Đọc báo Pháp – 17/08/2018
Nước Úc tỉnh ngộ trước “người bạn” Trung Hoa
Nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin qua đời, tiền mất giá khiến Thổ Nhĩ Kỳ chao đảo, tổng thống Mỹ tiếp tục giành thế thượng phong trên thị trường tài chính thế giới, trên đây là một số tít lớn trang nhất các báo Pháp hôm nay. Về châu Á, đáng chú ý có bài nhận định của Libération, « Úc : Người bạn Trung Quốc nhìn bằng con mắt khác », nhấn mạnh đến sự tỉnh ngộ mới đây của nước Úc trước Trung Hoa, vốn được coi là đầu máy của tăng trưởng kinh tế Úc.
Libération mở đầu bài viết với ghi nhận về « quan hệ kinh tế đặc biệt » giữa Úc và Bắc Kinh. Trong nhiều năm trời, Trung Quốc được coi là « thị trường xuất khẩu số một » của Úc (một phần ba tổng số). Trung Quốc cũng được coi là nguồn thu du lịch số một : Năm 2017, khách du lịch Trung Quốc mang lại cho Úc 7 tỉ đô la (hơn một nửa thu nhập ngành này). Trung Quốc cũng đầu tư vào hàng loạt dự án bất động sản, trên khắp nước Úc, với những dự án như trong mơ : đầu tư xây mới hoàn toàn một thành phố trên đảo Tasmania, gần Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Úc, hay một công viên giải trí với các màn trình diễn mang phong cách Trung Quốc, gần Brisbane, thủ phủ bang miền tây Queensland.
Trung Quốc còn mang lại những đóng góp trong hàng loạt lĩnh vực khác. 180.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Úc, đóng góp hơn một nửa nguồn tài chính, đến từ bên ngoài. Tóm lại, có thể coi Trung Quốc là « đầu máy » tăng trưởng của Úc
Đằng sau con số ấn tượng
Tuy nhiên, đằng sau con số ấn tượng này, là một thực tế hoàn toàn khác.
Biến cố khiến người Úc sực tỉnh đó là hợp đồng cho thuê đất 99 năm, giữa chính quyền bang Lãnh thổ miền Bắc với một công ty Trung Quốc có quan hệ mật thiết với chính quyền Cộng Sản. Tổng số diện tích đất thuê là 14 triệu hecta, chưa kể đến nhiều khu mỏ. Vùng đất mà Bắc Kinh tìm cách vươn tay kiểm soát, chỉ cách một căn cứ quân sự Mỹ có vài cây số.
Bị « đồng minh lịch sử » phản ứng, chính phủ Úc đã tiến hành hai cuộc điều tra về mối nguy Trung Quốc, ngay trong năm 2015 và 2017. Các điều tra dẫn đến cùng một kết luận, về nguy cơ gián điệp công nghiệp và gia tăng phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn tiến hành nhiều biện pháp vận động hậu trường, gây áp lực khác để Úc « giữ khoảng cách » với các vấn đề liên quan đến chính sách quốc tế của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Clive Hamilton, tác giả cuốn « Cuộc xâm lăng lặng lẽ », cho biết chính quyền Canberra, sau khi nhận được các báo cáo phản gián và những thông tin đáng tin cậy từ báo giới đã « xét lại một cách triệt để lập trường với Trung Quốc ». Tháng 6 vừa qua, Quốc Hội Úc vừa thông qua 38 luật mới, đặc biệt liên quan đến các tội gián điệp, cũng như gây ảnh hưởng thông qua các tổ chức có quan hệ với một chính phủ nước ngoài. Chính quyền của thủ tướng Turnbull hiện tại muốn đi xa hơn, với một dự luật cấm các doanh nghiệp, hay công dân nước ngoài, tài trợ cho các đảng phái chính trị tại Úc.
Một biểu hiện cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của Bắc Kinh trong đời sống chính trị Úc là cựu ngoại trưởng Úc Bob Carr, được mệnh danh là ông « Bob Bắc Kinh ». Sau khi về hưu, nhân vật này trở thành giám đốc Viện quan hệ Úc-Trung, nơi tổ chức nhiều chuyến đi thăm Trung Quốc cho các phóng viên người Úc. « Những người bạn » mới của Trung Quốc, khi trở về, sẽ bảo vệ quyền lợi của Bắc Kinh trên truyền thông Úc.
Gián điệp Trung Quốc : Điều nguy hiểm
là Liên Âu thiếu chiến lược chung
Cũng về hiểm họa Trung Quốc, Libération có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Mỹ cảnh báo nguy cơ các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc xâm nhập vào châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông, đe dọa nghiêm trọng an ninh.
