Tin Việt Nam – 13/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 13/08/2018

Bộ trưởng Tô Lâm

lặp lại cáo buộc người biểu tình nhận tiền

Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, ông Tô Lâm, trả lời tại phiên chất vấn của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội vào chiều ngày 13 tháng 8 rằng có những người đã được trả từ 200 đến 400 ngàn đồng để đi biểu tình bạo loạn trong những vụ biểu tình gần đây.

Ông cũng nói rằng trong quá trình điều tra thì thấy có những người nghiện ngập ma túy hay bị bệnh sida đã nhận tiền như vậy.

Số tiền được cho là dùng để mua chuộc những người biểu tình như thế, theo ông Tô Lâm, là do các thế lực thù địch, các thế lực lưu vong chi ra để chống đối nhà nước Việt Nam.

Các cụm từ ‘thế lực thù địch, thế lực lưu vong’ thường được các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam dùng để chỉ những chỉ trích, chống đối, dù bằng biện pháp hòa bình, đối với nhà nước Việt Nam hiện nay do Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn lãnh đạo.

Trong khi đó Ông Tô Lâm cũng thừa nhận còn có những nguyên nhân khác gây ra những cuộc biểu tình bạo động, nguyên văn của ông là “Tâm lý bột phát của người dân khi một số kiến nghị chưa được giải quyết.”

Bộ trưởng Công ân Tô Lâm cũng nói rằng sắp tới sẽ có nhiều giải pháp ngăn chận biểu tình trái pháp luật tại các thành phố lớn cũng như các khu công nghiệp.

Ông và các đại biểu quốc hội tham gia phiên chất vấn không nói gì đến sự việc Luật Biểu tình do Bộ Công an đứng ra soạn thảo vẫn chưa thể ra đời.

Vào ngày 10/6 vừa qua hàng chục ngàn người dân Việt Nam tại Sài Gòn, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… đã xuống đường biểu tình chống lại dự luật đặc khu cho thuê đất 99 năm và luật an ninh mạng được cho là để bóp nghẹt tự do ngôn luận.

Cuộc biểu tình tại Phan Thiết đã biến thành bạo động khi dân chúng đốt trụ sở Ủy ban Nhân dân Tỉnh, Sở Kế hoạch- Đầu tư. Cuộc biểu tình tại Bình Thuận lan sang ngày 11/6 với cuộc bạo động đốt cháy Trụ sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại thị trấn Phan Rí Cửa.

Cho đến nay đã có hàng chục người bị bắt và đem ra tòa xét xử. Có nhiều cáo buộc là công an đã đánh đập tàn nhẫn những người bị bắt. Có tình trạng người biểu tình bị đe dọa nhốt chung với tù nhiễm HIV nếu kháng cáo.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tolam-accuses-200-400-dong-08132018082342.html

 

Hoãn phiên xử

phát ngôn nhân của Hội Anh em Dân chủ

Phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Trung Trực – Phát ngôn nhân miền Trung của Hội Anh em Dân chủ dự kiến diễn ra vào ngày 17 tháng 8 năm 2018 tới đây tại Quảng Bình sẽ bị hoãn.

Thông tin này được luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho ông Trực cho Đài Á Châu Tự Do biết vào chiều ngày 13 tháng 8.

Hồi sáng nay, thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Trần Hữu Sỹ gọi điện thoại cho tôi nói là phiên tòa 17/8/2018 xử anh Nguyễn Trung Trực đã được hoãn lại vì lý do bất khả năng. Tôi hỏi lý do thế nào thì ông ta không nói. Ông ta nói là đã gửi thông báo cho tôi bằng đường bưu điện nên sợ tôi không kịp nhận hồ sơ và ra ngoài đó, thì ông ta thông báo trước cho tôi như vậy. Tôi hỏi ngày nào sẽ xử lại thì ông ta nói là dự kiến khoảng một tháng sau, tức là khoảng 10 đến 17/9/2018 thì phiên tòa sẽ xử lại.

Cũng theo vị luật sư này, phiên tòa sẽ bắt đầu trở lại sau khoảng 1 tháng nữa và thông báo bằng văn bản hoãn phiên tòa bắt đầu được gửi qua bưu điện nhưng chưa đến tay luật sư. Tuy nhiên ông cũng có động thái ngay:

“Tôi đã báo cho thân nhân ở Quảng Bình biết vì có 4 người được triệu tập tới phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi liên quan, mà ở ngay Quảng Bình. Nếu như sáng nay phát ra thông báo thì có thể họ đã nhận được hoặc là ngày mai. Tôi đã liên lạc với thân nhân của họ rằng nếu có thì báo ngay cho tôi biết, tại vì sẽ có văn bản chính thức cho mọi người biết. Còn tôi thì chắc là khoảng tầm thứ Tư hoặc thứ Năm thì thông báo mới đến.”

Theo Cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Trung Trực sống tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị bắt vào ngày 4 tháng 8 năm 2017 với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự cũ năm 1999.

Ông Nguyễn Trung Trực là thành viên cuối cùng của Hội Anh em Dân chủ còn bị giam giữ trong tù và bị đem ra xét xử.

Trước đó, hàng loạt các thành viên và cựu thành viên của hội này như Luật sư Nhân Quyền Nguyễn Văn Đài, Cô Lê Thu Hà, các ông Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Túc, Trần Thị Xuân là thành viên hay cựu thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị đưa ra tòa với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ và bị tuyên các mức án nặng nề từ 7 năm đến 15 năm tù giam.

Một thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ, thầy giáo Vũ Mạnh Hùng, bị kết án 1 năm tù giam vì cáo buộc “cố ý gây thương tích”.

Ông Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà sau đó bị đưa từ nhà tù sang Đức tị nạn chính trị.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-trial-of-the-brotherhood-of-democracy-association-postponed-08132018105330.html

 

Xử sơ thẩm nhà hoạt động Lê Đình Lượng vào ngày 16/8

Nhà hoạt động xã hội và môi trường Lê Đình Lượng vào sáng thứ năm, ngày 16/08/2018, theo dự kiến sẽ bị Tòa án Nhân dân Tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 Bộ luật Hình sự cũ.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong những người tham gia bào chữa cho ông Lê Đình Lượng, cho biết như vừa nêu. Phiên xử sơ thẩm ông Lê Đình Lượng lẽ ra diễn ra vào ngày 30 tháng 7 nhưng bị hoãn do lúc đó luật sư Đặng Đình Mạnh bị bận việc không thể dự tòa.

