Tin khắp nơi – 11/08/2018
Leo thang tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ,
Trump tăng thuế kim loại
Tổng thống Mỹ Donald Trump leo thang một tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Sáu bằng cách áp đặt thuế quan cao hơn đối với kim loại nhập khẩu, gây áp lực kinh tế chưa từng thấy lên một nước đồng minh NATO và khiến các thị trường tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ chìm sâu trong rối loạn.
Chỉ trích hiện trạng mối quan hệ của Mỹ với Ankara, ông Trump tuyên bố trên Twitter rằng ông đã chấp thuận tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đánh vào nhôm và thép từ Thổ Nhĩ Kỳ, lần lượt là 20 phần trăm và 50 phần trăm.
Nhà Trắng nói ông Trump sẽ sử dụng một mục của luật pháp Hoa Kỳ cho phép áp thuế quan viện dẫn lí do an ninh quốc gia để tăng thuế nhập khẩu.
Washington và Ankara đã lời qua tiếng lại từ nhiều tháng qua về một mục sư người Mỹ bị giam cầm ở Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc nội chiến Syria và các vấn đề ngoại giao khác.
Bước đi của ông Trump đã khiến đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ rớt giá nặng hơn. Đồng lira, lâu nay vẫn tụt giá vì những lo lắng về ảnh hưởng của chính phủ đối với chính sách tiền tệ và căng thẳng với Mỹ, có lúc sụt hơn 18 phần trăm trong ngày thứ Sáu xuống mức thấp kỉ lục so với đồng đôla.
Ngay cả trước tuyên bố của ông Trump, Tổng thống Tayyip Erdogan đã bảo người dân Thổ đổi vàng và đôla lấy lira để chống lại “một cuộc chiến tranh kinh tế.” Những cơn sóng từ cuộc khủng hoảng lan tỏa ra nước ngoài, với các nhà đầu tư bán tháo cổ phần tại các ngân hàng Châu Âu có sự tiếp xúc lớn với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tôi vừa chấp thuận tăng gấp đôi Thuế quan đối với Thép và Nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi tiền tệ của họ, đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ, trượt giá nhanh chóng so với đồng Đôla rất mạnh của chúng ta!” ông Trump nói trong một dòng tweet đăng vào sáng sớm trên Twitter.
“Nhôm bây giờ sẽ là 20 phần trăm và Thép là 50 phần trăm. Quan hệ của chúng ta với Thổ Nhĩ Kỳ hiện không tốt đẹp vào thời điểm này!”
Mỹ, nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, đã áp đặt thuế quan 10 phần trăm lên nhôm và 25 phần trăm lên thép trong tháng 3 đối với hàng nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ là nước xuất khẩu thép lớn thứ sáu sang Mỹ.
Ankara tuần này đã gửi một phái đoàn đến Washington để gặp cả Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính nhằm giải quyết một số tranh chấp nhưng những cuộc đàm phán đó không có dấu hiệu đột phá.
Tuần trước, Mỹ đã áp đặt các chế tài đối với bộ trưởng tư pháp và bộ trưởng nội vụ của Thổ Nhĩ Kỳ vì đã không phóng thích mục sư người Mỹ Andrew Brunson.
Ông Brunson, một mục sư Tin lành phái Trưởng Lão phúc âm từ bang North Carolina, bị bỏ tù vì bị cáo buộc ủng hộ một nhóm mà Ankara qui trách về một cuộc đảo chính bất thành vào năm 2016. Ông Brunson phủ nhận cáo buộc này.
Ngoài trường hợp ông Brunson, Washington đang nỗ lực để ba nhân viên đại sứ quán Mỹ làm việc tại địa phương được phóng thích. Các vấn đề thương mại và những khác biệt về Syria cũng gây căng thẳng trong quan hệ song phương.
Quan điểm chống di dân công khai
của phóng viên Fox News Laura Ingraham
Washington DC – Vào cuối buổi độc thoại được phát sóng trên Fox News trong đêm Thứ Tư 8/8, phóng viên Fox News Laura Ingraham đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng cho đất nước Mỹ, nói rằng đây là một trường hợp khẩn cấp quốc gia, do đó người Mỹ phải yêu cầu quốc hội hành động ngay lập tức.
Cảnh báo về tình trạng khẩn cấp quốc gia của Laura Ingraham không liên quan đến thời tiết. Cũng không phải là thiếu thuốc men hoặc thức ăn. Cũng không phải là cuộc tấn công mạng hay đe dọa khủng bố. Theo Laura Ingraham, tình trạng khẩn cấp hiện nay là thay đổi về “nhân chủng học” to lớn, buộc cô phải than phiền rằng ở một số nơi trên lãnh thổ này, dường như đất nước Hoa Kỳ mà nhiều người Mỹ biết rõ và yêu thương không còn tồn tại nữa.
