Tin Việt Nam – 19/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 19/08/2018

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực,

không nhận tội để được đặc xá

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Thức đang tuyệt thực để phản đối đòi hỏi nhận tội từ phía công an để đổi lại lệnh đặc xá. Anh Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của anh Trần Huỳnh Duy Thức cho đài Á Châu Tự Do biết tin này vào ngày 19/8.

Anh Tân cho biết anh và vợ anh Thức đã đến trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An để thăm anh Thức vào ngày 18/8. Anh nói: “Ngày hôm qua tôi và vợ anh Thức là chị Thoa đi lên thăm ảnh và biết được ngày hôm qua ảnh tuyệt thực là ngày thứ 5, hôm nay là ngày thứ 6, và ảnh sẽ tuyệt thực đến ngày 23/8 là 10 ngày… Và ảnh sẽ còn tuyệt thực nữa nếu yêu cầu của anh đối với trại giam không được giải quyết”.

Trong một phiên toà diễn ra vào tháng 1/2010, anh Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án tù 16 năm với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Anh Trần Huỳnh Duy Thức từ trước đến nay vẫn một mực khẳng định mình vô tội.

Vào ngày 28/1/2018, sau 8 năm thụ án, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã viết đơn gửi đến Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, yêu cầu xem xét lại án tù của mình, và giảm án chiếu Theo Bộ luật hình sự mới 2015. Gia đình của anh Thức cho biết chiếu theo những quy định trong các điều 7, 109 và 63 của Bộ Luật Hình sự mới, anh Thức có đủ điều kiện để Toà án giảm mức hình phạt đã tuyên. Đặc biệt, điều 63 về việc giảm hình phạt đã tuyên nêu rõ không quy định người được giảm hình phạt phải nhận tội.

Sở dĩ nhà cầm quyền muốn trả tự do cho anh Thức bằng cách đặc xá là vì họ không muốn áp dụng một quy định luật pháp mới có lợi cho mọi tù nhân nhân quyền – LS Lê Công Định

Luật sư Lê Công Định, người cùng bị bắt và bị xét xử với anh Trần Huỳnh Duy Thức, viết trên facebook cá nhân hôm 18/8: “Sở dĩ nhà cầm quyền muốn trả tự do cho anh Thức bằng cách đặc xá là vì họ không muốn áp dụng một quy định luật pháp mới có lợi cho mọi tù nhân nhân quyền, đó là Khoản 3, Điều 109 và Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi “chuẩn bị phạm tội” liên quan đến cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo đó mức hình phạt tù chỉ từ 1 năm đến 5 năm.

Nếu áp dụng điều khoản luật mới có lợi nói trên, nhà cầm quyền buộc phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện những người đã bị bắt giam về tội danh lật đổ chính quyền theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự cũ. Đó là điều họ không muốn.”

Anh Trần Huỳnh Duy Tân cho biết anh Thức kiên quyết ở tù chứ không chịu nhận tội: “Cho dù anh có ở lại trong tù hết án, dù rục xương vẫn không chấp nhận vì anh không có tội”.

Trước đây anh Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã nhận được những lời đề nghị đi tị nạn ở nước ngoài nhưng anh cũng không chấp nhận và khẳng định “sẽ không lưu vong để đổi lấy tự do”.

Trong lần đến thăm này, anh Tân được anh Thức cho biết từ 2 tháng nay, trại giam số 6 có người quản lý mới là Đội trưởng Giáo dục và người này gây nhiều khó khăn cho anh. Những khó khăn mà anh Thức nêu ra bao gồm việc hạn chế viết thư cho gia đình, người thân, hạn chế gửi đơn đến các cơ quan. Anh Thức cũng không được gửi các sáng tác thơ, nhạc ra ngòai, Kiến nghị của anh gửi Chủ tịch nước không được chuyển đi, những khiếu nại gửi cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không được gửi đi và không có thông tin phản hồi.

Luật sư Lê Công Định nhận định: “Gây áp lực buộc nhận tội lên anh Thức không thành, nhà cầm quyền sử dụng “biện pháp nghiệp vụ” quen thuộc là gây khó khăn cho sinh hoạt của anh trong tù.”

Anh Thức cho gia đình biết, sau 10 ngày, nếu trại giam không đáp ứng các yêu cầu của anh thì anh sẽ tiếp tục tuyệt thực.

