Bình Dương. Vũng Áng. Diện hay Điểm?
Lê Văn – 06.06.2014
Có phần chắc là sự thật về các thế lực đứng đàng sau vụ đốt phá hãng xưởng kinh hoàng ở Bình Dương và bạo loạn chết người Vũng Áng sẽ không bao giờ được giải mã.
Tại sao? Rất đơn giản vì cuộc chơi lớn chỉ mới mở màn!
Ai đứng đàng sau và họ muốn gì?
Với sự kiện Nhật báo Anh ngữ của Trung Quốc – China Daily – tiếp tục lên án chính quyền Hà Nội đã đứng đằng sau các vụ biểu tình chống Trung Quốc -TQ- dẫn đến cướp phá, đốt cháy hàng trăm nhà máy của Trung Quốc và một số nước khác tại Bình Dương và Hà Tĩnh vừa qua cho thấy TQ đã thấu cáy và hầu như rõ ràng là “cánh chống TQ trong ÐCS” nhúng tay.
Báo chí chính thức Việt Nam lên án Trung Quốc gay gắt cũng báo hiệu VN sẽ có hành động cứng rắn hơn đối với TQ cộng với việc Việt Nam chính thức tuyên bố công hàm Phạm Văn Đồng là vô giá trị lại càng chứng tỏ (CS) VN đang cố quay lưng với “16 chữ vàng 4 tốt “.
Ðây quả thật là chỉ dấu “khó ngờ” trong bối cảnh mà mọi người hầu như cầm chắc là CSVN đã hoàn toàn bị TQ khống chế. Nhưng với các đặc điểm đó những khả hữu nào có thể xẩy ra trong những ngày sắp tới.
Trong các cuộc biểu tình chống Trung Cộng trước đây hầu hết đều bị dập tắt từ trong trứng nước , ngoại trừ vài biệt lệ nhỏ , nó nói lên điều gì có phải là cánh thân TQ còn khá mạnh và nắm ưu thế. Nhưng đến khi cuộc biểu tình ngày 11.5 nổ ra đã làm không ít người kinh ngạc không những ở trong nước mà cả vùng Ðông Nam Á và thế giới nhứt là ngay tại Bắc kinh.
Câu hỏi có thể sẽ không bao giờ được trả lời đúng và đủ là tại sao cuộc biểu tình lúc đầu ôn hoà của công nhân tại Bình Dương nhằm chống lại hành động đơn phương dựng đặt đàn khoan dầu khổng lồ Hải Dương 981 của TQ trong thềm lục địa của Việt Nam sau lại biến thành bạo lọan đốt phá.
Một chỉ dấu khác lạ là TQ, nước mà cuộc biểu tình nhắm tới lại bị thiệt hại lại ít hơn là các nước không liên hệ gì đến chuyện tranh chấp đó cả . Theo tin trong nước có tổng cộng 315 công ty có nhà xưởng bị đập phá ở Bình Dương hồi chiều 13 rạng sáng 14-5-2014, thì chỉ có 12 công ty của Trung Quốc và 5 liên doanh có đối tác là Trung Quốc khi gần 300 hãng xưởng còn lại là của Ðài Loan, Ðại Hàn, Nhựt và Singapore.
Thật đáng khen cho ban chỉ đạo cuộc biểu tình nầy, chống TQ nhưng các nước khác lại bị nặng hơn và làm cho dư luận thấy rõ là chuyện xuống đường chống TQ chỉ là hành động đốt phá hay hôi của.
Nếu theo suy luận nầy thì đây là cú “gậy ông đập lưng ông” để nhằm chống lại các cuộc “biểu tình có phép ngầm” chống TQ đồng thời gây ra dạng “biểu tình xấu” để chống lại và ngăn cấm dạng “biểu tình tốt chỉ chống TQ” sau nầy và đáng lưu ý hơn là nhằm chận đứng cao trào “chống TC càng mạnh ngoài xã hội sẽ đưa tới việc chống TC càng cao trong nội bộ Ðảng CSVN.”
Còn tại Vũng Áng thì kết quả thật là trái ngược, sự phẫn nộ của giới công nhân quá sức tưởng tượng không một ai lường trước , ngờ được, kể cả chính “nhóm kích động” Bình Dương?
“Nhóm người lạ mặt” tại Vũng Áng là ai, tại sao họ được hành động rất tự do và hình như rất có tổ chức có chỉ đạo, rất nhanh nhẩu và tấn công đúng trọng tâm đúng thời điểm tạo nên một hậu quả thật kinh hoàng.
Đây là yếu tố bất ngờ hay tính trước ? Nếu tính trước thì đây có thể là “cú trả đũa” sau khi nhóm Bình Dương đã thành công?
Bạo loạn Bình Dương và đổ máu tại Vũng Áng có thể đựợc coi như là cuộc “đọ sức một mất một còn” giữa cánh chống và thân TC trong nội bộ ÐCS?
TQ , hơn ai hết, hiểu rằng, nếu Việt Nam thoát khỏi được gông cùm của tư tưởng xã hội chủ nghĩa lỗi thời, thì chắc chắn Việt Nam sẽ ngả về phía Hoa Kỳ và Phương Tây, điều này hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Điều mà Trung Nam Hải mong muốn có là một ban lãnh đạo Việt Nam run rẩy, yếu hèn trước sức ép của Trung Quốc. Do vậy Trung Quốc sẽ không “ra đòn” để cho tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của Việt Nam xụp đổ, và biến loạn Vũng Áng là thứ mà TQ không muốn thấy, nhận định này khá chính xác.
