Tin khắp nơi – 20/08/2018
Mỹ điểm mặt Trung Quốc
trong số nước âm mưu xen vào bầu cử Mỹ 2018
Lần đầu tiên Trung Quốc bị Mỹ điểm mặt về mưu toan xen vào bầu cử Mỹ trong năm nay. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm qua, 19/08/2018, đã không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc trong số 4 nước bị ông cho là “tìm cách can thiệp” vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2018. Lời xác định của ông Bolton đã làm rõ hơn một tin nhắn về cùng một chủ đề của tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó.
Hôm thứ Bảy 18/08, trong loạt tin nhắn twitter của mình, tổng thống Mỹ Donald gởi đi một thông điệp mang nội dung như sau : “Tất cả bọn ngốc đang chăm chú vào nước Nga, phải bắt đầu nhìn về hướng khác, hướng Trung Quốc“.
Theo AFP, thoạt đầu không ai để ý tuyên bố này cho đến khi, qua hôm sau Chủ Nhật, trả lời phỏng vấn của đài tuyền hình Mỹ ABC, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tố cáo một loạt bốn nước – Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên – là đã tìm cách ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Mỹ 2016.
Ông Bolton không cho biết chi tiết cụ thể nhưng khẳng định bốn nước nói trên “đe dọa an ninh Mỹ” và là “mối bận tâm hàng đầu” của chính phủ Mỹ trong cuộc bầu cử quốc hội năm nay 2018.
Tổng thống Donald Trump tố New York Times « truy bức »
Vào lúc cố vấn Bolton của ông tỏ ý quan ngại về việc nước ngoài, trong đó có Nga, mưu toan xen vào bầu cử Mỹ, trong một loạt “tweet”, tổng thống Mỹ than phiền về việc bị biến thành nạn nhân của chủ thuyết McCarthy, tên của thượng nghị sĩ bảo thủ trong thập niên 1950, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù Cộng Sản.
Thực ra, chủ nhân Nhà Trắng nhắm vào Robert Mueller công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra về nghi án thông đồng với Nga trong mùa bầu cử 2016. Từ Hoa Kỳ, thông tín viên Eric de Salve tường thuật:
Tổng cộng, trong buổi sáng Chủ Nhật, tổng thống Donald Trump đã gửi tổng cộng 7 dòng tweet bằng chữ in hoa và hàng loạt dấu chấm than để lên án điều mà ông gọi là sự trở lại của chủ thuyết McCarthy: “Với Muller và băng đảng của ông ta, chúng ta đang ở trong thời kỳ mà McCarthy (nếu còn sống) chỉ là kẻ tập sự”.
Theo tổng thống Donald Trump, cuộc điều tra của chưởng lý đặc biệt Robert Mueller về nghi án ban tham mưu vận động tranh cử của ông thông đồng với Nga, báo hiệu sự trở lại của chủ thuyết chống cộng đa nghi do thượng nghị sĩ bang Wisconsin, McCarthy chủ xướng trong thập niên 1950, thời chiến tranh lạnh. “Chủ thuyết McCarthy thứ tồi tệ nhất”, tổng thống Donald Trump khẳng định như vậy.
Vì sao chủ nhân Nhà Trắng nổi giận ? Một bài báo của New York Times cho biết một luật sư của Nhà Trắng, Don McGahn, đã “thành khẩn” hợp tác với chưởng lý Robert Mueller trong 30 tiếng đồng hồ bị thẩm tra trong suốt thời gian 9 tháng.
Tức giận, tổng thống Donald Trump cho đây là tin thất thiệt. Ông giải thích: “Chính tôi cho phép Don McGahn và những người khác nữa ra làm nhân chứng… Tôi không có gì phải che giấu. Tôi đòi hỏi điều tra minh bạch để chiến dịch truy bức dàn dựng và tồi tệ này kết thúc”.
Cũng qua mạng xã hội, New York Times trả lời là hoàn toàn ủng hộ hai nhà báo là tác giả bài báo đồng thời là khôi nguyên giải thưởng cao quý Pulitzer. Nhiều nhà báo thường xuyên bị Donald Trump chỉ trích đích danh vì các bài viết bị đánh giá là phê bình quá lố.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180820-my-diem-mat-trung-quoc-trong-so-nuoc-am-muu-xen-vao-bau-cu-my-2018
Nổ súng tại tòa đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ
Hôm 20/8, nhiều phát đạn đã bắn vào Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ giữa lúc hai quốc gia đang căng thẳng vì vụ xét xử một mục sư Mỹ tại nước này.
Hãng tin Reuters trích thông báo của tòa đô chánh Ankara nói rằng kẻ tấn công đi trên một chiếc xe màu trắng đã bắn sáu phát đạn vào một cổng an ninh của đại sứ quán lúc 05:30 sáng giờ địa phương, trong đó có ba phát đạn trúng vào chiếc cửa sắt và một phát vào cửa sổ.
Trong tuần này Tòa Đại sứ đóng cửa để nghỉ lễ lễ Eid al-Adha của Hồi giáo.
Ông David Gainer, phát ngôn viên Đại sứ quán cho biết: “Chúng tôi xác nhận một sự cố an ninh đã xảy ra tại Đại sứ quán Hoa Kỳ vào sáng sớm hôm nay. Sự việc xảy ra không gây ra thương vong nào và chúng tôi đang điều tra chi tiết.”
“Chúng tôi cảm ơn Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng nhanh chóng.”
Video của đài truyền hình Haberturk cho thấy cảnh sát đang kiểm tra một trong các lối vào đại sứ quán và vết đạn bắn vào một cửa sổ. Video cũng cho thấy vỏ đạn đã được tìm thấy tại hiện trường.
Trước đây Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ankara và Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Istanbul từng là mục tiêu của các cuộc tấn công của các phiến quân Hồi giáo và phải đối mặt với nhiều mối đe dọa an ninh.
https://www.voatiengviet.com/a/no-sung-tai-toa-dai-su-my-o-tho-nhi-ky/4535819.html
Kẻ quấy rồi tình dục hành khách
trên máy bay ở Mỹ đối mặt án tù chung thân
Một người đàn ông bị buộc tội cởi quần áo và hành động sàm bậy một nữ hành khách ở ghế kế bên trên chuyến bay của hãng Spirit Airlines trong khi cô này đang ngủ có thể sẽ lành án tù chung thân, theo tường thuật của CNN ngày 19/8.
Prabhu Ramamoorthy, 35 tuổi, đi cùng với vợ vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, đã bị tòa án Mỹ hôm 16/8 kết tội về hành vi quấy rối tình dục đối với nữ hành khách 22 tuổi đang ngủ say ở ghế bên cạnh trong chuyến bay đêm từ Las Vegas đến Detroit.
Nữ hành khách này cho biết cô đã giật mình thức giấc khi cảm nhận có bàn tay bên trong quần mình, trong khi nút áo, quần cô đều đã bị mở, theo Washington Post.
Ramamoorthy bị an ninh bắt ngay khi máy bay hạ cánh xuống Detroit vào ngày 3 tháng 1.
