Tin khắp nơi – 23/08/2018
Trump đánh thuế hàng TQ ‘tăng hai’ là 25%
Chiến tranh thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhắm vào Trung Quốc đã tăng lên một mức với vòng hai của đợt thuế 25% đánh vào hàng nhập từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực.
Tổng cộng trị giá 16 tỷ USD, đợt thuế nhập này đẩy nhanh cuộc tranh chiến thương mại bắt đầu từ tháng 7.
Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn là xuất sang nước này.
Có những lo ngại rằng gia tăng thuế quan có thể gây thêm thiệt hại cho các công ty và người tiêu dùng. Hàng hóa bị ảnh hưởng lần này gồm xe máy và ăng ten.
Thuế quan của Trump có ngăn chặn gián điệp TQ?
Trump ‘phàn nàn về Trung Quốc’
TQ lên kế hoạch áp thêm thuế sau khi Mỹ đe dọa
Trung Quốc ngay lập tức áp thuế trả đũa với cùng giá trị lên hàng hóa Mỹ.
Tại sao cuộc chiến xảy ra?
Tổng thống Trump đã kêu ca về thương mại không công bằng thậm chí trước khi ông trở thành tổng thống.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông nói Trung Quốc can dự vào việc “cưỡng bức” nền kinh tế Mỹ.
Ông ra lệnh điều tra các chính sách thương mại của Trung Quốc hồi tháng 8/2017 và đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng Một năm nay.
Sự quyết đoán của ông là Trung Quốc – và các quốc gia khác – đang lợi dụng các công ty Mỹ bằng cách bán hàng của họ quá rẻ.
Ở Trung Quốc, chi phí sản xuất thấp và tỷ giá đồng nhân dân tệ thấp đã kiềm chế cạnh tranh giá cả. Hệ quả là, hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ vượt xa số lượng hàng hóa nhập từ các nước khác.
Tổng thống Trump cho rằng bằng cách áp thêm thuế – hoặc thuế quan – ông sẽ làm cho các công ty Mỹ kinh doanh thuận lợi hơn, hàng hóa của họ sẽ trở nên rẻ hơn ở Mỹ.
Cũng như Trung Quốc, chính sách thương mại dân túy Nước Mỹ trên hết (America First) của ông Trump đã chứng kiến thuế quan áp đặt lên Mexico, Canada và EU để khuyến khích người tiêu dùng mua hàng hóa Mỹ.
Tất cả các quốc gia này đều có biện pháp trả đũa.
Hàng hóa nào bị áp thuế?
Mỹ đã áp dụng thuế quan mới với một loạt hàng hóa trong danh mục 279 sản phẩm, bao gồm giường và cũi trẻ em, thuốc thú y, chất bán dẫn, nhựa, hóa chất và thiết bị đường sắt, tôm và các sản phẩm tôm, túi xách và tủ lạnh.
Danh sách 333 danh mục sản phẩm của Hoa Kỳ bị Trung Quốc áp thuế bao gồm than, phế liệu đồng, nhiên liệu, xe buýt và thiết bị y tế.
Các mặt hàng trước đây bị ảnh hưởng bao gồm thép, đậu nành, trái cây, rượu vang, rượu whisky, xe máy Harley Davidson nổi tiếng và hàng hóa kích cỡ lớn.
Mỹ: Phe Cộng hòa ‘rất lo’ về kế hoạch của Trump
Mỹ-Trung ‘không gây chiến tranh thương mại’
Trump dọa đánh thêm 100 tỷ đôla thuế vào hàng TQ
Tác động ở Mỹ là gì?
Mặc dù ông Trump nói rằng hành động của ông nhằm bảo vệ ngành công nghiệp và kinh doanh Mỹ, hàng chục công ty và tập đoàn công nghiệp Hoa Kỳ đã làm chứng trước Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ rằng các doanh nghiệp của họ đang bị tổn hại.
TQ ‘sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia’
Thuế của EU lên hàng hóa Mỹ có hiệu lực
Trump tuyên chiến thương mại với Trung Quốc
Các nhà sản xuất ô tô lớn gần đây đã cảnh báo rằng những thay đổi về chính sách thương mại đã gây hại đến hiệu suất của họ.
Nhu cầu đối với hàng hóa của họ ở Trung Quốc đã giảm khi các sản phẩm của Mỹ được sản xuất đắt do thuế quan bổ sung, đó là điều thuế quan đã gây ra.
Và thậm chí còn có cảnh báo rằng thuế quan đối với cũi trẻ em có thể gây hại cho sức khỏe. “Việc tăng thuế lên các sản phẩm giường cho trẻ em sẽ trực tiếp thúc đẩy gia tăng nguy cơ an toàn cho trẻ em”, Sam Shamie, của công ty Delta Enterprise Corporation tuyên bố.
Kenneth O’Brien thuộc Tập đoàn Shippers Gemini đặc biệt lên tiếng phản đối thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ông nói “sẽ dẫn đến việc phá hủy các công việc của Mỹ và nguy cơ phá sản các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ”.
Cùng với hàng hóa Trung Quốc trở lên đắt hơn cho người tiêu dùng Mỹ, giá một số mặt hàng Mỹ cũng có thể tăng lên.
Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm bị áp thuế trả thù cảnh báo họ sẽ không thể chịu một loại thuế khác mà không tăng giá cho người tiêu dùng Mỹ.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp hoan nghênh động thái này.
Liên minh tôm miền Nam rất vui vì không phải cạnh tranh với các sản phẩm tôm của Trung Quốc. Họ cũng nói rằng đây là một nguy cơ sức khỏe cho công chúng Mỹ, do đó, có thêm một lợi ích bổ đối với thuế quan ở đây.
Tác động ở Trung Quốc là gì?
Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ và cáo buộc nước này “đơn phương” gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế khổng lồ.
Khác biệt chính là hàng hóa Trung Quốc được mua rất rộng rãi ở Mỹ, cũng như các nơi trên thế giới. Lý do chính là Trung Quốc còn được gọi là công xưởng của thế giới.
Danh sách hàng hóa của Mỹ bị đánh thuế ở Trung Quốc thường là mặt hàng xa xỉ phẩm, đắt tiền và ít cần thiết.
Do đó, hàng hóa để Trung Quốc áp thuế trả đũa thường ít hơn, giảm thiểu tác động trước mắt.
Nhưng cũng có những cách khác để Trung Quốc có thể đáp trả. Iris Pang, nhà kinh tế học Trung Quốc tại ING Wholesale Banking ở Hong Kong nói rằng nó có thể khó khăn hơn cho các doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Trung Quốc, bằng cách tăng chi phí và thủ tục hành chính.
Các quốc gia khác thì sao?
Karishma Vaswani, phóng viên kinh doanh châu Á của BBC chỉ ra rằng những gì gây tổn hại cho Bắc Kinh cũng có thể làm tổn hại các nước khác.
Nhiều hàng hóa được lắp ráp cuối cùng ở Trung Quốc thực sự đến từ các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia và Indonesia, và đi qua Singapore để có một vài sản phẩm khác bổ sung vào.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết việc leo thang ‘ăn miếng trả miếng’ có thể làm giảm 0,5% tăng trưởng toàn cầu vào năm 2020.
Các nhà kinh tế nói rằng điều đó có nghĩa là một số quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có thể thấy cùng một tỷ lệ phần trăm suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Nhưng, bà Karishma Waswani cũng nói, nếu chiến tranh thương mại tiếp tục, triển vọng có thể tồi tệ hơn nhiều.
Bước tiếp theo là gì?
Các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc có các cuộc đàm phán cấp thấp ở Washington, nhưng không có nhiều hy vọng rằng chúng có thể chấm dứt tranh chấp.
Hoa Kỳ đe dọa sẽ áp thuế lần ba lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, có thể là trong tháng 9 này.
Những sản phẩm này có thể bị đánh thuế 25% – gấp đôi so với kế hoạch ban đầu là 10%.
Trung Quốc cho biết họ sẽ đáp trả với mức thuế khác trị giá 60 tỷ USD lên hàng hóa Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc có kế hoạch đệ đơn khiếu nại mới chống lại thuế quan này của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cơ quan xét xử các tranh chấp thương mại toàn cầu.
Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo về “cuộc phản công” sau khi Washington áp thuế, nói rằng họ “nghi ngờ rõ ràng” Mỹ vi phạm các quy định của WTO.
Nước này đệ đơn khiếu nại ban đầu lên WTO hồi tháng Bảy khi ông Trump áp đặt thuế quan lần một.
