Tin khắp nơi – 24/08/2018
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ
Jeff Sessions phản công Trump
Ông Jeff Sessions phản pháo tấn công mới nhất của Donald Trump qua khẳng định Bộ tư pháp Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của ông sẽ không uốn mình dưới áp lực chính trị.
Phản pháo này hiển nhiên đã xảy ra sau khi tổng thống Donald Trump nói ông Sessions không kiểm soát được cơ quan của mình.
Ông Trump đã hết sức ồn ào với những lời chỉ trích bộ Tư pháp.
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đặc biệt bị chỉ trích một cách cộc cằn về việc xử lý cuộc điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Ông Sessions, người sớm ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã tự tách mình khỏi cuộc điều tra này để tránh những xung đột quyền lợi, và trao trách nhiệm ấy cho người phụ tá là ông Rod Rosenstein.
Quyết định này của ông Sessions, và sự tiến triển liên tục của cuộc điều tra dưới sự lãnh đạo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller – người được tường trình là đang điều tra xem liệu ông Trump có tìm cách cản trở công lý không – đã gây ra sự bùng nổ thường xuyên từ tổng thống, cả trực tiếp và trên kênh Twitter của ông.
Ông Trump vẫn nhấn mạnh rằng không có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của mình với chính phủ Nga, và phủ nhận ông cản trở công lý.
Trump: “Thị trường sụp đổ nếu tôi bị luận tội’
Hai cựu nhân viên chủ chốt của Trump bị kết tội
Trump tước quyền miễn trừ an ninh của cựu giám đốc CIA
Sau lần lời qua tiếng lại này, hai thượng nghị sĩ chính của đảng Cộng hòa báo hiệu rằng họ sẽ ủng hộ ông Trump nếu ông quyết định sa thải Jeff Sessions sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11.
Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Cộng hòa khác nói với Politico rằng họ nghĩ rằng đây sẽ là một hành động tồi tệ và nói rằng họ hỗ trợ vị bộ trưởng tư pháp.
Jeff Sessions nói gì?
“Tôi nắm quyền kiểm soát Bộ Tư pháp từ ngày tôi tuyên thệ nhậm chức”, bộ trưởng tư pháp nói trong một tuyên bố.
“Trong thời gian tôi là bộ trưởng, hành động của Bộ Tư pháp sẽ không bị ảnh hưởng không đúng đắn bởi những cân nhắc chính trị.”
“Tôi đòi hỏi các tiêu chuẩn cao nhất, và khi những tiêu chuẩn này không được đáp ứng, tôi giải quyết.”
Ông nói thêm: “Không có quốc gia nào có một nhóm người thi hành pháp luật tài năng, tận tụy hơn các nhà điều tra và công tố viên Hoa Kỳ.”
“Tôi tự hào được cùng phục vụ với họ và tự hào về những việc chúng tôi đã làm để thành công trong việc thượng tôn pháp luật.”
Trước đây, ông Sessions phần lớn không phản bác những lời chỉ trích ông của tổng thống, người dường như tin rằng ông Sessions lẽ ra phải tỏ ra trung thành với mình hơn, thay vì tự tách mình ra khỏi cuộc điều tra liên quan đến sự can thiệp của Nga vào bầu cử của Hoa Kỳ.
Trump nói gì về Sessions?
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với chương trình Fox and Friends, ông Trump nói: “Tôi bổ nhiệm một bộ trưởng không bao giờ kiểm soát được bộ tư pháp. Jeff Sessions không bao giờ nắm quyền kiểm soát bộ tư pháp và đó là một điều đáng kinh ngạc. “
Quay sang cuộc điều tra về Nga, tổng thống nói: “Jeff Sessions tự tách mình ra khỏi cuộc điều tra, điều ông ta đáng lẽ không nên làm. Hoặc ông ấy phải báo cho tôi biết trước đó (trước khi tôi bổ nhiệm ông ấy).”
“Ngay cả kẻ thù của tôi cũng nói rằng Jeff Sessions lẽ ra nên nói với ông là ông ấy sẽ tự tách mình ra, và nếu thế thì ông đâu có bổ nhiệm ông ấy. Ông ta nhận việc và sau đó nói sẽ tự tách mình ra khỏi sự việc. Tôi tự hỏi ‘Đây là loại người gì vậy?”
“Quý vị có biết lý do duy nhất tại sao tôi bổ nhiệm ông ấy?” Bởi vì tôi cảm thấy ông là một người trung thành, ông ta ủng hộ tôi từ đầu và biết là không có sự thông đồng nào (với Nga) cả. Ông Trump nói với đài Fox.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45293265
National Enquirer trữ hồ sơ
có thể tổn hại tới uy tín TT Trump
Tạp chí National Enquirer có một két sắt lưu giữ các tài liệu liên quan đến “vụ trả tiền để bịt miệng” hai phụ nữ đã tố họ có quan hệ tình ái với ông Donald Trump trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, những người hiểu chuyện tiết lộ với hãng tin AP.
Trước đó, ông David Pecker, CEO của tập đoàn American Media (AMI), công ty mẹ của Tạp chí National Enquirer, và ông Dylan Howard, một giám đốc điều hành khác, được công tố viên miễn tố để ra làm chứng và cung cấp thông tin về những khoản tiền mà ông Michael Cohen, luật sư riêng của Tổng thống Trump, đã dàn xếp để bịt miệng hai phụ nữ đã thú nhận là đã dan díu tình ái với ông Trump.
Hôm 24/8, Reuters dẫn nguồn tin từ tờ Wall Street Journal cho biết ông David Pecker, Tổng Giám đốc American Media Inc’s (AMI) đã gặp các công tố viên để miêu tả sự can dự của ông Trump và ông Cohen trong các thỏa thuận thanh toán tiền nong với ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels và cựu người mẫu Playboy Karen McDougal trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Theo Reuters, ông Pecker là bạn thâm niên của ông Trump và ông Cohen.
Hôm 21/8, Luật sư Cohen thú tội trước tòa rằng ông Trump đã chỉ thị cho ông dàn xếp việc chi tiền cho hai phụ nữ trong cuộc để tránh tai tiếng trước cuộc bầu cử.
Theo tạp chí Vanity Fair, ông Pecker và ông Howard đã cung cấp những thông tin xác minh những lời khai chứng của Luật sư Cohen.
Luật sư cũ của ông Trump ‘sẵn sàng khai hết’
Tin nói ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ‘hết sức sẵn lòng’ khai với Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller ‘tất cả những gì ông biết’ về cáo buộc thông đồng với Nga, Fox News và BBC đưa tin.
Thông tin này được ông Lanny Davis, luật sư của ông Cohen đưa ra. Ông Cohen hôm 21/8 đã nhận tội vi phạm quy định tài chính trong chiến dịch tranh cử và các cáo buộc khác.
Ông Cohen nói rằng ông Trump đã chỉ thị cho ông dàn xếp chi trả ‘tiền bịt miệng’ cho cô đào khiêu dâm Stormy Daniels và cô đào từng xuất hiện trên tạp chí Playboy Karen McDougal để giữ cho chiến dịch tranh cử của ông Trump vào năm 2016 khỏi bị tổn hại.
Ông Cohen đã đạt được thỏa thuận khai báo để được giảm án sau nhiều tháng diễn ra cuộc điều tra kỹ lưỡng của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông Trump có sự thông đồng với Nga và sau khi ông Cohen quay lưng lại với ông Trump – người mà ông từng nói rằng sẵn sàng lãnh đạn thay.
Phát biểu trên MSNBC hôm 21/8, luật sư Davis nói rằng thân chủ của ông biết được những điều ‘có ích’ cho cuộc điều tra của ông Mueller. Ông cũng nhắc đến cuộc gặp ở Tháp Trump vào ngày 9/6/2016. Theo lời ông thì ông Cohen có thông tin về cuộc gặp này.
Cuộc gặp đó hiện đang đóng vai trò then chốt trong cuộc điều tra về mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với người Nga. Donald Trump con, Jared Kushner, con rể ông Trump và chủ tịch ban tranh cử cho Trump, Paul Manafort, đều tham gia cuộc họp.
Đội ngũ của ông Trump biện minh rằng cuộc gặp ở Tháp Trump khi đó không đem đến thông tin gì bất lợi cho bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ.
“Có khả năng hiển nhiên về âm mưu thông đồng và phá hoại nền dân chủ Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016, đó là những gì xảy ra trong cuộc họp ở Tháp Trump,” ông Davis nói. “Nhưng cũng có khả năng họ biết được về việc tấn công máy tính và khả năng ông Trump có biết trước về việc này và cổ vũ cho hành động đó.”
Mười hai sỹ quan tình báo quân sự Nga đã đột nhập vào máy tính của Ban vận động tranh cử của bà Clinton và của Đảng Dân chủ và làm lộ hàng ngàn thư tín mật trong một âm mưu bao trùm của Điện Kremlin nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016. Những email bị trộm này đều mang tính hủy hoại tương lai chính trị của bà Clinton và chúng được tung ra vào lúc cuộc vận động tranh cử đang bước vào giai đoạn cuối.
Ông Davis nói rằng lời khai của ông Cohen cho thấy ông Trump ‘đã phạm tội’.
Tổng thống Trump đã phủ nhận ông biết trước về cuộc gặp ở Tháp Trump. Tuy nhiên, báo chí Mỹ đưa tin ông Cohen đã khai rằng ông Trump biết trước về cuộc gặp này và ông sẵn sàng khai báo điều này trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga.
Theo luật vận động tranh cử của Mỹ thì hành vi kêu gọi người nước ngoài góp sức hay góp của vào chiến dịch tranh cử là phạm pháp. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý đang chia rẽ liệu phía nước ngoài tự đề nghị đưa thông tin có được xem là phạm tội hay không.