Ramamoorthy từ Ấn Độ đến sinh sống và làm việc ở Hoa Kỳ bằng thị thực lao động. Trước đó, Ramamoorthy từng được thuê làm quản lý dự án tại một công ty công nghệ.
Nếu bị buộc tội quấy rối tình dục, Ramamoorthy có thể sẽ phải đối mặt với án tù chung thân. Nếu nhận được bản án nhẹ hơn, anh này sẽ bị trục xuất sau khi thụ án. Số phận của Ramamoorthy sẽ được định đoạt trong phiên tòa ngày 12/12 tới.
Truyền thông Mỹ nói đây là một trường hợp điển hình cho báo cáo gần đây của FBI nói rằng tình trạng tấn công tình dục trên các chuyến bay dân sự đang ngày càng tăng, từ 38 vụ trong năm 2014 lên 63 vụ năm 2017, theo NPR. Cơ quan điều tra liên bang Mỹ lưu ý thêm rằng vì rất ít người báo cáo bị lạm dụng tình dục trên máy bay, nên con số này có thể còn cao hơn.
Một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Tiếp viên Hàng không cho biết có khoảng 1 trong 5 tiếp viên hàng không nói họ từng chứng kiến hành khách bị tấn công tình dục hoặc được báo cáo về hành vi lạm dụng tình dục. Gần 1 trong 5 người tiếp viên hàng không nói họ đã bị tấn công tình dục, và 70% cho biết họ bị quấy rối tình dục trên máy bay.
Khủng hoảng Venezuela:
Brazil điều quân đến biên giới
Brazil điều binh sĩ và tăng cường lực lượng cảnh sát tại thị trấn biên giới Pacaraima, nơi các trại di cư Venezuela bị tấn công và đốt cháy.
Tổng thống Michel Temer tổ chức cuộc họp khẩn ngày 19/8 về căng thẳng khu vực tăng cao do rất nhiều người dân chạy trốn cuộc khủng hoảng Venezuela.
Venezuela yêu cầu nước láng giềng đảm bảo an toàn cho công dân của họ.
Một triệu di dân Venezuela nhập cảnh Colombia
Venezuela sẽ nâng lương tối thiểu 40%
Venezuela: Maduro thắng nhiệm kỳ hai
Venezuela: Trump cảnh báo Maduro
Tại Ecuador, những người Venezuela tuyệt vọng được ghi nhận vượt biên bất chấp quy định nhập cảnh mới.
Hàng trăm người bị mắc kẹt hôm 18/8 khi Ecuador áp dụng quy định mới buộc người Venezuela đi qua ngả Colombia phải có hộ chiếu hợp lệ thay vì thẻ căn cước như trước đây.
Hầu hết di dân đang tiến về phía nam để đoàn tụ với người nhà ở Peru và Chile.
Họ tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị ngày càng tồi tệ ở Venezuela dẫn đến lạm phát tăng vọt và thiếu hụt lương thực và thuốc men triền miên.
Điều gì xảy ra ở biên giới Brazil?
Tại Pacaraima hôm 18/8, một số trại di cư bị dân địa phương giận dữ tấn công sau khi có tin một chủ nhà hàng bị người Venezuela hành hung.
Ác cảm với lượng người nhập cư Venezuela đến bang Roraima được ghi nhận tăng cao trong những tháng gần đây.
Hơn một triệu di dân Venezuela đã nhập cảnh Colombia trong 15 tháng qua, theo ghi nhận chính thức, và hơn 4.000 người đến biên giới Ecuador mỗi ngày.
Gabriel Malavolta, một thợ máy 50 tuổi, rời Venezuela cách đây ba ngày và định đi đến Lima, Peru, qua ngả Ecuador.
Ông ta có hộ chiếu nhưng vợ chưa cưới, Yenny, chỉ có thẻ căn cước.
“Tôi không biết chúng tôi sẽ làm gì, nhưng chúng tôi không thể quay lại. Tôi không thể để vợ chưa cưới trở về và bị đói”, ông nói với Reuters tại lều của hội Chữ thập đỏ.
“Quý vị không thể ngờ chuyện gì đang diễn ra ở Venezuela đâu. Nhiều gia đình phải bới thùng rác tìm đồ ăn.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45237740
Venezuela:
TT Maduro phát hành tiền mới chống lạm phát
Hôm nay 20/08/2018 là ngày bắt đầu lưu hành đồng tiền mới tại Venezuela: đồng “bolivar chủ quyền” có trị giá bằng 100.000 đồng bolivar cũ. Theo tổng thống Nicolas Maduro, biện pháp này nhằm chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm rung chuyển đất nước lẫn chế độ. Biện pháp chuyển đổi mệnh giá chỉ làm cho dân chúng bi quan hơn.
Với 5 số không bị xóa đi, đồng bolivar mới bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm nay, theo tuyên bố của tổng thống Nicolas Maduro. Theo AFP, tình hình tại thủ đô Caracas khá căng thẳng vì không ai biết những ngày tới sẽ ra sao.
Đề phòng mọi bất trắc, người dân tranh nhau xếp hàng dài trước các trạm xăng và siêu thị. Lo ngại lớn nhất là giá cả lại tăng cao trong bối cảnh lạm phát phi mã có thể lên đến 1.000.000 % (một triệu phần trăm) vào cuối năm nay, theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.
Một ký lô thịt giá lên khoảng 6 triệu bolivar. Hệ quả là nhiều người bán hàng không đếm tiền mà cân tiền. Với món nợ công 150 tỷ đôla và khối lượng dầu sản xuất, nguồn thu ngoại tệ chính, bị giảm 50%, Venezuela đứng bên bờ phá sản.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền cánh tả Venezuela đổi tiền để chống lạm phát nhưng vô hiệu. Luisa Berlioz, một phụ nữ ở Caracas không dấu bi quan:
Đối với tôi, các biện pháp mới không giúp cải thiện tình hình. Trái lại nó càng làm cho cuộc khủng hoảng, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng kinh tế, chính trị từ nhiều năm nay nghiêm trọng thêm.
Người dân tự hỏi không biết chính phủ Venezuela muốn đi về đâu với những biện pháp thiếu hiệu quả và thiếu chuẩn bị. Venezuela không còn là một nước sản xuất dầu hỏa ở mức độ trước đây. Chính phủ không xử lý các khó khăn để đem lại phúc lợi cho người dân.
Trong một bản thông cáo chung, ba đảng đối lập kêu gọi đình công và lên án kế hoạch của tổng thống Nicolas Maduro là “chương trình hủy diệt đất nước”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180820-venezuela-tt-maduro-phat-hanh-tien-moi-chong-lam-phat
Hy Lạp chính thức thoát cảnh bị cứu trợ kinh tế
Cơ Chế Bình Ổn Châu Âu (ESM) hôm nay 20/08/2018, tuyên bố Hy Lạp đã chính thức thoát khỏi cảnh phải nhờ vào các gói cứu trợ sau 8 năm thắt lưng buộc bụng.