Tuy nhiên gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức rất lo cho tình hình sức khoẻ của anh vì anh đã rất mệt trong lần gặp này. Anh Tân nói với Đài Á Châu Tự Do: “Ảnh tuyên bố là 10 ngày nhưng lần này sức khoẻ ảnh tệ hại hơn lần trước. Gia đình cũng đang lo lắng về quyết định tuyệt thực. Gia đình cũng mong anh sớm ngưng để bảo đảm sức khoẻ và tính mạng của ảnh”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tran-huynh-duy-thuc-on-hunger-strike-08192018075033.html

 

Ca sĩ Nguyễn Tín tuyên bố vẫn sẽ hát

mặc dù bị tra tấn

Ca sĩ Nguyễn Tín, hai ngày sau vụ đánh đập, bắt bớ của những người mặc thường phục, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng anh sẽ tiếp tục có những buổi diễn, tuy nhiên hình thức tổ chức sẽ phải thích hợp hơn.

Ca sĩ Nguyễn Tín, sinh năm 1990, được nhiều người biết đến với ca khúc nhạc chế “Tiền Giang Đông, Tiền Giang Tây” trong sự kiện các tài xế nhóm “Bạn hữu đường xa” đấu tranh với trạm thu phí BOT Cai Lậy, ngoài ra anh còn trình diễn các ca khúc nhạc vàng trong các video trực tiếp trên Facebook cá nhân.

Không lường trước sự “đàn áp khủng khiếp”

Đêm 15/8, ca sĩ Nguyễn Tín khi đang trình diễn trong đêm nhạc “Sài Gòn kỷ niệm” ở quán cafe Casanova trước khoảng 50 khán giả, lực lượng liên ngành gồm thanh tra chính phủ, công an phường và an ninh thường phục xông vào quán đòi lập biên bản vì biểu diễn mà không xin phép.

Ca sĩ Nguyễn Tín phải lên xin lỗi khán giả và đề nghị mọi người “đi về cùng với nhau”.

Sau đó, một số khán giả trong đêm nhạc khi ra về đã bị đánh trong đó có nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang phải nhập viện vì “chấn động não”.

Bản thân ca sĩ và người tổ chức biểu diễn bị đấm đá, bị đánh bằng giày bảo hộ, sau đó là trói tay, trùm đầu đưa đến Củ Chi, bỏ ở nơi hoang vắng trong đêm.

Ông Nguyễn Đại, kỹ sư tại Sài Gòn – người tổ chức đêm nhạc để Nguyễn Tín có thể giao lưu với bạn bè là những người hoạt động xã hội, nói rằng tới hiện nay ông cũng không thể hiểu vì sao những người đó lại “điên cuồng” đến vậy.

Tôi cứ nghĩ là nếu biết trước được địa điểm thì cùng lắm họ cản không cho diễn ra thôi, chứ tôi không nghĩ là họ thù tôi tới độ là họ đánh đập đến như thế.

Vì khi mình tổ chức biểu tình chống Trung Quốc, thậm chí là chống Luật Đặc khu thì có thể giải thích được.

Còn trong trường hợp này thì không thể giải thích bằng một cái lý lẽ nào cả.

Đây là một chương trình ca nhạc, tôi đã nói trước khi diễn ra và khi họ tới tôi đã nói thẳng với họ đây là một chương trình ca nhạc và trước đó nói đi nói lại trên truyền thông, kể cả cho họ biết”, ông Nguyễn Đại nói trong tình trạng khắp người vẫn còn đau sau trận đòn thù đêm 15/8.

Là một người nghệ sĩ, tôi luôn muốn có một sân khấu, một sàn diễn để mình mang tiếng hát, lời ca đến những người yêu mến, cũng như thể hiện mình trên một sân khấu thực thụ. Dù cho có những khó khăn, sách nhiều nhưng mình luôn tâm niệm rằng mình làm đúng, nên không có gì phải sợ cả. – Nguyễn Tín

Trong phần trả lời phỏng vấn trước đêm diễn, ca sĩ từng xuống đường biểu tình chống Luật Đặc khucho biết, anh mong rằng chương trình sẽ diễn ra theo chiều hướng tốt vì “đêm nhạc chỉ diễn ra trên tinh thần nghệ thuật. Trong đêm nhạc sẽ không có băng rôn, khẩu hiệu hô vang bất cứ điều gì liên quan đến chính trị”.

