Tin Việt Nam – 12/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 12/08/2018

Giáo xứ Mỹ Khánh cầu nguyện

cho 3 tù nhân lương tâm sắp bị xét xử

Giáo xứ Mỹ Khánh ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, hôm Thứ Bảy có buổi cầu nguyện cho công lý, hòa bình và cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm, trong đó có ba người sắp bị đưa ra xét xử là ông Lê Đình Lượng, ông Nguyễn Trung Trực và Bà Huỳnh Thục Vy.

Ông Lê Đình Lượng dự trù sẽ ra tòa ở Nghệ An vào ngày 16 tháng 8 này với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Ông Lê Đình Lượng từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Cộng và ký thỉnh nguyện thư đòi ngưng khai thác bôxit ở Tây Nguyên. Năm 2016, ông đồng hành cùng ngư dân miền Trung đấu tranh đòi công ty Formosa bồi thường cho các nạn nhân thảm họa môi trường biển. Từ nhiều năm nay, ông cũng tranh đấu ôn hòa chống vấn đề lạm thu học phí.

Ông Nguyễn Trung Trực là thành viên cuối cùng của Hội Anh Em Dân Chủ bị đưa ra xét xử về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Công an tỉnh Quảng Bình bắt giữ ông không có lý do vào đầu tháng 8 năm 2017 và dự trù đưa ông ra tòa vào ngày 17 tháng 8 này.

Bà Huỳnh Thục Vy mới bị truy tố trong tuần lễ vừa qua về tội “vi phạm quốc kỳ”. Bà là một trong những thành viên sáng lập của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam.

Quản xứ Mỹ Khánh là Linh Mục Antôn Đặng Hữu Nam kêu gọi giáo dân cầu cho các tù nhân lương tâm luôn kiên vững, chấp nhận bất công để đem lại công lý, sự thật, nhân phẩm, dân chủ và nhân quyền cho con người.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/giao-xu-my-khanh-cau-nguyen-cho-3-tu-nhan-luong-tam-sap-bi-xet-xu/

 

Lấy Nhà, Đền $70.000/m2, Bán Đấu Giá $40 Triệu

QUI NHƠN — Đền bù 1, nhưng bán lại giá gấp 572 lần. Đó là chuyện cán bộ Bình Định.

Bản tin trên báo Xây Dựng và Dân Trí kể chuyện ở tỉnh Bình Định: Lấy đất của dân đền bù 70.000 đồng/m2, bán đấu giá 40 triệu/m2.

Cử tri phường Thị Nai (TP Quy Nhơn) cho rằng việc đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trên địa bàn “có vấn đề”. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu người dân phát hiện chỉ một trường hợp tiêu cực.

Chiều 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có buổi tiếp xúc cử tri phường Thị Nại.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, người dân yêu cầu đại biểu HĐND tỉnh, thành phố làm rõ về các chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng dự án xây dựng quốc lộ 19 mới từ cảng Quy Nhơn đến quốc lộ 1 (đoạn đi qua phường Thị Nại) và phía Bắc đường Đống Đa; tình trạng ô nhiễm môi trường… Đặc biệt cử tri cho rằng đang có những bất công trong đền bù giải phóng mặt bằng tại địa phương.

Bản tin ghi lời Cử tri Trần Đức Thịnh (phường Thị Nại) trình bày: “Tôi được biết, dự án vệ sinh môi trường và làm bờ kè đường Đống Đa ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân phường Thị Nại. Tuy nhiên, từ trước giải phóng người dân sinh sống ở đây bồi đắp đất đai nhưng khi thu hồi đất lại tính đất giá nông nghiệp chỉ 70.000 đồng/m2. Điều chúng tôi bức xúc là bên thi công dự án bán đấu giá không dưới 40 triệu/m2 để lấy tiền thực hiện dự án. Như vậy có công bằng hay không? Hay những hộ dân xây dựng nhà vi phạm do thành phố không quản lý chặt chẽ nhưng khi thu hồi đất lại được đền bù tái định cư, còn những hộ chấp hành không xây nhà thì chỉ được đền bù theo giá đất nông nghiệp”.