Ông Mario Centeno, chủ tịch ESM biểu dương thành tích của Hy Lạp. Hãng tin Reuters trích thông cáo của ông Mario: “Lần đầu kể từ năm 2010, Hy Lạp có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Điều này có thể xảy ra là nhờ công sức lớn lao của người dân Hy Lạp, tính hợp tác của chính quyền Hy Lạp, và sự ủng hộ của các đối tác châu Âu”.
Từ năm 2010, Hy Lạp đã nhận 3 gói trợ giúp kinh tế có tổng giá trị lên tới 289 tỉ euro từ Liên Hiệp Châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.
Kể từ khi gói cứu trợ thứ ba chính thức đi vào hiệu lực năm 2015, kinh tế Hy Lạp đã dần theo đà tăng trưởng. Tuy còn ở mức 20%, cao nhất châu Âu, tỉ lệ thất nghiệp Hy Lạp đã giảm đi đáng kể so với mức 27% trong quá khứ.
Phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp hy vọng: “Kể từ nay, nền kinh tế Hy Lạp bước sang trang mới, và Athens đã có thể tự quyết định hướng đi tương lai của mình”.
Chuyên gia kinh tế Sofia Tozy, phụ trách khu vực Nam Âu tại công ty tài chính Pháp Coface, cho biết: ”Chúng ta đang thấy một sư phục hồi thực sự. Dự kiến năm nay kinh tế sẽ tăng trưởng 2%. Hy Lạp có đủ mọi điều kiện giúp tăng trưởng ổn định. Nhưng sau đó, câu hỏi được đặt ra là: ‘liệu tăng trưởng như vậy có đủ hay không ? và liệu có thể tăng trưởng lâu dài hay không?”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180820-hy-lap-chinh-thuc-thoat-canh-bi-cuu-tro-kinh-te
Đối phó với sức ép của Donald Trump,
Đức và Nga tìm cách xích lại gần nhau
Thứ Bảy, 18/08/2018, tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Đức Angela Merkel có cuộc gặp tại Meseberg, phía bắc Berlin, thủ đô nước Đức.
Theo giới quan sát, trước các quyết định đơn phương của Mỹ về kinh tế và hạt nhân Iran, quan hệ Nga và Đức có cơ hội « ấm áp » trở lại sau nhiều năm căng thẳng vì cuộc khủng hoảng Ukraina.
Đây là cuộc gặp thứ hai trong vòng chưa đầy sáu tháng giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Đức. Trong vòng ba giờ đồng hồ, bà Merkel và ông Putin đã đề cập đến tình hình Ukraina, vấn đề khí đốt, xung đột Syria, chương trình hạt nhân Iran và quan hệ song phương. Tại buổi họp báo, thủ tướng Đức tuyên bố « các chủ đề gây căng thẳng chỉ có thể giải quyết qua đối thoại », khi nhấn mạnh đến «trách nhiệm chung ».
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhật báo Le Monde, một trong những động cơ của sự xích lại này là kinh tế. Nước Nga của Vladimir Putin đang chịu sức ép do các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Dấu hiệu rõ nét nhất là hôm thứ Sáu 17/08, giá đồng rúp so với đô la Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm gần đây.
Chính quyền Washington còn đe dọa tiếp tục gia tăng các đòn trừng phạt, và dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream II, tăng đôi khả năng cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức, có nguy cơ trở thành nạn nhân mới. Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại thượng đỉnh NATO – Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, diễn ra hồi tháng 7/2018 ở Bruxelles đã công kích dữ dội dự án này, khi cho rằng Berlin đã quá lệ thuộc vào nguồn cung ứng năng lượng của Matxcơva.
Để trấn an «bạn hàng Đức », một trong những đối tác kinh tế lớn của Matxcơva, tổng thống Nga, hôm thứ Bảy, đã nhấn mạnh đến các ưu điểm của mối quan hệ kinh tế giữa hai nước: an toàn và đáng tin cậy trong việc cung cấp khí đốt, đánh giá cao các hoạt động đầu tư của nhiều cơ sở khai thác khí đốt của Đức tại Nga.
Một điều đáng chú ý khác là lần đầu tiên nguyên thủ Nga lên tiếng đề nghị châu Âu hỗ trợ tái thiết Syria. Việc nhanh chóng hồi phục cơ sở hạ tầng sẽ cho phép hồi hương người tị nạn, nhất là cho những người hiện đang lánh nạn tại Jordani, Liban và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một chủ đề ưu tiên đối với thủ tướng Đức vốn đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì chính sách di dân của bà.
Thế nhưng, hồ sơ Syria cũng gây bất đồng giữa Nga và Đức. Chính quyền Matxcơva không muốn từ bỏ việc ủng hộ chế độ Bachar al-Assad, còn Berlin mong muốn một giải pháp chính trị: cải cách Hiến Pháp và các cuộc bầu cử mới.
Bất chấp một số điểm khác biệt về quan điểm giữa Đức và Nga trong hồ sơ Ukraina và Syria, theo phân tích của ông Stefan Meister, chuyên gia địa chính trị về Nga và Trung Âu, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đức, được Le Monde trích dẫn, thì cuộc gặp tại Meseberg đánh dấu một bước ngoặt trong mối quan hệ Đức – Nga.
Nhưng chuyên gia này cũng lưu ý rằng «cuộc đối thoại mới này được đánh dấu bằng cái nhìn thực tiễn không có nghĩa là một đối tác chiến lược mới giữa Đức và Nga sẽ trỗi dậy. Nhưng cả hai lãnh đạo muốn gởi đi một thông điệp đến Washington để chứng tỏ rằng sẽ không chấp nhận một cuộc mặc cả nào từ phía Donald Trump ».
Báo Nhật Nikkei kêu gọi các nước TPP-11
kiện luật an ninh mạng Việt Nam
Tạp chí Asian Review của nhật báo Nikkei trong tuần qua có bài phân tích về ảnh hưởng của luật an ninh mạng ở Việt Nam đối với giao thương quốc tế, trong khuôn khổ Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương TPP-11.
Tờ báo Nhật Bản kêu gọi các thành viên khác trong TPP-11 kiện Việt Nam về những đòi hỏi vượt quá khuôn khổ luật pháp quốc tế trong luật an ninh mạng, dự trù có hiệu lực từ đầu năm 2019. Đặc biệt là điều khoản buộc các công ty phải đặt máy chủ ở Việt Nam và chứa dữ liệu về người Việt trong các máy chủ này. Một số nước trong TPP-11 như Úc, New Zealand và Nhật Bản đã công khai chỉ trích xu hướng địa phương hóa dữ liệu bắt buộc. Nay bất cứ nước nào trong các nước này đều có thể khởi xướng một vụ tranh tụng thương mại bên trong TPP-11 để yêu cầu Việt Nam dỡ bỏ đòi hỏi chứa dữ liệu trong nước.
