Đọc báo Pháp – 31/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 31/08/2018

Bầu cử Quốc Hội Mỹ giữa kỳ :

Ưu thế và bất lợi của tổng thống Trump

Thu Hằng

Mỹ sẽ tổ chức bầu lại Hạ Viện và một phần Thượng Viện vào ngày 06/11/2018. Cuộc bầu cử giữa kỳ luôn được coi là bài trắc nghiệm điểm tín nhiệm của tổng thống và chính phủ.

Đảng Dân Chủ hy vọng huy động đông đảo cử tri, đặc biệt là số cử tri nữ, và tập trung vào các ứng cử viên nữ. Phía đảng Cộng Hòa, do bị đe dọa mất đa số ghế ở Hạ Viện, nên đích thân tổng thống Trump liên tục đến vận động ở các bang chủ chốt cho tới ngày bầu cử để ngăn làn sóng Dân Chủ. Nhật báo Le Monde (31/08/2018) đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : “Đâu là những rủi ro cho Trump trong cuộc bầu cử giữa kỳ?”

Ở Hạ Viện, đảng Dân Chủ hy vọng có thêm được 23 ghế để chiếm đa số. Tuy nhiên, tình hình ở Thượng Viện lại phức tạp hơn vì có 26 thượng nghị sĩ Dân Chủ rời Thượng Viện, trong khi bên phía đảng Cộng Hòa chỉ có 9 thượng nghị sĩ hết nhiệm kỳ. Điều đáng nói là trong số này, có khoảng 10 bang đã bỏ phiếu bầu ông Donald Trump trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016.

Lợi thế

Vậy đâu là những lợi thế của tổng thống Mỹ trong kỳ bầu cử sắp tới? Thứ nhất, phải nhắc đến nền kinh tế Mỹ vững mạnh, tỉ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng chắc chắn. Thứ hai, những tiếng nói chỉ trích tổng thống trong nội bộ đảng Cộng Hòa giờ im lặng : ngoài thượng nghị sĩ John McCain qua đời, rất nhiều thượng nghị sĩ khác quyết định “nghỉ hưu”.

Ngoài ra, trong nội bộ người ủng hộ thuộc đảng Cộng Hòa, chủ nhân Nhà Trắng đang có điểm tín nhiệm thuộc top chưa từng có tính đến thời điểm hiện tại của nhiệm kỳ đầu. Số cử tri bảo thủ này không quan tâm đến các vụ điều tra liên quan đến Nhà Trắng : vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, dùng tiền mua sự im lặng của hai người tình của nhà tỉ phú địa ốc, trước khi trở thành tổng thống…

Bất lợi

Tuy nhiên, tổng thống Donald Trump phải đối mặt với một số bất lợi. Đầu tiên phải nhắc đến lượng cử tri nữ, tiếp theo là giới viên chức ở các khu dân cư ven đô các thành phố lớn mà ứng viên Cộng Hòa phải thuyết phục, kể cả tại những thành trì cũ như bang Texas, Virginia hoặc Bắc Carolina.

Khó khăn thứ hai, chính là khả năng tập hợp lớn của đảng Dân Chủ, trái với trước đây, khi họ chỉ chú tâm vận động cho kỳ bầu cử tổng thống. Vào tháng 12/2017, đảng Dân Chủ đã chiếm được một ghế thượng nghị sĩ bang Alabama, vẫn được cho là không thể lấy được từ tay đảng Cộng Hòa.

Theo một thống kê được công bố vào tháng 07/2018 của đại học Marist, 78% cử tri Dân Chủ đánh giá cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là “rất quan trọng”, trong khi 68% cử tri Cộng Hòa có cùng quan điểm. Nhờ chiến dịch vận động nhiệt thành hơn, đảng Dân Chủ hy vọng lấy lại được những bang mà nhà tỉ phú địa ốc bất ngờ giành được năm 2016, như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania.

Tương tự, theo phân tích của trang Cook Political Report, đảng Dân Chủ có thể có lợi thế lấy lại ghế Hạ Viện ở ba bang California, Texas và New Jersey. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều ứng viên trung lập trong kỳ bầu cử ngày 06/11 cũng là một cản trở cho đảng Cộng Hòa.

Với đảng Dân Chủ, chiếm lại đa số ở Hạ Viện là điều quan trọng để có thể “phục thù” Donald Trump vào năm 2020 bằng cách ngăn cản chương trình của tổng thống. Ngược lại, nếu đảng Cộng Hòa tiếp tục giữ được vị trí chủ tịch Hạ Viện, tổng thống Trump sẽ có lợi thế nhắm đến nhiệm kỳ hai.

