Tin Việt Nam – 21/08/2018
Tù nhân phản cung bị trả thù
Tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng không được gặp thân nhân sau khi phản cung những lời khai trước đây đối với nhà hoạt động Lê Đình Lượng.
Vào ngày 20 tháng 8 năm 2018, ông Nguyễn Viết Hùng cha của tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng đi thăm nuôi con mình sau phiên tòa phúc thẩm đối với anh Nguyễn Viết Dũng thì được công an trại tạm giam Nghi Kim, Nghệ An thông báo không được thăm gặp. Ông Nguyễn Viết Hùng cho Đài Á Châu tự do biết vào sáng 21 tháng 8 như sau:
“Hôm qua đi thăm thì người ta nói Dũng không thành khẩn trong phiên tòa xét xử ông Lê Đình Lượng cho nên người ta nói lý do đó nên không cho gặp.
Lúc đầu họ không cho tôi gửi đồ thăm nuôi nhưng nói mãi họ cũng cho gửi đồ và gửi tiền.
Người ta không nói bao giờ được gặp, một tháng 2 lần tôi sẽ đòi đi gặp và gửi quà chứ công an không nói thời gian được gặp.
Riêng tôi nhận định kiểu gì nó cũng bị đánh sau phiên tòa của Lê Đình Lượng vì nó phản cung.”
Vào ngày 16 tháng 8, hai tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng được đưa đến làm nhân chứng chính tại phiên tòa xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng. Tại tòa hai anh Hóa và Dũng đều phản cung cho rằng những lời khai trước đây về ông Lượng là vì bị đánh đập và bức ép nên họ phản cung trước tòa.
Chỉ một ngày trước đó vào ngày 15 tháng 8, nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng bị TAND cấp cao Hà Nội tuyên 6 năm tù giam và 5 năm quản chế, tức là giảm 1 năm so với phiên tòa sơ thẩm vì bị cáo buộc tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Trong phiên tòa này, người thanh niên yêu thích trang phục quân lực VNCH đã yêu cầu hoãn xử do vắng mặt luật sư nhưng không được chấp nhận.
Anh Nguyễn Viết Dũng, sinh năm 1986, thường được biết đến với biệt danh Dũng Phi Hổ. Anh từng bị án tù 12 tháng với cáo buộc tội “Gây rối trật tự công cộng,” theo Điều 245 của Bộ Luật hình sự năm 1999, sau khi tham gia cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội vào năm 2015 cùng với những người bạn.
Phóng viên độc lập Nguyễn Văn Hóa từng bị đánh, bức cung
Ủy ban Bảo vệ Các nhà báo (CPJ) hôm 20/8 ra thông cáo lên án việc hành hung anh Nguyễn Văn Hóa, một nhà báo độc lập chuyên quay phim Việt Nam hiện đang bị cầm tù, và kêu gọi chính quyền Việt Nam dừng đánh đập và sách nhiễu các nhà báo bị bỏ tù.
CPJ trích lời của ông Rohit Mahajan, Giám đốc Quan hệ Công chúng của Đài Á Châu Tự Do (RFA), rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã đánh đập Nguyễn Văn Hóa, một phóng viên của RFA nhằm đưa ra lời buộc tội nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lương, người vừa bị kết án 20 năm tù vào ngày 16 tháng 8 với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Lê Đình Lượng, nói Nguyễn Văn Hóa đã bị đánh đập trong tù và buộc phải làm chứng chống lại ông Lê Đình Lượng. Tuy nhiên anh Nguyễn Văn Hóa đã rút lại lời khai trước đó tại phiên tòa vào ngày 16 tháng 8 vừa qua.
Ông Shawn Crispin, đại diện của CPJ tại Đông Nam Á yêu cầu Chính quyền Việt Nam phải dừng ngay lập tức tình trạng sách nhiễu và hành hung phóng viên Nguyễn Văn Hóa; đồng thời nên trả tự do cho tất cả những nhà báo đang bị cầm tù, cải cách điều luật nhằm bỏ tù họ và
Nguyễn Văn Hóa đang chịu bản án bảy năm tù trong một phiên xử kín hôm 27/11/2017 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Văn Hóa là nhà hoạt động tham gia tích cực vào các hoạt động phản đối Nhà máy thép Formosa gây ra thảm họa biển miền Trung vào năm ngoái và giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này.
Được biết, Hóa cũng là người đầu tiên sử dụng flycam để thu lại hình ảnh hơn chục ngàn người biểu tình trước cổng công ty Formosa vào tháng 10 năm ngoái.
Việt Nam xét xử 12 thành viên
Chính phủ Quốc gia VN Lâm thời
Phiên xét xử 12 người bị cho là thành viên của tổ chức Chính phủ Quốc gia VN Lâm thời do ông Đào Minh Quân ở Mỹ lãnh đạo, diễn ra ngày 21 tháng 8 tại TP.HCM.
Trong số 12 người này, có 2 người là Việt kiều Mỹ, một người tên Angel Phan – 62 tuổi, người còn lại là James Han Nguyen – 51 tuổi.
