Đọc báo Pháp – 30/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 30/08/2018

Trung Quốc thâm nhập ngành năng lượng

do châu Âu thiếu đoàn kết

Minh Anh

Báo Le Monde (30/08/2018), trên phụ san kinh tế có bài viết chỉ trích những yếu kém cũng như thiếu đoàn kết trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, để rộng đường cho Trung Quốc thâm nhập vào lĩnh vực năng lượng. Một lĩnh vực được đánh giá là chiến lược.

Bài viết đề tựa « Trung Quốc mua ngành năng lượngchâu Âu ». Bởi vì, từ năm 2008 đến nay, Bắc Kinh đã đầu tư đến hơn 34,5 tỉ đô la trong lĩnh vực này từ khai thác điện hạt nhân, điện khí gió cho đến xây dựng mạng lưới cung cấp điện. Đến mức, năng lượng đã trở thành ngành công nghiệp thứ hai, đứng sau hóa học, được Trung Quốc đổ vốn đầu tư nhiều nhất, mà doanh nghiệp đi đầu là tập đoàn State Grid Corporation of China SGCC.

Tập đoàn năng lượng lớn hàng thứ hai thế giới này, những năm gần đây đã dần củng cố vị thế tại một số nước Nam Âu như Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha… Bất chấp một số thất bại tại Bỉ, Pháp và Đức, các tập đoàn năng lượng của Trung Quốc đang tìm cách lấn dần lên phía Bắc, sang Trung và Đông Âu.

Câu hỏi đặt ra : Vì sao Trung Quốc lại ráo riết gia tăng đầu tư tại châu Âu ? Và tại sao nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu lại mở rộng vòng tay đón đầu tư Trung Quốc trong một lĩnh vực được cho là chiến lược?

Về câu hỏi thứ nhất, theo ông Jacques Percebois, giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Kinh Tế và Luật trong năng lượng tại Montpellier, đối với Bắc Kinh, không có gì sinh lợi đều đặn và ổn định bằng đầu tư vào ngành năng lượng, vốn dĩ là những tài sản chiến lược.

Với câu hỏi thứ hai, chính sự rạn nứt, thiếu tình liên đới của Liên Hiệp Châu Âu, đã tạo thuận lợi cho Trung Quốc tham gia thị trường năng động này tại các nước Nam Âu như Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha… vào thời điểm gặp khó khăn về kinh tế. Quả thật, các hoạt động đầu tư của Trung Quốc đã cho phép « cứu sống » nhiều doanh nghiệp châu Âu và bảo vệ việc làm.

Giờ đây, trước những tham vọng ngày càng lớn của Bắc Kinh, châu Âu bắt đầu tỏ ra lo ngại. Bởi vì, các nhà đầu tư Trung Quốc đều là các tập đoàn Nhà nước hay có vốn Nhà nước. Châu Âu nghi ngờ những doanh nghiệp này hàm chứa cả yếu tố chính trị, phản ảnh các lợi ích Nhà nước Trung Quốc.

Bởi vì, năng lượng nằm trong danh sách các lĩnh vực Bắc Kinh cho phép đầu tư ở nước ngoài, bên cạnh các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp… tóm lại, đó là những dự án nào có liên quan đến « sáng kiến Một vành đai, Một con đường », dự án quốc tế lớn do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng.

Mặt khác, châu Âu chỉ trích Trung Quốc đối xử không công bằng khi hạn chế nghiêm ngặt các doanh nghiệp châu Âu tham gia các dự án hạ tầng mà Bắc Kinh đánh giá là chiến lược, trong khi mà châu Âu làm điều ngược lại, mở rộng cửa cho Trung Quốc.

Cuối cùng, Le Monde trích dẫn nhận xét của ông Jacques Percebois cho rằng các chiến lược Trung Quốc đã làm lộ rõ những yếu kém của Liên Hiệp Châu Âu : Không có khả năng có một chính sách năng lượng chung, các khó khăn về tài chính tại các nhà khai thác điện truyền thống, mở rộng cạnh tranh mà không có luật bảo vệ.

