Tứ trụ EU chặn làn sóng thâu tóm của TQ
- Ngày đăng 27-08-2018
- BDN
Loạt công ty Trung Quốc thúc đẩy sáp nhập và mua lại các công ty công nghệ cao ở châu Âu trở thành một làn sóng buộc EU ngăn chặn.
Đức là một trong những quốc gia châu Âu mạnh tay ngăn chặn làn sóng công ty Trung Quốc thâu tóm các công ty công nghệ cao.
Cuối tháng trước, nội các Thủ tướng Đức Angela Merkel lần đầu tiên tính đến việc sử dụng quyền phủ quyết nhằm chặn thương vụ công ty Trung Quốc muốn thâu tóm một công ty Đức.
Tập đoàn Yantai Taihai đã rút lại đề nghị mua công ty sản xuất thiết bị máy Leifeld Metal Spinning vào phút cuối, sau khi chính phủ Đức cảnh báo họ sẽ chặn thương vụ cho tới cùng vì lý do an ninh.
Leifeld là công ty sản xuất thiết bị dùng trong năng lượng nguyên tử và công nghiệp vũ trụ. Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), một ngân hàng nhà nước, đã thông báo họ sẽ mua 20% cổ phần của công ty quản lý điện lực 50Hertz và chính thức từ chối lời đề nghị từ Tổng công ty Lưới điện quốc gia Trung Quốc.
Cũng trong tháng 8 này, Chính phủ Đức đã công bố kế hoạch giảm ngưỡng tối thiểu để sàng lọc đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
Việc Đức thắt chặt kiểm soát đầu tư nước ngoài đã bắt đầu từ năm ngoái.
Theo đó, Chính phủ Đức đã thắt chặt kiểm soát đối với đầu tư nước ngoài bằng cách cho phép chính phủ được quyền can thiệp nếu một nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm hơn 25% cổ phần của một công ty Đức.
Nhưng giờ đây Berlin muốn kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động sáp nhập mua lại nên chính phủ đã hạ ngưỡng tối thiểu đó xuống còn 15%.
Như vậy, nếu một nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại một công ty Đức, con số cổ phần tối đa chỉ là 15%.
Theo số liệu từ Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên minh (IMAA), năm 2017, có tới 69 thương vụ thâu tóm hoành tráng của Trung Quốc và Hồng Kông ở Đức. Giá trị các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty của Đức tăng vọt từ 800 triệu USD vào năm 2011 và đạt đỉnh gần 9 tỉ USD vào năm 2016.
Năm 2016, vụ thâu tóm đáng chú ý nhất là “đại gia Trung Quốc” Midea mua lại Kuka – hãng chế tạo robot công nghiệp hàng đầu của Đức với mức giá “trên trời” khoảng 5 tỉ USD.
Ngoài Kuka, trong 2 năm qua các công ty Trung Quốc gần như thâu tóm một số công ty đầu ngành khác của Đức như công ty dược phẩm Biotest Pharmaceuticals và mua lại số cổ phần trọng yếu của những doanh nghiệp “kỳ cựu” như Deutsche Bank và Daimler- chủ sở hữu thương hiệu Mercedez-Benz.
Các công ty công nghệ khoa học – kỹ thuật hiện đại quy mô vừa và nhỏ của Đức vốn được xem là “xương sống” của nền kinh tế Đức và hoạt động của họ về bản chất thường được cho là thiên về chính trị nhiều hơn là về kinh tế.
Nhưng làn sóng đầu tư mua lại từ Trung Quốc khiến họ trở thành những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và nỗi lo thất thoát công nghệ vẫn luôn tiềm tàng.
Để ngăn chặn các công ty Trung Quốc, châu Âu cũng thực hiện biện pháp “có đi có lại” nhằm giúp châu Âu thâu tóm công ty của nước ngoài. Biện pháp này mang tính chính trị nhiều hơn và hiệu quả thực tế rất thấp.
Không chỉ Đức, các nền kinh tế lớn ở châu Âu được dự trù cũng sẽ tiến hành các biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ tài sản kinh tế của các nước này trước hoạt động thâu tóm của nước ngoài.
Italy đã mở rộng hệ thống kiểm soát đầu tư nước ngoài đối với các ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh để chính phủ có thể kiểm soát các loại công nghệ cao nói chung. Hiện Chính phủ Italy có thể phủ quyết những giao dịch trong các ngành công nghiệp này hay đưa ra điều kiện cho tất cả các bên tham gia đầu tư.
Đầu năm 2018, Rome đã sử dụng những quyền mới của mình để đặt điều kiện đối với công ty vũ trụ Piaggio trong thương vụ bán động cơ phản lực P180 cho công ty đầu tư PAC – công ty được Chính phủ Trung Quốc bảo trợ, đồng thời ngăn chặn bất cứ sự chuyển giao công nghệ quân sự nào.
Vương quốc Anh cũng tiến hành các biện pháp tương tự. Mùa Hè năm nay, Chính phủ Anh đã đệ trình Quốc hội đề xuất cải cách trong lĩnh vực an ninh quốc gia và đầu tư. Đề xuất này bao gồm cơ chế kiểm soát đầu tư phát sinh từ những thông báo về các giao dịch có vấn đề.
Pháp đang có kế hoạch bổ sung các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data), công nghệ nano, vũ trụ và tài chính vào danh sách để điều chỉnh các biện pháp phòng vệ của nước này cho phù hợp với các biện pháp phòng vệ của Trung Quốc và Mỹ.
Bên cạnh đó, Pháp cũng đang xây dựng các công cụ mới để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước nguy cơ bị ép buộc chuyển giao khi các công ty Pháp đầu tư ra nước ngoài. Chính phủ Pháp cũng chuyển thẩm quyền sàng lọc đầu tư hiện thuộc chức năng của Bộ Kinh tế sang Văn phòng Tổng thống Emmanuel Macron.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp lãnh đạo EU. |
Những động thái phòng vệ diễn ra ở Pháp, Đức, Italy và Anh tạo thành một phần của sự thay đổi trong chính sách của các nước phương Tây đối với Trung Quốc.
Nhà kinh tế học Christian Dreger thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Đức nhận định, sự gắn kết chặt chẽ giữa những nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc với chính quyền đã thúc đẩy những thương vụ thâu tóm này.
“Mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc tự nhận rằng họ là những doanh nghiệp tư nhân nhưng mối liên kết giữa họ với chính quyền Trung Quốc lại có vẻ khá chặt chẽ. Hơn nữa, vốn đầu tư nước ngoài từ EU vẫn đang rất khó tiếp cận thị trường Trung Quốc” – ông Dreger nói.