Tin Việt Nam – 17/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 17/08/2018

Ân xá Quốc tế lên tiếng vụ Nguyễn Tín bị đánh

Tổ chức Ân xá Quốc tế yêu cầu chính phủ VN điều tra ngay cáo buộc công an đánh đập ca sĩ Nguyễn Tín và nhiều nhà hoạt động ngày 15/8, khiến blogger Phạm Đoan Trang phải nhập viện.

“Giới chức Việt Nam cần lập tức điều tra cáo buộc một nhóm các nhà hoạt động bị công an tấn công và đánh đập tàn nhẫn khi họ tham dự một đêm trình diễn cá nhân các nhạc phẩm thời tiền Cộng sản tại TP. Hồ Chí Minh ngày 15/8”, thông cáo báo chí của Ân xá quốc tế (Amnesty International) phổ biến hôm 16/8 nhận định.

Sau khi phá vỡ sự kiện – một màn trình diễn các bài tình ca trước năm 1975 của ca sỹ Nguyễn Tín được tổ chức tại một quán cà phê nhỏ – cảnh sát lục lọi chứng minh thư của mọi người, đánh khán giả, và chú ý vào các nhà hoạt động có tên tuổi như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tín và Nguyễn Đại, theo Ân xá Quốc tế.

Ca sĩ blogger Nguyễn Tín bị bắt, đánh trong đêm nhạc

Bàn về tù nhân chính trị VN – Đi hay ở (Phần 1)

Bàn về tù nhân chính trị VN – Đi hay ở (Phần 2)

“Ba người cho hay họ bị đưa đến các đồn cảnh sát khác nhau và bị tra tấn, trong đó bà Phạm Đoan Trang sau đó phải điều trị tại bệnh viện.”

“Khi cuộc đàn áp xã hội dân sự của Việt Nam chạm đến ngưỡng đánh đập và tra tấn người dân vì họ nghe những bản tình ca, rõ ràng tình hình đang xấu đi đến một mức độ đáng lo ngại. Tham dự một buổi hòa nhạc không phải là tội, và mọi người không nên sống trong sợ hãi rằng họ đang đặt sự an toàn của mình vào nguy cơ này nếu họ làm vậy,” bà Clare Algar, Giám đốc điều hành toàn cầu của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói.

“Chính quyền Việt Nam phải điều tra ngay lập tức và độc lập những cáo buộc nghiêm trọng này nhằm tuân thủ nghĩa vụ của họ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn”.

“Phạm Đoan Trang, người gần đây trả lời phỏng vấn báo chí chỉ trích đảng cầm quyền, nói rằng sau đó cảnh sát bỏ bà lại một con đường xa lạ bên ngoài thành phố, nơi cô bị đánh đập đến biến dạng gương mặt. Cô hiện đang được chăm sóc y tế tại bệnh viện.”

“Nguyễn Tín và Nguyễn Đại nói rằng họ bị bịt mắt và trùm đầu trước khi họ bị đưa đến đồn cảnh sát, sau đó bị đánh đập nghiêm trọng trước khi được thả.”

“Chính quyền Việt Nam vẫn còn đặc biệt nhạy cảm về di sản văn hóa của miền Nam Việt Nam thời kỳ trước chiến thắng của Đảng Cộng sản trong Chiến tranh Việt Nam vào tháng 4/1975…”

‘Chấn động não’

Bà Phạm Đoan Trang đã trở về nhà sau khi đi cấp cứu tại bệnh viện do bị đánh đêm 15/8, với chẩn đoán bị chấn động não, theo nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm.

Bà Trang là một trong số khán giả có mặt trong đêm nhạc cá nhân của ca sỹ Nguyễn Tín tại một quán cà phê nhỏ ở Sài Gòn, nơi anh hát các nhạc phẩm trước năm 1975.

Được biết, sau khi bị một nhóm người được cho là an ninh mặc thường phục tấn công chảy máu đầu, vỡ tan mũ bảo hiểm, bà Trang trở về nhà và bị ói mửa liên tục.

Bà Phạm Đoan Trang sau khi xuất viện đã cập nhật trên trang cá nhân tình hình của mình.

“Tôi đã về nhà từ 1.30 sáng nay (17/8) và không còn chóng mặt hay buồn nôn, chỉ hơi nhức đầu. Bác sĩ nói đó là một cơn chấn động não và cần theo dõi thêm”, bà Trang viết.

Hàng chục người bị bắt trước lo ngại biểu tình

Trần Huỳnh Duy Thức và thư viết từ nhà tù

Bà Trang cho hay trong khi nằm cấp cứu ở bệnh viện, an ninh vẫn theo dõi bà trong phòng bệnh. “Gần như lúc nào mở mắt, tôi cũng thấy họ đứng đó, có lúc đeo khẩu trang, có lúc đang chụp hình bằng điện thoại, mặc dù bệnh viện có nhắc là mỗi gia đình chỉ một người thân ở lại trông bệnh nhân. Điều đáng nói là họ vẫn gây sự và đuổi đánh một số người vào thăm tôi, chẳng hạn đá anh Tuất, tát Dương Lâm, và đuổi, đe dọa em Cao Trần Quân”.

Bà cũng thuật lại việc bị lực lượng an ninh bắt đêm 15/8, thả xuống “một con đường tối”, rồi tiếp tục đánh bà lần hai tới “vỡ mũ bảo hiểm”.

“Chiếc mũ bảo hiểm bị vỡ mà các bạn thấy trong hình hôm qua là cái mà họ dùng để đánh người. Nửa đêm 15/8, công an chở tôi từ đồn phường 7, quận 3 về bằng taxi. Tới đoạn đường tối họ thả tôi xuống…và cho tôi 200.000 đồng để gọi xe khác…”

“Sau đó tôi xuống và đứng bên vỉa hè vẫy xe khác về nhà. Chỉ vài phút sau, có 6 “đồng chí” to cao đi ba xe máy lao đến, bỏ xe xông vào đánh hội đồng… Khi tôi ngồi dậy được để giữ tay vào vết thương trên đầu cho bớt chảy máu, thì thấy chiếc mũ vỡ một mảng to bị vứt lại trên đường, quanh đó là chi chít mảnh vụn.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45217366

 

Luật sư: ‘Nhân chứng bất ngờ phản cung

 tại phiên xử Lê Đình Lượng’

Một luật sư bào chữa cho nhà hoạt động Lê Đình Lượng cho VOA biết hai nhân chứng được triệu tập đến phiên tòa ngày 16/8 đã bất ngờ phản cung; phủ nhận các lời khai trước đây về tội trạng của ông Lượng vì khi ấy họ bị nhục hình và bức cung phải khai ông Lượng có tội. Thế nhưng khi các luật sư yêu cầu đối chứng thì tòa nói hai nhân chứng bị bệnh nên “không thể tiếp tục làm việc được.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết hai nhân chứng Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng, được biết trước đây đã khai nhận các hành vi phạm tội liên quan đến nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng, tại phiên tòa ở Nghệ An hôm 16/8 đã phản cung:

Có hai người làm nhân chứng của vụ án, là Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng, họ đều phản cung, đều phủ nhận những lời khai trước đây mà họ từng khai nói rằng ông Lượng có tội. Họ nói rằng cơ quan điều tra đã dùng nhục hình, đánh đập, bức cung, ép cung nên buộc họ phải khai là ông Lượng có tội.

Luật sư Đặng Đình Mạnh.

“Có hai người làm nhân chứng của vụ án, là Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng, họ đều phản cung, đều phủ nhận những lời khai trước đây mà họ từng khai nói rằng ông Lượng có tội. Họ nói rằng cơ quan điều tra đã dùng nhục hình, đánh đập, bức cung, ép cung nên buộc họ phải khai là ông Lượng có tội.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết thêm khi các luật sư yêu cầu thẩm vấn hai nhân chứng đang có mặt tại tòa, “thì hết sức khôi hài, cán bộ dẫn giải xuất hiện và cho biết ông Hóa bị viêm họng, ông Dũng bị đau bụng nên không thể tiếp tục làm việc.”

