũng cho biết Cơ quan Điều Tra của Viện Kiểm Sát Tối Cao cũng vào cuộc thụ lý điều tra vụ việc.
Đến ngày 24 tháng 11 năm 2017, Phó Giám Đốc Công An tỉnh Ninh Thuận, ông đại tá Huỳnh Cầm, cho báo giới biết Cơ Quan Điều Tra, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đã khởi tố, bắt giam hai cán bộ bảo vệ tư pháp Công an Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm là Hồ Bá Đồng và Ngô Văn Sáng với cáo buộc dùng nhục hình theo điều 298 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Ba cán bộ khác bị khởi tố cùng tội danh nhưng được tại ngoại.
Vụ việc anh Võ Tấn Minh được thông tin là vào tháng tư năm ngoái, Công an tỉnh Ninh Thuận bắt anh này và khởi tố về hành vi mua bán ma túy. Anh này bị giam ở huyện Thuận Bắc tỉnh Ninh Thuận.
Anh Võ Tấn Minh được di lý về Nhà Tạm Giữ Công an Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm vào sáng ngày 8 tháng 9 năm 2017. Sau nhiều giờ anh Võ Tấn Minh được chuyển đến Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận và chết vào lúc 17 giờ cùng ngày.
Luật sư Võ An Đôn cho biết chừng một tháng trước đó, tại Nhà Tạm Giữ của Công an Thành Phố Phan Rang- Tháp Chàm xảy ra vụ nạn nhân Nguyễn Hồng Đê tử vong.
Bộ Công An Việt Nam trong một báo cáo đưa ra vào tháng 3 năm 2015 nêu rõ trong thời gian từ 2011 đến 2014 có 226 người chết tại trại tạm giam. Lý do được nói vì bệnh lý hay tự sát.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vào tháng 9 năm 2014 công bố phúc trình mang tên ‘Công bất an: những vụ tử vong khi bị tạm giam, tạm giữ và vấn nạn công an bạo hành tại Việt Nam’. Phúc trình đưa ra một số trường hợp điển hình về nạn công an bạo hành dẫn đến tử vong hay hay chấn thương nặng những người bị giam giữ từ tháng 8 năm 2010 đến tháng 7 năm 2014.
Từ đó đến nay nạn công an bạo hành khiến người bị giam giữ tử vong ngay tại trại tạm giam vẫn không chấm dứt.
Kêu gọi bãi bỏ cáo buộc
đối với thành viên Hội Anh Em Dân Chủ
Cơ quan chức năng Việt Nam cần phải bãi bỏ tất cả những cáo buộc đối với ông Nguyễn Trung Trục và trả tự do ngay lập tức cho ông này. Lý do là vì ông Nguyễn Trung Trực chỉ hoạt động ôn hòa đòi hỏi các quyền của con người.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vào ngày 11 tháng 9 ra thông cáo báo chí với kêu gọi như vừa nêu. Thông cáo được đưa ra một ngày trước phiên xử ông Nguyễn Trung Trực, dự kiến diễn ra vào ngày 12 tháng 9 tại Quảng Bình.
Theo ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc Khu vực Châu Á của Human Rights Watch thì ông Nguyễn Trung Trực là một nạn nhân nữa trong chiến dịch mà chính phủ Việt Nam tiến hành nhắm vào những người vận động cho nhân quyền và dân chủ.
Ông Phil Robertson nhấn mạnh: “Đất nước Việt Nam giờ đây đang trở thành một nhà tù khổng lồ cho bất kỳ người nào lên tiếng phản đối chính quyền hay hoạt động nhằm thúc đẩy các quyền con người cơ bản.”
Đây là phiên xử thứ 9 các thành viên và cựu thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức cổ xúy cho quyền con người tại Việt Nam.
Phó Giám đốc Khu vực Á Châu của Human Rights Watch cũng nêu lên tình trạng hội Anh em Dân chủ đang bị đàn áp liên tục, chính quyền Việt Nam tìm cách trừng phạt những người lãnh đạo Hội vì dám vận động cho các quyền tự do cơ bản để cất lên tiếng nói, tham gia một tổ chức và biểu tình ôn hòa.
Ông Nguyễn Trung Trực, năm nay 44 tuổi, từng bị Malaysia trục xuất về nước năm 2012 sau khi tham gia vào Phong trào Chấn Hưng Nước Việt.
Tháng 4 năm 2016 ông trở thành phát ngôn nhân của Hội Anh em dân chủ sau 1 năm là thành viên.
Đến tháng 8 năm 2017 ông Trực bị bắt với cáo buộc “Hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Báo Pháp luật thành phố khi đó dẫn thông tin từ cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình cho hay, kết quả điều tra ban đầu xác định: Nguyễn Trung Trực là một trong những người cầm đầu của Hội Anh em Dân chủ và giữ vai trò cốt cán, đã có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Theo kế hoạch phiên xử ông Nguyễn Trung Trực được dự định diễn ra vào ngày 17 tháng 8 nhưng sau đó tòa hủy đột ngột không rõ nguyên do.
Một trong những sáng lập viên của Hội Anh Em Dân Chủ, Luật sư Nguyễn Văn Đài, bị tuyên án 15 năm tù sau hơn 2 năm bị bắt và Việt Nam đưa ông từ nhà tù sang Đức.
Thứ trưởng Thông tin Truyền thông bị kỷ luật
Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Phạm Hồng Hải vừa bị Thủ tướng ban hành quyết định kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính vì những sai phạm liên quan đến việc MobiFone mua lại 95% cổ phần công ty Truyền hình An Viên AVG.
Mạng báo VNExpress loan tin này vào ngày 10/9, cho biết thêm ông Hải đã vi phạm quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, giám sát, để công ty MobiFone vi phạm nghiêm trọng, gây nguy cơ thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng.
Trước đó, Ủy Ban Kiểm tra trung ương đã có kết luận về những sai phạm của một loạt các quan chức trong Bộ Thông tin Truyền thông liên quan đến vụ việc MobiFone mua AVG.
