Tin Việt Nam – 29/08/2018
VN chính thức sử dụng đồng nhân dân tệ của TQ
ở khu vực biên giới
Hôm 28/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra một thông tư cho phép các thương nhân, cư dân khu vực biên giới Việt – Trung được sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Việc sử dụng nhân nhân tệ thanh toán ở biên giới được quy định trong Thông tư 19/2018 về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới, có hiệu lực từ ngày 12/10, theo trang Zing.vn.
Theo thông tư này, các thương nhân, cư dân biên giới Việt – Trung có hoạt động thương mại qua biên giới giữa 2 nước sẽ được sử dụng đồng tiền thanh toán gồm VNĐ (Việt Nam đồng) hoặc CNY (Nhân dân tệ) và ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Thông tư còn quy định việc sử dụng tài khoản đồng nhân dân tệ, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thương nhân hai nước thực hiện các giao dịch thu, chi trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ.
Ngoài ra, theo VietnamNet, Thông tư cũng nêu hướng dẫn các hoạt động ngoại hối khác như hoạt động ủy thác trong thanh toán bằng đồng CNY, xuất khẩu, nhập khẩu bằng CNY tiền mặt và VND tiền mặt, sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng CNY tại chi nhánh ngân hàng biên giới.
Báo BNews.vn trích lời ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước, cho biết cơ chế thanh toán bằng đồng bản tệ nêu trên đã được triển khai thực hiện từ năm 2004.
Việt Nam có 7 tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên và chỉ có những khu vực biên giới tại các tỉnh này mới được phép dùng đồng VND, CNY để thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới, theo BNews.
Truyền thông trong nước nhận định việc ban hành Thông tư 19 “góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt – Trung ngày càng phát triển.”
Tháng 11/2017, nhân chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước đã ra tuyên bố chung, trong đó việc “sử dụng đồng bản tệ trong thương mại và đầu tư song phương.”
VN và vấn đề ‘ngăn tụ tập đông người’ ngày 2/9
Có ý kiến rằng việc Chủ tịch Hà Nội yêu cầu ngăn ‘tụ tập đông người’ hôm 2/9 là ‘vi hiến’, và rằng Hiến pháp chỉ đề cập ‘biểu tình’ chứ không có ‘tụ tập’.
Ngăn chặn’tụ tập đông người’
Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu lực lượng công an nắm bắt tình hình, không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, quá khích dịp lễ Quốc khánh, theo truyền thông Việt Nam.
“Công an cần chủ động nắm tình hình, quản lý tốt đối tượng, có giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa, không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, hành vi quá khích trên địa bàn thành phố trong dịp cao điểm này”, ông Nguyễn Đức Chung nói trong cuộc họp của UBND TP Hà Nội hôm 27/8.
Theo hãng tin Reuters cùng ngày từ Hà Nội thì chính quyền Hà Nội không nói rõ các vấn đề được cho là có thể dẫn tới biểu tình là gì.
Tướng Tô Lâm: ‘Nhiễm HIV, sống ‘ảo’ được thuê đi biểu tình’
Hàng chục người bị bắt trước lo ngại biểu tình
“Quyền tự do hội họp là hợp pháp ở quốc gia cộng sản này, nhưng bất chấp những cải cách sâu rộng, Việt Nam ít khoan nhượng người bất đồng chính kiến. Người biểu tình và nhà hoạt động thường xuyên bị ngăn chặn nhóm họp hoặc bị kết tội “gây rối trật tự công cộng,” bản tin Reuters viết.
Không chỉ Hà Nội, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã có những hoạt động tuyên truyền để ngăn chặn biểu tình hôm 2/9, theo thông tin từ một nhà hoạt động.
“Các tổ dân phố đã phát tờ rơi, tuyên truyền qua loa, hoặc đến tận nhà kêu gọi người dân ‘cảnh giác với các thế lực thù địch’ dịp 2/9,” ông Dương Đại Triều Lâm, thành viên của mạng lưới Bloggers Việt Nam nói với BBC hôm 28/8.
‘Vi hiến’
“Căn cứ vào Hiến pháp Việt Nam, điều ông chủ tịch Chung nói là vi hiến,” nhà báo tự do Lê Trọng Hùng, người được biết đến với các livesteam trên mạng xã hội phổ biến về pháp luật, nói với BBC hôm 28/8.
“Trong Hiến pháp Việt Nam không có từ nào là ‘tụ tập đông người’, chỉ có từ ‘biểu tình’.
Theo nhà báo Lê Trọng Hùng, việc ông Chung đưa ra lời kêu gọi như vậy đặc biệt trái với điều 25 Hiến pháp Việt Nam, trong đó quy định người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình.
“Mệnh đề hai của điều 25 nói ‘việc thực hiện những quyền này do pháp luật quy định’ là mâu thuẫn. Vì Hiến pháp là bộ luật tối cao rồi. Các bộ luật chỉ là hiện thực hóa Hiến pháp thôi chứ không có quyền quy định lại Hiến pháp.”
