Tin khắp nơi – 25/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 25/08/2018

Trump hủy chuyến đi Bắc Hàn

của Ngoại trưởng Pompeo

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ không đến Bắc Hàn trong tương lai gần do Bình Nhưỡng ‘không tiến bộ trong việc tháo dỡ các cơ sở hạt nhân’.

Hôm 24/8, ông Trump đột ngột hủy chuyến công du dự kiến của ông Pompeo tới Bắc Hàn, đồng thời viết trên Twitter rằng Bình Nhưỡng không có đủ tiến bộ trong việc tháo dỡ các cơ sở hạt nhân.

Ông cũng đả kích Trung Quốc đã không ‘làm đủ’ để gây áp lực lên Bắc Hàn – do căng thẳng thương mại với Mỹ.

Sau hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim Jong-un vào tháng Sáu, ông Trump nói Bắc Hàn không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa.

Nhưng kể từ đó đã có một số báo cáo rằng Bắc Hàn không tháo dỡ các cơ sở hạt nhân.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phản công Trump

Bắc Hàn ve vãn TQ nhưng ‘muốn học VN’

‘Gắn một nụ cười’ lên gương mặt Kim Jong-un

Kim Jong-un mặc may ô thăm nhà máy cá hộp

Một trong những cảnh báo gần đây nhất đến từ các quan chức giấu tên của Mỹ, những người đã nói với tờ Washington Post rằng Bắc Hàn dường như đang xây dựng các tên lửa đạn đạo liên lục địa mới.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng cho biết Bắc Hàn đang tiếp tục các chương trình hạt nhân của mình.

Từ cuộc hội nghị thượng đỉnh ở Singapore tới nay, mối quan hệ giữa ông Kim và ông Trump lúc ‘trầm lúc bổng’.

Sau chuyến thăm của ông Pompeo tới Bắc Hàn hồi tháng Bảy, chính quyền ông Kim buộc tội ông này đòi hỏi ‘như xã hội đen’.

Theo kế hoạch, lẽ ra ông Pompeo sẽ tới Bình Nhưỡng vào tuần tới với phái viên mới được bổ nhiệm tới Bắc Hàn – ông Stephen Biegun, một cựu giám đốc điều hành của Ford.

Đây đáng lẽ là chuyến đi thứ tư của Ngoại trưởng Mỹ, mặc dù ông không kỳ vọng gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.

Dù vậy ông Pompeo vẫn có thể thực hiện chuyến đi khác.

Bắc Hàn đã tiến hành thử nghiệm bom hạt nhân lần thứ sáu vào tháng 9/2017 và tự hào về khả năng phóng tên lửa tới Hoa Kỳ.

https://www.bbc.com/vietnamese/45305882

 

Hủy chuyến đi Triều Tiên của Pompeo,

Trump thừa nhận thất bại?

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24/8 đột ngột hủy chuyến công du sắp tới của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Bắc Triều Tiên trong khi đả kích Trung Quốc về việc nước này hành động không đủ để giải giáp chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Đây là lần đầu tiên ông Trump công khai thừa nhận nỗ lực của ông nhằm buộc Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân đã dậm chân tại chỗ kể từ cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng Sáu ở Singapore.

Đây là sự thay đổi giọng điệu bất ngờ của ông Trump. Trước đó ông còn ca ngợi cuộc gặp của ông với ông Kim là ‘thành công’ và rằng mối nguy hạt nhân của Bắc Triều Tiên không còn nữa bất chấp không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên ông Trump vẫn để ngỏ cánh cửa cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai với ông Kim – người mà ông mới đây nói rằng ông ‘có tình cảm rất tốt’.

“Tôi đã yêu cầu Ngoại trưởng Mike Pompeo đừng đi Bắc Triều Tiên vào lúc này bởi vì tôi cảm thấy chúng ta không đạt đủ tiến triển về việc phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên,” ông Trump viết trên Twitter.

“Thêm vào đó, do lập trường cứng rắn hơn của chúng ta trên vấn đề giao thương với Trung Quốc, tôi không tin rằng họ đang giúp đỡ quá trình giải trừ hạt nhân như họ đã từng làm (bất chấp có lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc),” ông viết thêm.

“Ngoại trưởng Pompeo trông đợi sẽ đi Bắc Triều Tiên trong tương lai gần, nhiều khả năng là sau khi mối quan hệ thương mại của chúng tôi với Trung Quốc được giải quyết,” Trump viết. “Trong lúc này tôi muốn gửi lời hỏi thăm nồng ấm nhất và lòng kính trọng đến Chủ tịch Kim. Tôi mong sớm gặp lại ông ấy.”

Ông nói rằng các cuộc thương thảo với Bình Nhưỡng tạm thời sẽ được dừng lại cho đến khi Washington giải quyết được tranh chấp thương mại với Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán kể từ cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore đã hoàn toàn bế tắc. Bản thân ông Pompeo đã thúc ép Bắc Triều Tiên có những bước đi cụ thể hướng tới từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ trong khi Bình Nhưỡng đòi Washington trước hết phải có nhượng bộ.

Một số quan chức tình báo hay quốc phòng đã xem chuyến công du của ông Pompeo là còn quá sớm và nói rằng triển vọng đạt được tiến bộ lớn còn rất u ám.

Ông Trump nói với Reuters hôm 20/8 rằng ông tin rằng ông Kim đã có những bước đi cụ thể hướng đến phi hạt nhân hóa và rằng hai ông ‘rất có thể’ gặp lại.

Bà Kelly Magsamen, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề châu Á, nói rằng ông Trump đang làm hủy hoại đòn bẩy của Mỹ đối với ông Kim Jong-un.

“Không cho Ngoại trưởng đi vì không có tiến bộ cũng tốt thôi, nhưng đừng có nói anh háo hức mong được gặp Kim Jong-un như thế nào và làm sao mà Trung Quốc đang gây trở ngại cho anh,” bà viết trên Twitter.

Ông Christopher Hill, cựu đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc, viết trên Twitter: “Trông có vẻ là ông Donald Trump đang bắt đầu lo lắng về ý định của Bắc Triều Tiên. Quyết định tốt, nhất là nếu không làm như vậy mà để cho ông Pompeo quay về trắng tay.”

https://www.voatiengviet.com/a/trump-h%E1%BB%A7y-chuy%E1%BA%BFn-%C4%91i-b%C3%ACnh-nh%C6%B0%E1%BB%A1ng-c%E1%BB%A7a-pompeo/4543089.html

 

Nhiều chi tiết, ít tiến bộ

trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong tuần này nặng về chi tiết nhưng không đạt mấy tiến bộ khi các nhà đàm phán Mỹ nêu ra những trường hợp các công ty Mỹ bị tổn hại bởi các tập tục của Trung Quốc và Trung Quốc lập luận rằng họ đang tuân thủ các nghĩa vụ của WTO, những người nắm rõ nội dung cuộc thảo luận nói với Reuters.

Hai ngày đàm phán ở Washington do các quan chức cấp trung lãnh đạo chẳng làm được gì mấy để giải quyết tranh chấp thương mại đang trầm trọng hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các cuộc đàm phán kết thúc vào ngày thứ Năm mà không có tuyên bố chung.

Các cuộc đàm phán diễn ra vào lúc hai bên tiếp tục thực hiện lời đe dọa áp đặt thuế quan lên hàng hóa của nhau. Bắc Kinh đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới về thuế quan của Mỹ.

Trong các cuộc đàm phán, các nhà thương thuyết Trung Quốc nhiều lần viện dẫn điều mà họ nói là Bắc Kinh tuân thủ các qui định của WTO, một lập luận không gây ấn tượng với phía Mỹ, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết.