Nhà nghiên cứu Nadège Roland, thuộc National Bureau of Asian Research, ở Washington, nhắc lại việc trụ sở của Liên Hiệp Châu Phi, ở Addis-Abeba (Ethiopia), từng bị tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei), theo dõi toàn bộ. Bắc Kinh có chính sách cung cấp miễn phí phương tiện, thiết bị truyền thông cho chính phủ nhiều nước, và thông qua đó mà đánh cắp thông tin. Hoa Kỳ đã coi Hoa Vi cũng như nhiều tập đoàn truyền thông Trung Quốc khác là « mối đe dọa với an ninh quốc gia ». Nhiều tập đoàn Trung Quốc đang hợp tác với các nước châu Âu trong mạng 5G, một lĩnh vực rất dễ có nguy cơ bị thâm nhập sau này.
Châu Âu có điểm mạnh tương đối là luật pháp đòi hỏi các hợp đồng phải minh bạch, chính vì vậy Trung Quốc ít có cơ hội thao túng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Mỹ nhấn mạnh là chính sách tạo dựng ảnh hưởng của Trung Quốc là « rất tinh tế » và được tiến hành từ từ, nên « rất khó chứng minh về mặt pháp lý ».
Nhà nghiên cứu Mỹ đặc biệt nhấn mạnh đến ví dụ công ty sản xuất vi mạch Pháp Linxens, đang trên đường bị doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm (Tsinghua muốn mua lại Linxens với giá hơn 2 tỉ đô la). Bộ Tài Chính Pháp không coi đây là « một doanh nghiệp chiến lược ». Thế nhưng, rất có khả năng, một khi kiểm soát được Linxens, các tập đoàn Trung Quốc sẽ có được một phương tiện hiệu quả, để bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh Pháp trong cùng lĩnh vực.
Đàm phán kinh tế Mỹ – Trung cuối tháng 8
khó dự đoán
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, báo Les Echos chú ý đến cuộc đàm phán giữa Wahsington và Bắc Kinh, với mục tiêu tìm lối thoát cho cuộc chiến thương mại vừa khởi sự. Theo lời mời của Mỹ, một thứ trưởng thương mại Trung Quốc sẽ đến Washington vào cuối tháng này. Nếu không tìm được thỏa hiệp với Mỹ, dường như Bắc Kinh đang lâm vào ngõ cụt, bởi không có đủ phương tiện để trả đũa trên lĩnh vực thuế quan.
Les Echos dự đoán, Bắc Kinh rất có thể sẽ mở cửa thị trường tài chính cho các doanh nghiệp Mỹ, và gia tăng nhập hàng từ Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng hết sức thận trọng, với dự đoán, còn quá sớm để nói trước. Kinh nghiệm cho thấy đàm phán Mỹ-Trung không hề đơn giản. Cuộc đàm phán hồi tháng 6, giữa bộ trưởng Thương Mại Mỹ và một phó thủ tướng Trung Quốc đã không mang lại kết quả.
Donald Trump chinh phục giới đầu tư quốc tế
Les Echos hôm nay dành nhiều bài nhận định về kinh tế Mỹ, đặc biệt đáng chú ý có bài « Donald Trump chinh phục được các nhà đầu tư quốc tế như thế nào ». Bài viết cho biết, kể từ tháng 11/2016 (tức từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống) chỉ số chứng khoán S&P500 (của 500 doanh nghiệp hàng đầu) trên thị trường Mỹ tăng hơn 32%, tức tăng gấp ba lần so với chỉ số S&P500 trên thị trường tài chính châu Âu, cũng như các nước đang trỗi dậy. Chỉ có Nhật Bản là đạt mức gần ngang Mỹ (29%).
Thế thượng phong của nền kinh tế Mỹ trước hết là do các doanh nghiệp công nghệ cao. Trong một thời gian, các doanh nghiệp Mỹ bị các tập đoàn Trung Quốc mới nổi lên đe dọa (đặc biệt là Baidu, Tencent và Alibaba), nhưng gần đây, các công ty của thung lũng Silicon đã lấy lại được sinh khí. Bên cạnh đó, tín dụng Mỹ với lãi suất 2,86% đối với các khoản vay 10 năm được coi là một thế mạnh khác, trong bối cảnh Ngân hàng trung ương không phải siết chặt lại chính sách tiền tệ.