“Chính vì điều mơ hồ này nên người dân không dám đi biểu tình. Trong khi đã được hiến định rõ ràng thế này rồi thì không cần chờ luật nào hết. Nếu có luật biểu tình thì chỉ là để Nhà nước đảm bảo quyền lợi cho người biểu tình mà thôi.”
Người dân được làm mọi điều pháp luật không cấm.”Ông Lê Trọng Hùng
“Việc người dân đi biểu tình, nếu có, là họ đang thực hiện quyền lực nhà nước trực tiếp. Nếu ông Chung tìm cách ngăn cản là ông Chung vi hiến,” ông Hùng nói với BBC từ Hà Nội.
Hậu biểu tình: Việt Nam khởi tố nhiều người
Lý do biểu tình: ‘Chống TQ và mong mỏi dân chủ’
Ông Hùng cũng nói ông không ủng hộ chuyện quá khích, nhưng cần phân biệt biểu tình với các hoạt động quá khích khác.
“Ví dụ lạng lách, đánh võng, các cô gái thoát y mừng U23 Việt Nam thắng tối 27/8 thì ông Chung ở đâu? Đó có phải là tụ tập quá khích không?”
“Ông Chung cần xem lại Hiến pháp và thượng tôn pháp luật,” nhà báo tự do nói với BBC.
‘Chính quyền có lý do phản ứng’
Còn nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm nói với BBC rằng ‘không bất ngờ với phát biểu của ông Chung’ vì nhà cầm quyền thường thắt chặt an ninh vào những dịp lễ lớn.
“Những nhà hoạt động xã hội dân sự cũng thường bị canh giữ ở nhà hay giám sát gắt gao vào các dịp này. Thêm nữa, có một số kêu gọi mang tính chất “bạo lực, khủng bố” ở trên mạng nên chính quyền lập tức dựa vào điều này để tăng cường lực lượng.”
Ông Lâm cũng nói những lời kêu gọi biểu tình dịp 2/9 lan tràn trên mạng xã hội chủ yếu xuất phát từ hải ngoại. Tuy nhiên không thấy rõ mục đích ‘xuống đường’ được kêu gọi là gì.
“Biểu tình, ví dụ hôm 10/6, có mục đích rất rõ ràng, là phản đối luật an ninh mạng và đặc khu. Một số cuộc xuống đường của giới hoạt động dân sự trước đây cũng nêu rõ mục đích vì an sinh, môi trường hoặc nhân quyền.”
“Trong khi đó, lại xuất hiện một số lời kêu gọi có tính chất ‘bạo lực’, như đốt đồn công an. Cộng thêm một số vụ việc gần đây như vụ ném bom xăng vào đồn công an quận 12, hay vụ việc của nhóm ông Đào Minh Quân ở Mỹ bị cáo buộc âm mưu tấn công bằng bom nhân các ngày lễ lớn… khiến chính quyền có lý do để phản ứng, đưa ra lời kêu gọi như vậy.”
“Vì thế, các bạn trẻ trước khi xuống đường, hay biểu tình, cần biết mình làm vì mục đích gì, và những rắc rối mà mình có thể phải gặp phải sau này,,” ông Lâm nói với BBC từ Sài Gòn hôm 28/8.
Giới chức Việt Nam mới đây cũng bỏ tù hai người Mỹ gốc Việt được cho là trung thành với chính phủ VNCH trước đây, cho rằng họ có âm mưu đánh bom.
Ngăn chặn ‘biểu tình lật đổ’
Một số tờ báo của nhà nước Việt Nam hôm 28/8 cũng đăng những bài viết về liên quan đến ‘biểu tình’ và ‘ngăn chặn biểu tình’ dịp 2/9.
Chẳng hạn, báo Quân đội Nhân Dân có bài “Biểu tình lật đổ, những kịch bản ảo tưởng, dối lừa”, đề cập đến ‘các thế lực thù địch’, ‘phản động’, kêu gọi ‘tổng biểu tình’ qua mạng xã hội.
“Không chỉ lợi dụng mạng xã hội để hô hào, các thế lực này còn “tuyên bố” sẽ liên tiếp phát động biểu tình đến khi nào lật đổ được chế độ cộng sản ở Việt Nam mới thôi,” bài báo trên Quân Đội Nhân Dân hôm 28/8 viết.
Cũng trên website của báo này còn có video với tiêu đề “Mọi “kịch bản” biểu tình phi pháp đều thất bại trước khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam”.
Trước đó, lãnh đạo ngành Công an Việt Nam, Thượng tướng Tô Lâm nói “nhiều đối tượng nhiễm ma túy, HIV và sống ‘ảo’ được thuê để đi biểu tình” trong phiên đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công An hôm 13/8, theo website của Bộ Công An.
Quyền biểu đạt và khủng hoảng niềm tin
Ở Việt Nam, chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo thường lo ngại về các cuộc xuống đường đông đảo mà cuộc phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng là ví dụ mới đây nhất.
Một mặt là nhãn quan “nhìn đâu cũng thấy kẻ thù”, không có cơ chế mở rộng không gian thảo luận các vấn đề quan trọng khiến nhiều vụ việc chỉ mang tính kinh tế, xã hội như tranh chấp đất, môi trường nhanh chóng bị chính trị hóa, kể cả từ phía các cơ quan chính quyền.