Anh Tín cũng dự đoán biện pháp rắn nhất mà phía an ninh có thể đối xử với mình chỉ là “đưa về đồn ngồi qua đêm” mà thôi.

Trước những khó khăn đó đêm nhạc vẫn diễn ra vì theo anh đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ.

Là một người nghệ sĩ, tôi luôn muốn có một sân khấu, một sàn diễn để mình mang tiếng hát, lời ca đến những người yêu mến, cũng như thể hiện mình trên một sân khấu thực thụ.

Dù cho có những khó khăn, sách nhiều nhưng mình luôn tâm niệm rằng mình làm đúng, nên không có gì phải sợ cả.”

Vẫn sẽ hát

Ngày 18/8, anh Nguyễn Tín đăng tải đoạn clip lên trang cá nhân cảnh mình đang chơi đàn guitar và hát liên khúc Kẻ ở miền xa với khuôn mặt vẫn còn sưng húp sau trận đòn.

Khi được hỏi với những gì đã xảy ra trong đêm nhạc 15/8, liệu anh có còn tiếp tục biểu diễn,ca sĩ Nguyễn Tín nói rằng mình vẫn sẽ hát: “Chắc chắn là có cơ hội chúng tôi sẽ tiếp tục biểu diễn những đêm như vậy!

Đàn áp chắc chắn sẽ có nhưng lần sau sẽ tổ chức ở 1 địa điểm thích hợp hơn, đông người hơn và có thể họ quan sát rõ hơn tình hình thì cái sự đàn áp sẽ không như vậy”, anh Tín cho hay.

Ông Nguyễn Đại, người phải rời nhà trước đêm diễn để tránh sự theo dõi của những người mặc thường phục cho biết công việc của ông vẫn sẽ tiếp tục.

Sau khi nghỉ ngơi xong, chắc chắn mình sẽ có những sự kiện khác, đương nhiên cách tổ chức của mình phải khôn khéo hơn, và mỗi 1 cái sự kiện như vừa rồi thật ra nó cũng giúp mình trở nên khôn hơn và có nhiều sáng kiến hơn”, ông Đại – kỹ sư công trình khẳng định với chúng tôi.

Hôm 16/8, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo yêu cầu chính phủ Việt Nam phải tiến hành điều tra những cáo buộc rằng công an đã hành hung những người tham dự đêm nhạc “Sài Gòn Kỷ Niệm” của ca sĩ Nguyễn Tín vào đêm 15/8 ở thành phố Hồ Chí Minh.

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Công an phường 7, quận 3 để hỏi về vụ việc tuy nhiên người công an trực ban từ chối cung cấp thông tin và yêu cầu đến phường để trao đổi.

Ca sĩ Nguyễn Tín, 28 tuổi, là một người chuyên hát dòng nhạc Sài Gòn xưa (nhạc vàng) và có bày tỏ ý kiến về thực trạng xã hội trên trang cá nhân.

Anh bắt đầu sự nghiệp từ năm 14 tuổi, đêm nhạc “Sài Gòn kỷ niệm” là live show lần thứ 4 trong cuộc đời ca hát của anh.

Trước đó, một ca sĩ khác là Mai Khôi – người ủng hộ quyền tự do biểu diễn nghệ thuật, cũng phải dừng buổi biểu diễn ở quán cafe & bar Yoko thuộc phường 6 quận 3 vào năm 2016, và buổi diễn ở một phòng thu ở Hà Nội vào năm 2017 cũng bị đoàn liên ngành đến lập biên bản.

Cô bị công an cửa khẩu giữ trong khoảng 8 tiếng đồng hồ để thẩm vấn vào tháng 3/2018 sau chuyến lưu diễn ở châu Âu trở về.