Trung Quốc mở

trung tâm cải tạo người Duy Ngô Nhĩ

Báo Libération dành hai trang báo lớn cho bài phóng sự điều tra liên quan đến các trại cải tạo bí mật dành cho người Duy Ngô Nhĩ của chế độ Trung Quốc.

Tờ báo cho biết từ nhiều tháng qua, hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở vùng tự trị Tân Cương đã bị chính quyền bắt nhốt nhằm cải huấn tư tưởng. Theo nhiều lời chứng hiếm hoi mà nhật báo có thể tiếp xúc thì những gì nhiều người Duy Ngô Nhĩ phải hứng chịu về mặt thể xác và tinh thần gợi nhắc lại nhiều hình ảnh thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa.

Libération thuật lại một số sự việc như làm lễ chào cờ từ 5 giờ sáng, hát quốc ca, quỳ gối học khẩu hiệu hay các bài thơ ca ngợi chiến công của đảng, học thuộc lòng tư tưởng Tập Cận Bình, xem các video tuyên truyền, chỉ trích tôn giáo và học các ký tự tiếng Hoa. Vẫn theo những lời chứng này, những ai không cho thấy có tiến bộ, tỏ ra quá sùng đạo hay tiếng Hoa quá kém sẽ bị trừng phạt và thời gian bị nhốt kéo dài thêm.

Libération cho hay các trại cải tạo này được dựng lên từ các trường học cũ hay được xây thêm mới, bao bọc bằng hàng rào kẽm gai. Họ bị giam giữ trong điều kiện ngặt nghèo như phòng giam quá tải (40 người trong một phòng), ngủ luân phiên, mỗi tháng chỉ được tắm một lần…

Libération lưu ý, do báo chí bị kiểm duyệt, thiếu tự do ngôn luận và người dân thường xuyên bị dọa dẫm nên khó có thể thu thập các thông tin. Tuy nhiên, tờ báo cho rằng không có nghi ngờ gì về tầm mức vụ việc.

Bắc Kinh nới lỏng chính sách sinh con

Về phần mình, báo La Croix chú ý đến vấn đề « Trung Quốc lão hóa thả lỏng việc sinh con ».

Sau 40 năm áp đặt chính sách một con, một đạo luật dân sự mới đang được soạn thảo, có thể sẽ được thông qua vào năm 2020, nhằm chấm dứt việc kiểm soát sinh con. Theo quan điểm của nhà dân số học và Trung Quốc học, Isabelle Attané, Trung Quốc sẽ phải chuyển hướng sang « một chính sách hỗ trợ sinh con » vào lúc việc dân số nước này ngày càng lão hóa đang là một quả bom nổ chậm thật sự.

Bởi vì, tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động ngày càng sụt giảm. So với năm 2017, thị trường lao động Trung Quốc đã thiếu mất 5,5 triệu người, trong khi mà số người già có nguy cơ tăng thêm 35% từ đây đến năm 2020.

Macron : Mục tiêu tấn công của Orban và Salvini

Khủng hoảng di dân tiếp tục gây chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu, với sự kiện đáng chú ý là hai lãnh đạo Ý và Hungary, nhân cuộc gặp tại Milano, đã cùng nhau chỉ trích mạnh mẽ tổng thống Pháp là « lãnh đạo các đảng ủng hộ di dân ». Le Monde chạy tựa « Orban và Salvini biến Macron thành mục tiêu tấn công ».

Đang công du tại Đan Mạch, nguyên thủ Pháp đã thẳng thừng đáp trả là « quả thật đang có một sự đối đầu giữa phe chủ nghĩa dân tộc và những người cấp tiến » nhưng ông khẳng định « không nhường bước trước phe dân túy và những ai khơi dậy sự thù hằn ».

