Tin khắp nơi – 13/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 13/08/2018

Nhiều ứng viên dân biểu Mỹ ‘dễ bị tấn công mạng’

3 trong số 10 ứng viên chạy đua vào Hạ viện Mỹ có lỗ hổng đáng kể về an ninh trên website của họ, theo Reuters.

Hãng tin Anh dẫn lại thông tin từ một nghiên cứu mới của các chuyên gia độc lập nói rằng kết luận trên cho thấy nguy cơ các hacker có thể gây ra đối với cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới đây.

Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 12/8 tại một hội thảo an ninh thường niên có tên gọi Def Con tại Las Vegas.

Tại đó, một số người tham gia đã dành ba ngày qua để thử tấn công các máy bỏ phiếu nhằm chứng minh sự tồn tại của các lổ hổng an ninh đối với công nghệ sử dụng trong các phòng phiếu ở Hoa Kỳ.

Một nhóm bốn nhà nghiên cứu độc lập kết luận rằng các website của gần một phần ba các ứng cử viên dân biểu Mỹ thuộc cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa dễ bị tấn công.

Cảnh báo về cuộc bầu cử giữa kỳ được đưa ra sau khi Đảng Dân chủ đã dành hơn một năm để củng cố an ninh mạng trong chiến dịch tranh cử ở cấp tiểu bang và liên bang của đảng này.

Công bố trên được đưa ra tiếp theo một loạt các cảnh báo của quan chức an ninh trong chính quyền của Tổng thống Trump về việc Nga tích cực tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11.

https://www.voatiengviet.com/a/ung-vien-dan-bieu-my-de-bi-tan-cong-mang/4525230.html

 

Vụ đánh cắp phi cơ Horizon Air cho thấy

mối nguy hiểm tiềm tàng

từ nhân viên các hãng hàng không

Olympia, Washington- Việc Richard Russell- một công nhân của hãng hàng không Horizon Air – ăn cắp một phi cơ không có hành khách, sau đó thực hiện nhiều vòng nhào lộn trên không trung trước khi đâm xuống  hòn đảo xa xôi ở Puget Sound, chứng minh cho điều mà các chuyên gia hàng không lo sợ từ lâu.

Một trong những rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với ngành du lịch hàng không thương mại là công nhân phi trường có thể gây ra những mối nguy hiểm mà không ai ngờ tới. Erroll Southers là cựu nhân viên FBI và là chuyên gia về an ninh giao thông, nói rằng công nhân này đã được kiểm tra lý lịch đủ để tiếp cận một phi cơ. Anh đã tự học hỏi qua mạng để có thể cho phi cơ cất cánh. Video cho thấy chiếc Horizon Air Q400, có sức chứa tới 76 hành khách nhưng không có một người nào trên phi cơ, lượn những vòng tròn lớn trên hòn đảo Puget Sound. Chuyến bay của  Richard Russell kéo dài được 75 phút, và kết thúc khi đâm xuống một hòn đảo nhỏ giữa lúc bị hai chiến đấu cơ đuổi theo.

Nhiều hãng thông tấn gọi đó là hành động tự sát, nhưng các viên chức cho rằng hành vi này không liên quan tới chủ nghĩa khủng bố, hoặc bất cứ nhóm khủng bố nào ở ngoại quốc. Ông Southers nói rằng công nhân này có thể gây ra sự hủy diệt hàng loạt. Vì một khi Richard biết cách lượn vòng như vậy, anh ta có thể cho phi cơ lao vào một tòa nhà và giết nhiều người trên mặt đất. Richard được cho là đã chết khi cho phi cơ đâm xuống hòn đảo. (Mai Đức)

https://www.sbtn.tv/vu-danh-cap-phi-co-horizon-air-cho-thay-moi-nguy-hiem-tiem-tang-tu-nhan-vien-cac-hang-hang-khong/

 

Thêm một ngày cuối tuần đẫm máu ở Chicago:

1 chết, 27 bị thương

Chicago, Illinois – Bất  chấp mọi biện pháp của cảnh sát và viên chức thành phố, Chicago tiếp tục chứng kiến tình trạng bạo lực đẫm máu mới vào cuối tuần này, với một loạt vụ nổ súng trong các cuộc tụ tập, giết chết ít nhất một phụ nữ và làm bị thương 27 người khác.

Con số này được cho là giảm bớt khá nhiều so với cuối tuần trước, khi một loạt các vụ nổ súng bạo lực khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và khoảng 70 người bị thương. Nhật báo Chicago Sun-Times trích lời nhân viên cảnh sát Chicago, cho biết vụ nổ súng bắn chết một phụ nữ 29 tuổi xảy ra vào chiều Thứ Sáu 10 tháng 8. Một nhóm điều tra báo cáo rằng nạn nhân được lệnh bảo vệ của tòa án đối với một người đàn ông mà cô quen biết. Người này giận dữ quay trở lại và bắn cô từ phía sau. Nạn nhân được đưa vào bệnh viện đại học Chicago, nhưng sau đó qua đời vì những vết thương hiểm độc.

Sau tình trạng bạo lực tỷ lệ cao cuối tuần trước khiến cư dân địa phương giận dữ, cảnh sát trưởng Eddie Johnson cho biết ông điều động thêm 400 nhân viên cảnh sát tuần tra các khu vực ở phía Tây và phía Nam, nơi hầu hết các vụ nổ súng xảy ra. Ông sẽ cho tằng cường thêm 200 cảnh sát nữa tại những khu phố bị ảnh hưởng vào cuối tuần này.

Tuy nhiên nhiều nhà hoạt động vẫn lên tiếng chỉ trích chính quyền địa phương, kêu gọi Thị Trưởng Dân Chủ Rahm Emanuel từ chức. Để bênh vực thị trưởng, Dân Biểu Dân Chủ Danny K. Davis nói rằng môi trường tội phạm ở Chicago đã có từ nhiều năm trước, mà nguyên nhân chủ yếu là vì không được quan tâm. (Mai Đức)

https://www.sbtn.tv/them-mot-ngay-cuoi-tuan-dam-mau-o-chicago-1-chet-27-bi-thuong/

 

Nhân viên Tòa Bạch Ốc bị sa thải công bố

băng ghi âm câu chuyện với chánh văn phòng John Kelly

Washington DC – Nhằm cung cấp hồ sơ cho các vụ báo cáo chung quanh việc Omarosa Manigault Newman bị chánh văn phòng Tòa bạch Ốc John Kelly sa thải, cựu nhân viên Tòa Bạch Ốc đồng thời là một nhân vật truyền hình thực tế đã công bố đoạn ghi âm cuộc thảo luận giữa cô và ông Kelly.

Omarosa tuyên bố ông Kelly đe dọa cô, và làm áp lực khi thảo luận về việc sa thải cô. Xuất hiện trong chương trình “Meet the Press” của NBC, Omarosa mở một phần đoạn băng ghi âm bên trong Phòng Tình Huống của Tòa Bạch Ốc, là nơi thường được sử dụng cho các cuộc thảo luận bí mật, nên điện thoại di động hoặc các thiết bị ghi âm khác đều bị cấm. Khi được hỏi tại sao cô mang dụng cụ ghi âm vào Phòng Tình Huống, vi phạm quy định đối với nhân viên Tòa Bạch Ốc như vậy, Omarosa trả lời cô phải chuẩn bị để tự vệ. Cô cho biết những gì mà ông Kelly nói trong đoạn ghi âm đều là sự đe dọa. Cô biết nếu không có đoạn ghi âm này, thì sẽ không ai tin rằng cô bị Chánh Văn Phòng đe dọa. Vì vậy cô hoàn toàn không hối tiếc về việc vi phạm quy định của Tòa Bạch Ốc. Cô cảm thấy vui sướng vì mình đã làm như vậy.