Một trong các nguồn tin mô tả phản ứng của Mỹ: “Chúng tôi sẽ không quan tâm đến WTO khi quí vị cho phép tình trạng dư thừa sản lượng, phá hoại các ngành công nghiệp và đánh cắp tài sản trí tuệ. Chúng tôi sẽ không chịu bó tay đâu.”

Tất cả các nguồn tin đều từ chối nêu danh tính vì mức độ nhạy cảm của vấn đề, Reuters cho biết.

Washington đang yêu cầu Bắc Kinh cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, cắt giảm trợ cấp công nghiệp và cắt giảm thâm hụt thương mại 375 tỉ đôla.

Trong một tuyên bố ngắn gọn vào ngày thứ Sáu, Bộ Thương mại Trung Quốc nói hai bên đã có một trao đổi “mang tính xây dựng” và “thẳng thắn” về các vấn đề thương mại, và sẽ giữ liên lạc về các bước tiếp theo.

Các quan chức Mỹ, kể cả Tổng thống Donald Trump, đã hạ giảm kì vọng cho các cuộc đàm phán này.

Không có cuộc đàm phán nào nữa được loan báo.

Các nhà thương thuyết Trung Quốc nêu ra việc họ không được tiếp cận rộng rãi thị trường Mỹ cho các mặt hàng kể cả thịt gà nấu chín của Trung Quốc, một trong những mặt hàng xuất khẩu đã được nhất trí vào năm ngoái như một phần của kế hoạch 100 ngày, cho thấy Bắc Kinh vẫn đang tìm kiếm một số nhượng bộ của Mỹ trong các cuộc đàm phán.

“Người Trung Quốc cố chấp với tư duy là họ muốn một cái gì đó đổi lại. Điều đó sẽ không còn được chấp nhận ở Washington nữa,” một nguồn tin khác nói với Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-chi-tiet-it-tien-bo-trong-dam-phan-thuong-mai-my-trung/4544010.html

 

Mỹ: Thượng nghị sĩ John McCain

ngưng điều trị ung thư não

Gia đình ông John McCain nói ông đã “thôi kỳ vọng bình phục” và quyết định chấm dứt điều trị bệnh ung thư não.

Ông McCain, 81 tuổi, được chẩn đoán bị u não vào tháng 7/2017.

Ông rời Washington vào tháng 12, nhưng vẫn là một nhân vật chính trị có ảnh hưởng.

Gia đình ông nói trong một thông cáo gửi tới giới truyền thông Hoa Kỳ hôm 24/8: “Năm ngoái, Thượng nghị sĩ John McCain đã chia sẻ về việc ông được chẩn đoán u não và tiên lượng xấu.”

“Tiến triển của bệnh và tuổi tác ngày càng cao đã đưa ông tới quyết định này.”

Ông John McCain thăm lại Hỏa Lò

Ông John McCain làm gì ở Việt Nam?

McCain nhắc nhở VN về dân chủ

“Với ý chí mạnh mẽ vốn có, ông đã chọn ngừng điều trị y tế.”

Ông McCain từng là Thượng nghị sỹ suốt sáu nhiệm kỳ, và là ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2008.

Ông được chẩn đoán ung thư não sau khi các bác sĩ phát hiện ra khối u trong quá trình phẫu thuật loại bỏ cục máu đông trên mắt trái của ông hồi tháng Bảy năm ngoái.

Có cha và ông đều là đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, ông McCain là một phi công chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam. Khi máy bay của ông bị bắn hạ, ông trở thành tù nhân chiến tranh ở Việt Nam trong năm năm.

Khi ở trong tù, ông đã chịu những trận tra tấn khiến ông bị tàn tật.

Mối quan hệ với Việt Nam

Năm 2009, Thượng nghị sỹ John McCain từng trở lại thăm di tích nhà tù Hỏa Lò nơi giam giữ ông suốt năm năm trong thời gian chiến tranh Việt Nam.

Ông xem những vật dụng trưng bày, trong đó có cả bộ quân phục ông mặc năm 1967 khi máy bay của ông rớt tại Hồ Trúc Bạch.

Trong chuyến thăm này, ông John McCain kêu gọi bước tiến mới trong quan hệ Mỹ-Việt và đề cập vấn đề nhân quyền.

“Chúng tôi muốn thấy sự gia tăng quan hệ quân sự giữa hai đất nước và khi trả lời các câu hỏi, tôi nhấn mạnh cùng với phát triển kinh tế phải có tiến triển chính trị và tăng cường tôn trọng nhân quyền.”

Ông cũng nhắc đến vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh Hoa Kỳ “có mối quan tâm và lợi ích trong tự do hàng hải trong khu vực và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các nơi khác.”

Tiểu sử trên trang web của ông McCain nói thời gian trong tù, ông bị quản giáo đánh đập, bị biệt giam – các cáo buộc mà Việt Nam luôn bác bỏ.

Nhắc nhở Việt Nam về dân chủ

Năm 2014, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain từng nhắc nhở Việt Nam về dân chủ trong bài phát biểu trước báo giới tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của ông và người đồng nhiệm Sheldon Whitehouse.

Ông đề cập đến khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhưng nhấn mạnh rằng việc này tùy thuộc rất lớn vào thành tích nhân quyền của Chính phủ Việt Nam.

Ông cũng nhắc lại thông điệp Năm Mới của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng ‘dân chủ là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển’ và rằng ‘Đảng phải giương cao ngọn cờ dân chủ’.

“Chúng tôi mong là Việt Nam sẽ đưa những lời nói ấn tượng này thành hành động táo bạo chẳng hạn như thả tù nhân lương tâm, tạo không gian cho xã hội dân sự và cuối cùng là ghi rõ vào luật và chính sách rằng quyền lực nhà nước là giới hạn và những quyền con người phổ quát – quyền tự do phát biểu, hội họp, tín ngưỡng, xuất bản và tiếp cận thông tin – cần phải được đảm bảo cho mọi công dân.”

Năm 2015, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain cũng có chuyến thăm hai ngày 27/5-28/5 tới Việt Nam, nơi ông hội kiến Tổng bí thư ̣Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.

Điều đáng chú ý là ông có cuộc tiếp xúc với đại diện phong trào dân sự của Việt Nam, gồm nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Chí Tuyến và Luật sư Trần Thu Nam.

Ông Nguyễn Chí Tuyến thời điểm đó nói với BBC rằng đoàn thượng nghị sỹ Hoa Kỳ đã đặt nhiều câu hỏi về tình hình phát triển dân chủ, nhân quyền ở trong nước.

“Ông McCain bày tỏ cảm kích về công việc của chúng tôi và hỏi nước Mỹ có thể giúp được điều gì?”

Ông Tuyến nói ông và những nhà đấu tranh có mặt đã bày tỏ mong muốn làm sao để chính quyền Hà Nội phải tôn trọng luật pháp và công ước quốc tế.

Mối hiềm khích McCain-Trump

Ông McCain từng, đôi khi, chỉ trích gay gắt Tổng thống Donald Trump.

Mối quan hệ căng thẳng của họ bắt đầu vào năm 2015, khi ông McCain nói ông Trump – người sau đó thành ứng cử viên chức Tổng thống Mỹ – đã “kích động những kẻ điên cuồng” bằng những phát biểu gây tranh cãi về nhập cư.

John McCain chỉ trích Donald Trump

Ông Trump đã phản pháo bằng cách nói rằng ông McCain chỉ được coi là một anh hùng vì ông là một tù nhân chiến tranh.

Mùa hè năm ngoái, ông McCain đã gây ấn tượng sâu sắc khi, dù vừa trải qua phẫu thuật, đã đi bỏ phiếu làm tiêu tan một dự luật của Trump nhằm bỏ quỹ Obamacare.

Ông McCain rời Capitol Hill tháng 12 năm ngoái để bắt đầu điều trị tại bệnh viện Mayo ở Phoenix, Arizona. Vào tháng Tư, ông lại trải qua phẫu thuật nhiễm trùng đường ruột.