Theo tờ Nikkei, các nước sẽ có những luận điểm pháp lý mạnh. Thứ nhất là việc địa phương hóa dữ liệu bắt buộc đưa đến sự kỳ thị đối với các công ty nước ngoài, cũng như những sản phẩm và dịch vụ của họ. Đồng thời, các công ty nước ngoài cũng buộc phải thiết lập và sử dụng những cơ sở công nghệ thông tin ở nước sở tại, vì luật lệ cấm họ xuất cảng dữ liệu, bao gồm việc lưu trữ trong đám mây ở nước ngoài và sử dụng trong những hệ thống phân tích ở trung ương. Những sự cấm cản này ảnh hưởng tới giao thương quốc tế, sự sáng tạo và tính cạnh tranh doanh nghiệp.
TPP-11 cho phép các nước thành viên áp dụng những ngoại lệ, chẳng hạn như chiến tranh, để ban hành những đạo luật siết chặt kiểm soát. Nhưng tờ Nikkei chỉ ra rằng, trường hợp Việt Nam không phải là chiến tranh. Chính quyền Việt Nam cũng tự nhìn nhận rằng luật lệ về chứa dữ liệu trong nước có thể vi phạm những cam kết thương mại, nhưng họ vẫn quyết định ban hành những luật lệ đó.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/bao-nhat-nikkei-keu-goi-cac-nuoc-tpp-11-kien-luat-an-ninh-mang-viet-nam/
Trung Quốc phản đối Mỹ
cho phép tổng thống Đài Loan quá cảnh
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai 20/8 lên tiếng phản đối Hoa Kỳ vì cho phép Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh Mỹ và để bà đến thăm Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) ở thành phố Houston, Mỹ.
Hãng tin AP loan tin trên vào cùng ngày cho biết bà Thái Anh Văn thực hiện chuyến thăm NASA trong khi trở về từ Paraguay và Belize, hai trong số 18 nước còn quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Phát ngôn nhân Lục Khảng của Trung Quốc nói với các phóng viên trong cuộc họp thường kỳ rằng Bắc Kinh sẽ “luôn luôn phản đối bất kỳ quốc gia nào cung cấp các tiện ích và địa điểm cho những người có liên quan từ Đài Loan để tiến hành các hoạt động tương tự.”
Ông Lục Khảng nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã từng lặp lại nhiều lần yêu cầu trên và sẽ chống lại tất cả các nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, bao gồm cả Hoa Kỳ vì có những trao đổi chính thức với Đài Loan.
Chuyến thăm NASA của Tổng thống Thái Anh Văn đánh dấu sự hiện diện hiếm hoi một quan chức của Đài Loan tại cơ sở chính phủ chính thức của Hoa Kỳ.
Trong khi quá cảnh, bà Thái Anh Văn đã gặp các thành viên cộng đồng người Mỹ gốc Đài Loan và phát biểu tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở California rằng chính quyền của bà sẽ sẽ tiếp tục củng cố mọi khía cạnh của quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ cho đến lần viếng thăm tiếp theo.
Việc tạm dừng tại Mỹ của bà Thái Anh Văn xảy ra trong bối cảnh căng thẳng sâu sắc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì các vấn đề thương mại, việc đánh cắp các bí mật thương mại và việc quân sự hóa các hòn đảo mà Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông.
Tổng thống Trump năm nay đã ký đạo luật khuyến khích các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên và Bộ Quốc phòng đã đồng ý cung cấp cho các nhà thầu Mỹ giấy phép tiếp thị cho công nghệ tàu ngầm diesel-điện mà Đài Loan muốn.
Vào năm ngoái, Hoa Kỳ cũng đã thông qua việc bán vũ khí trị giá 1,4 tỷ đô la cho Đài Loan và đang mở một văn phòng ngoại giao ở ngoại ô thủ đô Đài Bắc nhằm công nhận mối quan hệ thân thiết với đảo quốc này.
Trung Cộng dùng du lịch làm vũ khí
ép Palau phải đoạn giao với Đài Loan
Koror, Palau – Quốc gia Palau nhỏ bé thuộc vùng biển Thái Bình Dương đang bị cuốn vào cuộc chiến ngoại giao đang ngày càng căng thẳng giữa Trung Cộng và Đài Loan.
Cuối năm ngoái, Trung Cộng đã cấm công dân của mình du lịch tới Palau, vì cho rằng đây là điểm đến bất hợp pháp. Lý do là vì Palau là một trong 18 đồng minh còn lại của Đài Bắc trên toàn thế giới, và đang phải chịu áp lực để đoạn giao với Đài Loan.
Hiện nay tại Palau, các khách sạn và nhà hàng đều trống rỗng, các công ty du lịch bị đóng cửa. Các con tàu đưa khách du lịch đến Quần đảo Rock của Palau thì đều neo đậu tại các cầu tàu. Trước lệnh cấm, du khách Trung Cộng chiếm khoảng một nửa số du khách đến Palau. Theo dữ liệu chính thức thì trong số 122,000 du khách trong năm 2017, có 55,000 người là đến từ Trung Cộng và 9,000 người từ Đài Loan.
Các nhà đầu tư Trung Cộng cũng đã ra sức thu mua, xây dựng khách sạn, mở cửa kinh doanh và bảo đảm quyền sở hữu đối với những khu vực bất động sản ven biển lớn ở Palau.
Theo hãng hàng không của Đài Loan, chính quyền Trung Cộng đã nỗ lực để cản khách du lịch tới Palau. Lượng khách đặt vé của hãng hàng không này đến Palau đã giảm 50% kể từ khi lệnh cấm của Trung Cộng bắt đầu được áp dụng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-dung-du-lich-lam-vu-khi-ep-palau-phai-doan-giao-voi-dai-loan/
TQ chạy ‘hết công suất’ để in tiền cho nước ngoài
Trung Quốc gần đây giành được nhiều hợp đồng in tiền giấy cho nhiều nước trong bối cảnh đang tìm cách bành trướng ảnh hưởng trên toàn cầu.
Nhu cầu thuê Trung Quốc in tiền phần lớn đến từ các nước tham gia sáng kiến Vành đai Con đường.
Tổng Công ty In và Đúc tiền Trung Quốc khẳng định các nhà máy đã hoạt động gần hết công suất để đáp ứng đủ quota từ năm ngoái của chính phủ, theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng.
Công ty này, do chính phủ Trung Quốc làm chủ, có trụ sở chính tại Bắc Kinh, tự mô tả là một công ty in tiền lớn nhất thế giới, với hơn 18.000 nhân viên, 10 nhà máy in tiền giấy và tiền xu được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ngược lại, đối tác của nó tại Mỹ, Bộ Khắc và in ấn Hoa Kỳ, chỉ mướn 1/10 mười nhân viên tại hai nhà máy tiền tệ; công ty in tiền số hai trên thế giới, công ty De La Rue của Anh, có hơn 3.100 nhân viên vào cuối năm ngoái.
Theo Liu Guisheng, giám đốc Tổng Công ty In và Đúc tiền Trung Quốc, nước này gần đây mới bắt đầu in ngoại tệ.