Phóng viên Fox News cho rằng thay đổi về “nhân chủng học” to lớn đó lại được lén lút đưa vào để tấn công người Mỹ. Đó là những thay đổi mà người Mỹ không bao giờ bầu chọn, và hầu hết người Mỹ cũng không thích những thay đổi này. Từ Virginia tới California, theo những cách nhìn nào đó, người Mỹ biết rằng đất nước của họ hoàn toàn bị thay đổi.
Sợ rằng ý nghĩ của mình trình bày chưa được rõ ràng, Laura Ingraham giải thích thêm là phần lớn của sự thay đổi có liên quan tới tình trạng di dân bất hợp pháp và có cả hợp pháp.
Se Cupp, một bình luận viên của CNN nói rằng buổi độc thoại của Laura Ingraham hoàn toàn mang tính phân biệt chủng tộc. Suốt buổi nói chuyện, cô chỉ than phiền về di dân thuộc các sắc dân khác tới Hoa Kỳ, dù họ là di dân hợp pháp, đổ lỗi rằng họ là nguyên nhân khiến nước Mỹ thay đổi. Những điều Laura Ingraham phát biểu đại diện cho quan điểm của Fox News, cho chính sách di dân của tổng thống Trump và những người ủng hộ ông. TỔng thống Trump chỉ là “nhà tiên tri” của tôn giáo này, mà hiện đang được nhiều người Mỹ tôn sùng đi theo. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/quan-diem-chong-di-dan-cong-khai-cua-phong-vien-fox-news-laura-ingraham/
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn
tiếp tục leo thang
Bình Nhưỡng, Bắc Hàn – Mối quan hệ giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục căng thẳng, mặc cho việc khẳng định của bộ ngoại giao Hoa Kỳ rằng hai nước vẫn đang liên lạc với nhau mỗi ngày qua điện thoại, tin nhắn và thư điện tử.
Vào hôm Thứ Năm 9 tháng 8, người phát ngôn bộ ngoại giao cho biết Bắc Hàn đã lên án hành vi của Hoa Kỳ là trơ trẽn và xấc xược. CNN ngày 10/08 đưa tin Bắc Hàn đã từ chối đề nghị tiến trình giải trừ hạt nhân của Hoa Kỳ, cho rằng Hoa Kỳ hành xử như “giới giang hồ”.
Bắc Hàn còn tuyên bố các viên chức cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ đang có luận điệu vạch ranh giới chống lại Bắc Hàn, cũng như đang tăng cường áp lực và lệnh trừng phạt quốc tế. Bắc Hàn đã nêu ra những bước đi thể hiện thiện chí của họ, kể từ cuộc gặp lịch sử vào tháng 6 giữa tổng thống Trump và chủ tịch Kim Jong Un. Theo đó, Bắc Hàn quyết định ngừng các đợt thử nghiệm nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo, phá hủy bãi thử nguyên tử, đồng thời trao trả các hài cốt binh sĩ Hoa Kỳ tử trận trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên về cho gia đình.
Trong tuyên bố mới nhất, Bắc Hàn cho rằng việc đợi chờ kết quả phi nguyên tử là một hành động thực sự vô nghĩa, bởi Hoa Kỳ đang xúc phạm đối tác đồng thời tạt gáo nước lạnh vào những nỗ lực chân thành của Bắc Hàn.
Bắc Hàn cho biết họ không nhắm vào tổng thống Trump, và sẵn sàng tiếp tục có các cuộc hội thoại giữa chủ tịch Kim và ông Trump. Vào đầu tháng này, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo lên tiếng cảnh báo Nga, Trung Cộng cùng nhiều quốc gia khác về việc vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Hàn. Ông Mike đưa ra cảnh báo này trong bối cảnh một báo cáo của Liên Hiệp Quốc nhận định, Bắc Hàn vẫn chưa chấm dứt chương trình nguyên tử và hỏa tiễn, đồng thời quốc gia này đang vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, trong đó có hoạt động sang chiết dầu trái phép.
Những gì đang diễn ra chứng tỏ rằng cuộc họp thượng đỉnh “lịch sử” Trump- Kim có vẻ như đã không thu được một kết quả đáng kể nào. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/cang-thang-giua-hoa-ky-va-bac-han-tiep-tuc-leo-thang/
Trận cháy rừng Holy Fire ở Nam California
buộc hàng chục ngàn người di tản
Lake Elsinore, California – CBS News đưa tin hơn 20,000 người bị buộc phải rời khỏi nhà họ ở miền Nam California, vì trận cháy rừng có tên Holy Fire đang ngày càng hung hãn sau mỗi đêm.