Ngoài ông Phạm Hồng Hải, hai ông Cựu Bộ Trưởng Bộ Thông tin- Truyền Thông là ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cũng bị kỷ luật. Ông Trương Minh Tuấn bị kỷ luật khi đương nhiệm và được chuyển về Ban Tuyên Giáo Trung Ương.
Vụ Mobifone mua công ty truyền hình An Viên (AVG) khởi đầu từ khoảng thời gian năm 2014 khi ông Nguyễn Bắc Son là Bộ trưởng TTTT và ông Trương Minh Tuấn làm Thứ trưởng lúc bấy giờ. Tin nói Mobifone bỏ ra gần 9.000 tỷ đồng để mua AVG trong khi công ty này liên tục thua lỗ. Vào tháng 7/2016, Văn phòng Trung ương đảng cộng sản Việt Nam truyền đạt chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc tiến hành thanh tra toàn diện nội dung Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Ban Bí thư trung ương đảng hôm 8/3 vừa qua xác định đây là vụ án rất nghiêm trọng, phức tạp và nhạy cảm.
Kết luận của thanh tra chính phủ hôm 14/3 vừa qua xác định vụ mua bán giữa Mobifone và AVG là rất nghiêm trọng và đề nghị Thủ tướng chính phủ giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ vụ án.
Trước khi có kết luận của thanh tra chính phủ, AVG và Mobifone đã nhóm họp hôm 12/3/2018 để thống nhất chấm dứt hợp đồng mua bán và AVG sẽ hoàn trả lại đầy đủ số tiền Mobifone đã thanh toán. Theo truyền thông trong nước đến ngày 2/5, phía AVG đã hoàn tất việc trả lại số tiền Mobifone bỏ ra mua 95% cổ phần của AVG.
Sách về thảm sát Gạc Ma
ra đời đầy gian truân, nay bị thu hồi
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam mới đây đề nghị các tỉnh, thành phố thu hồi một cuốn sách nói về sự kiện quân Trung Quốc thảm sát các binh sĩ Việt Nam hồi năm 1988 để chiếm đảo đá Gạc Ma.
Các báo mạng Việt Nam đưa tin hôm 11/9 rằng Cục Xuất bản, In và Phát hành của bộ đã gửi công văn từ hôm 31/8 đến các sở thông tin và truyền thông của các tỉnh, thành phố “đề nghị kiểm tra, rà soát và thu hồi” cuốn sách có tên “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử”. Lý do được đưa ra về việc thu hồi cuốn sách là “để ngăn chặn việc phát tán cuốn sách có nội dung sai sót nêu trên ra thị trường”.
Cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” chỉ mới được phát hành cách đây hơn 2 tháng, vào đầu tháng 7/2018, ít ngày trước dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ của Việt Nam, 27/7.
Sách do hai nhà xuất bản là Văn học và First News-Trí Việt liên kết in ấn và phân phối. Ở thời điểm sách ra đời, nhiều người và báo giới gọi cuốn sách là một phần của các hoạt động tri ân 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam “đã anh dũng hy sinh vì biển đảo tổ quốc” trong sự kiện tại Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Các tài liệu của Việt Nam nói cách đây hơn 30 năm, khi lính công binh Việt Nam cắm cờ và xây dựng tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao “để khẳng định chủ quyền của Việt Nam”, 3 tàu chiến Trung Quốc đã nổ súng, giết chết 64 binh sĩ Việt Nam khi đó đứng thành một vòng tròn che chắn cho quốc kỳ. Sau biến cố đẫm máu này, Trung Quốc làm chủ Gạc Ma, Việt Nam giữ hai đảo đá còn lại.
Kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào cuối năm 1991, truyền thông chính thức của Việt Nam hầu như không nhắc đến các xung đột quân sự giữa hai nước trong 3 thập niên cuối thế kỷ 20 ở biên giới và trên Biển Đông.
Báo chí bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ chỉ thỉnh thoảng nói về các sự kiện đó trong vài năm gần đây, mỗi khi có căng thẳng giữa hai nước khi Trung Quốc gia tăng các hành động hung hăng để đòi chủ quyền ở Biển Đông có nhiều tranh chấp.
Sách về cuộc thảm sát Gạc Ma bắt đầu được viết vào năm 2014, sau sự kiện Trung Quốc đưa một dàn khoan vào hoạt động trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, gây ra một làn sóng phản đối dữ dội chưa từng có ở nhiều tỉnh, thành Việt Nam.
Tuy nhiên, cuốn sách có sự đóng góp của 68 người, gồm các nhà nghiên cứu lịch sử và chính các cựu chiến binh trở về từ Gạc Ma, phải mất 4 năm mới có thể ra đời, sau “hàng trăm lần chỉnh sửa” và “đi qua 14 nhà xuất bản”, theo các bản tin hồi đầu tháng 7/2018.
Chỉ khoảng 3 tuần sau khi sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được phát hành, ngày 16/7, Nhà xuất bản Văn học đã ra thông báo về việc tạm dừng phát hành để “đính chính, sửa chữa” cuốn sách.
Theo tôi, chắc là vì nhóm lợi ích nào đấy nó bị đụng chạm thì nó đòi thu hồi cuốn sách chứ cũng chẳng có gì vi phạm cả. Nhưng mà nó đụng chạm đến một thế lực nào đấy. Sách vướng có một câu thôi. Câu ấy chẳng có gì nặng nề cả.
Nhà văn Phạm Viết Đào
Trong một thông cáo báo chí trước đó ít ngày, nhà xuất bản này nói họ “xin được đính chính ở 8 trang”, và một trong những điểm cần đính chính là lời kể của cựu binh tại Gạc Ma có tên Nguyễn Văn Lanh về lệnh “không được nổ súng” vào quân Trung Quốc sẽ được sửa thành “không được nổ súng trước”.
Đây cũng là chi tiết đã dẫn tới việc đông đảo những người được xem là thân chính quyền đã lên tiếng trên mạng xã hội để chỉ trích, thóa mạ nặng nề những người viết, biên soạn cuốn sách, phần nào tác động đến việc dừng phát hành sách.
