Tin khắp nơi – 01/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 01/09/2018

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump giảm mạnh

Tỷ lệ không ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên đến mức 60%, theo một cuộc thăm dò dư luận do Washington Post-ABC News tiến hành.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy số đông người dân Mỹ ủng hộ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt về khả năng thông đồng từ Ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga và cho rằng Tổng thống không nên sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions.

Gần phân nửa người dân Mỹ, tức 49%, cho rằng Quốc hội nên bắt đầu quy trình luận tội để truất phế ông Trump trong khi 46% không đồng tình với ý kiến này.

Một tỷ lệ đa số mong manh người dân Mỹ – 53% – nói rằng họ nghĩ ông Trump đang tìm cách can thiệp vào cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller và sự can thiệp này có thể được xem là cản trở công lý trong khi 35% nói rằng họ không nghĩ ông Trump đang tìm cách can thiệp.

Trên tổng thể, có 60% người dân Mỹ không tán thành kết quả làm việc của ông Trump và chỉ có 36% tán thành. Mức độ không ủng hộ đã tăng lên so với cuộc khảo sát hồi tháng Tư cũng do hai cơ quan truyền thông này tiến hành. Khi đó tỷ lệ không ủng hộ so với tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 56/40.

Cuộc thăm dò này được thực hiện từ ngày 26 đến 29/8, tức là trong tuần lễ sau khi cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump là ông Paul Manafort đã bị buộc tội gian lận ngân hàng và trốn thuế và cựu luật sư riêng của ông Trump, ông Michael Cohen, nhận tội và liên đới tổng thống trong vụ trả tiền bất hợp pháp nhằm bịt miệng các phụ nữ có quan hệ tình dục ngoài luồng với ông Trump.

Ông Trump đang tìm cách tập hợp sự ủng hộ cho các ứng viên Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới bằng cách ca ngợi những thành tích kinh tế của chính quyền ông. Cuộc thăm dò này cho thấy mặc dù tỷ lệ không được lòng dân của ông Trump ở mức cao nhưng trong lĩnh vực kinh tế ông được đánh giá tốt hơn với 45% ủng hộ cách điều hành kinh tế của ông trong khi 47% không ủng hộ.

Nếu tính trên bình diện đảng phái, sắc tộc và giới tính thì trong khi 78% cử tri Cộng hòa tán thành thành tích của ông Trump thì có đến 93% cử tri Dân chủ và 59% cử tri độc lập phản đối ông. Số đàn ông ủng hộ Trump nhiều hơn phụ nữ và trong khi 45% người da trắng đứng về phía ông thì trong các sắc dân thuộc các màu da khác tỷ lệ này chỉ là 19%.

Ông Cohen đã khai trước tòa hồi tuần trước rằng ông Trump khi còn là ứng viên Tổng thống đã chỉ thị cho ông trả tiền cho hai phụ nữ để buộc họ giữ mồm giữ miệng về mối quan hệ tình ái với ông Trump.

Cuộc thăm dò cho thấy 61% người dân Mỹ nghĩ rằng nếu điều này là sự thật thì ông Trump đã phạm tội trong khi 31% nói ông không phạm tội.

Đảng Dân chủ đang hy vọng giành lại một hoặc cả hai viện Quốc hội vào cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới. Nếu họ làm được thì các lãnh đạo Đảng Dân chủ sẽ đối mặt với sức ép quyết liệt từ các cử tri của họ đòi sử dụng quyền của Quốc hội để điều tra những hành vi sai trái của Tổng thống Trump và chính quyền của ông và bắt đầu quá trình luận tội Tổng thống.

Trên vấn đề này, trong khi 75% cử tri Dân chủ cho rằng Quốc hội nên luận tội Tổng thống thì có đến 82% cử tri Cộng hòa không đồng tình. Tỷ lệ này trong số các cử tri độc lập là 49 ủng hộ và 46% không ủng hộ luận tội.

https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%B7-l%E1%BB%87-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trump-gi%E1%BA%A3m-m%E1%BA%A1nh/4553199.html

 

Thêm một người Mỹ nhận tội

trong cuộc điều tra Nga

Một đối tác kinh doanh của Konstantin Kilimnik, công dân Nga bị Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller khởi tố, đã nhận tội vào hôm thứ Sáu vì không đăng kí làm người vận động hành lang cho đảng chính trị ủng hộ Điện Kremlin ở Ukraine và đồng ý hợp tác với cuộc điều tra của ông Mueller.

Samuel Patten, 47 tuổi, cũng thừa nhận dẫn dụ một công dân Mỹ đứng ra mua vé dự lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump cho một nhân vật đầu sỏ chính trị người Ukraine, vi phạm luật hạn chế những vụ mua bán như vậy của người nước ngoài.

Thỏa thuận nhận tội, bao gồm hợp tác với văn phòng của ông Mueller, khơi lên khả năng ông Patten sẽ được gọi ra khai chứng chống lại ông Paul Manafort, cựu chủ tịch ban vận động tranh cử Trump và hiện đang đối mặt với phiên tòa thứ hai ở Washington vào tháng sau, hoặc ông Kilimnik, người đã bị khởi tố về cáo buộc can thiệp lời khai nhân chứng trong cùng một vụ án.

Ông Patten thừa nhận đã vi phạm Đạo luật Đăng kí Đại diện Nước ngoài (FARA) bằng việc không tiết lộ công việc vận động hành lang của ông cho các chính trị gia người Ukraine. Cáo buộc này tương tự như một trong những cáo buộc chủ chốt nhắm vào ông Manafort trong phiên tòa sắp tới của ông ta.

Ông Patten thừa nhận đã làm việc với một công dân Nga để vận động các thành viên của Quốc hội và nhánh hành pháp Mỹ thay mặt Khối Đối lập thân Nga từ năm 2014 đến năm 2018 mà không tiết lộ công việc này cho chính phủ Mỹ theo qui định của pháp luật.

Dù công dân Nga không được nêu tên trong hồ sơ tòa án công bố hôm thứ Sáu, những mô tả trùng khớp với ông Kilimnik.

