Tin Biển Đông – 30/08/2018
Mỹ lại cho máy bay ném bom chiến lược B52
bay vào biển Đông và Hoa Đông
Hãng tin UPI trích dẫn tờ Liberty Times của Đài Loan cho biết, vào ngày 28/8 vừa qua, hai máy bay ném bom chiến lược B52 đã rời căn cứ không quân Mỹ trên đảo Guam, bay ngang qua eo biển Ba Si phía Nam Đài Loan để vào biển Đông. Ngoài ra còn có một chiếc máy bay tiếp nhiên liệu trên không tháp tùng hai chiếc máy bay B52.
Một chiếc B52 khác cũng đã khởi hành từ Guam vào thứ năm tuần trước, 23/8 để bay vào biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không.
Biển Hoa Đông là nơi Trung Quốc đang có các hoạt động đối trọng với Nhật Bản và Đài Loan.
Các chuyên gia Trung Quốc nói rằng các máy bay này thực hiện những cuộc tập dợt, trong đó có cả việc ném bom vào hàng không mẫu hạm của Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc lên tiếng tố cáo hành động này của Mỹ, nói đó là những hành động vô trách nhiệm, phá hoại ổn định khu vực.
Hồi tháng tư năm nay B52 cũng đã bay tập dợt tại phía Nam đảo Okinawa. Vào tháng sáu vừa qua, Mỹ đã cho hai chiếc B52 bay ngang quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông làm dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/b52-east-china-sea-08302018093130.html
Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện của mình tại Biển Đông
Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện của mình tại Biển Đông, hãng tin CNN trích lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết như vừa nêu hôm 29/8/2018.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Walter Douglas khi trả lời các phóng viên tại Philippines cho biết, Hoa Kỳ đã là một phần của khu vực này trong 200 năm và Mỹ sẽ không thay đổi điều đó.
Khi nói về chiến lược Mỹ-Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông Walter Douglas nói Hoa Kỳ sẽ không dời khỏi khu vực, và vì vậy, điều quan trọng là vai trò của Hoa Kỳ tại đây phải được công nhận.
Hãng tin AFP hồi đầu tháng này cho biết một dự thảo quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) đang được đàm phán giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có đề xuất của Bắc Kinh để loại trừ các quốc gia ngoài khu vực khỏi các cuộc diễn tập quân sự và và hoạt động thăm dò năng lượng trong khu vực. Điều này được hiểu rằng Trung Quốc ý muốn nói đến Hoa Kỳ.
Theo ông Douglas, một COC phù hợp với luật pháp quốc tế là những gì Hoa Kỳ muốn.
Vị Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nói thêm về chiến lược của Hoa Kỳ-Ấn Độ Thái Bình Dương, trong đó liên quan đến cam kết của Mỹ đầu tư 113 triệu đô la Mỹ vào khu vực. Ngân sách này sẽ hỗ trợ các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, năng lượng, cũng như cơ sở hạ tầng – trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Douglas cũng tiết lộ Hoa Kỳ cũng sẽ hỗ trợ thêm 60 triệu USD cho Philippines để “tăng cường hợp tác an ninh” ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Viện trợ này sẽ được sử dụng để giữ gìn hòa bình.
Ông Douglas lưu ý, Philippines là nước nhận được phần viện trợ lớn nhất. Điều này cho thấy mối quan hệ đối tác lâu dài mà Hoa Kỳ đã có với Philippines về mặt an ninh, ngoài những thứ khác.
Biển Đông là vùng nước còn tranh chấp giữa Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan. Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực này qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này gọi là vùng nước lịch sử.
Tướng Mỹ khuyên Nhật, Đài Loan
tấn công mô phỏng tàu sân bay TQ
Đài Loan và Nhật Bản nên thực hiện các cuộc tấn công mô phỏng đối với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc để đối đầu với sự xâm lấn lãnh hải của Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông.
Cựu Giám đốc An ninh Quốc gia của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama – Đô đốc Dennis Blair đã đưa ra nhận định trên trong bài viết cho Quỹ Hòa bình Sasakawa vào ngày 22.8.
Đô đốc Blair cho rằng cách phản ứng như cho máy bay chặn và theo sát như thường lệ của Đài Loan và Nhật Bản mỗi khi có máy bay của quân đội Trung Quốc bay qua là “lãng phí và phản tác dụng”, vì vừa tốn thời gian bay mà lại có ít giá trị về mặt quân sự.
Ông thậm chí cảnh báo chính sách “chặn tất cả mọi thứ” như vậy cũng có nguy cơ tạo ra một mô hình phản ứng mà Hoa Lục có thể khai thác trong chiến tranh.
Ông Blair khuyên lực lượng Đài Loan và Nhật Bản nên đưa ra phản ứng có chọn lọc, không lường trước được và không để lộ hết khả năng của mình, đồng thời thực hiện quyền của họ theo luật quốc tế bằng cách thỉnh thoảng tuần tra gần lãnh thổ Trung Quốc và mặc kệ phản đối của Bắc Kinh.
Ông cũng khuyên quân đội Đài Loan nên lợi dụng sự hiện diện của tàu sân bay Liêu Ninh để thực hiện các cuộc tấn công giả nhằm nâng cao sự sẵn sàng của mình và cũng để Bắc Kinh thấy rằng tàu sân bay của họ dễ bị tổn thương nếu có chiến tranh.
Liêu Ninh là tàu sân bay của Liên Xô cũ được Trung Quốc được tân trang lại và đã tham gia vào 10 cuộc tuần tra và tập trận gần Đài Loan, trong đó chỉ riêng năm nay đã thực hiện 4 cuộc tập trận.
Trong khi đó, Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc Type 001A được cho là đang bắt đầu chuyến thử nghiệm cuối cùng trước khi đưa vào tác chiến. Giới chuyên gia quân sự cho rằng đợt thử nghiệm này có thể kéo dài 6-12 tháng và sau đó tàu sân bay này sẽ được bàn giao cho hải quân Hoa Lục vào Tháng 10 sang năm nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Hoa Nam Buổi Sáng cho biết Tàu Type 001A ngày 26.8 đã tiến về biển Hoàng Hải để thử nghiệm.
Tàu Type 001A có lượng giãn nước 65.000 tấn, được Trung Quốc đóng dựa theo nguyên mẫu của tàu Varyag mà Trung Quốc mua lại của Ukraine năm 1998. Sau đó Bắc Kinh tân trang lại, đổi tên thành Liêu Ninh và bắt đầu vận hành vào năm 2016.