VOA đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc công ty First News, để hỏi phản ứng của ông về việc Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương thu hồi cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, song ông từ chối trả lời, với lý do “bận họp”.
Một cựu cán bộ của Bộ Văn hóa Việt Nam, nhà văn Phạm Viết Đào, chia sẻ với VOA nhận định của ông về việc nhà chức trách ra lệnh thu hồi sách:
“Theo tôi, chắc là vì nhóm lợi ích nào đấy nó bị đụng chạm thì nó đòi thu hồi cuốn sách chứ cũng chẳng có gì vi phạm cả. Nhưng mà nó đụng chạm đến một thế lực nào đấy. Sách vướng có một câu thôi. Câu ấy chẳng có gì nặng nề cả”.
Nhà văn từng bị bỏ tù vì viết blog “nói xấu” đảng, nhà nước nói thêm rằng ở thời điểm hiện nay khó tiên liệu được bước tiếp theo của việc thu hồi sách có phải là cấm hẳn nó hay không. Ông Đào cho rằng trong nội bộ chính quyền Việt Nam đang có “năm bè, bảy mối” về hành xử thế nào đối với Trung Quốc, do đó “khó đoán” về số phận cuốn sách.
Cuốn sách về sự kiện bi tráng đã được độc giả đón nhận nhiệt tình ngay khi xuất hiện trên thị trường. Các báo cho hay tính đến ngày 10/7, chỉ sau 5 ngày được phép phát hành, 10.000 cuốn sách đã được bán hết.
Ngoài ra, đại diện Nhà xuất bản Fortis ở Mỹ đã tới Việt Nam gặp công ty sách First News – Trí Việt, bàn thảo việc mua bản quyền ngôn ngữ tiếng Anh của “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” để xuất bản tại Mỹ, theo tin của Zing.vn hôm 9/7.
Tin cho hay, số tiền từ việc chuyển nhượng bản quyền cuốn sách sang tiếng Anh, xuất bản, phát hành tại Hoa Kỳ sẽ được “đóng góp để hỗ trợ gia đình của các cựu binh và liệt sĩ Gạc Ma”.
Vỡ hồ chứa chất thải
nhà máy phân bón ở Lào Cai
Hồ chứa chất thải của Nhà máy DAP số 2 ở Lào Cai vừa qua bị vỡ khiến khoảng 45.000 m3 nước và chất thải tràn ra môi trường.
Truyền thông trong nước vào ngày 10 tháng 9 cho biết hiện Công an Lào Cai đang điều tra vụ việc.
Cụ thể vào ngày 7/9 đập hồ chứa chất thải của Nhà máy DAP số 2 thuộc công ty Vinachem, tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, Lào Cai bị vỡ.
Bãi thải này nằm sát tỉnh lộ 151, chiều dài thân đập bị vỡ khoảng 50m. Sự cố vỡ đập không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên làm ảnh hưởng đến gần 40 hộ dân ở thị trấn Tằng Loỏng, vì lượng nước thải và bùn tràn ra ngoài môi trường khoảng 45.000m3 được cơ quan chức năng xác định có đặc tính axit, với PH=1,9.
Hiện công an tỉnh Lào Cai vẫn chưa công bố chính thức nguyên nhân vỡ đập hồ chứa thải, và hiện đang tiếp tục điều tra vụ việc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/waste-dam-broke-at-dap2-company-09112018084535.html
Nghi vấn nhà máy Alumin Nhân Cơ xả thải
Vào ngày 9 tháng 9, dòng suối chảy qua địa bàn huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông bỗng dưng biến thành màu đỏ, khiến người dân địa phương lo lắng vì cho rằng nhà máy alumin Nhân Cơ gần đó xả thải ra môi trường.
Trả lời báo chí trong nước hôm 11/9, ông Mai Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông cho biết, nước chảy ra suối có màu đỏ là nước rửa quặng từ hồ tuyển quặng đuôi của Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Theo ông Thắng, nước này không phải là bùn đỏ, không có hóa chất nên sẽ không gây hại cho môi trường.
Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết từ lâu nay nhưng chưa bao giờ thấy suối có nước màu đỏ như vậy và rất mong cơ quan chức năng điều tra vụ việc.
Trả lời truyền thông trong nước hôm 11/9, ông Lê Mai Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp cũng cho rằng, do mương xả tràn trên đập hồ tuyển quặng đuôi Nhà máy Alumin Nhân Cơ bị tràn nên nước rửa quặng chảy ra ngoài nên nước có màu đỏ chứ không phải là bùn đỏ.
Vấn nạn bùn đỏ của nhà máy khai thác bauxite từng được nêu ra khi dự án mới được khởi động.
Nghi vấn cá chết do nước rỉ bãi rác Nam Sơn
Báo mạng Tài Nguyên & Môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường cho hay cá của người dân nuôi tại khu vực Sóc Sơn, Hà Nội bị chết hàng loạt, mà nguyên nhân có thể là do nước thải từ khu xử lý rác sinh hoạt Nam Sơn gần đó gây ra.
Tờ báo trích lời một người dân nuôi cá, cho biết là bị thiệt hại đến 40 triệu đồng do cá bị chết. Người dân này nói rằng cá được nuôi tại một con suối mà nước thải khu xử lý nước rỉ rác của nhà máy rác Nam Sơn chảy ra.
Theo nhiều người dân ở đây thì mỗi lần mưa to nước rỉ rác lại chảy ra rất hôi thối.
Đại diện chính quyền địa phương thì nói với báo chí rằng đã gửi kiến nghị lên chính quyền cấp cao và các đơn vị xử lý rác nhưng chưa được trả lời.
Bãi rác Nam Sơn tọa lạc tại Huyện Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội.
Đây không phải là lần đầu tiên cư dân địa phương cho rằng nhà máy rác đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Hồi năm 2017, do rác bốc mùi hôi trong, dân chúng Sóc Sơn đã chận đường trong nhiều ngày không cho xe đổ rác từ Hà Nội đến đổ rác vào bãi rác này.