Những người này bị cáo buộc khủng bố nhằm lật đổ chính quyền theo điều 84 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam, với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào thứ Năm ngày 23 tháng 8 tới đây.
Cáo trạng cho rằng Chính phủ Quốc gia VN Lâm thời là một tổ chức phản động, khủng bố, chuyên đưa người nước ngoài vào VN để tuyên truyền vận động những người trong nước tham gia tổ chức này nhằm lật đổ chính quyền Hà Nội bằng bạo lực.
Hiện còn có một công dân Mỹ gốc Việt khác tên Michael Phuong Minh Nguyen được cho là đang bị phía an ninh VN bắt giữ với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Gia đình ông Michael đang vận động các dân biểu Mỹ kêu gọi trả tự do cho ông. Thông tin từ thân nhân Ông Michael Phương Minh Nguyễn thì ông này về VN ngày 27 tháng 6 để thăm gia đình, bạn bè nhưng không quay trở lại Mỹ theo lịch trình. Một số nguồn tin của RFA cho biết ông Michael bị bắt cùng 4 người khác hôm 7 tháng 7 vừa qua.
Một số nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho ông Michael Phương Minh Nguyễn; tuy nhiên đến nay phía Hà Nội chưa có thông tin chính thức gì về trường hợp giam giữ ông này.
Người bất đồng chính kiến Công giáo bị ”ngắm”?
Việc rất nhiều nhà bất đồng chính kiến đang ngồi tù, hoặc bị xét xử gần đây là người Công giáo, làm dấy lên câu hỏi có phải họ nằm trong tầm ngắm của chính quyền.
Tác giả Bennett Murray viết trên The South China Morning Post, là người Công giáo chỉ chiếm 7% dân số Việt Nam, “nhưng đóng một vai trò lớn trong phong trào bất đồng chính kiến, và vì thế, họ nói có các nhà thờ bị phá, linh mục bị bắt và tôn giáo bị bôi nhọ”.
Ông Bennett Murray dẫn lời linh mục Anton Lê Ngọc Thanh, thuộc Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, nói ông từng bị bắt giữ 10 lần và bị cấm xuất cảnh, và “người Công giáo trong một quốc gia cộng sản phải chịu đựng rất nhiều hệ lụy.”
Theo The South China Morning Post, linh mục Anton từng tổ chức một cuộc tuần hành vinh danh các cựu chiến binh của chính quyền được gọi là “nhà nước bù nhìn miền Nam Việt Nam” và giương lá cờ vàng ba sọc của chính quyền này – một hành động từng khiến nhiều nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam chịu án tù nặng.
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 20/8, linh mục Đặng Hữu Nam nói:
“Là linh mục, nhưng cũng là một công dân, tôi thấy mình có trách nhiệm lên tiếng trước những bất công của xã hội, những điều không đúng với luật pháp của đất nước, đi ngược văn minh nhân loại, và ảnh hưởng tới nhân quyền. Nhưng vì vậy, chính quyền tìm mọi cách để làm khó dễ cho đời sống cá nhân cũng như con đường hành đạo của tôi.”
Linh mục Đặng Hữu Nam, hiện quản nhiệm Giáo xứ Mỹ Khánh, Yên Thành, Nghệ An, từng công khai phản đối nhà máy thép Formosa của Đài Loan xả độc ra biển, phản đối luật an ninh mạng, dự luật đặc khu, cùng nhiều vấn đề khác như lạm thu trong trường học, boxit Tây Nguyên.
Điều trần ‘Năm tồi tệ của nhân quyền VN’ trước QH Mỹ
Linh mục Thục ‘không được xuất cảnh’
Giáo xứ miền Trung phản đối luật An ninh mạng
“Chính quyền địa phương công khai thông báo họ đã đặt 7-8 trạm gác quanh giáo xứ để theo dõi hoạt động của tôi.”
“Mới đây nhất, ngày 16/8, tôi cùng cộng đoàn có kế hoạch sang giáo xứ lân cận để cầu nguyện cho tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng, thì chính quyền cử hàng ngàn người cả sắc phục và thường phục bao vây chúng tôi cả ngày lẫn đêm, không cho đi.”
“Tôi nhiều lần bị câu lưu, bị công an mặc sắc phục và thường phục hành hung. Đời tư của tôi cũng bị lăng mạ,” linh mục Nam nói với BBC từ Nghệ An.
Nhắm vào người Công giáo?
Nhiều trong số những người Công giáo hoạt động chính trị tích cực như linh mục Anton, từng hoặc đang bị ngồi tù như blogger Mẹ Nấm, bà Thúy Nga, ông Lê Đình Lượng, luật sư Nguyễn Văn Đài – người sáng lập Hội Anh Em Dân Chủ – vừa ra tù tháng 6/2018 và hiện đang tỵ nạn tại Đức.
Ông Lê Đình Lượng, một nhà hoạt đông dân chủ người Công giáo sống tại Nghệ An, vừa bị tuyên án 20 năm tù giam, án cao nhất từ trước đến giờ cho tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Hoạt động của ông Lượng gồm biểu tình phản đối nhà máy thép Formosa của Đài Loan gây ô nhiễm biển.
