Tin khắp nơi – 12/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 12/08/2018

Hơn 100 đám cháy rừng lớn

hoành hành trên khắp Hoa Kỳ

California– Vào hôm Thứ Bảy 11 tháng 8, giới chức cho biết có thêm 6 đám cháy rừng lớn vừa mới bùng phát tại Hoa Kỳ, nâng tổng số vụ cháy nghiêm trọng đang hoành hành trên khắp đất nước lên hơn 100.

Giới chức đang lo ngại  số vụ cháy rừng sẽ còn gia tăng khi nguy cơ sấm sét xảy ra tại các khu vực có thời tiết nóng và địa hình khô cằn. Trung tâm Điều phối Liên Quốc Gia (National Interagency Coordination Center) cho biết, hiện nay có hơn 30,000 nhân viên, kể cả lính cứu hỏa từ khắp nước Mỹ và gần 140 người từ Úc và New Zealand, đang nỗ lực dập tắt các đám cháy. Tính tới nay, những vụ cháy đã thiêu rụi hơn 1.6 triệu mẫu Anh (tương đương 648,000 hecta) diện tích rừng.

Reuters dẫn lời một chuyên gia dự báo thời tiết của Cơ Quan Khí Tượng Quốc Gia cho biết, có khả năng nhiều đám cháy sẽ còn tiếp tục bùng phát bắt đầu từ ngày 11 tháng 8. Chuyên gia cho biết, trong tuần sau, nhiều khu vực của vùng Rocky Mountain sẽ trải qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi chỉ xuất hiện các cơn dông và sấm sét, nhưng ít mưa (dry thunderstorm). Trong khi đó, miền Tây Bắc Hoa Kỳ lại có gió mạnh và độ ẩm tương đối thấp, đây cũng là điều kiện thời tiết thuận lợi cho các đám cháy bùng phát.

Theo báo cáo, lửa từ các đám cháy đã thiêu rụi một vùng rộng lớn trải dài từ Washington cho đến New Mexico. Trong đó, California là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ước tính gần 191,000 mẫu rừng bị thiêu rụi bởi đám cháy Carr Fire ở miền Bắc California;  trong khi đám cháy Mendocino Complex Fire  (vụ cháy lớn nhất trong lịch sử California) đốt hơn 328,000 mẫu diện tích rừng. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hon-100-dam-chay-rung-lon-hoanh-hanh-tren-khap-hoa-ky/

 

Dân biểu Mỹ bị buộc tội giao dịch nội gián

ngừng vận động tái tranh cử

Dân biểu Hoa Kỳ Chris Collins, một đồng minh của Tổng thống Donald Trump bị buộc tội tham gia vào một mưu đồ giao dịch nội gián, đã ngừng chiến dịch tái tranh cử của ông vào ngày thứ Bảy, trong khi Đảng Cộng hòa tìm cách giảm thiểu thiệt hại từ vụ việc của ông trước cuộc bầu cử giữa kì vào tháng 11 sắp tới.

Ông Collins nói trong một thông cáo rằng quyết định của ông là vì lợi ích tốt nhất của các cử tri mà ông đại diện ở bang New York, cũng như Đảng Cộng hòa và “chủ trương của Tổng thống Trump.”

Ông Collins trước đó trong tuần này đã bị buộc tội tham gia vào một mưu đồ giao dịch nội gián liên quan đến một công ty công nghệ sinh học của Úc, Innate Immunotherapeutics LTD, nơi mà ông phục vụ trong hội đồng quản trị. Ông đã phủ nhận các cáo buộc này.

Ông Collins, 68 tuổi, cho biết ông sẽ phục vụ hết những tháng còn lại trong nhiệm kì của ông. “Tôi cũng sẽ tiếp tục chống lại những cáo buộc vô giá trị này nhắm vào tôi và tôi trông đợi sẽ rửa sạch thanh danh của mình,” ông nói trong thông cáo đăng trên Twitter.

Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa ủng hộ quyết định này của ông Collins.

Đảng Cộng hòa đang lo lắng về triển vọng của họ giữ lại thế đa số trong Quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 6 tháng 11, trong đó tất cả 435 ghế của Hạ Viện và 35 trong số 100 ghế Thượng viện sẽ được cạnh tranh. Phe Dân chủ cần giành 23 ghế để nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Ông Collins, một trong những người ủng hộ ông Trump sớm nhất trong Quốc hội, trước đó đã vận động để giành nhiệm kì hai năm thứ tư của ông trong khu vực bầu cử quốc hội 27 ở phía tây bang New York, một nơi ngả mạnh về phía Đảng Cộng hòa.

Các nhà phân tích phi đảng phái đã dự đoán ông Collins sẽ tái đắc cử, nhưng bản cáo trạng của ông khiến phe Cộng hòa rơi vào thế thủ.

https://www.voatiengviet.com/a/dan-bieu-my-bi-buoc-toi-giao-dich-noi-gian-ngung-van-dong-tai-tranh-cu/4524536.html

 

Thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ năm 2018

cao hơn 21% so với năm ngoái

Washington DC – Theo báo cáo ngân sách của Bộ Tài chính hôm Thứ Sáu 10 tháng 8, trong 10 tháng đầu của năm ngân sách 2018, thâm hụt đạt gần 700 tỷ Mỹ Kim, tăng gần 21% so với cùng thời kỳ năm trước.