Le Monde kết luận, nhiều hồ sơ phức tạp như cải cách bảo hiểm xã hội, di trú có lẽ sẽ khó đạt được đồng thuận trong thời gian tới, khi chỉ còn hai năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống mới.

Cam Bốt : 17 nhà đối lập được thả

Thời sự châu Á được chú ý trên nhật báo Le Monde với hai chủ đề nhân quyền và tự do ngôn luận ở Ấn Độ và Cam Bốt.

Trong bài viết “17 nhà đối lập được ân xá ở Cam Bốt”, nhật báo Le Monde đánh giá ông Hun Sen đang cố thể hiện trước những lời chỉ trích gay gắt của phương Tây về chế độ chuyên quyền của thủ tướng Cam Bốt.

Sau khi triệt hết đối thủ trước kỳ bầu cử Quốc Hội Cam Bốt và biến đảng Nhân Dân Cam Bốt thành độc đảng điều hành đất nước, thủ tướng Hun Sen tỏ ra hào hiệp khi quyết định ngày 28/08 trả tự do cho 14 nhà đối lập bị cầm tù từ 4 năm qua vì tội “nổi dậy” khi tham gia các cuộc biểu tình bạo lực vào năm 2014, hai nhà báo của ban tiếng Khmer đài phát thanh Châu Á Tự Do (Radio Free Asia, RFA), bị bắt giam từ năm 2017. Trước đó, bà Tep Vanny, một tù nhân lương tâm, người bảo vệ quyền lợi của người dân Phnom Penh bị trưng thu đất đai, đã được thả vào tuần trước. Nhưng để được tự do, họ đã phải gửi thư xin lỗi lên thủ tướng Hun Sen.

Cựu lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt Sam Rainsy, hiện sống lưu vong tại Pháp, cáo buộc chế độ “đã bắt người dân Cam Bốt làm con tin, kể cả quốc vương. Từ giờ trở đi, tù nhân buộc phải rạp mình trước Hun Sen để được tự do”.

Ấn Độ bắt luật sư bảo vệ tầng lớp tiện dân

Ngày 28/08, năm nhà báo, luật sư và bảo vệ nhân quyền cho tầng lớp tiện dân Ấn Độ (Dalit). Họ bị bắt vì bị cáo buộc liên quan đến phe nổi dậy Maoist, âm mưu “lật đổ nền dân chủ”. Nơi ở của 9 nhà đấu tranh thiên tả khác bị khám xét ở nhiều thành phố trên cả nước.

Cảnh sát viện một đạo luật (UAPA) cho phép tạm giam 6 tháng mọi nghi phạm khủng bố mà không cần lệnh. Hiện những người này đang bị quản thúc tại gia cho đến phiên xử ngày 06/09.

Chính phủ của thủ tướng Modi đang đi theo hướng chuyên chế, bóp nghẹt các tiếng nói chỉ trích trong nước, chỉ vài tháng trước khi diễn ra bầu cử vào tháng 05/2019 là những lời tố cáo của nhiều tổ chức phi chính phủ và được nhật báo Le Monde trích trong bài viết : “Các nhà bảo vệ tầng lớp tiện dân bị bắt ở Ấn Độ”.

Nghi ngờ lên cao giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên

La Croix trở lại quyết định hủy chuyến công du đến Bình Nhưỡng của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Theo nhật báo Công Giáo, quyết định bất ngờ này cho thấy “nghi ngờ trỗi dậy giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên”.

Trong bức thư gửi tổng thống Trump, chính quyền Bình Nhưỡng nêu nguy cơ hủy các cuộc đàm phán nếu Mỹ không thể hiện thiện chí. Lý do được Alex Ward, một chuyên gia của bộ Quốc Phòng Mỹ, nêu ra là tại Singapore, tổng thống Trump đã hứa với Kim Jong Un nhanh chóng “ký một tuyên bố hòa bình” chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Theo đánh giá của giáo sư Vipin Narang, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts tại Boston, “đây là mảnh ghép còn thiếu và giải thích tình trạng bế tắc hiện nay, vì ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh đến giải trừ hạt nhân” sau đó mới ký tuyên bố hòa bình. Vì vậy, Bình Nhưỡng có cảm giác bị lừa và “không thể tin vào Mỹ”.

Trong khi đó, tổng thống Donald Trump vẫn ca ngợi mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên và muốn gặp lại ông. Chính vì vậy, theo một chuyên gia thuộc đại học Stanford, “các quan chức Mỹ, phụ trách hồ sơ này, muốn ngăn ông Trump gặp Kim Jong Un lần nữa”.