Cáo buộc này, có mức án tối đa năm năm tù giam, được đưa ra bởi Công tố viên Liên bang đặc trách Địa khu Columbia và Bộ phận An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp. Họ bắt đầu điều tra ông Patten sau khi nhận được đề nghị từ ông Mueller.

https://www.voatiengviet.com/a/them-mot-nguoi-my-nhan-toi-trong-cuoc-dieu-tra-nga/4553148.html

 

 

Chính giới Washington tề tựu

tưởng niệm TNS McCain, TT Trump vắng mặt

Chính giới Washington vốn chia rẽ gay gắt đã cùng nhau tề tựu trong ngày thứ Sáu để tưởng niệm cố Thượng nghị sĩ John McCain, ca ngợi ông là hiện thân cho tinh thần chiến đấu, lí tưởng của nước Mỹ và sự hài hước. Nhưng có một người vắng mặt gây chú ý: Tổng thống Donald Trump.

Các nhà lãnh đạo của cả hai đảng đã tập trung tại Đại Sảnh Điện Capitol vào ngày thứ Sáu để tôn vinh ông McCain vào ngày thứ ba trong số năm ngày với những buổi lễ tưởng niệm ở bang Arizona và thủ đô Washington dành cho vị anh hùng Chiến tranh Việt Nam và người từng hai lần là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Lãnh đạo Cộng hòa Thượng viện Mitch McConnell, người thường đối đầu với ông McCain về các vấn đề như cải cách luật tài chính tranh cử và cải tổ luật chăm sóc y tế của ông Obama, ca ngợi ông là một “nhà lãnh đạo của các thế hệ” trong Thượng viện.

“Ông ấy sẽ chiến đấu kịch liệt cho viễn kiến của ông ấy về lợi ích chung. Tùy vấn đề, bạn biết John sẽ là đồng minh thân cận nhất của bạn hoặc là đối thủ cố chấp nhất của bạn,” ông McConnell nói.

“Bất kì lúc nào, ông ấy có thể diễn thuyết hùng hồn về sự tự do của con người hoặc buông một câu nói đùa cay nghiệt, kèm theo tiếng cười sằng sặc và ánh mắt không lẫn vào đâu được của John McCain,” ông nói.

Phó Tổng thống Mike Pence tham dự buổi lễ và là một trong các diễn giả. Ông cho biết ông Trump đã yêu cầu ông đến thay ông để viếng ông McCain.

“Mọi người sẽ nhớ ông ấy. Như Tổng thống Trump đã nói, chúng ta tôn trọng sự phụng sự của ông ấy đối với đất nước,” ông Pence nói.

Ông Trump cũng sẽ không dự lễ tưởng niệm ngày thứ Bảy tại Thánh đường Quốc gia Washington. Tại đây cựu Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama, người từng đánh bại ông McCain trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008, và cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa George W. Bush, người từng đánh bại ông McCain vào năm 2000 trong đợt bầu cử sơ bộ của đảng họ, sẽ vinh danh ông McCain.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói đôi khi ông hứng chịu “sự thẳng thừng mang phong cách đặc trưng” của ông McCain.

“Đây là một trong những linh hồn dũng cảm nhất mà đất nước chúng ta từng sản sinh,” ông Ryan nói.

Sau buổi lễ, công chúng sẽ được cho phép đi qua Đại sảnh để viếng linh cữu của ông McCain trong sáu tiếng.

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-gioi-washington-te-tuu-tuong-niem-thuong-nghi-si-mccain-tong-thong-trump-vang-mat/4552885.html

 

Phái đoàn cao cấp Đài Loan

được mời đến viếng McCain

Ông Tô Gia Toàn, Viện trưởng Viện Lập pháp Đài Loan, sẽ dẫn đầu phái đoàn của hòn đảo này đến dự tang lễ của cố Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một thông cáo hôm thứ Năm ngày 30/8.

Cơ quan này cho biết ông Tô được mời đến viếng và đã lên đường đến Mỹ hôm 30/8. Tháp tùng với ông Tô là ông Cao Thạc Thái (Stanley Kao), đại diện Đài Loan tại Mỹ.

Phái đoàn Đài Loan sẽ tham dự lễ viếng và lễ truy điệu ông McCain tại Điện Capitol và Thánh đường Quốc gia Washington.

Bộ Ngoại giao Đài Loan mô tả ông McCain là ‘một lãnh đạo bảo vệ tự do và dân chủ’ và ‘một lòng ủng hộ Đài Loan’.

Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, hôm 26/8 đã viết trên Twitter rằng ‘Tôi sẽ nhớ đến John McCain như một người bạn và một chiến binh. Ông ấy không bao giờ thoái lui trước niềm tin của mình và sẽ mãi tranh đấu cho một thế giới hòa bình và thịnh vượng. Thay mặt cho nhân dân Đài Loan, tôi xin cảm ơn ông.”

Thông cáo báo chí của bà Thái nói rằng ông McCain có ‘mối quan hệ sâu sắc với Đài Loan’ và ông đã ủng hộ nhiều dự luật tại Quốc hội đưa ra các biện pháp hỗ trợ Đài Loan cũng như bảo vệ các nền dân chủ trên thế giới.

Sự ra đi của ông McCain là ‘mất mát to lớn đối với Đài Loan’, bà Thái cho biết.

Thông tấn xã CNA của Đài Loan gọi ông McCain là ‘người bạn và là ủng hộ viên lâu năm của Đài Loan’.

https://www.voatiengviet.com/a/ph%C3%A1i-%C4%91o%C3%A0n-cao-c%E1%BA%A5p-%C4%91%C3%A0i-loan-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-m%E1%BB%9Di-%C4%91%E1%BA%BFn-vi%E1%BA%BFng-mccain/4553198.html

 

Nhà nghiên cứu âm mưu

đánh cắp bí mật thương mại để bán ở TQ

Một nhà nghiên cứu ung thư hôm thứ Sáu đã nhận tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại sinh dược phẩm từ công ty GlaxoSmithKline trong điều mà các công tố viên nói là một mưu đồ bao gồm các kế hoạch mở các công ty ở Trung Quốc để tiếp thị chúng.

Yu Xue nhận tội tại tòa án liên bang về một tội danh duy nhất. Chính phủ đã bãi bỏ hơn hai chục tội danh khác đối với nhà nghiên cứu này.

