Dòng thơ bình dân vô danh của người mất nước

Cac Bai Khac

No sub-categories

Dòng thơ bình dân vô danh của người mất nước

“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời Cộng Sản mà thương dân lành!”
( NTrD)
Sau năm 1975 cho đến nay, mảnh đất miền Nam mình rộ lên dòng thơ bình dân, mà người viết tạm đặt tên là “dòng thơ bình dân vô danh của người mất nước”, thường chỉ là truyền miệng hoặc nghe ai đó đọc qua một lần rồi tan biến vào hư không chẳng ai hay biết, tác giả hầu hết là vô danh để tránh bị bắt, không có ấn bản hay ghi chép lại để giới độc giả có thể biết và giới học giả có thể phân tích.
Dòng thơ này dù mộc mạc chân chất nhưng lại rất hay, rất thấm thía cho những ai mang thân phận của một dân tộc bị bại trận bởi chủ nghĩa cộng sản. Xin thí dụ như:
“Bây giờ đói quá Thiệu ơi,
Búa liềm kèm kẹp cả trời cũng than!
Loa phường sáng sáng oang oang
Vinh quang cho đảng ức oan dân lành!” 
Vô Danh
“Thiệu” là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam Cộng Hòa. “Búa Liềm” là chỉ chế độ Cộng Sản. Sau năm 1975, chữ “Thiệu” trở thành tượng trưng cho một đất nước hiền lành yêu đương tốt đẹp thời Việt Nam Cộng Hòa.
Hay như bài thơ sau đây người viết này tình cờ đọc được trên tờ giấy gói bánh mì. Đọc xong mà không khỏi sững sờ, giật mình! Bài thơ này không có tựa nên người viết xin lấy câu đầu làm tựa bài, xin cho người viết gởi lời cầu chúc bình an đến gia đình tác giả dù muộn màng sau bao nhiêu năm:
Xin cho em chết ở mùa Xuân
 
Kể từ khi anh đi “Học Tập”
Năm năm rồi chuyển trại liên miên
Bao đợt thăm nuôi khốn khó hết tiền
Nhà của mẹ giờ đã bị lấy!
 
Bao lâu nay đồng khô cỏ cháy
Bàn tay bầm em cuốc sỏi khai mương
Hai đứa nhỏ bị đuổi khỏi trường
Ôm bụng đói ngày cơm một bữa!
 
Em bây giờ sức mòn đổ bịnh
Chẳng có thuốc men nên ngày một nặng thêm
Cô Ba đến thăm bảo nhỡ khi em chết,
Sẽ nuôi hai con để đợi anh về!
 
Xin cho em chết ở mùa Xuân
Khi quê hương chưa kịp đầu hàng
Khi anh còn cầm súng gác đồn xa
Hai con thơ ôn bài bên cửa sổ 
 
Xin cho em chết ở mùa Xuân
Để khỏi phải sống ở mùa Hè
Tội con ve sầu cả đêm khuya lạnh
Cứ rên rỉ hoài, “chồng nó ở đâu?”
 
Nay con thơ chôn mẹ ở mùa Hè
Cha tù về oan ức gởi thiên thu!
Vô Danh
Mùa Xuân là tượng trưng chỉ cảnh đất nước trước ngày 30 tháng Tư đen, mùa Hè là tượng trưng chỉ sau ngày mất nước. “Học Tập” là nói đến các trại tập trung của Cộng Sản giống như các trại tập trung của phát xít Đức sát hại cả triệu người Do Thái. Chưa có con số thống kê chính thức nhưng theo ước tính cũng có gần một triệu người bị giam cầm trong các trại tập trung này không xét xử sau 30 tháng Tư 1975, có trên cả ngàn người bị thảm sát tại các trại tập trung này, nổi lên có địa danh trại Suối Máu .
Bài thơ này đại ý nói người vợ lính bị đánh tư sản phải ra vùng kinh tế mới, rồi lâm bệnh vì đói kém khốn khó quá, sắp chết, không có chồng cạnh bên để trăng trối hay lo mai táng, nên Bà đâm uất hận chỉ muốn chết trước khi dân tộc mình đầu hàng Cộng Sản.
Thể điệu và thi pháp của lối thơ bình dân vô cùng đa dạng, đủ kiểu đủ loại, thí dụ như bài thơ ngắn sau đây làm theo thể đối thoại, tựa do người viết đặt:
Hỏi Han
 