Năm 2013, Trung Quốc tung ra sáng kiến Vành đai Con đường, với sự tham gia của 60 nước từ châu Á, châu Âu đến châu Phi, mục tiêu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với các dự án xây dựng hạ tầng và đầu tư ở quy mô lớn.
Hai năm sau đó, Trung Quốc bắt đầu in tiền giấy, đồng 100 rupee cho Nepal.
Từ đó đến nay, Trung Quốc đã nhận được thêm nhiều đơn hàng in tiền từ các nước như Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ, Brazil, và Ba Lan.
Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Số lượng thực tế các nước có hợp đồng in tiền với Trung Quốc phải lớn hơn rất nhiều, theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp này.
Doanh nghiệp Mỹ thất vọng vì TQ hứa nhưng ‘không tiến bộ’
TQ ‘đang luyện tập để tấn công’ các mục tiêu Mỹ
Thái Anh Văn: ‘Không ai có thể ‘xóa bỏ’ Đài Loan’
‘Chạy hết công suất’
Tại Trung Quốc, sự phát triển của thanh toán di động trong những năm gần đây đã làm giảm đáng kể nhu cầu tiền giấy, khiến nhiều nhà máy in tiền thiếu việc.
Nhưng đến năm ngoái thì sự ế ẩm này chấm dứt.
Nhà máy giấy lớn nhất của Trung Quốc ở tỉnh Hà Bắc đột ngột nhận được “những đơn đặt hàng lớn”, khiến “phải chạy hết công suất suốt nhiều tháng nay”, theo lời một nhân viên.
Một nhà máy in tiền khác ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, cũng ở tình trạng tương tự. Năm ngoái tình hình rất tồi tệ vì không có việc gì làm.
Một nhân viên cho hay “họ đã không có lựa chọn nào khác ngoài việc in giấy chứng nhận kết hôn và giấy phép lái xe để giữ dây chuyền sản xuất không bị rỉ sét. Nhưng năm nay thì công việc chất đống”.
Hầu hết tiền giấy mà các nhà máy sản xuất không phải là đồng nhân dân tệ, người này nói.
“Quy trình in tiền rất khác nhau. Do tiền tệ giữa các quốc gia khác nhau và mỗi khách hàng có yêu cầu của riêng mình.”
Chính phủ một số nước đã yêu cầu Bắc Kinh không tiết lộ thương vụ làm ăn giữa họ vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia và sợ nổ ra các cuộc tranh luận ‘không cần thiết’ trong nước.
Hu Xingdou, một giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, nói rằng các nước này phải có sự tin tưởng đáng kể đối với chính phủ Trung Quốc để cho phép Bắc Kinh in tiền cho mình.
“Khi Trung Quốc trở nên lớn hơn và mạnh mẽ hơn, nó sẽ thách thức hệ thống giá trị do phương Tây thiết lập. In tiền cho các nước khác là một bước quan trọng,” ông nói.
“Tiền tệ là một biểu tượng chủ quyền của một quốc gia. Việc này giúp xây dựng niềm tin và thậm chí cả liên minh tiền tệ. “
Bắc Kinh coi việc in ngoại tệ này cũng quan trọng như chương trình bom nguyên tử đối với an ninh quốc gia trong bối cảnh lo sợ kẻ thù có thể sử dụng tiền giả để phá vỡ nền kinh tế.
Vì sao phải thuê in tiền?
Thị trường in tiền quốc tế do châu Âu thống lĩnh trong suốt một thế kỷ. Chính phủ một số nước thuê nhiều công ty khác nhau để in tiền.
Ví dụ như công ty De La Rue, có khách hàng từ 140 nước.
Giesecke & Devrient của Đức, có khách hàng từ 60 nước. Và Crane Currency, có trụ sở ở Mỹ, đã có lịch sử hơn 200 năm trong ngành thương mại này.
Các nhà máy in tiền hiện đại cực kỳ tinh vi, vận hành tốn kém và sử dụng công nghệ vượt ra ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh thông thường để giảm nguy cơ sao chép.
Quá trình sản xuất tiền giấy liên quan đến việc biến các sợi bông và lanh mịn thành bột giấy, sau đó làm thành giấy có chất lượng cao với tem chống hàng giả.
Các tính năng bảo mật như chuỗi nhúng, băng kim loại và mực in đổi màu yêu cầu phí đáng kể để xin giấy phép; nhiều quốc gia không có khả năng in tất cả tiền giấy mà họ cần.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45243418
Chủ tịch TQ kêu gọi quân đội
tăng cường chống tham nhũng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các tướng lĩnh nước này phải chống lại sự “xói mòn” của tham nhũng và tăng cường cuộc chiến chống nạn tham ô.
Reuters dẫn lại truyền thông nhà nước đưa tin như vậy hôm 19/8, và cho rằng đây là cảnh báo mới nhất của ông Tập về một vấn đề ăn sâu trong xã hội.
Ông Tập trước đó đã cảnh báo về mối đe dọa của tham nhũng đối với đất nước cũng như đảng cầm quyền, và từng cam kết sẽ không ngưng cuộc chiến chống lại vấn nạn này.
Theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp kéo dài ba ngày của Quân ủy Trung ương, kết thúc hôm 19/8, Chủ tịch Tập nói rằng cuộc chiến chống nạn tham ô “luôn luôn” phải được duy trì và tăng cường thêm nữa.
Tân Hoa Xã cũng dẫn lời ông Tập nói rằng phải “tấn công mạnh”, chống lại sự lãng phí cũng như “không đổi hướng” trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Chủ tịch Trung Quốc được trích lời nói rằng quân đội Trung Quốc phải đảm bảo rằng họ và gia đình phải “ngay thẳng và trong sạch”, cũng như phải “chống lại sự xói mòn của các xu thế không lành mạnh”.
Ông Tập cũng nói thêm rằng cần có các nỗ lực để củng cố sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền đối với quân đội nhằm “đảm bảo sự vững chắc về mặt chính trị để xây dựng một quân đội vững mạnh”.
Người dân Trung Cộng bắt đầu lên tiếng
phản đối chính sách của Tập Cận Bình
Trung Cộng- Những dấu hiệu lo lắng về hướng lãnh đạo của Tập Cận Bình đang xuất hiện trong công chúng ,vì những xung đột thương mại với Hoa Kỳ, nền kinh tế trì trệ và những bê bối tài chính và y tế cộng đồng.
Mặc dù việc kiểm soát từ chính quyền đang khắt khe hơn, đã có những bài viết trên mạng chỉ trích chính Tập Cận Bình vì những chính sách của ông, và những thất bại của chính phủ. Các học giả Trung Cộng đã cảnh báo rằng những tham vọng của Tập Cận Bình trong việc phát triển công nghiệp và hạ tầng thương mại toàn cầu có thể sẽ làm các nước khác xa lánh. Họ cũng lên tiếng chỉ trích việc chủ tịch nước đã đàn áp những ý kiến bất đồng, và bỏ đi giới hạn nhiệm kỳ của ông. Các chuyên gia cho biết những bất mãn về cấp lãnh đạo đã hình thành trong người dân từ lâu. Sau khi xảy ra xung đột về thương mại với Hoa Kỳ, những bất mãn này đã bùng phát.