Tuy nhiên, ông Rudy Giuliani, luật sư riêng hiện nay của ông Trump, đã lưu ý rằng ‘trong cáo trạng nhắm vào ông Cohen không có cáo buộc về bất cứ hành động sai trái nào của ông Trump’.
Ông Daniel Petalas, một cựu công tố viên trong Bộ Tư pháp, được Fox dẫn lời nói rằng điều này đưa Tổng thống Trump ‘tới gần hơn hành vi phạm tội hình sự’.
“Tổng thống được hưởng một số quyền miễn trừ khi đang tại vị, nhưng nếu điều này là sự thật, nếu ông ấy biết trước và tìm cách gây tác động đến cuộc bầu cử thì đó sẽ là một tội đại hình theo luật pháp liên bang,” ông Petalas nói.
Trong khi đó, hành vi trả tiền để che giấu những câu chuyện xấu hổ của một ứng viên được xem là vi phạm luật tài chính vận động tranh cử của Mỹ.
Ông Davis lập luận rằng tại sao Tổng thống Mỹ không bị truy tố về tội mà Cohen đã khai nhận là đã phạm giùm cho ông, theo BBC.
Theo ghi nhận của phóng viên BBC thì hiện giờ ở Washington mọi người đang bàn tán về việc luận tội ông Trump trong khi các nhân viên ở Cánh Tây Nhà Trắng vẫn đang thể hiện quyết tâm không lay chuyển. Trong khi đó, cũng có nhiều người trong Nhà Trắng đang tỏ vẻ bồn chồn như đang đợi điều gì đó sẽ xảy ra.
Về phần mình, ông Trump đã đe dọa rằng nếu ông bị luận tội thì ‘thị trường Mỹ sẽ sụp đổ’.
“Tôi không biết làm sao mà quý vị có thể luận tội ai đó đang làm việc rất tốt,” ông Trump phát biểu trong chương trình Fox và Những người bạn.
“Tôi nói với quý vị nếu có lúc nào đó tôi bị luận tội, tôi nghĩ là thị trường sẽ sụp đổ. Tôi nghĩ tất cả mọi người đều trở nên rất nghèo.”
Chỉ vào đầu mình, ông nói: “Bởi vì không có đầu óc này, quý vị sẽ thấy những con số mà quý vị không thể mường tượng đảo ngược.”
TT Trump đả kích luật sư riêng,
khẳng định “không làm điều gì sai”
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 22/8 nhất mực khẳng định rằng ông đã không làm bất cứ điều gì sai trái sau khi luật sư riêng lâu năm của ông lôi kéo ông Trump vào vụ ‘trả tiền bịt miệng’ bất chính ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Các chuyên gia cảnh báo rằng cơn bão pháp lý đang vây bủa nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng hòa có thể đe dọa nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Theo chỉ thị của ‘xếp’, ông Michael Cohen đã dùng tiền tài trợ cho chiến dịch tranh cử một cách bất hợp pháp – dưới hình thức trả tiền để mua sự im lặng của hai phụ nữ nói họ từng có quan hệ tình ái với ông Trump.
Hôm 21/8, ngày được miêu tả là ‘ngày tồi tệ nhất’ trong thời gian tại nhiệm đầy sóng gió của ông Trump, luật sư riêng lâu năm của ông – Michael Cohen, thú nhận với một quan tòa liên bang rằng theo chỉ thị của ‘xếp’, ông đã dùng tiền tài trợ cho chiến dịch tranh cử một cách bất hợp pháp – dưới hình thức trả tiền để mua sự im lặng của hai phụ nữ nói họ từng có quan hệ tình ái với ông Trump.
Lời thú nhận của ông Cohen được đưa ra cùng ngày với một diễn biến đầy kịch tính khác khi cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump – Paul Manafort – bị buộc tội về gian lận thuế liên bang và gian lận ngân hàng.
Đây là vụ án đầu tiên được đưa ra xét xử trước tòa liên quan tới cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Nhưng nhà lãnh đạo Mỹ dường như quyết tâm vượt qua cơn bão mới nhất.
Ông Trump cáo buộc Luật sư Cohen là “dựng chuyện” để được giảm tội. Thế rồi ông Trump lại lật ngược phát biểu của chính mình khi viết trên Twitter rằng “hành động của ông Cohen “không phạm tội”, và trong một cuộc phỏng vấn dành cho chương trình “Fox and Friends”, ông Trump nói hành vi đó “thậm chí không vi phạm các quy định của chiến dịch tranh cử.”
Quan ngại về chính sách di trú của ông Trump
Một nhóm các giám đốc điều hành của các đại công ty Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về chính sách di trú của chính quyền Tổng thống Donald Trump và nói rằng các quy định đó làm tăng sự bất ổn và làm tổn hại tăng trưởng kinh tế.
Trong lá thư có chữ ký của 59 giám đốc điều hành bao gồm ông Tim Cook của công ty Apple, Jamie Dimon của JPMorgan Chase & Co và Doug Parker của hãng hàng không American Airlines, các CEO này nói rằng nhiều nhân viên của họ đang đối mặt trước tình trạng không biết chắc sẽ như thế nào vì những quyết định di trú bất nhất có thể cắt bỏ giấy phép làm việc cho vợ/chồng của các di dân tay nghề cao.
Lá thư được gửi đi sau khi Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ có các hành động cụ thể mà theo đó dự kiến sẽ không cho vợ/chồng của di dân tay nghề cao có được giấy phép làm việc.
Thư nói “Khi số việc làm trống đang ở mức cao kỷ lục do thiếu lao động thì không phải lúc để hạn chế sự tiếp cận tài năng.”
Trong thư gửi tới Bộ trưởng Nội vụ Kirstjen Nielsen, các CEO nói chính phủ chớ nên thay đổi luật lệ giữa chừng vì có thể gây tổn thất và phức tạp không cần thiết.
Bộ trưởng Nielsen, tại cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc ngày 23/8, tuyên bố chính phủ mạnh tay thực thi luật.
Bà nhấn mạnh rằng chính quyền không tạo ra chính sách chia cắt các gia đình di dân mà chỉ là thôi miễn trừ cho những ai phạm pháp.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-ngai-ve-chinh-sach-di-tru-cua-ong-trump/4541724.html
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu khổng lồ
Thượng viện Mỹ ngày 23/8 bỏ phiếu thông qua dự luật tài trợ ngân quỹ cho đa số hoạt động của chính phủ, trong đó có 675 tỷ đô la cho Bộ Quốc phòng, trong lúc các nhà lập pháp đang tìm cách giảm thiểu nguy cơ đóng cửa chính phủ trước ngày kết thúc năm tài khóa 30/9.
Thượng viện biểu quyết 85-7 thông qua dự luật trị giá 854 tỷ đô la kết hợp tài trợ ngân quỹ cho Ngũ Giác Đài với tiền cho các chương trình nội địa kể cả bên Bộ Giáo dục, Bộ Lao động, và Bộ Y tế-Nhân sinh.
Lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện đã tìm cách thông qua các dự luật chuẩn chi trước ngày 30/9 để tránh tình trạng chính phủ bị đóng cửa.
Lãnh đạo cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Thượng viện đồng ý gộp các dự luật lại để tăng khả năng được thông qua ở Thượng viện, nơi phe Cộng hòa chiếm đa số với tỷ lệ 51-49.
Phe Cộng hòa nhìn chung ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng. Phe Dân chủ thúc đẩy ngân quỹ cho các chương trình nội địa.
Để thành luật, các kế hoạch chi tiêu này phải được Hạ viện chấp nhận, nơi các đảng viên Cộng hòa chiếm thế đa số với tỷ lệ cao hơn. Sau đó, các dự luật này phải được Tổng thống Trump ký ban hành. Ông Trump từng nói sẽ hoan nghênh việc đóng cửa chính phủ, nếu cần, để có được ngân quỹ xây tường biên giới với Mexico mà ông đề nghị.
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-vien-my-thong-qua-du-luat-chi-tieu-khong-lo-/4541721.html
Ngoại trưởng Mỹ dẫn đặc sứ mới tới Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đến Triều Tiên một lần nữa vào tuần sau để cố gắng thuyết phục nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân, và sẽ dẫn theo một tân đại diện đặc biệt của Mỹ, Stephen Biegun, đi cùng trong nỗ lực phá vỡ bế tắc.
Ông Pompeo hôm thứ Năm bổ nhiệm vị lãnh đạo của công ty Ford Motor, người dày dạn kinh nghiệm đối ngoại và theo Đảng Cộng hòa, vào vị trí đặc phái viên Hoa Kỳ tại Triều Tiên.
“Ông Steve sẽ chỉ đạo chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên và dẫn dắt nỗ lực của chúng ta để đạt được mục tiêu của Tổng thống Trump là giải trừ hạt nhân Triều Tiên hoàn toàn và kiểm chứng được theo thỏa thuận mà [lãnh tụ Triều Tiên] Kim Jong Un đã nhất trí,” ông Pompeo nói với các phóng viên.
“Ông ấy và tôi sẽ đi đến Triều Tiên vào tuần sau để đạt thêm tiến bộ ngoại giao hướng tới mục tiêu của chúng ta,” ôn Pompeo nói.
Đây sẽ là chuyến đi thứ tư của ông Pompeo trong năm nay nhắm mục tiêu thuyết phục Triều Tiên bãi bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đe dọa Mỹ và là chuyến đi thứ hai của ông kể từ hội nghị thượng đỉnh chưa có tiền lệ vào tháng 6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết ông Pompeo không có kế hoạch gặp ông Kim ở Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi chưa lên lịch cho chuyện đó; chúng tôi không trông đợi gặp Chủ tịch Kim. Đó không phải là một phần của chuyến đi này,” bà nói trong một cuộc họp báo thường xuyên.