Chỉ riêng tháng Bảy, mức thâm hụt trong tháng lên đến gần 77 tỷ Mỹ Kim, tăng mạnh so với con số gần 43 tỷ Mỹ Kim hồi tháng 7 năm ngoái.

Tăng chi tiêu chính phủ và cắt giảm thuế chính là 2 nguyên nhân chính khiến Hoa Kỳ đạt mức thâm hụt hàng năm cao nhất trong sáu năm qua.

Chính sách của Tổng thống Trump cắt giảm 1,500 tỷ Mỹ Kim tiền thuế trong thập kỷ tới cũng đã được Quốc Hội thông qua hồi tháng 12. Nhưng ông Trump lại không thể cắt giảm chi tiêu chính phủ.

Trong 10 tháng qua, mặc dù thuế cá nhân tăng 2% do lượng người thất nghiệp giảm, nhưng thuế công ty lại giảm đến 20%. Do đó, tổng cộng mức doanh thu là 2,800  tỷ Mỹ Kim, trong khi chi tiêu đã lên tới 3,500 ngàn tỷ Mỹ Kim.

Báo cáo cho biết doanh thu năm nay chỉ tăng 1%, trong khi chi tiêu tăng tới 4.4%. Lý do là Quốc Hội đã phê duyệt nhiều chương trình quân sự, và các chương trình chi tiêu khác, cũng như các chi phí gia tăng của việc hỗ trợ trả nợ.

Năm ngân sách hiện tại sắp kết thúc vào ngày 30 tháng 9, và được chính phủ dự đoán thâm hụt tổng cộng gần 900 tỷ Mỹ Kim, tăng gần 34% so với mức thâm hụt hơn 600 tỷ Mỹ Kim của năm ngoái.

Hồi tháng trước, Chính quyền Trump đã điều chỉnh các ước tính thâm hụt, với dự đoán rằng thâm hụt hàng năm sẽ lại vượt mức 1,000 tỷ Mỹ Kim trong năm ngân sách 2019, lên đến 1,100 tỷ Mỹ Kim, và tiếp tục duy trì mức trên 1,000 tỷ Mỹ Kim trong ba năm tới. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/tham-hut-ngan-sach-hoa-ky-nam-2018-cao-hon-21-so-voi-nam-ngoai/

 

Nhân viên hãng hàng không Horizon Air

đánh cắp máy bay và tự sát

Seattle, Washington – Theo Reuters, vào khoảng 8h Tối Thứ Sáu 10 tháng 8, một nhân viên làm việc cho hãng hàng không Horizon Air tên là Richard Russell đã đánh cắp một phi cơ phản lực Bombardier Q400 trong khu vực bảo trì tại phi trường Quốc tế Seattle-Tacoma, cất cánh trái phép và bay qua Seattle. Sau đó khoảng một tiếng, Richard Russell đã tự lao máy bay xuống Đảo Ketron ở Puget Sound.

Theo xác nhận của hãng hàng không Alaska Airline, nghi can là một nhân viên mặt đất làm nhiệm vụ chỉ dẫn máy bay đậu và cất cánh. Sở Cảnh sát quận Pierce cho biết Richard Russell là một người đàn ông 29 tuổi.

Sau khi sự việc xảy ra, có 2 chiến đấu cơ F-35 đã truy đuổi theo chiếc máy bay bị đánh cắp. Phía cảnh sát cũng xác nhận việc truy đuổi này. Tuy nhiên họ nói phản lực cơ F-35 không liên quan đến vụ tai nạn. May mắn là không có người dân nào bị thương từ vụ tai nạn. Đảo Ketron là một đảo thưa thớt dân cư, cách khoảng 25 dặm (40 km) về phía tây nam của phi trường.

Theo nhận định ban đầu, đây là 1 chuyến bay tự sát và dường như nghi can hành động một mình. Cảnh sát trưởng quận Pierce cho biết có thể nghi can đã cố tình thực hiện nhiều pha lộn vòng nguy hiểm trên không, hoặc cũng có khả năng người này thiếu khả năng bay nên gây ra tai nạn và đâm xuống đảo.  Richard Russell có thể đã thiệt mạng sau vụ tai nạn.

Hôm Thứ Bảy 11 tháng 8, Giám đốc điều hành của Alaska Air Group cho biết Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA), Cảnh sát Liên bang (FBI) và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đang tiến hành điều tra sự việc. FBI cho biết họ không thấy sự việc là một hành động khủng bố. Khi sự việc xảy ra, không có hành khách nào trên máy bay. Hiện vẫn chưa rõ làm cách nào mà Richard Russell có thể điều khiển máy bay trên đường băng và cất cánh trái phép. (Mộc Miên)

Share this:

https://www.sbtn.tv/nhan-vien-hang-hang-khong-horizon-air-danh-cap-may-bay-va-tu-sat/

 

Nhóm cực hữu tuần hành ở thủ đô của Mỹ,

an ninh tăng cường

Thủ đô Washington của Mỹ chứng kiến cuộc xuống đường của những nhân vật cực hữu theo chủ trương người da trắng thượng đẳng, một năm sau khi xảy ra cuộc tập hợp tương tự và đã biến thành bao loạn ở thành phố Charlottesville, Virginia.