Tình hình khó khăn hiện tại cũng làm giảm giá trị lời hứa của Tập Cận Bình về việc đem lại thịnh vượng, và sự tôn trọng từ toàn cầu cho Trung Cộng.
Các chuyên gia Trung Cộng chỉ ra rằng xung đột thương mại với Hoa Kỳ đã cho thấy khoảng cách lớn về trình độ kỹ thuật giữa hai nước.
Các chỉ trích vào chủ tịch Tập Cận Bình hiện đang làm dấy lên nghi vấn về hiệu quả của việc dẹp bỏ tham nhũng chính phủ, cũng như quyết định tập trung quyền lực quá nhiều vào tay ông.
Các chỉ trích cũng nhằm vào các giáo sư đã tuyên truyền sai sự thật về sự siêu việt của Trung Cộng đối với Hoa Kỳ.
Các chỉ trích trên có lẽ sẽ không làm khó được Tập Cận Bình. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bắt đầu có điều chỉnh để ổn định kinh tế và xã hội. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nguoi-dan-trung-cong-bat-dau-len-tieng-phan-doi-chinh-sach-cua-tap-can-binh/
Bàn tay mật vụ Trung Quốc ở hải ngoại:
Trường hợp người Duy Ngô Nhĩ
Bị tố cáo trước Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Chống Phân Biệt Chủng Tộc hôm 10/08/2018 về việc đưa cả triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vào các trại cải tạo khác nhau, Trung Quốc đã gay gắt phủ nhận các cáo buộc.
Tranh cãi bùng lên đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế đến chính sách đàn áp của Bắc Kinh đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ – đa số theo Hồi Giáo – ở Tân Cương. Đặc biệt trong những ngày qua, ngày càng có thêm những phóng sự điều tra cho thấy là không chỉ nhắm vào sắc dân thiểu số này ở trong nước, guồng máy an ninh, mật vụ Trung Quốc còn vươn ra khắp nơi trên thế giới để kềm kẹp những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong, từ châu Âu cho đến Hoa Kỳ.
Trong một phóng sự dài công bố hôm 16/08, hãng tin Pháp AFP đã dựa theo lời chứng của một số người Duy Ngô Nhĩ hiện sống tại Pháp để vạch trần các hành vi và thủ đoạn mà mật vụ Trung Quốc sử dụng để kiểm soát, đe doạ và trấn áp những thành viên cộng đồng này ngay cả khi họ cư ngụ ở nước ngoài.
WeChat: Công cụ để hù dọa
Theo lời những nhân chứng này mà AFP giữ kín tên tuổi để tránh gây phiền hà cho họ, thì họ thường xuyên nhận được các cuộc gọi và tin nhắn bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ hay tiếng Hoa thông qua các ứng dụng như WeChat, phiên bản Trung Quốc của mạng Whatsapp. Theo những nhân chứng này, thì tác giả các cuộc gọi hay tin nhắn là công an ở quê họ tại Tân Cương.
AFP đã được xem qua một số tin nhắn hoặc ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện bằng tiếng Hoa, cho thấy những câu hỏi gần như là mệnh lệnh như : « Đã tốt nghiệp rồi phải không ? Hãy gởi cho chúng tôi địa chỉ hiện tại và chỗ làm của bạn đi ! Gởi luôn bằng cấp nữa ! » Cũng có câu hỏi như : « Tại sao không gửi ảnh ? ».
Theo hãng tin Pháp, ngay trong lúc nói chuyện với AFP, một trong những người chứng Duy Ngô Nhĩ đó đã nhận được một trong những tin nhắn nói trên.
Một cô gái Duy Ngô Nhĩ mà AFP gọi dưới tên giả là Mariem giải thích : « Họ (tức là mật vụ Trung Quốc) muốn biết nơi tôi sống, những gì tôi làm, nơi tôi đi vào cuối tuần… Họ muốn tôi cung cấp thông tin về người Duy Ngô Nhĩ sống ở đây. Họ đã đe dọa gia đình tôi, để rốt cuộc chính gia đình tôi phải cầu xin tôi làm theo những gì họ muốn ».
Theo cô Mariem, gia đình cô đã trả một giá đắt: một người anh của cô đã bị bắt và giam giữ mà không cần qua xét xử, và một người thứ hai thì tự nhiên bặt tin. Cô cho biết là không còn liên lạc được với người thứ hai này, và khi dò hỏi thì cô chỉ có các thông tin mâu thuẫn nhau, cho nên cô nghĩ người anh đó cũng đã bị đẩy vào trại cải tạo.
Dùng gia đình ở Tân Cương để bắt bí người thân ở ngoại quốc
Phương thức dùng người thân trong nước để gây sức ép trên người nhà ở ngoại quốc rất phổ biến.
Anh Nijat, người đã đến Pháp vào năm 2007 với visa sinh viên, đã quyết định hủy tài khoản WeChat của mình sau khi bị gọi lần đầu tiên: một người tự nhận là công an đã buộc anh phải gởi về một bản sao hộ chiếu, thẻ cư trú tại Pháp, v.v… : « Hắn nói rằng nếu tôi không hợp tác, gia đình tôi sẽ gặp vấn đề. »
Hiện nay Nijat không biết chuyện gì xảy ra với em gái và bố mẹ mình. Cha mẹ Nijat đã yêu cầu người anh trai của anh ở Canada ngừng gọi về : « Em gái tôi thường xuyên bị thẩm vấn ».
Đối với Thierry Kellner, một nhà nghiên cứu tại đại học Bỉ Université Libre de Bruxelles, thì việc giám sát đó không chỉ dành riêng cho người Duy Ngô Nhĩ ở Pháp, mà ở mọi nơi : « Đó là một thực tế rất phổ biến, ở Bỉ chẳng hạn ».
Trả lời AFP, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết họ « không có thông tin về một tình hình như vậy ». Một phát ngôn viên Trung Quốc khẳng định với AFP rằng : « Chính phủ Trung Quốc bảo vệ quyền và đời sống riêng tư hợp pháp của công dân theo luật pháp ».
Adil, một thanh niên Duy Ngô Nhĩ vốn đã phải rời Thổ Nhĩ Kỳ để qua Pháp tị nạn, cũng rất lo ngại cho gia đình anh ở Tân Cương. Adil đã phải bỏ Thổ Nhĩ Kỳ vì đất nước từng theo truyền thống bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ, rốt cuộc đã cam kết với Bắc Kinh vào mùa hè năm ngoái là sẽ loại bỏ các lực lượng “chống Trung Quốc” trên lãnh thổ của mình.
