Giấc mộng của Tập Cận Bình

Cac Bai Khac

No sub-categories

Giấc mộng của Tập Cận Bình

Giải túc cầu World Cup được tổ chức tại Nga năm nay bắt đầu từ ngày 14 Tháng 6 và kết thúc ngày 15 Tháng 7 – kéo dài đúng một tháng – được phỏng đoán có khoảng 3 tỷ người trên thế giới theo dõi trên truyền hình. Mặc dù giải World Cup kết thúc đã hơn một tuần lễ nhưng âm hưởng của nó vẫn còn đậm đà và nhiều người hâm mộ trên khắp thế giới cho đến nay còn đang tỏ ra tiếc nuối và thèm thuồng vì coi chưa đã.
giac-mong-cua-tap-can-binh

Tập Cận Bình đá bóng trong chuyến thăm Croke Park Ireland năm 2012 – nguồn Quartz

Trong số những người thèm thuồng tiếc nuối World Cup chắc hẳn cũng có vài triệu người dân Trung Quốc. Và trong số vài triệu người Trung Quốc đó có lẽ có cả ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, sự thèm muốn của ông Tập Cận Bình có lẽ không phải là được coi thêm những trận World Cup. Với công việc bận rộn hàng ngày của ông thì may ra ông Tập coi được một vài trận. Sự thèm muốn của ông Tập là ở chỗ khác, nó to lớn hơn sự thèm muốn của những người hâm mộ đá banh bình thường – ta có thể gọi đó là giấc mộng của Tập Cận Bình – là một ngày nào đó Trung Quốc được đứng ra tổ chức World Cup và đội tuyển quốc gia của họ thắng cúp vô địch World Cup.

Tập Cận Bình là người mê túc cầu từ nhỏ và niềm yêu thích môn thể thao này đến nay có lẽ vẫn không suy giảm. Có lần đến thăm viếng chính thức Anh Quốc, người ta sắp xếp để ông được chụp hình bên cạnh cầu thủ David Beckham và một số ngôi sao đá banh khác, và ông đã không thèm giấu diếm niềm vui này. Khi đến Ireland, tình cờ trông thấy trái bóng của ai đó để trên sân, ông bèn đưa chân đá vài đường biểu diễn. Ðương nhiên là màn biểu diễn banh của ông Tập được ống kính của các phóng viên ghi nhận lại từng chi tiết và sau đó đã được cơ quan truyền thông của nhà nước loan tải đi khắp nơi cho thấy hình ảnh một Tập Cận Bình rất bình dân, hoà đồng và cũng mê đá banh như bao nhiêu tỷ người dân khác trên thế giới. Tháng 9 năm 2016, ông Tập trở lại thăm ngôi trường cũ ở Bắc Kinh – nơi ông từng chơi đá banh và trở thành một người hâm mộ bộ môn này – đã trò chuyện một lúc với các cầu thủ của trường. Ông khoe với các em: “Các cháu thấy bác khoẻ mạnh chưa, ấy là nhờ bác chơi thể thao khi còn trẻ đấy.”

Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2013, Tập Cận Bình đã công khai bày tỏ tham vọng của ông là đưa Trung Quốc lên vị trí là một cường quốc trên thế giới trong một ý nghĩa bao quát của nó. Cũng như tham vọng bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong lãnh vực kinh tế và chính trị thế giới, một điều tự nhiên là môn túc cầu, môn thể thao lớn nhất trên thế giới, cũng nằm trong một phần kế hoạch bành trướng ảnh hưởng đó của Tập.

Người hâm mộ túc cầu ở Trung Quốc từ lâu đã say mê môn thể thao này; nhiều trận đấu được chiếu trên truyền hình Trung Quốc đã cuốn hút được hàng trăm triệu người theo dõi. Nhưng các đội bóng câu lạc bộ và thậm chí kể cả đội tuyển quốc gia của họ chơi rất làng nhàng, (mặc dù đội tuyển nữ của họ từng về nhì ở giải World Cup nữ 1999, thua Hoa Kỳ trong trận chung kết) và các chính quyền trước đây cũng đã không tỏ ra mấy quan tâm đến môn này.