Cuối cùng, tất cả hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ có thể phải chịu thuế quan.
Hồi tháng 7, Tổng thống nói rằng ông đã sẵn sàng đánh thuế tổng trị giá 500 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Trung Quốc đã trả đũa với hai lần áp thuế quan của Mỹ và không có lý do gì để nghĩ rằng họ sẽ không đáp trả y hệt.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-45282415
Đảng Dân chủ giờ nói nỗ lực xâm nhập tin tặc
là kiểm tra an ninh nội bộ
Điều mà Đảng Dân chủ lúc đầu cho là một nỗ lực của tin tặc xâm nhập cơ sở dữ liệu cử tri khổng lồ của đảng hóa ra chỉ là một cuộc kiểm tra an ninh.
Bob Lord, giám đốc an ninh của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc (DNC), hôm thứ Năm cho biết nỗ lực xâm nhập “được dàn dựng bởi một bên thứ ba như một phần của một cuộc kiểm tra phising mô phỏng.” Phishing là một hình thức lấy cắp dữ liệu người dùng bằng cách lừa họ tiết lộ những thông tin cá nhân như mật khẩu.
“Cuộc kiểm tra, mô phỏng một số đặc tính của những cuộc tấn công thực sự nhắm vào hồ sơ cử tri của Đảng Dân chủ, không được ủy quyền bởi DNC, VoteBuilder hay bất kì nhà cung cấp nào của chúng tôi,” ông Lord nói.
DNC hôm thứ Tư khơi lên lo ngại khi cho biết họ đã được thông báo rằng tin tặc đã tạo một trang đăng nhập giả mạo để thu thập tên và mật khẩu người dùng nhằm truy cập vào hồ sơ cử tri của đảng chứa thông tin về hàng chục triệu cử tri. DNC nói nỗ lực này đã nhanh chóng bị ngăn chặn bằng cách đình chỉ tài khoản của kẻ tấn công và không có thông tin nào bị xâm phạm.
Chưa đầy ba tháng nữa là tới cuộc bầu cử tháng 11, tin tức về chuyện DNC có thể đã bị tấn công lại thổi bùng những lo ngại về an ninh của hệ thống bầu cử quốc gia. Hai năm trước, các tin tặc Nga đã khiến DNC rơi vào tình trạng hỗn loạn bằng cách xâm nhập hệ thống máy tính của họ và tung ra hàng chục ngàn email giữa cuộc vận động tranh cử tổng thống.
AP cho biết một quan chức cao cấp của Đảng Dân chủ hôm thứ Năm nói rằng nỗ lực xâm nhập này là kết quả của việc Đảng Dân chủ bang Michigan thu xếp thực hiện một nỗ lực phishing để kiểm tra an ninh đăng nhập. Đảng Dân chủ cấp bang đã không cảnh báo DNC hoặc nền tảng internet lưu trữ dữ liệu cử tri về cuộc kiểm tra của họ, quan chức này cho biết.
Quan chức này không được phép phát biểu về thông tin an ninh nhạy cảm và nói chuyện với AP với điều kiện giấu tên.
Bang New York ra trát buộc cựu luật sư Cohen
của Trump khai chứng
Bang New York đã gửi một trát buộc khai khai chứng hôm thứ Tư cho cựu luật sư của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Michael Cohen, liên quan với một cuộc điều tra nhắm vào tổ chức từ thiện mang tên Quỹ Trump (Trump Foundation), một quan chức bang New York cho biết.
Trát buộc khai chứng được đưa ra bởi sở thuế vụ bang New York, quan chức này cho biết, sau khi luật sư của ông Cohen, Lanny Davis, phát biểu rằng ông Cohen có thông tin về Quỹ Trump, có trụ sở ở bang này.
James Gazzale, một phát ngôn viên của sở thuế vụ bang New York, cho biết cơ quan này sẽ làm việc với tổng chưởng lý New York và công tố viên khu vực Manhattan nếu thích hợp.
Tổng chưởng lý của bang, Barbara Underwood, đã đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump, ba người con của ông và quỹ từ thiện của ông vào tháng 6, nói rằng ông Trump đã sử dụng phi pháp tổ chức phi lợi nhuận này như cuốn “sổ séc” cá nhân để làm lợi cho chính ông, bao gồm cả chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông.
“Chúng tôi không thể bình luận về các cuộc điều tra tiềm năng hoặc đang diễn tiến,” Amy Spitalnik, phát ngôn viên của tổng chưởng lý, nói hôm thứ Tư.
“Như vụ kiện của chúng tôi nhắm vào Quỹ Trump cho thấy rõ, chúng tôi sẽ buộc Donald Trump và các cộng sự của ông ta chịu trách nhiệm về những vi phạm luật pháp của bang, và sẽ tìm kiếm đề nghị điều tra hình sự từ cơ quan cấp bang phù hợp nếu cần,” bà Spitalnik nói.
Danny Frost, phát ngôn viên của công tố viên khu vực Manhattan Cyrus Vance, từ chối bình luận.
Ông Cohen hôm thứ Ba đã nhận tội tại tòa án liên bang ở Manhattan về tám cáo buộc hình sự, bao gồm trốn thuế, gian lận ngân hàng và vi phạm luật tài chính vận động tranh cử.
Trump: Việc đã rồi mới phát hiện
cựu luật sư Cohen trả ‘tiền bịt miệng’
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư nói ông phát hiện sau khi việc đã rồi về các khoản chi trả của luật sư của ông khi đó, Michael Cohen, cho hai người phụ nữ tuyên bố họ có quan hệ tình ái với ông Trump nhằm bịt miệng họ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông nói thêm rằng tiền này là do ông bỏ ra chứ không phải ban vận động tranh cử của ông.
“Sau này tôi mới biết,” ông Trump nói với kênh tin tức Fox News khi được hỏi liệu ông có biết về các khoản thanh toán không. “Và tiền không phải từ nguồn tài chính vận động tranh cử… Không phải từ ban vận động tranh cử mà là từ tôi.”
Ông Cohen, khi tuyên bố nhận tội về tám cáo buộc hình sự bao gồm trốn thuế, gian lận ngân hàng và vi phạm luật tài chính vận động tranh cử, nói với một tòa án liên bang hôm thứ Ba rằng ông Trump đã chỉ đạo ông thu xếp các khoản chi trả nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 – một tuyên bố trái ngược với tuyên bố của ông Trump.
“Câu hỏi đầu tiên của tôi, khi tôi nghe về chuyện đó là, ‘Có phải tiền lấy từ ban vận động tranh cử không,’ vì chuyện này có thể hơi gay go à nha,” ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox. “Và tiền không phải từ ban vận động tranh cử, và đó là điểm quan trọng.”
“Nó thậm chí không phải là vi phạm luật tài chính vận động tranh cử,” ông nói, lặp lại một tuyên bố ông đã đưa ra trước đó trong ngày trên Twitter mà không trưng ra bằng chứng nào, dù cả ông Cohen và các công tố viên đều nhất trí rằng các khoản tiền này là phạm pháp.
Khi đưa ra tuyên bố nhận tội hôm thứ Ba, ông Cohen không nêu tên cụ thể cho hai người phụ nữ hay thậm chí là ông Trump, nhưng ông khai rằng ông đã làm việc với một “ứng cử viên không nêu tên.” Số tiền này và ngày tháng đều trùng khớp với các khoản chi trả cho diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels và người từng là người mẫu tạp chí Playboy Karen McDougal.
Ông Cohen khai rằng khoản thanh toán đầu tiên được “phối hợp và thực hiện theo chỉ đạo của một ứng cử viên cho chức vụ liên bang,” và khoản thanh toán thứ hai được thực hiện “theo sự chỉ đạo của cùng một ứng cử viên.”
Tuyên bố nhận tội của ông Cohen được đưa ra sau nhiều tháng ông bị săm soi trong các cuộc điều tra liên bang và sau khi ông trở mặt với tổng thống. Trước đó ông Cohen từng nói là ông sẽ “đỡ đạn” cho ông Trump.
FBI đã đột kích phòng khách sạn, nhà riêng và văn phòng của ông Cohen vào tháng 4 và đã tịch thu hơn 4 triệu vật phẩm. Cuộc lục soát tìm kiếm hồ sơ ngân hàng, những trao đổi liên lạc với ban vận động của ông Trump và thông tin về khoản tiền 130.000 đôla trả cho cô Daniels và một khoản tiền 150.000 đôla cho cô McDougal. Cả hai người phụ nữ này đều tuyên bố Trump đã có quan hệ ngoài hôn nhân với họ, điều mà ông phủ nhận.
