Hội nghị Bắc Đới Hà (Beidaihe) – một kỳ hội họp không chính thức thường niên của các lãnh đạo chóp bu Trung Quốc, đang nắm quyền và đã về hưu – thường được coi là một sự kiện chính trị rất quan trọng. Bắc Đới Hà là tên gọi một địa điểm nghỉ mát bên bờ biển thuộc tỉnh Hà Bắc (Hebei), cách Bắc Kinh khoảng 300 cây số về phía đông. Hội nghị của giới chóp bu Trung Quốc thường diễn ra tại đây vào dịp cuối tháng Bảy và trong tháng Tám.
Năm nay, truyền thông chính thức Trung Quốc cho biết, ngày thứ Bảy tuần trước 04/08/2018, 62 khách mời, gồm các chuyên gia, trí thức, đã đến Bắc Đới Hà, và được các lãnh đạo đảng đón tiếp. Điểm khác thường năm nay là người đón tiếp họ thuộc cấp bậc thấp hơn so với những năm trước. Cụ thể là phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), một người không thuộc ban thường vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) (1), người được coi là kế nhiệm cương vị phụ trách tư tưởng của đảng, đáng ra theo lệ phải có mặt, cũng không xuất hiện trong dịp này.
Theo các nhà quan sát, kể từ khi tìm cách thâu tóm toàn bộ quyền lực trong tay, ông Tập Cận Bình có xu hướng hạ thấp vai trò của dịp hội họp không chính thức này, nhưng rất có thể lần hội nghị này, ông Tập sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong nội bộ, đặc biệt từ giới lãnh đạo về hưu, nhưng vẫn còn duy trì được ảnh hưởng. Nhiều nguồn tin cho biết, cho dù không ưa gì nhau, hai cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất quan điểm. Hai ông Giang, Hồ cùng cựu thủ tướng Chu Dung Cơ tỏ ra không tin tưởng vào ban lãnh đạo hiện nay.
Bộ Chính Trị họp khẩn, Vương Nghị đột ngột thay đổi
Báo Nhật Nikkei Asean Review cho biết một cuộc họp Bộ Chính Trị bất thường của đảng Cộng Sản Trung Quốc được tổ chức ngay trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà, để khẩn cấp bàn biện pháp đối phó với Mỹ, được ông Tập Cận Bình triệu tập chỉ hai ngày sau khi kết thúc vòng công du dài từ châu Phi trở về. Nikkei Asean Review ví thông báo của chính quyền Trump, sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ngay trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà, như « một trái bom ». Cùng với mức thuế nghiệt ngã này, bộ Thương Mại Mỹ cũng thông báo đưa 44 doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến quân sự, vào danh sách kiểm soát chặt.
Báo Nhật cũng ghi nhận phản ứng bất thường của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi). Trong cuộc gặp đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo tại Singapore, bên lề Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ngày 03/08, ngoại trưởng Trung Quốc tỏ thái độ mềm mỏng, khi khẳng định các bất đồng thương mại Mỹ-Trung cần được giải quyết thông qua thương lượng. Tuy nhiên, ít giờ sau, khi trở lại Bắc Kinh, sau khi bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc tuyên bố đang chuẩn bị trả đũa với 60 tỉ đô la hàng Mỹ, thì ông Vương Nghị như trở thành một con người khác hẳn. Trả lời báo chí Trung Quốc, ông Vương tỏ ra hết sức cứng rắn : « Nếu Hoa Kỳ tấn công, chúng tôi sẽ không lùi bước ».
Sự thiếu thống nhất giữa các phát ngôn và sự thay đổi đột ngột nói trên dường như cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang rất lúng túng trong việc tìm ra được một quan điểm nhất quán trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, đang diễn biến khó lường.
Lãnh tụ không toàn năng, đối thủ trong đảng trỗi dậy
Xét trên nhiều mặt, quyền lực của ông Tập Cận Bình dường như trong hiện tại vững chắc hơn bao giờ hết.
Trong kỳ họp Quốc Hội tháng 3 vừa qua, ông Tập đã nhận được sự ủng hộ « tuyệt đối ». Tập Cận Bình vốn vừa là tổng bí thư, vừa là chủ tịch nước. Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào điều lệ đảng, tức đặt ông Tập ngang hàng với Mao Trạch Đông. Hiến pháp Trung Quốc nay được sửa đổi, mở ra khả năng Tập Cận Bình nắm quyền đến mãn đời, sau khi thời hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch theo lệ thường, kéo dài đến 2023 chấm dứt.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ vừa bùng lên, lãnh đạo tối cao Trung Quốc đang lâm vào thế bị động. Cho đến nay, kể từ sau cuộc hội kiến Trump -Tập, tháng 4/2027, chính quyền Bắc Kinh vẫn chủ trương tìm kiếm một quan hệ ổn định với Washington. Trong giới học giả Trung Quốc, nhiều người cho rằng hệ thống tuyên truyền của chế độ đã quá ngạo mạn, Bắc Kinh đánh giá quá thấp đối thủ, lẽ ra Tập Cận Bình phải chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến thương mại với Washington. Sự lúng túng của chính quyền Tập Cận Bình để ngỏ cơ hội cho nhiều tiếng nói chỉ trích trong nội bộ.