Và tình trạng ô nhiễm do rác sinh hoạt không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở Đa Phước, Sài Gòn, và tại Quảng Ngãi vừa qua dân chúng cũng tiến hành biểu tình phản đối rất dữ dội chuyện nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm.
Quyền được biết và giáo dục VN
thời ‘Buôn chữ Bán sách’
Nguyễn Quang DuyGửi tới BBC Tiếng Việt từ Melbourne, Úc
Sau 40 năm dạy thử, đến nay bộ tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vẫn tiếp tục được dạy “thí điểm” cho 800.000 học sinh tiểu học – tự nó đã là một vấn đề xã hội đáng quan tâm.
Cách dạy đánh vần C, K, Q đều là “cờ” và cách dạy tiếng Việt theo hình vuông, tròn, tam giác cũng sau 40 năm mới được đem ra tranh cãi cho thấy câu chuyện không đơn giản chút nào.
Tiếng Việt thời ‘Công nghệ giáo dục’
Chi phí giáo dục ở nơi nào đắt nhất?
Cái giá phải trả khi đất nước thay đổi chữ viết
Ưu tiên điểm thi đến mấy đời con cháu
Hiểu rõ về nhóm lợi ích và phương cách bảo vệ lợi ích bên trong ngành giáo dục sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về tình trạng giáo dục “buôn chữ, bán sách” tại Việt Nam.
Nhóm lợi ích thời toàn trị
Tại miền Bắc trước 1975, giáo dục và đào tạo con người hoàn toàn nằm trong kế hoạch Nhà nước.
Ai được đi học? Học cái gì? Học như thế nào? Học ở đâu? Học ai? Học để làm gì? Tùy thuộc vào Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
Nội dung dạy, sách giáo khoa, phương cách giảng dạy, trường lớp, đến cuộc sống cả của thầy giáo lẫn học trò đều được Đảng và Nhà nước lo cho.
Khi học xong có sẵn vị trí được Đảng và Nhà nước thu xếp để đi làm.
Trên lý thuyết guồng máy chịu ảnh hưởng kế hoạch hóa kiểu Liên Xô. Nhưng trên thực tế giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ, chính trị, tư tưởng nói chung toàn là xã hội miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc.
Ngành giáo dục được hoàn toàn định hướng theo lợi ích của Đảng và của Nhà nước nên khi ấy lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm còn rất hạn chế.
Nhóm lợi ích bắt đầu công khai
Theo tin trên báo chí, giáo sư Hồ Ngọc Đại là con rể của Tổng Bí thư Lê Duẩn, được gởi học ở Trung Quốc rồi tiếp tục sang Liên Xô du học.
Gian lận điểm, nỗi xấu hổ giáo dục Việt Nam
Giáo dục Hà Giang có ‘gian lận điểm thi’
Ông Nhạ ‘không thể không chịu trách nhiệm’
Ngay khi về nước năm 1978, ông được Liên Xô tài trợ mở Trường Thực nghiệm Giảng Võ dạy theo phương cách thực nghiệm của Liên Xô.
Bộ tài liệu dạy tiếng Việt hình vuông, tròn, tam giác đã bắt đầu mang vào thử nghiệm ngay khi trường được mở.
Nhưng vì số lượng học sinh có giới hạn nên việc chọn học sinh vào trường theo tiêu chuẩn quen biết và gởi gấm. Kết quả là hầu hết học sinh là con em trong ngành giáo dục.
Trường Thực Nghiệm Giảng Võ một hình thức công khai đầu tiên của nhóm lợi ích. Liên quan đến lợi ích tinh thần hơn là tiền bạc.Nguyễn Quang Duy
Trường Thực Nghiệm Giảng Võ một hình thức công khai đầu tiên của nhóm lợi ích. Liên quan đến lợi ích tinh thần hơn là tiền bạc.
Thầy được dạy điều mình tin không dạy theo Nghị quyết. Phụ huynh được chọn lựa việc học cho con em.
Nếu nhóm lợi ích mang lợi ích thiết thực cho xã hội thì đó là một điều đáng mừng.
Nhóm lợi ích phát triển
Để thống nhất giáo dục, bộ sách giáo khoa đầu tiên được soạn dạy bắt đầu từ năm 1981 hoàn tất năm 1992.
Mặc dù là con rể của Lê Duẩn nhưng cách suy nghĩ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là cách suy nghĩ phản giáo dục chính thống, phản giáo dục cách mạng không tuân theo Nghị Quyết như ông đã bộc lộ trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 15/6/2014:
“Chúng ta dạy hiện nay là dạy bắt chước, bắt chước thế nào cho khéo nhất và như vậy như việc chúng ta dạy khỉ.”
Cách suy nghĩ này động chạm đến chuyên môn và quyền lợi của trường phái chính thống muốn bảo vệ giáo dục mang nặng dấu ấn Trung Quốc thời Mao Chủ Tịch và của đa số giới chức cầm quyền thời đó.
Thời kỳ này, Liên Xô suy yếu và cuối cùng sụp đổ. Trong khi đó Trung Quốc đang cải cách, vươn lên, nên ý thức hệ chính thống hoàn toàn thắng thế.
Nhờ là con rể của Lê Duẩn nên ông mới không bị đi học tập cải tạo, nhưng phương cách thực nghiệm và sách giáo khoa của ông được đưa ra biên giới dạy cho trẻ em vùng núi.
Cha mẹ các em vùng núi không nói tiếng Việt, không biết chữ viết. Con em họ được đến trường có miếng ăn là họ mừng rồi.
Đến năm 1989, Trường Thực nghiệm Giảng Võ cũng trở thành trường Trung học Phổ thông Thực nghiệm.
Từ năm 1980, việc cho mướn, bán sách giáo khoa, thu phí, học thêm, chạy tiền để con được đi học chỗ tốt đã bắt đầu hoạt động công khai. Đồng tiền bắt đầu ảnh hưởng nhóm giáo dục chính thống.