Ông Trump nói với các phóng viên vào tháng 4 rằng ông không hay biết bất cứ điều gì về các khoản thanh toán của ông Cohen cho cô Daniels. Lời giải thích của tổng thống và của luật sư của ông Rudy Giuliani đã thay đổi nhiều lần kể từ khi đó.
Vào tháng 7, đài CNN công bố một đoạn băng do ông Cohen thu âm mà dường như cho thấy luật sư này và ông Trump đang bàn chuyện mua bản quyền câu chuyện của cô McDougal với mục đích ém nhẹm vào tháng 9 năm 2016.
Cộng sự cũ bị kết án:
Hiểm họa gì đang rình rập ông Trump?
Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ đây hiện đang đối mặt với nguy cơ sẽ có những hành động phản ứng vượt tầm kiểm soát, bị liên đới trong vụ tai tiếng ‘trả tiền bịt miệng’ cho vụ ngoại tình, và khả năng các cử tri trung thành của ông không còn thiết tha đi bầu trong kỳ bầu cử giữa kỳ sắp tới, một bài phân tích trên tờ USA Today nhận định.
Những nguy cơ này đã trở nên hiển hiện sau khi hai cựu cộng sự thân tín của ông là Michael Cohen và Paul Manafort người đã nhận tội để được giảm án còn kẻ thì bị tuyên là có tội với hàng loạt tội danh hôm thứ Ba ngày 21/8.
Bước ngoặt trong cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về khả năng có sự thông đồng với Nga của ban vận động tranh cử của ông Trump đã có bước đột phá vào lúc ông Trump sắp lên đường đi vận động cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Trong bài phân tích có tựa đề ‘Những tai hại từ vụ việc của Michael Cohen và Paul Manafort có thể gây ra hậu quả thật sự cho ông Trump’, tờ USA Today nhận định rằng vụ lùm xùm lần này của ông Trump ‘hoàn toàn khác’ với những lần trước.
Theo tờ báo này thì nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump trước giờ vẫn diễn ra theo quy tắc như sau: những tin tức khiến khán giả sửng sốt mà sau đó trở thành chủ đề của những bài phân tích đáng sợ vốn đưa ra những dự đoán sẽ có thay đổi căn bản nhưng rồi thay đổi này không xảy ra và nó chóng được thay thế bằng một tin tức gây sửng sốt khác.
Lần này thì khác. Khác biệt ở đây là những diễn biến vốn khiến thủ đô Washington DC hồi hộp không thể bị động thái chính trị nào đó lèo lái đi chỗ khác hay bị làm cho xao nhãng bởi cơn nóng giận trên Twitter. Lòng trung thành đáng kinh ngạc của nhóm những người ủng hộ ông Trump, vốn sẽ vẫn đứng vững, không còn ý nghĩa ở đây.
Giờ đây cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã giành thắng lợi trong phiên tòa đầu tiên và đã kết tội cựu chủ tịch ban vận động tranh cử của ông Trump là ông Paul Manafort là gian lận tài chính. Bản án này được đưa ra chỉ vài phút sau khi cựu luật sư riêng của ông Trump, ông Michael Cohen, nhận tội. Hành động nhận tội này của ông Cohen đã làm liên đới ông Trump về tội vi phạm luật tài chính tranh cử với việc trả tiền bịt miệng trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016.
“Vẫn còn những câu chuyện ly kỳ ở phòng xử án ở phía trước,” bài phân tích dự đoán và so sánh cảm giác về mối nguy hiểm ngày càng tăng xung quanh Trump với những ngày tháng đầy xáo trộn của những người tiền nhiệm của ông: bước ngoặt trong vụ tai tiếng Watergate vốn khiến cho Tổng thống Richard Nixon phải từ chức và trong vụ Monica Lewinsky vốn khiến cho ông Bill Clinton bị luận tội.
Ngay cả một số đồng minh thân cận của ông Trump cũng lo ngại rằng các sự việc đang tiến triển theo một cách không thể đoán định và có thể khiến ông Trump có những phản ứng không thể kiểm soát. Quyết định của ông Trump ân xá cho Manafort, người mà mới mấy ngày trước ông đã ra sức bảo vệ trên Twitter vì đã không buông xuôi trước áp lực của cuộc điều tra như Michael Cohen và còn nói rằng ông ‘rất tôn trọng một người dũng cảm như thế’ hay việc ông sa thải Mueller ‘sẽ tạo ra một thảm họa ở quy mô mới’, theo USA Today.
Hãy xem ý nghĩa của những lời biện hộ mà tổng thống và những người thân cận của ông đưa ra.
“Việc này không có liên quan gì đến thông đồng với Nga,” ông Trump phát biểu trước các phóng viên ở Nhà Trắng và nói thêm rằng bản án đối với Manafort ‘không dính gì đến tôi’.
Tại Đồi Capitol, Thượng nghị sỹ bang Texas John Cornyn, một thành viên trong ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa, cũng có thái độ tương tự.
“À, tôi chưa thể xem kỹ tất cả các chi tiết, nhưng tôi có thể lưu ý rằng chuyện này không có gì liên quan đến việc thông đồng với Nga hay việc Nga can thiệp bầu cử,” ông Cornyn nói.
“Điều đó đúng. Bản án tù mà Manafort và Cohen đang đối mặt không phải là cho những tội danh về giúp đỡ Moscow can thiệp vào bầu cử Mỹ. Nhưng giờ đây bản thân ông Trump đang phải đối mặt với các cáo buộc thông thường hơn rằng ông đã vi phạm pháp luật với việc tìm cách che giấu hai vụ quan hệ tình ái ngoài luồng khi chúng có nguy cơ trở thành mối nguy chính trị đối với ông,” bài phân tích của USA Today viết.
Trong khi đó, cuộc điều tra về khả năng có thể có thông đồng với Nga và cản trở công lý vẫn đang tiếp diễn. Một số quyết định quan trọng sẽ chóng được đưa ra: thứ nhất là liệu ông Trump có chịu tình nguyện trả lời các câu hỏi của ông Mueller hay không và thứ hai là nếu như ông Trump không chịu thì liệu ông Mueller sẽ có trát đòi ông Trump đến gặp hay không.
Tờ báo này cho rằng thái độ của các cử tri đối với ông Trump hiện đã trở nên đủ cứng rắn nên họ sẽ không lay chuyển. Các ủng hộ viên của ông vẫn sẽ nhắc đến thái độ chiến đấu của ông Trump và nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh như là những lý do để tiếp tục ủng hộ ông, chứ không phải lòng tin vào nhân cách của ông.
Tuy nhiên những vụ ồn ào mới nhất này vẫn có khả năng tác động đến cuộc bầu cử giữa kỳ vốn chỉ còn 76 ngày nữa là đến – không phải là chúng sẽ thay đổi lá phiếu của cử tri mà sẽ khiến họ nghĩ xem họ có nên cất công đi bỏ phiếu hay không. Các cử tri Cộng hòa vốn không bao giờ muốn bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ sẽ cảm thấy bị ức chế trước những vụ lùm xùm đầy xấu hổ nên nhiều khả năng sẽ ở nhà. Trong khi đó, các cử tri của Đảng Dận chủ vốn lâu nay chẳng mấy hào hứng đi bầu, nhất là trong các kỳ bầu cử giữa kỳ, giờ đây sẽ hăng hái đi bầu.
“Các phân tích gia phi đảng phái giờ đây đánh giá Đảng Dân chủ nhiều khả năng giành lại Hạ viện từ tay Đảng Cộng hòa. Nếu điều đó trở thành sự thật, phe Dân chủ sẽ có thể tổ chức những cuộc điều trần, phát động các cuộc điều tra, ra trát đòi ra khai chứng và thậm chí là luận tội tổng thống,” USA Today nhận định.
Cựu luật sư của TT Trump
sẽ không chấp nhận ân xá của tổng thống
Ông Michael Cohen, cựu Luật sư của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không nhận ân xá của tổng thống, luật sư của ông Cohen cho biết hôm 22/8.
Theo Reuters, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình MSNBC, ông Lanny Davis, luật sư của ông Cohen, cho biết ông Cohen không muốn can dự vào điều mà ông nghĩ ngài tổng thống sẽ lạm dụng quyền ân xá.