Cải cách thuế, tăng lương hưu, môi trường…

 hồ sơ lớn của chính phủ Pháp

Trở lại thời sự nước Pháp, một loạt hồ sơ cải cách đang chờ chính phủ ngay từ đầu tháng Chín.

Le Figaro chú ý đến “cuộc ly hôn giữa tổng thống Macron và người nghỉ hưu”, vì tỉ lệ tăng lương hưu (0,3%) năm 2019 và 2020 không cao bằng tỉ lệ lạm phát (2,3%), trong khi năm 2017, họ đã phải trả thêm phần đóng góp xã hội (CSG). Xã luận của Le Figaro cho rằng chính phủ yêu cầu người nghỉ hưu “hy sinh” nhưng lại chưa công bố cắt giảm chi tiêu công như từng hứa.

Nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến thuế thu nhập khấu trừ từ lương, theo đó khoảng 60% người Pháp sẽ có lợi vì phải nộp thuế hàng tháng, bớt “nặng” hơn so với thu thuế trên 10 tháng mỗi năm như hiện nay. Cải cách được dự kiến áp dụng từ tháng 01/2019 nhưng có thể sẽ bị tạm hoãn theo phát biểu tại Helsinki (Phần Lan) của tổng thống Macron vì ông muốn chờ “những câu trả lời chính xác” của các bộ liên quan. Le Figaro đánh giá hai phát biểu không đồng nhất giữa tổng thống Pháp và bộ trưởng Ngân Sách Công Gérald Darmanin cho thấy “sự lộn xộn trên thượng tầng Nhà nước về thu thuế khấu trừ từ lương”. Libération cho rằng “bộ trưởng Darmanin trong vòng xoáy lần chần của tổng thống Macron”.

Chính phủ Pháp cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tại bộ Môi Trường khi bộ trưởng Nicolas Hulot bất ngờ từ chức. Le Monde đặt câu hỏi : “Phải chăng bộ Môi Trường là điều không thể ?” vì trước ông Hulot, nhiều bộ trưởng tiền nhiệm đã bị hạn chế khi thi hành chức vụ. Trong vòng 20 năm, bộ Môi Trường Pháp có khoảng 12 bộ trưởng và hầu hết đều từ chức hoặc bị thuyên chuyển trước khi hết nhiệm kỳ. Họ lên tiếng về tình trạng vận động hành lang trong chính phủ vì giữa các quan chức cao cấp chính phủ và chủ tập đoàn thường có quan hệ bạn hữu, bạn học… Chính phủ ưu tiên phát triển kinh tế bất chấp tác động đến môi trường.

Trước vấn đề môi trường, Libération dành trọn một phụ san cho đại dương : tình trạng nước biển bị nhiễm axit đe dọa Trái đất, những loài động vật bí hiểm dưới lòng đại dương…

Diễn viên Gérard Depardieu bị tố cáo

 “cưỡng hiếp và xâm hại tình dục”

Vụ việc xảy ra tại biệt thự riêng ở quận 6 Paris của Gérard Depardieu, hiện đang tham gia bộ phim Fahim, quay tại Pháp. Người đệ đơn là một thiếu nữ, 20 tuổi, con gái của một người bạn của diễn viên nổi tiếng người Pháp.

Nhật báo Le Figaro cho biết diễn viên “bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc cưỡng hiếp và xâm hại tình dục”. Vụ điều tra được giao cho cảnh sát tư pháp Paris.

Trang nhất các nhật báo

Trang nhất các nhật báo Pháp số ra ngày 31/08/2018 tập trung vào những hồ sơ cải cách lớn và khó khăn đang chờ chính phủ từ đầu tháng Chín, sau thời gian nghỉ hè.

Le Figaro quan tâm “Vụ ly hôn giữa Macron và người nghỉ hưu”. Les Echos đề cập : “Thuế thu nhập trích từ lương : người được lợi và người chịu thiệt”. Libération dành trọn một phụ san cho hồ sơ môi trường sinh thái, còn trang nhất chú ý đến những bất đồng tại hãng hàng không Air France khi tổng giám đốc mới, người Canada, chuẩn bị nhậm chức. La Croix thiên về giáo dục, với chủ đề hát hợp xướng trở lại trường học. Trang nhất của Le Monde đề cập đến xáo trộn trong bộ Môi Trường Pháp với quyết định từ chức bất ngờ của bộ trưởng Nicolas Hulot.