Rõ ràng nhóm lợi ích trong ngành giáo dục đã tồn tại từ lâu, không như một số người cho rằng nhóm lợi ích chỉ bắt đầu khi Việt Nam theo kinh tế thị trường.
Ba lần thay sách giáo khoa
Lần thay sách giáo khoa thứ nhất 1981-1992 vừa xong, tháng 10/1993 Bộ Giáo Dục đã vay được 78 triệu Mỹ kim từ Ngân hàng Thế giới cho Dự án Phát triển Giáo dục. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có nhiều khoản vay khác từ nguồn vốn ODA để phục vụ cùng mục tiêu.
Chương trình đổi mới giáo dục và sách giáo khoa cho ra bộ sách giáo khoa thứ hai 1996-2008.
Gây tốn kém ngân sách nhưng bộ sách giáo khoa mới bị chỉ trích là không có gì mới lạ, vẫn rập khuôn sao chép bộ giáo khoa cũ với nhiều lầm lỗi nghiêm trọng.
Quốc hội khóa 10 năm 2000 thông qua Nghị quyết 40 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, quy định cả nước chỉ dùng chung một bộ sách giáo khoa và bảo vệ Bộ Giáo dục độc quyền trong việc in và bán sách giáo khoa cũng như tìm viện trợ ODA từ quốc tế.
Bộ sách giáo khoa thứ hai vừa xong năm 2008 thì Bộ Giáo dục lại bắt đầu thực hiện Đề án Đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa một lần nữa.
Đề án bắt đầu soạn vào năm 2009, đưa ra từ 2011, được duyệt từ 2014 và bắt đầu áp dụng từ niên khóa 2019-20.
Trường học mới Việt Nam
Khoảng năm 2010, Bộ Giáo dục còn nhận được từ Quỹ hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên hiệp quốc tài trợ 84,6 triệu Mỹ để đầu tư cho Giáo dục tiểu học xây dựng Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam.
Mô hình ‘Trường học mới’ được thí điểm tại 1447 trường tiểu học trên toàn quốc.
Trường học mới bắt đầu từ lớp 2. Lớp 1 là các lớp thí điểm học sách giáo khoa công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Tài liệu Trường học mới dạy dựa trên sách lớp 2 một số môn học tại Colombia rồi biên soạn lại dựa vào bộ sách giáo khoa chính thống.
Mô hình Trường học mới bị chỉ trích là không hơn gì loại Trường học cũ thậm chí còn kém hơn vì thiếu ngân sách, thiếu sửa soạn, thiếu huấn luyện, được áp dụng tràn lan và ý thức hệ không có gì thay đổi.
Tài liệu Công nghệ Giáo dục
Giáo sư Hồ Ngọc Đại công khai cho biết Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã “lách luật”, cho phép dạy “thí điểm” các tài liệu Công nghệ Giáo dục.
Các tài liệu này không phải là sách giáo khoa nên chỉ được dạy “thí điểm”, nhưng chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi còn tại chức xuống tận các địa phương để đẩy mạnh chương trình thí điểm nhằm “buôn chữ, bán sách”.
Rõ ràng nhóm lợi ích khai thác Công nghệ Giáo dục đã ảnh hưởng lên tới tận Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và cả Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi cho phép tiếp tục “thí điểm” trên 800.000 học sinh.
Chỉ riêng năm học 2018-19 có 800.000 học sinh được dạy thí điểm. Mỗi bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục giá 340.000 đồng nếu 800.000 phụ huynh phải bỏ ra mua sách thì đã lên đến 272 tỷ đồng.
Xã hội cần được biết rõ ai là người hưởng lợi về tiền bạc từ các quyết định thí điểm nàyNguyễn Quang Duy
Số tiền không phải là nhỏ chưa kể ngân sách và ưu đãi dành cho việc dạy Công nghệ Giáo dục.
Vì vậy, xã hội cần được biết rõ ai là người hưởng lợi về tiền bạc từ các quyết định thí điểm này.
Giáo dục thực nghiệm
Phương cách Công nghệ Giáo dục được Giáo sư Đại giải thích như sau:
“Học sinh tự học hết, giáo viên chỉ hướng dẫn quá trình tự học, hướng dẫn học sinh tự làm lấy bài vở, nhà trường lo hết việc giáo dục, về nhà học sinh không cần phải học thêm.”
50 năm về trước trên Đài Truyền hình Sài Gòn băng tầng số 9 đã có chương trình ‘Học mà chơi – Chơi mà học’ dạy theo phương cách thực hành cho học sinh xem chơi, nên người miền Nam trước 1975 đã biết về giáo dục thực hành.
Tìm hiểu về Thầy Đại tôi nhận ra khá nhiều suy nghĩ của thầy Đại về giáo dục thật ra không hơn gì phe chính thống.
Lấy thí dụ Thầy Đại là Thầy Đại, còn trăm nghìn các cô các thầy dạy thực nghiệm khác họ là con người, nên mỗi người truyền đạt giáo dục mỗi khác họ không thể theo mô hình Thầy Đại đưa ra hay lấy Thầy Đại làm gương được.
Tôi được hưởng nền giáo dục tự do ở miền Nam tự do, ở đó mỗi thầy mỗi cô dạy mỗi khác và đều được học trò kính mến một cách khác nhau.
Có được sống tự do mới hiểu thế nào là tự do và hiểu tại sao người miền Nam chúng tôi đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do.
Tại Úc học sinh tiểu học không sử dụng sách giáo khoa.
Mỗi ngày các em đến lớp cô thầy phát cho tài liệu được in bằng máy photocopy xong hướng dẫn các em cho đến khi cả lớp nắm vững bài học. Về nhà các em không cần ôn bài, làm bài gì nữa.
Các em lớp lớn mỗi tuần tự chọn sách truyện mang về tự đọc xong vào lớp kể lại hay thảo luận với bạn bè.
Cha mẹ chỉ có mỗi việc là ký xác nhận các em ở nhà có tự đọc sách.