Luật sư cho biết rằng trong phần tranh luận, nhiều vấn đề về chứng cứ buộc tội, về hành vi của ông Lượng đã được các luật sư đặt ra, phân tích, đánh giá lại và khẳng định rằng: “Không có chứng cứ chứng minh quan điểm truy tố” của Viện Kiểm sát.

Luật sư bào chữa cho ông Lượng nhận định rằng dù hai nhân chứng đã nói ra sự thật là ông không có tội, nhưng các quan tòa vẫn lật lọng cho rằng bị cáo có tội.

“Tại tòa, trong hoàn cảnh không bị ép buộc gì cả nên họ đã khai sự thật. Họ phủ nhận tất cả những lời khai trước đây của họ. Toàn bộ những lời khai trước đây bất lợi cho ông Lượng đã được phủ nhận. Như vậy chứng cứ không còn ý nghĩa gì nữa. Tòa vẫn lật lọng cho rằng ‘có cơ sở có tội’ và tuyên mức phạt rất nặng: 20 năm tù và 5 năm quản chế.”

Tại tòa luật sư đã tranh luận rằng các hoạt động của ông Lượng đối với xã hội, thực chất đó chỉ là những hành vi của một cựu quân nhân sống có trách nhiệm cao với cộng đồng, với địa phương và là một công dân thực hiện quyền tham gia xây dựng, quản lý Nhà nước theo hiến pháp mà thôi, Luật sư Mạnh viết trên Facebook hôm 16/8.

Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa là nhân chứng tại phiên tòa xử ông Lê Đình Lượng, đồng thời cũng là hai nhà hoạt động đang chịu án tù vì các bài viết chỉ trích chính quyền đăng tải trên mạng xã hội và giúp ngư dân các tỉnh miền trung khiếu kiện đòi nhà máy Formosa bồi thường thiệt hại do xả thảy ra môi trường biển.

Trong một phiên tòa phúc thẩm tại Nghệ An hôm 15/8, Nguyễn Viết Dũng bị kết án 6 năm tù và 5 năm quản chế vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước.” Trước đó vào tháng 9/2017, chính quyền thông báo bắt tạm giam Dũng sau khi lan truyền tin nhà tranh đấu này đã bị một nhóm người mặc thường phục bắt cóc.

Luật sư Nguyễn Khả Thành, người lẽ ra bào chữa cho ông Dũng trong phiên tòa này, cho VOA biết nhận định của ông về bản án đối với thân chủ, và các “thủ tục tố tụng” rất “cập rập” của tòa án:

Tôi không tham gia phiên tòa được vì mới nhận điện thoại cách giờ xét xử 12 tiếng trong khi tôi cách Nghệ An gần cả ngàn km nên không dự kịp. Hơn nữa, tôi chưa được cấp giấy và chưa được vào tiếp xúc với Dũng hay tham gia phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Khả Thành.

“Quan điểm của tôi là Nguyễn Viết Dũng chỉ thực hiện các quyền đã được pháp luật quy định, chứ không phạm tội ‘tuyên truyền chống nhà nước.” Tôi không tham gia phiên tòa được vì mới nhận điện thoại cách giờ xét xử 12 tiếng trong khi tôi cách Nghệ An gần cả ngàn km nên không dự kịp. Hơn nữa, tôi chưa được cấp giấy và chưa được vào tiếp xúc với Dũng hay tham gia phiên tòa.”

Cùng báo cuộc với Dũng, nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa bị bắt đầu năm 2017 do đã sử dụng Facebook để “gieo rắc tuyên truyền phản động chống lại chính sách của đảng cộng sản và nhà nước thông qua các bài viết, video, và hình ảnh có nội dung tiêu cực,” và vào tháng 11/2017 bị xử 7 năm tù, 3 năm quản chế tại một tòa án ở tỉnh Hà Tĩnh, theo truyền thông Việt Nam.

Đài truyền hình ABC News gần đây nhận định rằng hiện tượng ép cung hay những lời thú tội được ghi hình khá phổ biến ở quốc gia cộng sản Việt Nam.

Các tổ chức nhân quyền thường xuyên lên tiếng chỉ trích trình trạng vi pham nhân quyền tại Việt Nam và kêu gọi Hà Nội hủy bỏ mọi các buộc, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với các nhà tranh đấu.

https://www.voatiengviet.com/a/ls-hai-nhan-chunh-phan-cung-tai-phien-toa-xu-ong-le-dinh-luong/4532797.html

 

LS Đài: Vụ xử Lê Đình Lượng ‘còn nhiều bí ẩn’

Tina Hà GiangBBCvietnamese.com

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng hôm 16/8 bị tuyên án 20 năm tù, mức án cao kỷ lục cho người bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài, cựu tù nhân lương tâm hiện định cư ở Đức, hồi tháng Tư năm nay, cũng bị tuyên án 15 năm tù với cùng tội danh, chia sẻ nhận định của ông về sự kiện này, qua một phỏng vấn với BBC vài giờ sau khi phiên toà kéo dài vỏn vẹn nửa ngày kết thúc.

BBC: Luật sư có nhận xét gì về việc cựu chiến binh Lê Đình Lượng bị tuyên án 20 năm, mức án cao nhất từ trước đến nay dành cho người bị cáo buộc tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền?

LS Nguyễn Văn Đài: Tôi cho rằng đây là một bản án bất công, mang tính trù dập và khủng bố đối với ông Lê Đình Lượng, một người hoạt động chính trị đối lập ôn hoà tại Việt Nam. Bản án này không chỉ nhằm vào cá nhân ông Lê Đình Lượng mà nó còn gửi thông điệp những người hoạt động chính trị khác. Tôi cực lực phản đối bản án này.

Ông Lê Đình Lượng bị 20 năm tù, án cao nhất cho giới đấu tranh

Bàn về tù nhân chính trị VN – Đi hay ở (Phần 2)

Bàn về tù nhân chính trị VN – Đi hay ở (Phần 1)

Trần Huỳnh Duy Thức và thư viết từ nhà tù

BBC:Theo lời của Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Lượng, thì mức án 20 năm tù vượt ngoài khung đề nghị 17 năm của Viện Kiểm sát. Việc này có xảy ra thường xuyên tại Việt Nam không, và theo ông thì ý nghĩa của nó là gì?

LS Nguyễn Văn Đài: Việc Hội đồng xét xử quyết định mức án cao hơn rất nhiều so với đề nghị của Viện kiểm sát là điều rất hiếm hoi trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ án chính trị. Thông thường mức án trong các vụ án chính trị đã được các cơ quan như điều tra, an ninh, Viện kiểm sát, Toà án, ban nội chính họp và cân nhắc trước khi phiên toà diễn ra. Trong đó cơ quan an ninh Bộ công an giữ vai trò quyết định.

Nhưng trong quá trình xét xử các vụ án chính trị, bao giờ cũng có an ninh từ Bộ công an ngồi trong phòng kín theo dõi diễn biến phiên toà và họ sẽ quyết định mức án dựa vào thái độ của người bị xét xử. Khi Hội đồng xét xử vào nghị án, cơ quan an ninh Bộ công an sẽ yêu cầu Hội đồng xét xử phải tuyên mức án theo quyết định của họ.

Tôi không biết được diễn biến phiên toà ra sao, nhưng theo kinh nghiệm của cá nhân tôi thì trong quá trình xét xử, thái độ của ông Lê Đình Lượng đã làm những người ngồi trong phòng kín theo dõi phiên toà hết sức tức giận. Và họ đã ra tay quá nặng với ông Lê Đình Lượng.

BBC:Theo dư luận thì ông Lê Đình Lượng không phải là người nổi tiếng, không là lãnh đạo một tổ chức nào, cũng không phải là người gây được ảnh hưởng rộng lớn, tại sao ông Lượnglại bị xử nặng như vậy. Luật sư nghĩ vụ này có bí ẩn gì không?