Người Công giáo chiếm số lượng lớn trong số những người biểu tình phản đối Formosa. Các vụ ‘trả đũa’ họ cũng trở nên phổ biến, theo con dâu của ông Lượng, bà Nguyễn Thị Xoan. Bà Xoan cũng cáo buộc chính quyền đã tấn công các địa điểm thờ phượng của người Công giáo.
“Họ vào các nhà thờ, phá hủy tượng Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria, họ xúc phạm người Công giáo bằng cách phá hủy những gì là thiêng liêng đối với chúng tôi,” bà nói.
Cùng ngày 20/8, chồng bà Thúy Nga, ông Lương Dân Lý, cho biết BBC bà bị đánh đập và dọa giết trong tù.
“Em trai Nga mới đi thăm, thấy Nga gầy hơn. Mới đây, Nga gọi điện về, nói bị giam chung với một nữ phạm nhân hình sự đầu gấu khét tiếng nhất trại Gia Trung và thường bị người này hành hung, dọa giết.”
“Tôi bị coi là ‘linh mục phản động”
“Nếu chúng tôi nói sự thật, dân chủ, nhân quyền, thì đều bị coi là kẻ thù của đảng cầm quyền. Tôi bị coi là linh mục ‘phản động’,” linh mục Đặng Hữu Nam nói với BBC.
“Người Công Giáo biết cộng sản vô thần và họ làm những việc vì lợi ích riêng của họ chứ không phải lợi ích của mọi người”, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, 36 tuổi, một trong số hàng ngàn người xuống đường tại TP Hồ Chí Minh vào tháng Sáu được dẫn lời trên The South China Morning Post.
Một người biểu tình khác, Nguyễn Ngọc, 36 tuổi, nói chi tiết hơn: “Chúa Giê Su Ky Tô nói bạn nên biết lẽ thật. Cộng sản ghét sự thật.”
Tác giả Bennett Murray cũng quan sát thái độ của người Công giáo Việt Nam với Trung Quốc, và chỉ ra là vào tháng Sáu, người Công giáo tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu kinh tế mà họ lo ngại sẽ cho Trung Quốc một chỗ đứng trên lãnh thổ Việt Nam.
Ở một đất nước mà nhiều con phố mang tên những vị anh hùng có công đuổi giặc Tàu, người dân luôn sợ bị Trung Quốc xâm lược và luôn ghét Trung Quốc, và người Công giáo không phải ngoại lệ, ông Bennett Murray bình luận.
“Hầu hết [tất cả] người Việt Nam ghét cộng sản Trung Quốc, nhưng tôi không ghét người Trung Quốc, tôi thông cảm với họ”, người tên Ngọc nói thêm. “Tôi biết rằng các linh mục Công giáo thực sự ở Trung Quốc đang cố gắng rất nhiều để tồn tại với cộng sản.”
Không giống như ở Trung Quốc, nơi từ chối thẩm quyền của Vatican, chính phủ Việt Nam cho phép Hội thánh được hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh. Trong khi đó, Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo của Việt Nam, được Quốc hội thông qua năm 2016, bảo đảm quyền của người dân thực hành các tín ngưỡng được chính phủ công nhận, miễn là các tổ chức tôn giáo báo cáo hoạt động của họ cho chính phủ.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại tại New York nói với nhà báo Bennett Murray:
“Nhà cầm quyền tại Hà Nội không thích bất cứ một phong trào có tổ chức nào với cả nguồn lực và khả năng vận động quần chúng, mà Giáo hội Công giáo ở Việt Nam lại có cả hai.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45243420
Hà Giang sẽ có báo cáo về di tích dinh thự họ Vương
Đại diện cơ quan hữu trách tỉnh Hà Giang, ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường hôm thứ Ba 21 tháng 8 cho biết đang tiến hành kiểm tra lại hồ sơ, hiện trạng của di tích dinh thự họ Vương người H’Mông tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn để hoàn thành báo cáo trước ngày 31 tháng 8 này, theo văn bản yêu cầu của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình.
Theo tin đã đưa, báo cáo này liên quan đến thư kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toà dinh thự họ Vương của ông Vương Duy Bảo, cháu nội của “Vua Mèo” Vương Chí Sình. Trong thư này, ông Vương Duy Bảo đề nghị Thủ tướng giải quyết trả lại cho dòng họ Vương mảnh đất gắn liền với toà dinh thự hơn 100 tuổi ở Hà Giang.
Thêm vào đó, tin cho hay gần đây gia đình ông Vương Duy Bảo mới biết UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hoá Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng mảnh đất gắn liền với toà dinh thự họ Vương từ năm 2012.
Gia đình ông Bảo đã gửi đơn kiến nghị từ tháng 6 năm 2018. Tháng 7 năm 2018, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang vẫn khẳng định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hoá Thông tin là “hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật”.
Liên quan vụ việc này, Luật sư Trương Anh Tú trả lời báo Dân Trí trong nước rằng Luật Di sản Văn hoá không đề cập đến vấn đề quốc hữu hoá tài sản cá nhân sau khi tiến hành trùng tu di tích và điều 158 Luật Đất đai 2013 cũng thừa nhận và bảo hộ quyền sử dụng đất của các nhân, hộ gia đình trên đất có di tích lịch sử – văn hoá.
