Nhìn từ góc cạnh của tôi: chính trị Mỹ
“Bầu cử tất có hậu quả” – Tổng Thống Barack Obama
Cách đây khoảng một năm rưỡi, nước Mỹ bầu ông Donald J. Trump làm tổng thống thứ 45. Giống như các vị tiền nhiệm của ông, một nửa nước bầu cho ông, nửa kia bầu cho người đối thủ. Nhưng không giống như trường hợp các vị tiền nhiệm của ông, rất lâu sau cuộc bầu, gần một nửa nước vẫn không chấp nhận sự lựa chọn chính danh của người dân.
Chưa khi nào trong lịch sử ngắn ngủi của cái xứ non trẻ này, đã có một tổng thống gây tranh cãi như bây giờ, đã kích động những cảm giác cuồng tín nhất. Lạ lùng thay, quan điểm cực đoan cũng đã lan tràn vào những đồng hương Việt tỵ nạn của tôi, là khối người đáng lẽ ra đã phải cảm thấy xa lạ hơn với chính trị Mỹ.
Với những người có thể hay đã đọc diễn đàn này, hiển nhiên là tôi đã dính dáng xâu vào cuộc tranh cãi nóng bỏng về vị tổng thống này, và cũng hiển nhiên không kém, tôi đã chọn đứng bên cạnh ông ta, trong sự bất mãn của nhiều người.
Khai báo trước tiên: tôi đã không bỏ phiếu cho ông Trump, cũng chẳng cho bà Hillary. Tôi không muốn phải ở trong thế phải lựa ứng cử viên ‘ít tệ nhất’. Trong đại gia đình của tôi và trong vòng bạn hữu còn lớn hơn nữa, phần lớn đều có quan điểm rõ rệt, dù vậy, chúng tôi đã có nhiều dịp tranh luận vui vẻ về chính trị Mỹ mà không đến độ bóp cổ nhau. Có thể như người ta thường nói, cuối cùng thì tình bạn lâu năm và nhất là tình máu mủ, dầy đặc hơn chính trị.
Nội chuyện xứ vĩ đại này đã phải có một lựa chọn khó khăn chọn người ‘ít tệ nhất’ thay vì được chào đón ứng cử viên ‘tốt hơn’, không phải là chuyện mà nhiều người Mỹ cảm thấy hãnh diện. Nhưng rồi nghĩ cho cùng, chúng ta chỉ có thể chơi bài với những lá bài ta có trong tay.
Hơn nữa, đây cũng chỉ là quan điểm cá nhân của tôi thôi. Nhiều người khác có thể đã nghĩ nước Mỹ đã có một sự lựa chọn tuyệt vời giữa hai nhân vật kiệt xuất và yêu nước. Nhà bác học Einstein đã bỏ cả cuộc đời của ông để giảng giải cho ta thuyết ‘tương đối’ mà, phải không?
Một điểm nữa tôi muốn nói cho thật rõ: tôi không cố gắng thuyết phục ai về bất cứ chuyện gì hết. Như tôi đã từng nhắc nhở bạn bè thân hữu, chúng ta đã qua khỏi cái tuổi có thể bị ‘tẩy não’ bởi người khác từ lâu rồi, chưa kể tôi không có khả năng thuyết phục ai, cũng chẳng có ý định làm chuyện đó. Trái lại, tôi rất muốn nghe một quan điểm khác, để kích động một cuộc đối thoại … trong lịch thiệp.
Và quan trọng hơn nữa, với các thân hữu Mỹ và những đồng hương trẻ, sanh ra hay lớn lên trên đất nước này, tôi chỉ muốn họ hiểu được tại sao trong cộng đồng tỵ nạn Việt, có người có thể ủng hộ ông Trump.
Cộng đồng tỵ nạn Việt cũng không khác gì các cộng đồng khác, rất đa dạng, bao gồm từ cấptiến/bảothủ cực đoan đến ôn hòa, từ ủng hộ đến chống Obama, Hillary, Trump, đủ loại. Bài tiểu luận này chỉ phản ảnh quan điểm cá nhân của tôi, không phải của ai khác.