Vào chiều ngày 13 tháng 8, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Hôm thứ năm tuần rồi tôi có đến làm việc và họ thông báo sẽ đưa ra xử vào ngày thứ năm tuần này. Đây là lần thứ hai nếu tôi không có mặt thì họ vẫn xử”.

Theo trình bày của Luật sư Đặng Đình Mạnh thì ông Lê Đình Lượng từng là một cựu chiến binh tham gia cuộc chiến biên giới chống quân Trung Quốc tấn công Việt Nam vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Trong những năm gần đây, Ông Lê Đình Lượng được nhiều người biết đến trong vai trò một người hoạt động tranh đấu về môi trường trong vụ Nhà máy Thép Formosa xả hóa chất độc hại ra biển miền trung gây thảm họa hải sản chết hằng loạt cũng như tình trạng tham nhũng, cửa quyền tại địa phương … Một số hoạt động của ông đã bị cơ quan an ninh cho rằng gây nguy hại đối với chế độ nên đã bắt và khởi tố ông.

Ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, bị bắt vào tháng 7 năm ngoái.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/environment-activist-to-be-on-trial-this-Thursday-8-16-08132018102731.html

 

Người Việt phản ứng gay gắt về vé tàu in chữ TQ

Vé tàu điện metro tuyến Cát Linh – Hà Đông in song ngữ Trung – Việt khiến cộng đồng người Việt Nam phản ứng mạnh.

Theo truyền thông Việt Nam, hành khách được mời đi thử tàu điện metro đầu tiên của Việt Nam, tuyến Cát Linh, Hà Đông vào ngày 11/8.

Đáng chú ý, thẻ lên tàu in song ngữ Việt – Trung, trong đó chữ Trung Quốc in to và đặt phía trên chữ Việt, theo báo Tiền Phong.

Nội dung in trên thẻ lên tàu là: “Dự án đường sắt đô thị hạng mục vận hành thử”, “Thẻ lên tàu”, “Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông”.

Vụ áo phông lưỡi bò: ‘VN để dành sự giận dữ’

Lý do biểu tình: ‘Chống TQ và mong mỏi dân chủ’

Mối nguy của kinh tế VN khi bất mãn gia tăng

Ngoài ra, biển chỉ dẫn tại các nhà ga thuộc tuyến đường sắt cũng được in song ngữ, trong đó chữ Trung Quốc được đặt trên chữ Tiếng Việt.

Hình ảnh vé tàu và biển chỉ dẫn được cộng đồng mạng đăng trên Facebook ngay sau đó lan truyền rộng rãi và làm dấy lên làn sóng giận dữ.

‘Đánh mất chủ quyền quốc gia’

Bình luận về vấn đề này, cây bút Nguyễn Đình Bổn cho rằng về nguyên tắc quốc tế, không thể in vé như vậy, kể cả khi vay vốn Trung Quốc để làm dự án này thì cũng đã phải trả cả nợ và lãi.

“Ai, kẻ nào, tập thể nào đã đánh mất chủ quyền quốc gia dù phải vét từng đồng thuế của dân nghèo để đầu tư một đường tàu tốn kém, và có thể thấy ngay không có hiệu quả cả kinh tế lẫn giải quyết vấn nạn giao thông tại Hà Nội? Những kẻ đó xứng đáng tra tay vào còng!”, ông Bổn viết trên Facebook cá nhân.

Còn theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, chuyện ồn ào quanh chiếc vé tàu Cát Linh – Hà Đông tuy nhỏ nhưng nói lên ba vấn đề lớn.

Về “nguyên tắc sử dụng song ngữ trong các văn bản, biển hiệu, tên các công trình, các khu du lịch, địa điểm văn hóa”… “tiếng của nước sở tại (ở đây là Việt Nam) phải được đưa lên đầu tiên. Đấy là văn hóa, là chủ quyền quốc gia. Mọi sự là khác đi là vô tình (có thể hữu ý) xúc phạm đến chủ quyền của nước sở tại…” “Sau này khi nhà ga chính thức họa động thì hai thứ tiếng được sử dụng đầu tiên là Việt và Anh. Nếu thêm các tiếng khác thì phải tính đến các nhu cầu cần thiết và hợp lý của ngôn ngữ đó cho sinh hoạt và kinh doanh”, ông Thiều viết trên Facebook cá nhân.

Dù tuyến đường này làm bằng tiền vay Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công, nhưng “Trung Quốc không được quyền quyết định tùy tiện các văn bản đang sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam nếu không được luật pháp của Việt Nam cho phép”, ông Thiều phân tích vấn đề thứ hai.

Cuối cùng, dù chỉ mới vận hành thử nhưng các nguyên tắc, quy định vẫn phải được chấp hành nghiêm túc”, kể cả việc ‘treo một cái biển nhà ga’. “Nếu không thì với một ít tiền thôi chúng ta sẽ có nguy cơ đánh mất lòng tự trọng hay nói rộng hơn là đánh mất chủ quyền của một quốc gia trong một việc làm tưởng như nhỏ nhặt”, theo phân tích của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Cũng theo nhà văn, câu chuyện về biển chỉ dẫn các nhà ga và chiếc thẻ lên tàu diễn ra cách nhau có mấy ngày, cho thấy Ban Quản lý và nhà thầu “không hề có sự rút kinh nghiệm”. Đồng thời khiến người dân thấy “một điều gì đó không bình thường ẩn sau” sự việc này.

Luật sư Lê Ngọc Luân thì viết trên Facebook cá nhân rằng ông thấy ‘rùng mình’ khi nhìn thấy hình ảnh vé tàu chữ Trung Quốc.

“Tấm thẻ lên tàu tuyến đô thị Cát Linh – Hà Đông nằm trong lãnh thổ Việt Nam nhưng được ghi bởi chữ Trung Quốc. Đặc biệt, nó nhấn mạnh một cách “trang trọng” bằng cách đưa chữ Trung Quốc lên trên.”