Bản tin cũng ghi lời anh Huỳnh Tấn Minh trình bày: “3 anh em trong gia đình tôi cùng ở trên khu đất 131m2. Khi dự án thu hồi toàn bộ diện tích đất chỉ bố trí tái định cư có 50m2 thì 3 hộ ở bằng cách nào? Chưa kể, một số hộ cũng như gia đình tôi thì được đền bù với mức giá 15 triệu đồng/m2, còn gia đình tôi chỉ được áp giá 6,8 triệu đồng/m2”.

Sau khi lắng nghe ý kiến cử tri, ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ghi nhận và chia sẻ những bức xúc của người dân. “Tới đây, UBND tỉnh sẽ có cuộc họp và yêu cầu các cơ quan liên quan trả lời có hay không những vấn đề mà người dân phản ánh việc đền bù giải phóng mặt bằng thiếu công bằng. Tỉnh không bao giờ bao che cho sai phạm, nếu bà con phát hiện một trường hợp nào tiêu cực thì làm đơn gửi UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm”, ông Dũng khẳng định.

Lý giải các khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án trên, ông Dũng cho rằng, nhiều trường hợp người dân không chấp hành đúng quy định nhà nước mà thực hiện lấn chiếm, cất nhà trái phép. Song ông Dũng cũng thừa nhận có lỗi của cơ quan nhà nước khi buông lỏng quản lý.

https://vietbao.com/p124a284279/lay-nha-den-70-000-m2-ban-dau-gia-40-trieu

 

Tin Saigon :

Hàng Mã, Du Khách, Thốt Nốt, Phế Liệu, Nhãn…

Xuân Niệm

Vậy là phố hàng mã dần dà cũng tiêu điều… Cõi âm hóa ra đâu còn làm cho cõi dương sợ nữa.

Bản tin VTC ghi rằng: Thủ phủ sản xuất hàng hiệu cho người cõi âm kêu ế ẩm thảm hại…

Nửa tháng trước dịp Rằm tháng 7 (âm lịch), thủ phủ vàng mã lớn tại miền Bắc là Phố Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) rục rịch chuẩn bị đồ vàng mã bán ra thị trường nhưng nhiều tiểu thương than thở ế ẩm thảm hại, làm 10 bán được 2.

Báo Lao Động kể: Còn nhiều việc phải làm sau con số 93,46% du khách hài lòng…

Coi bộ thống kê lạc quan… Con số này có đúng hay không?

Bản tin ghi rằng: Tổng cục Du lịch công bố kết quả khảo sát khách quốc tế năm 2017, theo đó, có 93,46% số khách hài lòng và rất hài lòng; 5,91% đánh giá mức bình thường; 0,63% đánh giá ở mức không hài lòng và rất không hài lòng.

Một con số lý tưởng vượt qua sức tưởng tượng của người lạc quan nhất. Bởi vì, ngay cả các nước có ngành du lịch phát triển và chất lượng cao, thì con số hài lòng đến trên 93% cũng là mơ ước của họ.

Báo Công Thương kể chuyện An Giang: Tìm đầu ra cho đường thốt nốt Bảy Núi.

Ban Quản lý và Điều hành dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer tỉnh An Giang” tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã tổ chức Hội nghị sơ kết năm thứ 2 thực hiện dự án.

Trong thời gian thực hiện, dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer tỉnh An Giang” đã thu được những kết quả khả quan. Nhiều hoạt động hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm truyền thống vùng Bảy Núi đã được thực hiện với mục tiêu hướng đến lợi ích lâu dài cho các hộ tham gia.

Diễn Đàn Doanh Nghiệp kể: “Là người hưởng lợi trong việc này nhưng tôi cho rằng, sau khi Trung Quốc đã cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng phế liệu, đã đến lúc Việt Nam cũng phải nghĩ đến điều đó”.

Đó là những chia sẻ thẳng thắn của ông Vũ Xuân Thịnh – Giám đốc Công ty cổ phần Giấy Hải Âu (Tập đoàn HAPACO, Hải Phòng), đơn vị vừa bị “ách” hàng trăm container phế liệu giấy nhập khẩu đang phải giải quyết. Tuy vậy, ông Thịnh cũng phân tích: “Tuy nhiên chính sách cần có “độ trễ” cần thiết để doanh nghiệp thích ứng kịp. Vì hiện nay nguồn giấy phế liệu nhập khẩu chiếm tới 30-50% nguyên liệu đầu vào của không ít doanh nghiệp giấy”.