Nhưng ông Tập đang tìm cách thay đổi tình trạng trì trệ đó, và vào năm 2015, ông đưa ra lời tuyên bố rằng “hy vọng lớn nhất của tôi đối với túc cầu Trung Quốc là đưa Trung Quốc lên thành một trong những đội mạnh nhất trên thế giới.”

Những mục tiêu ông đưa ra cho nền túc cầu Trung Quốc được cho là một tham vọng rất lớn. Trong suốt chiều dài lịch sử 88 năm của giải World Cup, đội tuyển Trung Quốc chỉ được tham dự đúng một lần vào năm 2002 và đã không ghi được một điểm làm bàn nào trong cả ba trận ở vòng bảng trước khi bị loại. Hiện đội tuyển Trung Quốc đang được xếp hạng 75 trên thế giới, thậm chí bị đứng hai bậc sau cả Syria, quốc gia bị chiến tranh tàn phá trong gần chục năm qua.

giac-mong-cua-tap-can-binh2

Trường đào tạo môn túc cầu Hằng Đại – nguồn pioneersports.cn

Mặc dù với thành tích hết sức mờ nhạt của môn túc cầu Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ quyết tâm là sẽ bằng mọi giá để thay đổi chiều hướng này. Chính quyền trung ương đã soạn hẳn một kế hoạch dài hạn từ trên xuống dưới để tái tạo và phát triển nền túc cầu tương lai của Trung Quốc. Một kế hoạch gồm 50 điểm đưa ra năm 2016 nhằm “cải thiện tình trạng sức khoẻ của người dân Trung Quốc, làm phong phú đời sống văn hoá, khuyến khích tinh thần ái quốc và tập thể, vun trồng văn hoá thể thao, và phát triển ngành kỹ nghệ thể thao.”

Kế hoạch trên còn tuyên bố: “Ðây là bước quan trọng để hiện thực hoá giấc mộng trở thành một cường quốc thể thao” – và kêu gọi đến năm 2020 sẽ có 50 triệu người dân Trung Quốc thường xuyên chơi đá bóng.

Ðể tổ chức thành công một giải World Cup, Trung Quốc dư có khả năng và tiền bạc. Ðể thắng cúp vô địch World Cup là chuyện gần như đội đá vá trời nếu biết được trong chiều dài gần một thế kỷ của giải World Cup, chỉ có 8 quốc gia là từng nâng được chiếc cúp vô địch này: Uruguay, Ý, Ðức, Brazil, Anh, Argentina, Tây Ban Nha và Pháp. Một cường quốc túc cầu như Tây Ban Nha mới chỉ thắng được một lần; trong khi một cường quốc khác là Hoà Lan, vào chung kết ba lần và thua cả ba.

Túc cầu Trung Quốc trong nhiều năm qua bị chìm ngập trong nhiều vấn đề như tham nhũng, điều hành yếu kém và hàng loạt những thất bại khác. Năm 2009, một loạt những vụ gian lận trong nhiều trận đấu bóng bị phanh phui đã làm rung chuyển nền túc cầu trong nước, và mặc dù chính quyền trung ương sau đó đã ra sức quyết tâm dẹp cho sạch những bê bối trên, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia về thể thao cho biết, tình trạng gian lận đến nay vẫn còn, tuy không quá lộ liễu như trước kia nữa. Mấy năm qua, ông Tập Cận Bình đã cho phát động chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” – hổ thì bắt được vài con, nhưng ruồi lớn ruồi bé thì còn rất nhiều là vì tham nhũng đã thành hệ thống ở Trung Quốc, len lỏi vào từng ngõ ngách, từ cấp chính quyền trung ương tới địa phương, từ lãnh vực kinh doanh đến thể thao.

