Đọc báo Pháp – 10/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 10/09/2018

Cường quốc hải quân Trung Quốc

mạnh đến mức nào ?

Anh Vũ

Trung Quốc, Nga và Mỹ vẫn là những tâm điểm thời sự của các báo Pháp. Báo Le Monde đặc biệt chú ý đến Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự. Nhật báo Pháp có bài viết dài về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhất là lực lượng hải quân, khiến Mỹ không thể không quan tâm.

Thực sự thì sức mạnh trên biển của Trung Quốc đã tiến đến đâu và mục đích để làm gì ? Đặc phái viên của Le Monde, Brice Pedroletti, trong bài « Trung Quốc, cường quốc hải quân nổi lên ở phương Đông », cho thấy « hải quân Trung Quốc đã được hiện đại hóa đáng kể từ năm 2010. Tại Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ Dương, hải quân Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận ngày càng quy mô và hiện đại. Đó là điều báo động  Washington ».

Nhắc lại hình ảnh Trung Quốc phô trương sức mạnh hải quân gần đây, hồi tháng 4/2018, chủ tịch Tập Cận Bình trong bộ đồ lính rằn ri, có mặt trên chiến hạm Trường Sa, trực tiếp phát lệnh mở màn cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có ngoài khơi đảo Hải Nam. Những hình ảnh đó đã được truyền hình trực tiếp cùng với lời tuyên bố đầy tự đắc của ông Tập trên cương vị tổng chỉ huy quân đội rằng : « Giờ đây hải quân Trung Quốc đã trỗi dậy với một hình ảnh mới hoàn toàn ». Tác giả bài báo nhận định « tham vọng cường quốc hải quân của Trung Quốc đang vượt ra ngoài lĩnh vực phòng thủ bờ biển hay kiểm soát vùng biển của họ, mà bao gồm cả nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích Trung Quốc ở nước ngoài ».

Theo Le Monde, những tiến bộ nhanh chóng của hải quân Trung Quốc được thúc đẩy mạnh từ năm 2012, năm ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo tối cao trong đảng và quân đội. Từ đó đến nay hạm đội tàu chiến Trung Quốc đã được bổ sung thêm hơn 20 chiếc, trong đó đặc biệt có tàu sân bay Liêu Ninh, được tân trang từ tàu cũ mua lại của Ukraina.

Hơn chục ngày sau cuộc tập trận khổng lồ nói trên, ngày 23/04/2018, một chiếc tàu sân bay thứ 2, lần này do Trung Quộc tự đóng, được chạy thử ngoài khơi thành phố Đại Liên (đông Trung Quốc). Hiện tại Hải quân Trung Quốc đã có hơn 300 chiến hạm. Không chỉ tăng trưởng về số lượng, đội tàu này đang được hiện đại hóa, khiến giới quan sát phải sửng sốt.

Bài báo dẫn nhà sử học hải quân thuộc Bộ Quốc Phòng Pháp, Alexandre Sheldon-Duplaix, nhận định, trong lĩnh vực hải quân, « người Mỹ luôn nói rằng người Trung Quốc đi chậm hơn hai chục năm. Nhưng giờ không phải thế. Kết hợp hiện đại hóa với tăng số lượng, ta có thể nói hải quân Trung Quốc đang đứng thứ 2 thế giới, trên cả hải quân Nga ». Nhà nghiên cứu này giải thích thêm : « Trung Quốc vẫn còn yếu về hạng mục tàu ngầm hạt nhân các loại so với Mỹ cũng như Nga cả về công nghệ cũng như số lượng.Tuy nhiên trong hạng mục khu trục hạm, tuần dương hạm, tàu tác chiến, hải quân Trung Quốc đã đạt trình độ gần như ngang bằng với các nước phương Tây ». Trong những thập kỷ tới, Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục đóng thêm tới 4 -5 chiếc hàng không mẫu hạm, dựa trên mô hình của Mỹ hiện tại.

Theo tác giả bài báo, điều đáng báo động đối với Mỹ không phải là những tiến bộ về kỹ thuật, công nghệ của hải quân Trung Quốc, mà là ở chiến lược bành trướng quốc tế. Điều này đã được Bắc Kinh nêu rõ trong sách trắng về chiến lược quân sự, theo đó « mối quan tâm lớn » của Trung Quốc là « lợi ích của họ ở nước ngoài và bảo đảm an toàn các tuyến đường thông thương chiến lược trên biển ». Trung Quốc đang khẩn trương triển khai việc mở căn cứ quân sự ở Djibouti. Tất cả mới chỉ là những bước chuẩn bị cho các chiến dịch ở xa biên giới của họ trong tương lai.