Cho tới hôm nay 10 tháng 8, Holy Fire đốt cháy 10,000 mẫu đất ở Orange County và Riverside County, nhưng chỉ mới bị dập tắt 5%. Sáng nay Thống Đốc Jerry Brown tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho hai quận hạt này.
Hiện giờ hàng ngàn nhân viên cứu hỏa được điều động để chiến đấu cùng một lúc với 12 trận cháy rừng lớn trong tiểu bang. 10 người bị giết chết, và trong ngày hôm qua có 2 nhân viên cứu hỏa bị thương. Phóng viên CBS News Jonathan Vigliotti cho biết nhiều cư dân bảo vệ ngôi nhà của họ bằng cách phun hóa chất chống lửa chung quanh, nhưng cuối cùng cũng đành phải di tản sau khi ngọn lửa lan tới quá gần.
Sở Cứu Hỏa tiểu bang Cal Fire điều động hàng chục phi cơ thả hóa chất, tấn công những trận cháy rừng từ trên không. Giám Đốc Cal Fire Tim Chavez cho biết dựa vào tình hình thời tiết trong những ngày tới, ông dự đoán rằng cuộc chiến chống cháy rừng sẽ kéo dài, và kích thước của những trận cháy rừng sẽ ngày càng mở rộng.
Nghi can Forrest Clark là người đã bị bắt vì cáo buộc châm lửa khơi mào Holy Fire. Clark tự bào chữa rằng mình không biết gì về nguyên nhân gây ra đám cháy. Nếu bị kết tội, Clark sẽ đối mặt với bản án tù chung thân. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/tran-chay-rung-holy-fire-o-nam-california-buoc-hang-chuc-ngan-nguoi-di-tan/
50 Chính Khách DC
Không Chọn Bà Pelosi Làm Trưởng Khối
WASHINGTON – Trong lúc đảng DC vận động để giành đa số tại Hạ Viện liên bang qua cuộc bầu cử Tháng 11, thủ lãnh thiểu số Nancy Pelosi cũng thấy là khó giữ đuợc ngôi vị của mình.
Ít nhất 50 ứng viên DC tranh cử kỳ này không tiếp tục ủng hộ bà Pelosi như là trưởng khối, theo thăm dò của NBC.
42 trong số ứng viên của đảng DC tuyên bố không ủng hộ – 9 vị tại chức tham gia phe này.
Tại Michigan hôm Thứ Năm, ứng viên Rashida Tlaib, triển vọng là nữ dân biểu Hồi Giáo đầu tiên, cũng nói “không ủng hộ Pelosi”.
Về phần mình, bà Pelosi không yêu cầu ai bầu bà vào chức vụ trưởng khối nếu đảng DC chiếm đa số Hạ Viện vào Tháng 11, theo phát biểu của phó văn phòng Drew Hammill.
Nhà báo chưa thấy nhân vật thay thế.
Trong năm qua, bà Pelosi nhận là “bậc thầy lập pháp” – bà giải thích: đảng CH chi bạc triệu để kể tội bà với cử tri, là bằng chứng bà làm việc hiệu quả.
https://vietbao.com/p114a284249/50-chinh-khach-dc-khong-chon-ba-pelosi-lam-truong-khoi
Phụ tá của cố vấn cho Trump
bị khép tội khinh mạn
Một cộng sự của ông Roger Stone, một cố vấn lâu năm cho Tổng thống Donald Trump, bị thẩm phán khép tội khinh mạn hôm thứ Sáu sau khi từ chối xuất hiện như một nhân chứng trước một đại bồi thẩm đoàn được triệu tập trong khuôn khổ cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Việc ông Andrew Miller từ chối tuân thủ trát buộc ra khai chứng từ văn phòng của ông Mueller đã đưa tới một phiên nghe luận cứ không được công khai trước một thẩm phán liên bang. Thẩm phán này sau đó ra phán quyết khép ông Miller vào tội khinh mạn, báo The Washington Post và đài CNN đưa tin.
CNN cũng đưa tin văn phòng của Công tố viên đặc biệt đã ra trát buộc cây hài kiêm người dẫn chương trình Randy Credico ra khai chứng. Ông Credico là một cộng sự khác của ông Stone.
CNN cũng cho biết bà Kristin Davis, một đồng minh khác của ông Stone từng một thời được mệnh danh là ‘tú bà Manhattan,’ đã xuất hiện trước đại bồi thẩm đoàn vào ngày thứ Sáu.
Những nhân chứng mới nhất trong cuộc điều tra của ông Mueller dường như cho thấy cuộc điều tra đang tập trung ít nhất một phần vào ông Stone, một người ủng hộ ông Trump từ sớm với tiếng tăm là một tay hoạt vụ chính trị dữ dằn.