Ông McCain hồi phục sau khi điều trị và thực hiện liệu pháp vật lý trị liệu tại nhà, gần Sedona, kể từ khi rời Washington.

Ông bước sang tuổi 82 vào ngày 29/8.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45305877

 

Phụ tá lâu năm của ông Trump

được quyền miễn trừ để khai chứng

Các công tố viên liên bang Mỹ đã cấp cho ông Allen Weisselberg, giám đốc Tài chính của Tổ chức Trump, quyền miễn trừ trong cuộc điều tra xung quanh cựu luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 24/8.

Ông Weisselberg đã được triệu tập để đưa lời khai trước bồi thẩm đoàn liên bang hồi đầu năm, tờ báo này cho biết.

Một thỏa thuận hợp tác giữa ông Weisselberg và các công tố viên sẽ làm tổn hại cho ông Trump do vai trò lâu năm của ông này trong các thương vụ làm ăn của ông Trump. Ông Weisselberg đã làm việc cho gia đình Trump được hơn bốn thập niên, trong đó có vai trò thủ quỹ cho Quỹ Donald J. Trump.

Luật sư riêng trước đây của ông Trump, ông Michael Cohen, người đã sắp xếp trả tiền bịt miệng cho ít nhất hai người phụ nữ cáo buộc rằng họ có quan hệ tình dục với ông Trump trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, hôm 21/8 đã nhận tội vi phạm các quy định về tài chính trong tranh cử và các cáo buộc khác.

Ông Cohen nói ông Trump đã ra lệnh cho ông dàn xếp các vụ trả tiền này vốn được xem là phạm pháp chiếu theo luật bầu cử liên bang của Mỹ.

Hai nhà quản lý tại American Media Inc, chủ sở hữu tờ National Enquirer, một tờ báo phát trong siêu thị được cho là có liên quan trong vụ trả tiền này, cũng được trao quyền miễn trừ trong cuộc điều tra. Một trong hai nhà quản lý ông David Pecker, giám đốc điều hành của American Media và là một người bạn lâu năm của ông Trump.

Weisselberg là người được Cohen nhắc đến trong đoạn băng mà luật sư này bí mật ghi lại hồi tháng Chín năm 2016 và được phát sóng trên kênh CNN hồi tháng trước. Trong đoạn băng đó, Cohen và Trump dường như bàn bạc việc hoàn tiền cho American Media sau khi tập đoàn này trả tiền cho cựu người mẫu tạp chí Playboy Karen McDougal. Cô này nói cô có mối quan hệ tình ái kéo dài cả năm với ông Trump mặc dù bị ông phủ nhận.

Ông Trump cũng bác bỏ việc quan hệ tình dục với người phụ nữ thứ hai là cô đào phim khiêu dâm Stormy Daniels.

Trong đoạn băng đó, ông Cohen được nghe thấy nói: “Tôi đã nói chuyện với Allen Weisselberg về cách sắp xếp mọi việc.”

McDougal đã bán câu chuyện của cô cho American Media với giá 150.000 đô la hồi tháng Tám năm 2016 nhưng tờ National Enquirer không bao giờ cho đăng – một cách làm nhằm để chôn vùi những thông tin có khả năng gây tổn hại.

https://www.voatiengviet.com/a/ph%E1%BB%A5-t%C3%A1-l%C3%A2u-n%C4%83m-c%E1%BB%A7a-%C3%B4ng-trump-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-quy%E1%BB%81n-mi%E1%BB%85n-tr%E1%BB%AB-%C4%91%E1%BB%83-khai-ch%E1%BB%A9ng/4543484.html

 

Đảng Dân chủ có cơ hội giành lại Thượng viện?

Các chiến lược gia đang tề tựu tại một hội nghị mùa hè của Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ ở Chicago trong tuần này đang hy vọng rằng những vụ tai tiếng pháp lý ngày càng leo thang của những nhân vật thân cận của Tổng thống Donald Trump và những vụ bê bối tham nhũng của Đảng Cộng hòa sẽ làm tăng cơ hội của họ giành lại Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, đó là một công việc rất khó khăn. Lần cuối cùng Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện là cách nay bốn năm.

Đảng Dân chủ đang cố gắng giữ lại 24 ghế của họ tại Thượng viện sẽ được bầu lại (Thượng viện sẽ bầu lại 1/3 trong tổng số 100 ghế) trong đó có 10 ghế tại những bang ông Trump đã thắng hồi năm 2016, một vài bang thắng với cách biệt lớn. Trong khi đó số ghế của Đảng Cộng hòa được bầu lại chỉ bằng 1/3 so với của Đảng Dân chủ.

Tính bù trừ giữa số ghế họ có thể mất đi và có thể giành được thì Đảng Dân chủ cần có thêm hai ghế nữa mới giành quyền kiểm soát Thượng viện.

Nếu giành được đa số tại Thượng viện, Đảng Dân chủ sẽ có thể làm chệch hướng hay đóng băng phần lớn chương trình nghị sự của Tổng thống Trump và tăng giám sát của Quốc hội và điều tra chính quyền cũng như gây khó khăn cho những đề cử thẩm phán bảo thủ vào Tối cao Pháp viện nếu có chỗ cần điền khuyết.

Ông Stu Rothenberg, một phân tích gia chính trị phi đảng phái, đã gọi bức tranh tại Thượng viện là ‘bản đồ gần như bất khả thi’ đối với phe Dân chủ. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng với việc Đảng Cộng hòa đang bị khó khăn bủa vây thì ‘Thượng viện có thể tranh chấp được’.

Tại hội nghị ở Chicago, các chiến lược gia và các ứng viên của Đảng Dân chủ đã bàn thảo chiến lược của Đảng để giành lại Thượng viện.

Theo nhận định của họ thì có năm bang cuộc bầu cử sẽ đặc biệt khó khăn đối với Đảng Dân chủ mà chỉ cần mất một ghế tại các bang này thì hy vọng giành lại Thượng viện của họ sẽ gần như hết cơ hội. Đó là các bang: West Virginia, Indiana, North Dakota, Montana và Missouri – những bang mà ông Trump đã giành chiến thắng hồi năm 2016.

Tuy nhiên các cuộc thăm dò dư luận đã làm dấy lên hy vọng cho Đảng Dân chủ. Theo đó, cuộc đua ở các bang North Dakota, Indiana và Missouri được dự đoán sẽ diễn ra rất cân bằng. Tại Montana, tiểu bang mà ông Trump thắng với cách biệt 20%, ứng viên Dân chủ Jon Tester dẫn trước với cách biệt 5%. Còn tại West Virginia, nơi ông Trump thắng với cách biệt 40%, Thượng nghị sỹ Dân chủ Joe Manchin đang dẫn trước ứng viên Cộng hòa với cách biệt hẹp.

“Năm bang này hiển nhiên là những mục tiêu lớn nhất của Đảng Cộng hòa,” ông Geoffrey Skelley, một phân tích gia phi đảng phái tại Trung tâm Chính trị Đại học Virginia, nhận định và cho rằng năm nay là thời điểm thuận lợi để Đảng Dân chủ bảo vệ ghế của họ tại Thượng viện.

Một quan chức của Đảng Cộng hòa đang hỗ trợ cho cuộc đua của Đảng vào Thương viện nói rằng những ứng viên Dân chủ muốn giữ ghế tại những bang mà ông Trump được ủng hộ nên ‘lo lắng’ bởi vì ‘việc Đảng Dân chủ ngả về cánh tả chỉ càng đẩy cử tri ở những bang này ra xa họ và càng gây tai hại cho những ứng viên của họ đang nỗ lực giữ ghế vốn đang dễ bị tổn thương.”

Cuộc đua ở bang Florida cũng khiến Đảng Dân chủ lo ngại. Trong một cuộc thăm dò dân ý của Đại học Florida Atlantic được công bố hôm 21/8 thì Thượng nghị sỹ Dân chủ Bill Nelson đang bị ứng viên Công hòa Rick Scott dẫn trước với 6 điểm phần trăm.