_Cháu nó tới chưa chị?
_Tới rồi! Đang ở Bi-đông!
Mai này thăm trại gặp chồng
Nói cho ảnh biết để lòng được vui!
_ Chồng chị đã ở bao lâu?
_ Bảy năm tính chẵn âu sầu làm sao!
_ Ảnh trước trung úy thôi mà,
Vì sao lại phải tù dai vậy trời!
_ Cũng là bởi tại số trời,
Chiến công giết Cộng lắm người biết tên!”
Vô Danh
Bi-đông là trại tị nạn thuyền nhân Việt Nam ở Mã Lai. Theo ước tính của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, có khoảng trên một triệu người dân Việt Nam Cộng Hòa vượt biển sau năm 1975, chỉ một phần tư là đến được bến bờ tự do.
Hay như thể vè năm chữ như sau, chẳng vần điệu gì cả mà đọc lên không khỏi ít người rơi lệ cho thân phận nhọc nhằn của một dân tộc bị bại trận trước chủ nghĩa Cộng Sản:
Lý lịch gia đình em
 
Thưa cán bộ công an,
Chồng em lính Nhảy Dù
Trước nhảy toán Trường Sơn
Giết bao thằng giặc Cộng!
Tù tội được năm năm!
 
Bốn năm thăm nuôi chồng 
Tiền của chẳng còn chi!
 
Đứa lớn giờ rất khổ
Mười bốn tuổi xuân xanh
Mười hai tiếng khiêng gạch
Đứa nhỏ giờ gầy nhom
Đi rữa chén ngoài chợ
Mười hai tuổi ngây thơ
Tám tiếng trời nắng đổ
 
Còn em đang …”lao động”
Phải cày cuốc ngoài đồng
Lúa làm giao cho đảng
Hủ gạo nhà trống không!
 
Dù khổ có tới đâu 
Em vẫn vì chồng mãi
Thăm nuôi khắp cổng tù
Cho chồng em bớt khổ!”
Chú thích: Bài vè này rộ lên vào khoảng năm 1984, rất tếu ở câu: “giết bao thằng giặc Cộng” khi khai lý lịch.
Dòng thơ bình dân của người mất nước cũng không kém phần lãng mạn như thơ của những thi sĩ thành danh, đọc lên hay nghe qua vẫn làm rung động lòng người. Thí dụ như:
 
Lá rơi
 
“Em thấy chiếc lá rơi 
Mà lòng buồn vời vợi
Mười năm trời trông đợi
Hình ảnh một người tù.
 
Nhà mình giờ khổ quá
Ngày chỉ một buổi ăn!
Đêm đêm em nằm khóc
Thương con chịu nhọc nhằn!
 
Chị Hai sau di tản
Có gởi chút món quà
Tháng này em bôn ba
Thăm anh trong chua chát
 
Em nhìn chiếc lá rơi
Héo úa giống đời mình
Ngày nào anh được thả?
Da diết cõi lòng riêng!
Vô Danh
Điều đặt biệt là người viết lại có thể thu lượm được một bài thất ngôn bát cú, đọc rất hay mà người viết đã trình bày trong bài “Tình Cô Giang” (*) lâu lắm rồi, nay xin trích lại. Bài thơ đó như sau:
Tình Cô Giang
 