Thầy cô không cho điểm nhưng cuối mỗi học kỳ có đánh giá việc học các em gởi về cho cha mẹ. Giáo viên có gặp riêng cha mẹ và học sinh để nâng đỡ các em khi cần.
Nền giáo dục Úc dựa trên nguyên tắc tổ chức bất vụ lợi (non-profit organisation) trái ngược với hiện trạng “buôn chữ, bán sách” như tại Việt Nam ngày nay. Bài tới tôi sẽ chia sẻ bạn đọc đề tài này.
Tôi được dạy đếm và dạy làm toán cộng trừ bằng bó đũa trước khi được dạy số dạy tính toán cộng trừ bằng số.
Bởi thế phương cách dạy tiếng Việt theo hình vuông, tròn, tam giác theo tôi nghĩ chẳng có gì là mới lạ.
Điều đáng nói là phương cách này đã được “thí điểm” trên hằng triệu trẻ em từ 40 năm qua mà cả xã hội không hề hay biết vì không hề được Giáo sư Đại đem ra công khai bàn luận.
Giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội không phải của riêng những người làm chuyên môn hay của thể chế chính trị.
Giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội không phải của riêng những người làm chuyên môn hay của thể chế chính trị. Việc sách giáo khoa phải được Bộ Giáo dục kiểm duyệt là lý do chính trị không phải về chuyên mônNguyễn Quang Duy
Việc sách giáo khoa phải được Bộ Giáo dục kiểm duyệt là lý do chính trị không phải về chuyên môn.
Thầy cô và phụ huynh chính là những người có bổn phận và trách nhiệm chọn sách giáo khoa, chọn phương cách dạy, chọn trường lớp và ngay cả chọn một nền giáo dục cho học sinh.
Phụ huynh có bổn phận và trách nhiệm chọn thầy cô thích hợp cho con em mình.
Thầy cô cũng phải được quyền từ chối dạy các em không thích hợp với lớp họ dạy.
Ngày nay nhiều phụ huynh có tiền gởi con em ra nước ngoài học vì họ không còn tin vào giáo dục tại Việt Nam.
Tại Việt Nam ngày nay có khá nhiều trường tư thục ngoại quốc dạy theo chương trình ngoại quốc nên những trường thực nghiệm được hoạt động là chuyện bình thường.
Giáo sư Ngô Bảo Châu học chữ vuông, tròn
Giáo sư Hồ Ngọc Đại vừa rồi thố lộ “Ngô Bảo Châu không phải học trò tôi tự hào nhất mà là một cậu sửa xe”.
Lời thổ lộ này nếu là người khác không có gì đáng nói. Nhưng với một người thầy một người làm giáo dục lại công khai so sánh trò này với trò khác theo tôi là một điều không nên.
Riêng với Thầy Đại lại còn mâu thuẫn với chủ trương không chấm điểm học trò.
Thầy Đại còn cho biết “Kỳ 1 của lớp Giáo sư Ngô Bảo Châu không học chữ mà chỉ học hình vuông, tròn”, nhưng lại không nói rõ có phải là nhờ học Trường Thực nghiệm Giảng Võ năm 1978 mà Giáo sư Châu trở nên nổi tiếng hay không.
Giáo sư Ngô Bảo Châu được đào tạo chuyên môn và thành công tại Pháp, một môi trường giáo dục hoàn toàn khác với môi trường giáo dục Việt Nam.
Riêng Giáo sư Ngô Bảo Châu đã có lần ‘bật mí’ về nguyên nhân chinh phục toán học của mình là vào năm học lớp 6, khi ấy 12 tuổi:
“Tôi may mắn được học với các thầy cô giáo giỏi, tâm huyết với học trò khi học cấp 2. Các thầy cô đã khuyến khích, giúp tôi đối diện với thách thức, làm tôi tự ái khi thi trượt vào lớp chuyên. Bởi khi gặp lại, các thầy cô đều nói với tôi rằng: Em rất ít có cơ hội vào lớp đó. Điều này khiến tôi không muốn gặp lại giáo viên của mình và vùi đầu vào… học, đấy cũng là lý do khiến tôi yêu thích môn toán hơn”.
Về sách giáo khoa trong một bài viết trên báo Tuổi trẻ ngày 11/5/2014, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho ý kiến nên: “… công bố hoàn toàn nội dung sách giáo khoa lên mạng.”
Mọi sách giáo khoa kể cả tài liệu Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục đều được soạn từ ngân quỹ quốc gia nên lẽ ra mọi người được quyền in để sử dụng, việc độc quyền xuất bản rồi bán như hiện nay là hoàn toàn sai trái.
Cần thay đổi thể chế
Việt Nam ngày nay kinh tế mở cho một nhóm người đi buôn quyết định, trong khi chính trị vẫn đóng do một nhóm người cầm quyền quyết định nên các nhóm lợi ích mới cấu kết tranh nhau tiếp tục đưa trẻ em ra làm vật thí nghiệm.
Tiếng nói của người dân trong việc đóng thuế, chi thu ngân sách, vay mượn quốc tế hầu như không có.
Tiếng nói của Nghiệp đoàn Giáo chức đại diện cho thầy cô tầng lớp bị ảnh hưởng trực tiếp các cuộc tranh giành phe nhóm trong ngành giáo dục hầu như không có.
Tiếng nói của Hội Phụ huynh học sinh về thân phận họ và số phận con em mình bị liên tục mang ra làm thí nghiệm cũng hầu như không có.
Ý thức hệ và guồng máy đã hỏng nên càng “cải cách” lại càng sa lầy, vì thế việc thay đổi thể chế là một nhu cầu thiết yếu cho Việt Nam.
Có thay đổi thể chế mới có được một nền giáo dục tự do và lành mạnh đào tạo những thế hệ tiếp nối đầy đủ đức, trí và tài vừa giữ gìn đất nước vừa đưa đất nước đi lên kịp đà tiến bộ của nhân loại.