Về thời sự quốc tế, Le Monde dành một hồ sơ lớn cho cuộc bầu cử Quốc Hội lưỡng viện giữa nhiệm kỳ tại Mỹ với câu hỏi : “Những nguy cơ nào cho ông Trump ?”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180831-bau-cu-quoc-hoi-my-giua-ky-uu-the-va-bat-loi-cua-tong-thong-trump

 

Tin đọc nhanh

(Reuters) – Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Sotchi.

Theo thông báo của điện Kremlin ngày 31/08/2018, trong cuộc tiếp xúc diễn ra ngày 06/09, hai bên sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực cũng như quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhiều thỏa thuận song phương cũng sẽ được ký kết.

(Reuters) – Việt Nam bật đèn xanh cho tổ chức giải đua xe F1 ở Hà Nội.

Trong một tuyên bố ngày 30/08/2018, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam Mai Tiến Dũng cho biết là chính quyền ủng hộ việc tổ chức giải đua xe hơi loại F1, tức là công thức 1 ở Hà Nội. Tuy nhiên, ông Dũng không cho biết thỏa thuận với ban tổ chức các cuộc đua F1 sẽ được ký lúc nào, cũng như bao giờ vòng đua Hà Nội sẽ được tổ chức. Đặc điểm của Vòng Đua F1 Hà Nội sẽ là đua trên đường phố bình thường, chứ không phải đua trong một vòng đua đặc biệt.

(Reuters) – Cam Bốt kết án 6 năm tù đối với một nhà làm phim người Úc.

Ông James Ricketson đã bị bắt tại Cam Bốt hồi tháng 6 năm 2017 sau khi bị chụp hình lúc đang sử dụng drone quay cuộc biểu tình của phe đối lập thuộc đảng Cứu Nguy Dân Tộc (nay đã bị giải thể) tại Phnom Penh. Ông bị kết tội hoạt động gián điệp, cho dù vẫn không rõ là ông làm gián điệp cho ai.

(AP) – Bộ Tư pháp Mỹ bênh vực sinh viên gốc Á Châu trong vụ kiện Đại Học Harvard về tội phân biệt đối xử. 

Trong một lời trình gởi tòa án vào hôm qua, 30/08/2018, bộ Tư Pháp Mỹ cho rằng Đại học Harvard đã không chứng minh được rằng họ không hề dựa trên tiêu chí chủng tộc khi tuyển sinh. Trường nổi tiếng này đã bị một hiệp hội sinh viên kiện về tội phân biệt đối xử đối với các thí sinh gốc châu Á muốn vào trường. Hiệp hội này tố cáo Harvard ưu tiên cho các thí sinh da trắng, da đen và gốc Mỹ Latinh. Đại Học Harvard đã bác bỏ mọi cáo buộc, và cho biết trường sẽ bảo vệ quyền sử dụng tiêu chí sắc tộc trong tuyển sinh.

(AFP) – Châu Phi : Xung đột vũ trang, bệnh dịch, nạn đói khiến 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thiệt mạng trong giai đoạn 1995-2015. 

Trên đây là kết quả một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa The Lancet ngày hôm nay 31/08/2018. Trong số 5 triệu trẻ tử vong, có khoảng 3 triệu em dưới 12 tháng. Con số này cao hơn gấp 3 lần so với số người trực tiếp bị giết hại trong tổng cộng 15.441 vụ đụng độ, xung đột. Ngoài ra, còn phải nói tới tình trạng chậm phát triển thể chất của trẻ em trong nhiều năm và ở nhiều khu vực.

(Yonhap) – Mỹ triển hạn lệnh cấm công dân tới Bắc Triều Tiên. 

Hôm qua, chính quyền Washington tuyên bố như trên trong bối cảnh tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng diễn ra « chậm chạp và khó khăn ». Nếu vi phạm lệnh cấm, công dân Mỹ sẽ bị xét xử hình sự và tịch thu hộ chiếu. Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ nói rằng an ninh và sự an toàn của các công dân Mỹ ở nước ngoài là một trong những ưu tiên hàng đầu. Washington lo ngại về nguy cơ công dân Mỹ bị chế độ Bắc Triều Tiên bắt và giam giữ lâu dài.

(AFP) – Iran vẫn tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Vienna 2015. 

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế AIEA hôm qua 30/08/2018 thông báo như trên. Đây là báo cáo quý thứ 2 của AIEA kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. AIEA nêu rõ Iran tuân thủ các quy định về hạn chế làm giàu và dự trữ uranium. Ngoại trưởng Pháp đánh giá hiệp định 2015 vẫn được Iran tôn trọng ngay cả khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180831-tin-doc-nhanh