Học lịch sử để làm gì?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Học lịch sử để làm gì?
Hồ Chí Phèo (Danlambao)  “Học lịch sử để làm gì? ”. Câu hỏi đơn giản đến mức độ như ngây ngô. Nhưng trong mấy ngày qua ở Việt Nam, trong việc tranh cãi về bìa sách giáo khoa lịch sử Việt Nam có in hình Vạn Lý Trường Thành của Tàu lại không thấy có ai đặt lại câu hỏi, phân tích tại sao học sinh phải học môn lịch sử?
Nhớ lại thời còn cắp sách đến trường, tôi học lịch sử như đang sống lại trong một cuốn truyện thật, rất thật! Tôi tưởng tưởng đến Bà Trưng, Bà Triệu áo hoàng bào uy dũng ngồi trên lưng voi, rồi đến nét mặt hung ác, nham hiểm của Mã Viện. Từ cảm giác máu trong người như sôi sục khi nhớ về trận chiến thắng quân Nguyên Mông của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đến nghẹn ngào như muốn bật khóc khi đọc và hiể̉u được khí tiết của tướng Trần Bình Trọng lúc bị giặc bắt; rồi đến lúc bật cười thích thú khi nghĩ đến Tôn Sĩ Nghị phải chui vào ống đồng trốn như chuột chạy về Tàu…. Lịch sử hơn 4000 năm dựng nước giữ nước của Việt Nam không một quyển sách hay một bộ phim đồ sộ nào có thể ghi lại tất cả. Nhưng đọc sách lịch sử, đã tự nhiên ghi vào trong ta một tình cảm yêu đất nước, yêu tổ tiên, yêu dân tộc.
Phải tự nhiên và đơn giản quá, học lịch sử Việt để hiểu để hình thành một người Việt chân chính biết yêu quê hương, đất nước. Khi những cái xấu, những cái ác, những sự nhũng lạm quyền thế, tài nguyên, hút máu dân lành của kẻ có đặc quyền đặc lợi… mọi người không phân biệt tôn giáo, đảng phái phải cùng góp tiếng nói để chống những điều gây tại hại ấy cho đất nước.
Lịch sử dân tộc là chất keo kết dính mọi người để xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn. Bất kỳ một quốc gia trên thế giới, sách giáo khoa lịch sử dạy cho trẻ em phải trung thực và đưa tình cảm yêu nước cho thế hệ trẻ. Nhưng dưới chế độ CS tại VN hiện nay, lịch sử bị bóp méo, vo tròn. Người ta đưa Đảng lên trên tất cả, chủ nghĩa CS là ưu việt dù thực tế trên thế giới đã chứng minh ngược lại. Người ta lãi nhãi năm nay tháng nọ “Yêu Đảng là yêu nước”, tất cả phải theo Đảng, mọi việc Đảng làm đều tuyệt đối đúng. Sự lải nhải này đã từ từ tiêm nhiễm vào trong đầu, trong não của nhiều người, ngay cả những người trí thức, học vị cao tại VN.
Qua một số ý kiến quanh bìa sách giáo khoa lịch sử lớp 7, có ý kiến GS Võ Tòng Xuân: “Bìa sách lịch sử in hình Vạn Lý Trường Thành có gì là sai? Đấy là công trình xây dựng vĩ đại, một kỳ quan của thế giới”. Tôi có gặp GS Xuân một lần, cách đây cũng gần 28 năm. Vẫn còn nhớ đến câu nói của ông: “Cái bao laptop bằng vải này xấu xí, tôi vẫn quí nó vì được bà xã may cho”, bà vợ nào nghe chồng nói câu này mà không cảm động đến ngất người? Ông là một “nice guy”, ăn nói dịu dàng. Nhưng khi nghe ý kiến của ông về “Vạn Lý Trường Thành”, tôi thấy buồn, dường như ông đã có sự thay đổi?
Hình Vạn Lý Trường Thành in trên sách giáo khoa lịch sử VN để làm gì? Vạn Lý Trường Thành là công trình xây dựng “khủng”. Khủng về chiều dài, nó là một bức thành dài hơn 8800km. Khủng về thời gian xây dựng, 1800 năm, khởi công từ 200 năm trước công nguyên kéo dài đến thế kỷ 16. Khủng vì máu và nước mắt, bao nhiêu sinh mạng con người, chủ yếu tù nhân hay dân đen, khởi đầu do bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Nó là một kỳ quan thế giới sau kim tự tháp ở Ai Cập và được in nhan nhản ở các tờ quảng cáo du lịch Tàu. Trong lịch sử Tàu, Vạn Lý Trường Thành không là đề tài chính vì lịch sử chú tâm đến triều đại vua chúa, các biến cố chính trị, quân sự lớn. Người đi du lịch, có người thích Vạn Lý Trường Thành để ngắm, để chạy marathon; có người thích Kim Tự Tháp để tìm hiểu “tại sao người cổ xưa có thể đem những tảng đá khổng lồ lên cao đến thế” và bí mật các lăng mộ; có người thích di tích Đế Thiên Đế Thích để tìm hiểu sao một dân tộc Khmer lại xây dựng một kỳ quan như vậy!
Rõ ràng Vạn Lý Trường Thành nếu đáng được đưa vào lịch sử của thế giới, chỉ nên là bài đọc thêm để hiểu người Tàu chăm chỉ đến mức độ nào khi xây một tường thành dài đến thế, chống lại quân xâm lược Hung Nô. Thực ra khi người Mông cổ chiếm nước Tàu lập nhà Nguyên và người Mãn lập nên triều đại Mãn Thanh, Vạn Lý Trường Thành vô tác dụng, hiện nay chỉ là một chứng tích lịch sử để chơi, du lịch. Khi làm bìa cho sách giáo khoa, người ta đã cẩu thả “cóp” ngay hình trên trang quảng cáo du lịch đi Tàu. Sự cẩu thả trong giáo dục Việt Nam là điều bình thường vì nhà nước chỉ quan tâm tăng ngân sách an ninh, công an… để bảo vệ chế độ.
Bìa sách khi sáng tác phải nói lên nội dung, ý nghĩa giáo dục cho trẻ em. Hình “Vạn Lý Trường Thành” để khoe công trình xây dựng lịch sử vĩ đại của Tàu với trẻ VN? VLTT có phải là một sự kiện lớn ảnh hưởng lịch sử phát triển thế giới hay Tàu? Để các em khi lớn lên mong ước đi VLTT để trầm trồ, thán phục người Tàu? Để quảng cáo không công, hay có công với các công ty du lịch? Hay có ý nghĩa khuyến khích các em nghiên cứu xây một bức tường thành giống như vậy ở biên giới Tàu-Việt cho an toàn? Nhìn bìa sách phải chăng ta hiểu người ta đang dạy trẻ em học lịch sử để làm gì?
Chuyện bìa sách giáo khoa lịch sử lớp 7 cho các em học sinh là chuyện nhỏ trong hàng ngàn chuyện giáo dục đang xuống cấp trong XHCNVN. Điều lo ngại và đáng buồn hơn là ý kiến của những người thầy đã từng trải trong giáo dục, đã có bao nhiêu học trò, lại đưa ý kiến “không có gì sai” khi người ta đưa hình VLTT như hình quảng cáo du lịch vào sách giáo khoa. “Học lịch sử để làm gì?” câu hỏi xem vậy lại không đơn giản ở CHXHCNVN chút nào!

21.08.2018