Trang bị ồ ạt và lỗ hổng kinh nghiệm

Mặc dù vậy theo các chuyên gia, « mặc dù có sự lột xác kỳ diệu như hiện tại, hải quân Trung Quốc vẫn thiếu nghiêm trọng kinh nghiệm tác chiến. » « Trung Quốc cho đóng các tàu chiến lớn, hiện đại, nhưng thường là không có đủ kiến thức để sử dụng các công nghệ mà họ đang sở hữu »,một chuyên gia về hải quân châu Âu nhận định.

Hồi tháng 5 vừa qua, tổng thống Mỹ, Donald Trump quyết định không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế Rimpac, để cảnh cáo việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Hải quân Trung Quốc như vậy đã mất đi một cơ hội lớn để tích lũy kinh nghiệm tác chiến quy mô quốc tế. Trung Quốc chỉ còn có hải quân Nga, để có thể tập dượt cùng ở trình độ chuyên môn cao. Hai nước này vẫn thường xuyên có các cuộc diễn tập chung, như tại Địa Trung Hải năm 2015, Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) vào năm 2016 hay 2017 ở biển Baltic và biển Nhật Bản.

Theo bài báo, hải quân Trung Quốc đẩy mạnh các chuyến hoạt động xa khơi và các cuộc diễn tập ngày càng hiện đại trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Từ năm 2012, Bắc Kinh đã dựng lên một tuyến phòng thủ hải quân ngoài khơi xa, bằng việc bồi đắp, biến 7 bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa thành các cơ sở quân sự phục vụ cho hải quân. Mục đích là trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, đó sẽ là các chốt ngăn chặn Mỹ vào Biển Đông, đặc biệt là tiếp cận với Đài Loan.

Đáp lại, hải quân Mỹ củng cố mối liên minh trong vùng. Năm nay bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương của Mỹ (Pacom) đổi tên thành USS-Indopacom, tức thêm phần Ấn Độ Dương. Hải quân Mỹ vẫn trêu ngươi Trung Quốc bằng những chiến dịch nhân danh « tự do lưu thông hàng hải » trên Biển Đông, đưa tàu tuần tra trong vùng biển, mà Mỹ coi là của quốc tế nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền.

Trong cuộc cạnh tranh ở châu Á này, hải quân Mỹ vẫn còn tiến trước xa so với Trung Quốc. Hải quân Mỹ hiện diện trên quy mô toàn cầu với các hạm đội cùng 18 nghìn lính triển khai ở nhiều vùng biển. Mỹ vẫn còn nhiều căn cứ quân sự lớn ở nước ngoài, với một lực lượng không quân hùng hậu có thể hỗ trợ cho tác chiến trên biển.

Le Monde rút ra nhận xét : « Thực tế, Bắc Kinh chắc chắn không lao vào cuộc đấu để thay thế Washington trong vai trò sen đầm thế giới, nhưng họ đã cho thấy rõ ý đồ muốn phổ biến các chuẩn mực, giá trị theo mô hình toàn trị của họ ».

Nga mời Trung Quốc tập trận lớn

để chứng tỏ không đơn độc

Vẫn liên quan đến các cuộc tập trận phô trương sức mạnh quân sự, nhật báo Le Monde còn có bài « Trò chơi chiến tranh Nga-Trung tại Siberi ». Bài báo đề cập đến sự kiện bắt đầu từ ngày 11/9 đến 15/9, Matxcơva phối hợp với Bắc Kinh tổ chức cuộc tập trận có quy mô lớn nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã.

Theo như thông báo của quân đội Nga từ đầu tháng này, cuộc tập trận năm nay huy động 1000 máy bay các loại, 36 nghìn chiến xa gồm xe tăng, xe bọc thép, xe pháo binh, 80 tàu chiến. Trung Quốc cử 3200 quân cùng hàng chục máy bay tham gia tập trận chung với Nga.

Mặc dù cả Trung Quốc và Nga đều khẳng định đây là hoạt động hợp tác quân sự thường kỳ giữa hai nước. Nhưng Theo le Monde, « với Kremlin, điều quan trọng nhất là chứng minh rằng nước Nga không bị cô cập trên phương diện ngoại giao cũng như quân sự ».