LS Nguyễn Văn Đài: Đúng là trong phong trào đấu tranh dân chủ trên phạm vi cả nước thì ông Lê Đình Lượng được ít người biết đến. Nhưng ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thì ông rất có uy tín với người dân và cộng đồng Công giáo. Những người đấu tranh xuất thân từ hai tỉnh nói trên đều rất kính trọng ông và ông có ảnh hưởng với họ. Trong con mắt của an ninh Bộ Công an và tỉnh Nghệ An thì ông Lê Đình Lượng là cái gai cần phải nhổ đi từ lâu. Và lần này họ mới có cơ hội thực hiện được.

Đồng thời trong thời gian vừa qua, phong trào đấu tranh của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lên rất mạnh trong việc bảo vệ môi trường và chống dự án luật đặc khu. Nhân vụ án này, nhà cầm quyền cộng sản muốn khủng bố tinh thần của những người đang đấu tranh ở hai tỉnh này. Và tất nhiên còn những điều bí ẩn khác mà tôi không thể trả lời trong cuộc phỏng vấn này.

BBC:Luật sư có thể phân tích những điểm tương đồng và tương phản giữa bản thân luật sư, ông Trần Huỳnh Duy Thức, và ông Lê Đình Lượng về các phương diện: việc làm, tội bị cáo buộc, bối cảnh lúc bị xét xử, ảnh hưởng cũng như bản án của mỗi người?

LS Nguyễn Văn Đài: Chúng tôi đều có nét tương đồng là cùng bị cáo buộc có những hoạt động nhằm lật đổ cái gọi là”chính quyền Nhân dân”. Và trên thực tế chúng tôi đều có những hoạt động nhằm cổ suý cho một nền chính trị đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam. Chúng tôi bị cáo buộc là tham gia đảng chính trị hoặc thành lập tổ chức hội. Tất nhiên những hoạt động của chúng tôi làm nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lo sợ, bởi những hoạt động đó đe doạ đến quyền lãnh đạo tuyệt đối của họ. Họ không bao giờ muốn trên đất nước Việt Nam có sự ra đời hay tồn tại của các tổ chức, đảng phái chính trị. Bởi hiện nay, đa số người dân Việt Nam đã bất mãn và mất niềm tin vào nhà cầm quyền cộng sản. Nếu có hoạt động của các đảng phái, tổ chức chính trị thì dần dần người dân sẽ tìm đến và đi theo. Đến một lúc nào đó sẽ hình thành một lực lượng đối lập mạnh, lúc đó chế độ độc đảng cộng sản sẽ không còn. Và với những tội ác mà đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra cho đất nước và dân tộc, chắc chắn sẽ có một Toà án công lý để xét xử họ.

Và hiển nhiên, chúng tôi đều bị mức án rất nặng là từ 15 năm trở lên. Riêng tôi, trong quá trình điều tra, họ nhiều lần đe doạ sẽ áp dụng mức rất cao 20 năm hoặc chung thân. Nhưng cuối cùng vì nhiều lý do mà họ chỉ kết án 15 năm.

LS Đài: Đôi điều về một phiên tòa sắp xử ở VN

Blogger Phạm Đoan Trang ẩn trốn sau khi bị thẩm vấn

Bà Đoan Trang nhận giải nhân quyền của Czech

Blogger Đoan Trang ‘bị tạm giữ vì cuốn sách nhạy cảm’?

BBC:Theo luật sư sự kiện này sẽ ảnh hưởng lên giới bất đồng chính kiến như thế nào? Ông có lời khuyên gì cho ông Lượng và gia đình ông ấy?

LS Nguyễn Văn Đài: Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng chút ít đến tâm lý và những hoạt động của những người bất đồng chính kiến trong nước.

Nhưng những mâu thuẫn về lợi ích giữa người dân và nhà cầm quyền cộng sản, sự suy đồi của chế độ cộng sản, sự yếu kém trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân không được giải quyết mà ngày càng gây phẫn nộ cho Nhân dân. Do vậy sự tham gia của các từng lớp Nhân dân vào phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ sẽ ngày càng tăng cao chứ không hề suy giảm như mong muốn của nhà cầm quyền cộng sản.

Tôi khuyên họ nên chống án. Và có lẽ giải pháp vận động quốc tế để ông Lê Đình Lượng được đi tị nạn chính trị cần được cân nhắc và tính đến từ bây giờ. Bởi vì ông Lê Đình Lượng đã có tuổi và với mức án như vậy, thật bất công cho ông khi phần cuộc đời còn lại của ông phải ở trong ngục tù cộng sản.

BBC:Giới bất đồng chính kiến nên rút tỉa kinh nghiệm gì sau phiên xử ngày hôm nay?

LS Nguyễn Văn Đài:Chắc chắn là mọi cá nhân, tổ chức hoạt động đấu tranh cho tự do, dân chủ ở trong nước đều phải rút kinh nghiệm ngay từ sau vụ án của Hội Anh Em Dân Chủ và vụ án này. Đó là phải thay đổi phương thức tổ chức và hoạt động để phù hợp với việc đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền cộng sản. Tôi đã soạn thảo chiến lược đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam trong tình hình mới áp dụng cho Hội AEDC và sẽ sớm được công khai công bố. Tất cả các tổ chức, cá nhân khác có thể tham khảo và áp dụng cho họ.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45217625

 

Phụ nữ Úc quyên góp giúp gia đình Việt bị trục xuất

Bà Shira Sebban, một nhà hảo tâm người Úc, đang gây quỹ để hỗ trợ cho gia đình một thuyền nhân Việt Nam bị Úc trục xuất có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Bình Thuận.

Sau khi bị trục xuất về Việt Nam năm 2015, ông Nguyễn Mạnh Quyết chịu án phạt hai năm tù giam về tội ‘tổ chức vượt biên trái phép.’ Nhưng khi mãn hạn tù, ông mất sức lao động do trong thời gian bị giam giữ, ông bỗng trở thành người tàn phế, bị bại liệt cả hai chân. Ông có hai con tuổi đi học và vợ ông hiện phải làm thuê, làm mướn đủ nghề để chạy ăn hằng bữa cho gia đình.

Em Nguyễn Lãnh Mạnh Quyến,16 tuổi con trai lớn của ông Quyết, buộc phải nghỉ học đi làm công cho một quán cà phê ở huyện La Gi để giúp gia đình mưu sinh. Em cho VOA biết:

“Ước mơ của em là học thành nghề để giúp cho cha mẹ, và gia đình. Từ lúc bị trục xuất về tới giờ em phải đi làm thêm. Cha mẹ em đã cực khổ quá nhiều để nuôi hai anh em tụi em. Em phải đi làm để phụ giúp cho gia đình.”

Quyến cho biết từ hơn năm nay đã trở thành lao động chính nuôi gia đình bằng cách đi phụ bán cà phê kiếm một ngày 70 ngàn đồng, và em trai nhỏ 14 tuổi, cũng đã nghỉ học để đi bán vé số. Mẹ em, bà Trần Thu Thanh đi phụ rửa chén trong các quán ăn, vừa nuôi chồng bệnh vừa nuôi cha già yếu.

Quyến cho biết thêm mẹ em đã phải mượn nợ nhiều nơi để nộp tiền phạt cho phía Úc để “chuộc” cha em về Việt Nam. Quyến không đành lòng nhìn cảnh mẹ em bị chủ nợ làm khó, miệt thị:

“Gia đình em mắc nợ nhiều không biết bao giờ mới hết nợ. Em muốn học thành nghề để giúp gia đình, chứ mẹ bị đòi nợ hoài.”

Trước đó, bà Thanh cho VOA biết trong hai năm chồng đi tù, gia đình phải bán đất đai nhà cửa và vay mượn để gởi tiền cho chồng và chuộc chồng về.