Đến tháng 5, Mai Khôi được trao tặng giải Giải thưởng Quốc tế Vaclav Havel 2018 dành cho người bất đồng chính kiến sáng tạo cùng với 3 người khác.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nguyen-tin-vows-to-continue-singing-08192018080424.html

 

Vườn nhãn 3,500 m2 ở Hà Nội bị san phẳng cả tháng,

công an vẫn làm ngơ

Một khu vườn trồng nhãn và chuối rộng 3,500 mét vuông ven sông Hồng của một số gia đình ở phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang đến ngày thu hoạch thì bất ngờ bị một nhóm người nào đó đưa máy móc vào san phẳng. Sự việc đã được trình báo với nhà cầm quyền địa phương suốt hơn một tháng qua, nhưng đến nay các nạn nhân vẫn chưa được hồi đáp.

Theo báo Dân Trí hôm Thứ Bảy 18/07, khu vườn này là đất khai hoang của ba gia đình bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Chí Quân và ông Phạm Gia Dũng từ năm 1987. Bà Hà cho biết từ đó đến nay, các gia đình làm ăn yên ổn trên mảnh đất này, không tranh chấp với ai. Các gia đình cũng tuân thủ nghiêm chỉnh luật đất đai và bảo vệ môi trường.

Đến ngày 12 tháng 7 vừa qua, người của các gia đình ra thăm vườn thì thấy những cây nhãn và cây chuối đang ra quả đã biến mất. Cả khu vườn rộng 3,500 mét vuông bị máy ủi san phẳng. Các nạn nhân cho biết, do họ mải chăm sóc vườn cây ăn trái khác trong làng nên không bắt được quả tang kẻ nào đã san phẳng khu vườn của họ ngoài bãi sông Hồng. Ba gia đình đã làm đơn tố cáo với nhà cầm quyền địa phương.

Báo Dân Trí dẫn lời ông Nguyễn Văn Ngà, chủ tịch phường Liên Mạc, xác nhận sự việc và cho biết việc điều tra hiện giao cho công an phường.

Bản tin đăng trên trang mạng của báo Dân Trí đã nhận được hàng trăm lời bình luận của người đọc phẫn nộ. Nhiều người nghi ngờ có chuyện nhà cầm quyền địa phương bảo kê cho cát tặc hoành hành. Có người chỉ trích cách làm việc của công an Hà Nội nói chung là quá chậm chạp, và thái độ của nhà cầm quyền là xem thường tài sản của người dân.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/vuon-nhan-3500-m2-o-ha-noi-bi-san-phang-ca-thang-cong-an-van-lam-ngo/

 

‘Tôi không liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh’

Cựu cố vấn gốc Việt của cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico mới đây ra tuyên bố phủ nhận các cáo buộc theo đó nói ông có dính dáng tới vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.

Ông Lê Hồng Quang, người từng giữ chức đại biện lâm thời tại Việt Nam, nói trong tuyên bố ra hôm 16/8 rằng ông “không tham gia vào việc chuẩn bị, tổ chức, hay vận chuyển công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam”, đồng thời tuyên bố ông “không biết thông tin gì về ông này”, truyền thông Slovakia đưa tin.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Slovakia ‘triệu tập đại sứ VN’

Slovakia ‘bối rối’ vì vụ Trịnh Xuân Thanh

Nghi ngờ Trịnh Xuân Thanh ‘bị đưa sang Slovakia’

“Tôi thấy rằng dường như việc tôi bị hình sự hóa là do tôi, cũng giống như hàng ngàn người thuộc cộng đồng thiểu số mà tôi thuộc về, là người Việt,” trang webnoviny.sk trích dẫn tuyên bố của ông Lê Hồng Quang.

“Ngoài nguồn gốc và sắc tộc của tôi ra thì không có lý do nào khác khiến cho việc tôi tham gia chuẩn bị cho cuộc họp giữa phái đoàn Việt Nam và Slovakia lại dẫn tới những cáo buộc rộng khắp rằng tôi có tham gia và thậm chí đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức vụ việc.”

Ông nhấn mạnh rằng ông không hài lòng với những cách nhìn nhận tiêu cực, một chiều và những tác động tiêu cực của vụ việc đối với các cơ hội phát triển quan hệ kinh tế của Slovakia tại Việt Nam.

“Tuy nhiên, tôi sẵn sàng hợp tác đầy đủ với giới chức, đặc biệt là với các cơ quan thực thi pháp luật,” ông nói.