Mặt khác, quyền biểu đạt tự nhiên của người dân Việt Nam thường pha trộn với cảm xúc chống Trung Quốc lâu đời mà giới quan sát nước ngoài cho là dễ “bùng nổ”, khiến chính quyền không kiểm soát được.
Tình hình, như các vụ biểu tình chống Luật Đặc khu gần đây, “cho thấy có đủ các dấu hiệu của khủng hoảng niềm tin”, theo một đánh giá hồi tháng 6/2018 của Viện Lowy tại Úc.
“Đa số công chúng tin rằng tham nhũng trong bộ máy công quyền là kinh niên ở Việt Nam. Dù chiến dịch chống tham nhũng được ủng hộ rộng rãi, điều này khó tạm thu hút niềm tin trong công chúng về các chính sách mới nhất”.
Cùng lúc, bùng nổ của mạng xã hội và kết nối trong ngoài nước khiến các giới vận động dễ dàng liên lạc, và tổ chức các hoạt động đề cao tiếng nói của họ, khiến giới chức tỏ ra bất lực và dễ đi tới chỗ dùng biện pháp mạnh không cần thiết.
Luật biểu tình đã bị trì hoãn nhiều lần trong Quốc hội Việt Nam dù được ghi trong Hiến pháp, và điều này đang là điểm gây tranh cãi giữa chính quyền và giới vận động.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45327110
Liên tiếp xảy ra động đất ở Quảng Nam
Liên tiếp 9 trận động đất xảy ra gây rung chấn địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam chỉ trong vòng 1 tháng qua. Ngoài ra từ đầu năm đến nay số trận động đất với cường độ từ 2,5 đến 3,9 độ Richter được ghi nhận xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Mạng báo Thanh Niên loan tin ngày 29 tháng 8, dẫn phát biểu của ông Nguyễn Xuân Anh, Viện Trưởng Viện Vật Lý Địa Cầu Việt Nam tại cuộc họp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về vấn đề an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ hôm 10/8, rằng nguyên nhân do các hồ thủy điện tích nước gây nên các trận động đất như vừa nêu.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, các trận động đất xảy ra trên địa bàn Quảng Nam gần đây đều là những trận động đất kích thích, hiện tượng này đã được biết đến rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên trong thời gian ngắn mà động đất liên tục xảy ra thì đây là một điều “bất thường”.
Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Bắc Trà My được dẫn lời cho biết, trước thực trạng động đất vừa liên tiếp xảy ra, huyện đã phải cùng với Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sông Tranh 2, tiến hành công tác tuyên truyền để trấn an người dân.
Mưa lũ ở Sơn La khiến 1 người mất tích
Mưa lớn kèm theo lũ quét và sạt lở đất ở tỉnh Sơn La từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 8 đã khiến một người mất tích và 3 trường học bị ngập.
Tin cho biết nạn nhân bị nước cuốn trôi là anh Vì Văn Sơn, trú tại bản Cáp Nan, xã Nà Bó, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Trong số ba trường học bị ngập có trường bị ngập toàn bộ tầng 1, gây thiệt hại về tài sản của nhà trường, giáo viên và cả học sinh.
Cũng tại tỉnh Sơn La, sau một tháng kể từ khi cơn bão số 3 đi qua, cuộc sống của nhiều người dân vẫn chưa ổn định trở lại và còn phải đối mặt với nỗi lo núi nứt từng ngày.
Truyền thông trong nước cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, 80 hộ dân tại xã Mường Bang, huyện Phù Yên đã phải di tản. Cho đến nay, dù bão đã đi qua, nhưng họ vẫn phải sống tạm bợ giữa lưng chừng núi, với nguy cơ sạt lở cao. Nhiều hộ trong số này đã chuyển ra sân bóng của bản Lao để sống tạm, nhưng còn nhiều hộ không có chỗ di dời nên đành chấp nhận sống dưới chân núi, thấp thỏm nỗi lo núi lở.
Cũng liên quan đến mưa lũ, mưa lớn kéo dài tù chiều ngày 28/8 tại một số địa phương tỉnh Thanh Hóa đã gây ra tình trạng sạt lở đất, gây nhiều thiệt hại cho người dân.
Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là xã Thành Trung và Trung Sơn, huyện miền núi Quan Hóa. Hiện tại mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra ở các địa phương này, và cơ quan chức năng đã phải di dời các hộ dân trong vùng sạt lở.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vào ngày 29 tháng 8 được Thông tấn xã Việt Nam dẫn cảnh báo nguy cơ mưa lũ và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ tiếp tục diễn ra trong mấy ngày tới. Khu vực có thể xảy ra sạt lở đất là các huyện Mường Chà, Mường Nhé tỉnh Điện Biên, huyện Mường Tè, Phong Thổ tỉnh Lai Châu và Yên Châu, Thuận Châu tỉnh Sơn La. Thủ đô Hà Nội cũng được dự báo có thể có mưa lớn đi kèm sấm chớp trong ngày 29 tháng 8 và thứ Năm ngày 30 tháng 8.