Là người đã được cấp quy chế tị nạn chính trị ở Pháp, Adil đã cho AFP xem ảnh của người bà và anh trai của anh mà anh cho là đang « bị giam giữ trong trại cải tạo ». Anh tỏ ý rất tiếc là không biết chuyện gì đã xảy ra với anh trai và người bạn mà anh đã bỏ lại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Antoine, người phiên dịch giúp Adil trong cuộc gặp với AFP giải thích thêm : « Chúng tôi không thể và cũng không muốn gọi về vì không muốn đưa gia đình vào tình trạng nguy hiểm ». Là người đã sống ở Pháp từ 19 năm nay, Antoine rất phẫn nộ trước việc « người Trung Quốc đến chiếm Tân Cương để giành lấy tài nguyên phong phú (dầu mỏ, khoáng sản) », và « giam cầm vô cớ » cũng như « tước bỏ mọi quyền » của người thiểu số tại đấy.
Gia hạn hộ chiếu : Vũ khí để gây sức ép
Những người được AFP phỏng vấn cũng đề cập đến thủ đoạn « bắt bí bằng hộ chiếu ».
Theo cô Mahire, một người chứng khác : « Đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Pháp, vấn đề chính hiện nay là việc không đổi được hộ chiếu » khi hết hạn.
Đây cũng là lo ngại của một nữ sinh viên người Duy Ngô Nhĩ đã qua Pháp từ mười năm nay. Dù ở cách quê hương Tân Cương của mình gần 7.000 cây số, cô vẫn cảm thấy bàn tay của chính quyền Trung Quốc đè nặng lên mình : Hộ chiếu cô sắp hết hạn, nhưng vấn đề là Bắc Kinh không muốn gia hạn.
Trả lời RFI, cô giải thích : « Hãy tưởng tượng rằng bạn không có hộ chiếu; nếu thế thì làm sao bạn có thể gia hạn thẻ cư trú được ? Chúng tôi rất cần hộ chiếu, không có nó thì chúng tôi phải làm sao ? Vì nếu không thể gia hạn giấy tờ tùy thân, chúng tôi không thể đi làm, không thể làm gì cả. »
Theo các chuyên gia, việc gây rắc rối đó là nhằm buộc những người Duy Ngô Nhĩ đang sống ở ngoại quốc trở về Trung Quốc, để đưa họ vào các « trung tâm cải tạo ».
Khi AFP đặt câu hỏi về vấn đề này, bộ Ngoại Giao Trung Quốc trả lời rằng « việc cấp hộ chiếu và các giấy tờ đi lại khác cho công dân Trung Quốc là một vấn đề nội bộ của Trung Quốc », và được tiến hành trong các cơ quan đại diện của Trung Quốc ở nước ngoài « phù hợp với khuôn khổ luật định. »
*****
Đọc thêm : Điểm báo RFI ngày 21/03/2018
Vấn đề truy bức, kềm kẹp người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài từng được báo Pháp Le Monde nêu bật trong một bài viết ngày 21/03/2018 mang tựa đề : « Trung Quốc truy đuổi người Duy Ngô Nhĩ ở châu Âu như thế nào ? » Theo tờ báo Pháp, Bắc Kinh liên tục làm áp lực đối với cộng đồng này ngay cả khi họ đã phải ra nước ngoài, ở rất xa với Trung Quốc, để sống lưu vong.
Theo Le Monde : « Ở Paris, Berlin hay Istanbul, những người Duy Ngô nhĩ, dù là đã được nhập quốc tịch của nước đón nhận hay vẫn còn là kiều dân Trung Quốc, tất cả vẫn luôn là mục tiêu của chiến dịch răn đe quy mô chưa từng có của Bắc Kinh».
Le Monde đã tiếp cận được với ít nhất 6 nhân chứng người Duy Ngô Nhĩ cho biết đã bị mật vụ Trung Quốc gây sức ép, buộc họ làm các việc, như theo dõi cộng đồng Duy Ngô Nhĩ lưu vong, buộc họ không biểu tình chống Trung Quốc hay phải cung cấp tài liệu cá nhân. Thậm chí một số người còn bị dọa đưa trở về Trung Quốc.
Vũ khí gây sức ép của mật vụ Trung Quốc là dọa bỏ tù gia đình họ còn ở lại Tân Cương. Mỗi khi sắp có các cuộc biểu tình của người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài là họ nhận được những tin nhắn đe dọa sẽ xử lý, bắt giam gia đình ở trong nước. Mọi hoạt động của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài đều bị theo dõi rất sát không kém gì ở trong nước.
Abduweli Ayup, một nhà ngôn ngữ học người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết : « Những người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài cảm thấy lo lắng, bất an, họ không thể liên lạc được với gia đình mình ở trong nước, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người thân của họ bị bỏ tù ».
Tương tự, những người Duy Ngô Nhĩ sống ở Pháp hay Đức, dù đã được nhập quốc tịch nhưng cũng không được yên thân, an toàn. Họ thường xuyên nhận được tin nhắn đe dọa bắt về nước nếu không đáp ứng các yêu cầu của mật vụ Bắc Kinh. Như vậy, gia đình bị chính quyền sử dụng là con tin để gây sức ép truy bức những người Duy Ngô Nhĩ sống bên ngoài đất nước.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180820-ban-tay-mat-vu-trung-quoc-o-hai-ngoai-truong-hop-nguoi-duy-ngo-nhi
Dân Nam và Bắc Hàn
sẽ tham dự cuộc đoàn tụ đầy xúc động
Một nhóm người cao tuổi Nam Hàn đang chuẩn bị sang Bắc Hàn để gặp những thân nhân mà họ chưa từng gặp lại kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Cuộc chiến đã chia cắt bán đảo Triều Tiên và không cho phép những người sống ở phía Bắc được rời đi.
Hai miền Bắc, Nam Hàn, trên nguyên tắc, vẫn còn đang trong chiến tranh, trước đây cũng tổ chức những buổi hội ngộ, nhưng đây là lần đầu tiên trong ba năm qua.
Người Nam Hàn được lựa chọn cho tham dự hội ngộ bằng xổ số – người lớn tuổi nhất trong họ năm nay 101 tuổi.
Ai sẽ tham dự buổi đoàn tụ?
Một trăm người mỗi bên được chọn ra để tham dự cuộc đoàn tụ.
Một số người được chọn bỏ cuộc sau khi biết người thân mà họ hy vọng được gặp đã qua đời, vì thế tổng cộng sẽ có 83 người Bắc Hàn và 89 người từ miền Nam.
Một phụ nữ, 92 tuổi , nói với các phóng viên rằng bà sẽ được gặp con trai mình lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh.
Lee Keum-seom cho biết bà đã mất liên lạc với con trai, lúc ấy mới bốn tuổi, và chồng bà trong cơn hoảng sợ tìm cách chạy trốn.
“Tôi không bao giờ tưởng tượng ngày này sẽ đến,” bà nói với AFP. “Tôi thậm chí không biết họ còn sống hay không.”
Bà Moon Hyun-sook thì nói với Reuters: “Tôi đã hơn 90 tuổi nên tôi không biết khi nào mình sẽ chết”. Bà đang chuẩn bị đi gặp các em gái.
“Tôi rất vui vì lần này được chọn, tôi đang đi trên mây.”
Tại sao các cuộc đoàn tụ quan trọng?