Nga đã phủ nhận bất kì sự can thiệp nào trong cuộc bầu cử Mỹ. Ông Trump đã nhiều lần nói rằng không có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông và Nga và đã gọi cuộc điều tra của ông Mueller là một cuộc săn lùng phù thủy (hàm ý truy bức chính trị).
Ông Stone phủ nhận bất kì hành vi sai trái nào. Ông trước đây đã nói rằng tám trong số các cộng sự của ông đã được ông Mueller liên lạc nhưng đội ngũ của Công tố viên đặc biệt chưa liên lạc với ông.
Ông Mueller đã ra trát buộc ông Andrew Miller ra khai chứng trước đó trong năm nay, khiến ông này trở thành cộng sự thứ ba của ông Stone được xác định là đã được các nhà điều tra của ông Mueller liên lạc.
Luật sư của ông Miller đã tìm cách hủy trát buộc ra khai chứng. Tuy nhiên thách thức đó đã bị bác bỏ, và Chánh Thẩm phán Khu vực tư pháp liên bang thủ đô Washington, Beryl Howell, hôm thứ Sáu khép ông Miller vào tội khinh mạn nhưng hoãn thi hành sắc lệnh trong khi chờ ông kháng án, tờ Washington Post đưa tin.
Trong bản tin của mình, CNN dẫn lời luật sư của ông Credico cho biết ông sẽ chấp hành yêu cầu và sẽ ra khai chứng vào ngày 7 tháng 9.
Jason Sullivan, một chuyên gia mạng xã hội từng làm việc với ông Stone, đã ra khai chứng trước đại bồi thẩm đoàn. John Kakanis, một trợ lí và tài xế cho ông Stone, cũng đã bị buộc ra khai chứng.
Phạm vi điều tra của ông Mueller có thể có nghĩa là ông đang tập trung một phần vào việc liệu ông Stone có thể đã biết trước về những email gây tổn hại cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton hồi năm 2016 hay không. Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng những email này đã bị Nga đánh cắp và chuyển cho người sáng lập Wikileaks Julian Assange để công bố.
Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, một trong số các ủy ban của Quốc hội đang tiến hành các cuộc điều tra Nga, cũng đang điều tra vai trò của Wikileaks.
https://www.voatiengviet.com/a/phu-ta-cua-co-van-cho-trump-bi-khep-toi-khinh-man/4523762.html
Mỹ: Monsanto phải bồi thường 289 triệu đô la
cho một người làm vườn
Hôm qua, 10/08/2018, tòa án San Francisco đã ra phán quyết buộc tập đoàn hóa chất Monsanto phải bồi thường thiệt hại 289 triệu đô la cho một người làm vườn Mỹ mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, liên quan đến nhiều năm đã tiếp xúc khi sử dụng hóa phẩm diệt cỏ Roundup của hãng. Monsanto, mới được bán cho Bayer, thông báo sẽ kháng án.
Thông tín viên RFI, Eric De Salve tại San Francisco :
Tòa án San Francisco xử thắng hoàn toàn cho cho cựu nhân viên làm vườn trước nhà khổng lồ ngành hóa chất nông nghiệp. Các hội thẩm khẳng định đúng là trong nhiều năm ông Dwayne Jonhson phun Roundup, một “tác nhân chính” khiến người làm vườn mắc bệnh ung thư. Đúng là Monsanto đã biết được nguy hiểm của cất diệt cỏ và biểu lộ không thiện ý, theo tư pháp Mỹ.
Công ty phải trả 289,2 triệu đô la cho Dwayne Jonhson, người làm vườn 46 tuổi, hiện đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Ông Dwaybe Jonhson nói : « Tôi mừng được có mặt ở đây và có thể giúp được người khác sau khi đã phát hiện có vấn đề với Roundup. Vụ kiện này vượt ra ngoài trường hợp cá nhân tôi. Tôi hy vọng từ giờ trở đi mọi người có thể có sự lựa chọn đúng ».
Nhưng Monsanto dự định kháng án. Công ty vẫn quả quyết rằng Roundup vô hại. Theo ông phó chủ tịch tập đoàn Scott Partridge thì bồi thẩm đoàn đã sai lầm :
« Tất cả chúng tôi đều có nhiều cảm tình với ông Jonhson nhưng quyết định này không thay được nhiều bằng chứng khoa học và 40 năm Roundup được sử dụng khắp thế giới mà không gây nguy hiểm gì ».
Nhưng quyết định trên có nguy cơ trở thành án lệ ở Hoa Kỳ. Gần 4000 người mắc bệnh như Dwayne Johnson đã khởi kiện Monsanto.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180811-my-monsanto-phai-boi-thuong-289-trieu-do-la-cho-mot-nguoi-lam-vuon
Colombia yêu cầu Liên Hiệp Quốc cử đặc phái viên
để giải quyết khủng hoảng di dân Venezuela
Bogota – Ngoại Trưởng Colombia cho biết chính phủ họ sẽ yêu cầu Liên Hiệp Quốc cử một đặc phái viên tới, để điều phối viện trợ nhân đạo cho hàng trăm ngàn di dân Venezuela đang tràn vào các nước trong khu vực.