Omarosa nói thêm Tổng Thống Donald Trump nói dối mỗi ngày. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee nói dối mỗi ngày. Cô phải ghi âm để tự vệ, vì không muốn một ngày nào đó sẽ nhìn thấy 17 lưỡi dao đâm phập vào lưng mình. (Mai Đức)

https://www.sbtn.tv/nhan-vien-toa-bach-oc-bi-sa-thai-cong-bo-bang-ghi-am-cau-chuyen-voi-chanh-van-phong-john-kelly/

 

Công ty Mỹ Cheniere Energy ký thỏa thuận

cung cấp khí đốt 25 năm với công ty Đài Loan CPC

Vào hôm Thứ Sáu 10 tháng 8, công ty Cheniere Energy của Hoa Kỳ cho biết họ đã ký thỏa thuận hợp tác 25 năm để cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng LNG với công ty dầu khí Đài Loan CPC.

Theo ước tính, tổng giá trị đơn hàng lên đến gần 25 tỷ Mỹ kim. Phát ngôn nhân của công ty CPC cho biết tổng giá trị ước tính dựa trên mức giá  khí đốt hiện nay. CPC không đưa ra giá trị cụ thể của bản hợp đồng hợp tác dài hạn này.

Công ty Cheniere cho biết họ sẽ bán 2 triệu tấn khí LNG mỗi năm kể từ năm 2021 và chuyển đến công ty xăng dầu Đài Loan CPC.

Vào hôm Thứ Bảy 11 tháng 8, chủ tịch CPC Tai Chein cho biết, mục đích chính của CPC là đạt được sự đa dạng hóa nguồn hàng LNG, cũng như tạo ra nguồn cung cấp năng lượng bền vững cho Đài Loan.

Thỏa thuận này được xem là một phần quan trọng trong nỗ lực của Đài Loan giúp cắt giảm giá trị thương mại thặng dư với Hoa Kỳ. Bản hợp đồng cũng là bước thúc đẩy mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ. Thỏa thuận trên được ký kết chỉ một ngày trước khi tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn có chuyến công du quốc tế đến những đồng minh ngoại giao. Bà sẽ dừng chân ở Los Angeles và Houston, nơi có nhiều doanh nghiệp Đài Loan làm việc ở lĩnh vực năng lượng. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/cong-ty-my-cheniere-energy-ky-thoa-thuan-cung-cap-khi-dot-25-nam-voi-cong-ty-dai-loan-cpc/

 

Achentina : Tư pháp tiếp tục truy vấn

cựu tổng thống Kirchner

Anh Vũ

Tại Achentina, bà Cristina Kirchner tiếp tục bị tư pháp truy vấn. Hôm nay, 13/08/2018, bà cựu tổng thống phải trả lời thẩm phán Claudio Bonadio về vụ mới liên quan đến « những cuốn vở tham nhũng », trong đó có những cáo giác nhắm vào bà và ông Nestor Kirchner, chồng bà, đồng thời là người tiền nhiệm của bà. Cựu tổng thống Cristina Kirchner có thể bị kết án, nhưng hiện tại chưa phải ngồi tù, vì bà vẫn được hưởng quy chế bảo vệ thượng nghị sĩ.

Thông tín viên Jean-Louis Buchet tại Buenos Aires giải thích :

Đó là 8 cuốn vở học trò trong đó ghi lại việc cựu lái xe cho một nhân vật thân cận của bộ trưởng Bộ Kế Hoạch được ủy thác chuyển tiền bí mật trong khoảng từ năm 2004 đến 2015. Theo ông, hàng trăm triệu đô la tiền mặt từ các công ty xây dựng của Nhà nước đã được chuyển đến dinh tổng thống hay tư dinh của gia đình Kirchner.

Được nhật báo Nación đăng tải cách đây chục ngày, « những cuốn vở tham nhũng » đã khiến Tư pháp mở điều tra và triệu tập hơn chục cựu quan chức chính trị và doanh nghiệp. Những người phủ nhận sự việc cũng đã bị bắt giam, trừ một số quan chức chính trị đặc biệt.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo công ty đã thú tội. Điều này cho phép họ được hưởng quy định cho người đã « hối cải » và tránh được biện pháp giam giữ ngăn chặn. Trong số này có cựu chủ tịch Phòng Xây dựng. Ông này khẳng định khoản lót tay từ 10% đến 20% cho mỗi công trình xây dựng đã được chi cho bà tổng thống. Ông cũng cáo giác chồng của bà là cựu tổng thống Nestor Kirchner.

Những phát giác của tài liệu trên đã cho phép Tư pháp khởi động các vụ việc khác, trong đó có hai vụ Cristina Kirchner đã bị truy tố. Cho dù cựu tổng thống vẫn được hưởng quy chế miễn trừ vì là thượng nghị sĩ, gọng kìm tư pháp đang siết chặt bà.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180813-achentina-tu-phap-tiep-tuc-truy-van-cuu-tong-thong-cristina-kirchner

 

Tranh chấp Biển Caspi được Nga giải quyết ra sao?

Đó là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt đạt được sau hơn hai thập niên.

Nga, Iran, Azerbaijan, Kazakhstan và Turkmenistan – năm quốc gia giáp Biển Caspi – đã đồng ý về nguyên tắc làm thế nào để phân chia.

Các nhà lãnh đạo năm nước đã ký Công ước về Tình trạng Pháp lý của Biển Caspi tại thành phố Aktau của Kazakhstan hôm Chủ Nhật.

Kazakhstan cải tiến chữ quốc ngữ lần thứ hai trong năm

Cái giá phải trả khi đất nước thay đổi chữ viết

Phiên bản “tự nguyện hồi hương” và “thú tội”

Nó thiết lập một công thức để phân chia nguồn tài nguyên và ngăn chặn các cường quốc khác thiết lập sự hiện diện quân sự ở đó.

Đây là một bước quan trọng trong việc giảm bớt căng thẳng khu vực, nhưng thỏa thuận về vùng nước nội địa lớn nhất thế giới có ý nghĩa quan trọng vì nhiều lý do.

1. Tình trạng pháp lý phức tạp

Có thể nói, nó là hợp lý khi giả định rằng Caspi là biển. Nhưng trung tâm của tranh chấp kéo dài này là liệu 370.00 km vuông vùng nước được bao bọc bởi đất liền này có nên được coi là hồ hay không?

Cho đến khi Liên bang Xô Viết (Liên Xô) tan rã năm 1991, đó là những gì vùng nước này được biết đến và được phân chia giữa Liên Xô và Iran.

Nhưng sự xuất hiện của ba quốc gia mới đã làm phức tạp vấn đề, với những tuyên bố và phản tố kế tiếp theo.

Iran cho rằng nó là hồ chứ không phải biển, nhưng cả bốn quốc gia còn lại không đồng ý.

Tại sao sự khác biệt lại quan trọng như vậy?

Nếu coi nó là biển, thì nó sẽ được áp dụng bởi luật hàng hải quốc tế, được gọi là Luật biển của Liên Hiệp Quốc.

