Tin Việt Nam – 08/09/2018
Công bố ‘nhiều sai phạm’
trong quy hoạch KĐT Thủ Thiêm
Kết luận của Thanh tra chính phủ công bố tối 7/9 về Khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm cho hay có nhiều sai phạm trong quy hoạch và đền bù, theo truyền thông Việt Nam.
Cuộc thanh tra được tiến hành trong hai tháng, từ 15/5 – 11/7, việc ‘hoàn thiện và lấy ý kiến các bên’ diễn ra hai tháng sau đó, trước khi được công bố chính thức.
Theo kết luận này, quyết định của Thủ tướng chính phủ năm 1996 phê duyệt quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm theo bản đồ 1/5.000 là ‘đúng thẩm quyền’.
Vụ Thủ Thiêm: ‘Dân mất, chính quyền cũng mất’
Thủ Thiêm: Hòn ngọc bị đánh cắp?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo vụ Thủ Thiêm
KĐT mới Thủ Thiêm và Khu tái định cư có tổng diện tích 930ha, nằm bên bờ đông sông Sài Gòn, được kỳ vọng trở thành một trung tâm hành chính, thương mại cao cấp của thành phố và có vị trí quốc tế.
Nhưng khi thực hiện, các đơn vị chịu trách nhiệm liên quan đã để xảy ra nhiều sai sót, bản kết luận thanh tra cho hay.
Việc xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài, hàng trăm người có nhà bị thu hồi sống trong cảnh tạm bợ 20 năm qua, theo truyền thông Việt Nam.
Không trong quy hoạch vẫn mất nhà
Kết luận thanh tra cho hay, có chín hộ dân bị thu hồi nhà dù không nằm trong quy hoạch. Đó là các hộ thuộc Khu phố 1, phường Bình An.
Ranh giới, vị trí quy hoạch không được nêu đầy đủ trong các văn bản của UBND TP Hồ CHí Minh. Không có các bản đồ quy hoạch gốc như bản đồ quy hoạch 1/5.000.
Việc điều chỉnh diện tích và ranh giới khu quy hoạch 1/2.000 do UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Kiến trúc sư trưởng phê duyệt năm 1998 là không đúng thẩm quyền.
Quyết định của Kiến trúc sư trưởng năm 1998 ghi vị trí giới hạn không đúng so với bản đồ thực địa là một trong các nguyên nhân dẫn đến người dân khiếu nại về ranh quy hoạch và đền bù, giải phóng mặt bằng.
Không đủ đất tái định cư
Kết luận của Thanh tra chính phủ cho hay việc UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi 930 ha đất năm 2002 mà không xác định ranh giới, vị trí khu tái định cư, là chưa đủ cơ sở pháp lý, thiếu căn cứ thực hiện, không xác định đúng, đủ diện tích đất cần để tái định cư theo quy hoạch.
Việc giải phóng mặt bằng và đền bù trong 15 năm qua không dược thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Giải phóng mặt bằng mà không có kế hoạch xây nhà tái định cư trước, dẫn đến khiếu nại về chế độ, chính sách đền bù.
Khu tái định cư 160ha không nêu cụ thể vị trí, ranh giới, không có hồ sơ, quy hoạch kèm theo, và cũng không được Bộ Xây dựng thẩm định.
UBND TP Hồ Chí Minh sử dụng đất tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào nhiều mục đích khác, dẫn đến không đủ đất để bố trí tái định cư cho dân, phá vỡ không gian quy hoạch.
Quá trình giao đất cho doanh nghiệp cũng có nhiều sai phạm, như không có hợp đồng vẫn giao đất, sử dụng đất không đúng giấy phép kinh doanh, tính tiền sử dụng đất không đúng quy định…
Thanh tra chính phủ kiến nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thẩm định, lưu trữ hồ sơ, bản vẽ, trong phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất, đền bù, tái định cư.
Đồng thời, Thanh tra chính phủ cũng yêu cầu TP Hồ Chí Minh rà soát từng trường hợp khiếu nại cụ thể để có hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng, chấm dứt khiếu nại.
Người dân nói gì?
Ông Nguyễn Văn Lung, một trong những cư dân Thủ Thiêm từng đi khiếu kiện 20 năm ròng, nói ông ‘vui mừng’. Và với kết luận này, ông tin mình sẽ thắng trong phiên tòa ngày 19/9 sắp tới, theo Zing.vn.
Đây là phiên tòa xét xử vụ khiếu kiện về quyết định hành chính của UBND quận 2, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND quận 2 và bồi thường thiệt hại do ban hành quyết định trái luật.
Ông Lung nói ông tin với kết luận này, ông sẽ chứng minh được nhà ông lẽ ra không bị thu hồi vì không nằm trong quy hoạch.
Nhưng ông cũng nói bản kết luận này mới chỉ nhắc đến 9 hộ dân Khu phố 1, phường Bình An bị di dời sai, còn hơn 100 hộ khác cũng ở khu phố này thì không được nhắc đến.
Cũng theo ông Lung, sau kết luận của Thanh tra chính phủ, còn phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng. Ông nói điều bà con Thủ Thiêm mong chờ nhất là cách thức, phương án giải quyết, bồi thường cho người dân, và xử lý những người làm sai.
Trong khi đó, bà Lê Thị The (75 tuổi), nói với Zing.vn rằng bà ‘buồn’ chứ không lấy gì làm vui. Bởi vì nhà bà ở Khu phố 1, phường Bình An, nằm trong số 100 hộ dân không được nhắc đến.
Bà nói chắc bà lại phải ra Hà Nội khiếu kiện tiếp. “Hết đời người rồi cũng không biết có đòi lại được gì cho con cháu không,” Zing.vn dẫn lời bà The.
20 năm khiếu kiện
Hồi đầu tháng Năm, dư luận Việt Nam bắt đầu quan tâm tới việc chính quyền TP.HCM công khai thừa nhận “chưa tìm thấy” bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm kèm theo Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng.
Bản đồ quy hoạch này được xem là tài liệu quan trọng để giải quyết khiếu nại kéo dài của nhiều hộ dân bị thu hồi đất trên phạm vi đất đai thuộc quy hoạch.
Truyền thông Việt Nam cho hay đã có 15.000 hộ dân bị di dời khỏi bán đảo Thủ Thiêm, với chi phí 30.000 tỉ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.
Nhưng còn không ít hộ dân tiếp tục khiếu nại, cho rằng nhà họ không nằm trong quy hoạch, và bồi thường di dời không thỏa đáng. Họ cũng yêu cầu chính quyền cung cấp tấm bản đố 1996 để xác định diện tích và ranh giới quy hoạch.
Cuộc tiếp xúc cử tri ngày 9/5 của đại biểu Quốc Hội trở thành buổi đối thoại với người dân Thủ Thiêm, với nhiều người dân khóc, ngất xỉu, khi trình bày nỗi oan mất đất hơn 20 năm qua.
Truyền thông Việt Nam thời điểm đó cho hay vấn đề này dân Thủ Thiêm cho hay đã khiếu nại hơn 20 năm qua, nhưng đây là “lần đầu tiên chính quyền lắng nghe”,
Các ý kiến trên mạng xã hội thời điểm đó thì cho rằng trong vụ Thủ Thiêm không chỉ tài sản, sinh kế, yên bình, tương lai, hy vọng, uy tín, mà niềm tin cũng đã bị đánh mất.