Chính tại hội nghị Bắc Đới Hà, ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với những phê phán nhắm vào một vấn đề hệ trọng khác, đó là « nạn sùng bái cá nhân ». Đây cũng là điều mà về mặt nguyên tắc, bị cấm theo điều lệ đảng. Theo Nikkei, việc phe cánh ông Tập đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào cương lĩnh của đảng và sau đó là việc Quốc Hội Trung Quốc bị đặt vào thế phải bỏ phiếu thông qua sửa đổi Hiến pháp, cho phép Tập Cận Bình nắm quyền mãn đời, với rất ít phản đối, đã không được thảo luận tại hội nghị Bắc Đới Hà vào năm trước.
Nhiều nhân vật cao cấp trong đảng, không thuộc phe ông Tập, cảm thấy bị loại trừ. Theo một đảng viên kỳ cựu ở Thượng Hải, « cho dù ông Tập chủ ý thâu tóm toàn bộ quyền lực, hay bị đẩy vào thế phải làm như vậy, do các áp lực từ phía đối thủ, thì rõ ràng vấn đề chính trị nội bộ của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã trở thành đối tượng quan tâm của toàn thế giới ».
Nhiều nhà quan sát cho rằng việc ông Tập Cận Bình thâu tóm toàn bộ quyền lực, thậm chí không để ngỏ khả năng cho một người kế nhiệm thực sự xuất hiện, có thể là một thế mạnh, trong một xã hội « ổn định », nằm dưới sự điều khiển toàn diện của đảng. Thế nhưng, trong cuộc chiến thương mại căng thẳng với Hoa Kỳ hiện nay, vị thế lãnh đạo tối cao của Tập Cận Bình lại biến ông Tập thành một người dễ tổn thương, do những hệ quả khôn lường về kinh tế, mà chế độ cộng sản không tài nào kiểm soát hết.
Giáo sư luật : Chế độ Trung Quốc đang « toàn trị hóa »
Trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà, công luận Trung Quốc đặc biệt chú ý đến tiếng nói chỉ trích của giáo sư luật Đại học Thanh Hoa, ông Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), trong một bài viết dài khoảng 10 nghìn chữ, được công bố ngày 24/07/2018 (2).
Trong bài viết với tựa đề « Những lo sợ và hy vọng của chúng tôi » (tạm dịch là « 8 nỗi sợ và 8 niềm hy vọng »), nhà luật học Trung Quốc đã phê phán một cách hệ thống chính sách của ông Tập Cận Bình, từ khi lên nắm quyền đến nay. Từ việc bóp nghẹt tự do ngôn luận, đàn áp trí thức, đoạn tuyệt với cải cách, chống tham nhũng nhưng không đụng đến các đặc quyền của đảng, cổ vũ thói sùng bái cá nhân lãnh đạo, cho đến chính sách đối ngoại gây hấn, thúc đẩy chiến tranh lạnh. Giáo sư Hứa Chương Nhuận cũng yêu cầu chính quyền Trung Quốc minh bạch về vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.
Cho dù những điều luật gia Trung Quốc viết ra có thể không có gì mới mẻ với nhiều người, nhưng bài viết cô đúc và khẩn thiết của giáo sư Hứa Chương Nhuận như một tiếng sét, trong bầu không khí im ắng của giới trí thức Trung Quốc, sau một thời gian dài bị chính quyền đàn áp, truy bức.
Ghi chú
1. Theo Reuters, ông Vương Hỗ Ninh bị nhiều người trong đảng chỉ trích đã chủ trương lập trường dân tộc chủ nghĩa cực đoan, khiến quan hệ với Washington ngày càng căng thẳng. Xem thêm : « Kiến trúc sư của ‘‘tư tưởng Tập Cận Bình’’ bước ra sân khấu » (RFI, 26/10/2017).
2. Xem bài « 8 nỗi sợ và 8 niềm hy vọng », cùng bản dịch và chú giải bằng tiếng Anh của nhà Hán học Geremie R. Barmé, trên trang mạng chinaheritage.net.