Dù tôi không bỏ phiếu cho ông Trump, tôi cũng đã từ từ ngả qua bên ông ta, nhìn nhận những thành quả bất ngờ của ông, cũng như sau khi đã chứng kiến các tấn công tàn bạo không phải chống các chính sách của ông, mà là chống cá nhân ông.
Thôi thì ta trở về cuộc bàn luận. Trong phạm vi giới hạn của bài tiểu luận này, tôi không thể bàn về tất cả mọi vấn đề, nên phải giới hạn vào vài vấn đề quan trọng cho cộng đồng Việt tỵ nạn.
Trước hết, hãy bàn đến điểm mà ông Trump bị chống nhiều nhất.
Điểm sai lầm lớn nhất của TT Trump đối với cộng đồng Việt chúng ta dĩ nhiên là cái tính hình như kỳ thị, thiên về khối dân da trắng và bất lợi cho tất cả các sắc dân khác như đen, gốc La-Tinh, và Á Châu chúng ta. Hiển nhiên, đây là ưu tư lớn của chúng ta. Ít hiển nhiên hơn đối với tôi là không biết ông Trump có kỳ thị thật không.
Vâng, ông ta đã tấn công di dân gốc La-Tinh. Nhưng hình như ông đã tấn công họ trong tư cách di dân, chứ không phải vì sắc dân gốc La-Tinh.
Vâng, ông đã đặt ngang hàng nhóm thượng tôn da trắng với nhóm cực tả Antifa, nhưng đối với tôi, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ông không đặt hai khối cực đoan và cuồng tín này ngang hàng nhau. Nhưng điều ông Trump tấn công là tính cực đoan và cuồng tín của chúng, chứ không phải màu da của chúng. Dù sao thì phần lớn nhóm Antifa cũng là da trắng như những nhóm chống chúng, phải không?
Ông Trump có kỳ thị chống da đen không? Tôi chưa hề thấy hành động chống da đen nào cũng như chưa hề nghe những lời đả kích chống da đen nào. Nhưng tôi đã thấy những chuyện như tỷ lệ thất nghiệp của dân da đen thấp nhất. Có phải đó là chuyện ’kỳ thị’ vì như vậy là đã không cho họ có dịp nhận trợ cấp không?
Ông Trump đã là nhà kinh doanh trong suốt cuộc đời của ông trước khi làm tổng thống, kể cả những lúc đã làm kinh doanh trong ngành giải trí tiêu khiển, làm việc với những nhà vô địch thể thao, những người dự thi sắc đẹp, những kịch sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ, một số rất nhiều là da đen, như Muhammad Ali, Don King, Oprah Winfrey, Diddy,… Chẳng ai nghe nói ông Trump là kỳ thị chống họ, cho đến khi ông ra tranh cử tổng thống. Bất thình lình, ông ta trở thành kỳ thị ngay đúng lúc ông cần phiếu của tất cả mọi người. Nghe có hữu lý không?
Cái mũ kỳ thị khó được chấp nhận, may ra cái mũ chống di dân dễ bán hơn?
Chúng ta, dân Mỹ gốc Việt, trong tư cách di dân, đúng ra phải đứng trong hàng ngũ tiên phong tranh đấu cho di dân. Chúng ta phải nhạy cảm hơn đối với mọi tấn công chống di dân, phải không?
Dĩ nhiên là chúng ta đã chứng kiến đủ loại lý luận biện minh cho việc nước Mỹ là một xứ của di dân, phải dang rộng tay đón nhận di dân. Chúng ta cũng đã nghe tố cáo TT Trump hành xử không đúng ‘như Mỹ’ khi đưa ra những chính sách ‘chống di dân’. Nhưng rồi có ai để ý thấy TTDC luôn luôn cố tình xóa chữ ‘bất hợp pháp’ khi viết về di dân bất hợp pháp, do đó mỗi lần TT Trump chỉ trích di dân bất hợp pháp thì người ta chỉ còn thấy TT Trump chỉ trích ‘di đân’, không còn chữ ‘bất hợp pháp’ đi kèm theo nữa. Có ai để ý thấy đó là chuyện thiếu lương thiện hay cố tình tạo hiểu lầm không?