Sự kiện diễn ra lúc 5 giờ 30 phút chiều (giờ địa phương) ngày 12/8 tại Lafayette Square, cách không xa Nhà Trắng.

Theo Reuters, một số nhóm biểu tình phản đối, vốn áp đảo những người theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng, cũng tụ tập gần đó.

Chính quyền địa phương đã cam kết triển khai một lực lượng an ninh rầm rộ để tách hai nhóm này nhằm tránh cuộc ẩu đả từng xảy ra ở trung tâm thành phố Charlottesville năm ngoái.

Một người phụ nữ đã thiệt mạng khi một người đàn ông đâm xe vào nhóm người biểu tình phản đối.

Hôm 11/8, nhân một năm xảy ra vụ trên, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter, lên án “mọi hành động phân biệt chủng tộc”.

Cùng ngày, hàng trăm sinh viên và các nhà hoạt động cánh tả đã đổ ra các đường phố ở Charlottesville.

Theo Reuters, một số sinh viên cho biết rằng họ cảm thấy tức giận vì năm nay lực lượng cảnh sát đã được triển khai rầm rộ hơn so với năm ngoái, khi cuộc xuống đường của những người theo chủ trương người da trắng thượng đẳng gần như không bị kiểm soát.

Hôm 11/8 tại Charlottesville, có lúc, hàng chục cảnh sát chống bạo loạn đứng thành hàng gần nơi cuộc tuần hành diễn ra, khiến nhiều người phản đối vì họ cho rằng không có bạo loạn ở đó.

https://www.voatiengviet.com/a/nhom-cuc-huu-tuan-hanh-o-thu-do-cua-my-trong-khi-an-ninh-tang-cuong/4525108.html

 

Không gian: NASA phóng thành công

phi thuyền thăm dò khí quyển mặt trời

Tú Anh

Chậm hơn một ngày theo dự kiến, Parker, phi thuyền thám hiểm mặt trời đầu tiên của nhân loại đã được phóng lên không gian ngày 12/08/2018. Được trang bị hệ thống máy móc tối tân và vỏ bọc « công nghệ cao », Paker có nhiệm vụ tìm hiểu bí mật của hào quang mặt trời và vì sao « bão mặt trời » có thể tác động đến hệ thống điện của trái đất.

Hỏa tiển Delta IV-Heavy đã rời dàn phóng ở Cap Canaveral, bang Florida, Mỹ, vào lúc 7 giờ 30 giờ quốc tế mang theo một phi thuyền có khả năng xuyên qua khí quyển mặt trời, một « bửu bối » của NASA và cộng đồng khoa học gia quốc tế, trị giá 1,5 tỷ đô la.

Nhiệm vụ của Parker rất rõ ràng : Chứng tỏ phi thuyền đầu tiên của nhân loại có khả năng đương đầu với điều kiện khắc nghiệt của hào quang mặt trời và một phần khí quyển có sức nóng gấp 300 lần nhiệt độ trên bề mặt của mặt trời. Trong phi vụ kéo dài 7 năm, Parker, to bằng một chiếc xe du lịch, với vỏ bọc bằng « carbon tổng hợp » bảo vệ trang thiết bị ở nhiệt độ 1.400 độ C, sẽ bay cách mặt trời 6,2 triệu km, xuyên qua vòng hào quang vành đai 24 lần.

Ngoài kỳ công về công nghệ, những khám phá của phi thuyền Parker sẽ có giá trị then chốt. Đó là tìm hiểu vì sao vành đai hào quang của mặt trời nóng hơn 300 lần nhiệt độ mặt trời và vì sao các phân tử năng lượng của mặt trời gây ra bão điện từ trường có thể làm rối loạn hệ thống dẫn điện tại địa cầu, cách mặt trời 150 triệu km.

Một tín hiệu cho thấy tầm quan trọng của phi vụ thám hiểm mặt trời là lần đầu tiên tên của một nhà khoa học còn tại thế được NASA chọn để đặt tên cho phi thuyền. Eugene Parker, nhà vật lý không gian nổi tiếng năm nay 91 tuổi, là cha đẻ của thuyết « gió mặt trời siêu thanh » năm 1958.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180812-khong-gian-nasa-phong-thanh-cong-phi-thuyen-tham-do-khi-quyen-mat-troi

 

Lãnh đạo tổ chức đối lập lớn nhất ở Havana

bị chính phủ Cuba buộc tội cố sát

Havana, Cuba – Hôm qua 10 tháng 8, lãnh đạo của một trong những tổ chức đối lập lớn nhất và tích cực nhất ở Cuba bị buộc tội cố sát, sau khi người này bị giam giữ tại nhà trong một tuần ở miền đông Cuba.

Trò chuyện với Reuters qua điện thoại, phát ngôn viên của tổ chức đối lập này cho biết Jose Daniel Ferrer- lãnh đạo của tổ chức Liên Minh Yêu Nước Cuba (UNPACU)- bị buộc tội cố tình lái xe cán lên người một viên chức của Bộ Nội Vụ Cuba vào ngày 3 tháng 8. Theo Carlos Amel Oliva – một thành viên trong ban điều hành của UNPACU- sự việc xảy ra chỉ là một tai nạn, và viên chức của Bộ Nội Vụ chỉ bị thương nhẹ, không nguy hiểm cho tính mạng.