Bên cạnh việc giữ ghế tại các bang này, Đảng Dân chủ cũng tập trung giành ghế tại các bang Arizona và Nevada.

Tại Arizona, ứng viên Dân chủ Kyrsten Sinema đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.

Tại Nevada, Thượng nghị sỹ đương nhiệm Dean Heller của Đảng Cộng hòa đang được xem là có nguy cơ bị mất ghế cao nhất bên Đảng Cộng hòa. Việc ông này bỏ phiếu rút lại một phần của đạo luật Obamacare là điểm trừ của ông tại một bang có rất nhiều người về hưu mà chi phí chăm sóc y tế là một vấn đề chính.

Tại Texas, đương kim Thượng nghị sỹ Ted Cruz của Đảng Cộng hòa đang bị đối thủ Đảng Dân chủ Beto O’Rourke bám đuổi với khoảng cách từ 2 đến 4%.

Các cuộc khảo sát trong nội bộ Đảng Dân chủ cho thấy y tế và gói cắt giảm thuế của Đảng Cộng hòa mà một số cử tri xem là quyền lợi mà Đảng Cộng hòa đem đến cho các tập đoàn và giới chủ là những vấn đề mà Đảng Dân chủ nên xoáy vào trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

“Các vấn đề trọng yếu, như y tế, là hết sức quan trọng đối với cử tri. Phe Cộng hòa cho rằng gói cắt giảm thuế sẽ giúp họ ăn điểm với cử tri, nhưng hóa ra lại là yếu tố khiến họ mất điểm,” ông Karen Finney, một chiến lược gia Dân chủ được Reuters dẫn lời nói. “Trên những vấn đề lớn thì tình hình đang thuận lợi cho chúng tôi.”

Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ Tom Perez nói trong cuộc chay đua vào Thượng viện lần này đảng của ông nên nhấn mạnh những khó khăn về pháp lý xung quanh Tổng thống Trump sau khi hai phụ tá cũ của ông Trump là Paul Manafort và Michael Cohen bị tuyên bố có tội trong tuần này.

“Văn hóa tham nhũng từ ban lãnh đạo của Đảng Cộng hòa đang vượt tầm kiểm soát,” ông Perez phát biểu tại hội nghị.

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A3ng-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-c%C3%B3-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-gi%C3%A0nh-l%E1%BA%A1i-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-vi%E1%BB%87n-/4543482.html

 

Mỹ ngưng viện trợ cho Bờ Tây, Gaza

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ thị Bộ Ngoại giao ‘chuyển hướng’ gói viện trợ kinh tế trị giá hơn 200 triệu đô la cho các dự án ở Bờ Tây và Gaza sang các chương trình ở những nơi khác.

Reuters dẫn lời một giới chức trong Bộ Ngoại giao ngày 24/8 cho biết sự đánh giá lại này nhằm bảo đảm các quyền quỹ được sử dụng phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ và có giá trị với người thọ thuế Mỹ.

Quan chức ẩn danh nói với Reuters rằng “Kết quả của việc duyệt xét lại này, theo chỉ thị của Tổng thống, chúng tôi sẽ chuyển hướng hơn 200 triệu đô la của Qũy Hỗ trợ Kinh tế trong năm tài khóa 2017 mà thoạt tiên định dành cho các chương trình ở Bờ Tây và Gaza. Các nguồn ngân khoản này giờ sẽ được đưa tới các dự án ưu tiên cao nơi khác.”

Nguồn tin này cho biết quyết định vừa kể cân nhắc tới ‘những khó khăn mà cộng đồng quốc tế đối mặt trong việc cung cấp hỗ trợ ở Gaza, nơi sự kiểm soát của phe Hamas đe dọa cuộc sống của người dân ở Gaza và làm xuống cấp tình trạng kinh tế và nhân đạo vốn đã đáng báo động.’

Liên hiệp quốc và phía Palestine từng cảnh báo rằng các nguồn viện trợ bị cắt sẽ làm leo thang những khó khăn ở Gaza.

https://www.voatiengviet.com/a/my-ngung-vien-tro-cho-bo-tay-gaza/4543443.html

 

Venezuela sắp giống

‘khủng hoảng Địa Trung Hải’

Cơ quan phụ trách vấn đề di dân của Liên hiệp quốc nói Venezuela đang tiến tới “thời điểm khủng hoảng” người tị nạn giống như những gì đã xảy ra tại Địa Trung Hải hồi 2015.

Lời cảnh báo được đưa ra trong lúc các quốc gia láng giềng của nước này đang nỗ lực chặn làn sóng người dân Venezuela bỏ chạy khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước.

Peru hôm thứ Bảy đưa ra lệnh kiểm soát đường biên chặt chẽ hơn – một ngày sau khi tòa ra phán quyết lật lại nỗ lực của Ecuador trong việc tăng hoạt động kiểm soát đường biên.

Venezuela ‘tê liệt’ vì lưu hành tiền mới

Vụ Venezuela: Brazil điều quân đến biên giới

Một triệu di dân Venezuela nhập cảnh Colombia

Hơn hai triệu người Venezuela đã rời bỏ đất nước kể từ 2014 tới nay.

Họ chạy trốn khỏi tình trạng kinh tế kiệt quệ, trong lúc người Venezuela đang phải đối diện với nạn thiếu lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm.

Đổ dồn tới biên giới Peru

Hàng trăm người Venezuela đã đi xe buýt qua Ecuador tới biên giới Peru trước hạn chót nửa đêm thứ Sáu.

Jonathan Zambrano, 18 tuổi, có mặt tại Tumbes nằm trên đường biên giới giữa Ecuador và Peru, nói với hãng tin AFP rằng cậu đã đi đường suốt năm ngày cùng với nhiều người khác.

Hơn 2.500 người đã vượt biên giới tới thị trấn nhỏ vùng biên của Peru, Aguas Verdes, vào hôm thứ Sáu, và hàng ngàn người nữa đang tìm cách vào Peru qua chốt kiểm soát đường biên ở Tumbes.

Chốt Tumbes trong những tuần gần đây đã có chừng 3.000 người tới mỗi ngày.

Có khoảng 400.000 di dân Venezuela, hầu hết tới hồi năm ngoái, theo cơ quan quản lý người nhập cư của Peru.

Theo quy định mới, có hiệu lực từ thứ Bảy, những người vào Peru phải có hộ chiếu hợp lệ. Trước đó, người Venezuela được phép vào Peru bằng thẻ căn cước.

Ecuador cũng áp lệnh tương tự vào hồi tuần trước. Tuy nhiên, hôm thứ Sáu, một thẩm phán tuyên bố rằng việc đòi người Venezuela phải mang hộ chiếu hợp lệ là vi phạm các thỏa thuận khu vực về quyền tự do đi lại.

Các nỗ lực đóng cửa biên giới của bang Roraima thuộc vùng Amazon của Brazil cũng bị một thẩm phán bác bỏ hồi đầu tháng này.

Thái độ khó chịu đối với những người Venezuela đi tìm cuộc sống mới cũng được thể hiện trên đường phố Peru.

Giannella Jaramillo, người có sạp bán quần áo ở gần biên giới, nói với AFP: “Chúng tôi cũng thông cảm cho người dân Venezuela lắm, nhưng mà họ tới lấy mất công ăn việc làm của người Peru. Khó có thể giúp đỡ thêm được nhiều người nữa.”

Thủ tướng Peru César Villanueva nói rằng việc yêu cầu trình hộ chiếu tại cửa khẩu không có nghĩa là Peru “đóng cửa” đối với di dân Venezuela.

Ông nói thẻ căn cước không cung cấp đủ các thông tin, và có thể dễ dàng bị làm giả.