Theo Bộ Ngoại Giao Colombia, trong một 18 tháng qua, có hơn 1 triệu người dân Venezuela chạy sang Colombia. Họ muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn giữa lúc đất nước xã hội chủ nghĩa này gặp đang khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng, gây ra tình trạng thiếu thốn lương thực và thuốc men. Tân Ngoại Trưởng Carlos Holmes Trujillo, người vừa nhậm chức vào đầu tuần này, nói với phóng viên rằng ngoài việc đề nghị Liên Hiệp Quốc cử một đặc phái viên tới Colombia cho một hoạt động đa quốc gia, họ còn chú trọng vào việc tăng cường quỹ nhân đạo khẩn cấp, vì cuộc sống của người dân họ ngày càng gặp khó khăn hơn.
Trong thời gian qua, Colombia đã chi hàng triệu Mỹ Kim tiền viện trợ cho di dân Venezuela, bao gồm lương thực, nơi trú ẩn và chăm sóc y tế. Nhiều người xuất hiện ở biên giới Columbia chỉ với những gì họ có thể nhặt nhạnh được, và đa số thường không được ăn uống đầy đủ.
Hôm Thứ Tư 8/8, trong chuyến thăm thành phố biên giới Cucuta, Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley thông báo sẽ cấp thêm 9 triệu Mỹ Kim viện trợ cho Colombia để giúp họ giải quyết khủng hoảng di dân. (Mai Đức)
LHQ: Có báo cáo TQ biến Tân Cương
thành trại tập trung khổng lồ
Một ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng họ đã nhận được nhiều báo cáo khả tín cho hay 1 triệu người thuộc sắc dân Uighur ở Trung Quốc hiện đang bị cầm giữ ở một nơi giống như một “trại tập trung khổng lồ bí mật.”
Gay McDougall, một thành viên của Ủy ban Xóa bỏ Kì thị Chủng tộc, dẫn ra ước tính rằng 2 triệu người Uighur và những nhóm sắc dân thiểu số Hồi giáo bị cưỡng bức vào “các trại chỉnh huấn chính trị” ở khu tự trị Tân Cương ở miền tây.
“Chúng tôi hết sức lo ngại về nhiều báo cáo khả tín mà chúng tôi đã nhận được nói rằng, nhân danh việc chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và duy trì ổn định xã hội, (Trung Quốc) đã biến khu tự trị của người Uighur thành một nơi giống như một trại tập trung khổng lồ bí mật, một kiểu ‘vùng không nhân quyền,’” bà nói vào lúc khởi đầu đợt đánh giá thường xuyên kéo dài hai ngày về thành tích nhân quyền của Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong và Macau.
Trung Quốc nói Tân Cương đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ những kẻ chủ chiến Hồi giáo và những người chủ trương li khai Hồi giáo, khuấy động căng thẳng giữa người Hồi giáo Uighur thiểu số gọi nơi này là quê hương và người Hán đa số.
Một phái đoàn Trung Quốc khoảng 50 quan chức không bình luận gì về những phát biểu của bà tại phiên họp ở Geneva mà sẽ kéo dài đến thứ Hai, Reuters tường trình.
Các cáo buộc xuất phát từ nhiều nguồn, bao gồm nhóm tranh đấu Những Người Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc. Họ cho biết trong một báo cáo hồi tháng trước rằng 21 phần trăm tất cả các vụ bắt giữ được ghi nhận tại Trung Quốc vào năm 2017 là ở Tân Cương.
Trước đó, Du Kiến Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, nói Trung Quốc đang nỗ lực hướng tới sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc.
Nhưng bà McDougall nói rằng những người thuộc cộng đồng người Uighur và những người Hồi giáo khác bị coi là “kẻ thù của nhà nước” chỉ vì sắc tộc và tôn giáo của họ.
Hơn 100 học sinh sinh viên người Uighur trở về Trung Quốc từ các nước gồm Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giam giữ, với một số người chết trong khi đang bị câu lưu, bà nói.
Fatima-Binta Dah, một thành viên trong ủy ban, nhắc tới “việc giam giữ tùy tiện và hàng loạt gần 1 triệu người Uighur” và hỏi đoàn đại biểu Trung Quốc:
“Người Uighur ở Trung Quốc được hưởng tự do tôn giáo tới mức độ nào, có hình thức bảo vệ pháp lí nào để cho họ thực hành tôn giáo của mình?”