Theo như TTDC viết lại về các sắc lệnh của TT Trump, ông này rõ ràng kỳ thị dân Hồi giáo, phải không? Những sắc lệnh của ông chỉ có tác động trên 8% dân Hồi giáo trên thế giới. Chẳng có một quốc gia Hồi giáo lớn nào bị ảnh hưởng, kể cả Ả Rập Saoud, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Pakistan, Indonesia, và nhiều xứ khác. Như vậy sao sắc lệnh lại là kỳ thị hồi giáo được? Và hãy nhìn thử bản đồ: Somalia, Yemen, Syria, Libya. Tất cả có phải là những xứ đang đánh nhau loạn xà ngầu, chẳng ai biết ai đang đánh ai không? Chúng ta có thể tin tưởng được những giấy tờ căn cước được ký bởi một lãnh chúa vô danh mà quyền hành không đi xa hơn cái tỉnh mà ông ta kiểm soát? Tối Cao Pháp Viện đã chấp nhận lời giải thích của TT Trump và nhìn nhận trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia là trách nhiệm của tổng thống chứ không phải của vài thẩm phán lo lắng cho chuyện ‘phải đạo chính trị’ hơn là an toàn của công dân Mỹ.
TTDC chỉ trích TCPV phe đảng. Họ có làm như vậy khi TCPV vặn vẹo lý luận để cứu Obamacare không?
Chúng ta, dân Việt tỵ nạn, có bị ảnh hưởng bởi những sắc lệnh đó không? Theo tôi biết thì chúng ta được nhận vào Mỹ qua một luật được quốc hội thông qua và được tổng thống Ford ký ban hành. Dĩ nhiên có một số dân Việt hiện đang sống bất hợp pháp, như du khách hay du học sinh không chịu về nước sau khi chiếu khán hết hạn. Với những người này, xin lỗi, tôi không phản đối việc trục xuất ngay khi khám phá được họ.
Tôi hoan nghênh di dân hợp pháp đến từ bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Tôi chỉ không chấp nhận di dân bất hợp pháp. Không thù hằn gì, chỉ là việc phải tôn trọng luật lệ của xứ này thôi. Không ai đứng trên pháp luật cả, kể cả tổng thống và di dân lậu.
TT Trump là một người rất tệ với nhiều tật xấu, trong khi cá tính của một tổng thống là yếu tố đáng kể, phải không?
Trời đất, tôi sẽ là người cuối cùng gọi TT Trump là ông Thánh! Ông ta có vẻ đứng dưới xa những tiêu chuẩn tối thiểu của một quốc trưởng đáng kính trọng. Nhưng rồi vấn đề là ai đặt ra những tiêu chuẩn đó? Dựa trên những yếu tố nào?
TT Trump là một ‘quỷ dâm dục’? Ông ta có tệ hơn những tổng thống đã im hơi lặng tiếng ‘làm chuyện đó’ trong Phòng Bầu Dục trong khi ông Trump hô hoán mà chẳng ai thấy chuyện gì, ngoại trừ một lần quan hệ với một người lớn rất lâu trước khi ông ngắm nghé Tòa Bạch Ốc?
TT Trump là một người nói láo? Nếu quý vị chưa bao giờ hay không muốn nói láo, thì đừng nhẩy vào chính trị. Chính trị không phải dành cho hướng đạo sinh hay những người giảng đạo. Ngay cả TT Jimmy Carter cũng nói láo khi ông nói ông sẽ không bao giờ nói láo. Những người đã xem phim ‘Liars, Liars,’ của Jim Carrey phải biết có nhiều loại nói láo. Có những lời nói láo có hại, cố tình lừa đảo, có những lời nói láo chỉ là phóng đại, có những lời nói láo có khi có lợi, có khi cần thiết.