Maduro ‘thoát vụ tấn công drone’

Lệnh trừng phạt của Mỹ với Venezuela ‘vẫn tiếp tục’

Venezuela: Maduro thắng nhiệm kỳ hai

Làm đồ thời trang từ tiền giấy ở Venezuela

Ngoại trưởng Peru Néstor Popolizio nói người Venezuela có thể nộp đơn xin visa tại các cơ quan lãnh sự của Peru tại Venezuela, Colombia, Ecuador và thậm chí cả ở cửa khẩu Tumbes.

Joel Millman, phát ngôn viên của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) nói rằng toàn bộ những gì đang diễn ra cùng với tình trạng bạo lực mới đây tại khu vực biên giới Brazil là dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy khu vực này đang cần được giúp đỡ.

“Điều này đang tạo ra thời điểm khủng hoảng mà chúng ta từng chứng kiến ở các vùng khác trên thế giới, nhất là ở Địa Trung Hải,” ông nói với các phóng viên.

“Tình thế khó khăn có thể rất nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng, và chúng ta phải sẵn sàng cho việc đó,” ông nói thêm.

Tuy nhiên, Chiara Cardoletti từ Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) nói các nước khác trong khu vực đã đón nhận người Venezuela và đang giúp đỡ nhằm “tránh rơi vào tình thế như chúng ta từng chứng kiến tại châu Âu”.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến là một châu lục đã mở cửa cho chúng người phải bỏ chạy, đang cần trợ giúp,” bà nói.

Bà Cardoletti nói thêm rằng Colombia đã đăng ký cho trên 450.000 người Venezuela và trao cho họ quy chế sinh hoạt bình thường. Liên hiệp quốc nói hơn 870.000 người Venezuela hiện đang ở Colombia, trong đó có nhiều người trong tinh trạng dễ bị tổn thương.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ thành lập nhóm đặc biệt của Liên hiệp quốc nhằm phối hợp các nỗ lực trong khu vực để đối phó với cuộc khủng hoảng, và Ecuador sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh 13 quốc gia trong khu vực vào tháng Chín tới.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45271961

 

Dân Venezuela bỏ nước ra đi

đến mức ‘khủng hoảng’

Làn sóng người dân Venezuela ồ ạt bỏ nước ra đi đang tiến đến mức độ khủng hoảng tương đương với các cuộc khủng hoảng người tị nạn trên Địa Trung Hải, Reuters dẫn lời cơ quan di trú của Liên Hiệp Quốc hôm 24/8 cho biết.

Trong lúc ngày càng có nhiều người Venezuela bỏ chạy khỏi tình trạng suy sụp kinh tế và hỗn loạn chính trị của đất nước và đe dọa tràn ngập các nước láng giềng, các quan chức từ Colombia, Ecuador và Peru sẽ gặp nhau ở thủ đô Bogota vào tuần tới để tìm cách giải quyết.

Trong tháng này, Ecuador và Peru đã thắt chặt quy định nhập cảnh đối với công dân Venezuela theo đó yêu cầu họ phải đem theo hộ chiếu thay vì thẻ căn cước. Ở Brazil, những người bạo loạn đã đẩy hàng trăm di dân Venezuela về lại bên kia biên giới.

Gọi những sự kiện này là những dấu hiệu cảnh báo sớm, phát ngôn nhân của Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), ông Joel Millman nói rằng cần phải huy động quỹ và phương tiện để quản lý dòng người di dân.

“Tình trạng này đang phát triển lên đến mức khủng hoảng mà chúng ta đã từng thấy ở những nơi khác trên thế giới, nhất là Địa Trung Hải,” ông phát biểu trong cuộc họp báo.

Hôm thứ Năm ngày 23/8, IOM và Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi các nước Mỹ Latin nới lỏng điều kiện nhập cảnh cho người dân Venezuela.

Kể từ năm 2015, hơn 1,6 triệu người dân Venezuela đã bỏ nước ra đi.

Quan chức di trú hàng đầu của Peru là Eduardo Sevilla đã nói rằng nước này sẽ miễn quy định về hộ chiếu cho một số người Venezuela, trong đó có những người cha mẹ muốn đoàn tụ với gia đình, phụ nữ có thai và những người bị bệnh nặng.

Bộ trưởng Thông tin Venezuela Jorge Rodriguez hôm thứ Sáu ngày 24/8 đã phát biểu rằng một gói các biện pháp kinh tế nhằm đẩy lùi tình trạng siêu lạm phát sẽ khiến cho những người dân đã ra đi sẽ quay trở lại.

Venezuela mới đây đã bỏ đi 5 số không trên đồng tiền mới và neo đồng nội tệ của họ vào đồng tiền ảo mơ hồ được nhà nước hậu thuẫn. Lạm phát ở nước này đã đạt 82.000% vào tháng 7 và dự kiến sẽ lên đến 1 triệu phần trăm trong năm nay.

“Kết luận là người dân Venezuela sẽ quay trở lại và chúng tôi mời gọi họ trở lại bởi vì chúng tôi cần họ cho kế hoạch phục hồi kinh tế này,” ông Rodriguez phát biểu trong một cuộc họp báo.

https://www.voatiengviet.com/a/d%C3%A2n-venezuela-b%E1%BB%8F-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ra-%C4%91i-%C4%91%E1%BA%BFn-m%E1%BB%A9c-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-/4543477.html

 

Tây Ban Nha chuẩn bị

đưa di hài nhà độc tài Franco ra khỏi lăng

Thụy My

Chính phủ Tây Ban Nha hôm 24/08/2018 khởi đầu tiến trình đưa di hài nhà độc tài Franco ra khỏi lăng mộ, một vấn đề gây tranh cãi từ 40 năm qua. Lăng này sẽ được chuyển thành khu tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc nội chiến.

Nghị định ban hành còn phải được Quốc Hội thông qua. Đảng Xã Hội chỉ chiếm một phần tư tại đây, nhưng có thể trông cậy vào sự ủng hộ của đảng cực tả Podemos, phe chủ trương Catalunya độc lập và phe dân tộc chủ nghĩa Basque.

Phó thủ tướng Carmen Calvo tuyên bố : « Chúng ta mừng 40 năm nước Tây Ban Nha dân chủ (…), và điều này không phù hợp với một lăng mộ quốc gia, nơi vẫn tiếp tục vinh danh Franco. Chỉ có di hài những người đã chết trong cuộc nội chiến mới được an nghỉ tại thung lũng mà họ đã ngã xuống ».

Theo bà Calvo, việc di dời có thể diễn ra vào cuối năm nay, tuy gia đình nhà cựu độc tài kịch liệt phản đối. Franco có thể được đưa về hầm mộ gia đình ở nghĩa trang Pardo, bắc Madrid, nhưng nếu con cháu ông không đồng ý thì chính quyền sẽ chỉ định nơi chôn.

Lăng « Valle de los Caidos » (Thung lũng của những người ngã xuống) nằm trên vùng núi cách Madrid 50 km, là nơi nhà độc tài phát-xít yên nghỉ. Lăng gồm một giáo đường có chiều dài 262 mét được đào sâu vào đá núi, trên nóc có một cây thập giá cao 152 mét, nặng gần 200.000 tấn. Bên cạnh Franco, còn có 27.000 chiến binh của ông và 10.000 quân nhân phe cộng hòa.

Nhà độc tài Francisco Franco, qua đời năm 1975 sau 36 năm liên tục cầm quyền, đã ra lệnh xây phức hợp này, cho rằng đây là nơi « hòa giải ». Nhưng những người phản đối coi đó là biểu tượng của chia rẽ, nhất là xác những người lính cộng hòa đã bị bốc khỏi các nghĩa trang và hố chôn tập thể mà không hề báo cho thân nhân họ. Hơn nữa 20.000 tù nhân chính trị đã bị huy động để xây dựng công trình từ năm 1940 đến 1959.