Bản tin VOV kể: Chưa vào vụ nhãn lồng Hưng Yên, hàng nhái được rao bán nhan nhản.

Các vườn nhãn lồng Hưng Yên chưa vào vụ thu hoạch nhưng tại các chợ, đường phố Hà Nội, mạng xã hội nhãn “nhái” thương hiệu được bày bán nhan nhản.

Vào thời điểm từ ngày 20/8 tới cuối tháng 9, nhãn lồng Hưng Yên mới chín và cho thu hái. Tuy nhiên, thời điểm này, nhãn “nhái” thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên được bày bán tại các chợ truyền thống, dọc các vỉa hè trên nhiều tuyến phố của Hà Nội và trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo…

Nhãn được bày bán với giá khá rẻ chỉ từ 18.000 – 35.000 đồng/kg tùy chất lượng quả. Hầu hết, khi được hỏi nguồn gốc xuất xứ của nhãn bày bán nhiều người khẳng định đây là nhãn lồng Hưng Yên.

Báo Đầu Tư Chứng Khoán kể: Việt Nam đang có cơ hội đứng trong top 5 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, nhưng việc vào EU – một thị trường giàu tiềm năng – còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, tháo gỡ rào cản để chinh phục thị trường khó tính này là vấn đề được doanh nghiệp Việt đặc biệt quan tâm.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD như cà phê, điều, gạo, rau quả, hồ tiêu… và có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Báo Pháp Luật kể: Asama Mining hoạt động tương tự như đa cấp lừa đảo kiểu của Sky Mining, iFan.

Sau vụ Sky Mining đang khiến hàng ngàn nhà đầu tư mất trắng tài sản, thì mới đây trên diễn đàn của những người tham gia đầu tư cho vay mua máy đào tiền ảo tại Asama Mining rộ lên thông tin hệ thống này đang ‘hết tiền’ và ban giám đốc thì bỏ ra nước ngoài không rõ tung tích.

Cụ thể ngày 9-8, nhiều nhà đầu tư vào hệ thống Asama Mining đã tố cáo công ty này có dấu hiệu lừa đảo.

Bản tin Zing kể: Chuyến bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Cần Thơ gặp thời tiết xấu, gió giật nên phải hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Phnom Penh (Campuchia).

Sự cố xảy ra vào chiều qua 9/8 trên chuyến bay mang số hiệu VN7201 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines, cất cánh ở Hà Nội lúc 11h40 và dự kiến đến Cần Thơ vào khoảng 13h40 cùng ngày.

Tuy nhiên do thời tiết xấu, máy bay không để đáp xuống sân bay Cần Thơ mà phải hạ cánh xuống sân bay quốc tế Phnom Penh (Campuchia). Sau đó, máy bay mới cất cánh từ Phnom Penh và hạ cánh an toàn xuống Cần Thơ lúc 17h40 cùng ngày.

https://vietbao.com/p121a284276/hang-ma-du-khach-thot-not-phe-lieu-nhan-

 

Chính giới Slovakia ngày càng tin rằng

chuyên cơ chính phủ đã chở Trịnh Xuân Thanh

Một nghị sĩ hàng đầu của Slovakia cho biết ông ngày càng tin là đã có chuyện chuyên cơ chính phủ nước này đã được dùng để chở một công dân Việt Nam bị bắt cóc ở Đức ra khỏi Châu Âu.

Hãng tin TASR của Slovakia hôm Thứ Bảy 11 tháng 08 cho hay, Nghị Viện Slovakia trong hai ngày liên tiếp trước đó đã có các cuộc họp của các ủy ban chuyên trách về tình báo và an ninh quốc phòng. Giới chức cơ quan tình báo Slovakia SIS đã phải ra giải trình trước các nghị sĩ về tất cả những gì họ biết về chiếc chuyên cơ chính phủ mà Bộ Trưởng Nội Vụ Slovakia Robert Kalinak đã cho phái đoàn của bộ trưởng công an CSVN Tô Lâm mượn để bay đi Moscow hồi cuối tháng 7 năm 2017.