“Đoạn đường chỉ 13km nhưng có gần 700 con người vận hành. Có thể, chính quyền lập luận đường sắt này do nhà thầu Trung Quốc thi công, đang chạy thử nên ghi cả chữ Trung Quốc. Thế tại sao không đưa tiếng Việt lên đầu và thay vào đó là Tiếng Anh thông dụng.”

“Nhìn cái thẻ, tôi chợt rùng mình khi nghĩ đến câu nói của ai đó ủng hộ Luật Đặc Khu: “Có chữ nào ghi cho Trung Quốc thuê đâu”, ông Luân viết.

TQ chỉ phát vé ‘cho người nhà’

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (BQL) sau đó trả lời truyền thông Việt Nam rằng “sẽ có văn bản chấn chỉnh Tổng thầu”, “không để xảy ra việc tự ý gắn, đề biển sử dụng song ngữ Việt – Trung không phù hợp tại dự án”, theo ông Vũ Hồng Phương được VOV dẫn lời.

Ông Phương cho hay đây mới là thời gian chạy thử nghiệm, kéo dài 3 – 6 tháng. Trong thời gian này người dân chưa được lên tàu. Chỉ những người làm nhiệm vụ mới được lên tàu kiểm tra, vận hành.

Về phản ánh biển chỉ dẫn ở nhà ga có chữ Trung Quốc, ông Phương lý giải là do “tổng thầu cắt chữ dán lên cho dễ quan sát trong lúc vận hành thử. Đến nay, hầu hết các biển thông tin trên đã bị gỡ bỏ.”

Còn về vé đi tàu in chữ Trung Quốc, ông Phương nói là do trong ngày 11/8, phía tổng thầu phát một số thẻ “cho người nhà của họ khi tàu vận hành thử. Vì đây là khu vực và nhiệm vụ của Tổng thầu nên Ban Quản lý Dự án không can thiệp.”

Ông Phương nói tổng thầu đã “tự ý mời nhân viên và người nhà” tham gia chạy thử tàu “nhằm khích lệ, động viên tinh thần nhân viên sau thời gian thi công vừa qua”, theo Zing.vn.

“Về Quy chuẩn, tất cả các biển báo trên tuyến đường sắt sẽ sử dụng Tiếng Việt và Tiếng Anh theo quy chuẩn quốc tế hiện nay”, ông Phương cho biết thêm.

700 nhân viên/13km đường sắt

Mới đây, đại diện BQL cho hay đã chuẩn bị gần 700 nhân sự để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, trong đó khoảng 200 người dược đi đào tạo tại Trung Quốc.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao, do chủ thầu Trung Quốc thực hiện với tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu đô là từ nguồn vốn chính phủ Việt Nam và vốn vay ODA của Trung Quốc.

Ban đầu dự kiến tuyến đường hoàn thành trong 7 năm, từ 11/2008 – 11/2013 hoàn thành. Nhưng mãi đến 10/2011 dự án mới chính thức triển khai, đội vốn lên 868 triệu đô la (hơn 18.000 tỷ đồng).

Vì tăng tổng mức đầu tư, dự án phải vay thêm Ngân hàng Eximbank Trung Quốc thêm 250 triệu đô la, theo VnEconomy.

Nguyễn Quang Thièu

BA VẤN ĐỀ LỚN TỪ MỘT CHIẾC THẺ LÊN TÀU…RẤT NHỎ

Cách đây mấy ngày, tôi nhìn thấy trên FB của thầy giáo tôi, thầy Nguyễn Tích Lăng, những tấm biển chỉ dẫn các nhà ga của tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh. Tôi sững sờ. Trên các tấm biển chỉ dẫn đó ghi 2 thứ tiếng : Trung và Việt. Tiếng Trung ở trên và tiếng Việt ở dưới. Tôi mò vào tìm đọc thông tin này thấy một tờ báo online chính thống nói thông tin từ Ban quản lý ( phía Việt Nam) giải thích đó là lỗi của nhà thầu ( phía Trung Quốc) chứ không phải của Ban quản lý và lý do họ đề tiếng Trung Quốc vì để cho các chuyên gia Trung Quốc đang giúp vận hành thử tàu. Tờ báo cũng nói những biển chỉ dẫn đã được tháo bỏ. Vì thế tôi không định bàn về việc đó nữa.

Nhưng tối qua tôi thấy trên một số FB đưa chiếc “ thẻ lên tàu” cũng in 2 thứ tiếng Trung và Viêt. Và tiếng Trung vẫn in trên phần tiếng Việt. Đến lúc này, câu chuyện ngôn ngữ đã cho thấy ba vấn đề quan trọng.

VẤN ĐỀ THỨ NHẤT : Đó là nguyên tắc sử dụng song ngữ trong các văn bản, biển hiệu, tên các công trình, các khu du lịch, địa điểm văn hóa….Khi sử dụng song ngữ hay nhiều ngữ trong một văn bản thì tiếng của nước sở tại ( ở đây là Việt Nam) phải được đưa lên đầu tiên. Đấy là văn hóa, là chủ quyền quốc gia. Mọi sự là khác đi là vô tình ( có thể hữu ý) xúc phạm đến chủ quyền của nước sở tại cho dù chỉ là vấn đề ngôn ngữ. Sau này khi nhà ga chính thức họa động thì hai thứ tiếng được sử dụng đầu tiên là Việt và Anh. Nếu thêm các tiếng khác thì phải tính đến các nhu cầu cần thiết và hợp lý của ngôn ngữ đó cho sinh hoạt và kinh doanh.

VẤN ĐỀ THỨ HAI : Đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh được làm bằng tiền vay của Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công. Nhưng Việt Nam vay tiền thì Việt Nam phải trả nợ. Có những món nợ bằng tiền mà người ta đôi khi phải trả bằng cả vận mệnh của cả quốc gia. Và nhà thầu Trung Quốc chỉ là một người làm thuê không hơn không kém cho dù bởi bất cứ lý do nào. Vì thế, Trung Quốc không được quyền quyết định tùy tiện các văn bản đang sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam nếu không được luật pháp của Việt Nam cho phép. Đặc biệt đơn vị quản lý dự án này phải hiểu và yêu cầu nhà thầu ( người làm thuê) chấp hành các qui định của nước sở tại. Câu chuyện về biển chỉ dẫn các nhà ga và chiếc thẻ lên tàu diễn ra cách nhau có mấy ngày. Như vậy không hề có sự “rút kinh nghiệm” của Ban quản lý và nhà thầu. Chính điều đó làm cho người dân thấy một điều gì đó không bình thường ẩn sau những biển chỉ dẫn nhỏ và cái thẻ lên tàu còn nhỏ hơn.