Từ khi bị phương Tây trừng phạt vì can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraina, tổng thống Vladimir Putin không ngừng tăng cường hợp tác nhiều mặt với láng giềng Trung Quốc.

Bắc Triều Tiên :

Lễ kỷ niệm mang nhiều thông điệp

Liên quan đến bán đảo Triều Tiên, nhiều tờ báo Pháp ra hôm nay đều chú ý đến sự kiện « diễu binh không tên lửa » trong lễ kỷ niệm 70 ngày thành lập chế độ Bình Nhưỡng hôm qua (09/09/2018) với cùng một nhận xét là Kim Jong Un đã tỏ « khiêm nhường » hơn.

Le Figaro ghi nhận không giống như vào các dịp kỷ niệm trọng đại trước, lần này Bình Nhưỡng đã tỏ ra kiềm chế không phô trương sức mạnh hạt nhân với các đầu đạn tên lửa liên lục địa, các vũ khí hủy diệt hạng nặng trong cuộc diễu binh truyền thống. Động thái này của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng được cho là phù hợp với những biến chuyển tình hình trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang có chiều hướng bế tắc.

Theo Le Figaro, với việc tạm cất các vũ khí răn đe vào kho, chế độ Kim Jong Un một lần nữa cho thấy họ làm chủ về truyền thông và tiến trình sự việc, tránh gây tổn hại đến hình ảnh một chế độ đang thiện chí giải quyết hồ sơ hạt nhân.

Điểm mới nữa của lễ kỷ niệm lần này là lãnh tụ Bắc Triều Tiên có mặt trên khán đài, nhưng nhường quyền đọc diễn văn cho nhân vật thứ 2 Kim Yong Nam, chủ tịch Quốc Hội, với nội dung đặt trọng tâm ưu tiên phát triển kinh tế. Một hình ảnh khác mang nhiều hàm ý được tờ báo ghi nhận đó việc ông Kim Jong Un, giương cao tay nắm với ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), nhân vật được coi là số 3 của chế độ Bắc Kinh, sang Bình Nhưỡng dự kỷ niệm. Giới quan sát đánh giá đó là hành động chứng tỏ quan hệ với láng giềng lớn đã ấm lại nhanh chóng, vì mục đích kinh tế cấp bách đồng thời gửi một thông điệp đến Mỹ rằng Bắc Triều Tiên không để bị cô lập hoàn toàn.

Le Figaro nhận định, sự suy yếu về kinh tế sẽ khiến cho phạm vi hành động ngoại giao của Bình Nhưỡng bị co hẹp lại và như vậy sẽ góp phần làm các cuộc đàm phán hạt nhân lâm vào bế tắc hơn. Bình Nhưỡng muốn nhanh chóng gỡ bỏ trừng phạt để giải tỏa nền kinh tế, nhưng vẫn vấp phải « bức tường » mang tên Donald Trump. Biết được điểm yếu và để đề phòng khủng hoảng, lãnh tụ Bắc Triều Tiên hiểu phải chú trọng quan hệ với tổng thống Mỹ, đồng thời cũng rất rắn trong thương lượng. Thứ Tư vừa rồi, Kim Jong Un khi tiếp đặc sứ của tổng thống Hàn Quốc, vẫn khẳng định lại cam kết ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. « Nhưng ông cũng kêu gọi Washington cũng phải dịu xuống, để đáp lại các nỗ lực của Bắc Triều Tiên từ đầu năm đến giờ. Điểm mấu chốt của vấn đề là ở Washington và Bình Nhưỡng », Le Figaro kết luận.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180910-cuong-quoc-hai-quan-trung-quoc-manh-den-muc-nao

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Bắc Kinh đóng cửa một hội thánh Tin Lành « ngầm » thuộc hạng lớn nhất Trung Quốc.

Lý do đưa ra vào hôm qua, 09/09/2018, là hội Thánh Zion hoạt động không giấy phép. Hội thánh này đã được chính quyền làm ngơ cho hoạt động trong nhiều năm, nhưng bắt đầu bị gây khó khăn từ tháng Tư, sau khi từ chối không cho chính quyền lắp đặt camera ngay trong giáo đường.

(AFP) – HRW : Cần trừng phạt Trung Quốc về tội đàn áp người Hồi Giáo ở Tân Cương. 