Ông Nguyễn Mạnh Quyết chia sẻ với VOA về hoàn cảnh khó khăn của gia đình:

“Úc trả về, Việt Nam bắt nhốt 7 tháng là em bị liệt luôn. Họ kêu án em 2 năm, giờ hoàn cảnh em khó khăn ghê lắm. Không có nhà ở, ở nhà mướn, còn phải nuôi ba em gần 90 tuổi rồi. Em là trụ cột chính mà giờ không đi làm được. Vợ em phụ, đi làm thuê làm mướn cho người ta ngày được 5, 7 chục ngàn vậy à. Giờ em làm không được nữa nên vợ em phải làm ngày, làm đêm.”

Gia đình của ông Quyết cùng với hơn 40 ngư dân Bình Thuận rời Việt Nam tháng 7/2015 sau 20 ngày lênh đênh trên biển thì đến hải phận Úc và bị lực lượng Bảo vệ Biên giới bắt giữ. Đến tháng 9/ 2015 thì tất cả 46 người bị chính phủ Úc trả về lại Việt Nam với lời hứa của chính phủ hai bên là họ sẽ được an toàn và được tạo điều kiện tốt để học hành và hòa nhập xã hội.

Bà Shira cho VOA biết bà đang vận động trên trang Chuffed.org để hỗ trợ cho gia đình ông Quyết, đặc biệt là em Quyến, được học một nghề như em mong ước.

Bà Shira viết cho VOA: “Chúng tôi kêu gọi sự đóng góp của quý vị để Quyến có thể theo học chương trình đào tạo nghề khách sạn kéo dài 2 năm dành cho trẻ em đường phố và các thanh thiếu niên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn. Khóa học cũng dạy tiếng Anh và các kỹ năng sống. Quyến nay vừa đúng 16 tuổi, tôi nghĩ rằng sẽ thật tuyệt vời nếu cậu bé có thể được học khóa đào tạo này và sau đó có được một công việc tốt và có thể giúp đỡ gia đình mình.”

Bà cho biết thêm cho đến nay đã có 64 người ủng hộ gia đình em Quyến với tiền gần 6 ngàn đôla trên trang Chuffed.org.

Nhà hảo tâm người Úc hy vọng rằng Quỳnh, em trai 14 tuổi của Quyến, đã nghỉ học từ năm lớp 3 để bán vé số, sẽ được đi học nghề mộc. Với cuộc vận động đầy tâm huyết này bà Shira mong ước “hai em có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình.”

https://www.voatiengviet.com/a/phu-nu-uc-quyen-gop-tien-giup-gia-dinh-viet-bi-truc-xuat/4533022.html

 

TBT Trọng: ‘Tham nhũng giảm ở Việt Nam’

Tổng bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng khẳng định tình trạng tham nhũng ‘có chiều hướng thuyên giảm’, đặc biệt trong hai năm gần đây.

Sau năm năm thành lập, “công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, nhất là hơn hai năm gần đây. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong xã hội”, ông Trọng được trích lời trên chinhphu.vn.

Ông Trọng phát biểu như vậy tại phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (BCĐ) tại Hà Nội hôm 16/8.

Ông cho hay một số vụ tham nhũng nghiêm trọng đã được giải quyết, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và chính phủ.

Nguyễn Phú Trọng: ‘Người đốt lò vĩ đại’

Hội nghị TƯ 7: Sẽ có thay đổi nhân sự?

VN: Đâu là thực chất trận đồ chiến dịch ‘đốt lò’?

GS Nguyễn Phú Trọng là ‘tấm gương sáng của Đảng’

Ông Trọng nhấn mạnh các trường hợp tham nhũng nghiêm trọng đặc biệt, bao gồm việc mua bất hợp pháp Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) của MobiFone, vụ đánh bạc xuyên quốc gia ở tỉnh Phú Thọ, vụ PetroVietnam quản lý yếu kém làm thất thoát 150 triệu đô la ngân sách nhà nước, và vụ ông trùm bất động sản Phan Văn Anh Vũ làm lộ bí mật nhà nước, theo VnExpress.

Những vụ này mang đến kết quả quan chức cấp cao bị bỏ tù, bị bắt hoặc bị giáng cấp.

Trong năm năm qua, BCĐ đã hoàn thành việc truy tố và xét xử 500 bị cáo trong 40 vụ án tham nhũng trong số những vụ tham nhũng bị đổ bể. 56 quan chức chính phủ trung ương cũng bị kỷ luật từ tháng 1/2016 đến tháng 8/2018.

Ông Trọng nói rằng BCĐ sẽ cố gắng để tăng cường hệ thống kỷ luật, loại bỏ những hạn chế hiện có và đào tạo cán bộ để ngăn chặn tham nhũng hiệu quả hơn nữa.

Từ năm 2013 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 4.300 đảng viên tham nhũng; kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400 ngàn tỷ đồng và 18.525 ha đất, theo chinhphu.vn.

Các phát biểu của ông Trọng lặp lại báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vào tháng Tư. Báo cáo này đánh giá sự minh bạch và các thủ tục hành chính công của quốc gia thông qua một cuộc khảo sát toàn quốc.

Báo cáo cho thấy kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cải thiện nhiều nhất. Chỉ 17% người được hỏi cho biết họ trực tiếp trải nghiệm việc bị đòi hỏi hối lộ khi xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm từ 23% trong năm 2016.

Hối lộ tại các bệnh viện công cũng giảm, chỉ 9% người trả lời nói rằng họ phải hối lộ, giảm từ 17% trong năm 2016.

Các vụ thu hồi đất cũng giảm xuống, với ít hơn 7% số người được hỏi báo cáo về việc này trong năm 2017, so với mức trung bình 9% mỗi năm từ năm 2013 trở đi, theo các báo cáo.

‘Tham nhũng ‘vặt’ còn nhiều’

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục trong công tác phòng chống tham nhũng, như “tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, theo chinhphu.vn.

Ông nói tình trạng này “có chuyển biến nhưng chưa đạt như mong muốn, cần có giải pháp tích cực, chuyển biến mạnh hơn nữa”.

Ông Trọng cũng đề cập đến tâm trạng lo lắng của toàn xã hội về thực trạng tham nhũng, và rằng “tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng “vặt” còn nhiều”.

Bình luận về công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam, ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc và đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, phát biểu trong báo cáo PAPI: “Mặc dù hướng thay đổi là tích cực, vẫn còn nhiều việc phải làm để chống tham nhũng”, theo VnExpress.

Ông nói rằng kết quả khảo sát cho thấy cả hai xu hướng “đáng khích lệ và đáng lo ngại”, đặc biệt là trong kiểm soát tham nhũng khu vực công.

https://www.bbc.com/vietnamese/45217367

 

Cần thêm bao nhiêu người

phải chết cho thủy điện?

Võ Thị Hảo

Mỗi đập thủy điện đều có thể là một quả bom nước khổng lồ tàn phá mạnh hơn bom nguyên tử. Nguồn bom được tạo ra vô tận nếu nó còn tiếp tục vận hành. Đặc biệt với chất lượng xây dựng và bưng bít thông tin, điều kiện thanh tra và quản lý an toàn đập như ở VN, không vỡ đập hoặc gây hại mới là chuyện lạ.

Lũ quét sẽ còn tàn phá VN:

Ngày 13/8/2018, Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo về đợt lũ mới từ ngày 16-17/8 trên hệ thống sông Hồng- Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Đà, sông Thao, sông Bùi có thể lên mức báo động 3. Các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên bái, Phú Thọ, Quảng Ninh và Cao Bằng có nguy cơ cao sạt lở đất và lũ quét. Ngập úng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

http://www.nchmf.gov.vn/web/vi-VN/104/51/11463/Default.aspx).

Lũ quét là gì?

Đó là tiếng réo rợn người, thường nghe như tiếng bom nổ trên đầu, do thủy điện xả lũ hoặc vỡ đập bất thần gây ra và lập tức quật tan tành từ nhà cửa, cây cối, kể cả nhà bê tông và đồi núi đá lở, sầm sập đổ xuống hạ lưu chỉ trong vài phút, ngập lút nóc nhà, xóa sổ hoặc cô lập cả một vùng. Ngay cả đến đất để canh tác cũng thường bị lũ bùn hoặc sỏi đá chôn sâu. Đương nhiên, thân thể người và gia súc, máu xương tim óc, quá mong manh trước mọi bạo lực, sẽ bị quật nát đầu tiên, khi lũ quét xẩy ra.