Trong phiên tòa hôm thứ Sáu, bà Xue nói bà không hiểu rằng tài liệu mà bà gửi qua email tới tài khoản cá nhân của bà và sau đó cho những người khác – bao gồm một số phần của hồ sơ nộp xin bằng sáng chế của riêng bà cho một số nghiên cứu nhất định – được coi là bí mật thương mại.

Thẩm phán Joel Slomsky lưu ý các công tố viên không cần phải chứng minh bà có hiểu đó là bí mật thương mại hay không, nhưng bà biết rằng khi đó bà đang chia sẻ tài liệu bí mật. Thẩm phán nói ông tin rằng các công tố viên liên bang đã đáp ứng được gánh nặng chứng cứ đó.

Các công tố viên mô tả công dân Mỹ 48 tuổi này là một trong những nhà sinh hóa học protein hàng đầu trên thế giới. Bà đã làm việc tại cơ sở nghiên cứu của GlaxoSmithKline ở ngoại ô thành phố Philadelphia trong khoảng một thập niên và trở thành một người quản lí cao cấp. Bà bị sa thải ngay sau khi có những cáo buộc nhắm vào bà vào đầu năm 2016.

Các công tố viên cáo buộc bà tải xuống và gửi email thông tin bí mật bao gồm nghiên cứu về các loại thuốc ung thư cụ thể và hợp tác với bốn người khác, bao gồm hai người ở Trung Quốc, bị cáo buộc trong cùng mưu đồ.

Một nhà khoa học nghiên cứu khác tại GlaxoSmithKline, Tao Li, cũng bị buộc tội trong kế hoạch này.

Bà Xue phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm và khoản tiền phạt 250.000 đôla. Bà cũng có thể bị buộc phải trả tiền bồi thường cho giá trị của những bí mật đó, mà sẽ được giới hạn ở mức 2 tỉ đôla.

https://www.voatiengviet.com/a/nha-nghien-cuu-am-muu-danh-cap-bi-mat-thuong-mai-de-ban-o-trung-quoc/4553164.html

 

Mỹ: TQ tuyển mộ gián điệp

‘cực kì quyết liệt’ trên LinkedIn

Người đứng đầu cơ quan phản gián của Mỹ cho biết các cơ quan gián điệp của Trung Quốc đang sử dụng các tài khoản giả trên LinkedIn để tìm cách tuyển mộ người Mỹ có khả năng tiếp cận các bí mật của chính phủ và bí mật thương mại, và công ty này nên đình chỉ các tài khoản đó, Reuters đưa tin.

William Evanina, giám đốc phản gián của Mỹ, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng các quan chức tình báo và chấp pháp đã thông báo với LinkedIn, thuộc sở hữu của tập đoàn Microsoft, về những nỗ lực “cực kì quyết liệt” của Trung Quốc trên website này.

Ông nói hoạt động của Trung Quốc bao gồm liên lạc với hàng ngàn thành viên LinkedIn cùng lúc, nhưng ông từ chối cho biết có bao nhiêu tài khoản giả mà tình báo Mỹ đã phát hiện, có bao nhiêu người Mỹ có thể đã được liên lạc và Trung Quốc đã tuyển mộ thành công tới mức nào.

Nhà chức trách ở Đức và Anh trước đó đã cảnh báo công dân của họ rằng Bắc Kinh đang sử dụng LinkedIn để cố gắng tuyển mộ họ làm gián điệp. Nhưng đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai nói về thách thức này ở Mỹ và nêu rằng đây là một vấn đề lớn hơn những gì được biết trước đây, Reuters nói.

Hãng tin này dẫn lời ông Evanina nói thêm rằng LinkedIn nên cân nhắc theo bước Twitter, Google và Facebook, những mạng xã hội đã đình chỉ các tài khoản giả bị cáo buộc có dính líu tới các cơ quan tình báo Iran và Nga.

LinkedIn nói họ có 575 triệu người sử dụng ở hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 150 triệu thành viên ở Mỹ.

Giám đốc phụ trách an toàn của LinkedIn, Paul Rockwell, khẳng định công ty đã tiếp xúc với các cơ quan chấp pháp của Mỹ về những nỗ lực gián điệp của Trung Quốc, theo Reuters. Đầu tháng này, LinkedIn cho biết họ đã đình chỉ “dưới 40” tài khoản giả mà người dùng của nó đã sử dụng để cố gắng liên lạc với các thành viên LinkedIn có liên hệ tới các tổ chức chính trị không xác định. Ông Rockwell không nói liệu đó có phải là các tài khoản Trung Quốc hay không.

Ông cũng từ chối cho biết số lượng tài khoản giả liên quan với các cơ quan tình báo Trung Quốc, theo Reuters. Ông nói công ty đưa ra “hành động rất kịp thời để hạn chế các tài khoản và khắc phục và ngăn chặn bất kì thiệt hại to lớn nào có thể xảy ra” nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Bộ ngoại giao Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc của ông Evanina.

“Chúng tôi không biết quan chức Mỹ đó dẫn ra bằng chứng nào để đi tới kết luận này. Những gì họ nói là hoàn toàn vô nghĩa và có động cơ mờ ám,” bộ nói trong một thông cáo gửi cho Reuters.

Ông Evanina nói ông lên tiếng một phần là vì trường hợp của ông Kevin Mallory, một viên chức CIA về hưu bị kết tội âm mưu làm gián điệp cho Trung Quốc vào tháng 6.

Nói thông thạo tiếng Trung, ông Mallory đang gặp khó khăn về tài chính khi ông được liên lạc qua tin nhắn LinkedIn vào tháng 2 năm 2017 bởi một công dân Trung Quốc giả dạng làm người tuyển mộ, theo hồ sơ tòa án và bằng chứng xét xử.

Người này, lấy tên Richard Yang, đã sắp xếp một cuộc gọi điện thoại giữa ông Mallory và một người đàn ông tự nhận làm việc tại một viện nghiên cứu ở Thượng Hải.