Oliva giải thích thêm rằng ông Ferrer thường xuyên lái xe khi ra ngoài mặc dù không có bằng lái xe. Hôm đó ông Ferrer đang trên đường tới nhà con gái ông, trên xe có cả một thành viên của tổ chức UNPACU, thì đột nhiên viên chức của Bộ Nội Vụ mặc thường phục, bước ra phía trước đầu xe của ông. Sau sự việc này, ông Ferrer bị giam giữ tại nhà một tuần trước khi xuất hiện trước tòa án. Oliva nói cáo buộc của chính phủ hoàn toàn sai. Nhiều nhân chứng xác nhận rằng viên chức này từ trong tòa nhà của Bộ Nội Vụ bước ra đường mà không quan sát chung quanh.

Chính phủ Cuba không đưa ra bình luận nào trước cáo buộc này.

Tổ chức Ân Xá Thế Giới cho biết họ không thể liên lạc được với ông Ferrer. Tổ chức Ân Xá Thế Giới kêu gọi chính phủ Cuba cho phép thành viên gia đình Ferrer  đến thăm ông tại nhà giam ở Santiago de Cuba, và cho ông Ferrer được quyền thuê luật sư do ông lựa chọn.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng bày tỏ lo ngại. Francisco Palmieri là phụ tá Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao, phụ trách các vấn đề của Tây Ban Cầu, nhắn tin qua Twitter nói rằng ông Ferrer không được gia đình vào thăm, không có luật sư, không có thủ tục tố tụng, không có sự công bằng.

Ông Ferrer là một trong 75 nhà bất đồng chính kiến bị cầm tù trong cuộc đàn áp vào tháng 3 năm 2003. Ông được trả tự do vào tháng 3 năm 2011. (Mai Đức)

https://www.sbtn.tv/lanh-dao-to-chuc-doi-lap-lon-nhat-o-havana-bi-chinh-phu-cuba-buoc-toi-co-sat/

 

Người Romania biểu tình chống tham nhũng

trong chính phủ

Hàng chục ngàn người Romania đã tổ chức một cuộc biểu tình khác chống chính phủ vào thứ Bảy một ngày sau khi một cuộc biểu tình trước đó biến thành bạo động, khiến 455 người cần được chữa trị y tế.

Những người biểu tình mang cờ Romania, cờ Liên minh Châu Âu và những lá cờ khác tập hợp hôm thứ Bảy bên ngoài các văn phòng chính phủ ở thủ đô Bucharest, nơi mà cuộc biểu tình hôm thứ Sáu biến thành bạo động.

Họ hét lớn những khẩu hiệu như “Đừng sợ hãi! Người Romania sẽ nổi dậy!” và “Đồ trộm cắp!” theo AP. Những người biểu tình thổi kèn vuvuzela và chiếu những dòng chữ “Đả đảo chính phủ” lên các văn phòng chính phủ.

Những người chỉ trích nói Romania đã thất thế trong cuộc chiến chống tham nhũng kể từ khi Đảng Dân chủ Xã hội lên cầm quyền vào năm 2016. Họ đang kêu gọi chính phủ từ chức và kêu gọi một cuộc bầu cử mới.

Trước đó trong ngày thứ Bảy, cảnh sát chống bạo động Romania đã bênh vực việc họ sử dụng vũ lực vào đêm thứ Sáu trong đó 70 người, bao gồm 11 viên cảnh sát chống bạo động, phải được đưa đến bệnh viện. Hàng chục người khác đã được điều trị tại hiện trường.

Phát ngôn viên cảnh sát chống bạo động Marius Militaru cho biết cảnh sát đang theo đuổi cáo buộc nhắm vào tám người vì bạo lực.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-romania-bieu-tinh-chong-tham-nhung-trong-chinh-phu/4524541.html

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ

tiến hành chiến tranh kinh tế

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Bảy nói suy thoái kinh tế của đất nước là do Mỹ và các nước khác gây ra, những nước mà ông tuyên bố đang tiến hành “chiến tranh” chống lại nước của ông.

Phát biểu tại tỉnh Rize ở vùng đông bắc, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng đôla, euro và vàng giờ đây là “những viên đạn, đạn đại bác và phi đạn của cuộc chiến tranh kinh tế đang được tiến hành chống lại đất nước của chúng ta.”

Ông Erdogan hứa với những người ủng hộ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ nền kinh tế nhưng nói thêm “điều quan trọng nhất là đập gãy những bàn tay đang bắn những vũ khí này.”

Thổ Nhĩ Kỳ đang điêu đứng vì một đợt chấn động tài chính trong tuần này khi tiền tệ của họ rớt giá mạnh liên quan tới những lo ngại về chính sách kinh tế của chính phủ và một vụ tranh chấp thương mại với Mỹ.

Đồng lira sụt 14 phần trăm trong ngày thứ Sáu xuống còn 6,51 lira đổi một đôla, một sự sụt giảm rất lớn mà sẽ khiến cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ nghèo hơn và làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế trong nước, AP cho biết. Việc tiền tệ rớt giá là đặc biệt đau đớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì vì phần nhiều tăng trưởng kinh tế của nước này là nhờ tiền nước ngoài.