Trước đó, ngày 9/8/2018, chỉ trong vài giờ, lũ về huyện Ia H’drai, Kontum, và quét sạch những gì chúng gặp trên đường đi, làm ngập khoảng 11 thôn làng, cô lập vùng này và đến tận bây giờ vẫn chưa có thông tin đầy đủ về thiệt hại này. Vì sao?

Lại trước đó, hồi cuối tháng 6, các đợt lũ quét ở vùng miền núi Tây Bắc đã khiến bao nhiêu người thiệt mạng? Không ai biết được, vì thông tin bị bưng bít và các báo đưa tin rất sơ sài về việc này.

Phần quan trọng nhất là tìm nguyên nhân và trách nhiệm của người quản lý, đồng thời theo đuổi đến cùng việc đó để buộc nhà cầm quyền thay đổi giải pháp, cứu hàng triệu dân VN đang trên vực thảm họa mỗi ngày, thì các báo và nhà thanh tra không làm hoặc không thể làm. Vì sao?

Ngày 3/8. Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai cho biết, tính từ đầu năm đến thời điểm đó đã có gần 200 người chết, mất tích và bị thương, hàng chục ngàn căn nhà bị hư hại, ngập nước và phải di dời khẩn cấp, hơn 180 ngàn heta lúa và hoa màu bị ngập, gần 250 ngàn gia súc, gia cầm bị chết…

Lũ đã tàn phá và còn cảnh báo lũ lên nhanh tại đồng bằng sông Cửu Long. Mưa lớn và lũ quét sẽ tiếp tục dồn về Kon tum và vùng Tây Nguyên.(theo http:/vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/lu-cuon-phang-moi-thu-o-yen-bai-dan-roi-ban-vua-di-vua-khoc-464513.html)

Nhiều đập thủy điện hiện đã được thiết kế và vận hành lâu nay tại Lào, VN chưa tính hết đến sức công phá của những vụ xả lũ thủy điện từ chi chít những đập từ thượng nguồn của TQ, ảnh hưởng trực tiếp đến các sông chính của Lào và VN…

Chính phủ Lào, ban đầu bưng bít thông tin thiệt hại do vỡ đập. Do sự phát hiện của dân và các phóng viên quốc tế , trong đó có BBC, chính phủ Lào đã buộc phải công nhận thêm số người chết và mất tích. Lào cũng cũng đã động chút lương tâm, quyết định dừng, rà soát lại các công trình thủy điện trên toàn quốc và mở cuộc điều tra về vụ này.

Trong tình trạng bưng bít và bóp méo thông tin hiện nay tại VN, ai có thể tin rằng nhiều đợt vỡ đập thủy điện, vỡ đê gây lụt và lũ quét liên tục xẩy ra ở nhiều vùng không ít dân cư mà số người thiệt mạng lại ít hơn chỉ một thảm họa trong vụ vỡ đập thủy điện ở Lào ngày 23/7/2018? Chỉ một trong 5 đập phụ Xepian- Xe Nam Noy tại Lào bị vỡ, lũ quét xuống khoảng 13 thôn bản miền thưa người mà đã có ít nhất 1.245 người chết và mất tích, chưa kể những thiệt hại khác, ảnh hưởng cả đến Campuchia và VN. Quá trình vỡ đập thủy điện dường như không thể kiểm soát nổi. Giờ trước mới chỉ là vết nứt, phút sau đã vỡ tung thành bom nước. Đập bị vỡ chỉ là một trong 5 đập phụ, chưa phải đập chính mà sức tàn phá còn khủng khiếp đến vậy, khi cả vài đập phụ hoặc đập chính bị vỡ thì sức hủy diệt sẽ còn đến mức nào!

Vẫn thản nhiên “đổi mạng dân lấy tiền”:

Mọi sự khẳng định rằng đập nọ hay đập kia tuyệt đối an toàn, có thể chịu được vài quả bom nguyên tử chỉ là những khẳng định mang tính lừa đảo tàn nhẫn để trấn an dư luận, xây bằng được các nhà máy thủy điện nhằm kiếm lợi. Đập thủy điện sẽ vỡ từ bất kỳ vết nứt nào hoặc do động đất bởi chính nó hoặc chấn động địa tầng tạo ra, chưa kể mưa lũ thượng nguồn tăng đột biến hoặc từ những đợt xả lũ bất thần từ các đập trên thượng nguồn sông Hồng, sông Mekong mà VN không thể kiểm soát nổi.

VN đã nhiều lần vỡ đập thủy điện và xả lũ bất thường gây vô số thảm họa cho dân từ nhiều năm nay. Nhưng nhà quản lý VN dường như không hề động tâm trước thảm cảnh ngập lụt giết người hàng loạt do thủy điện xả lũ và những vụ vỡ đê đập gây bao cảnh tang thương cho đồng bào, nếu không họ đã không luôn khẳng định và chấp nhận lý lẽ “xả lũ đúng quy trình”.

Chính phủ vẫn an nhiên ưu tiên cho việc xây dựng thêm nhà máy thủy điện mới và trong báo cáo đã đưa trên báo chí không thấy nhắc đến những sai phạm và trách nhiệm trong khi vận hành các nhà máy thủy điện, cũng không có kế hoạch tạm dừng và rà soát lại các đập thủy điện đang vận hành đã phát sinh vết nứt hoặc không đảm bảo an toàn về các mặt khác.

Theo http://cafef.vn/da-co-hon-800-du-an-thuy-dien-duoc-phe-duyet-tai-viet-nam-20180809141740229.chn, Bộ Công thương VN vừa có báo cáo về công tác quy hoạch, xây dựng quản lý và vận hành các công trình thủy điện. Đặc biệt, sự kiện này diễn ra sau khi vỡ đập thủy điện ở Lào và một loạt sự cố do thủy điện gây ra ở VN.

Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt, phát triển nguồn thủy điện vẫn là mục tiêu được ưu tiên, với mục tiêu công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện đến năm 2030 đạt khoảng 25.400MW (hiện nay là 23.182MW).

Ngoài số lượng các nhà máy thủy điện đã đưa vào vận hành, còn có 143 nhà máy thủy điện đang được xây dựng, và Việt Nam vẫn đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án nữa. Có thêm 463 dự án chưa xây dựng, nguyên do trước hết là vì chưa có nhà đầu tư quan tâm hoặc không đáp ứng được các tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường…

Nhà cầm quyền đương nhiên biết rằng thủy điện không phải là nguồn cung cấp năng lượng xanh, không phải không phát sinh khí thải như quảng cáo ban đầu nữa. Họ biết những đập thủy điện đã gây ra hàng loạt hậu quả như thay dổi cấu trúc địa tầng, động đất, biến đổi hệ sinh thái, tạo khí mê tan, giết rừng, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi thủy sản, trồng trọt, nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân.

Có nhiều cách làm ra điện, nằm trong tầm tay nhà cầm quyền mà không phải đổi bằng việc giết người hàng loạt và tàn phá môi sinh.

Những người hữu trách đương nhiên phải tìm phương án thay thế phù hợp thời đại, an toàn cho đất nước và phải vô hiệu hóa ngay các nhà máy thủy điện đã gây hại hoặc đang có nguy cơ hiểm họa.

Nhà cầm quyền phải lập tức tìm nguyên nhân, đền bù, bảo vệ cho dân và đưa dân vùng hạ lưu thủy điện đến một nơi sinh sống tốt, lâu dài hơn trước, truy tố trách nhiệm hình sự và tội xâm phạm an ninh quốc gia đối với những kẻ gây hại , trong đó có những người nằm trong hệ thống phê duyệt, quản lý, xây dựng và vận hành dù trực tiếp hay gián tiếp…

Điều gì khiến hệ thống cầm quyền VN cố bảo vệ các nhà máy thủy điện gây hại bằng mọi giá? Điều gì khiến sau vô số đợt lũ quét gây giết người hàng loạt và hủy hoại cả vùng môi sinh rộng lớn, nhà quản lý vẫn lạnh tanh khẳng định ”xả lũ đúng quy trình”?