TT Trump đã nói láo một cách chết người hay tai hại bao nhiêu lần? Những lời nói láo của ông ta so sánh như thế nào với những lời nói láo trắng trợn như “quý vị có thể giữ bảo hiểm y tế của quý vị, bác sĩ của quý vị,…”?
Trong vấn đề này, người ta không thể không thấy cái tréo cẳng ngỗng. Có người nói Trump là vua nói láo, có những người khác lại cho rằng Trump là chính khách thành thật nhất, nói huỵch tẹt những gì mình nghĩ. Như vậy thì đâu là đâu? Đối với tôi, giữa một người dẻo mép và một người nói thẳng, tôi lựa viên thuốc đắng, một lựa chọn hiển nhiên, ít ra là theo ý kiến cá nhân của tôi.
Dĩ nhiên, ông Trump không hoàn hảo. Cũng không khác gì người đối thủ của ông, nổi tiếng với đủ loại xì-căng-đan từ việc thu hốt tài sản đến củng cố quyền lực trong nửa thế kỷ qua. Vâng, cá tính tổng thống rất quan trọng, nhưng rồi tham nhũng có phải là một yếu tố để lượng định cá tính không? Như vậy thì ai là người ‘ít tệ nhất’? Như cuộc bầu cử đã cho thấy, dân Mỹ đã phân tâm, có nghiã là chẳng ai hơn ai dưới khiá cạnh cá tính này.
Bây giờ thì ta hãy bỏ qua chuyện cá tính cá nhân, một yếu tố có thể bị xuyên tạc quá dễ, để nhìn vào những quyết định của ông Trump trong tư cách tổng thống. Xem những quyết định đó có ảnh hưởng như thế nào với chúng ta, bỏ qua vấn đề ý thức hệ. Cụ thể là TT Ttrump đã làm gì?
Obamacare? Vâng, đúng là ông ta đã thử thu hồi nhưng chỉ thành công một phần. Không, ông ta không có ý định đuổi những người bệnh ra đường để chết. Ông ta chỉ muốn sửa những sai lầm hiển nhiên mà ngay cả TT Clinton cũng đã nhìn nhận. Khi chi phí y tế gia tăng đồng loạt cho tất cả mọi người, khi tất cả chúng ta đều phải đổi hãng bảo hiểm, bác sĩ, nhà thương, thuốc, và cả cách chữa trị, khi hàng loạt các hãng bảo hiểm nhỏ phải khai phá sản hay bị các hãng lớn nuốt, bỏ những quận lớn không có một hãng bảo hiểm nào hiện diện nữa, thì quả thực đã có gì sai lầm, cần phải sửa. Cho đến nay đã không có sự đồng thuận về những biện pháp sửa đổi, do đó Obamacacre vẫn còn đó, ngoại trừ việc thu hồi luật phạt tiền nếu không mua bảo hiểm. Chúng ta có nên tiếp tục tìm một giải pháp tốt hơn không, hay là nên vui mừng với giải pháp sai lầm hiện tại và không đụng đến nó nữa?
Giảm thuế? Việc đánh thuế, ngoài mục đích tái phân phối lợi tức như phe cấp tiến đòi hỏi, cũng là cách điều hành kinh tế, chẳng hạn như kích động tăng trưởng và tạo công ăn việc làm. Nhìn dưới khiá cạnh đó, việc cắt giảm thuế của TT Trump đã hoàn tất được gì?
Người ta có thể bỏ qua việc thị trường chứng khoán gia tăng vì nó chỉ phản ảnh tính đầu cơ của các nhà đầu tư, và thử nhìn vào bức tranh lớn. Con số của tam cá nguyệt cuối cùng là 4,1% tăng trưởng của Tổng Sản Lượng Quốc Gia, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất cho tất cả các khối dân lao động, cho dù trắng, đen, trẻ, già, nam hay nữ, trong tất cả mọi khu vực kinh tế. Đó có phải là quản trị tốt không? Có việc làm có phải là một tưởng thưởng đáng trọng hơn là chià tay lãnh tiền trợ cấp không?