Chiến tranh Triều Tiên đã tách chia cách hàng triệu người khỏi gia đình và thân nhân của họ.
Những cuộc đoàn tụ ngắn ngủi này có lẽ là lần cuối cùng và duy nhất nhiều người trong họ sẽ gặp nhau.
Trong những năm qua, vào những lúc tình hình giữa hai bên không đến nỗi căng thẳng, hai miền Nam, Bắc Hàn đã sắp xếp cho các nhóm người được lựa chọn đến thăm nhau. Đã có 20 cuộc đoàn tụ như vậy trong 18 năm qua.
Truyền thông Bắc Hàn ca ngợi ‘cuộc gặp gỡ lịch sử’
Vì sao Việt Nam từng chia cắt ở sông Bến Hải?
Bình Nhưỡng từng bắn hạ máy bay Mỹ thời Nixon
Nhưng giới những người còn nhớ cuộc chiến này đang già đi, quỹ thời gian cạn kiệt.
Những cuộc đoàn tụ trước đây giữa anh chị em, cha mẹ, con cái và vợ chồng đã có những phút giây vô cùng xúc động.
Các cuộc hội ngộ sẽ diễn ra như thế nào?
Người Nam Hàn sẽ đi bằng xe buýt qua biên giới được bảo vệ nghiêm ngặt đến khu du lịch Núi Kumgang.
Tại đây, họ sẽ được lưu lại Bắc Hàn ba ngày, nhưng chỉ được gặp người thân một vài giờ mỗi ngày – tổng cộng, chỉ 11 giờ ngắn ngủi. Hầu hết những cuộc gặp gỡ sẽ được giám sát chặt chẽ.
Nhiều người mang những món quà như quần áo, thuốc men và thức ăn đến cho người thân của họ ở miền Bắc nghèo khổ hơn họ nhiều.
“Tôi chuẩn bị cho anh ấy một số loại thuốc gia dụng bao gồm cả thuốc tiêu hoá và thuốc nhức đầu, bổ sung dinh dưỡng cũng như một số nhu yếu phẩm hàng ngày,” bà Lee Soo-nam, 76 tuổi, chuẩn bị gặpngười anh trai, nói với Reuters.
Một số bác sĩ và y tá đi cùng nhóm để thành lập một trung tâm y tế khẩn cấp cho những người cao tuổi.
Điều gì đã thúc đẩy cuộc đoàn tụ mới nhất này?
Cuộc đoàn tụ, được Hội Hồng thập tự tạo điều kiện thuận lợi, là kết quả của cuộc họp lịch sử giữa Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại biên giới hồi tháng Tư.
Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau lần thứ hai vào tháng Năm, nơi họ đồng ý tiếp tục chương trình đoàn tụ gia đình, và dự kiến sẽ gặp lại nhau trong những tuần tới.
Nam Hàn cũng đã có một vai trò tích cực trong việc cố gắng môi giới đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Vào tháng 6, Kim Jong-un đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore, nơi họ cam kết hợp tác trong hướng hủy diệt hạt nhân, mặc dù vẫn có những nghi ngờ về việc Bắc Hàn có thành thật trong cam kết này không.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45243448
Malaysia kêu gọi Trung Quốc thông cảm
sau khi bỏ hai dự án vay vốn TQ
Thủ tướng Malaysia kêu gọi Trung Quốc thông cảm sau khi quyết định ngưng hai dự án hạ tầng với vốn vay hàng tỷ đô la từ Trung Quốc.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói trong cuộc họp báo với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 20/8 rằng ông mong phía Trung Quốc hiểu được những vấn đề mà Malaysia đang phải đối mặt. Ông hy vọng là Trung Quốc sẽ thông cảm cho những vấn đề mà Malaysia đang phải giải quyết, và có thể sẽ giúp Malaysia giải quyết một số vấn đề về tài chính nội bộ của Malaysia.
Trước chuyến thăm đến Bắc Kinh, Thủ tướng Mahathir đã nói đến việc bỏ hai dự án do Trung Quốc cho vay vốn là dự án đường sắt bờ biển phía đông trị giá 20 tỷ đô la và dự án hai đường ống dẫn khí trị giá 2,3 tỷ đô la. Chính phủ mới của ông Mahathir cũng yêu cầu phải cắt giảm đáng kể chi phí trong hai dự án này mặc dù một phần tiền đã được trả cho Trung Quốc.
Đây là hai dự án quan trọng trong sáng kiến Vành Đai Con Đường của Trung Quốc. Trung Quốc nói hai dự án này giúp hai bên cùng có lợi và những bất đồng phát sinh phải được giải quyết giữa các bên thương mại liên quan.
Miến Điện : Kết thúc phiên xử
hai nhà báo của hãng tin Reuters
Hôm nay, 20/08/2018 là ngày cuối cùng xét xử hai nhà báo thuộc hãng tin Reuters, trước khi tòa án Miến Điện ra phán quyết vào ngày 27/08. Hai nhà báo này bị cáo buộc tàng trữ các tài liệu mật khi tiến hành điều tra về các tội ác nhắm vào cộng đồng thiểu số Hồi Giáo Rohingya. Giới quan sát coi vụ xử này là một trắc nghiệm về quyền tự do báo chí tại Miến Điện.
Từ Rangoon, thông tín viên Eliza Hunt gửi về bài tường trình :
« Hai nhà báo bị cảnh sát áp giải, tay bị còng và họ luôn luôn khẳng định mình vô tội… Đó là những hình ảnh hai nhà báo của hãng thông tấn Reuters liên tục xuất hiện trong suốt gần tám tháng xét xử. Trong nhiều tuần lễ, hai nhà báo giải thích rằng họ đã bị cảnh sát cài bẫy bằng cách trao cho họ những tài liệu được gọi là bí mật liên quan đến các chiến dịch của quân đội tại bang Arakan, ngay trước khi họ bị bắt… Trong khi đó, cảnh sát khẳng định đã tình cờ bắt giữ hai người này, cho dù một trong số các sĩ quan cảnh sát đã thừa nhận lời giải thích của các phóng viên thuộc hãng thông tấn Reuters là đúng.
Nếu bị kết tội, hai nhà báo người Miến Điện có nguy cơ bị kết án đến 14 năm tù vì đã điều tra về vụ quân đội và một số dân làng theo đạo Phật tàn sát 10 người Rohingya. Phiên tòa dường như thu hút sự chú ý của công luận, qua việc cộng đồng quốc tế nhiều lần lên tiếng kêu gọi bảo vệ quyền tự do báo chí tại một quốc gia mà giới quân sự vẫn là một thế lực.
Và chính phủ của bà Aung San Suu Kyi bị chỉ trích vì đã vi phạm quyền tự do ngôn luận. Kể từ khi đảng của bà Aung San Suu Kyi lên cầm quyền, cách nay 2 năm, đã có 14 nhà báo bị truy tố với tội danh vu khống trên mạng internet. Con số này còn cao hơn cả dưới thời chế độ trước ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180820-mien-dien-ket-thuc-phien-xu-hai-nha-bao-cua-hang-tin-reuters