Mạng xã hội nói gì?
Facebooker Nguyễn Tường Minh viết: “Cuối cùng Thanh tra Chính phủ cũng đã “chỉ mặt đặt tên” những sai phạm tại Thủ Thiêm, đã kết luận rằng dân Thủ Thiêm đúng, chính quyền TP Hồ Chí Minh sai!”
“Dẫu hành trình công lý còn nhiều chông gai, nhưng bản kết luận này là nền tảng, là “chìa khóa” pháp lý mở ra nhiều cánh cửa quan trọng nhất để các cơ quan tố tụng và các cấp xử lý nghiêm minh những kẻ đã gây ra oan khuất cho người dân Thủ Thiêm suốt 2 thập niên, lấy lại công bằng và niềm tin từ dân.”
Facebooker Nguyễn Sin bình luận: “Nói về Thủ Thiêm là nói về tội ác! Cuối cùng thì Thanh Tra chính phủ cũng đã kết luận Thủ Thiêm có sai phạm, điều mà người dân Thủ Thiêm mong chờ cả chục năm qua.”
“Ở thời đương nhiệm của ông Lê Thanh Hải – Lê Hoàng Quân, dù bà con có kêu gào cách mấy thì sự việc Thủ Thiêm vẫn bị dập tắt, tắt một cách có chủ đích.”
“Bạn cứ thử nghĩ đi, gia đình bạn đang sống yên ổn hạnh phúc, bị chính quyền địa phương tới cưỡng chế hết nhà cửa, sau đó bồi thường cho bạn số tiền chỉ đủ để xây cái chòi ở tạm bợ, liệu bạn có chấp nhận được không?”
“Họ lấy danh nghĩa phục vụ lợi ích đất nước, sau đó phân lô bán nền. Họ lấy quy hoạch về một Thủ Thiêm toàn màu hồng để đẩy người dân vào cảnh lầm than, thật đê hèn và độc ác.”
“Tôi đi gặp bà con Thủ Thiêm, ngồi lấy tin để viết bài về Thủ Thiêm, họ xem chúng tôi, những người làm báo như một vị cứu tinh, họ rất tin vào báo chí. Và họ đã đúng.”
Nguyễn Tường Minh
THỦ THIÊM KỲ ÁN
“Thủ Thiêm đại sự
Kỳ án Trời Nam
Oan khuất thập niên
Cửa lò rộng mở”
Cuối cùng Thanh tra Chính phủ cũng đã “chỉ mặt đặt tên” những sai phạm tại Thủ Thiêm, đã kết luận rằng DÂN THỦ THIÊM ĐÚNG – CHÍNH QUYỀN TP.HCM SAI.
Dẫu hành trình công lý còn nhiều chông gai, nhưng bản kết luận này là nền tảng, là “chìa khóa” pháp lý mở ra nhiều cánh cửa quan trọng nhất để các cơ quan tố tụng và các cấp xử lý nghiêm minh những kẻ đã gây ra oan khuất cho người dân Thủ Thiêm suốt 2 thập niên, lấy lại công bằng và niềm tin từ dân.
Làm gì có chuyện các anh lạm dụng quyền lực thu hồi trái phép đất của dân để ban phát cho các nhóm lợi ích, xong rồi ôm túi tiền phè phỡn về hưu hưởng an nhàn… Và cũng làm gì có chuyện anh Chủ tịch UBND kiêm Bí thư Quận 2 ký tá bừa bãi tại Quận 2 xong lại “chui sâu trèo cao” lên làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nắm quyền lực sinh sát nhằm bao che cho băng nhóm lợi ích của mình, mặc cho dân tình oán thán kêu than !
Quan tham muôn đời vẫn thế, lấy tiền và quyền lực che mắt và bưng bít sự thật. Nhưng cuối cùng chúng quên mất rằng, sự thật chỉ có thể bị che giấu chứ không bao giờ mất đi và những kẻ hại dân hại nước trước sau gì cũng phải bị trả giá.
Quan lại cũng chỉ là nhất thời, dân mới là mãi mãi. Quyền lực phụng sự nhân dân mới là quyền lực bền vững nhất !
Quan tham mặc áo hình hài
Phủ che nhân tính, bạc đời dân oan !
By Steven Nguyễn
#ThủThiêm
#saiphạmtàytrời
#dânđúng
#quanthamsai
Nguyễn Sin
Nói về THỦ THIÊM là nói về tội ác !!!
Cuối cùng thì Thanh Tra Chính Phủ cũng đã kết luận Thủ Thiêm có sai phạm, điều mà người dân Thủ Thiêm mong chờ cả chục năm qua.
Ở thời đương nhiệm của ông Lê Thanh Hải – Lê Hoàng Quân, dù bà con có kêu gào cách mấy thì sự việc Thủ Thiêm vẫn bị dập tắt, tắt một cách có chủ đích.
Bạn cứ thử nghĩ đi, gia đình bạn đang sống yên ổn hạnh phúc, bị chính quyền địa phương tới cưỡng chế hết nhà cửa, sau đó bồi thường cho bạn số tiền chỉ đủ để xây cái chòi ở tạm bợ, liệu bạn có chấp nhận được không ?
Họ lấy danh nghĩa phục vụ lợi ích đất nước, sau đó phân lô bán nền. Họ lấy quy hoạch về một Thủ Thiêm toàn màu hồng để đẩy người dân vào cảnh lầm than, thật đê hèn và độc ác.
Tôi đi gặp bà con Thủ Thiêm, ngồi lấy tin để viết bài về Thủ Thiêm, họ xem chúng tôi, những người làm báo như một vị cứu tin, họ rất niềm tin vào báo chí. Và họ đã đúng.
Họ mời chúng tôi buổi trưa với giá 20 ngàn cho 1 dĩa cơm, họ kể hết những gì họ đã trải qua, dù sự việc đã xảy ra 15 năm qua nhưng những gì họ tường thuật lại tôi thấy như vừa xảy ra ngày hôm qua, họ kể rất thật.
Được lệnh đi làm tin về Thủ Thiêm, tôi đã sướng đến mức mang 2 chiếc vớ 2 màu.
Tham quan sắp vào lò.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45457557
Thanh tra kết luận nhiều sai phạm ở Thủ Thiêm
Thanh tra Chính phủ hôm 7/9 chính thức công bố kết luận thanh tra về khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho thấy nhiều sai phạm trong đền bù và quy hoạch.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích là 930 ha, nằm bên bờ sông Sài Gòn. Từ khoảng đầu những năm 2010, thành phố đã bắt đầu tiến hành việc giải toả, xây dựng khu vực này thành một khu đô thị mới với ước mong biến nó thành một nơi giống như Phố Đông ở Thượng Hải. Việc di dời, giải toả đã ảnh hưởng đến khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 người. Nhiều người dân ở đây từ 20 năm nay đã khiếu kiện lên trung ương về việc giải toả, quy hoach mà họ cho là sai trái của chính quyền địa phương.
Theo kết luật mới của thanh tra chính phủ, việc thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 ở Thủ Thiêm để thực hiện một số dự án khu đô thị là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Kết luận thanh tra cũng cho thấy việc thực hiện đề bù, giải phóng mặt bằng một số trường hợp đang khiếu nại chưa phù hợp quy định, chư đúng thời điểm thu hồi đất.