Một đạo luật năm 2007 dưới thời chính quyền phe xã hội của ông José Luis Rodriguez Zapatero đã cấm các cuộc tập họp mang tính chính trị tại « Valle de los Caidos », nơi hàng năm đúng ngày giỗ của Franco 20/11 các nhóm cực hữu lại đến tưởng niệm. Nhưng sau khi đảng cánh tả thôi cầm quyền, chính quyền đảng bảo thủ Nhân Dân (PP) lờ đi không áp dụng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180825-tay-ban-nha-chuan-bi-dua-di-hai-nha-doc-tai-franco-ra-khoi-lang

 

Bỏ qua bất đồng, Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga

Thu Hằng

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã tiếp đón đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu ngày 24/08/2018 tại Matxcơva, khẳng định một lần nữa sự xích lại gần nhau giữa hai nước về mặt ngoại giao. Vào năm 2015, quan hệ song phương trở nên xấu đi sau sự kiện một oanh tạc cơ của Nga bị Không Quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tại biên giới Thổ-Syria. Hai ngoại trưởng tỏ ra đồng tình trên hồ sơ Syria dù còn nhiều điểm bất đồng.

Thông tín viên RFI Etienne Bouche tường trình từ Matxcơva :

Hai ngoại trưởng đã gặp nhau cách đây khoảng 10 ngày ở Ankara. Cuộc họp hôm 24/08/2018 tại Matxcơva là lần gặp gỡ thứ sáu kể từ đầu năm nay. Cả hai ngoại trưởng nhấn mạnh đến các cuộc trao đổi thường xuyên giữa tổng thống hai nước Putin và Erdogan, hoan nghênh mối quan hệ được thiết lập ở cấp nghị viện và nêu lên hàng loạt lợi ích chung.

Hai bên cũng bàn về hợp tác kinh tế, các dự án năng lượng, du lịch vì người Nga đã trở lại các bãi biển ở Izmir và Antalya. Phía Matxcơva cũng hứa nới lỏng thủ tục cấp visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Dĩ nhiên là tình hình Syria đã được nêu lên trong cuộc họp. Matxcơva và Ankara cho thấy rõ nhiều điểm chung, như cần tạo điều kiện hồi hương cho người tị nạn Syria, chống khủng bố thánh chiến.

Nhưng cũng chính trên hồ sơ Syria, hai bên đã có một điểm bất đồng. Ngoại trưởng Mevlüt Cavusoglu cảnh báo một « thảm họa » tại tỉnh Ibled trong trường hợp quân đội Syria tấn công. Đây là địa điểm quan trọng cuối cùng còn bị các phe nổi dậy và quân thánh chiến kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng giải pháp quân sự sẽ làm tổn hại niềm tin giữa Ankara và Matxcơva về vấn đề Syria.

Nga cáo buộc phe nổi dậy muốn sử dụng vũ khí hóa học ở Idleb

Theo cáo buộc ngày 25/08 từ phía Nga, phe nổi dậy Syria chuẩn bị một cuộc tấn công hóa học tại Idleb, thành trì cuối cùng còn do phe này kiểm soát, sau đó sẽ đổ lỗi cho chế độ Damas để phương Tây có cớ tấn công vào các căn cứ của quân đội Syria trong khu vực.

Cáo buộc của Matxcơva được đưa ra trong bối cảnh, vào tuần này, ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, cảnh báo Washington sẽ phản ứng « rất mạnh » nếu quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học để chiếm lại tỉnh Idleb.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180825-bo-qua-bat-dong-tho-nhi-ky-xich-lai-gan-nga

 

Sony thú nhận album di cảo của Michael Jackson

 có ba bài hát giả

Thu Hằng

Ba bài hát trong album di cảo Michael của ông hoàng nhạc Pop phát hành năm 2010 không phải do Michael Jackson hát, mà do một người bắt chước giọng thể hiện. Theo trang Inrock ngày 24/08/2018, sau tám năm im lặng bất chấp nhiều tin đồn, cuối cùng Sony, hãng phát hành album Michael, đã phải thú nhận.

Michael Jackson chưa bao giờ hát ba ca khúc Monster, Breaking Newsvà Keep Your Head Uptrong album di cảo gồm những bài hát chưa bao giờ được phát hành sau khi ông hoàng nhạc Pop qua đời. Giọng hát khác biệt trong ba ca khúc trên đã được bà Katherine Jackson, mẹ của Michael, cùng một số fan phát hiện.

Năm 2014, Vera Serova, một fan nữ của ông hoàng nhạc Pop, đã đệ đơn kiện Eddie Cascio và công ty sản xuất Agelikson Productions của ông. Cô cáo buộc người bạn lâu năm của Michael Jackson đã công bố nhiều bài hát giả cùng với nhạc sĩ James Porte, được cho là tác giả của ít nhất 12 ca khúc cũng đang gây tranh cãi viết cho Michael Jackson. Tuy nhiên, cả Eddie Cascio và James Porte đều khẳng định vô tội dù không công bố được bằng chứng nào về tính xác thực của những ca khúc đó.

Vera Serova còn đi xa hơn khi đưa ra nhiều chứng cớ cho rằng Jason Malachi, một người chuyên bắt chước giọng, là người trình bày ba bài hát Monster, Breaking News và Keep Your Head Up. Trong số bằng chứng đưa ra, có một nghiên cứu của giáo sư thính học George Papcun, khẳng định Michael Jackson không hát những ca khúc trên.

Hiện tư pháp vẫn chưa đưa ra quyết định nhưng hãng Sony buộc phải thú nhận rằng Monster, Breaking Newsvà Keep Your Head Upkhông phải là tác phẩm của ông hoàng nhạc Pop. Tuy nhiên, Sony cố chứng tỏ « vô tội »với thông báo, khi ra album di cảo của Michael Jackson, hãng này tin tưởng tuyệt đối vào Cascio và Porte.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180825-sony-thu-nhan-album-di-cao-cua-michael-jackson-co-ba-bai-hat-gia

 

Giáo hoàng tới Ailen, giữa lúc Giáo Hội

vướng vào bê bối lạm dụng tình dục

Lần thứ 2 lãnh đạo Tòa thánh La Mã đến Ailen sau chuyến đi của giáo hoàng Gioan Phaolô II, năm 1979. Hôm nay, 25/08/2018, giáo hoàng Phanxicô tới Dublin trong hai ngày để bế mạc cuộc Đại hội Gia đình Thế giới đã diễn ra trong tuần này tại Ailen. Chuyến đi của giáo hoàng sẽ là một sự kiện nhạy cảm khi mà nhiều vụ bê bối lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo đang bung bét.

Thông tín viên Xavier le Normand tại Roma tường trình :

Cho chuyến tông du nước ngoài lần thứ 24 kể từ khi lên lãnh đạo Tòa Thánh năm 2013, giáo hoàng Phanxicô chọn Dublin, Ailen. Từ ngày 21/08, tại thành phố này đang diễn ra Đại hội Gia đình Thế giới, một sự kiện lớn quy tụ gần 40 nghìn người.

Lịch trình chuyến đi gồm các cuộc gặp gỡ chính thức, thăm một nhà thờ và một trung tâm tiếp đón người vô gia cư, đồng thời giáo hoàng còn tham dự nhiều nghi lễ khác. Ngày mai, giáo hoàng sẽ bế mạc Đại hội Gia đình bằng một buổi lễ Thánh trước không dưới 500 nghìn người.

Bên cạnh chương trình mang tính gia đình và lễ lạt như vậy, giáo hoàng sẽ phải đề cập đến chủ đề buồn tẻ hơn : lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền hành và lương tâm ở các thành viên Giáo hội. Ailen là một quốc gia Công giáo cũng có dính dáng tới nhiều vụ bê bối như vậy ở cuối những năm 2000.