Theo một số kinh tế gia, thế mạnh của kinh tế Mỹ hiện tại là do kế thừa được các thành quả của nhiệm kỳ trước, với tình trạng tăng trưởng vững chắc, cộng thêm với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền Trump. Nhưng bài phân tích của Les Echos đánh giá cao các tác động của « chính sách quốc tế » của tổng thống Trump, đặc biệt do các trừng phạt thương mại nhắm vào nhiều quốc gia, khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách quay sang mua cổ phiếu Mỹ để được bảo đảm an toàn. Theo một điều tra, Hoa Kỳ đang dần dần trở thành hướng đầu tư hứa hẹn nhất, « lần đầu tiên kể từ năm năm nay ».
Tuy nhấn mạnh đến lợi thế của nước Mỹ trong hiện tại, Les Echos cũng cảnh báo về tính chất con dao hai lưỡi của chính sách hung bạo của chính quyền Trump hiện nay, có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng thế giới, đặc biệt là khiến đồng tiền của một số nền kinh tế đang trỗi dậy bị mất giá, góp phần làm chững lại tăng trưởng toàn cầu.
Mỹ – Thổ : « Cặp đôi bất ổn »
Quan hệ Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng là một tâm điểm thời sự khác.Khủng hoảng ngoại giao biến thành xung đột thương mại, sau khi tổng thống Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu thép nhôm từ Thổ Nhĩ Kỳ, để trả đũa việc Ankara không chấp nhận đòi hỏi thả một mục sư của phía Mỹ, bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ vì tình nghi gián điệp.
Mâu thuẫn giữa hai đồng minh lịch sử Mỹ-Thổ đe dọa đảo lộn quan hệ chiến lược toàn cầu, với việc Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng quay sang kết thân với Nga nhiều hơn, là nhận định của bài xã luận báo Le Monde, mang tựa đề « Trump – Erdogan : Cuộc đọ sức mà hai bên đều thua ».
Còn La Croix với bài « Cặp đôi bất ổn », ghi nhận việckhủng hoảng với Hoa Kỳ có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách giải quyết nhiều bế tắc với Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể là hôm thứ Ba vừa qua, Ankara đã trả tự do cho người phụ trách địa phương của tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế Taner Killic, 24 giờ sau khi thả hai quân nhân Hy Lạp, bị giam cầm từ gần 5 tháng nay.
Về quan hệ Mỹ – Thổ nói chung, La Croix lưu ý cho dù, chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng, nhưng đây không phải lần đầu tiên hai đồng minh lịch sử này rơi vào tình trạng cơm không lành, canh không ngọt. Theo nhiều chuyên gia chính trị quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ không thể đoạn tuyệt với Mỹ, bởi sự gắn bó của Ankara với phương Tây mang lại nhiều lợi ích kinh tế và quân sự cho quốc gia này. Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn hàng thứ hai trong khối NATO, và Ankara được hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ cao cấp từ phương Tây.
Một lý do khác để giải thích cho khủng hoảng đột ngột bùng phát giữa Washington và Ankara, báo La Croix nêu lý do tình hình nội bộ nước Mỹ, với cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần, trong đó tổng thống Trump đang rất cần đến sự ủng hộ của giới Tin Lành Phúc Âm, mà một mục sư nổi tiếng của phái này lại đang bị Thổ Nhĩ Kỳ cầm giữ.
Nghệ sĩ Aretha Franklin :
Sự trỗi dậy của người phụ nữ da đen
Trang nhất hai báo Libération và Parisien hôm nay đều chạy tít « Respect ! », tên nhạc phẩm để đời của nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin, vừa tạ thế. Trả lời phỏng vấn Libération, giáo sư Daphne Brooks, Đại học Yale, nhấn mạnh đến vai trò của Aretha Franklin trong sự trỗi dậy của phong trào nữ quyền của người Mỹ da đen. Nữ giáo sư Daphne Brooks là chuyên gia về vấn đề chủng tộc, giới và các loại hình âm nhạc đại chúng.
Trong bài phỏng vấn mang tựa đề « Bà ấy đã hát về thời đại mình, với thời đại mình và cho thời đại mình », nhà nghiên cứu Mỹ nói đến hành trình của « nữ hoàng nhạc soul », như một con người xuất chúng của cả một thế hệ người Mỹ da đen gốc Phi, từ bắc chí nam, từ vùng thôn quê đến chốn thị thành, tất cả đều đắm mình trong thế giới của nhạc jazz, nhạc blues, của r’n’b (rhythm and blues) và pop. Bằng âm nhạc, họ đã « làm sụp đổ những bức tường phân biệt chủng tộc », từng được coi là bất khả xâm phạm.
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Bão số 4 yếu đi khi đến Việt Nam.