Thủ đô Hà Nội cũng được dự báo có mưa lớn kết hợp với giông gió trong ngày thứ năm 30 tháng 8.
Vỡ đê ở An Giang, hàng trăm héc ta lúa bị ngập
Một tuyến đê bao ở An Giang bị vỡ khiến hàng trăm héc ta lúa ở huyện Tri Tôn, An Giang bị chìm trong nước.
Truyền thông trong nước loan tin này ngày 29/8 dẫn phát biểu của ông Phan Văn Sương, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết mực nước từ thượng nguồn đổ về với áp lực lớn khiến đoạn đê bao tại xã Vĩnh Gia bị vỡ, nước lũ nhấn chìm hơn 100 ha lúa sắp thu hoạch.
Hiện mực nước tại hai xã Vĩnh Gia và Lạc Quới, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 1,5 m.
Theo cơ quan chức năng, đến trưa ngày 29/8, khoảng 70% ha lúa của toàn huyện Tri Tôn bị thiệt hại, tương đương 700 héc ta. Lực lượng cứu hộ đang gia cố hệ thống đê bao ở các vùng khác để bảo vệ hơn 2.000 ha lúa vụ 3 đang bị nước lũ uy hiếp.
Theo lãnh đạo xã Lạc Quới, nhiều năm qua mực nước lũ thấp, người dân tự liên kết đắp bờ bao tạm nên khi gặp lũ lớn đã trở tay không kịp.
Biện pháp đắp đê bao để làm thêm vụ ba tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long lâu nay bị giới chuyên gia cho là không thích hợp. Trong những năm gần đây, do tác động của các đập thủy điện mà các nước khác xây trên dòng chính Sông Mê kong, cộng với hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; vựa lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam đã chịu nhiều thiệt hại đáng kể.
Xét xử vụ án PVTex, vẫn chưa bắt được
cựu Tổng Giám đốc Vũ Đình Duy
Tòa án Hà Nội đang tiến hành phiên sơ thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí – PVTex.
Một trong những nhân vật trong vụ án này là ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc PVTEX, được nói đang trốn ở nước ngoài và cơ quan chức năng Việt Nam chưa bắt được.
Truyền thông trong nước trích cáo trạng của Viện KSND Tối cao rằng nguyên TGĐ PVTex Vũ Đình Duy đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng nhưng do thời gian điều tra đã hết nhưng chưa bắt được Vũ Đình Duy nên Cơ quan CSĐT ra Quyết định tách vụ án hình sự, Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và Quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can này. Trước đó, vào ngày 26/6/2017, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã Vũ Đình Duy.
Vào chiều ngày 7/5/2018 giờ Berlin, ông Vũ Đình Duy đã xuất hiện ở phiên tòa xét xử nghi can tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh để làm chứng. Tại tòa, Vũ Đình Duy khai rằng ông quyết định rời khỏi Việt Nam vì có những điều không đồng ý với lãnh đạo. Trịnh Xuân Thanh là một cựu quan chức ngành dầu khí vừa bị tòa án ở Việt Nam kết án chung thân hồi đầu năm nay vì cáo buộc tham nhũng.
Trong ngày 29 tháng 8, tại phiên sơ thẩm vụ án PVTEX, Viện kiểm sát đề nghị mức án lên tới 29 năm tù cho ông Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX, trong đó 12 – 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, và 15-16 năm tù về tội Nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là 27-29 năm tù.
Thu nhập của con cán bộ
cao gần 150% so với mức trung bình
Cơ hội tìm được việc làm tốt cũng như thu nhập của con cái những người làm công tác quản lý hay công việc chuyên môn, cao hơn rất nhiều so với con cái của tầng lớp lao động phổ thông.
Đó là kết quả ghi nhận được qua một nghiên cứu, có tên “Quản trị địa phương và cơ hội lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên: Những chứng cứ đầu tiên từ Việt Nam” do nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Quang Tuyến, thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện và được công bố trên tập san quốc tế Children and Youth Services Review.
Truyền thông trong nước cho biết nghiên cứu này được tiến hành theo dữ liệu của cuộc điều tra quốc gia “Chuyển tiếp từ trường học tới việc làm”, do Tổ chức Lao động Quốc tế cùng với Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện.
Tiến sĩ Trần Quang Tuyến nói với báo giới, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên ở Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nghề nghiệp của người cha của mình. Theo đó, các thanh niên có bố làm quản lý hay công việc chuyên môn, có được cơ hội tìm được việc làm tốt hơn gấp cả chục lần so với thanh niên có bố làm công việc lao động phổ thông; đồng thời thu nhập của những thanh niên, được gọi là “con ông cháu cha”, cao hơn gần 146% so với lao động phổ thông.
Đây là nghiên cứu định lượng lần đầu tiên được thực hiện về mối quan hệ giữa nghề nghiệp của cha và và cơ hội việc làm của con cái tại Việt Nam.
Nghiên cứu cũng cho thấy bên cạnh yếu tố nền tảng gia đình, còn có yếu tố về chất lượng sống và chất lượng đào tạo nghề ở địa phương cũng ảnh hưởng nhiều đến cơ hội lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên ở Việt Nam.