Các ủy viên cũng nêu ra các báo cáo về việc ngược đãi người Tây Tạng trong khu vực tự trị, bao gồm việc không cho sử dụng rộng rãi ngôn ngữ Tây Tạng trong lớp học và tại các thủ tục tòa án.
Giới kinh doanh Anh ủng hộ việc kiểm soát nhập cư
nhưng vẫn thuê người lao động ngoại quốc
Luân Đôn, Anh Quốc – Vào hôm Thứ Sáu 10 tháng 8, nhóm dẫn đầu các chủ kinh doanh ở Anh cho biết họ chấp nhận thủ tướng Theresa May áp đặt việc kiểm soát những công dân trong khối liên minh châu Âu EU đang làm việc tại Anh sau Brexit. Tuy nhiên, những luật nhập cư mới không thể cấm các công ty thuê nhân viên mà họ cần.
Liên đoàn công nghiệp Anh CBI đã nhận thức rõ sự lo lắng của những người bỏ phiếu bầu về việc nhập cư sau khủng hoảng Brexit. Phó tổng giám đốc CBI Josh Hardie cho biết việc tự do nhập cư đã kết thúc, và nước Anh cần một một kế hoạch kiểm soát. Tuy nhiên ông Josh Hardie cũng nhận định cho biết nước Anh cần phải mở cửa vì việc nhập cư rõ ràng đã mang đến những giá trị kinh tế cho nước Anh. Việc bắt buộc các công dân EU ghi danh khi đến Anh sẽ là bước tiến quan trọng giúp thiết lập hệ thống kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn cũng như nâng cao lòng tin của nhân dân.
Bên cạnh đó, người lao động địa phương cũng nên được ưu tiên làm việc do tỷ lệ thất nghiệp đang tăng. Chính quyền Anh đang cân nhắc các lựa chọn vừa kiểm soát biên giới đồng thời tiếp tục thu hút và duy trì những người lao động có thể đem lại lợi ích cho nước này.
Theo báo cáo, một nửa công nhân ngành xây dựng ở London không đến từ Anh. Trong các ngành tài chính ngân hàng có 17% người lao động đến từ EU và 11% đến từ các nước khác. Sau khi Anh rút khỏi EU, trong vòng 12 tháng tính đến tháng 3 năm nay, chỉ có 805 y tá và bà đỡ ghi danh làm việc cho các dịch vụ sức khỏe. Con số trên đã giảm mạnh so với 6,382 người cách đây một năm.
CBI cho biết việc di dân sẽ là một phần trong các cuộc trao đổi thương mại tương lai giữa Anh với các nước trên thế giới nhằm mở rộng những thị trường mới. (Mộc Miên)
Hòa Lan: Nữ Nghị Viên Tự Sát
Sau Khi Tung Video Bị Hãm Hiếp
THE HAGUE – Bà Willie Dille, nghị viên 53 tuổi tại HĐ thành phố The Hague, đại diện của Freedom Party chủ trương hạn chế di trú, đã tự sát.
Trước đó, bà phóng lên mạng xã hội video về 1 vụ cưỡng hiếp tập thể của băng đảng Hồi Giáo mà bà là nạn nhân. Vụ này có ý nghĩa hù dọa.
Bà Dille tự kết liễu mạng sống hôm Thứ Tư, 2 ngày sau khi chia sẻ video cưỡng hiếp.
Hơn 1 năm trươc, bà bị bắt cóc và bị cưỡng hiếp.
Bà từng là dân biểu QH năm 2010 đến 2012 và sau trở lại ghế nghị viên tại HĐ thành phố The Hague.
Trong video phát hôm Thứ Hai, bà cho biết: băng đảng Hồi Giáo nhắn tin đòi bà giữ im lặng tại nghị trường – mới đây, bà nhận tin nhắn dọa cắt cổ. Bà thú nhận: sợ con cái bị hại.
Cảnh sát xác nhận có video của nghị viên Dillie đưa lên mạng ngày 6 và ngày 8-8.
Trong video, Dille được cho là đã đăng lên trang mạng vào đầu ngày, bà cho rằng cựu dân biểu quốc hội Arnoud van Doorn — người không thích bà — đã ra lệnh tấn công.
Tuy nhiên, Van Doorn dã bác bỏ vụ tấn công còn tranh cãi và nói rằng ông đang cân nhắc các chọn lựa pháp lý sau khi tên ông được nêu ra.
https://vietbao.com/p119a284263/hoa-lan-nu-nghi-vien-tu-sat-sau-khi-tung-video-bi-ham-hiep
Syria : Nga triển khai quân
sát khu phi quân sự Golan
Quân đội Nga đã triển khai một đồn quan sát gần khu vực phi quân sự ở cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng năm 1967. Theo phía Nga hôm nay 11/08/2018, biện pháp này nằm bảo vệ an ninh cho thường dân.