Ông Biegun nói về Triều Tiên: “Có những vấn đề khó khăn và sẽ khó giải quyết.” Nhưng ông nói thêm rằng ông Trump đã tạo thời cơ “mà chúng ta phải nắm lấy bằng cách tận dụng mọi cơ hội có thể để hiện thực hóa viễn kiến về một tương lai hòa bình cho người dân Triều Tiên.”
Ông Biegun giữ chức phó chủ tịch chuyên trách các sự vụ về chính phủ quốc tế trong Ford suốt 14 năm. Trước đó, ông là nhân viên cao cấp cho cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice của cựu Tổng thống George W. Bush, và ông cũng từng tư vấn các thành viên Quốc hội về các vấn đề đối ngoại.
https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-dan-dac-su-moi-toi-trieu-tien/4541714.html
Nhân viên hợp đồng cho tình báo Mỹ
bị tuyên án vì rò rỉ thông tin
Một thẩm phán liên bang ngày 23/8 kết án một người từng là nhân viên hợp đồng cho tình báo Mỹ hơn năm năm tù giam sau khi cô ta thừa nhận đã rò rỉ cho một cơ quan truyền thông một báo cáo tuyệt mật về sự can thiệp của Nga trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, luật sư của bị cáo cho biết.
Cô Reality Winner, 26 tuổi, đã ngồi tù gần hai năm nay. Hồi tháng 6, cô nhận tội về việc chuyển một báo cáo của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) cho trang tin The Intercept vào năm 2016. Bản án của cô có bao gồm khoảng thời gian cô bị giam cầm trước khi xét xử, một trong các luật sư của cô, Titus Nichols, cho biết.
Trong một phiên tòa nghe chứng tại thành phố Augusta quê nhà của cô ở bang Georgia, Thẩm phán James Hall chấp thuận yêu cầu của luật sư cho một bản án 63 tháng với ba năm quản chế, ông Nichols cho biết. Đó là bản án dài nhất từng được tuyên cho một người vì tiết lộ thông tin của chính phủ một cách bất hợp pháp, theo ông Nichols.
Thẩm phán Hall cũng đồng ý cho cô Winner chuyển tới một nhà tù liên bang ở thành phố Fort Worth, bang Texas, nơi cô có thể được chữa trị y tế và gần với gia đình hơn.
Các công tố viên liên bang nói bản án hơn năm năm của cô là thích đáng vì cô đã phản bội sự tin tưởng của các đồng nghiệp và đất nước của cô.
Cô Winner trước đó đã làm việc với Pluribus International Corp, một công ty cung cấp dịch vụ phân tích cho các cơ quan quốc phòng và tình báo Mỹ.
Tài liệu của NSA mà cô cung cấp cho trang tin The Intercept chứa các chi tiết mang tính kĩ thuật về điều được nói là nỗ lực của Nga nhằm tấn công tin tặc các quan chức bầu cử ở Mỹ và một công ty sản xuất máy bỏ phiếu trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 năm 2016.
Cô Winner thừa nhận cô đã cố ý in một bản của báo cáo tình báo đó trong văn phòng của cô và gửi nó tới The Intercept. Cô bị truy tố về một tội danh liên bang duy nhất là cố ý giữ lại và truyền đi thông tin quốc phòng, một trọng tội theo Đạo luật Gián điệp và Kiểm duyệt có mức án tối đa là 10 năm tù giam, theo các văn kiện tòa án.
Betsy Reed, tổng biên tập của The Intercept, nói trong một thông cáo rằng cô Winner nên được vinh danh, và rằng việc cô bị tuyên án và việc truy tố những người khác là những vụ tấn công nhắm vào quyền tự do ngôn luận và báo chí.
Mỹ điều tra nghi án Microsoft hối lộ
Tập đoàn Microsoft đang bị nhà chức trách Mỹ điều tra về các cáo buộc hối lộ và tham nhũng liên quan đến các thương vụ bán phần mềm ở Hungary, Reuters thuật tin từ Wall Street Journal cho biết ngày 23/8.
Bộ Tư pháp và Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ đang điều tra xem bằng cách nào mà Microsoft bớt giá mạnh khi bán các phần mềm như Word và Excel cho các công ty trung gian ở Hungary.
Sau đó, các công ty trung gian này bán lại cho các cơ quan chính phủ ở Hungary những phần mềm mua được gần như nguyên giá.
Các nhà điều tra đang tìm hiểu xem liệu các công ty trung gian có dùng khoản chênh lệch đó để hối lộ và ‘lại quả’ cho quan chức chính phủ Hungary hay không.
Microsoft chưa lên tiếng bình luận về tin này.
(Theo Reuters/Wall Street Journal)
https://www.voatiengviet.com/a/my-dieu-tra-nghi-an-microsoft-hoi-lo-/4541727.html
Thương chiến Mỹ-Trung leo thang gay cấn
với đợt thuế mới
Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục leo thang hôm 23/8 khi hai nước thi hành các biện pháp trừng phạt, đánh thuế 25% lên hàng hóa trị giá 16 tỷ đôla của nước kia, bất chấp các cuộc đàm phán đang tiếp diễn ở Washington giữa các quan chức cấp trung của hai nước.
Bản tin Reuters tường thuật rằng kể từ đầu tháng 7, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã “ăn miếng trả miếng”, đánh thuế hàng hóa trị giá 100 tỷ đôla của nhau, dự kiến con số này sắp tới sẽ còn tăng cao hơn nữa, làm tăng rủi ro cho đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Bộ Thương mại Trung Quốc nói Washington “vẫn bướng bỉnh” khi áp đặt các loại thuế mới nhất, bắt đầu có hiệu lực ở cả hai bên vào lúc 12:01 chiều, giờ Bắc Kinh.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối bước hành động này, và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết”.
Bộ Thương mại TQ cho biết trong một tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để khiếu nại các loại thuế mới nhất.
Tổng thống Trump dọa sẽ đánh thuế gần như toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc nhập vào Mỹ hàng năm trị giá hơn 500 tỷ đôla, trừ phi Bắc Kinh đồng ý thực thi những biện pháp, thay đổi cách hành xử liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, các chương trình trợ cấp công nghiệp, cơ cấu thuế quan, và mua thêm hàng Mỹ.
Con số này sẽ cao hơn nhiều so với trị giá hàng Mỹ nhập vào Trung Quốc, gây lo ngại rằng Bắc Kinh có thể xem xét các hình thức trả đũa khác, chẳng hạn như gây khó dễ cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc, hoặc hạ giá đồng nhân dân tệ hơn nữa để hỗ trợ xuất khẩu.
“Chúng tôi có nhiều đạn hơn”
Các giới chức trong chính quyền Tổng thống Trump không đồng quan điểm về cách thúc ép Bắc Kinh, nhưng Tòa Bạch Ốc hình như tin rằng họ đang thắng cuộc chiến giữa lúc nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại và thị trường chứng khoán nước này sụt giảm.
Phát biểu trên kênh CNBC hôm thứ Tư tại một cơ sở chế biến nhôm ở Hawesville, bang Kentucky, nơi đang tái khởi động dây chuyền sản xuất bị ngưng trệ vì thuế nhôm doTổng thống Trump đề ra, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói:
“Họ sẽ không chịu thua một cách dễ dàng. Dĩ nhiên họ sẽ trả đũa đôi chút, nhưng cuối cùng, chúng ta có nhiều đạn hơn họ. Họ biết điều đó. Nền kinh tế của chúng ta mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc, họ cũng biết điều đó”.
Các nhà kinh tế ước lượng rằng cứ mỗi 100 tỷ đôla hàng nhập khẩu bị đánh thuế sẽ làm giảm thương mại toàn cầu khoảng 0,5%.
Họ giả định tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2018 là 0,1-0,3 %, ít hơn cho Hoa Kỳ, nhưng tác động sẽ lớn hơn trong năm tới, đi kèm với những thiệt hại liên đới đối với các quốc gia và công ty khác liên kết với các hệ thống cung cấp hàng Trung Quốc trên toàn cầu.
Trung Quốc lo lắng
Đợt thuế mới có hiệu lực giữa lúc đang diễn ra các cuộc đàm phán hai ngày quy tụ các quan chức cấp trung của hai nước tại thủ đô Washington. Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên kể từ khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ gặp cố vấn kinh tế Trung Quốc Lưu Hạc ở Bắc Kinh hồi tháng Sáu.
Các doanh nghiệp hy vọng cuộc họp này đánh dấu khởi đầu của các cuộc đàm phán nghiêm túc về những thay đổi chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc mà Tổng thống Trump đòi hỏi.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm thứ Hai, ông Trump nói ông không “hy vọng nhiều” vào các cuộc đàm phán do Thứ trưởng Tài chính Hoa Kỳ David Malpass và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn dẫn đầu.
Đường lối cứng rắn của ông Trump đã khiến Bắc Kinh lo lắng, dẫn đến những lời chỉ trích hiếm hoi ở các cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc về cách xử lý tranh chấp thương mại.
Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đã ép buộc Mỹ chuyển giao công nghệ ‘một cách có hệ thống và không công bằng’. Bắc Kinh khẳng định TQ tuân thủ tất cả các quy định của WTO.
Trong cuộc họp báo thường nhật, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về các cuộc đàm phán đang diễn ra.
“Chúng tôi hy vọng rằng phía Mỹ có thể thỏa hiệp với Trung Quốc, và một thái độ hợp lý, thực tế, thành tâm sẽ đạt một kết quả tốt”, phát ngôn viên Lục Khảng nói.
Mức thuế mới nhất của Washington được áp dụng cho 279 danh mục sản phẩm Trung Quốc, gồm chất bán dẫn, nhựa, hóa chất và thiết bị đường sắt.
Danh sách 333 danh mục sản phẩm của Hoa Kỳ bị Trung Quốc đánh thuế gồm: than, phế liệu đồng, nhiên liệu, các sản phẩm thép, thiết bị y tế và xe buýt.