Trong hai chuyến đi sau đó đến Thượng Hải, ông Mallory đã đồng ý bán các bí mật quốc phòng của Mỹ – gửi qua một thiết bị di động đặc biệt cung cấp cho ông – dù ông nhận định những mối liên lạc người Trung Quốc của ông là nhân viên tình báo, theo hố sơ truy tố của chính phủ Mỹ nhắm vào ông. Theo lịch trình ông sẽ bị kết án vào tháng 9 và có thể đối mặt với bản án tù chung thân.

https://www.voatiengviet.com/a/my-trung-quoc-tuyen-mo-gian-diep-cuc-ki-quyet-liet-tren-linkedin/4553152.html

 

Canada và Hoa Kỳ

không đạt được được thỏa thuận NAFTA

Washington DC – Theo tin từ Reuters, Canada và Hoa Kỳ đã chấm dứt cuộc đàm phán trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận cho Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) vào ngày Thứ Sáu  31 tháng 08 mà không đạt được một thỏa thuận nào.

Tờ Wall Street đưa tin,   tổng thống Trump đã thông báo đến quốc hội Hoa Kỳ, hiệp ước ngoại thương NAFTA nay chỉ còn Hoa Kỳ và Mexico. Ông dự định ký thỏa thuận thương mại với Mexico trong 90 ngày. Trong thời gian đó, Canada có thể gia nhập nếu muốn.

Trong một bản tuyên bố, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thương lượng với phía Canada vào ngày 5 tháng 9, với  mục tiêu thuyết phục Canada cùng ký với Hoa Kỳ và Mexico.

Trước đó vào sáng Thứ Năm, viên chức hai nước  đàm phán rất căng thẳng, nhưng cũng có tiến triển. Tuy nhiên, đến hết ngày thứ Năm, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cùng Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Theo tờ The Globe and Mail dẫn lời một nguồn tin thân cận, cho biết ông Lighthizer kiên quyết giữ vững lập trường, bất chấp việc bà Freeland sẵn sàng có một số nhượng bộ về mặt hàng sữa, đổi lại Hoa Kỳ và Canada cần giữ lại chương 19 liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại. Hoa Kỳ muốn bãi bỏ Chương 19 của hiệp định NAFTA cũ, vì điều khoản này đã cản trở Hoa Kỳ trong việc điều tra các trường hợp chống bán phá giá và chống trợ cấp. Ông Lighthizer cho biết phía Mexico đã đồng ý bỏ điều khoản này.

Hôm Thứ Sáu, ông Trump tỏ ý sẽ có thể gia hạn thêm để hai nước tiếp tục đàm phán. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/canada-va-hoa-ky-khong-dat-duoc-duoc-thoa-thuan-nafta/

 

2 Công Tố Viên Cấp Dưới

Rời Đoàn Điều Tra Mueller

WASINGTON   –    Bộ tư pháp xác nhận: 2 công tố viên Ryan Dickey và Brian Richardson không còn giúp việc Phòng công tố viên đặc biêt – 2 vị này là công tố bậc thấp, nhưng thường được thấy mặt trong Đoàn Mueller và tại tòa án.

Họ được giao làm việc trên các hồ sơ tòa án mà ông Mueller mở ra trong cuộc điều tra tố giác về can thiệp bầu cử của Nga.

Phát ngôn viên của Đoàn Mueller từ chối giải thích ý nghĩa của thay đổi này –  phát ngôn viên Peter Carr minh định không có yếu tố chính trị, sự thiên kiến hay vì lầm lỗi.

Trong mùa Hè này, ông Mueller mở thêm hồ sơ truy tố hình sự – các đơn vị khác thuộc Bộ tư pháp và biện lý cuộc thủ đô Washington, Ban an ninh quốc gia của Bộ cũng bắt đầu làm việc về hành động của tòa án, đào sâu các hồ sơ.

Nhà báo nhận xét: sự ra đi của 2 ông Dickey và Richardson khác trường hợp Peter Strzok, là viên chức FBI trong Đoàn Mueller, bị đuổi sau khi phóng text bằng điện thoại di động về TT Trump và bình phẩm vụ giám đốc James Comey bị cách chức.

CNN cho biết: hiện có 15 luật sư làm việc dưới quyền chỉ huy của ông Mueller.

Mới đây, ông Richardson trở thành 1 thành viên nghiên cứu tại Columbia Law School.

Ông Dickey tiếp tục làm việc với Bộ tư pháp – ông này chuyên trách điện toán và tội trộm cắp tác quyền.

https://vietbao.com/p122a285004/2/2-cong-to-vien-cap-duoi-roi-doan-dieu-tra-mueller

 

Detroit xúc động tiễn biệt

huyền thoại nhạc soul Aretha Franklin

Hôm qua, 31/08/2018, tại thành phố Detroit, Hoa Kỳ, rất đông các ngôi sao âm nhạc, người hâm mộ và cựu tổng thống Bill Clinton đã tới dự tang lễ « nữ hoàng nhạc soul » Aretha Franklin. Buổi lễ tiễn đưa huyền thoại ca nhạc Mỹ về nơi an nghỉ cuối cùng kéo dài gần 8 giờ trong nhà thờ Greater Grace Temple, trong không khí trang trọng, xúc động, tràn ngập trong âm nhạc của nữ ca sĩ da đen, qua đời hôm 16/08 ở tuổi 76 vì bệnh ung thư.

Thông tín viên Eric de Salve từ Detroit ghi nhận những cảm xúc của người dân dự đám tang Aretha Franklin:

Ngay khi những gia điệu Gospel đầu tiên mở màn cho lễ tang, bà Lary, một người Mỹ gốc Phi về hưu tại Detroit, đã tràn ngập xúc động và nước mắt. Bà nói :

« Từ khi tôi còn là trẻ con, Aretha Franklin đã là tất cả đối với gia đình tôi. Cha mẹ tôi mỗi khi có chuyện hay cãi cọ nhau là họ mở đĩa của Aretha nghe một trong những bài hát của bà và thế là là họ bình tĩnh trở lại. Tôi sẽ rất nhớ bà. Với tôi bà là một người cô, người mẹ, đó là một biểu tượng ».

Từ sáng sớm, Lary đã tới nơi nhưng không thể vào được bên trong nhà thờ Greater Grace Temple của Detroit. Nhà thờ chỉ đủ chỗ cho 2000 người.

Cùng với vợ, ông Gwen theo dõi lễ tang qua màn hình lớn đặt ngoài nhà thờ. Ông Gwen cho biết cảm xúc :

« Chúa ơi, họ vừa đóng áo quan lại kìa. Bà đã chính thức ra đi. Tôi thấy quặn thắt trong lòng ».