Về ranh giới quy hoạch, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận việc UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 năm 1998 bao gồm điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền.
Thanh tra chính phủ nêu rõ, việc khiếu nại của người dân về ranh giới quy hoạch đối với 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 nằm ngoài ranh giới quy hoạch Khu đô thị mới được Thủ tướng phê duyệt là có cơ sở, cần sớm được xem xét và có giải pháp giải quyết.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thẩm định, lưu trữ hồ sơ, bản vẽ, trong phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất, đền bù, tái định cư
Giáo phận Vinh lên tiếng về tù nhân lương tâm
và thực trạng nhân quyền Việt Nam
Ban Công Lý Và Hòa Bình thuộc Giáo phận Vinh vừa công bố một bản lên tiếng về các tù nhân lương tâm và thực trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Theo đài Á Châu Tự Do, bản lên tiếng ghi ngày 5 tháng 9 nêu rõ, mặc dù Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế về nhân quyền, trong những năm gần đây, nhà cầm quyền CSVN ngày càng gia tăng bắt giữ và kết án nặng nề những người đấu tranh ôn hòa cho nhân quyền và tự do. Đặc biệt, việc bắt bớ và bỏ tù gia tăng đối với những người đấu tranh cho môi trường.
Bản lên tiếng cũng nêu ra sự lạm quyền của lực lượng an ninh CSVN, cách hành xử bất công đối với những người bất đồng chính kiến, những người dám lên tiếng đòi hỏi nhân quyền, tự do tư tưởng và tự do tôn giáo một cách ôn hòa. Những băng đảng được gọi là “quần chúng tự phát” và “đội cờ đỏ” thường xuyên được nhà cầm quyền sai khiến để hành hung, dọa nạt, hạn chế quyền đi lại hoặc cư trú của những người bất đồng chính kiến.
Bản lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền thức tỉnh và lực lượng an ninh cần phải thượng tôn pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Giáo phận Vinh cũng kêu gọi các tổ chức hoạt động vì nhân quyền và người dân Việt Nam cùng lên tiếng trong việc bảo vệ nhân quyền, vì đó là những giá trị phổ quát, bất khả xâm phạm của con người mà chính tạo hóa đã ban tặng.
Giáo phận Vinh nằm trên ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, có hơn nửa triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo La Mã. Đây là vùng chịu tác động nặng nề của thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên kể từ tháng Tư năm 2016. Nhiều giáo dân sống nhờ biển đã lên tiếng đòi hỏi tái tạo môi trường biển sạch và bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân, nhưng những cuộc tập trung lên tiếng bị đàn áp một cách nặng nề.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/giao-phan-vinh-len-tieng-ve-tu-nhan-luong-tam-va-thuc-trang-nhan-quyen-viet-nam/
Việc cho phép dùng NDT ở VN:
Hiểm họa khôn lường
Vũ Thăng LongGửi tới BBC từ California, Mỹ
Việt Nam có lẽ đã có những tính toán trong việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 19 (TT19) cho phép dùng tiền nhân dân tệ tại bảy tỉnh biên giới Việt Trung.
Hai cái lợi ngắn hạn trước mắt được dẫn chứng qua thông tin “đại chúng” hay trong vài tài liệu dẫn đến TT 19 là sẽ “giúp thương nhân VN sản xuất và buôn bán dễ dàng hơn ở các tỉnh biên giới”, và hy vọng “giúp giới sản xuất và đầu tư TQ di chuyển một số hãng xưởng sản xuất và dự án đầu tư sang VN”.
Một vài chuyên gia ở Việt Nam đã phát biểu phần nào ủng hộ cho TT 19 trên, cho rằng đã nghiên cứu kỹ và “tìm ra các văn bản pháp quy bảo đảm chặt chẽ cho TT 19 về giới hạn phạm vi áp dụng và cơ chế giám sát thực hiện” để không có việc dùng lan tràn tiền TQ trong lãnh thổ VN, gây ra lo ngại của cả nước về hiểm họa Trung hóa cả nền tiền tệ trong tương lai gần, và cả nền kinh tế đất nước trong tương lai không xa.
Ý nghĩa kinh tế của việc dùng NDT trong thương mại VN-TQ
Thông tư 19 có tạo ‘nơi trú ẩn’ cho đồng nhân dân tệ?
Lưu hành đồng tiền TQ ở VN ‘có vi hiến’?
Để phân tích kỹ hơn các yếu tố sâu xa cả trong ngắn hạn và dài hạn, bài thảo luận ngắn này trình bày các mối hại lớn hơn nhiều cho guồng máy sản xuất VN và cả nền kinh tế VN trong 2-3 năm tới, làm VN hoàn toàn lệ thuộc TQ về kinh tế và chính trị.
Trong ngắn hạn, TT 19 sẽ tác động tai hại lên chính sách tiền tệ độc lập của VN, làm suy yếu tiền VND và sẽ gây ra các biến động tiền tệ và tâm lý khó lường trong vòng từ 3-6 tháng, nhất là việc đầu cơ tiền tệ có thể làm tan biến khối dự trữ ngoại tệ 65-70 tỷ đô la của NHNN một cách nhanh chóng nếu muốn dùng dự trữ đó để bảo vệ tỷ giá sau này.
Sau khi phân tích các điểm này, thì kết luận rõ ràng là LỢI BẤP CẬP HẠI như sau, trong tóm tắt các điểm chính cho một cuộc thảo luận cần có gấp rút.
1. Vấn đề vi hiến:
– Chủ quyền kinh tế, chủ quyền tiền tệ là những cấu thành đặc biệt của chủ quyền chính trị, chủ quyền quốc gia; mất chủ quyền tiền tệ này là mất chủ quyền quốc gia, như TS Lê Đăng Doanh ở Hà nội đã từng nêu.
– TT 19 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép đồng NDT được lưu hành tại bảy tỉnh biên giới TQ-VN, sẽ không có cơ chế nào hữu hiệu để ngăn chặn những đồng NDT được sử dụng ở những nơi khác ngoài bảy tỉnh đó; và mặc nhiên NDT trở thành một loại tiền tệ chính thức (legal tender) ở VN.
Thông tư 19: ‘Không kiểm soát được, có thể tác hại khó lường’
VN dễ thiệt hại vì vấn đề ‘hàng TQ tuồn sang’
2. Có sự hiểu nhầm hay cố ý không hiểu khác biệt giữa chấp nhận NDT trong giỏ tiền tệ của IMF và dùng NDT như một loại tiền tệ của quốc gia:
-Giỏ tiền tệ chỉ dùng làm mốc cho việc xác định tỷ giá của tiền trong nước và không có liên quan gì đến việc dùng tiền tệ của một quốc gia. Một số đông người có thể hiểu lầm rằng NDT có trong giỏ tiền SDR của IMF (một sự thực) là coi như NDT là đồng tiền chuyển đổi tự do, là có thể được các nước chấp nhận làm đồng tiền thanh toán trong giao dịch quốc tế.
Thí dụ dễ hiểu về khái niệm của đồng tiền chính thức (legal tender) và giỏ tiền tệ: Thái lan dùng tiền Baht như là đồng tiền chính thức duy nhất trong nước họ nhưng lại dùng SDR (giỏ tiền tệ nổi tiếng của IMF với nhiều tiền “lớn” khác kể cả NDT) làm tiêu chuẩn ấn định tỷ giá của họ. Nếu có cả USD và NDT, ảnh hưởng chuyển động trái ngược của tỷ giá hai đồng tiền này trong giỏ chọn lựa sẽ có tác động trung hòa với tiền Baht nếu Ngân hàng Trung ương Thái lan không quyết định tăng hay giảm ảnh hưởng của một thứ tiền trong giỏ đó.