VẤN ĐỀ THỨ BA : Cho dù tuyến đường sắt trên cao đang trong thời gian vận hành thử và tiền xây dựng tuyến đường này là vay của Trung Quốc thì các nguyên tắc, qui định…vẫn phải được chấp hành nghiêm túc như treo một cái biển nhà ga. Nếu không thì với một ít tiền thôi chúng ta sẽ có nguy cơ đánh mất lòng tự trọng hay nói rộng hơn là đánh mất chủ quyền của một quốc gia trong một việc làm tưởng như nhỏ nhặt. Vấn đề Trung Quốc từng bước lấn chiếm chủ quyền một số biển đảo của chúng ta lâu nay không cho phép người Việt Nam nhìn nhận mọi hành vi của Trung Quốc với con mắt bình thường được nữa. Người Việt có câu “ một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc từ thời phong kiến đến nay đã có hàng ngàn sự bất tín với Việt Nam. Việc lấy lại lòng tin của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc quả là một thách thức giống như tát cạn biển đông vậy.

LỜI CUỐI : Việc vận hành thử cho dù do các chuyên gia Trung Quốc tiến hành nhưng họ đang thực hiện việc đó trên lãnh thổ Việt Nam, có sự tham gia của các chuyên gia GTVT Việt Nam và dưới sự giám sát của Ban quản lý. Vậy mà khi các biển chỉ dẫn của hầu hết các nhà ga từ Hà Đông đến Cát Linh được treo lên mà Ban quản lý không hay biết cho đến khi báo chí có ý kiến. Rồi tiếp đến các “thẻ lên tàu” lại tiếp tục sử dụng ngôn ngữ như các biển chỉ dẫn nhà ga. Tuyến đường sắt trên cao là quá xấu, quá đắt, thi công quá chậm như báo chí và dư luận công chúng đã từng lên tiếng. Một tuyến đường xấu có thể đập đi làm lại, nhưng khi lòng tự trọng dân tộc, chủ quyền của dân tộc bị đánh mất thì hàng trăm năm chưa chắc đã giành lại được.

LS Lê Ngọc Luân

TÔI CẢM THẤY RÙNG MÌNH, BẠN THÌ SAO ?

Tấm thẻ lên tàu tuyến đô thị Cát Linh – Hà Đông nằm trong lãnh thổ Việt Nam nhưng được ghi bởi chữ Trung Quốc. Đặc biệt, nó nhấn mạnh một cách “trang trọng” bằng cách đưa chữ Trung Quốc lên trên.

Đoạn đường chỉ 13km nhưng có gần 700 con người vận hành. Có thể, chính quyền lập luận đường sắt này do nhà thầu Trung Quốc thi công, đang chạy thử nên ghi cả chữ Trung Quốc. Thế tại sao không đưa tiếng Việt lên đầu và thay vào đó là Tiếng Anh thông dụng.

Nhìn cái thẻ, tôi chợt rùng mình khi nghĩ đến câu nói của ai đó ủng hộ Luật Đặc Khu: “Có chữ nào ghi cho Trung Quốc thuê đâu”.

P/S: KINH KHỦNG

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45167800

 

‘Tổng Biên Tập phải để nhà báo mở miệng’

Ben NgôBBC Tiếng Việt

Nhà báo kỳ cựu đang bị báo Tuổi Trẻ “xem xét kỷ luật” nói với BBC rằng “các tổng biên tập phải để nhà báo được quyền mở miệng”.

Hôm 12/8, ông Ngọc Vinh, một trong các thư ký tòa soạn của báo Tuổi Trẻ, cho biết trên mạng xã hội rằng ông đang bị tòa soạn “xem xét kỷ luật” vì các post Facebook bị cáo buộc “có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, “gây chia rẽ vùng miền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”, “đưa thông tin ko đúng sự thật, xuyên tạc vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.

Kèm theo là văn bản “Thực hiện quy trình xử lý kỷ luật…” có chữ ký của chánh văn phòng thừa lệnh tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.

‘Phải nới rộng không gian quản lý báo chí’

Mạng xã hội nói về vụ Tuổi Trẻ Online

Báo Tuổi Trẻ ‘làm rõ cáo buộc xâm hại tình dục’

Về hai nhà báo ‘mất việc’ vì Facebook

Trong một post hôm 8/8 dẫn link bài về việc “Vinashin tái cơ cấu thành SBIC: Tiếp tục thua lỗ gần 2.900 tỷ đồng trong năm 2018”, ông Ngọc Vinh viết: “Câu hỏi đặt ra là, nếu thua lỗ triền miên như vậy, tại sao ko xóa sổ nó đi? Tiền dân đâu phải là tiền chùa để chi tiêu vào lũ này? Những tập đoàn như Vinashin là ung nhọt trên cơ thể quốc gia, vậy mà các tay bác sĩ chủ chốt cứ nuôi dưỡng chúng chứ ko chịu dùng đến dao mổ. Quá cay đắng!”

Một post khác trên trang cá nhân của ông viết: “Đã đến lúc chúng ta xoay chuyển nước Mỹ, từ một đất nước tuyệt vọng và giận dữ thành một đất nước vui sướng và thành công,” Tổng thống Trump nói. Nước Mỹ đang là số một thế giới mà lão còn chưa hài lòng, muốn đòi hỏi thêm nữa hả lão Trump? Với một nước áp bét như Việt Nam, thật mong chờ có một lãnh tụ nào đó nói ra được cái câu đầy khao khát và gây xúc cảm cho người dân tôi như lão!”

‘Quy tội quá đao to búa lớn’

Trả lời BBC hôm 13/8, nhà báo Ngọc Vinh nói: “Theo tôi, văn bản cáo buộc các post Facebook của tôi sai cả về lý và về tình.”

“Về lý, tôi đã nghiên cứu các văn bản mà họ đưa ra để “định tội” tôi, thì thấy rằng tôi chả có sai phạm gì. Thật ra, vài điều trong các văn bản đó, như nhiều văn bản pháp luật khác của Việt Nam, nếu quan tòa cố ý buộc tội thì có tội, còn nếu luật sư cố gắng tranh biện thì không phải phạm tội.”