Bão nhiệt đới Bebinca (Việt Nam gọi là bão số 4) hôm nay 17/08/2018 đã giảm cường độ thành áp thấp khi vào đến miền bắc Việt Nam. Tuy một số làng ở Nghệ An bị ngập lụt, nhưng thiệt hại không nhiều. Trước đó chính quyền đã huy động hàng ngàn binh lính, chuẩn bị kế hoạch sơ tán dân và ra lệnh ra tàu bè phải vào bến.
(AFP) – Hơn một chục quan chức Trung Quốc bay chức vì vụ vắc-xin dỏm.
Tân Hoa Xã hôm nay 17/08/2018 loan tinĐảng Cộng sản Trung Quốc đã cách chức hoặc buộc từ chức khoảng 12 quan chức sau xì-căng-đan vắc-xin dỏm đã gây phẫn nộ tại Hoa lục. Trong số đó có phó chủ tịch tỉnh Cát Lâm (Jilin), nơi có trụ sở của công ty vi phạm.
(Reuters) – Trung Quốc : Bị bắt vì hỏi Đài Loan sao không thể là quốc gia.
Một thanh niên tên Yang, 18 tuổi ở Mã An Sơn (Maanshan) thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc hôm nay 17/08/2018 đã bị bắt vì thắc mắc trên mạng Vi Bác : « Luật nào nói rằng không thể coi Đài Loan là một quốc gia ? ». Từng bị công an cảnh cáo vì những « lời bình xấu » trên mạng, Yang đã nhận tội và bị tống giam.
(AFP) – Kim Jong Un lên án « các thế lực thù nghịch »
chịu trách nhiệm về các biện pháp trừng phạt « đê tiện ». Phát biểu trên được các cơ quan thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên đăng lại ngày 17/08/2018, trong bối cảnh Washington yêu cầu duy trì áp lực quốc tế đối với chế độ Bình Nhưỡng. Ngày 14/08, bộ Ngân Khố Mỹ trừng phạt hai doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc, bị cáo buộc tiếp tục trao đổi thương mại với Bắc Triều Tiên, bất chấp cấm vận quốc tế.
(Reuters) –Mỹ hoãn diễu binh vì chi phí quá cao.
Cuộc diễu binh như Quốc khánh Pháp mà tổng thống Donald Trump mong muốn dự kiến tổ chức vào ngày 10/11/2018 được dời lại đến sang năm, theo thông báo của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ hôm qua 16/08/2018. Một quan chức ẩn danh cho biết cuộc diễu binh nhằm vinh danh các cựu chiến binh đồng thời kỷ niệm 100 năm Đệ nhất Thế chiến kết thúc, sẽ tốn kém trên 90 triệu đô la, gấp ba dự chi ban đầu.
(AFP) –Đại học Y New York miễn học phí.
Việc đăng ký vào học khoa Y của trường đại học danh tiếng NYU ở New York sẽ được miễn phí cho tất cả các sinh viên kể từ niên khóa tới, trong khi cho đến nay chương trình học tốn ít nhất 220.000 đô la. Chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường hôm 16/08/2018 thông báo như trên, cho biết đó là nhờ đóng góp của các mạnh thường quân. Tuy học phí được miễn, nhưng các chi phí hành chính và nhà ở cũng lên đến 27.000 đô la/năm.
(AFP) – Hãng hàng không Air France-KLM có tổng giám đốc mới.
Ông Benjamin Smith, từng là nhân vật số hai của Air Canada, sẽ chính thức nhậm chức từ tháng 09/2018. Khoản tiền lương hơn 3 triệu euro/năm của ông, cao hơn người tiền nhiệm, bị chỉ trích trong bối cảnh nhân viên Air France đình công suốt 15 ngày vào mùa xuân vừa qua để đòi được tăng lương.
(Reuters) – Ả Rập Xê Út hứa giúp Syria 100 triệu đô la để bình ổn nhiều khu vực.
Đây là các khu vực không còn nằm dưới quyền kiểm soát của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Ngày 16/08/2018, bộ Ngoại Giao Mỹ đã hoanh nghênh khoản trợ giúp của Ryiad vì chính quyền tổng thống Trump dự tính giảm tài trợ chương trình trợ giúp Trung Đông, trong đó có Syria và dải Gaza.
(AFP) – « Cần khẩn cấp giảm căng thẳng vào cứu trợ nhân đạo ở Gaza ».
Đây là nhận định chung của hai tổng thống Pháp và Ai Cập trong cuộc điện đàm ngày 16/08/2018. Tổng thống Macron đánh giá cao nỗ lực của Ai Cập để đạt được hưu chiến ở Gaza từ ngày 09/08, và cải thiện trợ giúp nhân đạo cho dân thường. Từ ngày 30/03, có ít nhất 169 người Palestine bị chết ở Gaza vì bị Israel oanh kích.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180817-tin-doc-nhanh