Ông Davis nói thêm rằng ông Cohen cũng nghi ngờ sự lòng trung thành của ông Trump đối với đất nước Hoa Kỳ và nhận định rằng ông Trump không thích hợp để giữ chức tổng thống.
Luật sư Davis nói với MSNBC: “Ông Cohen sẽ không, và không cần bất cứ điều gì từ ông Donald Trump.”
Luật sư của ông Cohen đưa ra thông tin này một ngày sau khi ông Cohen thú nhận 8 tội danh và nói ông hành động theo chỉ đạo của ông Trump.
Tại một phiên tòa ở New York hôm 21/8, ông Cohen nói rằng ông Trump đã chỉ đạo ông thu xếp các khoản thanh toán trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 để bịt miệng hai phụ nữ nói rằng họ có quan hệ tình ái với ông Trump. Ông đã thú nhận tội trốn thuế, gian lận tài chánh và vi phạm ngân quỹ trong chiến dịch tranh cử.
Mỹ : Nhà Trắng và Donald Trump
« phản công » Michael Cohen
Một ngày sau khi ông Michael Cohen, cựu luật sư của tổng thống Mỹ Donald Trump, thú nhận trước tòa là đã phạm tội theo yêu cầu của ông Donald Trump khi trả 130.000 và 150.000 đô la cho hai người phụ nữ từng có quan hệ với ông Trump để mua chuộc sự im lặng của họ,Nhà Trắng đã có phản ứng. Trên mạng Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đáp trả Cohen, tố cáo vị luật sư này nói dối.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
“Bôi nhọ luật sư Michael Cohen và giảm nhẹ, thậm chí phủ nhận những gì mà Cohen bị cáo buộc, đó là chiến lược mà Nhà Trắng áp dụng một ngày sau khi cựu luật sư của tổng thống Mỹ Donald Trump có những tiết lộ động trời trước tư pháp.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Donald Trump đã tố cáo luật sư Michael Cohen nói dối và khẳng định việc tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử tổng thống không phải là trọng tội. Trả lời phỏng vấn của Fox News, tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh là không hề có chuyện tài trợ trái phép cho chiến dịch tranh cử tổng thống. Nói cách khác, theo ông,tư pháp đã nhầm.
Chiều qua, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders đã khéo léo né tránh trả lời các câu hỏi cụ thể và giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng trong các tiết lộ của luật sư Michael Cohen. Bà Sarah Sanders phát biểu : « Tôi sẽ không đi vào chi tiết nhưng tôi có thể khẳng định với quý vị rằng, như tổng thống đã từng phát biểu nhiều lần, ông ấy không làm gì sai trái cả. Tổng thống không bị buộc tội gì hết. Việc ông Michael Cohen thú tội không có nghĩa là tổng thống có tội. »
Tổng thống Mỹ không thể bị buộc tội chính thức vì luật pháp Mỹ cấm điều đó. Nhưng nếu chúng ta tin vào những lời khai báo trước tòa của người từng được Donald Trump tin cậy, thì tổng thống Mỹ thực sự có dính líu tới vụ việc này. Luật sư Michael Cohen còn khẳng định sẵn sàng tiết lộ thêm nhiều thông tin. Các tiết lộ này có thể gây rắc rối cho chủ nhân Nhà Trắng.”
Silicon Valley bất lực trước đạo quân tin tặc
Facebook, Twitter hay Microsoft đang nỗ lực vô hiệu hóa các âm mưu đánh cắp thông tin và khuynh đảo công luận xuất phát từ Nga hay Iran. Tuy nhiên, các biện pháp của Silicon Valley đương đầu với đạo quân tin tặc khó có thể ngăn chận được một chiến dịch mới can thiệp vào bầu cử Mỹ 2018. Đó là nhận định bi quan của giới chuyên gia.
Chỉ còn đầy ba tháng là tới ngày bầu lại Quốc Hội Mỹ, một cuộc đầu phiếu quan trọng giữa nhiệm kỳ tổng thống, theo truyền thống chính trị Hoa Kỳ. Một công ty an ninh mạng là Look Out, có cơ sở tại San Francisco, cho biết đã phá vỡ một mưu toan tấn công hệ thống điện toán của đảng Dân Chủ, trong đó có dữ liệu liên quan đến hàng chục triệu cử tri. Tin tặc dựng lên một trang chủ giả dạng của đảng Dân Chủ để đánh lừa người sử dụng internet, chiếm mật mã và tên người sử dụng.
Mưu toan này làm người ta nhớ lại vụ việc tương tự vào mùa tranh cử tổng thống 2016, mà nạn nhân là bà Hillary Clinton. Tháng Bảy vừa qua, có 12 điệp viên Nga đã bị tòa án Mỹ truy tố về trọng tội này.
Trong mưu toan hôm thứ Tư 22/08/2018 , danh tính của tin tặc chưa được xác định nhưng cùng ngày, Microsoft tố cáo nhóm tin tặc Nga « Fancy Bear », theo lệnh của điện Kremlin, nhắm vào trang mạng của một số trung tâm nghiên cứu chiến lược của đảng Cộng Hòa.
Đạo binh tin tặc của Nga và Iran
Một ngày trước, Facebook thông báo đóng cửa hàng trăm trang, nhóm và tài khoản « giả hiệu » được quản lý từ Iran và từ Nga. Hồi tháng Bảy, Facebook xóa 32 trang và tài khoản bị xem là đáng ngờ có « hoạt động phối hợp » gần đến ngày bầu cử.
Trong thời gian này, Twitter cũng đình chỉ 284 tài khoản tham gia vào chiến dịch « tuyên truyền », phần lớn đến từ Iran.
Theo AFP, cả ba công ty trên đã cam kết hợp tác với các cơ quan chức năng để chống tin tặc phá bầu cử.
Tuy nhiên, theo Alex Stamos, nguyên là chuyên gia an ninh mạng của Facebook, nếu để bảo vệ bầu cử 2018 thì đến lúc này là quá muộn. Các hoạt động tin tặc bị phát hiện trên đây chứng tỏ là « chính quyền Nga bất chấp và Iran nối gót theo sau ».
Lý do là Hoa Kỳ làm cho thế giới hiểu rằng người Mỹ không xem vấn đề tin tặc là nghiêm trọng và mọi thủ phạm, nếu có bị bắt quả tang, thì cùng lắm là bị “khẻ tay” mà thôi. Chuyên gia Mỹ thúc giục « chính phủ, công dân và các công ty » tỉnh thức để bảo vệ cuộc tuyển cử năm 2020.
Hãy tự trách mình thiếu ý thức
Cũng cùng nhận định, chuyên gia Olga Polischuk của công ty an ninh mạng LookingGlass thẩm định là các biện pháp chống trả của Facebook và Twitter có lẽ không đủ hiệu năng để đương đầu với những tin tặc cao tay : Matxcơva sử dụng một « đạo binh tin tặc » biết rõ văn hóa Mỹ và được trả rất nhiều tiền. Những nhóm này hoạt động ngày đêm, tung tin thất thiệt hoặc mơ hồ một cách tài tình. Chống lại những đối thủ quyết tâm tranh đấu cho quyền lợi đất nước họ bằng mọi giá, thì những bản án tù hay kỹ thuật chống tin đồn chẳng có tác dụng gì.
Theo AFP, các hệ thống mạng xã hội của Silicon Valley, chiếc nôi điện tử, điện toán của Mỹ thường xuyên bị chỉ trích là thiếu ý thức, thiếu phản ứng trước các chiến dịch tuyên truyền bóp méo thông tin, nhất là trong vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016.
Giờ đây, tin tặc ngày càng đông, ngày càng nguy hiểm, những công ty như Facebook, Twitter không có thời gian suy nghĩ, dự kiến trước thủ đoạn tấn công của đối phương. Giáo sư Jennifer Grygiel, đại học Syracus, nhận định thẳng thừng : mô hình kinh tế của các mạng xã hội đã phạm sai lầm ngay lúc hình thành đã không được tổ chức đầy đủ để quản lý nội dung. Thật là điều bất hạnh cho xã hội và nền dân chủ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180823-silicon-valley-bat-luc-truoc-dao-quan-tin-tac
Nghi can giết người thân ở Paris bị tâm thần
Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết người đàn ông đã giết mẹ và em gái bằng dao ở phía tây Paris gặp phải “vấn đề nghiêm trọng về tâm thần.”
Bộ trưởng Gerard Collomb nói tại thời điểm này, vụ tấn công tại thị trấn Trappes hôm 23/8 không được coi là một vụ khủng bố mặc dù nhóm Nhà nước Hồi giáo đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ này.
