Tin Biển Đông – 12/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 12/08/2018

Biển Đông: TQ Hù Dọa

Trần Khải

Hù dọa là chuyện bình thường của người phương Bắc hung hăng… Tuy nhiên, lần này TQ nhắm vào Mỹ… Dĩ nhiên, Mỹ không nhượng bộ. Bất kể là trên bầu trời Biển Đông.

Bản tin VOA kể rằng: Hôm 10/8, Hải quân Mỹ dành cho phóng viên CNN cơ hội hiếm hoi được quan sát hoạt động quân sự hóa nhanh chóng của chính phủ Trung Quốc ở Biển Đông.

Từ một máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ, ở độ cao hơn 5.000 mét, phóng viên CNN thấy các bãi cạn được biến thành các doanh trại với các tòa nhà 5 tầng, hệ thống radar lớn, nhà máy điện và đường băng đủ sức đón máy bay quân sự cỡ lớn.

Trong suốt chuyến bay, tổ bay đã nhận 6 lời cảnh báo riêng rẽ từ quân đội Trung Quốc, nói rằng họ đang ở trong lãnh thổ Trung Quốc và thúc giục họ rời đi.

“Hãy rời khỏi ngay lập tức và hãy ở bên ngoài để tránh bất kỳ sự hiểu lầm nào”, lời cảnh báo phát đi qua giọng của một người.

VOA kể rằng máy bay phản lực của Hải quân Mỹ đã bay qua 4 đảo nhân tạo chính trong quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã xây dựng các công trình, là Đá Subi, Đá Chữ thập, Đá Gạc ma và Đá Vành khăn.

Bay bên trên Đá Subi, các cảm biến của chiếc Poseidon phát hiện 86 tàu, bao gồm cả tàu tuần duyên Trung Quốc, neo đậu trong một đầm phá khổng lồ, trong khi đó, trên Đá Chữ thập là một loạt nhà chứa máy bay nằm dọc theo một đường băng dài.

“Thật đáng ngạc nhiên khi thấy các sân bay ở giữa đại dương”, Trung úy Lauren Callen, chỉ huy tổ bay tác chiến trên chuyến bay của Hải quân Mỹ, đưa ra nhận xét.

Mỗi khi máy bay này bị quân đội Trung Quốc cảnh báo, tổ bay của Hải quân Hoa Kỳ đều phản ứng lại với cùng một thông điệp.

“Đây là máy bay của hải quân Hoa Kỳ có chủ quyền và bất khả xâm phạm đang tiến hành các hoạt động quân sự hợp pháp ở bên ngoài không phận quốc gia của bất kỳ quốc gia ven biển nào”, đó là nội dung lời đáp trả.

Phần cuối của thông điệp nêu rõ: “Khi thực hiện các quyền này được luật pháp quốc tế bảo đảm, tôi hoạt động với sự tôn trọng phù hợp đối với quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia”.

Chính phủ Trung Quốc kiên quyết khẳng định các khu vực rộng lớn ở Biển Đông đã trở thành một phần lãnh thổ của nước này “từ thời xa xưa”.

“Đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh có điểm xa nhất các tỉnh cực nam của Trung Quốc tới hơn 1.000 km, bao trùm lên gần như toàn bộ Biển Đông. Liên Hiệp Quốc ước tính 1/3 lượng vận tải hàng hải toàn cầu đi qua nơi này.

Trong khi đó, bản tin RFI kể về một độc chiêu của Bắc Kinh: Một công trình nghiên cứu mới do Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tại Singapore công bố gần đây, và được hãng tin Anh Reuters phân tích hôm 09/08/2018 đã nêu bật một khía cạnh ít được nói đến trong tranh chấp Biển Đông. Đó là việc Bắc Kinh đã dùng các tập đoàn Nhà nước làm công cụ lấn chiếm và áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông.

Báo cáo của nhà nghiên cứu Cung Tuyết (Xue Gong) đã ghi nhận là doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc đang đóng một vai trò ngày càng tăng ở Biển Đông và góp phần giúp Bắc Kinh củng cố thế thống trị trong những năm tới đây.