Tài liệu ràng buộc này đưa ra các quy tắc về cách thức các quốc gia sử dụng các vùng biển trên thế giới. Nó bao gồm các lĩnh vực như quản lý nguồn tài nguyên, quyền lãnh thổ, và môi trường. Và nó không chỉ giới hạn với các quốc gia duyên hải, nghĩa là các nước khác có thể tìm cách tiếp cận nguồn tài nguyên.

Nhưng nếu nó được định nghĩa là hồ, thì nó phải được chia đều cho năm quốc gia.

Thỏa thuận hôm Chủ Nhật (11/8) đã đưa ra cách thức giải quyết tranh chấp này.

Công ước ký kết đã tạo cho vùng nước một “tình trạng pháp lý đặc biệt”, có nghĩa là nó không được định nghĩa là biển hay hồ, các quan chức Nga cho biết.

Bề mặt nước sẽ được sử dụng chung, có nghĩa là tự do tiếp cận cho tất cả quốc gia ven biển ngoài vùng lãnh hải.

Nhưng đáy biển – nơi giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên – sẽ được phân chia.

2. Ai thắng và ai thua?

Thật khó để nói, vì văn bản cuối cùng của thỏa thuận chưa được công bố.

Một yếu tố quan trọng khác là ranh giới đáy biển vẫn chưa được đàm phán (mặc dù nó hiện là chủ đề của các hiện định song phương – không phải đa phương như trước).

Nhưng vì thỏa thuận không định nghĩa Caspi là hồ, Iran – nước có bờ biển nhỏ nhất – được xem như kẻ thua cuộc.

Người sử dụng mạng xã hội ở Iran cáo buộc chính phủ “bán tháo” biển Caspi hôm Chủ Nhật.

VN ngại TQ khi cùng Nhật khai thác khí đốt Biển Đông

VN hợp tác Nhật Bản khai thác khí ở Biển Đông

Rosneft ngại TQ khi khai thác ở Biển Đông

Tuy nhiên, Iran – hiện đang chịu áp lực kinh tế và chính trị gia tăng từ phương Tây – có thể nhận thấy một số lợi ích chính trị trong việc đảm bảo điều khoản ngăn chặn bất kỳ sự hiện diện quân sự nào trên Caspi ngoại trừ năm quốc gia ven biển.

3. Giàu khí gas và dầu

Biển Caspi được đánh giá cao vì trữ lượng dầu và khí gas khổng lồ của nó.

Ước tính có 50 tỷ thùng dầu và gần 300 nghìn tỷ feet khối (8,4 nghìn tỷ mét khối) khí gas dưới đáy biển Caspi.

Đó là lý do tại sao những bất đồng về việc làm thế nào để phân chia các mỏ dầu và khí gas khổng lồ ở đây đã nổ ra nhiều lần – và gay gắt. Thỉnh thoảng, các tàu chiến được triển khai để đe dọa các nhà thầu các quốc gia đối thủ thuê.

Sự bất đồng về tình trạng pháp lý của nó cũng ngăn cản một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên được xây dựng qua Caspia nối giữa Turkmenistan và Azerbaijan. Điều này sẽ cho phép khí gas từ Turkmenistan qua Nga để tới Châu Âu.

Nga – nước xuất khẩu nhiều dầu và khí gas sang Châu Âu – trước đây đã phản đối điều này.

Các công ty dầu mỏ quốc tế đã từng đổ xô đến Caspi những năm 1990 giờ đây đã rút lui.

Nhưng có khả năng điều này sẽ được thăm dò thêm sau thỏa thuận hôm Chủ Nhật.

4. Nguồn cung cấp trứng cá muối của thế giới

Biển Caspi có nhiều loài cá tầm khác nhau, loài cá mang lại món cá trứng cá muối ngon được đánh giá cao.

Khoảng 80-90% trứng cá muối trên thế giới có nguồn gốc từ Caspi, nhưng số lượng đã giảm trong vài thập niên qua.

Năm 2002, một cuộc khảo sát cho thấy cá tầm đã biến mất nhanh chóng và có thể sớm bị tuyệt chủng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy một tỷ lệ lớn bất thường của cá tầm bé so với cá trưởng thành hơn mà sản xuất trứng được sử dụng để làm trứng cá muối.

Kết quả là nhiều lệnh cấm khác nhau về đánh bắt cá tầm trên Biển Caspi và buôn bán trứng cá muối nói chung đã được ban hành.

Đáng kể, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev nói hôm Chủ Nhật rằng thỏa thuận này cho phép thiết lập hạn ngạch quốc gia về đánh bắt cá.

5. Ô nhiễm là một vấn đề lớn

Biển Caspian từ lâu đã bị ô nhiễm do khai thác dầu và các ngành công nghiệp khác.

Ô nhiễm dầu đã ảnh hưởng đến các việc di cư của cá tầm, theo báo cáo của Triển vọng Môi trường Caucasus của Liên Hiệp Quốc.

Báo cáo cho biết cá tầm bơi qua vùng nước ô nhiễm nặng nề gần Bán đảo Absheron của Azerbaijan – và điều đó được cho là đã hạn chế thức ăn và oxy của chúng.

Một mối quan tâm gần đây hơn là ô nhiễm vi khuẩn gây ra bởi nước thải từ Iran, thêm vào các mối đe dọa phải đối với cá tầm.

Tình trạng pháp lý tranh chấp của Biển Caspi cũng là một yếu tố nguy cơ đối với môi trường – vì sẽ không có biện pháp thực thi nào để giải quyết sự cố tràn dầu lớn hoặc sự cố ô nhiễm khác trong vùng nước tranh chấp.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45169237

 

Nga dọa tiếp tục bán tháo trái phiếu Mỹ

để trả đũa lệnh trừng phạt

Trọng Nghĩa

Bộ trưởng bộ Tài Chính Nga ngày 12/08/2018 đã lên tiếng đe dọa rằng Mátxcơva sẽ cắt giảm thêm lượng trái phiếu kho bạc Mỹ hiện có trong dự trữ của Nga. Mục tiêu là để đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, được ban hành do trách nhiệm của Nga trong vụ hạ độc cựu điệp viên Skripal ở Anh Quốc.

Theo hãng tin Nga RIA được Reuters trích dẫn, bộ trưởng Nga Anton Siluanov khi phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Nga  xác nhận rằng Mátxcơva đã hạ mức đầu tư vào kinh tế Mỹ bằng việc sở hữu trái phiếu Mỹ xuống đến mức tối thiểu, và sẽ tiếp tục hạ thấp thêm nữa.

Theo Reuters, lời thừa nhận này đã phần nào giải thích nguyên nhân của hiện tượng lượng trái phiếu Mỹ do Nga nắm giữ giảm sụt bất ngờ trong thời gian gần đây. Mátxcơva như vậy đã bán đi các trái phiếu Mỹ họ nắm trong tay, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa hai bên.

Theo giới phân tích, việc Nga tiếp tục bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến Hoa Kỳ, vì khối lượng trái phiếu Nga có trong tay không nhiều, chỉ xếp thứ 15 trong danh sách chủ nợ của Mỹ, thua xa nước chủ nợ số một là Trung Quốc.

Bên cạnh lời đe dọa bán tháo trái phiếu Mỹ, bộ trưởng Tài Chính Nga còn cho biết Matxcơva sẽ tiếp tục tăng cường các giao dịch bằng đồng rúp và các ngoại tệ khác, như bằng đồng euro chẳng hạn, thay vì dùng đồng đô la.