Dinh thự Vua Mèo có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hoá (Trung Quốc, người Mông và người Pháp) đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia qua các giai đoạn 1945, 1975 vẫn thuộc sở hữu của gia tộc họ Vương.
Người Hà Nội và đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được người dân Hà Nội đặc biệt quan tâm vì đây là một trong những giải pháp giúp giảm ùn tắc giao thông nặng nề ở thủ đô hiện nay.
Tuy vậy tai tiếng lâu nay về tiến độ bị chậm, vốn đội lên gần gấp đôi rồi chất lượng công trình – theo công nghệ và nhà thầu Trung Quốc, vẫn không được giải tỏa và nay lại có thêm những sự việc khác khiến người dân Hà Nội lo lắng về dự án này.
Từ ngày 11/8/2018, Dự án Đường sắt Đô thị Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội bắt đầu vào giai đoạn đóng điện toàn tuyến, chạy thử để đến cuối năm sẽ chính thức hoạt động, khai thác thương mại. Tuy nhiên, truyền thông và mạng xã hội liên tiếp đưa ra nhiều thông tin về sai sót kỹ thuật như thanh ray rỉ sét, các con bu-lông cố định thanh ray long ra ngoài ở nhiều vị trí và khe hở rộng giữa đoàn tàu và ke ga.
Chúng ta biết rằng những cái rỉ đó cho thấy rằng chất lượng của những con bu-lông và thép làm đường ray là những cái thép không được nhiệt đới hóa. – Kỹ sư Lê Văn Dũng
Theo kỹ sư xây dựng Lê Văn Dũng – người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý dự án, chất lượng thép để sản xuất những thanh ray và bu-lông cho dự án Cát Linh – Hà Đông không đảm bảo chất lượng, không đủ tiêu chuẩn.
“Chúng ta biết rằng những cái rỉ đó cho thấy rằng chất lượng của những con bu-lông và thép làm đường ray là những cái thép không được nhiệt đới hóa. Chúng ta nhìn thấy đường ray mà người Pháp làm ngày xưa và những con bu-lông chúng ta đang dùng làm cột điện thì ở ngoài trời phải đáp ứng được tiêu chuẩn nhiệt đới hóa.”
Anh Minh Hiển – một người dân Hà Nội cho rằng, khi dự án đưa vào sử dụng chính thức trên một trục giao thông huyết mạch, người dân vẫn có thể sử dụng.
“Nếu trong quá trình sử dụng, nếu mà nó chứng minh được độ tin cậy trong an toàn, và đảm bảo được công suất hoạt động, thì người dân vẫn dần dần sử dụng tuyến đường sắt đó.”
Ngoài vấn đề kỹ thuật, điều làm dư luận phẫn nộ liên quan đến biển đề tên ga và thẻ lên tàu có chữ Trung Quốc được ghi trước tiếng Việt với cỡ chữ to hơn. Nhiều người cho rằng, điều này xâm phạm đến pháp luật và chủ quyền của Việt Nam.
Trên tất cả, những gì diễn ra trong dự án này đều phải có sự giám sát, quản lý, kiểm tra của Ban Quản lý dự án đường sắt – thuộc Bộ Giao thông – Vận tải. Do vậy, người dân cho rằng những gì đã xảy ra về kỹ thuật và về việc tiếng Trung Quốc xuất hiện cần phải truy vấn trách nhiệm và năng lực của Ban quản lý này.
Kỹ sư Lê Văn Dũng cho rằng, việc nghiệm thu công trình của Ban Quản lý dự án có “những cái sai cơ bản” trong nghiệp vụ quản lý dự án.
“Khi họ làm những cái ở hiện trường cho thấy rằng, những người quản lý dự án, ban quản lý dự án đó không có chuyên môn, hoặc có chuyên môn nhưng bất chấp các quy định pháp luật về xây dựng, trong việc tuân thủ công tác nghiệm thu, quản lý chất lượng công trình xây lắp. Ông ấy nghiệm thu mà không làm đúng quy trình. Mặc dù tàu chưa chạy thử nghiệm thu, nghiệm thu có tải, hay kiểm định an toàn đã để cho người lên, cho bà già, trẻ em, phụ nữ lên, nhỡ đoàn tàu trục trặc, mất phanh thì rất nguy hiểm.”
Trải qua nhiều sự cố kỹ thuật, chậm tiến độ dẫn đến đội giá dự án và vấn đề về sử dụng ngôn ngữ đã khiến người dân cảm thấy năng lực của nhà thầu, cũng như năng lực giám sát, quản lý dự án của chủ đầu tư – ở đây là Bộ Giao thông – Vận tải là yếu kém.
Theo kỹ sư Lê Văn Dũng, xét về bài toán kinh tế, trong quá trình xây dựng, vận hành, các yếu tố về chi phí, khấu hao và hoàn vốn sẽ quyết định mức giá vé khi chính thức chạy thương mại. Ông Dũng cho rằng, khả năng hoàn vốn của dự án là thấp, còn thu lãi là điều khó xảy ra.