Trước lĩnh cữu mạ vàng của Aretha Franklin, là các linh mục da đen tiêu biểu, các nghệ sĩ . Được đệm bằng dàn hợp ca khoảng một trăm ca sĩ Gospel, nữ ca sĩ Arianna Grande hát lại tác phẩm nổi tiếng toàn cầu của Aretha « Feel like a woman ».

Cựu tổng thống Mỹ, Bill Clinton đọc diễn văn. Ông kết thúc bằng một cử chỉ đầy xúc động, rút điện thoại bật bài ca « Think » của Aretha Franklin.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180901-detroit-xuc-dong-tien-biet-huyen-thoai-nhac-soul-aretha-franklin

 

Mỹ ngưng viện trợ Cơ quan Liên Hiệp Quốc

về người tị nạn Palestine

Thùy Dương

Hôm qua 31/08/2018, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert thông báo chính quyền Washington quyết định ngưng viện trợ cho Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine. Thông báo này được đưa ra một tuần sau khi Washington dọa cắt viện trợ 200 triệu đô la cho tổ chức này.

Ông Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và ông Chris Gunness, phát ngôn viên của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ và kêu gọi các nước khác tăng cường viện trợ để tổ chức này có thể tiếp tục sứ mệnh cứu giúp 5 triệu người tị nạn Palestine.

Đáp lại lời kêu gọi, hôm qua ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo tăng viện trợ đồng thời kêu gọi các thành viên Liên Hiệp Châu Âu làm điều tương tự. Năm 2017, Đức đã đóng góp 81 triệu euro.

Ngày 29/08, ông Chris Gunness đã cảnh báo từ này đến cuối tháng 09, tổ chức này sẽ không còn tiền và từ nay đến cuối năm, họ cần có 200 triệu đô la cho các trường học và cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người tị nạn Palestine.

Hồi đầu năm 2018, Mỹ chỉ viện trợ 60 triệu đô la cho tổ chức này thay vì 350 triệu đô la như năm 2017.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180901-washington-ngung-vien-tro-co-quan-lien-hiep-quoc-ve-nguoi-ti-nan-palestine

 

Venezuela tăng lương tối thiểu gấp 34 lần

Thùy Dương

Giữa lúc khủng hoảng kinh tế, lạm phát ngày càng trầm trọng, từ ngày hôm nay 01/09/2018, chính phủ Maduro áp dụng quyết định nâng lương tối thiểu tại Venezuela lên gấp 34 lần, từ 52 bolivar/tháng lên thành 1.800 bolivar/tháng.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, biện pháp tăng lương tối tiểu dường như khó có thể thực hiện. Các chủ doanh nghiệp hiện không biết bằng cách nào có tiền để trả lương cho nhân viên, trong khi chính phủ chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vòng 90 ngày.

Quy định tăng lương tối thiểu được tổng thống Nicolas Maduro công bố từ hồi mùa hè và nằm trong loạt biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế Venezuela vốn đang khủng hoảng trầm trọng.

Liên quan tới khủng hoảng di dân Venezuela, AFP cho biết ngày 31/08, lãnh đạo Ngoại Giao Châu Âu, bà Federica Mogherini khẳng định Liên Hiệp sẽ viện trợ 35 triệu đô la cho người dân Venezuela đang sinh sống trong nước cũng như di dân Venezuela tại các nước láng giềng. Khoản tiền trên nhằm mua sắm lương thực, nước sạch, chăm sóc sức khỏe và cứu giúp những người trong hoàn cảnh khó khăn.

Trong khi đó, cũng trong ngày hôm qua, phát biểu trước báo giới, sau cuộc gặp với đại diện của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn và đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Venezuela, phó tổng thống Delcy Rodriguez khẳng định làn sóng di cư của hàng trăm triệu người dân nước này là « kịch bản » do Washington dàn dựng, là một phần trong kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela.

Phó tổng thống Venezuela cũng cho rằng ngoài Mỹ, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu và « Nhóm Lima », nhất là Brazil, Achentina, Colombia và Mêhicô cũng « nhúng tay » vào việc này một cách « vô đạo đức ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180901-venezuela-tang-luong-toi-thieu-gap-34-lan

 

LHQ kêu gọi TQ thả người Uighur

khỏi những nơi bị cho là trại cải huấn

Các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng báo động hôm thứ Năm về các trại cải huấn chính trị ở Trung Quốc được nói là để giam cầm người Hồi giáo Uighur và họ kêu gọi phóng thích ngay lập tức những người bị giam giữ dựa trên “cái cớ chống chủ nghĩa khủng bố.”

Ủy ban của Liên Hiệp Quốc về Xóa bỏ Kì thị Chủng tộc dẫn ra các ước tính cho biết có đến một triệu người Uighur có thể đang bị câu lưu ngoài ý muốn và ngoài vòng pháp luật ở tỉnh Tân Cương xa xôi thuộc miền tây Trung Quốc.

Những kết luận của Liên Hiệp Quốc được đưa ra sau một cuộc thẩm duyệt kéo dài hai ngày trong tháng này về thành tích nhân quyền của Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ năm 2009.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc vào thời điểm đó, và nói rằng các lực lượng chống Trung Quốc đứng đằng sau những chỉ trích nhắm vào các chính sách của Bắc Kinh tại Tân Cương.

Trung Quốc chưa bao giờ chính thức xác nhận sự tồn tại của các trại giam giữ ở đó.

Trung Quốc đã nói rằng Tân Cương đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ những kẻ chủ chiến và phần tử li khai Hồi giáo cực đoan, những người mà Bắc Kinh nói là khuấy động căng thẳng giữa chủ yếu là người Uighur thiểu số theo Hồi giáo và người Hán đa số.

Nhưng ủy ban lên án “định nghĩa rộng lớn về chủ nghĩa khủng bố và những tham chiếu mơ hồ về chủ nghĩa cực đoan và định nghĩa không rõ ràng về tư tưởng li khai trong luật pháp Trung Quốc.”