Khi Bình Dương phựt lửa thì hàng trăm người Trung Quốc nhanh chân bỏ chạy sang Miên.
Khi Vũng Áng gây án mạng thì hàng ngàn người phải tháo chạy về cố quốc.
Những hình ảnh thảm thương nầy đang gây tổn thương nghiêm trọng cho uy tín Trung Quốc đặc biệt nó đang tạo nên một tiền lệ nguy hiểm cho các công ty và nhân viên TQ đang hiện diện nhiều nơi trên thế giới.
Nay vấn đề tranh chấp ở Biển Ðông giữa Việt Nam cùng với Phi và Trung Quốc đang trở thành vấn đề lưu tâm của quốc tế vì nó liên quan đến 50% khối lượng vận chuyển hàng hải quốc tế.
Nó đang làm cho TQ khó chịu ra mặt trong khi đó thì Phi cùng với VN đăng tăng tốc đi tìm giải pháp qua Luật Quốc Tế và ngay lập tức TQ đã thẳng thừng bác bỏ.
Cho dù TQ dồn hết nổ lực để đối phó, nhưng ngược lại các quốc gia có quyền lợi lớn trong vùng như Nhựt, Mỹ, Âu và Canada … cũng ngày càng tích cực can dự làm cho VN và Phi có thêm hậu thuẩn.
Riêng VN , phía chính phủ hình như mạnh mẽ ra mặt chống lại các hành vi đơn phương vi phạm chủ quyền lảnh hải qua việc hạ đặt dàn khoan HD-981 bên trong thềm lục địa VN, qua các tuyên bố tại Hội Nghị ASEAN vừa qua tại Miến Ðiện, cũng như qua các tuyên bố của Thủ tướng Dũng với giới truyền thông quốc tế Bloomberg, AP … trong khi một phía khác đang kiểm soát Ðảng lại tỏ ra hòa hoãn nhẹ giọng.
Giới quan sát thời sự trong vùng vẫn chưa biết rõ ai và động lực nào đã gây nên biến động Bình Dương và bạo loạn tại Vũng Áng đưa đến cuộc di tản khẩn cấp hàng ngàn công nhân khác về TQ kèm theo sau nhiều lời cánh cáo của TQ lên giới chức Công An – VN mà cụ thể là vị TBT- ĐCSVN đã bị TQ từ chối gặp mặt.
Cả hai vụ về hình thức đều mang tính chống TQ, nhưng về thực chất thì khủng hoảng Vũng Áng có ý nghĩa đặc biệt.
Liệu hành động im lặng đáng ngờ của người đứng đầu ĐCSVN trước sự kiện HD-981 cùng với các tuyên bố rất tương phản của Thủ tướng Dũng khi trả lời các câu hỏi của phóng viên quốc tế vào ngày 21/5 tại Manila, Philippines, khi ông khẳng định “Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc” hay “Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói” làm cho giới theo dõi tỏ ra nghi ngờ về sự khác biệt về hình thức và tính chất chống TQ tại Bình Dương và Vũng Áng vì thiệt hại cho TQ tại Bình Dương xem ra lại nặng hơn cho Ðài Loan, Nhựt Bổn và Ðại Hàn chứ không phải là TQ còn riêng tại Vũng Áng thì hậu quả thật là nặng nề và thảm khốc cho TQ không những về người chết và bị thương và hàng ngàn công nhân khác phải bỏ chạy về quê nó tạo nên một tiền lệ rất xấu cho TQ trên trường quốc tế đặc biệt là tại các nơi trên thế giới đang có sự hiện diện đông đảo công nhân TQ.
Khi nhấn mạnh “không chấp nhận đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc và lên án Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói” ông Dũng hầu như đã có sự lựa chọn giữa “chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ” và “tình hữu nghị truyền thống viển vông giữa 2 nước VN-TQ giữa 2 Ðảng CSVN và CSTQ” đồng thời khi ông Dũng khẳng định với truyền thông thế giới về “sự không đi đôi giữa nói và làm” của TQ, ông Dũng đã trực tiếp phủ nhận “16 chữ vàng & 4 tốt” , kim chỉ nam của nhóm bảo thủ dựa vào TQ trong ÐCSVN.
Nếu coi hành động tại Bình Dương là nhằm ngăn cản các hành động chống TQ sau nầy, điều nầy xem ra rất hợp với Bắc Kinh nhưng tại Vũng Áng đang gây nên một sự thù hận giữa hai Dân Tộc điều mà nhóm thân TQ không bao giờ muốn vì suy cho cùng làn sóng biểu tình càng dâng cao sẽ càng làm cho làn sóng chống TQ trong ĐCSVN càng mạnh và nay cộng với sự thù hận TQ trong xã hội sẽ làm cho nhóm thân TQ đứng trước nguy cơ bị thanh toán.
Trong một chế độ mà mọi tư tưởng và hành động hoàn toàn bị kiểm soát chặt chẽ rất khó mà cho rằng hai khủng hoảng trên là tự phát và hầu như chắc chắn là có bàn tay khuấy động đàng sau nhưng nhóm nào giựt dây để đạt mục đích gì thì chỉ cần xem các hệ quả của các hành động đó.
Lửa Bình Dương hay máu Vũng Áng chỉ là diện mà điểm đến chính là Ba Đình.
Chờ xem!!!
Lê Văn – 06.06.2014