Mẹ Vắng Nhà: Bị cấm ở Việt Nam
nhưng được chào đón trên thế giới
Một bộ phim tài liệu về nhà hoạt động đang bị cầm tù Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm, bị cấm ở Việt Nam nhưng lại đang được đón nhận ở nhiều nước trên thế giới.
Dù là một bộ phim không có quan điểm chính trị, như lời nhà làm phim Clay Phạm nói, nhưng “Mẹ Vắng Nhà” đã không được phép trình trình chiếu tại Việt Nam. Tuy nhiên bộ phim dài 40 phút về cảnh sinh hoạt của gia đình Mẹ Nấm khi không có cô ở nhà đã được VOICE trình chiếu tại bảy nước, trong đó có một số buổi chiếu không công khai tại các nhà thờ và tòa đại sứ ở Việt Nam.
Blogger Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù về tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam” tại một phiên xử phúc thẩm hôm 30/11/2017.
Bộ phim tài liệu đầu tay của Clay Phạm nói về bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, và hai cháu ngoại – con của Như Quỳnh, trong các hoạt động thường ngày cùng những hình ảnh của bà Lan đến dự phiên tòa xử con gái cũng như những lần bà đến thăm con tại trại giam.
“Đây là một bộ phim chân thật nhất về gia đình một tù nhân lương tâm,” Clay Phạm nói. “Trước đây ở Việt Nam người ta không hiểu tù nhân lương tâm như thế nào. Người ta hiểu sơ sài và phỏng đoán rằng người đó rất nghê gớm và chống chọi lại chính quyền nên mới bị ở tù. Clay muốn cho mọi người nhận thức được rằng họ cũng là những con người bình thường, sinh hoạt rất bình thường và họ rất hiền lành. Chỉ có chăng là Quỳnh đấu tranh cho những điều tự do và công bằng nên mới bị bắt ở tù.”
Clay Phạm, người dành hai tháng với gia đình bà Lan để quay những thước phim trên, cho VOA biết ông hiện bị cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam. Ông bị công an thu hộ chiếu trong một lần tới sân bay để đi ra nước ngoài.
Món quà “nhạy cảm”
Đạo diễn này nói rằng ông không ngờ bộ phim lại “nhạy cảm đến vậy.” Ý định ban đầu của ông là làm bộ phim này “như một món quà tặng Quỳnh” để sau khi ra tù Quỳnh sẽ thấy được con mình sống ra sao, mẹ mình cực khổ như thế nào trong thời gian Quỳnh “đi vắng.”
Tháng trước, buổi công chiếu thứ 2 của “Mẹ Vắng Nhà” tại Bangkok bị hủy bỏ do sức ép của Việt Nam lên các giới chức Thái Lan.
Trịnh Hội, giám đốc điều hành của VOICE – tổ chức phi lợi nhuận đang trình chiếu “Mẹ Vắng Nhà” trên khắp thế giới – cho VOA biết lý do bộ phim bị chính phủ Việt Nam cấm lưu hành.
“Họ cho rằng trong cuốn phim Mẹ Vắng Nhà đã đưa ra một số thông tin sai lạc về Việt Nam cũng như về Mẹ Nấm, là người được nhắc đến trong cuốn phim Mẹ Vắng Nhà.”
Tuy nhiên ông Hội, cũng là một luật sư về nhân quyền, cho rằng nguyên nhân thực sự là vì chính quyền Việt Nam sợ “sự thật sẽ được đưa ra phơi bày trên thế giới và cho nhiều người biết.”
Trong cuốn phim mà Clay Phạm mất gần bốn tháng để sản xuất có những hình ảnh bà Lan biểu tình và bị đánh cũng như cho thấy nỗi khổ của một người mẹ của một tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Tuy nhiên ông Hội cho rằng bộ phim không “hô hào khẩu hiệu, không tuyên truyền” kích động.
Bà Lan cho VOA biết bà cũng không hiểu tại sao bộ phim bị cấm chiếu ở Việt Nam.
“[Clay Pham] nói với tôi rằng bộ phim này là để kể về cuộc đời thật, cuộc sống bình thường của gia đình chị Quỳnh để lên tiếng với thế giới rằng họ là những người bình thường trong cuộc sống, có những ước mơ bình thường, đòi hỏi công bằng. Thực ra nó là một bộ phim bình thường thôi.”
“Càng cấm, càng nổi”
Chính vì việc Việt Nam cấm bộ phim này mà “Mẹ Vắng Nhà” lại được cộng đồng quốc tế và nhất là những người Việt ở hải ngoại muốn được xem, theo giám đốc điều hành của VOICE.
Ông Hội cho biết VOICE “nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác trình chiếu bộ phim từ khắp mọi nơi từ châu Mỹ đến châu Âu, cũng như hàng trăm lời yêu cầu đăng tải công khai bộ phim trên mạng để ai cũng có thể xem được nhất là tại Việt Nam.”
Mặc dù cuộc sống và sự an toàn của mình đang bị đe dọa ở Việt Nam nhưng Clay Phạm nói “nếu có phải đánh đổi cũng xứng đáng” vì ông hy vọng với bộ phim này, cộng đồng quốc tế và các tổ chức bảo vệ nhân quyền sẽ giúp Như Quỳnh được thả tự do.