Điều này có thể được sử dụng để chống lại những người thực hiện các quyền của mình một cách ôn hòa và tạo điều kiện cho việc “nhắm mục tiêu hình sự” vào các sắc dân và tôn giáo thiểu số, trong đó có người Uighur, người Tây Tạng theo Phật giáo và người Mông Cổ, ủy ban nói.

Trong kết luận của mình, ủy ban cho biết họ hết sức lo lắng về “nhiều báo cáo về việc biệt giam một số lượng lớn những người thuộc sắc dân Uighur và những người Hồi giáo khác thường trong khoảng thời gian dài mà không buộc tội hoặc xét xử họ, dưới cái cớ chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.”

“Chúng tôi đang đề nghị Trung Quốc ngưng tập tục này nếu nó tồn tại. Chúng tôi đang yêu cầu Trung Quốc thả người nếu không có cơ sở pháp lí để giam giữ họ,” thành viên ủy ban Nicolas Marugán nói với Reuters.

Tại Bắc Kinh hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói phát biểu của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc “không có cơ sở thực tế,” nói thêm rằng sự hài lòng của người dân với tình hình an ninh và sự ổn định ở Tân Cương đã tăng lên đáng kể.

Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Mỹ hôm thứ Tư đã kêu gọi Washington áp đặt chế tài lên các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo ở Tân Cương, nói rằng khu vực này đã bị biến thành một “nhà nước công an trị công nghệ cao.”

https://www.voatiengviet.com/a/lhq-keu-goi-trung-quoc-tha-nguoi-uighur-khoi-nhung-noi-bi-cho-la-trai-cai-huan/4552853.html

 

Chủ tịch EU nói sẽ tăng thuế xe hơi

nếu Trump làm trái thỏa thuận

Liên minh Châu Âu sẽ đáp trả thích đáng nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump không giữ đúng cam kết của mình là không áp thuế quan lên xe hơi, Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu trong khi căng thẳng thương mại giữa Châu Âu và Mỹ gia tăng trở lại.

Ông Juncker nói với đài ZDF ở Đức hôm thứ Sáu rằng EU sẽ không để cho bất cứ ai định đoạt chính sách thương mại của mình. Nếu Washington rốt cục quyết định áp thuế quan lên xe hơi “thì chúng ta cũng sẽ làm điều đó,” ông nói.

Ông Trump hôm thứ Năm bác bỏ một đề nghị của EU loại bỏ thuế quan đối với xe hơi và cho biết các chính sách thương mại của EU “tệ gần giống như Trung Quốc,” Bloomberg News loan tin.

Ông Juncker nói ông đã đàm phán một “thỏa thuận hưu chiến” về thương mại với ông Trump trong tháng 7 và dù các thỏa thuận như vậy thường có nguy cơ đổ vỡ, song nhìn chung chúng vẫn được tôn trọng.

EU vẫn còn bất đồng với Mỹ về việc Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán tại Tổ chức Thương mại Thế giới, liên quan tới thuế quan được áp đặt vì lí do an ninh quốc gia, và về lập trường cứng rắn của Washington đối với Trung Quốc.

Ông Trump vào tháng 7 đã đồng ý khoan đánh thuế 25 phần trăm lên xe hơi trong khi Mỹ và Châu Âu đàm phán về việc loại bỏ những hàng rào thương mại khác, nhưng các quan chức Mỹ đã trở nên bực bội về tiến độ chậm chạp.

Phát biểu trước ủy ban thương mại của Nghị viện Châu Âu hôm thứ Năm, Trưởng phụ trách thương mại Châu Âu Cecilia Malmstrom nói EU có “những bất đồng sâu sắc” với Mỹ.

Bà Malmstrom nói một nhóm công tác mà bà và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer sẽ giám sát về vấn đề này không tham gia vào các cuộc đàm phán chính thức.

Bà cũng cho biết Liên minh Châu Âu sẽ sẵn sàng giảm thuế xe hơi xuống bằng không, nếu Mỹ sẵn lòng làm như vậy, vượt ra ngoài thỏa thuận tạm thời đạt được vào tháng 7 mà chỉ nhắc tới “hàng công nghiệp không phải xe hơi.”

Trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg, ông Trump nói về đề xuất của EU loại bỏ thuế xe hơi: “Vậy chưa đủ tốt.”

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-eu-noi-se-tang-thue-xe-hoi-neu-trump-lam-trai-thoa-thuan/4552866.html

 

Syria : Nga cảnh cáo phương Tây

khi diễn tập quân sự ở Địa Trung Hải

Từ ngày 01-08/09/2018, Hải Quân Nga chính thức tiến hành diễn tập tại Địa Trung Hải và cảnh báo « các vùng nguy hiểm đối với tầu thuyền và các chuyến bay » trong khu vực.

Thông cáo ngày 30/08 của bộ Quốc Phòng Nga cho biết có « hơn 25 tầu chiến theo lệnh của tàu tuần dương mang tên lửa Đô đốc Ustinov và khoảng 30 máy bay, trong đó có nhiều máy bay ném bom chiến lược Tu-160, tham gia cuộc diễn tập » nhằm tăng cương khả năng phòng không, chống hạm. Các chiến hạm tham gia cuộc diễn tập đến từ các hạm đội biển Bắc, biển Baltic, biển Đen và biển Caspi.

Theo AFP, cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh chính quyền Syria sẵn sàng tấn công vào cứ địa cuối cùng của phe nổi dậy ở tỉnh Idleb. Còn Nga tăng cường hiện diện quân sự ở ngoài khơi Syria do lo ngại phương Tây tấn công quân đội của chế độ Bachar Al Assad.

Trước đó, vào ngày 25/08, khu trục hạm Mỹ USS Ross đã vào Địa Trung Hải, mang theo 28 tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng tấn công đến bất kỳ địa điểm nào tại Syria. Vì vậy, theo bộ Quốc Phòng Nga, cuộc thao dượt hải quân có quy mô lớn là hành động « tăng cường biện pháp phòng vệ hoàn toàn có căn cứ và chính đáng ».