Công trình đã nêu bật các hoạt động của các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc trong việc phát triển hạ tầng cơ sở, du lịch cũng như dầu khí, mà một số nằm trong vùng tranh chấp với các láng giềng. Bắc Kinh, theo bản nghiên cứu, đã khuyến khích hoạt động của các tập đoàn này. Đối với một số chuyên

gia và nhà ngoại giao, hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ cản trở bất kỳ giải pháp tương lai nào cho khu vực nếu Bắc Kinh bảo vệ họ bằng quân sự và chính trị.

Điểm được ghi nhận đầu tiên là các tập đoàn Trung Quốc hoạt động trong một môi trường phức tạp và thường không rõ ràng, phục vụ cho lợi ích chiến lược của Bắc Kinh trong lúc tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

RFI ghi rằng khi trả lời Reuters, chuyên gia Cung Tuyết nhấn mạnh là các tập đoàn này: «Không thể hoạt động độc lập, nhưng năng nổ tranh thủ cơ hội, và khi môi trường về chính sách thuận lợi thì họ lao vào… Chúng ta đã thấy những dấu hiệu về cách hành xử này ở Biển Đông.»

Đối với tác giả bản nghiên cứu, nếu chính quyền Trung Quốc duy trì được thế thượng phong và quyền định đoạt trong khu vực, đồng thời ổn định được tình hình, thì sẽ có nhiều cơ hội lớn cho các công ty này.

Riêng trong lãnh vực tài chánh, bản nghiên cứu đã nêu lên các khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin, nhưng đánh giá là công việc cải tạo 7 bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo đã tốn kém hàng tỷ đô la.

Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, riêng việc xây dựng Đá Chữ Thập – giờ đây có một phi đạo dài 3 cây số, cơ sở quân sự, có cả hỏa tiễn, radar – đã tốn khoảng 11 tỷ đô la.

Chính việc tiếp tục xây dựng các công trình trên 7 bãi đá này đã gây lo ngại cho Hoa Kỳ và các láng giềng khu vực của Trung Quốc.

Nghiên cứu của chuyên gia Cung Tuyết cho thấy cách thức Tâp Đoàn Xây Dựng Viễn Thông Trung Quốc CCCC (China Communications Construction Corporation) và các công ty con, tận dụng chính sách mà ông Tập Cận Bình tung ra vào năm 2012 để phát triển năng lực hoạt động trên biển nhờ các hợp đồng ở Biển Đông, trong đó có việc đóng tàu nạo vét thuộc loại lớn nhất thế giới.

Tập đoàn CCCC đã lập ra những đơn vị kinh doanh mới tập trung khai thác vùng Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam, và nhắm vào lãnh vực du lịch, cơ sở hậu cần, đánh cá, xây dựng.

Tập đoàn đã cam kết đầu tư 15 tỷ đô la vào những lãnh vực khác nhau. Bản nghiên cứu của bà Cung Tuyết nhận định rằng kế hoạch đó «xuất phát từ việc tập đoàn này đã hưởng lợi từ việc bồi đắp đảo ở Biển Đông nằm trong kế hoạch của nhà nước.»

CCCC cũng hợp tác với những tập đoàn Nhà nước khác, trong đó có tập đoàn du lịch China Travel Service Group (CTSG), để phát triển tuyến du lich đến Hoàng Sa bằng tàu thủy, sau khi giới lãnh đạo không còn ngần ngại ủng hộ những hoạt động như trên.

Theo số liệu của Cơ Quan An Toàn Hàng Hải Hải Nam vào tháng Giêng năm nay, đã có hơn 70.000 khách đi du ngoạn ở Biển Đông từ khi tuyến du lịch Hoàng Sa được mở ra vào tháng 4/2013.

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2017, đã có khoảng 680 chuyến bay thương mại đáp xuống đảo Phú Lâm, nơi đặt Tam Sa, thủ phủ hành chính phụ trách các chiến dịch ở Biển Đông.

Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận: Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Kiểm Soát Vũ Khí & An Ninh Quốc Tế, Andrea L. Thompson sẽ công du Indonesia, Việt Nam và Australia từ ngày 12 đến 26 tháng 8 này.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát đi ngày 10 tháng 8 cho biết chuyến công du của bà Thứ trưởng Ngoại giao Andrea L. Thompson kỳ này nhằm mục đích thảo luận với các giới chức hữu quan của ba nước vừa nêu về cách thức mà phía Hoa Kỳ có thể đóng góp cho một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương mở và tự do.

Tại Việt Nam, bà Andrea L. Thompson sẽ có những cuộc gặp với quan chức cấp cao chính phủ Hà Nội và quân đội nước này nhằm tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực hợp tác an ninh, mậu dịch quốc phòng, an ninh hàng hải, hoạt động giữ gìn hòa bình và các vấn đề nhân đạo.

Có vẻ như chuyện gì cũng chậm, kể cả việc liên minh chống Tàu. Nhưng ai biết được, có vẻ như số mệnh ba đặc khu đã dàn xếp xong: lặng lẽ bán ho TQ chăng?

https://vietbao.com/p123a284298/bien-dong-tq-hu-doa

 

Biển Đông: Hải quân TQ

muốn máy bay Mỹ “rời ngay lập tức”

Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC News vừa tham gia một chuyến bay giám sát trên Biển Đông của Hải quân Mỹ.

Ông tường thuật về những gì ông chứng kiến khi quan sát căn cứ mà Trung Quốc xây ở Đá Subi, Quần đảo Trường Sa.

“Xin hãy rời ngay lập tức và tránh xa khu vực này để tránh có hiểu lầm,” Hải quân Trung Quốc thường xuyên gửi cho các máy bay giám sát của Mỹ những thông báo như vậy.

Đại uý Matt Johnson của Hải quân Mỹ cho biết: “Đây là chuyện thường nhật với chúng tôi trên những chuyến bay này. Chuyện này xảy ra trên các chuyến bay của chúng tôi khi họ phát thông báo và chúng tôi chỉ đáp lại bằng những phản ứng thông thường. Chúng chẳng ảnh hưởng gì tới hoạt động nào của chúng tôi hay những gì chúng tôi làm. “

Đá Subi sẽ là căn cứ lớn của TQ ở Trường Sa?

TQ nói Mỹ ‘kiếm cớ không mời Bắc Kinh tập trận’

Trung Quốc đang đặt hệ thống tên lửa Biển Đông?

Từ Biển Đông đến Một Vành đai của TQ

Ở khoảng cách 12 hải lý, sử dụng hệ thống camera rất tốt của máy bay, nhóm phóng viên BBC quan sát thấy trên đảo có một rừng radar, hangar tàu bay và có lẽ cả một nơi để đỗ các bệ phóng tên lửa.

Cách đây vài năm, cũng tại địa điểm này, hàng triệu tấn cát được bơm vào các bãi đá để tạo vùng đất mới, có bóng dáng đầu tiên của một đường băng, nhưng không có tòa nhà nào.

Những chuyến bay của Hải quân Mỹ không chỉ để giám sát, mà còn cho Trung Quốc thấy Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện ở đây và không lo ngại về việc xây dựng của Trung Quốc.

“Theo nghĩa rộng hơn chúng tôi ở đây để đảm bảo những quyền của mình, máy bay quân sự được phép bay trên không phận quốc tế, để duy trì sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực, cho thấy rằng chúng tôi không lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng. Chúng tôi sẽ tiếp tục có mặt ở đây trên khu vực Biển Đông,” Đại úy Lauren Callen của Hải quân Mỹ cho biết.

Hải quân Trung Quốc cũng phát ra những lời cảnh báo với Hải quân Philippines, nước láng giềng nhỏ và yếu thế hơn, với giọng điệu cứng rắn hơn với Mỹ:

“Máy bay quân sự Philippines, tôi cảnh báo các anh một lần nữa. Rời khỏi đây ngay lập tức, nếu không các anh sẽ chịu trách nhiệm về mọi hậu quả. “

Đá Subi về mặt địa lý nằm gần Việt Nam và Philippines hơn Trung Quốc lục địa, và là đối tượng tranh chấp giữa các nước.