Mặc dù còn quá sớm để đánh giá thiệt hại thương mại bằng dữ liệu kinh tế, các mức thuế mới đang bắt đầu có hiệu lực đã tác động đến túi tiền của người tiêu dùng và làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương, buộc các công ty phải điều chỉnh chuỗi cung ứng và giá cả sản phẩm, và một số doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách giảm mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-chien-my-trung-leo-thang-gay-can-voi-dot-thue-moi/4541312.html
Mỹ tố cáo Trung Quốc tạo “bất ổn định”
trong quan hệ với Đài Loan
Hoa Kỳ ngày 23/08/2018, tố cáo Trung Quốc gây nên tình trạng « bất ổn định » trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Lời tố cáo đưa ra sau khi El Salvador thông báo hồi đầu tuần quyết định cắt đứt quan hệ với Đài Loan và lập bang giao với Trung Quốc.
Trong một thông cáo, Nhà Trắng nhấn mạnh là « Hoa Kỳ tiếp tục chống lại việc Trung Quốc gây bất ổn định cho quan hệ Đài Loan-Trung Quốc và việc Trung Quốc can thiệp chính trị vào một quốc gia ở phương Tây ».
Nhà Trắng cũng cảnh cáo cả El Salvador, cho là quyết định của El Salvador là một mối quan ngại nghiêm trọng đối với Mỹ, vì nó không chỉ tác động đến El Salvador, mà còn tác động đến tình hình kinh tế của cả khu vực châu Mỹ. Hoa Kỳ sẽ xem xét lại quan hệ với El Salvador.
Thông cáo lên án Trung Quốc sử dụng trợ giúp kinh tế để tìm thế thống trị và cho rằng « các nước muốn thiết lập hay mở rộng quan hệ với Trung Quốc để thu hút đầu tư trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, về lâu về dài sẽ bị thất vọng ».
Cũng trong ngày hôm qua, người mặc nhiên là đại sứ Mỹ ở Đài Loan, ông Christensen cũng nêu lên mối quan ngại của Hoa Kỳ và việc Washington sẽ xem xét lại quan hệ với El Salvador.
Mỹ đã cực lực đả kích quyết định của El Salvador vì cho rằng chính quyền đương nhiệm đã âm thầm tiến hành việc theo Trung Quốc bỏ Đài Loan chỉ vài tháng trước khi rời bỏ quyền hành.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180824-my-trung-quoc-quan-he-dai-loan-qt
Mỹ rút ngắn thời hạn visa sinh viên Trung Quốc
theo học những ngành trọng điểm
Từ ngày 11/06/2018, thời hạn visa của sinh viên Trung Quốc theo học các ngành khoa học tại Mỹ bị rút ngắn xuống còn một năm. Thay đổi này được bộ Ngoại Giao Mỹ gửi đến tất cả các sứ quán và các lãnh sự Mỹ ở nước ngoài.
Theo AP, mọi học sinh-sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc sẽ bị khống chế thời hạn visa một năm nếu theo học các ngành công nghệ robot, hàng không, công nghệ cao. Đây là những ngành ưu tiên trong kế hoạch “Made in China 2025” được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy.
Ngoài ra, mọi công dân Trung Quốc muốn xin visa vào Mỹ sẽ phải có một giấy phép đặc biệt từ nhiều phòng ban của Mỹ nếu họ làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho các công ty nằm trong danh sách những cơ quan cần được bảo vệ cao độ do bộ Thương Mại Mỹ lập. Thời gian xét duyệt hồ sơ có thể kéo dài cả tháng.
Những thay đổi này đã được công bố trong chiến lược an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ hồi tháng 12/2017. Tài liệu cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ xem xét lại quá trình cấp visa “để giảm tình trạng đánh cắp kinh tế” và tập trung chủ yếu vào sinh viên ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học.
Theo Vision Times, rất nhiều trường đại học Mỹ lên tiếng chỉ trích “sự phân biệt” nhắm vào sinh viên Trung Quốc, chiếm một phần lớn tổng số sinh viên nước ngoài đang học ở Mỹ. Sinh viên nước ngoài đóng góp khoảng 37 tỉ đô la cho nền kinh tế Mỹ trong năm học 2106-2017. Tuy nhiên, với các cơ quan tình báo Mỹ, những thay đổi nhắm vào sinh viên Trung Quốc là hành động cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.
Trung Quốc “dụ dỗ” sinh viên được đào tạo ở Mỹ
Trung Quốc luôn tìm cách thu hút các nhà nghiên cứu, nhà khoa học Mỹ đến làm việc tại các doanh nghiệp và tổ chức của nước này. Rất nhiều sinh viên được đào tạo tại Mỹ trong các ngành công nghệ mũi nhọn bỗng bị Bắc Kinh “bắt cóc” trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với tình báo Mỹ.
Ông Joseph G. Morosco, trợ lý giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (National Counterintelligence and Security Center) tỏ ra lo ngại : “Rất nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh nước ngoài đang theo học tại các trường đại học Mỹ đến từ các nước cạnh tranh chiến lược với Mỹ, trong đó có Iran, Nga, Trung Quốc… Chúng tôi đặc biệt bận tâm đến Trung Quốc vì nước này là một trong những đối thủ kinh tế đáng gờm của Hoa Kỳ”.
Bản báo cáo của Nhà Trắng mang tên “Sự tấn công kinh tế của Trung Quốc đe dọa công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ và thế giới như thế nào?” cũng nhấn mạnh đến những lo lắng liên quan đến việc Trung Quốc sử dụng các chuyên gia được đào tạo ở Mỹ.
Theo văn bản này, “Các nhà tuyển dụng Trung Quốc kêu gọi lòng tự hào dân tộc và yêu cầu “về nước” để “phục vụ tổ quốc”. Những người trở về được đãi ngộ về tài chính và cơ hội thăng tiến. Những người ở lại nước ngoài vẫn có nhiều cách để “phục vụ đất nước”, bao gồm cả việc thường xuyên lưu lại ngắn ngày ở Trung Quốc và viết báo cáo về hoạt động nghiên cứu của họ ở nước ngoài”.
Một ví dụ về lời kêu gọi “lòng tự hào dân tộc” của Trung Quốc là “Kế hoạch 1.000 tài năng”được bắt đầu vào năm 2008. Những tài năng trong các lĩnh vực khoa học và có bằng sở hữu trí tuệ về công nghệ là đối tượng chính của Bắc Kinh. Ngoài ưu đãi về tài chính, họ được giữ những vị trí quan trọng trong trường đại học và viện nghiên cứu Trung Quốc. Từ năm 2009, gần 44.000 người Trung Quốc có trình độ cao đã về nước.
Kế hoạch “Made in China 2025” với mục tiêu vượt qua Mỹ để trở thành nhà cung cấp công nghệ hàng đầu cho thế giới đã buộc chính quyền tổng thống Trump ngăn chặn công dân Trung Quốc ghi tên theo học các ngành công nghệ nhạy cảm như hàng không, robot và sản xuất công nghiệp cao cấp…
Achentina :
Tư gia cựu tổng thống Kirchner bị khám soát
Nhà của cựu tổng thống Achentina, bà Cristina Kirchner, hiện là thượng nghị sĩ, đã bị khám soát ngày 23/08/2018, theo yêu cầu của thẩm phán Claudio Bonadio, và đã được toàn thể Thượng Viện cho phép.
Cựu tổng thống Kirchner đã bị thẩm phán Claudio Bonadio tố cáo đứng đầu một hệ thống tham nhũng rộng lớn thời bà giữ chức tổng thống 2007-2015.
Hơn một chục xe cảnh sát đã đổ đến khu vực sang trọng của Buenos Aires và chắn cả lối đi. Hàng chục nhà báo với máy ảnh, camera cũng có mặt tại chỗ.
Căn hộ bị khám xét của bà Kirchner rộng 250 mét vuông, nằm ở lầu 5 của một tòa nhà. Theo lời luật sư Gregorio Dalbon với báo chí, cựu tổng thống không có mặt ở căn hộ lúc đó. Một nơi ở khác của bà Cristina Kirchner ở Rio Galleros, phía nam Achentina, cũng bị khám xét đến tối khuya.
Hàng trăm người ủng hộ cựu tổng thống cũng đã tập hợp cho đến tối, ở trước nơi ở của bà Kirchner tại Buenos Aires. Một phụ nữ nói với nhà báo : « Họ không tìm được gì đâu, bà không có gì phải che giấu cả, tôi vẫn tin tưởng vào bà ».
Nhưng bên cạnh đó cũng có người tán đồng việc khám xét. Theo AFP, bà Kirchner đã luôn chia rẽ xã hội Achentina. Hiện nay mặc dù bị tư pháp cáo buộc, với những vụ tham nhũng trong chính quyền của bà bị phơi bày ra ánh sáng, gần 30% dư luận vẫn ủng hộ bà.
Đó một phần là vì tổng thống mới Mauricio Macri đã không cải thiện được tình hình kinh tế như ông đã hứa hẹn, mà ngược lại kinh tế Achentina ngày càng tồi tệ hơn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180824-achentina-tu-gia-cuu-tong-thong-kirchner-bi-kham-soat
Air France và British Airways
ngưng bay đến Iran
Ngày 23/08/2018, hãng hàng không Pháp Air France đã thông báo quyết định ngưng các chuyến bay đến Iran kể từ ngày 18/09 tới đây. Hãng hàng không Anh British Airways cũng có quyết định tương tự, từ ngày 23/09.
Air France giải thích quyết định trên xuất phát từ kết quả thương mại yếu kém, tuyến bay Paris -Teheran không đạt kết quả mong muốn, và với việc lệnh trừng phạt Iran của Mỹ được tái lập thì mất mát sẽ nhiều hơn.