Điện Kremlin vào hôm nay đã phần nào xác nhận tuyên bố của ông Siluanov về đồng đô la, khi cho rằng Mátxcơva ủng hộ việc giao dịch với mọi quốc gia bằng đồng tiền của quốc gia đó, chứ không nhất thiết bằng đô la. Vấn đề là ý tưởng này cần được cụ thể hóa thêm trước khi áp dụng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180813-nga-doa-tiep-tuc-ban-thao-trai-phieu-my-de-tra-dua-lenh-trung-phat

 

Pháp : Bản án Monsanto

sẽ đẩy nhanh việc cấm chất glyphosate ?

Thanh Phương

Thứ sáu tuần trước, 10/08/2018, một tòa án của thành phố San Francisco đã tuyên phạt Monsanto tổng cộng 289 triệu đôla tiền đền bù cho một người làm vườn ở Hoa Kỳ, ông Dewayne Johnson, do tập đoàn Mỹ này đã không cảnh báo về tính chất nguy hiểm của thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto, chất bị xem là đã gây ra căn bệnh ung thư cho ông Johnson. Tại Pháp, phán quyết lịch sử này có thể đẩy nhanh việc cấm chất glyphosate, thành tố chính trong các thuốc diệt cỏ của Monsanto.

Dewayne Johnson, 46 tuổi, mà trước đó vẫn khỏe mạnh, đã kiện đòi Monsanto bồi thường hơn 400 triệu đôla, vì ông cho rằng những hóa chất của Monsanto, Roundup và RangerPro, mà ông sử dụng trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2014 khi làm vườn, đã khiến ông bị ung thư và theo ông, tập đoàn Mỹ đã cố tình che giấu tính chất nguy hiểm của các sản phẩm đó.

Sau hơn 1 tháng tranh luận, bồi thẩm đoàn của tòa án San Francisco đã bắt đầu nghị án kể từ ngày 08/08 trong phiên xử đầu tiên về tính chất có thể gây ung thư của các sản phẩm Monsanto có chứa chất glyphosate. Sở dĩ vụ này được đưa ra xử là vì luật của bang California bắt buộc ngành tư pháp phải tổ chức phiên xử trước khi nguyên đơn qua đời.

Trong các tập đoàn lớn của thế giới, có lẽ không có tập đoàn nào làm ăn rất phát đạt mà lại mang nhiều tai tiếng như Monsanto. Sử dụng đến 20 ngàn người trên toàn thế giới, Monsanto có lợi nhuận trong năm 2017 lên tới hơn 2 tỷ đôla, với doanh số gần 15 tỷ đôla.

Được thành lập từ năm 1901, tại Saint-Louis, bang Misouri, Monsanto thật ra chỉ chuyển sang sản xuất các hóa chất nông nghiệp kể từ thập niên 1940. Tập đoàn này đã trở nên nổi tiếng với chất khai quang được biết dưới cái tên « Chất da cam » mà quân đội Mỹ sử dụng ồ ạt trong chiến tranh Việt Nam.

Nhưng sản phẩm nổi bật nhất và cũng bị chỉ trích nhiều nhất của Monsanto chính là Roundup, được sản xuất kể từ năm 1976. Thuốc diệt cỏ này có chứa chất glyphosate, một chất đã là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu khoa học, với những kết luận trái ngược nhau hoàn toàn về tính chất gây ung thư của nó. Cho tới nay, các nông gia vẫn rất chuộng sử dụng các hóa chất diệt cỏ có chứa chất glyphosate, vì vừa rẻ tiền, vừa hiệu quả, nhưng tại châu Âu và đặc biệt là tại Pháp, các sản phẩm này gặp nhiều chỉ trích.

Là thuốc diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới dưới nhiều nhãn hiệu khác nhau, từ khi bằng phát minh của Monsanto trở thành thuộc quyền sở hữu công vào năm 2000, Roundup còn bị xem là chất gây nhiều tác hại cho môi trường, góp phần khiến loài ong bị tận diệt.

Trước bản án của tòa San Francisco hôm thứ sáu tuần trước, vào năm 2012, Monsanto đã chấp nhận một giải pháp êm thắm đền bù 93 triệu đô la cho Nitro, một thành phố ở bang West Virginia. Đây là nơi mà vào những thập niên 1950, 1960, Monsanto đã đặt nhà máy sản thành tố chính của Chất da cam. Các lãnh đạo của thành phố Nitro khẳng định chính nhà máy Monsanto đã gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho người dân thành phố này.

Tại Pháp, vào năm 2015, khi xử phúc thẩm, tòa án đã tuyên phạt Monsanto tiền bồi thường cho một nông gia, bị nhiễm độc vào năm 2004 do một sản phẩm khác của tập đoàn Mỹ, đó là Lasso (có chứa chất alachlore ). Thuốc diệt cỏ này sau đó đã bị cấm ở nhiều nước.

Phán quyết của tòa San Francisco  trước mắt đã gây tác hại nặng nề cho tập đoàn dược phẩm Đức Bayer, sở hữu chủ mới của Monsanto.  Hôm nay, 13/08/2018, giá cổ phiếu của Bayer đã bị sụt gần 10% trên thị trường chứng khoán Francfort của Đức.

Nhưng đây chỉ mới là khởi đầu của cơn ác mộng cho Bayer, vừa mới mua lại Monsanto với giá 63 tỷ đôla đầu tháng 06/2018. Hiện giờ đang có ít nhất …. 4000 ngàn vụ tương tự đang được đưa ra xử trước các tòa án ở Mỹ.

Công ty Monsanto sẽ kháng án và hy vọng là, giống như những vụ tương tự ở Hoa Kỳ, khi xử phúc thẩm, tòa sẽ giảm rất nhiều số tiền phạt, thậm chí hủy luôn phán quyết sơ thẩm. Về phần mình, tập đoàn Bayer trong cuối tuần qua đã khẳng định rằng « trên cơ sở các chứng cứ khoa học, trên cơ sở các đánh giá trên cấp độ toàn thế giới, và qua nhiều thập niên sử dụng chất glyphosate », chất này là hoàn toàn an toàn và không gây ung thư. Tuy nhiên, ý thức được hình ảnh rất xấu của Monsanto trong công luận quốc tế hiện nay, tập đoàn Bayer đã vội thông báo ý định từ bỏ nhãn hiệu « Monsanto ».

Nhưng đặc biệt tại Pháp, phán quyết nói trên của tòa án San Francisco một lần nữa khơi dậy cuộc tranh luận về việc có nên gấp rút cấm chất glyphosate hay không.

Chính phủ Pháp đã hoan nghênh « một phán quyết lịch sử » và bộ trưởng bộ Môi trường Nicolas Hulot đã kêu gọi người dân châu Âu và Mỹ hợp lực chống các sản phẩm của Monsanto.

Hôm thứ bảy tuần trước, đảng bảo vệ môi trường Europ-Ecologie-Les Verts đã kêu gọi chính phủ Pháp hãy dứt khoát cấm hẳn chất thuốc diệt cỏ này. Đảng này cho rằng, « thay vì kéo dài thời gian vì lợi ích của một số người, nước Pháp nên áp dụng ngay nguyên tắc cẩn trọng  và tháo khoán ngay ngân quỹ cần thiết để giúp các nông gia từ bỏ việc sử dụng các chất độc hại này.