-Thông tư 19 mặc dù không công nhận NDT là đồng tiền chính thức của Việt nam nhưng việc NHNN cho phép lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam tức là công nhận NDT là đồng tiền chính thức thứ hai (dual currency), lưu hành song song với VND.
3. Tác động quan trọng nhất là lên tỷ giá VND và chính sách tiền tệ độc lập của NHNN ở VN:
– Thông tư 19 của NHNN cho phép 95 triệu dân ở Vân Nam và Quảng Tây cùng với vài triệu dân VN, hay gần 100 triệu người tức hơn toàn bộ dân số VN hiện nay, được dùng NDT cho chi thu thương mại và đầu cơ tiền tệ ở trên lãnh thổ VN.
– Tuy gọi là biên mậu, mậu dịch ở biên giới, nhưng ở phía TQ cũng như ở VN liệu có quy định nào giới hạn phạm vi trao đổi chỉ của các tỉnh biên giới. Thực tế ở VN là lâu nay các tỉnh miền nam vẫn đưa hàng lên biên giới bán cho TQ và được coi là biên mậu đấy. Điều này cho thấy nguy cơ NHNN không kiểm soát được chính sách tiền tệ, khả năng phụ thuộc vào đồng tiền TQ là rất lớn.
– Tùy số tiền NDT của TQ được nới rộng hay thu hẹp ở VN, NHNN sẽ không kiểm soát được khối tiền tệ lưu hành ở VN, và ngay cả không có số đo chính xác về khối tiền đó trong nước, như từ trước đến nay. Quan trọng nhất, NHNN mất cả khả năng ấn định chính sách tín dụng rộng hay thắt chặt một cách độc lập.
– Ngoài ra, tỷ giá VND sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tỷ giá NDT. Đây là vấn đề rất quan trọng hiện nay, vì trong cuộc thương chiến Mỹ – Trung hiện tại, tiền NDT đã mất giá 8% từ tháng 4, trong khi VND chỉ mới mất giá 3% so với USD.
– Sự lan truyền mạnh của NDT ở VN sang hai trung tâm tiền tệ lớn là Hà Nội và Sài Gòn sẽ có thể làm VND mất giá thêm 4-5% trong thời gian ngắn do đầu cơ tiền tệ, ngay cả lúc chưa có tác động nào khác của các yếu tố thương mại giữa tay ba Mỹ-TQ-VN (như bàn dưới đây).
Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là gì?
5 điều cần biết về tiền Trung Quốc
– Tương lai cuộc thương chiến Mỹ – Trung đang có đà sẽ bộc phát mạnh mẽ hơn để “thị uy” nhằm mục đích chiến tranh tâm lý trước khi thương nghị chính thức trở lại giữa hai quốc gia và với các đối tác khác. Trong tháng 9, gần như có thể là Mỹ sẽ tuyên bố áp thêm thuế 25% lên 200 tỷ đô hàng nhập từ TQ. Để trả đũa, TQ chỉ có thể áp lên cùng thuế này trên số hàng nhập còn lại từ Mỹ trị giá 80 tỷ đô (tổng số hàng nhập từ Mỹ là 130 tỷ năm 2017). Điểm yếu huyết mạch của TQ là chỗ này. Dân chúng và giới thương gia TQ nhất định sẽ phải “phòng thủ” bằng cách trốn khỏi tiền NDT qua dự trữ USD, tiền yen, Euro, và có thể là vàng (nơi ẩn trú tiền để dành quan trọng của dân Á đông).
– Việt Nam sẽ mất nguồn ngân sách quan trọng trong kinh tế học gọi là “seignorage” khi không chủ động được chính sách tiền tệ của quốc gia.
– Nếu tiền NDT xuống quá mức 7,0 – 7,2 ăn 1 USD, hệ thống tiền tệ TQ sẽ rối loạn toàn bộ. Và ảnh hưởng lên tỷ giá VND do một mình yếu tố đầu cơ tiền tệ này thôi sẽ có thể dễ dàng đẩy tỷ giá VND tới mức 24.000-24.500/1 USD.
4. Tác động gia tăng của thương chiến Mỹ-TQ lên kinh tế và tỷ giá VND:
– Theo kinh nghiệm về tiền tệ thế giới, đồng tiền mạnh bao giờ cũng lấn át đồng tiền yếu. Nếu như đồng NDT với số lượng hàng hóa ở đằng sau và với việc họ phá giá tiền của họ, giá thành của hàng TQ rẻ đi, sẽ tạo ra một ưu thế rất lớn với hàng hóa của Việt Nam. Nhiều kỹ nghệ của VN sẽ bị bóp nghẹt.
– Việc ai cũng e ngại là TQ sẽ tuồn hàng sang VN để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh áp thuế cao. Mỹ đã sẵn sàng với việc này và sẽ áp thuế lên hàng nhập từ VN và ngay cả ngăn chặn hàng VN có “gốc TQ” được nhận biết khá dễ dàng qua hệ thống tin tức thương mại của Mỹ.
Vài câu kết ngắn:
– Theo vài chuyên gia, Việt Nam có thể do tính toán lo ngại bị lôi vào vùng khủng hoảng tiền tệ, như đã và đang xảy ra ở các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Argentine… Nếu Việt Nam có ý muốn “dựa” vào đồng nhân dân tệ để “tránh bão”, đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm lúc này.
– NHNN cần xét lại TT 19, tính toán lại các dự định trong việc cho NDT lưu hành trước hết ở bảy tỉnh biên giới, sau đó lan rộng đến Hà Nội và Sài Gòn, sẽ là việc rất khó kiểm soát.
– Một nghịch lý trớ trêu cho chính sách NHNN là cố chống việc đô la hóa trong quá khứ nay lại chính thức hóa và hỗ trợ việc nhân dân tệ hóa tiền đồng VN. Hơn nữa, TQ đang là nước có liên hệ thương mại cao nhất với VN và đứng đầu trong danh sách nhập siêu của VN. Nay TT 19 lại giúp cho việc nhập khẩu hàng TQ dễ dàng hơn nữa, gồm cả nhập khẩu “chính ngạch” và “tiểu ngạch–lên đến 30 tỷ đô”. Liệu ai có thể giải thích rõ thêm về mục tiêu chính sách của NHNN?
– Không cần nói thêm, việc ban hành và áp dụng TT 19 cùng lúc với việc tiếp tục cứu xét thiết lập 3 đặc khu kinh tế ở những vùng nhậy cảm cho an ninh quốc gia, sẽ gây hiểm họa trầm trọng cho đất nước.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một kinh tế gia từ California, Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45458491
Ý nghĩa kinh tế của việc dùng NDT
trong thương mại VN-TQ
TS Nguyễn Văn PhúGửi tới BBC từ Strasbourg, Pháp
Vừa qua tôi có trả lời phỏng vấn và tham gia Bàn tròn Thứ năm ngày 7/9 của BBC Việt ngữ về Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, liên quan tới việc sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) ở bảy tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam.