Sự sụt giảm – 41 phần trăm tính tới thời điểm này trong năm nay – là một thước đo mức độ lo sợ về một quốc gia đang dần đối diện với nhiều năm nợ cao, lo ngại của quốc tế về việc ông Erdogan thâu tóm quyền hành, và một mối quan hệ đang xấu đi với Mỹ, đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một trong số các vấn đề gây xích mích giữa hai nước là việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một mục sư người Mỹ và đưa ông ra xét xử vì tội gián điệp và những cáo buộc dính dáng đến khủng bố, liên quan đến một nỗ lực đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hai năm. Mục sư này đã tuyên bố vô tội.

Mỹ đáp trả bằng cách áp đặt các chế tài lên Thổ Nhĩ Kỳ và đe dọa thêm nữa. Hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Washington tuần này nhưng không giải quyết được tranh cãi.

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu viết trên Twitter rằng ông đã cho phép tăng gấp đôi thuế quan áp lên thép và nhôm từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói mức thuế nhập khẩu đối với nhôm sẽ tăng lên tới mức 20 phần trăm và thép lên tới mức 50 phần trăm.

“Quan hệ của chúng ta với Thổ Nhĩ Kỳ hiện không tốt vào thời điểm này!” ông viết.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-tho-nhi-ky-cao-buoc-my-tien-hanh-chien-trnh-kinh-te/4524529.html

 

Syria: 28 trẻ em thiệt mạng

vì không kích ở miền Bắc

Ít nhất 53 thường dân, trong đó có 28 trẻ em, bị thiệt mạng trong loạt không kích tối 10/08/2018 nhắm vào nhiều vùng đất do phe nổi dậy kiểm soát ở các tỉnh Idleb và Aleppo. Đây là đợt oanh kích gây thiệt mạng về người nhiều nhất trong khu vực từ vài tháng nay.

Thông tín viên RFI Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth :

« Chỉ vài giờ trước khi có thống kê thiệt hại này, chiến đấu cơ Nga đã tiến hành nhiều đợt không kích nhắm vào một kho vũ khí của một nhóm thánh chiến ở Ouroum Al Kounra, theo một thông cáo quân sự của Nga.

Tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH) khẳng định khoảng 40 thường dân bị thiệt mạng trong khu vực nằm ở phía tây tỉnh Aleppo.

Các cuộc tấn công của Nga cho thấy hoạt động quân sự trong vùng này sôi nổi trở lại sau nhiều tháng tương đối im ắng. Tổng thống Syria Bachar Al Assad mới đây thông báo ý định chiếm lại tỉnh Idleb, thành trì lớn cuối cùng còn nằm trong vòng kiểm soát của các phe nổi dậy và thánh chiến.

Ngày nào bộ Quốc Phòng Nga cũng thông báo là đã bắn hạ được thiết bị bay không người lái có vũ khí của quân thánh chiến nhắm vào căn cứ không quân Hmeimim. Từ thứ Sáu (10/08) đến thứ Bẩy (11/08), ba thiết bị loại này có thể đã bị hệ thống chống tên lửa Nga bắn hạ.

Cùng thời gian này, các nguồn tin quân sự Syria thông báo rằng sư đoàn 4 tinh nhuệ của lực lượng Vệ binh Cộng Hòa đã rời các tỉnh miền nam Deraa và Soueida ngược lên phía Bắc.

Nhiều đoàn xe chở lính và vài trăm chiến xa cùng với thiết bị pháo đã tiến về phía tỉnh Idleb, nơi tập trung nhiều đơn vị tinh nhuệ khác, được gọi là Lực lượng Mãnh Hổ (Tiger Force). Các dấu hiệu này cho thấy trận Idleb đang được chuẩn bị ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180812-syria-28-tre-em-thiet-mang-vi-khong-kich-o-mien-bac

 

Đức-Tây Ban Nha đồng tình ủng hộ Maroc

để hạn chế nhập cư

Vấn đề nhập cư là trọng tâm của buổi làm việc giữa thủ tướng Đức Angela Merkel và đồng nhiệm Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 11/08/2018 tại Andalousie. Lãnh đạo hai nước muốn Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ mạnh mẽ Maroc để ngăn làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Từ tháng 01/2018, Tây Ban Nha trở thành cửa ngõ đầu tiên vào châu Âu của di dân đến từ phương nam do Ý đóng cửa.

Thông tín viên RFI Diane Cambon tường trình từ Madrid :

« Thể hiện sự khác biệt với các chính sách bài ngoại mà một số chính phủ châu Âu đang tiến hành là hình ảnh mà thủ tướng Xã Hội Tây Ban Nha Pedro Sanchez cùng đồng nhiệm Đức Angela Merkel muốn truyền tải trong cuộc gặp tại Andalousie.

Hai nhà lãnh đạo tỏ ra thông hiểu nhau và nhấn mạnh phải khẩn cấp kiểm soát chặt chẽ hơn các nước nguyên quán và trung chuyển của di dân. Maroc hiện nằm trên tuyến đầu.

Thủ tướng Đức công khai ủng hộ đề xuất của Tây Ban Nha là hỗ trợ tài chính cho quốc gia Bắc Phi này để kiểm soát tốt hơn đường biên giới. Madrid sẽ chịu trách nhiệm đàm phán với Rabat. Về phần mình, chính phủ Tây Ban Nha đã chấp nhận giữ lại những người nhập cư đã ghi tên ở Tây Ban Nha nhưng tìm cách xin tị nạn ở Đức.