Ông Collomb nói một người thứ 3 bị thương nặng không phải là người trong cùng gia đình.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp, cảnh sát đã bắn chết người đàn ông sau khi ông này ra khỏi nhà của mẹ mình, tay cầm dao và phớt lờ những lời cảnh cáo của cảnh sát.
Sau khi xảy ra vụ tấn công vào sáng 23/8 tại Trappes ở vùng ngoại ô Paris, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm qua hãng tin Aamaq của nhóm này, trong một dòng tin được chia sẻ trên mạng xã hội.
Hãng tin này cho rằng vụ tấn công ở Trappes có động cơ từ những lời kêu gọi của các thủ lãnh IS kêu gọi tấn công thường dân ở những quốc gia đang chống lại IS. Nhiều giờ trước đó, thủ lãnh của IS Abu Bakr al-Baghdadi, hối thúc những người theo nhóm cực đoan này tấn công kẻ thù ở mọi nơi, bằng mọi cách, kể cả việc dùng dao.
https://www.voatiengviet.com/a/nghi-can-giet-nguoi-than-o-paris-bi-tam-than/4540979.html
Putin lên án chế tài của Mỹ,
nhưng ca ngợi hội nghị với Trump
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Tư lên án các chế tài của Mỹ nhắm vào Nga là phản tác dụng, nhưng nói một hội nghị thượng đỉnh mà ông tổ chức vào tháng trước với Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn hữu ích.
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với người đồng cấp của Phần Lan, Sauli Niinisto, ông Putin nói ông hi vọng Washington sẽ nhận thức rằng chính sách áp đặt chế tài lên Moscow vì điều được nhìn nhận là hành vi sai trái của Nga là sai lầm.
“Về các chế tài, những hành động này phản tác dụng và vô nghĩa, đặc biệt đối với một nước như Nga,” ông Putin nói với các phóng viên tại thành phố du lịch Sochi của Nga bên bờ Biển Đen.
“Tôi hi vọng các đối tác Mỹ của chúng tôi sẽ nhận thức rằng chính sách này không có tương lai tới một thời điểm nào đó và chúng ta có thể bắt đầu hợp tác một cách bình thường.”
Ông Putin phát biểu vào một ngày mà đồng ruble sụt giá xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm giữa lúc các nhà đầu tư cân nhắc rủi ro chế tài của Mỹ và một đợt chế tài mới được công bố hồi đầu tháng này dự kiến sẽ có hiệu lực.
Dù Mỹ áp đặt chế tài, ông Putin nói một hội nghị thượng đỉnh với ông Trump ở Helsinki hồi tháng trước là hữu ích và ca ngợi những lợi ích của đối thoại trực tiếp.
Ông Putin cũng nói Châu Âu cần dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 do Moscow hậu thuẫn, một dự án mà ông Trump đã chỉ trích gay gắt và rằng Nga là nhà cung cấp năng lượng phù hợp nhất cho Châu Âu.
Xe tăng Liên Xô đè bẹp Mùa Xuân Praha,
cách đây 50 năm
Nhà sử học tên tuổi Stéphane Courtois chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản, tác giả cuốn « Lênin, người sáng tạo chủ nghĩa toàn trị » (NXB Perrin, 2017), trên báo Le Figaro đã thuật lại vụ đàn áp Mùa Xuân Praha cách đây vừa đúng 50 năm, ngày 21/08/1968.
Vào lúc quá nửa đêm 20/08/1968, một đạo quân hùng hậu gồm 450.000 binh lính từ Liên Xô, Hungary và Đông Đức, 6.300 chiến xa, 800 phi cơ và vô số khẩu đại bác, tràn vào Tiệp Khắc, quốc gia nhỏ bé có 15 triệu dân.
Sáng sớm 21/08, người dân Praha chết lặng khi thấy thủ đô tràn ngập những người lính Nga đến để « giải phóng » dân Tiệp khỏi « chủ nghĩa phát-xít ». Đến lượt những chiến binh này ngạc nhiên khi bị bao vây bởi một đám đông khổng lồ dân Tiệp Khắc, trẻ có già có, phẫn nộ và tuyệt vọng. Người dân Tiệp cố giải thích cho họ – bằng tiếng Nga, ngôn ngữ đã trở thành bắt buộc trong chế độ cộng sản – là không có « tên phát-xít » nào ở đây, và họ nên quay về Matxcơva.
Vài vụ đụng độ và những phát súng lẻ tẻ đã làm cho gần một trăm người thiệt mạng, trong đó có vài người bị xe tăng cán chết. Ông Alexandre Dubcek, tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã kêu gọi không chống cự.
Mỗi người dân Tiệp Khắc đều nhớ đến cuộc cách mạng ở Hungary năm 1956, đã bị Hồng quân Nga dập tắt trong biển máu : 35.000 người chết, hàng ngàn người bị bắt giam và 200.000 người phải bỏ đi biệt xứ, ở đất nước chỉ có 8 triệu dân.
Hơn nữa, tất cả những người dân Tiệp trên 40 tuổi không quên cái ngày 15/03/1939, khi xé bỏ các hiệp ước Munchen ký kết vào tháng 9/1938, Hitler đã đưa quân Đức quốc xã sang Tiệp Khắc. Còn lần này có cả sự tham gia của quân Đông Đức…
Cuộc chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn cao trào, với cuộc xung đột Israel-Palestine và chiến tranh Việt Nam. Leonid Brejnev, tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô cho rằng cần khẩn cấp siết chặt hàng ngũ hệ thống cộng sản quốc tế. Ông ta đã nhận ra mối nguy từ Praha.
Nếu tại Hungary năm 1956 đã diễn ra một cuộc cách mạng chống cộng, thì phong trào phản kháng ở Tiệp Khắc lại nảy sinh ngay trong nội bộ đảng Cộng sản Tiệp. Từ giữa năm 1967, ê-kíp nắm quyền theo chủ nghĩa Stalin đã bị các nhà lãnh đạo trẻ – ý thức được ngõ cụt của chế độ – làm cho chao đảo.
Phong trào phản kháng diễn ra trên nhiều mặt. Về kinh tế, với các dự án cải cách của Ota Sik, chủ trương tái lập nền kinh tế thị trường. Về văn hóa, với các nhà văn nổi tiếng Milan Kundera, Pavel Kohout, và kịch tác gia trẻ Vaclav Havel. Nhưng nhất là về chính trị.
Ngày 05/01/1968, với sự đồng ý của Brejnev, ông Dubcek lên thay khuôn mặt cứng rắn Novotny, làm tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Đến tháng Tư, ông loan báo về « chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt người », cho phép tự do báo chí và đa đảng. Toàn thể dân tộc Tiệp Khắc tràn trề hy vọng về làn gió tự do.
Tuy vậy ngay từ tháng Tư, ông Brejnev đã ra lệnh chuẩn bị cho cuộc xâm lăng Tiệp Khắc. Và trong một cuộc họp với ông Dubcek ở Bratislava hôm 03/08, tổng bí thư Liên Xô tuyên bố đầy vẻ đe dọa : « Mỗi đảng Cộng sản có thể tự do áp dụng các nguyên tắc mác-xít lênin-nít và chủ nghĩa xã hội tại nước mình, nhưng không thể tự do đi chệch khỏi các nguyên tắc này nếu còn muốn là cộng sản ».
Đảng đứng trên đất nước
Đảng đứng trên Tổ quốc, đó là nguyên tắc của nhà nước toàn trị độc đảng do Lênin áp đặt kể từ ngày 07/11/1917. Nhà lãnh đạo xô-viết cũng loan báo thuyết « chủ quyền giới hạn » đối với các Nhà nước vệ tinh trực thuộc Liên Xô, được gọi là « học thuyết Brejnev ». Học thuyết này sau đó đã giúp hợp pháp hóa việc đè bẹp Mùa Xuân Praha, bảo đảm sự vững chắc của « cộng đồng xã hội chủ nghĩa ».
Tuy vậy nó cũng không ngăn cản được sự sụp đổ của bức tường Berlin 20 năm sau đó. Và đến tháng 11/1989, « Cuộc cách mạng nhung » Tiệp Khắc đã dẫn đến việc tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ là ông Vaclav Havel – cựu phát ngôn viên của Hiến chương 77, tổ chức tập hợp các nhà ly khai Tiệp.