Chuyến bay từ Slovakia

Trước đó, truyền thông Slovakia nói rằng ông Quang là người có thể cung cấp thêm thông tin về vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” nhưng đã giữ im lặng suốt từ tháng Sáu, trong lúc Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia chỉ trả lời rất ngắn gọn các câu hỏi của Bộ Ngoại giao nước chủ nhà.

Ông Lê Hồng Quang được truyền thông nhắc tới chủ yếu bởi ông được coi là cầu nối giữa chính phủ hai nước Slovakia và Việt Nam, trang webnoviny.sk nói.

Ông thường có mặt trong các cuộc gặp cao cấp giữa giới chức Việt Nam và Slovakia.

Báo chí Slovakia nói trong suốt một thời gian dài người ta không rõ ông Lê Hồng Quang ở đâu.

N.H. Long bất ngờ nhận tội trong vụ Berlin

Ông Trịnh Xuân Thanh ‘chưa từng đến Slovakia’

Báo Đức viết: ‘Bắt cóc từ công viên Berlin về VN’

Ông Robert Fico, người từ chức khỏi vị trí thủ tướng hồi trung tuần tháng Ba, đã không phản hồi trước câu hỏi ông có còn giữ liên hệ với ông Quang hay không, và có biết ông Quang ở đâu hay không, trang spectator tường thuật hôm 9/8/2018.

Cho đến tận gần đây, ông Lê Hồng Quang vẫn là đại biện lâm thời của Slovakia tại Việt Nam. Ông Quang, hiện mang quốc tịch Slovakia, từng là cố vấn của thủ tướng từ 2015, dưới thời ông Robert Fico, chuyên về lĩnh vực ngoại thương.

Do vụ Trịnh Xuân Thanh, hồi đầu tháng Sáu ông Quang được triệu hồi về nước để tham vấn với Bộ Ngoại giao Slovakia, và từ đó chưa được cử quay lại Việt Nam, theo trang spectator.

Hồi đầu tháng Tám, báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức ra bài tường thuật theo đó nói các nhà điều tra Đức không còn nghi ngờ gì về việc lòng hiếu khách của chính phủ Slovakia đã bị lợi dụng trong vụ bức hại ông Trịnh Xuân Thanh.

Đức nói rằng ông Thanh đã bị bắt cóc và bị đưa từ Đức về Việt Nam trong mùa hè năm ngoái.

Tòa án Đức mới đây vừa kết thúc phiên tòa xử nghi phạm ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ với mức án tù 3 năm 10 tháng cho bị cáo duy nhất, N H Long mang song tịch Czech và Việt Nam.

Giới chức Đức cũng nêu tên nhiều người, trong đó có một số quan chức cao cấp của Việt Nam, như những đối tượng có tham gia vụ việc mà Berlin coi là rất nghiêm trọng, xảy ra trên lãnh thổ Đức.

Sang Đức từ 7/2016, ông Trịnh Xuân Thanh đã nộp đơn xin tỵ nạn chính trị.

Tuy nhiên, đầu 8/2017, ông xuất hiện trên truyền hình Việt Nam và nói ông đã tự nguyện về nước để “đầu thú”. Sau đó, ông bị đưa ra tòa trong hai vụ án riêng rẽ, và bị hai án tù chung thân.

Báo Frankfurter Allgemeine Zeitung tường thuật rằng chiếc xe có gắn định vị vệ tinh có tham gia vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” đã đỗ tại khách sạn Börk Hotel ở Bratislava, thủ đô của Slovakia, vài ngày sau khi ông Thanh được cho là bị bắt cóc giữa ban ngày tại Berlin.

Thời điểm đỗ xe trùng thời gian các quan chức an ninh cao cấp Slovakia và Việt Nam có mặt tại cùng khách sạn này, theo báo Đức

Phía chủ nhà đã cho phái đoàn Việt Nam mượn một chuyến chuyên cơ đặc biệt để đi từ Prague tới Bratislava dự họp, sau đó từ Bratislava đi tiếp tới Moscow.

Ông Quang được cho là đã có mặt trên chuyến bay trên, theo trang spectator.

Ông Lê Hồng Quang tới Slovakia từ thời cộng sản, theo học ngành kỹ sư dân dụng và đã lấy bằng thạc sỹ.