Tuy nhiên, thỏa thuận vừa có hiệu lực này chỉ liên quan đến một phần rất nhỏ người nhập cư đến Tây Ban Nha có nguyện vọng tị nạn ở Đức. Phần lớn trong số họ chọn sang Pháp hoặc ở lại bán đảo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180812-duc-tay-ban-nha-dong-tinh-ung-ho-maroc-de-han-che-nhap-cu

 

Biển Caspi : Năm nước ký thỏa thuận lịch sử

 phân chia tài nguyên

Tú Anh

Sau 20 năm thương lượng gay go, 5 nước có cùng biển Caspi gồm Nga, Iran, Kazakhstan, Azerbaidjan và Turkmenistan ký kết thỏa ước về quy chế của biển Caspi, giàu tài nguyên thiên nhiên từ dầu khí cho đến hải sản, và làm giảm căng thẳng khu vực.

Lễ ký kết được tổ chức vào ngày 12/08/2018 tại thành phố cảng Aktaou của Kazakhstan với sự hiện diện của lãnh đạo 5 nước liên quan trực tiếp gồm Nga, Kazakhstan, Azerbaidjan, Turkmenistan và Iran.

Trong thời Liên Xô, biển Caspi do Matxcơva và Teheran quản lý theo một hiệp ước mất hiệu lực từ khi khối Liên bang Xô Viết tan rã, ba nước thành viên Kazakhstan, Azerbaidjan, Turkmenistan tuyên bố độc lập.

Theo AFP, tuy thỏa thuận được xem là « lịch sử » không giải quyết được tất cả những xung khắc tranh chấp tài nguyên nhưng tạo ra được một quy chế pháp lý, thiếu vắng từ khi Liên Xô sụp đổ, làm giảm phần nào căng thẳng tại vùng biển hồ mà trữ lượng dầu hỏa có thể lên đến 50 tỷ thùng, còn khí đốt được thẩm định có đến 300 ngàn tỷ mét khối.

Theo AFP, với tư thế là « chủ nhân ông » của Caspi, hai nước Nga và Iran bị thiệt nhiều nhất vì phải chia bớt quyền lợi cho ba nước còn lại. Tuy nhiên, Nga cũng được một số lợi ích như chứng tỏ có bộ máy đối ngoại hiệu quả và giành được thượng phong quân sự, cấm một nước khác có căn cứ hải quân.

Về phần Iran, chính phủ Teheran có thể dựa vào quy chế mới của Caspi để đề xuất những dự án chung với nước Azerbaidjan Hồi Giáo.

Turkmenistan cũng kỳ vọng vào thỏa thuận mới để khai thác khí đổt, đặt ống dẫn dưới đáy biển để xuất khẩu sang châu Âu qua ngả Azerbaidjan. Tuy nhiên, dự án này có thế bị Nga và Iran cản trở.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180812-bien-caspi-nam-nuoc-ky-thoa-thuan-lich-su-phan-chia-tai-nguyen

 

TQ: Triệu người Uighur ‘bị giam’,

ngàn người ngăn phá đền thờ

Có tin một triệu người Uighur “bị giam trong các trại cải tạo” trong lúc vụ phá một đền thờ Hồi giáo chỉ bị ngưng khi có hàng ngàn người biểu tình.

Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc tiếp nhận báo cáo khả tín rằng Trung Quốc đang giam giữ một triệu người Uighur trong “các trại chống tôn giáo cực đoan”.

Gay McDougall, thành viên Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc của Liên Hiệp Quốc, nêu cáo buộc này tại cuộc họp hai ngày của Liên Hiệp Quốc về Trung Quốc.

Modi và Tập ‘ngồi bờ hồ ngắm cảnh’

TQ: cấm râu dài, mạng che mặt ở Tân Cương

Người Tân Cương bị tịch thu hộ chiếu

TQ diễu hành ‘chống khủng bố’ tại Tân Cương

Bà cho biết mình quan ngại về báo cáo viết rằng Bắc Kinh đã “biến khu tự trị Uighur thành nơi tương tự một trại tập trung lớn”.

Trung Quốc chưa phản hồi về cáo buộc.

Phái đoàn 50 quan chức đến từ Bắc Kinh cho biết họ sẽ giải đáp các câu hỏi vào hôm 13/8, khi phiên họp tại Geneva tiếp tục.

Bắc Kinh trước đó phủ nhận sự tồn tại của các trại như vậy.

Người Uighur là ai?

Người Uighur là dân tộc thiểu số Hồi giáo chủ yếu sống ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc. Họ chiếm khoảng 45% dân số ở đó.

Tân Cương là khu tự trị ở Trung Quốc, giống như Tây Tạng.

Các báo cáo về tình trạng ngày càng có nhiều người Uighur và những người thiểu số Hồi giáo bị giam ở Tân Cương được lan truyền từ vài tháng nay.

TQ bắt 18 người của giáo phái chống Cộng

Đường Tơ lụa, gián điệp trứng tằm và Trịnh Hòa

Phóng viên BBC bị buộc phải ‘thú tội’ ở TQ

Nơi quân đội hùng mạnh nhất Trái Đất rong ruổi

Trường dạy ‘đức hạnh cho phụ nữ’ ở TQ

Bắc Kinh bị cáo buộc gì?