Tôi thấy nhiều người có thể chưa rõ một số khái niệm kinh tế (mà kinh tế học là một lĩnh vực phức tạp), do đó có thể gây hiểu lầm và những tranh cãi không đáng có. Trong bài viết này, tôi muốn làm rõ hơn một số khái niệm về kinh tế, hy vọng có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về khía cạnh kinh tế của vấn đề.
Lưu ý là ở đây tôi không nói tới các ý nghĩa chính trị của Thông tư 19 hay chính sách giữa hai nước vì đã có các chuyên gia khác phân tích khá rõ ràng và cảnh báo các nguy cơ.
Thông tư 19: ‘Không kiểm soát được, có thể tác hại khó lường’
Thông tư 19 có tạo ‘nơi trú ẩn’ cho đồng nhân dân tệ?
Lưu hành đồng tiền TQ ở VN ‘có vi hiến’?
Trước hết, Thông tư này đề cập việc sủ dụng đồng NDT (đồng Nguyên), vậy NDT có phải là đồng tiền thanh toán quốc tế không ?
Câu trả lời là có. Quỹ IMF đã đưa nhân dân tệ vào giỏ các đồng tiền dự trữ quốc tế từ năm 2016 bên cạnh đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yên Nhật. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (như các Ngân hàng Trung ương châu Âu, Pháp, Đức, Malaysia, Philippines, Thái Lan, v.v.) cũng đã bắt đầu cơ cấu một phần dự trữ ngoại hối của mình bằng NDT. Dù con số còn rất khiêm tốn so với USD hay euro, ta có thể dễ dàng tìm thấy các con số chính thức về dự trữ ngoại hối bằng NDT của các nước trên mạng và trong các báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế.
Các đồng tiền thường được dùng trong thanh toán quốc tế là USD, EURO, bảng Anh, yên Nhật, đô la Canada, NDT, franc Thuỵ Sỹ, v.v.
Dự trữ ngoại hối là gì ?
Đây là tổng số tiền theo ngoại tệ (có thể là đô la Mỹ hay theo các ngoại tệ khác) mà một nước đang có. Nó được dùng để kiểm soát tỷ xuất hối đoái giữa đồng nội tệ và các ngoại tệ. Nó được dùng trong thanh toán quốc tế (các hoạt động nhập khẩu và trả nợ nước ngoài theo ngoại tệ). Ví dụ như Việt Nam nhập các máy bay Boeing theo đô la Mỹ thì phải dùng số tiền theo ngoại tệ này để trả cho Boeing.
Có hay không việc sử dụng một tiền của nước khác trong lãnh thổ của một nước ?
Việc sử dụng một đồng tiền của nước ngoài trên một số địa phận (ở đây tôi nhấn mạnh là trên một số địa phận) lãnh thổ của một quốc gia đã có trên thực tế.
Ví dụ như Thụy Sỹ (đồng tiền quốc gia là Franc Thụy Sỹ) cho phép thanh toán bằng đồng euro tai một số điểm dừng chân như là dọc theo các đường cao tốc hoặc các điểm du lịch. Các nước Bắc Phi cũng chấp nhận đồng euro (dĩ nhiên là cũng tại một số địa điểm).
Tại Việt Nam trước đây và ngay cả hiện tại, ta có thể dùng đô la ở rất nhiều nơi. Việc xác định các địa phận được sử dụng đồng ngoại tệ tùy thuộc vào lợi ích kinh tế của nước sở tại.
Tuy nhiên việc sử dụng ngoại tệ một cách rộng rãi sẽ gây vấn đề mất chủ quyền tiền tệ, mà người ta hay gọi là đô la hóa hay euro hóa (như trường hợp của Việt Nam trước đây đối với đô la Mỹ).
VN cho dùng nhân dân tệ tại bảy tỉnh giáp TQ
VN dễ thiệt hại vì vấn đề ‘hàng TQ tuồn sang’
5 điều cần biết về tiền Trung Quốc
Vì thế lo ngại của người dân Việt Nam về việc NDT hóa nền kinh tế Việt Nam là xác đáng. Tuy nhiên, để vấn đề này xảy ra thì phải đánh giá xem Thông tư 19 này có ảnh hưởng tới đâu, nó có ảnh hưởng lên các tỉnh các của Việt Nam hay không?
Việc cho phép sử dụng NDT ở bảy tỉnh biên giới của Việt Nam sẽ giúp phát triển buôn bán giữa hai nước. Vấn đề này phụ thuộc vào tính thực thi và kiểm soát luật pháp ở Việt Nam.
Để giảm bớt khả năng lây lan của NDT sang các khu vực khác, tôi nghĩ là Việt Nam nên giới hạn các giao dịch buôn bán qua biên giới bằng NDT ở vùng biên giới (chứ không phải tất cả bảy tỉnh) và các cửa khẩu. Việc giới hạn này chỉ khả thi với giao dịch bằng tiền mặt, khó có thể áp dụng cho giao dịch qua ngân hàng (với lượng tiền thường lớn hơn giao dịch bằng tiền mặt).
Bản chất của giao dịch buôn bán qua biên giới bằng tiền mặt hay qua ngân hàng bằng NDT có lợi hay hại đối với Việt Nam?
Trước hết, tôi xin nhắc lại là ở đây tôi chỉ nói về thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, không nói đến buôn bán trong nước (việc này chắc chắn là bằng VND). Hiện nay, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang chiếm phần quan trọng nhất trong cán cân thương mại của Việt Nam.
Nếu cả hai nước đều dùng USD để thanh toán thì trong nhập khẩu Việt Nam phải đổi VND sang USD để trả cho phía Trung Quốc. Khi Việt Nam xuất khẩu thì Trung Quốc phải dùng NDT đổi sang USD để trả cho phía Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam chịu rủi ro liên quan tới tỷ suất giữa VND và USD, chẳng hạn do phải đổi USD thu được sang VND để trả tiền công lao động, đầu tư vốn hay mua các nguyên liệu sản xuất trong nước, v.v.
Ngoài ra, khi thanh toán bằng USD thì phải tính đến tỷ suất hối đoái giữa NDT và USD. Vì sao? Vì khi Trung Quốc phá giá NDT đối với USD (nhất là trong bối cảnh có chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc), các sản phẩm của Trung Quốc được nhập vào Việt Nam với giá rẻ hơn (vì ta thanh toán cho phía Trung Quốc bằng USD), trong khi các sản phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ đắt hơn trước (cũng vì Trung Quốc phải trả cho phía Việt Nam bằng USD).
Đồng NDT còn ít sử dụng trong thanh toán quốc tế so với USD, nhưng nếu áp dụng được một phần cho thanh toán giữa Việt Nam và Trung Quốc, sẽ góp phần giảm chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam khi phải chuyển đổi tiền giữa VND và USD (vì tránh được rủi ro do tỷ suất và phá giá), và qua đó giúp gia tăng thông thương giữa hai nước.
Một tác động quan trọng nữa là việc này sẽ giúp giảm tác động tiêu cực lên nhập siêu (mà nhập siêu chính là chảy máu ngoại tệ) của Việt Nam đối với Trung Quốc. Con số thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc rất lớn, năm 2016 là hơn 28 tỷ USD còn năm 2017 là hơn 22 tỷ USD.
Trong trường hợp thanh toán bằng NDT, dù NDT có bị phá giá so với USD thì con số thâm hụt này sẽ không thay đổi.