Ông Gabor Grendel, chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Cơ Quan Tình Báo thuộc Nghị Viện Slovakia, xác định với truyền thông rằng SIS không hề tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nhưng ông cho biết, sau cuộc họp của ủy ban do ông đứng đầu và cuộc họp một ngày trước đó của Ủy Ban Quốc Phòng Và An Ninh, mối nghi ngờ rằng ông Thanh đã được đưa ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ chính phủ Slovakia đã trở nên ngày càng chắc chắn hơn. Ông giải thích rằng, người Đức và mọi nguồn khác đều không cung cấp được một con đường nào khác ngoài con đường đi qua Slovakia. Nghị sĩ Grendel cũng nói rằng, Giám đốc SIS Anton Safarik đã trả lời mọi câu hỏi của các thành viên ủy ban một cách đầy đủ.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/chinh-gioi-slovakia-ngay-cang-tin-rang-chuyen-co-chinh-phu-da-cho-trinh-xuan-thanh/

 

Cần chuyển ngay trại giam giữ sang cho Bộ Tư pháp?

LS Ngô Ngọc TraiGửi tới BBC từ Hà Nội

Hiện nay các ban ngành của nhà nước Việt Nam đang thực hiện chính sách cải cách sắp xếp lại tổ chức của Bộ Công an.

Trước đây Bộ Công an có 6 Tổng cục gồm: Tổng cục An ninh (Tổng cục I), Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục II), Tổng cục Chính trị (Tổng cục III), Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Tổng cục IV), Tổng cục Tình báo (Tổng cục V), Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII).

Bây giờ thực hiện theo chính sách cải tổ mới theo Nghị định 01 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an vừa được triển khai, theo đó Bộ Công an sẽ không còn cấp tổng cục mà các đơn vị sẽ được sắp xếp tinh gọn thành các đơn vị cấp Cục trực thuộc Bộ.

Tư pháp Việt Nam kém được coi trọng?

Việt Nam: Chỉ đạo án không hẳn là xấu?

Vụ ông Thăng: Đâu là trách nhiệm của Đảng?

Theo sắp xếp mới Bộ công an sẽ có hai Cục thực hiện việc quản lý giam giữ gồm Cục Cảnh sát Quản lý Trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và Cục Cảnh sát Quản lý Tạm giữ tạm giam, thi hành án hình sự tại cộng đồng;

Hai cục này được hiểu là phần còn lại đảm nhiệm vai trò quản lý giam giữ của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) trước đây nay đã bị bãi bỏ.

Việc này nên làm ngay thay vì để một thời gian rồi sẽ vẫn phải làm, vì như thế sau khi mọi thứ đã ổn định sẽ lại phải khởi động một chương trình cải cách sắp xếp mới đối với Bộ công an trong vấn đề giam giữ.LS Ngô Ngọc Trai

Nay nhân dịp chương trình cải cách sắp xếp lại bộ máy ngành công an hiện nay, Chính phủ nên thực hiện luôn một chương trình đã dự trù lâu nay là chuyển giao việc quản lý giam giữ từ Bộ Công an sang cho Bộ Tư pháp.

Tức là thay vì để hai cục thực hiện việc quản lý giam giữ nói trên trực thuộc Bộ công an thì nên chuyển ngay sang cho Bộ tư pháp.

Việc này nên làm ngay thay vì để một thời gian rồi sẽ vẫn phải làm, vì như thế sau khi mọi thứ đã ổn định sẽ lại phải khởi động một chương trình cải cách sắp xếp mới đối với Bộ công an trong vấn đề giam giữ.

Những điều đã làm được

Ngày 02/6/2005 Bộ Chính trị Đảng cộng sản đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chính thức đặt nền móng cho các hoạt động về cải cách nền tư pháp.

Nghị quyết 49 đã nêu ra một loạt phương hướng đề án như Hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp, xã hội hóa các hoạt động công chứng và thừa phát lại, nội dung này đã được thực hiện trên thực tế.

Hay như nội dung “Nghiên cứu trình Quốc hội xem xét việc thành lập Ủy ban Tư pháp của Quốc hội” cũng đã được thực hiện.

VN: ‘Xử pháp nhân thương mại là tiến bộ’

Làm luật ở Việt Nam kém chất lượng?

‘Bước lùi lớn trong lịch sử luật pháp VN?’

Nghị quyết 49 cũng nêu “Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch, các đề án và lộ trình để cụ thể hóa các nhiệm vụ cải cách tư pháp hàng năm; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp…”. Nội dung này cũng đã được thực hiện.