Trong mùa hè này Air France đã giảm thiểu chuyến bay đến Teheran, chỉ còn giữ 1 chuyến trong tuần, và giao lại tuyến đường này cho công ty hàng không giá rẻ Joon.
Trong các hãng lớn, hiện chỉ còn hãng Lufthansa của Đức và Alitalia của Ý là chưa thông báo gì.
Các hãng hàng không chỉ mới tái lập các chuyến bay đến Teheran vào năm 2016, sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết và lệnh trừng phạt được bãi bỏ.
Quyết định của Air France và British Airways, theo thông tín viên RFI tại Teheran, Siavosh Ghazi, gây khó khăn cho Iran.
“Thêm một vố đau nữa cho Iran. Quyết định của hai hãng hàng không được đưa ra sau thông báo rút ra khỏi Iran từ một số tập đoàn châu Âu, như tập đoàn dầu khí Total hay hãng chế tạo xe hơi Peugeot.
Hãng Air France và British Airways chỉ mới tái lập chuyến bay đến Teheran sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào năm 2015, giữa Iran và các cường quốc.
Việc các hãng hàng không ngưng chuyến bay ít ra sẽ có tác động trực tiếp đến ngành du lịch Iran. Với thỏa thuận hạt nhân ký kết, du khách phương Tây đã bắt đầu trở lại nước này, cho dù số lượng du khách châu Âu vẫn còn thấp.
Trừng phạt của Mỹ đã giảm lượng du khách Iran ra nước ngoài. Đồng tiền Iran đã mất giá, khoảng 70% so với đồng đô la và các chuyến đi ra nước ngoài trở nên quá đắt đỏ đối với nhiều người.
Và cũng như thế hàng triệu người Iran sống ở nước ngoài, có thói quen về nước thăm gia đình cũng bị ảnh hưởng.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180824-hang-hang-khong-air-france-british-airways-iran
Tàu di dân bị chận tại Ý, châu Âu họp khẩn
Bộ trưởng Nội Vụ Ý, ông Matteo Salvini nhất quyết không cho số 150 di dân trên tàu Dicciotti được đặt trên lên bờ. Sáng ngày 24/08/2018, ông tuyên bố không muốn nước Ý trở thành « trại tị nạn » cho cả châu Âu.
Chiếc tàu này đã vào đến Catania thuộc đảo Sicilia từ tối thứ Hai (20/08/2018), nhưng di dân phải ở lại trên tàu. Ông Salvini yêu cầu châu Âu phải hành động, và Ủy Ban Châu Âu đã tổ chức một cuộc họp khẩn hôm nay.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Laxmi Lota cho biết thêm chi tiết :
« Một kịch bản lặp đi lặp lại từ nhiều tuần qua : một chiếc tàu chở di dân nằm bất động trước vùng duyên hải châu Âu. Câu trả lời của Bruxelles : một cuộc họp khẩn.
Hai mươi tám nước thành viên sẽ họp lại vào ngày 20/9 tại Áo để bàn về chính sách nhập cư. Một cuộc họp trù bị diễn ra hôm nay với đại diện cấp cao của 12 nước, theo phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu, chủ yếu là những nước gần đây có đề nghị tiếp nhận di dân. Một phát ngôn viên khác cho biết tất cả các nước đều được mời, nhưng chỉ có phân nửa số quốc gia thành viên nhận lời tham dự.
Trong cuộc họp này, vấn đề được nêu ra là những đề nghị trong cuộc họp thượng đỉnh châu Âu mới đây, nhất là các trung tâm tiếp nhận khu vực. Một quan chức châu Âu giải thích, đó là ưu tiên về mặt nhân đạo, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm một giải pháp. Ủy Ban Châu Âu cũng nhắc lại, đã huy động được trên 200 triệu euro viện trợ khẩn cấp để hỗ trợ cho việc quản lý di dân tại Ý ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180824-tau-di-dan-bi-chan-tai-y-chau-au-hop-khan
Ukraine: Ngưng bán quả địa cầu in sai bản đồ VN
Quả địa cầu bán ở Ukraine xếp nhiều tỉnh biên giới Việt Nam vào lãnh thổ TQ, và không hiển thị hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, khiến xôn xao cộng đồng mạng tiếng Việt.
Trong email trả lời BBC ngày 24/8, công ty Globus Plus của Ukraine cho hay họ đã ngưng bán sản phẩm quả địa cầu in sai hình bản đồ Việt Nam.
“Chúng tôi không phải là nhà sản xuất những quả địa cầu này.”
“Và, thật không may, chúng tôi không biết rằng bản đồ thế giới đã được in lỗi.”
“Chúng tôi đã ngưng bán những sản phẩm địa cầu này.”
“Chúng tôi xin lỗi vì sai sót này,” email từ người quản lý công ty, tên Alexander, cho hay.
Bảo tàng Anh thôi bán địa cầu ‘lưỡi bò’
Bay qua đảo nhân tạo ‘đáng sợ’ của TQ ở Biển Đông
Mỹ lo ngại TQ xây ‘căn cứ quân sự’ ở El Salvador
TQ chạy ‘hết công suất’ in tiền nước ngoài
Tuy nhiên Globus Plus không trả lời BBC Tiếng Việt quả địa cầu có xuất xứ từ đâu.
Thông tin từ mạng xã hội
Một trong những thông tin đầu tiên về chuyện này xuất hiện trên Facebook của bạn Trực Chấp ghi là sống tại Ba Lan.
Theo đó, trên thị trường Ukraine có bán quả địa cầu ‘xén’ mất phần Quảng Ninh, Móng Cái của Việt Nam.
Hình ảnh quả địa cầu này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người phát hiện ra rằng trên quả địa cầu này, một phần bản đồ của Việt Nam bị in tiệp màu với bản đồ vùng lãnh thổ Trung Quốc.
Các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang được cho là hoàn toàn biến mất, thay vào đó là ranh giới lãnh thổ của Trung Quốc.
Địa cầu này hoàn toàn không hiển thị hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền trên Biển Đông.
Theo VTC News, quả địa cầu này xuất xứ từ Ukraine, được rao bán trên một trang web mua hàng trực tuyến của nước này. Công ty sản xuất và phân phối những quả địa cầu này có tên Globus Plus.
“Những thông tin về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên quả địa cầu này đã bị nhà sản xuất cung cấp hoàn toàn sai lệch”, bài báo trên VTC viết.
Tìm hiểu về Globus Plus trên website của công ty thì được biết đây là công ty sản xuất, bán và phân phối sản phẩm văn phòng, thiết bị, đồ dùng và trang phục học sinh.
Sự việc gây ra nhiều bàn cãi trong cộng đồng mạng.
Facebooker Mai Thanh Sơn luận:
“Trong bối cảnh Quốc Hội Việt Nam đang xem xét thông qua Luật Đặc khu, hành vi bỉ ổi này hiển nhiên thể hiện những động cơ chính trị bất minh. Vậy đề nghị bà con Việt kiều đang sinh sống/làm việc tại Ukraina kiểm tra lại, làm rõ thực hư của thông tin và chỉ mặt các thế lực đứng sau để đồng bào trong nước biết.”
Ngưng bán địa cầu ‘sai’
Bản đồ in thiếu cho cả Trung Quốc
Theo dịch giả Nguyễn Việt Long, việc “đổ” cho Trung Quốc vẽ bản đồ này rồi cung cấp cho Ukraine là không có bằng chứng.
Theo quan sát của ông Long, bản đồ trên quả địa cầu của công ty Globus Plus không có đường lưỡi bò ở khu vực Biển Đông.
“Phần Đài Loan cũng được tô màu khác với Trung Quốc đại lục, nghĩa là được coi là hai quốc gia riêng biệt, trái với quan điểm hiện nay của Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh của mình,” dịch giả Long nói với BBC hôm 24/8.
“Tại đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bản đồ cũng vẽ bất lợi cho Trung Quốc và trái với quan điểm của nước này. Có hai khu vực lớn tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ mà bên nào cũng nói là của mình – tranh chấp tại đây đã dẫn đến cuộc chiến biên giới năm 1962. Đó là khu vực Aksai Chin thuộc bang Jammu và Kashmir hiện do Trung Quốc chiếm, và khu vực bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ ở phía đông nước Bhutan mà Trung Quốc nhận là lãnh thổ của mình. Trên quả địa cầu thì hai vùng đó đều tô màu thuộc Ấn Độ.”
“Nếu nhìn kỹ ta có thể thấy là ngay cả Mông Cổ cũng được vẽ lấn cả đất đai của Trung Quốc và Nga. Theo tôi thì đây chỉ là bản đồ được vẽ rất cẩu thả. Như vậy đây không thể là bản đồ liên quan đến chính phủ Trung Quốc,” ông Long nhận định.
Theo dịch giả Nguyễn Việt Long, nếu đặt giả thuyết một cơ sở nào đó của Trung Quốc, “bất chấp quan điểm chính thống của Bắc Kinh”, làm ra quả địa cầu này để bán cho thị trường Ukraine thì “cũng không đáng để ta quan tâm hay bức xúc”.
“Bởi những quả địa cầu hay bản đồ như thế này không có giá trị pháp lý gì về mặt biên giới,” dịch giả Long nói với BBC Tiếng Việt.
Tranh chấp ‘trên bản đồ và trên mạng’
Đây không phải là lần đầu tiên tranh chấp Biển Đông được “xử lý” ở ngoài Việt Nam và Trung Quốc.
Hồi tháng 9/2017, một bảo tàng tại Anh Quốc cam kết không bán địa cầu lưu niệm có chi tiết gây tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông sau thư phản ánh của người Việt.