Trên Twitter ngày 31/08, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov « bao che cuộc tấn công » của chế độ Bachar Al Assad nhắm vào phe nổi dậy ở tỉnh Idleb. Tổ chức Unicef cảnh báo chính quyền Damas về số phận của khoảng hơn 1 triệu trẻ em sống tại cứ địa cuối cùng của phe nổi dậy.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180901-syria-nga-canh-cao-phuong-tay-khi-dien-tap-quan-su-o-dia-trung-hai

 

Đông Ukraina : Lãnh đạo ly khai

chủ chốt thân Nga chết vì bị ám sát

Thu Hằng

Ông Alexander Zakhartchenko đã chết trong một vụ nổ vào chiều 31/08/2018 tại một quán cà phê ở Donestsk, một trong những căn cứ chủ chốt của phe nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraina. Ông Alexander Zakhartchenko, « lãnh đạo nước Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk » tự xưng, là một trong những thủ lĩnh ly khai thân Nga còn sống sót kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra năm 2014.

Từ Lviv, thông tín viên Sébastien Gobert :

Ông Alexander Zakhartchenko, 42 tuổi, từng thoát khỏi nhiều âm mưu ám sát. Lần này, ông chết tại chỗ. Cuộc điều tra khó có thể giúp phát hiện được thủ phạm.

Khoảng 10 vụ ám sát nhắm vào giới chỉ huy quân sự của các phe ly khai đã được tiến hành trước vụ ám sát nhắm vào lãnh đạo nước Cộng Hòa Donetsk tự xưng từ năm 2014.

Dù là do các cơ quan an ninh Ukraina, lực lượng đánh thuê người Nga hay là do tranh giành giữa các phe ly khai, thì thủ phạm các vụ tấn công này hiếm khi được tìm ra.

Luôn phủ nhận hỗ trợ cho phe ly khai ở Ukraina nhưng trong một thông cáo chính thức, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhanh chóng lấy làm tiếc về tin ông Alexander Zakhartchenko bị chết.

Vụ tấn công gây thêm trở ngại cho các cuộc đàm phán hòa bình và có thể khơi lại vòng xoáy bạo lực trong vùng miền Đông Ukraina. Trong khi đó, tình hình vừa mới tạm yên ắng để vài nghìn học sinh trở lại trường học.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180901-dong-ukraina-lanh-dao-ly-khai-chu-chot-than-nga-chet-vi-bi-am-sat

 

Hàn Quốc gửi đặc phái viên tới Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc sẽ gửi một phái đoàn đặc biệt đến Bắc Triều Tiên vào tuần tới để đàm phán về sự bế tắc trong giải trừ hạt nhân và để chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền được dự trù vào tháng sau, văn phòng phủ tổng thống cho biết hôm thứ Sáu ngày 31/8.

Chuyến đi vào ngày 5/9 của phái đoàn này diễn ra giữa lúc đang có nhiều lo lắng về tốc độ giải trừ hạt nhân chậm chạp của Bình Nhưỡng kể từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore hồi tháng Sáu.

Sau cuộc gặp, ông Trump đã tuyên bố cuộc gặp là ‘thành công’ và ông đã giúp giải quyết được mối họa vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng kể từ đó ngày càng có nhiều nghi ngờ đối với việc ông Kim sẵn lòng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Nhiều nhà phân tích lâu nay đã nhận định rằng ông Kim xem vũ khí hạt nhân là phương tiện quan trọng để giúp ông nắm quyền.

Ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến sẽ gặp nhau lần nữa vào tháng tới ở Bình Nhưỡng trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba. Các chi tiết của cuộc gặp chẳng hạn như thời gian chính xác, vẫn chưa được công bố.

Thông cáo của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết nước này hôm 31/8 đã gửi một thông điệp đến Bình Nhưỡng đề xuất họ sẽ gửi đặc sứ và Bình Nhưỡng đã đồng ý.

“Phái đoàn đặc sứ sẽ thảo luận sâu rộng với phía Bắc Triều Tiên, bao gồm lịch trình cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh Liên Triều sắp tới và sự phát triển của quan hệ giữa hai miền Triều Tiên cũng như việc giải trừ vũ khí hạt nhân và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên,” thông cáo viết.

Tuy nhiên, văn phòng ông Moon cho biết họ vẫn chưa quyết định sẽ phái ai đi Bình Nhưỡng và thời gian họ sẽ lưu lại đó là bao lâu.

Tuyên bố gửi phái đoàn Hàn Quốc đến Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Trump gác sang một bên chuyến công du đến Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo với lý do là thiếu tiến triển trên hồ sơ phi hạt nhân hóa. Bắc Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa phản hồi về động thái của ông Trump.

Ông Trump đã dồn dập chỉ trích Trung Quốc về những vấn đề đối với Triều Tiên. Ông cáo buộc Bắc Kinh ‘giật dây’ Bình Nhưỡng do căng thẳng thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung và rằng Bắc Kinh đã vi phạm các lệnh cấm vận của quốc tế khi cung cấp tiền bạc, năng lượng, phân bón và những mặt hàng thiết yếu khác cho Bắc Triều Tiên

Cho đến nay, Triều Tiên đã ngưng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đóng cửa địa điểm thử hạt nhân và tháo dỡ các bộ phận của các cơ sở quan trọng tại điểm phóng hỏa tiễn chính. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nước ngoài tin rằng bao nhiêu đó là chưa đủ để chứng tỏ Bình Nhưỡng nghiêm túc giải trừ hạt nhân.

Vấn đề trung tâm của bế tắc hiện nay là việc Bắc Triều Tiên yêu cầu tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong khi Hoa Kỳ trước hết muốn nước này đệ trình bản danh sách kho vũ khí hạt nhân của họ và có những bước đi mạnh mẽ để phi hạt nhân hóa.

Tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ cho phép Bình Nhưỡng kêu gọi ký hiệp ước hòa bình chính thức và điều này sẽ dẫn đến Mỹ rút 28.500 quân đang đóng ở Hàn Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-g%E1%BB%ADi-%C4%91%E1%BA%B7c-ph%C3%A1i-vi%C3%AAn-t%E1%BB%9Bi-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn/4553193.html

 

Sáu người ở châu Á nhận Giải Ramon Magsaysay

Sáu người ở châu Á hôm 31/8 được trao giải Ramon Magsaysay, vốn được xem như là Giải Nobel châu Á.

Những người thắng giải thưởng này, vốn được đặt theo tên một vị Tổng thống Philippines đã thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay hồi năm 1957, được công bố hồi tháng trước.