Tuy nhiên, trong trường hợp thâm hụt thương mại được thanh toán bằng USD thì sự phá giá của NDT sẽ làm tăng nhập khẩu hàng Trung Quốc, giảm xuất khẩu hàng Việt Nam, và như vậy sẽ làm nhập siêu cao hơn nữa. Trong hoàn cảnh có sự phá giá của NDT như hiện nay, tôi nghĩ việc giảm nhập siêu từ Trung Quốc là vấn đề cần giải quyết gấp để giảm sức ép lên các doanh nghiệp trong nước (vì bị cạnh tranh từ hàng Trung Quốc ngày càng rẻ). Mà phía sau các doanh nghiệp này chính là người lao động Việt Nam.
Do đó việc sử dụng NDT trong thanh toán thương mại qua biên giới là một giải pháp tình thế có thể hiểu được. Ở đây, ta nên lưu ý một lần nữa là thanh toán thương mại qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, không phải buôn bán với các nước khác trên thế giới (thông thường bằng USD), và càng không phải buôn bán trong nước (bắt buộc phải dùng VND).
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Văn Phú từ Strassbourg, Pháp.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45458490
Việt Nam đặt mua hơn 1 tỷ đô la vũ khí từ Nga
Việt Nam vừa đặt mua hơn 1 tỷ đô la vũ khí và dịch vụ quân sự từ Nga nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Nga từ ngày 5 đến 8/9. Hãng tin TASS trích lời của người đứng đầu Tập đoàn Kỹ thuật quân sự của Nga cho biết tin này hôm 6/9.
Thông tin của TASS không cho biết cụ thể Việt Nam đã đặt mua những gì của Nga.
Nga hiện là nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam. Hợp đồng lớn mà Việt Nam đã thực hiện với Nga trong các năm gần đây bao gồm việc mua 6 tàu ngầm Kilo trị giá khoảng 2 tỷ đô la. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt mua các loại máy bay chiến đấu và các tàu chiến, xe tăng từ Nga.
Trong cuộc gặp giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Nga Putin hôm 7/9, hai bên cam kết sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác quân sự.
Việt Nam trong những năm gần đây đã gia tăng chi tiêu quốc phòng để hiện đại hoá quân đội trước những thách thức liên quan đến các tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông với nước láng giềng Trung Quốc.
Ngoài Nga, Việt Nam thời gian qua cũng mua vũ khí từ một số quốc gia khác như Hoa Kỳ, Israel.
Hồi đầu tháng trước, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Việt Nam mới đây cũng đã ký các hợp đồng dặt mua gần 100 triệu đô la vũ khí từ Mỹ.
Quan ngại về bánh Trung Thu “siêu rẻ”
Bánh Trung Thu là mặt hàng đặc trưng vào dịp Hội Trăng Rằm hằng năm. Lâu nay đối với các gia đình nghèo khó có thể cho con nhỏ thưởng thức một miếng bánh Trung Thu vì túi tiền của họ không thể kham nổi.
Năm nay bên cạnh các loại bánh truyền thống có giá từ mấy chục đến mấy trăm ngàn và cả bạc triệu hay hơn thế nữa cho mỗi cái, lại xuất hiện nhiều loại bánh ‘siêu rẻ’ được nói là nhập từ Trung Quốc sang. Những mặt hàng này được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
Người tiêu dùng, nhất là giới chỉ thu nhập ‘ba đồng, ba cọc’, có vui không khi trên thị trường có loại sản phẩm vừa túi tiền của họ như thế?
Nghi ngại hàng kém phẩm chất
Trên mạng xã hội hiện có quảng cáo một loại bánh Trung Thu mini được cho là xuất xứ từ Trung Quốc và được bán với mức giá siêu rẻ từ 2.000 – 3.000/ cái với rất nhiều hương vị khác nhau như cam , dâu, xoài….
Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại bánh Trung Thu này được nhập về với giá sỉ khoảng 300.000 đồng/ thùng và mỗi thùng khoảng 120 đến 130 cái bánh nếu chia nhỏ ra thì mỗi chiếc bánh được bán với giá rất rẻ. Với mức giá siêu rẻ này nên nó trở thành món được nhiều người lao động thu nhập thấp và sinh viên lựa chọn.
Chúng tôi có liên lạc với một chủ trang cá nhân rao bán loại bánh Trung Thu này và được cho biết qua tin nhắn, loại bánh được nhập từ Đài Loan với trọng lượng khoảng 38g/cái và được bán theo kilogram với giá 90.000/kg cho 25 cái và nhiều hương vị khác nhau tùy lựa chọn. Còn nếu mua số lượng lớn thì sẽ giảm giá còn 80.000 – 85.000 đồng/kg. Số lượng bao nhiêu cũng có chỉ cần báo trước một ngày thì hôm sau sẽ có hàng và giao hàng miễn phí.
Nên với việc bánh trung thu mini từ trung quốc nhập vào Việt Nam tràn lan như hiện nay, nó giống như là một cách để tuồng hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng nhưng người ta dán lại một tag khác.
– Phương Ngọc
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với chị Phương Ngọc, người chuyên làm bánh Trung Thu tại nhà và được chị cho biết giá thấp nhất đối với loại bánh Trung Thu nặng 50g thì đã bán 20.000/cái và 200g thì 80.000/cái nhưng khi nghe về loại bánh giá 2.000 – 3.000/cái từ Trung Quốc thì chị có trình bày:
“Với người làm thủ công như em thì với mức giá 2.000-3.000 thì không bao giờ bán được vì nó không đủ tiền điện để mình làm chứ đừng nói đến tiền mua nguyên liệu. Nên với việc bánh trung thu mini từ trung quốc nhập vào Việt Nam tràn lan như hiện nay, nó giống như là một cách để tuồng hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng nhưng người ta dán lại một tag khác.”
Chúng tôi trực tiếp đến một quầy hàng bán bánh Trung Thu trên đường Lê Văn Sĩ ở khu vực quận 3 tại Sài Gòn để tìm hiểu thêm thông tin thì được nhân viên bán hàng tại quầy Kinh Đô cho biết:
“Ở đây mình bán trực tiếp từ hàng công ty, vì đã có dấu kiểm định, mộc đỏ rõ ràng, hàng công ty rõ ràng chứ không phải mình bán hàng tùm lum. Những mặc hàng đó đa phần là nguyên liệu từ TQ mà anh cũng biết miễn nguyên liệu TQ thì đa phần rất rẻ nên ai ham rẻ thì ăn loại đó thôi, cho nên thật sự nếu là hàng đàng hoàng thì giá phải niêm yết công ty có bảng giá rõ ràng, còn bán 2k-3k thì đa phần là quầy hàng tự phát sinh.”
Người tiêu dùng e ngại
Mặc dù được người bán hàng quảng cáo hàng chất lượng, mẫu mã đẹp nhưng nhiều người tỏ ra e ngại về chất lượng của loại bánh Trung Thu ‘siêu rẻ’ như thế.
Một facebooker tên Tạ Hiền chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng dù được bạn bè trong công ty mua và mời ăn thử nhưng anh không dám động đến miếng bánh này vì anh cho rằng thực phẩm dơ, sạch hiện nay lẫn lộn, đẹp mắt nhưng chưa chắc an toàn vệ sinh.