Cô Giang tuẫn tiết cũng vì chồng
Tôi đây phải sống ráng nuôi chồng
Việt Cộng bạo tàn gây khổ đói
Chồng tôi lính chiến chịu tù gông
Con thơ bụng đói ngồi nhớ tía*
Mẹ già bệnh yếu mãi chờ trông
Ky kóp từng đồng cơm chan lệ
Đâu sướng như Cô, chết vẹn lòng!
Vô Danh
Có thể nói, dòng thơ bình dân mang thân phận người mất nước sau năm 1975 tại miền Nam vô cùng đa dạng, miêu tả thẳng vào thực tế hoàn cảnh thân phận của người dân mất nước một cách chính xác. Xin trình bày một bài thơ khác cho mọi người thưởng thức. Bài thơ này cũng không có tựa, người viết đặt tựa dùm. Bài này người viết được biết trọn bài khi lên Đà Lạt năm 1991, lác đác vài câu nổi tiếng của bài này đã được mọi người ngâm trước đó
Nhắn vợ
 
Bọn anh giờ tù tội ở núi cao
Nhớ người thân phút phút cứ nghẹn ngào
Gặp được em, lòng anh đang cỏ úa
Bổng xanh tươi như thấy trận mưa rào!
 
Bạn anh đó mấy năm chung trại
Chẳng thăm nuôi ốm đói buồn đau
Khi em về ghé sang nhà quận Tám
Ngó dùm anh Chị ấy có ra sao?
Bao thằng lính, gia tài là con vợ,
Xương xác quèn, chôn bợ cũng chẳng sao!
 
Quà của em anh sẽ chia cùng người bạn
Để nổi buồn của ảnh được vơi vơi
Những thằng lính cầm súng cả nữa đời
Khát đói lắm tình yêu xứ sở!
 
Em trở về nếu ghé ngang Thạch Hãn
Ráng vì anh mà nghĩ đến màu Cờ
Bọn anh giờ ngày ngày tủi nhục
Nghĩ đến Cờ mà ráng sức tồn sinh!
 
Cũng lại nhờ em cám ơn chị Hai
Gởi quà về giúp mình trong khốn đốn
Nếu ngày ấy, đừng vì anh em ở lại
Thì bây giờ con cái chẳng đói meo!
 
Khi xe đò chạy ngang Quảng Trị
Cũng nhờ em thấp hộ trong lòng
Một nén nhang tưởng người đã khuất
Anh Tư em chết trận sáng nào!
 
Bọn anh giờ chỉ còn dĩ vãng,
Trước tương lai đói chết mịt mù
Đừng vì anh chồn chân ở lại
Hãy vì con cố thoát khỏi xứ này
 
Giờ chia tay nước mắt kẻ lưu đày
Đôi mắt em lung linh như huyền thoại
Của Phật bà khi ngó xuống trần gian
Cứu rỗi đời anh bại trận đầu hàng!
Vô Danh
Hai câu thơ giản dị sau rất phổ biến ở khắp mọi nơi sau năm 1975 mà dân Sài Gòn và miền Tây vẫn thường ngâm :
“Đừng vì anh chồn chân ở lại
Hãy vì con cố thoát khỏi xứ này”
Bài thơ này, theo như một số người đọc qua, cho rằng hai câu:
 
“Bao thằng lính, gia tài là con vợ
Xương xác quèn, chôn bợ cũng chẳng sao!”
Là hai câu thơ bất hủ!
Đặc biệt có bài thơ này nghe rao mà não ruột:
Vợ lính đi bán ve chai
 
Ai có đồ đồng đồ nhựa hay thau nhôm thúng bể,
Bán cho em em gánh về lò
Kiếm chút tiền nuôi đàn con nhỏ
Sáng giờ rồi chưa có hột cơm!
 
“Hai chục đồng đồ nhựa cũ
Ba chục đồng thiết hay thau”
Cả ngày em đi khắp phố rao
Dưới trời nắng gắt lệ trào không khô!
 
Bốn mẹ con em từ khi chồng đi Học Tập
Bị lấy nhà ở tạm chòi canh
Bà con cô bác gần quanh
Người cho mảnh áo, người đưa chút tiền
 
Em bán ve chai kiếm tiền bửa có bửa không
Không biết làm sao có đủ để thăm nuôi chồng
Chồng em là lính mang lon úy
Tù tội bao năm chẳng ngày về
 
Cô bác có thương cho em xin miếng nước
Uống vào lòng cho lệ bớt mặn chua
Chồng của em tù tội mút mùa
Mong cô bác giúp em kiếm sống!
 