Những hình ảnh và thông tin thu được từ các buổi chiếu ở Mỹ, và nhất là ở khu vực Washington DC trong tuần này, sẽ được gửi tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, theo ông Hội.
“Để mình nói cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ biết để cho họ biết rằng sự ủng hộ cho Mẹ Nấm rất là lớn và vì vậy chính phủ Hoa Kỳ cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc vận động cho sự tự do của Mẹ Nấm.”
Như Quỳnh được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh tại một buổi lễ ở thủ đô Washington vào tháng 3/2017 trong đó Đệ Nhất phu nhân Melania Trump trao giải “Phụ nữ Can đảm Quốc tế” cho blogger đang bị giam trong tù ở Việt Nam này.
VOICE, tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, đã trình chiếu Mẹ Vắng Nhà tại một số thành phố của Mỹ trong đó có Houston, nơi có 1.500 người đến tham dự. Sau khu vực Washington DC, bộ phim sẽ được chiếu ở South Carolina, San Diego. Minnesota và nhiều nơi khác trước khi sang châu Âu.
Lưu Quang Vũ và những vở kịch để đời
Ngày 29/08/2018 là đúng kỷ niệm 30 năm vợ chồng nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh cùng đứa con trai 13 tuổi qua đời trong một tai nạn tại Hải Dương, giữa lúc sự nghiệp của cặp nghệ sĩ xuất chúng này đang lên đến đỉnh cao. Tại Việt Nam trong những ngày qua đã có nhiều sinh hoạt để tưởng niệm và vinh danh Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh. Trong chương trình hôm nay, RFI phỏng vấn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên về những dấu ấn mà Lưu Quang Vũ để lại trong sân khấu kịch ở Việt Nam.
Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/04/1948 tại tỉnh Phú Thọ, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật của anh đã sớm bộc lộ từ nhỏ. Từ 1965 đến 1970, anh phục vụ trong quân đội và đây là thời kỳ thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ. Sau khi xuất ngũ, anh đã làm đủ nghề, trước khi làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói, với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17.
Tuy chỉ 40 tuổi, nhưng Lưu Quang Vũ đã là tác giả có sức sáng tác rất dồi dào, với gần 50 vở kịch, trong đó có nhiều tác phẩm đã làm sôi động sân khấu Việt Nam thời kỳ đó như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Tôi và chúng ta, Hoa cúc xanh trên đầm lầy v.v…
Nói chung, các các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn, cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của anh. Đó là những yếu tố khiến cho các tác phẩm của anh cho tới vẫn được công chúng ở Việt Nam tán thưởng.
Tiêu biểu nhất cho các vở kịch của Lưu Quang Vũ là vỡ Tôi và chúng ta. Tác phẩm này lấy bối cảnh vào những năm 1980, khi cơ chế bao cấp, tư tưởng giáo điều cứng nhắc đang cố cưỡng lại xu thế đổi mới, mở cửa kinh tế, thể hiện qua cuộc đối đầu giữa phe bảo thủ và phe đổi mới trong một xí nghiệp vào thời đó.
Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên về Lưu Quang Vũ:
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180827-luu-quang-vu-va-nhung-vo-kich-de-doi
Nợ công cao do đâu?
Nguyễn Trang Nhung
Mấy ngày gần đây, báo chí trong nước đưa tin mỗi người Việt Nam gánh 35 triệu đồng nợ công năm 2018, tương ứng với tổng nợ là 3,5 triệu tỉ đồng và tỷ lệ nợ công trên GDP là 63,92%, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.[1] Các con số này đều tăng so với các con số tương ứng của năm 2017. Như vậy, tỷ lệ nợ công trên GDP đã tiến gần hơn tới mức trần là 65%. Dự báo cho thấy tổng nợ sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo, cụ thể là hơn 3,9 triệu tỉ đồng vào năm 2019 và gần 4,3 triệu tỉ đồng vào năm 2020.
Theo Báo cáo Đánh giá Chi tiêu công Việt Nam do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2017, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nợ công trên GDP tăng nhanh nhất thế giới.[2] Nhiều con số và thông tin liên quan khác, chẳng hạn lãi suất của các khoản vay vốn đã cao lại càng cao trong tương lai, cho thấy Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất an toàn nợ công.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ công cao, trong đó bao gồm 5 nguyên nhân chủ yếu: (1) bội chi ngân sách kéo dài, (2) đầu tư công không hiệu quả, (3) kỷ luật ngân sách yếu kém (4) phân cấp ngân sách không hiệu quả, và (5) chi phí lãi vay cao. Ngoài ra là một số nguyên nhân khác.