TT Obama đã từng an ủi dân lao động Michigan các việc làm của họ đã mất luôn rồi, vào thùng rác của tiến bộ công nghệ. Vậy thì làm sao giải thích tình trạng công ăn việc làm đang sống lại từng mảng trong Vòng Đai Rỉ Sét (các tiểu bang kỹ nghệ vùng Đại Hồ)? Có phải trách nhiệm của tổng thống với tư cách người lãnh đạo là phải lấy những quyết định để tạo việc làm không, hay ông chỉ là khán giả ngồi băng ghế xem chuyển biến của xã hội?
Có người hô hoán chống thuế xuất mới của TT Trump. Có phải vì họ phải trả thuế cao hơn không? Không hẳn. Chỉ là họ nhìn chung quanh và thấy có người được giảm thuế nhiều hơn, trong khi không hề nhìn vào phiếu lương của mình. Với những người này, họ chỉ thỏa mãn khi nào 1% đóng thuế để nuôi 99% dân còn lại.
Ông Trump có là một tổng thống chính danh không?
Khi ứng cử viên Trump nói sẽ dành quyền xét lại kết quả bầu cử, những phản bác ồn ào đến điếc tai đến từ khắp nơi, kể cả từ TT Obama và ứng cử viên Hillary Clinton, nhưng dù sao cũng hiểu được vì tuyên bố của ông Trump nghe giống như tấn công thẳng vào nền tảng chính trị Mỹ.
Thế nhưng khi Trump thắng cử thì bên thua cuộc la hoảng bầu cử gian lận, Nga can dự, không phải tổng thống của tôi, đếm phiếu lại, đổi thủ tục bầu, hủy bỏ thủ tục cử tri đoàn cổ hủ,… Những đòi hỏi đàn hặc đã được nghe thấy ngay khi ông Trump chưa tuyên thệ nhậm chức.
Thành thật mà nói, đến từ một xứ chưa bao giờ có bầu cử thật sự, tôi thật cảm thấy rối trí, không hiểu.
Chẳng những một số người từ chối chấp nhận kết quả bầu cử, họ hung hãn chống lại tất cả những gì không vừa ý, kể cả quyền tự do ngôn luận bằng cách ngăn chặn những cuộc nói chuyện của những người khác quan điểm, và xách nhiễu cá nhân những người họ không ưa.
Quan điểm quá khích nhất đã biến thành bạo động khi có người dùng bạo lực tập thể qua các trận đánh lộn của những người biểu tình, hay qua những hành động nổ cá nhân như bài lảm nhảm của tài tử Robert de Niro hay cái đầu máu me của Trump được bà Kathy Griffin khoe.
Những cách phô trương quan điểm chính trị ghê tởm đó thỉnh thoảng đã bị chỉ trích mặc dù nhiều người đã tìm cách biện hộ bằng cách đổ lỗi cho TT Trump đã là người làm sống dậy những ‘thú tính’ thấp hèn nhất của thiên hạ. Kiểu bào chữa này chỉ làm tôi nhớ lại cách bào chữa rất cổ điển của mấy tay bị tố hiếp dâm phụ nữ: “không phải lỗi của tôi, mà là lỗi của cô ấy đã khiêu khích, mời mọc tôi qua cách đi đứng, ăn mặc, nói năng, …”
Bây giờ thì ta xét qua những quyết định đối ngoại của TT Trump.
TTDC và phe cấp tiến đã lớn tiếng hô hoán về một ‘thông đồng’ có thể đã có với Nga.