Thủy điện làm ra điện. Điện làm ra tiền. Nhưng vấn đề là tiền chảy vào túi ai và kẻ nào đã nhẫn tâm quyết đổi mạng dân lấy tiền từ thủy điện?

Ở VN, tài nguyên và công quỹ quốc gia bị lạm dụng. Ai nắm được thủy điện, tiền từ tài nguyên quốc gia tự động chảy đêm ngày bất tận vào túi kẻ đó…

Muốn dòng tiền ấy không ngừng lại, máu của dân VN phải chảy vào túi những kẻ lạm dụng thủy điện. Năm 2017, mưa lụt nhiều, năm đó các doanh nghiệp thủy điện bội thu tiền bán điện và dân thiệt hại nhiều nhất.

Làm sao đếm nổi thực sự có bao nhiêu xác đồng bào VN bị vùi lấp dưới những trận xả  5.000 m3/s, gây lũ quét bất thường mà thường chỉ báo trước nhiều khi chỉ 5 đến 10 phút. Cả ngôi nhà, quả đồi, thậm chí núi đá còn bị sạt lở, quật tan tành, nói gì đến thân xác đồng bào!

Điện hay kim cương cũng không thể đặt trên sinh mạng con người, đặc biệt là trên hàng triệu dân và an ninh  quốc gia. Không thể vì cần điện mà hy sinh dân VN.  Không có bất kỳ lý do nào để đặt việc làm ra điện cao hơn mạng người, nhất là hàng loạt, hàng triệu người dân.

Tất cả mọi vụ việc “giết người hàng loạt” do xả lũ đều được nhà cầm quyền bảo kê bằng lý lẽ “xả lũ đúng quy trình”.

Nếu xả lũ như vậy mà đúng quy trình, thì quy trình ấy đã được thiết kế để thả sức giết dân đổi lấy tiền bạc cho những nhóm lợi ích đứng sau các nhà máy thủy điện?!

Báo chí và mọi công dân VN cần kiên trì, mạnh mẽ, theo đuổi đến cùng để đòi công lý cùng sự an toàn cho người VN. Đó còn là nghĩa đồng bào tối thiểu.

Nếu sự việc xảy ra đúng như cảnh báo, sắp tới, VN sẽ còn vô số người chết oan ức vì xả lũ thủy điện “đúng quy trình”.

Bao nhiều người chết nữa thì ngành thủy điện và nhà cầm quyền mới động tâm?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/how-many-people-need-to-die-08172018110820.html

 

Xe lôi, nghề kiếm cơm ở Châu Đốc

Nếu ai đã từng thong dong xe ngựa ven bờ Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, chầm chập xích lô ở các phố cổ Hội An, Hà Nội, ắt hẳn sẽ không ngại ngùng bước lên xe lôi khi đến Châu Đốc, An Giang, một thành phố giáp ranh với Campuchia. Dạo quanh các con đường, nghe bác xe lôi vui vẻ trò chuyện hoặc đôi khi thấy bác khéo léo để khách có không gian riêng… nhưng ít ai để ý rằng đằng sau những nụ cười hào sảng của bác phu xe ấy là cả một cuộc đời tất bật kiếm cơm bữa được bữa mất, dãi dầu sương gió nơi vùng biên.

Khi xe lôi là nghề tay phải

Chia sẻ về đời xe lôi của mình, ông Nguyễn Văn Ri, một phu xe ở Châu Đốc cho hay: “Xe lôi mua cỡ chừng khoảng 2 triệu ngoài, chạy ngoài một năm mới lấy lại được, bỏ ống ngày 20 ngàn, 30 ngàn vậy đó.”

Ông Trần Thanh Xuyên, một phu xe khác chia sẻ:“Bình quân một ngày cũng kiếm được 50 ngàn, 70 ngàn, tôi chạy xe lôi được ba chục năm, bốn chục năm rồi. Nó thấp hơn lúc trước là tại vì xe bây giờ ra nhiều hơn trước, xe ôm, xe buýt… thành ra số lượng khách có nhu cầu xe lôi bị giảm bớt.”

Dạo quanh các con đường, nghe bác xe lôi vui vẻ trò chuyện hoặc đôi khi thấy bác khéo léo để khách có không gian riêng… nhưng ít ai để ý rằng đằng sau những nụ cười hào sảng của bác phu xe ấy là cả một cuộc đời tất bật kiếm cơm bữa được bữa mất, dãi dầu sương gió nơi vùng biên.

Cũng như nhiều người khác, ông Ri và ông Xuyên xem nghề xe lôi là nghiệp kiếm cơm của mình. Với diện tích nội thị chưa tới 10 km², thành phố Châu Đốc có ngót nghét 1.000 phu xe lôi. Họ là những người đã từng kéo xe lôi một thời rồi lại bôn ba tứ xứ làm thuê, đến khi thấy rằng không còn đủ sức bôn tẩu nữa thì lại trở về quê nhà, bầu bạn cùng nghề cũ để kiếm tiền trang trải trong gia đình. Cũng có không ít người gắn với nghề xe lôi cả mấy mươi năm, từ lúc trai trẻ đến lúc sinh con đẻ cái. Những đồng thu nhập ít ỏi từ xe lôi chính là nguồn chu cấp cho con cái họ ăn học và cũng chính là nguồn sống lúc về già của họ.

Ông Nguyễn Văn Ri chia sẻ thêm:“Như hồi xưa thì bây giờ chạy cho có hình thức thôi, con người cho khỏe khoắn thôi. Xưa chạy kiếm được trăm ngoài, bây giờ kiếm được có vài chục. Nó chuyên chở cho bạn hàng, lặt vặt vậy đó.”

Ông Ri nói đùa rằng, những phu xe kinh nghiệm như ông được nhiều người ‘chọn mặt gửi vàng’ tức là giao hàng cho họ chở, từ những mặt hàng tiêu dùng như rau, cá, củ, trái… cho đến những hàng dễ vỡ như chén bát, sành sứ… và đôi khi là đón con giúp những tiểu thương bận bịu không kịp giờ đón con nhỏ ở trường về.

Nhiều phu xe lôi tâm sự mặc dù ngày đạp xe uể oải, bữa nào được thì về sớm, bữa nào ít khách thì ráng đợi, tìm mối mà đạp đến tối để kiếm thêm đôi ba đồng, nhưng được cái tối về được bà xã xoa bóp dầu cho, được thấy những đứa con nhỏ vui đùa bên nồi cơm có đủ miếng rau, miếng thịt, thế là bao nhiêu uể oải đều qua.

Ông Trần Thanh Xuyên, phu xe lôi ở Châu Đốc chia sẻ thêm: “Thu nhập khoảng chừng bảy chục, tám chục ngàn là đủ sống, chi tiêu hằng ngày, ăn uống cũng chừng đó à, nhiều khi xe cộ hư hao phải mượn nợ để sửa chữa phương tiện để có mà chạy. Chạy từ 7 giờ đến gần 10 giờ về nghỉ trưa, trưa thì 1 giờ đến 5 giờ, 6 giờ chiều mới nghỉ, nhiều khi mà ế nữa thì mình chạy tới tối luôn.”

Khi xe lôi là nghề tay trái

Khắc hẳn với những bác xe lôi kinh nghiệm suốt đời gắn với xe lôi, nhiều thanh niên ở Châu Đốc chọn xe lôi là nghề tay trái, là nghề để kiếm đôi đồng chi tiêu khi chưa tìm được việc gì khác. Họ thường bỏ ra một số vốn lớn hơn để tậu những chiếc xe lôi đẹp hơn chút nhằm nhắm tới khách đi là khách du lịch thập phương đến Châu Đốc.