Ông Lê Trung Tĩnh, một trí thức hiện làm việc tại Anh yêu cầu thành công cam kết từ Bảo tàng Hoàng gia Greenwich là họ sẽ ngưng đặt mua thêm địa cầu được mô tả là “có đường chữ U” và ghi Hoàng Sa,Trường Sa (cách gọi của Việt Nam) theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa và Nam Sa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45295502
Anh Quốc chuẩn bị cho khả năng
không đạt thỏa thuận về Brexit
Phí ngân hàng tăng cao, hải quan sẽ gặp rối loạn, giấy tờ sẽ rắc rối hơn : đó là những nguy cơ nếu Anh Quốc không đạt được thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu về thời kỳ hậu Brexit. Chính phủ Anh ngày 23/08/2018 đã công bố các tài liệu phân tích những nguy cơ nói trên và đề ra những biện pháp đối phó.
Trên nguyên tắc, từ đây đến cuộc họp thượng đỉnh châu Âu tháng 10/2018, Luân Đôn và Bruxelles phải đạt được một thỏa thuận để tổ chức việc Anh Quốc rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu, dự trù vào ngày 29/03/2019. Thế nhưng, các cuộc thương lượng hiện vẫn giậm chân tại chỗ, gây lo ngại là hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận cho thời kỳ hậu Brexit. Trong trường hợp đó, Anh Quốc sẽ phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, có nghĩa là hàng hóa sẽ bị áp thuế trong giao thương với Liên Hiệp Châu Âu.
Tuy bộ trưởng đặc trách Brexit Dominic Raab tuyên bố là khả năng này « rất khó xảy ra », nhưng hôm qua, Luân Đôn đã công bố 25 tài liệu kỹ thuật, trên tổng số 80 tài liệu dự trù từ đây đến cuối tháng 9, để hướng dẫn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp Anh Quốc những gì cần phải làm trong trường hợp không đạt được thỏa thuận cho cuộc « chia tay » với Liên Hiệp Châu Âu.
Trước hết, chính phủ Anh dự báo là người dân nước này khi giao dịch, mua bán với các nước trong Liên Hiệp Châu Âu sẽ gặp tình trạng chi phí cao hơn và thủ tục chậm hơn. Phí sử dụng thẻ ngân hàng giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu cũng có thể tăng cao. Đặc biệt là mua hàng trên mạng sẽ tốn kém hơn, vì hàng hóa mua từ Liên Hiệp Châu Âu sẽ không còn được hưởng thuế giá trị gia tăng ( TVA) ở mức thấp.
Thứ hai, các doanh nghiệp Anh Quốc làm ăn với Liên Hiệp Châu Âu sẽ có chi phí tăng cao do thuế hải quan tăng và phải làm thêm nhiều giấy tờ. Vì vậy, chính phủ Anh khuyến cáo các doanh nghiệp nước này phải thương lượng lại các hợp đồng để phù hợp với những thay đổi về thủ tục hải quan và thuế.
Theo các tài liệu được chính phủ Anh công bố hôm qua, một cơ quan chuyên biệt sẽ được thành lập để giải quyết những « khiếu nại » của các doanh nghiệp, thay thế cho Ủy Ban Châu Âu. Luân Đôn trấn an là hải quan Anh sẽ cố gắng giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp « làm ăn chính đáng », nhưng vẫn bảo đảm kiểm tra hải quan theo đúng quy định.
Thứ ba là về các dịch vụ tài chính. Luân Đôn khuyến cáo các khách hàng trong những nước thuộc Không gian Kinh tế châu Âu là họ sẽ không thể nhờ đến các dịch vụ của một ngân hàng đầu tư đặt tại Anh Quốc. Để tránh những rối loạn trong hoạt động, nhiều ngân hàng đầu tư của Anh đã lập các chi nhánh trong Liên Hiệp Châu Âu.
Nguy cơ rối loạn thứ tư là trong lĩnh vực dược phẩm. Anh Quốc sẽ rời khỏi Cơ quan Dược phẩm châu Âu, nhưng trước mắt sẽ phải tiếp tục công nhận các kết quả thử nghiệm và các chứng nhận của Liên Hiệp Châu Âu để tránh phải làm hai lần thủ tục và cũng để tránh cho nguồn cung cấp không bị ngưng trệ. Hiện tại, về thuốc chữa bệnh, Anh Quốc đang có kho dự trữ an toàn cho 3 tháng và đang cùng với ngành dược phẩm nước này nâng khả năng của kho dự trữ lên 6 tháng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180824-anh-quoc-thoa-thuan-brexit-qt
40 sinh viên tranh đấu TQ mất tích
sau vụ đột kích của cảnh sát
Cảnh sát Trung Quốc trang bị chống bạo động hôm 24/8 đã đột kích một căn hộ nơi tạm trú của khoảng 40 sinh viên tranh đấu và những người bênh vực người lao đông đang tìm cách thành lập một công đoàn độc lập. Bản tin Reuters nói rằng kể từ đó không ai liên lạc được với những người bị bắt.
Reuters dẫn lời các nhà hoạt cho biết họ đã nhận được một đoạn video ghi hình cảnh sát trang bị khiên và mũ bảo hiểm, xông vào chỗ ở của các nhà hoạt động và xô xát với những người cư ngụ trong căn hộ.
Đoạn video hình như quay một căn hộ nơi sinh viên ở tại Huệ Châu, gần thành phố Thẩm Quyến.
Hiện vẫn chưa rõ việc gì đã xảy ra đối với các nhà hoạt động này. Các cuộc gọi đến cảnh sát khu vực và năm nhà hoạt động cư ngự tại căn hộ đều không được trả lời. Các nhà hoạt động tranh đấu vì quyền lợi của người lao động ở các vùng khác ở Trung Quốc đang theo dõi vụ việc này và đã cố gắng liên lạc với nhóm người mất tích nhưng vẫn bặt tin.
Cuộc đột kích này là hành động trấn áp mới nhất của chính quyền Trung Quốc nhằm trấn dẹp một phong trào lao động đang lớn mạnh ở tỉnh Quảng Đông, đã bắt đầu âm ỉ hồi tháng trước sau khi công nhân của một công ty sản xuất máy hàn, Jasic International, bị sa thải vì tìm cách thành lập một công đoàn độc lập.
Đấu tranh vì quyền của người lao động được xem là một thách thức đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cầm quyền. Bắc Kinh chống việc thành lập các công đoàn độc lập và trừng phạt những người biểu tình.
Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý
tăng cường quan hệ quân sự
Hãng tin Reuters ngày, 24/08/2018, trích dẫn một viên chức Ấn Độ, sau cuộc họp bộ trưởng Quốc Phòng hai bên ở New Delhi, cho biết Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý tăng cường quan hệ quân sự, đẩy mạnh phối hợp hành động để bảo đảm hòa bình ở vùng biên giới.
Năm 2017, quan hệ Ấn-Trung trở nên căng thẳng sau 73 ngày quân đội hai bên gườm nhau ở một chốt biên giới ở vùng núi Himalaya. Nhưng những tháng gần đây tình hình đã lắng dịu với nỗ lực từ hai phía.
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Feng He), viếng thăm Ấn Độ vào tuần này, đã khẳng định với thủ tướng Modi rằng quan hệ hai nước đã trở lại tốt lành như xưa.
Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã thảo luận trên nhiều vấn đề với đồng nhiệm Ấn Độ, theo thông cáo của chính phủ New Delhi : « Hai bên quyết định mở rộng quan hệ giữa hai quân đội trên vấn đề huấn luyện, tập trận chung và nhiều hoạt động chuyên môn khác.. ».
Hai bộ trưởng cũng thảo luận về vấn đề biên giới và đồng ý « thực hiện những biện pháp xây dựng » để bảo đảm hòa bình, và trong đó có đường dây liên lạc đỏ giữa quân đội hai nước.
Theo giới quan sát, Ấn Độ và Trung Quốc đang cùng đối mặt về nhiều vấn đề, kể cả việc áp thuế của Mỹ, nên hai lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp vào tháng Tư vừa qua đã quyết định củng cố quan hệ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180824-an-do-trung-quoc-quan-he-quan-su
Trung Quốc : Chiến thuật bạch tuộc
và mục tiêu siêu cường năm 2049
Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ sức mạnh của mình trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, đối ngoại, văn hóa, cũng như là quân sự. Theo phân tích của chuyên gia Tanguy Struye de Swielande, giáo sư Đại học Công giáo Louvain trên tạp chí Diplomatie (Đối Ngoại) số ra cho tháng 6-7/2018, cùng với ba chiến thuật « Tianxia, Salami và Push and Pull » trong chiến lược con bạch tuộc, Bắc Kinh đang dồn nhiều cường quốc đối thủ vào thế bị động, gây lo ngại cho các nước láng giềng, đồng thời nhắm đến mục tiêu trở thành siêu cường thế giới năm 2049. Ban Tiếng Việt đài Phát thanh Quốc tế Pháp lược dịch.
Ngày 31/12/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân bài diễn văn cuối năm, tuyên bố « Trung Quốc muốn hành động với tư cách như là người kiến tạo hòa bình thế giới, góp phần phát triển toàn cầu và là người bảo vệ trật tự thế giới. Việc xây dựng một cộng đồng có một tương lai chung vì nhân loại, một khái niệm quan trọng cho thời kỳ ngoại giao mới của Trung Quốc, tất phải dựa trên nền tảng hợp tác theo mô hình đôi bên cùng có lợi và biến đổi hành tinh Trái Đất thành một gia đình thuận thảo ».
Thế nhưng, theo quan sát của ông Tanguy Struye de Swielande, đằng sau những lời lẽ bóng bẩy đó, là cả một chiến lược lớn đã được Trung Quốc kỹ lưỡng thiết lập. Hơn bao giờ hết, Bắc Kinh hiểu rõ sức mạnh của ngôn từ và với tài « biến hóa », Trung Quốc đã làm cho phương Tây mất phương hướng.