Việc Mùa Xuân Praha bị chà đạp không gây ra các phản ứng đáng kể ở phương Tây. Đảng Cộng sản Pháp chỉ phản ứng nhẹ nhàng, và sau đó im lặng dưới áp lực của các khuôn mặt stali-nít trong đảng, đứng đầu là Jeannette Thorez. Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk tuyên bố : « Các sự kiện ở Đông Âu không đặt lại vấn đề chiến tranh và hòa bình giữa chúng tôi và Liên bang Xô viết (…) ».
Nhưng đối với tất cả các nhà ly khai chế độ cộng sản, cuộc xâm lăng hôm 21 tháng Tám năm 1968 vang vọng như một hồi chuông báo tử. Tại Praha diễn ra một sự kiện hiếm thấy, là các nhà cải cách trong đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã họp lại ngày 22 tháng Tám trong một nhà máy. Đại hội Đảng bí mật tập hợp 1.100 đại biểu đã lên án cuộc xâm lược, và đồng thuận với chương trình cải cách của tổng bí thư Dubcek.
Ngay tại Matxcơva, hôm 25 tháng Tám, trước lăng Lênin, bảy nhà ly khai xô-viết đã có can đảm biểu tình, và bị bắt ngay. Ngày 8 tháng Chín, một người Ba Lan là Ryszard Siwiec tự thiêu phản đối trước sự chứng kiến của 100.000 người tại một sân vận động ở Vacxava. Và ngày 25 tháng Giêng năm 1969, anh sinh viên Jan Palach tự thiêu trên các bậc thềm của Viện bảo tàng quốc gia, ở quảng trường Wenceslas, thủ đô Praha.
Cũng từ ngày 21/08/1968 ấy, đã có gần 100.000 công dân Tiệp bỏ trốn khỏi đất nước, trong khi người dân chìm đắm vào tình trạng trầm cảm tập thể. Công cuộc « bình thường hóa » do những nhân vật thân Liên Xô chủ trương là những cú đòn giáng xuống các nhân tố của Mùa Xuân Praha. Họ bị tống giam rồi bị tước các chức vụ trong trường đại học hoặc cơ quan văn hóa, sau đó phải lưu vong và bị tước quốc tịch Tiệp Khắc.
Đó là trường hợp của hai người bạn nhà sử học Stéphane Courtois, từng làm việc cho tạp chí Chủ nghĩa cộng sản, thành lập năm 1982 cùng với Annie Kriegel – người nằm trong số những nhà tổ chức Đại hội Đảng bí mật hôm 22/08/1968. Trước hết là Lubomir Sochor, nhà vật lý kiêm lý thuyết gia đã nhấn mạnh : một xã hội dân sự trong một nhà nước độc đảng cộng sản là bất khả. Ông sống lưu vong ở Paris, và tự kết liễu cuộc đời năm 1986. Rồi đến Karel Bartosek, nhà sử học, cũng sang Paris và trở thành giám đốc La Nouvelle Alternative, tạp chí chuyên về đời sống trong các « nền dân chủ nhân dân ». Ông qua đời năm 2004.
Cuộc xâm lăng Tiệp Khắc ngày 21/08/1968 đã bộc lộ một nghịch lý lớn lao. Vào lúc các xe tăng xô-viết đè bẹp những ý tưởng dân chủ vừa mới chớm nở, thì tại Paris, Roma hay Tây Berlin, hàng ngàn sinh viên không biết gì về chính trị, bị các chính khách lêni-nít– từ trốt-kít, mao-ít cho đến những người tôn sùng Che Guavara – dẫn dắt, lại xuống đường hát Quốc tế ca, giơ cao nắm đấm và kêu gọi một cuộc cách mạng cộng sản. Họ không nhận ra tính chất toàn trị của chủ nghĩa này.
Hố sâu ngăn cách giữa một bộ phận giới trẻ các nước dân chủ thịnh vượng, và tuổi trẻ trong các chế độ mà chủ nghĩa cộng sản đã hủy hoại nền kinh tế và các quyền tự do, là một trong những nguyên nhân gây ra sự chia rẽ hiện nay trong Liên Hiệp Châu Âu. Giới tinh hoa xuất thân từ phong trào phản kháng tháng Năm năm 1968 thích rao giảng đạo đức, trong lúc nhân dân Trung Âu vẫn còn bị chấn thương sau nửa thế kỷ dưới sự thống trị của độc tài, cả Quốc xã lẫn Cộng sản.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180823-xe-tang-lien-xo-de-bep-mua-xuan-praha-cach-day-50-nam
Thủ lĩnh Daech kêu gọi
thành viên tiếp tục « thánh chiến »
Trong một đoạn băng ghi âm phát trên mạng Telegram, thủ lĩnh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Abou Bakr Al-Baghdadi thúc giục chiến binh Daech tiếp tục « tiến công ở Tây phương, khủng bố bằng dao và chất nổ » ngay trên lãnh thổ của kẻ thù. Hư thực ra sao chưa rõ nhưng đây là lần đầu tiên từ một năm nay xuất hiện một thông điệp được cho là của lãnh đạo Daech công bố hôm 22/08/2018, ngày cuối cùng của cuộc đại hành hương tại thánh địa Mecca.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh phân tích :
“Đây là dấu hiệu đầu tiên kể từ một năm nay chứng tỏ là kẻ tự xưng là lãnh tụ Hồi giáo toàn thế giới còn sống. Đoạn băng dài 55 phút, được công bố nhân lễ Hồi giáo Aid Al-Adha và gửi đến các thành viên của Daech. Abou Bakr Al-Baghdadi kêu gọi tiếp tục cuộc thánh chiến, kiên nhẫn chờ ngày chiến thắng sẽ đến : Những ai quên đạo của mình và niềm tin vào đấng tạo hóa sẽ ngã quỵ. Ai kiên trì sẽ chiến thắng và được hãnh diện.
Theo Abou Bakr Al-Baghdadi, chiến thắng hay chiến bại không tùy thuộc vào sự kiện chiếm được một thành phố hay mất một thành phố, vào sức mạnh không quân, tên lửa đạn đạo hay bom thông minh mà kẻ thù có trong tay.
Thông điệp tự trấn an này được loan truyền vào lúc nhóm Nhà Nước Hồi Giáo đã bị đẩy lui vào sa mạc và chỉ còn một vài cơ sở nằm vùng, so với hai năm trước đây còn kiểm soát đến hai phần ba lãnh thổ Irak và phân nửa diện tích Syria.
Trong tuần này, phe thánh chiến còn bị quân đội Syria đánh đuổi ra khỏi một trong những căn cứ địa cuối cùng trong sa mạc, gần tỉnh Soueida ở miền nam. Ở đông-bắc, lực lượng Kurdistan siết gọng kềm bao vây những ngôi làng cuối cùng của Daech trong lưu vực sông Euphrate.
Nhiều lần có tin Abou Bakr Al-Baghdadi đã chết, nhưng dường như thủ lĩnh Daech ẩn náu trong một vùng biên giới giữa Irak và Syria.”
Hơn 63.000 quân Nga tham chiến tại Syria
Trong một bản tổng kết ba năm can thiệp tại Syria , bộ Quốc Phòng Nga thông báo chi tiết « 63.012 quân nhân trong đó có 434 tướng lĩnh và 25.738 sĩ quan » tiếp thu kinh nghiệm tác chiến. Số liệu chính thức xác nhận có 92 quân nhân Nga tử thương. Không quân Nga trong 39.000 phi vụ, giết chết « 86 ngàn phiến quân trong đó có 4.500 khủng bố là người Nga hoặc từ các nước thuộc Liên Xô cũ».
Bản tổng kết thành tích khẳng định thêm là trước khi Nga can thiệp, chính quyền Bachar Al Assad chỉ kiểm sóat có 8 % lãnh thổ. Nhờ Nga trợ lực, quân đội Syria chiếm lại 96,5% lãnh thổ.
Trung Quốc tức giận vì Mỹ lên án El Salvador
Mỹ và Trung Quốc đang tranh cãi xung quanh quyết định của El Salvador cắt đứt quan hệ với Đài Loan để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc với việc Bắc Kinh cáo buộc Washington đang tìm cách răn đe những nước khác có bước đi tương tự, theo AP.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng El Salvador ‘đã có quyết định đúng đắn’ và ‘không có ai có tư cách để chỉ trỏ hay can thiệp’.
“Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ với Trung Quốc gần bốn thập niên trước. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ giờ đây đang tìm cách phá hoại và thậm chí là đe dọa các nước khác không được thiết lập quan hệ bình thường với Trung Quốc,” ông Lục tố cáo.