Nhiều giới chức thể thao còn nghĩ rằng để sửa đổi túc cầu cũng giống như sửa đổi kinh tế – họ muốn gặt hái thành công thật nhanh, thật hào nhoáng và đổ vào rất nhiều tiền. Sau khi phát động kế hoạch cải cách túc cầu từ trung ương, liên đoàn túc cầu Trung Quốc đã bỏ tiền để tìm cách mua các cầu thủ từ châu Âu và Nam Mỹ cho các câu lạc bộ với những hợp đồng lên tới $40 triệu một năm, là mức lương cao nhất cho bất kỳ cầu thủ đá banh nào trên thế giới. Có câu lạc bộ còn đề nghị trả cho siêu sao Cristiano Ronaldo $105 triệu một năm, nhưng đã bị cầu thủ này từ chối.

Ngoài ra, theo lệnh của Tập Cận Bình, đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có 50,000 trường học với chương trình đào tạo túc cầu hẳn hoi, nâng con số từ 5,000 trong năm 2015. Ðến cuối năm 2020, tổng số các sân đá banh trong nước sẽ tăng lên hơn 70,000, nâng con số từ dưới 11,000 như hiện nay.

giac-mong-cua-tap-can-binh1

Bảng so sánh chi phí mua cầu thủ của các liên đoàn túc cầu mùa Đông 2016 – nguồn Forbes.com

Một trong những trường nội trú đào tạo đá banh nổi tiếng ở Trung Quốc là Hằng Ðại Túc cầu Học giáo (Evergrande Football School), trường đào tạo lớn nhất thế giới, với 48 sân banh, hơn 20 toà nhà và chỗ ăn ở cho 2,800 học sinh. Ngoài số nhân viên và giáo viên của trường là 456 người, còn có hơn 100 huấn luyện viên Trung Quốc và 22 huấn luyện viên người Tây Ban Nha.

Nhưng theo nhận định của một số huấn luyện viên Tây Ban Nha làm việc cho trường Hằng Ðại từ khi trường này mở cửa vào năm 2012 thì mục tiêu trở thành cường quốc túc cầu thế giới của Trung Quốc vào năm 2050 có thể không thực tế. Một trong những thử thách lớn mà túc cầu Trung Quốc cần phải vượt qua là làm sao thay đổi được quan niệm và thói quen trong cuộc sống của các em nhỏ nói riêng, và của xã hội Trung Quốc nói chung. Chính quyền Trung Quốc cho thực hiện chính sách một con trong nhiều thập niên qua, và vì vậy mỗi gia đình ở Trung Quốc chỉ có một con, và nếu là con trai thì các em còn được gia đình đặt rất nhiều kỳ vọng. Ở nhà thì bị áp lực từ gia đình, ở trường thì chịu áp lực từ các thầy cô, và các em chỉ được dạy dỗ để làm sao trở thành một cá nhân xuất sắc nhất, nhưng lại không được dạy dỗ trong sự cộng tác làm việc chung và quan tâm đến người khác. Lối giáo dục này có thể mang lại thành công ở những môn thể thao cá nhân, nhưng không áp dụng được cho túc cầu và những môn thể thao toàn đội.

Các em lại sống rất khép kín, không có tinh thần tập thể. Trong thời gian đầu, các huấn luyện viên Tây Ban Nha lấy làm lạ là mỗi lần đá được vào gôn các em vẫn không tỏ ra vui mừng, lại tiếp tục chơi và làm như không có chuyện gì xảy ra. Nếu trong một trận đấu bị thua với tỷ số 20-1 thì các em cũng không mấy quan tâm, miễn sao là mình đá vào gôn trái làm bàn duy nhất đó.

Hơn nữa, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc chỉ mong sao các con của họ chuyên tâm học hành và không khuyến khích các em chơi thể thao, nghĩa là các em chịu sự dẫn dắt theo ý nguyện của cha mẹ và không được tự do để theo đuổi giấc mơ riêng của mình.

Ðể thay đổi những quan niệm cũ này là một điều rất khó. Và đó chính là những lý do vì sao Trung Quốc với dân số 1.3 tỷ người mà đến nay vẫn chưa đào tạo được một đội tuyển có đủ khả năng đại diện khu vực Á châu để tranh giải World Cup. Ðể trở thành một cường quốc túc cầu là chuyện xa vời chưa chắc sẽ đạt được như giấc mộng của Tập Cận Bình.

Vũ Hiến – July 30, 2018