Tôi có cảm giác mình như người lính ra trận bị chỉ huy bắn vào lưng vậy, và nó cực kỳ đau đớn. Tôi không thể nghĩ ra một tổng biên tập của Tuổi Trẻ lại có cách hành xử thiếu tình người, tình đồng nghiệp như thế.nhà báo Ngọc Vinh

“Như quy định 10 điều về “Đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam” mà họ cho rằng tôi vi phạm chẳng hạn. Họ dẫn Điều 3 của quy định này, cho rằng tôi “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” qua post “Lật tẩy hiện tại” nói về chủ đề đoàn kết quốc gia. Nếu các anh có đọc post này của tôi, các anh sẽ thấy rằng họ quy tội quá đao to búa lớn và thiếu căn cứ. Còn với post có mấy dòng nói về cuốn sách Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử của tôi thì họ càng gán ghép vô lý hơn khi bảo rằng nó sai sự thật, xuyên tạc, vu khống…”

“Về tình, là một nhà báo phục vụ tờ Tuổi Trẻ với thâm niên 30 năm và hiện là người lớn tuổi nhất cơ quan, đáng lẽ tôi được nhận cảnh báo trước nếu như post đầu tiên của tôi có sai phạm. Anh em có thể trao đổi, bàn bạc, để tôi nhận lời khuyên bảo nếu có.”

“Nhưng họ không làm như vậy. Đột ngột, họ tống cho tôi môt văn bản “Thực hiện quy trình xử lý kỷ luật…” trong buổi sáng rồi yêu cầu 16:00 ngày hôm sau là hạn chót để nộp bản kiểm điểm. Tôi có cảm giác như mình là một nghi phạm bị tống đạt cáo trạng phạm tộ , điều đó khiến tôi bị tổn thương, bị xúc phạm.”

“Tôi có cảm giác mình như người lính ra trận bị chỉ huy bắn vào lưng vậy, và nó cực kỳ đau đớn. Tôi không thể nghĩ ra một tổng biên tập của Tuổi Trẻ lại có cách hành xử thiếu tình người, tình đồng nghiệp như thế.”

Khi được hỏi vụ việc này có gì khác với vụ của nhà báo Đỗ Hùng, báo Thanh Niên ba năm trước, ông Ngọc Vinh đáp: “Cậu ấy [ông Đỗ Hùng] bị nạn vì vài dòng trạng thái cợt nhả dính tới danh nhân. Còn tôi bị nạn có lẽ vì đã mở miệng khá tự do trên mạng xã hội để nói về những tồn tại cay đắng của đất nước.”

Ông Ngọc Vinh cho biết: “Tính đến trưa 13/8, tôi chưa nhận được thông báo mới. Có lẽ họ [ban biên tập] đang giận dữ vì tôi đã công khai vụ việc này trên mạng xã hội. Nếu họ bỏ qua vụ này như một sự hiểu lầm thì quá tốt (cười)”

Nhà báo bị đình chỉ vì nói Castro ‘độc tài’

Một số blogger VN nói Facebook ‘xóa bài vô cớ’

Kinh nghiệm ’50 năm làm báo hai lề’

Báo VN sửa lời phát ngôn Chủ tịch Quang

Viết Facebook, nhiều người bị ‘mời lên phường’

“Tôi đã suy nghĩ rất kỹ và bàn bạc với gia đình trước khi công khai vụ việc vì chuyện này ảnh hưởng đến cơm áo vợ con tôi. Tôi còn một năm rưỡi nữa là về hưu và khoản thu nhập từ báo Tuổi Trẻ là khoản thu nhập duy nhất trong đời làm báo của tôi từ trước đến nay.”

Ông cũng nói thêm rằng mình “đã tuân thủ” điều khoản trong quy định của báo Tuổi Trẻ về việc “sử dụng các dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng” ban hành nội bộ từ năm 2016.

“Khoản 3 Điều 3 của quy định này ghi rõ: “Không sử dụng các dịch vụ để nhân danh cơ quan báo Tuổi Trẻ dưới bất kỳ hình thức nào. Việc sử dụng các dịch vụ trên Internet là dịch vụ cá nhân, thể hiện quan điểm cá nhân, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật và quy định của cơ quan báo Tuổi Trẻ.”

“Nghề báo là nghề mở miệng và cung cấp dịch vụ mở miệng cho dân chúng, vậy thì các tổng biên tập phải để nhà báo được quyền mở miệng, nếu không được mở miệng trên báo chính thống thì cho phép họ mở miệng trên mạng xã hội. Nghề mở miệng cũng là để khai dân trí và chấn dân khí. Nếu không được mở miệng, nghề báo sẽ tiêu điều. Ông Hồ Chí Minh có nói một câu nổi tiếng, đại ý “Dân chủ là làm cho người dân được mở miệng”. Tôi thích câu nói đó!,” nhà báo Ngọc Vinh nói với BBC.

Cũng trong hôm 13/8, Luật sư Nguyễn Hà Luân bình luận với BBC về văn bản “Thực hiện quy trình xử lý kỷ luật…” đối với ông Ngọc Vinh: “Toàn bộ nội dung mang tính quy kết đó là dưới góc nhìn của ông lãnh đạo đó [tổng biên tập]. Ông ta có quyền nhìn nhận theo chủ quan của mình.”

“Chỉ có điều, những ông như vậy thì khồng bao giờ chấp nhận người ta được quyền nghĩ theo cách nghĩ của riêng người ta. Ông đó chỉ muốn người người đều phải nghĩ theo cái cách mà ông ta nghĩ.”

“Dù sao thì đây mới là thông báo về việc sẽ xem xét kỷ luật chứ chưa có quyết định. Đây là loại văn bản nội bộ, không phải đối tượng để kiện.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45165972

 

Tin Saigon :

Hồ Than Thở, Sở Ngành, Y Dược, Giáo Viên…

Xuân Niệm

Đà Lạt đẹp tuyệt vời với hồ, với đồi, với rừng… nhưng bây giờ thì, đành than thở thôi.