Từ Beyrouth, thông tín viên RFI Paul Khalifeh tường trình :
Ban đầu quân cảnh Nga dự kiến đặt 8 đồn canh bên phía do Syria kiểm soát gần đường biên giới ở Golan, thuộc tỉnh Quneitra. Những chiếc xe của lực lượng Mũ Xanh, với các sĩ quan và quân nhân Nga và Syria đã đi vào vùng đệm, thăm các căn cứ cũ của lực lượng Liên Hiệp Quốc tại Quneitra và các làng lân cận.
Một đội quân của Liên Hiệp Quốc đã được triển khai tại vùng này từ năm 1974, để giám sát việc rút quân của Syria và Israel sau cuộc chiến 1973. Lực lượng này đã được rút đi vào thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng Syria, sau vụ mấy chục lính Mũ Xanh bị quân nổi dậy bắt cóc. Quân Liên Hiệp Quốc chỉ quay lại hồi tháng Bảy, sau khi quân chính phủ Syria tái chiếm toàn bộ tỉnh Deraa và Quneitra.
Các nguồn tin Syria khẳng định 300 quân cảnh Nga đã được đưa đến xung quanh vùng đệm. Về mặt chính thức, mục tiêu của việc này là nhằm « bảo đảm an ninh cho thường dân ở Quneitra », theo đại tá Viktor Zaïtsev, nhân vật số hai của lực lượng quân cảnh Nga ở Syria.
Tuy nhiên động thái này còn nhằm trấn an Israel, vốn lo ngại các chiến binh Hezbollah ở Liban và quân đội Iran tiến quá gần Golan, được Israel chiếm đóng năm 1967 và đơn phương sáp nhập vào năm 1981.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180811-syria-nga-dua-quan-den-sat-khu-phi-quan-su-golan
Nga: Trừng phạt của Mỹ là ‘tuyên chiến kinh tế’
Nga xem bất kỳ động thái nào của Mỹ trong việc hạn chế hoạt động của các ngân hàng Nga hoặc các giao dịch ngoại tệ của họ là tuyên bố chiến tranh kinh tế, Business Insider dẫn lời Thủ tướng Dmitry Medvedev nói hôm 10/8.
Trước đó hai ngày, Mỹ công bố một vòng trừng phạt mới nhắm vào Nga vì cho rằng Moscow đứng sau vụ đầu độc điệp viên nhị trùng người Nga ở Anh. Lên tiếng hôm 10/8, Tòa Bạch Ốc lên án mạnh mẽ việc Nga sử dụng vũ khí hóa học trong vụ đầu độc.
“Vụ tấn công ông Sergei và cô Yulia Skripal tại Salisbury, Vương quốc Anh, vào ngày 4/3/2018, là hành động khinh thường chuẩn mực chung về vũ khí hóa học”, một phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc email cho Reuters.
Một dự thảo riêng khác cũng đã được đề xuất vào tuần trước, trong đó các thượng nghị sĩ lưỡng đảng yêu cầu hạn chế các hoạt động của nhiều ngân hàng nhà nước Nga tại Mỹ và trong việc sử dụng đồng đôla.
Sau khi Mỹ tuyên bố vòng trừng phạt mới, đồng rúp của Nga đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm, tạo ra tình trạng bán tháo vì lo ngại Nga sẽ mắc kẹt trong một vòng xoáy trừng phạt không hồi kết.
Thủ tướng Medvedev nói Moscow sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế, chính trị, hoặc các biện pháp khác đối với Hoa Kỳ nếu Washington tiếp tục nhắm vào các ngân hàng Nga.
“Tôi không muốn bình luận về các cuộc đàm phán các lệnh trừng phạt trong tương lai, nhưng tôi có thể nói một điều: Nếu lệnh cấm hoạt động của ngân hàng hoặc việc sử dụng tiền tệ khác diễn ra, thì rõ ràng có thể gọi đó là một tuyên bố chiến tranh kinh tế”, Business Insider dẫn lời ông Medvedev nói.
Hiện chưa rõ số phận của dự thảo này như thế nào.
Quốc hội Hoa Kỳ đang nghỉ hè cho đến tháng chín mới nhóm họp trở lại. Phụ tá của các nghị sĩ Quốc hội nói họ không nghĩ dự thảo sẽ được thông qua toàn bộ.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-trung-phat-cua-my-la-tuyen-chien-kinh-te/4523311.html
Cảnh báo khủng hoảng lương thực ở Triều Tiên
Một đợt nóng ở Triều Tiên khiến lúa, bắp và các cây lương thực khác khô héo trên đồng ruộng, “với những ảnh hưởng có thể là thảm khốc,” Liên đoàn Chữ Thập Đỏ Quốc tế và Liên hội Trăng Lưỡi liềm Đỏ (IFRC) cho biết hôm thứ Sáu.