Ông nhập tịch Slovakia vào năm 2001.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45238539

 

Quan hệ an ninh Việt – Mỹ ‘phát triển nhanh chóng’

Viễn Đông

Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ mới ra tuyên bố nói rằng “mối quan hệ an ninh của Mỹ với Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây”, và rằng “hai nước chia sẻ một tầm nhìn chung về tương lai của một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

“Mối quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ của chúng tôi dựa trên sự cam kết chung nhằm làm sâu sắc quan hệ quốc phòng và quyết tâm chung để xử lý các thách thức an ninh khu vực”, tuyên bố hôm 16/8 có đoạn.

Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng tầm nhìn chung này đã được nêu lên trong tuyên bố chung Mỹ – Việt nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump hồi tháng 11 năm 2017, cũng như trong các chuyến công du sau đó của quan chức quốc phòng và ngoại giao Hoa Kỳ.

Bóng dáng Việt Nam trong luật quốc phòng Mỹ

Tuyên bố trên được công bố đúng dịp bà Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, thăm Việt Nam trong chuyến công du ba nước.

Trên Twitter chính thức, bà Thompson cho biết đã gặp quan chức ngoại giao và quốc phòng Việt Nam để bàn về nhiều vấn đề, trong đó có an ninh hàng hải.

Nữ quan chức ngoại giao Mỹ cho biết bà còn tới thăm nhà tù Hỏa Lò, và đó là “một sự nhắc nhớ đầy xúc động về quá khứ chung của chúng ta” cũng như cho thấy một chặng đường dài “hai nước đã trải qua”.

Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố về mối quan hệ hợp tác an ninh song phương ít ngày sau khi một quan chức Mỹ cho VOA Việt Ngữ biết rằng Hà Nội có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới hàng chục triệu đôla.

Tuyên bố cũng nhắc tới việc Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép các vụ mua bán cho Việt Nam trị giá 25 triệu đôla trong chương trình Mua bán Thương mại Trực tiếp (DCS) từ năm 2012 tới năm 2017.

DCS là một trong hai chương trình chính để Hoa Kỳ chuyển giao các dịch vụ và thiết bị quốc phòng cho đồng minh và đối tác. Chương trình kia là Mua bán Quân sự Nước ngoài (FMS).

Ngoài ra, theo phía Mỹ, cũng trong khoảng thời gian trên, “Việt Nam đã nhận hơn 55 triệu đôla hỗ trợ an ninh do Bộ Ngoại giao Mỹ cấp theo chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF)”.

“FMF hỗ trợ tài chính cho việc chuyển giao và nâng cấp một tàu cũ của Lực lượng Tuần duyên Mỹ cho Việt Nam theo chương trình cung cấp Thiết bị Quốc phòng Dư thừa (EDA)”, tuyên bố viết tiếp.

“Đây là việc chuyển giao quốc phòng lớn đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam, và hiện là con tàu lớn nhất trong kho quân sự của Việt Nam”.

Theo Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, EDA là chương trình “cung cấp thiết bị quân sự dư thừa cho đối tác Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh để hỗ trợ cho các nỗ lực hiện đại hóa an ninh và quân đội của họ”.

“FMF cho Việt Nam còn bao gồm một khoản 10,25 triệu đôla trong năm tài khóa 2017 theo Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á nhằm củng cố nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, gia tăng sự hiện diện của các nước đối tác trong lãnh hải của họ cũng như giúp họ duy trì các quyền và quyền tự do theo luật hàng hải quốc tế”, Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Tuyên bố về hợp tác an ninh Mỹ – Việt được công bố đúng ngày Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng quân đội Trung Quốc “đã nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay ném bom trên các vùng biển” và “nhiều khả năng đang huấn luyện để tấn công các mục tiêu của Mỹ và các đồng minh”. Hai ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã “kiên quyết phản đối” nhận định này.

Trong một tuyên bố cho thấy nhân quyền vẫn là một vấn đề gai góc trong quan hệ Việt – Mỹ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 17/8 cho biết “hết sức quan ngại” về vụ kết án nhà hoạt động Lê Đình Lượng 20 năm tù giam và 5 năm quản chế, coi “xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và các án tù khắc nghiệt đối với các nhà hoạt động ôn hòa ở Việt Nam là điều đáng lo ngại”.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-he-an-ninh-viet-my-phat-trien-nhanh-chong/4534989.html