Báo Lao Động kể: Hồ Than Thở đang… “tắc thở”…

Hồ Than Thở – điểm du lịch nổi tiếng tại thành phố sương mờ Đà Lạt  (Lâm Đồng) – đang “tắc thở” vì lượng rác khủng tập trung tại đây gây ô nhiễm nguồn nước và làm mất cảnh quan.

Hiện TP Đà Lạt và cả tỉnh Lâm Đồng đang vào mùa cao điểm du lịch. Hồ Than Thở, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km, là một những địa điểm rất nhiều du khách lựa chọn để tham quan. Tuy nhiên, khi đến địa điểm hồ Than Thở, rất nhiều du khách lại tỏ ra thất vọng trước một lượng rác “khủng lồ” tập trung tại hồ, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Báo Người Lao Động kể: Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập, cả nước giảm 46-88 sở, ngành.

Trước những lo ngại của các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh cần nghiên cứu sắp xếp cán bộ cũng như có chính sách phù hợp. “Có chế độ chính sách chứ không phải “vắt chanh bỏ vỏ” hay trả công trọn gói bằng một khoản tiền là xong. Với số nhân sự này có thể tiếp tục vận động tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở” – Phó Thủ tướng nói.

VTV kể: Nhìn chung, điểm chuẩn vào các trường đại học đào tạo ngành Y năm nay giảm mạnh so với kỳ tuyển sinh năm 2017.

Điểm trúng tuyển của Học viện Quân y năm 2018 giảm nhiều nhất trong số các trường Đại học đào tạo ngành Y. Theo đó, điểm chuẩn của khối A00 giảm đến 8,95 điểm so năm ngoái, xuống còn 20,05 điểm đối với thí sinh nam miền Bắc; giảm đến 6,65 so với năm ngoái đối với thí sinh nam miền Nam.

 

Báo Dân Trí kể: UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo về việc Thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ về phương án chấm dứt hợp đồng với trên 500 giáo viên tuyển dôi dư và trách nhiệm của các cá nhân liên quan vụ việc này.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trong tổng số 578 giáo viên (GV) hợp đồng tại huyện Krông Pắk, có 370 trường hợp có vị trí hợp đồng lao động và 208 trường hợp hiện nay không có vị trí tuyển dụng. Sau kỳ thi ngày 18/6/2018, có 28 thí sinh đang được hợp đồng lao động trúng tuyển. Như vậy, có 550 GV hợp đồng sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Báo Dân Tộc Miền Núi kể: UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa rà soát và có văn bản đề nghị một số doanh nghiệp doanh nghiệp tự ý tổ chức kinh doanh dịch vụ cano kéo dù bay, phải tạm dừng hoạt động kinh doanh loại hình này trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, cano kéo dù bay là loại hình du lịch thể thao mạo hiểm nhưng một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã tự ý tổ chức, kinh doanh loại hình này tại một số khu vực biển ở Hội An như: Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp); bãi tắm An Bàng (phường Cẩm An); bãi tắm Cửa Đại (phường Cửa Đại).

Báo Dân Việt kể: Bước vào vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, nhiều bà con của huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) thắng lớn cho thu bạc triệu, bởi giá tăng mạnh và năng suất đạt.  

Ông Mấu Xuân Hạnh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn cho biết, năm trước năng suất của sầu riêng không đạt, nguyên nhân do mưa trái mùa dẫn đến khó đậu quả. Trong khi đó, giá sầu riêng tại vườn năm ngoái chỉ dao động 47.000 – 48.000 đồng/kg.

Riêng năm nay hoàn toàn khác, hơn 10 ngày qua bà con trên địa bàn đã thu hoạch và trúng đậm sầu riêng, với giá  tại vườn từ 51.000 – 52.000 đồng/kg, vì vậy bà con nông dân có lãi cao.

VTV nêu câu hỏi: Vì sao nông sản sạch khó vào siêu thị?

Vì sao nông sản sạch khó vào siêu thị là vấn đề đặt ra trên tờ Thời báo Kinh doanh sáng 10/8. Trả lời câu hỏi này, một DN chia sẻ ngắn gọn: Đó là do thiếu liên kết.

Vị này lý giải: “Ví như mua trứng gà hay thịt, chuối, người tiêu dùng muốn ngày nào cũng có sẵn nên nếu làm nông sản sạch mà vẫn lẻ tẻ thì không thể vào siêu thị được”.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam AVR, có đến 85% nông sản Việt Nam tiêu thụ qua các kênh truyền thống là ngoài chợ, shop nhỏ lẻ hay là gánh hàng ven đường; chỉ có 15% còn lại là qua

kênh hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Con số này chính là thách thức không nhỏ đối với nông sản sạch, nông sản hữu cơ.

https://vietbao.com/p121a284313/ho-than-tho-so-nganh-y-duoc-giao-vien-

 

Quyền bộ trưởng muốn tin xấu chỉ 10%,

blogger nói ‘sẽ thất bại’

Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) của Việt Nam được báo chí trong nước hôm 11 và 12/8 dẫn lời phát biểu rằng tin bài về “cái xấu” chỉ nên chiếm 10% mặt báo. Những người am hiểu báo chí Việt Nam nói với VOA rằng cách quản lý báo chí nặng về kỹ thuật sẽ “thất bại”.

Theo các trang tin Sài Gòn Giải phóng online và Kienthuc.net, tại một hội nghị mới đây do Bộ TT-TT tổ chức bàn về quản lý báo chí ở cấp độ nhà nước, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã so sánh các tỷ lệ khác nhau trên mặt báo của lượng tin bài về điều mà ông gọi là “cái xấu”.

Trước các lãnh đạo của nhiều cơ quan báo chí dự hội nghị, ông Hùng, người lên làm lãnh đạo bộ hồi cuối tháng 7, đưa ra quan điểm rằng “cái xấu xuất hiện với tỉ lệ 30% trên mặt báo nghĩa là cái xấu trở thành cái chính của xã hội”.

Ở mức độ thấp hơn, theo quyền bộ trưởng, người cũng là một thiếu tướng quân đội, khi lượng tin bài về “cái xấu” chiếm 20% mặt báo, điều đó báo hiệu “cái xấu có xu hướng trở thành cái chính trong xã hội”.

Ông Hùng cho rằng ở mức độ 10% mặt báo nói về “cái xấu”, điều này cho thấy “cái xấu” không phải là cái chính nhưng “nó cũng là cái răn đe đối với chúng ta để sửa lại mình”.