Anh Nguyễn Văn Xuyên, một phu xe trẻ ở Châu Đốc chia sẻ:“Cũng được 100, ngoài 200 (200.000 VND) cũng đủ chi tiêu trong nhà, cũng không dư dả gì đâu. Mình chạy ban đêm, ban ngày mình nghỉ. Cũng có khi chạy ngày nghỉ hai ngày, ba ngày không chừng, đi làm việc khác chứ nghề này chạy bấp bênh, nó đâu có khách gì bao nhiêu đâu.”

Theo anh Xuyên, với thu nhập đôi khi vài chục, đôi khi vài ba trăm ngàn, anh không thể dựa vào xe lôi để sống mà phải kiếm thêm thu nhập từ nhiều công việc khác. Cũng vì thế mà ban đầu anh và một số phu xe khác đạp xe lôi cả ngày nhưng sau chuyển dần nhiều về ban đêm, lúc khách du lịch đã mệt mỏi với xe cộ theo tour và muốn tự mình tận hưởng chút không khí yên bình của xứ chùa núi Châu Đốc. Mỗi năm có khoảng vài triệu lượt khách đến với xứ Bảy Núi, nhiều nhất là khách du lịch tìm đến Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Họ là những người thường xuyên sử dụng xe lôi, giúp các phu xe có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.

Anh Xuyên chia sẻ thêm:“Lâu lắm rồi, không biết nghề xe lôi ra từ hồi nào, nhưng cứ tính ở thị xã Châu Đốc này cả ngàn chiếc xe lôi, đủ lớp, người chạy, người bỏ giờ lấy ra chạy kiếm cơm hằng ngày thì cũng được…”

Cùng độ tuổi với anh Xuyên, nhiều phu xe trẻ khác ở Châu Đốc chia sẻ rằng họ chọn nghề xe lôi bởi xe lôi như một nét văn hóa của xứ biên giới này. Từ thuở nhỏ theo mẹ đi chợ trên những chuyến xe lôi, thi thoảng vãn cảnh chùa với bà cũng từ những chuyến xe lôi, dần dà khi lớn lên, xe lôi như có gì đó cuốn hút, ăn sâu vào máu của họ, để rồi khi thất cơ lỡ vận, họ chọn nghề xe lôi để kiếm thu nhập trong những ngày khốn khó. Và rồi khi tìm được công việc khác, họ vẫn kiên trì kéo xe vào buổi tối để thỏa cái máu ‘kéo xe’ của mình, cũng là để giữ một chân phòng khi sa cơ lỡ vận.

Cũng vì thế mà họ cảm giác rất biết ơn những khách du lịch đã đến vùng đất của họ, để có thể nhìn thấy những cảnh đẹp ở đây, để có thể cảm nhận không khí ở đây, để có thể cùng chiêm bái những công trình đa sắc tộc, tôn giáo ở xứ này và đương nhiên là để có thể giúp họ có thu nhập trong việc kéo xe lôi.

Tuy nhiên không ít trong số họ cũng thầm nguyền rủa du lịch đã mang không ít những du khách không lịch sự, coi đồng tiền của họ như vua và chà đạp lên sự nhẫn nại cũng như nhân phẩm của người lao động. Một anh phu xe tâm sự là có lần anh đã phải mất công đạp, kéo xe gần 1 giờ đồng hồ quanh các con đường ở chợ Châu Đốc chỉ để hai đôi thanh niên nam nữ ngắm cảnh, chụp hình, lên xe xuống xe trả chát rồi bảo xe cũ ngồi đau xương, yêu cầu đạp nhanh để họ được chụp hình tóc bay trong gió và rồi xuống xe chỉ trả anh một nửa số tiền thỏa thuận bởi “xe không đạt chất lượng”…

Anh xe lôi tự thấy buồn vì cảm giác mình cũng còn là thanh niên, mặc dù trạc ba mươi tuổi nhưng anh chưa có vợ con gì, mà được hai đôi nam nữ kia gọi là chú rồi lại “trác tiền” chú… có lẽ bởi da, tóc anh đã nhuốm màu mưa nắng. Nhưng đó cũng chưa phải là điều anh buồn nhất bởi anh nghĩ rằng sinh ra ở chốn nghèo khó như anh còn có lòng sỉ diện, sự tử tế thì sao những cô cậu con nhà giàu, sinh ra không lo nơi ăn chốn ở, không bận tâm chi phí học hành, được đi đây đi đó nhiều lại có lối hành xử như vậy?

Anh nói rằng có vẻ như văn hóa chợ búa Trung Hoa đã ngấm trong không ít du khách Việt Nam khi đến vùng đất này, bởi họ cũng bốp chát, cũng ồn ào,… làm cho cái chân anh nhiều khi không muốn đạp. Tuy nhiên anh cũng có điều lấy làm mừng rằng khách Trung Quốc vẫn chưa tìm đến vùng đất này nhiều, điều đó sẽ giữ cho Châu Đốc còn chút bình yên cuối ngày.

Ngày lại ngày trôi, đôi tay cứ lái và đôi chân cứ đạp, tay quẹt mồ hôi lúc chở hàng nặng và miệng cười hồn nhiên khi giới thiệu Châu Đốc cho những du khách ngồi trên xe… những phu xe lôi vẫn miệt mài kiếm cơm nơi góc phố, con đường, khu chợ… mặc cho mưa nắng, mặc cho tuổi tác, mặc cho thu nhập lúc ít lúc nhiều… bởi đâu đó trong tâm hồn họ, lôi xe như một nghiệp dĩ của đời mình.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/pedicab-driver-a-way-of-earning-livinh-in-chau-doc-08162018112027.html

 

Tranh cãi về bìa sách Lịch sử lớp 7:

‘Cần cái nhìn dung hoà và công bằng hơn’

 

Cát Linh, RFA

 ‘Chuyện bình thường’

Những ngày qua, hình ảnh Vạn lý trường thành, một kỳ quan thế giới thuộc sở hữu của người Trung Hoa, xuất hiện trên bìa sách giáo khoa Lịch sử lớp 7 của Việt Nam khiến dư luận xôn xao và bất bình.

Có thể thấy ngay rằng, đây là một trong nhiều những sự việc với hình thức tương tự đã và đang diễn ra trong bối cảnh người dân trong nước kiên quyết chống đối những chính sách ngày càng gắn kết chặt chẽ với Trung Quốc của chính quyền Việt Nam.

Ví dụ như con đường Trần Phú, thành phố du lịch Nha Trang – Khánh Hoà tràn ngập các bảng hiệu ghi tiếng Trung Quốc. Rồi gần đây, cộng đồng mạng xã hội lại “sôi sục”, phẫn nộ khi hình ảnh chiếc vé tàu cao tốc Cát Linh – Hà Đông có in tiếng Trung Quốc.

Vì lẽ đó mà khi bìa sách giáo khoa Lịch sử lớp 7 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có in hình Khuê Văn Các của Việt Nam cùng Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, trong nước đã làm bùng lên những chỉ trích giận dữ.

Lịch sử thì có cả lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, cho nên có hình Vạn lý trường thành thì cũng là chuyện bình thường. Chỉ có điều lúc này dân mình quá tức những hành động và âm mưu của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với nước ta cho nên vấn đề trở nên rất nhạy cảm. Những chi tiết như trên thì các nhà giáo dục, các cơ quan xã hội, công cũng như tư, nên cẩn trọng hơn. – Thâm Giang Trần Gia Ninh

Các ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội Facebook đa số đều cho rằng đó là một động thái chứng tỏ sự “thuần phục”.

Facebooker An Chau Nguyen viết rằng: “Giáo dục… nhồi sọ học sinh từ nhỏ: Văn Miếu gắn liền với Trường thành của Tàu (nguyên trên bìa sách ) là sao !?”

Facebooker Thanh Tam Tran cho biết: “Sách sử Việt Nam, ảnh bìa hình từ Tàu. Tư duy sáng tạo, của những người kiến tạo.”

Bên cạnh những chỉ trích, bất bình lan rộng trên mạng xã hội, RFA tìm hiểu ý kiến của những nhà nghiên cứu về lịch sử, giáo dục về những phê bình trên của dư luận. Một trong những người đó là tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh – Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học công nghiệp Việt Nam tại Hà Nội. Vì lý do sức khoẻ, ông chỉ có thể chia sẻ với RFA qua tin nhắn.