Mạng lưới cứu trợ thiên tai lớn nhất thế giới này cảnh báo về nguy cơ một cuộc “khủng hoảng an ninh lương thực toàn diện” ở quốc gia bị cô lập này, nơi mà nạn đói vào giữa những năm 1990 đã giết chết tới ba triệu người. Họ nói tình hình đáng lo ngại đã trở nên trầm trọng hơn do các chế tài quốc tế được áp đặt vì chương trình hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên.
Trong một thông cáo được đưa ra tại Geneva, IFRC cho biết đã không có mưa kể từ đầu tháng 7 khi nhiệt độ tăng lên mức trung bình 39 độ C trên cả nước. Đợt mưa kế tiếp dự kiến là vào giữa tháng 8.
Dân số 25 triệu người của Triều Tiên đã chịu sức ép và dễ bị tổn thương với tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em có thể trầm trọng hơn, khiến chúng chậm phát triển.
“Tình hình chưa được xếp loại là hạn hán, nhưng lúa, bắp và các cây lương thực khác đang khô héo trên đồng ruộng, với những ảnh hưởng có thể là thảm khốc đối với người dân CHDCND Triều Tiên,” Joseph Muyamboit, giám đốc chương trình của IFRC ở Bình Nhưỡng nói.
“Chúng ta không thể và không được để cho tình trạng này trở thành một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn diện. Chúng ta biết rằng những đợt khô hạn nghiêm trọng trước đây đã làm gián đoạn nguồn cung ứng thực phẩm đến mức nó gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và tình trạng suy dinh dưỡng trên toàn quốc.”
Triều Tiên tuần trước kêu gọi một “trận chiến toàn diện” chống lại đợt nóng kỉ lục đe dọa cây lương thực, nhắc tới một “thiên tai chưa từng thấy.”
Hạn hán và lũ lụt từ lâu đã là một mối đe dọa theo mùa ở Triều Tiên, nơi thiếu các hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng khác để tránh thiên tai.
https://www.voatiengviet.com/a/canh-bao-khung-hoang-luong-thuc-o-trieu-tien/4523727.html
Chiến tranh thương mại :
Báo chí Trung Quốc trấn an người dân
Để trả đũa đợt tăng thuế thứ hai của Hoa Kỳ, Bắc Kinh thông báo đáp trả mức thuế tương đương đối với hàng Mỹ. Ngày 11/08/2018, truyền thông Nhà nước Trung Quốc tiếp tục chỉ trích quyết định leo thang trong cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ, đồng thời cố trấn an người dân về nền kinh tế vững mạnh của Trung Quốc.
Trong bài xã luận đăng ngày 08/08, Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, trấn an rằng căn cứ vào kinh nghiệm quá khứ, « Chúng ta đã vượt qua được mọi rào cản về kinh tế và quân sự của chủ nghĩa đế quốc ».
Dù không nêu đích danh tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhân Dân Nhật Báo lên án « một số người, vì quyền lợi riêng, hành động đi ngược với xu thế, đi ngược đạo đức, tự ý dựng lên các rào cản thuế quan… Nhưng cuối cùng, họ sẽ tự bắn vào chân mình ».
Để trấn an người dân, bài xã luận nêu số liệu mới nhất về tăng trưởng của Trung Quốc, sức mua của người dân và tỉ lệ thất nghiệp giảm, đồng thời khẳng định « Không sóng gió nào có thể ngăn Trung Quốc hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn ».
Theo phân tích của tờ Lianhe Zaobao ở Singapore, « trong bối cảnh hậu quả của cuộc chiến thương mại không thể đoán trước được, và nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, truyền thông nhà nước dồn dập lên tiếng để lên tinh thần và gửi tính hiệu mạnh nhằm mục đích ổn định công luận ». Còn theo một số người sử dụng internet Trung Quốc, xã luận của Nhân Dân Nhật Báo là lời kêu gọi người dân « thắt lưng buộc bụng » trong thời gian tới.
Vẫn trên Nhân Dân Nhật Báo, được Reuters trích dẫn ngày 11/08, thứ trưởng Nông Nghiệp Trung Quốc Hàn Tuấn (Han Jun) tuyên bố nếu chiến tranh thương mại xảy ra, nhiều nước « hoàn toàn có khả năng thay thế nông phẩm Mỹ trên thị trường Trung Quốc ». Ông cũng cho rằng mức thuế mới của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ có tác động « rất hạn chế », đồng thời cảnh báo nếu chiến tranh thương mại leo thang, chính lĩnh vực nông nghiệp Mỹ mới bị thiệt hại.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180811-chien-tranh-thuong-mai-bao-chi-trung-quoc-tran-an-nguoi-dan