Bài thể hiện quan điểm riêng và văn phong của người viết. BBC Tiếng Việt luôn hoan nghênh các ý kiến tranh luậnvề giáo dục và các vấn đề liên quan. Hãy gửi bài về cho chúng tôi theo địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45475741
Việt Nam không cho giới hoạt động
nhân quyền quốc tế nhập cảnh dự WEF
Hai nhà hoạt động nhân quyền có tiếng người nước ngoài không được Việt Nam cho phép nhập cảnh để tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới về ASEAN sẽ diễn ra trong tuần này tại Hà Nội.
Tổ chức Ân Xá Quốc tế (Amnesty Inernational) vào sáng ngày 10 tháng 9 ra thông cáo báo chí cho hay ông Minar Pimple – Giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu của tổ chức nhân quyền này bị từ chối không cho nhập cảnh Việt Nam. Động thái này diễn ra sau khi an ninh sân bay Nội bài vừa câu lưu và sau đó trục xuất bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền – FIDH.
Ông Minar Pimple là một thành viên của ban lãnh đạo cao cấp của Ân xá Quốc tế, được mời tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 sắp diễn ra tại Hà Nội và dự định sẽ có bài phát biểu về sự đa dạng và đa nguyên tại sự kiện này thế nhưng đã bị từ chối cho tham dự.
Theo thông cáo báo chí của Amnesty International thì ban tổ chức của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã liên lạc với chính phủ Việt Nam và được trả lời rằng visa của ông Pimple đã bị liệt vào danh sách cần phải từ chối tương tự trường hợp của bà Debbie Stothard.
Ông Kumi Naidoo, Tổng thư ký của Ân xá Quốc tế tuyên bố phản đối quyết định cấm nhập cảnh Việt Nam đối với ông Minar Pimple. Lập luận được nêu ra vì biện pháp như thế nhằm bóp nghẹt tiếng nói của một người có đóng góp thường xuyên đối với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, người đã lên tiếng cho nhân quyền ở mức độ cao nhất trên toàn thế giới. Điều này xảy ra trong bối cảnh quyền tự do biểu đạt đang bị đe dọa nghiêm trọng tại Việt Nam. Hành động này của chính quyền Việt Nam phá hoại một sự kiện vốn dựa trên sự đa dạng về quan điểm, và họ đang phá hỏng thanh danh của ASEAN.
Ân xá Quốc tế cũng cảnh báo rằng luật An Ninh Mạng vừa mới được thông qua hồi tháng 6 sẽ trở thành mối đe dọa đối với các quyền tự do biểu đạt trên không gian mạng.
Vào khoảng 15 giờ ngày 9 tháng 9 năm 2018, cơ quan An ninh cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài cũng ra quyết định cấm nhập cảnh và tạm giữ bà Debbie Stothard – Tổng Thư ký Liên Đoàn Quốc tế về Nhân Quyền đang đến Hà Nội để tham dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018.
Tài khoản Twitter của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngay sau đó có trả lời là họ đã được nghe về việc người đứng đầu FIDH bị từ chối nhập cảnh để tham dự Diễn đàn về kinh tế lớn nhất thể giới này và đã yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng lời mời của WEF, tạo điều kiện cho bà Debbie Stothard được tham dự cuộc họp.
Theo biên bản cấm nhập cảnh ký tên cán bộ Nguyễn Ngọc Quyết, dưới sự chứng kiến của đại diện hãng hàng không JetStar Pacific được bà Stothard đăng trên facebook, thì bà Deborah Christine Stothard (Debbie Stothard) thuộc diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam theo điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật này đã được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2014 và có hiệu lực đầu năm 2015 quy định những trường hợp không được nhập cảnh vào Việt Nam trong đó có điều khoản không được nhập cảnh “vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ được Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia – Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018.
Theo báo chí trong nước thì đây là sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018.
Bà Debbie Stothard, người Malaysia, trở thành Tổng Thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền FIDH (tổ chức có gần 10 năm hoạt động) từ tháng 11/2010. Bà trước đó là một nhà hoạt động tích cực có 32 năm kinh nghiệm thúc đẩy nhân quyền ở Miến Điện và khu vực Đông Nam Á.
VN xuất than sang TQ
nhưng lại nhập về với giá cao hơn
Việt Nam xuất khẩu than sang Trung Quốc nhưng đồng thời lại nhập than từ Hoa Lục về với giá cao hơn.
Tổng Cục Hải quan Việt Nam được trích dẫn cho biết trong 7 tháng đầu năm, VN tăng nhập khẩu than lên 49%, kim ngạch tăng 71%. Số than được VN nhập về chủ yếu là từ Trung Quốc, đắt hơn nhiều so với các nước khác, chẳng hạn như than của TQ có giá 8,2 triệu đồng/ tấn trong khi than của Indonesia chỉ có 1,6 triệu đồng/ tấn.
Một báo cáo của Tổng cục Hải quan hồi tháng 5 vừa qua cho thấy giá nhập khẩu than là 2,67 triệu đồng/ tấn, thấp hơn 330.000 đồng so với giá xuất khẩu. Các nhà phân tích cho rằng điều này cho thấy VN xuất khẩu loại than có giá trị và nhập khẩu than chất lượng thấp về sử dụng.
Than được nhập về chủ yếu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, các ngành luyện kim, trong đó có nhà máy gang thép Formosa từng gây thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung kể từ tháng tư năm 2016.
VN chủ yếu nhập mặt hàng than cám chất lượng thấp từ Trung Quốc, trong khi xuất sang Hoa Lục những loại than chất lượng như antraxit, than đá vỉa, than cốc.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng giá các mặt hàng TQ bán cho VN thường cao hơn nhiều so với các thị trường khác và cao hơn giá mà chính Hoa Lục nhập khẩu từ Việt Nam.
Báo chí VN từng đưa tin về tình trạng tồn đọng hàng tấn than trong nước nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhập về. Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ đầu năm nay đã kiến nghị Bộ Công an điều tra thất thoát hàng ngàn tỷ đồng tại Tập đoàn Than – Khoáng sản VN, lên đến 15.000 tỷ đồng.