Các nhóm nhân quyền bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đệ trình các báo cáo lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc đưa cáo buộc về việc cầm tù với số lượng lớn và tù nhân buộc phải thề trung thành với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Báo cáo của nhóm nhân quyền World Uyghur Congress cho biết rằng những người này bị giam vô thời hạn mà không được xét xử, và buộc phải hô to khẩu hiệu của đảng Cộng sản.

Họ nói rằng những người bị giam có khẩu phần tồi tệ, thậm chí bị tra tấn.

Hầu hết các tù nhân chưa bao giờ được xét xử và không được trợ giúp pháp lý.

Trung Quốc bị cho là thực hiện các vụ giam cầm dưới vỏ bọc chống chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.

Trong một diễn biến khác, theo Channel NewsAsia, nhà chức trách ở miền bắc Trung Quốc trì hoãn việc phá hủy một đền thờ Hồi giáo lớn hôm 11/8 sau khi hàng ngàn người biểu tình ngăn vụ này, dân địa phương cho biết.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh chính quyền các địa phương đang hạn chế các hoạt động tôn giáo.

Trên khắp Trung Quốc, giới chức đang tìm cách hạn chế quyền tự do tôn giáo đối với người Hồi giáo như là một phần của chiến dịch buộc tín đồ phải tuân theo chỉ thị của đảng Cộng sản.

Những người biểu tình bắt đầu tập hợp hôm 9/8 trước hạn chót cho việc phá hủy đền thờ Hồi giáo lớn ở thị trấn Vệ Châu, Ninh Hạ, dân địa phương cho hay.

Các video đăng tải trên mạng xã hội những ngày gần đây cho thấy người biểu tình tụ tập phía trước đền thờ trong lúc cảnh sát với khiên chắn chống bạo động đứng cạnh đó.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45160712

 

Trung Quốc : Thịt lợn, thịt bò Mỹ trả giá

vì chiến tranh thương mại

Vì bị Bắc Kinh tăng thuế trả đũa, thịt bò và thịt lợn của Mỹ đang được bán với giá cao ngất ngưởng tại Trung Quốc, trong khi tiếng tăm cũng bị sụt giảm. Các nhà phân phối Trung Quốc chuyển sang nhập thịt từ Úc và Nam Mỹ, có giá rẻ hơn.

Các nhà phân phối sỉ thịt nhập khẩu buộc phải chuyển sang các nguồn khác do « sản phẩm của Mỹ trở nên quá đắt. Đối với thịt bò, họ mua nhiều thịt từ Úc, Nam Mỹ hơn, thậm chí là cả của Canada ». Theo giám đốc một nhà phân phối thịt ở Thượng Hải, họ đã đã ngừng nhập thịt từ Mỹ. Một số nước khác biết tận dụng cơ hội này « thu được lợi nhất ».

Cuộc chiến thương mại hiện vẫn chưa rõ hậu quả ra sao, nhưng các nhà xuất khẩu thịt của Mỹ, mà Trung Quốc là một thị trường rất lớn, có lẽ sẽ bị thiệt hại nặng nhất. Theo Liên đoàn các nhà xuất khẩu thịt của Mỹ, chỉ tính riêng tháng 06/2018, trước khi các biểu thuế mới của Trung Quốc có hiệu lực, Hoa Kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc 140 triệu đô la thịt lợn, thịt bò và các sản phẩm chế biến, tương đương với 10% tổng giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực này của Mỹ.

Khi bị Trung Quốc áp thuế mới, một bộ phận các nhà cung cấp thịt ở Mỹ gánh một phần chi phí tăng thuế để giữ khách và bảo đảm khối lượng hàng bán ra. AFP lấy trường hợp của ông Lin Zhengu, chủ nhân kiêm đầu bếp một nhà hàng cao cấp ở Thượng Hải, nổi tiếng về steak thịt bò của Mỹ và Úc. Theo ông, giá các miếng steack thịt bò Mỹ đã tăng thêm 30 đến 40% chỉ trong vòng một tháng do biểu thuế mới, nhưng các nhà cung cấp Hoa Kỳ đã chịu khoản phụ trội đó. Vì vậy, nhà hàng của ông vẫn tiếp tục « làm việc với các nhà cung cấp và các trang trại Mỹ… cho đến khi nào mọi ngả bị khép lại hoàn toàn ».

Đa dạng hóa nguồn cung cấp

Ngoài thịt, nhiều sản phẩm khác của Mỹ như hạt đậu nành, ngũ cốc và sản phẩm hóa dầu cũng nằm trong biểu thuế mới của Bắc Kinh. Theo dự đoán của nhà phân tích Julian Evans-Pritchard, thuộc văn phòng Capital Economics, có thể sẽ có « một sự thay đổi lớn các luồng thương mại ».

Đậu nành là sản phẩm không thể thiếu cho nhu cầu chăn nuôi ngày càng phát triển mạnh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu không có đậu nành Mỹ, nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn có thể dễ dàng mua sản phẩm này trên thị trường thế giới.

Tập đoàn nông lương Cofco của Trung Quốc đã chuyển sang mua đậu nành Brazil và một số ngũ cốc khác từ Ukraina và Nga. Tương tự, Shanghaishi International Trade Co., một công ty nhập khẩu lương thực quan trọng ở Trung Quốc, từng mua hơn 40 triệu đô la thịt bò và thịt lợn Mỹ vào năm 2017, giờ chuyển sang nhập khẩu thịt từ châu Âu, Úc và Nam Mỹ. Ông Từ Vĩ (Xu Wei), tổng giám đốc tập đoàn, không tỏ ra lo lắng vì « dễ dàng bổ sung thiếu hụt » từ các nguồn khác. Theo ông, « chính các nhà xuất khẩu Mỹ mới bị thiệt hại nhiều nhất ».