Đặc biệt trong Nghị quyết 49 có đề ra mục tiêu như từng bước sửa đổi hoàn thiện pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp… thì những mục tiêu này cơ bản đã được thực hiện.

Mục tiêu chưa thực hiện

Nhưng có một mục tiêu liên quan đến công tác giam giữ mà đến năm 2010 vẫn chưa được thực hiện, không chỉ thế cho đến mãi hiện nay đây vẫn còn là một vấn đề tranh cãi, đó là mục tiêu “Chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để thực hiện việc chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án cho Bộ Tư pháp”.

Theo nội dung này của Nghị quyết 49 thì công tác thi hành án sẽ được chuyển giao sang cho Bộ Tư pháp quản lý. Thực hiện theo tinh thần này năm 2005 Bộ Tư pháp khi đó đã đề xuất chuyển giao lực lượng quản lý trại giam từ Bộ Công an sang cho Bộ Tư pháp.

Theo ý kiến của Bộ Tư pháp khi đó thì qua khảo sát phần lớn các nước như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc… đều giao cho Bộ Tư pháp quản lý thi hành án hình sự và các trại giam để dân sự hóa hoạt động thi hành án hình sự.

Theo Bộ Tư pháp giải thích thì dân sự hóa – có nghĩa là lực lượng quản lý trại giam sẽ không phải là lực lượng vũ trang. Lực lượng quản lý trại giam sẽ không trang bị vũ khí “nóng”, chỉ có một số công cụ hỗ trợ như dùi cui, roi điện…

Bộ Tư pháp cũng cho rằng việc chuyển đổi nhằm bảo đảm sự khách quan, vì cơ quan điều tra vừa có chức năng điều tra, lại vừa trực tiếp giam giữ họ thì không bảo đảm khách quan.

Trước những lo ngại xáo trộn, Bộ Tư pháp khi đó cho rằng việc chuyển đổi được thực hiện theo nguyên tắc chuyển giao “trọn gói” toàn bộ nhân sự, tổ chức, bộ máy thi hành án hình sự hiện có. Vì thế sẽ không tạo ra sự xáo trộn về tổ chức và cán bộ cũng như về cơ sở vật chất và kỹ thuật.

Nhưng đề xuất khi đó của Bộ tư pháp đã không được thực hiện.

Sau đó 10 năm, vào năm 2015 khi thảo luận ban hành Luật thi hành tạm giữ, tạm giam Ủy ban tư pháp của Quốc hội lại nêu lại đề xuất chuyển giao cơ quan quản lý trại giam từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp.

Đề xuất nhằm mong muốn tách bạch giữa các hoạt động giam giữ và điều tra để ngăn ngừa giảm bớt các vấn đề bức cung nhục hình, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự, nhưng một lần nữa đề xuất của Ủy ban Tư pháp đã không được chấp nhận.

Cho đến hiện nay chỉ có công tác thi hành án dân sự là được Bộ Tư pháp nắm giữ quản lý, còn công tác thi hành án hình sự thì vẫn do Bộ Công an nắm giữ. Các trại giam dành cho người thi hành án phạt tù, trại tạm giam dành cho người đang bị điều tra truy tố xét xử vẫn do Bộ Công an quản lý.

Cũng có nghĩa là suốt thời gian qua một nội dung quan trọng về cải cách tư pháp của Nghị quyết 49 của Bộ chính trị năm 2005 đã không được thực hiện.

Đến nay các ban ngành đang thực hiện chính sách cải cách sắp xếp lại Bộ Công an, đã đến lúc thích hợp để thực hiện hoàn tất chủ trương mà trước sau gì cũng phải thực hiện, đó là hoàn tất việc chuyển giao các Trại giam giữ sang cho Bộ Tư pháp.