Trong khi mà chủ đề trên đang trở nên thời sự cùng với những phát giác mới đây, giáo hoàng Phanxicô đặc biệt được đón đợi. Trong chuyên tông du lần này, ngài sẽ gặp riêng các nạn nhân.

Hơn nữa, giáo hoàng sẽ phải một lần nữa công khai bày tỏ sự hổ thẹn và đưa ra những lời xin lỗi. Một lịch trình dày kín cho một chuyến đi chỉ kéo dài hơn ba chục giờ trên thực tế.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180825-giao-hoang-toi-ailen-giua-luc-giao-hoi-vuong-vao-be-boi-lam-dung-tinh-duc

 

Khủng hoảng di dân :

Ý dọa cắt đóng góp cho Liên Hiệp Châu Âu

Thu Hằng

Cuộc họp ngày 24/08/2018 giữa Ý và Ủy Ban Châu Âu về việc phân bổ 150 di dân trên tầu Diciotti đang neo đậu ở Catania trên đảo Sicilia đã không mang lại kết quả. Bất bình vì bị Bruxelles « quay lưng », chính phủ Ý quyết định « cứng rắn », cấm người nhập cư trên tầu Diciotti lên bờ, đồng thời dọa giảm đóng góp cho ngân sách Liên Hiệp Châu Âu.

Thông tín viên RFI Anne Le Nir tại Roma :

Roma phản ứng như núi lửa phun trào. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte viết trên Facebook : « Thêm một lần nữa, châu Âu đã không tôn trọng được những nguyên tắc liên đới của Liên Hiệp (…) ». Ông viết thêm : « Ý sẽ lĩnh hậu quả » nhưng không nêu thêm chi tiết nào khác.

Về phần mình, phó thủ tướng và là người đứng đầu đảng Năm Sao, Luigi Di Maio, tiếp tục lên giọng rằng « Roma sẵn sàng ngừng đóng góp của Ý cho ngân sách châu Âu ».

Ngoại trưởng Ý Enzo Moavero Milanesi lại tỏ ra bớt gay gắt hơn khi giải thích đây là một « nghĩa vụ pháp lý đối với các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu ». Trong khi ông Matteo Salvini, bộ trưởng Nội Vụ và là người đứng đầu đảng Liên Đoàn, vẫn từ chối cấp phép cho 150 di dân là người trưởng thành được lên bờ. Họ tiếp tục ở lại trên tầu Diciotti, đậu tại cảng Catania.

Phe đối lập trung hữu và các tổ chức nhân đạo hy vọng vào một cử chỉ thiện chí của tổng thống Sergio Mattarella, người bảo vệ Hiến Pháp Ý, theo đó mọi hành động bắt giữ tùy ý đều bị nghiêm cấm.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180825-khung-hoang-di-dan-y-doa-cat-dong-gop-cho-lien-hiep-chau-au

 

Công ty Unipec Trung Cộng

sẽ tiếp tục mua dầu thô Hoa Kỳ

Bắc Kinh, Trung Cộng – Reuters dẫn lời ba nguồn thạo tin cho biết, công ty Unipec của Trung Cộng sẽ tiếp tục mua dầu thô Hoa Kỳ vào tháng 10 tới, sau 2 tháng tạm ngưng bởi tranh chấp thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Quyết định này được đưa ra sau khi Trung Cộng vào tháng 8 tuyên bố không đánh thuế dầu thô Hoa Kỳ. Unipec là công ty con của hãng dầu lửa lớn nhất châu Á Sinopec, và là một trong những công ty nhập cảng dầu thô lớn nhất từ Hoa Kỳ. Công ty đã quyết định ngừng mua dầu Hoa Kỳ vào tháng 8 và tháng 9 sau khi Trung Cộng dự kiến áp thuế 25% lên dầu thô nhập cảng từ Hoa Kỳ.

Trước khi tranh chấp thương mại diễn ra, Trung Cộng đã vượt Canada trở thành nhà nhập cảng dầu thô lớn nhất của Hoa Kỳ trong năm tháng đầu năm nay. Theo dữ kiện của Cơ quan Quản Trị Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, Trung Cộng đã nhập cảng trung bình gần 350,000 thùng dầu mỗi ngày.

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc Trung Cộng tiếp tục thu mua dầu Hoa Kỳ có khả năng sẽ không kéo dài lâu. Vào hôm 23/8 cuộc đối thoại nhằm giải quyết căng thẳng thương mại giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. 2 nước vẫn tiếp tục đánh thuế lên các mặt hàng với tổng giá trị lên đến 16 tỷ Mỹ Kim. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/cong-ty-unipec-trung-cong-se-tiep-tuc-mua-dau-tho-hoa-ky/

 

Sinh viên Đài Loan phản đối TOEFL

xem nước này là lãnh thổ của Trung Cộng

Tin Đài Bắc, Đài Loan – Tổ chức chuyên tổ chức các kỳ thi tiếng Anh TOEFL đã khiến giới sinh viên Đài Loan tức giận, sau khi trang web của tổ chức này thay đổi cách gọi tên Đài Loan cho đúng với yêu cầu của Bắc Kinh.

Hàng ngàn sinh viên Đài Loan trong tuần này đã phản đối tổ chức Educational Testing Service, gọi tắt là ETS, có trụ sở tại Hoa Kỳ, sau khi tổ chức này sửa danh sách các địa điểm tổ chức thi TOEFL, với tên Đài Loan được sửa thành Đài Loan, Trung Cộng. TOEFL là kỳ thi Anh ngữ quan trọng, được nhiều trường đại học sử dụng để đánh giá trình độ tiếng Anh của các sinh viên muốn nhập học.

Một lá thư công khai gởi cho tổ chức ETS, có sự ủng hộ của hơn 5,000 sinh viên Đài Loan, đã yêu cầu ETS sửa lại trang web, chỉ để tên Đài Loan. Lá thư đe dọa nếu ETS không điều chỉnh, các sinh viên Đài Loan sẽ đổi sang dùng hệ thống kiểm tra Anh ngữ IELTS của Anh quốc, vốn là đối thủ của TOEFL.

Trong thư, các sinh viên nói rằng, việc sửa tên Đài Loan hoàn toàn đi ngược lại các giá trị mà ETS, trong tư cách là tổ chức phi lợi nhuận, lẽ ra phải bảo vệ. Hành động này cũng xa rời những tiêu chuẩn cơ bản của nền dân chủ Đài Loan và cả Hoa Kỳ.

ETS hiện vẫn chưa cho biết lý do của sự thay đổi trên trang web của tổ chức này. Một phát ngôn viên của ETS vào cuối ngày Thứ Năm 23 tháng 8, nói rằng tổ chức phi lợi nhuận này tôn trọng và muốn phục vụ mọi sinh viên trên toàn thế giới. Hành động của ETS diễn ra giữa lúc nhiều hãng hàng không, các khách sạn, các thương hiệu thời trang, cũng phải thay đổi cách gọi tên Đài Loan dưới áp lực từ Bắc Kinh. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/sinh-vien-dai-loan-phan-doi-toefl-xem-nuoc-nay-la-lanh-tho-cua-trung-cong/

 

Tổng thống Philippines chế nhạo

lời mời mua F-16 của Hoa Kỳ

Manila, Philippines – Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte đã từ chối lời mời mua chiến đấu cơ F-16 của các viên chức Hoa Kỳ, nói rằng việc mua sắm này sẽ hoàn toàn vô dụng vì quốc gia của ông cần các chiến đấu cơ nhẹ hơn để đối phó với các phiến quân.

Ông Duterte cũng đã chế nhạo các đề nghị của Hoa Kỳ vào hôm Thứ Năm 23 tháng 8, được viết trong lá thư được ký bởi Ngoại Trưởng Mike Pompeo, Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis, và Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross. Ông Duterte nói, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đề nghị Manila mua vũ khí, dù trước đó đã chỉ trích chiến dịch chống ma túy của ông. Trong bài diễn văn tại một buổi lễ quân đội, ông Duterte đã đọc lá thư mà ông cho biết là đến từ các viên chức Hoa Kỳ.