Trong thông cáo công bố hôm 10/09/2018, Human Rights Watch đã báo động về sự kiện cả triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tùy tiện trong những trại « chống khủng bố », phải học tập cải tạo… HRW cho rằng cộng đồng quốc tế phải áp dụng một số « biện pháp trừng phạt có trọng điểm », nhắm vào các quan chức Trung Quốc có liên quan đến đàn áp tại Tân Cương.

(Reuters) – Úc chủ trì thao diễn hải quân quốc tế với 27 nước tham gia. 

Mở ra từ ngày 31/08, đợt thao diễn cứu hộ và cứu nạn trên biển Kakadu KA-18 do Úc tổ chức hai năm một lần, sẽ kết thúc ngày 15/09/2018. Cuộc diễn tập với quy mô rầm rộ, huy động cả hải quân lẫn không quân, diễn ra ngoài khơi cảng Darwin, miền bắc nước Úc, gần với Biển Đông. Thao diễn quy tụ 23 tàu mặt nước, một tàu ngầm và 21 phi cơ tham gia, cùng với hơn 3.000 người đến từ 27 quốc gia. Giới quan sát đặc biệt ghi nhận sự kiện lần đầu tiên Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập do Úc tổ chức.

(AFP) – Nga dấn thân vào tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. 

Một ngày trước khi chính thức khai mạc diễn đàn kinh tế Vladivostock (11-13/09/2018), tổng thống Putin kể từ hôm nay 10/09/2018, bắt đầu tham khảo ý kiến nhiều nhà lãnh đạo, từ Trung Quốc đến Nhật Bản và Hàn Quốc, về tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Nguyên thủ Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ họp thượng đỉnh lần thứ ba từ ngày 18 đến 20/09/2018 tại Bình Nhưỡng.

(AFP) – Trump hài lòng vì Bắc Triều Tiên tránh phô trương tên lửa nhân ngày  Quốc Khánh. 

Trong tin nhắn trên Twitter ngày 09/09/2018 tổng thống Mỹ “cảm ơn chủ tịch Kim” đã tránh phô trương tên lửa liên lục địa, trong buổi lễ diễu hành mừng 70 năm lập quốc. Nhà Trắng xem đây là một “thông điệp mạnh” của chế độ Bình Nhưỡng về quyết tâm phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

(AFP) – Tân Cao Ủy Nhân Quyền LHQ kêu gọi đẩy mạnh điều tra về tội ác của quân đội Miến Điện với người Rohingya. 

Phát biểu lần đầu tiên trong cương vị Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 10/09/2018 tại Genève, bà Michelle Bachelet kêu gọi quốc tế lập một cơ quan chuyên thu thập những bằng chứng về “những tội ác nghiệm trọng nhất”. Mục tiêu sau cùng là nhằm “thúc đẩy thủ tục pháp lý” trên hồ sơ này. Bà Bachelet mong muốn đưa vấn đề người Rohingya ra thảo luận trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

(Reuters) – Hơn 80 dân biểu Anh bỏ phiếu chống kế hoạch Brexit của thủ tướng May. 

Cựu bộ trưởng đặc trách về hồ sơ Brexit của Anh, Steve Baker, ngày 10/09/2018 cho biết thủ tướng May đang vấp phải sự chống đối mạnh mẽ nhất từ ngay trong nội bộ đảng bảo thủ. Có không dưới 80 đại biểu Quốc hội Anh trong đảng của Theresa May báo trước sẽ bỏ phiếu chống. Thủ tướng May đang yếu thế trước đại hội đảng, dự trù mở ra vào cuối tháng 9.

(Reuters) – Thêm một đợt bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ngày 10/09/2018 Ankara bắt giữ hơn 50 người bị tình nghi có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen, kẻ thù không đội trời chung của tổng thống Erdogan. Từ sau vụ đảo chính hụt hồi tháng 7/2016 Ankara đã bắt giữ 160 ngàn người vì lý do âm mưu lật đổ chế độ. 50 ngàn trong số đó đã chính thức bị buộc tội đe dọa an ninh quốc gia và đang chờ ngày bị đem ra xét xử.

(AFP) – Con số mới nạn nhân trận động đất tại đảo Hokkaido, miền bắc Nhật Bản. 

Ngày 10/09/2018 chính phủ Nhật thông báo 44 người thiệt mạng, 1 người mất tích trong trận động đất hồi tuần trước tại đảo Hokkaido. Khoảng 40 ngàn nhân viên cứu hộ, lính cứu hỏa vẫn có mặt tại hiện trường, để khắc phục hậu quả động đất.