“Bài toán này không có hiệu quả ngay từ khi dự án bị vỡ tiến độ. Lẽ ra dự án được xây trong vòng 2,5 năm thì đảm bảo tiến độ đó xong dự án và số vốn không trượt như thuyết minh ban đầu của dự án thì mới có lãi. Sau 2,5 năm ông đã vỡ kế hoạch, và vỡ kế hoạch kéo dài thêm 7-8 năm nữa thì tổng số tiền vốn vay chịu lãi nhân lên là số tiền khổng lồ. Chính phủ cho biết, từ giờ trở đi, chúng ta trong vòng 1 năm phải trả hơn 650 tỷ tiền lãi ngân hàng, mỗi ngày 1,8 tỷ, thì làm sao ông bán vé để thu được tiền lãi ngân hàng.”
Chính phủ cho biết, từ giờ trở đi, chúng ta trong vòng 1 năm phải trả hơn 650 tỷ tiền lãi ngân hàng, mỗi ngày 1,8 tỷ, thì làm sao ông bán vé để thu được tiền lãi ngân hàng. – Kỹ sư Lê Văn Dũng
Bà Nguyễn Nguyên Bình – một cán bộ hồi hưu chia sẻ, nhiều nước đã xây dựng, vận hành đường sắt đô thị và chứng tỏ hiệu quả trong cải thiện hạ tầng cơ sở, giảm ùn tắc giao thông. Nhưng vấn đề ở Việt Nam là việc ký kết và thực hiện hợp đồng xây dựng dự án này gây ra sự thiếu hiệu quả.
“Nhưng chỉ có vấn đề tại sao nó lại tốn kém như thế? Tại sao hợp đồng không biết ký kết lỏng lẻo thế nào mà nhà thầu tha hồ kéo dài thời gian mà chả bị phạt gì cả? Thậm chí hợp đồng được ký kết chặt chẽ thì đáng nhẽ phải phạt chứ. Đây chả thấy ai phạt cả.”
Đối với người dân – những người trực tiếp gánh nợ công của đất nước và trả tiền khi sử dụng đường sắt đô thị, thì luôn mong đợi mọi dự án hiệu quả, thu hồi được vốn. Bà Bình nói tiếp:
“Thật ra tôi rất hy vọng, rất mong tuyến đường đấy có hiệu quả, thu hồi được vốn. Bởi vì tôi nghĩ, một đô thị phát triển người ta phải dùng nhiều phương tiện giao thông công cộng, chứ không phải bây giờ dùng các phương tiện cá nhân như thế. Cho nên là tôi rất là lo lắng cho vấn đề thu hồi vốn.”
Nhìn xa hơn, nhiều người quan ngại rằng, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bị đội vốn, chậm tiến độ là nằm trong kế hoạch “bẫy nợ” của Trung Quốc đối với Việt Nam thông qua nhiều dự án, giống như bao quốc gia khác đang hứng chịu như Sri Lanka, Maldives, … Bà Bình cho biết:
“Hiện giờ, đối với dự án này không còn thuốc gì để chữa được nữa, vì nó đã ở giai đoạn cuối và Việt Nam đã lọt hoàn toàn vào cái bẫy đó. Anh đã có cái ký kết vay vốn và tiến độ của anh trong năm nay 2018 không thể hoàn thành dự án để chính thức đưa vào sử dụng để anh thu được tiền. Chính vì vậy, Chính phủ và Bộ Giao thông đã ký cho giãn tiến độ dự kiến hoàn thành đến 2021. Đến 2021 thì tổng thời gian thực hiện là 10 năm cho một đoạn 13 km thì không thể cứu được nữa rồi. Đấy là một cục nợ khổng lồ.”
Chưa có ai bị truy vấn trách nhiệm một cách rõ ràng về những sai phạm và sự kém hiệu quả của Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Người lớn tiếng chỉ trích nhà thầu Trung Quốc nhất là ông Đinh La Thăng hiện đang trong nhà lao vì đại án kinh tế trước khi làm Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/Ha-Noi-urban-railway-08212018081358.html
Chuyện trò với Lapthe Flora,
chuẩn tướng Mỹ gốc Việt
Ben NgôBBC Tiếng Việt
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt, Chuẩn tướng Lapthe Chau Flora nói nếu còn ở Việt Nam đến bây giờ “có lẽ tôi là nông dân” và “tất cả những gì chúng ta [người Việt] cần là cơ hội.”
Chuẩn tướng Lapthe Chau Flora, tên Việt là Châu Lập Thể, hiện đang ở Rwanda để giúp các đối tác châu Phi cải thiện năng lực.
Ông là một trong các chuẩn tướng Hoa Kỳ gốc Việt, cùng với Lương Xuân Việt, William Seely III.
Trong lực lượng quân đội Hoa Kỳ còn có một gương mặt gốc Việt đáng chú ý nữa là Đại tá Lê Bá Hùng, từng là Hạm trưởng tàu USS Lassen và hiện là một Chỉ huy trưởng (Commodore) đội tàu thuộc Hải đội 7. Ông từng hai lần cập cảng Đà Nẵng.