Ông Duterte nói Philippines không cần các chiếc F-16. Ông cần trực thăng chiến đấu và máy bay loại nhỏ để chống lại các tổ chức phiến quân. Lãnh đạo Phillippines từng thề sẽ mua các thiết bị mới cho quân đội để chống lại phiến quân Maoist và Hồi giáo, và sẽ không bao giờ mua vũ khí đã qua sử dụng của Hoa Kỳ nữa.

Philippines dưới sự lãnh đạo của ông Duterte đã phát triển quan hệ gần gũi hơn với Trung Cộng và Nga, bao gồm việc hợp tác thương mại và quốc phòng.

Các bình luận của ông Duterte được đưa ra sau khi một viên chức Ngũ Giác Đài, ông Randall Schriver, vào tuần trước đã khuyên Philippines không nên mua vũ khí từ Nga. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-philippines-che-nhao-loi-moi-mua-f-16-cua-hoa-ky/

 

Campuchia ân xá chính trị gia đối lập

Một cựu dân biểu đối lập Campuchia vừa được ân xá theo lệnh của hoàng gia, và được trả tự do hôm thứ Bảy.

Um Sam An là thành viên đầu tiên của một đảng chính trị nay đã bị giải tán được thả, một tháng sau khi Thủ tướng Hun Sen đầy quyền lực vừa thắng trong kỳ bầu cử không có đối thủ.

Tòa án Phnom Penh hôm 25/8 ra lệnh cho giám đốc nhà tù Prey Sar thả ông Sam theo đúng nội dung ân xá, trang tin Khmer Times nói.

Bầu cử Campuchia: Không có đảng đối lập chính

Bầu cử Campuchia: Dân chủ trong sợ hãi?

Phnom Penh Post: Sa thải, nghỉ việc sau thương vụ bán báo

Trước kỳ bỏ phiếu hôm 29/7 – là kỳ bầu cử mà các nước phương Tây chỉ trích gay gắt – tại Campuchia đã có đợt trấn áp đối với giới hoạt động và phe đối lập, Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), mở đường cho chiến thắng đương nhiên của ông Hun Sen.

Vị thủ tướng đã cầm quyền 33 năm nay sẽ tiếp tục lãnh đạo thêm năm năm nữa.

Được thả hôm thứ Bảy, ông Um Sam An, mang song tịch Campuchia và Mỹ, người bị kết án hai năm rưỡi tù vào hồi 10/2016 do chỉ trích rằng Hun Sen và chính phủ của ông đã dùng những bản đồ còn tranh cãi để tiến hành công tác phân định biên giới với Việt Nam.

Ông đã đăng trên Facebook rằng chính quyền Hun Sen nhượng đất cho Hà Nội bằng việc dùng các bản đồ không đúng, theo Khmer Times.

Lệnh ân xá của Quốc vương Norodom Simamoni nói nhà lập pháp 40 tuổi đã bị kết tội “xúi giục phạm tội và phân biệt chủng tộc” do những hành động của mình.

Tuy nhiên, lệnh không nói lý do khiến ông được trả tự do sớm.

CNRP đã có chiến dịch vận động về vấn đề nhạy cảm là việc phân định biên giới giữa Campuchia và Việt Nam trong kỳ bầu cử trước.

Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông thân nhà nước, Um Sam An nói việc ông được trả tự do sớm là cơ hội để “hòa giải dân tộc”.

“Bất kể là đảng đối lập hay đảng cầm quyền thì chúng ta đều yêu nước và làm việc bên nhau để… bảo vệ biên giới,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn phát đi trực tuyến trên Facebook.

Tòa Campuchia giải thể đảng đối lập chính

Facebook làm đối lập Campuchia thất vọng?

Đối lập Campuchia đến nhà tù gần VN

Ông nói thêm rằng có 14 nhà lập pháp khác vẫn đang bị giam cầm tại nhà tù Prey Sar, nơi ông bị giam, trong khi nhiều người khác, như lãnh đạo đảng CNRP là Kem Sokha, đang bị giữ rải rác tại các tỉnh trên toàn quốc.

Hơn nửa thành viên đảng đối lập này đã bỏ chạy khỏi Campuchia trong năm ngoái do lo sợ bị bỏ tù.

Kể từ khi đảng cầm quyền giành được toàn bộ 125 ghế trong quốc hội hồi tháng trước, ông Hun Sen đã đề nghị ân xá cho bốn nhà vận động về quyền đất đai, trong đó có nhà hoạt động nổi tiếng Tep Vanny, người đã được thả hồi đầu tuần rồi.

Một ngày sau, hai phóng viên làm việc cho hãng truyền thông Mỹ, Đài Á Châu Tự do, được bảo lãnh tại ngoại sau khi bị giam giữ 10 tháng, hãng tin AFP tường thuật.

Hôm thứ Năm, ông Hun Sen nói ông có kế hoạch ân xá cho thêm 12 người nữa, những người đã viết thư xin lỗi gửi ông, nhưng nói tiến trình này sẽ “tạm dừng” nếu có ai nhận xét rằng ông làm vậy là bởi áp lực từ cộng đồng quốc tế, AFP nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45307415

 

Miến Điện : Người Rohingya đòi công lý

sau một năm phiêu bạt

Thu Hằng

Cách đây đúng một năm, ngày 25/08/2017, loạt tấn công của phiến quân Rohingya nhắm vào các đồn biên phòng đã gây ra một đợt trấn áp đẫm máu do quân đội Miến Điện tiến hành. Khoảng 700.000 người Rohingya Hồi Giáo phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn. Liên Hiệp Quốc lên án hành động « thanh lọc chủng tộc ».

Dù Miến Điện và Bangladesh đã ký một thỏa thuận về di dân Rohingya, nhưng tiến trình hồi hương vẫn giậm chân tại chỗ. Từ một năm nay, người Rohingya sống trong điều kiện thiếu thốn, bất an tại các trại tạm trú ở Cox’s Bazar, phía đông nam Bangladesh.

Đặc phái viên RFI Eliza Hunt tường trình :

Trong một túp lều bằng tre khoảng 10 mét vuông, được ngăn đôi bằng một tấm vách, đây có vẻ là tổ ấm của một gia đình có 10 người con. Nhưng với bà mẹ Aicha, đây chưa phải là điều khó khăn nhất.

Bà kể : “Cuộc sống của chúng tôi ở đây thật kinh khủng. Đây không phải là nơi an toàn cho phụ nữ và trẻ con, nhất là vào ban đêm. Không an toàn chút nào. Quân nhân Bangladesh rời trại khi màn đêm buông xuống. Và chúng tôi rất sợ “.

Vào rừng kiếm củi cũng rất nguy hiểm. Em trai bà đã bị người dân địa phương đâm vào tuần trước. Dù điều kiện sống ở trại tạm cư rất khó khăn, nhưng với chồng của bà Aicha, ông Nabil, từng bị quân đội Miên Điện tra tấn vào năm 2017, thì không có chuyện hồi hương.

Ông nói : “Chính phủ đã nói dối chúng tôi quá nhiều. Họ rất giỏi trong chuyện lời nói gió bay, hành động không đi đôi với tuyên bố. Họ khẳng định sẵn sàng đón nhận chúng tôi, nhưng nếu không đảm bảo an ninh và quyền công dân cho chúng tôi, rõ ràng là họ không thành tâm !”

Trong khi chờ đợi, gia đình người Rohingya này sống nhờ vào trợ giúp của các tổ chức nhân đạo vì họ không có quyền làm việc ở Bangladesh, thậm chí không được phép rời khỏi trại.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180825-mien-dien-nguoi-rohingya-doi-cong-ly-sau-mot-nam-phieu-bat