Cũng trong 8 tháng đầu năm nay, Bộ Công thương VN đã xuất khẩu hơn 1,7 triệu tấn than, trị giá 224 triệu đô la, tăng 27,4% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu than chủ yếu của VN là Nhật Bản, Nam Hàn và Ấn Độ. VN dự tính sẽ khai thác 41,5 triệu tấn than trong năm nay, tăng hơn 9% so với năm ngoái và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ khai thác 86,4 triệu tấn, đến năm 2030 là 256 triệu tấn than.
Quốc hội sẽ không bàn về dự luật Đặc Khu
trong kỳ họp thứ 6
Dự án Luật Đơn Vị Hành Chính- Kinh tế Đặc biệt, thường được gọi tắt là Dự luật Đặc Khu, tạm thời chưa được trình Quốc Hội tại kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc vào ngày 20 tháng 10 tới đây.
Tại buổi họp vào chiều 11/9 cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ 6, khóa 14, ông Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc cho biết như vừa nêu. Theo ông này thì việc lùi như thế nhằm có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện.
Dự án Luật Đặc Khu bị nhiều người dân trong nước phản đối mạnh mẽ. Lý do được nêu ra vị trí của ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là những nơi có tầm quan trọng chiến lược. Bên cạnh đó những ưu đãi và thời gian cho thuê đất đặc khu đến 99 năm là những điều kiện để đối tượng trục lợi gây khuynh đảo Việt Nam.
Vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, khi Quốc hội Việt Nam Khóa 14 đang họp kỳ thứ năm, nổ ra đợt biểu tình chống hai dự luật Đặc Khu và An Ninh mạng tại nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Đây là đợt biểu tình được nhận định lớn nhất ở Việt Nam kể từ năm 1975.
Ngoài Dự án luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, Quốc hội Việt Nam trong kỳ họp thứ 6 sắp đến cũng chưa bàn Dự án luật Phòng chống tác hại của rượu bia; Dự án luật Hành chính công; Báo cáo kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội.
Về công tác nhân sự, theo ông Tổng Thư Ký Nguyễn Hạnh Phúc và cả bà chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân thì trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội Việt Nam cũng dự kiến miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông của ông Trương Minh Tuấn ngay trong ngày khai mạc, đồng thời Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn bổ nhiệm tân bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng vào ngày 23/10.
Ông Trương Minh Tuấn bị Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền Thông nhiệm kỳ 2016 – 2021 hôm 23/7/2018 với cáo buộc có những vi phạm rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước liên quan vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty Cổ Phần Nghe Nhìn Toàn Cầu hay Truyền hình An Viên- AVG.
Vụ việc khởi đầu từ khoảng thời gian năm 2014 khi ông Nguyễn Bắc Son là Bộ trưởng TT-TT và ông Trương Minh Tuấn làm Thứ trưởng.
Tin nói Mobifone bỏ ra gần 9.000 tỷ đồng để mua AVG trong khi công ty này liên tục thua lỗ. Vào tháng 7/2016, Văn phòng Trung ương đảng cộng sản Việt Nam truyền đạt chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc tiến hành thanh tra toàn diện nội dung Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Ban Bí thư trung ương đảng hôm 8/3 vừa qua xác định đây là vụ án rất nghiêm trọng, phức tạp và nhạy cảm.
Kết luận của thanh tra chính phủ hôm 14/3 vừa qua xác định vụ mua bán giữa Mobifone và AVG là rất nghiêm trọng và đề nghị Thủ tướng chính phủ giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ vụ án.
Trước khi có kết luận của thanh tra chính phủ, AVG và Mobifone đã nhóm họp hôm 12/3/2018 để thống nhất chấm dứt hợp đồng mua bán và AVG sẽ hoàn trả lại đầy đủ số tiền Mobifone đã thanh toán. Theo truyền thông trong nước đến ngày 2/5, phía AVG đã hoàn tất việc trả lại số tiền Mobifone bỏ ra mua 95% cổ phần của AVG.
Vào ngày 10 tháng 9, Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Phạm Hồng Hải bị kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính theo Quyết định của Thủ tướng vì những sai phạm liên quan đến việc MobiFone mua lại 95% cổ phần công ty Truyền hình An Viên AVG.
Mạng báo VNExpress loan tin này vào ngày 10/9, cho biết thêm ông Hải đã vi phạm quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, giám sát, để công ty MobiFone vi phạm nghiêm trọng, gây nguy cơ thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng.
Tin cho biết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 sẽ diễn ra trong 23 ngày. Khai mạc ngày 22/10 và bế mạc ngày 20/11. Trong đó, xây dựng luật 12 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác 9 ngày; khai mạc, bế mạc 1,5 ngày.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến chương trình họp sẽ được điều chỉnh theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về từng nội dung rồi mới gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Hai cơn bão lớn chuẩn bị đổ vào biển Đông
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5 (Barijat) và siêu bão Mangkhut có khả năng sẽ tiến vào Bắc biển Đông trong khoảng 4 ngày tới.
Đó là thông báo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Việt Nam loan đi vào hôm 11/9.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam thông báo lúc 1 giờ trưa 11/9 cho biết bão số 5 cách đảo Hải Nam khoảng 780 km về phía Đông Đông Bắc với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự đoán cho biết bão số 5 sẽ di chuyển về hướng Tây và sẽ cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 270km vào ngày 13/9. Sức gió mạnh nhất vùng gần bão dự đoán mạnh cấp 9, giật cấp 12 vào ngày 13/9.
Cơ quan chức năng cũng lên tiếng cho biết cơn bão Mangkhut trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương vào chiều 11/9 đã đạt cấp siêu bão với sức gió vùng tâm bão mạnh cấp 16. Dự báo siêu bão này sẽ di chuyển về Bắc biển Đông trong 4 ngày tới.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng có công điện yêu cầu các bộ ngành, các tỉnh miền Bắc, địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam chuẩn bị công tác ứng phó.