USS Hue City: Chiến hạm Mỹ mang tên TP Huế
Chủ tịch Quang thăm Ấn Độ, mẫu hạm Mỹ ghé Đà Nẵng và thực chất?
Bà Janet Nguyễn bị đưa ra khỏi phòng họp
Phỏng vấn Hạm trưởng Lê Bá Hùng
Ông Thể sinh năm 1962 tại Việt Nam, trong một gia đình gốc Hoa. Năm 18 tuổi, ông cùng người thân vượt biên sang Mỹ. Ông đã được cặp vợ chồng người Mỹ John và Audrey Flora nhận làm con nuôi.
BBC:Ông có thể nói gì về vai trò mới của mình là phó tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ tại châu Phi?
Lapthe Chau Flora: Ngày 1/8/2018, tôi được bổ nhiệm làm phó tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ tại châu Phi, trong lúc vẫn đảm nhiệm vai trò chỉ huy trưởng Lữ đoàn Vệ Binh Quốc gia Virgina 91th.
Nhiệm vụ của quân đội Hoa Kỳ tại Châu Phi là chỉ huy các sứ mệnh quân sự liên quan đến chiến trường, tiến hành trợ giúp lực lượng an ninh, và cung cấp trợ giúp cho liên quân và đối tác quốc tế để được các mục tiêu cao hơn.
Hoa Kỳ liên tục kêu gọi các bên làm rõ yêu sách lãnh thổ và hàng hải theo luật pháp quốc tế. Tất cả các yêu sách hàng hải, gồm cả yêu sách ở Biển Đông, chỉ có thể căn cứ từ các thực thể được hình thành tự nhiên.Chuẩn tướng Lapthe Chau Flora
BBC: Có bao giờ ông tự hỏi, nếu còn ở Việt Nam thì bây giờ ông đang làm gì?
Lapthe Chau Flora: Có, tôi nghĩ về điều này thường xuyên. Nếu tôi vẫn còn ở Việt Nam, có lẽ tôi đang làm nông dân hoặc công nhân.
Đa phần người Việt là những người chăm chỉ, kiên cường với tiềm năng không giới hạn. Tất cả những gì chúng ta [người Việt] cần là cơ hội.
BBC:Ông lý giải thành công của bản thân trong Quân đội Hoa Kỳ là nhờ những yếu tố nào?
Lapthe Chau Flora: Tôi cho rằng mình thành công trong quân đội là nhờ khao khát trả ơn cho nước Mỹ vì đã cho tôi và gia đình tôi cơ hội thứ hai trong cuộc đời – Sự tự do.
BBC: Ông có thể kể gì về người cha và người chú ruột của ông? Có phải nhờ cha và chú mà ông có động lực theo đuổi con đường binh nghiệp?
Lapthe Chau Flora: Cha tôi từng là thủy thủ trong đội Hải vận của Việt Nam Cộng hòa và bị giết khi tôi chỉ mới hai tuổi và gia đình đang sống trên đảo Phú Quốc.
Chú tôi và cũng là người em trai duy nhất của cha tôi, phục vụ trong Biệt động quân ở Huế và vùng phụ cận. Từ khi còn nhỏ đến lúc lớn lên, tôi hiếm khi được gặp chú vì ông ở chiến trường. Thời điểm duy nhất tôi gặp chú vào khoảng năm 1972 khi ông bị thuơng nặng – bị bắn vào bụng. Chú tôi về nhà sau khi phẫu thuật và mau chóng trở lại đơn vị. Sau ngày 30/4/ 1975, chú tôi có cuộc sống rất khó khăn…
Nguyên do khiến tôi quyết định phục vụ trong quân đội Mỹ là trả ơn cho nước Mỹ hơn là đơn thuần bước theo đường binh nghiệp giống như cha và chú mình.
BBC:Ông có muốn con mình theo đường binh nghiệp hay không?
Lapthe Chau Flora: Có. Tôi có một con gái và nó đang có kế hoạch gia nhập quân đội sau khi tốt nghiệp đại học. Con gái tôi muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật trong quân đội.
Tôi thì muốn con vào Hải quân, nhưng nó khăng khăng phục vụ trong Lục quân để theo bước của tôi và ông nội nuôi (cha nuôi của tôi là Thiếu Tá John Lewis Flora Jr., cựu chiến binh Thế chiến II.
Con gái tôi có sẵn ý nghĩ phục vụ trong quân đội mà không cần bố nó phải thuyết phục. Con tôi hiểu rõ những thử thách khả dĩ khi bước vào binh nghiệp.
TQ nói tàu Mỹ ‘khiêu khích’, gây tổn hại niềm tin
Tàu chiến Mỹ áp sát các đảo TQ tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa
BBC: Lần gần nhất ông về Việt Nam là khi nào?
Lapthe Chau Flora: Vài năm trước, tôi có đến Hà Nội trong một chuyến nhân có công việc ở đó. Nhưng tôi đã không trở về Sài Gòn thăm thân nhân trong hơn 17 năm qua.