Bắc Kinh lần lượt đẩy phương Tây cũng như nhiều nước khác vào tình thế như trong một ván cờ vây, mà thoạt nhìn thì những quân cờ được triển khai một cách rời rạc, nhưng thật ra không có gì là ngẫu nhiên cả. Trái lại, mọi việc được thực hiện theo một phương châm tạo dựng « lợi thế tiềm ẩn ».
Đây chính là điểm khác biệt lớn trong cách lập chiến lược giữa phương Tây và Trung Quốc. Phương Tây nhất nhất theo một khuôn mẫu định sẵn, đặt sự việc trong mối quan hệ lý thuyết – thực hành, nên khó mà đi trệch ra ngoài.
Ngược lại, Trung Quốc có cách tiếp cận linh hoạt, vạch ra những đường hướng/lô-gic chính khi hoạch định chiến lược. Không như phương Tây, Trung Quốc không muốn nhìn sự việc theo hai mặt đối lập tốt/xấu, dân chủ/độc tài, vì thế nước này có rộng đường hành động, tránh cưỡng ép hay áp đặt và như vậy có thể truy tầm, lựa chọn « lợi thế tiềm ẩn ».
Hơn nữa, giữa phương Tây và Trung Quốc có một sự khác biệt lớn về văn hóa và triết lý. Do đó, nếu phương Tây tìm hiểu chiến lược Trung Quốc một cách khiên cưỡng qua cách nhìn của mình thì chỉ sẽ không nhìn thấy gì hoặc diễn giải lệch lạc.
Việc lời nói không đi đôi với hành động của Trung Quốc cũng giống như bao cường quốc khác mong muốn có được vị thế nước lớn hay siêu cường. Tuy nhiên, theo chuyên gia người Bỉ, điểm khác biệt đáng chú ý là cho đến hiện nay Bắc Kinh đã tỏ ra khôn khéo hơn nhiều cường quốc trong cùng một vị thế. Chính các điểm đó thôi cũng đủ thấy Trung Quốc càng trở nên nguy hiểm dường nào so với các cường quốc khác.
Ba chiến thuật
Điều này giải thích phần nào thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Tanguy Struye de Swielande nhắc lại mục tiêu « 2049 » – tức đạt vị thế cường quốc hàng đầu – là ưu tiên đối với Trung Quốc. Nhưng phương thức để đạt mục tiêu này đang chia rẽ nội bộ Trung Quốc theo hai luồng ý kiến.
Một bên muốn tiếp tục ẩn mình, cho rằng thời cơ hành động với tư cách là một đại cường và/hoặc lãnh đạo thế giới là chưa tới. Bên kia muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc đang trở lại thành cường quốc, và muốn được công nhận có một vị thế cường quốc, cũng như là xóa tan một thế kỷ nhục nhã (1839 – 1949). Tuy nhiên, Trung Quốc của Tập Cận Bình dường như đi theo hướng trung dung.
Đối với các nước lân bang, trong đó có vùng Biển Đông, quan điểm của Trung Quốc ngày càng rõ nét, cho rằng khu vực này phải được hội nhập vào các lợi ích trọng tâm của nước này. Các chính sách thực hiện từ sáu năm qua đã xác nhận chính sách này, và Bắc Kinh gần như đã truy tầm thành công « lợi thế tiềm ẩn », tận dụng được việc thiếu các phản ứng nghiêm túc từ phía các cường quốc khu vực đối với chính sách xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Vượt lên trên các lợi ích trọng tâm này, bất kể là ở cấp độ khu vực hay toàn cầu, chính sách của Trung Quốc chủ yếu vẫn tự cho mình như là một giải pháp thay thế cho trật tự tự do phương Tây, mà Trung Quốc đánh giá là đang suy tàn. Ở đây, một lần nữa, Trung Quốc sẽ tận dụng « thời thế » để đẩy các quân cờ của mình, hơn là khẳng định vai trò và vị thế cường quốc của mình.
Vẫn theo chuyên gia Swielande, dù rằng các mục tiêu khu vực (bao gồm thành lập một Tianxia 2.01, tức là “châu Á cho người châu Á”) và mục tiêu toàn cầu (các con đường tơ lụa mới) đều rất rõ ràng, Trung Quốc không có ý định thúc ép mọi việc, chấp nhận đầu tư và chờ đợi lâu dài để có được các thời cơ thuận lợi.
« Trung Quốc có một mối liên hệ với thời gian khác xa với phương Tây. Không những nước này có khả năng nhìn xa trong dài hạn (2049) mà còn có thể đầu tư về lâu dài : “Thời điểm hiện tại” được xem như là một sự “đầu tư”. Như giải thích của ông François Julien, đó là sự thu hồi vốn đầu tư dài hạn thông qua bước khởi đầu của một tiến trình.
Phương Tây có xu hướng đi theo chiều ngược lại, thích sự thu hồi vốn nhanh (ví dụ như phần đông các chính sách kinh tế và môi trường được tiến hành dưới thời chính quyền Donald Trump được cho là đi theo xu hướng này) ».
Trung Quốc : Con bạch tuộc khôn ngoan
Trước sự linh hoạt, khôn khéo trong cách thực hiện các chính sách của Trung Quốc, ông Tanguy Struye de Swielande đã không ngần ngại ví chiến lược lớn của Trung Quốc với hình ảnh con bạch tuộc. Một loài sinh vật biển được cho là thông minh, giảo quyệt và khôn khéo.
« Vì không có khung xương, nên bạch tuộc dễ dàng thay hình đổi dạng, sự linh hoạt này chính là nét đặc trưng của các chính sách do Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông chẳng hạn, nơi mà nước này áp dụng chính sách vừa trừng phạt vừa ban thưởng. Một kiểu chiến thuật được gọi là “salami2” và “push and pull3“.
Bạch tuộc còn được biết đến có tài trá hình, cho phép nó không bị nhận dạng ; điều đó nhắc chúng ta nhớ đến chính sách do Trung Quốc thi hành trên trường quốc tế thông qua sức mạnh ngôn từ, cho phép nhấn mạnh đến sự “hài hòa, chuẩn mực, ý định không muốn xem xét lại vấn đề trật tự thế giớiʺ.
Với hình ảnh con bạch tuộc, Trung Quốc còn được biết đến khả năng bắt chước bằng cách tự thích nghi. Điều đó được thực hiện bằng cách sao chép trên các phương diện, chẳng hạn như quốc phòng (chiến đấu cơ, tầu chiến, thiết bị bay không người lái…), kinh tế (tầu siêu tốc, xe ô tô…), ngay cả đến các định chế (Ngân hàng Phát triển Hạ tầng Á châu – AIIB). Những sao chép này đôi khi thành công đến mức trở thành đối thủ cạnh tranh với bản gốc.
Mặt khác, giống như con bạch tuộc, Trung Quốc cũng cách tân và sáng tạo. Cùng với những chiếc vòi giác mút mạnh, bạch tuộc có thể bắt lấy mồi trước khi phun nọc độc thần kinh vào chúng. Đó chẳng phải là những gì Trung Quốc đang làm với chính sách chiếc bẫy nợ, nghĩa là cấp các khoản tín dụng cho nhiều quốc gia, để rồi sau đó những nước này không có khả năng hoàn trả ? Thế là họ buộc phải nhượng quyền sở hữu nhiều tài sản chiến lược (mỏ khai thác, cảng biển…). Tóm lại, hình ảnh con bạch tuộc này cho phép minh họa một cách rõ nét và đơn giản một vài điều phức tạp. »
*****
Chú thích :
(1) – « Tianxia 2.0 »: Với chiến thuật « Thiên hạ 2.0 » này, Trung Quốc muốn đặt vùng Đông Nam Á trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh qua việc làm cho khu vực này, cũng như nhiều vùng khác phải lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc khi sử dụng chiêu bài « bản sắc châu Á ».
(2) – « Chiến thuật Salami » : Tiến từng bước thật nhỏ sao cho không đối phương không có phản ứng vì cho rằng chẳng có tác hại. Nhưng trong dài hạn, Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng mà vẫn tránh bị phản đòn. Một khi mục tiêu đạt được, đối phương không kịp phản ứng vì quá trễ, mà ví dụ điển hình là việc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông thành các tiền đồn quân sự của Trung Quốc.
(3) – « Push and Pull » : Cách thức mà Trung Quốc sử dụng cho chiến thuật thay thế. Một hình thức phạt và thưởng, cưỡng ép và chiêu dụ. Chẳng hạn như tại Biển Đông, Trung Quốc cố tình xây dựng các đảo nhân tạo, nhưng khi bị phản ứng mạnh mẽ, Bắc Kinh đề nghị thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử mới nhằm hạ nhiệt tình hình. Một khi sự việc đã được kiểm soát, Trung Quốc « push » trở lại.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180824-trung-quoc-chien-thuat-bach-tuoc-sieu-cuong-2049
Đài Loan có thể mất thêm
đồng minh ngoại giao vì Trung Quốc
Đài Loan đang có nguy cơ mất thêm các đồng minh ngoại giao cuối cùng sau khi bị El Salvador cắt đứt quan hệ để chuyển sang công nhận Trung Quốc, các báo ở Hong Kong và Đài Loan đưa tin.
Hiện giờ Đài Bắc đang lo ngại về hiệu ứng domino sau vụ El Salvador. Họ lo rằng các quốc gia Trung Mỹ khác là Guatemala và Honduras cũng nối gót theo El Salvador.
Đã có những dấu hiệu cho thấy Guatemala sẽ là nước kế tiếp có bước đi này.
Theo tin của Apple Daily hôm 23/8, trong khi tòa đại sứ của Nicaragua và Honduras ở Đài Bắc đã ra tuyên bố khẳng định mối quan hệ ‘bền vững’ với Đài Loan và rằng họ sẽ không cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này thì Guatemala lại không hề có tuyên bố tương tự.