Theo Les Echos, « Emmanuel Macron là kẻ thù số một của Matteo Salvini ». Tổng thống Pháp trở thành « vật tế thần » lý tưởng cho bộ trưởng Nội Vụ Ý công kích, vừa để chuyển hướng công luận Ý trước những khó khăn trong việc triển khai ngân sách sắp tới, vừa che giấu những phát biểu trái ngược nhau của ông về chính sách di dân.

Nam Mỹ cũng đau đầu vì di dân

Không chỉ Liên Hiệp Châu Âu phải đối phó với di dân. Người dân Venezuela ồ ạt chạy sang các nước Nam Mỹ lân cận khiến cho quan hệ giữa Caracas với các nước trong khu vực trở nên căng thẳng. « Châu Mỹ Latinh báo động khủng hoảng người tị nạn Venezuela » và « Brazil điều quân đội đến biên giới đối phó với dòng người Venezuela » là các bài viết trên Les Echos và Libération.

Tổng thống Brazil Michel Temer ngày hôm qua thông báo triển khai quân đội tại thành phố biên giới Pacaraima, từ ngày 29/8 đến ngày 12/9 nhằm bảo vệ an ninh cho người dân thành phố cũng như là người tị nạn, trước nguy cơ bùng nổ xung đột.

Theo ông Temer, khủng hoảng di dân Venezuela đang « đe dọa mối quan hệ hài hòa trên toàn châu lục không chỉ tại Brazil mà còn để lại các hậu quả nghiêm trọng tại Perou, Equador, Colombia và nhiều quốc gia khác ». Đồng thời, ông kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế có các biện pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn Venézuela chạy trốn cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế.

« Hãy để con trẻ được chơi đùa ! »

Đây là lời cảnh báo của các chuyên gia khoa nhi dành cho các bậc phụ huynh. Việc ai cũng mong con mình sau này thành đạt là một tâm lý bình thường. Nhưng việc rút ngắn thời gian vui đùa của con trẻ để dành cho các chương trình học vấn trước khi đến trường là một sai lầm. Bởi vì, các trò chơi dân dã như mèo bắt chuột, trốn tìm… hay các hoạt động giải trí ngoài trời góp phần tích cực trong quá trình phát triển trí não của trẻ.

Các chuyên gia ghi nhận trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tại Mỹ ngày nay đã bị mất đến 30% thời lượng cho các hoạt động vui chơi đó. Trong vòng có gần 2 thập kỷ (1981-1997), trẻ nhỏ trong độ tuổi 3-11 đã bị mất đến 12 giờ chơi mỗi tuần.

Theo các nhà nghiên cứu, việc cắt giảm thời lượng vui đùa của trẻ để dành cho việc học là phản tác dụng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những nước nào trẻ nhỏ được vui đùa nhiều đều cho kết quả học tốt. Cuối cùng, các chuyên gia lưu ý vui chơi trên máy tính bảng hay điện thoại thông minh không giúp trẻ học tốt bằng các trò chơi thực sự ngoài đời.

Trang nhất các báo Pháp

Quyết định từ chức của bộ trưởng Môi trường Pháp, Nicolas Hulot tiếp tục là tâm điểm thời sự của một số nhật báo lớn hôm nay. Tờ Le Monde trên trang nhất đề tít « Hulot : Cú sốc chính trị từ một sự từ nhiệm ». Nhật báo thiên tả Libération, nhân vụ việc này đặt câu hỏi lớn « Phải chăng Macron nằm trong tay các nhà vận động hành lang ? ».