Sáu người được trao giải bao gồm một nạn nhân sống sót trong nạn diệt chủng ở Campuchia vốn đã giúp ghi lại sự tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ, một bác sỹ tâm lý Ấn Độ dẫn đầu nỗ lực cứu giúp hàng ngàn người nghèo khổ bệnh tâm thần lang thang ngoài đường phố, một người Philippines dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình với phiến quân cộng sản, một người Việt Nam bị bại liệt đấu tranh với tình trạng ngược đãi người tàn phế và một công dân Timor Leste giúp xây dựng trung tâm cứu trợ cho người nghèo giữa cảnh xung đột và một công dân Ấn Độ dạy kèm cho các học sinh trường làng để giúp các em thi đậu.

“Tất cả những gì mà tôi đã làm trong hàng chục năm qua không phải là vô ích, nó đã được công nhận,” ông Youk Chhang, người đã mất cha, năm anh chị em và gần 60 người họ hàng dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ trong những năm 70 của thế kỷ trước, phát biểu. Ông trở thành người đứng đầu một trung tâm ghi chép lại những bạo lực tàn bạo để hỗ trợ cho các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ở Campuchia.

Các công việc của ông Youk Chhang, 57 tuổi, bao gồm thu thập hơn một triệu tài liệu, xuất bản các bản đồ kỹ thuật số của hơn 23.000 nấm mồ tập thể và khai quật các thi hài để giám định pháp ý. Hiện tại ông đang có dự án xây dựng một bảo tàng, hồ sơ lưu trữ, thư viện và một chương trình đào tạo sau đại học về các tội ác chống lại nhân loại.

Còn ở Ấn Độ, nơi ước tính có 400.000 người vô gia cư bị mắc bệnh tâm thần, nhà tâm lý Bharat Vatwani đã bắt đầu một sứ mạng vào năm 1988 mà cho đến nay đã giúp cứu giúp, chữa trị và tái hòa nhập cho hơn 7.000 người.

“Không có ai ở Ấn Độ cũng như ở châu Á hiểu rằng vấn đề của những người bệnh tâm thần chính xác là gì,” Vatwani nói. “Điều đó đã khiến chúng tôi thực hiện sứ mạng này và giúp chúng tôi tiến về phía trước.”

Những người đoạt giải khác bao gồm doanh nhân Philippines Howard Dee – nhà đám phán của chính phủ trong các cuộc hòa đàm với phiến quân cộng sản vào những năm 1990, bà Võ Thị Hoàng Yến, người mắc bệnh bại liệt khi mới hai tuổi và đã giúp sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận hồi năm 2005 để giúp cho khoảng 15.000 khuyết tật tìm được việc làm. Trong số các dự án của bà có dự án xe ôm dành cho người khuyết tật.

Maria de Lourdes Martins Cruz đến từ Timor Leste được vinh danh vì đã dẫn đầu những nỗ lực giúp người nghèo được chăm sóc y tế, được đi học và có phương tiện kiếm sống trong quá trình chuyển đổi đầy rối loạn của Timor Leste thành một quốc gia độc lập vào năm 2001.

Sonam Wangchuk đến từ bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ được ca ngợi vì đã đấu tranh chống lại việc ngược đãi các sắc dân thiểu số và sáng lập một phong trào vào năm 1988 để thúc đẩy cải cách giáo dục và giúp dạy kèm cho các em nhỏ nghèo ở các thôn làng để các em có thể thi đậu.

https://www.voatiengviet.com/a/s%C3%A1u-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-%E1%BB%9F-ch%C3%A2u-%C3%A1-nh%E1%BA%ADn-gi%E1%BA%A3i-ramon-magsaysay/4553195.html

 

Ấn Độ : Thương vụ

mua chiến đấu cơ Pháp Rafale gây tranh cãi

Hai năm sau được ký, thỏa thuận Pháp bán cho New Delhi 36 chiến đấu cơ Rafale lại làm dấy lên các tranh cãi gay gắt ở Ấn Độ. Đảng đối lập chính tố cáo chính phủ của Narendra Modi đã trả giá quá cao trong thương vụ Rafale và đã quá ưu ái tập đoàn công nghiệp thân cận với thủ tướng. Trong khi đó, chính phủ chỉ trích đối lập đã xâm hại an ninh quốc gia khi cố tìm cách công khai các chi tiết quá cụ thể về bản thỏa thuận.

Thông tín viên Antoine Guinard tại New Delhi cho biết thêm chi tiết :

Một vụ tham nhũng quốc tế, đó là ngôn từ mà ông Rahul Gandhi, chủ tịch đảng Quốc Đại, đối lập chính ở Ấn Độ hôm qua mô tả về thỏa thuận mua bán máy bay Rafale. Một nữ dân biểu cũng thuộc đảng Quốc Đại trên báo chí đả kích gay gắt nội dung thỏa thuận trên, đồng thời tố cáo chính phủ Narendra Modi đã có ưu ái đối tác gây tổn hại cho ngân sách Nhà nước.

Đảng Quốc Đại khẳng định trên thực tế Ấn Độ đã ký kết với Pháp mua 36 chiến đấu cơ Rafale với giá mỗi chiếc cao gấp 3 lần so với giá đã đàm phán từ hồi 2012, giai đoạn đảng của ông Rahul Gandhi đang cầm quyền.

Lý do cho sự chênh lệch này, theo ông Gandhi, chính phủ Modi đã chọn tập đoàn Reliance, có tổng giám đốc vốn nổi tiếng là người thân cận của ông Modi, làm đối tác Ấn Độ với nhà chế tạo máy bay Pháp Dassault trong thỏa thuận mua Rafale. Ban đầu đại diện Ấn Độ được dự kiến là tập đoàn hàng không Nhà nước HAL.

Theo báo chí Ấn Độ, tập đoàn Reliance, hồi tháng Giêng năm 2016 có thể đã ký thỏa thuận hợp tác sản xuất một bộ phim (Tout là haut) với nhà sản xuất Julie Gayet, người chung sống với tổng thống François Hollande khi đó. Hai ngày sau, tổng thống Pháp ký tại New Delhi văn bản thỏa thuận bán 36 chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180901-an-do-thuong-vu-mua-chien-dau-co-phap-rafale-gay-tranh-cai