Bội chi ngân sách kéo dài
Năm 2017, nợ chính phủ chiếm 51,8% GDP, nợ chính phủ bảo lãnh chiếm 9% GDP, nợ chính quyền địa phương chiếm 0,6% GDP.[3] Các con số tương ứng của các năm cũ hơn cho thấy một cấu hình tương tự, theo đó nợ chính phủ là thành phần chủ yếu của nợ công. Nguồn gốc chủ yếu của nợ chính phủ, theo nhiều phân tích và nhận định, lại là bội chi ngân sách kéo dài. Như vậy, bội chi ngân sách kéo dài là nguồn gốc chủ yếu của nợ công. Cũng theo báo cáo Đánh giá Chi tiêu công Việt Nam, cán cân tài chính đang phải đối mặt với rủi ro lớn, do bội chi ngân sách đang ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là 5,6% GDP.[4]
Theo nhiều nghiên cứu, bội chi ngân sách ở mức thấp nhưng kéo dài vẫn nguy hiểm. Việt Nam không những có bội chi ngân sách kéo dài mà còn ở mức cao nên rủi ro đối với an toàn nợ công là không nhỏ. Điều này dẫn đến một câu hỏi là bội chi ngân sách ở mức nào là không cao (?). Không có câu trả lời thống nhất cho câu hỏi này, tuy nhiên, một số chi tiêu chung được dùng bởi các quốc gia có nền tài khóa lành mạnh có thể làm rõ vấn đề. Theo Hiệp ước Maastricht 1992, các quốc gia thành viên phải duy trì thâm hụt ngân sách không quá 3% GDP. Nếu dựa trên mức được thừa nhận bởi cộng đồng quốc tế này, Việt Nam đang duy trì mức mặc định cao, là 5%, cho bội chi ngân sách hàng năm.
Đầu tư công không hiệu quả
Tháng 10 năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố tình trạng không hiệu quả của việc đầu tư 42.000 tỷ đồng trong 72 dự án. Trong bối cảnh các nguồn thu ngày càng hạn hẹp thì đầu tư không hiệu quả gây ra tổn thất và gánh nặng cho ngân sách. Theo PGS. TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãng phí trong đầu tư công thể hiện ở việc chi chưa đúng chế độ, chính sách, không bố trí đủ nguồn vốn, chất lượng công trình xây dựng thấp.[5] Cũng theo ông, nhiều dự án dở dang, chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư cũng là nguyên nhân gây nên lãng phí.
Có thể kể đến nhiều dự án trong tình trạng nêu trên. Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng thêm 10.738 tỷ đồng. Dự án đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh từ 4.956 tỷ đồng lên 6.742 tỷ đồng. Hàng loạt các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long qua hai lần điều chỉnh đã tăng tổng mức đầu tư hơn gấp đôi.[6] Gần đây nhất, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được báo chí đưa tin về tình trạng đội vốn từ 8.769 lên 18.000 tỷ đồng. Một số dự án đường sắt khác cũng trong tình trạng tương tự, như dự án đường sắt đô thị TP. HCM tuyến 1, đoạn Bến Thành – Tham Lương, và dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.[7]
Một cách tổng quát, có thể nhận biết hiệu quả đầu tư của quốc gia qua hệ số đầu tư tăng trưởng ICOR. Theo tính toán, hệ số này của Việt Nam trong giai đoạn 2006 – 2010 là 5,73, trong giai đoạn 2011 – 2015 là 5,9[8], nghĩa là Việt Nam phải đầu tư gần 6 đồng mới được 1 đồng tăng trưởng, trong khi hệ số này của các nước trong khu vực là 3 – 4.[9]
Kỷ luật ngân sách yếu kém
Liên quan tới hai nguyên nhân kể trên, phải kể tới nguyên nhân chủ quan là kỷ luật ngân sách. Kỷ luật ngân sách là một tập hợp các nguyên tắc và quy định về việc dự thảo, phê duyệt và thực hiện ngân sách nhà nước. Theo IMF, kỷ luật ngân sách bao gồm bốn nhóm: (1) kỷ luật về nợ công, (2) kỷ luật về cán cân ngân sách, (3) kỷ luật về chi ngân sách và (4) kỷ luật về thu ngân sách.[10] Tại Việt Nam, kỷ luật ngân sách cũng xác lập theo 4 nhóm này, trong đó 3 nhóm sau có ảnh hưởng trực tiếp tới thâm hụt ngân sách và nợ công.
Kỷ luật về cán cân ngân sách không nghiêm, thể hiện qua bội chi ngân sách ở mức cao và kéo dài (như đã nêu trên). Bên cạnh đó là sự dễ dãi trong việc điều chỉnh dự toán, quyết toán thâm hụt ngân sách. Trong năm tài khóa 2013, dự toán mức thâm hụt ngân sách là 162.000 tỉ đồng, sau đó được Quốc hội điều chỉnh lên 195.500 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 54/2013/QH13). Đến tháng 5/2015, khi có quyết toán ngân sách năm 2013, con số thâm hụt ngân sách được quyết toán là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, bằng 6,6% GDP thực tế.[11]
Theo Luật Ngân sách Nhà nước[12], mức thâm hụt ngân sách không được vượt quá mức chi đầu tư phát triển. Mặc dù quy định này không cho thấy một biện minh rõ ràng cho việc quản lý thâm hụt ngân sách, song cơ bản có ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này không được tuân thủ.
Ngoài ra, việc nới rộng các chỉ tiêu tài khóa lẫn bỏ qua hoặc xem nhẹ các chỉ tiêu vượt mức khác cũng cho thấy kỷ luật ngân sách yếu kém, mà việc nơi rộng tỷ lệ nợ công trên GDP theo thời gian là một ví dụ điển hình.