Các bài tường thuật của báo chí không cho biết quyền bộ trưởng thông tin và truyền thông có đưa ra định nghĩa cái xấu là gì hay không, cũng như không viết rõ ông Hùng nêu ra ba con số về tỷ lệ phần trăm dựa trên những dữ liệu nào. Trước khi làm lãnh đạo bộ thông tin và truyền thông, ông Hùng là Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, có tên gọi tắt là Viettel.

Chả có tỷ lệ nào là kiểm soát được thông tin cả. Bản thân cuộc sống nó xảy ra thế nào thì phải đưa thông tin trung thực như thế … Đối với xã hội thông tin mà anh dùng kỹ thuật anh cai quản nó thì anh sẽ thất bại.

Nhà văn Phạm Viết Đào

Tại hội nghị hôm 10/8, sau khi so sánh một cách khái quát, Quyền Bộ trưởng Hùng gợi ý có tính chất chỉ đạo rằng các tổng biên tập “nên cân nhắc con số này”.

Ông được dẫn lời phát biểu rằng “chúng ta nên hạn chế ở mức 10% vì xã hội mình cơ bản là tốt. Và 10% đủ thúc đẩy chúng ta, cảnh báo chúng ta”.

Theo ông Hùng, nếu báo chí do nhà nước quản lý “sử dụng đến 30% hay 20% thì có nghĩa là xã hội chúng ta đang rất xấu, niềm tin vào xã hội rất xấu”.

Gợi ý của vị quyền bộ trưởng đã dẫn đến nhiều bàn luận trên mạng xã hội. Các nhà báo, một số chuyên gia nghiên cứu báo chí, luật sư, blogger đặt câu hỏi “thế nào là xấu” và bày tỏ lo ngại rằng phát biểu của ông Hùng có thể được hiểu như là một “mệnh lệnh”.

Viết về vấn đề xấu nên dựa theo tiêu chí là có đúng nghiệp vụ hay không, có chứng cớ hay không, và nó có phản ánh lợi ích công hay không, thay vì chỉ nhìn nó là thông tin xấu.

Học giả Trần Lệ Thùy

Họ cũng viết trên mạng xã hội rằng báo chí có chức năng phản ánh sự thật và không nên bị “quản lý bằng chỉ tiêu”.

Từ Hà Nội, bà Trần Lệ Thùy, nhà nghiên cứu về báo chí, mạng xã hội, cho VOA biết ý kiến của bà:

“Viết về vấn đề xấu nên dựa theo tiêu chí là có đúng nghiệp vụ hay không, có chứng cớ hay không, và nó có phản ánh lợi ích công hay không, thay vì chỉ nhìn nó là thông tin xấu”.

Nữ học giả từng tu nghiệp tại Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, Đại học Oxford, Anh, lưu ý rằng khi các nhà báo làm đúng các tiêu chí nêu trên, việc đưa tin xấu có thể được xem là một trong những cách phản ánh thực tế đời sống để giúp cho việc xây dựng một xã hội được quản trị công tốt hơn.

Nhà văn Phạm Viết Đào nhận xét với VOA rằng do Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có nền tảng là một nhà quản lý kỹ thuật, nên trên cương vị hiện nay, dường như ông Hùng có xu hướng đặt ra các khuôn khổ “cứng nhắc”.

Ông Đào, cũng từng là một blogger bị bỏ tù vì “nói xấu” đảng, nhà nước, cho rằng cách quản lý “đặt ra mức trần” hay “rọ mồm” trong đời sống xã hội thông tin sẽ “có hại”, cũng như “không giúp ích” chính phủ và nhân dân “nhìn thấy thực chất các vấn đề xã hội” để tìm các giải pháp phù hợp.

Nhà văn có thời là thanh tra chống tham nhũng tại Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch nói:

“Chả có tỷ lệ nào là kiểm soát được thông tin cả. Bản thân cuộc sống nó xảy ra thế nào thì phải đưa thông tin trung thực như thế. Ông [Hùng] phát biểu như thế chứng tỏ ông không hiểu xã hội thông tin. Đối với xã hội thông tin mà anh dùng kỹ thuật anh cai quản nó thì anh sẽ thất bại”.

Trong các cuộc phỏng vấn riêng rẽ của VOA, bà Thùy và ông Đào nói nên có sự phân biệt giữa thông tin “câu khách” hay “lá cải” với việc đưa tin về các ý kiến phản biện xã hội.

Những thông tin về người ta phản ứng trong xã hội về những chính sách của nhà nước phải đưa rộng ra cho mà biết … anh bịt thông tin đó lại, thì hậu họa còn lớn hơn.

Nhà văn Phạm Viết Đào

Nhà văn Phạm Viết Đào khẳng định ông không ủng hộ việc một số cơ quan báo chí “sa đà” hay “xoáy sâu” vào các chi tiết của các vụ bạo lực hay các vụ án “cướp, giết, hiếp”. Ngược lại, ông cho rằng “phải để”, “phải khuyến khích” các thông tin nêu lên chính kiến hay phản biện về các chính sách.

Ông nói:

“Những thông tin về người ta phản ứng trong xã hội về những chính sách của nhà nước phải đưa rộng ra cho mà biết. Tin về phản ứng ở các vùng miền, phản ứng này nọ giữa chính quyền và người dân, mà anh bịt thông tin đó lại, thì hậu họa còn lớn hơn”.

Đã có ít nhất hai cuộc thảo luận trên mạng xã hội về gợi ý 30-20-10% mới đây của Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Trong số gần 70 lời bình luận, nhiều người bày tỏ thất vọng về hơi hướng quản lý cứng rắn của ông.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục đứng trong nhóm thấp nhất trên thế giới về mặt tự do báo chí, theo cách đánh giá của các tổ chức phương Tây.

Hồi cuối tháng Tư, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã ra báo cáo thường niên xếp hạng Việt Nam thứ 175 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí. Cũng như năm 2017, tổ chức này năm nay tiếp tục liệt Việt Nam vào “danh sách đen” về tự do báo chí trên thế giới.

Báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi đầu tháng 5 nói Việt Nam vẫn hạn chế quyền tự do với các biện pháp như kiểm duyệt báo chí, giới hạn quyền tự do Internet, bên cạnh các vi phạm nhân quyền khác. Bộ Ngoại giao Việt Nam, như thường lệ, đã phản bác báo cáo này.

https://www.voatiengviet.com/a/quyen-bo-truong-muon-tin-xau-chi-10-phan-tram/4526319.html

 

Vì sao nợ nước ngoài của Việt Nam tăng nhanh?

Tổng số nợ nước ngoài của Việt Nam tăng nhanh chóng và đang ở khoảng 109 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 20 tỷ đô la so với năm 2015.

Chuyên mục Kinh tế của tờ VietnamNet ngày thứ Hai 13 tháng 8 công bố kết quả trên dựa theo tỷ giá hối đoái chính thức 22.425 đồng/1 $US do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra vào ngày cuối cùng của năm ngoái.

Theo VietnamNet, bản tin Nợ công số 5 ban hành ngày 23 tháng 8 năm 2017 cho thấy tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam vào cuối năm 2015 là 80,84 tỷ đô la, trong khi đó con số này là 71 tỷ đô la trong năm 2014. Điều này có nghĩa là nợ nước ngoài tăng 10 tỷ đô la mỗi năm. Trong khi đó, trong giai đoạn 2016-2017, mức tăng trung bình là 15 tỷ USD một năm.

Vào những năm trước, mối lo ngại về rủi ro do biến động tỷ giá hối đoái không tồn tại, vì tỷ giá đồng đôla Mỹ trên thị trường Việt Nam ổ định.

Khi giá trị tiền Việt đang mất giá so với đô la Mỹ, nợ nước ngoài của Việt Nam cũng ngày càng tăng. Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, số tiền ngân sách nhà nước phải trả bổ sung cho gốc và lãi trong năm nay có thể là hàng nghìn tỷ đồng do biến động tỷ giá hối đoái.

Bộ Tài chính (MOF) không công bố số liệu về các khoản vay nước ngoài được cung cấp cho các doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù đây là con số quan trọng trong tổng nợ quốc gia.

Theo kế hoạch năm 2018, giới hạn vay nước ngoài đối với các doanh nghiệp và tổ chức là 5 tỷ đô la và các khoản vay ngắn hạn chưa trả của doanh nghiệp không được vượt quá các khoản vay chưa thanh toán trước ngày 31 tháng 12 năm 2017.

Năm 2017, công ty Vietnam Beverage đã vay 5 tỷ đô la để mua cổ phần của công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khiến nợ nước ngoài của Việt Nam tăng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Vietnam-foreign-debts-rise-rapidly-on-usd-appreciation-08132018082737.html

 

Quan chức kiểm soát vũ khí Mỹ đi Việt Nam

Viễn Đông

Một quan chức ngoại giao Mỹ chuyên về vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế sắp tới Việt Nam và dự kiến sẽ gặp nhiều quan chức cấp cao nước chủ nhà, trong bối cảnh Washington mới xác nhận rằng Hà Nội tính mua hàng chục triệu đôla thiết bị quân sự của quốc gia cựu thù.

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Thompson sẽ gặp các quan chức chính phủ và quân sự cấp cao để thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực hợp tác an ninh, thương mại quốc phòng, an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình và các vấn đề nhân đạo.

Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Bà Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, sẽ tới Việt Nam trong chuyến công du ba nước còn đưa bà tới Indonesia và Australia nhằm thảo luận về cách thức các cơ quan về vũ khí và quân sự của Mỹ có thể “đóng góp” nhằm duy trì một vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.

“Tại Việt Nam, Thứ trưởng Thompson sẽ gặp các quan chức chính phủ và quân sự cấp cao để thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực hợp tác an ninh, thương mại quốc phòng, an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình và các vấn đề nhân đạo”, Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Việt Nam chưa mua vũ khí ‘khủng’ của Mỹ?

Tin độc quyền: Việt Nam ‘đặt mua’ gần 100 triệu đôla vũ khí Mỹ

Chuyến thăm ba nước của quan chức chuyên trách về kiểm soát vũ khí, kéo dài từ ngày 12 tới 26 tháng Tám, diễn ra không lâu sau khi một quan chức ngoại giao Mỹ xác nhận độc quyền với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá hàng chục triệu đôla.

Hiện chưa rõ cụ thể ngày giờ bà Thompson sẽ đặt chân tới Hà Nội, và liệu vấn đề Việt Nam mua bán vũ khí của Mỹ có được mang ra thảo luận hay không.

Trả lời báo chí mới đây liên quan tới việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng việc hợp tác quốc phòng với các nước là để “bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.

Trao đổi với VOA tiếng Việt, giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, cho hay rằng một hội thảo xúc tiến công nghiệp quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ “đang được lên kế hoạch cho năm nay”, sau hai lần trước năm 2015 và 2016. Hiện chưa rõ liệu hội thảo này có được tiến hành trong chuyến thăm của bà Thompson hay không.

Trong khi có mặt tại Việt Nam, theo Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Thứ trưởng Thompson cũng sẽ “tới thăm” các hoạt động rà phá thiết bị chưa nổ còn sót lại từ thời Chiến tranh Việt Nam ở tỉnh Quảng Trị.

Tin cho hay, kể từ năm 1993 tới nay, Hoa Kỳ đã “đầu tư hơn 105 triệu đôla” cho các nỗ lực cứu mạng người này, vốn là “nền tảng vững chắc cho mối quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ”.

Hôm 13/8, bà Thompson đăng trên Twitter chính thức của bà các hình ảnh gặp gỡ quan chức Indonesia, quốc gia nằm trong số các nước Đông Nam Á mua thiết bị quân sự nhiều nhất của Mỹ, trị giá gần hai tỷ đôla.

Theo Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, tại Australia, bà Thompson sẽ gặp “các nhà sản xuất thiết bị quốc phòng của Mỹ và Úc để thảo luận nỗ lực của chính quyền [của Tổng thống Trump] nhằm trao đổi nỗ lực tiến hành hiệu quả việc xuất khẩu thiết bị quốc phòng”.

Tin cho hay, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế còn thảo luận về cách thức “thúc đẩy tự do hàng hải và bay ngang qua các tuyến đường biển quốc tế, trong đó có Biển Đông”.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-kiem-soat-vu-khi-my-di-viet-nam/4526097.html