Một người dân tại Sài Gòn cho chúng tôi biết có cho tiền cũng không mua loại bánh này: “Không bao giờ dám, công an vừa tịch thu hơn mười mấy ngàn chiếc bánh không bao bì không nguồn gốc cho nên bánh trung thu này cho tiền cũng không dám ăn.”
Một trở ngại đối với người tiêu dùng hiện nay là khó có thể phân biệt được chất lượng của các loại bánh khác nhau dù là bánh có giá cao như trình bày của chị Phương Ngọc.
“Bánh chất lượng và không chất lượng thật sự rất khó nhận biết. Ở VN thì mình dựa vào thương hiệu như Đồng Khánh, Như Lan, BBK hay là Kinh Đô. Còn các loại bánh nhỏ nhỏ từ Trung Quốc về VN thì chẳng có thương hiệu mà nó còn ghi tiếng Tàu nên không biết bánh gì mà chỉ cần thấy tiếng Tàu là người ta không chọn mua nhưng mà để tháo ruột nó ra và bỏ vào một vỏ khác cho nên không thể nhận biết được bánh Trung Quốc hay Việt Nam rất khó.”
Anh Hùng một chuyên viên y tế thuộc trường Đại Học Y thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với chúng tôi qua tin nhắn rằng, anh rất lo ngại về chất lượng của loại bánh Trung Thu ‘siêu rẻ’ vì mức giá quá rẻ thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn, anh nhấn mạnh rằng
“Những thành phần trong nhân bánh được xay nhuyễn, dù được giới thiệu nhân sầu riêng, nhân đậu xanh… nhưng người ăn hoàn toàn không biết được đó là gì.”
Vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm
Còn theo chuyên gia Vũ Thế Thành, thạc sĩ quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm chia sẻ trong một bài viết của ông trên trang web của mình rằng:
“Thực phẩm Tàu không phải thứ nào cũng dơ, cũng kém an toàn, nhưng không thể phủ nhận, thực phẩm tràn vào Việt Nam từ Trung Quốc, chỉ nhìn về mặt an toàn, thì còn nhiều điều bí ẩn chưa giải mã hết. Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách chỉ mua hàng có xuất xứ rõ ràng, nếu là hàng nhập phải có nhãn phụ, công ty nhập…”
Vị chuyên gia này còn viết thêm rằng vì bánh Trung Thu ở Việt Nam chỉ được làm ra và bán vào một số ngày trong năm nên cơ quan an toàn thực phẩm ít khi đụng tới thời hạn bảo quản, trừ khi sử dụng chất cấm hoặc điều kiện sản xuất quá mất vệ sinh.
Chúng tôi có liên lạc với cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh để hỏi thêm về việc quản lý nhập và bán loại bánh Trung Thu siêu rẻ; tuy nhiên mọi nổ lực đều bất thành.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/concerns-about-super-cheap-mooncakes-09072018133652.html
Việt Nam chính thức cho phép
khách Trung Quốc tự lái xe vào Lạng Sơn
Việt Nam hôm 6/9 chính thức khai thông tuyến du lịch cho phép người Trung Quốc tự lái xe vào biên giới tỉnh Lạng Sơn.
Theo truyền thông trong nước, đây là hoạt động nằm trong Đề án thí điểm cơ chế đặc thù trong việc tổ chức đưa đón các đoàn xe du lịch Trung Quốc tự lái trong khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nội địa và quốc tế, thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa các tỉnh biên giới Việt-Trung và tăng thu ngân sách.
Theo quy định, khách Trung Quốc tự lái vào tham quan qua ở Lạng Sơn chỉ được phép lưu lại tối đa 3 ngày, và với số lượng xe tối thiểu 3 xe/đoàn, tối đa 10 xe/đoàn. Tổng số lượng xe du lịch tự lái nhập cảnh vào khu vực này không được quá 50 xe/ngày.
Hồi tháng 3, Việt Nam đã cho phép người Trung Quốc tự lái xe vào thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, để du lịch thông qua cửa khẩu Móng Cái.
Với đề án thí điểm mở rộng hợp tác du lịch trên, người Việt Nam cũng được phép lái xe sang thành phố Sùng Tả và Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, và thành phố Đông Hưng của Trung Quốc.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh cho Văn phòng Chính phủ Việt Nam, sau một năm thực hiện hoạt động thí điểm ở Móng Cái, có 93 xe với 256 khách du lịch từ Trung Quốc đi vào cửa khẩu này. Các giới chức của tỉnh này cho rằng con số này còn thấp so với kỳ vọng vì lý do phạm vi đi lại của hai bên còn hẹp, không có nhiều địa điểm tham quan nên kém hấp dẫn đối với du khách.
Tuần trước, Việt Nam cũng chính thức cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán ở các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm thúc đẩy biên mậu.
Sách báo Đông Dương tại nhà sách cổ ở Pháp
Chế độ nộp lưu chiểu tại Đông Dương chỉ được chính phủ thuộc địa bắt đầu áp dụng từ năm 1922, trong khi tại Pháp, nộp lưu chiểu đã được quy định trong các đạo luật 24/07/1793 và 19/07/1881 về xuất bản, báo chí và phân phối ấn phẩm.
Chính vì vậy sách báo được in ấn trước năm 1922 tại Đông Dương không được thống kê đầy đủ và nằm tản mát tại các phòng ban của chính quyền thuộc địa, tại địa phương hoặc nằm trong thư viện của tư nhân, hầu hết là công chức và thương nhân người Pháp sống tại Đông Dương lúc bấy giờ.
Ngoài số sách báo, tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các thư viện nhà nước (BnF), trường học và cơ sở nghiên cứu (Inalco, EFEO), Hội Thừa sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris) hoặc các cơ quan lưu trữ (Archives nationales), rất nhiều sách báo cổ, quý hiếm được lưu giữ trong các hiệu sách cổ, như hiệu sách Opiomane, chuyên về phương Đông, đặc biệt là Đông Dương.
RFI tiếng Việt đã có buổi nói chuyện với ông Ghislain de La Hitte, chủ hiệu sách Opiomane (Paris), để hiểu thêm về thị trường ít được biết đến.
***
RFI :Thưa ông Ghislain de La Hitte, từ 15 năm nay, ông sưu tập và bán sách cổ về phương Đông, trong đó có Đông Dương, ông thấy thị trường này phát triển thế nào ? Và đây có phải là một thị trường lớn không ?
Ông Ghislain de La Hitte : Nhìn chung, thị trường sách cổ bị gạt bên lề. Có thể nhận thấy là ngày càng có ít hiệu sách và người bán sách do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số các nguyên nhân chính, đó là công nghệ kỹ thuật số mà chúng tôi đang phải đối đầu. Điều này dẫn đến việc khi tìm một thông tin gì đó, người ta quen có được một thông tin đã được gọt dũa và soạn thảo sẵn. Người ta ít thiên về đọc hơn so với trước đây.
Còn về sách cổ, đây là một thị trường rất nhỏ. Có rất ít người làm nghề này tại Pháp và trên thế giới. Tại Pháp, hiện có hai nhà sách, so với chừng 5-6 nhà cách đây 15 năm. Nhiều người đã bỏ nghề do thời thế. Còn nếu chỉ kể số người bán sách chuyên về hướng dẫn du lịch vùng Viễn Đông thì chỉ có vài người trên thế giới.