Mặc dù Mỹ có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc và không còn công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập nhưng Washington vẫn là một đồng minh thân cận của hòn đảo này và vẫn duy trì một tòa đại sứ trên thực tế ở thủ phủ Đài Bắc.
Đài Loan hiện giờ chỉ còn được 17 nước nhỏ và nghèo công nhận trong khi Trung Quốc đang gia tăng áp lực lên chính phủ của Tổng thống Thái Anh Văn vốn có chủ trương Đài Loan độc lập để buộc bà Thái tuân thủ nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’.
Tuyên bố của El Salvador hôm thứ Hai ngày 21/8 đã khiến Đại sứ Mỹ ở quốc gia Nam Mỹ này, bà Jean Manes, viết trên Twitter rằng quyết định này ‘là đáng lo ngại vì nhiều lý do’ và ‘chắc chắn sẽ ảnh hưởng quan hệ của chúng tôi với chính phủ (El Salvador)’.
Thượng nghị sỹ Marco Rubio của bang Florida đã đe dọa sẽ cắt trợ viện trợ cho El Salvador và cáo buộc nước này là ‘chống Mỹ trên mọi vấn đề’.
“Tại sao chúng ta vẫn phải gửi cho họ nhiều viện trợ nước ngoài như vậy? Hôm nay tôi sẽ bắt đầu làm việc để chấm dứt tình trạnh đó,” ông Rubio viết trên Twitter.
Du khách TQ ‘theo chân ông Tập’ đến York ăn cá rán
Quán ‘Scotts Fish and Chips’ ở Yorkshire, Anh Quốc bị hàng đoàn du khách TQ đổ bộ đến sau lần Chủ tịch Tập Cận Bình ghé đây hồi 2015.
Nhà hàng này, bán món ăn truyền thống tại Anh là cá rán và khoai tây chiên (fish and chips) gần thành phố York phải dịch menu sang tiếng Trung cho du khách từ Trung Quốc.
Hồi 2015, ông Tập Cận Bình đã được Thủ tướng Anh hồi đó, ông David Cameron dẫn đến ăn ở quán này.
Nay, quản lý quán, Roxy Vasai nói mỗi tuần họ đón chừng 100 du khách Trung Quốc.
Các du khách nói tiếng Quan Thoại và Quảng Đông đến bằng xe khách.
Ông Will Zhuang, đại diện cho chương trình quảng bá du lịch của York (Make It York) xác nhận du khách Trung Quốc đến vì chủ tịch nước của họ từng nếm món cá chiên tại đây.
Các đảng phái tụ về ‘ngợi ca’ Chủ tịch Tập
Mỹ-Trung: Ngoại giao áo xanh và váy đỏ
TQ mua ‘quán bia ông Tập từng thăm’
Tập Cận Bình ‘dẫn đầu và ở lại còn lâu’
Trải nghiệm ‘như lãnh tụ’?
Ông Zhuang cho hay nhiều tour du lịch Trung Quốc đã cho vào danh mục thăm viếng Anh điểm “từng đón Chủ tịch Tập” và “trải nghiệm ăn ‘fish and chips'”.
York nay đã là thành phố đón nhiều khách Đông Á với người Trung Quốc chiếm số đông thứ nhì trong số khách nước ngoài, theo BBC News.
Hồi tháng 10/2015, ông Tập Cận Bình cũng được ông David Cameron dẫn vào quán bia ở một làng quê vùng Đông Nam Anh, quán The Plough at Cadsden, thuộc hạt Buckinghamshire.
Sang năm 2016, một công ty Trung Quốc là SinoFortone đã mua luôn quán này, nằm gần xa lộ M40, trên đường từ London lên Oxford.
Được biết loại bia Greene King IPA mà ông Tập uống cùng ông Cameron trong quá này cũng gây ra ‘cơn sốt’ ở Trung Quốc.
Có công ty Anh đã nhanh chóng bán sang Trung Quốc hàng nghìn chai bia loại này, thuộc dòng bia ủ men nhiệt độ cao (ale), ít có ở vùng Đông Á.
Xem bài của Nguyễn Giang:‘Khi đôi bạn Dave và Tập nâng cốc’
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-45282955
Truyền thông TQ ‘mỉa mai’ Trump,
cuộc chiến thương mại tiếp diễn
Đài truyền hình nhà nước lớn nhất của Trung Quốc đã có một video chế nhạo Tổng thống Donald Trump mở đầu bằng: “Cảm ơn ông Trump, ông thật tuyệt vời!”
Video clip bằng tiếng Anh được đăng lên Youtube hôm thứ Hai, với nội dung như một lá thư gửi đến ông Donald Trump cảm ơn ông vì tất cả những gì ông đã làm cho Trung Quốc, theo tường thuật của tờ Bưu điện Hoa Nam.
Nữ biên tập viên Cheng Lei của Kênh Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) mỉa mai rằng Trump và cuộc chiến thương mại đã giúp các quốc gia khác trên thế giới “gắn kết” và thúc đẩy Trung Quốc thực hiện các cải cách kinh tế giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn như Tesla.
TQ chạy ‘hết công suất’ in tiền nước ngoài
Doanh nghiệp Mỹ thất vọng vì TQ hứa nhưng ‘không tiến bộ’
TQ ‘đang luyện tập để tấn công’ các mục tiêu Mỹ
Video này đã bị xóa trên mọi phương tiện truyền thông trực tuyến vào hôm thứ Tư, chỉ vài giờ trước khi các quan chức Bắc Kinh và Washington đi vào vòng đàm phán về cuộc chiến thương mại hôm thứ Năm.
Tuy nhiên, nhiều tờ báo đã nhanh chóng nắm bắt được nội dung đoạn phim châm biếm.
“Thưa ông Trump, cảm ơn ông đã có màn điều trị sốc về khoảng cách xa vời giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và tại sao chúng ta cần phải xích lại gần và có cùng quan điểm với nhau,” biên tập viên kinh tế Cheng Lei đọc lá thư.
“Cảm ơn vì đã giúp Trung Quốc thấu hiểu thêm về sự khiêm nhường. Làm sao chúng tôi có thể chứng tỏ hết lòng biết ơn dành cho ông vì cái cách ông cho thấy sự yếu kém của việc tự cao tự đại, nó vốn chẳng phải là một đức hạnh cao đẹp, tất nhiên là trừ trường hợp của ông,” bà Cheng Lei, từng là cựu phóng viên của CNBC Hoa Kỳ đọc lá thư.
Bức thư đề cập đến một số vấn đề mà cuộc chiến thương mại đã giúp Trung Quốc hưởng lợi.
Rằng thuế quan trả đũa của Trung Quốc đối với thực phẩm và đồ uống nhập khẩu từ Mỹ sẽ giúp cải thiện sức khỏe trên toàn quốc, bà Cheng Lei nói: “Thay mặt các bác sĩ, cảm ơn ông đã chỉ ra nhu cầu cần kiêng nhưng thực phẩm Hoa Kỳ như rượu bourbon hay thịt xông khói.”
“Hơn cả, là cảm ơn ông vì đã làm mất sự uy tín của giới truyền thông báo chí, vì vậy chúng tôi cần phải chắc chắn gấp đôi rằng chúng tôi không sản xuất những tin tức giả. Ông thật tuyệt vời!” Cheng nói, kết thúc bức thư bằng một “trái tim”.
Trong khi đó, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn tiếp diễn.
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn
Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ áp đặt mức thuế mới khoảng 16 tỷ đô la lên hàng hóa của nhau vào thứ Năm trong bối cảnh cuộc chiến thương mại vẫn tiếp tục tiếp diễn.
Lượt đánh thuế thứ hai nâng tổng trị giá hàng hóa bị đánh thuế lên 50 tỷ đô la cho mỗi nước.
Mức thuế quan mới có hiệu lực trong bối cảnh các quan chức hai bên gặp gỡ tại Washington để đàm phán về cuộc chiến thương mại, dự kiến kéo dài trong hai ngày.
Trump ‘phàn nàn về Trung Quốc’
Trung Quốc kiểm duyệt video ‘châm biếm’
Chiến tranh thương mại: Trung Quốc nên nhận thua cuộc?
Nhưng rất ít hi vọng là sẽ đạt được đột phá.
Mức thuế mới đánh vào 25% giá trị của gần 280 loạt hàng hóa Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm hóa chất, thiết bị nông nghiệp, xe máy và ăng-ten.
Trung Quốc dự kiến cũng sẽ trả thù với mức thuế 25% lên các mặt hàng của Mỹ bao gồm than đá, dụng cụ y tế, xe hơi và xe buýt.