Đứa con đầu phụ chén phụ hồ
Tuổi mười ba bôn ba như mẹ
Ngày hai chục đồng mua lon gạo thổi cơm
Cho hai em nhỏ đói meo nhớ bố
 
Ai có đồ đồng đồ nhựa hay thau nhôm thúng bể,
Bán cho em em gánh về lò
Kiếm chút tiền nuôi đàn con nhỏ
Sáng giờ rồi chưa có hột cơm!”
Vô Danh
Vào đầu thời kỳ Đổi Mới, những dòng nhạc mang thân phận người dân mất nước ở hải ngoại có dịp tràn về Việt Nam, hòa vào những lời ai oán bất tận ở trong nước. Do có điều kiện, những bài nhạc này được phổ biết, tạo nên tên tuổi cho tác giả. Thí dụ cụ thể là bài “Một chút quà cho quê hương” của anh Việt Dzũng. Lời bài nhạc này như sau:
“Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá 
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay 
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may 
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy 
 
Gởi về cho chị dăm ba xấp vải 
Chị may áo cưới hay chị may áo tang 
Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang 
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng 
 
Con gởi về cho cha một manh áo trắng 
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây 
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy 
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình 
Em gởi về cho anh một cây bút máy 
Anh vẽ cuộc đời như ước vọng mong manh 
Gởi về cho mẹ dăm gói chè xanh 
Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn 
 
Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa 
Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương 
Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương 
Em bán cho đời tìm đường vượt biên 
 
Con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ 
Cha chôn cuộc đời trong trong tử tù chung thân 
Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần 
Mơ ước yên lành… 
trong giấc ngủ…. da…. vàng….”
Nhân đây, cũng xin nguyện cầu cho hương hồn Anh tiếp tục trợ giúp người dân dành lại quê hương từ tay cộng sản.
Do có tự do và điều kiện, dòng thơ nhạc mang thân phận người mất nước ở Hải ngoại phát triển mạnh mẽ, đem đến tên tuổi cho nhiều tác giả. Trong khi đó, dòng thơ mang thân phận của người mất nước xuất phát từ trong xứ chỉ mãi mãi thầm lặng vô danh và trở thành đứa con chưa thừa nhận của nền thi ca nước nhà. Có cả ngàn bài thơ vô danh như vậy nhưng nay, một số bài chỉ lác đác còn nhớ một vài câu. Người viết không thể sưu tập hết mà chỉ có thể sưu tập tới đâu hay tới đó, để sau này gởi lại cho mọi người thưởng lãm, để giới phân tích nhìn rộng ra thêm một phần thi thơ tuyệt tác của dân tộc mình.
Ngày Quốc Khánh Việt Nam Cộng Hòa tháng 11 sắp tới đây cũng đã gần kề. Xin viết bài này cám ơn tất cả các tác giả bình dân vô danh mang thân phận mất nước đã đem đến cho đất nước một nguồn thi ca vô tận. Không những vậy, những bài thơ bình dân của các tác giả vô danh này đã là sử tích cho một thời kỳ đất nước đen tối và góp phần bảo tồn tinh thần Quốc Gia xứ sở trước thảm họa Cộng Sản.
Cũng xin cám ơn tình yêu của những người vợ lính Việt Nam Cộng Hòa. Những người phụ nữ này thật sự đã không đầu hàng trước số phận, không đầu hàng trước nghịch cảnh mà cộng sản gây ra. Chính họ đã đem chiến thắng về cho dân tộc này trước cộng sản, đó là tiếp tục chống cộng sản trong đời thường một cách mạnh mẻ dữ dội để tinh thần Việt Nam Cộng Hòa còn mãi trong nhân cách của dân tộc, còn mãi ở thế hệ sau. Đây là một chiến thắng thầm lặng nhưng vĩ đại!