Chính quyền Bắc Kinh tiếp tục trấn an dân chúng về nguy cơ thiếu hụt lương thực. Trên Nhân Dân Nhật Báo ngày 11/08/2018, thứ trưởng bộ Nông Nghiệp Trung Quốc Hàn Tuấn (Han Jun) khẳng định, dù hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ sụt giảm, nhưng « các cơ quan liên quan đã chuẩn bị cẩn thận, Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về dầu ăn cho người và lương thực cho súc vật ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180812-trung-quoc-thit-lon-bo-my-tra-gia-vi-chien-tranh-thuong-mai

 

Tổng thống Đài Loan

bắt đầu chuyến công du Châu Mỹ La Tinh

Đài Loan- Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn bắt đầu chuyến công du đi thăm Châu Mỹ Latinh vào ngày mai 12/08. Bà sẽ đến một khu vực mà bà đã thăm 3 lần trong vòng hai năm, vì bà không còn sự lựa chọn nào khác.

Khi bà Thái vượt qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ bốn năm đầu tiên, chuyến công du tám ngày qua Paraguay và Belize, phản ảnh tình trạng Đài Loan bị cô lập về ngoại giao ngày càng xấu đi, giữa lúc Trung Cộng đặt áp lực lên các nước từng có mối quan hệ với Đài Loan. Năm 2016, khi bà Thái tuyên thệ nhậm chức, có 22 nước vẫn duy trì mối quan hệ chính thức với hòn đảo tự trị này, nhưng giờ đây chỉ cón 18 nước, phần lớn tập trung ở khu vực Châu Mỹ Latinh, Nam Thái Bình Dương và Caribê.

Không chỉ dụ dỗ đồng minh của Đài Loan, Trung Cộng còn đóng băng các mối liên lạc với Đài Bắc, và tìm cách hạn chế mọi sự tiếp xúc giữa Đài Loan với các tổ chức quốc tế. Trung Cộng cũng đặt áp lực kinh tế lên hòn đảo tự trị này (nhưng vẫn gọi Đài Loan là một tỉnh lỵ của họ) bằng cách yêu cầu các hãng hàng không quốc tế không đưa Đài Loan vào danh sách quá cảnh. Hành động này khiến Đài Bắc và một đồng minh quan trọng của họ là Hoa Kỳ, đồng loạt lên tiếng chỉ trích.

Văn phòng của Tổng Thống Thái Anh Văn cho biết trong chuyến công du bắt đầu từ ngày Chủ Nhật 12/08. Bà Thái sẽ quá cảnh tại phi trường Los Angeles và phi trường Houston, tạo cơ hội gặp gỡ các lãnh đạo dân sự Đài Loan ở ngoại quốc, cũng như các viên chức Hoa Kỳ. (Mai Đức)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-dai-loan-bat-dau-chuyen-cong-du-tham-chau-my-la-tinh/

 

Bắc Triều Tiên: Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm

chậm triển khai là lỗi của Hàn Quốc

Thùy Dương

Trang web tuyên truyền Uriminzokkiri của Bắc Triều Tiên ngày 12/08/2018 quy trách nhiệm cho Hàn Quốc về việc tuyên bố chung Bàn Môn Điếm 27/04/2018 chậm được triển khai.

Hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên Yonhap trích dẫn một bài viết trên trang Uriminzokkiri, theo đó « sự vâng lời mù quáng của Hàn Quốc trong việc áp dụng các lệnh trừng phạt do Mỹ chỉ đạo là một chướng ngại vật lớn trong việc triển khai tuyên bố chung ».

Hơn 100 ngày sau khi được tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Bắc Triều Tiên ký kết tại Bàn Môn Điếm, tuyên bố chung hai miền Nam Bắc vẫn chưa đạt nhiều tiến triển.

Lời chỉ trích trên trang web tuyên truyền Uriminzokkiri được đưa ra trong bối cảnh một cuộc họp Liên Triều cấp cao dự kiến được tổ chức vào ngày mai, 13/08/2018, để chuẩn bị cho thượng đỉnh Moon Jae In – Kim Jong Un lần thứ ba và đánh giá việc triển khai các thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo đã ký kết trong các thượng đỉnh trước.

Vẫn theo hãng tin Yonhap, một công ty du lịch Bắc Triều tiên đặt cơ sở tại Trung Quốc hôm 10/08 thông báo ngưng đưa du khách từ Trung Quốc sang Bắc Triều Tiên từ ngày 11/08 đến ngày 05/09, với lý do các khách sạn ở Bắc Triều Tiên đang được tu sửa trong giai đoạn này. Nhưng các nhà quan sát cho rằng quyết định này được đưa ra do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị sang thăm Bình Nhưỡng, hoặc cũng có thể là do Bình Nhưỡng đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chế độ vào ngày 09/09.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180812-bac-trieu-tien-tuyen-bo-chung-ban-mon-diem-cham-trien-khai-la-loi-cua-han-quoc