Còn về câu hỏi nghề này hiện sống ra sao ? Giống như nhiều ngành nghề khác, sách có chất lượng cao vẫn luôn bán chạy. Còn những sách có chất lượng trung bình thì khó bán hơn. Thêm vào đó là trong mảng sách cổ xảy ra một tai tiếng tài chính liên quan đến các bản viết tay với một vụ lừa đảo có quy mô lớn về kim tự tháp Ponzy. Việc này đã làm toàn lĩnh vực nói chung mang tiếng, và đặc biệt là về giá vì trong vụ lừa đảo trên, giá bán đã bị thồi phồng lên rất nhiều. Vì vậy, nghề bán sách cổ bị tác động rất nhiều.
RFI : Tủ sách của ông chuyên về phương Đông, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Đông Dương. Những loại sách nào được bán chạy nhất ?
De La Hitte : Tôi không thể nói được sách nào tôi bán chạy nhất vì chúng đều thuộc loại khá hiếm nên tôi không bán nhiều. Nhưng tôi có thể nói những tiêu đề nào bán được dễ nhất.
Trên thực tế, không hẳn là những tác phẩm cổ nhất là bán chạy nhất, trái với những gì người ta vẫn nghĩ, bởi vì những tác phẩm có từ thế kỷ 17-18 thường được các gia đình lưu giữ, bảo quản và truyền lại cho con cháu nên chúng thường được chăm chút rất cẩn thận.
Ngược lại, có một số tác phẩm nhỏ, tài liệu giấy lại thường không được lưu giữ, phần lớn bị vất đi. Chính vì vậy, chúng lại trở nên vô cùng hiếm và được lùng ráo riết. Những cuốn được tìm kiếm nhiều nhất trong số đó thường là những tác phẩm mang tính giải trí, như các tạp chí cổ. Sở hữu các tạp chí được phát hành từ lâu là điều gì đó thú vị với một số khách hàng vì thông tin được xử lý ngày này qua ngày khác, vì có nhiều tranh biếm họa hoặc quảng cáo luôn bắt mắt…
Một ví dụ khác là loại sách hướng dẫn du lịch, chúng có nhiều thông tin thiết thực, làm sống lại cả một thời kỳ. Thường thì cả hai loại ấn phẩm này, tạp chí hay hướng dẫn du lịch, sau vài năm người ta đều vất hết, nên khó tìm được và được bán chạy hơn cả.
Ngoài ra, người ta còn sưu tập nhiều tác phẩm giới thiệu về những mối quan hệ của Pháp với các nước phương Đông, như những trao đổi đầu tiên giữa Pháp và Trung Quốc hay với Nhật Bản và Đông Dương.
Đông Dương chiếm một phần rất quan trọng trong tủ sách của tôi do mối quan hệ liên quan đến lịch sử giữa Pháp và Đông Dương. Trung Quốc cũng tương tự do vị trí địa lý nên có rất nhiều tác phẩm về hai địa điểm này.
RFI : Khách hàng của ông là những ai ? Dường như ngày càng có nhiều người Việt quan tâm đến sưu tập sách cổ ?
De La Hitte : Khách hàng của tôi là cơ quan, trường học, cũng có các nhà nghiên cứu nhưng không đông lắm. Ngoài ra còn có những cửa hàng sách lớn ở Nhật Bản, Trung Quốc. Họ mua rồi bán lại cho các cơ quan và trường đại học trong nước. Cuối cùng phải kể đến khách hàng cá nhân, đủ thành phần.
Nếu là người Pháp, điều thú vị là sau khi hiểu họ hơn, hầu hết mỗi người đều có một câu chuyện riêng với đất nước mà họ sưu tập sách. Ví dụ một người sưu tập sách về Nhật Bản hay Việt Nam thường có vợ hoặc chồng là người Nhật, người Việt. Cũng có những khách hàng người Pháp, thời trẻ sống ở đất nước mà họ sưu tập sách. Họ cho đó là những năm tháng đẹp nhất đời mình. Họ lưu luyến và muốn sống lại thời kỳ đó qua những cuốn sách về đất nước mà họ quan tâm.
Cuối cùng, trong số khách hàng của tôi còn có công dân ở các nước liên quan, ví dụ người Hàn Quốc thì mua sách về Hàn Quốc, người Việt Nam mua sách về Đông Dương để tìm lại nguồn cội.
Khi tôi bắt đầu nghề này cách đây 15 năm, tôi có khá nhiều khách hàng người Việt, chủ yếu là Việt Kiều. Nhờ vậy mà tôi phát hiện ra không chỉ có người Việt sống ở Canada, Mỹ hay Pháp mà có rất nhiều người sống ở bán đảo Scandinavia, ở Thụy Sĩ hoặc Úc. Khoảng 10 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều đơn đặt mua từ Việt Nam, ở miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, hoặc ở Sài Gòn.
RFI :Xin ông giải thích rõ hơn về khách hàng Việt Kiều !
De La Hitte : Phải nói là khách hàng Việt Kiều của tôi đều rời Việt Nam trong những năm 1970 và giờ ít nhất họ đã 50 hoặc 60 tuổi. Với họ, tìm mua sách cổ về Đông Dương là cách làm tự nhiên, rất đỗi con người để tìm lại nguồn cội, tự hỏi mình là ai, từ đâu đến. Chính điều này góp phần làm gia tăng lượng khách Việt Kiều.
Về phần thị trường Việt Nam, đúng là không có nhiều, thậm chí là gần như không còn nhiều sách tại Việt Nam, một mặt do các lý do chính trị, mặt khác do điều kiện khí hậu, ẩm ướt nên sách bị hư hỏng nhiều. Vì thế, rất nhiều ấn bản của trường Viễn Đông Bác Cổ và nhiều hội nghiên cứu Đông Dương, nếu không bị chính những người sở hữu trước hủy đi thì cũng bị hủy vì lý do chính trị, nếu không cũng bị mối gặm nhấm.
Hậu quả là những bộ sưu tập đẹp mắt và sinh động về Đông Dương không tồn tại ở Đông Dương nữa mà nằm ở Pháp. Đó là những tác phẩm được người Pháp hoặc người Đông Dương thời kỳ đó mang về Pháp.
RFI : Ông duy trì và mở rộng bộ sưu tập của mình như thế nào ?
De La Hitte : Tôi tìm sách báo ở bất kỳ nơi nào có người bán. Có thể là ở những nơi công cộng như chợ hoặc các phòng bán, cũng có thể mua lại từ đồng nghiệp không chuyên về một khu vực địa lý như tôi. Họ khó bán được một cuốn sách chuyên về phương Đông trong khi tôi lại có những khách hàng tiềm năng.
Một nguồn cung cấp khác là các cá nhân. Tôi mua được cả bộ sưu tập của những người quá cố, thường là đàn ông, và vợ của họ bán bộ sưu tập sách đó đi. Đây là những trường hợp đặc biệt với những câu chuyện khá xúc động về cuộc đời họ, ví dụ họ chào đời ở Đông Dương và chỉ trở về Pháp trong những năm 1970 với bộ sưu tập sách của mình trong hành trang.
Thường họ sống ít nhất 40 năm ở Hà Nội, theo học trường Albert Sarraut, vì thế họ có rất nhiều điều muốn kể lại. Chính họ cung cấp cho chúng ta những bằng chứng quý giá và xúc động về thời kỳ đó. Tiếc là những con người này giờ không còn nhiều nữa !
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180907-sach-bao-dong-duong-tai-nha-sach-co-o-phap