Nga có can thiệp vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không? Ai là người ngây thơ đến độ không tin chuyện này có thật? Hiện nay có cả trăm người ghi danh là đại diện cho các quyền lợi các nước ngoài làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Thật ra, họ làm việc gì ngoài việc tìm cách can thiệp vào chính trị Mỹ qua các bầu cử hay bất cứ hình thức nào khác? Câu hỏi là ông Trump –hay ngay cả bà Hillary- có thông đồng với họ hay không? Sau hơn một năm rưỡi truy cứu của công tố đặc biệt, người ta đã thấy gì ngoài việc truy tố một số người về những tội tham nhũng chẳng liên quan gì đến việc thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử.
TTDC và phe cấp tiến tỏ vẻ cực kỳ sốc khi TT Trump bắt tay với Putin và chất vấn việc công tố Mueller tố Nga can dự vào bầu cử Mỹ. Sao TT Trump lại dám nghi ngờ các cơ quan an ninh Mỹ? Rõ ràng là phản quốc. Bị xuyên tạc trong câu chuyện là việc TT Trump không phải là có thắc mắc với các cơ quan an ninh Mỹ, mà ông chỉ đặt vấn đề với các truy tố của ông Mueller dựa trên những điều tra của đám phụ tá theo đảng DC của ông ta, hoàn toàn không dính dáng gì đến các cơ quan an ninh Mỹ.
TTDC và phe cấp tiến cũng chỉ trích việc TT Trump dường như luồn cúi trước quyền hành của Putin. Đúng là đã vượt qua ranh giới của đàn hặc! Rõ ràng là TT Trump đang cố xây dựng một liên minh chiến lược với Nga. Câu hỏi là tại sao một liên minh với một cường quốc khác lại là phản quốc? TT Roosevelt năm xưa khi liên minh với Stalin có phản quốc không?
Chúng ta, dân Việt tỵ nạn, cảm thấy như thế nào?
Ở VN, cũng như ở tất cả vùng Đông Á, tất cả học sinh đều thuộc nằm lòng chuyện Tam Quốc Chí cách đây mấy trăm năm bên Tầu. Đây là câu chuyện của liên minh, phản bội, rồi liên minh, rồi lại phản bội, liên tục giữa ba vương quốc. Nhìn lại những quyết định của TT Trump, hình như không khác gì mấy. Hiển nhiên là TT Trump đang tìm cách liên minh với Nga để ngăn chặn Trung Cộng. Một cách thực tế, đó là những gì tất cả những người Việt bất kể khuynh hướng chính trị, đều mong mỏi khi đất nước chúng ta từ lâu nay đã là mục tiêu chính của chính sách bành trướng của Trung Cộng.
Hiện tượng nổi bất nhất của không khí chính trị hiện hữu là thái độ của TTDC trong tư thế là nguồn tin tức thời sự cho quần chúng. Khi mà một nghiên cứu của đại học Harvard cho thấy TTDC loan tin bất lợi cho TT Trump đến hơn 90%, thì tất cả mọi tuồng diễn về tính trung thực nổi tiếng lâu nay của truyền thông Mỹ đều đã biến mất hết.
Vài năm trước đây, khi một dân biểu la “Ông nói láo” với TT Obama, cả thế giới bị sốc trước sự bật kính đó đối với một tổng thống Mỹ. Ngày nay, “F… Trump” đã trở thành ngôn ngữ bình thường cho những cuộc tranh luận chính trị.
Và bàn dân thiên hạ dường như không cảm thấy bực mình nữa. Người ta chỉ có thể thắc mắc chuyện gì đã xẩy ra cho thái độ trọng công bằng và khách quan vẫn có của dân Mỹ? Chuyện gì đã xẩy ra cho chế độ dân chủ của Mỹ?
Lần tới, trước khi một nhà ngoại giao Mỹ lên lớp, giảng dạy một lãnh tụ nước chậm tiến về thể chế dân chủ và sự cần thiết của bầu cử tự do, ông ta nên suy nghĩ lại cho kỹ nếu không muốn bị lên lớp, dạy bảo lại.
Đó là tình trạng hiện hữu của liên bang này, theo ý kiến cá nhân. Như TT Trump thường nói, “BUỒN”.
Hay là tôi đã sai chuyện gì?