BBC:Ông bình luận gì về tình hình Biển Đông hiện nay? Theo ông, Việt Nam nên thế nào trước việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự hoá Biển Đông?
Lapthe Chau Flora: Ở vị trí hiện tại của mình, tôi không tiện thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại. Những gì tôi có thể trao đổi với anh là quan điểm chính thức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về câu hỏi liên quan đến chủ quyền lãnh thổ.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ không nêu quan điểm về câu hỏi liên quan chủ quyền lãnh thổ, nhưng chúng tôi có lập trường về việc liệu các yêu sách hàng hải có phù hợp với pháp luật quốc tế về biển hay không, cũng như cách thức mà các quốc gia theo đuổi những yêu sách như vậy.
Hoa Kỳ liên tục kêu gọi các bên làm rõ yêu sách lãnh thổ và hàng hải theo luật pháp quốc tế. Tất cả các yêu sách hàng hải, gồm cả yêu sách ở Biển Đông, chỉ có thể căn cứ từ các thực thể được hình thành tự nhiên.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu chiến và hoạt động ở Biển Đông bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, giống như cách chúng tôi hoạt động ở khắp nơi trên thế giới.
Hoa Kỳ không có quan điểm về cạnh tranh yêu sách chủ quyền đối với các thực thể ở Biển Đông. Tuy nhiên, là một quốc gia Thái Bình Dương, lãnh đạo khối Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tuân thủ quyền tự do hàng hải, hàng không, và giao thương hợp pháp không bị cản trở trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Vì vậy, chúng tôi có quan điểm vững chắc về việc khuyến khích tất cả bên giải quyết tranh chấp trong ôn hòa, không cưỡng bách, và phù hợp với luật pháp quốc tế.
BBC: Việt Nam và Mỹ thời gian qua có các hoạt động hợp tác quốc phòng, tập trận chung. Gần đây có tin Việt Nam mua vũ khí của Mỹ trị giá gần 100 triệu đô la. Ông nghĩ gì về các động thái này?
Lapthe Chau Flora: Những gì tôi có thể trao đổi với anh là: Một trong những mục tiêu quân sự của Hoa Kỳ là trợ giúp nước bạn, các đối tác và đồng minh cải thiện năng lực quân sự của họ. Việc này nhằm để họ không chỉ tự bảo vệ mình mà còn có thể trợ giúp nhân đạo và hoạt động hòa bình trên toàn thế giới.
Quân đội Việt Nam là một đối tác của quân đội Mỹ trong những năm qua. Trên thực tế, chúng tôi có Chương trình Đối tác với Việt Nam. Vệ binh Quốc gia tiểu bang Oregon giúp đối tác Việt Nam cải thiện năng lực quân sự trong các hoạt động nhân đạo.
Phái đoàn quân sự Việt Nam đã đến Oregon để được huấn luyện và người của Vệ binh Quốc gia tiểu bang Oregon cũng đến Việt Nam cho việc này.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45255702
Cấp cục Bộ Công an ‘dôi dư ghế cấp phó’
Bộ Nội vụ Việt Nam xác nhận số lượng cấp phó các cục của Bộ Công an “có thể dôi dư” sau khi sắp xếp lại bộ máy.
Tuy nhiên thực trạng “thừa cấp phó” phải được giải quyết cho đến năm 2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nói tại cuộc họp báo hôm 20/08 ở Hà Nội.
Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh các phóng viên thắc mắc rằng nhiều đơn vị thuộc Bộ Công an có nhiều cấp phó sau khi Bộ Công an sắp xếp lại bộ máy theo hướng bỏ cấp tổng cục.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa mô tả điều ông gọi là “thời kỳ quá độ” trong chính sách cán bộ theo đó việc triển khai sẽ “có độ trễ”.
Trả lời câu hỏi phóng viên về việc Bộ Công an thành lập mới các cục “có bộ máy khá lớn” chẳng hạn như Cục Truyền thông vừa (13 cục phó với 21 đơn vị cấp phòng, ban) có đảm bảo về số lượng cấp phó theo quy định hay không, ông Thừa ví công tác cán bộ của Việt Nam giống cuộc cách mạng nhưng cách làm thì “khác với nước ngoài”.
Một cán bộ từ Bộ Nội vụ nói rằng Bộ Công an là một trong những bộ đi đầu trong việc xây dựng sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả.
Quanh việc năm tướng công an VN ‘hưu sớm’
Tái cơ cấu Bộ CA: ‘Nước cờ chính trị không dễ chơi’
“Khi sắp xếp lại thì số lượng cấp phó sẽ cao hơn so quy định. Bộ Chính trị đã cho ý kiến chỉ đạo, số lượng cấp phó các cục của Bộ Công an có thể cao hơn so với quy định nhưng đến 2021 phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Bộ Công an đã cam kết thực hiện việc này”- bà Đào Thị Hồng Minh, Vụ phó Vụ Tổ chức biên chế, nói với các phóng viên.
Đầu tháng này, Chính phủ Việt Nam ra một nghị định nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an “tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” sau khi được Bộ Chính trị thông qua.