Ông Laurent Pinatel, phát ngôn viên của Tổng liên đoàn nông dân ( Confédération paysanne), nghiệp đoàn nông dân lớn thứ ba ở Pháp, hôm thứ bảy cũng đã tuyên bố rằng, bản án đối với Monsanto là « bằng chứng cho thấy là cần phải chấm dứt việc sử dụng các thuốc diệt cỏ ». Theo lời ông Pinatel, cần phải huy động các phương tiện kỹ thuật cho nghiên cứu và các phương tiện kinh tế để thoát khỏi sự lệ thuộc vào các loại thuốc trừ sâu.

Nhiều hiệp hội bảo vệ môi trường của Pháp đã hoan nghênh phán quyết lịch sử của tòa án San Francisco. Chủ tịch của hiệp hội Combat Monsanto, Benjamin Sourice, cho rằng « bản án này không chỉ nhìn nhận Roundup là một chất gây ung thư, mà nhất là còn chứng minh rằng Monsanto nắm những thông tin về tính chất nguy hiểm của chất này, nhưng đã tìm mọi cách để che giấu điều đó ».

Về phần nông gia Paul François, gương mặt hàng đầu trong cuộc chiến chống Monsanto, chủ tịch hiệp hội Phyto – victimes ( Nạn nhân thuốc trừ sâu ), thì bày tỏ sự vui mừng cho tất cả những ai trên toàn thế giới đang đấu tranh giống như ông chống tập đoàn Mỹ.

Nhưng bà Suzanne Dalle, đặc trách về nông nghiệp trong tổ chức Greenpeace France, kêu gọi các công dân phải tiếp tục đấu tranh để chất glyphosate bị cấm hoàn toàn ở Pháp và châu Âu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180813-phap-ban-an-monsanto-se-day-nhanh-viec-cam-chat-glyphosate

 

Rumani :Biểu tình chống chính quyền

 bước sang ngày thứ 3

Gia Hưng

Theo hãng tin Reuters, đã có 15 ngàn người biểu tình đồng loạt vẫy cờ Rumani, cờ NATO, và cờ Liên Hiệp Châu Âu. Họ tập trung tại quảng trường bên ngoài trụ sở chính phủ. Những người biểu tình đồng thanh hô vang khẩu hiệu chống tham nhũng, đồng thời kêu gọi chính phủ Rumani từ chức.

Cuộc biểu tình đêm qua tại thủ đô Bucarest và các thành phố lớn khác đã diễn ra một cách yên bình, đối lập hoàn toàn với cảnh tượng cách đây hai ngày, khi cuộc biểu tình mới bắt đầu. Đêm đó, cảnh sát đã dùng hơi cay và vòi rồng để trấn áp người biểu tình. Khoảng 500 người đã phải nhập viện.

Kể từ khi đảng Dân Chủ – Xã Hội lên cầm quyền từ đầu năm 2017, đảng này đã dần dần hợp pháp hóa một số hoạt động trước đó bị coi là tham nhũng.

Vào tháng 06/2018, lãnh đạo đảng Dân Chủ Xã Hội, kiêm chủ tịch Hạ Viện Rumani, ông Liviu Dragnea, đã bị kết án tù ba năm rưỡi với tội danh lạm dụng chức quyền.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180813-bieu-tinh-chong-chinh-quyen-tai-rumani-buoc-sang-ngay-thu-3

 

Thái Anh Văn: ‘Không ai có thể ‘xóa bỏ’ Đài Loan’

Tổng thống Thái Anh Văn lên đường đi thăm Hoa Kỳ và hai đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực nhằm cắt đứt quan hệ quốc tế của đảo quốc này, theo Reuters.

Đài Loan đã là một khu tự trị vì từ năm 1949 nhưng Bắc Kinh luôn coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.

Trung Quốc ngày càng trở nên nhạy cảm về mặt địa lý, mạnh mẽ chỉ trích bất kỳ vi phạm các tuyên bố lãnh thổ nước này.

Đài Loan mất thêm đồng minh ngoại giao

TQ phạt hãng Nhật vì công nhận Đài Loan

Hàng không Mỹ vẫn chưa bỏ tên Đài Loan trước 9/8

Hàng không Mỹ phải bỏ tên Đài Loan vì sợ TQ

Bắc Kinh đã ra lệnh cho các hãng hàng không nước ngoài mô tả Đài Loan “là một phần của Trung Quốc” trên website của họ và tìm cách loại trừ Đài Loan khỏi nhiều diễn đàn quốc tế nhất có thể.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng lôi kéo để làm giảm lượng các quốc gia công nhận Đài Loan – bây giờ chỉ còn 18 nước – sau khi Burkina Faso và Cộng hòa Dominica chuyển quan hệ sang Bắc Kinh trong năm nay.

Theo Reuters, phát biểu trước chuyến bay đến Los Angeles, nơi bà dừng chân trước khi tiếp tục đến Belize và Paraguay, bà Thái Anh Văn nói với giọng mạnh mẽ:

“Đi ra nước ngoài, cả thế giới có thể nhìn thấy Đài Loan. Họ có thể nhìn thấy đất nước chúng ta cũng như sự ủng hộ của chúng ta dành cho nền dân chủ và tự do. Chúng ta chỉ cần cứng rắn để không ai có thể xóa bỏ sự tồn tại của Đài Loan.”

Đài Loan đáp trả các hãng bay tuân thủ Bắc Kinh

Ông Hun Sen cấm treo cờ Đài Loan

Panama cắt quan hệ với Đài Loan vì Trung Quốc

Vì sao tàu Liêu Ninh vội rời Biển Đông?

Bà Thái đến Los Angeles và dự kiến chủ trì tiệc chiêu đãi cộng đồng người Mỹ gốc Đài Loan đêm 12/8, sau đó thăm Thư viện Tổng thống Ronald Reagan hôm 13/8, phát ngôn viên chính phủ Đài Loan cho hay.

Trung Quốc, vốn tin rằng bà Thái muốn thúc đẩy sự độc lập chính thức của Đài Loan, đã than phiền với Washington về việc cho bà này ghé dừng chân trong chuyến đi này.

Chuyến đi bắt đầu một ngày sau khi tập đoàn lọc dầu nhà nước CPC Corp của Đài Loan công bố một thỏa thuận trị giá 25 tỷ đô la để mua khí hóa lỏng tự nhiên từ Hoa Kỳ trong 25 năm tới.

Thỏa thuận này nhằm thúc đẩy giao thương với Hoa Kỳ bằng cách giảm thặng dư thương mại và cũng để bày tỏ thiện chí trước chuyến thăm của bà Thái, một nguồn tin nói với Reuters.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45165970

 

Người dân TQ nói gì

về cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Theo nhận định của Reuters, các quan chức Trung Quốc hầu hết kiềm chế phản ứng của mình đối với cuộc chiến thương mại đang ngày càng căng thẳng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Bắc Kinh trong những tuần gần đây, thông qua việc công bố một loạt các mức thuế trừng phạt. Họ thường tránh gây thêm căng thẳng và để cho truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản đưa ra những bình luận gay gắt nhất.

Tuy nhiên, tâm trạng của người dân trên các đường phố Bắc Kinh và Thượng Hải thì không cam chịu như vậy. Reuters vừa trò chuyện với khoảng 50 người, chủ yếu từ hai thành phố trên, về mối quan ngại của họ đối với cuộc chiến thương mại, về nhận định của họ về phản ứng của Bắc Kinh, cũng như về khả năng người Trung Quốc tẩy chay các sản phẩm của Mỹ để trả đũa.