Liên quan đến vấn đề này là thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ. Theo Hiến pháp 2013 cũng như Hiến pháp 1992, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định kế hoạch ngân sách trong khi Chính phủ có thẩm quyền đề xuất, xây dựng kế hoạch ngân sách. Tuy nhiên, thực tế diễn ra không như quy định. Quốc hội không thực sự có thẩm quyền trong việc quyết định kế hoạch ngân sách, hay nói cách khác, thẩm quyền này chỉ mang tính hình thức.
Phân cấp ngân sách không hiệu quả
Phân cấp ngân sách tại Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập làm trầm trọng thêm tình hình nợ công tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2011 – 2016, 50 tỉnh vẫn nhận trợ cấp cân đối từ trung ương[13], trong khi sử dụng nguồn trợ cấp này cũng như nguồn thu ngân sách địa phương không hiệu quả. Sự thiếu vắng các cơ chế giám sát chặt chẽ cùng chế tài nghiêm khắc càng làm cho ngân sách nhà nước thất thoát. Mặc dù trợ cấp không được tính như nợ chính quyền địa phương, nhưng việc trợ cấp cho các địa phương làm tăng gánh nặng ngân sách, cũng như làm tăng nợ công của quốc gia.
Chi phí lãi vay cao
Nợ nước ngoài trên GDP là một trong các chỉ tiêu an toàn nợ công. Trong số các khoản vay nước ngoài, bên cạnh các khoản vay ưu đãi ODA là các khoản vay có lãi suất cao. Riêng về các khoản vay ODA, đây không nhất thiết là các khoản vay ưu đãi như danh nghĩa của nó, khi các chi phí của các khoản vay này không hề rẻ như nhiều phân tích đã chỉ ra.[14] Các khoản vay với lãi suất cao làm tăng gánh nặng trả nợ của quốc gia. Lãi suất trái phiếu mà chính phủ phát hành để vay nước ngoài cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Indonesia và Philippines.[15]
Các nguyên nhân khác
Thông tin thiếu minh bạch
Minh bạch thông tin là một điều kiện thiết yếu cho quản lý nợ công. Sự thiếu công khai, minh bạch dẫn đến bất đối xứng thông tin và kéo theo rủi ro đạo đức và vấn đề ủy quyền – thừa hành. Luật Quản lý Nợ công[16] quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm công khai thông tin về nợ công, theo đó 6 tháng một lần, Bộ Tài chính phải phát hành bản tin nợ công dưới dạng dữ liệu trên website của Bộ. Tuy nhiên, Bộ chỉ công bố thông tin nợ công 1 lần 1 năm, và nội dung báo cáo thì không đủ chi tiết để có thể khai thác, thường bao gồm các thông tin không có ý nghĩa, hoặc có ý nghĩa không đáng kể cho việc phân tích nợ công.[17]
Nghĩa vụ nợ phát sinh
Nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không được tính vào nợ công. Các khoản nợ này trên danh nghĩa là các khoản nợ do DNNN vay và DNNN trả. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Khi các DNNN đứng trước nguy cơ vỡ nợ, chính phủ sẽ can thiệp bằng cách thanh toán nợ của các doanh nghiệp này. Đây là nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, thường xảy ra tại các nước đang phát triển, và đối với các DNNN. Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn thường là nguyên nhân của nhiều trục trặc về rủi ro nợ công do chúng làm phát sinh nghĩa vụ nợ ngoài dự tính của các cơ quan quản lý.[18]
Chú thích:
[1] Mỗi người Việt ‘gánh’ 35 triệu đồng nợ công
[2] Đáng lo ngại: Nợ công Việt Nam thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới
[3] Nợ chính phủ bảo lãnh giảm mạnh
[4] Như [2]
[5] Đầu tư công không là ‘chùm khế ngọt’
[6] Như [5]
[7] “Choáng” với mức đội vốn đầu tư của hàng loạt dự án đường sắt đô thị
[8] Đánh giá tác động của tái cơ cấu đầu tư công đến nền kinh tế giai đoạn 2011 – 2015
[9] Khắc phục điểm nghẽn về hiệu quả đầu tư công
[10] Nâng cao kỷ luật tài khóa ổn định kinh tế vĩ mô
[11] Như [10]
[12] Luật cũ năm 2002 (đã hết hiệu lực), và luật mới năm 2015 (hiện có hiệu lực)
[13] Quan hệ giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương: Thực trạng và một số đề xuất
[14] ODA không hoàn lại chưa hẳn là “ngon, bổ, rẻ”
[15] Tính bền vững của nợ công ở Việt Nam
https://tuoitre.vn/tinh-ben-vung-cua-no-cong-o-viet-nam-378593.htm
[16] Luật cũ năm 2009 (đã hết hiệu lực) và luật mới năm 2017 (hiện có hiệu lực)
[17] Đỗ Thiên Anh Tuấn (2014), Các mô thức quản lý nợ công và vấn đề của Việt Nam
[18] Như 17
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/why-vietnam-public-debt-high-08292018114016.html