Theo đề án cơ cấu lại này, Bộ Công an giảm 6 tổng cục do 6 trung tướng từng nắm giữ chức tổng cục trưởng; giảm 60 đơn vị cấp cục và tương đương xuống còn hơn 50 cục và giảm gần 300 đơn vị cấp phòng.
Bộ Công an Việt Nam tổ chức lại bộ máy
TBT Trọng: ‘Công an phải bảo vệ Đảng’
Các tổng cục được giải thể bao gồm Tổng cục An ninh (Tổng cục 1), Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục 2), Tổng cục Chính trị (Tổng cục 3), Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Tổng cục 4), Tổng cục Tình báo (Tổng cục 5) và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8).
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Trần Quốc Thuận trước đó nói với BBC rằng quá trình tái cơ cấu bộ công an là “đợt tái cơ cấu bộ máy quy mô lớn nhất từ trước đến nay, không chỉ ở trong ngành công an mà cả hệ thống chính trị.”
Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang nói với BBC rằng cuộc cải tổ triệt để nhất, to lớn nhất” này sẽ làm xáo trộn bộ máy tổ chức của Bộ Công an, ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, đến cấp lãnh đạo, các cấp tướng.”
Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an được báo Đất Việt dẫn lời nói rằng quá trình tinh gọn bộ máy sẽ “đụng chạm lợi ích của hàng trăm tướng lĩnh, đại tá và rất nhiều cán bộ, công chức ngành công an” và rằng “phải có bàn tay sạch, quyết tâm sáng mới làm được”.
Giới quan sát tại Hà Nội nói rằng sau Bộ Công an, dự kiến việc sắp xếp lại bộ máy nhân sự tại Bộ Quốc phòng cũng sẽ dẫn tới việc giải tán một số tổng cục lớn.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45255571
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục
khẳng định ‘4 tốt’ với Việt Nam
Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đón tiếp ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, vào chiều ngày 20 tháng 8.
Tin cho biết tại buổi gặp gỡ, ông Tập nhấn mạnh về tình hình khu vực và quốc tế đang có thay đổi sâu sắc và phức tạp, do đó mối quan hệ song phương và cùng ý thức hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội cũng như là thách thức. Ông Tập Cận Bình khẳng định rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Việt Nam qua các cuộc thảo luận thoại chuyên sâu về những vấn đề tổng thể và chiến lược, đồng thời tăng cường hướng dẫn chính trị về quan hệ song phương để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai quốc gia.
Chủ tịch Trung Quốc nhắc đến năm 2018 đánh dấu 10 năm kỷ niệm thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể và Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam theo phương châm ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’.
Ông Tập cũng lên tiếng hai nước sẽ tiếp tục đối thoại và tham vấn, quản lý sự khác biệt, đảm bảo rằng sự phát triển chung về lãnh hải sẽ sớm đạt được tiến bộ đáng kể và Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ quan điểm chung về xây dựng đảng, tiếp tục thúc đẩy trao đổi với nhau và nâng cấp khả năng quản trị của cả hai phía.
Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam, ông Trần Quốc Vượng chúc mừng Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội 19 và Kỳ họp thứ nhất Nhân đại và Chính hiệp toàn quốc khóa 13.
Tin cũng nói Ông Trần Quốc Vượng đánh giá cao tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc và khẳng định chính sách ngoại giao hàng đầu của Việt Nam là phát triển mối quan hệ với Trung Quốc. Ông Trần Quốc Vượng nói rằng Việt Nam sẵn sàng làm việc với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Bắc Kinh để thúc đẩy phát triển bền vững trong hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Bên cạnh buổi gặp gỡ với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Trần Quốc Vượng còn có các cuộc làm việc với một số cơ quan thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về các vấn đề được nói hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cùng quan tâm.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Trần Quốc Vượng diễn ra từ ngày 19 đến 23 tháng 8.
Chính phủ Việt Nam nới lỏng quy định xuất khẩu gạo
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, chính thức bãi bỏ quy định thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ.
Điều này được cho là cởi trói cho việc xuất khẩu gạo của thương nhân, bởi theo nghị định mới, thương nhân chỉ cần có ít nhất một kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo cũng như có ít nhất một cơ sở xay, xát gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không giới hạn sức chứa hay công suất như trước đây.
Tuy nhiên định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận nhằm duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân.
Nghị định 107 có một quy định được cho là rất thoáng đối với thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng. Theo đó, thương nhân xuất khẩu những loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và không phải báo cáo theo quy định, chỉ cần xuất trình cho Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của văn bản xác nhận, chứng nhận hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu hợp pháp.
Nghị định 107 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2018. Nghị định 109 năm 2010 chính thức được bãi bỏ.
Theo Vneconomy, cộng dồn 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo ước đạt hơn 3,8 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,8% về lượng và tăng đến 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, trong quý 4/2018 các thị trường truyền thống như Cuba, Iraq, Indonesia, Philippines và Malaysia có thể sẽ nhập khẩu từ 3 đến 4 triệu tấn gạo, chưa kể Trung Quốc và châu Phi.
Thống kê cho thấy trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu được 5,7 triệu tấn gạo các loại.