*Bài phản ánh văn phong và quan điểm của riêng tác giả, luật sư sống và làm việc ở Hà Nội.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45161372

 

Sơn La bỏ kế hoạch buộc công chức

trích tiền lương xây tượng đài Hồ Chí Minh

Nhà cầm quyền tỉnh Sơn La cho biết đã đình chỉ kế hoạch vận động công chức trong toàn tỉnh trích tiền lương xây tượng đài Hồ Chí Minh tốn kém hơn 60 triệu Mỹ kim. Báo Dân Trí hôm Thứ Sáu 10/08 dẫn lời ông Nguyễn Văn Cảnh, chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, cho biết lý do tỉnh Sơn La dừng kế hoạch vận động vừa nêu một mặt để tránh dư luận xấu, nhưng chủ yếu là do số tiền vận động từ công chức toàn tỉnh không thấm tháp gì so với kinh phí xây tượng đài. Ông Cảnh còn hứa rằng, tỉnh sẽ hoàn tiền đóng góp cho những công chức nào đã trích tiền lương ủng hộ dự án xây tượng đài.

Từ ba năm trước, dư luận trong nước đã xôn xao về việc tỉnh Sơn La dự tính xây tượng đài Hồ Chí Minh với kinh phí 1,400 tỷ đồng (hơn 62 triệu Mỹ kim). Quan chức tỉnh này đã vội vàng lên tiếng giải thích, rằng tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ với mức kinh phí dự trù khoảng 200 tỷ đồng, tương đương gần 9 triệu Mỹ kim. Còn toàn thể dự án rộng 20 héc ta còn bao gồm một loạt hạng mục khác như quảng trường, trung tâm hành chính mới, viện bảo tàng, và cả một đền thờ Hồ Chí Minh.

Chánh văn phòng Nguyễn Văn Cảnh nói rằng, nếu mỗi công chức trong tỉnh Sơn La ủng hộ một ngày lương, thì số tiền đó vẫn chưa đủ để thanh toán phí tổn trồng cây trong dự án, lên tới khoảng 20 tỷ đồng, tương đương 900,000 Mỹ kim.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/son-la-bo-ke-hoach-buoc-cong-chuc-trich-tien-luong-xay-tuong-dai-ho-chi-minh/

 

Bảng hiệu và vé xe lửa tuyến Cát Linh-Hà Đông

đều dùng chữ Hán

Ảnh: FB Lê Công Định

Dư luận trong nước Việt Nam mấy hôm nay chưa hết xôn xao vì những bảng hiệu trong hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông đều dùng chữ Hán, thì nay xuất hiện loại vé đi những chuyến tàu chạy thử cũng in chữ Hán.

Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về sự việc người đi đường ở Hà Nội bắt gặp những bảng tên đường và bảng chỉ dẫn mới được gắn lên tại các nhà ga thuộc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Tất cả các bảng hiệu này đều có chữ Hán kèm theo chữ Việt. Báo mạng Zing còn chỉ ra rằng, trên nhiều bảng hiệu, phần chữ Hán lớn hơn và được đặt phía trên phần chữ Việt, một vi phạm đối với luật lệ về chữ trên bảng hiệu ở Việt Nam.

Trước dư luận phản đối đang nóng lên nhanh chóng, vào hôm Thứ Năm 9 tháng 8, Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN yêu cầu nhà thầu Trung Cộng gỡ các bảng hiệu bằng chữ Hán lớn hơn chữ Việt trên các ga thuộc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Hiện chưa rõ ý định của nhà cầm quyền CSVN là gỡ bỏ mọi bảng hiệu chữ Hán, hay chỉ gỡ bỏ những bảng hiệu có chữ Hán lớn hơn chữ Việt.

Trong khi vụ tai tiếng này chưa lắng xuống thì trên mạng xã hội hôm Thứ Bảy 11 tháng 8 xuất hiện ảnh chụp những tấm vé tàu gọi là “thẻ lên tàu” dành cho giai đoạn vận hành thử. Trên những tấm vé này, chữ Hán lớn bằng chữ Việt và nằm ở phía trên, dường như cũng vi phạm quy luật về trình bày tài liệu song ngữ.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội – Hà Đông có kinh phí ban đầu hơn 550 triệu Mỹ kim, nhưng bị bê trễ nhiều năm, xảy ra nhiều tai nạn do sự cẩu thả của nhà thầu Trung Cộng. Do sự bê trễ, dự án bị tăng kinh phí so với kế hoạch ban đầu lên tới gần 870 triệu Mỹ kim. Mới đây, nhà cầm quyền CSVN đã phải vay thêm của ngân hàng Eximbank Trung Cộng hơn 250 triệu Mỹ kim để tiếp tục dự án.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/bang-hieu-va-ve-xe-lua-tuyen-cat-linh-ha-dong-deu-dung-chu-han/