Các chuyên gia cho rằng, với số lượng các tòa nhà như hiện nay, Subi trở thành có kích cỡ tương đương với đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh đang kiểm soát nhưng Hà Nội và Đài Bắc cũng tuyên bố chủ quyền.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45161375

 

Trung Quốc ngầm cảnh báo Việt Nam?

Viễn Đông

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc được cho là đã “bày tỏ hy vọng” với quan chức Việt Nam rằng Hà Nội sẽ “xử sự khôn ngoan hơn” khi giải quyết các vấn đề liên quan tới lãnh hải.

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị mới gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bên lề một sự kiện ngoại giao liên quan tới Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Singapore.

Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã đăng tuyên bố, trong đó ông Vương được trích lời đã nói với ông Minh rằng hai người “đã gặp nhau trước đó không lâu ở Hà Nội” (hồi tháng Tư), và “đã trao đổi sâu về việc thực thi các kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm của Tổng bí thư và Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam”.

Việt Nam chưa mua vũ khí ‘khủng’ của Mỹ?

“Chúng tôi sẵn sàng cùng với phía Việt Nam nỗ lực liên tục làm sâu sắc mối quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực và đồng thời có các nỗ lực tích cực để thúc đẩy ổn định và hòa bình khu vực”, tuyên bố về cuộc gặp hôm 3/8 giữa hai nhà ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc có đoạn.

“Các lãnh đạo hàng đầu của hai bên đã đạt được sự đồng thuận chính trị quan trọng nhằm giải quyết hợp lý các vấn đề hàng hải mà cần phải được Trung Quốc và Việt Nam thực thi một cách nghiêm túc”.

Quan chức ngoại giao hàng đầu của nước láng giềng khổng lồ phương bắc còn được trích lời “bày tỏ hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ xử lý cũng như kiểm soát các vấn đề liên quan tới biển bằng cách xử sự khôn ngoan hơn nhằm duy trì một cách hiệu quả lòng tin và hợp tác giữa hai nước”.

Hiện chưa rõ “cách xử sự khôn ngoan hơn” mà Trung Quốc muốn chứng kiến từ phía Việt Nam cụ thể là gì.

Hồi cuối tháng Năm, trong một tuyên bố được coi thuộc loại mạnh mẽ nhất trong nhiều năm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay” việc cho máy bay ném bom diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa, đồng thời “không được tiến hành quân sự hóa; nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực”.

Trong cuộc gặp với ông Vương hôm 3/8, theo thông báo trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Minh đã “đánh giá cao những tiến triển trong quan hệ hai nước thời gian qua; đề nghị Trung Quốc tích cực áp dụng các biện pháp hiệu quả duy trì tăng trưởng thương mại đi đôi với giảm nhập siêu của Việt Nam”.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, ông Minh “nêu rõ cần kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm đạt được COC [Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông] hiệu quả, thực chất và ràng buộc”.

Hôm 4/8, cũng tại Singapore, ông Vương lên tiếng bảo vệ quyết định quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh, gọi đó là hành động “tự vệ” trước áp lực từ Hoa Kỳ và các nước khác.

Đề cập tới các hàng không mẫu hạm, máy bay ném bom chiến lược và các loại vũ khí tối tân khác, nhà ngoại giao giao hàng đầu Trung Quốc nói rằng các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, phải “thiết lập các cơ sở phòng thủ” để “tự vệ” khi “đối mặt với áp lực và mối đe dọa quân sự đang ngày càng gia tăng như vậy”.

Cũng tại Singapore, lần này, theo các nhà quan sát, Trung Quốc đã có bước đi quyết định nhằm thu phục lòng tin của các nước Đông Nam Á bằng cách đồng ý về dự thảo đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, và đề nghị cùng các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên diễn tập quân sự chung, các nhà phân tích nhận định.

Bộ trưởng Vương Nghị được Tân Hoa Xã dẫn lời nói rằng bước đi trên “chứng tỏ rằng Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN có khả năng duy trì hòa bình và ổn định”.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-ngam-canh-bao-viet-nam/4524977.html