(AFP) – Brazil : Bị đâm, ứng cử viên cựu hữu tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử tổng thống trên mạng internet. 

Một tháng trước bầu cử tổng thống Brazil, ứng viên Jair Bolsonaro đang được điều trị tại bệnh viện từ sau khi bị đâm hôm 06/09/2018. Ông hiện dẫn đầu các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu với khoảng 22 % cử tri ủng hộ. Nhưng ở vòng hai, dù phải đối mặt với bất kỳ ứng viên nào, Bolsonaro cũng sẽ bị loại. Do vậy, từ giường bệnh ở Sao Paulo, ông tiếp tục điều hành chiến dịch vận động tranh cử qua mạng xã hội.

(AFP) – Chủ nhân Alibaba nghỉ hưu năm tới. 

Sau khi bất ngờ thông báo về hưu, ông Jack Ma – Mã Vân, 54 tuổi, sáng lập viên hệ thống mua bán trên mạng, trong thông cáo chính thức đề ngày 10/09/2018 cho biết sẽ rút lui khỏi hội đồng quản trị Alibaba vào tháng 9/2019. Đúng một năm nữa, nhà tỷ phú Trung Quốc này sẽ nhường chức chủ tịch cho nhân vật số 2 của tập đoàn, ông Daniel Zhang. Từ năm 2015 Daniel Zhang, 46 tuổi, giữ chức tổng giám đốc Alibaba.

(AFP) – Ấn Độ tăng giá xăng dầu, hàng ngàn người biểu tình phản đối. 

Ngày 10/09/2018, hưởng ứng kêu gọi của đảng Quốc Đại thuộc phe đối lập Ấn Độ, hàng ngàn người dân xuống đường trên toàn quốc để phản đối chính sách tăng giá xăng dầu của thủ tướng Modi. Tại một số địa phương, người biểu tình đốt lốp xe, phá hoại các trạm xăng và chiếm đóng đường rày xe lửa. Ấn Độ phải nhập khẩu xăng dầu để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ trong nước. New Delhi phải đối mặt với hai khó khăn cùng lúc : giá dầu trên thế giới tăng cao và đồng tiền quốc gia mất giá so với đô la.

(AFP) – Novak Djokovic vô địch giải quần vợt Mỹ mở rộng 2018. 

Sau hơn ba giờ đấu ngày 09/09/2018 tại Flushing Meadows, tay vợt người Serbia Djokovic hạ Juan Martin del Potro của Achentina với tỷ số 6-3 /7-6 và 6-3. Djokovic đang trở lại đỉnh cao sau khi đã đoạt chức vô địch tại Wimbledon, Anh Quốc hồi tháng 7 vừa qua. Cũng trong mùa thi đấu ở giải US Open năm nay, nữ vận động viên Mỹ Serena Williams bị phạt 17.000 đô la, vì thái độ khiếm nhã, thóa mạ trọng tài trong trận chung kết. Trong trận đấu này, cô đã bị thua tay vợt Nhật Bản Naomi Osaka.

(AFP) – Nga cáo buộc Mỹ dùng vũ khí hóa học tại Syria. 

Trong thông cáo ngày hôm qua 09/09/2018, tướng Vladimir Savtchenko khẳng định hai chiến đấu cơ F-15 của Mỹ đã không kích địa phương Hajin, vùng Deir Ezzor bằng đạn phóng hỏa có chứa chất phosphore. Cũng liên quan đến Syria, chính quyền Berlin hôm nay 10/09/2018 cho biết đang đàm phán với các đồng minh về khả năng Đức can thiệp quân sự, nếu như Damas sử dụng vũ khí hóa học tại tỉnh Idlib.

(AFP) – Giải Liên Đoàn các Quốc gia UEFA : Đội tuyển bóng đá Pháp thắng Hà Lan. 

Sau trận hòa 0-0 trong trận ra quân gặp Đức, đương kim vô địch thế giới Pháp đã quyết tâm chiến thắng Hà Lan trên sân Stade de France và đã thành công, với hai bàn thắng của Mbappé (phút 14) và Giroud (phút 75). Đội Pháp đã trấn an được giới hâm mộ, nhờ một đấu pháp tấn công hiệu quả, với Kylian Mbappé sắc bén như thông lệ, và nhất là hạn xui của tiền đạo Giroud được giải, với bàn thắng đầu tiên sau 8 trận không ghi được bàn nào trong mầu áo đội tuyển.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180910-tin-doc-nhanh