Trong số 50 người được hỏi liệu họ có lo lắng về cuộc chiến thương mại hay không, chỉ có 11 người (22%) trả lời có và 39 người (78%) nói rằng họ không quan tâm.

Các cuộc phỏng vấn cho thấy chưa có dấu hiệu thực sự về khủng hoảng hay hoảng loạn. Có sự chia rẽ và bối rối về việc Trung Quốc nên phản ứng như thế nào với ông Trump. Một số người cho rằng Bắc Kinh nên đánh trả vào những lợi ích của Mỹ, nhưng những người khác nói họ không biết có thể làm gì được.

Cụ thể, với câu hỏi Bắc Kinh nên làm để phản ứng lại các quyết định áp thuế trừng phạt của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, 19 người (38%) nói rằng Trung Quốc nên mạnh mẽ đáp trả. Phần còn lại đưa ra các phản ứng khác nhau, bao gồm việc tái tập trung phát triển kinh tế trong nước, thúc đẩy các thị trường xuất khẩu khác, trong khi 8 người (16%) nói họ không biết chính phủ nên làm gì.

Tuy nhiên, theo Reuters, điều đáng lo ngại nhất cho các doanh nghiệp Mỹ bán hàng ở Trung Quốc là việc 14 người (28%) muốn dừng mua các sản phẩm của Mỹ, và một số nói rằng họ đã tẩy chay bất cứ thứ gì được sản xuất tại Hoa Kỳ. Những người khác nói họ tiếp tục mua hàng Mỹ nhưng điều đó có thể thay đổi trong tương lai.

Reuters cho rằng nếu kết quả này đại diện cho toàn bộ người dân Trung Quốc và họ thực hiện như đã nói, thì điều này có thể gây tổn thất lớn cho doanh số bán iPhone của Apple, phim của Disney, cà phê Starbucks, xe ôtô của General Motors và các sản phẩm khác của Mỹ. Đó là hiện chưa có bất kỳ phong trào tẩy chay nào do chính phủ hoặc các nhà hoạt động tổ chức.

Tất nhiên, đây chỉ là một cuộc thăm dò quy mô rất nhỏ và không theo phương pháp khoa học. Ngoài ra, theo Reuters, cùng với việc người dân Trung Quốc thường không tiết lộ suy nghĩ thực sự của họ với truyền thông nước ngoài, thì các kết quả cuộc thăm dò chỉ mang tính tham khảo.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-tq-noi-gi-ve-cuoc-chien-thuong-mai-voi-my/4526326.html

 

TQ bác cáo buộc giam 1 triệu người Uighur

 ở Tân Cương

Hôm 13/8, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc do một ủy ban của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đưa ra nói rằng 1 triệu người Uighur có thể bị giam trong các trại tập trung ở khu tự trị Tân Cương, theo hãng tin Reuters.

Bà Gay McDougall, một thành viên của Ủy ban Xoá bỏ Phân biệt Chủng tộc của LHQ, hôm 10/8 cho biết đã nhận được nhiều báo cáo đáng tin cậy nói rằng 1 triệu người Uighur ở Trung Quốc bị giam giữ ở một “trại tập trung bí mật khổng lồ, một vùng không có quyền tự do.”

Phái đoàn Trung Quốc tại LHQ đã trả lời rằng chính quyền đã bắt giữ “các tội phạm quá khích và khủng bố” ở Tân Cương theo quy định của pháp luật, và không nhắm vào bất kỳ người thiểu số nào hoặc có ý định “xóa nhóm Hồi giáo” ở Tân cương.

Phái đoàn Trung Quốc nói thêm: “Những người bị chủ nghĩa cực đoan tôn giáo lừa… sẽ được hỗ trợ tái định cư và cải tạo.”

Theo Reuters, các thành viên của Ủy ban “rất lo ngại” về những vụ bắt bớ đối với người Uighur và người thiểu số Hồi giáo khác.

“Thêm hai triệu người đã bị buộc đưa vào cái gọi là trại cải tạo truyền bá chính trị và văn hóa,” bà McDougall nói.

Trước đó, ông Du Kiến Hoa (Yu Jianhua), đại sứ Trung Quốc tại cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Geneva, nói rằng Bắc Kinh đang nỗ lực hướng tới sự bình đẳng và đoàn kết giữa các sắc dân.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-bac-cao-buoc-giam-1-trieu-nguoi-uighur-o-tan-cuong/4526067.html

 

Trung Quốc xử chức sắc nhóm ‘tà đạo’

chống cộng sản

Một tòa án Trung Quốc đã bắt đầu xét xử các chức sắc của nhóm Đấng Toàn năng (Almighty God), một nhóm tôn giáo bị cấm hoạt động và bị chính quyền xem là “tà đạo” tại nước này, hãng tin Reuters trích dẫn truyền thông Trung Quốc cho biết hôm 13/8.

Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã kết án hàng chục tín đồ của nhóm Đấng Toàn năng, kể từ khi xảy ra nghi án các thành viên nhóm này đã sát hại một phụ nữ tại một nhà hàng thức ăn nhanh vào năm 2014. Vụ án này đã bị phản đối khắp đất nước.

Hôm 12/8, Tân Hoa Xã cho biết một số thành viên của nhóm, nhưng không rõ số lượng, đã bị chính quyền tỉnh Hắc Long Giang xét xử từ hôm 31/7.

Reuters trích lời Tân Hoa Xã cho biết: “Công an tỉnh Hắc Long Giang đã bắt giữ người đứng đầu giáo phái và một số chức sắc chủ chốt ở phía đông bắc Trung Quốc vào tháng 6/2017.”

Tân Hoa Xã đưa tin, nhóm có gốc gác ở tỉnh Hà Nam tin rằng chúa Jesus đã sống lại dưới hình hài của bà Dương Tường Bân (Yang Xiangbin), vợ của người sáng lập ra giáo phái – Triệu Duy Sơn (Zhao Weishan.)

Ông Triệu Duy Sơn đã cùng vợ trốn sang Hoa Kỳ vào năm 2000, cũng theo Tân Hoa Xã.

Nhóm này chủ yếu tuyển dụng những phụ nữ ít học, có hoàn cảnh gia đình dở dang, và dùng giáo lý Cơ Đốc để “dụ dỗ” họ, theo truyền thông Trung Quốc.

Các thành viên bị cấm sử dụng điện thoại di động, cấm xem truyền hình hoặc đọc sách phi tôn giáo và bị buộc phải “xem các video có mục đích tẩy não,” Tân Hoa xã cho biết thêm.

Vào năm 2012, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch đàn áp nhóm tà đạo “Đấng Toàn năng” sau khi nhóm này kêu gọi một “trận chiến quyết định” để tiêu diệt các thành viên Đảng Cộng sản mà họ gọi là “Đại Xích Long” hay “Rồng Đỏ” và rao giảng rằng thế giới sẽ kết thúc vào năm đó.