Nhật báo kinh tế quan tâm đến bản « Báo cáo muốn tái khởi động chương trình điện hạt nhân ». Tài liệu do các chuyên gia đệ trình lên chính phủ dự kiến xây thêm 6 trung tâm phản ứng hạt nhân EPR kể từ năm 2025.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro loan báo « Nước Pháp quá tải đơn xin tị nạn ». Trong vòng 7 tháng đầu năm, số đơn xin tị nạn vào Pháp đã tăng 17%. Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix đề xuất « 10 hướng đi chống lại hiện tượng chủ nghĩa tăng lữ » nhằm cách tân cách thức vận hành giáo hội Công giáo.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180830-thieu-doan-ket-chau-au-de-rong-duong-cho-trung-quoc-tham-nhap-nganh-nang-luong

 

Tin đọc nhanh

(AFP) –Tokyo phản đối Bắc Kinh không cho một nhà báo Nhật tác nghiệp. 

Một phóng viên của Sankei Shimbun, tờ báo thiên hữu của Nhật, hôm qua 29/08/2018 đã bị bộ Ngoại Giao Trung Quốc cấm tác nghiệp tại cuộc họp giữa ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và vụ trưởng bộ Ngoại Giao Nhật Bản Takeo Akiba. Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshihide Suga lấy làm tiếc về thái độ của Bắc Kinh, khẳng định cần tôn trọng các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận.

(Reuters) –Hạn hán vẫn tiếp diễn ở miền đông nước Úc. 

Theo cơ quan khí tượng thủy văn của Úc, hạn hán sẽ còn kéo dài trong mùa xuân, từ tháng 09 đến tháng 11, ảnh hưởng tới năng suất nông nghiệp. Thời tiết trong ba tháng tới ở miền đông, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước Úc, sẽ khô hạn hơn nhiều so với thường lệ. Úc là nước sản xuất lúa mì lớn thứ tư trên thế giới, nhưng sản lượng lúa mì của Úc có thể sẽ giảm xuống mức thấp nhất tính từ 10 năm trở lại đây.

(Reuters) – Tổng thống Hàn Quốc bổ nhiệm bộ trưởng Quốc Phòng mới. 

Ông Jeong Kyeong Doo, 58 tuổi, từng là phi công chiến đấu, hôm nay 30/08/2018 được tổng thống Moon Jae In bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc Phòng, trong bối cảnh quan hệ hai miền nam bắc Triều Tiên cũng như quan hệ giữa Seoul và đồng minh Washington không thật tốt. Tổng thống Hàn Quốc cũng bổ nhiệm bộ trưởng Lao Động mới. Thị trường lao động Hàn Quốc đang trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2010.

(AFP) – Mỹ cảnh báo Ấn Độ về việc mua vũ khí Nga. 

Một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc hôm qua, 29/08/2018, cảnh báo không có gì bảo đảm là Ấn Độ không bị các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nếu New Dehli mua các vũ khí mới của Nga. Hoa Kỳ hiện lo ngại về cuộc thảo luận giữa Ấn Độ với Nga về việc mua các hệ thống phòng không S-400.

(AFP) – Cảnh sát Hàn Quốc khám xét trụ sở BMW.

Hôm nay, 30/08/2018, cảnh sát Hàn Quốc đã khám xét trụ sở của hãng sản xuất xe hơi Đức BMW tại Seoul, sau khi xảy ra hàng chục vụ động cơ bốc cháy. Các nhà điều tra đang xác định xem hãng BMW có đã tìm cách che giấu các trục trặc kỹ thuật trên những xe của hãng này hay không.

(AFP) – Tây Ban Nha sẽ tham gia dự án đường sắt nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương.

Hôm qua, 29/08/2018, thủ tướng Pedro Sanchez thông báo là Tây Ban Nha sẽ tham gia dự án xây tuyến đường sắt nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, qua các hải cảng của Brazil và Peru, băng qua lãnh thổ của Bolivia. Theo Peru, chi phí cho dự án này là gần 15 tỷ đôla, thấp hơn nhiều so với dự án mà Trung Quốc đề nghị ( 60 tỷ đôla ).

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180830-tin-doc-nhanh