Trước tien ông cho biết quan điểm của mình về hình ảnh của bìa sách Lịch sử lớp 7 đang gây tranh cãi.

“Lịch sử thì có cả lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, cho nên có hình Vạn lý trường thành thì cũng là chuyện bình thường. Chỉ có điều lúc này dân mình quá tức những hành động và âm mưu của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với nước ta cho nên vấn đề trở nên rất nhạy cảm. Với những chi tiết như trên thì các nhà giáo dục, các cơ quan xã hội, công cũng như tư, nên cẩn trọng hơn.”

Theo tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh, một điều đáng lưu ý nữa, sách lịch sử này đã được in từ mấy năm trước nhưng không có ai lên tiếng. Nay, vì những lý do như ông đã nói, vấn đề được khơi gợi và trở thành lý do của sự bất bình trong công chúng.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ nhận xét sự việc dựa trên tương quan của một vấn đề gọi là “vấn đề Trung Quốc” hiện nay ở Việt Nam.

Ông cho biết xét theo bối cảnh tâm lý chung của người Việt lúc này, bất cứ điều gì, sự việc gì có liên quan đến Trung Quốc đều dễ dàng gây ra những bất bình và tâm lý không thiện cảm.

“Hình Vạn lý trường thành thì có gì đâu mà mình phải thấy nó là 1 điều không hay? Nó là 1 kỳ quan của thế giới. Mình phải thấy nó rất vĩ đại, thật sự. Không phải đưa lên là mình nói theo Trung Quốc hay gì cả. Rất đáng để học sinh của biết về thế giới xung quanh mình.

Cái gì cũng Việt Nam hết thì làm sao học sinh chúng ta biết có một nhân sinh quan của thế giới?”

Hình Vạn lý trường thành thì có gì đâu mà mình phải thấy nó là 1 điều không hay? Nó là 1 kỳ quan của thế giới. Mình phải thấy nó rất vĩ đại, thật sự. Không phải đưa lên là mình nói theo Trung Quốc hay gì cả. Rất đáng để học sinh của biết về thế giới xung quanh mình. – GS Võ Tòng Xuân

Chính trên mạng xã hội cũng không ít người có đồng quan điểm với Giáo sư Võ Tòng Xuân, khi cho rằng hình ảnh này hoàn toàn bình thường, không có gì đáng bàn cãi bởi đây là một công trình tiêu biểu của nhân loại, là một phần trong tiến trình lịch sử thế giới.

Truyền thông trong nước dẫn lời một giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, thầy giáo Trần Trung Hiếu, về vấn đề này và ông có quan điểm đồng thuận với Giáo sư Võ Tòng Xuân. Đó là hình ảnh công trình kiến trúc Vạn Lý Trường Thành trên bìa SGK Lịch sử lớp 7 hiện hành không có gì là sai, nhạy cảm hay phản cảm.

Cần nhìn ở góc độ dung hoà

Tối thứ Tư ngày 15 tháng 8, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời VTC News, cho biết, hình ảnh minh họa in ở trang bìa sách lịch sử lớp 7 thể hiện một phần nội dung bên trong cuốn sách. Sách đã được Hội đồng thẩm định Quốc gia thẩm định và thông qua, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sử dụng trong toàn quốc từ 2003 đến nay.

Trên mạng xã hội cũng có những phân tích từ dư luận đưa ra cho thấy cuốn giáo khoa lịch sử lớp 7 này có hai phần, lịch sử thế giới có 7 bài, trong đó có 1 bài về Trung Quốc. Lịch sử Việt Nam có 6 chương gồm 30 bài tổng cộng.

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội nêu vấn đề rằng vì sao phải dùng kỳ quan của Trung Quốc, là Vạn lý trường thành? Vì sao không in những kỳ quan của Việt Nam đã được Unessco công nhận hoặc các hình ảnh lịch sử tiêu biểu như: Hoàng Thành Thăng Long, Kinh Thành Huế, Mỹ Sơn…

Vấn đề này được Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ quan điểm:

“Tôi nghĩ là chúng ta không nên có suy nghĩ là cái gì của Việt Nam là vẫn hay, chỉ học của Việt Nam thôi mà không học của thế giới, nhất là Trung Quốc. Ông bà mình cho tới bây giờ cũng kế thừa rất nhiều tập quán, rồi những cách ăn ở từ Trung Quốc. Họ đã đô hộ mình cả ngàn năm, mình đã thoát ra và tự hào là người Việt Nam. Nhưng không vì thế mà coi mọi thứ của Trung Quốc là xấu cả.

Cái công trình rất vĩ đại Vạn lý trường thành đâu có nước nào làm nổi. Nó xứng đáng cho học sinh mình biết.”

Cái công trình rất vĩ đại Vạn lý trường thành đâu có nước nào làm nổi. Nó xứng đáng cho học sinh mình biết. – GS Võ Tòng Xuân

Nói một cách khác, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nếu cứ mãi rao giảng cho thế hệ sau câu nói “Việt Nam rừng vàng biển bạc”, “cái gì cũng nhất” thì đó là lại vô hình trung là cách truyền tải phản giáo dục.

Thầy giáo Trần Trung Hiều trả lời báo trong nước rằng có một thực tế là rất nhiều năm qua, tâm lý chung của nhiều người khi nhắc đến tên “Trung Quốc” và những “sản phẩm” của họ khi được “nhập khẩu” vào Việt Nam, từ kinh tế đến văn hóa, tư tưởng với nhiều cụm từ, danh từ, động từ, tính từ rất thiếu thiện cảm và thân thiện.

Tâm lý này có cơ sở từ lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước của người Việt. Tư tưởng “ghét Tàu”, “bài Tàu” của nhiều người dân gần như đã ăn sâu vào tiềm thức và máu thịt qua nhiều thế hệ, đã lan tỏa, đi sâu vào tận chốn làng quê đất Việt. Chính vì thế, theo thầy giáo Hiếu, nó dẫn thế một tâm thế và tư tưởng chưa được công bằng, khách quan của đa số người dân Việt Nam hiện nay khi nhìn nhận về Trung Quốc.

Đây cũng chính là nhận định của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh. Ông kêu gọi mọi người nên xem xét từng vấn đề ở góc độ dung hoà và thông minh hơn, hướng đến một lợi ích to lớn hơn.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Different-point-of-views-about-the-cover-of-the-7th-grade-history-book-08162018123959.html

 

Việt Nam nhập từ Trung Quốc

hơn bốn tỉ đô la hàng dệt

Trung Quốc là quốc gia mà Việt Nam nhập vải vóc nhiều nhất để gia công thành hàng may mặc rồi xuất khẩu đi.

Báo chí trong nước trích dẫn nguồn từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, cho biết sau Trung Quốc, thì Hàn Quốc, Đài Loan, và Nhật Bản là những nước mà Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng hóa.

Trong tổng số giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm có hơn 4 tỉ đô là vải vóc, tăng hơn 18% so với năm trước.

Hiện tại Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các nguyên liệu cho ngành dệt may từ Trung Quốc. Số liệu hải quan Việt Nam cho thấy trong năm 2017, Việt Nam nhập khoảng 9 tỷ đô la hàng nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, chiếm gần 43% tổng trị giá hàng nguyên liệu dệt may nhập khẩu của Việt Nam.

Việt Nam nhập khẩu vải từ Trung Quốc và các quốc gia châu Á, sau đó gia công may thành quần áo rồi bán sang Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản.

Giá trị hàng may mặc của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 là hơn 16 tỉ rưỡi đô la Mỹ.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng may mặc Việt Nam là Hoa Kỳ, sau đó là Châu Âu, đứng thứ ba là Nhật Bản.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam là 31 tỷ đô la; năm nay mục tiêu đề ra là 34 tỷ rưỡi đô la cho mặt hàng này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-imports-china-fabric-4-billion-08172018083259.html