Hiến pháp của Trung Quốc cho phép tự do tín ngưỡng, nhưng trên thực tế, Đảng Cộng sản thắt chặt tất cả các hoạt động tôn giáo và đàn áp các giáo phái bị cấm vì cho rằng các nhóm này gây bất ổn xã hội và làm gia tăng bạo lực.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-xu-chuc-sac-nh%C3%B3m-ta-dao-chong-cong-san/4526009.html

 

Hội nghị Bắc Đới Hà :

Thách thức quyền lực tuyệt dối của Tập Cận Bình

Anh Vũ

Trong tuần qua, truyền thông chính thức tại Trung Quốc đã loan báo nhiều dấu hiệu cho thấy hội nghị Bắc Đới Hà đang diễn ra. Đó là cuộc họp kín, không chính thức, nhưng lại rất quan trọng, giữa các cựu quan chức cao cấp của đảng và lãnh đạo đương nhiệm của chế độ Bắc Kinh. Các đường lối chính sách, nhân sự lãnh đạo đảng đương nhiệm sẽ được đưa ra để mổ xẻ.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh chính phủ Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong điều hành kinh tế và cuộc chiến thương mại với Mỹ càng làm cho nội bộ đảng Cộng sản chia rẽ, hội nghị này sẽ là một thách thức cho chính sách và quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình, cho dù ông vừa dọn đường thành công để làm lãnh đạo Trung Quốc suốt đời.

Ngay từ khi lên lãnh đạo Trung Quốc cho đến khi quyền lực thâu tóm gần như tuyệt đối, ông Tập luôn phải đối mặt với hàng loạt thách thức về chính trị, kinh tế và tranh giành quyền lực. Các chỉ trích, chống đối trong nội bộ tăng tỷ lệ thuận với phạm vi quyền hành của ông Tập Cận Bình.

Giáo sư Đại học Hồng Kông, Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), một nhà quan sát lâu năm tình hình Trung Quốc, được hãng tin AP trích dẫn, nhận định « vì tập trung hết quyền lực nên ông Tập phải chịu trách nhiệm tất các mặt trái cũng như thất bại về chính trị … Ông không thể đổ trách nhiệm được cho ai khác».

Những thách thức đến lúc này chưa thể là mối đe dọa cho quyền lực tuyệt đối của ông Tập. Nhưng rõ ràng là với nhiều người Trung Quốc, lòng tin vào chế độ đang có vấn đề. Cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng đẩy kinh tế Trung Quốc vào như thế khó, trước nguy cơ tổn thất hàng trăm tỷ đô la. Nhiều tiếng nói chỉ trích cho rằng Bắc Kinh không có chiến lược phù hợp để đối phó với Washington, ít ra là hướng tới các cuộc thương lượng, tránh gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Hiện tại phương sách của Bắc Kinh dường như vẫn chỉ là phản ứng đáp trả, nhưng rõ ràng đó là sự đáp trả yếu ớt. Một hội nghị của đảng tháng trước đã thừa nhận những yếu tố từ bên ngoài đang đè nặng lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Ở trong nước, vụ bê bối vắc xin giả lại càng làm dấy lên lo ngại về khả năng kiểm soát của chính phủ đối với hoạt động của những công ty đang lũng đoạn nền kinh tế. Tuần trước, chính quyền đã phải tìm mọi cách để dẹp một cuộc biểu tình lớn ở Bắc Kinh của hàng ngàn người bị trắng tay do hàng loạt tổ chức tín dụng đổ bể. Người biểu tình lên án chính phủ đã không có khả năng cải cách hệ thống tài chính để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đó là bằng chứng cho thấy chế độ độ đang bị mất lòng tin trầm trọng trong dân trên lĩnh vực quản lý kinh tế.

Giáo sư chính trị Đại học Nhân dân Bắc Kinh, ông Trương Minh khẳng định : « Lòng tin là quan trọng nhất, việc dân mất lòng tin với chính phủ sẽ có sức tàn phá rất lớn ».

Cuộc họp hàng năm của các quan chức cấp cao đã nghỉ hưu và lãnh đạo đương nhiệm tại Bắc Đới Hà do Mao Trạch Đông khởi xướng và đã đi vào truyền thống của chế độ Bắc Kinh. Chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động sẽ là một chủ đề quan trọng sẽ được các « trưởng lão » trong đảng mang ra bàn thảo và chất vấn.

Báo Bưu điện Hoa Nambuổi sáng (SCMP) hôm 8/8 trích dẫn giáo sư Trương Minh, cho biết tình hình đang diễn biến phức tạp, phe đối lập có thể phản pháo ông Tập Cận Bình ngay tại hội nghị Bắc Đới Hà. Trong khi đó, cuộc chiến chống tham nhũng không có hồi kết đã được chính ông Tập thừa nhận là đang gặp thách thức lớn.

Trong chiến dịch « đả hổ diệt ruồi », ông Tập Cận Bình đã phá vỡ các quy tắc bất thành văn trong đảng đó là các thành viên cao cấp của Trung ương, Bộ chính trị đương nhiệm hoặc nghỉ hưu thì phải được miễn trừ xử lý. Điều này càng củng cố các suy đoán cho rằng các nhóm chính trị bị tước đi các đặc quyền đặc lợi trong đảng Cộng Sản đang cố gắng tập hợp để đối phó với Tập cận Bình.

Trong chính trị Trung Quốc, cuộc họp Bắc Đới Hà từ lâu nay vẫn là dịp để các vị lãnh đạo về hưu xem xét đường lối của người kế nhiệm và cho ý kiến đóng góp thêm cho các quyết sách của đảng. Nhưng trên thực tế đó cũng là nơi để các « trưởng lão » của đảng thể hiện sự ảnh hưởng còn lại của mình trên chính trường. Vì thế hội nghị cũng là cơ hội lý tưởng để các phe cánh trong đảng vận động hậu trường  tranh giành quyền lực hay tìm cách bảo vệ mình.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180813-hoi-nghi-bac-doi-ha-thach-thuc-quyen-luc-tuyet-doi-cua-tap-can-binh

 

Thủ tướng Malaysia

sẽ hủy các dự án ký với Trung Quốc

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết Malaysia sẽ hủy bỏ một số dự án cơ sở hạ tầng có vốn đầu tư trị giá hàng tỷ đô la được ký với Trung Quốc dưới thời người tiền nhiệm của ông là Thủ tướng Najib Razak.

Ông Mahathir nói như vậy vào ngày 13 tháng 8 trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP chỉ vài ngày trước khi ông lên đường sang thăm Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền 3 tháng trước.

Các dự án được nói tới là dự án đường ống dẫn khí và tuyến đường sắt dọc bờ biển miền Đông Malaysia.

Thủ tướng Malaysia nói lý do ông muốn bỏ các dự án này vì chúng không cần thiết. Ông nói thêm là nếu việc bỏ các dự án này không thực hiện được thì ít nhất cũng phải ngưng cho đến khi có nhu cầu trong tương lai.

Nhà lãnh đạo 93 tuổi cho biết ông muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và sẵn sàng chào đón đầu tư từ Hoa Lục nhưng với điều kiện là các dự án đó phải có lợi cho Malaysia.

Dưới thời của Thủ tướng Najib, Malaysia thân với Trung Quốc hơn. Trung Quốc cũng coi Malaysia là một phần quan trọng trong dự án Vành Đai Con Đường mà nước này đưa ra. Ông Najib đã ký thỏa thuận với Trung Quốc về hai dự án đường sắt và đường ống dẫn khí do các công ty quốc doanh của Trung Quốc xây dựng vào năm 2016 với trị giá lên đến hơn 22 tỷ đô la. Một phần trong số tiền này đã được trả cho Trung Quốc và Malaysia không thể lấy lại.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, người đứng đầu Chính phủ Kuala Lumpur còn kêu gọi Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải trên khu vực Biển Đông, vùng biển mà Hoa Lục và nhiều quốc gia Đông Nam Á bao gồm cả Malaysia đang có tranh chấp.

Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn trên biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra.

Thủ tướng Malaysia cũng từng cảnh báo về tình trạng quân sự hóa trong khu vực và kêu gọi các nước không nên đưa cố định tàu chiến vào vùng nước tranh chấp.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/ap-interview-malaysias-mahathir-aims-to-scrap-china-deals-08132018094005.html

 

Samsung có thể

đóng cửa nhà máy điện thoại ở Trung Quốc

Công ty Điện tử Samsung đang xem xét đình chỉ hoạt động tại nhà máy sản xuất điện thoại di động ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, do doanh thu sút giảm và chi phí lao động tăng cao, theo hãng tin Reuters.

Trong năm nay, Công ty Samsung có thể ngừng sản xuất điện thoại di động tại nhà máy Thiên Tân Samsung Telecom Technology, Reuters dẫn nguồn tin từ một tờ báo Hàn Quốc cho biết.

Hôm 13/8, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới cho biết rằng chưa có quyết định nào được đưa ra về số phận của nhà máy Samsung ở thành phố Thiên Tân.

Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, hãng Samsung nói: “Thị trường điện thoại thông minh nói chung đang gặp khó khăn do mức tăng trưởng chậm lại. Nhà máy Samsung ở Thiên Tân đang đặt ra mục tiêu tập trung vào các hoạt động gia tăng khả năng cạnh tranh và tính hiệu quả.”

Chỉ cách đây 5 năm, Samsung chiếm được 20% thị phần ở Trung Quốc, nhưng trong năm nay thị phần đã giảm xuống dưới 1%, bị Huawei, Xiaomi và các thương hiệu khác của Trung Quốc qua mặt, đặc biệt là do giá rẻ hơn.

Trong những năm gần đây, Samsung đã tập trung đầu tư với số vốn lớn để sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam và Ấn Độ.

Vào tháng trước, hãng này cũng đã mở nhà máy điện thoại thông minh lớn nhất thế giới bên ngoài thủ đô New Delhi của Ấn Độ, dự kiến sẽ trở thành một trung tâm xuất khẩu tầm cỡ.

Theo Thời báo Electronic Times, nhà máy của Samsung ở Thiên Tân sản xuất 36 triệu điện thoại di động/năm và nhà máy Samsung ở Huệ Châu sản xuất 72 triệu chiếc mỗi năm, trong khi hai nhà máy ở Việt Nam sản xuất 240 triệu chiếc mỗi năm.

https://www.voatiengviet.com/a/samsung-co-the-dong-cua-nha-may-dien-thoai-o-trung-quoc/4526242.html

 

Lãnh đạo hai miền Triều Tiên

sắp gặp lại nhau ở Bình Nhưỡng

Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 13/8 đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở miền Bắc vào tháng 9, một bước tiến khác thúc đẩy hợp tác giữa các cựu địch thủ, trong bối cảnh vẫn có sự nghi ngờ về nỗ lực chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của miền Bắc.

Theo tường thuật của Reuters, các quan chức hai bên họp tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nằm trong khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên, đã đạt được đồng thuận về cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước ở thủ đô Bình Nhưỡng của miền Bắc vào tháng 9.

Ngày giờ cụ thể cho cuộc họp thứ ba trong năm nay giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chưa được thông báo.

Hai lãnh đạo đã gặp nhau lần đầu tiên vào tháng Tư ở làng Bàn Môn Điếm. Đây được xem là một sự tan băng đáng kể trong mối quan hệ giữa hai nước sau hơn một năm căng thẳng tăng cao và mối lo ngại xảy ra chiến tranh do việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của miền Bắc.

Tại cuộc gặp này, hai bên đồng ý rằng Tổng thống Moon sẽ đến thăm thủ đô miền Bắc vào mùa thu, mặc dù hai lãnh đạo đã gặp lại nhau vào tháng Năm trong một cuộc họp không báo trước tại Bàn Môn Điếm.

Chi tiết về chương trình nghị sự của cuộc họp vào tháng tới không được công bố, nhưng hai miền Triều Tiên đang thảo luận một loạt các vấn đề, từ tuyên bố hòa bình cho đến các dự án chung về cơ sở hạ tầng và kinh tế.

Bước tiến giữa hai miền Triều Tiên diễn ra vào lúc Triều Tiên và Hoa Kỳ đang cố gắng để thỏa thuận về việc làm thế nào thực hiện giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên, sau khi ông Kim cam kết sẽ tiến tới mục tiêu này tại cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 6 tại Singapore với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các giới chức Mỹ nói với Reuters rằng Triều Tiên vẫn chưa đồng ý về khung thời gian để phá hủy hay tiết lộ quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng theo ước tính của Mỹ là vào khoảng 30-60 đầu đạn.

Sau các cuộc đàm phán hôm 13/8, ông Ri Son Gwon, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên, nói với người đồng nhiệm Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Cho Myoung-gyon, rằng điều quan trọng là phải xóa bỏ “những trở ngại” ngăn cản mối quan hệ liên Triều tiến tới.

Một vấn đề gần đây đã khiến Triều Tiên tức giận là trường hợp hàng chục công nhân nhà hàng Triều Tiên đã sang miền Nam vào năm 2016 qua ngả Trung Quốc.

Miền Bắc nói những công nhân này bị miền Nam bắt cóc và nên trả họ lại. Theo Reuters, điều này nhiều khả năng sẽ gây trở ngại cho cuộc đoàn tụ của một số gia đình bị chia cắt bởi cuộc chiến Triều Tiên giai đoạn 1950-1953, theo kế hoạch diễn ra vào tuần tới.

Bộ trưởng Cho không cho biết liệu Triều Tiên có đưa vấn đề này ra trong cuộc họp hôm 13/8 hay không, mà chỉ nói rằng nước này không đưa ra những vấn đề mới.

Ông Cho cho biết hai bên đã trao đổi quan điểm về việc giải trừ hạt nhân ở miền Bắc và về cơ chế hòa bình để thay thế cho thỏa thuận đình chiến, đã kết thúc việc giao tranh trong chiến tranh Triều Tiên.

Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, ông Moon và ông Kim đã đồng ý thúc đẩy tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên cùng với Hoa Kỳ trong năm nay, nhưng Washington nói rằng điều đó chỉ có thể xảy ra sau khi miền Bắc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Tháng trước, truyền thông nhà nước miền Bắc chỉ trích miền Nam với cáo buộc chỉ quan tâm đến quan điểm của Hoa Kỳ và không thực hiện các bước thiết thực để thúc đẩy quan hệ liên Triều.

Hàn Quốc hy vọng khởi động lại các nỗ lực về tuyến đường sắt xuyên bán đảo và một khu công nghiệp chung, nhưng tỏ ra thận trọng với các dự án lớn vì các lệnh trừng phạt quốc tế, chủ yếu do Washington khởi xướng, vì các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Miền Bắc kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt các biện pháp trừng phạt, nói rằng họ đã thể hiện thiện chí, bao gồm dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, tháo dỡ một địa điểm hạt nhân, và trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên .

Ông Ri cho biết hai bên đã đồng ý về ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Theo lời phát ngôn viên văn phòng tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom, hội nghị thượng đỉnh khó có thể xảy ra trước ngày lập quốc 9/9, một ngày lễ lớn của Triều Tiên.

https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-hai-mien-trieu-tien-sap-gap-lai-nhau-o-binh-nhuong/4526228.html