Trong lúc này, ông Lưu Đức Lập, Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan sắp được bổ nhiệm làm đại sứ mới ở Guatemala, cũng theo Apple Daily. Việc bổ nhiệm một chuyên gia về Mỹ Latin như ông Lưu là dấu hiệu cho thấy Đài Bắc đang lo ngại quan hệ của họ với Guatemala sẽ gặp bất trắc.
Ông Âu Hồng Luyện, Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu, nói rằng việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Đài Loan và El Salvador có thể dẫn đến hiệu ứng dây chuyền với các nước Guatemala và Honduras
“Đó là vì Guatemala, Honduras và El Salvador đều nằm ở khu vực Trung Mỹ. Quan hệ và lợi ích quốc gia của họ gắn kết chặt chẽ với nhau,” ông Âu được SCMP dẫn lời nói.
Cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều thúc đẩy các chương trình hợp tác khu vực ở Trung Mỹ nhưng Bắc Kinh có thể bóp nghẹt nỗ lực của Đài Bắc, ông cho biết.
Hiện giờ Đài Loan chỉ còn quan hệ ngoại giao chính thức với 17 nước. Ở châu Phi và châu Âu mỗi nơi họ chỉ có một đồng minh là eSwatini và Vatican. Tất cả các đồng minh ngoại giao còn lại đều nằm ở khu vực Mỹ Latin, các đảo Caribe và Nam Thái Bình Dương.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền từ năm 2016 với chủ trương Đài Loan độc lập, đã có năm nước từ bỏ quan hệ với Đài Loan, trong đó có ba nước Mỹ Latin là Panama, Cộng hòa Dominica và mới đây là El Salvador.
Trong lúc này, Bắc Kinh đang công khai kêu gọi eSwatini, vốn có tên cũ là Swaziland, quốc gia Phi châu cuối cùng còn công nhận Đài Loan, thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Hôm 22/8, một quan chức đại lục đã kêu gọi eSwatini từ bỏ Đài Loan trước hội nghị thượng đỉnh Trung-Phi vào tháng tới tại Bắc Kinh, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tường thuật.
Theo đó, ông Trần Hiểu Đông, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng eSwatini không có quan hệ với Bắc Kinh ‘vì những lý do mà ai cũng biết’.
“Chúng tôi trông đợi và hy vọng rằng tất cả các nước châu Phi, không có nước nào bị bỏ lại, có thể tham gia vào hợp tác Trung-Phi mang tính tích cực và trở thành thành viên của cuộc gặp gia đình lớn nhất,” ông Trần được SCMP dẫn lời nói.
Tuy nhiên Ngoại trưởng eSwatini Mgwagwa Gamedze nói rằng vương quốc của ông sẽ không chuyển sang Trung Quốc.
“Họ không nên chơi trò chiến tranh tâm lý bởi vì quan hệ của chúng tôi với Đài Loan đã có hơn 50 năm do đó chúng tôi sẽ không bỏ họ đâu,” ông Gamedze phát biểu trong một chuyến công du đến Đài Loan. “Chúng tôi không mong muốn đổi bên vì Đài Loan đã đối xử tốt với chúng tôi.”
Trong một diễn biến liên quan, các vị đang được chờ bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ ở Nicaragua và Honduras đã cam kết trước Quốc hội Mỹ rằng ưu tiên của họ là sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ giữa các nước này với Đài Loan ngay sau khi họ nhận nhiệm sở.
Đại sứ được đề cử cho Nicaragua, ông Kevin Sullivan, và đại sứ được đề cử cho Hondura, ông Fracisco Palmieri, đã đưa ra cam kết này trong phiên điều trần trước Ủy bạn Đối ngoại Thương viện hôm 22/8, hãng thông tấn CNA của Đài Loan đưa tin.
Thượng nghị sỹ Cory Gardner nói trong phiên điều trần rằng ông hy vọng hai vị được đề cử đại sứ sẽ cố gắng thuyết phục hai quốc gia Trung Mỹ này duy trì quan hệ với Đài Loan và ý thức được tầm quan trọng của mối quan hệ này.
“Quan hệ của họ với Đài Loan có ý nghĩa rất lớn với quan hệ của họ với Hoa Kỳ,” ông Gardner nói.
Thượng nghị sỹ Ed Markey nói rằng Washington sẽ dùng tất cả mọi đòn bẩy mà họ có để gây ảnh hưởng với các quốc gia Trung Mỹ về vấn đề này.
(Theo CNA/Taiwan News/SCMP/ Apple Daily)
Duterte:
Mỹ muốn bàn chuyện bán vũ khí cho Philippines
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ Năm cho biết ba thành viên nội các của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm kiếm một cuộc đối thoại về kế hoạch mua sắm các thiết bị quốc phòng của Manila.
Ông Duterte cho biết ông đã nhận được một bức thư có chữ kí của Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tái khẳng định “sự ủng hộ mạnh nhất” của Washington cho nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Philippines.
Tiết lộ của ông Duterte được đưa ra sau khi một quan chức Lầu Năm Góc tới thăm Philippines vào tuần trước. Ông Randall Schriver khuyên Manila chớ nên mua các hệ thống vũ khí và nền tảng của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana theo lịch trình sẽ gặp người tương nhiệm của Nga trong tuần này về khả năng mua vũ khí của Nga, truyền thông địa phương cho biết.
Thư của chính phủ Mỹ, được ông Duterte đọc trong một sự kiện quân sự ở thành phố quê nhà Davao, nói rằng “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai nước “sẽ chỉ phát triển mạnh hơn bằng cách gia tăng đối thoại và hợp tác, đặc biệt về an ninh.”
Bức thư lưu ý quyết định gần đây của Manila mua máy bay trực thăng tiện ích chiến đấu Bell và máy bay tiện ích Cessna. Bell và Cessna đều là những mặt hàng của tập đoàn Textron.
“Chúng tôi hi vọng sẽ hợp tác trong mọi thương vụ mua sắm quốc phòng quan trọng,” các quan chức Mỹ đã được dẫn lời nói trong bức thư.
Đại sứ quán Mỹ tại Manila không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Tuy nhiên, ông Duterte nói những gì ông cần là máy bay trực thăng tấn công và máy bay nhỏ dùng cho các hoạt động chống nổi dậy.
Ông bày tỏ sự sẵn lòng gặp gỡ ba quan chức Mỹ, nhưng nói rằng ông sẽ không đến Mỹ để đối thoại.
Ông Duterte đã tuyên bố sẽ mua thiết bị quân sự hoàn toàn mới để chống lại phiến quân theo chủ nghĩa Mao và theo Hồi giáo, và không còn chấp nhận vũ khí đã qua sử dụng của Mỹ nữa.
https://www.voatiengviet.com/a/duterte-my-muon-ban-chuyen-ban-vu-khi-cho-philippines/4541705.html
30 người bị Mỹ trục xuất về đến Campuchia
30 người Campuchia từng sống lâu năm ở Mỹ đã về đến Campuchia hôm thứ Tư sau khi bị trục xuất theo luật Mỹ cho phép hồi hương những người nhập cư bị tuyên phạm trọng tội và chưa trở thành công dân Mỹ.
Đây là nhóm người mới nhất được trả về Campuchia theo thỏa thuận song phương năm 2002. Hơn 500 người Campuchia khác đã được hồi hương.
Chương trình này đang gây tranh cãi bởi vì nó chia rẽ các gia đình, và trong một số trường hợp người hồi hương chưa bao giờ sống ở Campuchia, là con của những người tị nạn nương náu tại các trại tị nạn ở Thái Lan để thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ diệt chủng cai trị Campuchia vào những năm 1975-1979.
Campuchia, nước có quan hệ không mấy suôn sẻ với Mỹ, chính thức đình chỉ chương trình này vào năm 2017 nhưng cho tiếp tục vào năm nay.
Những người chỉ trích chính sách trục xuất nói rằng nhiều người bị kết tội đã rơi vào cạm bẫy tội ác vì bị xáo trộn xã hội và sốc văn hóa. Họ nói những người trở về gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội Campuchia vì nhiều người đã sống phần lớn cuộc đời họ ở Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-bi-my-truc-xuat-ve-den-campuchia/4541692.html
Tân Thủ tướng Úc tuyên thệ nhậm chức
sau một tuần đấu đá nội bộ
Ông Scott Morrison, Bộ trưởng Ngân khố Úc, một thành viên của đảng Tự do đương quyền, vừa tuyên thệ để trở thành vị Thủ tướng thứ 30 của Úc.
The hãng tin Reuters, hôm 24/8 ông Morrison đã chiếm được vị trí Thủ Tướng với 45 phiếu thuận, đánh bại đối thủ là Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton, người dành được 40 phiếu trong cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng.
Hệ thống truyền thanh truyền hình Úc ABC tường thuật rằng đây là cuộc bỏ phiếu thứ nhì trong tuần qua để chọn lãnh đạo mới sau khi Thủ tướng Malcolm Turnbull bị thách thức và mất phiếu tín nhiệm.
Trở thành Thủ tướng thứ 6 của Úc trong chưa đầy 10 năm, ông Morrison giờ nắm quyền lãnh đạo liên minh cầm quyền gồm đảng Tự do và đảng Quốc gia.
Phát biểu trong lần xuất hiện đầu tiên sau khi giành chiến thắng, ông Morrison nói: “Thế hệ lãnh đạo mới trong liên minh Tự do đang đứng về phe quý vị.”
Ông Morrison tuyên thệ nhậm chức không lâu sau 6 giờ chiều ngày 24/8, giờ địa phương, (0800 GMT) hôm thứ Sáu.
Thủ tướng mãn nhiệm Malcolm Turnbull loan báo ông sẽ từ bỏ quốc hội, làm lung lay thế đa số mong manh chỉ có 1 ghế của liên minh Tự do-Quốc gia.