Tổng thống Donald Trump nói ông đã sẵn sàng đánh thuế tất cả số hàng hóa Trung Quốc trị giá 500 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.
Lượt đánh thuế thứ ba
Hoa Kỳ cũng đã đe dọa lượt thuế quan thứ ba lên số hàng hóa trị giá 200 tỷ đô la của Trung Quốc và có thể sẽ đi vào hiệu lực ngay trong tháng tới.
Các sản phẩm này cũng có thể bị đánh thuế mức 25%, tức gấp đôi so với kế hoạch ban đầu là 10%.
Trung Quốc cho biết cũng sẽ đáp trả với một mức thuế mới lên số hàng hóa trị giá 60 tỷ của Mỹ.
Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn trong việc “ăn miếng trả miếng” vì Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều hơn Hoa Kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Làm xáo trộn doanh nghiệp
Có những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại đã có tác động.
Các nhà sản xuất ô tô lớn gần đây đã cảnh báo rằng những thay đổi về chính sách thương mại đã làm ảnh hưởng năng suất.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết tháng trước, sự leo thang của thuế quan cho thấy có thể làm giảm mức tăng trưởng toàn cầu xuống 0,5% vào năm 2020.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45279855
Bà Thái Anh Văn cảnh báo
Trung Quốc sẽ không ngừng bắt nạt Đài Loan
Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, hôm thứ Tư 22 tháng 8 lên tiếng rằng Trung Quốc sẽ không ngừng việc bắt nạt Đài Loan khi mà cuộc bầu cử địa phương tại đảo quốc này sắp diễn ra vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đảng cầm quyền sẽ nổ lực hết sức để bảo vệ chủ quyền.
Mạng báo Focus Taiwan loan tin dẫn phát biểu của bà Tổng thống Thái Anh Văn trong một cuộc họp của Ủy ban Cố vấn Trung ương Đảng Dân Tiến (DPP) rằng sau một loạt các vụ việc bắt nạt từ phía Bắc Kinh, Đài Bắc phải chuẩn bị, bởi vì Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều chiến thuật hơn để bắt nạt Đài Loan, đặc biệt là trước cuộc bầu cử địa phương tháng 11 sắp tới. Tổng thống Thái Anh Văn lập luận rằng Trung Quốc tăng cường áp lực chèn ép Đài Loan chủ yếu bởi vì quan hệ của đảo quốc này với những nước lớn khác mang lại phát triển bền vững mà Bắc Kinh không muốn. Lý do thứ hai là Đảng Dân Tiến hiện cầm quyền tại Đài Loan sẽ không nhượng bộ trong những cuộc thương thảo với Trung Quốc về quyền tự do và tương lai của đảo quốc này. Bà Thái Anh Văn cho rằng Đài Bắc không thể ngăn chặn Bắc Kinh trong các hành động của họ; tuy nhiên Đài Loan có thể xây dựng được tương lai cho chính mình miễn là giữ vững được các giá trị và hệ thống dân chủ của đảo quốc.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn đảm nhận chức vụ tổng thống Đài Loan vào tháng 5 năm 2016, Trung Quốc đã tăng cường áp lực đối với đảo quốc này nhằm làm suy giảm tính chính danh của Đài Loan trên trường quốc tế.
Hôm thứ Ba, El Salvador, một quốc gia từng là đồng minh của Đài Loan đã bắt tay ngoại giao với Bắc Kinh.Như vậy, Đài Loan hiện chỉ còn lại 17 đồng minh trong trận chiến ngoại giao với Trung Quốc.
Ứng viên Carlos Calleja thuộc đảng đối lập ARENA tại El Salvador trong cuộc bầu cử tổng thống nước này dự kiến diễn ra vào ngày 4 tháng 2 năm 2019, nói rằng quyết định của chính phủ nước ông cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan khiến mọi người ngạc nhiên và thiếu minh bạch trong quyết định này. Ông nói rằng ông lo ngại sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến người dân El Salvador.
El Salvador là quốc gia thứ ba cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan trong năm nay, sau Cộng hòa Dominica và Burkina Faso.
Trung Quốc gần đây cũng đã gây sức ép với nhiều hãng hàng không quốc tế phải hoặc là thay đổi cách viết tên Đài Loan sang “Đài Loan thuộc Trung Quốc” hoặc là xóa bỏ Đài Loan trong các kết quả tìm kiếm điểm đến của họ. Cũng như việc bà Thái Anh Văn ghé qua chuỗi cửa hàng 85°C Bakery Café của người Đài Loan ở Los Angeles đã làm dấy lên làn sóng kêu gọi tẩy chay các cửa hàng này tại Trung Quốc.
Đài Loan : Thái Anh Văn kêu gọi
« không nhường » áp lực Bắc Kinh
Nhân kỷ niệm 60 năm trận pháo Kim Môn, còn được gọi là « trận pháo kích 823 », tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kêu gọi người dân hải đảo không nhượng bộ trước các áp lực của đại lục.
Lễ kỷ niệm chiến thắng Kim Môn được tổ chức hôm nay, 23/08/2018, tại Đài Loan. Năm 1958, quân đội của Mao Trạch Đông đã nã 470.000 quả đạn pháo vào đảo Kim Môn, chỉ cách lục địa có 2,5 km, trong suốt 44 ngày kể từ ngày 23 tháng 08, giết chết 618 người, nhưng cuối cùng không khuất phục được lực lượng Quốc dân đảng.
Trên trang Facebook, tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố : Vào giờ phút chúng ta tưởng niệm trận pháo 823, chúng ta không quên tinh thần đoàn kết dân tộc. Đoàn kết sẽ làm cho đất nước hùng mạnh trong bối cảnh đối đầu với nỗ lực (của Bắc Kinh) hủy diệt các mối quan hệ ngoại giao của hải đảo. Bà cảnh báo dân chúng là tuy yêu chuộng hòa bình, nhưng người công dân Đài Loan không phải vì thế mà xem nhẹ an ninh quốc gia.
Trong lúc đó, tại Kim Môn, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát ( Yen De Fa) cũng tuyên bố « quân đội Đài Loan phải chuẩn bị chiến đấu » để đương đầu với mối đe dọa « càng ngày càng lớn » của Trung Hoa lục địa.
Hiện nay chỉ còn có 17 nước trên thế giới công nhận Đài Loan. Thứ Ba vừa qua, Salvador thông báo cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và thiết lập bang giao với Bắc kinh.
Bình Nhưỡng gây sức ép với Mỹ
để chấm dứt chiến tranh Triều Tiên
Nhiều phương tiện truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên ngày càng tìm cách gây sức ép để Mỹ thông qua tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, trong bối cảnh ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sắp sang thăm Bình Nhưỡng.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, các phương tiện truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên đòi quốc tế hủy bỏ các lệnh trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng, vì việc trừng phạt và cải thiện quan hệ giữa các quốc gia không thể đi đôi với nhau.
Trang web Uriminzokkiri hôm nay 23/08/2018 nhấn mạnh là tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên sẽ đặt dấu chấm hết cho các hoạt động đối đầu quân sự giữa Bắc Triều tiên và Mỹ, đồng thời tạo ra sự tin cậy lẫn nhau, cải thiện quan hệ song phương, góp phần đảm bảo an ninh trong khu vực và trên thế giới. Còn Maeri, một trang web tuyên truyền khác của đảng Cộng Sản Bắc Triều Tiên, khẳng định là các lệnh trừng phạt của Washington đang đẩy quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Bắc Triều Tiên vào « ngõ cụt ».
Trong khi đó, trung tâm nghiên cứu về Bắc Triều Tiên của Mỹ – 38° North – hôm qua 22/08 cho biết dường như Bắc Triều Tiên đã ngưng việc tháo dỡ bãi phóng tên lửa Sohae. Nhiều hình ảnh vệ tinh mới cho thấy từ ngày 03/08, không còn dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang tháo dỡ cơ sở này.
Cũng trong ngày hôm qua, tướng Vincent Brooks, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc kêu gọi Bắc Triều Tiên thực hiện các biện pháp « thành thật và nghiêm túc » để phi hạt nhân hóa. Tư lệnh Vincent Brooks cũng kêu gọi quốc tế cần gây sức ép để chế độ Bình Nhưỡng thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Ngày 21/08/2018, cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA cho biết là Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục các hoạt động nguyên tử, mặc dù lãnh đạo Kim Jong Un đã cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn.